Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

Cây đa bến cộ



CÂY ĐA BẾN CỘ

Chuyện dân gian.
• PSN 19.04.2008


Người Việt Nam chúng ta, không ai lại không có một góc trời quê hương nho nhỏ ở trong lòng, mà người đời thường gọi là "địa phương". Nơi đây chúng ta sinh ra và lớn lên, nhìn thấy sự hiện diện tất cả những gì xung quanh ta; những hình ảnh ấy sau nầy nó sẽ trở thành "kỷ niệm". Như con đường làng hai bên có hàng tre bao bọc, lả lướt theo bước chân em lần đầu tiên theo mẹ đến trường. Ngôi trường cũng nằm khuất sau hàng cây đổ bóng xuống chiều, khi mỗi lần vang lên hồi trống tan trường, là niềm vui cho xôn xao mộng ước được trở về dười mái gia đình, có cha mẹ có anh chị em quây quần trong niềm yêu thương đầm ấm.
Hình ảnh của mẹ, bóng dáng của cha đang hòa chung với tiếng cười con trẻ, dưới mái tranh nghèo như đang khua rộn một niềm vui, như thắp sáng bóng chiều quê cho dài thêm yêu mến. Đâu đây văng vẵng tiếng mõ trâu về, hay tiếng chày giã gạo của cuối xóm đầu thôn cùng đang hòa thêm sức sống, đang rót xuống nguồn hạnh phúc cho quê hương trong một thời thanh bình nào.
Cũng như tiếng nói, những lời bập bẹ đầu đời do cha mẹ, anh chị chúng ta tập nói. Tiếng nói đầu đời dĩ nhiên nó mang rất nhiều tính địa phương. Sự kiện tiếp nhận đầu tiên ấy, như vết mực chấm phá lên một tờ giấy trắng, để lại dấu vết không bao giờ phai nhòa. Dần dà rồi trở thành tập quán, mà không mấy ai có thể thay thế hay đổi mới được. Cho dù cái tập quán ấy không mấy tốt đẹp, hay hơi kém văn minh (hay quê mùa) nói theo kiểu người sống ở thành thị, hay những người rời xa quê hương, đang tiếp cận với thế giới mới.
Thế nên những người xa quê hương, không ai lại không nhớ lại và yêu mến một cách sâu sắc tiếng nói của địa phương mình. Nhất là quý cụ tuổi đã "thất thập cổ lai hy" cho đó là tồn sinh, là niềm tự hào về nguồn gốc, là mối giây kết hợp giữa quá khứ và tương lai, sự xác nhận sự hiện diện của mình. Nên cho dù có đến đâu, một nơi văn minh thành thị nào, họ cũng nói tiếng quê mình một cách tự nhiên, không cảm thấy mắc cỡ hay ngại ngùng. Trái lại họ cảm thấy như một niềm tự hào nữa là đằng khác. Niềm tự hào là họ được sinh ra và lớn lên nơi miền quê yêu dấu. Nơi ấy đã ghi lại trong lòng họ những kỷ niệm đầu đời. Với tình thân của họ hàng, giềng xóm, tập tục làng nước và nếp sống của tổ tiên. Họ nâng niu những thứ ấy như báu vật, và cảm thấy tiêng tiếc khi phải đổi thay. Hay khi phải lìa xa quê hương, không còn cơ hội để tiếp xúc với những người cùng chung quê quán, cùng một tập quán hay có những kỷ niệm đã chắt chiu; không còn được trải lòng ra để đón nhận những hơi hướm trẻ dại thời còn trên tay mẹ bồng.
Có lẽ tiếng nói đã nhập tâm, hay họ mến yêu như một nhu cầu cần thiết không thể thiếu được. Cho nên khi gặp một người nào đó có cùng chung một giọng nói, một tập tục thì họ đã cảm thấy như người thân rồi, mặc dù chưa quen biết hay gặp gỡ một lần nào. Bởi vì chính nó đã gợi lại những hình ảnh, âm thanh, màu sắc tuy không được trọn vẹn để biểu hiện lại cái gốc nhỏ quê hương trong lòng chúng ta, nhưng sự hiện hữu ấy cũng đã làm cho cõi lòng của mình cảm thấy một chút bâng khuâng. Vì nó làm sống lại một quảng đời ngỡ tưởng đã bay rơi đâu mất, không bao giờ có thể tìm kiếm lại được, dù chỉ trong giấc mơ.
Cuốn phim dỉ vãng bao giờ cũng đẹp và thiết tha, nét tinh hoa như vẫn còn mới mẻ, vì đó chính là những dữ kiện làm chúng ta nhung nhớ một thời đã xa. Đôi khi nỗi nhớ ấy có thể làm dịu bớt sự khắc khoải, những âu lo mà cuộc sống hiện tại đang chồng chất lên vai đời nặng trỉu, làm vơi bớt buồn phiền trong lúc cảm thấy cuộc đời lạc lỏng bơ vơ nơi xứ lạ quê người.


Hay được một người nào đó, kể cho nghe những chuyện cổ tích có thể chúng ta đã nghe qua một lần, hay nó dính dáng đến nơi chốn mình đã sống qua, nhắc nhỡ lại mấy địa danh quen thuộc. Cũng đủ khiến cho cõi lòng mở ra đón nhận những nỗi niềm dấu yêu, mà có lẽ đã từ lâu che khuất nơi một góc kín tâm hồn của những người đi.
Như chuyện tình cô lái đò của một ngày rất xa xưa, với anh chàng thư sinh nào đó, trên bến đò quê hương. Tuy chỉ mới giao ước, nhưng cũng đã ghi lại một tình sử đẹp tuyệt vời! Mà hoàn cảnh éo le đã vẽ lại một tâm trạng não nùng, khiến cho ai nghe lại cũng cảm thấy bâng khuâng trước cảnh đời trắc ẩn, đang khua vọng nỗi niềm tiếc thương đến triền miên không dứt.
Chuyện kể rằng: Ngày xưa có một chàng thư sinh, sinh trưởng nơi quê hương xứ Nghệ, tuy hoàn cảnh nhà nghèo, nhưng thuộc dòng dõi nho gia có ý chí muốn lập thân với đời, nên đã gắng sức dồi mài kinh sử, mong một ngày mai thành tựu sự nghiệp cho rạng danh dòng họ. Và đến một ngày khi cảm thấy sự học có thể đủ đầy, chàng quyết chí lên đường vào Huế tham dự khoa thi. Ngày xưa các tỉnh miền Trung không có xe tàu, nên phải di chuyển theo đường bộ. Ngày đi đêm nghỉ, đường sá thì hiểm trở, cách đò trở giang nhưng chàng đã quyết nên vẫn khăn gói lên đường. Trải bao vất vã khi qua truông vượt phá. Dù gian lao đến đâu chàng cũng cố gắng để vượt qua, chưa bao giờ nản chí.
Khi đến vùng đất Quảng Trị chàng dừng nghỉ bên cạnh một con sông, lúc trời gần sập tối. Bóng chiều thướt tha trải dài trên dòng sông lung linh màu huyết dụ, lãng đảng trên bầu trời vài cánh chìm đang bay về đâu đó tìm chổ nương đêm. Cảnh vắng lặng trên bến sông gợi lên một niềm hắt hiu buồn, không một bóng người qua lại, duy chỉ còn cô lái đò chuẩn bị neo thuyền để về nhà. Gặp dịp may chàng thư sinh đánh liều hỏi thăm cô lái đò, rồi kể lễ mọi điều. Như thiết tha cầu khẩn, rồi chàng bày tỏ hoàn cảnh của mình, cần thiết phải qua sông để tiếp bước cho kịp khoa thi. Thấy diện mạo tuấn tú, với gương mặt cương nghị và tấm lòng quyết chí lập công danh, nên cô lái thương tình đưa chàng qua sông. Mặc dầu trời đang giông gió, ra giữa sông giông gió thổi mạnh, nhưng cô lái vẫn cố sức chèo và cất tiếng hát :
Dầu trời làm trận phong ba
Thương chàng thiếp gắng cho qua sông nầy!
Chàng thư sinh xúc động trước tấm tình chất phác nhưng chân thành kia của cô lái đò, nên vội vàng đáp lại rằng
Lạy trời thi đậu Thám hoa
Trở về đền ơn đáp nghĩa cho cây đa bến đò!
Tình cảm nẩy nở giữa chàng trai tài hoa kia với cô lái đò hiền thục ấy đã được cây đa bến cộ chứng minh, và trong lòng của họ cũng đang nở rộ hoa yêu thương. Mối tình tuy mới chớm nhưng họ cảm thấy đã khắng khít trăm năm. Một bên vì nghĩa, một bên vì tình, bên nào cũng nặng như nhau, muốn nói với nhau những lời thệ ước, trao nhau duyên tình cho trọn nghĩa trăm năm. Nhưng tình duyên chưa thể dừng lại để chung lòng mộng ước, vì chàng thư sinh kia công chưa thành danh chưa toại, nên đành phải từ giả người bạn lòng để lên đường ứng thí.
Cô lái đò thì phải ở lại với quê nhà, hằng ngày lặng lẽ đưa khách qua sông để kiếm tiền độ nhật, cùng phụng dưỡng cha già mẹ yếu.
Còn chàng thư sinh kia, khi đến được kinh đô dự thí, không may khoa đầu bị hỏng, mà trở lại quê nhà thì không còn lộ phí. Chàng đành tìm kiếm một chân thầy đồ dạy học để đợi khoa sau.
Ở nhà cô lái đò ngày ngóng đêm trông, mong chàng trở lại. Nhưng năm qua tháng lại mỏi mòn. Lòng thương nhớ đã làm cô ta tiều tụy, tuy vẫn hy vọng một mai!
Nhìn bao sĩ tử vinh quy, nhưng người bạn lòng thì bóng chim tăm cá! Những nhớ thương dần dần trở thành sầu hận, trách cho người nghĩa nhơn vội quên lời thệ ước. Mỗi lần chèo thuyền ra giữa sông, thấy trời rộng sông dài chợt nhớ đến người tình củ, cô lái đò lại cất giọng hò áo não như tự nhắn nhủ với chính mình:
Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tựa thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người tình nhân bạc nghĩa khôn tìm mần chi!
Trong lúc quá tuyệt vọng mới buông những lời lẽ bất cần để cho vơi hận tủi. Tuy thế cô lái đò vẫn một lòng nghĩ đến người xưa, mặc dầu chỉ mới những lời thề nguyền của thuở đầu đời, với một người mới gặp trong giây lát. Nhưng tình như đã mặn, nghĩa đã nồng, nên tấm lòng chung thủy vẫn sắt son. Lòng vẫn nhủ lòng chờ đợi tình lang, cho dù ai đó có quên câu ước nguyện.
Tuy nỗi thương hận đã dâng ngập mỗi khi nhớ đến người xưa, nhưng cô lái đò vẫn nhủ lòng hãy chờ đợi. Vì biết đâu những trắc trở ấy là cơ hội chuốt gọt cho duyên tình lứa đôi thêm phần keo sơn thắm thiết đến mai sau. Và thêm nghĩ Trời cao đâu nỡ phụ lòng thành của mình, nên cô vẫn đợi cho dù chờ đợi đã mõi mòn.
Chàng thư sinh kia đến khoa thứ ba mới đổ thám hoa, lòng hớn hở trở về làng cũ vinh quy, trước tiên ghé lại bến đò xưa để đền ơn đáp nghĩa, cho trọn với lời nguyền.
Nhưng khi đến bến đò xưa thì chỉ thấy một lão già đang lặng lẽ chèo thuyền đưa khách. Hỏi ra mới biết ông già là thân phụ của cô lái đò ngày trước. Còn cô lái đò thì trong thời gian xa cách, cô tự xem mình là gái đã có chồng, nên từ chối những chàng trai làng đến dạm hỏi. Tuy mỗi ngày cô ít nói và hao gầy, nhưng cô vẫn một lòng chung thủy với người xưa, nuôi bao hy vọng đợi chờ.
Trong một buổi chiều vắng khách, cô neo thuyền vào ngồi tựa gốc đa lòng mơ tưởng đến người xưa, đến những lời đã hẹn thề. Chợt cô nghe có tiếng gọi đò của chàng bên kia sông, cô vội vã chèo đò sang, lòng mừng vui khôn xiết. Khi ra giữa dòng sông nhìn qua bên kia bờ, thấy vắng tanh không một bóng người, cô mới biết mình nghe lầm! Quá đau khổ cho thân phận, nghĩ mình chưa bao giờ gian dối với tình nhân, mà giờ đây lại gặp cảnh trớ trêu đẩy đưa duyên số. Lòng chợt buồn thương đến quặn thắt, với những xót xa đang vò xé tâm can tan nát, nhưng không biết cùng ai tâm sự cho vơi bớt nỗi niềm. Trong giây phút không kềm chế được sự tuyệt vọng ấy, cô đã gieo mình xuống dòng nước tự trầm!
Nghe xong câu chuyện, chàng thư sinh kia không dấu được nỗi đau lòng, đứng nhìn cảnh củ còn nguyên mà người xưa đã khuất bóng! Chạnh nhớ đến một lần nơi chốn nầy…, khiến chàng chợt thốt lên những lời thơ nghe thật ai oán ngậm ngùi :
Trăm năm đành lỗi hẹn hò.
Cây đa, bến cộ, con đò khác đưa.
Cây đa bến cộ còn lưa.
Con đò đã thác năm xưa tê rồi!


Tuy chàng không đá động gì đến người thiếu nữ đã một lần đưa chàng qua sông, nhờ vậy mà bây giờ chàng đã công thành danh toại. Hình ảnh người thiếu nữ ấy, đã một lần gặp gở, đã một lần hẹn ước nhưng cao xanh đành phụ kẻ có lòng, cho nên có lẽ chàng chỉ gói trọn trong tim mình như hình bóng chung đời. Để tưởng nhớ đến người tình chung thủy, nhớ đến ân nghĩa thâm sâu, nên chàng chỉ nhắc nhở đến con đò:
Con đò đã thác năm xưa tê rồi!
Một tấm lòng kín đáo và thiết tha vô vàn? Một tiếng than nghe đến não lòng! Qua một chuyện tình sử thật tuyệt vời, với một tấm lòng trung trinh tiết nghĩa, nhưng lạc vào hoàn cảnh éo le, đã tạo nên một cảnh bẽ bàng, khiến cho người còn phải cưu mang một niềm đau sâu lắng quạnh hút đang nhận chìm tiếc thương xuống tận đáy oan khiên.
Nói đến bến đò và cây đa thì ở đâu cũng có, nhưng cái gốc quê hương nầy lại gắn liền với tiếng nói, không thể tách rời ra được. Cũng có thể nhờ vậy mà chuyện bến đò kia và cây đa nọ lại có một chân dung riêng biệt, một nguồn gốc hiện thực mang tính chất đặc thù như đã gắn bó với lòng người Quảng Trị. Có lẽ câu chuyện nơi cây đa bến cộ nay đã trở thành một loại tình sử vừa thơ mộng vừa thương tâm! Nó chứa đựng đầy đủ cả ân lẫn nghĩa và tình.
Ngày xưa chỉ có cố đô Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên là trung tâm văn hóa của miền Trung, nên nơi đây mới có trường Trung học trở lên, mới có những kỳ thi khoa cử. Còn Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ Tỉnh chỉ có trường tiểu học mà thôi, thời Pháp thuộc học đến yếu lược là hết. Ai muốn con mình tiến thân lên nữa, thì phải đưa con vào Huế trọ học. Nhưng người dân thuộc mấy tỉnh nầy phần nhiều con nhà nghèo khó, có mấy ai đủ khả năng cho con đi học xa được. Họa hoằn có một vài gia đình khá giả, hay chức sắc trong chính quyền mới có tiền để cho con học lên cao. Cho nên ngày xưa khi có một người đổ đạt, trở về thăm làng xã là một vinh dự lớn lao lắm. Có dân làng ra đón tiếp rất trọng thể, gọi là lễ vinh quy về làng!
Bến Cộ là do chữ cũ đọc trại ra, cho thấy bến đò ấy đã xa xưa lắm rồi, đã cộ càng biết mấy. Vì ngày xưa ở Quảng Trị chưa có cầu cống, từ Gio Linh, Triệu Phong muốn vào trong Huế thì phải qua mấy bến đò? Sông Vĩnh Định, khi chảy đến xã Cam Hiếu thì có tên sông Hiếu Giang, khi chảy đến Đông Hà thì gọi là sông Điếu Ngao… rồi đến sông Thạch Hãn, sông Mỹ Chánh còn gọi sông Ô Lâu. Cho nên bến Cộ cây đa ở trong truyền thuyết nầy, không thể xác định được bến ấy thuộc sông nào, tuy nhiên có thể dạng chừng mô đó ở Quảng Trị. Vì dựa vào tiếng nói địa phương nơi đây mà thôi. Cho nên đối với người dân địa phương, hay những người đã sinh sống nơi đây, khi nghe đến chữ “bến cộ còn lưa”, thì cảm thấy rất thâm thúy mang tính quyến rũ, thật dễ thương và với họ thì nghe thật hay ho đến chừng nào.
Nói đến cảnh đổi thay, cảnh biển dâu của thời thế hay thân phận con người giữa cuộc thăng trầm, Đổ Phủ có bài thơ Vọng Xuân, được mở đầu bằng câu:
Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mọc thâm
Nhưng khi gợi nhớ đến quê hương mà nhắc đến sông núi, thấy không cảm một cách thiết tha và đằm thắm như nhắc nhở lại một vài hình ảnh gần gủi nhất, nhỏ nhoi nhất như bờ tre bụi chuối, hay bến cộ cây đa. Vì đất nước nào lại không có núi sông, cho nên thấy nó bao la quá, mênh mông quá, không thể hình dung trọn vẹn một gốc quê hương trong tim mình, bằng những hình ảnh gần gủi và quen thuộc nhất. Nên tình cảm vì vậy cũng không được thắm thiết, thân thương. Do đó tình yêu mến lại giảm đi, không sâu đậm và tha thiết.
Bếp lửa mà mẹ đã đốt trong mùa đông để cho cả nhà sưởi ấm, đến bây giờ dù không gian và thời gian đã nghìn trùng, nhưng cái cảm giác ấm cúng vẫn còn như đâu đây, mỗi lần nhắc đến, mỗi khi nghĩ về. Mái tranh nghèo mà cha đã dựng lên để che nắng che mưa, tuy nó đơn sơ nhưng cũng khá nhiều văn nhân nhắc nhỡ đến; nhắc nhỡ với tấm lòng quyến luyến thiết tha, chứ không phải chỉ để tả cảnh đơn sơ của một xóm nghèo, hay một làng quê.
Thêm chữ ”còn lưa” nó cũng đồng nghĩa với tồn tại, nhưng sao khi nghe đến chữ còn lưa thì cảm thấy một chút gì yêu mến? Phải chăng nó phát xuất từ khi biết tập nói, đã dính liền với mạch đời cho nên cái cảm giác ấy cứ bám theo trong hồn, ghi theo trong lòng không bao giờ phai nhạt.
Một điểm nữa của câu chuyện đã ghi lại tấm lòng chung thủy của cô thôn nữ. Vì họ vốn sinh ra và được ướp hương hoa của đồng nội, mây ngàn nên tâm hồn của họ cũng trong sáng như kim cương, tình cảm của họ cũng tinh khiết như suối nguồn. Khi phải lòng một người nào thì cho đó là tình keo sơn, nghĩa đá vàng. Vì họ thường quan niệm chuyện lương duyên là do thiên định:
Em cũng muốn lấy chồng để báo đáp thôn đương
Bợi ông trời côi không cột nên phải náu nương đợi chờ!
(Thôn đương là tiếng địa phương, cũng như gọi là gia đương là chỉ gia đình, huyên đương là mẹ...) Theo chuyện cổ tích dân gian, thì nhân duyên chồng vợ là do ngày xưa ông Trời sai ông Tơ bà Nguyệt dùng chỉ thắm để buộc chặt hai người trai gái lại với nhau, gọi là “ông Tơ bà Nguyệt xe duyên”.
Cũng như câu chuyện trầu cau, theo truyền thuyết ngày xưa ở nước ta trong một thời thái bình thịnh trị, nhân một ngày đẹp trời Vua quan của triều đình xa giá đi thăm dân cho biết sự tình. Khi qua đến một ngôi làng nằm cạnh bờ sông, xa mã của Vua dừng lại được dân làng ra tiếp đón. Mấy bô lão trong làng dâng lên Vua một món quà thổ sản của làng, đó là ba trái cau ba lá trầu và một cục đá vôi rồi giải thích: Đây là sản phẩm đặc biệt của địa phương, vì ba thứ nầy gộp chung với nhau mà ăn thì tạo nên một chất đỏ như máu. Ban đầu mới ăn thì hơi cay nồng, nhưng ăn một lát lại có vị ngọt và cảm giác ngây ngất say say.
Vua đứng ngẫm nghĩ một lát rồi truyền cho dân làng: Kể từ nay khi có các cuộc cưới hỏi hãy dùng vật nầy làm sính lễ, vì nó tượng trưng cho sự hòa hợp và gắn bó suốt đời của tình chồng vợ. Dân làng nghe theo lời Vua một mặt vì hợp tình hợp lý, mặt khác nữa Vua là Thiên tử nên nói gì cũng đúng, vì vậy mà dân làng nghe theo. Từ ấy, người dân quê Việt Nam xem trầu cau như là những tặng vật quý giá nhất cho việc cưới hỏi. Sau nầy lan rộng ra trong những dịp hội hè đình đám, người dân quê có thêm cái tục lệ, họ thường mời nhau ăn cau trầu, hay sử dụng để làm tặng phẩm trong các cuộc cưới hỏi, cũng như dùng làm lễ vật để cúng kiến. Hiện tại tục lệ dùng cau trầu vẫn còn được người dân quê trân trọng.
Nên sau nầy cứ theo những truyền thuyết ấy mà giữ như một cái Đạo. Hiện thân của cái đạo ấy là sự kết hợp lương duyên, để lưu truyền giồng giống từ những đấng sinh thành ra mình. Và đạo làm con phải hiếu thảo với cha mẹ thì mới nên người, thì mới hợp với Đạo Trời. Vì thế cho nên người con hiếu thảo là phải luôn luôn vâng lời cha mẹ, kể cả những việc hệ trọng nhất của cuộc đời, như việc hôn nhân chẳng hạn:
Nơi con không thương thì thầy mẹ ép
Nơi tình ưa ý đẹp thì thầy mẹ đón ngăn
Thân em khác chi đá nằm côi cỏ, biết mần răng đặng chừ!?
(Câu hò địa phương)
Vô hình trung mà người dân quê lại tự tạo ra một tập quán, rồi cứ vậy mà tuân theo như trời định, mà họ không dám làm trái lại với luật tự nhiên:
Đạo vợ chồng phải ở thật ăn ngay
Đừng có lường thưng tráo đấu, đổi thay mà tội trời.
(Câu hò dân gian)
Tình nghĩa vợ chồng mà đã xem như một cái đạo rồi thì phải noi theo, mà ăn ngay ở thẳng. Nếu không biết ăn ngay ở thẳng, thì sợ tội trời. (lường thưng, tráo đấu: tiếng địa phương, ngày xưa không có bàn cân hay thước đo, mà người ta chỉ dùng những nông cụ đan bằng tre để đo lường lúa gạo, nên thường gọi là một đấu lúa, một thưng khoai. Thưng và đấu thì có cái lớn cái nhỏ, ý khuyên người đời đừng cho vay bằng đấu nhỏ, mà khi trả về thì đong đấu lớn, như vậy là người tham lam, thiếu đạo đức. Ngược lại, người trong một làng xã xóm giềng, thì phải đối đãi với nhau thế nào cho phải đạo, nghĩa là phải dùng cái chân cái thiện để ăn ở, để xử thế với đời).
Tôn giáo cũng dạy cho con người những thứ ấy, mà ngày xưa ông bà tổ tiên chúng ta chưa biết đến tôn giáo, nhưng lẽ đạo đã tiềm ẩn trong họ như một sự phân biệt giữa thiện ác, chân giả (tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác...).
Tình tự sinh hoạt của dân gian, nếp sống của con người cũng trùng hợp với những lời khuyên răn mọi người nên làm lành lánh dữ trong đạo Phật:
Đừng làm các việc ác
Gắng làm mọi hạnh lành
Giữ tâm ý trong sáng
Ấy lời chư Phật dạy
……….
Tấm lòng của người dân quê chỉ đơn sơ có vậy, nhưng luôn thấm nhuần như cây cỏ thắm sương mai, như ruộng đồng được tưới tẩm bởi nắng sớm sương chiều, hay trăng sao vẫn vằng vặc muôn đời ...
Hay như chuyện: Cây đa bến cộ còn lưa ... vậy.
Trần Đan Hà
Reutlingen, Đức Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét