Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

BAN GIẢNG HUẤN BAN ĐẦU CỦA TRƯỜNG NGUYỄN PHÚC CHU Hoàng Đằng

1. BAN GIẢNG HUẤN  BAN ĐẦU CỦA TRƯỜNG NGUYỄN PHÚC CHU 
2. Nhớ Thầy Nguyễn Đúc Đô.
1. BAN GIẢNG HUẤN 
BAN ĐẦU CỦA TRƯỜNG NGUYỄN PHÚC CHU
(Như lời tâm tình với cựu học sinh mái trường chết yểu Nguyễn Phúc Chu)
Hoàng Đằng.
 

Mùa thu năm 1974, Nghị Định mở trường đã được Bộ Giáo Dục Sài Gòn ký.
Trường sở chưa có thì địa phương xoay xở. Lấy tạm một trường tiểu học do UNICEF tài trợ xây cho khu khẩn hoang lập ấp Láng Gòn và dựng thêm một dãy nhà lá.
Nếu chỉ mở bậc trung học đệ I cấp, thì mọi việc đã ổn để khai giảng; tuy nhiên trường mở cả bậc trung học đệ II cấp, nên gặp khó khăn trong việc hình thành ban giảng huấn.
Từ Quảng Trị vào, một vài thầy đã được giữ lại để làm công việc hành chánh ở văn phòng Sở Học Chánh tỉnh Bình Tuy: Dương Đình Trọng làm chủ sự phòng học vụ, Nguyễn Quý làm chủ sự phòng thí vụ, Hoàng Đằng làm thanh tra trung học.
Còn lại, nhiều thầy có bề dày kinh nghiệm, độ chín chuyên môn: Lê Văn Quýt, Hồ Trị, Hồ Phước, Đoàn Đức, Lê Văn Chính ... sẽ làm nồng cốt bộ khung ban giảng huấn.
Tuy nhiên, nhìn lui nhìn tới, có nhiều môn chưa có thầy phụ trách, nhất là ở bậc đệ II cấp.
Anh Văn đã có thầy Đoàn Đức.
Pháp Văn đã có thầy Lê Văn Quýt, thầy Hồ Phước và cô Nguyễn thị Bình mới bổ sung.
Triết Học sẽ mời thầy Hồ Đắc Chương, cử nhân Triết Học (từ Thừa Thiên vào) đang giữ chức chủ sự phòng kế toán (hay nhân viên?) ở sở lên dạy giờ.
Việt Văn sẽ mời thầy Nguyễn Quý, cử nhân Việt Văn, đang giữ chức chủ sự phòng thí vụ lên dạy giờ.
Nhiều môn học khác chưa biết tính toán sao đây, thì sở Học Chánh Bình Tuy nhận 3 thầy cô vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn đến nhận việc (một Lý Hóa, một Vạn Vật và một Sử Địa).
Trong ba thầy cô mới, trường may mắn xin được hai lên trường; đó là thầy Trương Quốc Văn ban Sử Địa để dạy Sử, Địa, cô Nguyễn thị Sen ban Vạn Vật để dạy Vạn Vật.
Còn hai môn quan trọng nữa chưa có thầy; đó là là Lý Hóa và Toán. Duyên may gặp thầy Trần Phong Dũng cử nhân lý hóa (người Quảng Trị), trường mời và thầy đồng ý cộng tác trong ban giảng huấn để dạy Lý Hóa (có thể thêm Toán).
Duyên may nữa gặp thầy Vĩnh (lâu ngày tôi quên họ) người Lagi, cử nhân Toán đồng ý cộng tác dạy môn Toán.
Như vậy, trường Nguyễn Phúc Chu khởi đầu với ban giảng huấn "hùng hậu": một số dày dạn kinh nghiệm và chuyên môn, một số trẻ trung, khoa bảng và thông minh để đứng lớp.
Tôi viết status này để giúp cựu học sinh nhớ về trường cũ vì dạo này, tôi thấy nhiều cựu học sinh NPC xuất hiện trên facebook và thường nhắc về trường cũ, thầy bạn xưa ...
HĐ.


2. NHỚ THẦY NGUYỄN ĐỨC ĐÔ 
 
Thầy Hoàng Đằng & Thầy Nguyễn Đức Đô
 
Thầy Nguyễn Đức Đô học Viện Hán Học Huế trước tôi một khóa. Thầy khóa I (1959 - 1964), tôi khóa II (1960 - 1965).

Khóa của Thầy ra trường không được bổ dụng ngay vì chính quyền sau Ngô Đình Diệm không nắm rõ mục đích thành lập Viện Hán Học, từ đó, không có thiện cảm.

Mãi đến đầu tháng 12/1965, sinh viên ra trường khóa 1 và khóa 2 chúng tôi mới được bổ dụng: một vài người vào các Viện Khảo Cổ, số còn lại đưa đi dạy ở các trường trung học rải khắp cả nước.

Chúng tôi: Nguyễn Đức Đô, Phan Quật, Hoàng Đằng tới nhận việc ở trường Nguyễn Hoàng ngày 01/12/1965.

Thầy Đô dạy Nguyễn Hoàng cho đến năm 1974 (hình như có gián đoạn việc dạy vài năm vì phải thi hành lệnh động viên) thì thầy chuyển qua trường Cam Lộ để đi theo chương trình khẩn hoang lập ấp vào Động Đền, tỉnh Bình Tuy. Đến đây, Thầy Đô được cử giữ chức vụ Hiệu Trưởng trường Cam Lộ thay thầy Lê Văn Quang lên Sở Học Chánh Bình Tuy làm Thanh Tra Trung Học.

Cũng vì cái chức Hiệu Trưởng ấy, sau khi tàn cuộc chiến, Thầy phải đi học tập cải tạo một năm rưỡi cũng như tôi, cùng một trại, cùng khóa học, cùng thời gian.

Trong trại cải tạo, vợ tôi mất, tôi làm con "bà phước" đã đành, Thầy Đô cũng làm con "bà phước".

Chúng tôi phải tìm cách cải thiện bữa ăn để tồn tại; tôi thì hái rau rừng, có lần bị ngộ độc nhẹ do ăn lá "bìm bìm" (loại lá của cây leo giống lá rau lang); Thầy Đô thì bắt cóc về nhốt trong loon ghi-gô giết thịt ăn dần.

Đêm về, Thầy Đô và tôi nằm ngủ sát nhau trên bệ bê-tông. Có một đêm, không biết vì sao loon ghi-gô nhốt cóc ra nắp đậy, mấy con cóc nhảy lung tung trong màn, giữa chiếu; không có đèn dầu, việc thu gom cóc lại rất vất vả nhưng cũng tức cười.

Ngày 10/12/1976, chúng tôi được ra trại; Thầy về quê ở Phú Lộc, Thừa Thiên, tôi về quê ở Đông Hà, Quảng Trị. Hai nơi cách nhau khoảng 80 km; vậy mà tiền cấp cho tôi đi đường gấp hai tiền cấp cho Thầy: tôi 25 đồng bạc giải phóng, Thầy chỉ 10 đồng. Không biết ban lãnh đạo trại tính toán thế nào.

Xe đưa chúng tôi từ Tánh Linh về Láng Gòn, nơi trước đó gia đình tôi ở. Tôi xuống xe, Thầy cũng xuống; chúng tôi chia tay nhau không nói một lời vì sợ - cái sợ mơ hồ đã ăn sâu trong tâm trí. Rồi mỗi người tự đi tìm nhà thân quen nương náu qua đêm để tìm phương tiện về quê.

Từ ngày đó (10/12/1976) đến nay, chúng tôi chưa gặp lại nhau. Cựu sinh viên Hán Học họp mặt nhiều lần, tôi không thấy Thầy đến dự; mỗi lần cựu môn sinh Nguyễn Hoàng họp mặt ở Quảng Trị, tôi cứ hy vọng gặp lại Thầy, rồi cũng không thấy chi.

Hôm nay, nghe tin Thầy mất, tôi bùi ngùi ôn lại vài kỷ niệm xem như đốt nén hương lòng tưởng nhớ đến Thầy - người bạn thân thương của tôi.

Thành tâm cầu nguyện vong linh Thầy sớm siêu thoát.
Thành kính phân ưu cùng tang quyến.

Ai bút
Hoàng Đằng.


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét