Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Về những câu chuyện .... .H.Đằng

 Gồm các bài viết:
3. Lão đi mổ mắt- 2. Phiếm luận về chuyện cúng tế 1. Xem bóng đá AFF cup

LÃO ĐI MỔ MẮT

Qua bố mẹ, Ông Trời cho lão đôi mắt sáng. Tiếc là lão thiếu trân trọng! Thuở nhỏ, lão mê chơi dế. Nhiều khi trời đã tối hay chưa sáng, lão ra đồng, lần theo tiếng dế kêu, gạt cỏ moi hang hay dí mắt vào đường nẻ đất. Thời đi học, lão học bài dưới ngọn đèn dầu le lói. Lại còn mỗi lần lão đỏ mắt do nhiễm trùng vì rạng chơi giữa nắng nơi đầy bụi hay bơi tắm trong những hồ nước bẩn, chưa có thuốc men đặc trị, khi thì mẹ lão lên chợ, mua một chút chất gì màu đen đựng trong vỏ hến; điểm nó vào mắt đầu hôm ... đau điếng người nhưng sáng ra mắt hết đỏ - chắc mật gấu chứ gì! khi thì lấy miếng giẻ, bỏ vào một ít hột muối đằn cơm nóng lên trên, cuộn giẻ lại rồi áp vào mắt - cách chữa này lúc lành, lúc không; có người còn bày: lấy cứt người mới “ẻ” còn nóng gói vào giẻ, chặm lên mắt đỏ thì hết bệnh. Lão chưa hề áp dụng phương thuốc này vì lão dị ứng với đồ nhơ.
Bước lên bậc học trung học đệ nhị cấp (trung học phổ thông), lão bắt đầu mang kính cận thị, ban đầu 3 độ, sau tăng dần. Cuộc sống của lão có nhiều biến động; lắm lúc, lão phải xài mắt trong những điều kiện thiếu ánh sáng. Những năm sau 1975, do hoàn cảnh khó khăn, xà phòng giặt khăn lau mắt, lau mặt không có - hay có mà không chất lượng, mắt lão nhiễm bẩn, mờ nặng. Gần đây, lão phải mang kính cận thị đến 7 độ mà vẫn không rõ.
Cách đây 4 năm, lão đi thay kính, thợ lắp kính cho biết: thay kính không còn tác dụng, lão phải đi mổ đục thủy tinh thể thôi. Lão do dự, không chịu đi. Lão sợ đâm, chích, xẻ, rạch vào cơ thể lắm. Hơn nữa, lão chưa đủ điều kiện.
Năm ngoái, sau họp mặt liên trường Đông Hà (22/6/2012), một số học trò Công Lập khóa VI cũ về nhà thăm lão, trong câu chuyện giữa trò và thầy, biết mắt lão đang có vấn đề. Ít ngày sau, từ xa, một học trò xưa – người này không muốn nêu tên - gởi cho lão một số tiền lớn kèm theo lời nhắn đậm đạo lý “hiếu nghĩa”: Ngày xưa thầy dạy dỗ em nghĩa là mở mắt cho em để sống với đời; ngày nay vì tuổi tác, mắt thầy mờ, em xin trả ánh sáng lại. Thầy cứ đi điều trị ở đâu tùy thầy chọn, phí tổn bao nhiêu em lo.
Rồi như mùa mưa tới, một số học trò cũ khác – từ Công Lập Đông Hà, từ Nguyễn Hoàng Quảng Trị, cũng muốn giấu tên - lần lượt gởi thuốc, gởi tiền về. Mục đích: giúp mắt lão hết lòa. Dầu vậy, lão vẫn chưa đi bệnh viện ngay, lão đưa ra lý luận: cơ thể lão như một cái máy mà bộ phận nào cũng mòn rạc, con mắt cũng vậy, thôi để vậy, chờ đến một ngày mọi bộ phận đều đứng rồi cái máy vất luôn. Với lại, lão nghe nói bệnh viện có lắm chuyện tiêu cực, nào phải phong bì, nào phải lót tay, nào phải chịu đựng sự hững hờ, thậm chí hất hủi, của đội ngũ điều trị. Chưa nói đến rủi ro có thể xẩy ra cho mình ... mù luôn, khổ lắm!
Sau Tết Quý Tỵ (2013), một người bạn lão từ bên Pháp gởi email thăm hỏi và gợi ý sẽ gởi sách tặng lão đọc, lão cảm ơn và báo cho bà ấy biết mắt lão không còn đọc được nữa. Bà ấy khuyên lão cứ đi mổ, bà sẽ trợ giúp một phần kinh phí.
Lão bèn thử đi khám mắt xem sao, bác sĩ chuyên khoa cấp 2 trưởng khoa mắt bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị phán: lão phải đi mổ, để trễ thêm chừng nào thì mổ giảm kết quả chừng ấy. Đừng lo! Mổ ở Quảng Trị, nếu có mua bảo hiểm y tế tự nguyện, không tốn kém chi mấy mô. Bác sĩ chuyên khoa cấp 2 trưởng trạm mắt tỉnh Quảng Trị cho biết chi tiết hơn: con mắt trái của lão xem như lòa; con mắt phải thị lực chỉ còn 1/10; không mổ, một thời gian ngắn nữa thôi sẽ mù. Trạm mắt tỉnh đã có những bác sĩ giàu kinh nghiệm và được trang bị máy móc tối tân; nhưng mổ ở đâu thì tùy lão chọn.
Lão tin thần thánh, lão tin các đấng thiêng liêng cai quản vũ trụ - lão theo tín ngưỡng đa thần. Lão viết 2 cái xăm: mổ được và không mổ được; lão ra giữa trời khấn vái, lão bắt trúng cái xăm: mổ được. Tiếp theo, lão viết thêm 2 xăm nữa: mổ ở Quảng Trị và mổ ở Huế, lão bắt trúng cái xăm: mổ ở Huế.
Ngày 30/3/2013, lão lên đường đi Huế, đến phòng khám BS chuyên khoa cấp 2 Phạm Như Vĩnh Tuyên nhờ khám mắt thêm một lần nữa. Lão được chỉ định nhập bệnh viện trung ương Huế để mổ và lão đã vào đây ngày 02/4/2013.
Trọn ngày 02/4/2013, lão được khám và xét nghiệm rất kỹ. Mắt lão được soi từ máy này qua máy khác, có lúc, trước một máy, lão phải qua 2, 3 người khám. Bệnh viện cho lão đi khám tim, chụp phim phổi, xét nghiệm máu, nước tiểu. Nếu một người có thể trạng bình thường, ca mổ sẽ tiến hành vào sáng 03/4 và xuất viện sáng 04/4, nhưng rõ khổ! người ta phát hiện lão bị bệnh tiểu đường, lão được gởi qua khoa nội tiết khám và điều trị.
5 ngày sau (08/4), lão có tên trong danh sách mổ. Trưởng kíp mổ là BS. Phạm Như Vĩnh Tuyên, người đã khám lão cách đó hơn một tuần. Ca mổ diễn ra rất nhẹ nhàng trong vòng khoảng 10 phút, hình như mọi động tác đều do máy móc làm qua bàn tay điều chỉnh khéo léo và chính xác của phẫu thuật viên; lão chỉ hơi đau một tí khi bác sĩ chích thuốc tê. Sau mổ, khi thuốc tê hết tác dụng, lão cũng không cảm thấy đau tí nào.
Nửa chiều cùng ngày, mắt lão được bác sĩ gỡ băng; hai mí sưng, mắt chỉ mở được một khe ti tí, nhưng lão mừng quýnh, mọi vật, mọi sự hiện ra rõ ràng, lão cảm thấy thoải mái, khỏe khoắn.
Đêm 08/4, phòng bệnh tắt đèn để mắt khỏi chói, phòng chỉ sáng lờ mờ nhờ ngọn đèn từ hành lang chiếu vào. Phòng bệnh của khoa mắt bệnh viện trung ương Huế rất sạch sẽ, có toilet khép kín, bên này 2 giường, bên kia 3 giường, ở giữa là một khoảng không gian rộng. Lão không dùng viên thuốc an thần bác sĩ chỉ định cấp mà vẫn ngủ ngon giấc. Khoảng nửa đêm, lão tỉnh thức, mở hé mắt nhìn sang giường bên cạnh. Hai vợ chồng đang nằm xuôi ngược - vì cái giường hẹp, bề ngang chưa tới 1 mét. Vợ khoảng 60, người Huế, bệnh nhân vừa được mổ cùng danh sách với lão buổi sáng; chồng khoảng 80, người Bắc, mới vào thay con chăm sóc vợ lúc chạng vạng.
Sau năm 1975, vào miền Nam, một số đàn ông miền Bắc “thèo quèn thèo quẹt” các cô gái miền Nam, trong đó gái tơ cũng có mà vợ các viên chức, sĩ quan chế độ miền Nam đang đi học tập cải tạo cũng có. Người thì để lại con rơi khi về Bắc; người thì ly dị mụ vợ miền Bắc chân lấm tay bùn, ở lại, lập hạnh phúc với một bông hồng tươi mát miền Nam. Lão đoán cặp vợ chồng này cũng nằm trong trường hợp đó.
Trong cảnh nửa tối nửa sáng, ông chồng đưa tay lên, hạ tay xuống, dùng bàn tay chụp vào “phần nhạy cảm bên dưới” của vợ. Bà vợ nằm yên, thỉnh thoảng rít một luồng thở mạnh. Lão vừa nín cười vừa thầm trách: Cái ông kia liều dữ hè, có che chắn gì đâu mà dám làm vậy! Lại không kiêng cữ nữa chứ! thế ... lỡ vợ đui mắt thì sao? Lão liên tưởng đến chuyện ở quê lão; trong làng lão, có một chú hiện nay trên 60 tuổi rồi, chú bị hỏng một mắt; dân làng phao tin lúc chú còn bé, nằm chung với mẹ, bị đỏ mắt. Nửa đêm, bố chú mò tới, hai ông bà đang “hậy” nhau; bị tiếng động do cái giường lung lay quấy rầy, chú thức dậy, vừa khóc oe oe vừa nhìn “cảnh ấy”, sáng hôm sau, mắt chú sưng vù, sau đó tròng đen nổ, chỉ còn tròng trắng. Lão bỗng dưng sợ. Lão vô tình đã nhìn thấy “chuyện ấy” ở giường bệnh bên cạnh. Từ đó đến sáng, lão không ngủ được.
Sáng ra, ông chồng ngồi dậy bên cạnh vợ, hai tay rung mạnh, té ra ông bị chứng Parkinson, trong đêm, ông co giật vô thức chứ không phải  thèm muốn gì. Và con mắt lão cũng bình yên vô sự, mừng ơi là mừng! Chứng gàn đã khiến lão nghi oan và sợ bậy.

Con mắt trái sáng, con mắt phải mờ; lão đi khó khăn, như thử người bị mất thăng bằng; lão quyết định xin mổ con mắt phải. Lão lên bàn mổ ngày 12/4. Hai đêm trước đó, thằng cháu nội đi theo phục vụ, vì mỏi do động trời hay do cớ gì, nằm bên lão, nó quậy tay, đá chân, lão liên tiếp mất ngủ.
Lần này, trưởng kíp phẫu thuật vẫn bác sĩ Phạm Như Vĩnh Tuyên. Đang trên bàn mổ, lão nghe bác sĩ nói với những người đồng sự: huyết áp lão dao động. Rồi trên mắt lão có cái gì đè nặng xuống một hồi lâu; lát sau, lão mới cảm nhận ca mổ tiếp tục. Ca mổ này kéo dài, phải mất trên 30 phút. Lão lo ca mổ thất bại, con mắt này chắc đui rồi. Chiều, bác sĩ tới mở băng, qua khe mở hé, lão thấy rõ. Lão mừng. Lão soi gương, vùng quanh mắt bầm tím, hai mí sưng vù. Bác sĩ cho biết vết bầm sẽ tan theo thời gian.
Dù lão giấu mọi người chuyện lão đi mổ mắt, bà con, bạn bè vẫn xoay xở, tìm cách hỏi ra phòng bệnh, đến thăm lão khá đông, cho tiền, cho bánh, cho sữa.

Sáng 15/4, lão ra viện, về Đông Hà bằng xe khách. Lúc đi vào nhập viện, lão quá giang xe của một giáo viên quen thân ở Đông Hà chở vợ vào khám sức khỏe. Tiết kiệm được một khoản tiền. Những ngày kế tiếp, bạn bè, bà con, học trò cũ ... lần lượt đến chúc mừng lão có đôi mắt sáng; người thì trao phong bì, người thì trao vật phẩm. Lão vui mừng trong cảm động.

Qua mổ mắt, lão mới thấy trong xã hội có nhiều người giỏi, người tốt, nhiều người có tâm. Bệnh viện trung ương Huế bây giờ mở rộng lắm. Những tòa nhà do Pháp xây từ cuối thế kỷ 19 chỉ còn rất ít và hình như không còn dùng để bố trí phòng bệnh. Một vài dãy xây khoảng giữa thập niên 1960 vẫn còn nhưng đã được tân trang. Đa phần được xây mới: khu 7 tầng, khu 5 tầng ... Các lối đi đều bằng nhựa, không bụi bặm. Vườn hoa, cây cảnh chiếm không gian đáng kể - tất cả được giữ gìn sạch sẽ. Các quầy ăn uống phục vụ chu đáo: đồ ăn thức uống ngon, giá cả phải chăng, nền nhà không có rác xả vì mỗi bàn ăn có kê sẵn bên dưới một giỏ đựng rác. Những suy nghĩ tiêu cực của lão lúc chưa vào viện hoàn toàn sai. Từ bác sĩ, điều dưỡng viên đến nhân viên hành chánh ... ai cũng tận tụy, nhã nhặn. “ÔÔng đau không ôông ?”. Câu nói tình cảm phát ra từ mọi điều dưỡng viên khi lấy máu xét nghiệm hay chích thuốc đi theo lão về đến nhà và bây giờ còn văng vẳng bên tai.
Với cơ sở vật chất như vậy, với đội ngũ y bác sĩ như vậy, bệnh viện trung ương Huế thu hút bệnh nhân không những chỉ miền Trung và Tây Nguyên mà còn cả từ ngoài Bắc, từ trong Nam.
Lãnh đạo bệnh viện phải có tâm lớn và tầm cao mới tranh thủ được sự quan tâm đầu tư từ chính quyền, nguồn viện trợ từ các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong xây dựng, trang bị y cụ, đào tạo nhân sự, trao đổi chuyên môn, trau dồi kỹ thuật, hấp dẫn những tài năng y giới trong nước và giáo dục họ phục vụ với y đức cao .  
Đọc đến đây, có người cười nhạo: lão này đúng là gàn, đi nằm bệnh viện, quan trọng chi lắm mà phải kể lể dông dài.
Với bài này, lão không gàn nữa đâu! Lão viết để thay lời cảm ơn gởi những ai quan tâm đến sức khỏe của lão: người giúp tiền, người giúp thuốc, người đến thăm, người điện thoại hỏi ... Mọi người đều hành xử trong tình cảm thân thương.
Lão mừng lắm. Mừng có đôi mắt sáng. Mừng có dư “cả một xứ tiền”: số dư giữa tiền cấp giúp và tiền viện phí. Nhưng ... mừng nhất là cuộc sống trong tuổi già của lão được bao bọc bởi lòng thương yêu của nhiều người: con cháu, thân thuộc, bạn bè, học trò cũ ./.
13/5/2013 - LÃO GÀN
 


Chuyện trong cộng đồng
Phiếm luận về chuyện cúng tế
Hoàng Đằng

Ở đâu thì chưa dám nói, chứ ở tỉnh Quảng Trị chúng ta, nhờ chính sách mở cửa kinh tế của đất nước vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, kể từ đầu thập kỷ 1990 đến nay, các công trình thờ tự ở trong cộng động được tu tạo dồn dập.
Nhớ lại sau năm 1975, khi nước nhà mới thống nhất, những đình, chùa, miếu, điện, nhà thờ họ ... bị phá hỏng vì bom đạn, do điều kiện khó khăn, nhân dân đã giải quyết theo hai cách: một là sửa chữa lại, nhưng chỉ có tính cách chắp vá, làm sao khỏi giột nát là được; hai là tháo gỡ những gì còn lại (gỗ, gạch ...) chia nhau đem về tùy nghi sử dụng.
So với lúc đó, bây giờ, khi đi qua một làng quê, những gì thấy được – kể riêng những công trình thờ tự theo tín ngưỡng truyền thống dân gian – là chỉ dấu của sự tiến bộ đáng mừng trong mọi mặt đời sống nói chung và mặt tâm linh, tinh thần nói riêng. Đúng là “có thực mới vực được đạo”.
Đi kèm theo việc tu tạo các công trình thờ tự là việc tổ chức cúng tế.

Cúng tế là một việc hay. Đó là một hình thức “uống nước nhớ nguồn” đối với tiền nhân sinh dưỡng và đối với Thần Linh bảo hộ. Tiền nhân và Thần Linh gia ơn cho con người thì con người phải biết tạ ơn. Người Việt Nam ta, dù theo tôn giáo nào, trong đáy lòng vẫn giữ cái tín ngưỡng truyền thống phụng tự đa thần, dù tôn giáo đang theo phụng tự đơn thần.
Phụng tự để cầu nguyện; cúng tế là một hình thức cầu nguyện.
Làm cái nhà, người ta cầu nguyện rất nhiều Thần trong rất nhiều lễ; đẽo cột, kèo, xuyên, trếnh, có “lễ vỡ gỗ”, bắt đầu xây tường có “lễ mở móng”, gác đòn đông có “lễ thượng lương”, lợp mái hay đổ bê-tông trần có “lễ cái trấp”, vào ở tạm có “lễ nhúm bếp”, vào ở chính thức có “lễ về nhà mới”. Vợ có thai, sửa “lễ cúng Thiềng” (thành) để cầu thai nhi phát triển bình thường. Mua con heo con về nuôi, sửa “lễ cúng truồng” cầu nguyện các Thần quản lý việc chăn nuôi phù hộ cho con heo chóng lớn, không bệnh không tật.  Mua chiếc xe máy về làm phương tiện đi lại, mua con trâu về cày bừa, có “lễ gửi” dâng lên Ngài Bổn Thổ Thành Hoàng – vị Thần bảo hộ địa phương - cầu nguyện Ngài che chở cho người sử dụng gặp mọi chuyện an lành.
Cúng tế còn là dịp kết tình thân giữa những người ở gần nhau, giữa những người có cùng máu mủ. Mới dọn về ở khu phố mới, soạn “ lễ cúng đất” mời đại diện những gia đình kế cận đến dự để làm quen, lỡ khi “trở trời hơi gió”, “nóng da the chắc” có nhau vì “nhất cận lân nhì cận thân”. Đối với bà con thân thích, cúng tế là dịp nhắc nhở sợi dây tình cảm và mối ràng buộc máu mủ. Dù có bất đồng ý kiến, qua cúng tế, anh em gặp nhau thắp nén hương dâng lên Tổ Tiên chung, sự bất hòa sẽ được hóa giải và sự đoàn kết sẽ hàn gắn trở lại.
Cúng tế cũng là dịp “thù tạc vãng lai” – một hình thức “trả nợ miệng”. Có ăn uống với nhau, có nâng ly, cụng lý, tình cảm giữa người với người mới thắm thiết, thân mật vượt qua những rào cản về tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội. Trong đời sống bây giờ, có nhiều dịp để ngồi lại ăn uống với nhau; sắm một bộ quần áo mới, thăng một bậc lương ... là dịp để mời nhau ra quán “rửa”, chứ trước đây, chỉ có cúng tế mới là dịp để “chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác”.
Cúng tế còn là dịp bồi dưỡng cơ thể sau bao ngày ăn uống kham khổ; vào thời buổi đói kém, có đi kỵ, đi làng, đi họ ... mới có cơ hội ăn được miếng thịt bò, thịt heo, còn bữa cơm ở nhà thì quanh năm chỉ dưa, muối.  

Trong những năm tiếp sau chiến tranh, việc cúng tế vẫn được tổ chức, nhưng tần số ít. Tất cả dồn cho việc ổn định cuộc sống: khai hoang phục hóa, dọn dẹp đường sá, che chắn nhà cửa; không còn thì giờ và phương tiện để lo việc cúng tế. Mà có cúng tế, việc tổ chức cũng không được như bây giờ. Cúng kỵ, tế làng, tế họ thường được tổ chức về đêm. Ngoài lý do dành ban ngày cho lao động sản xuất, còn thêm lý do cũng quan trọng không kém là để giảm bớt số người tham dự hưởng lễ.  Lễ vật đơn sơ, có chi mấy mà dự nhiều người! Cau trầu, rượu, khá hơn thì có cỗ gà, cỗ vịt, mấy khi hạ được con lợn! Về nghi lễ, gia chủ tự lâm râm khấn vái, ít khi mời thầy cúng. Mà thầy cúng thời ấy cũng hoạt động lén lút; đi đường không dám mặc lễ phục, cúng lễ không đọc văn sớ lớn, gõ “cóc cheng” vừa đủ nghe. Đã có trường hợp, thầy cúng bị tịch thu các đồ hành nghề. Nghề thầy cúng được xem là nghề truyền bá mê tín dị đoan, phản lại văn hóa tiến bộ. Còn bây giờ, thầy cúng mặc và đội đủ thứ áo, mão, cân, đai với đủ màu sắc: đỏ, vàng, xanh, tím. Khi cúng, thầy không những rán sức đọc oang oang mà còn gắn máy khuếch âm vào miệng. Cứ xem trong lễ cúng “tân gia”, để xua đuổi tà ma, thầy và chủ đi quanh nhà, thầy ré lên tiếng “phơ”, chủ nhà ré tiếp tiếng “phà”, âm vang ở xa cả cây số còn nghe.

Đời sống no đủ, cúng tế tổ chức linh đình và đa dạng: tế làng, tế họ, tế phái, tế chi, tế gia tiên, cúng kỵ, cúng đất, cúng tân gia, cúng lập bàn thờ Tiên Sư, Táo Quân, Thổ Công, Thần Tài, cúng tạ mộ, cúng cầu con đi thi đại học, cúng dâng sao giải hạn, cúng mừng thọ, cúng đủ tháng, cúng bệnh ... Để hành lễ, người ta mời thầy và có khi mời thêm ban nhạc gồm trống, kèn, đờn, xập xỏa rất tốn kém; người ta nghĩ rằng bề ngoài như thế mới thể hiện được lòng hiếu nghĩa.
Bây giờ, ít gia chủ tự mình đứng cúng, nhất là ở những lễ cúng không phải dâng lên gia tiên. Lý do cũng dễ hiểu thôi. Cả một thời gian dài sau chiến tranh, việc cúng thu hẹp, có người đã nghĩ việc cúng tế sẽ không còn, nào ai tiên đoán được tình trạng nở rộ của cúng tế như các hạt gieo xuống đất chịu nắng hạn rồi gặp mưa nảy mầm đồng loạt như hiện nay. Vì vậy, cha không hướng dẫn cho con, anh không hướng dẫn cho em nữa; mà dù có hướng dẫn, con em cũng không chịu học tập; phải vật lộn vất vả để tồn tại, đời sống tâm linh không còn được nghĩ đến; ngoài ra, thêm nhiều tác tố khác làm cho việc tôn kính tiền nhân giảm sút; cứ xem cái bàn thờ bài trí trong nhà thì rõ. Bàn thờ không còn chiếm căn giữa, nơi đó được giữ gìn ngăn nắp, sạch sẽ tối đa mà chỉ còn là tấm đan bê-tông hay tấm ván treo một nơi nào đó. Tự khí không còn phải tam sự, ngũ sự mà chỉ còn cái lư hương; gặp ngày sóc, vọng nhiều khi chủ nhà quên thắp hương để “hương tàn bàn lạnh”. Nề nếp đã mất. Bây giờ có sửa lễ gì, khi cúng, lại phải mang lễ phục, ít lắm cũng khăn đóng, áo dài đen, thế hệ trẻ không sắm những thứ ấy.  thôi chi bằng mời thầy đến cúng cho xong!

Thầy cúng là ai?  Thầy cúng có thể là “thầy chùa” – thầy cúng theo nghi lễ Phật giáo -, có thể là “thầy pháp” – thầy cúng theo nghi lễ “Lão giáo”, có thể là những vị trong cộng đồng cúng theo nghi lễ truyền thống – nghi lễ do đời này truyền qua đời khác. Nghi lễ của thầy chùa và thầy pháp rườm rà, trong một lễ cúng, thầy tụng đọc nhiều bài; thời gian cúng lâu, có thể kéo dài vài ba giờ đồng hồ; lễ vật dọn cúng cũng nhiều mâm, nhiều bàn. Còn nghi lễ của thầy “cộng đồng” đơn giản, thời gian cúng ngắn; mà thật ra muốn kéo dài thời gian cúng, thầy “cộng đồng” cũng không làm được vì biết đọc thêm cái gì!
Cúng lâu, văn sớ nhiều, lẽ tất nhiên công đức thầy lớn, tiền đặt tạ công đức phải nhiều. Ngoài lễ vật mà cúng xong dọn ra để người tham dự hưởng được – “thừa thần chi huệ”, thầy còn phán gia chủ sắm đồ mã, giấy vàng, giấy bạc, giấy tiền, giấy trắng, áo binh ... thật nhiều; trong khi thầy dư biết “của thiên biến ít thành nhiều” và chính thầy trong khi cúng cũng đọc những lời nghe mang máng như sau “... một hóa mười, mười hóa trăm, trăm hóa ngàn, ngàn hóa vạn, vạn hóa muôn, muôn hóa triệu ...” Có lẽ phải như vậy; nếu không thì làm sao mấy ly rượu nhỏ, mấy cốc nước nhỏ, mấy dĩa cau trầu nhỏ mà mời không biết bao nhiêu Ngài!
Rõ ràng thầy lừa dối, bày chuyện để trục lợi. Chủ cúng sắm nhiều thì xưởng dán đồ mã của thầy thu nhập nhiều; nực cười là các xưởng đó còn sản xuất những dụng cụ để giết chóc và hủy hoại, chẳng hạn súng, máy bay, xe tăng ... và còn “cả gan” dán áo, quần, đai, mũ, hài ... cho các vị Thiên Thần với những chi tiết trang trí sặc sỡ để tính giá bán cao, trong khi Thần, theo ý niệm, chỉ là một uy lực linh thiêng. Như thế, trong xã hội, người ta phỉnh gạt nhau để làm giàu; thầy cúng phỉnh chủ cúng; chủ cúng bóc lột thiên hạ. Những quan tham, những kẻ buôn gian bán lường, những kẻ cướp của giết người ... sợ bị luật đời trừng phạt, nên soạn lễ và mời thầy cúng để cầu cho hành vi của họ tránh khỏi con mắt công lý của Thần Linh. Việc cúng của thầy không biết có tác dụng nhiều ít gì không; nhưng thầy có cơ hội móc túi trở lại. Tội cho một số không ít người lương thiện có tính đua đòi, thấy nhà hàng xóm cúng long trọng mời thầy, mời nhạc, không làm thế, thấy ăn năn trong lòng, gắng làm cho được và đời sống kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nặng.

Khi cúng, các thầy cúng, dù thầy chùa, thầy pháp hay thầy cộng đồng, đều đọc văn, sớ bằng âm Hán – Việt. Thầy nào có học nhiều ít chữ Hán thì viết văn sớ bằng chữ Hán, thầy nào không biết chữ Hán thì phiên âm lời Hán Việt ấy ra chữ quốc ngữ. Về văn sớ, các lễ tế xuân thu ở làng, họ, phái, các lễ cúng đất, tạ mộ ... đều có mẫu sẵn. Các mẫu đó thường do các vị thầy chùa hay thầy pháp có trình độ Hán văn giỏi hoặc các vị thông nho soạn ra. Các thầy cúng ngày nay căn cứ vào đó mà sao chép lại; tuy nhiên, do trường hợp cúng đổi khác, thầy cúng cũng phải biết đổi khác trong văn sớ cho phù hợp. Các mẫu văn sớ ấy được dân gian gọi là “lồng văn”. Cái lồng văn - nói cho dễ hiểu - là cái dàn bài của bài văn, gồm có 3 phần:
- Phần 1: Địa điểm cúng, ngày tháng cúng, lý do cúng, người đứng cúng, lễ vật cúng.
- Phần 2: Danh sách các Ngài mời về dự hưởng, sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp.
- Phần 3: Tuyên tụng công đức của các Ngài, bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong sự phò hộ của các Ngài .
Trong 3 phần trên, trong tế làng, tế họ, phần 2 không được thay đổi; muốn thay đổi, phải được các vị chức sắc trong làng, trong họ thông qua,  thầy một mình không tự ý thay đổi được; chẳng hạn, một họ muốn đưa Tiên Tổ nhập vào danh sách các vị làng tế phải xin và được làng đồng ý, muốn đưa một vị ra khỏi danh sách cũng vậy. Còn phần 1 và phần 3, người viết văn phải vận dụng thay đổi theo từng trường hợp cụ thể.
Ở phần 1, nếu viết bằng lời Hán Việt, phần thời điểm viết trước phần địa điểm. Phần thời điểm viết theo thứ tự: năm – tháng – ngày; phần địa điểm viết theo thứ tự: nước – tỉnh – huyện – xã – thôn. Để tránh nhầm lẩn do âm lịch không minh bạch, ở phần thời điểm, mỗi mục: năm. tháng, ngày được nhắc đi nhắc lại 2 lần; ví dụ: về năm, người ta viết: Bảo Đại tứ niên tuế thứ Kỷ Tỵ (Năm Bảo Đại thứ tư nhằm năm Qúy Tỵ - 1929); về tháng, người ta viết: Bát nguyệt kiến Ất Dậu (tháng 8 tức là tháng Ất Dậu); về ngày, người ta ghi: Tân Mão sóc việt sơ tứ nhật Giáp Ngọ (qua ngày mồng một là ngày Tân Mão, hôm nay ngày mồng bốn là ngày Giáp Ngọ). Nguyên tắc hành văn giới thiệu nơi cúng và lúc cúng là như vậy, nhưng hiện nay, do trình độ Hán văn không cao, đa số các thầy cúng đã viết và đọc phần này lộn xộn; còn khi nói về lý do cúng, lễ vật dâng cúng, nếu không diễn bằng Hán văn được thì các thầy diễn bằng lời nôm; trong một bài văn, câu thì dùng lời Hán Việt, câu thì dùng lời Việt thuần tuý; xét ra không được nghiêm túc lắm.
Còn phần thứ 3 tạm gọi là “phần cảm nguyện” nói lên xúc cảm của người cúng, nếu viết theo một mẫu rập khuôn, thì vô hồn, khách sáo, chưa nói là đôi lúc không sát thực tế; vậy nên tùy lúc, tùy lễ cúng mà thay đổi cho thật lòng để khi đọc lên truyền được nỗi bùi ngùi xúc cảm từ người dự cúng lên Thần Linh.

Ở những lễ cúng có tính “thần bí” như cúng chữa bệnh, cúng trừ ma đuổi qủy ... , thầy pháp dùng phú chú bằng ngôn ngữ gì chúng ta không dám có ý kiến. Trên đời, chúng ta từng chứng kiến một vài hiện tượng kỳ bí, một vài nhân vật có khả năng siêu phàm liên lạc được giữa cõi âm và cõi dương, giữa Thần Linh hay những người đã mất với những người bằng da bằng thịt sờ sờ trước mắt. Như thế, biết đâu vị thầy cúng đang đọc phù chú kia có những khả năng vừa nói!
Còn ở những lễ cúng mang tính cách tín ngưỡng truyền thống, thiết nghĩ phải nên dùng lời Việt. Vì sao? Thần Linh Tiên Tổ ở Việt Nam thì phải trình bày ý nguyện với quý Ngài bằng tiếng Việt; như vậy mới hợp tình hợp lý. Ngay cả những tôn giáo lớn truyền vào Việt Nam (Phật giáo, Thiên Chúa giáo ...), qua quá trình lịch sử, những người trách nhiệm cũng đã Việt hóa kinh kệ nghĩa là dịch ra tiếng Việt cho tín đồ tụng đọc dù vị sáng lập ra tôn giáo không phải là người Việt Nam.
Ở trong cộng đồng, nhiều người vẫn thích nghe văn sớ bằng lời Hán Việt dù họ không hiểu gì cả. Họ nghĩ rằng lời Hán mới linh thiêng còn lời Việt là trần tục. Cái óc trọng ngoại còn quá nặng. Chính đó là điều đáng sợ cho tiền đồ Tổ Quốc. Ảnh hưởng một ngàn năm đô hộ của phương Bắc không gột rửa nổi trong một ngàn năm độc lập tự chủ. Bây giờ đã bước sang thiên niên kỷ mới, việc học chữ Hán đã thu gọn về chốn hàn lâm – các trường Đại Học; mục đích là nghiên cứu những gì cha ông để lại nhằm “ôn cố nhi tri tân”; trong cộng đồng, chỉ còn cách học gia truyền, mục đích để làm thầy cúng, thầy thuốc Bắc ..., việc học không bài bản, biết chữ mà không biết nghĩa, nên khi cúng tế, không biết vận dụng mà thay đổi, đã có trường hợp, cúng việc a mà đọc văn cúng việc b. Việc cúng tế, đáng lẽ trang nghiêm, tôn kính, lại trở thành bông đùa, vô nghĩa.

Để thể hiện tinh thần độc lập dân tộc, sự thành thật với chính mình và sự tôn kính với Thần Linh Tiên Tổ, các bài văn cúng tế, những lời khấn cúng tế nhất định phải bằng lời Việt, dù biết rằng việc ấy cũng không dễ chút nào vì trong cộng đồng, cái quan niệm “xưa bày nay làm” “xưa sao nay vậy” đã cắm rễ rất sâu. Kinh nghiệm cho biết muốn thay đổi một thói quen gì, dù theo hướng đúng đắn, vẫn rất khó. Nhưng khó cũng phải làm gấp; cái nô lệ đáng sợ nhất là nô lệ về văn hóa vì nó ăn sâu vào tiềm thức, thể hiện ra bằng những hành vi tự nguyện, khó tẩy xóa và đeo đẳng theo con người từ thế hệ này qua thế hệ khác. 
Để kết luận, mời xem ý kiến của Nhà văn Võ thị Hảo trong một bài viết gần đây về vấn đề này:
“Đã thoát Bắc thuộc chừng ấy năm rồi, khấn cho ông bà, ông vải, tổ tiên mà rất nhiều người lại phải khấn bằng chữ Hán, đốt sớ bằng chữ Hán, trong khi ông bà, ông vải một chữ Hán bẻ đôi không biết!
Kìa nhìn xem con cháu tâm sự những điều thiêng liêng thành kính trước bàn thờ Tổ Tiên, thổ lộ những ước mong với đấng sinh thành mà lại chọn cái ngôn ngữ đánh đổ ông bà tổ tiên; khen chẳng biết, chửi không hay; như vậy có khác nào vừa nô lệ, vừa bất kính hay không?”. (1)
Lời lẽ của nhà văn Võ thị Hảo hơi nặng nề, nhưng cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm./.
HĐ- 09/10/2010 (02/9/Canh Dần)



XEM BÓNG ĐÁ AFF CUP

Lão già rồi. Rảnh rỗi. Thường xem TV để giải trí. Thích nhất là ca nhạc và bóng đá. Nghe ca sĩ hát, Lão lẩm nhẩm theo; Lão nghĩ đó là cách tập giữ cho giọng nói rõ ràng; không hụt hơi, mất tiếng khi gặp âm cao, âm thấp.
Xem bóng đá, Lão khoái nhất là khi bóng đội nhà lên gần cầu môn đội bạn và khi bóng đội bạn sát cầu môn đội nhà. Hồi hộp ... máu chảy nhanh, thần kinh tỉnh thức, kích thích tố tiết mạnh. Lão nghĩ đó là một cách chống lão hóa – già mà muốn trẻ, ai lại không ưa!
Mấy ngày rồi, xem đội tuyển Việt Nam ra quân. Trân thứ nhất thi đấu với đội Myanmar, hai đội hòa 1/1; đội Myanmar không mạnh, thành thử kết quả hòa không vừa ý người hâm mộ Việt Nam. Trận thứ nhì thi đấu với đội Philippines; ai cũng tưởng đội Việt Nam sẽ thắng vì từ trước đến giờ, hai đội ra sân gặp nhau, đội Việt Nam phần lớn giành phần thắng; thế mà lần này đội Philippines đánh bại đội Việt Nam 1/0. Trận thứ ba thi đấu với đội Thái Lan; đội Việt Nam vẫn nuôi hy vọng thắng để còn cơ may tiếp tục đường vào bán kết dù xưa nay đội Thái Lan luôn được đánh giá mạnh hơn đội Việt Nam. Không biết vì thương hay khinh đội Việt Nam, Thái Lan chỉ đưa những cầu thủ hạng 2 - dự bị - vào sân. Vậy mà Việt Nam cũng thua 1/3.
Thầy trò đội tuyển bóng đá Việt Nam mặt mày ủ rủ xách gói về nước và đây đó xôn xao những đổ lỗi đấu tồi cho nhau vì lý do này lý do nọ.
Lão không rành bóng đá; nhưng nghĩ rằng bóng đá là môn tranh tài lương thiện: cấm chơi xấu đối phương, hơn thua chỉ cậy vào kỹ thuật, tinh thần, tổ chức, khéo léo, lanh lẹ, thể lực. Như thế, rõ ràng là hiện tại về các bình diện trên Việt Nam mình không so nổi với các nước trong khu vực. “Khóc cười theo vận nước nổi trôi”, Lão buồn lắm.
Lão lại buồn hơn khi hay tin năm 2008, đội Việt Nam đã từng vô địch, mà 2012 lại trắng tay; thế nghĩa là trong 4 năm qua, hoặc là bóng đá Việt Nam giẫm chân tại chỗ trong khi các nước khác tiến lên, hoặc là bóng đá Việt Nam có tiến nhưng mình tiến một bước thì thiên hạ tiến ba, bốn bước, hoặc là bóng đá Việt Nam đi thụt lùi, còi cọt dần  trong lúc nhà nước vẫn phải chi ngân sách nhiều để nuôi dưỡng. Lão lo – cái lo tào lao: nếu tình trạng này kéo dài thêm nữa thì mần răng đây trong khi dân Việt Nam mình nổi tiếng là rất cuồng nhiệt với bóng đá.
Nghĩ thế, Lão lại băn khoăn: lòng cuồng nhiệt ấy có đến từ tình yêu đích thực bóng đá hay không? Lão nghe nói trong cộng đồng bây giờ phong trào đánh bạc qua cá độ tỉ số bóng đá rất thịnh hành. Lão suy luận một cách lẩn thẩn: không chừng người ta reo hò nhảy múa khi một bàn thắng được ghi là do người ta trúng cá độ cũng nên. Quả thiệt như vậy, thì nếu người reo hò vì tình yêu bóng đá chiếm đa số, đất nước còn vận may, nhưng nếu người trúng cá độ  reo hò chiếm đa số thì nguy hung.
Lão suy nghĩ, dù biết rằng sự suy nghĩ của mình cũng chẳng đến đâu mà còn có thể làm cho huyết áp lên, cực thân Lão. Tạng của Lão vậy, biết mần răng chừ!
03/12/2012 - (20/10/Nhâm Thìn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét