Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Mùa NOEL cuối cùng...Đ.T.Phúc

MÙA NOEL CUỐI CÙNG NĂM ĐÓ (1972)
(Nhớ về lớp 12A3 THNH QT niên khoá 1971-1972)
Quảng trị đêm giáng sinh tháng 12/1971
Đó là mùa Noel cuối cùng của thành phố Quảng trị năm xưa.
Quảng trị! Thành phố nhỏ bé hiền hoà xen lẫn một chút gì quê mùa và chịu đựng. Quảng trị đang vào những ngày cuối năm. Đây là mùa đông cuối cùng cho mấy con đường quen thuộc, những căn phố nhỏ và là lễ Giáng sinh cuối cùng trước khi tan nát rồi bị mất hẳn tên theo bom đạn thuở nào.
Đêm Noel thật lạnh, cái lạnh não nùng của miền địa đầu giới tuyến. mấy ngọn đèn đường vàng vọt yếu ớt như muốn thu mình lại trong sự vắng lặng của đêm Giáng sinh tỉnh nhỏ. Nhà nhà im lìm, người ta ở trong nhà im lặng và trang trọng đón chờ giờ thánh lễ lúc nửa đêm.
Bọn mình năm đứa có hẹn nhau từ chiều, sau khi làm một ‘chầu’ no nê bì tết cọng khoai tây chiên do Nguyễn cường Nam ra tay đầu bếp tại nhà mình, đường Lê văn Duyệt rồi sẽ đi ‘bát’(battre) phố đêm nay, điểm khởi đầu là Cửa Hậu-Thành Cổ.
Nguyễn cường Nam hay phá, tếu hết chỗ chê. Nam chỉ tội một nỗi do tài nấu ăn ngon nên ‘phát phì’ trước tuổi, có lẽ vì thế áo quần Nam lúc nào cũng rộng thùng thình. Nam bất cần, cứ chọc tếu lung tung, ‘guậy’ cho đời bớt chán. Còn Dương Toàn vui tính hay nói cười , khi Toàn cười mặt đỏ gay . Một thằng ‘tôi’ đây lại hay ‘bẽn lẽn’, biết ‘yêu’ rồi thì cứ nói ‘đại’ đi cớ sao ấp úng? Còn Nguyễn Thị thanh Tâm, mình còn nhớ Thanh Tâm khi cười thì đôi mắt Tâm cũng ‘cười’ theo, lúc đó khuôn mặt Thanh Tâm đỏ hồng, thật hồng. Cuối cùng là Hồ thị phương Loan, nàng rất vui tính, hơi ra dáng đàn chị. Loan có nét chữ thật bay bướm, lả lướt; hèn gì tờ năm đó cả lớp bầu Loan viết cho tờ báo xuân năm Nhâm Tý(1972.)
Cả bọn vừa đi vừa tán dóc, ồn ào, huyên náo vừa nghênh ngang trên con đường vắng như thể chỉ có năm đứa hiện hữu trong đêm lễ vậy. Thật hiếm hoi mới có vài ba nhà bài trí trước hiên cảnh Chúa hài đồng nằm trong hang đá; ngoài ra còn có những thiên thần mang đôi cánh nhỏ nữa. Cảnh trang hoàng mừng Chúa giáng sinh không có âm thanh ca hát như muốn mọi người được lắng đọng tâm tư mà dâng hết niềm tin chúa trong đêm thánh lễ.
Từ múi đường Trần Hưng Đạo, mới bắt đầu có những bóng đèn ‘nê ông’ sáng trắng nhưng khoảng cách của hai cột đèn xa quá nên ở giữa chỉ sáng lờ mờ.

Có thể nói đường phố chính bắt đầu từ đoạn này nhưng ngang trường Nữ tiểu học mới xây dựng con đường vẫn còn vắng vẻ. Có vài nhóm thanh niên đua xe honda quanh thị xã, khi lượn qua bọn mình liền quét đèn như dò hỏi vì cả năm đứa đang mặc đồng phục trường Nguyễn Hoàng. Chắc bọn họ thắc mắc chúng mình ‘đi đâu cà nhõng giữa đường?’.
Bạn Nam giờ đổi ý, dẫn cả bọn rẽ vào đường Phan đình Phùng, con đường này còn vắng vẻ hơn nữa, nó tối đen và rờn rợn lạ lùng. Đầu múi đường này có hai cây bàng đại thụ, ban ngày che bóng cho ngôi trường mẫu giáo gần ngôi trường nữ mới. Theo ông bà mình kể lại rằng vào thời Pháp ngang ngôi trường này là nhà thương (bệnh viện), người ta hay thấy ma. Con đường này không có cột đèn điện nào nên toàn là những khoảng tối đen kịt, lúc này Nam có dịp ‘thêm mắm thêm muối’ cho lời đồn tăng thêm phần kinh dị, báo hại hai nàng Loan và Tâm sợ co rúm cả người chen vào đi giữa.
Đi lên chỉ một đoạn ngắn thì đã đến quán bùn bò ‘Nông Tín’, quán không có tên nhưng vì gần ty Nông Tìn thì nó lại mang cái tên vậy để khách ăn dễ phân biệt. Đêm nay quán vẫn đông khách, ánh đèn trong quán hiu hắt dọi ra đường, kèm theo mùi thơm của nồi bún xáo quyện vào trong hơi lạnh đêm đông tạo nên một cảm giác rất gần gũi, rất ‘Quảng trị’
Những câu chuyện không đầu mà chẳng có đuôi đã đưa năm đứa bọn tôi lên tới quán cà-phê Hoài lúc nào chẳng hay. Ly cà –phê ‘phin’ kèm gói thuốc nhỏ hiệu con mèo ‘Craven A’ loại 10 điếu, vừa nhâm nhi trong tiếng nhạc Trịnh Công Sơn là ‘gout’ thưởng thức một thời. Vậy mà mình không dám ‘cúp cua’ lần nào, ghiền thế thì lo vô quán Hoài thật sớm để tới trường cho kịp giờ học. Đêm đó quán Hoài đông khách, bên trong chiếc máy hát A- KAI với 2 dĩa băng loại lớn đang quay đều, volume mở lớn hết cỡ, vẫn tiếng hát Khánh Ly với dòng nhạc Trịnh Công Sơn đang oán than bi hận cho cuộc chiến dai dẳng tang thương.
Theo Nam bọn mình rẽ trái ở tiệm sửa xe Bảy Hiền, theo con đường Lê thái Tổ, nắp theo bờ hồ Thành cổ ‘tà tà’ độ năm phút thì đã gặp quán cà-phê Khuya. Lúc này đã mỏi chân, cả năm đứa đều vào quán. Quán Khuya nho nhỏ, chỉ vài ba bàn gỗ thấp lè-tè. Thời chiến quán cà-phê đua nhau mọc nhiều trong thành phố. Có những quán lớn như Hoài, Quyên, Ly Ly..cũng có mấy quán nhỏ như Khuya, Nghèo, Gió…những cái tên của mấy quán nhỏ nghe lại rất là ‘cà-phê’. Thời gian này mấy quán cà phê có thêm cái ‘mốt’ lợp một mài tranh đằng trước, phía sau lại có vách đan bằng tre nữa; có lẽ để khách khi ngồi thưởng thức cà phê, nghe nhạc mà thả hồn xa cái thế giới bon chen tục luỵ hay đầy dẫy không khí chiến tranh bên ngoài chăng?
Bọn mình chia tay nhau khi thành phố sắp vào giờ Reveillon, nghe xa xa vẫn còn tiếng đại bác vọng về. Người dân Quảng trị đón Giáng sinh trên vùng đất khổ biết khi nào hưởng một mùa lễ thật sự an bình?
Giờ đây khi mình ngồi viết lại những dòng này, thành phố San Jose đang đón thêm một mùa Noel nữa! Mấy mươi năm qua rồi,nhanh lẹ quá!như một"giấc ngủ trưa".
Tuy vậy, những hình ảnh, những cảm giác của đêm Noel năm đó, đêm mừng Lễ cuối cùng của một thành phố mất tên vẫn theo mình suốt cả một đời./.
Đinh trọng Phúc
(12 A3 1972 / Giáo sư cố vấn cô Lê thi Ngọc Lan )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét