HÀNH TRÌNH
DỰ HỌP MẶT LỚP 9/2 (Khoá 68-72) ngày 24/7/2010
Nhận được thư mời của lớp 9/2, tôi đọc qua chương trình đã thấy hấp dẫn: Sáng đi tham quan Suối Voi – Lăng Cô, chiều về biển Cửa Việt ở lại, …
Trước khi đi ngủ tôi dặn trong nhà nhớ thức dậy sớm để chuẩn bị, (dẫu biết rằng nếu có bị trễ thì thế nào các em cũng điện thoại đến nhắc!). Chỉ họp mặt một lớp nhưng phải đi 3 xe, vì không thuê được xe khách cỡ lớn. Mùa hè này người ta đi du lịch nhiều quá, xe 40, 50 chỗ ngồi đều không còn. Mà thế cũng tiện, vì mỗi xe đón một địa điểm như ban tổ chức lớp đã phân công: Ở Đông Hà, xe đón tại nhà bạn Lạc; ở Triệu Long, Giang , đón tại nhà bạn An; ở Triệu Đông, Thành, đón tại nhà bạn Bảo (Sãi); ở Triệu Tài, TX Quảng Trị, đón tại nhà bạn Tế. Chỉ qua việc sắp xếp đón Thầy, đón bạn thế này cũng đã thấy sự chu đáo của cán bộ lớp, mà chủ yếu là ba bạn Hoàng Văn Thông, Võ Có và nguyễn Bảo; họ đã bàn thảo, vạch chương trình và phối hợp tổ chức, thực hiện. Cả 3 xe gặp nhau ở điểm hẹn là quảng trường Tháp Chuông TX Quảng Trị. Về phía các thầy có: Thầy Kỳ (Chủ nhiệm lớp), Thầy Hoà, Thầy Mãi và tôi – Nguyễn Văn Quang. Thầy Hiệu trưởng Văn Phong đã hẹn lớp đến đón ở ngã ba Long Hưng, nhưng phút chót thầy đã báo lại là có việc bận, không đi được. Ngoài thành viên của lớp, còn có mấy bạn của 9/1và lớp 10 Nguyễn Hoàng từ trong Nam cùng về với Kim Quy để dự họp lớp 9/2. Khi kiểm đủ quân, chỉ huy Hoàng Văn Thông lệnh cho xe chuyển bánh, và chuyến hành trình bắt đầu tiến về Nam. Tôi xem đồng hồ thấy chỉ 8h30. Thời gian ở trên xe là dịp để thầy trò, bạn bè chuyện trò, tâm sự vui vẻ, thoải mái. Họ nói không biết bao nhiêu là chuyện; hết chuyện xưa đến chuyện nay. Nhất là các bạn học sinh, họ bắt đầu đề tài tình yêu học trò ngày ấy – nghĩa là gần 40 năm trước! Ai là người đã từng thầm yêu người đang ở bên Tây, ai vờ mượn vở bạn gái 9/3 để lén bỏ thư tình, … Những gì ngày xưa không dám nói vì sợ Thầy-Cô phạt thì nay họ kể toạc ra hết, không chút ngại ngùng!
Khi đến Thành phố Huế, thầy trò dừng ở nhà Trung Tâm Văn Hoá Huế để gặp gỡ, chuyện trò với thầy Nguyễn Văn Hoá. Thầy Hoá rất tiếc vì có cuộc hẹn với các vị khách từ trong Nam ra nên không thể đi theo đoàn. Thầy trò hàn huyên chừng 15 phút thì chia tay và chúng tôi lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Khi xe ra khỏi thành phố Huế thì anh tài xế trẻ, xinh trai, gợi ý và giới thiệu nên dừng lại ở Truồi để thưởng thức đặc sản bánh bột lọc ngon nổi tiếng. Đến Truồi, xe dừng lại và các bạn nữ xuống mua bánh, các bạn nam cũng xuống xe nghỉ ngơi, chờ đợi. Mười lăm phút sau mọi người lên xe. Tôi nghĩ là xe sẽ đi vào hướng Lăng Cô; nhưng không, xe đã rẽ phải, đi về phía núi Bạch Mã. Tôi ngạc nhiên hỏi thì được cán bộ lớp giải thích: “Chương trình du lịch có thay đổi. Đường vô suối Voi – Lăng Cô đang thi công, hôm nay sẽ vào tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã.” Nơi này tôi chưa được đi nên cũng hăm hở mong được đến xem. Xe chạy ngoằn ngoèo theo con đường bê tông hẹp chỉ vừa cho một xe đi, và mỗi lúc nâng dần độ cao. Khi đến gần mới nhìn thấy phong cảnh hữu tình: Mấy quả núi to, nhỏ, cao, thấp khác nhau bao quanh một cái hồ rất lớn, giữa hồ lại nhô lên mấy quả núi đẹp mà chúng tôi gọi đùa là sơn đảo.Chính tại một trong các sơn đảo ấy là hệ thống nhà chùa, trên một sơn đảo kia là tượng Phật đồ sộ, tư thế ngồi hướng về tây phương cực lạc. Du khách muốn đến Thiền viện phải qua một chuyến đò máy, mỗi lần chở được 30 người. Thế là chúng tôi phải đi thành hai chuyến. Tập trung dưới chân dốc của thiền viện, thầy trò đã cảm thấy mệt lắm, vì lúc này đã hơn 11hOO mà trời thì nắng gắt. Nhất là khi đối diện lối đi lên thẳng đứng với hơn hai trăm nấc, ai cũng thấy ngợp, tưởng chừng phải bỏ cuộc! Các bạn nữ hơi thoái chí, 4 thầy cũng ngập ngừng, kiểm tra đôi chân xem có chịu bước cho không!… Nhưng khi nhắc lại câu thơ Hồ Xuân Hương: Mỏi gối, chồn chân cũng muốn trèo, thì mọi người vui cười và thấy như có thêm sức mạnh. Thế rồi chúng tôi cùng nắm tay nhau: Một, hai, ba – trèo! Lên được khoảng 50 nấc, các bạn nữ van mệt và mỏi chân quá! Thầy Hoàng Mãi bày kinh nghiệm khắc phục bằng cách: nấc nào thấy mỏi thì đi qua phải hoặc qua trái của nấc ấy vài mươi giây để nghỉ chân rồi leo tiếp nấc trên. Theo cách ấy, các bạn đã thấy dễ thở và có thể tiếp tục được. Lên chừng 100 nấc, tôi thấy có một du khách nước ngoài ngồi tựa vào lan can của lối đi, trông rất mệt nhọc. Không biết anh ta có lên tiếp được để chiêm ngưỡng dung nhan vị Tổ Thiền Sư hay không! Khi lên đến khoảng nấc thứ 150, chúng tôi lại gặp mấy du khách đi xuống, trông họ có vẻ tươi khoẻ hơn. Tôi dừng lại hỏi vui: “Chuyến đi xuống khoẻ hơn đi lên, phải không?” Họ đáp: “Phải”. Tôi lại pha trò với họ: “Có lẽ các bạn đã đạt nguyện vọng rồi nên lòng phấn chấn làm cho đôi chân bớt mỏi!” Họ cười, đáp “vâng” và chào tạm biệt chúng tôi. Họ toại nguyện, còn chúng tôi đang cầu nguyện: Cầu lên được nấc cuối cùng để ngắm cảnh đẹp tuyệt vời của thiền viện! Khi tất cả đã lên đến đỉnh dốc, lớp trưởng Hoàng Văn Thông tập họp lớp tại cổng chùa và dặn: “Xin quý thầy và các bạn vào tham quan và nghỉ ngơi độ nửa giờ. Đúng 12 giờ mời tập hợp tại đây để về Huế ăn trưa.” Các bạn đồng thanh đáp lớn: “Rõ!” Rồi mọi người vui vẻ toả ra nhiều hướng, đi thăm chùa, ngắm cảnh. Các máy ảnh đã bắt đầu hoạt động. Nhiều pô ảnh đẹp về người, về cảnh đã được sang ra tại chỗ để tặng nhau, rất nhiều pô hẹn sẽ chuyển qua Internet. Nhìn cảnh chùa, nhà chuông, nhà trống, nhà tăng được bố trí rất hài hoà theo địa thế của núi non hùng vĩ, chúng tôi thầm cảm phục các nhà kiến trúc. Ở đây, ngoài cảnh núi cao, hồ rộng, cái gì trông cũng lớn: Tượng Phật lớn, Tượng đức Tổ thiền sư lớn, chuông mõ lớn, cột nhà chùa lớn … khiến chúng tôi thấy mình như bé lại nhiều lần! Tôi lại nghĩ đến kinh phí xây dựng ngôi Thiền viện này: Không biết mất đến bao nhiêu tỷ đồng?! Riêng việc vận chuyển vật liệu từ xa đến, có lối đi nào khác không hay phải chuyển qua phà mới tập hợp được ở sơn đảo này để thi công các công trình, cũng đủ thấy sự vất vả và tốn kém phải bỏ ra. Ý chí của con người ghê thật; khi người ta muốn thì việc gì cũng có thể làm được! Ở dốc lên phía bên trái của chùa có một công trình kiến trúc khác, nhưng chúng tôi không lên được vì công nhân đang làm đường, tiếc thật! Công trình của quần thể Thiền viện chưa xây dựng xong mà đã đẹp như thế, lúc hoàn chỉnh chắc còn đẹp hơn nhiều! Sự tĩnh lặng của cảnh thiên nhiên hữu tình ở đây quả thực là lý tưởng cho các thiền sư tu luyện. Nhưng tôi chợt thấy băn khoăn: Mỗi ngày càng có nhiều du khách đến tham quan thì có còn giữ được sự yên tĩnh, thanh khiết cho các thiền sư tu luyện không, hay sẽ mang nhiều điều phàm tục đến làm vẩn đục, khuấy động cảnh thần tiên?!
Đã đến giờ hẹn của lớp trưởng. Chúng tôi cùng trở về phía cổng của Thiền viện.
Đáng lẽ phải xuống thuyền để ra xe, nhưng thấy anh chị em đều mệt vì nắng và đói nên lớp trưởng thông cảm, thông báo: “Mời quý thầy và các bạn lót lòng với bánh bột lọc, đặc sản của Truồi, trước khi về Huế. Nhưng nhớ chỉ ăn chứ không được nói, vì đây là phạm vi chùa, mà bánh lọc thì có bọc tôm! Ăn xong phải gói lá đem bỏ thùng rác theo nếp sống văn minh, không được làm bẩn cảnh quan của nhà chùa!” Anh em đã hiểu ý lớp trưởng nên nhận chỉ thị rồi bắt đầu ăn bánh lọc và cười thầm với nhau. Ăn xong, mọi người thấy tươi tỉnh hơn, cùng chuẩn bị xuống thuyền.
Trước lúc hạ sơn, chúng tôi đã một lần nữa ngắm kỹ cảnh núi xanh, hồ biếc, những mái ngói đỏ tươi và tượng Phật ngồi như đang nhập thiền ở hòn núi bên kia để về Huế. Chúng tôi phải chụp kỹ cảnh thiên nhiên xen lẫn cảnh nhân tạo tuyệt vời này để khi về còn san sẻ cho người ở nhà thưởng thức. Tôi chưa đến hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể, nhưng tôi nghĩ cái hồ lớn lượn quanh Thiền viện Bạch Mã này cũng đã quá đẹp rồi! Về đến thành phố, tài xế cho xe rẽ phải. Tôi ngạc nhiên hỏi lý do mới biết là lớp sẽ ăn và nghỉ trưa ở nhà vườn Duyên Quê tại thôn Thế Lại, thuộc huyện Phú Vang. Đến nơi, vừa xuống xe thì đã nghe ban tổ chức thông báo: “Chúng ta sẽ được đón một vị khách quý từ Thành phố Huế về”. Ai nấy hồi hộp chờ đợi. Quả thực 5 phút sau, cô Trịnh Thị Loan đã đến! Thầy và trò đều đứng lên và đi nhanh về phía cô, tiếp đón niềm nở và trang trọng hơn cả một thượng khách. Rất nhiều cái bắt tay, các bạn nữ đến ôm choàng cô và rơm rớm nước mắt: Cô ơi, 38 năm rồi còn gì! Cô khoẻ không cô? Cô vui không cô? Có gì mới không cô? Và vv. Các bạn bạo miệng còn ghép tôi với cô Loan làm đôi tình nhân như thời còn son trẻ. Tôi chối ngoay ngoảy và trả lời họ: Các bạn nhầm rồi, ngày xưa cô Loan là người yêu lý tưởng của thầy Đặng Lữ đó. Đến lượt cô Loan thoái thác: Không có mô, không có mô; các em đừng nghe thầy Quang bịa chuyện! Rồi những tràng cười vui, xí xoá việc ghép đùa ấy và chuyển qua đề tài khác.
Khoảng 2h30 chiều, chúng tôi từ giã quán nhà vườn Duyên Quê và lên xe để trở lại quê nhà. Ra đến thị xã Quảng Trị thì anh tài xế có sáng kiến chạy về hướng Bồ Bản, xuôi Cửa Việt, qua cầu mới để ra bãi tắm Gio Hải, thay vì ra ngã tư Sòng để rẽ về Bắc Cửa Việt. Ý kiến ấy được hoan nghênh vì vừa rút ngắn quãng đường mà còn được đi qua chiếc cầu mới khánh thành của quê hương Triệu Phong. Xe qua khỏi cầu, chạy thêm chừng hơn cây số nữa là đến bãi tắm Bắc Cửa Việt- còn gọi là bãi tắm Gio Hải (vì nó thuộc xã Gio Hải, Gio Linh).
Sau 30 tháng thi công. Cầu đã thông xe ngày 17/7/2010
Với chi phí 278 tỷ VNđ (Ảnh VTT) Cầu Cửa Việt dài 802,4m, 12 nhịp, rộng 12m ( 2 làn xe 7m) là chiếc cầu dài nhất tỉnh Quảng Trị, nối liền bờ Bắc Gio linh với bờ Nam xã Triệu An, huyện Triệu Phong; đây là nhịp cầu nối những niềm vui cho vùng kinh tế biển cảng Cửa Việt Triệu Phong - Gio Linh. từ nay có thể đì từ Nam Cửa Tùng - Mỹ Thủy - cảng biển Thuận An Thừa Thiên-Huế . Một ước mơ từ lâu nay; Người dân Quảng Trị cũng như dân cư ven biển đi lại dễ dàng theo con đường hành lang biển phía đông này của tỉnh nhà...
Anh Thông hướng dẫn cho 3 xe tiến vào bên trong cổng của một ngôi nhà lớn 3 tầng mà tôi chưa biết là cơ sở gì. Khi xuống xe, tôi thắc mắc hỏi thì được giải thích: Đây là Trung tâm tập huấn thanh-thiếu niên của tỉnh, công trình chưa hoàn chỉnh nên tạm thời dùng làm nhà nghỉ cho khách tham quan-du lịch. Bỗng dưng tôi thấy mình tệ quá: có nhiều địa điểm, công trình ngay tại trên quê hương của huyện nhà, tỉnh nhà mà mình vẫn không biết, quả là mình lạc hậu lắm rồi! Tôi tự nhũ: Từ nay mình phải cố gắng đi:
Đi cho biết đó, biết đây,
Ở nhà với ...biết ngày nào khôn?!
Cầu nay nối nhịp- Đôi bờ thông nhau- Ta đến các bãi tắm - nghĩ mát tại đây" GIO HẢI"...
Lại có thông báo của ban tổ chức: “Quý thầy và các bạn nghỉ ngơi, đi tắm biển thoải mái. Đúng 7h00 xin mời về nhà hội trường để ăn tối và sinh hoạt văn nghệ.”
Mọi người đóng cửa phòng trọ, ra bãi tắm. Nguyễn Văn Lộc thấy vị chỉ huy đang cầm tay các bạn nữ đùa giỡn với những con sóng lùa vào bờ thì mở nhanh máy ảnh, chụp liền mấy pô. Tắm xong, mọi người lên bờ chuẩn bị vào nhà nghỉ. Tôi đến gặp anh Thông và rỉ tai nói vui:
- Có người chụp lén cảnh chỉ huy nắm tay bạn gái ngoài biển đấy!
Thông cười:
-Dạ, chỉ huy có lúc chứ. Lúc nghỉ thì phải vui chơi giải trí với bạn bè. Em làm thì làm hết sức, nhưng khi chơi cũng chơi hết mình.
Tôi thật sự cảm phục tài tổ chức của Thông và ứng khẩu đọc tặng 2 câu lục bát:
Hoàng Thông chưa nói đã cười,
Nhưng làm lãnh đạo là người rất nghiêm!
Thông lại cười, đáp:
- Dạ, có lúc phải nghiêm. Không nghiêm thì không chỉ huy được!
Bữa cơm tối được nhà hàng chuẩn bị chu đáo. Trên sân khấu tôi thấy có ghi mấy dòng chữ:
GẶP MẶT
CỰU HỌC SINH TH TRIỆU PHONG
Niên khoá 1968 – 1972
*Cửa Việt, ngày 24/7/2010
Bữa cơm tối xen lẫn chương trình văn nghệ. Bây giờ đến lượt anh Nguyễn Hữu Lịch trổ tài MC và tài ca nhạc. Lịch đi như con thoi đến bàn này bàn kia lấy tên các ca sĩ đăng ký bài hát. Hết lượt, Lịch lại đi lần 2, rồi lần 3,…. Ai lên hát đều được tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm. Các máy ảnh chụp lia lịa. Những ca sĩ được bầu danh hiệu ưu tú có Nguyễn Hữu Lịch và Hoàng Bá Diệp. Diệp hát hay với những bài tình ca mượt mà, truyền cảm; còn Lịch thì trội hơn về giọng cháy bỏng của Y Moan và Xiu Blek. Về nữ thì bầu danh hiệu ưu tú cho ca sĩ Kim Quy với hai bài hát về tuổi học trò và ngày xưa thân ái. Đặc biệt có cháu gái (không nhớ tên) con của Võ Thị Lai lên hát tặng các ông, các cậu, các dì bài Bụi phấn rất hay. Tiếc một điều là ngày nay bụi phấn không còn rơi rơi trên tóc thầy nữa mà tóc thầy, (và cả tóc trò) đều mỗi ngày mỗi bạc nhanh! Ôi, thời gian qua mau thật!Lúc này bầu không khí thân mật như ba, bốn thế hệ cùng sống chung trong một đại gia đình. Nói là 4 thế hệ là vì bạn Trần Việt Hùng đưa cả cháu ngoại 5 tuổi cùng đi sinh hoạt lớp của ông ngoại! Kể thêm cả thế hệ thầy của ông ngoại nữa vị chi là 4 đời. Anh em bảo: Nếu hôm nay Cao Quyện có đi thì sẽ mang cả con theo. Quyện là người lấy vợ muộn nhất (do lớp đứng ra tổ chức đám cưới), và rất cưng con. Những lần sinh hoạt lớp trước đây quyện đều cho con đi theo, và con đòi chi cũng chiều!( Bạn Quyện ơi, nói nhỏ điều này: Đừng nuông chiều quá mà hư con nhé!).
Canh chừng đến 10h00 tối, lớp trưởng Thông cho ngưng chương trình văn nghệ để thông báo kế hoạch tiếp theo: “Chúng ta có thể thức sáng đêm để vui chơi, ca hát, nhưng một số bạn ta ở Nam ra, nhất là bạn Kim Quy còn phải bay về Mỹ, nên đề nghị tạm ngưng chương trình văn nghệ ở đây để các bạn về nghỉ; về phòng riêng mọi người có thể trò chuyện tiếp. Nhưng nhớ không thức quá khuya, và sáng mai đúng 7h00 tập trung tại sân nhà nghỉ để sinh hoạt.”
Mọi người lại chấp hành nghiêm chỉnh.
Chúng tôi- ba thầy (Kỳ, Hoà và Quang) ngủ chung phòng và sáng dậy sớm, ra biển tắm, rồi chuẩn bị sẵn sàng để tập họp ở sân đúng giờ hẹn. Ba xe chờ sẵn ở đó. Sau mấy lời chào tạm biệt, anh Hoàng Văn Thông phải chia tay chúng tôi để tiếp đoàn du lịch Hoài Niệm và dẫn họ lên Nghĩa trang Trường Sơn. Thay vì ăn điểm tâm ở Cửa Việt, Ban tổ chức dẫn đoàn về quán nhà bạn Mai Thị Lạc ở đường 9, Đông Hà. Cán bộ lớp giải thích: Về nhà Lạc ăn điểm tâm cho tình cảm hơn và để các bạn ở xa chia tay bạn Lạc luôn. Cả đoàn đến bất ngờ khiến bà chủ Lạc lúng túng. Khách đang ăn sáng cũng ăn vội để nhường chỗ cho đoàn CHS.TP. Bây giờ Lạc không trở tay kịp, đành gọi lớn: Lai ơi, Lộc ơi, Quy ơi… vào phụ một tay. Mau lên!
Thế là không phân biệt chủ - khách nữa, mọi người vào phụ nhau bỏ bún vào tô, đổ nước xáo vào, bưng dọn ra bàn theo kiểu self service (tự phục vụ).
Rồi cũng đến giờ chia tay! Các bạn xa quê nói lời tạm biệt với những cặp mắt đỏ cay, mọng nước. Các bạn nữ ôm chặt nhau, không muốn buông ra, như sợ sẽ mất nhau. Nước mắt đã chảy dài xuống từng đôi má thoang thoáng nếp nhăn. Các bạn nam cũng không giữ kẽ nữa. Họ ùa đến ôm chặt các bạn nữ để thể hiện tình lưu luyến lúc chia xa; bù lại ngày xưa chỉ dám nói phét, không dám cầm tay!
-Tạm biệt, tạm biệt nhé! Hẹn gặp nhau vào 2015, Kim Quy nhé, Lai Cà Mau nhé, Tuyến Cần Thơ nhé! Đức, Lộc, Nghĩa Miền Nam nhé!
- Tạm biệt! 2015 lâu quá! 2013 được không? 5 năm sau biết thế nào!
- Năm năm sau có ai bỏ cuộc không? Hy vọng còn được 3,4 kế hoạch 5 năm như thế này!
- U 60 rồi, họp mặt lần 4 không ai cõng lên xe, không ai cầm gậy cho mà chống! E về họp dưới kia khoẻ hơn!
- ……………
Họ cùng nắm tay nhau như thế cho đến khi các bạn lên xe, tài xế đề nghị đóng cửa lại, những bàn tay bịn rịn mới bùi ngùi buông nhau ra! Ôi tuyệt vời tình bạn!
Kim Quy, một thành viên xa nửa vòng trái đất đã chuẩn bị cho một chuyến về họp mặt thật công phu. Nghe tin CHS Triệu phong sẽ họp mặt vào 24/7/2010, Quy đã quyết định về và mua vé sớm. Tôi nghe Quy báo thế cũng lo, vì không biết có tổ chức họp mặt toàn trường đúng ngày ấy không, nên đã bảo Quy đợi có thông báo chắc chắn rồi mua vé. Quy đáp kiên quyết là dù thế nào thì Quy cũng bay về. Do điều kiện khách quan, Ban LL đành hoãn tổ chức họp mặt CHS toàn trường, nên tôi đã gọi điện cho bạn Thông và trao đổi ý kiến: “Đề nghị 9/2 nên tổ chức họp lớp vào thời điểm đó để Quy khỏi lãng phí công sức và tiền bạc cho một chuyến về.” Thông nhận lời và quyết định lấy đúng ngày 24/7 làm ngày hội lớp! Tôi thấy nhẹ người vì khỏi mắc tội với các bạn xa quê, như ở nước ngoài và các tỉnh miền Nam. Nghe kể: Quy về Việt nam, đến thăm các bạn ở Cần thơ, TP. HCM, Phan Thiết… và cùng ra quê Quảng Trị dự họp mặt lớp. Lại càng cảm động khi nghe Nguyễn Hữu Nghĩa ở Biên Hoà- Đồng Nai, do không sắp xếp công việc để về sớm được nên đêm 23 phải bay đêm để sáng 24/7 kịp đoàn tụ với Thầy Cô và bạn bè. Truyền thống của 9/2 là mỗi năm hội lớp một lần dành cho anh chị em ở tỉnh nhà, và 5 năm có hội lớn cho bạn bè cả nước và nước ngoài cùng về tham dự.
Chúng tôi, 4 thầy được dự ngày họp mặt của lớp, xin có lời cảm ơn lớp đã mời dự và thưởng thức một cuộc hành trình đầy ngạc nhiên và thú vị! Các thầy cũng xin chân tình bày tỏ sự cảm phục về tình cảm tốt đẹp, thắm thiết, đoàn kết, thân ái của lớp dành cho thầy cô và bạn bè. Qua 15 lần tổ chức họp mặt, lớp 9/2 đã thực sự là hình mẫu để các lớp khác, và ngay cả Ban LLCHS của trường rút kinh nghiệm để tổ chức họp lớp, họp trường thành công như mong muốn. Chúc mọi người vui, khoẻ; chúc tình thầy, nghĩa bạn mãi mãi bền chặt, thắm thiết, và cùng hướng về những lần họp mặt sắp tới! Trong đêm sinh hoạt văn nghệ, Thầy chủ nhiệm Trần Văn Kỳ đã phát biểu: Thầy luôn luôn ở bên các em! Và lớp trưởng Hoàng Văn Thông đã đáp từ bằng cách đề nghị lớp đồng thanh hô lớn ba lần: Chúng em luôn luôn ở bên quý thầy! Tiếp theo là những tràng vỗ tay vang lên như pháo Tết ngày xưa!
Thế thì, Chín Hai ơi, dù đời còn nhiều dâu bể, Thầy – Trò chúng ta vẫn luôn luôn ở bên nhau, các em nhé!
TXQT, 26/7/ 2010
Nguyễn Văn Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét