Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Chữ quốc Ngữ, .Đại Thần Nguyễn V Tường-"Nổi oan được giải"...

CHỮ QUỐC NGỮ 
Nhân kỷ niệm 85 năm bãi bỏ chữ Nho (1919) và
80 năm (1924) quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy
tại cấp tiểu học Việt Nam
 1.Alexandre de Rhodes(1591 - 1660) 
2. Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936)




Chữ Hán từng được dùng ở Việt Nam trong vòng một ngàn năm mãi đến tận đầu thế kỷ thứ 20.
Alexandre de Rhodes (sinh năm 1591 tại Avignon, Pháp; mất năm 1660 tại Ispahan, Ba Tư) đã sang Việt Nam truyền đạo trong vòng sáu năm (1624 -1630). Ông là người có công rất lớn trong việc La-mã hoá tiếng Việt
(nhiều tác giả gọi là La-tinh hóa. Thực ra mẫu tự chữ cái tiếng Việt hiện nay là mẫu tự chữ Roman chứ không phải là chữ La-tinh).

Kế tục công trình của những người đi trước là các tu sĩ Jesuit (dòng Tên) người Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, v.v. trong việc La-mã hóa tiếng Việt, Alexandre de Rhodes đã xuất bản Bài giảng giáo lý Tám ngày đầu tiên bằng tiếng Việt và cuốn từ điển Việt - La - Bồ đầu tiên vào năm 1651 tại Rome.

*** Hệ thống chữ viết tiếng Việt dùng chữ cái La-mã này được chúng ta ngày nay gọi là chữ quốc ngữ (chữ viết của quốc gia)

***Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 tại Hà Nội cái năm thành Hà Nội thất thủ vào tay quân Pháp do đại tá Henri Rivière chỉ huy. Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn. Gia đình Nguyễn Văn Vĩnh nghèo nên không có tiền cho con cái đi học. Lên tám tuổi, cậu Vĩnh đã phải đi làm để kiếm sống. Công việc của cậu lúc đó là làm thằng nhỏ kéo quạt để làm mát cho một lớp đào tạo thông ngôn do người Pháp mở ở đình Yên phụ - Hà Nội.

Vừa kéo quạt, cậu vừa nghe lỏm bài giảng. Cậu ghi nhớ mọi thứ rất nhanh và còn trả lời được các câu hỏi của thày giáo trong khi các cậu con nhà giàu trong lớp còn đương lúng túng.
Thầy giáo người Pháp thấy vậy bèn nói với ông hiệu trưởng giúp tiền cho cậu vào học chính thức.
Năm 14 tuổi Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu khóa học và trở thành một thông dịch viên xuất sắc.
Sau đó ông được bổ làm trợ lý cho công sứ Pháp tỉnh Bắc Ninh. Năm 1906, lúc ông 24 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được Pháp gửi sang dự triển lãm tại Marseilles. Tại đây, ông được tiếp cận với kỹ nghệ in ấn và báo chí. Ông còn là người Việt Nam đầu tiên gia nhập hội Nhân quyền Pháp. Trở về Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh từ bỏ nghiệp quan chức và bắt đầu làm báo tự do.
Năm 1907 ông mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đăng Cổ Tùng Báo - tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ.
Năm 1913 ông xuất bản tờ Đông dương Tạp chí để dạy dân Việt viết văn bằng quốc ngữ.
Ông là người đầu tiên dịch ra chữ quốc ngữ các tác phẩm của các đại văn hào Pháp như Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas, La Fontaine, Molière, v.v. và cũng là người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp.
Bản dịch Kiều của ông Vĩnh rất đặc sắc, vì ông không chỉ dịch cả câu mà còn dịch nghĩa từng chữ và kể rõ các tích cổ gắn với nghĩa đó - một điều chỉ có những ai am hiểu sâu sắc văn chương Việt Nam (bằng chữ Nôm),Trung Hoa (bằng chữ Nho), và Pháp mới có thể làm được.
Sự cố gắng và sức làm việc phi thường của ông Vĩnh đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và văn hoá phương Tây trong dân Việt, và đẩy xã hội Việt Nam đi đến chỗ dần dần chấp nhận chữ quốc ngữ.
Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi (Hương - Hội - Đình) ở Bắc Kỳ. Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở Trung Kỳ và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt.
Ngày 18 tháng 9 năm 1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ Quốc Ngữ vào dạy ở ba năm đầu cấp tiểu học.
Như vậy là, sau gần ba thế kỷ kể từ khi cuốn từ điển Việt – La - Bồ của Alexandre de Rhodes ra đời, người Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng chữ quốc ngữ.
Đây quả thực là một cuộc chuyển hóa vô cùng lớn lao, trong đó ông Nguyễn Văn Vĩnh đã vô hình chung đóng vai trò một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, tuy nhiên, đã không thể kiếm sống bằng nghề báo của mình. Ông là người luôn lên tiếng phản đối chính sách hà khắc của Pháp đối với thuộc địa, là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng, và cũng là người đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh.
Vì thế chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương chẳng ưa gì ông. Tòa báo của ông vỡ nợ. Gia sản của ông bị tịch biên. Ông bỏ đi đào vàng ở Lào và mất ở đó năm 1936 vì sốt rét.
Người ta tìm thấy xác ông nằm trong một chiếc thuyền độc  mộc trên một dòng sông ở Sepole.
Trong tay ông lúc đó vẫn còn nắm chặt một cây bút và một quyển sổ ghi chép: Ông đang viết dở thiên ký sự bằng tiếng Pháp Một tháng với những người tìm vàng. Khi đoàn tàu chở chiếc quan tài mang thi hài ông Vĩnh về đến ga Hàng Cỏ, hàng ngàn người dân Hà Nội đứng chờ trong một sự yên lặng vô cùng trang nghiêm trước quảng trường nhà ga để đưa tiễn ông
Con người bằng tài năng và sức lao động không biết mệt mỏi của Mình đã góp phần làm cho chữ quốc ngữ trở thành chữ viết của toàn dân Việt. ---Tôi đã vẽ bức tranh Sự ra đời của chữ quốc ngữ- Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh với lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với hai vĩ nhân nói trên của dân tộc Việt Nam –
Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh.
Lời cảm ơn:

Tác giả bài viết này biết ơn thân sinh của mình – nhà giáo Nguyễn Đình Nam, người đầu tiên kể cho tác giả về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh từ khi tác giả còn là học sinh tiểu học, khi sách giáo khoa chính thống còn gọi Alexandre Rhodes là gián điệp còn Nguyễn Văn Vĩnh là bồi bút của Pháp.
Tác giả xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Kỳ - con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh, và ông Nguyên Lân Bình - cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh vì những câu chuyện xúc động về cuộc sống và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng như của gia tộc cụ.
Tác giả xin cảm ơn thày Trí - cháu ngoại cụ Nguyễn Văn Vĩnh , đồng thời từng là thày dạy toán của tác giả khi tác giả là học sinh trung học. 


Nguyễn Đình Đăng


Tokyo, 10/11/2004

*Sự ra đời của chữ quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh


Đọc thêm:
Bồ Đào Nha là dân tộc của những người đi biển. Hơn thế nữa, từ xưa, họ là những người chịu bỏ xứ đi tha hường. Lisboa là cảng biển thiên nhiên duy nhất của bán đảo Iberia, từ trước công nguyên đã là một trung tâm chính trị và kinh tế. Lisboa nằm ngay trên cửa biển, hòa nước ngọt của sông Tejo vào nước mặn của Đại Tây Dương, mênh mông một màu nước, khơi gợi lòng viễn du của một dân tộc sẵn sàng lên đường. Thực vậy, kể từ thế kỷ thứ 15, khi tài đi biển của người Bồ Đào Nha lên đến đỉnh cao, quốc gia này bành trướng thành cường quốc số một ở Châu Âu, chiếm lĩnh nhiều thuộc địa ở Brazil, Châu Phi, Ả-rập, Ấn Độ và Trung Quốc.
. . .
Năm 1511 thuyền nhân Bồ Đào Nha bắt đầu nhắm đến Trung Quốc và Nhật Bản. Họ vòng từ miền nam Ấn Độ, đi đường biển dọc theo miền Trung Việt Nam để lên đảo Macau.
 
Nhà truyền giáo đến với cộng đồng bằng thuyền ở Việt Nam xưa

Hẳn họ đã dừng chân tại Hội An để buôn bán và tiếp tế lương thực, nên năm 1524 họ dựng một tấm bia đá ở cù lao Chàm. Song song, các nhà truyền giáo lần lượt đến Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Trong những năm cuối của thế kỷ thứ 16 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha của hai dòng thánh Francisco và Agustino đến Việt Nam, nhưng cuối cùng bỏ cuộc.

Đầu thế kỷ thứ 17 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha lại đến Việt Nam một lần nữa và lần này họ thành công. Dòng Tên* chính thức được thành lập ở Đàng Trong năm 1615. Đàng Ngoài năm 1627. Trong giới giáo sĩ dòng Tên người Bồ có một nhân vật xuất sắc, đóng một vai trò lịch sử trong nền văn hóa Việt Nam, đó là Francisco de Pina. Pina sinh  năm 1585, đến Macau năm 1613, đặc biệt rất giỏi tiếng Nhật. Năm 1617 ông đến Đàng Trong truyền giáo và bắt đầu dịch một số văn bản của Ki Tô giáo ra tiếng Nôm, một thứ chữ Hán được bản địa hóa.. Thế nhưng Pina nhận thấy các nhà truyền giáo đồng nghiệp có một khó khăn trầm trọng , đó là họ không sao học được chữ Nôm. Chàng linh mục trẻ tuổi Pina thấy chữ Nôm không thể là phương tiện giao lưu với người bản xứ, ông nghĩ ra một cách đơn giản. Ông thử lắng nghe người Việt phát âm ra sao rồi dùng mẫu tự la tinh để diễn tả âm tiết theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha thường làm. Đó là thời điểm khai sinh của chữ quốc ngữ chúng ta ngày nay. Theo lời xác nhận của chính Pina, kể từ năm 1622, ông đã xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự la tinh cho hợp với thanh điệu và lối phát âm của tiếng nói Viet Nam. Pina cũng soạn cả một tập văn phạm thô sơ cho loại chữ viết mới mẻ này. Có lẽ trên thế giới không có nơi nào có một thứ chữ viết được hình thành trong điều kiện như thế.

Năm 1624 Francisco de Pina mở trường dạy tiếng Việt cho các nhà truyền giáo khác. Trong số người đến học với ông có hai vị quan trọng, một người đã lớn tuổi là António de Fontes (1569 -?), sinh tại Lisboa. Vị kia chính là Alexandre de Rhodes (1591-1660), sinh tại Avignon, Pháp.Hai vị này lãnh hai trọng trách, de Fontes là trụ cột cho giáo xứ truyền giáo ở Đàng Trong, còn de Rhodes sẽ ra Đàng Ngoài vào năm 1626, lúc đó trong thời kỳ của Chúa Trịnh Tráng. Một ngày nọ trong thang12 năm 1625, một chiếc tàu của Bồ Đào Nha bỏ neo ở vịnh Đà Nẵng, Pina lên tàu để mang hàng hóa vào bờ. Khi đến bờ chẳng may thuyền chìm, Pina chết tại đó, ông chỉ sống được 40 tuổi.

Sau cái chết bi thảm của Pina, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục xây dựng chữ quốc ngữ mà hai nhân vật có công nhất chính là hai người Bồ, Gaspar de Amaral (1549-1646) và Antonio Barbosa (1594-1647). Còn Alexandre de Rhodes thì bị chúa Trịnh Tráng trục xuất năm 1630, phải đi Macau. Mười năm sau, năm 1640 de Rhodes trở lại Đàng Trong và đến năm 1645 bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. De Rhodes trở về La Mã và năm 1651 ông cho xuất bản tập tự điển Việt-Bồ Đào Nha-La Tinh (Dictionarium annamiticum seu tunquinense lusitanum et latinum).

Trong các đời sau, nhiều người tôn Alexandre de Rhodes là người sáng tạo chữ quốc ngữ nhưng thực ra đó là công của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, mà người đầu tiên phải là Francisco de Pina.

Một tình cờ của lịch sử đã đưa các vị giáo sĩ Bồ Đào Nha phát minh ra một loại chữ viết cho cả một dân tộc xa lạ, trong đó họ buộc phải dùng mẫu tự và âm tiết của ngôn ngữ mình để diễn tả một tiếng nói khác, vốn mang đầy thanh âm trầm bổng như tiếng chim. Mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với cộng đồng tôn giáo của mình bằng chữ viết. Về sau, khi các nhà cai trị người Pháp đến Việt Nam, họ cũng không kham nổi chữ Hán lẫn chữ Nôm. Giải pháp thuận tiện của người Pháp là buộc mọi người Việt Nam phải sử dụng chữ quốc ngữ và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes được nêu bật.

Từ 1930 chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt.

Tiến sĩ  Nguyễn Tường Bách (tại Đức)

Người Việt đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ


Khi Bùi Viện (một vị quan sống dưới triều vua Tự Đức) đặt chân đến Hoa Kỳ để đặt quan hệ ngoại giao vào đầu những năm 1870, lịch sử đã coi ông là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất nước châu Mỹ này. Nhưng trong cuốn sách "con đường thiên lý" (NXB Văn hóa - Thông tin), nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục, chứng minh rằng trước Bùi Viện 20 năm, có một người Việt đã thực hiện một chuyến phiêu lưu ở miền Tây hoang dã của Hoa Kỳ như một cao bồi thực thụ.

Từ một người đi tìm vàng ở California, ông đã trở thành ký giả người Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Ông là Trần Trọng Khiêm (người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, Phú Thọ).
Từ người Việt đầu tiên đến Hoa Kỳ và nhà báo Việt đầu tiên trên đất Mỹ
Trần Trọng Khiêm sinh năm Tân Tỵ (1821), tức năm Minh Mạng thứ 2, là con của một gia đình thế gia vọng tộc ở phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nhưng trong người lúc nào cũng sẵn máu phiêu lưu. Năm ông 21 tuổi, vợ ông bị một viên chánh tổng âm mưu làm nhục rồi giết hại. Sau khi giết tên chánh tổng báo thù cho vợ, ông xuống Phố Hiến (Hưng Yên), xin làm việc trong một tàu buôn ngoại quốc và bắt đầu bôn ba khắp năm châu bốn bể.
Suốt từ năm 1842 đến 1854, Trần Trọng Khiêm đã đi qua nhiều vùng đất, từ Hương Cảng đến Anh Cát Lợi, Hòa Lan, Pháp Lan Tây. Do trí tuệ sắc sảo, đến đâu ông cũng học được ngoại ngữ của các nước đó. Năm 1849, ông đặt chân đến thành phố New Orleans (Hoa Kỳ), bắt đầu chặng đường 4 năm phiêu bạt ở Mỹ cho đến khi tìm đường về cố hương.
Sau khi đến Mỹ, ông cải trang thành một người Trung Hoa tên là Lê Kim rồi gia nhập đoàn người đi tìm vàng ở miền Tây Hoa Kỳ. Sau đó ông trở về thành phố Xanh - Phát - Lan - Xích - Cố ( phiên âm của San Francisco) và làm kí giả cho tờ Daily News 2 năm. Cuộc phiêu lưu của Trần Trọng Khiêm (tức Lê Kim) trên đất Mỹ đã được nhiều tài liệu ghi lại.
Trong cuốn sách La Rueé Vers L'or của tác giả Rene Lefebre (NXB Dumas, Lyon, 1937) có kể về con đường tìm vàng của Lê Kim và những người đa quốc tịch Gia Nã Đại, Anh, Pháp, Hòa Lan, Mễ Tây Cơ… Họ gặp nhau ở thành phố New Orleans thuộc tiểu bang Lousiana vào giữa thế kỷ 19 rồi cùng hợp thành một đoàn đi sang miền Viễn Tây tìm vàng.
Thời đó, "Wild West" (miền Tây hoang dã) là cụm từ người Mỹ dùng để chỉ bang California, nơi mà cuộc sống luôn bị rình rập bởi thú dữ, núi lửa và động đất. Trong gần 2 năm, Lê Kim đã sống cuộc đời của một cao bồi miền Tây thực thụ. Ông đã tham gia đoàn đào vàng do một người ưa mạo hiểm người Canada tên là Mark lập nên.
Để tham gia đoàn người này, tất cả các thành viên phải góp công của và tiền bạc. Lê Kim đã góp 200 Mỹ kim vào năm 1849 để mua lương thực và chuẩn bị lên đường. Đoàn có 60 người, nhưng Lê Kim đặc biệt được thủ lĩnh Mark yêu quý và tin tưởng. Do biết rất nhiều ngoại ngữ, ông được ủy nhiệm làm liên lạc viên cho thủ lĩnh Mark và thông ngôn các thứ tiếng trong đoàn, gồm tiếng Hòa Lan, tiếng Trung, tiếng Pháp. Ông cũng thường xuyên nói với mọi người rằng ông biết một thứ tiếng nữa là tiếng Việt Nam, nhưng không cần dùng đến. Lê Kim nói ông không phải người Hoa, nhưng đất nước nằm ngay cạnh nước Tàu.
Ông và những người tìm vàng đã vượt sông Nebraska, qua núi Rocky, đi về Laramie, Salt Lake City, vừa đi vừa hát bài ca rất nổi tiếng thời đó là "Oh! Suzannah" (Oh! My Suzannah! Đừng khóc nữa em! Anh đi Cali đào vàng. Đợi anh hai năm, anh sẽ trở về. Mình cùng nhau cất ngôi nhà hạnh phúc). Họ thường xuyên đối mặt với hiểm họa đói khát và sự tấn công của người da đỏ để đến California tìm vàng. Sốt rét và rắn độc đã cướp đi mất quá nửa số thành viên trong đoàn.
Trong đoàn, Lê Kim nổi tiếng là người lịch thiệp, cư xử đàng hoàng, tử tế nên rất được kính trọng. Nhưng đó đúng là một chuyến đi mạo hiểm, khiến già nửa thành viên trong đoàn chết vì vất vả, đói khát và nguy hiểm dọc đường đi.
Sau khi tích trữ được một chút vàng làm vốn liếng, Lê Kim quay trở lại San Francisco. Vào giữa thế kỷ 19, nơi đây còn là một thị trấn đầy bụi bặm, trộm cướp. Là người học rộng, hiểu nhiều, lại thông thạo nhiều ngoại ngữ, Lê Kim nhanh chóng xin được công việc chạy tin tự do cho nhiều tờ báo như tờ Alta California, Morning Post rồi làm biên tập cho tờ nhật báo Daily Evening.
Đề tài mà Lê Kim thường viết là về cuộc sống đầy hiểm họa và cay đắng của những người khai hoang ở bắc California và quanh khu vực San Francisco, trong đó ông hướng sự thương cảm sâu sắc đến những người da vàng mà thời đó vẫn là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc. Lê Kim cho rằng, các mỏ vàng đã khiến cuộc sống ở đây trở nên méo mó và sa đọa không gì cứu vãn được.
Nhiều bài báo của ông đăng trên tờ Daily Evening hiện vẫn còn lưu giữ ở thư viện Đại học California. Đặc biệt, trong số báo ra ngày 8/11/1853, có một bài báo đã kể chi tiết về cuộc gặp giữa Lê Kim và vị tướng Mỹ John A. Sutter. Tướng Sutter vốn trước là người có công khai phá thị trấn San Francisco. Khi Lê Kim mới đến đây, ông đã được tướng Sutter giúp đỡ rất nhiều. Sau khi bị lật đổ, Sutter đã bị tâm thần và sống lang thang ở khắp các bến tàu để xin ăn, bạn bè thân thiết đều không đoái hoài đến.
Khi tình cờ gặp lại, Lê Kim đã cho vị tướng bất hạnh 200 Mỹ kim. Ông đã chê trách thái độ hững hờ, ghẻ lạnh của người dân San Francisco và nước Mỹ với tướng Sutter, điều mà theo ông là đi ngược với đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ông.
Sang năm 1854, khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống hỗn loạn và nhiễu nhương ở Mỹ, cộng thêm nỗi nhớ quê hương ngày đêm thúc giục, Lê Kim đã tìm đường trở lại Việt Nam. Nhưng ông cũng đã kịp để lại nước Mỹ dấu ấn của mình, trở thành người Việt Nam đầu tiên cưỡi ngựa, bắn súng như một cao bồi và cũng là người Việt đầu tiên làm ký giả cho báo chí Mỹ.
Người Minh Hương cầm quân chống Pháp
Năm 1854, Trần Trọng Khiêm trở về Việt Nam vẫn dưới cái tên Lê Kim. Để tránh bị truy nã, ông không dám trở về quê nhà mà phải lấy thân phận là người Minh Hương đi khai hoang ở tỉnh Định Tường. Ông là người có công khai hoang, sáng lập ra làng Hòa An, phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường. Tại đây, ông tục huyền với một người phụ nữ họ Phan và sinh được hai người con trai, đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương. Trong di chúc để lại, ông dặn tất cả con cháu đời sau đều phải lấy tên đệm là Xuân để tưởng nhớ quê cũ ở làng Xuân Lũng.
Trong bức thư bằng chữ nôm gửi về cho người anh ruột Trần Mạnh Trí ở làng Xuân Lũng vào năm 1860, Lê Kim đã kể tường tận hành trình hơn 10 năm phiêu dạt của mình từ một con tàu ngoại quốc ở Phố Hiến đến những ngày tháng đầy khắc nghiệt ở Hoa Kỳ rồi trở về an cư lạc nghiệp ở Định Tường. Khi người anh nhắn lại: "gia đình bình yên và lúc này người đi xa đừng vội trở về", Lê Kim đã phải tiếp tục chôn giấu gốc gác của mình ở miền Tây Nam Bộ.
Nhưng chưa đầy 10 năm sau, khi làng xóm bắt đầu trù phú thì thực dân Pháp xâm lược nước ta. Lê Kim đã từ bỏ nhà cửa, ruộng đất, dùng toàn bộ tài sản của mình cùng với Võ Duy Dương mộ được mấy ngàn nghĩa binh phất cờ khởi nghĩa ở Đồng Tháp Mười. Tài bắn súng học được trong những năm tháng ở miền Tây Hoa Kỳ cùng với kinh nghiệm xây thành đắp lũy đã khiến ông trở thành một vị tướng giỏi. Năng khiếu ngoại ngữ cũng giúp Lê Kim cảm hóa được một nhóm lính Pháp và dùng chính nhóm lính này tấn công quân Pháp ở Cái Bè, Mỹ Qưới, khiến cho quân giặc điêu đứng.
Năm 1866, trong một đợt truy quét của Pháp do tướng De Lagrandìere chỉ huy, quân khởi nghĩa thất thủ, Lê Kim đã tuẫn tiết chứ nhất quyết không chịu rơi vào tay giặc. Gia phả nhà họ Lê do hậu duệ của Lê Kim gìn giữ có ghi lại lời trăn trối của ông: "Trước khi chết, cụ dặn cụ bà lánh qua Rạch Giá gắng sức nuôi con, dặn chúng tôi giữ đạo trung hiếu, đừng trục lợi cầu vinh, đừng ham vàng bỏ ngãi. Nghĩa quân chôn cụ ngay dưới chân Giồng Tháp. Năm đó cụ chưa tròn ngũ tuần". Trên mộ của Lê Kim ở Giồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp) có khắc đôi câu đối: "Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh/Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế".
Như vậy, không chỉ là người đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, Lê Kim còn là một trong những nhà yêu nước can đảm đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Dù cuộc khởi nghĩa của ông cùng chung số phận với nhiều cuộc khởi nghĩa khác ở Nam Kỳ đều bị thực dân Pháp và triều đình Nguyễn đánh tan, nhưng Lê Kim vẫn được công nhận là một trong những danh nhân lớn ở Đồng Tháp thế kỷ 19

(Dựa trên tư liệu của học giả Nguyễn Hiến Lê)

NGHĨ TỪ CHUYỆN GIẢI OAN CHO PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN
NGUYỄN VĂN TƯỜNG

Ngày đăng: 14.1.2009

Trong một lần đến với Bảo tàng tỉnh Quảng Trị để sống với cội nguồn”, tôi đã tần ngần hồi lâu trước bức chân dung quắc thước và ưu tư của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường được treo cao trang trọng trên tường. Vị đại quan yêu nước có cuộc đời đầy uẩn khúc và phải chịu tiếng oan dằng dặc trăm năm là đầu thú giặc Pháp này, tiếng oan gieo mối nhục, gieo hệ luỵ xuống cả bao đời hậu duệ, vị đại quan yêu nước lúc cuối đời đã trút bao tâm sự đắng cay và u uẩn trong bài thơ Giải triều” (Chia tách triều chính): “Thị phi nhiên phó thiên thu hậu” (Đúng, sai phó mặc ngàn sau luận), rút cuộc đã được hậu thế minh xét, giải oan. Sự giải oan này cho dẫu muộn màng nhưng rất may là không phải đợi đến ngàn thu như thơ Nguyễn Văn Tường hằng đau đáu ngỏ cùng hậu thế. Quả đúng là một kết thúc có hậu trong đời thực chứ hoàn toàn không là chuyện viễn mơ hay chuyện trong tiểu thuyết!
           
Xưa nay, viết về Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, hai đại thần cùng thuộc nhóm chủ chiến chống Pháp trong triều đình nhà Nguyễn, người ta thường gắn tên tuổi, vai trò Tôn Thất Thuyết với căn cứ kháng chiến Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị, còn tên tuổi Nguyễn Văn Tường ít được nhắc đến gắn với căn cứ này. Điều này dễ hiểu thôi, vì sau đêm 4-7-1885, Tôn Thất Thuyết bất ngờ tổ chức tấn công quân Pháp ở Huế nhưng không thành, kinh đô thất thủ, sáng 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết phải rước vua Hàm Nghi ra Tân Sở, dĩ nhiên, tên tuổi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết thường nổi lên khi nhắc đến Tân Sở, còn Nguyễn Văn Tường lúc đó theo chỉ dụ của bà Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) là ở lại Huế thương thuyết với Pháp, không phải ra Tân Sở, Nguyễn Văn Tường đã ở lại và gặp tướng Pháp Do Courcy, từ đó Nguyễn Văn Tường mang tiếng là “đầu thú” giặc Pháp thì bao nhiêu công lao của ông đối với Tân Sở cũng bị lãng quên. Vậy để cho công minh, xin hãy bắt đầu câu chuyện về Nguyễn Văn Tường từ Tân Sở.
           
Lên với Tân Sở ngày trước, thuộc địa phận xã Cam Chính bây giờ, dấu tích xưa đã vắng bóng tuyệt mù, bảng chỉ dẫn di tích bị đổ gãy mất chưa được cắm lại, tôi chỉ còn hình dung một Tân Sở xưa qua lời kể truyền đời của các vị cao niên ở đây. Các cụ được truyền rằng Tân Sở xưa có nhiều luỹ tre gai, có hào sâu, có giếng nước, có cột cờ, có súng thần công đại bác. Cụ Võ Văn Lồ, 86 tuổi trò chuyện cùng tôi trên mảnh đất nhà ông Trần Hạnh ở thôn Bảng Sơn, Cam Nghĩa, Cam Lộ thuở trước, nơi vua Hàm Nghi từng nghỉ lại, nhà cũ không còn, chỉ còn một gian nhà nhỏ làm nơi thờ tự. Cụ Lồ hoài niệm kể như kể chuyện cổ tích: “Nhà ông Trần Điu (gọi theo tên người cháu 3 đời của ông Trần Hạnh) hồi ấy giàu nhất xóm. Cả nhà ở lui phía sau, dành nhà trên cho vua. Xóm này hồi ấy có ba người đi gác cho vua, đó là ông cai Võ Văn Ky, bác ruột tôi, ông lý Võ Văn Lâm và ông đội Võ Liệu”. Hồi ấy, Nguyễn Văn Tường dù không theo đưa vua Hàm Nghi lên Tân Sở nhưng hẳn rằng khi nếm mật nằm gai ở Tân Sở, dấu chân vua đã bắt gặp dấu chân Nguyễn Văn Tường, một trung thần yêu nước vốn có bề dày lăn lộn với mảnh đất Cam Lộ. Chính nhờ có bề dày này mà Nguyễn Văn Tường đã nhạy cảm suy tính và thực hành kế sách chuẩn bị căn cứ hậu bị cho kinh đô Huế từ sớm ở Tân Sở. Bề dày này in đậm, in sâu trong niên biểu Nguyễn Văn Tường: “Năm 1850 (Canh Tuất): Làm tri huyện Thành Hoá, Quảng Trị (nay là các huyện Cam Lộ, Hướng Hoá, Đakrông). Năm 1866 (Bính Dần): Mùa thu, Nguyễn Văn Tường được đưa ra Quảng Trị làm Bang biện huyện Thành Hoá. Sau vua cấp cho ấn “khâm phái sơn phòng” riêng để tiện việc tâu bày. Cuối năm, Nguyễn Văn Tường tâu bày 6 điều về việc sơn phòng ở đạo Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị: Xin mở con đường thượng du nối Tây Sơn (Bình Định) thông với Cam Lộ và trấn Ninh (Nghệ An) để chống giữ lẫn nhau...Năm 1875 (Ất Hợi): Tháng 8 (âm lịch), Nguyễn Văn Tường xin đặt nha Kinh Lý sơn phòng Quảng Trị. Năm 1883 (Quý Mùi): Nguyễn Văn Tường thiết kế và chỉ đạo xây dựng thành Tân Sở ở Quảng Trị” (PGS TS Đỗ Bang chủ biên, Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải, NXB Văn hoá Thông tin, 2007, tr.225, 227, 228, 233, 235). Ghi nhận bề dày đóng góp này của Nguyễn Văn Tường, nhân dân ở Cam Lộ đã lập miếu thờ ông.
           
Lịch sử bao giờ cũng có lô gích riêng của nó. Thế nên, trong những ngày nằm gai nếm mật ở Tân Sở, vua Hàm Nghi đã nhớ nghĩ nhiều đến Nguyễn Văn Tường, người đã miệt mài “thai nghén” nên Tân Sở đang phải sống trong vòng vây bủa của giặc Pháp ở Huế. Ngày 13-7-1885, cùng ngày, từ Tân Sở, vua Hàm Nghi vừa ban dụ Cần Vương, vừa dụ cho Nguyễn Văn Tường: “Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta quanh quẩn, còn ngươi là Phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản” (Đại Nam thực lục, tập 36, NXB KHXH, 1976, tr.225). Tiếp đó, ngày 18-7-1885, từ Tân Sở, vua Hàm Nghi có bài dụ gửi cho hoàng tộc, có đoạn khen ngợi hết lời đối với Nguyễn Văn Tường: “Nay đã có Phụ chính đại thần là Nguyễn khanh (tức Nguyễn Văn Tường) ở lại giảng nói, che chở được nhiều việc, hơi được yên ổn. Huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được” (Đại Nam thực lục, tập 36, sách đã dẫn tr.227). Tân Sở đã toả bóng xuống cuộc đời Nguyễn Văn Tường như vậy, vua Hàm Nghi đã thấu tỏ sâu sắc lòng trung của Nguyễn Văn Tường đến vậy, thế nhưng sau 2 tháng về sống “hợp pháp” với Pháp để tính kế thương thuyết cho xã tắc tránh bớt nguy biến, Nguyễn Văn Tường đã không gỡ nổi tiếng oan đầu thú giặc Pháp. Kể cả cái kết cục thảm thương mà Nguyễn Văn Tường phải nhận lãnh sau 2 tháng ở trong nách giặc: bị Pháp đày sang đảo Tahiti, bị đổ thuốc độc vào miệng làm rụng hết răng, rồi lìa đời nơi xứ người trong đau đớn, tái tê vì mộng nước chưa thành, Nguyễn Văn Tường vẫn không thể gỡ nổi tiếng oan phản bội. Tiếng oan chồng chất đến cả nhiều đời hậu duệ của ông, chồng chất cả trong lịch sử khi sử sách cứ viết theo lối mòn gieo oan cho ông.

Thế rồi, cũng có ngày “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” (Nguyễn Du). Lần lượt, các hội nghị, hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường hoặc có liên quan đến Nguyễn Văn Tường được mở ra: Hội nghị khoa học lịch sử về “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế cuối thế kỷ XIX” do Khoa Sử Trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12-11-1991, hội thảo khoa học lịch sử “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” do Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20-6-1996. Hội thảo năm 1996 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đánh giá về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường: kết luận ông là người yêu nước. Tuy nhiên, hội thảo này còn thiếu những tư liệu để làm rõ việc Nguyễn Văn Tường rời Tôn Thất Thuyết trở về Huế tạm thời “cộng tác” với Pháp sau ngày thất thủ kinh đô có xuất phát từ động cơ trong sáng hay không. Nếu có đủ tư liệu làm rõ được điều này, giới sử học mới thật sự yên tâm trong việc đánh giá, khẳng định Nguyễn Văn Tường là đại thần yêu nước. Mà những tư liệu “đánh đố” này lấy ở đâu ra? Giáo sư sử học Nguyễn Văn Kiệm đưa ra ý kiến là cần phải có nguồn tư liệu xuất phát không phải từ bản thân Nguyễn Văn Tường, từ gia đình, từ phía có quan hệ mật thiết với Nguyễn Văn Tường mà phải xuất phát từ phía không có quan hệ mật thiết, không đồng ý kiến. Giáo sư còn nêu là không tán thành đánh giá nhất quán về Nguyễn Văn Tường nếu xuất hiện hai nguồn tư liệu khác nhau, không ăn khớp. Để giải những “câu đố” hóc búa này, hai hậu duệ của Nguyễn Văn Tường là Nguyễn Thị Ngọc Oanh ở California, Hoa Kỳ (đời thứ 5) và Trần Nguyễn Từ Vân, con gái bà Oanh (đời thứ 6) đã khăn gói lên đường miệt mài tìm kiếm, lục lọi khắp các cơ sở lưu trữ hồ sơ ở Tahiti và Pháp may ra phát hiện được những tư liệu mới mẻ về Nguyễn Văn Tường. Hành trình “mò kim đáy bể” này của hai mẹ con bà Oanh kéo dài hơn 7 năm trời, từ năm 1996 đến năm 2003 mới dò thấu tận cùng tăm tích. Ban đầu, Từ Vân đi một mình sang Tahiti, nơi Nguyễn Văn Tường đã trút hơi thở cuối cùng trong cảnh lưu đày uất hận, vì như Từ Vân tâm sự là “không thể ngồi yên nhìn người mẹ thân yêu đã già còn chịu băn khoăn, lo lắng, giày vò tâm tư”. Nhưng những chuyến tìm đến Tahiti đầu tiên của Từ Vân chưa đủ sức làm xoay chuyển tình hình. Hai mẹ con lại tất tả đến Pháp, phần nhiều đi trong mùa đông giá lạnh, tay xách nách mang, đi bộ nhiều hơn đi xe. Trong phòng lưu trữ, có lúc Từ Vân vừa tìm, vừa khấn nguyện cầu may: “Vải thương con thì chỉ cho con cách tìm”. Trong gian khó, hai mẹ con vẫn bền lòng với việc nghĩa cao cả mình làm và vững tin ở lòng trung của tiền nhân, khiến cho bà Oanh có lúc đã quên hết nhọc nhằn để cười đùa với con: “Chuyện đã trên 100 năm mà còn đi tìm kiếm, làm như chuyện vừa xảy ra hôm qua. Nếu ai biết và thấy việc mình đang làm, họ sẽ nghĩ là hai mẹ con mình điên”. Để tiết kiệm thời gian tìm kiếm, hai mẹ con thường nhịn ăn trưa, thậm chí, nín cả đi...toa lét nữa và rời các thư viện, trung tâm lưu trữ vào lúc chiều xuống. Thế rồi, hai mẹ con mừng hơn cả “bắt được vàng”, khi tìm được những tư liệu mấu chốt góp phần làm “xoay chuyển” cách đánh giá đầy ngộ nhận lâu nay về Nguyễn Văn Tường. Đây rồi, trong một lần tìm kiếm tại Trung tâm lưu trữ hồ sơ Bộ Ngoại giao Paris, Pháp, trước mặt Từ Vân đã hiện lên một tư liệu nói đến việc Pháp bắt Nguyễn Văn Tường là do phát hiện một người bên ngoài đang cất giấu mật thư để chuyển đến cho Nguyễn Văn Tường: “Vào chiều thứ hai, sự tình cờ đã khiến một người đưa thư rơi vào tay chúng ta. Lục soát khắp nơi, người ta không tìm được gì trên người của hắn ta; khi tên này bị lột trần ra và khám xét kỹ lưỡng, người ta tìm thấy một tờ giấy nhỏ, sau khi mật thư được dịch tại chỗ, thì quyết định bắt giữ Tường được ban hành tức khắc” (trích từ Báo Pháp Avenir Militaire-Tương lai Quân đội, ngày 26-8-1885).

Đặc biệt, cũng từ Trung tâm lưu trữ này, Từ Vân đã sao lục được một tư liệu khác nhắc đến một câu nói của Nguyễn Văn Tường mà người Pháp đã phải thốt lên là “câu nói nổi tiếng”: “Nếu họ thắng lợi, đúng là chính trị của họ đã đắc thắng và câu nói nổi tiếng mà ông đệ nhất Phụ chính thường hay lập đi lập lại được thực hiện: “Chúng ta lấy lại từ người Pháp bằng chính trị và mưu mô, những gì mà họ đã chiếm được của chúng ta bằng binh lực” (trích thư của Cơ Mật viện gửi Công sứ Huế Le Maire do Giám mục Puginier sao lại). Câu nói này cho thấy đường lối đấu tranh ngoại giao với Pháp của Nguyễn Văn Tường và chính vì đường lối này mà ông đã ở lại kinh đô Huế “hợp tác” với Pháp. Nguyễn Văn Tường vốn là một nhà ngoại giao giỏi, ông từng thương thuyết với nhà Thanh (Trung Hoa) bàn việc dẹp loạn ở vùng biên giới, thương thuyết với Pháp để Pháp chấp nhận trả lại các thành Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội cho triều đình Huế. Ông sống nhờ danh tiếng giỏi ngoại giao, ứng đối mà chết rồi vẫn hàm oan là vì ngoại giao, quả đúng là “sinh nghề tử nghiệp” vậy.
           
Những tư liệu mà mẹ con bà Oanh tìm kiếm đã được đánh giá rất cao tại hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường do Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Huế (Đại học Huế) và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 2-7-2002. Rồi trong cái ngày mong đợi nhất đã đến, ngày 3-6-2007, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND xã Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị tổ chức lễ trao tặng bia Nguyễn Văn Tường ngay trên chính quê hương của ông, giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã xúc động phát biểu: “Sự thật lịch sử đã sáng loà, xua tan mọi hiểu lầm. Nguyễn Văn Tường đã được chiêu tuyết. Trong việc chiêu tuyết cho Nguyễn Văn Tường phải kể tới đóng góp của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái Trần Nguyễn Từ Vân”. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gọi mẹ con bà Oanh là “những nhà sử học bất đắc dĩ”. Chiêu tuyết được cho Nguyễn Văn Tường, giới sử học trả được “món nợ lòng” dai dẳng với lịch sử và bao hậu duệ Nguyễn Văn Tường cũng trút được gánh nặng của mối oan nghiệt ngã. Trước và sau khi Nguyễn Văn Tường được lịch sử minh oan, tôi đã có những lần gặp gỡ ông Nguyễn Bưa, hưu trí ở khu phố 8, phường 1, Đông Hà, người gọi Nguyễn Văn Tường là cố nội. Ông kể, từ lúc 14 tuổi, biết được việc đời, ông đã phải chịu miệng tiếng là con cháu vua chúa, Việt gian, nhưng ông luôn vững một niềm tin ở Nguyễn Văn Tường, dù lúc đó chưa có đủ tài liệu bảo chứng, ông vẫn tin bởi một lẽ rất giản đơn: nếu Nguyễn Văn Tường theo Pháp, tại sao Pháp đày Nguyễn Văn Tường cho đến chết ở đảo Tahiti, cái chết của Nguyễn Văn Tường chính là một bản cáo trạng đối với thực dân Pháp. Trong thời gian những năm tám mươi, ông Bưa đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì nhưng bên niềm vui lớn của cuộc đời là mối sầu uẩn khúc về Nguyễn Văn Tường hằng canh cánh, dù vậy, ông vẫn cao hứng viết những vần thơ cảm khái về lòng trung với nước của Nguyễn Văn Tường, người cố nội nuốt hận vì bi kịch lịch sử:

“Bút ghi chữ Quốc bằng xương trắng
Mực viết chữ Trung nhỏ máu hồng”
           
Lưu giữ và tôn thờ hình bóng của tiền nhân, ông cho đắp hình Nguyễn Văn Tường từ trần trên giường bệnh ở Tahiti, đắp tượng Nguyễn Văn Tường đội mũ cánh chuồn làm quan đại thần đặt trang trọng trong nhà. Lúc mối oan Nguyễn Văn Tường đã được lịch sử hoá giải, ông lại làm những vần thơ hào sảng về người cố nội yêu nước đa truân mà trung nghĩa:

“Cố ra đi để lại cho chúng cháu quả tim hồng trong lồng ngực
Chữ trí sáng láng trên đầu
Phải chăng đó là những vần thơ không chấm hết
Con cháu của cố đời đời sau đời đời sau nữa
Vẫn viết tiếp về cố những vần thơ không chấm hết”
           
Vâng, “những vần thơ không chấm hết”. Vâng, “lịch sử chỉ diễn ra một lần, còn nhận thức lịch sử là cả một quá trình”, như cách nói của nhà sử học Dương Trung Quốc. Từ chuyện hoá giải nỗi oan cho Nguyễn Văn Tường, rõ ràng, nhận thức lịch sử về cặp đôi phân ly “kẻ ở, người đi” Nguyễn Văn Tường-Tôn Thất Thuyết được nâng lên đúng vai trò, vị trí của nó, cặp đôi này khác nào “hai mặt của một vấn đề”, hai mặt của kế sách “vừa đánh, vừa đàm”, một kế sách độc đáo và đầy hiệu quả trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Từ chuyện hoá giải nỗi oan cho Nguyễn Văn Tường, cho thấy, người Việt dẫu tha hương ở tận trời Tây vẫn một lòng tha thiết hướng về cội nguồn đất nước ông cha, cho thấy sức mạnh cội nguồn là diệu kỳ và bất diệt. Trong lần gặp Từ Vân cùng mẹ về quê dự lễ trao tặng bia cho Nguyễn Văn Tường, tôi hỏi Từ Vân trong quãng thời gian dằng dặc tìm kiếm tài liệu đầy gian nan, vất vả, có lúc nào ngỡ như tuyệt vọng không, Từ Vân bật khóc dàn giụa, quệt áo lau nước mắt rồi bộc bạch: “Có những lúc tưởng chừng tuyệt vọng, có khi tưởng phải ngừng. Nhưng dường như có sức mạnh thiêng liêng giúp cho mình. Lúc nào tìm được tư liệu, tôi cũng khóc, mẹ tôi la rầy luôn, nhưng vì thương vải quá nên khóc. Tôi muốn đền ơn mẹ và tổ tiên. Người Việt mình có tinh thần cầu tiến, không chấp nhận thất bại”. Nghe nói người Hoa kiều ở đâu trên trái đất này cũng đều một lòng hướng về Trung Hoa, đều giúp nhau vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Người Việt kiều cho dẫu ở đâu đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng càng phải làm như vậy. Từ chuyện Nguyễn Văn Tường đã được chiêu tuyết, tôi nghĩ đến chuyện cấp thiết cần tôn tạo lại di tích Tân Sở xứng đáng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó. Dĩ nhiên, tôn tạo không có nghĩa là phục chế hoàn toàn, nhưng cần phải đảm bảo lưu niệm đầy đủ các dấu tích của di tích, đặc biệt là cần “đánh dấu” vị trí nơi vua Hàm Nghi từng nghỉ lại ở Bảng Sơn và cần giành cho Nguyễn Văn Tường một vị trí xứng đáng trong khu lưu niệm Tân Sở. Theo anh Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND xã Cam Chính, Cam Lộ cho biết, huyện Cam Lộ đã phê duyệt quy hoạch từ năm 2004 cho di tích Tân Sở là 2 ha và hiện đây vẫn là một “vùng đất chờ”, trong khi di tích xưa đã hoang phế từ lâu. Còn chờ gì nữa, hỡi các thứ thủ tục giấy tờ, hồ sơ xây dựng di tích phải mở ra cho Tân Sở, nhất là khi sự gắn kết cho dẫu phân ly của bộ ba “Xe-Pháo-Mã” Hàm Nghi-Tôn Thất Thuyết-Nguyễn Văn Tường qua Tân Sở nói riêng, trong lịch sử nói chung rút cuộc đã được thời gian minh xét và soi tỏ.

Chú thích ảnh kèm theo:
Trần Nguyễn Từ Vân (trái), hậu duệ Nguyễn Văn Tường trò chuyện với tác giả bài viết (Ảnh ).

"CÁI GÌ RỒI CŨNG TIÊU TAN
CÁI GÌ RỒI CŨNG OAN KHIÊN DƯỚI MỒ!
CÁI GÌ RỒI CŨNG HƯ VÔ
CHỈ CÒN LẠI BỤT TRÊN CHÙA MÀ THÔI!"

Nguồn:

4 nhận xét:

  1. Cam on bai viet. Toi hieu them mot danh nhan VN

    Trả lờiXóa
  2. QT rat tu hao co 1 danh nhan nhu ong Nguyen Van Tuong

    Trả lờiXóa
  3. Giang sơn lưỡng quốc nan phân thuyết
    Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường

    Trả lờiXóa
  4. Hai vế đối này đề cập đến 2 vị Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Bạn ...đã nhớ sai 1 chữ . Hai vế đối 1 vốn như sau :
    " Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
    Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường"
    Các số từ : "nhất ,lưỡng" đối với "tam ,tứ"

    Trả lờiXóa