Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023

TẤM HÌNH MẸ VÀ CON.

 

TẤM HÌNH MẸ VÀ CON.
Andy Nguyên.
 
Hầu hết mọi việc đến với ta trong cuộc đời , đều có căn duyên . Và tấm hình của Mẹ Con hắn chụp năm nào , cũng không ngoại lệ đứng ra ngoài chữ Duyên . Không biết bằng cách nào , và ra làm sao ? Qua bao cuộc bể dâu được mất , đổi thay trong cuộc đời , từ Quảng Trị vào Đà Nẳng , từ Đà Nẳng vào Phan Rang và từ Phan Rang ra tới nước ngoài , hắn vẫn còn giữ lại được tấm hình có một không hai nầy ghi dấu một thời tuổi thơ của hắn , khi có Mẹ bên mình dìu dắt trên bước vào đời , bằng cả những khó nhọc , hy sinh Mẹ đã dành cho . Với riêng hắn , đây cũng là cơ duyên của một thời được hạnh phúc .
Ai cũng bước chân qua một thời tuổi thơ , vì hoàn cảnh , nên không phải tuổi thơ nào cũng như nhau , dù có sinh ra trong cùng một gia đình , cũng có người nầy kẻ khác , những bước ngoặc khác nhau về thời điểm . Và tuổi thơ của hắn cũng đã trôi theo dòng thời gian bên chuỗ̉i dài cuộc sống thiếu thốn và cơ cực . Một cách nhìn khách quan , hắn hoàn toàn vô tư bên cuộc sống hằng ngày thuở ấy , trong khi đó mọi khó khăn vất vả̃ đều dồn lên đôi vai của Mẹ , hình ảnh chiếc áo sờn vai bạc màu , chiếc nón lá và tấm lưng còng trên đám rau muống trong vườn nhà ở xóm Gốc Bầu Hạnh Hoa Quảng Trị , chiếc áo tơi Mẹ mặc qua những mùa nắng mưa mãi vẫn còn theo hắn .
Sống và lớn lên bên mái tranh nghèo , nhà chỉ có hai Mẹ con hôm sớm có nhau nên hắn được Mẹ thương yêu và nuông chiều , lo cho từng miếng ăn giấc ngủ , được cắp sách ngày hai buổi đến trường , dù vật chất thiếu thốn , nhưng bù lại hắn nhận được tình cảm yêu thương từ Mẹ dành cho . Với riêng hắn , trước mặt hắn là Mẹ , sau lưng hắn là Mẹ , và bên phải hay bên trái của hắn cũng chỉ có một mình Mẹ mà thôi .
Làm sao hắn có thể quên thời gian sắp Tết năm đó ? Khi trong xóm nhỏ Gốc Bầu Hạnh Hoa nầy , nhà nhà đang chuẩn bị đón Tết sắp đến , mọi người như hối hả lo gói bánh tét , làm mứt gừng hay đổ bánh Thuẩn . Và riêng hắn được Mẹ dẫn lên quán tạp hóa của Cậu Mợ Kỳ ở đường Duy Tân , không xa xóm Góc Bầu Hạnh Hoa nhà hắn ở một đoạn , nơi đây được bày bán đủ thứ cần dùng , và là cửa tiệm tạp hóa lớn nhất trong vùng ngày đó . Trước đây vào những ngày được nghỉ Hè , xin được vài đồng tiền lẻ của Mẹ sau buổi chợ bán rau muống , hắn chạy vội lên quán nầy để mua những sợi giây cước , lưỡi câu về câu cá , hắn mê những con cá rô vùng vẫy khi cắn câu , trong hồ nước cạnh nhà , có bèo xanh loang đầy trên mặt . Hay những ngày Tết có được tiền lì xì , hắn cũng chạy lên quán nầy để mua những viên pháo chuột về cùng bạn trong xóm đốt tì tạch , nghe vui hơn những lát mứt gừng , bánh thuẩn , bánh tét trong ba ngày Tết . Những mùa khai giảng niên học mới , cũng tại tiệm tạp hóa nầy , lại được Mẹ mua cho những tập vở học trò , có in hình chiếc xe xích lô ngoài bìa , những mẫu giấy dán tên , bút chì hay viết mực . Nhìn những thẩu kẹo bánh sắp ngay ngắn trên kệ ở quán tạp hóa nầy , biết bao lần làm hắn thòm thèm gợi ý Mẹ mua .
Hôm đó , khi đến quán , đang là buổi sáng , nên khách cũng còn vắng . Hắn đứng gần bên Mẹ , nên đã nghe Mẹ trao đổi với chị Vẹn , người con gái lớn của cậu mợ Kỳ , đang phụ giúp gia đình trông coi quán .
- “ Con làm ơn bán cho O bộ áo quần cho thằng A mặc Tết , rồi ra giêng O bỏ rau muống cho nhà con ăn trừ nợ “
Rau muống hồi đó là loại rau dễ ăn , được mọi nhà biến chế từ món luộc , xào với mỡ hay đôi khi chẻ nhỏ làm rau sống , ăn rất ngon miệng .
Chị Vẹn vui vẻ bước vào bên trong , rồi ôm ra một chồng áo sơ mi trắng , được cột cẩn thận bằng những những sợi giây nylon màu , chị cẩn thận lấy ra cho hắn mặc thử vào , Mẹ hắn và chị Vẹn nhìn hắn mặc ngắm nghía . Và sau đó chị vào ôm một chồng quần tây xanh dài cho Mẹ hắn chọn lựa , mặc vào , rồi cởi ra cho đến khi tìm ra cái vừa vặn . Hắn còn nhớ chiếc áo sơ mi trắng tay dài , trên nắp túi áo có thêu hình một con chim bằng chỉ xanh , và một chiếc quần tây màu xanh đậm , có xếp ly hẳn hoi . Áo trắng quần xanh cũng là đồng phục ở trường Tiểu học Maria Trí Bưu Quảng Trị , và một số trường trong thời điểm đó . Mẹ hắn đã tính rất kỹ , vừa mặc ba ngày Tết có quần áo mới , đi Lể nhà thờ , hay mặc ở Trường khi có lể tựu trường , thật lưỡng tiện cho hoàn cảnh của gia đình hắn lúc bấy giờ .
Dù sau nay ra đời , khi có thể sắm cho mình những bộ áo quần đẹp , nhưng với riêng hắn bộ áo quần ngày xưa Mẹ đã trao đổi bằng rau muống , là bộ áo quần đẹp nhất trong đời , nếu không ? Làm sao hắn còn giữ mãi trong ký ức kỷ niệm đã qua hơn nửa thế kỷ ? Cũng cần nói thêm ngày đó , mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình của hắn và Mẹ , đều dựa vào vườn rau muống nhỏ . Nhiều khi nghĩ lại , hắn không biết máu trong người hắn màu đỏ hay màu xanh của một loài rau Muống ? Ôm bộ áo quần mới ra về , hắn thấy trong lòng vui , vì Tết nầy có áo quần mới đi mừng tuổi bà con và đi chơi với bạn bè trong xóm . Nhưng có một điều hắn không biết nghĩ đến , Mẹ hắn ra giêng lại phải đổ mồ hôi vất vã , còng lưng chăm sóc vườn rau để trả nợ .
Sau đó vài ngày , hắn được Mẹ cho biết sẽ dẫn lên chợ tỉnh Quảng Trị để chụp hình . Được mặc đồ mới hôm trước mua , đi chợ với Mẹ , lòng hắn cũng vui vui . Hai từ “ chụp hình “ nghe rất xa lạ đối với hắn , và hắn chưa hình dung ra chụp hình là như thế nào ? Nhưng rồi tính vô tư và ham chơi , hắn không băn khoăn để trong đầu về chuyện đó nữa . Và rồi chuyện đi chụp hình cũng đã qua khi vài ngày sau Mẹ đem hai tấm hình từ tiệm chụp hình Ly Do ở gần chợ Quảng Trị về nhà , đã cho hắn xem , hắn ngỡ ngàng tự hỏi : Sao người ta có thể dán hình lên tấm giấy cứng hình chữ nhật ? Một thoáng ngạc nhiên đến với hắn về tấm hình lần đầu tiên có trong đời , hắn đến trước tấm gương soi nhỏ có trong nhà , nhìn mặt hắn trong gương rồi nhìn hắn trong tấm hình , ui chao giống nhau như khuôn . Rồi xin Mẹ cầm tấm hình , hớn hỡ chạy đi khoe với mấy thằng bạn trong xóm .
Đêm hôm đó , sau khi cơm nước xong . Hắn nghe Mẹ nói lấy một tờ giấy trắng học trò và cây viết , bình mực xanh chuẩn bị viết thư cho Ba hắn . Nghe nhắc đến Ba , trước đây hắn cũng có những thắc mắc trong đầu , đôi lần cũng có hỏi Mẹ , nhưng chỉ nghe nói là Ba hắn đang đi Lính ở xa trong Nam . Dù hắn hoàn toàn không biết “ trong Nam “ là ở đâu ? Và hắn chưa thấy một lần Ba trở về thăm gia đình . Hai Mẹ con ngồi xuống trên ghế đẩu , đặt bên cạnh chiếc bàn gỗ̉ nhỏ ọp ẹp nằm giữa nhà , và hắn bắt đầu lắng nghe để viết những gì Mẹ nói , giống như ở Trường cô giáo đọc chính tả cho học sinh viết lại .
Quảng Trị ngày... tháng... năm ...
Kính hầu thăm Ba .
Dưới ngọn đèn dầu hột vịt , ánh sáng vàng héo hắt khi mờ , khi tỏ , và nét chữ Tiểu học như cua bò của hắn đang được dịp bò lên , lượn xuống . Hắn cúi đầu thấp hơn trên tờ giấy trắng , nắn nót cho con cua của hắn bò thẳng hàng hơn , đôi khi vụng về chấm cây viết tre vào lọ mực , để lại vài giọt mực rơi xuống trên tờ giấy trắng viết thư , Mẹ hắn bảo phải thay lại tờ giấy trắng mới viết lại . Đêm càng lúc càng khuya , hắn cảm thấy buồn ngủ . Bên ngoài vườn , những tàu lá chuối sau hè chạm vào nhau nghe xào xạc , tiếng ếch nhái đang hòa tấu nhạc đêm về . Trong nhà , dưới chân hắn , mấy con muổi đang được dịp “ duồng gió bẻ măng “ làm giặc , vì đúng ra giờ nầy hai Mẹ con hắn đã nằm ngủ ở trong mùng rồi .
Thư viết không dài , chỉ đềy một mặt của trang giấy , tựu chung kể lể cho Ba hắn ở xa biết , cuộc sống của hắn rất khó khăn về vật chất , và thiếu thốn về tinh thần , khi không có Ba . Hắn nhớ lại có đoạn Mẹ hắn đọc : “ Nhìn bạn bè trong xóm cùng trang lứa với con , đang được cả Ba lẫn Mẹ lo lắng chăm sóc . Nhìn người ta mà con thấy tủi thân “ . Riêng hắn , thú thật hắn chưa hiểu được ý nghĩa của hai chữ tủi thân hắn viết trong thư ? Nhưng không dám hỏi Mẹ . Với trí óc còn quá non nớt , hắn không hình dung ra Ba là người như thế nào ? Vì khi chào đời cho đến khi có trí khôn bây giờ , hắn không biết mặt Ba mình trắng hay đen ? Vì Ba hắn chưa có một lần về thăm gia đình . Nên Mẹ đọc sao hắn viết lại vậy , không có gì thắc mắc . Giờ đây , thư viết đã xong , hắn chỉ nghĩ tới trái mãng cầu dai ưa thích ở Gác-măng-rê dưới bếp , Mẹ hắn hứa cho sau khi viết xong thư trước khi đi ngủ .
Thư hắn viết đã được Mẹ nhờ người quen trong xóm gởi đi cho Ba , một đơn vị trú đóng ở cầu Bến Lức , tỉnh Long An xa lạ , như lời Mẹ hắn nói . Đặc biệt là có kèm theo tấm ảnh của Mẹ con hắn , nằm gọn trong bì thư đã được dán kín , hắn chỉ liên tưởng tới việc , hình hắn và Mẹ được theo đường bưu điện về tới tỉnh Long An . Và nhất là Hắn không biết ý định của Mẹ hắn , là lá thư nầy mang tính cầu viện với Ba hắn . Của người con đang nhắn gởi đến người Ba xin chút tài trợ .
Nhưng thư gởi đi thì có , mà thư hồi âm của Ba hắn thì biệt tăm . Và hắn cũng không nghe Mẹ nhắc đến chuyện viết lại thư từ . Và một điều hắn không thể hiểu là Mẹ có buồn không ? Khi một thân Cò khó nhọc nuôi hắn . Còn hắn vẫn vô tư ngày hai buổi đến trường . Đi học về cùng chúng bạn trong xóm tụ lại đánh căng , tạt lon , bắt dế hay thả diều . Và vẫn được sống bình thường bên tình thương của Mẹ , tiếp tục lo lắng cho hắn một ngày như mọi ngày .
Người ta thường nói : “ Mọi việc xảy đến với chúng ta trong cuộc sống “ Biết đâu họa , biết đâu phúc “ . Bây giờ hắn mới nghiệm ra .
Có lẻ ngày đó khi Mẹ hắn bỏ tiền công khó nhọc bán rau muống của mình ra để đem hắn đi chụp hình gởi cho Ba hắn . Trong lòng Mẹ những tưởng Ba hắn sẽ ngoái lại thương đứa con của mình đang khó khăn cực khổ nơi quê nhà , và sẻ gởi về chút tiền về chia cùng Mẹ hắn chút trách nhiệm . Nhưng “ tiền mất tật mang “ , thiếu thốn hoàn thiếu thốn . Đúng là họa .
Nhưng bây giờ , hắn có được tấm hình độc nhất vô nhị , ghi lại hình ảnh hai Mẹ Con dấu ấn một đời khi thuở ấu thơ . Thì thật là phúc đức cho đời hắn .
Tấm hình kỷ niệm Mẹ và Con hắn có một không hai , đã chụp hôm nào vẫn còn nằm im trong ngăn tủ , ngậm ngùi đếm bụi thời gian . Và sau nầy tấm hình cũ hai Mẹ con , lại được đi xa qua xứ người . Chuyện đời ai biết được ngày mai ? Nhìn tấm hình hắn nhớ đến Mẹ và hắn , một thời khó khăn nơi quê nghèo Quảng Trị thuở xa xôi .
An Nguyen .
 
 
VỀ THĂM LẠI NHÀ XƯA .
 
 
Tác giả An Nguyen .
Đăng trên Facebook từ năm 2014 .
Đã 9 năm dài trôi qua , cứ ngỡ đã phôi phai nhưng sao lòng vẫn luôn nhớ về ?
Nhớ những bước chân vào đời Tiểu Học ở Trường Maria Trí Bưu Quảng Trị .
Nhớ cô giáo Bốn , người nữ tu hiền từ đã dạy dỗ , nhớ bạn bè đến Trường một thuở ,
Và nhớ đến ngôi trường Tiểu học Maria trong tu viện ngày đó giờ đã mất tên .
Bên cạnh biết bao cái mất . Nhưng răng lòng vẫn nhớ ?
Nguyện cầu cho những lớp người hôm xưa , được an bình trong những ngày tháng hôm nay , dù đang sống ở quê hương Việt Nam , hay phiêu dạt nơi xứ người . Như cô giáo Bốn kính yêu và bạn bè của tôi ngày đó .
Quảng Trị miềng có ai lấy mà mất .
Răng mà mất ?
Khi cất tận đáy lòng .
 

 
 
Mi nói có lộn không Phồn ?
Qua hình ảnh hiện tại , thì còn mô cái nhà của Mi ngày xưa mà về thăm ?
Có chăng là về thăm lại mảnh đất xưa thì có . Người cũ thì đây mà đất hôm nay thì xa lạ quá , không tìm ra được những nét chấm phá quen thuộc , dù nhỏ .
Phải rứa không Phồn ?
Cũng như Mi , năm 1993 tao cũng có dịp về thăm lại Quảng Trị , trước khi lên đường đến xứ người .
Thật tình dù đang đứng trên vùng đất xóm Gốc Bầu xưa , nhưng vẫn không thể nào nhận ra mảnh đất nhà tao với hồ rau muống nhỏ , có cây trứng cá mà tụi bây thích leo trèo mỗi khi có dịp tới chơi . Ngay cả ngôi Giáo đường Hạnh Hoa to lớn trong trí nhớ , nóc giáo đường vươn cao , cũng đã mất dấu trên mảnh đất ngỡ như lạ lẫm hôm nay .
Hay là tụi mình xa Quảng Trị lâu quá nên đất hờn dỗi , đất quên cả con người của hôm xưa ? Một thời bám đất để sống .
Chuyện bể dâu giờ thành dâu bể , nên Địa dư xưa trong trí nhớ , đã bị bom đạn chiến tranh biến cải trên thực tế mất rồi . Nhìn Mi đứng xuôi tay như an phận trước mảnh đất nhà cũ , có lẻ trong lòng Mi đang dâng lên nổi nhớ thương ngậm ngùi ... Hình ảnh Mi ghi lại , cũng đã nói lên trọn vẹn sự đơn độc của ngày trở về không còn gì , kể cả Ba Mạ và người thân .
Làm sao tao quên được cái thời Mi , tao còn ngày ngày cắp sách đến Trường Tiểu Học Maria Trí Bưu trong suốt những năm dài Tiểu Học ? Căn nhà Mi ở xóm cây Thánh Giá , làng Trí Bưu , gần con đường đất dẫn về làng Quy Thiện , không còn là nơi chốn xa lạ với tụi tao ngày đó .
Nhiều lần ghé rủ Mi đi học , là i như rằng , một dĩa trái cây Mạ mi gọt sẳn để trên bàn chờ Mi , và không lúc nào Mi quên chia cho tụi tao đứa một " méng " khi ổi , khi xoài ...Cái ngọt ngào không từ cây trái nhà vườn , mà ngọt ngào cái tình bạn tuổi học trò có nhau .
Hay những lần giờ ra chơi ở Trường , tụi mình chọc thằng Đức " heo đực " , nó rượt mấy thằng trong lớp chạy loạn xạ ra kh̉ỏi sân Trường , có khi chạy ra tới khu nhà thờ Trí Bưu , nhà Cha Tịch . Hay chạy thêm một đoạn là tới nhà thằng Hóa , em anh Trí " Noirs " . Vậy mà đôi khi thằng Đức nó vẫn rượt theo , đành phải chạy thêm tí nữa là có cớ vào nhà mi xin nước uống . Cho nên căn nhà Mi không lạ với tụi tao là vì lý do đó .
Mà cũng ngộ hí ?
Biết bao thay đổi trong cuộc đời của tụi mình " ba chìm , bảy nổi , chín lênh đênh , mười chín gập gềnh , hai mốt cái nhấp nhô " , rứa mà những ký ức về thời thơ ấu vẫn không xóa nhoà trong trí nhớ .
Tao vẫn nhớ con Thủy O Hóa , Chị em con Phi và Phong , Con Láng , Con Vinh , con Hải Đường , con Hồng Bùi , con Phĩ , con Vân , thằng Phước mọi , thằng Cảnh , thằng Hiến . Nhớ con Lợi , con Hồng , hai con ni và Mi luôn tranh phần vị thứ Nhất Nhì Ba trong những năm dài Tiểu học .
Còn tao và thằng Đức " heo đực " học có thua chi ba đứa bây . Tháng nào cũng tranh nhau quỳ trước lớp , đội sổ điểm lớp " miềng " lên đầu ... Răng hồi đó tao không biết quê Phồn hí ? Vì trong lớp tụi mình còn có cả đám con gái học chung .
Cứ mỗi lần tham dự lể Phát phần thưởng hằng năm ở Trường , là tao đến gần với Thượng đế ...Một năm ít là một lần . Tao ngây ngô cầu xin ơn trên cho con được gọi tên lên lảnh phần thưởng , dù chỉ một cây bút chì , được hãnh diện trước bạn bè đang lé mắt nhìn thằng " dốt " lên ngôi . Nhưng đã bao lần Chúa không nhậm lời cầu xin của thằng con Chúa , biết ham chơi hơn ham học .
Tuy nhiên , cũng phải nhiều lần hứa cho Mạ tao vui , là tao sẻ không ham chơi , cố gắng học hành , để vươn lên vị thứ từ Dốt qua Dỡ , và từ Dỡ qua Kém . Nhưng hứa là một chuyện , và cuối cùng , tao chỉ có khả năng bước loanh quanh những bậc thang lên xuống , qua lại đó thôi . Còn những từ được Chị Bốn phê trong sổ Thông tín Bạ như : Học lực Trung Bình , Học lực Khá hay Giỏi là những từ ngữ nghe xa lạ ở trên tầng mây cao , biết khi mô có mưa rào đổ xuống ? Nên không bao giờ ghé vào thăm sổ thông tín bạ của tao bao giờ .
Chắc Mi còn nhớ , mỗi khi nói đến Tao và thằng Đức trong lớp , thì Chị Huyên , Chị Trọn hay chị Bốn dạy tụi mình đều lắc đầu " bó chân " . Cũng may , vì thời đó chưa có máy Vi tính hiện đại , nên các Chị Nữ Tu chưa chịu bó tay , để tao và thằng Đức còn có cơ hội lấy được bằng Tiểu Học Trường làng Maria Trí Bưu niên học 1965-1966 ...Ngỡ như nằm ngủ mơ , vơ chữ nghĩa đầu đời .
Thời gian vụt trôi , như bóng câu qua cửa sổ .
Giờ đây đã 48 năm , kể từ năm rời Tiểu học để tiếp bước dài thêm về phía trước trên con đường học vấn . Xa Quảng Trị , xa Trường , xa bạn bè và xa cả căn nhà tau , nhà mi kể từ ngày tháng đó , chưa một lần trở lại ...
Để hôm nay tình cờ thấy được hình ảnh Mi đang đứng trước mảnh đất xưa trong một chuyến trở về thăm chốn cũ Trí Bưu Quảng Trị , lòng tao cũng không tránh khỏi những bồi hồi , cảm xúc pha chút ngậm ngùi tự nhiên như chính tao là người trong cuộc , cùng Mi đồng hành .
Không biết tao đã lượm được câu nầy ở đâu :
“ Khi người ta chạnh nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu . Đó là thời gian chuyển hóa để con người biết mình sắp bước vào tuổi hoàng hôn “ .
Mau quá Phồn hí ? Không biết tụi mình đã vào Già chưa Mi ?
U.S.A tháng 8 / 2014
CHS. Trường Tiểu Học Maria Trí Bưu Quảng Trị .
An Nguyen.
 
 THÁNG BẢY QUÊ NGƯỜI .
 
Tháng Bảy quê người .
Xôn xao ngày nắng mới .
Bể dâu xa rồi
Giờ cách một Đại Dương .
Xin ghép sợi thương .
Mây đưa về bên đó .
Quảng Trị quê mình .
Dù xa mãi còn vương .
 
Bút ký .
BÁNH BÈO VÀ TUỔI THƠ .
 
Một ngày Quảng Trị .
Trời đang oi ả , cơn nắng chiều còn gay gắt đổ xuống con đường Duy Tân loang loáng bốc khói nhựa đường . Ở đây không có hàng cây cao , rợp bóng mát trưa Hè như một số con đường trong thị xã . Chỉ có bóng mát của cây mít nhà Bác Lem trong xóm lấn bóng ra vệ đường .
- Ai...Bánh Bèo không ?
Tiếng rao bánh bèo của người đàn bà cất lên từ xa , đang vọng lại , lời rao bán kéo dài ra như những hồi còi tàu , của con tàu lửa ngược xuôi , mỗi lần chạy qua Cầu Ga Quảng Tri .
Một vài nhà trong xóm nhỏ Góc Bầu nầy , họ bắc ghế ra ngồi trước mái hiên để tránh cái nắng hầm hập đang đổ xuống , và trên tay họ luôn cầm theo cái quạt tre phe phẩy , như một thói quen , để xua đi cái nóng của xứ Miền Trung bao đời đất cày lên sỏi đá , chịu ảnh hưởng cơn gió ngoại Nam Lào . Ở cái tỉnh nhỏ miền địa đầu giới tuyến Quảng Trị , cuộc sống và sinh hoạt vẫn bình thường như mọi ngày .
Buổi sáng sớm .
Khi mặt trời chưa kịp thức giấc , cảnh vật còn đang ngái ngủ , là thời gian của những người bán bánh mì dạo , tiếng rao của họ cất lên khi đường phố còn trong im lìm .
Buổi trưa .
Đội ngũ bán dạo lại đông hơn , họ đi bán những thức ăn gọn , nhẹ . Nào là những gánh đậu hủ , gánh chè đậu xanh , chè bắp . Có người nách bên hông những rổ tre bánh bột lọc , chả lụa , bánh bèo , kẹo kéo hay cà rem . Hay có những người đội những thúng bánh tráng trên đầu đi bán dạo khắp mọi nẻo đường trong Thị xã , để lại những tiếng rao vào không gian theo mỗi bước qua .
Và buổi tối .
Khi những ánh sáng vàng vọt trên những trụ điện đường vừa bật sáng , lại nghe tiếng rao bán quen thuộc của các bà vọng về . Chắc những người xóm Góc Bầu ngày đó còn nhớ :
- Mua ...Trứng lộn .
- Ai ăn chè đậu xanh , chè bắp không ?
Nhất là khi mùa Hè đến , đa số học sinh được nghĩ học , cha mẹ thường hay mua những món ăn vặt cho con cái sau những buổi cơm trưa đã qua , và trong thời gian chờ những buổi ăn tối của gia đình .
Đối với hoàn cảnh của riêng hắn .
Làm sao Mạ hắn lấy tiền đâu ra để mua những món ăn vặt cho riêng hắn ? Khi trăm sự trong cuộc sống hằng ngày như cơm gạo , áo quần đều trông chờ thu hoạch ở nơi hồ rau muống nhỏ trong vườn nhà . Hắn chỉ được ăn hàm thụ qua tai , khi nghe người ta rao bán thì nhiều , nhưng ăn thật những món ăn vặt nầy , thì có mấy khi . Năm thì mười họa lắm , sau những buổi chợ bán Rau Muống về , hắn mới được Mạ hắn thương , mua cho bịch chè Đậu Ván vàng ươm , gói gọn trong bịch nylon nhỏ , cột chặt sợi giây thun phía trên đầu . Chỉ cần đưa miệng cắn thủng đít cái bao bên dưới một lổ nhỏ , là những hạt Đậu Ván ngọt ngào , từng hột béo bùi tuôn ngay vào miệng . Hay thi thoãng , được Mạ hắn mua cho trái mãng cầu ta , có vỏ bên ngoài tuy u nần , nhưng bên trong có những múi thơm ngọt lịm , thứ trái cây mà hắn ưa thích nhất . Và đặc biệt hơn , nhìn người hắn ốm yếu như thiếu dinh dưỡng . Đôi khi , Mạ hắn phải “ Khan cổ gọi hắn về “ , vì hắn mãi mê chơi với bạn bè ở đầu ngõ , rồi trịnh trọng dúi vào tay hắn cái trứng hột Vịt lộn , chút muối bột và vài cọng rau răm xem như bồi bổ cho hắn . Cứ tưởng ăn vào thì hắn sẽ khoẻ lên và mập ra . Không biết Mạ hắn có thất vọng không ? Vì bao mùa Xuân Hạ Thu qua , những ngày mưa nắng , có lẻ đã có cả một bầy vịt đã trưởng thành trong bụng của hắn , nhưng nhìn người hắn vẫn cứ “ Ròm “ như con Vịt " đẹt " giữa mùa . Và thực tế không cần phải theo dỏi tin tức của Đài Khí Tượng địa phương , chỉ cần nhìn vào màu da trên người hắn đen đúa , là biết được thời tiết ở Quảng Trị đang chịu ảnh hưởng những ngày nắng , gió triền miên .
Hắn cũng nhận ra một điều , mỗi khi được Mạ hắn thưởng cho một chút quà vặt , luôn luôn đi kèm , bắt hắn hứa là phải học ngoan . Vì bao lần kết quả thứ hạng trong lớp ở Trường Tiểu Học Maria Trí Bưu gởi về cho Mạ hắn biết . Trong việc học hành , hắn rất ngoan ngoãn , biết nhường nhịn bạn bè trong lớp học , hắn thường tự nguyện xếp hạng cuối cùng của lớp , để chịu phạt " vì tội học quá hay " , cam chịu một mình bị phạt quỳ đội sổ chấm điễm của lớp lên đầu trước bạn bè trong lớp học . Chắc với hắn , bị phạt quỳ nhiều lần trước bạn bè trai gái riết thành thói quen . Tháng nào hắn nhích lên một chút cho bạn khác quỳ , hắn lại thấy nhớ ngu ngơ cái chổ bị quỳ tháng trước .
Biết hắn ham chơi , nhưng nhà chỉ có một mình hắn , nên Mạ hắn thương và thường hay tỉ tê lấy lời khuyên bảo :
- Lo học nghe con , không lo học hành mai nầy lớn lên khổ lắm .
Với tuổi đời của hắn khi còn đếm trên đầu những ngón tay , trình độ kiến thức hiểu biết còn thơ thẩn ở Đại Học Trường Làng Trí Bưu , nên hắn chưa và không hiểu “ không lo học hành hôm nay , tương lai khổ như thế nào ? “ . Miễn sao bây giờ được vui chơi bắn bi , chơi đáo , câu cá hay thả diều là thời gian vui sướng nhất của hắn hơn là phải học và làm những bài toán Cộng trừ nhân chia , những bài học thuộc lòng ở Trường ..." Chị chờ em để che Ô " " Ong đốt Ông sưng cả má ."hay " Nọ có trò đi học trể " .
Nhà hắn ở ngay bến xe đi về cây số 5 , Ngô Xá , chợ Cạn , cũng ở gần đầu đường Duy Tân và Lê Văn Duyệt gặp nhau , nên thĩnh thoãng vẫn sang nhà O hắn chơi với những đứa em con O hắn . Ở số 2 Đường Duy Tân Quảng Trị . Phía bên nội , ngoài Bác , Chú ra , hắn chỉ có một người O ruột duy nhất trong đời .
Với O hắn , thật hạnh phúc khi có Dượng luôn là người Chồng , Cha mẫu mực và luôn làm tròn bổn phận trụ cột của Gia đình . Hắn chưa hiểu nhiều , nhưng nghe Mệ nội hắn khen người con Rể của Mệ biết sống và đối xử với gia nương chí tình , chí nghĩa .
Ở đời , thường thì những “ vật hiếm , thường quý “. Và sự kiện nầy cũng không ngoại lệ với O Dượng hắn , cả hai đều gặp nhau ở tấm lòng thương con cháu . Nhất là với hoàn cảnh của hắn , một đứa cháu sinh ra đã gặp quá nhiều bất hạnh . Hơn ai hết O hắn biết rỏ điều nầy phát xuất từ đâu , thuộc về trách nhiệm của ai ? Riêng suy nghĩ của hắn khi nhìn vào gia đình của bạn bè đồng trang lứa trong xóm , nhìn vào những đứa em con O hắn . Tuổi thơ của hắn thiếu hẳn một ngôn từ và chính hắn cũng nhận ra . Hắn chưa một lần được gọi tiếng " Ba " trong đời . May mắn là hắn chưa đến tuổi biết buồn cho số phận hẫm hiu đang gánh chịu .
Khoãng sân trước nhà O hắn ở , có chút râm mát dưới tàng cây trứng cá trong vườn , cũng đủ cho anh em hắn bày trò chơi bắn bi vòng hay tạt lon , chơi Ô làng hay đánh thẻ với nhau .
Như chiều nay , hắn và hai đứa em trai con của O hắn là Hiếu và Thắng , đang mãi mê với trò chơi bắn bi vòng . Trò chơi nầy là một trong những môn chơi thịnh hành nhất của tuổi thơ của bọn hắn hồi đó . Chỉ cần kẻ một vòng tròn xuống đất , nhỏ hay to của vòng tròn tùy thuộc vào số người chơi nhiều hay ít , Mỗi người sẽ dùng những viên bi tròn xinh xắn , đặt trong vòng tròn , hơn thua là khi bắn được viên bi của đối phương ra khỏi vòng tròn mà viên bi của mình còn ở lại trong vòng tròn .
Phía cuối hàng hiên trước sân nhà , O hắn cũng đang lim dim ngã mình trên chiếc ghế dài ngủ trưa .
- Ai...Bánh bèo không ?
Tiếng rao bánh bèo của người đàn bà lúc nầy nghe gần hơn , phía bên ngoài hàng rào làm bằng cây chè tàu , ngăn cách khoảng sân trước nhà O hắn và con đường Duy Tân tráng nhựa bên ngoài .
- Bánh bèo .
Tiếng O hắn vang lên gọi bà bán bánh bèo vừa đi qua .
Hắn ngước mắt nhìn về phía cổng . Hai đứa em của hắn đã phủi tay đứng lên , ngừng cuộc chơi . Có lẻ sự việc nầy thường xẩy ra với những đứa con của O thật đầy đủ trong cuộc sống , bên tình thương và chăm sóc của Ba và Mẹ .
Còn với riêng hắn , có nghe tiếng rao bánh bèo bao lần qua xóm , nhưng chưa một lần được Mạ hắn mua cho ăn , và hắn hầu như chưa biết bánh bèo , hình méo hay tròn , màu sắc ra làm răng ?
Khi người đàn bà nách rổ bánh bèo bước vào ngồi xuống giữa khoảng trống cuối sân gần cổng ra vào . O hắn lên tiếng gọi hắn lại ăn bánh bèo . Hắn mừng thầm trong bụng , bối rối đứng lên , đi lại nhập vào với đám em , chờ lảnh phần cho mình , mặc kệ những viên bi tròn ngơ ngác , nằm yên trong vòng tròn dưới đất , tiếp tục chờ cuộc chơi .
Hắn tò mò đưa mắt nhìn và theo dỏi người đàn bà đang từ từ lấy ra trong chiếc rổ tre những dĩa sứ tròn nhỏ màu xanh , và sắp lên dĩa bốn cái bánh bèo tròn màu trắng đục nằm đối nhau , bà lấy một ít nhụy làm bằng Tôm xay nhỏ , rải đều lên trên mặt bốn chiếc bánh và không quên bỏ lên vài lát mỡ hành , một chút nước mắm vừa ăn , chen lẩn vài lát ớt . Nhìn vào dĩa bánh bèo trông như một cánh hoa màu trắng bốn cánh đẹp mắt .
Lần đầu được cầm dĩa bánh bèo của O hắn cho trên tay , và một miếng tre mỏng có hình thù con dao từ tay bà bán . Hắn vụng về không biết phải làm răng ? Liếc nhìn qua đứa em hắn ngồi bên cạnh , đang thành thạo dùng dao tre , cắm xuống một nhát chính giữa chiếc bánh bèo , rồi lẹ làng đưa lên , cho ngay vào miệng , ngồm ngoàm nhai .
Hắn nhìn tiếc rẻ , và nghĩ thầm trong đầu ..." Ăn vậy thì uổng quá và mau hết ."
Hắn chợt nghĩ ra cách dùng dao tre cắt đôi chiếc bánh bèo ra làm hai , như vậy sẽ ăn được tám lần , hơn những đứa em hắn chỉ ăn bốn lần là hết . Hắn muốn kéo dài thời gian thưởng thức cái hương vị lạ ngon của món bánh bèo lần đầu được ăn . Kéo dài thời gian thưởng thức , theo hắn nghĩ cũng là cách thể hiện để khỏa lấp những thèm muốn của tuổi thơ cơ cực .
Khi trên dĩa còn lại cái bánh cuối cùng , hắn chợt thấy tiếc ?Đáng lẻ cắt bánh bèo thành hai như đã làm , hắn đã nhanh tay cắt cái bánh bèo thành bốn .
Đang miên man với những tính toán trong đầu còn non nớt . Hắn bỗng giật mình khi nghe tiếng O hắn :
- Mấy cái bánh bèo , ăn chi mà lâu rứa con ?
Rockford , Illinois , USA .
Nhớ rất nhiều về người O ruột năm xưa .
Nhà số 2 Đường Duy Tân , Quảng Trị .  
 
 
 
MẸ TÔI .
" NGƯỜI CHỊ " TÔI YÊU MẾN NHẤT TRONG ĐỜI .
HAPPY MOTHER'S DAY
5/14/2023.
 
Chuyện mới hôm qua .
Nghe tin ở quê nhà , có một người Mẹ của người bạn đang sống gần tôi ở quê người Hải Ngoại . Bà vừa từ giã cuộc đời ra đi ở tuổi 84 . Bỏ lại cả một vùng trời thương nhớ của những người con và thân nhân ở lại . Dư âm như vẫn còn đâu đây , khi nhà ai cũng đã và đang có một người " Chị " bên đời . Và luôn có những kỷ niệm để nhớ về , để mang theo .
Đây cũng là một trong những kỷ niệm thân yêu , khi nói về " Chị " của những người con . Hoàn cảnh nơi chốn tuy có khác nhau , họ gặp nhau bên ly cà phê sáng , hay bên những gặp mặt ngày thường , họ đã chia sẻ với nhau về những chuyện " cười ra nước mắt " về người Mẹ thân yêu của mỗi gia đình , nhắc nhở lại như một sự nhớ về . Nhất là khi trong số bạn bè có người đang có Mẹ vừa quăng gánh nặng cuộc đời , trở về với cát bụi .
Mở đầu cho câu chuyện hôm nay , tại một quán Cà Phê sân vườn trong một ngõ vắng giữa thành phố Sài Gòn xôn xao . Ai cũng nhao nhao giành phần nói về “ Chị “ mình , khi nhớ về những kỷ niệm đẹp thiết tha .
1. Chị nhà tui ghê lắm nghe !
Một người trong số bạn bè hôm nay lên tiếng . Và những người còn lại lắng nghe .
Chị tui là người quê miền Tây , thuộc tỉnh Cần Thơ , một miền gạo trắng nước trong , có Bến Ninh Kiều , có Phà Cần Thơ , nơi có con sông Hậu Giang quanh năm nước đục phù sa , bốn mùa lục bình trôi .
Chị sống và lớn lên ở Phường Cái Khế , Quận Ninh Kiều .Tôi nhớ có một lần , trời vừa hừng sáng , như thường lệ , đi mua tô phở cho Chị ăn sáng , hai tay cẩn thận mang về từ đầu ngõ còn bốc khói thơm ngon . Nhẹ nhàng đặt tô phở xuống trên bàn , mà Chị không nghe một tiếng mời , thì coi như hôm đó Phở ế . Chị không thèm ăn ? Ngoay ngoảy bước vào phòng mình , đóng cửa lại , dù mùi thơm từ tô phở còn vương vất trong phòng . Chị tui lẩy đó .
Già rồi , răng mà “ Chị “ nhà tui còn mang theo câu nói của Ông bà mình ngày xưa :
“ Ăn có mời , làm có mượn ” .
Không mời không mượn , là Chị sẵn sàng gây khó khăn cho đội bạn ngay phút khởi đầu , dù là con cái vô tình quên một câu mời . Thấy Chị nhà tui " Hờn Lẩy " mà thương . Thì thôi đành tới gỏ phòng Chị , nói vọng vào vài câu xin lổi , " tại , vì , bị , bỡi "cho Chị nguôi ngoai , để ăn . Đáo để là vậy . Còn khi Chị bệnh hoạn thì răng ? Mớm được cho Chị muổng Cháo , hay muổng cơm , cũng phải khéo dùng ba tấc lưởi , dỗ dành như “ bé bé bòng bong “ :
- Ngoại không ăn , mai mốt Dì Tư về thăm , thấy ngoại ốm , Dì Tư buồn không thương ngoại đâu ?
Hoặc :
- Ngoại ăn cho khoẻ , gần Tết rồi , ngoại phải tự ngồi dậy mà nhận tiền lì xì của con cháu chơ .
Chị tui nằm mơ màng , mà nghe nhắc đến Tiền lì xì trong ba ngày Tết sắp đến , thì sáng mắt lên , miệng mở rộng khoe những chiếc răng , cái còn , cái mất , Chị sẵn sàng ăn , vì ba chữ tiền lì xì .
Có lẻ những đồng tiền ... Cái giá trị vật chất trong cuộc sống thật gần gũi trước đây " Chị " đã vươn tới hằng ngày , để làm phương tiện lo lắng chăm sóc cho gia đình , cùng phụ với chồng vun xén lo cho con cái ăn học , đã ám ảnh " Chị " cho đến khi về Già . Tiền ! Như một phản ứng có điều kiện bám víu của Chị , thấy mà thương .
2. Còn Chị nhà tui !
Chị gốc Huế miền Trung , đã xa Huế vào sống vùng Đà Lạt lập nghiệp từ những ngày xữa ngày xưa . Khi Dà lạt ngày đó đồi núi nên thơ với những đồi thông ngút ngàn , những hồ thác nỗi tiếng . Với độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển , nên Đà Lạt thừa hưởng khí hậu miền núi ôn hòa . Đà lạt còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như “ Thành phố mù sương “, Thành phố ngàn thông “hay “ Thành phố ngàn hoa “. Ngoài ra ở đây còn có những Hồ , Thác nỗi tiếng , thu hút bao du khách đến thăm .
Nói chung nhờ những yếu tố khách quan khác của địa dư , cộng thêm bản chất của người Huế của Chị luôn cần cù , chịu khó , nên đã giử được chân lớp người như Chị , đã chọn Đà Lạt làm đất sống . Nhất là lớp trẻ sau nầy lớn lên , đã thành công trong nhiều lảnh vực ở Đà Lạt .
Bây giờ thì Chị đã già rồi , đã hơn 90 mùa Xuân đi qua trong cuộc đời , nhưng trông Chị còn khoẻ mạnh , chỉ tội hai chân Chị , với ngần ấy năm lăn lộn trong cuộc sống nuôi con thành người , nên giờ hay đau nhức mỗi khi trở gió , trở trời . Chị vẫn còn lanh lợi , tháo vát so với tuổi , chuyện gì cũng xăn tay giúp cho con cái . Chị vẫn còn thích được chụp hình mỗi khi lể Tết , thích được may sắm áo quần mới , thích diện đẹp mỗi khi có dịp ra khỏi nhà đi chơi với con cháu .
Thậm chí nhiều khi ở nhà , chị cũng soạn vật dụng nấu nướng ra , một mình cặm cụi đổ bánh căn . Tối đến con cái đi làm về thấy trên bàn những dĩa bánh căn thơm ngon , mọi người chưng hững nhìn nhau , tưởng ở nhà Chị mua . Không ai ngờ chị một mình với “ sức già , đã làm nên “ . Nhìn những dĩa bánh Căn , con cái bái phục Chị luôn , nhưng không thiếu màn đồng ca : Bài “ Thôi “ hát cho Chị nghe .
“ Thôi . Mạ ở nhà nghỉ cho khoẻ , có gì chạy vội ra ngoài chợ Hoà Bình , họ bày bán nhiều mua về ăn cho tiện Mạ nghe “
Không biết Chị có nghe lời con cái khuyên không ? Chỉ thấy Chị lắng nghe và nhoẽn miệng cười thấy thương .
Ngày ngày Chị chỉ có quanh quẩn lui tới trong nhà , vì hai chân của Chị giờ đã yếu , không bước được ra tới cửa ngõ ngoài sân . Chị không còn được đi ra những buổi chợ , hay đi mua sắm , hằng ngày chỉ ngồi nhìn đường phố Đà Lạt có đông người xe qua lại , mắt chị thoáng buồn trông vời xa xôi , nhất là những chiều có cơn mưa đi qua thành phố . Chị buồn theo những hạt mưa bay bay . Có lẻ quê hương Huế đang về trong suy nghĩ của Chị . Chị nhớ đến Núi Ngự Bình , sông Hương , nhớ chợ Đông Ba ngày ngày ra chợ , chị nhớ một thời con gái lớn lên trong nội thành , nhớ đến chuyện tình , chuyện có người đi theo Chị của người con trai ngày nào , dù trời mưa Huế . Và vài câu thơ của người sau đó nhắn gởi đến Chị , bao nhiêu năm rồi Chị vẫn nhớ :
Ướt hết O rồi O HUế ơi .
Ướt O hay ướt cả lòng tôi ?
Chuyện xưa của Chị là rứa .
Chuyện nay của Chị là cũng biết “ ham “ tiền thấy ớn luôn , như tâm lý của bao lớp người tuổi già khác , thấy gì cũng quý , cũng muốn níu kéo . Tiền của Chị có đồng nào thì cũng được Chị cẩn thận vo tròn , qua không biết bao lớp giấy ngụy trang bọc bên ngoài . Có khi chờ Chị rút được đồng tiền ra khỏi nhà “ Bank tự chế “ của mình , để mua chén chè đậu ván vàng ươm , ăn dặm buổi ban chiều , khi nghe tiếng rao quen thuộc của Bà Tư bán chè trong xóm , vừa đi qua ngõ nhà . Chờ Chị lần lấy được tiền ra , thì bà Tư bán chè đã “ nghìn trùng xa cách , người đã xa rồi “ Bà Tư đã đi xa về cuối ngõ đường chiều . Vì thương Chị , nên trong nhà phải “ đường trường xa “ như tập thể dục , chạy bộ đuổi theo gánh chè , mua cho được món chè Chị thích .
Có lần , đứa con ở nơi xa gọi về thăm hỏi sức khoẻ của Chị . Vì Chị già bị lãng tai nên nghe tiếng được , tiếng mất . Không biết Chị có nghe đứa con nói gì không ? Cả nhà chỉ nghe giọng nói Chị run run , nhắn gởi với đứa con đang ở xa nhà :
- Cu Tèo . Nhớ gởi tiền về cho Mạ nghe con .
Còn gởi tiền về cho Chị để làm gì , thì Chị chôn kín nổi lòng ? Hỏi cũng không hề hé môi .
Vì sinh hoạt hằng ngày ăn uống của Chị , kể cả phụ tùng thuốc men khi đau ốm , thì con cái đã thống nhất “ Ba cây chụm lại “ để lo , đứa ở xa nước Ngoài , có điều kiện tiền bạc , được xem là “ Có Của “ gởi về cho hai người chị ở gần nơi quê nhà , hằng ngày lo lắng chăm sóc chợ búa , cơm nước cho Chị , nên gọi là " có Công " . Ba cây chụm lại cùng lo nên Chị không thiếu . Vậy mà sao Chị cần Tiền như “ Thuở Mẹ về với Cha “ . Cái nhà Bank dọc theo lưng quần của Chị , ngày càng nổi lên những cuộn tròn không còn nơi che giấu , sau lớp vãi áo bà ba được cắt khéo của tiệm may có tiếng trong vùng cao nầy . Dù thế nào đi nữa , con cháu vẫn cầu mong cho Chị thật nhiều sức khoẻ để sống với con cháu . Vì ai trong gia đình cũng biết . Sự thành đạt của con cái hôm nay , là nhờ vào Chị đã đánh đổi bằng những bước chân lao nhọc lo cho gia đình ngày xưa trên đất lạ Đà Lạt .
3. Riêng Chị nhà tui .
Chị gốc Quảng Trị . Làng Trung An , Huyện Triệu Phong . Nơi có con sông quê Thạch Hản chảy qua chia hai bờ Nhan Biều và phố cũ Quảng Trị .
Sống với tình làng nghĩa xóm Gốc Bầu chỉ mấy chục nóc nhà . Với bao kỷ niệm một thời lam lũ cơ cực nuôi con với Hồ rau muống . Nên cái ăn , cái mặc đã đi theo ám ảnh Chị khi về già , ngay cả sau nầy theo con ra định cư ở nước ngoài , Chị cũng luôn nêu cao cuộc sống tằn tiện , khuyên lơn con cái “ Làm khi lành để dành khi đau “ .
Những tháng ngày đầu tiên trong sinh hoạt nơi quê người , ở đây ai cũng có điều kiện sống tốt , khó tìm ra hai chữ khó khăn , nhất là vấn đề thực phẫm ăn uống .
Bước ban đầu mới đến , chính phũ luôn có những chương trình trợ giúp thiết thực khi chưa tìm được việc làm . Bên cạnh đó ở địa phương , cũng có những nhà thờ trong thành phố có chương trình từ thiện giúp cho hầu hết các sắc dân , họ cho miễn phí thức ăn , nước uống , áo quần , giày dép . Nên những người Việt mình qua trước , mách bảo cho những người qua sau , nếu cần thì đến những điểm nầy .
Và điều an ũi và cảm động , khi người Việt của mình đến trước , nghe có người Việt mình mới qua sau , cuối tuần rảnh rỗi công việc , họ tìm tới thăm nhau , nói chuyện và góp ý những kinh nghiệm của người đi trước trên xứ lạ quê người . Những câu chuyện rất thiết thực và giá trị cho người đến sau học hỏi , tình đồng hương trong giai đoạn chia sẻ nầy rất đáng quý , khi biết lắng nghe . Riêng cuối tuần , biết sẽ có đồng hương tới thăm , Chị nhà tui thích lắm . Nhất là khi nghe có bà hỏi :
"Mệ có thích xem phim bộ giải trí chi không ? "
Là chị tui hồ hỡi gật đầu ngay . Thế rồi theo sự chỉ dẫn , đi thuê phim về cho Chị xem . Những phim bộ Việt Nam đại loại như :
- Chiếc giường chia đôi .
- Sống chung với Mẹ chồng ,
- Gạo nếp gạo tẻ ...Vân vân .
Một thời gian sau , phải chuyển qua thuê Phim bộ Hồng Kông , nguồn phim nầy dồi dào hơn , lại lồng tiếng Việt .
- Ngoạ hổ tàng long .
- Anh hùng .
- Thập diện mai phục .
- Tinh võ môn
Tóm lại loại phim bộ tình cảm hay đánh đấm võ thuật gì Chị cũng thích xem giải trí .
Một điều cười ra nước mắt , nhưng cả nhà phải bấm bụng chịu . Vì Chị hơi lãng tai , nên TV phải mở lớn , rứa là cả nhà ai không muốn nghe cũng phải đồng thanh nghe cùng Chị , dù đang bận làm việc gì , ngặt một điều lời thuyết minh trên phim cứ tìm đến tai mọi người trong nhà , không thèm hỏi ý kiến . Hơn nữa mới qua , nên chỉ thuê được căn hộ nhỏ gọn vừa túi tiền . Nhiều khi chị ngủ lại quên tắt TV , nửa đêm thanh vắng , và tiếng thuyết minh trên TV vẫn không ngủ , rót những lời đường mật mật vào tai mọi người trong nhà đang cố ngủ , cuối cùng phải len lén vô phòng tắt không công cho Chị . Khi nhìn thấy chị đang ngáy đều .
Tóm lại cũng vui , vì giữa quê người , vẫn còn được nghe tiếng Việt Nam thân thương trong ngôi nhà mình tạm trú những tháng ngày mới qua nơi xứ người , cũng an ủi và hạnh phúc lắm . Đỡ nhớ quê . Ai có qua những ngày tháng nầy mới biết trân quý .
Sau đó có một chuyện xảy ra làm cả nhà không quên . Trong nhà thi thoãng lại thấy thiếu đi những cái tô nhựa lớn , cái đỉa rộng vành . Không biết lý do nào ? Không lẻ ai đó vào nhà không lấy chi cả , mà chỉ lấy đi vài cái tô nhựa , cái dĩa , không bị mất một lần , mà mất lai rai . Cuối cùng , khi mùi thức ăn lâu ngày đã đến lúc vùng lên ở xóm mũi của những thành viên trong nhà . Khi đó mọi người cùng nhau đi tìm mùi hương lạ , thì ôi thôi , cảnh chiến trường ở dưới gầm giường trong phòng của Chị hiện ra , la liệt những cái tô , dĩa nằm im lìm , đang đựng những thức ăn đã bốc mùi .
Hỏi ra mới được Chị cho biết . Chị tiếc những thức ăn còn lại ở những mỗi bửa ăn , sợ bị đổ đi , nên Chị âm thầm lấy tô , dĩa cất thức ăn để dành , không biết Chị để dành làm gì và ai sẽ ăn ? Dù ngày ngày luôn phải nấu thức ăn mới cho Chị và cho cả nhà . Biết Chị già rồi nên cả nhà bóp bụng thông cảm , chỉ biết âm thầm vào trang Web gia đình , gõ giòng chữ : Bótay.com , mong điều nầy không còn xảy ra . Có lẻ hình ảnh thiếu thốn từng bửa ăn trong cuộc sống của gia đình trước đây ở quê nhà, vẫn đuổi theo ngày tháng còn lại của Chị khi về già hôm nay nơi xứ người . Nghĩ mà thương Chị quá , chị ơi !
Và rồi theo định luật trời đất . Chúa đã gọi linh hồn Chị tôi về với Ngài một nơi ở trên cao .
Hạt sương kia sẽ tan .
Muôn đời con mất Mẹ .
Mặt trời mọc phương Đông .
Và Mẹ giờ phương nao ?
Mỗi nhà mỗi cảnh , nên chuyện nói về “ Chị “ là cuốn phim dài nhiều tập , đi theo cả cuộc đời của những người con ở lại . Mỗi đứa con là một nhân vật đóng kèm “ Chị “ trong mỗi phim trường riêng biệt trong mỗi gia đình . Xem chuyện Phim góp nhặt về “ Chị “ . Nội dung tuy mộc mạc , ngắn gọn , đơn giản như những giọt sương mai đọng lại lên chiếc lá trong vườn , có đó rồi lại tan theo ánh mặt trời ló dạng , sẽ mang đi mất hình bóng người Mẹ , vì có ai lột da sống đời . Chỉ nghĩ đến đó thôi đã thấy lòng quặn đau . Làm sao con cái có thể trả những công ơn của Cha hay Mẹ ? Nhưng sống như thế nào để lương tâm của chính mình sau nầy không có nhiều ray rứt , khi mất Cha hay Mẹ trong cuộc đời .
Khi trong cuộc sống đời thường , người ta thường có những suy nghĩ bình thường là : " Tốt Khoe , Xấu che " . Nhưng khi nghĩ về Mẹ , xung quanh những chuyện của Chị mình là Mẹ , những người con đã không che giấu những kỷ niệm ngậm ngùi đó , mà còn muốn mang theo những kỷ niệm khó quên của Mẹ mình , cho nhớ thương khoãng đời còn lại . Dù phim được tự biên , tự diễn không qua phim trường . Nhưng sao lại đong đầy nước mắt của những người con trong vai khán giả đời thường ? Mỗi khi nghĩ và nhớ về " Chị " mình . Thương quá Chị ơi !
Xin nguyện cầu sức khoẻ và bình an cho những quý Mẹ còn trên cõi đời . Và nguyện cầu cho những linh hồn người đã ra đi , được thanh thản cuối trời cát bụi .
An Nguyen . USA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét