Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Tình Nghĩa Nguyễn Hoàng - N.T.G.Hương

TÌNH NGHĨA NGUYỄN HOÀNG 
Nguyễn Thị Giáng Hương

                                                                             

            Lời giới thiệu:

              Cô Nguyễn Thị Giáng Hương là dân Huế 100%. Sau khi tốt nghiệp ĐHSP/Huế - Ban Anh Văn, Cô nhận nhiệm sở Trường Trung hoc Nguyễn Hoàng từ đầu niên khóa 1973 đến 30/4/1975. Thời gian đó, Cô đã chịu thương chịu khó cùng người Quảng Trị trong những ngày tạm cư ở vùng Non Nước (Đà Nẵng) cho đến khi về hồi cư tại bãi cát Hải Lăng - Quảng Trị.
 Sau năm 1975, Cô cùng gia đình thuyên chuyển lên Pleiku. Hơn 30 năm sau, Cô - trò liên lạc và tìm gặp nhau để rồi từ đó đến nay Cô có mặt hầu hết ở những cuộc hội ngộ Nguyễn Hoàng: từ Quảng Trị đến Saigon; từ Đồng Nai, Ngãi Giao ra tận Hàm Tân và Cô sẽ còn theo tiếng gọi Tình Nghĩa Nguyễn Hoàng ở những lần kế tiếp…
 Mời quý vị đọc một bài viết trong những bài viết về Tình Nghĩa Nguyễn Hoàng của Cô Giáng Hương để cảm nhận thêm tấm chân tình nồng nàn, thắm thiết của Cô dành cho đại gia đình Nguyễn Hoàng - Quảng Trị.

            “Bóp đây! Bóp đây! Bóp trên mười ngàn, bóp dưới hai mươi ngàn”.

            Đang uống cà phê trong quán, hai người đàn ông nghe tiếng rao hấp dẫn quá nên rủ nhau đi tìm nơi xuất phát. Đến nơi, họ mới biết mình bị hố to khi thấy người rao hàng là một phụ nữ trước ngực mang tấm bảng lớn treo lủng lẳng các ví đựng tiền đủ loại, đủ màu sắc được xếp thành hai dãy. "Bóp" ở đây là danh từ; là cái ví đựng tiền hay giấy tờ tùy thân theo tiếng gọi của người miền Trung. Thế mà hai người đàn ông kia lại hiểu nhầm chữ “bóp” là động từ nên mới hí hửng đi tìm… Ha ha… hơ hơ… hi hi… Cả xe vang lên tiếng cười, dzui quá là dzui… khi Mỹ Liên, một old Nguyễn Hoàng/Saigon vừa dứt câu chuyện góp vui.

Chúng tôi đang ngồi trên xe từ Saigon về Hàm Tân dự lễ mừng thọ thầy Lê Văn Quýt - một trong những vị giáo sư đầu tiên của trường Nguyễn Hoàng từ những năm đầu của thập niên 50. Trên xe, thầy cô Lê Hữu Thăng lớn tuổi nhất, kế đến thầy Nghiên. Tôi, anh Lê Thiện Ngữ và các old Nguyễn Hoàng khác đều trên dưới 60 một chút còn Liên Hưng là “út”.


       Cô Giáng Hương cùng thầy trò Nguyễn Hoàng trong
  chuyến về Hàm Tân mừng thọ thầy Lê Văn  Quýt (1/1/2011)

        Các MC Quang Tuyết, Trị và Đặng Mừng thay nhau làm “hoạt náo viên”. Hết tập hát đến đố vui có thưởng hoặc kể chuyện vui. Đi theo chuyến xe “cười” này chúng tôi có dịp cười tự do, cười thoải mái, cười… quên cả say xe. Cười từ Saigon đến Hàm Tân rồi tiếp tục cười từ Hàm Tân về lại Saigon. Quang Tuyết và Mỹ Liên ngoài năng khiếu ca múa ra còn kể chuyện khôi hài cũng rất sôi động.

           Theo tôi, chuyến xe này còn là “chuyến xe tình nghĩa", vì nó mang tình nghĩa  của các môn đệ của thầy Quýt về mừng thọ thầy. Tôi cảm phục lòng tôn sư trọng đạo của người Quảng Trị nói chung và của các cựu học sinh Nguyễn Hoàng nói riêng. Tôi nhớ trong lần về gặp thầy cô Lê Hữu Thăng ở Saigon vài tháng trước, tôi được nghe thầy bàn với Trị và Liên Hưng định ngày làm lễ mừng thượng thọ thầy Quýt - mà vợ chồng thầy Thăng là nhà tài trợ chính. Thế rồi sau khi bàn bạc chu tất, ngày Tết Dương Lịch năm 2011, Nguyễn Hoàng Hàm Tân đã hân hoan đón các old Nguyễn Hoàng từ khắp mọi miền đất nước về dự lễ mừng thượng thọ vị thầy cao niên nhất của trường. Thầy Quýt hôm ấy mặc áo dài khăn đóng rất trang trọng. Dù đã 90 tuổi nhưng mắt thầy vẫn sáng ngời, dáng người quắc thước, giọng nói rõ ràng, hoạt bát. Tôi có viết một bài lục bát tặng thầy, xin trích ra vài câu nói về thầy theo suy nghĩ của tôi trong những lần gặp thầy ở các họp mặt Nguyễn Hoàng trước đây:

 “Thầy tôi nay đã chín mươi

 Vẫn còn vững bước, mắt ngời tinh thông

 Bao năm thầy đã vun trồng

 Biết bao thế hệ Nguyễn Hoàng,  Hàm Tân…”

Khi thầy Thăng lên sân khấu chúc mừng thầy, thầy vô cùng cảm động nên ôm lấy thầy Thăng và nói: "Anh Thăng ơi! Việt Nam chỉ có mình tui là được học trò tổ chức mừng thọ như thế nầy”.

                                            
Cô Giáng Hương đang chúc thọ thầy Lê Văn Quýt

Cảm động hơn nữa vì thầy Thăng là môn đệ của thầy, rồi sau này là đồng nghiệp. Khi ở xa tận U.S.A, thầy Thăng đều luôn luôn hỏi thăm thầy, khi về Việt Nam lại đến nhà thăm thầy và đã là người khởi xướng để có buổi lễ long trọng mà ấm áp nghĩa tình này. Trước đó một tháng, các anh chị cựu học sinh Nguyễn Hoàng khắp nơi đã cùng nhau xướng họa những bài thơ mừng thọ thầy 90 tuổi trên mail, sau đó được tập hợp lại để in thành tập thơ “Tình Thầy Đồng Vọng”; trong đó chứa đựng cả những tấm lòng tôn sư trọng đạo của các Nguyễn Hoàng khắp nơi hướng về thầy; nhớ ơn thầy truyền dạy bao năm tháng dài; nhớ ơn thầy đã nối vòng tay lớn cho Nguyễn Hoàng khắp nơi kết nối. Thầy Thăng cũng là người hướng dẫn và tài trợ cho tập thơ - “một món quà rất quý giá, vừa tình cảm quý mến, vừa tôn vinh một thầy giáo trường Nguyễn Hoàng đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục của Quảng Trị chúng ta.” (Trích lời cảm tạ của nhóm thực hiện ở cuối sách).

Tấm lòng tôn sư trọng đạo của các cựu học sinh Nguyễn Hoàng được thể hiện qua việc tổ chức buổi lễ thật trang trọng và chu tất. Một tình nghĩa thầy trò hiếm có; một việc làm chưa từng có ở thời đại nầy khiến tờ báo chính của tỉnh Bình Thuận - nơi thầy Quýt đang sinh sống - cũng không cầm lòng được nên đã đưa tin kèm hình ảnh.

 Tôi sinh trưởng ở Huế. Tuy Huế và Quảng Trị không cách xa nhau lắm nhưng đến lúc ra trường tôi vẫn chưa biết gì về Quảng Trị hay về trường Nguyễn Hoàng. Ngày ra trường, khi chọn nhiệm sở ý tôi muốn lên Pleiku theo người yêu nhưng bị mẹ tôi bác bỏ: "Con gái chưa chồng phải ở gần ba mẹ, không được đi xa nhà". Ba tôi hiểu ý nên khuyên bảo rất chi là tâm lý: "Ba nghĩ nếu đã yêu nhau thì chờ đợi 2, 3 năm có là bao! Xa nhau nhưng vẫn chung thủy với nhau mới là tình yêu thật sự". Thế là tôi chọn nhiệm sở Nguyễn Hoàng, vừa để vừa lòng ba mẹ vừa để “thử thách tình yêu”.
Trường Nguyễn Hoàng năm học 1973-1974 còn tạm cư tại trại số 5 Non Nước - Đà Nẵng, thế nên tôi hầu như mù tịt về Quảng Trị và về trường Nguyễn Hoàng cũ. Tôi đã cùng với người Quảng Trị, với các học sinh của tôi ở đây 1 năm. Thời gian dạy học ở Nguyễn Hoàng - Non Nước, tôi được ban giám hiệu chia thời khóa biểu gọn lại, mỗi tuần chỉ dạy 3 ngày còn lại được nghỉ. Phần nhiều các giáo viên ở Huế đều được thông cảm xa nhà nên ban giám hiệu đã chia thời khóa biểu như vậy. Ngày nào dạy tôi ở lại nhà cô Chanh nghỉ trưa. Tôi cũng đã sống với người Quảng Trị, với các học sinh trong những căn nhà gỗ thô sơ gần biển – vùng đất nắng gắt, gió cát của Đà Nẵng. Có những lần đi dạy tôi phải đi bộ từ đường cái lớn rồi băng qua các phi đạo mới đến lớp được. Những ngày gió lớn, tôi tưởng chừng như gió sẽ cuốn mình đi trong gió cát mù mịt và thầm nghĩ “như là bão cát sa mạc!!!”. Nếu có ai chụp ảnh tôi lúc ấy, tôi hình dung ảnh sẽ đẹp vì tôi “như cánh vạc về chốn xa xôi …” (thời con gái tôi chỉ 37kg). Cho nên, gần đây khi Bích Liên gọi cho tôi từ U.S.A, em cứ bảo "nhớ cô thời gian khổ với Nguyễn Hoàng mà thương cô quá!”… Hồi ấy tôi rất thương các em học sinh của tôi vì môi trường sống khó khăn như thế nhưng các em vẫn không quản ngại hay lười biếng. Những ngày gió cát phủ đầy lớp học, lên cả bàn ghế, các em vẫn quét dọn sạch sẽ để học. Năm học sau trường dời về Hải Lăng, dù trường được xây lại khang trang hơn nhưng cũng nằm trên …cát. Toàn cát là cát!!! Thời gian này, tôi thuê nhà trọ ở với cô Trai, cô Quả, cô Sen và cô Cẩm Vân. Cô Trai và cô Quả ở Huế nên tôi đã gặp lại và hẹn nhau về họp mặt Nguyễn Hoàng ở Ngãi Giao tháng 6 này. Hai cô kia như “bóng chim tăm cá” không biết ở mô mà tìm !!!.  Thời gian hai năm dạy ở Nguyễn Hoàng chẳng là bao nhưng đã có biết bao nghĩa tình mà các em học sinh đã dành cho tôi. Âu đó cũng là “phần thưởng” cho những người con ngoan, ... biết nghe lời cha mẹ như tôi.

                                  

 cùng học trò tại sân trường Nguyễn Hoàng - Quảng Trị (20/6/2010)

Người lớn dù sao cũng có tầm nhìn xa hơn; và như ba tôi nghĩ, hai năm sau chúng tôi thành gia thất.

Sau ngày 30/4/75, tôi không trở lại nhiệm sở Nguyễn Hoàng Hải Lăng mà theo chồng lên Pleiku dạy học và định cư luôn ở đó, phải hơn 30 năm sau tôi mới gặp lại các học sinh Nguyễn Hoàng của tôi.

Đầu tiên là các em ở Pleiku như Trần Ngọc Thanh và Đoàn Ngọc Hồng, rồi đến Nguyễn Thanh từ Đại Học Sư Phạm Huế. Trước đó, Thanh đã gửi thư báo tin em đã ra trường và sẽ xin lên phố núi; em có được tin tức của tôi nhờ học cùng khóa với em tôi. Vợ chồng Trung Hương ở Ngãi Giao cũng biết được số điện thoại của tôi do em Quang ở Daklak cung cấp. Quang đã gặp tôi trong một lần về Pleiku công tác, lúc ấy dù tôi đã “đẫy đà” hơn nhưng em vẫn nhận ra. Đến khi tập san Nguyễn Hoàng - Chân Dung và Kỷ Niệm ra đời thì các em tìm gặp tôi nhiều hơn. Năm 2007 tôi nghỉ hưu nên có thời gian đi đây đó để gặp gỡ lại các học sinh thuở mới bước vào đời dạy học của mình và họp mặt với các đồng nghiệp khắp nơi. Ấn tượng nhất là lần tôi về Cù Bị để dự cuộc họp mặt của nhóm bạn liên lớp 10 niên khoá 1973 – 1974. Lần đầu tôi gặp lại nhiều học trò cũ, nhìn các em bây giờ đều chững chạc và cả… già nua, tôi vừa mừng vừa xúc động bùi ngùi. Để rồi từ đó đến nay, những cuộc gặp gỡ giữa tôi và Nguyễn Hoàng cứ tiếp nối. Xin có lời cảm ơn cô Võ Thị Quỳnh - một cựu học sinh của trường Nguyễn Hoàng - người chủ biên những tập sách nầy để thầy trò bạn hữu Nguyễn Hoàng khắp nơi biết tin tức mà tìm về với nhau.

...về vùng cao su Cù Bị thăm học trò cũ (Hè 2007)
Trong những lần gặp gỡ, tôi đã gần gũi học trò và nghe các em tâm sự về những thăng trầm cuộc sống, trong đó niềm vui thì ít mà gian khó thì nhiều. Miền Trung đất đai khô cằn vì là đất núi Trường Sơn. Ngày xưa mẹ tôi thường gán đất đai ở đây là nơi "chó ăn đá,gà ăn muối”, người nông dân khổ cực mới kiếm được hột gạo. Có những em cựu nữ sinh Nguyễn Hoàng - học trò cũ của tôi -  không may chồng mất sớm, các em phải đi làm ruộng vất vả; làm nhang bán hay chạy chợ hàng ngày để nuôi đàn con nhỏ. Thế mà các em vẫn đảm đang gánh vác việc nhà làm tròn thiên chức người mẹ và người chủ gia đình, thương và nể phục biết bao! Đó là lý do mà kỳ họp mặt Nguyễn Hoàng Quảng Trị 2010, tôi đã theo các em về nhà để thăm hỏi và nghe các em tâm sự mà quên mất việc gặp các đồng nghiệp và ghé thăm nhà dì tôi cũng ở gần trường. Lúc trở về nhà  sực nhớ tôi phải gọi điện xin dì tha cho cái tội “ham chơi” và hẹn dì năm sau. Lần họp mặt ngày 20 tháng 6 ấy Quảng Trị nắng quá - nghe đâu trên 41 độ C, tôi gần như say nắng nên các em đưa ra biển Mỹ Thủy hóng gió.                                                               

Học trò cũ của tôi ở thành phố Đông Hà cũng mỗi nhà mỗi cảnh: có em thành đạt, có em vẫn còn phải bôn ba…Nhưng tất cả đều có chung một tấm lòng tha thiết với trường cũ, với thầy cô, bạn bè nên dù khó khăn mấy cũng đi họp mặt để được nhìn thấy nhau, được tâm sự với nhau sau bao ngày xa cách.

Sống ở miền Trung gian khổ vì đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xảy ra hàng năm và cũng vì nhiều lý do khác nên người Quảng Trị một số vào Nam lập nghiệp. Học trò cũ của tôi đa số ở các huyện thuộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Các em ở đây thường nhắc lại cái buổi ban đầu đến xứ lạ phải vất vả kiếm sống như thế nào. Đó là các nông trường cao su bạt ngàn mang tên Cù Bị 1, Cù Bị 2, Cù Bị 3. Tôi còn nhớ lần đầu khi kết nối liên lạc với nhóm Ngãi Giao, tôi đã muốn đi thăm các em ở Cù Bị. Từ Ngãi Giao vào đường đi toàn đất đỏ, trời mưa thì trơn trợt, đi xe hay đi bộ đều khó, thế nên phải đợi đến mùa khô vợ chồng Trung Hương mới đưa tôi vào vùng ấy. Sau khi vượt qua những con đường đất đỏ bụi mù, tôi đến nơi mới thấy rõ ý chí khắc phục khó khăn, cần cù của những người sống ở đây. Có lẽ họ đã  từng trải qua những ngày khổ ải, không chỉ với công việc mà còn phải chống chọi với bệnh sốt rét nguy hiểm để tồn tại được đến ngày hôm nay. Thật là :

    “Bàn tay ta làm nên tất cả

                                     Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Gặp lại các em, ai cũng vui vì không ngờ tôi đến thăm, những Khánh, Tuấn, Trâm, Anh,... giờ đã có nhà cửa khang trang, mát mẻ. Tôi mừng cho các em và thầm cảm phục đức tính chịu thương, chịu khó của họ. Em nào cũng mời tôi ở lại chơi vài hôm nhưng tôi không có nhiều thời gian. Thế mà với tính hiếu khách sẵn có của người Quảng Trị, các em lại đưa tôi và vợ chồng Trung Hương về lại Ngãi Giao để mời tôi đi ăn cháo bột cá tràu và bánh khoái. Đến tối, sau một chầu cà phê các em mới tạm biệt tôi để trở lại nhà.

Nói đến tính hiếu khách của người Quảng Trị, tôi lại nhớ đến các cựu học sinh Nguyễn Hoàng ở Hàm Tân trong ngày lề mừng thượng thọ thầy Quýt. Sau khi tiếp đãi ăn trưa xong, tối lại, một chị là old Nguyễn Hoàng ở đây đã mang đến tặng đoàn Nguyễn Hoàng/Saigon một thau bánh bột lọc trần thật ngon. Chị làm thật công phu từng cái bánh nhỏ để vừa bỏ vào miệng. Buổi trưa nghe nói đã có một chị khác cho bánh bột lọc gói và bánh dừa rồi. Các học sinh của tôi cũng vậy, rất giàu tình cảm và rất hiếu khách; không gặp thì thôi, chứ đã gặp thì cứ mời về nhà cho bằng được, lo chỗ ăn, chỗ ngủ tươm tất. Nếu đi từ Saigon về đến Bà Rịa -Vũng Tàu hay ra Quảng Trị - Đông Hà, tôi không thiếu chỗ ở đâu. Như Liên Hưng hay vợ chồng Trung - Hương, cặp Vĩnh Phước - Mỹ ở Hắc Dịch hay cặp Bằng - Nga ở Đông Hà… Các em đối với tôi như chị em một nhà, gặp nhau là có bao nhiêu chuyện để nói, mừng vui khôn xiết! Và tôi đã sống với các em những ngày thật vui, đong đầy tình nghĩa. Năm nào tôi cũng dành thì giờ để đi họp mặt Nguyễn Hoàng ở khắp nơi để gặp gỡ những người Nguyễn Hoàng - Quảng Trị. Tôi cũng hẹn cô Chanh sẽ cùng về họp mặt Nguyễn Hoàng Quảng Trị  vào năm 2013; hẹn gặp cô Trai vào dịp họp mặt Nguyễn Hoàng tại Bà Rịa ngày 26/6 năm nay… Tôi hẹn sẽ về ở lại nhà Vĩnh Phước, nhà Trung - Hương và các em ở Đông Hà - Quảng Trị.

Cựu giáo sư Trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị về dự họp mặt tại Đồng Nai
Từ trái: Cô Giáng Hương, thầy Chi, thầy Bảo, thầy Đô, thầy Đính, thầy Quýt, thầy Thanh, thầy Thăng, thầy Nghiên và thầy Điền. (ngày 25/7/2009)

Hy vọng là tôi sẽ không lỗi hẹn với ai cả... Tôi cũng không ngờ tình cảm của mình đối với Nguyễn Hoàng lại sâu nặng đến thế! Tôi cứ thầm nghĩ : Nếu ngày xưa ấy mình không chọn nhiệm sở Nguyễn Hoàng thì ngày nay đã không gặp được một Đại gia đình Nguyễn Hoàng thân thương và tràn đầy nghĩa tình như thế này. 
Pleiku (23/5/2011) - NTGH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét