Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

NHỮNG BÀI THƠ VỀ HẢI CHIẾN HOÀNG SA ( ST)

 https://www.youtube.com/watch?v=HPHBnUIzy_o  

 

HẬN HOÀNG SA
 
Bốn bốn năm mà như hằng thế kỉ
Hoàng Sa quặn mình bao vết chém đau
Mắt tổ quốc chưa bao giờ ráo lệ
Quàng khăn tang nên sóng hóa bạc đầu!
 
Máu hùng anh nhuộm lòng biển đỏ
Càng đớn đau càng sục chí kiên cường
Quân thù hỡi! Bạch Đằng Giang rực lửa
Mi chờ đi, ngày nhặt xác sa trường!
 
Trăm triệu anh em cùng chung hòn máu
Như Hoàng Liên cao mãi chí ngang tàng
Năm tháng xót thương người em hải đảo
Cuồn cuộn căm hờn sóng nước Cửu Long Giang!
 
Muôn lạch suối chung lòng về biển cả
Ngàn núi non luôn bền chí phục thù
Người bé lớn giáo mài, gươm tuốt vỏ
Thề một lòng cùng trả hận thiên thu'
*
Vỗ kiếm, giận đời chưa thỏa chí
Đối diện quân thù một trận đá tro bay
Ôm nhục nước nén vào tim chánh khí
Rượu ba miền không đủ một ta say!
Kha Tiệm Ly.
 
Hôm nay 19 - 1 - 2016, kỷ niệm 42 năm hải chiến Hoàng Sa . Mình có một bài viết (với thiển ý khá mộc mạc năm ngoái đã up rồi , nay xin được post lại , mặc dù câu từ chưa được hoàn chỉnh mong quý bạn fb đừng ném đá ạ .
 
VIẾNG 74 NGƯỜI LÍNH HOÀNG SA
 
Hỡi ôi ! Khơi dấu vong linh
Các anh ngã xuống năm nào nay sáng tỏ
Dù sử sách chưa một lần ghi , nhưng công ơn tạc dạ
Những ai ngày đó còn in dấu rành biển Đông dậy sóng
Người còn mất, nhưng đâu dể sử sách quên
Hải chiến xưa tuy không xua quân thù xa bờ cõi
Nhưng cũng làm lủ cường bạo khiếp vía, hải kinh
Giun oằn mình xéo phải đứng lên
Chứ nào ai muốn ghi tên muôn thuở
Bốn ngàn năm oai hùng còn đó, nay không lẻ chịu ngồi yên
Súng bắn liên hồi, đại bác ầm ào khạc lửa
Tàu chiến ra vào như cá voi gầm gừ nơi biển bạc
Máu rơi, thịt đỏ cố giành giang sơn từ quân hung bạo
 
Nhưng than ôi !
Dù cố xông pha nhưng trâu nhà không địch nổi cọp beo
Cố giữ bờ bao, nhưng nào “lực bất tòng tâm”, được
Muốn yên biên thùy tuy rằng “đâu quản nguy nan”, khó
Dẫu thế thời, khói lữa ngút trời các anh chẳng từ nan
Máu đổ xương tan nào đâu sá
Dấu hình hài không hề kể ghi
Con đất Việt ngàn năm vẫn thế
Giống Lạc Hồng không tiếc tuổi thanh xuân
Khi ra đi không người đưa tiễn
 
Ngày trở về , hình hài gởi lại biển khơi
Nhớ Đống Đa xưa trống dập trống dồn hương hồn còn đó
Như Xoài Mút – Rạch Gầm ầm vang tiếng vọng thấu đại dương
Nhưng ôi thôi ! Máu chảy đầu rơi
Mắt mẹ mờ trông ngóng chồng ngọc ngà, con núm ruột
Người vợ ôm con chờ chồng đá hóa vọng phu, còn đó
Trẻ ầu ơ khóc cha như mưa ngàn đổ biển
Ôi tang thương năm nào còn dấu biển ghi
Vậy mà nay vận nước muốn yên bình nào đâu có được
Đại dương kia bọn bành trướng rập rình đòi lăm le đòi nuốt chửng
Bao xương máu các anh hùng năm nào ngã xuống không lẻ hư vô
Hỡi con dân đất Việt thấy cường bạo mà thoái lui, chăng
Thấy bất bình mà ngồi yên nhìn ngó, được
 
Nay hồn thiêng các anh về nơi đất Mẹ
Hình hài còn đó, hòa mình trong nước biển xanh
Dẫu con dân chiến tuyến nào, sinh linh ai cũng da vàng máu đỏ
Cũng là mẹ Việt Nam mang nặng đẻ đau mười ngày chín tháng, đó thôi
Cũng ruột cắt từng khúc thương tiếc như nhau, mắt trào lệ đẫm
Xin một nén nhang viếng người dưới mộ
Giữa đại dương trùng trùng lặng yên, không gầm gào cuồng nộ
Các anh ngủ yên, ngủ yên nhưng bao người mến mộ
Một thuở, một thời ghi ơn tạc dạ vào biển xanh
Sử sách đã rành, biển nhớ, công ghi mãi ...mãi ...
Vx 21h 03 - 5- 2014.
(Dr Khuoc)
Bài này tag với chú Đào Dân_người từng tham gia hải chiến Hoàng Sa , nay định cư ở Mỹ.
 
 
Khi bài thơ Hoàng Sa vượt vĩ tuyến 17 vô Nam
Lê Đức Dục
 
Năm 1974, khi Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, đất nước vẫn còn chia hai miền Nam /Bắc.
Nhiều trận đánh vẫn chỉ là người Việt bắn vào người Việt.
Anh Trương Huy San có một đúc kết rất sâu sắc: “Hoàng Sa – đấy là chiến trường duy nhất trước ngày 30-4-1975 mà ở đó người Việt đã không nổ súng vào người Việt.”
(Dĩ nhiên đánh Trung Quốc bảo vệ xứ sở thì khỏi phải lo khi hòn đạn bay ra người trúng đạn rất có thể đó chính là anh em máu mủ của mình.)
Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 và hạm trưởng Ngụy Văn Thà, cả con tàu và chiến binh hạm trưởng đã hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974. Ảnh tư liệu
Trở lại với bài thơ Hoàng Sa nói trên, khi ấy ở miền Bắc rất ít người biết thông tin này và nếu biết vẫn không hiếm người nghĩ chính Trung Quốc đã giải phóng Hoàng Sa từ tay VNCH giúp cho ta vì Tàu và ta cùng là anh em trong phe XHCN, sau này Tàu sẽ giao lại!
Nhưng giữa ngày tháng Hoàng Sa bị xâm lược đó, một thi sĩ miền Bắc làm bài thơ này, gửi từ Hà Nội qua Pháp và từ Pháp về Nam Việt Nam bày tỏ tấc lòng.
Năm 2005 câu chuyện và bài thơ được kể trên giai phẩm Quảng Đà in ở hải ngoại. Có người nghi tác giả là Việt Phương, có người dẫn lại cơ sở nói tác giả là Hoàng Xuân Huế, người em bà con của cụ Hoàng Xuân Hãn…
Nhưng mình nghĩ trong bối cảnh năm 1974 ấy ở miền Bắc mà viết được như thế này thì biết trái tim thi sĩ dũng cảm ấy đã rỏ máu với Hoàng Sa như thế nào.

Hoàng Sa
Xin kể thêm tôi
thành mười chín triệu một người (*)
Trái tim tôi đập về trong nớ
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi
Hoàng Sa, Hoàng Sa
Cái tên nghe buồn như thuở ban sơ
Từ tuổi ấu thơ, hay tự bao giờ
Ðối với tôi đã là da thịt
Dầu chỉ là một mảng san hô
Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
Trang sử cũ còn hằn dấu ngựa
Từ thảo nguyên xa, từ biên ải lửa
Khói tràn về đen thẫm những giấc mơ
Đếm biết bao nhiêu người vợ đợi chờ
Em ơi! Trên từng trang sử nhỏ
Xin kể thêm tôi thành mười chín triệu một người,
Thành viên gạch hồng tươi
Làm bức tường thành ngăn triền sóng dữ
Làm chiếc vò đựng mùa xuân ngọt lự
Giữ không rơi một giọt mật nào
Mỗi giọt ra đi, chính giọt máu đào
Từ cuộc đời cha ông rỏ xuống
 
Em trai ơi!
Trên đảo mù sương
hôm đó có em tay cầm súng
Từ những hạm tàu rẽ sóng đại dương
Anh thấy pháo em dương nòng sừng sững
Cuộc chiến đấu kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi góp phát súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm dần giữa sóng
Ðáy biển âm thầm, ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng Tổ quốc ta
Xin cho thơ tôi làm thảm sóng ngân nga
Ru giấc ngủ những chàng trai dũng cảm
Tiếng cười ngày nào còn ran trong nắng
Đôi mắt ngày nào đọng mắt người thương
Tôi biết mùa xuân chưa đến bao giờ
Ngực đảo còn đau ngàn bàn chân lạ
Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa!
Tên người ngân buồn như bản thánh ca…
(1974- Khuyết danh)
(*) Giải thích thêm vì có bạn chưa rõ: Dân số miền Nam khi ấy là 19 triệu, miền Bắc 21 triệu.
 
 
Ngày 19 tháng 1 năm 1974
Lúc ấy
Tôi mười ba tuổi
Và dù có là 23, 33, 43, 53, 63, 73, 83, 93, 103… thì cũng chẳng khác gì
Tất cả xứ sở chìm trong u u mê mê
Chỉ có khẩu hiệu treo khắp nơi
Tất cả để giải phóng miền Nam
Mỹ phải cút ngụy phải nhào
Tất cả chỉ là như thế
Loa phóng thanh tiếng mờ tiếng tỏ
Nói tất cả những gì có thể
Trừ tin Trung Cộng chiếm Hoàng Sa…
Không người dân nào được biết hung tin
In hệt sau này Gạc Ma năm 1988
Tất cả nằm trong vùng u tịch
Tất cả nằm trong vùng bí mật
Một vài người được biết
Hoàng Sa lá bài trong canh bạc quyền lực
Đang mặc cả và chia chác
Ngày ấy chưa xa
Với tôi gần như là cổ tích
Đọc lại thấy ngỡ ngàng
Chuyện máu người Việt đổ
Hoàng Sa Hoàng Sa những ngày khói lửa
Xa vời vợi ngàn trùng như chuyện đẩu đâu
Tôi hỏi đồng nghiệp đã bạc đầu
Ai được hỏi cũng từng như tôi ú ớ
Tôi hỏi đồng nghiệp ngực còn căng cũng thế
Ú ớ u ơ
Tôi hỏi mấy ông bà bạn làm thơ
Ồ Hoàng Sa cát vàng sóng biếc đẹp tựa Hawaii tha hồ tắm nắng
Hoàng Sa Hoàng Sa anh sẽ đưa nàng thơ đến
Tôi chỉ còn biết thở dài
Ngao ngán
Giữa bạn bè khi cao hứng
"Trường Sa hành" tôi đọc vang lên
Tiếng thơ bi hùng
Trường Sa Trường Sa đảo chếnh choáng…
Gió miên man thổi
Lòng ta cũng rách
Cây bật rễ trôi trên sóng
Xám ngắt
Bạn tôi nghe
Có người run rẩy khóc
Có người nghiến răng mặt lạnh
Không ít người ngơ ngác
Có người quát
Sao đọc thơ của tay lưu vong từng làm tên bán nước!
Hoàng Sa ơi! Trường Sa ơi!
Nước mắt tôi rơi
Khóc cho ai?
Cho Hoàng Sa
Hay cho lòng người tan nát?
Ngày này năm ấy đã đủ xa
Cho tôi cho bạn nhìn lại
Ngày ấy và bây giờ
Bây giờ và mai sau
Chỉ còn lại nỗi đau
Hỏi có ích gì?
Đặng Tiến
Ảnh minh họa: Nguồn từ Internet.
 



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét