Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

A Dua -Linh Linh


A Dua


Chúng ta sống trong một xã hội mang tính cộng đồng cao nên thường thấy số đông làm thế nào là ta muốn a dua theo ngay với quan điểm thà dại bầy hơn khôn độc, nhưng hệ quả theo đuôi này nhiều lúc chẳng được lòng ta và xót xa cả lòng người! A dua có nghĩa là làm theo, bắt chước do dại dột, mù quáng hoặc do có dụng ý không tốt và động cơ chủ yếu của a dua đều bắt nguồn từ ý muốn kiếm lợi cho bản thân.
Tiếu lâm xưa kể có hai anh chàng ở gần nhau, một nghèo nhưng hay chữ và một giàu nhưng dốt đặc. Một lần anh nghèo đến dinh quan xin học bổng, quan thử tài bằng cách bắt ứng tác một bài thơ. Anh chàng nhìn thấy con ngựa trắng gần đấy bèn vịnh luôn: Bạch mã mao như tuyết - Tứ túc cương như thiết - Tướng công kị bạch mã - Bạch mã tẩu như phi (đại ý ngựa lông trắng như tuyết, bốn chân cứng như sắt, quan lớn cưỡi ngựa trắng, ngựa trắng phi như bay). Quan nghe xong rất hài lòng, thưởng cho anh chàng tiền và thóc, lúc nhấc quang gánh lên thấy chưa cân, anh chàng lém lỉnh than rằng: Nhất bên trọng, nhất bên khinh, quan bèn cho thêm thóc để cân bằng. Biết chuyện, anh giàu nổi lòng tham bèn xin anh nghèo truyền lại hết nội dung bài thơ, các câu đối đáp để học thuộc lòng rồi hôm sau cũng đến dinh quan xin tiền học. Quan cũng yêu cầu ứng tác thơ, nhưng lúc đó không có con ngựa trắng mà chỉ có một bà cụ đang quét sân, anh chàng bèn gượng đọc: Bà cụ mao như tuyết - Tứ túc cương như thiết - Tướng công kị bà cụ - Bà cụ tẩu như phi! Quan nổi giận thét lính nọc ra quất 30 roi vào mông, anh chàng vẫn cố thều thào nốt câu nhất bên trọng, nhất bên khinh thế là quan ra lệnh đánh thêm 30 roi nữa vào lưng cho cân bằng!
Giờ chẳng ai dại dột mà a dua một cách đơn điệu, thiếu suy nghĩ như thế, thậm chí người ta nghĩ ra phong cách tua rua hơn a dua (từ này mang nghĩa khác nhưng đành mượn tạm để chỉ hiện tượng và bản chất một số vấn đề xã hội hoa mỹ), học đòi thiên hạ, theo đóm ăn tàn mà lợi ít, hại nhiều. Từ những ảnh hưởng của văn hóa đọc, nghe, nhìn trong trào lưu hòa hợp nên dễ dàng nhận ra những môđen nội đang được thay chất ngoại. Nào mốt Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Italy, Mỹ được thể hiện ở màu son môi, nhuộm tóc, sơn móng tay, quần bó lửng cắt te tua, thắt lưng da trăn, dây da cá sấu, túi da hươu, đồng hồ khủng, trang sức vàng trắng nặng trĩu, cưỡi xe ga phân khối lớn, nước hoa số 5... Tiếp thu văn hóa đương nhiên là tốt, nhưng không phân biệt, chọn lựa lại thành a dua văn hóa lố lăng ví như nhuộm tóc vàng hoe và son môi đen chẳng hạn, người nước ôn đới da trắng, vóc dáng cao to nên nhìn ấn tượng, còn ta một số thậm chí da đen sạm, vóc dáng thấp bé nên bôi đen, nhuộm vàng trông lạ lùng và lại cưỡi lên xe cao to lênh khênh, lúc dừng xe loạng quạng chống không vững, góp phần gây tai nạn giao thông. Đến chuyện ăn uống cũng thi nhau xài món ngoại nhập, món ăn nhanh: Fastfood, hamburger, sandwich, Spagetti, pizza, KFC, susi, kim chi... kết hợp với đồ uống ga, cồn thường xuyên khiến cho tỷ lệ mỡ máu, tiểu đường, gút, trĩ hay thừa trọng lượng tăng theo cấp số nhân. Chẳng qua cũng chỉ ham ăn sang, nếm thử những món lạ nên a dua hưởng thụ khoái khẩu mà quên bệnh từ miệng vào.
Lĩnh vực tri thức cũng vậy, thấy người ta có nhiều bằng cấp tại chức là cũng đua nhau đi học các lớp buổi tối lấy thêm bằng cao học: Học thì ít mà cao vọng thì nhiều, phương thức học qua quýt nên góp phần làm tăng số lượng bằng cấp hình thức còn chất lượng kiến thức thực sự dùng được ngày càng yếu kém. Thêm nữa, xu hướng chuộng bằng cấp ngoại cũng đang “hot”, con cái được gửi sang các nước Á, Âu, Mỹ, Úc đào tạo từ trung học để sau hy vọng làm việc với liên doanh, lương cao, tương lai xán lạn... nhưng đấy là những ai học ra học mới thành người, còn những kẻ học lấy lệ, làm thêm kiếm sống là chính hoặc ăn chơi tiêu tiền hưởng thụ mùi đời thì a dua mua kiến thức quá đắt.
Đến chuyện y tế, người ta cũng sính ngoại: Chữa bệnh phải đi nước ngoài, nếu ở trong nước phải nằm viện quốc tế, chọn chuyên gia ngoại chữa trị, phải uống thuốc nhập khẩu, giá thật cao mới yên tâm. Nhưng các bác sĩ ngoại dường như chỉ giỏi chữa cho bệnh nhân ngoại chứ còn chữa bệnh nhân nội không mát tay lắm, ấy là chưa kể một số thần y không có lý lịch rõ ràng, trình độ phổ thông, không kiếm được việc làm bên chính quốc nên sang ta tự khuếch trương tài chữa bệnh, kiếm sống nhờ hộ chiếu. Rất nhiều giáo sư, bác sỹ đầu ngành cũng nhận định rằng, không phải thuốc chữa bệnh nào cũng phải đắt và không phải thuốc nào đắt cũng chữa khỏi bệnh, vậy mà cứ a dua bỏ tiền ra nuôi béo lang y ngoại.
Còn nhiều chuyện khác, chẳng hạn nước ta vốn là nước nông nghiệp nên trồng trọt chăn nuôi luôn là mối quan tâm của người nông dân. Có nơi làm ăn khéo thì no ấm, có nơi đợi đi theo thiên hạ nên lãnh đủ như rủ nhau phá rừng trồng cao su, ươm cà phê giống vì thấy giá thị trường lên, rồi phá lúa trồng đay, bỏ cây hoa màu trồng mía và kết cục nhổ đay, đốt mía vì không ai thu mua hoặc cứ thấy biến động nào đó là đua nhau làm, không cần tính hậu quả như bỏ cá nuôi tôm sú, bỏ tôm nuôi cá lồng... rút cuộc đều thất bại. Mới đây nhất, nông dân ngoại thành Hà Nội ồ ạt trồng rau ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu khan hiếm rau xanh sau trận lụt khét tiếng cuối năm 2008, dẫn đến cung vượt xa cầu, rau củ để lên lão, bán lỗ vốn không đắt, đành làm phân xanh, vậy là a dua nhau trắng tay. Dẫu sao hoàn cảnh ấy còn có thể chia sẻ khó khăn và cảm thông được, chứ còn hùa nhau trồng cau, chuối trên các khu đất sắp giải phóng mặt bằng để đợi đền bù thì a dua tham quá thể.
Trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, đã có một thời người ta hè nhau bán đất mua ôtô, xe máy, mở công ty tư nhân (đến mức hình thành những làng giám đốc); tiếp đến hội chứng “buôn trứng” (chứng khoán), nhà nhà tích lũy chứng, người người lên sàn chứng, tên gọi chưa kịp sõi thì “trứng” đã bị vỡ hàng loạt, méo mặt vay nợ dầm dề, phá sản; chuyển sang gửi tiết kiệm con thoi: Rút từ ngân hàng lãi suất thấp, hau háu rình ngân hàng lãi suất cao lao vào gửi và cứ thế xoay vòng tít mù; lại có nghề thi nhau buôn vàng theo giá thị trường quốc tế, chưa biết có bền không nhưng thấy người ta kiếm ăn được mà mình không kiếm chác gì thì hơi dấm dứt, chuyện này giống như hiện tượng lạm phát SIM điện thoại vậy: Trong tổng số hàng triệu thuê bao các nhà cung cấp điện thoại di động tranh nhau công bố để chứng tỏ uy tín với khách hàng, thực ra chỉ là sự đóng góp công sức của phong trào một khách hàng dùng nhiều số điện thoại cho oai, vì thế chưa thấy hãng nào thống kê có bao nhiêu % số SIM ảo, dùng một lần cho hết tiền khuyến mại rồi bỏ luôn.
Cuộc đời sôi động và đầy ắp lôi kéo là vậy, ai khăng khăng rằng mình không bao giờ a dua theo người khác e rằng quá chủ quan bởi khi đã lây dịch a dua thì tác động nhanh như hiệu ứng đôminô và dù tự hào khoe mình chính là quân đôminô đầu tiên cũng chẳng để làm gì, vì quân đầu tiên hay cuối cùng đều kéo nhau đổ dây chuyền. Còn chuyện tiếu lâm hiện đại kể: Trên đường phố bỗng nhiên ùn tắc rất lâu, một phóng viên bèn ra khỏi xe đi xem nguyên nhân tại sao thì thấy tất cả mọi người đang xem một người đàn ông dựng xe bên lề đường, đứng trên hè, há mồm, ngửa cổ lên trời làm gì đó. Anh phóng viên sốt ruột vỗ vai hỏi xem có vấn đề gì, người này nước mắt giàn giụa, thiểu não trả lời: Tôi khó ở quá, muốn hắt xì nên đành đứng nhìn lên mặt trời cho chói mắt mãi chưa hắt xì được! Thật lạ vì nhiều người bình thường khác cứ muốn a dua nhau quây quanh anh ta theo phản xạ để cùng: Hắt... xì... hơi!!!
Linh Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét