Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Nguyễn Hoàng Chúa Tiên với vùng đất Quảng Trị


Gồm các bài viết: 
 3. Đỗ Bang : Nguyễn Hoàng với vùng đất Q.Trị. mấy vấn đề đặt ra hiện nay.(Trích bài tham luận  tại hội thảo khoa học Quảng Trị đất dựng nghiệp của chú Nguyễn Hoàng ngày 25/9/2013)
2. Lê Quang Thái : Lời Thâm ước trước Lăng Nguyễn Hoàng
3. Đỗ Văn Bang : Chúa Nguyễn hoàng với vùng đất khởi nghiệp Ái Tử

Ngày 25-9, tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng", nhân kỷ niệm 455 năm khởi nghiệp khẩn hoang mở cõi.

Ngày 25-9, tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng", nhân kỷ niệm 455 năm khởi nghiệp khẩn hoang mở cõi.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận vào đời chúa khởi nghiệp, chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) và vùng đất dấy nghiệp Quảng Trị theo ba chủ đề chính: Quê hương, thân thế và sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng; Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị; tư liệu, di tích và phát huy di sản thời chúa Nguyễn Hoàng. Theo đó, vùng đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng gồm Thuận Hóa và Quảng Nam, kéo dài từ Quảng Bình đến bắc Phú Yên, nhưng căn cứ đều xây dựng trên đất Quảng Trị với Trấn dinh đầu tiên đặt ở Ái Tử là Dinh Cát. Hội thảo đã làm sáng tỏ vị thế và đóng góp của Quảng Trị trong công cuộc khai phá, khẩn hoang mở cõi của chúa Tiên. Qua dòng chảy của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh trên mảnh đất này, các di tích lịch sử thời chúa Tiên bị hủy hoại nhiều và vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị... để ghi nhận và tôn vinh công lao của chúa Tiên.
   Tiêu đề chính của buổi hội thảo 
 
NGUYỄN HOÀNG VỚI VÙNG ĐẤT QUẢNG TRỊ: 

MẤY VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY
Tác giả bài viết: PGS.TS. ĐỖ BANG
Nguồn : 
 http://dostquangtri.gov.vn/htnh/index.php/news/De-dan-Hoi-thao/NGUYEN-HOANG-VOI-VUNG-DAT-QUANG-TRI-MAY-VAN-DE-DAT-RA-HIEN-NAY-28/

Trước đây sử sách triều Nguyễn rất mực đề cao vai trò chúa Nguyễn Hoàng, nhưng từ sau năm 1945, việc đánh giá về nhân vật lịch sử này chưa thống nhất trong giới Sử học: giữa công và tội, giữa chia cắt và phát triển đất nước, giữa hận thù và ơn nghĩa với chúa Trịnh- vua Lê… Ngay cả việc Nguyễn Hoàng chọn Quảng Trị làm đất dựng nghiệp và ông đã gắn bó, thuỷ chung với vùng đất này hơn 55 năm cho đến lúc ông qua đời tại đây, trong khi điều kiện có thể làm cho ông di chuyển thủ phủ theo hướng “Nam tiến” cũng là vấn đề đáng bàn. Đó là một loạt câu hỏi không những làm cho lãnh đạo và nhân dân Quảng Trị băn khoăn cần sớm tìm lời giải đáp mà còn là vấn đề quan tâm của xã hội.

Với mong muốn nhân vật Nguyễn Hoàng được sớm nhìn nhận đúng đắn, đánh giá khách quan để Tỉnh có kế hoạch tôn tạo và phát huy di sản thời Nguyễn Hoàng nên UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613).
          Nhận thức được tầm quan trọng về vấn đề này cả ý nghĩa khoa học lẫn thực tiễn, nên tham dự hội thảo có nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng nhiều đại biểu cơ quan Trung ương, nhiều tỉnh có gắn với thời kỳ Nguyễn Hoàng trấn nhậm vùng đất Thuận Quảng. Đặc biệt là sự có mặt của nhiều nhà nghiên cứu về Nguyễn Hoàng, đại diện cho giới Sử học trên cả nước: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế; cùng các nhà nghiên cứu ở Quảng Trị, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa- Vũng Tàu… Nước ngoài có một tác giả Nhật Bản.
          Xin nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, các nhà khoa học bấy lâu đã quan tâm và hôm nay đến tham dự hội thảo với chúng ta.
          Kính thưa quý vị đại biểu!
          Kính thưa toàn thể hội nghị!
          Năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá và Hội Khoa học Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về Chúa Nguyễn và vương triếu Nguyễn trong lịch sử Việt Nam có 94 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế và vào tháng 5 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ) cũng tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề trên, có 20 nhà khoa học của nhiều nước đến tham dự. Riêng chủ đề về Nguyễn Hoàng thì đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị.
          Do chủ đề và yêu cầu hội thảo đã được xác định, nên trong số 43 báo cáo khoa học gửi đến tham gia hội thảo, chúng tôi tuyển chọn được 33 bài là những kết quả nghiên cứu mới, công bố đầu tiên để in vào tập Kỷ yếu. Các báo cáo này, chúng tôi sắp xếp theo 3 nội dung:
  1. Quê hương, gia thế và sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng
  2. Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị
  3. Tư liệu, di tích và di sản về thời Nguyễn Hoàng 
  1. Về quê hương, gia thế và sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng
Tham gia nội dung này có 12 tác giả, với kết quả nghiên cứu như sau:
          Về tên gọi Gia Miêu Ngoại trang tuy sử sách không ghi xuất hiện từ lúc nào, nhưng khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Công Duẩn, viễn tổ của chúa Nguyễn Hoàng là hào trưởng lớn ở Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Giang, lộ Thanh Hoá. Do vậy, tác giả Phạm Tấn cho rằng cái tên "Gia Miêu Ngoại trang" chắc chắn là có từ thời cuối Trần và tên đó vẫn không hề thay đổi cho đến tận bây giờ.
          TS. Lê Ngọc Tạo, cho rằng: Dòng họ Nguyễn Gia Miêu ngoại trang huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa là một danh gia vọng tộc được bắt đầu từ Định Quốc công Nguyễn Bặc có công phò nhà Đinh, có Nguyễn Công Duẩn là công thần khai quốc trong khởi nghĩa Lam Sơn; có Nguyễn Kim người khởi xướng công cuộc trung hưng nhà Lê.
          Về miếu Triệu Tường, năm 1803, vua Gia Long đổi thành Quý hương, Quý huyện và vua cho xây Nguyên Miếu tức miếu Triệu Tường ở Gia Miêu Ngoại trang tại vùng núi Thiên Tôn, thuộc trấn Thanh Hóa để thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng. Minh Mạng thứ 2 (1821), núi Thiên Tôn được phong tên là núi Triệu Tường. Năm 2007, Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin đã ra Quyết định công nhận Khu Lăng miếu Triệu Tường là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
          Về tên gọi chúa Tiên, tác giả Lê Quang Thái mất công tra cứu nhiều nguồn tài liệu và có lưu ý đến bài viết Phổ hệ nhà Nguyễn trước thời Gia Long của Tôn Thất Hân đăng trên Tập san B.A.V.H năm 1920, cho rằng: Nguyễn Hoàng tự xưng là Tiên Chúa, vì “Chúa giống như tiên”. Ý kiến này có chính xác không, theo tôi cũng cần nghiên cứu thêm, nhưng tác giả cho rằng, trong sách Nam Triều công nghiệp diễn chí in năm 1719. Thuật ngữ “Chúa Tiên” được tìm thấy và đã được nhắc đến 5 lần. Ngoài ra sách còn dùng các thuật ngữ khác như Đoan Vương, Nam Chúa để gọi Nguyễn Hoàng.
          Đánh giá về sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng có các ý kiến sau:
          PGS.TS Nguyễn Minh Tường có nhận xét rằng: “ Mặc dù, xuất thân con nhà võ tướng, nhưng ông thuộc hàng Nho tướng, tức vị tướng có tài chính trị và có đạo đức lớn”,  và tác gỉa đánh giá: “Xét theo quy phạm tài năng và đạo đức của Nho giáo thì Nguyễn Hoàng có đủ cả 3 phẩm chất: Nhân 仁, Trí 智, Dũng 勇 của một nhà chính trị lớn. Chính vì thế, theo tôi, ông đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ mà lịch sử giao phó: Vị Chúa Tiên – vị Chúa mở đầu tạo lập nên vùng đất xứ Đàng Trong, vùng đất phía Nam của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ ”.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng đề cao vi trò Nguyễn Hoàng: “Đóng góp lớn nhất của Chúa Tiên, theo quan niệm của chúng tôi, là trong bối cảnh khốn khó và bế tắc của chính quyền Lê - Trịnh, đã thực thi một chính sách tương đối độc lập, khai phóng và thân dân, huy động mọi nguồn lực biến Thuận Quảng từ vùng đất đói nghèo và hỗn loạn trở nên trù phú, năng động và an cư lạc nghiệp, làm cơ sở cho việc triển khai chặng đường nước rút của công cuộc mở cõi và định cõi của dân tộc Việt Nam ”. Và rất xác đáng khi tác giả so sánh:  “Chúa Sãi thực sự là một vị chúa Nguyễn kiệt xuất nhất, một anh hùng mở cõi Việt Nam, nhưng sự nghiệp kỳ vĩ của ông dường như tất cả đều đã được chuẩn bị và sắp đặt bởi Chúa Tiên và bắt đầu từ thời Chúa Tiên”.
           PGS.TS Đỗ Bang cho rằng: “Nguyễn Hoàng người có tầm nhìn vượt thời đại của ông và không gian ông đang sống để đặt nền móng cho Đàng Trong và tạo mối quan hệ thông thương với Nhật Bản”.
 PGS.TS Trần Thị Mai cũng có nhận xét tương tự: “Từ tầm nhìn phi thường của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người Việt đã tiến những bước dài, vững chắc trên dải đất Đàng Trong, tạo ra thế và lực mới cho công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn về phương Nam tiếp sau đó”.
           Làm chính trị sắc bén là phải biết nhạy cảm trước thời cuộc và vượt lên những người khác bằng tầm nhìn của mình, PGS.TS Ngô Minh Oanh cũng thừa nhận: “Có được những thành quả đó không thể không nhắc đến một tầm nhìn sáng suốt, sự kiên định với mục đích đã chọn và phương sách tự cường khôn khéo của Nguyễn Hoàng cũng như những đóng góp có tính khai mở của vùng đất Quảng Trị”.
 Nhà báo Nguyễn Hoàn của quê hương Quảng Trị đã chú ý đến đặc điểm nhân văn của chúa Nguyễn Hoàng, cũng là một lợi thế của nhà chính trị: “Nhờ biết giữ mình, lánh họa, vượt qua hiểm họa, chuyển họa thành phúc, Nguyễn Hoàng đã đặt nền móng quan trọng cho công cuộc phát triển Đàng Trong, mở cõi của các chúa Nguyễn, bắt đầu bằng việc đặt phủ Phú Yên năm 1611. Từ năm 1611 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng đến năm 1757 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, trong vòng 146 năm, đất nước đã được mở rộng từ Phú Yên đến Cà Mau.
Sau sự kiện Phú Yên năm 1611, TS. Đỗ Quỳnh Nga cũng có nhận định: “ Từ sự kiện này, chúa Nguyễn Hoàng không chỉ là một quan chức của vua Lê giao trấn nhậm vùng Thuận Quảng mà là một động thái tự thân “ bùng nổ” sau 53 năm (1558-1611) nung nấu về một hoài bảo tự cường, nhất là sau khi được vua Lê trao thêm quyền cai quản vùng đất Quảng (1570). Phú Yên được xem là một khởi động táo bạo, hợp lý đầy tiềm năng trong bước khởi đầu thành lập Đàng Trong”.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nhìn Nguyễn Hoàng như soi vào một tấm gương sáng: “ 400 năm trôi qua kể từ ngày Tiên chúa từ trần. Người đời sau soi lại gương ngài vẫn không thấy có tỳ vết, vẫn sáng ngời phẩm chất vị chân chúa khai sáng cả một vương triều, người đặt nền tảng vững chắc cho cơ nghiệp họ Nguyễn ở Đàng Trong, là một danh nhân tầm khu vực Đông Nam Á, xứng đáng vào hàng ngũ minh vương mở mang đất nước, chăm lo cho quân dân, mãi mãi là vì sao tỏa sáng trên vòm trời nước Việt”.
  1. Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị
Đây là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
           Trong nhiều lý do để Nguyễn Hoàng chọn Ái Tử làm thủ phủ, nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng : “Trong giai đoạn chân ướt chân ráo ấy, chắc hẳn ông cho rằng đây là chỗ cắm chốt an toàn nhất, vì nó không va chạm quyền lợi với bất cứ thế lực nào kể cả thế lực “chính phủ” và “phi chính phủ”. Theo tác giả,  nếu gọi Ái Tử bấy giờ là Thủ phủ thì có lẽ không chính xác, vì quy mô xây dựng ở đây chỉ là một quân dinh hoặc dinh trại”.
 Tác giả Mai Khắc Ững cũng có nhận xét tương tự: “Bởi chung quanh Trấn phủ mới khai sinh đang ở dạng doanh trại, tay chân anh rể đã bài binh bố trận đâu ra đó rồi”.
Bí quyết của việc chọn Ái Tử làm đất đứng chân, theo tác giả Nguyễn Xuân Hoa: “ thực chất việc chọn Ái Tử để lập dinh trấn là Nguyễn Hoàng đã chọn một vùng đất mới để làm đất khởi nghiệp, âm thầm xây dựng thực lực, thu phục nhân tâm để chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài khi có thời cơ”.
           GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đã phân tích rất xác đáng về sự lựa chọn của Nguyễn Hoàng qua sự kiện năm 1558: “Thuận Hóa thực sự là đất “dụng võ” của Nguyễn Hoàng. Việc Nguyễn Hoàng chọn Thuận Hóa hoàn toàn không phải là sự lựa chọn cho riêng cá nhân, hay một mưu đồ cá nhân, mà có sự tham vấn của bậc trí thức hàng đầu đất nước Nguyễn Bỉnh Khiêm, được sự chấp thuận và ủy thác của cả chúa Trịnh và vua Lê, trong sự ủng hộ của nhiều quan chức cao cấp ở cả Nam triều và Bắc triều và nhất là được sự hưởng ứng của đông đảo dân chúng hai vùng Thuận Hóa và Thanh Nghệ. Đây rõ ràng là một sự lựa chọn công khai, chuẩn xác vì sự phát triển của vương triều Lê - Trịnh và của đất nước, trong bối cảnh vô cùng rối ren và bế tắc ở giữa thế kỷ XVI”.
          Điều băn khoăn của nhiều người trong đó có TS. Phan Thanh Hải cho rằng: “Trên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng không đóng lỵ sở tại các trung tâm cũ của Hóa châu như thành Thuận châu hay thành Hóa châu mà ông lại xây dựng trấn dinh ngay trên bãi cát trắng ở ngã ba sông Thạch Hãn-Ái Tử. Từ đó cho đến khi ông qua đời, trung tâm quyền lực của đất Thuận Hóa, rồi cả Đàng Trong chỉ di chuyển loanh quanh tại khu vực này.
          Qua nghiên cứu, tác giả Phan Thanh Hải đã tìm được cho mình lời giải của bài toán khó. Đó là vị trí chiến lược của vùng đất Quảng Trị vào giữa thế kỷ XVI: “Chỉ đóng lỵ sở tại đây, Nguyễn Hoàng mới khống chế được cả tuyến đường thủy bộ Bắc-Nam cả hành lang giao thông và giao lưu kinh tế Đông-Tây (từ cửa khẩu Lao Bảo và các “nguồn” ở phía tây về Cửa Việt). Đây là trung tâm cung cấp hồ tiêu và nhiều loại hương liệu quý cho thị trường nhiều nước trên thế giới”.
Tuy nhiên, khi thế lực của Nguyễn Hoàng đã lớn mạnh vấn đề mâu thuẫn Trịnh - Nguyễn lại càng tăng và cả hai phía đều thấy nguy cơ tranh chấp là không tránh khỏi. Về vấn đề này, tác giả Nguyễn Xuân Hoa phân tích rằng: “Sự có mặt của Nguyễn Hoàng lúc nầy trở thành một trở ngại cho quyền lực của cha con họ Trịnh. Có lẽ vì thế, đầu năm Canh Ngọ (1570) chính Trịnh Kiểm đã dâng biểu xin vua Lê cho gọi Tổng binh Quảng Nam là Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh về (trấn thủ Nghệ An) và giao Nguyễn Hoàng kiêm quản cả hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, tạo cớ để Nguyễn Hoàng phải rời khỏi Thanh Hoa,  nhằm củng cố quyền lực độc tôn của dòng họ Trịnh bên cạnh vua Lê”.
 Trong vòng xoáy của quyền lực và mâu thuẫn dòng họ,  TS. Phan Thanh Hải cho rằng: “Thực chất, cuộc ra đi của ông là sự đào thoát khỏi triều đình, nơi đang xãy ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về quyền lực giữa hai dòng họ có công trung hưng lại triều Lê: họ Nguyễn và họ Trịnh. Nguyễn Hoàng, người kế thừa của dòng họ Nguyễn phải tìm một phương trời mới để dung thân và tạo lập cơ nghiệp. Trong bối cảnh đó, Thuận Hóa là cơ hội và cũng là nơi thử thách ý chí và tài năng của Nguyễn Hoàng”.
Tác giả Nguyễn Phước Tương cũng tán thành tư tưởng cát cứ của Nguyễn Hoàng nhưng ở vào thời điểm muộn hơn: “Đến lúc này, Hữu Tướng Nguyễn Hoàng nhận thấy rõ âm mưu thâm độc của họ Trịnh và mình khó tiếp tục trở thành một bậc trung thần của vua Lê nên thấy không còn lý do gì nữa để lưu lại ở Thăng Long. Nhưng để rời khỏi Kinh đô đối với ông không phải là một điều đơn giản bởi vì Trịnh Tùng luôn luôn tìm mọi cách ngăn cản ông quay về Thuận Quảng vì sợ “thả hồ về rừng”.
            Các tác giả Lê Ngọc Tạo, Vũ Thị Xuyến cũng đều nhận định: “ Nếu như sự kiện Nguyễn Hoàng được kiêm trấn thủ Quảng Nam là mốc mở đầu cho ý đồ xây dựng một thể chế cát cứ trên vùng đất phương Nam, thì lần ra Bắc cuối cùng 1593 – 1600 càng khẳng định quyết tâm xây dựng một vương quốc riêng biệt của Nguyễn Hoàng”.          
          PGS.TS. Đỗ Bang cho rằng, Quảng Trị vừa là đất thách thức nhưng cũng là vùng đất tạo thời cơ cho những bậc anh hùng trong đó có Nguyễn Hoàng, người đã dựng nên nghiệp lớn: “Thuận Hoá trong buổi đầu quả là một thử thách sống còn về năng lực cải đổi “ thiên thời, địa lợi, nhân hoà” mà Nguyễn Hoàng bằng mọi giá phải vượt qua”.
           “Hơn 55 năm dựng nghiệp chúa, Nguyễn Hoàng nhiều lần ra bắc hầu vua Lê, gặp chúa Trịnh chung lo việc trị nước an dân. Nguyễn Hoàng cũng đi vào miền núi Ngự sông Hương, qua đèo Hải Vân vào miền đất Quảng khảo sát hình thế núi sông, xếp đặt lại địa giới hành chính, nhưng ông vẫn chọn Quảng Trị để đóng đô và đã cân nhắc qua 3 lần dịch chuyển”.
            TS. Thái Quang Trung cũng nhận xét: “Từ Thuận Hóa, bản đồ nước ta dần dần hình thành như ngày hôm nay. Có thể nói, đến giữa thế kỉ XVIII, công cuộc mở đất phía Nam của dân tộc đã hoàn thành. Trong sự nghiệp to lớn đó không thể không kể đến vai trò của vùng đất dựng nghiệp Ái Tử”.  
          PGS.TS Nguyễn Minh Tường rất đề cao phẩm chất chính trị của Nguyễn Hoàng: “Có thể nói với tài năng chính trị lớn, với tính năng động và mềm dẻo của mình, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã được lịch sử lựa chọn làm người đặt cơ sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển của xứ Đàng Trong”.
          Về động cơ Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá là do trốn chạy, mưu đồ cát cứ hay là một sứ mệnh cao cả, vấn đề này lại có nhiều ý kiến khác nhau.  PGS.TS Ngô Minh Oanh cho rằng: “Cũng không phải không có ý kiến cho rằng, sức ép từ “ nguy cơ họ Trịnh ” không phải là nguyên nhân chủ yếu của quyết định “nam tiến” của Nguyễn Hoàng, mà hành động đó là một sự thể hiện “mưu đồ vương bá” trước hết là của cá nhân và sau đó là của một dòng họ”. Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã có một  phân tích khá mới mẽ: “ Chúng tôi đã kiểm tra lại các nguồn tư liệu và nhận thấy sự kiện năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, không phải là một cuộc trốn chạy, cũng không phải là một âm mưu xây dựng cơ sở cát cứ chống lại triều đình Lê Trịnh, mà là thực hiện một sứ mệnh cao cả của triều đình giao phó và trong thực tế Nguyễn Hoàng đã hoàn thành một cách trọn vẹn trọng trách với triều đình. Đây cũng là giai đoạn Nguyễn Hoàng mở rộng thêm tầm nhìn, cách nghĩ, không loại trừ có những toan tính cá nhân, nhưng những toan tính cá nhân đó không phương hại đến sự phát triển chung của đất nước. Hơn thế, việc ông trở lại triều đình và có đến gần chục năm tận tâm, tận lực phục vụ bên cạnh vua Lê, chúa Trịnh, không chỉ thể hiện lòng trung thành, mà còn là sự kỳ vọng vào khả năng thay đổi của chính quyền Lê - Trịnh trong điều kiện đất nước đang đứng trước muôn vàn thách thức và vận hội. Chỉ đến khi nhận thấy chính quyền Lê - Trịnh hoàn toàn không thể đại diện cho sự tiến bộ, mà trái lại đang kìm hãm gay gắt sự phát triển của xã hội, Chúa Tiên mới quyết định trở về Thuận Hóa xây dựng chính quyền riêng, tự mình gánh vác trọng trách xây dựng và phát triển đất nước”.
Công lao tạo lập và phát triển vùng đất Thuận Hoá của chúa Nguyễn Hoàng được nhân dân ở đây suy tôn làm Thần hoàng đã được Hoà thượng Thích Trí Hải xác nhận: “chúa Nguyễn Hoàng được xem là vị tổng khai canh, đại khai khẩn của hầu hết các làng quê ở đất Thuận Hoá, mà cho đến nay một số lớn các làng quê ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đều tôn thờ chúa Nguyễn Hoàng cùng các tuỳ tướng của ngài như những vị Thần hoàng, khai canh hoặc khai khẩn”
Phật giáo Thuận Hoá dưới thời chúa Nguyễn Hoàng cũng được nhiều tác giả đề cập. Hoà thượng Thích Trí Hải đã phân tích: “ Ở đây tuyệt nhiên vắng bóng những lý thuyết về vương đạo của Nho gia, những quy chuẩn khắt khe của cung đình. Với một cơ cấu xã hội như vậy, dĩ nhiên đời sống văn hoá, tín ngưỡng của cư dân Thuận Hoá chắc chắn không phải là đạo tu tề trị bình của Nho giáo hay thuật trường sinh của Lão Trang, mà chính Phật giáo với đạo lý từ bi, cứu khổ, vô ngã, vị tha mới là tín ngưỡng căn bản của họ”. 
 TS. Nguyễn Văn Đăng cũng phân tích cơ sở xã hội để Phật giáo Thuận Hoá vào thời Nguyễn Hoàng thịnh hành: “thiếu vắng một ý thức hệ làm nền tảng. Vì vậy, trong buổi đầu, Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên cần phải đưa ra các chính sách an dân hợp lý để củng cố và ổn định lòng dân, tạo cơ sở cho việc xây dựng một chính thể mới.
Do vậy, Phật giáo thời điểm này trở thành chỗ dựa tinh thần nhằm để ổn định xã hội. Chúa Tiên và cả những vị chúa sau này tỏ ra là rất sùng đạo Phật là vì thế. Chúa Tiên cho dựng chùa Thiên Mụ năm 1601, sửa lại chùa cổ Sùng Hóa (Lại Ân - Phú Vang), dựng lại chùa Long Hưng năm 1602, cho tiếp tục dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu (Quảng Nam) năm 1607, xây dựng chùa Kính Thiên ở Lệ Thủy (Quảng Bình) năm 1609 Phật giáo được xiển dương, đi vào chốn cung đình, được tô đắp dần và trở thành chất men gắn kết các yếu tố tư tưởng khác trong phương sách an dân của chúa”.
 PGS.TS Trần Thị Mai cũng đã phân tích: “ trong chính sách quản lý của Nguyễn Hoàng và các đời chúa Nguyễn kế nhiệm trên vùng đất mới đó là “cư Nho, mộ Thích” là phương cách hiệu quả để củng cố quyền lực lâu dài trên vùng đất mới. Đây là tư tưởng cai trị phù hợp và cởi mở hơn hẳn so với tư tưởng cai trị dựa hẳn vào Nho giáo của chính quyền Lê – Trịnh đương thời”.
 Đồng tình với quan điểm là các chúa Nguyễn không độc tôn về tôn giáo, Nhà nghiên cứu các tôn giáo phương Đông ONISHI của Nhật Bản sau khi khảo sát chùa Thiên Tôn ở làng Đâu Kênh, huyện Triệu Phong đã có một nhận xét khá thú vị, là các chúa Nguyễn ngoài sùng mộ Phật giáo còn chủ trương phát huy Đạo giáo. Tác giả cho rằng: “Đồng thời chúng tôi có thể khẳng định được là ngôi chùa này thờ Ngọc Hoàng thượng đế là một vị thần cao quý nhất của Đạo giáo Việt Nam cững lâu dài”.
Thông qua kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả có thể cho chúng ta thấy rõ chính sách tôn giáo của chúa Nguyễn là đề cao Phật giáo, nhưng bên cạnh đó Đạo giáo và Nho giáo vẫn được khuyến khích nên vẫn tồn tại trong đời sống tâm linh và các quan hệ xã hội đối với người dân Thuận Quảng.
  1. Tư liệu, di tích và di sản về thời Nguyễn Hoàng    
          Về chủ đề tư liệu, di tích và di sản về thời Nguyễn Hoàng cũng được          nhiều tác giả quan tâm tìm hiểu và đề xuất xác đáng.
          Có thể nói rằng qua hội thảo này, các tài liệu về Nguyễn Hoàng ở trong và ngoài nước, các di tích, di vật có liên quan đã được các tác giả khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, giám định công phu trong đó có đủ các văn bản của chúa Nguyễn Hoàng gửi cho Mạc phủ Nhật Bản, được xem là văn kiện ngoại giao mở đầu cho quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được tác giả Võ Vinh Quang sưu tầm, nghiên cứu và đưa ra nhiều kiến giải mới. Tác giả viết: “Chúng tôi đã may mắn phát hiện ra được một số văn bản gốc của các bức quốc thư với hoa văn, chất liệu giấy đặc trưng và dấu triện son rõ nét. Đây chính là những tư liệu chính xác nhất làm căn cứ để bổ khuyết, hiệu chỉnh lại một số nhầm lẫn về tác giả của các bức thư được nói đến”[1].
Thông qua nghiên cứu các văn bản này, tác giả Võ Vinh Quang cho rằng: “từ năm 1570, khi nhận lãnh chức Tổng trấn Thuận Quảng đến lúc qua đời (1613), chúa Tiên Nguyễn Hoàng vẫn dùng ấn triện Tổng trấn tướng quân chi ấn”.  Và Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên đã đảm nhiệm chức quan Trấn thủ Quảng Nam vào trước tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 [1601], nhưng đến năm 1602 mới hợp thức hóa bằng văn bản, và sau này sử thần triều Nguyễn căn cứ vào văn bản đó để ghi chép…
Sau  nhiều lần khảo sát, chiêm nghiệm pho tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, tác giả Hồ Vĩnh cho rằng: Tượng ngài Nguyễn Ư Dĩ là một pho tượng tạo hình có nét điêu khắc đặc biệt liền khối nên không có tiêu chí đối sánh. Nhìn vào thực tế, đây là pho tượng đẹp, quý về chất liệu, có giá trị cao về mặt nghệ thuật và lịch sử.
TS. Nguyễn Bình cũng đánh giá cao về pho tượng đồng có một không hai này và đề xuất giải pháp bảo quản: “Đối với bức tượng đồng của ngài Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, đây là di sản có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, mỹ thuật, văn hoá còn lại đến hôm nay, (đã được đưa vào danh mục trình Bộ VH,TT & DL công nhận Bảo vật Quốc gia) nên cần có giải pháp bảo quản, bảo vệ và phát huy giá trị di sản chu đáo. Trước mắt cần thiết xây dựng lại ngôi miếu thờ (nơi đặt bức tượng đồng) cho khang trang, tương xứng”.
Nhà cổ tiền học Nguyễn Anh Huy sau khi trưng dẫn các đồng tiền thời chúa Nguyễn đã hết sức lưu ý đến hiệu tiền “Thái Bình”, ý tưởng này có thể xuất phát từ thời Nguyễn Hoàng với bình luận như sau: Sự nghiệp vào Nam “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Thái tổ Nguyễn Hoàng là để thoát khỏi sự bức hại của họ Trịnh, tạo tự do (“thái bình”) cho mình.Vì thế, hai chữ “太平 (Thái Bình)” trên hệ thống tiền mà các chúa theo lệ phải đúc…
Một công trình nghiên cứu công phu về các dấu tích thời chúa Nguyễn ở lưu vực sông Thạch Hãn của Yến Thọ cho chúng ta nhiều niềm tin nhưng cũng nhiều tín hiệu đáng buồn. Tác giả cho rằng, phần lớn các di tích có liên quan đến thời chúa Nguyễn Hoàng nếu không bị chôn vùi dưới lòng sông thì cũng đã biến mất như: địa danh Ghềnh phủ - vốn là một bến thuyền, cảng thị mà các thuyền buôn tấp nập lui tới buôn bán với Dinh Chúa, làm cho Dinh chúa “trở thành nơi đô hội” chỉ còn thấy dấu vết bãi gốm sứ vỡ ken dày do sự xói lỡ của bờ sông mang lại. Phủ thờ 7 vị tiên vương (gồm: Tiên Vương, Công Thượng Vương, Hiền Vương, Nghĩa Vương, Minh Vương, Ninh Vương, Võ Vương) vốn là công trình dinh thự thuộc Dinh Cát được sử dụng lại sau khi thủ phủ nhà chúa chuyển từ Quảng Trị vào Thừa Thiên (1626) mà đến thời kỳ đầu Gia Long “dấu tích hãy còn” thì sau đó một thời gian đã bị xâm thực.
Bãi Cồn Cờ, một địa danh nổi tiếng thời chúa Nguyễn Hoàng nay đã biến mất. Cồn Cờ hiện tại theo dân địa phương thì là khu vực trũng thấp sát mép sông. Ngôi miếu Trảo Trảo thờ vị thần sông Trảo Trảo có công giúp cho chúa Nguyễn Hoàng dùng “mỹ nhân kế” để chiến thắng quân Mạc Lập Bạo vào năm 1572 nằm cạnh sông nay cũng đã xoá hết dấu tích.
Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di sản lịch sử thời chúa Nguyễn Hoàng, TS. Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong  Hồ Viết Hy và PGS.TS Đỗ Bang đều thống nhất phương pháp và quan điểm về nghiên cứu và tôn tạo khu di tích chúa Nguyễn tại Triệu Phong là cần có chương trình nghiên cứu lịch sử, điều tra khai quật khảo cổ học toàn diện, công phu để tiến hành khoanh vùng bảo vệ. Các ý kiến này đều cho rằng cần xây dựng Nhà lưu niệm và tượng đài chúa Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong mà Quảng Trị là nơi khởi đầu cho tiến trình lịch sử “ Người mang gươm đi mở cõi” là xác đáng.  Cần quy hoạch các làng Tả Kiên, Hữu Kiên, Trung Kiên, Tiền Kiên, Hậu Kiên nằm trong quần thể di tích của chúa Nguyễn vì các làng này đều đã thống nhất lấy chúa Tiên Nguyễn Hoàng làm vị tiền khai canh của làng mình.
Các tác giả Nguyễn Bình, Lê Tân mong muốn huyện Triệu Phong sẽ có kế hoạch đầu tư để hình thành lễ hội về chủ đề chúa Nguyễn Hoàng tầm cỡ quốc gia và mang đặc trưng của vùng đất Thuận Hoá trong thời kỳ khai mở. Từ đó, địa danh Ái Tử- 1558 sẽ được khôi phục thông qua các hoạt động văn hoá sẽ trở thành điểm đến du lịch trên tuyến về vùng đất di sản ở miền Trung.
  TS. Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Kết nối việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy hệ thống di tích thời chúa Nguyễn ở Quảng Trị với hệ thống di tích thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn ở Thừa Thiên Huế để thu hút du khách và các nhà nghiên cứu quan tâm đến với một địa bàn có nhiều sự kiện và nhiều giá trị văn hóa”.
  1. Một số vấn đề đã được sáng tỏ
- Về tên gọi Thái phó là cậu của chúa Nguyễn Hoàng, lâu nay sử sách do phiên âm chữ Hán có dạng chữ gần nhau, nên không phân biệt là Ư Dĩ, Ư Kỷ, Ư Tỵ,  nay PGS. TS Nguyễn Minh Tường đã nghiên cứu công phu và đề nghị từ nay nên thống nhất gọi là Ư Dĩ.
- Nguyễn Hoàng là người nắm được thời cơ để phát triển kinh tế hàng hoá vùng Thuận Quảng và việc Nguyễn Hoàng gửi nhiều thư cho chính quyền Nhật Bản và đã được đáp ứng, chứng tỏ Nguyễn Hoàng là người đầu tiên thực hiện chính sách mở cửa và cánh cửa được mở đầu tiên để đất nước phát triển là tại Quảng Trị.
- Nhiều ý kiến cho rằng sự hình thành tư tưởng cát cứ của Nguyễn Hoàng chỉ bắt đầu từ năm 1570 và bộc lộ rỏ nhất là sau năm 1600.
5. Một số vấn đề còn tồn nghi
- Việc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá vào năm 1558 là do có lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” được nhiều tác giả thống nhất, nhưng người được giao nhiệm vụ gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm thì chưa rõ: Nguyễn Ư Dĩ, mẹ của Nguyễn Hoàng hay một sứ giả khác ?
-  Hầu hết các ý kiến cho rằng việc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá vào năm 1558 là do tình thế bức bách qua lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng cũng có ý kiến cho là việc Nguyễn Hoàng được cử vào làm trấn thủ Thuận Hóa không phải vì lý do như sử thần nhà Nguyễn nêu ra mà chính bởi vị trí cực kỳ trọng yếu của miền đất này đối với sự nghiệp trung hưng của nhà Lê và do vậy là không có mâu thẫu giữa hai hị Trịnh- Nguyễn (Nguyễn Đức Nhuệ).
- Nhiều ý kiến cho là Nguyễn Uông bị chết “mờ ám” là do bàn tay của Trịnh Kiểm là xác đáng vì lúc đó quyền lực nằm trong tay họ Trịnh nên không thể làm sáng tỏ được vụ án này,  nhưng cũng có ý kiến còn nghi ngờ về cái chết của Nguyễn Uông: “Nguyễn Uông bị hãm hại cụ thể thế nào, hiện chưa thấy nguồn tư liệu nào nói đến”. Do vây, việc Trịnh Kiểm có âm mưu hãm hại Nguyễn Hoàng nên buộc ông phải xin vào trấn thủ Thuận Hóa để tránh họa sát thân, việc này cũng chưa có chứng cứ xác thực (Nguyễn Đức Nhuệ).
- Về pho tượng đồng mà nhiều người cho đó là của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, là báu vật duy nhất còn lại cũng còn nhiều ẩn số: Nguyễn Ư Dĩ chết năm nào,  tượng đúc vào năm nào, nghệ nhân là ai và lò đúc ở đâu ? Trong khi tài liệu không đề cập đến một lò đúc đồng nào xuất hiện ở vùng Thuận Quảng vào thế kỷ XVI ? Pho tượng quý giá như vậy, trải qua hơn 4 thế kỷ biến động, chiến tranh và cướp bóc nhưng pho tượng vẫn còn trong tình trạng hầu như không có người bảo quản đó cũng là điều khó hiểu.
6 . Về những vấn đề cần thảo luận
Ngoài những vấn đề còn tồn nghi như tôi đã trình bày, tại hội thảo chúng ta còn có nhiều nội dung cần được hội nghị quan tâm thảo luận như:
  • Về các nguyên nhân Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị và những nguyên nhân đưa đến thay đổi về chủ trương của Nguyễn Hoàng trong quá trình trấn nhậm vùng đất Thuận Quảng.
  • Đánh giá về công lao cũng như hạn chế của Nguyễn Hoàng trong lịch sử dân tộc và mối quan hệ với vùng đất Quảng Trị trong tiến trình lịch sử.
  • Vấn đề nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích chúa Nguyễn ở huyện Triệu Phong trong định hướng phát triển du lịch hiện nay.
Trên đây là những gợi ý về các nội dung cần thảo luận tại hội trường, mong muốn được hội nghị quan tâm.
Kính thưa toàn thể hội nghị.
Do khuôn khổ thời gian có hạn nên không thể trình bày tất cả 33 bản báo cáo khoa học trong các phiên trình bày tham luận và thảo luận, nên chúng tôi chỉ mời một số tác giả đại diện cho 3 nhóm chủ đề: Thân thế và sự nghiệp chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị và Tư liệu, di tích Nguyễn Hoàng và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị lên phát biểu, nhưng không quá 15 phút. Còn các tác giả khác cùng chủ đề sẽ tham gia thêm những phát kiến mới, nhưng không quá 5 phát. Cuối mỗi buổi, sau khi kết thúc các chủ đề hội thảo sẽ dành thời gian thảo luận. Có như vậy, hội thảo chúng ta mới được nghe và thảo luận nhiều ý kiến mới và bổ ích.
     Với sự chuẩn bị công phu của các tác giả và với tinh thần khoa học của tất cả quý vị, tôi tin chắc rằng Hội thảo khoa học Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng sẽ thành công tốt đẹp.
  Xin trân trọng cảm ơn.
[1] Văn bản này hiện lưu trữ tại Nhật Bản Quốc lập công văn thư quán (National Archives of Japan) ở Nhật Bản và Cửu Châu quốc lập bác vật quán (Kyushu national Museum), .
Tác giả bài viết: PGS.TS. ĐỖ BANG
LỜI THẦM ƯỚC 
TRƯỚC LĂNG NGUYỄN HOÀNG  
Lê Quang Thái  Học sinh Nguyễn Hoàng 1954 - 1959
Dân gian quen gọi lăng Trường Cơ là lăng tẩm chúa Tiên hoặc lăng Thái tổ Nguyễn Hoàng, tọa lạc trên khoảnh đất rộng mênh mông ở sơn phần thôn La Khê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà ngày nay, về phía Tây Nam Cố đô Huế khoảng non 15km. Nếu tham quan lăng Ngài bằng đường thuỷ thì dùng thuyền đi ngược giòng sông Hương đến cầu Tuần rồi tiến thẳng lên phía thượng nguồn hơn 3km thì 4 trụ biểu cao của ngôi chùa Từ Hàn tĩnh mặc hiện rõ, quay mặt về bờ nam sông Cái còn gọi là sông Thơm. Từ đó đi bộ lên bờ Bắc khoảng 200m là đến khu vực lăng Trường Cơ, chênh chếch hướng phía cửa lăng là trường Trung học cơ sở Hương Thọ. Tiền thân của lăng này là miếu Nguyên Lập mà Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1736) đã viết trong tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí.
Lúc sinh tiền, tướng mạo của chúa Tiên oai phong như trong sách Nguyễn Phúc Tộc thế phả, xuất bản năm 1995 đã ghi lại: “Ngài có tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rộng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả biết là bậc phi thường”.
Nguyễn Hoàng sinh ngày 10 tháng 8 năm Ất Dậu (28-8-1525) tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoá. Ngài ở ngôi vị chúa Tiên đến 56 năm, kể từ năm Mậu Ngọ, 1558 cho đến lúc băng hà ngày 3 tháng 6 năm Quý Sửu (20-7-1613) tại Vương phủ Dinh Cát cạnh làng Ái Tử, tổng An Đôn, huyện Võ Xương*, phủ Triệu Phong, thời bấy giờ chưa có địa danh Quảng Trị.
Trước khi vĩnh biệt cõi trần, trí tuệ Ngài còn rất minh mẫn, Ngài ân cần căn dặn: “Đất Thuận - Quảng, Bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, Nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi bền vững. Núi sẵn vàng, sắt; biển sẵn có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng...”.
Dặn dò xong thì Ngài băng hà, thọ 89 tuổi. Lễ ninh lăng vào thời quốc sơ ở tại núi Thạch Hãn, thuộc sơn phần của làng cùng tên gọi, huyện Võ Xương. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên truy tôn Ngài lên tước Vương.
Theo Đại Nam nhất thống chí, tập Kinh Sư thì quần thể các lăng vua chúa đều được gọi chung bằng thuật ngữ Sơn Lăng. Vào ngày Giáp Thân, tháng 6 năm Bính Dần (1806), Ngài được truy tôn lần thứ ba từ tước Thái Vương lên Hoàng đế: Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ Hoàng Đế; miếu hiệu Thái Tổ. Vì vậy, người đời đã kết hợp miếu hiệu và tôn hiệu để gọi tên Ngài bằng 6 từ: Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế.
Sách Việt Sử diễn nghĩa tứ tự ca bằng chữ Nôm của các tác giả Hồng Thiết, Hồng Nhung soạn, về sau được khắc bản in năm 1921, đã diễn xướng cho mọi người hiểu rõ cốt lõi của Việt sử, có đoạn nói đến “Con người phi thường” - danh nhân Nguyễn Hoàng như sau:
“Thái Tổ thấy chỉ
Lãnh thuyền kéo vô
Đến nơi Quảng Trị
Gây dựng cơ đồ”.
Đất Ái Tử là làng cổ thuộc huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong (tên gọi Quảng Trị có từ năm Tân Dậu, 1801) là bệ phóng cho quân dân nước Đại Việt mở đường Nam tiến từ núi Thạch Bi cho đến đất Mũi Cà Mâu - Hà Tiên trong vòng 200 năm trở lại như lời vang vọng của nguồn sử thi:
“Sực nhớ câu “Hoành Sơn nhất đái
Vạn đại dung thân” chừng cũng phải
Tiên Vương khai thác vào miền Nam
Đánh đông, dẹp bắc nhiều thế đại   (Hương Giang hành, 1941)
Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế còn được dân gian truyền tụng và ca ngợi công đức lớn lao như vị đại khai canh, đại khai khẩn cho các làng xã hai trấn Thuận - Quảng và xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn kế tục trị vì. Từ trước đến nay, những sử sách chính thống hoặc Luận văn Tiến sĩ viết về xứ Đàng Trong ở nước ngoài, thậm chí cho đến các địa phương chí viết về từng vùng đất thuộc Nam Trung bộ và Nam bộ đều tỏ rõ quan điểm đánh giá cao công nghiệp của các chúa Nguyễn và các vua đầu đời nhà Nguyễn, thời nước ta có quốc hiệu Đại Nam. Tiêu biểu như tác phẩm Xứ Đàng Trong của bà Li Tana, nguyên là Luận văn Tiến sĩ về Lịch sử xứ Đàng Trong tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra năm 1992:
“... Đưa ra một giải thích hoàn toàn mới về vương quốc phía Nam lấy Huế làm trung tâm, công trình của Li Tana đã cung cấp cho chúng ta một bức họa về một nước Việt Nam mang tính cách Đông Nam Á hơn, thương mại hơn không như chúng ta thường hiểu khi nhìn vào hình ảnh phía Bắc”.
(Giáo sư Anthony Reid, Đông Nam Á Thời Mãi Dịch)
Theo điển lễ, trong tế lễ Nam Giao, Long vị của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế được phối thờ là rất phải lẽ, đúng với nội dung các nhóm từ đúc “Chính Đại Quang Minh” hoặc “Cư Nhân Do Nghĩa”. Lễ Hội Nam Giao qua các lần tổ chức Festival Huế đã làm sống lại một cách sinh động phần nào tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc.
Năm nay, năm Mậu Tý khai mở một kỷ nguyên tốt lành, đọc các báo Tết năm 2008, mọi người đều cảm thấy vui mừng. Không mừng sao được khi thấy văn hóa dân tộc, văn hóa tâm linh được bật sáng theo cùng với hương hoa, khói trầm nghi ngút đón lễ giao thừa, nghinh xuân tiếp phúc. Nền phúc ấm đã được tổ tiên từ bao đời ban tặng cho con cháu luôn được un đúc và hiển vinh.
Bản thân tôi và khá nhiều thân hữu đã rất đồng tình với nhận định chân thực và giàu tâm huyết của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy trong bài Quê nhà yêu dấu, đăng trên báo Văn Nghệ số 5-6-7 (2008) của Hội Nhà văn Việt Nam, tr.24-25:
“...Phục hồi nhân tâm là việc quan trọng nhất. Những gì thất nhân tâm thì thành tâm sửa lại. Có công tâm với lịch sử mới thực thi được công bằng xã hội.
Thu phục nhân tâm ư? Đoàn kết dân tộc ư? Thì hãy chọn những gì tốt đẹp của cha ông mà tôn vinh, mà truyền bá. Đối xử tử tế với tổ tiên là phẩm chất tối thiểu của đạo lý”...
Hôm nay, trước ngày giỗ thứ 395 của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế, một trong những vị đại khai canh, đại khai khẩn của xứ Đàng Trong thuộc nước Đại Việt ngày xưa, chúng tôi là những con dân đời sau, những học trò của trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường được vinh dự mang tên và hồn thiêng của một Danh nhân lịch sử phi thường kể từ năm học 1954 - 1955 (trước có tên Trung học Quảng Trị) thành kính đốt nén hương lòng, dâng bó hoa sen quỳ lạy 9 lạy trước lăng Trường Cơ với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, thoáng đạt, tươi đẹp như sách Ô Châu cận lục đã từng ghi:
“Núi Mông Lĩnh uốn gập lưng ong; suối La Khê chẽ ngang đuôi yến”.
Chúng tôi còn nhớ mãi bài thơ tứ tuyệt của người xưa mà thầy giáo khả kính Lê Đình Ngân đã dẫn sử liệu và phân tích cho chúng tôi hiểu khi thầy nói về những ngày đầu tiên chúa Nguyễn Hoàng đóng đại bản doanh trên đất Ái Tử, huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa:
TIÊN KẾT NHÂN TÂM THUẬN,
HẬU THI ĐỨC HÓA CHIÊU.
CHI DIỆP KHAM TỒI LẠC,
CĂN BẢN DÃ NAN DAO.
Tạm dịch:                      
“Trước tiên lòng người thuận,
Lấy đức hóa cõi đời.
Cành nhánh dẫu rơi rụng,
Cội gốc khó chuyển lay”.
Thời ấy,  học trò Nguyễn Hoàng là dân tứ xứ; Bắc có, Nam có, Huế có, chứ không phải chỉ cục bộ địa phương dành cho người Ô Châu - Quảng Trị. Học trò có ngôn ngữ của học trò, chúng tôi thường gọi những ai học trường Trung học công lập Nguyễn Hoàng là “dân Nguyễn Hoàng” trong ý nghĩa ngây thơ, trong trắng, hồn nhiên, không có gì mang sắc màu phân biệt. Ôi đẹp sao thời cắp sách làm “dân Nguyễn Hoàng”!.
Trước khi rời lăng Trường Cơ, chúng tôi kính cẩn lạy 3 lạy, rồi thầm đọc bài thơ chữ Hán trên đây trước anh linh của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế mà lòng không khỏi bùi ngùi về cái tên trường cũ vô vàn thân thương nay không còn nữa.
La Khê, ngày 30-6-2008 L.Q.T.
phần phụ trang (  Trích đoạn tham khảo )

Chúa Nguyễn Hoàng  
và Vùng Ðất Khởi Nghiệp Ái Tử
Đỗ Văn Phúc

Mẹ thương con ra cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu.

Ái Tử là một làng nhỏ thuộc quân Triệu Phong, Quảng Trị. Làng nằm ngay quốc lộ 1 trên đường ra Ðông Hà, cách tỉnh ly một bãi cát ngắn và một con đò ngang sông Thạch Hãn........
.......Ái Tử cũng là nơi có chùa Sắc Tứ Tịnh Quang nổi tiếng, cảnh sắc tịch mịch nên thơ đượm mùi thiền môn. Nhưng có bao nhiêu người Việt Nam biết đến Ái Tử là một cố đô nơi chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp?
Khi đặt tên Nguyễn Hoàng cho ngôi trường trung học công lập đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vào đầu niên khóa 1953-1954, chắc chắn quý vị sáng lập đã có ý nhắc nhở lớp hậu sinh niềm kiêu hãnh của một địa phương từng là kinh đô khởi nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng, vị tiên vương của một Nguyễn triều kéo dài gần 400 năm với 9 đời Chúa và 13 đời Vua (1558-1945).
Tuy Nguyễn triều không có những võ công xuất sắc làm rạng rỡ non sông như các tiền triều Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Tây Sơn; nhưng lại có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi về phương Nam, tạo nên một dãi giang sơn gấm vóc kéo dài từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mâu. Ngoài ra, chúng ta cũng không quên những đóng góp tích cực về mặt văn học như thi xã Nhi Thập Bát Tú dưới triều vua Tự Ðức và bộ luật thời Gia Long làm căn bản tham khảo cho các bộ luật Việt Nam tân tiến về sau này. Ngoài ra, triều Nguyễn cũng để lại nhiều kiến trúc hoành tráng có tầm cỡ về nghệ thuật cho hậu thế.
Hai quận Gio Linh và Vĩnh Linh, 933 năm trước đây, thuộc châu Ma Linh - một trong ba châu Ðịa Lý, Ma Linh, Bố Chính - mà vua Chiêm Thành đã dâng cho vua Lý Thánh Tôn để chuộc tội quấy phá nhân lúc nước ta suy yếu phải đối phó với nhà Tống bên Trung Hoa. Ðến đời nhà Trần, vua Chiêm là Chế Mân lại dâng thêm hai châu Ô và Rý cho vua Trần Anh Tông năm 1306 để làm sánh lễ cưới Công chúa Huyền Trân. Châu Ô sau đổi thành châu Thuận là phần lãnh thổ phía Nam của tỉnh Quảng Trị ngày nay; châu Rý thành châu Hoá sau được đọc trại ra Huế, nay là tỉnh Thừa Thiên. Nhiều sách sử ta ghi châu Rý thành châu Lý; vì ảnh hưởng tiếng Hán Việt, người Trung Hoa không phát âm được chữ R. Họ dọc chữ R thành L (ví dụ: Roma đọc thành La Mã)
Khởi đầu thời Lê mạt, họ Mạc làm phản, hùng cứ một phương. Vua Lê phải cậy vào công lao của Nguyễn Kim để lấy lại đất Thanh Nghệ. Sau khi Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, binh quyền lọt về tay người con rể là Trịnh Kiểm. Con cháu họ Trịnh đã tiếp tục chiến đấu và sau này diệt tan nhà Mạc, thu giang sơn về lại cho nhà Lê. Ỷ công lớn, họ Trịnh chuyên quyền, lấn áp các vua Lê, tự lập phủ chúa với quần thần triều nghi không kém cung vua.
Nguyễn Kim nguyên quán Gia Miêu, Thanh Hoá (Thanh Hoá cũng là nguyên quán của vua Lê và chúa Trịnh). Ông có hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Cả hai đều là tướng giỏi có nhiều công trận. Nguyễn Uông được phong tước Lạng Quận Công; Nguyễn Hoàng (1524-1613) được phong là Thái Úy Ðoan Quận Công. Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm ám sát vì lo sợ ông tranh giành quyền bính. Nguyễn Hoàng biết phận mình khó yên, bèn tìm phương kế để thù thân. Ông hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhận được một câu gợi ý “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nghĩa là “Một dãi núi Hoành Sơn có thể làm nơi dung thân muôn đời.”  (Núi Hoành Sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình, chạy từ Trường Sơn ra đến biển, có đèo Ngang để thông thương giữa hai bên).
Nguyễn Hoàng mới nhờ chị mình là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin với Trịnh Kiểm cho vào trấn nhậm vùng đất phương Nam.
Giết đi thì sợ mang thêm tội, mà để bên cạnh thì lại cứ phải lo lắng, Trịnh Kiểm lại thấy đất Thuận Hoá xa xôi, hiểm nghèo nên y lời. Ông xin Vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá. Ðó là vào năm 1558.
E rằng Trịnh Kiểm có thể đổi ý bất ngờ, Nguyễn Hoàng liền mộ hơn một ngàn dân binh, mua sắm chiến thuyền và lương thực vội vã giương buồm ra khơi xuôi vào Nam vào ngày 10 tháng 10 năm 1558. Những người theo ông đa số là đồng hương ở Tổng Sơn và các lính nghĩa dũng quê quán Thanh Hoá, Nghệ An. Họ đem theo cả gia đình với ý định ra đi tìm cơ hội vĩnh viễn nơi vùng đất hứa xa lạ.
Sau ba ngày giong ruỗi trên biển Ðông, nhờ thuận buồm xuôi gió, Nguyễn Hoàng và tuỳ tùng đã vào Của Việt và xuôi ngược dòng Hãn Giang, đổ bộ lên làng Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong bây giờ. Thế là chim đã sổ lồng. Từ nay, Nguyễn Hoàng sẽ trông cậy vào tài đức của mình để thu phục nhân tâm, bắt đầu xây dựng cơ nghiệp.
Tại Ái Tử, Nguyễn Hoàng đã được quan sở tại là Tống Phước Trị nghênh tiếp. Dân chúng Ái Tử và các vùng lân cận cũng nô nức chào đón. Họ dâng lên Nguyễn Hoàng 7 vò nước trong, mang ý nghĩa dâng “Nước” để lập quốc.
Nguyễn Hoàng hạ lệnh đóng dinh cơ tại Ái Tử (sau gọi là kho Cây Khế)  là một bãi cát trống trải, thuận lợi cho việc phòng thủ theo quan điểm quân sự cổ điển thời bấy giờ. Ông là người nhân đức, khôn ngoan, dùng lòng khoan ái mà thu phục nhân tâm, kết giao cùng hào kiệt cho nên chỉ trong thời gian ngắn, được tất cả mọi người mến phục.
Vì còn thuộc quyền vua Lê, năm 1569, Nguyễn Hoàng phải ra chầu vua theo thông lệ. Qua năm 1570, ông được phong thêm đất Quảng Nam sau khi Tổng binh Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh được điều ra trấn thủ đất Nghệ An. Như thế Nguyễn Hoàng nay coi cả hai trấn Thuận Hoá và Quảng Nam; hàng năm nộp thuế cho triều đình gồm 400 cân bạc và 500 tấm lụa.
Cũng năm 1570, ông thiên đô về thôn Trà Bát, cách Ái Tử khoảng 2 cây số. Nhưng sau thấy bất lợi nên lại đời về Ái Tử vào năm 1590.
Năm 1572, Trịnh Kiểm chết. Các con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau giành quyền bính. Họ Mạc lợi dụng thời cơ đem quân vây đánh Thanh Hoá. Một mặt vua Mạc sai tướng Lập Bạo đem 60 chiến thuyền vào đóng tại làng Hồ Xá, Lạng Uyển (huyện Minh Linh) chuẩn bị đánh Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng dùng mỹ nhân kế và của cải hối lộ để giết được Lập Bạo, đánh tan quân Mạc. Ông cư xử rất nhân đạo đối với tàn binh nhà Mạc, cho họ đất Cồn Tiên để lập nghiệp. Ngoài ra, ông còn cấp phương tiện làm ăn. Do đó, những hàng binh sau này lập miếu thờ ông để nhớ ơn.
Sau này, khi Trịnh Tùng tái chiếm kinh đô Thăng Long năm 1593, bắt được vua Mạc Mậu Hợp, Nguyễn Hoàng đã đưa quân binh và vũ khí ra Ðông Ðô giúp Trịnh Tùng đánh dư đảng họ Mạc trong suốt gần 8 năm trời. Ông bị kẹt lại mà không có dịp trở về Nam vì Trịnh Tùng luôn luôn theo dõi, nghi ngờ.
Qua năm 1590, do họ Trịnh quá chuyên quyền, kiêu căng và làm mất lòng người, nhiều quan binh đã nổi lên làm loạn tại Nam Ðịnh. Nguyễn Hoàng nhân dịp xin đi dẹp loạn rồi theo đường biển về lại Thuận Hoá. Ðể được tạm yên, ông đem con gái là bà Ngọc Tú gã cho Trịnh Tráng là con trai Trịnh Tùng.
Trong 46 năm ở đất Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng đã chăm lo tổ chức hành chính, phát triển kinh tế dân sinh. Ông cho di dân từ Thanh Nghệ vào thành lập làng xã, xây dựng công sự phòng thủ. Những quan binh và dân đi lập ấp được cấp trâu bò, dụng cụ nông nghiệp và 6 tháng lương thực. Ða số các xã được lập nên do từng họ gia đình, vì thế các tên làng thường bắt đầu bằng tên họ của dân lập nghiệp. Ví dụ: Phan Xá, Mai Xá, Lê Xá, Hoàng Xá, vân vân. Nhờ sự di dân đó, nền văn hoá, phong tục cổ truyền Việt Nam được phát triển thay thế văn hoá Chàm. Nhưng cũng có nhiều sự hội nhập giữa hai nền văn hoá. Có lẽ chiếc áo dài Việt Nam được gợi ý từ áo dài của Chàm? Ðặc biệt là về ngôn ngữ, tiếng Việt có thêm nhiều đặc ngữ phát xuất từ ngôn ngữ Chàm. (Răng, ri, mô, tê, rứa, vân vân)
Cũng tại vùng Ái Tử, ngoài dinh cơ của Chúa Nguyễn, còn là nơi đặt đại bản doanh của quân đội. Vì thế, sau này có các làng Tả Kiên, Trung Kiên, Tiên Kiên, Hậu Kiên mà tên gọi phát xuất từ các đạo quân theo tổ chức biên chế thời đó: Tả quân, Hữu quân, Trung quân, Hậu quân, Tiền quân. Ðiều này cho chúng ta suy đoán rằng các làng trên, nguyên thủy là nơi đặt hành dinh hay hậu cứ của các đạo quân.
Chúa Nguyễn Hoàng mất năm 1613, truyền cơ nghiệp lại cho con là Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) với lời dặn dò bảo trọng đạo đức và nhân ái để giữ nghiệp muôn đời. Sau này, năm 1626, chúa Nguyễn Phúc Nguyên dời đô vào làng Phước Yên thuộc châu Thuận (Thừa Thiên bây giờ). Dinh Ái Tử được gọi là cựu dinh, vẫn giữ các cơ quan hành chánh dưới quyền một vị trấn thủ.
Ðất Ô Rý, hay Thuận Hoá, tuy đã được khai phá từ trước đây, nhờ công lao các chúa Nguyễn và sức lao động cần cù, sáng tạo của người Việt, đã trở nên phát triển để sau này làm bàn đạp cho dân tộc tiến vào khai phá phương Nam, tiêu diệt Chiêm Thành, lấn chiếm Cao Mên, mở mang bờ cõi cho đến đồng bằng Cửu Long trù phú ngày nay. Những đoàn người di dân từ châu Thuận Hoá đến đâu cũng bảo lưu đươc tập tục, nếp sống văn hoá của mình. Nhiều họ gia đình dùng tên làng mình để đặt tên làng mới tại vùng đất mới. Chúng ta biết tại vài vùng như Hội An, Qui Nhơn, có làng Bồ Bản mà có lẽ dân làng gốc từ Bồ Bản thuộc huyện Ðăng Xương (Triệu Phong sau này)

Từ đó trở đi, họ Nguyễn tự xưng chúa, độc lập ở phương nam, lấy sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay, làm ranh giới hai miền. Với đề án và sự chỉ huy của nhà thông thái Ðào Duy Từ, Chúa Nguyễn cho xây một kiến trúc công sự bằng đất tại Ðồng Hới để phòng ngự lâu dài. Ðó là Lũy Thầy, một tiền đồn trọng yếu để ngăn quân Trịnh tấn công từ phương Bắc. Từ sông Gianh trở ra gọi là Ðàng Ngoài thuộc quyền chúa Trịnh; từ sông Gianh trở vào gọi là Ðàng Trong thuộc quyền chúa Nguyễn.  Cuộc phân tranh kéo dài gần 200 năm. Hai họ Trịnh Nguyễn từng tranh chiến tương tàn trong hàng chục năm mà không phân thắng bại.
Họ Nguyễn truyền nhau được 9 đời chúa trước khi bị nhà Tây Sơn đánh tan. Sau đó, Nguyễn Ánh nhờ sự giúp sức của Giáo sĩ Bá Ða Lộc và vài ngoại viện, lại đánh thắng Tây Sơn, thống nhất đất nước về  một mối. Nguyễn Ánh lên làm vua lấy vương hiệu là Gia Long và đóng đô tại Phú Xuân (Huế). Triều Nguyễn truyền đươc 13 đời vua, chỉ thịnh trị đươc vài chục năm đầu; sau đó suy yếu, để đất nước loạn lạc và rơi vào bàn tay đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp. Nguyễn triều chấm đứt với sự thoái vị của vua Bảo Ðại năm 1945 ...



2 nhận xét:

  1. đọc , thấy hiểu thêm về Chúa Tiên và triều Nguyễn

    Trả lờiXóa
  2. Bài nghiên cứu của thầy Lê Quang Thái rất hay và giá trị

    Trả lờiXóa