Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Về để mà thương -N.T.L.Hưng



Gồm các bài viết : Về để mà thương- Chuyện giả tưởng 

VỀ ĐỂ MÀ THƯƠNG
               Nguyễn Thị Liên Hưng  K 69-75

                                                              

Khi cánh cổng nhà khép lại, chiếc taxi lăn bánh tôi mới chắc chắn rằng mình được trở về Quảng Trị trong lần hội trường Nguyễn Hoàng năm 2015 này.

Con đường Dương Bạch Mai, nơi có căn nhà của tôi lùi lại sau đoạn dốc, tài xế bật một bài hát có những ca từ sâu lắng, dàn trải nỗi niềm hạnh phúc của người ở xa trở về quê cũ làm chị em chúng tôi nhìn nhau cười thấm thía. Và thế là ba chị em nhà Nguyễn Ngọc của làng Lam Thủy gồm An Lành, Liên Hưng và Vĩnh Phước đã cùng nhau có một chuyến trở về như mong đợi.

Mấy tháng gần đây tôi gặp lắm chuyện không vui, từ cái trượt chân bất ngờ của mẹ già dù đã qua phẫu thuật mà vẫn phải nằm liệt giường, đến những chuyện nhiêu khê cuộc sống khiến tâm hồn tôi như chiếc thuyền nan chao đão giữa trận cuồng phong trên biển cả. Vì thế tôi không nghĩ đến chuyện về quê dù chị em tôi đã có lời hẹn từ năm trước. Trong khi những cư dân Nguyễn Hoàng phương Nam rộn ràng chuẩn bị cho ngày về họp mặt thì tôi vẫn lặng lẽ với công việc thường ngày. Có vài người thân quan tâm, họ nhắc tôi đặt vé trước, vé máy bay giá rẻ mua sớm quả là rất rẻ, rồi còn vé tàu lửa… mua trễ coi chừng hết vé, v.v và v.v… Nhưng tôi không biết mình có đi được hay không đồng thời tâm tư đang rối bời, chẳng hứng khởi gì nên chỉ cười buồn. Cả chị AL và em gái VP cũng tùy vào tôi, có tôi thì chị em mới cùng đi mà không thì thôi. Bởi vậy khi vài người quen của tôi đã về Quảng Trị, đã ngồi bên bờ sông Thạch Hãn gọi điện hỏi tôi về chưa thì tôi vẫn chưa chắc chắn chuyện trở về của mình. Nhưng rồi cuối cùng tôi đã về sau khi hoàn tất những công việc cần thiết ở cơ quan, bàn giao việc nhà cho chị Nho và cô gái giúp việc đồng thời tạm gác lại bao chuyện nhiêu khê chung quanh để lên đường, nói như anh: “Mỗi lần đi như thế là để nạp năng lượng cho cuộc sống đó em ạ”
            Và thưa anh! Em xin thưa riêng với anh là chuyến đi đã cho em nhiều năng lượng yêu đời, yêu người nên bây giờ em không còn ủ dột, em vui tươi và thấy đời đáng sống lắm anh ạ.
            Ngày đầu trên quê cũ:
Buổi sáng đầu tiên khi đặt chân lên mảnh đất Thành Cổ, tôi ngước nhìn tàng phượng ngày hè còn một trời rực rỡ mà nghe lòng bâng khuâng chi lạ. Chị An Lành chắc còn cảm động hơn tôi vì lâu lắm rồi chị mới được trở về quê cũ. Điểm đến đầu tiên là căn nhà rộng rãi của Hạnh – một cô bạn thời áo trắng Nguyễn Hoàng của Vĩnh Phước. Dù Việt Hương đã đặt hotel ở Đông Hà nhưng nể lời em gái - VP bảo Hạnh “xí phần” trước cả năm rồi, phải về đó đã rồi tính -  tôi và chị AL đành theo em gái và sự hiếu khách của chủ nhà đã khiến chị em tôi vô cùng cảm động.
            Trời vào trưa nóng hừng hực, gió Nam Lào đâu không thấy mà mồ hôi túa ra như tắm dù mấy quạt máy vây quanh chị em tôi Hạnh đều mở hết công suất, thế mà Hạnh bảo hôm nay trời mát đấy chứ mấy bữa trước 40 độ. Chị em tôi nhìn nhau nhưng không ai nghĩ đến chuyện dời về khách sạn trốn nóng. Mình từ đây mà ra chứ có phải từ xứ khác đến đâu, bà con mình ở đây chịu được thì mình cũng chịu được thôi. Tôi nghĩ thế và cảm thấy cái nóng không còn là cực hình nữa. Anh Lê Thiện Ngữ gọi điện rồi tìm đến giữa trưa nắng, thật là cảm động. Sau câu chuyện hàn huyên, thăm hỏi nhau, chị em tôi hẹn anh chiều sẽ về thăm Thạch Hãn xưa. Tôi gọi cho anh chị Lệ Phương – bà chị dâu con nhà ông bác để hỏi địa chỉ chiều đi taxi đến thăm gia đình, vì tôi biết nhà anh chị ở Thành Cổ nhưng không biết ở đường nào. Chị hỏi mấy o đang ở mô? Tôi nói địa chỉ và chị phá ra cười. Trời ạ! Thì ra là căn nhà ấy – căn nhà mà lúc nãy Hạnh đưa chị em tôi qua quán bún bên kia đường – khi ngang qua căn nhà đối diện chênh chếch tí xíu, một chị ở trong sân nói vói ra trêu Hạnh khi thấy Hạnh đi cùng người lạ. Và người ấy chính là chị Phương. Thêm một điều bất ngờ nữa là chị Phương và Hạnh cũng là chị em họ và rất thân nhau. Mấy phút sau chị Phương tìm đến và chúng tôi òa ra cười vì cái chuyện xin địa chỉ để kêu taxi đến thăm.
            Buổi chiều trời bớt nắng, chúng tôi tìm đến nhà ông anh bên ngoại ở góc đường Quang Trung bên bờ sông để thăm và thắp hương cho dì dượng. Bất ngờ gặp lại các em, anh Trinh mừng khôn xiết. Chuyện xưa lại trở về trong nụ cười có lẫn giọt nước mắt của mấy anh em. Bịn rịn chia tay người anh đã qua tuổi bát tuần, chúng tôi cùng nhau tìm về Thạch Hãn xưa.
            Anh Ngữ đón chị em tôi trong niềm vui, anh nói tưởng mấy cô sợ nóng ở khách sạn chứ nếu ở nhà o Hạnh thì về nhà tui có phải hơn không? Đúng thế, nhà anh rộng rãi, mát mẻ mà chỉ có hai vợ chồng, con cái trưởng thành đều đã ra riêng. Khuôn viên An Lạc Viên dù có thêm căn nhà mới nhưng vẫn không khác mấy, vẫn ao sen bán nguyệt soi bóng những cành lan đong đưa trong gió, vẫn vườn cây hữu tình bên những cổ vật một thời xóm cũ mà chủ nhân đã giữ lại để tạo cảnh. Anh Ngữ đưa chị em tôi sang thăm chốn cũ, trên đường đi anh chỉ từng góc đường và nhắc ngày xưa ấy… đây là nhà ai, kia là nhà ai… Khi dừng chân trước mảnh vườn xưa, tôi thấy chị An Lành rất xúc động, ngay cả tôi đã từng về đây mấy lần mà cũng nghe mắt cay cay huống hồ chị, người lần đầu trở lại sau mấy chục năm bỏ chạy để thoát thân vào mùa hè rực lửa năm 1972 – lúc trái pháo rơi xuống làm tan tành mái nhà thân yêu. Có lẽ với mảnh vườn cỏ úa trước mắt, chị đã nhớ lại căn nhà xưa, nơi đó có cha có mẹ còn trẻ và chị em tôi cùng những người thân, bạn bè của thời mới lớn. Mà thôi, hơn bốn mươi năm rồi, dâu bể là chuyện của đất trời, có còn chăng là tâm người vọng tưởng.
            Trên đường tìm về quán nem lụi o Hà ở chợ Sãi, cả nhóm 7 người gồm vợ chồng anh chị Lệ Phương, anh Ngữ, Hạnh và ba chị em tôi râm ran trò chuyện. Chiều, ven đường đi lúa đồng xanh bát ngát, gió nhẹ nhàng mát mẻ khiến hồn người sảng khoái. Vào quán, vừa yên vị chưa bao lâu thì thấy nhóm người khác đến, VP bảo chắc lại dân Nguyễn Hoàng đây nhưng chúng tôi không để ý lắm vì mùi nem nướng thơm lừng đang lùa vào khứu giác. Bất chợt có tiếng gọi Liên Hưng, tôi vội dừng cuốn nem đang định cắn dòm qua dãy bàn phía bên kia. A! Thì ra chị Ngọc Mân và nhóm bạn phương Nam (NH khóa 67-75) đang ngồi đó. Tôi mắc cỡ quá vội rời bàn đến chào các chị và thú nhận tại em tham ăn nên chẳng dòm đến ai, (ối là la…). VP cũng nhận ra cô giáo Yến hồi học sư phạm tại Bà Rịa. Thì ra toàn người quen cả.
            Trở lại Thành Cổ, Vĩnh Phước và Hạnh bận tiếp bạn nên tôi và chị An Lành thả bộ ra bờ sông Thạch Hãn. Đường chiều vắng vẻ và hơi nóng vẫn còn hầm hập. Bãi bồi trước chùa tỉnh hội bây giờ là điểm khai thác cát, không còn vẻ nên thơ của thuở nào. Chúng tôi lần bước về phía nhà nghỉ Thành Cổ mới thấy vài quán nước ven bờ. Đâu đó lác đác khách, có lẽ là cư dân Nguyễn Hoàng phương xa hẹn gặp nhau hóng gió. Nhưng gió chiều đâu chẳng thấy, chị em tôi dừng chân bên bến nhà thả hoa, dòng nước như dùng dằng, như chẳng muốn trôi, như mang nặng nỗi đau... Hay là âm hồn oan khuất của bao hài cốt còn chôn vùi trong lòng sông của mùa hè năm ấy đã nắm giữ dòng nước lại? Tôi lặng lẽ thả từng bước chậm, ngắm dòng sông mờ dần trong bóng tối không bóng thuyền chài mà nghe nỗi sầu ở đâu chợt ùa về vây phủ.
            Chiều nay tắt nắng bên sông lạnh
Chẳng thấy ngư ông gõ mạn thuyền
Chỉ có mình ta trong cô quạnh
                                       Hoàng hôn đổ xuống dốc đời nghiêng…
Ngày góp mặt cùng nhóm 67-75:
Theo kế hoạch, tôi định ra đến Quảng Trị là về làng luôn, sau đó đi họp trường ngày 20/6 và ra Đông Hà rồi về nhà sớm, chứ bỏ mẹ già đau yếu, con gái vừa được nghỉ hè về nhà, đi lâu ngày không đành lòng hơn nữa còn cuộc hội nghị quan trọng ở cơ quan vào cuối tháng, nhưng ông anh họ của tôi báo bận. Ngày trước anh bận việc làng, ngày sau anh bận dự họp tuyên dương cựu giáo chức gì đó tại Đông Hà. Về làng mà anh em không có thời gian trò chuyện thì không được nên tôi đành dời ngày về làng lại. Ngày thứ hai ở quê nhà rảnh rỗi nên chúng tôi nhập nhóm lớp chị Lê Lan (khóa 67-75) vì sau cuộc chơi, mấy chị em có dự định ghé qua Đạo Đầu thăm mộ thầy Phan Phụng Thạch. Khi nghe anh Thiên – bạn học chị Lan mời, tôi rất vui nhưng củng thật lòng nói với anh là tôi xin góp phần vì tôi không đi một mình mà là 4 người – ba chị em LH và Hạnh. Không ngờ anh Thiên nói anh mời nhóm LH 10 người, đi bao nhiêu cứ báo để anh chuẩn bị phương tiện. Ôi! Thế thì còn gì bằng và chúng tôi đã có một ngày không chỉ đáng nhớ mà còn đầy ý nghĩa, vì thỏa được nguyện vọng bấy lâu là một lần về thăm mộ người thầy năm cũ.
            Điểm đến đầu tiên là nhà anh Nớp ở làng Văn Vận. Đây là nơi họp mặt của các CHS/NH khóa 67-75. Ồ! Nhóm nầy khá đông, mọi người ngồi chật hết 5 chiếc bàn tròn. Những món ăn được bày ra để cho bạn học ngày xưa cụng ly và tha hồ nhắc chuyện cũ. Có những người 40 năm nay mới gặp lại nhau, phải xưng tên mới nhận mặt rồi ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. Những chiếc máy ảnh liên tục lóe lên ghi hình kỷ niệm và đã có những câu thơ chơn chất thật cảm động được viết vội vàng trên mảnh giấy nháp, anh Lê Thiên cứ đọc đi đọc lại hết bàn này sang bàn khác khiến ai nấy quên luôn buổi trưa ngày hè đứng gió.

            Điểm đến kế tiếp là trằm Trà Lộc rợp bóng cây xanh. Giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, bên bàu nước lộng gió với những cánh sen, cành súng đong đưa mọi người chọn một chòi lá rộng rồi quây quần bên nhau tiếp tục câu chuyện xưa – nay và ca hát. Anh Văn Thiên Tùng méo mó nghề nghiệp hay sao mà dẫn chị em tôi đi dọc theo lối mòn ven bàu nước để giới thiệu về những cây dược liệu thiên nhiên. Nhìn những cọng dây tầm gởi vắt vẻo trên cành lá màu xanh, VP hỏi anh đây là cây gì và anh đáp tỉnh bơ: dây tơ xanh. Tôi không biết anh nói đùa hay thật nhưng ngẫm nghĩ cũng có lý, dây màu hồng gọi là tơ hồng, còn đây dây màu xanh thì phải gọi là tơ xanh chứ còn chi nữa (!). VP nhắc lại kỷ niệm đây là con đường xưa em đi học 40 năm trước nhưng so với ngày nay thì khung cảnh thiên nhiên hồi ấy đẹp hơn nhiều. Hàng cây mưng hoang dại đầy những chùm hoa đỏ rắc xuống mặt nước dập dềnh ven hồ đẹp đến nao lòng khiến chị em tôi không nỡ dời chân thuở ấy giờ chẳng còn một móng, có lẽ chúng bị kẻ trộm bứng trốc gốc để đem bán cho những công viên, nhà hàng ở phố thị từ lâu rồi. Và bây giờ chúng được gọi bằng cái tên sang cả hơn: Lộc Vừng. Bỗng dưng tôi chợt nghĩ không biết ở những nơi chốn thị thành ấy, cây mưng ngày nào có nhớ tiếc cảnh đời phóng khoáng, tự do với chim muông bên bàu nước thiên nhiên này không? Hay chúng lại hãnh diện khi được khoác vào mình một cái tên mới và được trang điểm bằng những chùm đèn lấp lánh giữa cảnh phù hoa đô hội?

            Xế chiều, khách ở các quán lá bắt đầu rời chỗ và chúng tôi cũng thế. Tạm biệt mọi người, chiếc xe nhỏ đưa anh Thiên, chị em Thương – Lan cùng Liên Hưng – Vĩnh Phước qua chiếc cầu ngang trên sông Vĩnh Định gần chợ Ngô Xá rồi quay đầu hướng về thị xã Quảng Trị. Qua cầu Ba bến, xe rẽ vào con đường nhựa thẳng tắp mà ngày trước người dân quê tôi quen gọi đó là đường cây số 5. Thuở còn ở quê nhà, tôi chưa từng qua con đường này nhưng biết nếu về hướng ấy là sẽ đến Chợ Cạn. Con đường đất ngày ấy thẳng tắp đầy bóng dương liễu trông thật nên thơ còn bây giờ đã được tráng nhựa, rộng đủ cho ô tô qua lại. Xe bon bon trên đường giữa những cánh đồng lúa vụ thu đông còn xanh bát ngát. Những làng mạc nối nhau và chúng tôi đều dễ nhận biết là mình đang đi đến đâu vì trên mỗi con đường dẫn vào xóm nhỏ đều có tên làng, tên xóm. Và đây rồi: Xóm Bàu làng Đạo Đầu, quê hương người thầy quá cố. Chị Lan gọi điện liên lạc và chú Bích – em trai thầy đón chúng tôi đầu ngõ. Nhìn hàng cau xếp hàng thẳng tắp trên lối vào nhà, tự dưng lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn mênh mang. Chúng tôi xin phép chú Bích bày quà bánh lên bàn thờ rồi thắp nhang. Di ảnh thầy vẫn thế, vẫn chiếc kính cận trên khuôn mặt gầy gầy thanh tú, vẫn trẻ trung như độ nào thầy còn trên bục giảng. Thầy đã dừng lại ở tuổi 30 nhiều mộng ước chứ không như lũ học trò chúng tôi ngày một già đi vì thời gian tàn phá.

            Trước khi rời nhà chú Bích, mấy chị em dừng lại trước sân thả mắt theo hàng cau chót vót, ngắm cây khế già bên gốc vườn mà nhớ đến đây từng là một nơi chốn đi về của thầy. Chị Lan khe khẽ đọc lại câu thơ cũ của thầy: Còn bao giờ em trở về qua đó. Mắt u hoài đi giữa nắng vàng hanh (Thơ tình tuổi 30). Nghe lời thơ cũng là câu hỏi ấy khiến tôi bất giác trả lời: Thưa! Bây giờ em đã về chốn cũ. Mắt vương sầu đi trong nắng chiều rơi.
 Chú Bích đưa chúng tôi đến nơi an nghỉ của thầy. Xe dừng lại ngoài đường lớn, mọi người xuống xe, men theo bờ ruộng để vào thăm thầy. Con đường vào khu mộ tuy không bao xa nhưng hết cát trắng lún chân người lại đầy hoa mắc cỡ nên chúng tôi phải bước chậm, thận trọng để khỏi té ngã. Và đây rồi, nấm mộ đơn sơ của thầy nằm trong khu lăng mộ họ Phan. Chị Lan nói trong nghẹn ngào: Mộ thầy đơn sơ quá! Chúng tôi lặng lẽ đốt nhang, cắm lên mộ thầy và những ngôi mộ chung quanh rồi ngồi bên nhau, nhẹ áp đôi tay vào nấm mồ xi măng lạnh lẽo có ghi dòng chữ: Đời 13 - Phan Ngọc Thạch (tên trong gia phả cùa thầy) mà không nói nên lời. Gió chiều xao xác, không biết có phải vì gió thổi khói nhang vào mắt hay không mà mắt của mấy chị em tôi đều ngân ngấn nước.
Để nước mắt đừng rơi xuống, tôi ngước lên. Bầu trời tháng hạ về chiều xanh bao la, những tia nắng cuối ngày chiếu vào những vệt mây trắng ánh lên màu cam rực rỡ. Khu nghĩa trang nằm lặng lẽ giữa cánh đồng xanh và chúng tôi cùng lặng lẽ tưởng nhớ người thầy tài hoa bạc mệnh. Tôi nghĩ nếu linh hiển, hẳn vong linh thầy cũng bớt phần nào lạnh lẽo khi thấy những đứa học trò nhỏ dại của thầy năm xưa, dù xa xôi ngàn dặm vẫn trở về tìm thăm thầy và nhỏ những giọt lệ tiếc thương không khác gì giọt lệ tiễn thầy 42 năm trước.
Trở về Thành Cổ thì trời đã tối, sau một ngày dong ruổi chúng tôi cần nghỉ ngơi để hôm sau còn đi dự họp trường nên không ai có ý định đến Tích Tường tham gia đêm tiền hội ngộ.
Tôi có hai ông bạn học đã hẹn cùng nhau về hội trường lần này nhưng cuối cùng chẳng có ai nào về được vì lo nuôi vợ bệnh. Thật là tội nghiệp! Hai bạn ấy gọi điện cho tôi nhiều lần. Khắc Hồng dặn dò, nhắc nhở đủ điều làm tôi vừa cảm động vừa mắc cười. Nhớ cái lần họp mặt Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị lần thứ III năm 2012, hắn đã về trước đón tôi và đưa tôi đi thăm khắp các làng quê nội ngoại – đó là lần chúng tôi gặp lại nhau sau 40 năm chia tay thời Nguyễn Hoàng - Non Nước. Còn Phan Thạch Nhân thì cứ tiếc mãi vì bà xã bệnh bất ngờ phải vào bệnh viện trước ngày hắn chuẩn bị lên đường. Tôi an ủi: Thôi các ông ở nhà lo cho vợ để trọn đạo nghĩa phu thê đi, hội trường còn nhiều lần chứ có phải chỉ lần này thôi đâu. Nhân cứ nhắc lui nhắc tới là LH về Quảng Trị phải dành thời gian thả bộ trên con đường Gia Long cũ vào một đêm trăng nào đó nhé! Thế nên buổi tối hôm đó, dù chưa phải vào mùa trăng tôi vẫn cứ thả bộ ven bờ sông để tròn lời hứa với ông bạn thân, vì sau buổi hội trường ngày mai tôi sẽ rời nơi đây, đâu còn thời gian chờ đường trăng mà nhớ về ngày tháng cũ.
Đêm. Mảnh trăng lưỡi liềm nép mình trên bầu trời cao, đâu đó những ánh sao lấp lánh. Trăng non không đủ sáng tỏa dòng sông nên chẳng thấy đâu là bến, đâu là bờ. Ánh đèn điện hắt từng vùng ánh sáng nhờ nhờ lên con đường vắng vẻ. Hàng cây im gió lặng lẽ rủ bóng sầu tư. Tôi bước đi mà nghe hồn trùng trùng diệu vợi, mà mơ tưởng đến ánh trăng huyền diệu của con đường thơ mộng thuở nào. Và thế đó bạn ạ!
Bến sông không còn như xưa
Đường trăng hết rồi ngày cũ
Cây đổ dài bóng rủ
Mờ sương
Người về viết nốt đoạn trường
Chợt nghe hai tiếng vô thường đâu đây
 
Rộn ràng ngày hội Nguyễn Hoàng (20/6/2015):
Trời vừa mờ sáng đã chộn rộn, chưa ra khỏi nhà mà bạn bè của tôi và VP ở Đông Hà đã a lô tới tấp. Sau khi điểm tâm vội vàng, mấy mệ học trò năm nao cùng nhau về trường cũ. Trước cổng trường, vị thầy tôi gặp đầu tiên là thầy Hồ Ngọc Thanh từ Đà Nẵng ra và thầy lúc nào cũng vui tươi, lịch lãm. Rồi đoàn Nguyễn Hoàng - Huế với nữ đồng phục áo dài màu tím nón bài thơ thật duyên dáng. Vẫn khung cảnh quen thuộc như mọi lần, vẫn từng đoàn người áo quần tinh tươm bên những tràng hoa tươi thắm, vẫn thầy cô bạn bè một thuở mà lạ chưa? Sao sau ba năm gặp lại, tôi lại thấy hình như ai cũng trẻ ra và xinh tươi hơn.
Quầy sách Nguyễn Hoàng đặt ngay cạnh cổng trường, tôi ghé vào mua mấy cuốn Nguyễn Hoàng số 4 do Ban liên lạc CHS/NH - Quảng Trị tại Huế phát hành, phần cho mình, phần để dành cho người thân nhưng rồi vướng tay, không thao tác phóng viên nghiệp dư được đành phải đem gởi Việt Hoài đang ngồi phát hành Hương Quê Nhà
Nhiều đám đông tụ tập trước cổng trường chụp ảnh, bọn tôi cũng hòa vào đám người vui nhộn đó. Nhóm bạn Đông Hà vào tới, thế là chị em tôi ai theo bạn nấy. Chúng tôi tíu tít kéo nhau đi khắp nơi để chụp ảnh lưu niệm, trong thoáng chốc bỗng trở lại tuổi mười lăm; trong thoáng chốc bỗng quên bẵng mình đã là những bà nội, bà ngoại với những cơn đau chắc lắc xương và đa đoan cuộc đời. Cả sân trường râm ran tiếng nói cười, ai cũng tươi roi rói, đúng là ngày hội. Khối lớp 8 (NK 69-75) của tôi lần này về dự họp mặt khá đông, dễ chừng gần 60 đứa. Có đứa nay mới về lần đầu, gặp nhau phải khai tên mới nhớ ra. Chúng tôi ngồi túm vào nhau trò chuyện. Đặc biệt giữa đám con gái áo dài, áo đầm se sua vui mắt bỗng nỗi bật lên cái đầu trọc và tà áo nâu của thầy Thích Nhuận Thiền (CHS/NH Trần Nông). Có người thấy vậy vội chụp ngay một pô ảnh cùng câu nói “Đường Tăng lạc vào vương quốc Nữ giới”, khiến ai nấy bật cười vui vẻ.
            Những người quen gặp tôi ai cũng hỏi cô Giáng Hương và anh Phan Thạch Giang đâu, sao không về? Anh Giang bận chuyện gia đình, anh đã báo không về được từ trước, còn cô Giáng Hương thì thật là… Để chuẩn bị cho chuyến hội trường lần này cô đã mua sẵn vé máy bay, cô bảo cô phải về vì lần họp mặt năm 2012 cô bệnh nặng, không về được, buồn lắm. Cô hẹn khi ra Quảng Trị sẽ gọi cho tôi và cô trò mình sẽ ở cùng một nơi. Thế nhưng trước ngày đi cô lại nằm liệt vì cái chứng rối loạn tiền đình đến không đúng lúc, cô gọi cho tôi, nói cô phải trả vé rồi mà giọng buồn rười rượi, thương quá là thương! Lần về này của tôi cũng không có Lan và Nguyệt Mỹ - hai đứa bạn thân thời Thạch Hãn đi cùng. Chúng hắn đang bận nuôi cháu nội ở Sài Gòn, đành hẹn gặp nhau trong đó thôi. Tôi cũng rất tiếc vì sự lỡ hẹn giữa tôi và một vị CHS/NH đàn anh. Vì ở cách nhau khá xa nên bấy lâu nay anh em tôi chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại. “Kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình” như anh thường nói. Anh hẹn sẽ gặp tôi trong ngày hội ngộ Nguyễn Hoàng. Tôi rất vui vì mình sẽ được gặp một người mà tôi rất nể trọng không chỉ về mặt tri thức, hiều biết mà còn luôn động viên cùng những góp ý chân thành cho lớp đàn em như tôi. Thế nhưng anh lại bệnh bất ngờ trước ngày họp mặt nên không về trường được, lại đành hẹn kỳ hội ngộ kế tiếp. Ôi! Cái lứa tuổi của những CHS/NH là như thế đó. Bởi vậy tôi thường nói với bạn bè khi nào đến dự các buổi họp trường được là đi, bởi vì tuổi đời của chúng ta đang tỉ lệ nghịch với sức khỏe, đến một lúc nào muốn đi mà sức khỏe không cho phép thì buồn lắm.
 Buổi lễ bắt đầu, trời hôm ấy nắng dịu, không mấy oi bức, đúng là trời thương dân Nguyễn Hoàng. Thế nhưng mấy o vẫn ghé mua mấy chiếc quạt giấy bày bán bên góc sân trường vừa để tạo thêm hơi gió vừa để làm dáng. Cũng như các cuộc họp mặt khác, trên sân khấu vẫn những lời phát biểu chúc mừng, vẫn phần tặng hoa tri ân thầy cô, tặng quà đồng môn khó khăn,… và phát học bổng cùng những màn văn nghệ xen kẻ. Còn đám học trò già giữa sân trường thì cứ níu lấy nhau chuyện trò và chụp ảnh.
Sau một hồi tíu tít với bạn bè, tôi gọi em gái để cùng nhau đến chào thầy cô. Thầy Lê Hữu Thăng ngồi chung với học trò hay là học trò vây quanh thầy? Có lẽ cả hai. Trên sân trường hôm đó, tôi gặp lại nhiều người quen ở khắp nơi và những tấm hình kỷ niệm lại bấm vội. Những người bạn học cũ của chị Nho hỏi sao Nho không về? Và tôi lại phải trả lời rằng thì mà là… Chị Trần Thị Hóa đưa chị em tôi đến chào anh Trần Kim, thế là bốn anh em cùng quê Lam Thủy thuở nào đã có chung tấm ảnh giữa sân trường - dù lời hẹn cùng nhau về làng xưa chưa thực hiện được. Các anh Nguyễn Hoàng niên trưởng gốc làng Lam Thủy cũng gọi chị em tôi đến thăm hỏi. Ôi! Tình đồng môn, tình quê hương sao mà ấm áp!
Có lẽ ngày hội trường năm nay trùng với ngày Mồng 5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ) nên số người về tham dự không đông, nghe đâu chỉ hơn 700 người. Tuy nhiên khâu tổ chức khá chu đáo, có lẽ rút kinh nghiệm những lần trước. Buổi lễ kết thúc với bữa tiệc trưa đủ chỗ ngồi, không phải chạy đôn chạy đáo như những lần trước. Món ăn cũng vừa khẩu vị nên ai nấy cùng cụng ly vui vẻ trong tiếng hát giúp vui của thầy trò Nguyễn Hoàng. Tiệc tàn, nhóm bạn khối lớp 8 của tôi rủ nhau đi cà phê nhưng tôi phải trốn về, không dám chào ai vì đã nhận lời tham dự họp mặt cùng khóa NH 65-72 do thầy Thích Lệ Nhân – tức CHS/NH Lê Nam Dương mời, đồng thời phải chuẩn bị chút hành lý cho buổi đi biển lúc 4 giờ chiều nữa.
Đúng 2 giờ chiều, anh Hoàng Chẩm – một CHS/NH khóa 65-72 ghé đón tôi đến Thủy Trúc Viên. Vừa đến sân tôi đã gặp thầy Thích Lệ Nhân, thầy vui vẻ chào tôi, lấy dây đeo họp mặt khóa 65-72 cho tôi rồi đưa vào hội trường. Mọi người đã đông đủ, hình như tôi đến muộn thì phải. Vừa bước vào, tôi vội đến chào quý thầy cô như thầy Thăng, thầy Nghiên, thầy Nhơn, thầy Đằng,… và gật đầu chào chung mọi người. Anh Nguyễn Văn Trị cũng là một khách mời, anh ngoắc tôi lại ngồi gần anh. Cuộc hậu hội ngộ của nhóm NH 65-72 được tổ chức khá hoành tráng không thua gì các cuộc họp mặt khác. Ngoài các anh chị cựu học sinh cùng khóa và khách mời là thầy cô, một số CHS các khối khác cũng được mời tham dự. Sau phần khai mạc là phần giới thiệu và tặng hoa cho thầy cô và khách mời. Cầm bó hoa tặng trong tay, lòng tôi bồi hồi xúc động vì sự ưu ái mà lớp anh chị đàn anh đã dành cho tôi - một Nguyễn Hoàng đàn em chỉ “đại diện” cho chính mình chứ không là đại diện cho nhóm hay tập thể nào cả. Cuộc vui tiếp tục với chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn khi sôi động, lúc sâu lắng trong không khí thân mật. Trước khi bàn tiệc được bày ra, anh Trị nói nhỏ với tôi rằng anh phải chuồn về để kịp giờ tập trung đoàn đi Cửa Việt. Tôi cũng thế nên hai anh em lặng lẽ rời chỗ ngồi mà chẳng dám chào ai. Không ngờ khi lẻn ra ngoài tôi đã thấy thầy Thích Lệ Nhân ngồi đó. Thế là anh Trị và tôi phải nói lý do để xin phép về trước. Vậy mà khi rời sân, thầy đã vội vàng chạy theo, tặng huy hiệu của khóa 65-72 cho hai anh em, thật là cảm động.
Thời gian còn lại: Cửa Việt, Lam Thủy và Đông Hà:
Chị em tôi vội vàng tập trung ở điểm hẹn trước 4 giờ chiều, thế mà hơn một tiếng sau xe mới đến đưa đoàn đi Cửa Việt. Nghe đâu tài xế (chỗ đã hợp đồng) nhậu Tết Đoan Ngọ, xỉn ngoắc cần câu rồi nên ban tổ chức phải lo chạy mướn xe khác. Hết biết!
Khi nhận phòng xong trời đã tắt nắng nhưng tôi vẫn chạy ra biển giỡn sóng. Biển Cửa Việt thật tuyệt, bờ bãi sạch sẽ, nước trong xanh và mát mẻ không nơi nào bằng. Trời chiều gió nhè nhẹ nên chỉ từng gợn nước nhấp nhô rồi vỗ nhẹ vào bờ chứ không có sóng lớn. Bờ cát dài thoai thoải nên càng lội ra xa càng thấy cạn, dòng nước trong xanh soi rõ cả cát mịn dưới nước. Cả một ngày loay hoay giữa trời mùa hạ dù không nóng lắm nhưng cũng thấy người bứt rứt, giờ được ngâm mình trong làn nước mát mới thú vị làm sao! Tôi chỉ muốn tắm mãi nhưng rồi phải rời biển vì màn đêm đã buông xuống. Tôi đã từng đến bãi biển Phú Quốc – nơi được mệnh danh là đảo Ngọc và bãi biển Côn Đảo. Những nơi ấy cũng sạch sẽ, nước trong xanh nhưng sao tôi vẫn thấy không bằng ở đây. Phải chăng vì Cửa Việt là quê hương mình nên tôi thiên vị?
Buổi tối chưa kịp tập trung về nơi đốt lửa trại như chương trình của đoàn thì vợ chồng Định – Hương và nhóm bạn đã từ Đông Hà lái xe đến trước sân khách sạn gọi tôi. Thế là cả nhóm 10 người kéo nhau đi thưởng thức hải sản. Lại một lần tôi thiên vị - Mà không phải, sự thật là thế! Sự thật là hải sản ở Cửa Việt ngon hơn ở bất cứ đâu nhất là món mực ống luộc. Từng lát mực cơm dày cui, luộc chín rồi mà làn da màu hồng tím vẫn tươi như còn sống. Gắp một lát chắm nước mắm gừng đưa vào miệng nhai nghe rôm rốp, dòn tan lẫn trong vị thơm, vị ngọt. Tuyệt cú mèo!
Khi những cái bao tử không còn chỗ chứa thêm được món gì nữa, nhóm trở về điểm đốt lửa trại trên bãi biển nhưng lửa đâu chẳng thấy, hỏi chị Quang Tuyết mới biết người ta không cho đốt. Thấy số người tham dự không nhiều nên tôi kêu nhóm bạn khoan về Đông Hà, hãy ở lại hưởng ứng cuộc chơi một lát. Tuy số người còn ít nhưng cuộc vui vẫn tiếp diễn. Tiếng đàn, lời ca lẫn tiếng cười hòa trong tiếng sóng biển. Dù chăm chú hết sức nhưng trong trò chơi chim bay cò bay tôi cũng bị nhầm động tác mấy lần, nhờ “ăn gian” nên những lần trước thoát nhưng đến lần cuối thì chị Mỹ Liên đã nhanh mắt túm được tôi. Thế là tôi đành phải nối đuôi vào hàng người bị phạt ra sân làm vịt con đập cánh, xoãi cẳng, lắc mông,…vừa hát vừa bước đi quanh sân theo các động tác của vịt mẹ Mỹ Liên, trò này đã gây nên những tràng cười sảng khoái. Lâu lắm rồi tôi mới trở lại trò chơi nầy, cảm giác như trở lại thời đi học vậy. Vui thiệt là vui!
Khuya. Bài hát chia tay một thuở được vang lên trong những cánh tay đan nhau rồi mọi người giải tán. Nhóm bạn của tôi tạm biệt về lại Đông Hà sau lời hẹn ngày họp bạn hậu hội ngộ. Trên đường thả bộ về khách sạn, anh lại gọi cho tôi. Bình thường anh chưa bao giờ gọi về giờ này vì anh sợ làm tôi mất giấc ngủ nhưng hôm nay anh gọi, vì anh biết đêm nay tôi dự buổi lửa trại Cửa Việt. Anh hỏi đủ thứ làm tôi trả lời không kịp, nào chuyện họp trường, chuyện tôi gặp bạn bè, vui buồn ra sao? Chừng nào tôi về làng? … Và nhất là sức khỏe của tôi. Khi nghe tôi ríu rít kể lại mọi chuyện anh rất vui – càng vui hơn khi nghe thời tiết quê nhà thuận lợi cho những người xa về dự hội. Trước khi chúc tôi ngủ ngon, anh nói “Anh luôn theo em trên mọi bước đường” làm tôi thấy mình thật hạnh phúc. Vâng! Hạnh phúc đơn giản thế đó! Chỉ cần một câu nói ngắn của anh cũng đủ làm tôi quên đi bao đa đoan trước đó và đem đến cho tôi giấc ngủ ngon không mộng mị trong đêm dài Cửa Việt.
Buổi sáng, mở mắt ra thì trời đã sáng tỏ tự bao giờ, khi chị em tôi kéo nhau ra biển thì đã đông người tắm. Hôm nay có gió nên sóng lớn hơn, ai biết bơi thì bơi còn số không biết bơi thì túm vào nhau nhảy sóng. Vừa tắm vừa giỡn, tiếng la hét, nói cười khuấy động cả một vùng biển vắng. Tắm đã đời lại kéo nhau nằm ngồi sóng soãi gần bờ để chụp ảnh. Các chị lớn tuổi coi vậy mà còn nghịch hơn cả tụi tôi. Các chị bắt từng cặp một ra tạo dáng để thi ảnh. Ối trời ơi! Những tấm ảnh đó mà tung lên mạng chắc thiên hạ cười bò luôn vì mệ mô mệ nấy tóc tai nước ướt nhẹp, cười nhăn răng, còn đứng, ngồi huơ tay múa chân, có mệ còn chỏng vó lên trời nữa.
Khi xe trả chị em tôi về Thành Cổ thì đã 10 giờ trưa. Ba chị em lo soạn hành lý để về làng. Tội nghiệp Hạnh đã chuẩn bị thức ăn nhưng chị em tôi không còn tâm trí để ăn, lòng cứ những muốn về nội, ngoại. Hạnh nói mãi cuối cùng đành ngồi lại ăn mấy cuốn bánh ướt, Hạnh than còn thức ăn mua sẵn để làm món này món nọ đây ai ăn cho hết? Khi chia tay, thấy Hạnh khóc chị em tôi cũng xúc động. Hạnh nói: Hai chị và VP đi rồi, Hạnh buồn lắm. Tôi nghĩ cả Thành Cổ này cũng buồn nữa. Mấy ngày người Nguyễn Hoàng về trường xưa nên phố xá rộn ràng, người đi lại trên đường phố tấp nập, tiếng nói cười râm ran, các quán nước, nhà hàng đầy khách. Bây giờ người rút đi, thị xã trở lại nhịp đời cũ. Lặng lẽ. Người ở lại buồn còn người đi thì thương, thương lắm phố xưa ơi!
Chúng tôi đến Quy Thiện trong cơn mưa buổi trưa ngày hạ. Gió rít mạnh làm ngả nghiêng cây cối trong vườn nhà ngoại. Cậu nói: Nghe họp Nguyễn Hoàng, cậu đoán các cháu sẽ về. Chúng tôi thắp hương lên bàn thờ ngoại rồi hàn huyên cùng cậu mợ. Mưa vẫn tiếp tục rơi, nghe đâu có bão xa. Chờ mãi không ngớt mưa, ba chị em đành đội mưa lội bộ ra xóm ngoài đốt nhang bàn thờ cho ông cậu út vừa qua đời hai tháng trước. Con đường đất trơn trợt quanh co ven bờ ruộng khiến tôi trợt chân té ngã, may mà có chiếc áo mưa che bên ngoài.
Chiếc taxi lại tiếp tục lăn bánh đưa chị em tôi về làng nội. Quê ngoại khuất dần sau làn mưa, những làng quê Trâm Lý, Văn Vận, Phú Xuân, Trà Trì, Trà Lộc cũng lướt qua bên dòng sông Vĩnh Định. Và đây rồi, bến nước đầu làng Lam Thủy hiện ra với bao nỗi bồi hồi bên con đường dẫn vào xóm nhà tôi một thuở. Vợ chồng anh Ngọc Thể đón chị em tôi trong niềm vui sum họp.  
Sau ly nước hội ngộ thăm hỏi nhau, trời tạnh mưa, mát mẻ, tôi bước ra sân. Vườn nhà tôi đối diện phía bên kia nhưng chẳng còn lưu lại một vết tích nào ngày cũ, tất cả đã thay đổi. Khung cảnh nhà anh Thể đẹp hơn mấy năm trước, giàn hoa giấy trước cổng bao phủ một màu tím hồng tuyệt vời. Những cành bưởi thấp lè tè trĩu quả tròn mọng thật ngon mắt bên những chậu hoa khoe sắc. Tôi mân mê đóa mẫu đơn – một loài hoa trước đây ở quê ba tôi trồng rất nhiều nhưng lâu rồi tôi ít khi được gặp lại. Trên những đóa hoa lớn này thuở ấy tôi thường thấy những sinh vật mềm mại, mình nhỏ như cọng bún, dài chưa tới lóng tay có tên là mủ mủ. Toàn thân chúng là một màu hồng cánh sen điểm xuyết vài điểm trắng phía bụng rất đẹp mắt. Thích nhất là lúc chúng vỗ đôi cánh mỏng, nhỏ xíu chấp chới di chuyển từ đóa hoa này sang đóa hoa khác. Mủ mủ thường nép mình trong những chiếc lá non vùa hé mắt và hút nhựa ngọt của hoa mẫu đơn để sống. Tôi thường bắt mủ mủ bỏ vào lòng bàn tay ngắm nghía, thích thú với hình dáng đẹp mắt ấy rồi thả vào những đóa hoa cho chúng hút mật tiếp. Cũng từ độ xa quê, 50 năm rồi tôi chưa hề một lần thấy lại loài côn trùng dễ thương này, hỏi ai, ai cũng không biết, chắc chúng tuyệt chủng rồi. Ký ức sống lại khiến lòng tôi bồi hồi nhớ ba, thương mạ và cảnh cũ một thời thơ ấu như vẫn còn hiển hiện trước mắt.
Trước khi viếng họ hàng và đi thăm bà con lối xóm, anh Thể mở cửa từ đường nhánh Nguyễn Ngọc để chị em tôi vào thắp hương tổ tiên. Cầm nén hương trong tay, tự dưng không ai bảo ai mà mắt cả ba chị em đều ứa lệ. Thế mới biết cái gốc gác cội nguồn trong mỗi con người luôn hiện hữu. Cuộc sống đa đoan, mưu sinh nơi đất khách có thể làm lắng xuống nhưng trong một góc khuất nào đó giòng máu họ tộc vẫn âm ỉ chảy. Và khi được trở về, bao nỗi buồn vui, tủi phận tha phương chợt vỡ òa, trào ra không ngăn được.
Buổi tối ở quê nhà. Dễ chừng 35 năm nay tôi mới có một đêm ở lại quê nhà Lam Thủy, những lần trước tôi chỉ sáng về thăm, chiều tạm biệt chứ không ở lại. Cơm nước vừa xong thì có vài người bà con ở gần đến thăm, lại cùng nhau nhắc chuyện cũ. Anh Thể cũng thông báo những dự tính xây dựng có tính cách tâm linh về họ tộc cho chị em tôi biết và câu “ly hương bất ly tổ” luôn ở trong tim mỗi người. Anh nay không chỉ là người chuyên lo việc họ tộc mà còn là chủ làng, bởi thế dù về hưu đã lâu nhưng anh  luôn bận rộn. Rất may là với số tuổi ngoại bát tuần mà anh vẫn còn đủ sức khỏe để cáng đáng mọi việc.
Trời về khuya, người trong nhà đã ngủ say, không gian miền quê thật im ắng. Không khí trong lành, dịu mát, những cơn gió ảnh hưởng bão xa lướt qua cành lá sau vườn xào xạc. Dù qua một ngày đi nhiều nhưng tôi vẫn khó ngủ, cứ trằn trọc với bao chuyện vui – buồn; xưa – nay đan xen trong trí óc. Ánh trăng thượng tuần còn sót lại len qua khe cửa càng làm nỗi nhớ trong tôi thêm da diết. Tôi nhớ, nhớ lắm. Tôi nhớ người, nhớ cảnh, nhớ ba mạ, nhớ chị em, nhớ tuổi thơ của mình, nhớ tất cả. Ở Lam Thủy mà lòng cứ ngút ngàn nhớ Lam Thủy. Quê hương ơi!
Trời chưa sáng hẳn chiếc xe 5 chỗ ngồi đã đến chờ trước ngõ. Cậu lái xe là một học trò cũ của anh Thể, cậu vào nhà chào chúng tôi rồi cùng ngồi thưởng thức ly cà phê đặc biệt do chủ nhà tự tay pha chế với mọi người. Tôi không phải là tay nghiện cà phê nhưng cũng thuộc típ người “biết uống”. Công nhận ly cà phê nhỏ đậm đặc do anh pha chế từ nhiều loại trộn lẫn vào nhau thật đặc biệt. Tôi không nhấp từng ngụm nhỏ như mọi khi mà chỉ hớp từng chút rồi ngậm trong miệng, nhẩn nha thưởng thức cho đến khi cái hương vị thơm tho, thanh khiết ấy tan ra, ngấm dần vào cổ họng. Tiếc là mọi người lo chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng sáng nay nên tôi chưa có thì giờ học công thức pha chế cà phê của anh. Xong chầu cà phê, vợ chồng anh Thể cùng chị em tôi lên xe.
Tôi yêu cầu tài xế cho ghé qua chợ Phương Lang, vừa tìm chỗ ăn sáng vừa thăm lại quán chợ ngày xưa. Phương Lang là địa danh sản xuất bánh ướt nổi tiếng nên đã về Quảng Trị thì không ai bỏ qua món ăn đơn giản này. Khi đi qua mấy mẹt bán dưa gang, chị An Lành đòi mua về chắm ruốc ăn với cơm. Nghe thế tôi bật cười, nói: Mình ra Đông Hà ở khách sạn, ăn cơm nhà hàng, mua dưa gang làm gì. Chị cũng bật cười nói: Thấy dưa gang chị thèm quá, ở trong kia chỉ có dưa leo chứ đâu có loại dưa gang ăn sống mát miệng như thế này. Tôi bảo: Ra Đông Hà em bảo Loan mua cho ăn, ở đó chắc cũng không thiếu đâu. Anh Thể đưa chúng tôi vào thăm sạp hàng của Trâm Anh, con gái đầu của anh. Gặp tôi, Trâm Anh mừng cười toe toét mà mắt lại rưng rưng. Ngày trước, khi còn ở quê dù phân vai là o cháu nhưng tôi và nó khá thân nhau. Trâm Anh nói cháu ước mơ sống bằng cây bút như mấy o chứ không ngờ lại rơi vào cảnh chợ đò như thế này. Tôi thương cháu, an ủi: Không sao cháu ạ! Mỗi người một nghiệp dĩ kiếm sống đó thôi. Mà nghe đâu các con cháu đều là bác sĩ, kỹ sư… Thế thì còn gì bằng. Lời nói thật lòng của tôi khiến mặt Trâm Anh tươi lên.
Xe trở lại Lam Thủy, con đường làng thẳng tắp, rộng rãi. Ngang lăng mộ Ngài khai khẩn, tài xế cho xe dừng lại để anh em tôi vào viếng mộ. Lăng xây theo hình bát giác, 8 cổng giống nhau tượng trưng cho 8 họ tộc của làng Lam Thủy. Giữa cảnh đồng lúa xanh bát ngát đang thì con gái, bên kia đường là những ao sen hồng đang độ khoe sắc đưa hương thoang thoảng trong làn gió sớm vi vu, cảnh đồng quê thật nên thơ. Chị An Lành của tôi say sưa chiêm ngắm và hít thở không khí trong lành của quê nhà..
Xe lại tiếp tục lăn bánh, xóm Sông với trường học cũ bên dòng sông Vĩnh Định, kỷ niệm một thời tuổi nhỏ. Nơi ấy mấy chị em nhà tôi đều đã học chữ với thầy Thể – tức là ông anh đang đi cùng chúng tôi hôm nay. Nhắc chuyện xưa, lòng mỗi người lại chùng về kỷ niệm. Dừng chân giây lát trên chiếc cầu bắc qua sông để thăm lại bến nước ngày xưa, để ngắm dòng chảy cuộc đời mà nhớ về con đò ngang ngày ấy rồi tiếp tục lên xe để về rú Lam Thủy.
Anh em tôi sợ trưa nắng lên không đủ sức lội cát nên bàn nhau đi thăm mộ ông bà nội của tôi trước, vì đó là những ngôi mộ được an táng cách đây đã sáu, bảy chục năm nên nằm yên vị trong rú sâu, chỉ có những mộ sau này mới nằm ở bìa rú, sát đường xe chạy.
Anh em tôi xuống xe ở đầu rú, đi bộ chừng hơn cây số mới đến mộ ông bà nội tôi. Cũng may ngày qua có trận mưa nên cát không bị lún, dễ đi. Anh Thể vừa đi vừa nói ông bà phò hộ anh em mình. Phần mộ ông bà tôi không có gì thay đổi, vẫn những cây tràm, cây chổi và cây cam rượu lúp xúp vây quanh chân lăng mộ. Năm nay hạn, ít mưa nên những chùm cam rượu trĩu quả bên cạnh mộ bà nội tôi trái nhỏ xíu, không căng mộng sởn sơ như những mùa hè trước. sau khi đốt nhang khấn vái, chị em tôi hái cam rượu ăn rồi nhắc chuyện xưa, chuyện thuở chúng tôi còn bé tí và ba tôi còn trai tráng.
Cúi đầu vái lạy từ biệt mộ phần ông bà nội, chúng tôi trở lại con đường cũ và lên xe vòng qua con đường lớn để đến khuôn viên lăng mộ dòng Nguyễn Ngọc. Và đây rồi, lăng mộ của ba tôi vẫn như năm nào. Không ai nhìn ai mà chị em tôi đều òa ra khóc, nước mắt nước mũi tèm lem. Chúng tôi bày bánh trái dưới chân bia rồi cùng nhau đốt nhang khấn vái. Gió sớm thổi vi vút đưa làn khói nhang chập chờn, lung linh trong màu nắng của một buổi sáng yên bình, đâu đó hoa mua tím bạt ngàn một màu nhung nhớ.
Ngồi lại bên nấm mồ của ba trong chốc lát, chị em tôi đứng lên tiếp tục thắp nhang viếng lăng mộ bà con chú bác chung quanh. Vừa thắp nhang vừa thì thầm khấn vái như chuyện trò với người đã khuất. Nầy là mộ bác, mộ o; kia là mộ chị, mộ cháu… Trong phút chốc những khuôn mặt bà con thân quen thuở nào như trở về hiển hiện trước mắt chị em chúng tôi với bao nỗi nhớ thương quay quắt.
Trời sáng nay mát dịu, ánh nắng nhạt nhẹ nhàng phất phơ qua ngàn cây nội cỏ khi xe rời rú Lam Thủy.
Ghé trằm Trà Lộc, anh em chúng tôi chọn một chòi lá để nghỉ trưa và để có thì giờ ngồi bên nhau, trời chợt đổ mưa. Ai cũng bảo may quá! May mình vừa đi viếng mộ xong và chắc hương đã cháy hết, chứ viếng mộ trong mưa, đốt hương không cháy thì đau lòng lắm lắm. Tội nghiệp! Trời mưa thế mà Trâm Anh ở Ngô Xá Đông cùng chồng đội mưa chở nhau đến hàn huyên. Thôi thì đủ chuyện vui buồn tuôn ra. Hết khóc lại cười; hết nhắc chuyện cũ lại hỏi chuyện mới. Hết chọc ghẹo nhau lại xúm vào ghi hình kỷ niệm mặc bên ngoài mưa trưa vướng vít lá hoa cây cỏ.
Chiều. Trời vẫn mưa rả rích. Trâm Anh lại cùng chồng đội mưa tạm biệt chị em tôi trong nụ cười vương khói. Chúng tôi quay xe trở về. Việt Hương, Loan ở Đông Hà gọi điện thoại thúc giục. Chất hành lý lên xe, chị em tôi chào tạm biệt anh chị Ngọc Thể, tạm biệt giàn hoa giấy trước cổng nhà; tạm biệt xóm nhỏ; tạm biệt con đường xưa; tạm biệt dòng sông đầy lục bình ngày hạ để trực chỉ Đông Hà.
Trên đường đi, điện thoại của tôi và Vĩnh Phước cứ chốc chốc lại réo. Bạn bè ở Đông Hà đang đợi chờ, nóng ruột. Duy chỉ có chị An Lành là ngồi lặng lẽ. Tôi biết chị đang nghĩ gì. Đã nhiều lần cùng chồng con về Quảng Trị nhưng chị chỉ ghé tạt qua làng thăm người thân chốc lát rồi vội vàng từ giã chứ chưa bao giờ có khoảng thời gian ở lại như lần này. Chị thường tâm sự với tôi là chị muốn cùng em gái về quê một lần. Chị muốn về thăm lại Thạch Hãn xưa, muốn gõ bước trên con đường ra chợ tỉnh, muốn dừng chân ngắm dòng sông Thạch Hãn lúc chiều buông. Và nhất là có một buổi tối ở quê nhà Lam Thủy để sáng hôm sau ra đồng thăm lúa, nhìn những mương nước ngày nào dẫn thủy nhập điền bên những phần đất màu mỡ trồng hoa màu xanh tốt; để đi lại con đường xưa, chao chân ở bến nước cũ, v.v… và bây giờ chị đã toại nguyện.
Khi xe dừng trước khách sạn Hoa Hồng thì đường phố đã lên đèn. Loan gọi điện hỏi địa chỉ để đến nhưng tôi khất sáng mai vì đã muộn. Hơn nữa tối nay tôi có đặt những món ăn dân dã Quảng Trị tại nhà hàng Hiệp Lợi của Việt Hương để chia tay với  nhóm bạn chị Lê Lan, vì ngày mai chị sẽ rời Quảng Trị. Khi cơm nước xong, trở về khách sạn thì Lê Nga – bạn học thuở lớp 6 của VP đã lái xe đến chờ trước cửa và thế là em đành xin phép hai chị, xách vali về nhà bạn.
Buổi sáng thức dậy muộn, chưa kịp ăn sáng thì Loan đã gọi rồi mang thức ăn đến vì trời mưa nhỏ, chao ơi đủ thứ, nào quà bánh, nào trái cây, nước giải khát… Ăn không hết phải mang về nhà để trưa ăn tiếp. Mùa hội trường năm nay Loan không về họp mặt, các bạn bảo vì LH không ra Đông Hà kéo Loan nên hắn không đi. Điều đó có lẽ cũng đúng nhưng Loan nói với tôi là không thể đi vì mạ Loan đang nằm điều trị ở bệnh viện, Loan phải trực mạ để chị em về dự hội trường. Điều này cũng không sai vì nhà Loan cả mấy chị em cũng đều là CHS/NH. Loan hỏi địa chỉ tôi ở Quảng Trị để chiều vào thăm nhưng tôi bảo trước sau tôi cũng ra Đông Hà, đừng vội. Và bây giờ chúng tôi đã ngồi bên nhau, tay trong tay, miệng cười mà nước mắt ngân ngấn. Loan và tôi là đôi bạn học thân thiết của một thời mới lớn, tuy ít có điểm chung nhưng không hiểu sao lại thân nhau lạ lùng. Không chỉ hai đứa thân nhau mà thân luôn cả mấy chị em trong nhà. Từ ngày tôi xa Quảng Trị, gần 40 năm qua tuy những lần gặp nhau rất hiếm hoi nhưng không vì thế mà tình bạn giữa chúng tôi phai nhạt. Mỗi lần gặp nhau là một lần nụ cười hòa trong nước mắt, mừng mừng, tủi tủi. Chúng tôi tin tưởng nhau tuyệt đối nên sẵn sàng chia sẻ chuyện riêng tư, không dấu nhau điều gì, bạn cười khi tôi vui, bạn khóc khi tôi buồn. Và hôm nay tôi đã thổ lộ với Loan điều thầm kín chưa một ai hay biết, Loan bóp chặt tay tôi, nhìn vào mắt tôi và nói: Mình tin tưởng ở LH, luôn tin tưởng LH đúng. Được sự đồng tình của bạn, lòng tôi nhẹ đi rất nhiều. Loan ơi! Ông trời đã dun rủi cho mình được kết thân với bạn, một người bạn thủy chung như nhất, phải chăng đó là ân điển cuộc đời, Loan nhỉ!
Trời vẫn mưa lất phất, tôi và chị An Lành theo Loan vào bệnh viện thăm mẹ Loan. Gặp tôi, bác nhận ra ngay và khi nhắc lại bác cũng nhận ra được chị An Lành dù đã hơn 35 năm không còn ở chung khu phố. Mẹ Loan năm nay đã 90 tuổi nhưng thần sắc còn rất tốt, tuy nhiên người già là thế, vào ra bệnh viện như cơm bữa. Bác la chị em tôi sao không về nhà ở cho vui, nhà cửa rộng rãi cũng chả thiếu tiện nghị, ở khách sạn chi cho tốn tiền. Loan bảo lỡ lần ni thôi chứ lần sau về đây mà ở khách sạn là tau từ đó. Tôi cười hứa lần sau dù mang theo cả nhà đi nữa vẫn đến ở nhà Loan khiến hắn cười tươi: Rứa mới phải chơ!
Loan gọi cô cháu gái đến trực bà ngoại rồi đưa chị em tôi về nhà. Loan bảo đi ăn gà chỉ nhưng tôi thú thật mấy ngày nay “quá tải” nên rất sợ thịt cá, giờ chỉ thèm rau cải thôi. Chị An Lành đòi thêm món dưa gang và cà trắng kẹp rau thơm chắm ruốc bột Hà Tây, thế là có ngay. Nhưng khi tôi xuống bếp lại thấy bạn lúi húi nhổ lông gà. Tôi giận, bảo: Mi nấu thì mi ăn chứ tau không nhúng đũa mô. Nói là nói thế thôi chứ làm sao từ chối khi bạn gắp miếng đùi gà bóp rau răm thơm lừng bỏ vào chén? Hi hi…
Bữa trưa hôm đó là bữa ăn ngon nhất của chị em tôi từ khi về Quảng Trị. Những đọt rau muống luộc xanh mướt; những miếng cà, miếng dưa tươi rói chắm ruốc cắn nghe rôm rốp. Ăn xong húp chén nước rau vắt chanh mằn mặn, chao ơi là ngon!
Buổi chiều chúng tôi họp bạn ở nhà hàng Bích La Thôn II, nhưng trời mưa lớn nên nhiều bạn không đến – nhất là những bạn ở thị xã Quảng Trị và phía Hải Lăng. Lại những màn quậy phá, chụp ảnh và trao số điện thoại cho nhau. Có mấy đứa nghịch tặc cứ tuôn ra từng tràng tiếng địa phương cổ xưa khiến tôi nghe mà ngớ người ra, phải nhập vào bộ nhớ 40 năm trước, tra cứu chốc lát mới hiểu được bạn nói gì, cười đến đau ruột. Mắc cười nhất là khi tôi nghe hai tiếng “ủ loạn” – Hình như đó là một lời chê trách. Trời ơi! Ủ loạn? Tôi đau đầu với từ này mất. Đúng là Quảng Trị mình có những tiếng địa phương không tra từ điển được. Dân xứ khác đến đây nghe là từ  bị thương đến chết thôi. Lại nhớ hồi sáng vào thăm mẹ Loan trong bệnh viện gặp lúc bác sĩ đang khám bệnh. Bác sĩ hỏi bệnh nhân trong phòng: Mệ đau răng? O đau răng? Và bệnh nhân khai: Tui đau chỗ ni, tui đau chỗ tê, tui đau trôốc, lạt mẹng, trốốc cúi tui dức lắm, v.v… Tôi ngồi nghe mà nín cười gần chết.
Đến 7 giờ tối, cơn mưa vẫn rả rích. Bạn ở Quảng Trị từ giã ra về vì trời tối đường xa, còn lại nhóm Đông Hà kéo nhau đi cà phê Nét Xưa đến hơn 10 giờ đêm mới chia tay.
Sáng Đông Hà trời vẫn mưa lất phất. Buổi sáng Loan đưa chị em tôi đi ngắm chợ Đông Hà để ăn hàng đồng thời mua sắm chút quà cho người thân và bạn bè ở phương Nam. Ồ! Ở đây cái gì cũng rẻ, cũng đẹp. Thế là ba chị em tha hồ lựa chọn, mua rồi về khách sạn còn kêu xe chạy ra mua nữa. Vợ chồng Việt Hương mời cơm trưa, có cả chị Quang Tuyết. Xong còn kéo nhau đến quán Trà Sen uống cà phê. Khung cảnh nơi đây thật thơ mộng. Ngoài những gian nhà gỗ thoáng mát và hoa lá tạo cảnh, hàng cọ dừa chạy dọc theo lối đi quanh co bên những hình ảnh trang trí hài hòa, đẹp mắt. Xa xa là rừng cây cọ dừa bên hồ nước còn mang vẻ nguyên sơ khiến mấy chị em mê mãi ghi hình quên cả bóng chiều rơi.
Chiều tối ngày cuối ở Đông Hà bận thu xếp hành lý nên tôi đành từ chối những lời mời của bạn bè, xin hẹn lần sau vậy. Thế mà buổi tối Việt Hương cũng qua chào từ giã rồi đến khuya Loan đội mưa tìm đến, mang theo đủ thứ nào chè, nào hột vịt lộn, nào bánh trái để chị em tôi ăn khuya và mang đi đường sáng mai. Tôi không chịu ăn, phần giận bạn không nghe lời (tôi đã bảo trời mưa, đừng đến nữa), phần ăn tối xong còn no nhưng cuối cùng nhìn vào mắt bạn tôi phải ráng ăn thêm. Bạn tôi như thế đó, giận thì giận mà thương vẫn thương lắm nên không nỡ làm bạn buồn lòng.
5 giờ sáng, chị em tôi trả phòng khách sạn và rời Đông Hà sau khi gởi những tin nhắn chia tay cho bạn bè. Dọc đường trở vào đất phương Nam những cuộc gọi của bạn bè vẫn tiếp tục. Loan, Việt Hương,… tiếc rẻ thời gian ở Đông Hà của tôi quá ngắn nên chưa tâm sự được gì với nhau, thôi đành nói qua điện thoại vậy. Anh lại gọi về nhưng tối đó tôi để nhỡ cuộc gọi của anh, vì tôi bỏ điện thoại trong túi xách trong lúc đi loanh quanh, tiếng ồn đã át tiếng chuông báo nên tôi không nghe máy khiến anh lo lắng, sáng hôm sau tôi vừa về đến nhà anh đã vội gọi lại và an tâm khi biết tôi đã về nhà bình an.
Trở về nhà sau hơn tuần vắng mặt, chợt thấy giàn hoa sử quân tử và hoàng anh rủ xuống, phủ kín trước cổng nhà. Những ngày tôi đi vắng, nơi đây ngày nào cũng mưa, mưa như trút nước suốt ngày đêm nhưng giờ tôi về thì trời tạnh ráo. Trong khi đó ở quê nhà bạn bè gọi vào than nắng nóng chịu không thấu. Bạn bảo tôi về, mang cơn mưa và hơi mát về theo giải nhiệt ngày hạ quê nhà được dăm bữa, nay tôi đi thì nắng hè đổ lửa và từng trận gió Nam Lào cũng trở lại. Nghe mà thương chi lạ! Mỗi ngày tôi đều theo dõi dự báo thời tiết khắp nơi trong nước, lòng lại chùng xuống, xót xa khi ngày nào cũng thấy nhiệt độ ở quê mình 39 – 40 độ C.
-Bạn dặn: Hè năm sau đưa con gái về thăm quê nghe. Tôi trả lời: Nhà mình neo người, mạ lại già yếu nên không dám hứa. Đợi họp trường mình sẽ kết hợp về luôn thể. Hẹn 3 năm sau nhé!
- Bạn cười: Không đâu, ngày trả lại tên trường Nguyễn Hoàng sẽ là ngày khai hội.Ngày ấy không  đến 3 năm đâu”.
- Ừ! Thì cứ mong như vậy. 


Nguyễn Hoàng ơi! Về để mà thương.
Quảng Trị ơi! Đi rồi lại nhớ. Nhớ lắm quê nhà tôi ơi! 
Biên Hòa, 5/7/2015.
NTLH

                                                         
                                                                                                                                 CHUYỆN GIẢ TƯỞNG

 Nguyễn Thị Liên Hưng

LTG - Từ trước đến giờ, các diễn đàn sinh hoạt đồng môn Nguyễn Hoàng đã chuyển tải nhiều dòng thơ, bài văn, bản nhạc ... lột tả những cảm xúc sâu lắng, hoài niệm khung trời hoa mộng trường xưa, thầy bạn cũ, hoặc những nghĩa tình chan chứa dâng trào từ thực tại cuộc sống đa dạng muôn chiều của đồng môn NH hôm nay. Với bài viết CHUYỆN GIẢ TƯỞNG, Liên Hưng cây bút quen thuộc của đồng môn NH - đang chuyển hướng - viết về sinh hoạt NH tương lai ,thể hiện ước vọng, hoài bão khát khao tìm về CHÂN, THIỆN, MỸ. 
NTLH

Ôi ! Thời Gian !
Bài viết này chỉ là sản phẩm giả tưởng
Người viết xin lỗi
Nếu ai đó thấy một nhân vật
nào đó hao hao giống mình


Đề ảnh:

Má hồng môi thắm phôi pha
Mắt trong giờ cũng nhạt nhòa theo mây
Gió đưa tóc trắng tháng ngày
Tà dương hư ảo... lắt lay lá vàng
Ngoảnh trông một giấc kê vàng
Đường xưa lối cũ ngỡ ngàng mù sương
Xin người giữ lại niềm thương
Ấm lòng một thuở Tình Trường ngày thơ
...
Ba mươi năm nữa... ai chờ?
Sẽ về ướt giấc mộng hờ thời gian...


Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối của mệ Hiên đều như nhau. Cứ hết võng lại giường, hết giường lại võng. Với mệ, nằm là chính vì mệ đã ngồi suốt hơn 80 năm qua rồi. Không chỉ ngồi mà còn đi, đứng, thậm chí chạy… Bởi vậy bây giờ mệ nằm là phải.
Đó là phép biện luận chứ thực ra cứ ngồi một chút là mệ đau lưng. Hết giường lại võng, nhưng giường hay võng với mệ có khác gì nhau đâu - nằm võng mệ cũng không thể đong đưa - không phải bây giờ mà cả mấy chục năm trước cũng thế, vì cứ đưa võng là mệ chóng mặt. Nằm võng chẳng qua là mệ muốn xê dịch cho vui vậy thôi.
Nằm. Mệ nghêu ngao, những tiếng thì thào lọt qua khe răng sún:
Ngày lại ngày qua. Hò ơ ơ… Ngày lại ngày qua.
Sắc màu phai. Lá tàn rụng. Ba gian trống. Xuân đi.

Mệ chợt ngừng bặt, đưa đôi mắt đục lờ ngó dáo dác xem mấy đứa cháu trong nhà có đứa nào nghe mệ hát không? May quá! Chẳng đứa nào để ý. Thật ra đối với chúng, mệ nói, mệ hò, mệ hát, thậm chí mệ chưởi cũng như dế kêu thôi. Chúng hơi đâu nghe nhưng mệ cứ quên điều ấy. Vừa rồi mệ hò mà lại bắc qua câu thơ trong Thi Văn Tiền Chiến. Cái tuổi già nó thế, không lẫn nhưng những nếp nhăn quá khứ trong bộ não cứ cái nọ xọ cái kia. Lỡ phát ra búa xua, mệ sợ tụi cháu nghe được chúng biết mệ sai, chúng sẽ cười. Mệ quên rằng tuổi trẻ của năm 2041 mấy ai cần biết Thi Văn Tiền Chiến là cái quái gì? Thời gian của chúng nó không có chỗ cho ba cái vớ vẩn của trăm năm trước. Tội nghiệp mệ quá!

Mệ cô đơn trong căn phòng thênh thang. Mỗi lần vào trại dưỡng lão thăm bạn cũ là mấy ông bà bạn già trong đó lại rủ mệ vô ở luôn cho vui. Khi ra về mệ lại buồn, mệ đã năn nỉ ỉ ôi xin con gái cho mệ vào đó để có bạn cũ dối già nhưng nó chẳng bao giờ chịu nghe. Lần đầu nó còn giải thích nầy nọ nhưng qua lần thứ hai cái mặt nó xịu xuống như chiếc bánh bao nhúng nước. Nó bảo mẹ nhớ bạn thì con cháu sẵn sàng đưa đi thăm chứ vào ở đó luôn thì không. Lần thứ ba nó làm ngơ nói qua chuyện khác như không hề nghe gì cả. Sự bất quá tam, thế là từ đó mệ nín. Lòng cũng vui vui vì con cháu không muốn xa mệ nhưng cũng buồn buồn vì thiếu bạn già trò chuyện, con cháu thỉnh thoảng sà xuống bên mệ, thăm hỏi tỏ lòng hiếu thảo dăm phút cho có lệ rồi biến. Mệ không trách chúng, chúng còn phải làm việc để sinh tồn và cũng cần khoảng không gian riêng của chúng nữa chứ - cũng như mệ mấy chục năm trước đó thôi. Có điều hồi đó chưa hiện đại như bây giờ. Thời đó, dù bận rộn nhưng mệ vẫn dành một phần thời gian cho bà cố - lúc bà bằng tuổi mệ bây giờ. Ngày đó bà cố thật vui khi thỉnh thoảng mệ đọc cho bà nghe những bài viết nho nhỏ của mình rồi còn xin bà cố nhớ lại những bài hò vè của một thời Quảng Trị để đọc cho mệ ghi chép nữa kia. Mệ còn những chăm sóc nho nhỏ khác cho bà cố như pha ly trà, xới chén cơm rồi cùng ăn với mẹ trong bữa cơm chiều; thỉnh thoảng lại cặm cụi cắt những móng chân lão dày cui cho mẹ một cách cẩn thận. À! Mà bây giờ mệ Hiên cũng có thiếu những thứ ấy đâu, còn hơn là khác. Có điều “chúng” chỉ lặng lẽ thực hiện mà không có lời nhỏ to, thủ thỉ vì chúng là máy móc nên làm sao có được cái tình cảm trời ban của con người.

Ối dào! Mệ lắc lắc mái tóc pha sương như xua đi những thoáng buồn chợt đến, thầm nhủ: Mình thế nầy là có phước lắm rồi, còn hơn mấy ôn mụ khác “được” con cháu gởi vô trại dưỡng lão hết trọi.

Mệ nghiêng người, trở mấy lần mới ngồi dậy được. Mệ lết vào cái võng mắc sẵn vững vàng trên chiếc giá inox rồi từ từ nằm xuống. Mệ đổi chỗ. Mệ đưa mắt nhìn mông ra ngoài khung cửa sổ. Nhờ con cháu luôn quan tâm, lo lắng nên mắt mệ vẫn còn nhìn rõ bầu trời qua “hai con ngươi thay thế”. Mây trắng trên nền không gian xanh thẳm đang lãng đãng trôi. Hình như đám mây kia có hình dạng giống khuôn mặt ai đó của mấy chục năm trước, rồi nó kéo dài ra ngoằn ngoèo và khuất dần bên kia song cửa. Mệ quay mặt vào phòng, không nhìn nữa. Lại nhớ. Lại buồn. Vô ích.
Đôi mắt mệ thờ ơ nhìn chiếc điện thoại di động đời 2041 “chưa có cuộc gọi đi nào” trên bàn. Con cháu mệ hiếu thảo thật! Tết năm nào chúng cũng thay phone mới hiện đại nhất cho mệ nhưng mấy năm gần đây mệ không còn hứng thú với các cuộc điện đàm nữa - dù tai mệ vẫn còn nghe rõ. Mệ bực đám bạn già quá chừng. Giả dụ cả hai đều lãng tai - ông nói gà bà nói vịt - ai nói nấy nghe thì còn thích, vì ai cũng tưởng người kia nghe mình nói gì. Đằng nầy mệ hỏi một đàng, bạn mệ trả lời một nẻo rồi cứ hả, hả?… Bực chết đi được. Bởi thế từ lâu mệ không thèm gọi đi, mặc mấy ôn mụ bạn già chưởi mệ ra rả.
Đang suy nghĩ miên man bỗng phone bật lên một tràng ò ó o om sòm. Trời! Mệ vừa thò tay lấy phone vừa nhăn nhó làu bàu: lại thằng cháu phá phách, nó liên tục lén mệ đổi chuông báo: hết chó sủa, mèo kêu đến gà gáy, không chừng mai nay nó còn đổi cọp gầm voi rống cho mệ hết hồn luôn. Lại phải kêu con chị nó cài lại tiếng nhạc “cần có một tấm lòng” quen thuộc mà mệ yêu thích đây.
- Xin chào!
- Chào em! Nhớ em lắm!
- Hứ! Tra rồi mà cái tật không chịu tra theo.

- Người tra chứ tâm hồn không tra mô em ơi!

Đằng kia giọng ông Vĩnh cười hí hí sau câu nói. À! Ông nghe rõ mệ nói gì nên trả lời “điền vào chỗ trống” rất hợp nghĩa. Mệ chợt vui. Thế là ông Vĩnh đã chịu nghe lời mệ đeo máy trợ thính chứ mấy lão ông khác ngộ lắm, điếc mà không chịu mình điếc, đeo máy nghe vô sợ người ta biết mình điếc, mắc cỡ.

- Răng! Ôn khoẻ không? Mệ dịu giọng.

- Nghe tui cười ri là mụ biết khoẻ hay không rồi



- Ừ! Cũng mừng


- Nầy! Sao lâu rồi mụ không vô trại thăm tụi tui. Tui nhớ mụ lắm!



- Một mình ôn nhớ thì tui không vô.



- Ứ ừ… Thì …thì tụi tui ai cũng nhắc mụ hoài. Mai chủ nhật, mụ vô thăm tụi tui nghe.



- Ờ! Để coi đã. Không biết trong nhà có đứa mô rảnh để đưa tui đi không đây?



- Cần chi. Mụ kêu ta xi mấy hồi.


- Thôi ôn ơi! Đi một mình lỡ có bề gì …


- Ừ há! Thôi ráng năn nỉ tụi nó. Tui chờ mụ cả ngày đó.


- Tội chưa!


- Mà nầy! Ông Vĩnh hạ giọng:


- Tui sẽ còn chờ mụ bên cầu Nại Hà nữa đó, nhớ không?
 - Hứứứứứ..

Tiếng hứ của mệ lẫn trong tràng cười của ông bạn già:

- Chứ tui có dựng lên đâu. Lời hứa đó còn có thầy Hữu và cô Giang làm chứng nữa nghe...

Không thèm gây gỗ với lão Vĩnh nữa, mệ bỏ điện thoại xuống rồi lan man suy nghĩ. Thực ra mệ cũng muốn đi thăm bạn lắm. Ngoài chuyện gặp gỡ nhau, hâm lại quá khứ thời áo trắng trường xưa, mệ còn muốn “dem thèm” chuyện mình còn ở chung với con cháu nữa. Bạn bè cứ thít tha khen mệ có phước làm mệ khoái chí cười tít mắt đến... không thấy tổ quốc.
Trời chưa sáng mệ đã thức dậy lúi húi sửa soạn. Tối qua nghe mệ thủ thỉ, cô cháu ngoan của mệ đã vui vẻ “Dạ được! Nhân Mother’s Day - cháu xin tặng ngoại nguyên buổi sáng ngày mai”. Lòng mệ vui lắm, hân hoan như những lần đi họp mặt Nguyễn Hoàng của mấy chục năm trước. Thế mà khi chọn y trang, mệ cứ đứng tần ngần trước tủ áo mãi vẫn chưa lựa được chiếc nào. Chiếc thì trông chỉnh tề quá; chiếc thì không hợp với màu da của mệ; chiếc thì sợ mấy ôn mụ ấy cười mình cưa sừng làm nghé; chiếc vừa ý thì đã mặc lần trước rồi,…. Ôi! Thật là nhiêu khê. Thế mà mấy lần con cháu mang tặng áo quần mới mệ cứ la bai bãi: Đừng mua nữa chật tủ, mệ có đi đâu mà mặc? Đến khi “hữu sự” lại như thế nầy đây. Thừ người một lát rồi mệ chắc lưỡi quyết định kéo soạt chiếc áo “cưa sừng làm nghé” ra. Đây là món quà cô cháu gái mua biếu mệ hôm tết. Màu sắc tươi quá làm mệ ngại nhưng khi ướm thử cô cháu cứ suýt soa khen hợp lắm, hợp lắm. Nó còn đế thêm “trông mệ trẻ ra chục tuổi” làm mệ ngượng ngập. Mệ vừa mặc vừa lẩm bẩm bào chữa Thì khi nào tui cũng chọn màu tươi sáng như ý ông muốn mà…
Xong xuôi đâu đấy mà cô cháu vẫn chưa nghe động tịnh. Mệ hết vịn song cửa sổ nhìn những tia nắng ban mai ùa vào phòng lại đến bên chiếc ghế ngồi. Mệ không dám nằm vì sợ nhăn áo. Nhờ tối qua mệ đã lén uống một viên thuốc giảm đau cho buổi đi chơi sáng nay nên cái lưng cũng ngoan ngoãn im lặng. Mệ nóng ruột, hết nhìn trời mây lại liếc đồng hồ. Sao chiếc kim đồng hồ lại nhích chậm thế nhỉ? Hay là nó hỏng mất rồi? Mãi một lát sau mệ mới nghe tiếng nhạc cà giựt trỗi lên từ phòng cô cháu gái trên lầu. Lạy Trời! Nó đã thức dậy. Tiếng nhạc ấy báo cho mệ biết là ít nhất cũng 30 phút sau mệ mới có thể ra khỏi nhà để thực hiện chuyến đi đã hẹn. Vì mệ biết tính cô cháu yêu quý, sau khi làm vệ sinh cá nhân buổi sáng xong, nó phải phi cà rọc cho giãn gân giãn cốt chừng 20 phút mới dùng điểm tâm rồi thay áo quần.
Chiếc điện thoại lại vang lên điệu nhạc “….cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi…”.
- A lô!
- Mụ ra khỏi nhà chưa? Tụi tui dậy sớm, đang chờ mụ.
- Đừng nóng ruột. Nội sáng nay tui sẽ có mặt mà.
- Ừ! Mụ đi mau lên đi. Cổ tụi tui thành cổ cò rồi.
- Ôn nói mấy ôn mụ nớ thông cảm. Tui phải chờ đứa cháu. Tui không đi một mình được.
- Ừ ừ! Mau lên nghe.
- Ừ!
Mệ lại loay hoay chả biết làm gì. Thuở chờ đợi thời gian ôi rét lắm! Phải chi thời gian lùi lại mấy chục năm mệ sẽ tự phóng xe cái vèo đến nơi, không thèm lệ thuộc vào ai cả. Thuở đó mệ có tật chạy honda nhanh đến nỗi bị ông bạn học cũ tên Huy đặt luôn là Hiên - anh hùng xa lộ đấy. Nếu có ước muốn trong cuộc đời nầy. Xin hãy ước muốn cho thời gian trở lại... Ừ! Đó là điều ước không bao giờ có được.
Chuông điện thoại lại reo lên. Trời ơi! Mệ đã sốt ruột mà ông bạn cứ gọi riết làm mệ càng nóng gan thêm. Chụp vội phone mệ phang liền:
- Tui đã nói là tui vô. Ôn làm chi mà gọi mãi rứa hử?
- Hiên ơi! Uyên đây! Uyên nơi xa xôi đây! Nhớ quá! Hức hức...
Mệ ngẩn người. Dòng máu nóng đang phun phù phù như bếp lửa bỗng biến đâu mất tăm. Mình thiệt đoảng hậu! Mệ tự rủa thầm rồi nhẹ giọng:
- Xin lỗi bạn thương! Mình nhầm. Sorry nhé! Uyên khỏe không?
Mụ Uyên bập bệu:
- Uyên ...đang đi dạo quanh bờ hồ sau vườn nhà, chỉ là dạo một chút cho có khí trời mà... mà mệt quá, phải dựa vào gốc cây phong để thở đây. Mình ... mình nhớ quê, nhớ bạn bè, nhớ thời áo trắng đến... đến chảy nước mắt nên gọi về gặp bạn tí cho... cho đỡ nhớ. Hức... hức...
- Trời! Mới sáng ra đã đi một mình... Già rồi phải cẩn thận Uyên ơi! Lỡ té ngã thì khổ


- Ồ không! Ở đây hoàng hôn đang buông bạn ơi!
Tiếng mụ Uyên đã rõ hơn - tuy không còn trong trẻo như tiếng chim hót ngày xưa nhưng cũng không đến nỗi thều thào hay khàn đục như những người già khác. Mệ Hiên áp chiếc điện thoại vào tai để nghe tiếp:
- Uyên không đi một mình, có chú Jonh khôn ngoan bên cạnh nè.


- Chú Jonh?

Như để đáp trả lại câu hỏi của mệ Hiên, một tràng gâu gâu vang lên. Mụ Uyên tiếp lời:

- Ừ! Chú chó nầy khôn lắm, mình đi dạo với nó đấy. Hoàn toàn yên tâm.

Mệ Hiên thở dài:

- Ôi! Sao mà nghe cứ như bài học trong English For Today của tụi mình thuở nào vậy bạn?

- Ha ha... Thì người già cũng từa tựa người mù vậy mà.

Bạn cười. Nhưng tiếng cười nghe sao chua xót quá! Mệ Hiên lặng đi. Tiếng mụ Uyên lại vang lên:

- Hiên à! Mình già rồi, suốt ngày vẩn vơ trong nhà ngoài vườn như chiếc bóng. Con cháu phải đi làm nên đâu thể bên mình mãi được. Hơn nữa tính mình hay tự ái, chẳng thèm cậy nhờ ai - dù con cháu mình cũng không tệ - Hiên nhớ chứ?

- Ừ! Mệ dấu tiếng thở dài: - Uyên thì tự ái còn vượt cả đỉnh Everest.
Mụ Uyên tiếp lời, hình như mệ thấy bạn đang dựa vào gốc cây phong mắt mơ màng nhìn ra hồ nước thì phải.


- Hiên biết không? Hoàng hôn nơi đây đẹp và buồn lắm. Mình đang tựa vào gốc cây phong đây, tiếng lá lao xao... bạn nghe không? Ngoài kia màn nước đang mờ dần, đàn vịt trời đã rủ nhau đi tìm chỗ ngủ. Bầu trời tím thẫm rồi Hiên nợ... Ta nhớ người xa cách núi sông. Người xa… xa có nhớ ta không?

Rồi. Bạn mệ lại đọc thơ. Tâm hồn mơ mộng sương khói ấy dù bao năm bao tháng; dù bao tuổi bao ngày vẫn không thay đổi. Lòng mệ chùng xuống mà nghe sóng mũi cay cay. Cố nén nỗi xúc động, mệ lên tiếng:

- Uyên à! Vào nhà đi kẻo dầm sương dễ bệnh lắm. Mình chuẩn bị vào trại dưỡng lão thăm bạn già đây.

- Thế hả? Cho mình gởi lời thăm các bạn nhé. Hẹn một ngày hội ngộ.

- Ừ! Hè nầy Uyên bảo Susu đưa về quê một chuyến đi, nếu thích thì cứ vào nhà dưỡng lão Nguyễn Hoàng ở luôn cho vui.

- Có thể. Chỉ sợ con cháu nó không chịu. Thôi Hiên đi chơi vui vẻ nhé. Thương lắm!

Rồi cũng đến lúc mệ ra khỏi nhà. Cô cháu yêu ngó nghiêng mệ cười cười làm mệ mắc cỡ gần chết. Sáng nay mệ đã lén bôi tí son phấn lên khuôn mặt nhăn nheo ấy mà. Mệ lúng búng nói với cô cháu: Ở nhà sao cũng được nhưng đi ra ngoài... Cô cháu gái nắm tay mệ âu yếm: Đúng thế! Trông ngoại đẹp hơn khi ở nhà nhiều. Câu nói ấy làm mệ yên tâm.

Khi xe ngang qua con đường có nhà lão Thiết, mệ bảo cô cháu ghé vào. Thấy mệ, ông Thiết vội rời mắt khỏi màn hình đứng dậy mừng rỡ chào hỏi.

- Ôn hay thiệt! Mệ khen - Chừng ấy tuổi rồi mà ngày ngày vẫn ngồi trước màn hình như mấy chục năm trước.

- Chứ tui biết tiêu thì giờ vào đâu cho hết hở mụ?

- Ôn đang làm chi rứa?

Mệ vừa nói vừa liếc vào màn hình chưa kịp tắt, chợt bật cười:

- Trời! Lại make-up nhan sắc cho mụ Trang? Ôn làm chuyện ni mấy chục năm mà vẫn còn say sưa, giỏi thiệt!

Ông Thiết vừa đưa tay bứt bứt mấy cọng tóc trắng trên đầu vừa nhăn nhó:

- Mụ đừng chọc tui nữa. Tui làm lại bức ảnh chụp hôm tết cho Trang... Chiều ni tui sẽ tới trại thăm mấy bạn già ở đó.

Mệ Hiên lặng lẽ ngó kỹ bức ảnh trên màn hình rồi nhỏ giọng:

- Ôn "làm" xong chưa?

- Vừa xong. Đang ngắm lại.

- Nầy! Tui góp ý, ôn nghe được thì nghe mà không thì thôi chứ đừng giận nghe.

- Hiên nói đi. Tui không còn biết giận hờn từ hơn 30 năm trước rồi mà.

- Ừ! Tui nhớ rồi. Hồi đó tui phong Thánh cho ôn khi ôn nói ôn chỉ buồn chứ không giận...

- Nhớ dai dữ! Mà góp ý gì thì nói đi.

- Ôn… ôn make-up ảnh mụ Trang vừa vừa thôi. Ôn dùng photoshop xoá hết vết nhăn rồi còn vẽ mắt bồ câu, môi trái tim … làm tui cứ tưởng đây là ảnh của cháu nội mụ chứ không phải mụ.

- Thì… Thì trong suy nghĩ của tui ... Trang luôn… như rứa mờ.

- Biết! Nhưng nếu mấy ôn mụ khác thấy, họ cười chết. Với lại… nói ôn đừng cho là tui trù ẻo chứ lỡ năm nay mụ Trang leo lên bàn thờ, chưng cái ảnh nầy lên người ta tưởng mụ hưởng dương đó.

- Ờ ờ… Cũng có lý. Thôi để tui phếch thêm vài vết chân chim… À! Mà Hiên đi mô hay … cố ý đến thăm tui. Lão Thiết vừa nói vừa móm mém cười ra vẻ đắc ý.

- Đừng có mơ.

Mệ háy lão bằng đôi mắt nhiều mí nhăn nheo của mình rồi chậm rãi nói:

- Tui vô trại thăm mấy ôn mụ trong đó, tiện đường ghé hỏi ôn có đi theo không?

- Đi! Đi chứ! Hiên chờ tui một chút. Để tui in cái ảnh tặng Trang rồi đem đi luôn thể.

Nhìn ông lão run run đứng dậy, lọ mọ vịn tường bước vào nhà trong mệ Hiên chợt nghe xót trong lòng. Đâu rồi nhỉ? Đâu rồi bóng dáng người đàn ông trưởng thành nhanh nhẹn với chiếc máy ảnh trên vai, tất bật ghi hình thầy bạn trong những buổi họp mặt Nguyễn Hoàng năm xưa...

Chiếc xe lại chuyển bánh. Trên băng ghế sau hai người già ngồi lặng lẽ, mỗi người đuổi theo suy nghĩ riêng của mình. Khi xe ngang qua đường Huyền Trân Công Chúa. Ông Thiết chợt khều khều:

- Nầy! Ghé Quán Xưa uống ly nước đi.

- Để bữa khác đi. Mấy ôn mụ nớ đang chờ.

- Cho xin 10 phút thôi.

- Không! Mệ Hiên dấm dẳng

- Năm phút. Ôn Thiết nằn nì.

- Không là không! Mệ Hiên dứt khoát

- M.. ộ…t p…h…ú…t!

Ôn Thiết nói như sắp hụt hơi. Chiếc xe chợt dừng lại. Nhìn ra ngoài, hai chữ Quán Xưa bằng thư pháp ngoằn ngoèo đập vào mắt. Cô cháu gái dừng tay trên vô lăng quay lui cười ngỏn ngoẻn:

- Cháu có việc ghé nhà bạn gần đây chừng 15 phút. Ông và ngoại vào quán đợi cháu chút nhé!

Ông Thiết mừng rỡ lập cập mở cửa xe rồi đưa tay ra cho mệ vịn. Ai dè mệ mở cửa phía bên kia, băng băng đi vô trước làm ông chạy theo không kịp. Khi ngồi vào ghế và đã thở xong, ông cười cầu hoà:
- Hiên vào trước giữ chỗ…


- Hứ!

Mệ quay ngoắt đi không nhìn ông nhưng thực ra lòng mệ xúc động lắm. Tính mệ vốn thế từ hồi còn trẻ. Cô Hiên ngày đó thường tỏ ra ngoa ngoắt hay cười nói hi ha để dấu che niềm xúc cảm của mình, điều đó làm lắm bạn bè cứ cho Hiên là người vui tươi, sung sướng nhất trong số họ. Thời ấy Đình đã phán một câu là Hiên đến đâu, niềm vui toả sáng đến đó mới chết chứ.

Chiếc xe lại tiếp tục lăn bánh. Mệ Hiên nói vói tới băng ghế trước:

- Cháu quẹo vô nhà mệ Dung chút xíu nhé.
Cô cháu ngoan ngoãn bẻ tay lái. Mụ Dung đang ngồi trước hàng hiên, tay cầm chiếc gương săm soi. Mệ Hiên réo:
- Dung ời ơi ới! Dung ới ời ơi!!!
Nghe tiếng kêu. Mụ Dung lật đật dấu chiếc gương sau lưng rồi đưa tay che mắt dòm. Nhận ra bạn cũ, mụ kêu váng lên:
- Lucke ơi! Mở cổng cho mệ Hiên vào.
Mệ Hiên khoát khoát tay:
- Không có thì giờ đâu. Mụ ra đây đi chơi với tui đi. Đừng có ở nhà mà soi gương mãi thế.


- Dung... Dung thu ... thu gương rồi mà cũng thấy hả? Mụ Dung ấp úng

Mệ phì cười:

- Cái tật Dung ưa soi gương tui thuộc làu từ hồi còn cắt tóc bom-bê lận. Dấu đằng trời.

Mụ Dung rầu rầu:
- Mấy cái vết nhăn trên mặt mình ngày càng nhúm lại trông ghê quá Hiên ơi! Định đi mỹ viện mà sợ con dâu hắn chưởi.


- Hừ! Ngày xưa Dung cứ sợ già, tui thường nhắc bạn là Người chứ có phải yêu quái đâu mà đòi trẻ mãi không già. Cái tật bạn sợ già mà rồi có thoát được đâu.

Mụ Dung trả lời như mếu:

- Nhưng mà Hiên ơi! Già cũng phải từ từ chứ. Da hắn mau bèo nhèo quá, cứ như một nùi giẻ rách ngó buồn quá!

Mệ Hiên bật cười thành tiếng nhưng rồi nhìn cái miệng méo xệch của bạn lại thấy thương. Mệ thả giọng an ủi:

- Yên tâm đi. So với đám bạn đồng trang lứa Dung vẫn trẻ nhất đó, đừng buồn.

Nghe thế mụ Dung tươi rói liền:

- Rứa hả? Mà vô đây nói chuyện chứ sao mà anh đứng trong cửa sắt em đứng ngoài cửa sắt như Ngục trung nhật ký vậy.

Nói xong mụ ngoái cổ vào nhà gọi:
- Lucke đâu, mở cổng cho nội.
Mệ Hiên liền lắc đầu:
- Không không! Không vào đâu. Tui với ông Thiết tới rủ Dung đi chơi một chút cho vui nè.
Mụ Dung hấp háy đôi mắt lão hỏi: - Đi mô?
Mệ Hiên cười:
- Vô trại thăm bạn già. Có đi không? Hay là cứ suốt ngày ngồi nhà rờ mấy nếp nhăn?
Mụ Dung lập bập trả lời:
- Thôi… Thôi… Hiên ơi! Mình có máu say xe từ bao năm trước bạn … bạn …không nhớ hả? Mình ở nhà, ai… ai có lòng thì tới thăm chứ mình… mình không dám đi… đi mô cả.
- Rứa thì mình đi đây. Cất cái gương dùm nghe. Soi nhiều da càng mau nhăn đó.
Mụ Dung nhe mấy cái lợi ra cười rồi chơm chớp mắt, thả giọng nghe yếu xìu:
- Ừ! Cho mình gởi lời thăm mấy ôn mụ trong đó nghe.
Chiếc xe lại len lách trong dòng đời nhộn nhịp. Đèn xanh, đèn đỏ … rồi lại đèn đỏ, đèn xanh. Con đường thoáng dần, thoáng dần…Những chớp tắt xanh đỏ cũng lùi dần cùng với những âm thanh ồn ào của phố thị. Xe tiến dần ra ngoại ô, một màu xanh bát ngát trời mây cây cỏ xen lẫn những mảnh ruộng lúa chín vàng óng như tranh thêu. Cô cháu gái hiểu ý liền bấm mở kiếng xe, mùi hương lúa thơm theo gió đồng len vào khứu giác nghe dễ chịu lạ. Sau khi vượt qua một con đường vắng với những hàng bằng lăng xoè tán hoa tím lịm lẫn trong những tàng phượng vỹ đỏ tươi, chiếc xe dừng lại trước tấm biển "Nhà dưỡng lão Nguyễn Hoàng" bên dưới là dòng chữ nhỏ "Dành cho các CHS/NH". Đây là tấm lòng của gia đình thầy Hữu cùng một số mạnh thường quân. Hai chục năm trước, thầy Hữu nghĩ đến chuyện tuổi già của đám học trò cũ nên đã vận động gia đình và những CHS/NH hảo tâm góp sức để dựng nên khu dưỡng lão nầy. Tấm lòng vàng đó đã được nhiều người ủng hộ nên sau khi xây dựng xong, số tiền thừa được gởi vào tài khoản ở ngân hàng để chi phí tiếp cho nhà dưỡng lão. Từ đó, tài khoản ấy không vơi đi mà ngày một tăng thêm nhờ sự đóng góp tiếp tục hằng năm của các gia đình CHS/NH. Những người làm việc ở đây phần lớn cũng là con cháu CHS/NH tình nguyện nên không khí trong trại nầy thân tình ấm cúng - không giống như các trại dưỡng lão khác. Tuy vậy, cũng khó tránh khỏi nỗi buồn cho những người hay tủi thân.
Cánh cổng từ từ mở ra, bánh xe lăn chầm chậm trên lối đi lạo xạo đá cuội. Bồn phun nước giữa sân phản chiếu ánh mắt trời lấp loáng, những mảng cỏ xanh mượt xen lẫn mấy cụm hoa khoa sắc. Dưới những tàng liểu rũ xỏa tóc xanh um, điểm xuyết những chùm hoa đỏ dài mỏng manh đong đưa trong gió là dãy ghế đá bên những chiếc bàn có kẻ sẵn ô cờ. Lác đác vài chiếc xích đu có mái che nấp mình sau tán lá. Trên hiên, vài bóng người trong đồng phục trắng qua lại. Khi mọi người bước vào phòng khách thì mấy bạn già của mệ Hiên và ông Thiết không còn ngóng ở hàng hiên nữa. Họ trở vào phòng ngồi xây lưng ra ngoài theo kiểu biểu tình phản đối. Quả thật là cổ của họ đã dài ngoằng rồi. Họ lẫy.
Mệ Hiên lên tiếng:
- Xin chào. Người đến trễ xin chịu phạt.
Người quay lại đầu tiên là mụ Trang. Thấy ông Thiết đứng ngó lơ láo mụ bật hỏi:
- Hai người trốn đi mô chừ mới tới?
Nhìn đôi má phính ngày nào của mụ Trang bây giờ tuy chảy xệ nhưng phụng phịu trông vẫn ưa nhìn, lão Thiết bối rối lại thò tay lên bứt mấy cọng tóc lơ thơ. Mệ Hiên liền phát một bàn cứu nguy trông thấy:
- Có mô mà trốn chị ơi! Xe tui đang chạy trên đường, chợt thấy lão đứng vẩn vơ bên cột đèn tui bảo con cháu dừng lại. Hỏi. Mới biết ôn đi tìm chị mà lạc đường nên vớt lên xe đưa luôn tới đây đó chứ.
Nghe nói, mặt mụ Trang tươi lên. Đôi mắt không còn bồ câu vẫn lúng liếng, mụ cười móm mém dịu giọng:
- Ôn đi tìm tui có việc chi mà để đậu phụng đường tội nghiệp rứa ôn?
Những tiếng cười hăng hắc, hơ hơ, hi hi, ha ha cùng nỗi lên làm ông Thiết lúng túng bứt thêm mấy cọng tóc nữa.
Mấy ôn mụ nớ chịu cười, nghĩa là hết lẫy. Huề. Mệ Hiên nghĩ.
Ông Thiết ngó trước ngó sau rồi dúi bức ảnh đã cuộn tròn vào tay mụ Trang:
- Hình em đó. Đừng cho ai thấy nhé!
Mụ Trang ngó ông Thiết lom khom:
- Sao lại đừng cho ai thấy? Có chi mà phải sợ hả?
Mấy cọng tóc trên tay lão Thiết rơi trên cuộn giấy, ông ậm à bào chữa:
- Thì... thì... tại... bởi tay nghề còn non... làm chưa đạt ... sợ bà con ... cười.
- Trời! Mấy mươi năm rồi... mà ông vẫn sợ tay nghề chưa đạt. Ha ha ha...
Tiếng cười của mụ Trang làm mọi người xúm lại khiến lão Thiết bối rối đến tội nghiệp, cuộn ảnh trên tay lão run lên bần bật. Mụ Thảo vội bước đến cầm tay mụ Trang thủ thỉ:
- Chị à! Đừng chọc ôn Thiết nữa tội nghiệp. Mấy mươi năm nay ôn make-up ảnh chị mãi mà vẫn chưa vừa ý đó.
Ông Minh thả một câu vào khoảng không:
- Tui tưởng 70 năm trước thấy người ta cười, tui về ngủ mộng du... Không dè 70 năm sau người ta còn làm thiên hạ điêu đứng. Đúng là ... vượt thời gian!
Ông Trí nhảy vào:
- Nè! Ôn nói mà không lè lưỡi ra liếm mũi coi có được không nhé! Chứ ai hôm rồi đang ngủ bỗng ú ớ còn ngã lăn ra bất tỉnh làm tụi tui xớng rớng?
Nghe câu hỏi cắc cớ, ông Minh lật đật bước qua chiếc bàn nước giả vờ rót nước uống để khỏi trả lời. Mụ Hiên thì thào:
- Chuyện chi rứa anh?
Ông Trí cười hì hì:
- Hắn mớ rồi bất tỉnh. Tụi tui xúm vô giật tóc mai một hồi mới trả hồn hắn về cho xác. Ai hỏi chi cũng làm thinh mà cứ nhìn lén mụ Trang. Mấy ngày sau mới xổ bầu tâm sự cho tui biết là hắn mơ… hun mui mụ Trang...
- Ha ha ha... Mụ Trang bật cười tiếp lời:
- Phải đó! Phải đó! Mấy chục năm trước hắn từng tuyên bố là biết sex từ khi ngắm đôi môi tui mà. Có lần còn dụ dỗ cho hắn hun một cái rồi chết cũng thỏa.
- Nhưng mụ sợ tui chết uổng nên đến chừ vẫn giữ khư khư phải không?
Ông Minh đã trở lại với chiếc ly không trên tay, cả cái tính nghịch ngợm và cù nhây ngày trước cũng trở lại. Ông Trí lại thọc một phát:
- Bởi vậy nên lão Minh đành đem niềm mê đắm vào giấc mơ đến... chết giả.


- Còn hơn ôn, cả mơ cũng không dám.

- Ai bảo không dám.

- Thế ôn mơ gì kể ra nghe coi có ngon hơn tui không?

- Ôn... ôn...ôn...

Có lẽ ông bạn già chạm trúng huyệt hiểm hay sao mà lão Trí cà lăm liên tục vẫn ú ớ không nói gì được. Mặt lão đỏ lên như gà chọi, tóc tai thiếu đường dựng ngược. Chưa ai biết cách hạ nhiệt giúp lão thì may sao cô cháu của mệ Hiên bước vào, mọi người vội giãn ra. Im lặng. Thấy cô cháu tay xách nách mang lè kè, ông Tuân, ông Đình vội đến đỡ dùm cùng tiếng trách nhẹ:

- Cháu đưa ngoại đến thăm chúng ta là vui rồi. Ở đây có thiếu thứ gì đâu mà mang vác lè kè cho vất vả thế cháu?

Cô cháu vừa bày thức ăn ra bàn vừa trả lời:
- Dạ có gì đâu ông? Bố mẹ cháu gởi chút bánh trái ngon để mấy ông bà hàn huyên thôi mà.
Dọn xong, cô bé quay sang dặn mệ:
- Khoảng hai giờ nữa cháu trở lại đón ngoại nhé!
Mấy người già nhao nhao:
- Hai tiếng chưa nói hết chuyện. Cháu cứ để mệ ở đây. Khi mô mệ muốn về thì a lô cho cháu. Nghe!
Cô cháu lễ phép gật đầu cúi chào rồi bước ra, trả không khí sum vầy lại cho đám bạn già. Mọi người lại quây quần bên nhau vui vẻ, ông Trí hình như đã quên khuấy cái chuyện "sửng cồ" ban nãy, ông vui vẻ bóc lá chiếc bánh ít lá gai đưa cho ông Minh kèm câu nói:
- Coi chừng hàm răng giả của ôn đó nghe. Có nhớ chuyện xôi nếp của ông Ba Phi không?
Hi hi... ha ha.... hơ hơ.... Những tiếng cười lại vang lên kèm theo những mẫu tiếu lâm cải biên mà chỉ có đám CHS/NH mới nghĩ ra.
Có lắm chuyện, lắm điều để nói. Mụ Chinh cất giọng the thé khoe thằng cháu nội vừa tốt nghiệp y khoa ở Mỹ, sẽ định cư ở đó và cưới vợ đầm luôn. Mụ Bình thì rầu rầu bảo mấy đứa cháu ngoại ở Canada đã quên mất mụ tra ni rồi. Mụ Ngọc chớp chớp đôi mắt “buồn lênh đênh” của ngày nào trên khuôn mặt đã cắt may nhiều lần thủ thỉ: Thằng con hẹn hè nầy sẽ đưa mụ về thăm quê một chuyến. Nghe thế mụ Thu quay sang hỏi mấy bạn học cũ liên lớp 8 ngày xưa ngoài quê có hay liên lạc với Hiên không? Mệ lắc đầu.
Ông Tuân giờ mới có cớ chen vào, ông nhìn mệ Hiên chọc:
- “Trung tâm nghe nhìn và phát thanh” của mấy ôn mụ dạo nầy bị thất nghiệp rồi.
Câu nói làm mệ Hiên tự ái:
- Không phải! Tại tui chưa điếc mà nói chuyện với mấy người điếc mệt quá nên tạm thời tui bớt giờ thu phát đó thôi.
Thấy ai cũng chờ nghe, mệ ra vẻ quan trọng giải thích:
- Mụ Việt hay điện thoại mà cứ dành nói chuyện ngày xưa thương thương nhớ nhớ không hà. Đợi mụ phát xong tui hỏi tình hình bạn bè ngoài nớ ra răng: đứa mô "đi" rồi; đứa mô "sắp đi" mà mụ không nghe, cứ hả hả làm tui bực gần chết. Mụ Lê, mụ Linh là chúa làm biếng gọi, tui có gọi tới thì cứ than buồn, than đau chắc lắc xương nghe muốn đau theo. Chỉ có mụ Thuý là còn trò chuyện đôi chút nhưng dạo nầy nghe đâu mụ mệt tim nên người nhà không cho tui nói chuyện nhiều với mụ. Hết!
Ông Vĩnh cười cười:
- Còn mụ Ánh của tui sao không nghe mụ nhắc tới?


- Trời! Cái ôn ni sắp xuống lỗ rồi mà còn…

Mụ Bình la lên làm lão Vĩnh lại cười hí hí:

- Tui kè kè một bên mụ đây mụ không kêu lại kêu trời làm chi? À! Mà hôm rồi Quang phone vào, hắn hẹn hè ni bắt thằng cháu đích tôn đưa hắn vào đây để thăm tụi mình đó.

- Ôn Quang giỏi thiệt! Tuy ở xa nhưng luôn là chiếc cầu kết nối bạn bè. Thỉnh thoảng ôn cũng phone thăm hỏi tui. Mệ Hiên góp

Ông Vĩnh ngó nghiêng chọc:

- Rứa hắn có nói nhớ nhớ thương thương chi không?

- Ồ! Mụ Linh mới là đối tượng của ôn Quang chứ không phải tui à nghe. Mà từ bao năm trước ôn Quang luôn nghiêm chỉnh chứ có ba gai như… ai đâu. Khi nào Quang cũng thông báo tình hình mấy đứa bạn nhóm mình ngoài đó và thăm hỏi bạn bè ở trong nầy.

Mụ Bình mơ màng:

- Ừ! Nhớ cái lần Quang vào Saigon rồi tụi mình hẹn nhau ở nhà hàng Đông Phương ca hát vui ơi là vui. Mới đó mà đã gần 40 năm rồi. Còn nhớ lúc đó ôn Vĩnh đàn hát xong Quang đưa hoa kêu Hiên lên tặng mà không chịu lên nên bị tui, Quang và Dung xúm vô lôi cổ hắn lên sân khấu. Cười đau bụng luôn.

- Đàn hả? Đâu rồi? Đâu rồi?

Ông Vĩnh dáo dác ngó vào góc phòng, chỗ để những dụng cụ giải trí rồi vỗ vào trán như chợt nhớ ra:

- Hình như hồi hôm Đình lôi về bên phòng thì phải?

Thấy ôn Đình cười cười không nói. Ông Trương vỗ tay đánh bốp:
- Chắc thế rồi. Hèn chi đêm qua tui mơ màng nghe ai đó thủ thỉ: Thí dụ bây giờ tôi phải đi... Phải đi...


- A ha! Vậy là hôm qua hắn tự Rơi lệ ru người chứ không cần tui giúp sức nữa ha.

Câu nói đùa của ôn Tuân làm mệ Hiên giật mình, mệ tự nhủ: Vậy ư? Mấy chục năm rồi, không lẽ...

- Không sao đâu! Ngày trước có người từng dọa làm con dế buồn tự tử giữa đêm sương mà chừ vẫn sống nhăn răng... giả và cười he he thì ăn nhằm gì cái chuyện thí dụ...

Câu nói tưng tửng của mụ Bình làm mọi người bật cười, chợt ông Đình thủng thỉnh:
- Nhưng công nương thì muôn đời vẫn là công nương. Cho dù cả thế giới có quay lưng lại với nàng thì vẫn còn có ta.
Câu nói không đầu không đuôi ấy chẳng ai hiểu. Nó như vọng về từ quá khứ vậy. Thấy mọi người lom khom dòm ông Đình, mệ Hiên đánh trống lãng sang chuyện khác:
- Dạo ni cô Giang chắc lọm khọm lắm rồi hay sao mà cứ ở lì trên cao nguyên, chẳng nghe hẹn về chơi.
- Trời! Tụi mình còn chưa lết đi xa được huống chi cô?
Mụ Thu lên tiếng. Ông Trương cũng nhắc:
- Lâu rồi không nghe tin tức gì Phan cả. Hắn ở Dăklăk xa xôi quá cũng buồn thiệt.
Ông Tuân cười cười:
- Mấy ôn mụ khỏi lo, Phan là nhà giáo có tiếng, tại hắn không muốn đi đó thôi chứ hắn mà ho một tiếng là học trò cũ đứng sắp hàng chờ đưa đón đó. Để mai mốt tui xúi hắn kêu học trò bố trí một chuyến bay đặc biệt đưa tụi mình về uống cà phê bên bờ sông Thạch Hãn một bữa, mấy ôn mụ chuẩn bị nhé.


- Thiệt hả? Tui cũng cố gắng đi, xem như lần cuối về thăm quê.

Mụ Thu thật thà nói làm cả bọn phì cười.

Ông Minh chợt ngó lên trần nhà cười cười:

- Việc gì mà phải chờ bố trí nầy nọ, cứ thích thì đi ngay như tui đây nè. Mấy người biết không? Tuần rồi tui về thăm quê. Gặp o Sắc cũng về làng. Trời! Mấy chục năm rồi mà o nớ vẫn đẹp bất chết. Mấy cặp bưởi trước bưởi sau chi cũng còn mây mẩy.
Mệ Hiên nhíu mày:
- Thiệt hả? Ai đem ôn về?


- Máy bay giá rẻ. Ông Minh đáp tỉnh bơ: - Năm nào mấy thằng cháu cũng lên mạng tìm mua cho vợ chồng tui về quê một chuyến.

Ông Trí nháy nháy mắt ra hiệu. Mệ Hiên còn ngơ ngác thì ông Tân chống ba-tong bước tới ghé tai mụ Hiên nói lào thào:

- Hắn lẫn mấy tuần rồi. Cứ nói chuyện với mấy nhân vật 30 chục năm trước của hắn thôi. Nói xong ông Tân quay sang Minh cười hỏi:

- Rứa Minh có gặp thằng Chút không?
Nghe hỏi, mặt ông Minh tươi lên, lão cười toe toét như trẻ thơ:
- Có! Có chớ! Thằng Chút vừa cõng con Mực trên lưng như đứa em vừa chạy. Mà sao... sao... tui thấy cái đầu con Mực đầy máu. Máu nhỏ xuống ướt đỏ cả áo thằng Chút...
Nói đến đó ông Minh hức hức không nói tiếp được nữa. Miệng lão méo xệch làm sợi râu tướng mọc trớ trêu trên cái nốt ruồi cạnh mép giựt giựt liên hồi.
Mệ Hiên chợt hiểu ra. Mệ nhìn ông Minh bằng đôi mắt mọng nước, mũi đỏ lên làm mệ phải rút vội miếng khăn giấy sịt một phát vào đấy. Mụ Trang, mụ Thảo cũng quờ tay ra dấu xin khăn giấy rồi cùng sịt mũi liên hồi. Mọi người lặng đi một chốc. Lát sau mụ Trang quay nhìn ông Tân, sẻ sàng lên tiếng:
- Anh Tân nợ! Đừng chọc ôn nớ nữa. Tội nghiệp!
Ông Tân bật cười sảng khoái:
- Hơ hơ... Có chi mà mấy mụ phải sụt sịt. Tui thấy như hắn rứa là sướng đó. Bỗng dưng quên hết hiện tại, quên hết cái già nua bệnh hoạn và cả cái trại dưỡng lão chứa những kiếp người quá date đang chờ ngày ăn cháo lú nầy. Bây giờ hắn đang sống lại thời vàng son cũ. Mấy mụ thấy có dễ thèm không?
Thấy ông Tân cười, ông Minh cũng cười theo vui vẻ. Ông khoe tiếp:
- Trời! Tui vô Huế, ghé nhà o Quyên cùng nhau đi ăn cơm chay rồi qua tòa soạn báo Cố Đô chơi. Trời! Khi tui vừa thò mặt vô, mấy em ở đâu đẹp như tiên trên trời rớt xuống ào tới dành nhau chụp ảnh và xin chữ ký làm tui muốn ngộp thở luôn.
Mệ Hiên lại lúc lắc đầu. Ừ! Có lẽ ông Tân nói đúng. Ôn Minh đang sống trong quá khứ đẹp. Nên vui hay nên buồn nhỉ?
Nãy giờ mọi người xúm vào trò chuyện đủ thứ, vậy mà duy có ông Bá là vẫn ngồi lặng lẽ ở góc phòng một mình. Trên tay ông là một xấp bìa nilon đựng giấy tờ ngăn nắp, ông cứ rút ra xem, lẩm nhẩm đọc, tính... rồi để vào chỗ cũ. Hình như cái không khí ồn ào nãy giờ trong gian phòng chẳng hề ảnh hưởng đến ông mảy may. Mệ Hiên vịn đầu gối đứng dậy, lê từng bước chậm chạp đến bên ông Bá. Mệ chào:
- Bá khỏe không? Nghỉ tay lại đây uống ly nước với bà con cho vui.
Ông Bá ngẩng lên, nhìn mệ Hiên gật đầu cười một cách hiền lành rồi lịch sự trả lời:
- Sorry! Mình đang vội. Phải kiểm tra cho chính xác chứ ngày mai là hàng đi rồi. Các bạn cứ tự nhiên.
Ông Vĩnh lò dò bước đến, một tay kéo mệ Hiên, một tay đưa lên môi ra dấu:
- Suỵt! Đừng làm phiền hắn. Kiểm tra cota và bill quan trọng lắm đấy.
Nghe thế ông Bá quay nhìn ông Vĩnh tỏ vẻ cảm ơn rồi cặm cụi “kiểm tra cota” tiếp. Mệ Hiên buồn rầu trở về chỗ cũ. Gian phòng lắng đi một chốc.
Ông Tân nhìn mệ Hiên đánh tan sự im lặng:
- Sao? Chừng nào Út vô đây luôn?
Mệ nhăn nhó:
- Con tui nó không cho anh ơi!
Ông Trí cười cười:
- Mụ Út ni dở. Chứ như mụ Trang đây, không cho thì lăn ra ăn vạ. Hết ăn vạ lại tuyệt thực biểu tình nên con cháu lật đật chở vô liền, không kèn không trống.
Mụ Trang háy ôn Trí một cái dài bằng... 70 năm - tính từ thời làm học trò trường Nguyễn Hoàng đến nay:
- Xíííííí!!! Mấy ôn mụ xúi tui vô đây cho vui rồi chừ đem tui ra bêu rếu hả?
- Ồ không không! Ông Trí vừa đưa tay đỡ cái háy của mụ Trang vừa thụt lùi:
- Tui chỉ kêu mụ Út học tập chiêu thức của mụ đó thôi.
Cả nhóm lại cười vui vẻ. Ông Đăng dõng dạc tuyên bố:
- Nghe nói mùa tựu trường tới sẽ cắt băng khánh thành trường trung học Nguyễn Hoàng mới ở Quảng Trị. Chính quyền sẽ mời tất cả cựu học sinh 24 thế hệ của thiên niên kỷ trước đến dự lễ. Ai về được thì lên danh sách để tui lo chuyện đi lại nghe.
- Thế sao? Bao nhiêu năm trước đó là niềm mơ ước nhưng giờ đây gối mỏi, chân chồn; mắt mờ, tai điếc. Liệu có còn ai đủ sức để về dự?
Câu nói của ông Tuân rơi vào khoảng không. Mệ Hiên suy tư: Ừ! Đúng thế! Cả mệ - người được xem là út ít của nhóm đây cũng không đủ sức đi. Mà có đủ sức cũng chẳng nên đi. Về chi cô độc, già nua. Thầy đâu? Bạn đâu? Buồn chết đi được.
Ông Tân thả một câu:
- Tụi mình chừ chỉ còn nước chờ họp mặt CHS/NH âm phủ ở nghĩa trang xứ Tân Uyên mà thôi.
Những tiếng thở dài già nua buồn rười rượi. Mỗi người lặng lẽ thả hồn vào sự suy tư của riêng mình.
Bỗng chuông báo tin nhắn vang lên. Mệ mở ra xem, chỉ vỏn vẹn 3 chữ AXE. Mệ nhíu mày suy nghĩ: AXE là gì nhỉ? Bỗng dưng cái đầu lú lẫn của mệ chợt bừng sáng: À! Hiểu rồi... Mấy chục năm nay, cứ đến ngày kỷ niệm gì đó là ông Văn gởi 3 chữ cái ấy dù mệ chưa bao giờ hồi đáp… Nhưng năm nay có lẽ mắt lòa quá rồi nên ông bấm nhầm chữ giữa. Tội nghiệp! Lòng mệ chợt chùng xuống, xót xa. Cũng như mụ Kim kể rằng mấy năm nay, cứ đến ngày Valentine là ông Khương lại ôm hoa đến chỗ hẹn bên bờ sông ngồi chờ mụ, mụ không đến ông vẫn ngồi chờ cho đến khi chiều xuống mới bỏ lại bó hoa héo trên ghế rồi thất thểu quay về. Khi biết chuyện, mụ Kim sai cháu đến bảo mệ cháu không đến đâu, từ nay ông đừng chờ nữa mất công nhưng ông tuyên bố: Ta nhớ lời hẹn năm xưa nên cứ đến, mệ cháu không đến là quyền của mệ cháu còn ta chờ là quyền của ta. Thằng cháu thắc mắc: Lời hẹn gì thế ông? Ông Khương chậm rãi nói: Ngày ấy khi ta tặng mệ cháu đoá hồng nhung, bà ấy bảo không thể. Ta hỏi vậy chừng nào có thể? Bà ấy trả lời không biết. Ta nói rằng ta sẽ chờ... bao lâu cũng chờ và mệ cháu đã hẹn: Nếu ôn chờ được thì 25 năm sau nhé. Và ta đã chờ đợi nhưng rồi mệ cháu không giữ lời hứa. Tuy vậy, khi nào còn sống ta vẫn tới điểm hẹn. Nghe đứa cháu kể lại, mụ Kim rớt nước mắt thương cảm, mụ không ngờ…. Ngày ấy mụ nói là nói cho qua chuyện, ai dè... Chuyện thật như đùa làm lớp con cháu sau nầy cứ tưởng mấy ông bà già lẩn thẩn nhưng ... Yêu ở lứa tuổi nào nhỉ?...
- Ai nhắn tin mà em thẩn thờ rứa?
Mệ Hiên giật mình quay sang, mụ Thảo lặng lẽ đến bên hồi nào không hay.


- Dạ! Chẳng có gì đâu chị. Chỉ là cơn gió thoảng một thời.

Mụ Thảo trầm tư:

- Ừ! Cơn gió thoảng nhưng đôi lúc cơn gió ấy từ quá khứ vẫn thoảng về làm mình nhức nhối đó em.

- Ồ! Không đâu chị. Ngày xưa em đã từng tuyên bố là chỉ một chút thương cảm, chị không nhớ sao?
- Em cứng rắn lắm. Mụ Thảo ngước đôi mắt nhung một thời nhìn mệ Hiên âu yếm.
Câu nói làm mệ cảm động, mệ ghé tai mụ Thảo thì thầm:
- Còn chị không được như thế phải không? Dù rằng ngày ấy chị vô tư khi người ta hát Anh theo Ngọ về, nhưng rồi những dòng thơ tím một thời vẫn làm lòng chị nhoi nhói?
Mụ Thảo nhìn bâng quơ ra sân vắng:
- Một thời để nhớ em ạ... Dù chẳng là gì của nhau...
Ừ nhỉ! Đôi khi mệ cảm thấy mình vô tình quá thể. Cứ nói thôi là thôi, bởi thế có thời ông chồng của mệ đặt cho mệ là hoa vô tâm cũng không sai. Chứ như mụ Phượng, chỉ một lần gặp ông Trực nói chuyện bâng quơ, chỉ một lần để ông Trực xách cái bịch nilon đi theo le te trong công viên mùa hè năm ấy mà đến giờ mụ vẫn không quên, lâu lâu lại nhắc - dù tình cảm giữa hai người rất ư trong sáng - nhưng nói ra ai mà tin nhỉ?
Mụ Trang đến bên hai chị em cất tiếng hỏi:
- Hai chị em bây có chuyện gì bí mật mà thầm thà thầm thì với nhau rứa?


- Dạ! Chuyện ngày xưa. Nói hoài không hết chị ơi!

- Rứa hả? Chắc lại chuyện cà phê cao nguyên ngày cũ hở?

Thấy hai cô em cười cười không nói. Mụ Trang nhíu mày:

- Lâu quá không thấy ông chú của tụi bây “ọ i è” chi cả? Không biết hắn còn làm tổng giám đốc của cái công ty Vòng Đời ngoài đó không nữa?

Mụ Thảo trả lời:
- Dạ! Chú Hiệp vừa bàn giao xong. Còn sức mô mà điều khiển cả dây chuyền công việc ấy nữa chị ơi!
Mụ Trang bần thần:
- Ừ! Già rồi! Già cả rồi. Ngày đó tưởng Út Hiên nói chơi, ai dè mấy năm sau về hưu ông chú của tụi bây làm thiệt. Cái công ty dây chuyền nớ làm ăn coi bộ khắm khá hè?
Mụ Thảo lẩm bẩm:
- Công ty môi giới hôn nhân - Nhà hàng tiệc cưới - Nhà bảo sanh - Bệnh viện - Pharmacy - Nhà tang lễ. Một đời người cứ phải đi qua mấy cánh cửa ấy.


- Không hoàn toàn đâu chị ơi! Có nhiều người thích đi tắt đó.

Nghe mệ Hiên cãi, mụ Thảo gục gặc đầu với đôi mắt đăm chiêu:

- Ừ! Nhưng mấy ai? Sinh - Lão - Bịnh - Tử. Nếu thoát được hai chữ giữa thì khoẻ thân em nhỉ?

- Mấy mụ ni lại rủ rỉ rù rì chuyện riêng tư gì đây?

Giọng ông Trí oang oang. Mệ Hiên cười:

- Có gì đâu! Tụi nầy bàn chuyện cái công ty Vòng Đời của chú Hiệp đó mà.

- Tưởng gì! Cả cái trại dưỡng lão nầy là khách hàng dự trữ trong nút cuối dây chuyền công ty của hắn đây…

Câu nói bị ngưng lại đột ngột vì phone trong túi ông Trí réo inh ỏi không thua gì giọng nói của ông.

- A lô! A lô!... Ông Trí vội vàng móc phone ra a lô liên tục.

- Ôn Trí nói chuyện điện thoại mà cứ hét như hô khẩu hiệu vậy, chắc người nghe cũng phải điếc óc.
Mụ Chinh bình phẩm. Ông Trương cười hic hic:
- Không đâu. Chắc người bên tê cũng lãng tai như ôn nớ.
Ừ nhỉ! Thế mà cứ quên. Cứ nghĩ mình còn trẻ như mấy chục năm trước. Không biết ông Trí nói chuyện với ai mà trông rất hứng khởi. Bỗng ông vừa nghe phone vừa thò tay vào lục tung mấy cái túi áo quần, rồi lại mò trên bàn dưới ghế, cứ xoay quanh như tìm cái gì. Mụ Thảo lên tiếng:
- Anh tìm gì thế?
- Điện thoại. Cái điện thoại của tui mô rồi? Mới đây mà!
Ông Trí vừa lo lắng nói vừa quờ tay lục túi quần tiếp.
- Trởi! Trời! Trời!!!!
Những tiếng kêu trời cùng vang lên kèm tràng cười làm ông Trí tắt phone rồi ngơ ngác hỏi:
- Mấy ôn mụ cười gì thế?
Ông Tân vừa gõ chiếc ba-tong lộp cộp xuống sàn nhà vừa hỏi:
- Ôn tìm cái a lô phải không?


- Đúng rồi!

Thấy ông Trí vừa nói vừa gật đầu xác nhận cả nhóm lại phá ra cười. Ôn Tân cố nín cười đưa tay chỉ chỉ vào chiếc điện thoại trên tay ông Trí hỏi:

- Rứa cái ni là cái chi?

Lão Trí dòm và ngớ ra. Hết biết luôn. Lão ngượng nghịu bào chữa:
- Tại hồi nãy nói chuyện với Thu Hà ơi! Mây nước xa xôi năm xưa vui quá nên tui quên. Mụ ấy hẹn sẽ về VN để giúp tui thực hiện lời hứa 30 năm trước, còn hỏi xin số phone của ôn Minh nên tui mới lục tìm điện thoại... Ai dè đang cầm nó để a lô... Hi hi...
Hơ hơ... Ha ha... Mọi người lại cười. Ông Trương góp chuyện:
- Cái quên ni có thể thông cảm vì ông Trí đang tiếp chuyện với "người xưa tốc váy" bên kia nửa vòng trái đất nên sảng. Chứ như ông Đình mới tệ tề. Hôm đó hắn lấy cuốn sách ghi dòng chữ tặng cho ai đó mà cứ đi tìm kiếng lão đến mướt mồ hôi. Tui hỏi không thèm trả lời. Đến hồi tìm không ra, chịu thua mới hỏi mượn kiếng tui. Khi đó mới phát hiện ra ... kiếng đang dính trên mắt hắn. Ha ha ha...
Ôi! Đúng là cái tuổi già lẩm cẩm quên trước quên sau, đố ai thoát được. Mệ Hiên lầm bầm một mình rồi lại thắc mắc: Thế nhưng có những chuyện nhỏ xíu mà không thể nào quên mới kỳ chứ! Như có lần ông Viễn tâm sự bạn già với mệ. Rằng thì là ngày xa xưa ấy, chỉ một lần - duy nhất chỉ một lần ông Viễn cùng che dù chung với mụ Sương trên quãng đường ngắn không tới hai chục mét mà đến giờ vẫn không quên. Vì sao không quên thì chịu. Có lẽ người trong cuộc cũng chẳng hiểu vì sao nhưng nhìn vào đôi mắt sáng lên của ông Viễn, mệ hiểu là lòng ông bạn già của mình rất vui khi nhớ đến chi tiết che dù cỏn con ấy. Ừ! Thì có gì đâu. Miễn ông ấy nhớ tới và vui thế là tốt. Cuộc đời vốn bất trắc và lắm nỗi buồn, một thoáng vui bất chợt đôi khi cũng như ly nước mát trên chặng đường nắng gió ấy nhỉ?
Lại có tiếng bánh xe lạo xạo trên đá sỏi. Mọi người nhìn ra. Thấy chiếc xe quen quen, mệ Hiên nhíu mày chống tay đứng dậy. Chiếc xe dừng lại trước thềm, cánh cửa mở rồi hai người phụ nữ bước ra, một già một trẻ. Mệ Hiên mừng rỡ chạy ào ra như thời còn trẻ, bàn tay đưa ra phía trước. Người phụ nữ nhỏ nhắn, mái tóc hoa râm bới cao gọn gàng nhẹ bước lên thềm níu tay mệ cười duyên dáng. Mệ Hiên lắp bắp:
- Sao… sao Phương đến thăm mà…. mà không báo trước cho chị biết?
Người phụ nữ trẻ lên tiếng trước:
- Dạ! Mẹ vừa đi khỏi là anh Hoàng chở dì đến. Chờ mẹ lâu quá, con định phone báo với mẹ nhưng dì Phương bảo đưa dì lại đây thăm luôn.
Mụ Phương bước vào vừa gật đầu chào mọi người vừa trả lời bà chị:
- Dạ! Em không tính đi. Sáng nay bỗng dưng Hoàng nó nói để con đưa mẹ và dì đi chơi. Nó muốn tạo sự bất ngờ mà.
Ông Đình lật đật đứng dậy:
- Có Vân Phương đây là tui phải về phòng mang cây đàn qua mới được.
Mụ Phương xua tay:
- Thôi anh Đình ơi! Tra rồi. Còn hơi sức mô nữa mà ca hát.
Ông Tuân phản biện liền:
- Còn chừng mô ca chừng nớ. Khúc mô Phương hụt hơi thì anh thế vô. Nghe?
Cả nhóm lại cười vang. Gặp nhau là cứ trẻ trung như ngày xưa vậy. Con gái mệ Hiên nói:
- Con để dì ở lại đây chơi nhé. Giờ con trở về xem bố con nó ở nhà chuẩn bị đãi gì cho đám phụ nữ chúng ta chiều nay đây.
Nói xong, cô chào mọi người rồi trở ra sân. Nhìn chiếc xe khuất dần sau đám lá. Mụ Phương khe khẽ nắm tay bà chị âu yếm:
- Không ngờ con bé hiếu động, ham chơi ngày nào mà nay đảm đang ra phết chị nhỉ?
Mệ Hiên cười. Một nụ cười mãn nguyện. Ừ nhỉ! Mệ nghĩ thầm: Ngày ấy đứa con gái đầy cá tính của mệ đôi lúc cũng làm mệ lo lắng, lắm khi bực bội. Nhưng sau đó mệ lại nghĩ nó cũng như mình ngày xưa thôi, cũng mê chơi, mê ca hát, ham sách truyện, phim ảnh và ham cả… bạn. Khi lớn hơn, thời gian sẽ cho nó hiểu biết hơn thì dần dần nó sẽ thay đổi thôi…
Chợt giọng ông Đăng rổn rảng cắt ngang dòng suy tưởng của mệ Hiên:
- Giao cho mụ Út chuyện nầy nghe?
Mệ ngơ ngác: - Giao chi?
Ông Trương vò vò cái đầu láng cóng nói:
- Ôn Trí làm ơn nhắc lại đi. Nãy giờ chắc là mụ Út bận... quay về kỷ niệm lúc còn... 50…
Mọi người lại phá ra cười. Ông Trí thủng thẳng:
- Nhắc lại. Có nguồn tin chắc chắn là chủ nhật tuần tới con cháu anh Gia sẽ bốc mộ anh bên Mỹ để đưa về Việt Nam. Nơi cải táng là khu vực lăng mộ nhà thầy Hữu trong nghĩa trang ở Tân Uyên - phần đất mà thầy Hữu đã để dành cho mấy đứa học trò cưng 30 năm trước đó. Hội Old NH phân công mụ Út đặt tràng hoa phúng viếng và thay mặt anh em CHS/NH đến nghĩa trang thắp nhang, được không thì bảo?
- Được thôi! Mệ Hiên từ tốn trả lời, rồi ngó quanh:
- Nhưng đề nghị có thêm vài người cùng đi với tui chứ đi một mình là tui khóc không ai can đó.
- Tui. Mụ Trang hăng hái dơ tay.


- Tui nữa. Ông Thiết dơ tay tiếp

- Chỗ mô có mụ Trang là phải có ôn.

Ông Trí cười hic hic chọc ông Thiết rồi nói:

- Và tui. Còn ai nữa không?

- Tui không thể thiếu.
Ông Minh dơ tay, câu nói dõng dạc ấy làm ai nấy bất ngờ. Ông nói thêm:
- Tui sẽ đọc điếu văn.
Câu tiếp càng bất ngờ hơn. Mọi người ngớ ra nhìn nhưng mệ Hiên thì không. Mệ hiểu ra liền, ông Minh không phải lẫn hoàn toàn đâu, chẳng qua là cái bệnh quên quên nhớ nhớ đó thôi. Nếu có điếu văn do ông Minh viết thì tốt quá. Nghĩ thế, mệ liền nói:
- Hay lắm! Vậy từ hôm nay anh hãy viết rồi đọc cho anh em ở đây góp ý nhé!
Ông Minh lắc đầu:
- Khỏi cần góp ý. Tui mà viết là anh Gia Ok liền.
Mọi người lại nhìn nhau.
- Nhưng đến phiên tui thì mụ Út phải viết điếu văn đó.
Đôi mắt ôn Minh trở nên linh lợi, ông nhìn mệ cười cười nói tiếp:
- 30 năm trước tui đã dự báo Út làm người đưa đò mà. Đưa đò thì phải đợi khách sang sông hết Út mới được lên bờ đi theo à nghe.
Mệ đưa tay vuốt mấy cọng tóc trắng lòa xòa trước vầng trán nhăn nheo, nhỏ nhẹ:
- Không! Út không ngu thế đâu. Người đi cuối cùng buồn lắm. Bạn cũ không còn ai để tiễn mình cả.
Ôn Tân bật cười ha hả:
- Bởi thế hồi đó thằng Minh đã bảo Út trối trăn cho con cháu đặt một tràng hoa ghi dòng chữ “Hội CHS/NH âm phủ kính viếng” mà.
Mụ Trang góp vào:
- Này! Tui nghĩ là Minh phải để Út viết chung điếu văn viếng anh Gia. Vì nghe đâu có thời ba anh em thân nhau lắm mà.
Ông Minh ngó lên trần nhà coi bộ bất ý. Mệ Hiên lật đật từ chối:
- Không! Không viết chung được. Ngày xưa tui đã từng nói “Ngày sau sỏi đá xin đừng có nhau” rồi mà.
Mọi người cùng bật cười, thế là lại nhắc chuyện xưa. Ai cũng giành nói, họ như sống lại 30 năm về trước. Mụ Trang mơ màng:
- Tui sẽ viết một tiểu phẩm về những kỷ niệm đẹp của tụi mình thời đó.
Ông Đình thở dài:
- Vậy là chúng ta toàn sống trong hoài niệm. Thuở đó chúng ta hoài niệm thời học trò. Bây giờ lại hoài niệm 30 năm trước.
Im lặng một chốc ông Đình lại đưa câu hỏi:
- Vậy 30 năm sau chúng ta sẽ hoài niệm gì đây?
Mọi người im lặng, một chút buồn len lén rải khắp phòng. Ông Vĩnh đánh tan bầu không khí yên ắng:
- Trời! Lại hỏi lẩn thẩn. Thì không nghe anh Tân mới nói đó sao? 30 năm sau chúng ta sẽ đủ mặt để mở Đại Hội CHS/NH Âm Phủ tại Tân Uyên đó thôi. Tui nghĩ chắc là vui lắm.


- Đúng vậy! Mệ Hiên tiếp lời: Khi đó không biết đám cựu nữ sinh Nguyễn Hoàng chúng tôi có chạy lên sân khấu tặng hoa thầy cô được không nữa?

- Đừng lo. Ông Trí cười: - Ở thế giới bên kia mọi người đều khoẻ mạnh, không ai đau yếu lọm khọm như bây giờ đâu.

- Ừ há!

- Ừ há!

Ông Thiết nãy giờ im lặng bỗng lên tiếng:

- Chi mà lâu rứa? Tui nghĩ chừng mười năm nữa là tụi mình kéo nhau về bên kia thế giới hết rồi.

- Không dám đâu anh ơi! Lỡ Út thọ giống mạ Út thì sao?

Nghe mệ Hiên phản đối, ai nấy bật cười. Ông Minh chen vô:

- Trời! Ham sống lâu dữ. Rứa chơ hồi nớ anh ra giá 70, 80 mà Út cứ lắc đầu nguầy nguậy, đòi 60 cơ.

Nghe câu nói ấy ai bảo ông Minh lẫn nhỉ? Có lẽ đôi khi ông ta giả bộ để ôn quá khứ vàng son đấy thôi. Mệ Hiên mắc cỡ ngó lơ ra ngoài sân:
- Hồi đó tui nói thiệt chớ bộ. Có điều… ông nhà tui bắt tui phải sống đến 99 tuổi... nên tui đâu dám cãi lệnh.
Mọi người lại ồ lên cười.
Và họ mơ màng nghĩ tới Đại Hội Nguyễn Hoàng 30 năm sau…
Ngoài sân, nắng hanh vàng cả một khoảng trời. Lá, hoa và đàn bướm trắng vẫn dập dềnh trong gió…  
Biên Hòa( 01/4/2011)
 N.T LIÊN HƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét