THƠ ĐƯỜNG LUẬT THẤT NGÔN BÁT CÚ
là thể thơ Đường cách luật xuất hiện từ đời nhà Đường, Trung Quốc.
Là một trong những dạng thơ Đường bên cạnh cổ thể (cổ phong), từ, phú , hành ...
Thơ Đường luật đã phát triển mạnh mẽ tại chính quê hương của thể loại này
lan tỏa ra nhiều quốc gia lân bang với tư cách thể loại tiêu biểu nhất của
thơ Đường nói riêng và tinh hoa thi ca Trung Hoa nói chung.
Thơ Đường luật được coi trọng và sử dụng vào mục đích khoa cử quan lại thời xưa . Thơ Đường luật bắt buột phải tuân theo những qui tắc nhất định mà ta gọi là Thi Luậthay Luật Thơ , nên đã có nhiều người cho rằng : thơ Đường Luật gò bó , khô khan , không thể hiện hết ý tưởng bay bổng của người làm thơ .
Thật ra , nhận định như vậy là sai lầm .
Vâng , thơ Đường luật gò bó khắc khe vậy đấy , nhưng nhờ chính những qui tắc gò bó khắc khe đó đã khiến cho thơ ở thể loại này được xếp vào hạng tinh hoa nhất của thơ ca một cách trang trọng , nhờ chính những qui tắc gò bó khắc khe đó mới khơi gợi sự sáng tạo của nhiều danh sĩ xưa và nay để họ viết và lưu lại nhân thế những áng thơ bất hủ .
Cũng đã có nhiều người không am hiểu hay chưa am tường Luật thơ cũng đã ngông cuồng mượn cớ mà bảo rằng :
Thơ Đường Luật gò bó khô khan nên tôi làm thơ thất ngôn bát cú phá luật .
Vậy tôi cũng thưa rằng :
Vâng , thơ Đường luật gò bó khắc khe như vậy đó , nhưng người làm thơ muốn làm thơ thất ngôn bát phá luật cú trước hết phải am tường kỹ lưỡng cặn kẻ luật thơ , vận dụng cho linh hoạt nhuần nhuyễn , làm thơ cho thiệt hay cái đã . Sau khi thơ đã nhuần nhuyễn rồi thì muốn phá luật ra sao cũng được , chẳng phải đã có biết bao danh thơ danh sĩ cũng làm như vậy sao ? Đó gọi là Phá Luật Nhưng Vẫn Giữ Luật hay Ở Trong Luật Mà Không Bị Luật Ràng Buột . Còn những người không am tường về Luật Thơ mà cũng mượn tiếng là Phá Luật thì có khác nào ( Tay không đánh giặc ) có khác nào ( Phá rào mà tay không tất sắt ) có khác nào ( Phang ngang bửa củi ) nghe mà cứ tức anh ách [ Muốn phá thì trước hết phải giỏi , giỏi rồi muốn phá sao cũng được ] .
____________________________
ĐAO PHÁ LUẬT THƠ
Thất ngôn bát cú liên hoàn tam thủ
______________________________
Thức thứ nhất
PHÁ LUẬT THƠ ĐƯỜNG
(Thủ vĩ ngâm-đồng âm vân)
Phá luật thơ Đường phải có đao
Tay không tất sắt lại chui rào
Chưa rành đối láy mơ chém dạo
Chửa rõ niêm vần mộng hái sao
Bệnh lỗi mơ hồ xông với xáo
Từ thanh tối nghĩa nói ai nào ?
Anh hùng gõ phím thường huyên náo ..
Phá luật thơ Đường phải có đao ..
Thức thứ hai
ĐAO PHÁ LUẬT THƠ
(Liên hoàn-tập danh-đồng âm vận)
Phá luật THƠ ĐƯỜNG phải có đao
Thời NIÊM trật khớp lại chui rào
VẦN .. hoài chẳng hiệp .. thèm chém dạo
ĐỐI .. mãi không thành .. muốn hái sao
THƯỢNG VĨ BÌNH ĐẦU chưa rõ đạo
PHONG YÊU HẠT TẤT chửa thông nào
Mù mờ BỆNH LỖI còn huyên náo
Chọn LÁY tìm THANH chớ bổ nhào .
Thức thứ ba
ĐAO PHÁ LUẬT THƠ
(Phong yêu-khổ độc-giao cổ đối)
(Liên hoàn-tập danh-đồng âm vận)
Chọn LÁY tìm THANH chớ bổ nhào
TRÙNG TỪ ĐIỆP Ý thấy chưa nào* ?
Tranh giành gió .. TIỂU VẬN vô tráo
ĐẠI VẬN vào lừa .. chiếm đoạt sao
THỨ mở vườn .. ngôn từ lộng ảo ( thứ luật )
Văn chương gõ điệu .. CHÍNH khoanh rào ( chính luật )
BÀNG và CHÁNH NỮU xin đừng đảo (Bàng Nữu)
Phá luật THƠ ĐƯỜNG phải có đao ..
* Câu thứ 2 chữ TỪ (Phong Yêu)
* Câu thứ 3 chữ Vận (Khổ Độc)
______________________________
THƠ ĐƯỜNG LUẬT NÓI CHUNG
Thơ Đường luật đặt ra từ đời nhà Đường (618-907)
bên Trung Hoa, phải theo luật lệ nhất định.
Còn gọi thơ cận thể ( theo luật )
Phân biệt
với thơ cổ thể ( không theo luật )
đã có rất lâu từ trước đó .
Theo số câu trong bài, thơ Đường luật chia ra làm hai lối:
1- Tứ tuyệt: 4 câu
( ngũ ngôn tứ tuyệt và thất ngôn tứ tuyệt )
2- Bát cú: 8 câu
( ngũ ngôn bát cú và thất ngôn bát cú )
Phổ biến hơn cả là thất ngôn bát cú .
______________________________
BỐ CỤC MỘT BÀI THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ
Một bài thơ bát cú giống như bức tranh. Trong cái khung nhất định 8 câu 56 chữ, làm sao vẽ thành một bức tranh hoàn toàn, hình dung được ngoại cảnh của tạo vật hay nội cảnh của tâm giới. Bởi vậy phải sắp đặt các bộ phận cho khéo. Có bốn bộ phận là: Đề, thực, luận và kết.
1- Đề thì có phá đề (câu 1) là câu mở bài nói lung động cả ý nghĩa trong bài và thừa đề (câu 2) là câu nối với câu phá mà nói đến đầu bài.
2- Thực hoặc trạng (câu 3-4): là giải thích đầu bài cho rõ ràng. Nếu là thơ tả cảnh thì chọn các cảnh sắc xinh đẹp đặc biệt mà mô tả ra, nếu là thơ tả tình thì đem các tình tự giãi bày ra; nếu là thơ vịnh sử thì lấy công trạng của người mình muốn vịnh mà kể ra.
3- Luận (câu 5-6): là bàn bạc. Như tả cảnh thì nói cảnh ấy xinh đẹp như thế nào; vịnh sử thì hoặc khen hoặc chê, hoặc so sánh người ấy, việc ấy với người khác việc khác.
4- Kết (câu 7-8) là tóm ý nghĩa cả bài mà thắt lại cho mạnh mẽ rắn rỏi.
______________________________
BỆNH VÀ LỖI TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Thơ Thất ngôn bát cú Đường luật có 8 bệnh và 12 lỗi cần tránh
____________________________
8 bệnh
1. Thất niêm
2. Thất luật
3. Thất đối
4. Thất vận
5. Bình đầu
6. Thượng vỹ
7. Mạ đề
8. Khổ độc
___________________________
12 lỗi
1- Trùng vận / Điệp vận
2- Trùng từ / Điệp từ
3- Trùng ý / Hiệp chưởng
4- Điệp điệu
5- Điệp thanh
6- Điệp âm
7- Đại vận
8- Tiểu vận
9- Phong yêu
10- Hạc tất
11- Chánh nữu
12- Bàng nữu
___________________________
HƯỚNG DẪN LÀM THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐÚNG LUẬT
___________________________
1) Niêm
Niêm nghĩa đen là dính với nhau,
là sự liên lạc âm luật của hai câu thơ
Trong một bài thơ Đường luật.
Hai câu thơ niêm với nhau khi nào
các chữ ở vị trí 2 , 4 , 6 của hai câu cùng theo một luật (từng cặp một)
hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, (bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc)
những câu sau đây niêm với nhau.
• Câu 1 niêm với câu 8
• Câu 2 niêm với câu 3
• Câu 4 niêm với câu 5
• câu 6 niêm với câu 7
nghĩa là các cặp câu nầy có cùng âm luật bằng trắc.
Ví dụ
THU ĐIẾU
Tác giả: Nguyễn Khuyến
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lững, trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo
Ao (thu) lạnh (lẽo) nước (trong) veo
Cá (đâu) đớp (động) dưới (chân) bèo
------B------------T----------------B
Một (chiếc) thuyền (câu) bé (tẻo) teo
Sóng (biếc) theo (làn) hơi (gợn) tí
----------T---------------B----------T
Lá (vàng) trước (gió) sẽ (đưa) vèo
Tầng (mây) lơ (lững), trời (xanh) ngắt
--------B--------------T------------B
Ngõ (trúc) quanh (co), khách (vắng) teo
Tựa (gối) ôm (cần) lâu (chẳng) được
---------T-------------B---------------T
_____________________________
2) Luật
Luật bằng và luật trắc
Là cách sắp đặt tiếng bằng và tiếng trắc trong các câu của bài thơ.
Luật nhất định buộc nhà làm thơ phải theo đúng mà đặt.
____________________________
A) Chính luật
Chính luật là bắt buột cả 56 chữ phải theo đúng bảng luật .
LUẬT BẰNG:
Bắt đầu bằng hai tiếng bằng.
Luật bằng vần bằng
1: B B T T T B B (v: vần)
2: T T B B T T B (v)
3: T T B B B T T
4: B B T T T B B (v)
5: B B T T B B T
6: T T B B T T B (v)
7: T T B B B T T
8: B B T T T B B (v)
Luật bằng vần trắc
1: B B T T B B T (v)
2: T T B B B T T (v)
3: T T B B T T B
4: B B T T B B T (v)
5: B B T T T B B
6: T T B B B T T (v)
7: T T B B T T B
8: B B T T B B T (v)
LUẬT TRẮC:
Bắt dầu bằng hai tiếng trắc.
Luật trắc vần bằng
1: T T B B T T B (v)
2: B B T T T B B (v)
3: B B T T B B T
4: T T B B T T B (v)
5: T T B B B T T
6: B B T T T B B (v)
7: B B T T B B T
8: T T B B T T B (v)
Luật trắc vần trắc
1: T T B B B T T (v)
2: B B T T B B T (v)
3: B B T T T B B
4: T T B B B T T (v)
5: T T B B T T B
6: B B T T B B T (v)
7: B B T T T B B
8: T T B B B T T (v)
___________________________
B) Thứ luật
Nhất tam ngũ bất luận
Nhị tứ lục phân minh
LUẬT BẰNG:
Chữ số 2 câu đầu là tiếng bằng.
Luật bằng vần bằng
1: b B t T t B B (v: vần)
2: t T b B t T B (v)
3: t T b B b T T
4: b B t T t B B (v)
5: b B t T b B T
6: t T b B t T B (v)
7: t T b B b T T
8: b B t T t B B (v)
Luật bằng vần trắc
1: b B t T b B T (v)
2: t T b B b T T (v)
3: t T b B t T B
4: b B t T b B T (v)
5: b B t T t B B
6: t T b B b T T (v)
7: t T b B t T B
8: b B t T b B T (v)
LUẬT TRẮC:
Chữ số 2 câu đầu là tiếng trắc.
Luật trắc vần bằng
1: t T b B t T B (v)
2: b B t T t B B (v)
3: b B t T b B T
4: t T b B t T B (v)
5: t T b B b T T
6: b B tT t B B (v)
7: b B t T b B T
8: t T b B t T B (v)
Luật trắc vần trắc
1: t T b B b T T (v)
2: b B t T b B T (v)
3: b B t T t B B
4: t T b B b T T (v)
5: T T b B t T B
6: B B t T b B T (v)
7: b B t T t B B
8: t T b B b T T (v)
b : bằng nhưng không bắt buột
t : trắc không bắt buột
B : Bằng ( bắt buột )
T : Trắc ( bắt buột )
Thất luật
Trong một câu, theo bảng luật, những từ có âm bằng mà làm ra trắc hoặc có âm trắc mà làm ra bằng.
Tuy nhiên, chắc ai cũng nghe câu:
NHẤT TAM NGŨ BẤT LUẬN
NHỊ TỨ LỤC PHÂN MINH
Nghĩa là làm theo thứ luật
Là các từ thứ 1, 3, 5 trong câu có thể thay đổi
(nhưng không được rơi vào trường hợp lỗi khổ độc),
thì không phạm lỗi thất luật. Chỉ gọi là luật bất luận
Luật bất luận làm cho câu thơ bớt sự cứng nhắc, mềm mại hơn.
Còn các từ thứ 2, 4, 6 thì tuyệt đối phải tuân theo bảng luật trên.
--------------
Muốn làm bài thơ đúng luật Bằng-Trắc những người mới làm thơ phải để bảng luật trước mặt , khi suy nghĩ ra chữ nào thì chiếu theo bảng luật để xem chữ đó có đúng với luật Bằng-Trắc chưa , dần dần làm nhiều tự nhiên sẽ thuộc nằm lòng bảng luật thôi , lúc đầu không cần thiết phải học thuộc những bảng luật phức tạp khó nhớ và nhứt đầu lắm .
___________________________
3) Vần
Vần là chữ cuối cùng các câu 1 , 2 , 4 , 6 , 8
hiệp với nhau bởi đồng âm .
Thường dùng vần bằng, rất hiếm dùng vần trắc.
Độc vận : Suốt bài thơ chỉ gieo vần là 1 chữ gọi là độc vận.
Chính vận : ( đơn vận ) ( đồng âm ) cả 5 năm vần cùng theo đơn vận
Ví dụ : trời mời nơi đời vơi .
Thông vân : ( Vận liên thông ) Vần theo 2 hoặc 3 âm gần giống nhau
Ví dụ : tà hoa nhà gia ta .
Nếu làm theo thông vận thì
cố gắng sao cho chữ thông vận phải gần với âm gốc .
Nếu gieo sai như cây đi với hoa là lạc vận (lạc: rụng).
Nếu vần gieo gượng thì gọi là cưỡng áp.
Hai cách này đều không được cả. ( Thất Vận )
Tuy nhiên trùng âm mà khác nghĩa thì chấp nhận
nhưng đặt gần nhau sẽ không hay.
Ví dụ bài thơ lạc vận
THU VỊNH
( Nguyễn Khuyến )
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào
Mấy chum trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào
Nhân hứng đã vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào
Ví dụ bài thơ cưỡng vận
KHÔNG CHỒNG MÀ CHỬA
( Hồ Xuân Hương )
Cả nể cho nên hoá dở dang,
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng.
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,(1)
Phận liễu sao đà nảy nét ngang.(2)
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?(3)
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.(4)
Quản bao miệng thế lời chênh lệch
Những kẻ không mà có mới ngoan (5)
__________________________
4) Đối
Đối là phần rất quan trọng
Trong bài thơ Thất ngôn bát cú Đường luật
Bắt buộc phải có đối với nhau giữa các cặp câu Thực và Luận
Cặp câu Thực câu 3 và câu 4
Cặp câu Luận câu 5 và câu 6.
Nếu không có đối hoặc đối không chỉnh là Thất Đối
Thất Đối sẽ không còn là một bài thơ Đường luật chỉ là thơ 8 câu 7 chữ .
Muốn câu đối chỉnh và cân,
phép đối cần phải hội đủ 3 điều kiện:
-Đối thanh.
-Đối ý.
-Đối từ loại.
------------------
ĐỐI THANH
Là thanh Trắc đối với thanh Bằng
Bảng luật bằng
B B T T B B T
T T B B T T B
Bảng luật trắc
T T B B B T T
B B T T T B B
Chí ít là các chữ 2, 4, 6 phải theo đúng luật bằng trắc , chữ cuối phải theo vần .
--------------------
ĐỐI Ý
Ý câu trên và ý câu dưới
hoặc chống nhau, hoặc bổ sung ý nghĩa cho nhau.
Thí dụ:
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
------------------
ĐỐI TỪ LOẠI
Danh từ <-> Danh từ.
Động từ <-> Động từ.
Tính từ <-> Tính từ.
Trạng từ <-> Trạng từ.
Đại từ <-> Đại từ
Cảm từ <-> Cảm từ
Phó từ <-> Phó từ
Danh từ riêng <-> Danh từ riêng.
Danh từ chung <-> Danh từ chung
Tên người <-> Tên người.
Tên nước <-> Tên nước.
Tên địa phương <->Tên địa phương.
Màu sắc <-> Màu sắc.
Mùi vị <-> Mùi vị.
Tượng hình <-> Tượng hình
Tượng thanh <-> Tượng thanh.
Số lượng <-> Số lượng.
Mùa tiết <-> Mùa tiết.
Phương hướng <-> Phương hướng.
Chữ nặng <-> Chữ nặng.
Chữ nhẹ <-> Chữ nhẹ.
Từ kép <-> Từ kép.
Từ láy <-> Từ láy.
Từ đơn <-> Từ đơn.
Khẩu ngữ <-> Khẩu ngữ
Thành ngữ <-> Thành ngữ.
Chuyên ngữ <-> Chuyên ngữ.
Hán Việt <-> Hán Việt.
Nôm (thuần Việt) <-> Nôm (thuần Việt).
___________________________
5) Các phép đối
Để tránh đơn điệu trong đối thơ
Người làm thơ đã linh hoạt vận dụng nhiều phép đối vào thơ .
CÔNG ĐỐI ( Đối chỉnh ) là phép đối từng đôi chữ .
KHOAN ĐỐI ( Đối chưa chỉnh ) tất cả những phép đối khác .
----------------------
1/ CHỈNH ĐỐI ( Đối ngẫu ) ( Đối đôi ) ( Công đối )
Đây là phép đối thông dụng nhất, các chữ của câu trên và câu dưới theo thứ tự đối nhau từng chữ một hay từng cặp chữ kép một.
Nghiệp mãi thi hành thân khổ trước
Oan thường hiện hữu ý buồn sau
Nghiệp <đối với> Oan
mãi <đối với> thường
thân <đối với> ý
khổ <đối với> buồn
trước <đối với> sau
thi hành <đối với> hiện hữu
-------------------------
2/ TÁ ĐỐI ( Tá Tự Đối ) ( Bất đối chi đối ) ( Đối tiếng đối bóng )
Đối ý mà không đối chữ.
Cách đối này, Tiền Nhân rất thích dùng theo quan niệm Ý trọng hơn Từ.
Ví dụ 1
Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
- Hai câu này nếu so chữ, chúng ta thấy chẳng hề đối theo phép Chỉnh Đối.
Nhưng ý lại đối rất chặt chẽ
Ví dụ 2
Lũng thẳm rừng sâu bền ý định
Trùng khơi sóng cả vững tay chèo
- Nếu xét theo nghĩa của từ trong bài thì:
Ý định (danh từ)- tay (dt), chèo (đt) = không chỉnh đối
Nhưng chiếu theo nghĩa khác của từng từ
(không phải nghĩa trong bài)
Ý (dt)- tay(dt)
Định (ĐT) – Chèo (ĐT)
=> Đối rất chặt với nhau
----------------------
3/ LƯU THỦY ĐỐI ( Nước chảy thành đối ) ( ý tiếp ý thành đối )
Phép đối này là : ý câu dưới tiếp ý câu trên
Còn chăng lời hẹn bên trang sách,
Hay đã tàn theo ánh lửa đèn.
- Chúng ta thấy hai câu này không thể đối nhau.
Nhưng ý được nối tiếp với nhau .
----------------------
4/ TIỂU ĐỐI ( Tự đối nhau trong 1 câu )
Tự đối nhau trong từng câu.
Câu trên tự đối thì câu dưới cũng thế.
Hai câu đều tự đối.
Tự Đối dùng để đối với Tự Đối.
Cướp của đánh người quân tệ nhỉ
Xương gà da cóc có đau khôn
- Cướp của đối với đánh người.
- Xương gà đối với da cóc.
-----------------------
5/ ĐƯƠNG ĐỐI ( Đan đối )
Bao gồm 2 phép đối
Cú Trung Đối và Tựu Cú Đối
::::::::::::::::::::
Cú Trung Đối
Phép đối này có vế sau của 2 câu đối nhau rất chỉnh ,
còn vế trước của 2 câu thì tiểu đối ( tự đối nhau )
Phòng khuya bóng tẻ hoài mong nhớ
Mộng vỡ tình bay vẫn ngóng chờ
hoài mong nhớ <---> vẫn ngóng chờ ( Đối rất chuẩn )
(Phòng khuya bóng tẻ) và ( Mộng vỡ tình bay ) không cần đối
Nhưng
Phòng khuya <---> bóng tẻ ( đối rất chuẩn )
Mộng vỡ <---> tình bay ( đối rất chuẩn )
::::::::::::::::::::
Tựu Cú Đối
Phép đối này gần giống Cú Trung Đối
Phép đối này có vế sau của 2 câu đối nhau rất chỉnh ,
còn vế trước của 2 câu thì tiểu đối ( tự đối nhau )
Nhưng phần tiểu đối có phần bất đối .
Nghiêng thành đổ nước thời xuân trẻ
Nhạt phấn phai hương buổi héo già
thời xuân trẻ <---> buổi héo già ( Đối rất chuẩn )
Nghiêng thành <---> đổ nước ( tiểu đối rất chuẩn )
(Nhạt phấn) và (phai hương) ( bất đối )
-----------------------
6/ GIAO CỔ ĐỐI ( Đối chéo ) ( Đối tréo cẳng ngỗng )
Từng nhóm hay từng chữ của câu trên đối chéo với từng nhóm hay từng chữ của câu dưới
Chân bước vững đường chiều khấp khểnh
Rừng cây rậm rạp trúc vươn cao.
- Chân bước vững của câu trên đối chéo với trúc vươn cao của câu dưới
- đường chiều khấp khểnh của câu trên đối chéo với Rừng cây rậm rạp của câu dưới.
-------------------------
7/ PHIẾN ĐỐI ( Cách cú đối )
lấy câu thứ 3 đối với câu thứ 5,
lấy câu thứ 4 đối với câu thứ 6.
Bạn dửng dưng hoài phai sắc mộng (câu 3)
Dòng khơi sóng nổi bão giông đầy (câu 4)
Anh biền biệt mãi sầu mây gió (câu 5)
Ngõ quạnh sương choàng mắt lệ cay (câu 6)
____________________________
6) Bình đầu
Bài thơ thất ngôn bát cú mà
có 3 câu liên tiếp có chữ đầu tiên là những tiếng cùng một từ loại Bình đầu
có 3 câu liên tiếp có chữ đầu tiên là những tiếng cùng một cấu trúc Bình đầu
ngoại trừ trường hợp cố tình làm có mục đích rõ rệt.
Ví dụ làm theo các thể đặc biệt như : khoán thủ , khoán thủ nhất thanh .
------------------
Ví dụ bài thơ phạm Bình đầu
Đĩ già đi tu
( Huỳnh Mẫn Đạt )
Lầu xanh thánh thót tiếng chuông chiền
Tỉnh giấc Cao đường lúc ngửa nghiêng
Mượn chiếc thuyền tình qua bể ái
Đưa con sóng sắc tới rừng thiền
Trông gương trí tuệ đau lòng tục
Lần chuỗi bồ đề kết trái duyên
Mát mẻ cửa Không trăng gió sẵn
Dầu chưa nên Phật cũng nên tiên
Mượn , Đưa , Trông , Lần cùng là động từ phạm Bình đầu
Đưa , Trông , Lần cùng là âm Bằng phạm Bình đầu
Bình đầu : đầu bằng phẳng .
---------------------
Ví dụ bài thơ khoán thủ nhất thanh
bài sẽ không còn bị phạm Bình đầu
CHA
( Thủ nhất thanh-thủ vĩ ngâm-giao cổ đối )
CHA miền cực lạc biết hay không ?
CHA chốn ngàn non hiểu thấu lòng ?
CHA đợi nhìn con , luôn chốn ấy
CHA hoài ở đó , trẻ chờ trông
CHA khơi lửa đuốc , còn soi mãi
CHA đã đi xa , ngát gió đồng
CHA gửi hương hồn , say nỗi nhớ
CHA miền cực lạc biết hay không ?
Paris 24.05.2016
Soksrey Nữ sĩ Trà Mi .
Ở bài thơ khoán thủ nhất thanh này thì chữ CHA đã không còn bị phạm vào bất cứ lỗi gì nữa như : Điệp từ , Bình đầu ...
------------------
Muốn tránh bệnh Bình đầu
khi làm thơ , nếu đã làm được 2 câu có đầu cùng từ loại ( ví dụ động từ )
thì câu thứ 3 lập tức chuyển sang dùng từ loại khác ( ví dụ tính từ )
khi làm thơ , nếu đã làm được 2 câu có đầu cùng cấu trúc ( ví dụ Bằng )
thì câu thứ 3 lập tức chuyển sang dùng từ loại khác ( ví dụ Trắc )
nếu làm thơ theo chính luật thì khỏi phạm bệnh Bình đầu vì Bằng-Trắc .
___________________________
7- Thượng vỹ
Nếu trong 4 câu liên tiếp của bài thơ thất ngôn bát cú có
--- 3 cụm chữ cuối (567) giống nhau về từ loại phạm Thượng Vĩ .
--- 3 cụm chữ cuối (567) giống nhau về cấu trúc phạm Thượng Vĩ .
Ví dụ bài thơ phạm Thượng vỹ
VIẾNG THÀNH HUẾ SAU NGÀY ĐÌNH CHIẾN
Tác giả : Tú Xương
Nắng nhạt chiều thu quạ rộn ràng
Sầu vương lau lách lạnh thành hoang
Tro tàn thư viện duyên ngao ngán
Đá nát hoàng cung bước ngỡ ngàng
Gầy gọ gió sương tùng Thế miếu
Bẽ bàng trăng nước trúc Hương giang
Trông vời Thiên mụ mây man mác
Lơ lửng chuông hôm rụng tiếng vàng
Bài này có 4 cụm chữ cuối tạo nên thế Thượng vỹ ( chổng cao đuôi )
duyên ngao ngán
bước ngỡ ngàng
tùng Thế miếu
trúc Hương giang
dù ngao ngán , ngỡ ngàng (trạng từ)
và Thế miếu , Hương giang (danh từ riêng)
Khác từ loại
nhưng tất cả chúng là từ kép ( giống nhau về cấu trúc )
lại đều đứng sau 4 chữ cùng từ loại
duyên , bước , tùng , trúc ( đều là danh từ chung )
nên chúng tạo thành bộ tứ (4 cụm chữ cuối có cùng cấu trúc)
chỉ cần bộ tam thôi đã là Phượng vỹ rồi
---------------------
Muốn tránh phạm Phượng Vỹ
Khi làm thơ chú ý là trong 4 câu liên tiếp
tránh không cho chữ thứ 5 trong 4 câu này không có 3 chữ cùng tự loại
tự nhiên sẽ tránh được , cho dù 2 chữ (67) có giống từ loại hay cấu trúc cũng không sao .
_____________________________
Phạm đề/Mạ đề
Trong hai cặp thực và luận không được dùng chữ của đầu bài, nếu có chữ nào của đề lọt vào thì bị lỗi phạm đề hay mạ đề.
Cách tránh , ta làm thơ trước rồi đặt tựa đề cho bài thơ sau , chọn chữ nào tâm đắc sát nội dung trong 4 câu 1, 2 , 7 , 8 làm tựa đề , vừa sát ý và tránh phải Mạ đề .
____________________________
9) Khổ độc
Trong một bài thất ngôn,
chữ thứ ba các câu vần,
và chữ thứ năm các câu không vần
đáng là từ bằng mà đổi ra trắc
đáng là từ trắc mà đổi ra bằng
thì gọi là khổ độc
Những người làm thơ Đường luật
mà không rành luật thơ rất dễ mắc phải .
ngay cả đối với một số nhà thơ nổi tiếng cũng có khi mắc phải.
Ví dụ 1
QUA ĐÈO NGANG
( Bản gốc )
Tác giả : Bà Huyện Thanh Quan
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta .
----------------
Ví dụ 2
Hát bội
( Phan Văn Trị )
Đứa mắc *ghẻ *ruồi, đứa lác voi
Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi
Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc
Kẻ nịnh râu hoe mấy sợi còi
Trên trính có nhà còn lợp lọng
Dưới chân không ngựa lại giơ roi
Hèn chi chúng nói bội là bạc
Bôi mặt đánh nhau, cú lại thoi ..
------------------
Muốn tránh bệnh Khổ độc tốt nhất là làm thơ theo chính luật thì sẽ không bao giờ phạm Khổ độc, còn làm thơ theo thứ luật phải xem xét cho thật kỹ .
___________________________
10) Trùng từ
Một từ được dùng 2 hoặc 3 lần trong bài thơ
thì gọi là trùng từ hoặc điệp từ
Ngoại trừ bài thơ làm theo các thể
độc vận , khoán thủ nhất thanh , bát điệp ...
Ví dụ
QUA ĐÈO NGANG
Tác giả : Bà Huyện Thanh Quan
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta .
-------------------
Muốn tránh lỗi trùng từ
khi làm thơ nên nhớ chữ nào đã dùng rồi là không được dùng lại .
___________________________
11) Trùng ý
Từ ý đã dùng rồi mà còn dùng nữa thì gọi là Trùng ý.
Trùng Ý ở cặp câu thực còn gọi là Hiệp Chưởng (hai bàn tay úp vào nhau)
Trùng Ý ở cặp câu luận còn gọi là Bổ Nứa hay Sàng Túc
(hai cái giường chồng lên nhau)
Nếu hai cặp thực và luận lại trùng ý nhau nữa
thì gọi là Điệp Sàng Xá Ốc (giường nhiều lớp, nhà gác chồng)
------------------
Ví dụ 1
QUA ĐÈO NGANG
Tác giả : Bà Huyện Thanh Quan
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta ..
Dừng chân đứng lại dừng chân có nghĩa là đứng lại (Trùng Ý)
------------------
Ví dụ 2
THÁCH HỌA
(Công chúa em Minh Mạng)
Thế sự nhìn xem rối cuộc cờ
Càng nhìn càng nghĩ lại càng dơ
Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm
Gõ vỡ trần gian tiếng mõ trưa
Chu tử ngán mùi nên vải ấm
Đỉnh chung lợm giọng hoá chay ưa
Lên đàn cứu khổ toan quay lại
Bể ái trông ra nước đục lờ
(Công chúa em Minh Mạng)
Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm
Gõ vỡ trần gian tiếng mõ trưa
phạm lỗi Hiệp Chưởng
----------------
Ví dụ 3
VỊNH PHÁO TRE
Hương Kiểu
Đông tàn xuân đã đến đây be
Bốn phía rền vang những pháo tre
Mắng tiếng giật mình loài quỷ xó
Nghe hơi mất vía lũ ma hè
Trêu người trướng gấm kinh hồn điệp
Ghẹo kẻ màn loan tỉnh giấc hoè
Trừ cựu mượn chàng kêu một tiếng
Mừng xuân muôn cửa chán tai nghe
Mắng tiếng giật mình loài quỷ xó
Nghe hơi mất vía lũ ma hè
Trêu người trướng gấm kinh hồn điệp
Ghẹo kẻ màn loan tỉnh giấc hoè
cùng 1 ý là làm người khác , loài khác giật mình hoảng sợ ,
phạm lỗi điệp sàng xá ốc
--------------------
Muốn tránh lỗi trùng ý
1. Tránh dùng từ dị âm đồng nghĩa
2. Khi sáng tác cần theo hướng mở , ý nào đã dùng rồi thì đừng nhắc lại .
______________________________
12) Điệp điệu
Hai câu hay nhiều câu có
cách ngắt nhịp như nhau gọi là Điệp Điệu
Thường gặp ở 2 cặp câu Thực và Luận .
-----------------
Ví dụ 1
GIỮ MỰC THANH LIÊM
( Đặng Xuân Bảng )
Chớ nghĩ là quan đã bảnh bao
Yêu nhau một giống nghĩa đồng bào
Bới lông tìm vết / lòng không nỡ
Giục bị xui nguyên / tội xiết bao
Dấu đỏ loè dân / trò lính lệ
Môi thâm hót nhảm / lối cường hào
Kiếm xu không phải mình không thạo
Bắt nạt dân đen có lẽ nào ..
----------------
Ví dụ 2
HẰNG NGA
( Hồ Xuân Hương )
Hỡi chị Hằng Nga náu Quảng Hàn
Bốn mùa trăng gió với giang san
Áo tiên / tuy nhuộm / mùi Vương Mẫu
Hương tục / còn nồng / lửa Hậu Lang
Mắt phượng / đã say / miền ngọc thỏ
Cung nghê / nỡ phụ / khúc cầm loan
Nếu không duyên nợ cùng người thế
Xin chớ gieo mình nước hợp loan ..
-----------------
Muốn tránh lỗi Điệp Điệu chỉ có cách phải thay đổi nhịp câu liên tục
Với hai cặp câu đối chỉ có cách đối theo phép Giao Cổ Đối .
_____________________________
13) Điệp thanh
--- Trong 1 câu
có 3 chữ cùng thanh dấu sẽ phạm lỗi Điệp Thanh
--- Trong 2 câu liên tiếp ở cùng vị trí
mà có 3 chữ cùng thanh dấu cũng phạm Điệp Thanh .
Ví dụ
CUNG OÁN
( Ôn Như Hầu )
Trên đài hiu hắt ngọn đèn hoa
Gang tấc xem bằng mấy dặm xa
Một kiếp đã đành rằng để vậy
Chín trùng có thấu đến chăng là
Ỏi tai ngán nỗi đàn ve gảy
Tan mặt buồn tênh cái nhện sa
Ví biết (thân) này chi khó bấy
Quyền (môn chen) chúc chẳng bằng thà
câu 1: Trên đài hiu hắt ngọn đèn hoa
Trên , hiu , hoa cùng thanh dấu
câu 2: Gang tấc xem bằng mấy dặm xa
Gang , xem , xa cùng thanh dấu
câu 1 và câu 2
Trên đài hiu hắt ngọn đèn hoa
Gang tấc xem bằng mấy dặm xa
có tới 6 chữ cùng thanh dấu ở cùng vị trí 1 , 3 , 7
Trên , Gang , hiu , xem , hoa , xa
câu 4: Chín trùng có thấu đến chăng là
3 chữ có thấu đến cùng thanh dấu
câu 4 và câu 5
Chín trùng có thấu đến chăng là
Ỏi tai ngán nỗi đàn ve gảy
có 4 chữ cùng thanh dấu ở cùng vị trí 3 , 4 , 5
có , thấu , đến , ngán
câu 6: Tan mặt buồn tênh cái nhện sa
Tan , tênh , sa cùng thanh dấu
câu 7: Ví biết (thân) này chi khó bấy
Ví , biết , khó , bấy cùng thanh dấu
câu 7 và câu 8
Ví biết (thân) này chi khó bấy
Quyền (môn chen) chúc chẳng bằng thà
có 3 chữ cùng thanh dấu ở cùng vị trí 3 , 4
(thân) , (môn) , (chen)
------------------
Muốn tránh lổi Điệp Thanh
--- chỉ còn cách là khi sáng tác cần cân nhắc từng chữ để không phạm lỗi .
--- sáng tác thơ theo thể Ngũ Độ Thanh sẽ không bao giờ phạm lỗi Điệp Thanh .
_____________________________
14) Điệp âm
Trừ bộ vần
- có hai chữ cùng âm đúng gần nhau trong 1 câu (trừ từ láy)
- có hai chữ cùng âm cùng vị trí trong hai câu liền nhau
- có ba chữ cùng âm trong 1 bài thơ .
---------------------
Ví dụ
VÔ ĐỀ
( Khuyết danh )
Hồng dẫu hư lông đâu sợ sẻ
Chồn toan mượn lốt để hù nai
Giàn treo trã cá vung không đậy
Bếp tạt mưa đêm nước nhỏ đầy
Chim oanh đường cũ đương bay nhảy
Chồi quế sân trong muốn thập thò
Hồng , lông , không , trong cùng âm ong và ông
đường , đương cùng âm ương
-------------------
Những tiếng cùng âm đứng kế liền nhau
mà là các từ đôi lắp láy thì không kể là lỗi.
Ví dụ 1
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
( Nguyễn Khuyến )
Ví dụ 2
Ngàn mai lác đác chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà
( Bà Huyện Thanh Quan )
Ví dụ 3
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Chỉ vì một chút tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo
(Hồ Xuân Hương)
------------------
Muốn tránh lổi Điệp Âm chỉ còn cách là khi sáng tác cần cân nhắc từng chữ để không phạm lỗi .
______________________________
15) Đại vận
Nếu chữ thứ 4 trong câu cùng vần (đồng âm)
với chữ cuối câu thì phạm lỗi Đại Vận .
Ví dụ:
Bâng khuâng ngày xế cả than trời
Ai đố cho (người) gánh nạn đời
Làng đế đành theo ông hữu đạo
Cõi phàm hỗ ngó lũ vô quân …
( Nguyễn Đình Chiểu )
Siếu mai chi dám tình trăng gió
Bồ liễu thôi (đành) phận mỏng manh
( Hồ Xuân Hương )
Nước non nào phải của ai đâu
Nhiều ít công (hầu) cũng mặc dầu
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
-----------------
Muốn tránh lỗi Đại Vận thì nên nhớ
trong thơ Đường luật Vần là xương sống của cả bài
chữ trong bài không được đồng âm với vần .
______________________________
16) Tiểu vận
Nếu chữ thứ 2 trong câu vần với chữ thứ 6 hoặc thứ 7 thì phạm lỗi Tiểu Vận.
Ví dụ lỗi Tiểu Vận
Chín bệ dâng lời dù khép nép
Bốn (phương) trông ngóng cũng (nương) nhờ
( Phan Huy Ích )
Ví dụ lỗi Tiểu Vận và cả Đại Vận
THI HỎNG
( Trần Tế Xương )
Mai (này) tớ hỏng tớ đi ngay (Tiểu Vận)
Cúng giỗ từ (nay) nhớ lấy ngày (Đại Vận)
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay
Sách đèn phó mặc đàn con trẻ
Thưng đấu nhờ (tay) một mẹ mày (Đại Vận)
“Cống hỉ” “mét xì” đây thuộc cả
Chẳng (sang) Tàu tớ cũng (sang) Tây (Tiểu Vận)
-----------------
Muốn tránh lỗi Tiểu Vận thì nên nhớ
--- trong thơ Đường luật Vần là xương sống của cả bài
chữ trong bài không được đồng âm với vần .
--- chữ số 2 là xương cổ , chữ số 6 là xương chi không được cùng vần .
______________________________
17) Phong yêu
Trong 1 câu
chữ thứ 2 cùng thanh dấu với chữ cuối câu thì phạm lỗi Phong Yêu.
Ví dụ:
Để bụng phải đeo điều nhẹ nặng
Ôm tai mặc quách tiếng chê khen
( Trần Tế Xương )
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến
Giong lèo thây kẻ ráp xui ghềnh
( Hồ Xuân Hương )
-------------------
Muốn tránh lỗi Phong Yêu
sau khi làm bài thơ xong
cần xem lại chữ số 2 có cùng thanh dấu với chữ cuối không ?
nếu có phải thay từ đồng nghĩa nhưng khác thanh dấu ngay lập tức .
________________________________
18) Hạc tất
Trong 1 câu
chữ số 4 cùng thanh dấu với chữ cuối câu thì phạm lỗi Hạc Tất.
-------------------
Ví dụ:
Nghe lời phi pháp tai làm điếc
Nghĩ nỗi nhân tình ruột lại đầy
( Khuyết danh )
-------------------
Tôn Phu Nhân Qui Thục
( Tôn Thọ Tường )
Cật ngựa thanh gươm ven chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn
Thà mất lòng anh được bụng chồng
Bài này câu 2 phạm phong yêu, câu 3 phạm hạc tất.
------------------
Cảm hoài
( Phan Thanh Giản )
Chút nghĩa vương mang phải gắng đi
Tang bồng đành rõ khí nam nhi
Thuyền ngô phơi phới giăng hòn bạc
Khói đá phăng phăng lướt tích ti
La Hán dang tay chờ khách đến
Tướng quân hé mắt hẹn ngày về
Phen này miễn được hoà hai nuớc
Nỗi tớ xin đừng bận bịu chi
Bài này câu 1, 4 phạm hạc tất, câu 5 phạm phong yêu.
------------------
Muốn tránh lỗi Hạt Thất
sau khi làm bài thơ xong
cần xem lại chữ số 4 có cùng thanh dấu với chữ cuối không ?
nếu có phải thay từ đồng nghĩa nhưng khác thanh dấu ngay lập tức .
_____________________________
19) Chánh nữu
Trong một câu
--- có nhiều hơn hai chữ có cùng phụ âm đầu
--- hoặc nhiều hơn hai chữ cùng bắt đầu bằng 1 nguyên âm,
với chữ không có phụ âm đầu
thì phạm lỗi Chánh Nữu.
Ví dụ:
Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao long lánh bóng trăng loe
( Nguyễn Khuyến )
------------------
Muốn tránh phạm Chánh Nữu chỉ có cách xem xét cho thật kỷ mà tránh thôi .
____________________________
20) Bàng nữu
Trong 2 câu liên tiếp nếu có
--- nhiều hơn hai chữ có cùng phụ âm đầu
--- hoặc nhiều hơn hai chữ cùng bắt đầu bằng 1 nguyên âm,
với chữ không có phụ âm đầu
thì phạm lỗi Bàng Nữu.
------------------
Ví dụ 1
ĐÓN TẾT
( Trần Tế Xương )
Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành tết khác
Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo ..
Câu 1 , câu 8 , câu 7 phạm lỗi Chánh Nữu
câu 1+2 phạm lỗi Bàng Nữu.
------------------
Ví dụ 2
Viếng thành Huế sau ngày đình chiến
( Trần Tế Xương )
Nắng nhạt chiều thu quạ rộn ràng
Sầu vương lau lách lạnh thành hoang
Tro tàn thư viện duyên ngao ngán
Đá nát hoàng cung bước ngỡ ngàng
Gầy gọ gió sương tùng Thế miếu
Bẽ bàng trăng nước trúc Hương giang
Trông vời Thiên Mụ mây man mác
Lơ lửng chuông hôm rụng tiếng vàng ..
Bài này vừa phạm Chánh Nữu vừa phạm Bàng Nữu
Ở đây chỉ xét riêng về Bàng Nữu
câu 2 và câu 3
Sầu vương lau lách lạnh thành hoang
Tro tàn thư viện duyên ngao ngán
có 4 chữ bắt đầu là phụ âm đầu là t :
thành , Tro , tàn , thư
câu 5 và câu 6
Gầy gọ gió sương tùng Thế miếu
Bẽ bàng trăng nước trúc Hương giang
có 4 chữ bắt đầu bằng phụ âm đầu là t :
tùng , Thế , trăng , trúc
câu 6 và câu 7
Bẽ bàng trăng nước trúc Hương giang
Trông vời Thiên Mụ mây man mác
có 4 chữ bắt đầu bằng phụ âm đầu là t :
trăng , trúc , Trông , Thiên
câu 7 và câu 8
Trông vời Thiên Mụ mây man mác
Lơ lửng chuông hôm rụng tiếng vàng ..
có 3 chữ bắt đầu bằng phụ âm đầu là t :
Trông , Thiên* , tiếng
---------------------
Muốn tránh phạm Bàng Nữu chỉ có cách xem xét cho thật kỷ mà tránh thôi .
_______________________________
PHÉP HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Có 2 thể thức họa thơ Đường luật là: Họa Hạn Vận và Họa Phóng Vận.
_______________________
1. HỌA HẠN VẬN:
Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước.
Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy.
Họa Hạn Vận nầy không có bài xướng để dựa theo mà họa
hơn thế nữa, ta phải:
- Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn.
- Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định.
Thí dụ: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau:
a. Ðầu đề (nội dung) là:
Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám dở mùng chun vô
b. Năm vần hạn định theo thứ tự là: xô - cô - vô - ô - rô.
Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định
được giải nhất mà tác giả lại là một thiền sư chân tu!...
như sau đây:
Nào phải là ai dám giục xô
Thuận tình trước hết tự nơi cô
Có cho mới dám trao dùi đánh
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
Ham vui quên hết chuyện dâm ô
Thói hư thuần thước xưa còn lạc
Đừng học làm chi gióng nhảy rô
_______________________
2. HỌA PHÓNG VẬN
Họa Phóng Vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại
mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng
còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).
Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Họa Hoán Vận và Hoạ Tá Vận.
__________________________
a. Họa Nguyên Vận
Là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa luật.
__________________________
b. Họa Đảo Vận
Là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.
__________________________
c. Họa Hoán Vận
Là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.
___________________________
d. Họa Tá Vận
Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được người ta làm rất nhiều vì dễ làm
____________________________
e. Những điểm đáng nhớ khi họa thơ
* Không được dùng trùng từ thứ 6 trong các câu có vần của bài xướng.
( không được dùng lại chữ thứ 6 ở các câu 1-2-4-6-8 của bài xướng. )
* Càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những từ đặc biệt không thể tránh được.
* Hoạ nguyên vận là phải dùng lại vần đồng âm đồng nghĩa của bài xướng. Nếu dùng vần đồng âm dị nghĩa là không đúng phép hoạ thơ Đường luật.
Ví dụ chữ hè
Bài xướng là mùa hè mà bài họa là vĩa hè ( lỗi )
* Năm vần tức là 5 tiếng (chữ) cuối của các câu 1 - 2 - 4 - 6 - 8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi.
* Chỉ cần sai 1 trong vần kể trên thì bài họa coi như bị hỏng, và như vậy gọi là bị Xuất Vận nghĩa là bị ra khỏi vần đã hạn định cho mình, dĩ nhiên bài họa đó bị lỗi .
* Bài xướng nói lên ý gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm.
* Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó (trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp). Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại.
* Ngoài ra bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen 1 vấn đề gì thì bài họa có thể chê vấn đề đó (gọi là phản đề, nhưng không bắt buộc).
_______________________________
f. Hai bài Xướng-Họa nổi tiếng trong văn học Việt Nam
Bài Xướng:
TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
( của Tôn Thọ Tường )
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh được bụng chồng
Bài Họa:
TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
( của Phan Văn Trị )
Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng
______________________________
CÁC DẠNG THỨC CỦA THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT
Thơ thất ngôn bát cú cũng có nhiều dạng thức , là sự biến thể từ thơ thất ngôn bát cú . Về sau để tránh đơn điệu do bài thơ thất ngôn bát cú phải chịu sự ràng buột của những qui tắc bắt buột , người làm thơ đưa thêm vào nhiều dạng thức khác tăng thêm độ khó cho bài thơ thất ngôn bát cú , tạo thêm sự hấp dẫn khi xướng họa thơ cho vui .
_________________________
1- Thơ thất ngôn cổ phong
Cổ phong hay cổ thi, cổ thể, cổ thể thi là một thể thơ cổ có từ nhiều thời đại trước đời nhà Đường. Về sau trở thành tên gọi chung tất cả thơ ngũ ngôn, thất ngôn mà không theo luật, gồm ngũ ngôn cổ thi, thất ngôn cổ thi, tam ngôn thi, tứ ngôn thi, lục ngôn thi..., không theo niêm luật, không hạn chế số câu, chữ như thơ Đường luật.
Thơ Cổ Phong có thể dùng một vần (độc vận) hay nhiều vần (liên vận) nhưng vần vẫn phải thích ứng với quy luật âm thanh, có nhịp bằng trắc xen nhau cho dễ đọc .
Ví dụ
*ĐỘC TIỂU-THANH KÝ
Tác giả Nguyễn Du
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư,
Đố điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữ thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan ấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Tạm dịch theo thể cổ-phong như sau:
Vườn Tây mai thắm bỏ hoang vu,
Ta khóc bên song viết lá thư:
Hậu-thế xót thương hồn phấn sáp
Dạ ghen nỡ đốt nghiệp văn thơ?
Hận tình vốn dĩ: Trời khôn hỏi!
Oan kẻ tài hoa cảm-hoá ta.
Chẳng biết, sau hơn ba thế-kỷ,
Thiên-hạ ai người khóc Tố-Như?
Thơ cổ-phong giống như thơ Đường
Như bài này giống như bài thất ngôn bát cú Đường Luật
nhưng không buộc phải theo niêm, luật và đối, miễn là có vần điệu, hoặc
độc-vận, hoặc liên-vận, lại không hạn định số câu và có thể
trường-thiên .
__________________________
2- Thơ thất ngôn bát cú Thủ Vĩ Ngâm
Là bài thơ mà câu 8 cố tình lặp lại y hệt câu 1 nhằm nhấn ý của câu phá đề và tạo ra cái kết tuần hoàn có chu kỳ . Trường hợp này sẽ không phạm vào lỗi điệp từ , trùng từ , trùng ý .
Ví dụ
VỀ ĐÂY
( Thủ vĩ ngâm )
Lâu ngày cách biệt mới về đây
Mắt ngọc hoen mờ gợn khói mây
Dạ khách bâng khuâng xao xuyến mãi
Lòng tôi thảng thốt với nơi nầy
Lao vào khóc kể trong lòng mẹ
Chạy đến ôm vai níu áo thầy
Bịn rịn bùi ngùi bao cảm xúc
Lâu ngày cách biệt mới về đây
Paris 08.05.2016
Soksrey Nữ sĩ Trà Mi
__________________________
3- Thơ thất ngôn bát cú Vĩ Tam Thanh
Là bài thơ mà cuối mỗi câu đều có từ láy ba
Ví dụ
LUYỆN CỜ
Suốt ngày ôm sách cửa cừa cưa
Thua mấy thì thua chứa chửa chừa
Kỹ quá nên đành sương sướng sượng
Sơ nhiều chả trách đửa đừa đưa
Thế hòa sao cứ đàu đau đáu
Nước thắng can chi bứa bửa bừa
Cứ gắng, việc đời nan nán nản'
Biết bao gương sáng xửa xừa xưa
Trường Văn Nguyễn Phước Thắng
_______________________
4- Thơ thất ngôn bát cú Bát Đồng Âm Vận
Là bài thơ không chỉ 5 chữ VẦN đồng âm mà là cả 8 chữ cuối của bài thơ phải theo một ÂM
Ví dụ
NHẢ TƠ
( Bát đồng âm vận )
Rộn rã trong lòng ngỡ trẻ thơ
Hồn nhiên múa hát thực không ngờ
Chiều mưa nặng hạt khơi tình mở
Tối xẩm giăng mù gợi ý mơ
Bỗng hiện dòng tin người nhắc nhớ
Bừng lên ký ức kẻ mong chờ
Mừng vui trống dậy dường tim vỡ
Nhộng sắp cho ngài kén nhả tơ
24/05/2016 +Phan Thái Hà
_________________________
5- Thơ thất ngôn bát cú Bát Tiểu Đối
Là bài thơ mà cả 8 câu , trong mỗi câu đều có 2 vế đối nhỏ .
Ví dụ
ÁI & ÂN
( Bát tiểu đối )
Ái nhạt ân nồng cũng chỉ mơ
Đường duyên phận số đã phai mờ
Thôi đành rã phím lìa cung nhạc
Phải chịu xa tình dứt nghĩa tơ
Nước mặn đồng chua chàng vẫn giữ
Nhà cao cửa rộng thiếp luôn chờ
Nay chào bạn cũ theo người mới
Phẩm vật kim tiền mãi thích cơ.
2016. +phương nguyễn
________________________
6- Thơ thất ngôn bát cú Thủ Nhất Thanh (NHẤT ĐỒNG)
Là bài thơ mà chữ thứ nhất của cả 8 câu được cố ý lặp lại 1 chữ với mục đích rõ rệt , trường hợp này được xem là không phạm lỗi điệp từ , trùng từ .
Ví dụ
NHẪN ( nhẫn )
( Thủ nhất thanh)
NHẪN được chua cay dứt nỗi phiền
NHẪN điều dục vọng ắt thần tiên
NHẪN luôn nữ sắc rèn tâm đạo
NHẪN mãi đường danh mở trí thiền
NHẪN kẻ điêu ngoa hồn thoải mái
NHẪN người xảo trá dạ bình yên
NHẪN câu trưởng bối mình không thẹn
NHẪN cả thân nhân gặp phúc liền.
18/10/2015. +phương nguyễn
__________________________
7- Thơ thất ngôn bát cú Bát Láy Tập Danh
Là bài thơ mà trong cả 8 câu , mỗi câu đều có 1 từ láy , mỗi câu đều cho một danh từ cùng nói về tên một loài vật nào đó ( tập danh CHIM , tập danh HOA , tập danh CÁ ... )
Ví dụ
HOA
( Bát láy - tập danh )
TƠ TÌNH sắc PHƯỢNG đỏ trên cây
SỰC NỨC HOÀNG LAN ngả cánh gầy
HUỆ trắng MƠ MÀNG cho dạ ngẩn
SEN hồng RẠO RỰC để hồn ngây
Mà thương cội SÚNG LÊNH ĐÊNH hỡi
Lại xót BÈO hoa VẬT VÃ nầy
Cảm mến ANH ĐÀO XAO XUYẾN đợi
Cho nàng SỬ NỮ NGẨN NGƠ đây.
29/5/2016 +Dung nguyên
Bát láy : tơ tình , sực nức , mơ màng , rạo rực , lênh đênh , vật vã , xao xuyến , ngẩn ngơ .
Tập danh : ( HOA ) phượng , hoàng lan , huệ , sen , súng , bèo (hoa bèo) , anh đào , sử nữ .
________________________
8- Thơ thất ngôn bát cú Khoán Thủ ( DĨ ÐỀ VI THỦ )
Là bài thơ mà 8 chữ đầu của mỗi câu phải tuân theo 8 chữ mà người ta định trước , như làm thơ khoán thủ theo 1 câu nói , câu thơ nổi tiếng có sẵn .
Ví dụ
CHÚC MỪNG SINH NHẬT CỐ NHÂN
( Khoán thủ)
Khoán thủ theo câu
NGHIÊNG BÚT CHÚC MỪNG GIỜ TUỔI CỐ NHÂN
NGHIÊNG dòng nét chữ lập vài câu
BÚT mực lời tâm ước nguyện cầu
CHÚC bạn công danh càng vững chắc
MỪNG ngày kỉ niệm mãi bền lâu
GIỜ vàng phú quý về bên ngõ
TUỔI mới vinh hoa đến cửa lầu
CỐ hữu danh đề người mến phục
NHÂN từ trí dũng huệ cao sâu.
8/12/2015. +phương nguyễn
__________________________
9- Thơ thất ngôn bát cú Khoán Vận ( DĨ ÐỀ VI VẬN )
Lấy đầu đề làm vần .
KHÔNG CHỒNG TRÔNG BÔNG LÔNG
Bực gì bằng gái chực phòng không
Tơ tưởng vì chung một tấm chồng
Trên gác rồng mây ngao ngán nhẽ!
Bên trời cá nước ngẫn ngơ trông
Mua vui lắm lúc cười cười gượng
Gỉa dại nhiều khi nói nói bông
Mới biết có chồng như có cánh
Giang sơn gánh vác nhẹ bằng lông.
Tác giả Nguyễn Khuyến
___________________________
10- Thơ thất ngôn bát cú Tung Hoành Trục Khoán
Là bài thơ khoán thủ theo trục tung và hoành
Tung : 8 chữ đầu câu , khoán theo 8 chữ của đề ra
Hoành : 7 chữ của câu 8 , khoán theo 7 chữ của đề ra
Tung và hoành giao nhau ở chữ đầu của câu số 8
Cả thảy khoán theo câu nói , câu thơ nổi tiếng có 14 chữ .
Ví dụ
ANH ĐÃ THÁNG NGÀY THƯƠNG NHỚ MÃI
EM CÒN GIÂY PHÚT ĐỢI CHỜ KHÔNG
(Tung hoành trục khoán-giao cổ đối-bát đồng âm vận)
ANH giờ dạ nẫu cứ hoài trông
ĐÃ chín mười năm mộng¹ dáng hồng
THÁNG ngẩn ngơ tìm trong lối mộng²
NGÀY buồn bã đứng giữa trời đông
THƯƠNG người nghĩa mặn nhìn ra cổng
NHỚ lại tình yêu buổi ái nồng
MÃI trách ông tơ làm lạc lõng
EM CÒN GIÂY PHÚT ĐỢI CHỜ KHÔNG ?
15/5/2016 +phương nguyễn
*đồng âm dị nghĩa : 1(đgt) . 2(dt).
*cặp luận giao cổ đối.
_________________________
11- Thơ thất ngôn bát cú Ngũ Độ Thanh
Là một dạng thức khó nhất của thơ thất ngôn bát cú Đường luật
Thơ Ngũ Độ Thanh
--- Dấu là : dấu sắc huyền hỏi ngã nặng phù ( phù : là không dấu )
--- Mỗi 1 câu thơ phải có ít nhất 5 dấu
--- Theo chính luật không dùng thứ luật
( Dù là chữ 1, 3, 5 trong câu cũng phải theo chính luật Bằng Trắc )
--- Hai chữ đi liền nhau không được cùng dấu
--- Câu nào cho 3 chữ trắc thì 3 chữ đó phải khác dấu
--- Câu nào có 4 chữ Trắc thì phải có đủ 4 dấu sắc hỏi ngã nặng
Ưu:
- Tính nhạc bài thơ tăng lên nhiều; câu thơ du dương, mượt mà hơn.
- Bài thơ viết theo lối NĐT thì cũng tránh được phần nào một số lỗi-bệnh; nhất là tránh triệt để lỗi điệp thanh, khổ độc.
Khuyết:
- Những từ láy, từ ghép có 2 chữ cùng dấu thanh không thể dùng được trong NĐT, thiếu đi một lượng lớn từ ngữ Việt không được dùng đến.
- Việc chọn lựa từ ngữ cho thơ cũng trở nên khắt khe hơn vì phải né tránh cho khỏi trùng thanh, vì vậy phải công phu hơn mất nhiều thời gian hơn để làm bài thơ NĐT. Khi làm thơ Ngũ Độ Thanh mọi người đôi khi rất nản chí vì phải gò ép và mất thời gian vì phải vận dụng rất nhiều từ ngữ để sắp xếp làm sao có ít nhất 1 câu có 5 dấu thanh.
Ví dụ
HÒN VỌNG PHU
Mãi nguyện không còn khắc khoải đông
Ngàn thu lặng lẽ nhớ thương chồng
Sương dầm lạnh lẽo đau lòng đá
Bão nổi âm thầm buốt dạ sông
Nuốt mặn bồng con lầm lũi trải
Ôm sầu tựa núi thẫn thờ trông
Dù cho ngọn lửa luôn nồng cháy
Vạn thuở trường chinh lỡ phím đồng.
11/6/2013 Nguyên Xuân
***
Ví dụ
ĐƯỜNG MƠ
(Ngũ độ thanh)
Chặt chẽ thi Đường bí trải thơ
Nhiều khi nhẫn nại để ngâm chờ
Vần thanh khúc khủy hay nhầm lỡ
Sắc độ vuông tròn dễ nhả tơ
Đối nghĩa song từ nên gợi mở
Đồng âm bát ngữ phải nương thờ
Lòng ta đã muốn đâu còn sợ
Mãn nguyện công thành cứ tưởng mơ
29/05/2016 +Phan Thái Hà
_______________________
12- Thơ thất ngôn bát cú thể Liên Hoàn
Ví dụ
LÍNH TẬP VINH QUY
Chú đội qua Tây thắng trận về.
Cả nhà đón rước thật mừng ghê!
Ông già, bà lão gồm hai cụ
Vợ giảnh[1], con ngoan đủ mọi bề.
Nảy ngực mề đay tiền bạc chói
Rạng mình khố đỏ áo vàng xuê
Giang sơn mày mặt càng tươi tốt
Bộ cất tay lên ngó cũng nghề.
Bộ cất tay lên ngó cũng nghề[2]
Miệng cười tróm trém, húi râu dê[3]
Xông pha trăm trận từng hăm hở
Gánh vác hai vai ghẹo[4] nặng nề!
Mở mặt Tiên Rồng dòng Đại Việt
Nổi danh hùng hổ cõi Âu-Tê[5]
Trong tình cảnh nọ dầu không vẻ
Văng vẳng dường nghe tiếng ắc - đê![6]
( N.V.H )
(1)- vợ giảnh: vợ đẹp ( tiếng Nghệ )
(2)- Có vẻ tay nghề.
(3)- Bộ râu xén như râu dê
(4)- Dù công việc có nặng đến đâu, cũng không ngại.
(5)- Âu Tê: Âu Tây.
(6)- ắc - đê: tiếng hô đi đều của lính Pháp.
________________________
13- Thơ thất ngôn bát cú Ô Thước Kiều
1/ Về bản chất, cũng là thể thơ liên hoàn, nhưng thay vì lấy cả câu cuối của bài trên làm cầu đầu của bài dưới. Ô kiều thước chỉ lấy vài câu cuối của bài trên để mở đầu bài dưới.
2/ Ô kiều thước tối thiểu phải từ 2 bài trở lên, không hạn chế số bài, tùy vào khả năng của người viết.
3/ Nhưng vì các bài hợp lại là một, nên phải có cùng một ý chung, hay cùng mạch nội dung truyện. Đồng thời các bài sau không được dùng lại từ của các bài trước, trừ trường hợp từ cùng âm khác nghĩa. (Được dùng từ khác âm cùng nghĩa).
Ví dụ
TUỔI BIỆT LY
(Thập thủ, ô thước kiều,
tuần hoàn bất tận thi)
1
MỘNG NHỠ NHÀNG rồi biết nói chi
Bão giông đày đọa dáng xuân thì
Giọt trào giọt sánh đầy tay nải
Câu nuối câu hờn đẫm khóe mi
Mới ướm cung chờ chưa hội ngộ
Vừa trao tiếng hẹn đã phân kỳ
Nhạc lòng khẽ vọng niềm u uất
Tự khóc cho mình TUỔI BIỆT LY
2
TUỔI BIỆT LY mang nhược mái đầu
Ngâm rằng sỏi đá rất cần nhau
Mà con thuyền muộn đâu vào bến
Để nhánh sông côi chả bắc cầu
Hồn liễu run theo làn gió thoảng
Hồi còi xé toạc bóng đêm thâu
Tàu đi sóng tán bâng khuâng lệ
Nợ áng trăng rơi khất ĐỈNH LẦU.
3
ĐỈNH LẦU hiu hắt nguyệt nằm khan
Cửa sổ chơi vơi rớt giọng đàn
Nhịp lỗi phách sai bài thán vẳng
Dây chùng nốt lặng khúc sầu lan
Bồi hồi lục thảo đưa hương nhớ
Lác đác ty gon dỗi nắng tàn
Lũ dế than ngôi rầu nức nở
Triền đê ảm đạm sũng SƯƠNG HÀN
4
SƯƠNG HÀN cưỡng dậu buốt tim ta
Chênh chếch song thưa gã cuội tà
Quầng xám bào hao viền ảo tượng
Ráng chàm se sắt nhuộm bao la
Tiêu điều phố xá không tin nhạn
Tĩnh mịch trang đài chẳng sắc hoa
Dĩ vãng ngập chìm sôi đáy cốc
Lần trong kỉ niệm ngỡ NHƯ LÀ...
5
NHƯ LÀ giấc điệp ngẫu mong manh
Giữa tiết đương tươi lá giã cành
Ngõ vắng vườn hoang thềm phủ bụi
Phòng cô gác nhỏ nhện giăng mành
Tìm khuây hướng ấy nồng môi bạn
Ôm tủi phương này khướt phận anh
Số kiếp an bài duyên trắc trở
Dầu trăm chữ THỆ CŨNG THÔI ĐÀNH.
6
THỆ CŨNG THÔI ĐÀNH bỏ ước mơ
Ngàn kiêu áo tím đỗi hoen mờ
Doanh môn rẽ lối im lìm cảnh
Mạch vận chia dòng khắc khoải thơ
Ngọc nữ tả tơi rời sợi quyến
Tường vy héo hắt lịm thân ngờ
Xin hoài ẩn dật miền băng giá
Khổ đóa ban kia CỨ THẪN THỜ.
7
THẪN THỜ ngơ ngẩn dọc triền đê
Xao xuyến tâm tư suốt nẻo về
Lãng tử dìm ngôi ghìm phím luyến
Uyên ương sải cánh nuốt lời thề
Lỡ làng cội ái đang trườn gượng
Đau đáu phiên tình luống ngủ mê
Chưng hửng sáo diều nghi hoặc quá
Bổng trầm ai oán lộng SƠN KHÊ.
8
SƠN KHÊ kết dấu ngạo can trường
Vó ngựa quy hồi khát ánh dương
Nghĩ gấm luôn bền cùng bắc đẩu
Dè bông còn thắm tận thiên đường
Dịu dàng sám tội mong em thứ
Lặng lẽ van trời dõi mắt thương
Chỉ thấy voan rèm loang lỗ rụng
Cổng nhà rêu ố MỊT MÙNG VƯƠNG.
9
MỊT MÙNG VƯƠNG khói ngộ liêu trai
Từ dạo ong chê bướm lạc loài
Gương sáng bao giờ khi ngọc vỡ
Cúc vàng mấy độ lúc thu phai
Trách danh bọt khí trôi vờ vật
Xô kiếp bèo rong tủi miệt mài
Thủ bút đăng tường da diết gợi
Não nề quẩy GÁNH TRỌ OẰN VAI.
10
GÁNH TRỌ OẰN VAI én tách hàng
Quyên lìa đôi tuyến khuất trùng giang
Muôn bề trắc ẩn tranh hờ hững
Vạn mối oan khiên rượu bẽ bàng
Ngán ngẩm thư hồng châm lửa đốt
Tan tành tro rác thả dòng loang
Canh đời bạc bẽo ngày thua trắng
Lỡ một lầm hai MỘNG NHỠ NHÀNG.
04.6.2015 _ Thiết Dương
___________________________
14- Thơ thất ngôn bát cú thể SONG ĐIỆP
Tất cả 8 câu đều có hai điệp từ .
Ví dụ
Chuyện Đời
Vất vất vơ vơ, cũng nực cười,
Căm căm cúi cúi có hơn ai.
Nay còn chị chị anh anh đó,
Mai đã ông ông mụ mụ rồi.
Có có không không lo hết kiếp,
Khôn khôn dại dại, chết xong đời.
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy,
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi.
Tác giả Nguyễn Công Trứ
_______________________
15- Thơ thất ngôn bát cú BÁT ÐIỆP ÐỘC VẬN
Tất cả 8 câu đều có 1 từ và chỉ có 1 vần.
Ví dụ
XUÂN VÀ THƠ
Xuân tự ngàn xưa, bạn với thơ
Tình Xuân là cả vạn lời thơ
Ðẹp duyên hoa bút, Xuân ngời sắc
Rộn khúc Xuân thiều, nhạc ánh thơ
Xuân vắng , oanh hờn, dầu dáng liễu
Xuân về hương tỏa ngát lời thơ
Xuân nương thi sỉ, đôi người ngọc
Dệt mộng ngày Xuân, lộng diễm thơ...
Nguồn Sưu tầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét