Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Tôi làm báo...N.H.Tảo


CHS. NGUYỄN HỮU TẢO
Đệ thất 2 – Khóa 1966-1970
Trường : THTP- QTrị
Quê: An Cư, Triệu Phước, TP, QT
Hiện ở : Phường 3, TX. Quảng Trị
Điên thoại : 0914197845
TÔI LÀM BÁO, LÀM DIỄN VIÊN

Tôi vào học lớp Đệ thất 2 (lớp 6 bây giờ) Trường Trung học Triệu Phong khoá 1966- 1970. Là học sinh nghèo ở làng quê xa xôi nên người tôi đen điu, tóc hớt ngắn như đầu cạo trọc mới mọc tóc lại, áo quần thì không đồng phục, đi dép cao su 4 quai thật chẳng giống ai. Có lẽ vì thế mà người tôi sinh ra thủ phận, rụt rè và ít nói.
Trong lớp, tôi được bố trí ngồi hàng đầu. Ngồi học, tôi không dám nhìn lui; mỗi khi nghe các bạn gái ngồi bàn sau bụm miệng cười thì cứ nghĩ là họ đang cười chọc quê mình! Có điều tôi học rất chăm nên các bạn cũng nể.
Bước sang năm Đệ lục (lớp 7), tôi đã biết trau chuốt, chăm sóc bản thân mình nên xem ra người cũng dễ coi, nhưng cái tính ít nói vẫn chưa có gì tiến bộ nên bạn bè ít hiểu về mình.
Năm lên Đệ ngũ (lớp 8), nhân dịp đón Xuân mới Kỷ Dậu, nhà trường tổ chức ra tập san mừng Xuân và kêu gọi thầy cô giáo cũng như học sinh toàn trường viết bài tham gia. Thích chí, tôi đã viết chuyện vui “Khỉ - Gà chia tay” (Mậu thân- năm con khỉ đã qua, Kỷ dậu – năm con gà đã đến). Bài viết của tôi được ban biên tập chọn đăng. Hay tin tôi có bài viết được đăng ở tập san của trường, bạn bè lấy làm ngạc nhiên nhưng cũng nể phục. Năm lên Đệ, ( đây là năm học cuối cùng của một cấp học gọi là Trung học Đệ nhất cấp) thì tên gọi của cấp lớp đã đổi: Lớp Đệ Tứ thì đổi thành lớp 9. Khối 9 của tôi đang học có 2 lớp – Chín A và Chín B. Hai lớp chúng tôi đua nhau học để thi tốt nghiệp ra trường.
Chuẩn bị kết thúc năm học, nhà trường có kế hoạch tổ chức cắm trại và một đêm hội diễn văn nghệ. Một buổi sáng, tôi đang ngồi học trong lớp, thầy giáo Nguyễn Văn Quang (dạy lớp chúng tôi môn Quốc văn) bước vào lớp, đi thẳng đến bàn giáo viên và nói nhỏ điều gì đó với cô giáo đang dạy. Đến giờ dạy của thầy, thầy vào lớp, chào mọi người rồi kéo ghế ngồi sát bàn đầu. Thầy không mở cặp lấy giáo án mà ngồi bắt chéo chân, mắt nhìn xa xăm và bắt đầu giảng bài, nhất là phần bình luận về tác phẩm đã khơi gợi cho cả lớp tự liên hệ về bài học làm người. Rồi đột nhiên thầy quay lại nhìn cả lớp và nói: “ Em Nguyễn Hữu Tảo, chiều nay đúng 14 giờ có mặt tại trường để tập văn nghệ”. Cả lớp mở to mắt, ngạc nhiên nhìn tôi và cười ra vẻ chế nhạo! Chắc họ nghĩ cái thằng như tôi ù ù, cạc cạc, ít nói, nhỏ con mà thầy giáo gọi đi tập văn nghệ của trường! Chuyện động trời, không biết thầy có gọi lộn không? Còn tôi thì lại nghĩ: Thầy Quang ở cùng một làng với mình, ngày thầy còn đi học ở tỉnh, cứ 3 tháng nghỉ hè, thầy về làng mở lớp dạy thêm ở nhà, tôi cũng đến học thêm và thường hay làm hề gây cười trong lớp. Có lẽ vì thế mà bây giờ thầy biết mình và giới thiệu vô đội văn nghệ của trường. Nghĩ cũng lo lo, run run và hồi hộp…Chiều hôm ấy đội văn nghệ nam, nữ tập trung khá đông. Thầy Quang vào phòng, hai tay chắp sau lưng đi đi, lại lại mấy lần rồi thầy quay lại gọi hai nam, một nữ, trong đó có tôi để đi tập kịch. Vở kịch thầy viết có nhan đề: Mừng sinh nhật ông chủ. Đấy là một tiểu phẩm vui cười, châm biếm. Đại ý: Ông chủ có cô con gái xinh đẹp đến tuổi gả chồng, nhân ngày sinh nhật của ông, ông thông báo rộng rãi rằng ai muốn làm thông gia hoặc muốn làm con rễ của ông thì hãy đến chúc mừng và tặng quà sinh nhật. Quà tặng cho ông rất nhiều, đủ gói nhỏ, hộp to, gói nặng gói nhẹ, nhưng khi ông mở ra xem thì chẳng phải “phong bì”, vàng bạc mà toàn những thứ đồ dùng rẻ tiền, đồ chơi của phụ nữ và trẻ con! Ông chủ ngất xỉu!
Tiểu phẩm có ba vai diễn: Ông chủ, cô con gái ông chủ và người đầy tớ. Thầy Quang phân công tôi đóng vai đầy tớ có nhiệm vụ thường trực để nhận quà từ ngoài ngõ bưng vào nhà cho ông chủ và công bố kết quả các quà tặng.
Tôi trọ học tại xóm Hà thuộc thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành. Cả xóm Hà chỉ có dược một cái Ti-vi công cộng giao cho một người trông coi, điều khiển và chỉ được mở vào ban đêm. Bản tính tôi rất mê Cải lương. Nói mê Cải lương nhưng thực ra tôi mê mấy vai hề nổi tiếng như Thanh Việt, Khả Năng, Bảo Chung. Khi tôi đóng vai đầy tớ, tôi đã bắt chước giọng nói tom tóm, eo éo và cái dáng đi khệ nệ, dang rộng chân, còng lưng của Khả Năng; bắt chước hai con mắt mở to, đứng troòng khi ngạc nhiên và đôi bàn chân nhỏ, gầy tóp của tôi đi đôi dép nhựa như hai chiếc đò của Thanh Việt … làm cho khán giả ngồi xem (các bạn học sinh trong trường) ôm bụng cười, xô đấm lưng nhau thùm thụp!
Đêm diễn kết thúc, bạn bè xúm lại quanh tôi, bắt tay khen ngợi, có ý thán phục “lâu nay giấu nghề”, rồi họ ríu rít đãi tôi kẹo, kem, chè,… Ôi, tôi được một bữa no kềnh.
Đêm ấy chúng tôi thức khuya, những trang lưu bút thơ ngây của tuổi học trò trao nhau đầy ắp kỷ niệm và bao tiếc nuối xa rời mái trường thân yêu, xa thầy cô quý mến và bạn bè thân thương; nhưng vai diễn đêm ấy của tôi thì có lẽ theo tôi suốt cả cuộc đời, vì mỗi lần nhắc đến là tôi thấy lòng lâng lâng như có vẻ tự hào về sự thành công đã sáng tạo và nhập vai tốt để mang lại một trận cười khoái trá cho thầy cô, bạn bè trước lúc từ giã mái trường thân yêu.
Bây giờ tôi tuổi đã sáu mươi, rất mong có dịp đoàn tụ để ôn lại bao kỷ niệm vui buồn. Bạn bè nhiều đứa đi xa, một số đã trở thành người thiên cổ. Dăm ba dứa bạn ở lại quê nhà gặp nhau mừng mừng tủi tủi, nhắc chuyện ngày xưa trong đó thế nào cũng có chuyện tôi làm diễn viên kịch./.
Thị xã Quảng Trị, hè 2010
NHT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét