Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Phố phường Quảng Trị hôm nay và ngày xưa

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ HÔM NAY

  • Mai Lĩnh
Ngôi thành cổ rộng 16 hecta nằm ở góc đông bắc thị xã Quảng Trị, xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX. Trước khi diễn ra trận đánh khốc liệt kéo dài 81 ngày đêm vào mùa hè năm 1972, thành vẫn nguyên vẹn rồi sau đó gần như bị san phẳng, vùi lấp hàng vạn thi hài chiến sĩ trận vong. Ngày nay, thành cổ được bảo tồn như một chứng tích chiến tranh, một nghĩa trang không có nấm mồ và là một điểm đến của du lịch tâm linh.




01. Năm 1827, từ một công trình đắp đất, vua Minh Mạng cho xây thành trì kiên cố với tường thành cao hơn 9 mét, dưới chân dày 12 mét, xây bằng gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi và mật mía.

Thành có bốn cửa; cửa tiền hướng nam, cửa hậu hướng bắc và hai cửa hữu, cửa tả quay về hướng tây, hướng đông.

Ảnh bên: Cửa tiền (hướng ra đường Lý Thái Tổ) bị sập hoàn toàn trong chiến tranh, nay là cửa duy nhất được xây mới và trở thành lối ra vào chính của thành cổ Quảng Trị.



02. Tường thành bao quanh hình vuông, bốn góc nhô ra thành bốn pháo đài cũng có hình vuông; bên ngoài thành có hào nước bao quanh. Trước năm 1972, trừ bờ hào phía bắc, ba phía còn lại đều bị nhà dân xây bít và lấn ra hào; ngày nay bốn mặt thành đều được thông thoáng, xây tường hào bao quanh sát chân thành và đường phố bên ngoài rất đẹp.

Ảnh bên: Góc thành nhìn từ hướng đông nam. Vị trí chụp ảnh này, trước đây là góc đường Lý Thái Tổ và đường Duy Tân; trước cửa cơ quan MACV; ngày nay là trước trường THPT thị xã Quảng Trị.



03. Sau 81 ngày đêm bị vùi dập đạn bom (từ 28/6 đến 16/9/1972), cả khu vực thành lũy chỉ còn một đoạn hơn chục mét tường thành sát cửa hậu (quay về hướng bắc, ra đường Lê Văn Duyệt) còn được bề cao hơn đầu người, cửa thành đổ sụp phần trên, vòm cửa ra vào vẫn nguyên.

Trong ảnh, cửa hậu vẫn được giữ nguyên như sau chiến trang, các loại dây leo phủ kín bờ thành và vòm cửa.


04. Ở góc đông bắc bên trong thành có khu nhà lao giam giữ tù nhân chính trị do người Pháp xây dựng từ năm 1929 và tồn tại cho đến 1972. Ngoài các phòng giam bình thường, hầm đá là nơi biệt giam tù nhân trong điều kiện ác nghiệt nhất. Trong ảnh, hầm đá bị sập một góc cho thấy những ô biệt giam chật hẹp.



05. Trước năm 1972, người dân Quảng Trị không nói đến từ "thành cổ" (bởi tất cả thành lũy của các triều đại vua chúa trước đây nay cũng đều trở thành kiến trúc cổ và từ nửa sau thế kỷ XX, các công sự phòng thủ không còn xây thành lũy như trước). Chỉ từ trận chiến năm 1972, cái tên "Thành Cổ Quảng Trị" trở nên nổi tiếng như một nỗi hãi hùng về sự chết chóc. Mỗi tấc đất ở thành cổ đều có bom đạn và xác người.

Cũng cần phân biệt tên gọi di tích Thành cổ với Cổ Thành, là tên một làng thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (liền kề chùa Tỉnh hội QT, thôn Đệ Tứ trước đây).

Ảnh bên: hào dọc theo bờ thành phiá đông, dọc đường Duy Tân cũ.



06. Khu thành cổ là một phần của quần thể di tích Thành cổ và sông Thạch Hãn, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia của Việt Nam. Toàn bộ diện tích trong thành được xây dựng thành nơi yên nghỉ chung cho những người đã nằm trong lòng đất với nhiều cây xanh, đài tưởng niệm, bảo tàng...


07. Một đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở thành cổ được xây dựng ở vị trí trung tâm. Tượng đài hình tròn tượng trưng nấm mồ cho những người đã mất. Kiến trúc thể hiện thế lưỡng nghi, tầng trên là dương, dưới là âm có khoảng trống thông nhau.



08. Phía tây thành cổ, song song con đường từ cửa hữu của thành ra thẳng bờ sông Thạch Hãn ngày nay là một công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền quần thể di tích Thành Cổ - sông Thạch Hãn; gồm các hạng mục chính như tháp chuông, nhà thả hoa đăng hai bên bờ sông.

Đây là con đường từ cổng thành Đinh Công Tráng đi ra bên hông trường Nam Cửa Hữu, băng qua hai đường Phan Đình Phùng và Trần Hưng Đạo, đi qua trước cửa Ty Tiểu Học rồi ra đường Gia Long, sông Thạch Hãn.



09. Tòa tháp chuông được khánh thành vào ngày 29-4-2007; chuông được đánh vào các ngày lễ, ngày rằm... vọng tưởng linh hồn chiến sĩ trận vong. Quả chuông đồng có chiều cao 3,9 mét, đường kính 2,15 mét, trọng lượng gần 9 tấn, được treo trên tháp có chiều cao gần 10 mét.













10. Quảng trường Thành Cổ nối liền không gian giữa thành cổ với sông Thạch Hãn. Nơi đây có nhà tưởng niệm liệt sĩ nằm ven bờ hữu ngạn sông Thạch Hãn.


11. Đối diện với quảng trường thành cổ, bên bờ tây (Nhan Biều), tả ngạn sông Thạch Hãn cũng có nhà và bến thả hoa đăng.


12. Dòng sông Thạch Hãn, cũng là nơi rất nhiều chiến binh tử vong khi từ phía Nhan Biều, Ái Tử vượt sông để vào thành cổ. 



THỊ XÃ QUẢNG TRỊ  TRƯỚC NĂM 1972

 Trích đoạn từ bài viết của Hoàng Long Hải


Có khi gọi là thành phố Quảng Trị có 6 phường. Ấy là kể theo tình trạng trước 1945. Phường Đệ Nhất và Đệ Nhị ở kế nhau, là khu vực nhà và phố chung quanh chợ Quảng Trị. Kể từ tiệm ăn Như Ý của bà mẹ Như Xuân + Định, - nhà ông Huy, - gia đình Thu Ba, Mỹ Lệ... dài ra tới sân Vận Động cũ, sau nầy là trường Nguyễn Hoàng là khu vực phường Đệ Tam. Từ đường Nguyễn Hoàng (trường Nguyễn Hoàng cũ), nhà bác Xạ Quí, thân phụ Quang Hiển, Bạch Mai... lên tới địa phận cầu Ga và nhà Ga Quảng Trị, là phường Đệ Ngũ. Tôi không nhớ chắc địa giới!
Trước 1945, trong nội thành có hai trại lính. Vào cửa Hữu, đường bên trái là lối dẫn vào trại lính Khố Xanh (lính địa phương của Tây). Phía cuối thành cổ, là cửa Tả. Đây là khu vực công đường và tư dinh của các quan Nam Triều (triều đình Huế), gồm quan Tuần Vũ (tương đương tỉnh trưởng tỉnh nhỏ), quan Án Sát (tư pháp, tòa án), và quan Lãnh Binh (coi về binh lính). Sau khi Tây đô hộ, Nam triều không còn quân đội nên không còn quan lãnh binh. Canh gác và phục vụ cho quan Tuần Vũ, quan Án Sát thì có đội lính Khố Vàng.
Lính Khố Xanh và lính Khố Vàng đều là người Việt. Chỉ có một viên quản Tây chỉ huy lính Khố Xanh mà thôi. Gia đình lính Khố Xanh và lính Khố Vàng ở tại khu nhà trên “thượng thành”, tức là bờ đất phía trong của thành - phía ngoài xây bằng gạch -. Khu nhà “thượng thành” nầy nằm ở góc “tây nam” thành cổ, góc ngó ra sân vận động cũ. Khu nhà nầy, không quá một trăm nóc gia, được lập thành một phường, gọi là phường Đệ Lục.

   Hồi còn nhỏ lắm, có lần tôi lên khu nhà “thượng thành” nầy. Trên đó, có nhà một người đàn bà, tôi gọi băng dì. Bà ấy là bạn của mẹ tôi, nên gọi bằng dì, theo phong tục người Việt Nam thời ấy. Tên chúng tôi thường gọi là “dì Chạy”, chồng làm cai lính Khố Xanh, là mẹ của thiếu tá Lê Bá Mùi (anh) và thiếu tá Lê Bá Ngọ (em), Biệt Động Quân. Sau 1945, dì dựng nhà ở phía ngoài Cửa Tiền, trong khu vườn của cụ Đốc Hy, có cửa hàng bán guốc tại chợ Quảng Trị. Ông chồng của dì hình như lúc đó đã qua đời.
   Lần thứ hai tôi lên khu nhà “thượng thành” nầy là khi có trận đấu bóng đá ở sân Vận Động, trước 1945, có bán vé. Ba anh em tôi, còn nhỏ, không có tiền mua vé, bèn trèo lên khu nhà nầy, đứng trên thượng thành mà xem. Xa lắm, không thấy rõ, buồn tình bỏ về.
Sau năm 1946, Tây đóng trong cổ thành, dinh thự các quan Nam Triều không còn, dân chúng trên khu “thượng thành” bị Tây đuổi đi hết, thành ra phường Đệ Lục cũng bị “xóa sổ”.
“Lãnh thổ” phường Đệ Tứ thị xã Quảng Trị, chính yếu là khu dân cư, nằm dọc theo đường Cửa Hậu, tên cũ, thời Đệ Nhất Cộng Hòa đặt tên mới là Lê Văn Duyệt. Ông là một đại công thần nhà Nguyễn, nhưng lại là hoạn quan, nên tôi hơi buồn cho ông ta một chút! Đền thờ ông Lê Văn Duyệt ở Gia Định là Lăng Ông đấy, rất nổi tiếng “linh thiêng”.
Như vậy, người ta có thể kể phương Đệ Tứ là từ bờ sông Thạch Hãn, đầu đường Lê văn Duyệt, đến cuối đường, thường gọi là “Góc Bầu” - tại sao gọi là Bầu, bà cô nào có bầu hay xóm ấy có hình dạng như trái bầu? Tôi không rõ. Góc Bầu là ngã ba: đường Lê Văn Duyệt, nối góc vuông với đường Lê Văn Duyệt là đường Cửa Tả, tên sau nầy là Trần Cao Vân. Thứ ba là đường về làng Trí Bưu, cuối đường về Trí Bưu nầy là bến đò Ba Bến.

Tại Góc Bầu, có xóm Thợ Rèn, thuộc thổ địa phường Đệ Tứ. Sát đó, nhà Thầy Võ Lộc, giáo viên trường Tiểu Học Quảng Trị, thầy giáo lớp ba của tôi, đất làng Trí Bưu. Ba bốn lò rèn ở Xóm Bầu là của mấy ông thợ rèn họ Hoàng làng nội tôi - làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Làng Hiền Lương nầy là làng rèn. Các ông thợ rèn bà con họ Hoàng với tôi nói trên là các ông Hoàng Lem, Hoàng Vân (em ông Lem?), Hòang Kiểu, v.v... Thợ rèn khéo tay, từ rèn sắt, sau thành “thợ nguội”, rồi đóng xe hơi, rồi làm chủ xe hơi. Trước 1975, phần đông khá giả.

  Từ ngã ba Góc Bầu, lên tới Cửa Tả, là hết địa phận phường Đệ Tứ. Từ Cửa Tả trở lên, thuộc phường Đệ Tam. Đúng ra, địa giới phường Đệ Tứ, phía bờ sông, bắt đầu từ một con đường xóm nhỏ, gọi là đường Xóm Heo. Con đường xóm nầy, nối với đường Lê Văn Duyệt, chỗ sát Miếu Đôi (ngay góc bờ sông). Xóm Heo chuyên làm heo và bán thịt heo, ở phía trong. Bên phải đường xóm là đất phường Đệ Tứ, bên trái là đất làng Cổ Thành. Khu vực Chùa Tỉnh Hội, nhà Thầy Trợ Lẫn (Hồ Ứng Lẫn -1-), nhà ông ấm Cảnh (Hoàng Hữu Cảnh, bố nhà thơ Cuồng Vũ - Hoàng Hữu Chỉ -, quê làng Bích Khê), - Sau nầy ông Bùi Đình Diệp, (bố Bùi Đình Chi), và ông Minh Tuấn, chủ tịch Hội Quảng Trị Atlanta hiện nay, thuê ở nhà nầy; nhà cựu thiếu tá Lê Văn Tịnh (em rể tướng Lãm), nhà Thầy Trợ Hào (Hồ Xuân Hào), thuộc đất làng Cổ Thành. Hầu hết Xóm Heo đều ở trong đất phường Đệ Tứ.
Đất phường Đệ Tứ và thị xã Quảng Trị, ngày xưa, thời Gia Long, khi chưa xây thành cổ là đất làng Thạch Hãn.

Trong các năm chiến tranh 1945-54, lý trưởng làng Cổ Thành thường “lưu vong” vì sợ Việt Minh, dân khu xóm thuộc làng Cổ Thành nói trên, muốn xin giấy tờ, gặp ông lý trưởng cũng khó, nên dân chúng “tiện đâu xâu đó”, bèn xin ông phường Trưởng phường Đệ Tứ chứng giấy luôn cho họ. Anh Xạ Thử (xã trưởng, gọi theo địa phương là Xạ), - nhà sát nhà tôi nên quen biết, anh em chúng tôi thường gọi bằng anh - là người dễ tính, không tiếc gì chữ ký và khuôn dấu, nên ký tên đóng dấu luôn, quen thì miễn lệ phí, lạ thì đóng vài chục đồng cũng xong. Dần dà, làng Cổ Thành mất dân, phường Đệ Tứ thêm dân mà chẳng ai quan tâm. Thời chiến tranh loạn lạc, đâu có ai để ý làm gì. Thành ra, đất phường Đệ Tứ lấn ra đất làng Cổ Thành mà chẳng thấy thưa kiện gì cả, khác với thời xưa.
Anh Xạ Thử, tên đầy đủ là Lê Văn Thử, làm lý trưởng từ khi chính quyền tái lập, năm 1947, 48 gì đó. Chỗ nhà anh ở và cái chức lý trưởng nầy, là anh “nối nghiệp” của nhạc phụ anh: ông Xã Hưng. Sau năm 1945, ông Xã Hưng ở riệt trong quê, làng Cu Hoan, không hồi cư, nên cái chức lý trưởng thuộc về người con rể. Khi ông Xã Hưng còn làm lý trưởng phường tôi, tôi còn nhỏ lắm, nên tôi không biết gì nhiều về ông ta, nhưng tôi biết “anh Mọ” - là “thằng mõ” đấy. Anh người cùng làng với ông lý trưởng, tới đây ở để học may, với anh Thử là cái nghề gốc của anh ấy. Tôi không phải là người yêu âm nhạc, nhưng mỗi khi “anh Mọ” cầm mõ đi rao, thì tôi thích thú chỏng tai lên mà nghe: “Cóc, cóc, cóc...” Cũng thời gian đó, khi máy bay Mỹ tới oanh tạc lính Nhựt, cậu mạ tôi sợ nguy hiểm, cho chúng tôi tản cư về làng Nại Cửu, tạm trú tại nhà một ông đội Khố Xanh, là bạn của ba má tôi. Có đêm, nằm trong nhà, - nhà quê, không có đèn điện đi ngủ sớm - nên buồn lắm, tôi nghe có tiếng rao mõ, làm tôi nhớ “anh Mọ” phường tôi, nhưng cách rao ở đây, “lạ” hơn. Anh con trai ông Đội rao lại lời thằng mõ, nhưng có “edit” như sau: “Cóc, cóc, cóc... Ai có lồ... mốc thì đem ra phơi, kẻo mai động trời, phơi không được.” Có lẽ “lời edit” không phải của anh ấy, mà của nhân dân. Nhân dân thì cái gì cũng hay khiến thằng bé nầy nhớ lâu.
  Đến thời Ngô Đình Diệm, “Tập Đoàn Công Dân” có trụ sở tại nhà Thầy Lệ, là một tổ chức làm “ngoại vi của đạo Thiên Chúa và chính quyền”, yêu cầu anh Xạ Thử phải “trở lại đạo” nếu muốn giữ cái chức “Phường trưởng” - “phường trưởng” là “cách gọi dân chủ” của chế độ mới đấy. Anh Xạ Thử than với mẹ tôi: “Chị coi! Tui bỏ “ôông bà răng” được!” Anh Xạ Thử xin vô làm Cảnh Sát, bỏ xứ mà đi nhận việc mới. Từ đó, gia đình anh đi mất. Sau đó thì anh Hoàng Kiểu, thợ rèn ở Xóm Bầu, được Tập Đoàn Công Dân cho thay chức anh Xạ Thử. Anh Hoàng Kiểu là dân thợ, học hành ít, không có khả năng. Anh chỉ làm bù nhìn để Thầy Lệ, thay mặt cho Tập Đoàn Công Dân, ngồi ở đằng sau mà giật giây. Cũng nhờ sự thay ghế, đổi chỗ nầy, mà trong cuộc bầu cử dân biểu năm 1958, Bà Lê Thị Ngộ, hiền thê cụ Tôn Thất Dương Thanh, được nhiều người bỏ phiếu cho mà lại thất cử, trong khi “thầy giáo làng (Hội Yên), nghề chuyên môn “xăng xít đít đui”, ít ai khen mà lại “đắc cử vẻ vang”. Đời bây giờ, có nhiều cái “vẻ vang”, “vinh quang” rất buồn cười!!! Tây cũng nói: “Oh! C'est la vie!!!!” mà.

Thổ địa phường Đệ Tứ thẳng mà không bằng. Khu vực gần bờ sông thì thấp, nên khi có lụt lớn thì bị ngập. Nhà mẹ tôi, chỗ thấp, lội nước lụt trong nhà là chuyện thường. Khu vực gần thành cổ thì cao, nước lụt không tới viếng. Khu đất nầy cao là nhờ khi đào hào thành, đất được đắp lên ở đây.

Trước 1955, trên đường Lê Văn Duyệt, nhà dân chỉ ở một phía, phía đối diện với thành cổ. Sau nầy, dân ngụ cư càng ngày càng đông, dân chúng mới dựng nhà phía bờ hồ. Góc đường Ga (Trần Hưng Đạo) và đường Cửa Hậu (Lê Văn Duyệt), có một bãi tha ma nhỏ, những nấm mộ nhỏ là nơi chôn những bào thai bị hư do bệnh viện Quảng Trị, gần đó, đem chôn. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, phía bờ hồ, ty Ngư Nghiệp cho đào một hồ nuôi cá phi giống để cung cấp cho dân, rào kẽm gai rất kỷ vì sợ chồn cáo. Nhưng chỗ đất nầy thấp, thường bị nước lụt, cá giống theo nước lụt “di tản” hết. …….
………………………
- Phường tôi không có chùa, chỉ có 2 ngôi miếu. Đầu bờ sông có hai cái miếu kế nhau, trên nền cao, tục gọi là “Miếu Đôi”. (2). Miếu nầy của làng Cổ Thành, việc cúng tế do làng nầy chăm lo. Đối diện với bãi tha ma tôi vừa nói trên là một “khu miếu”. Gọi là khu vì có nhiều ngôi miếu kề nhau, trong một khu đất khá rộng. Hình như miếu nầy thuộc làng Thạch Hãn, về sau, ông Xạ Thử phường tôi lo việc cúng tế hàng năm.
Phường tôi không có Chùa. Sau năm 1954, nhờ hòa bình, đời sống tôn giáo lại hồi sinh, phường có “Khuôn hội”. Khuôn trưởng đầu tiên là đại úy Đối, thân phụ của “con nhỏ học trò” B. Thảo. Gia đình nầy là dân di cư, mua lại nhà ông Thị Quế. Khuôn trưởng kế là bác thợ Khấu, thân phụ đại úy Võ Bang. Bấy giờ bác Cửu Luân, dọn nhà ra Đông Hà, bác “cúng” chỗ đất nhà của bác cho khuôn hội. Phật tử góp công, góp của dựng lên một “Niệm Phật Đường” ở đấy để dân chúng lui tới thờ lạy Phật và làm trụ sở cho khuôn hội.

Dân phường Đệ Tứ hầu hết là dân ngụ cư, nghĩa là không có ai bản quán ở đây cả. Không ít gia đình thuộc lính tráng (binh nhì - đơ-dèm cùi bắp), bếp (binh nhứt), cai, đội Khố Xanh... thời Pháp thuộc, đóng ở trong thành cổ: Tên các nhà tôi thường thấy là nhà ông Quản (thượng sĩ thời Tây), nhà ông Đội (trung sĩ), nhà ông Cai (hạ sĩ), nhà bác Bếp..[tức Võ Thỏn ông ngoại dhl]. Ông ngoại tôi quê ở làng Nhan Biều, bên kia sông, đi lính Khố Xanh, đóng loon “cai”, bà ngoại tôi người làng Cu Hoan, thuộc phủ Hải Lăng. Từ những cái “loon” cai, bếp nầy, mà hồi nhỏ tôi thường nghe câu nói đùa, vần B: “Bà Ba béo, bán bánh bèo, bên bộ Binh, bị bác bếp Bình bắt bỏ “boóc” ba bốn bựa” (đúng ra là bữa)
Dân chúng phần đông là dân lao động, và nghèo. Vài gia đình khá giả có sạp buôn bán ở chợ Quảng Trị, không ít người “buôn gánh bán bưng” - bán hàng rong như cháo lòng, bún bò (không có giò heo như ở Huế,) - cháo bò. Bún bò, không có giò heo, ăn với bún gạo đỏ là “hết sẩy”. Mùa hè thì bán đậu hủ. Đó là nghề mấy chị, mấy bà (tôi thường gọi là mợ hay dì, hay chị tùy theo có bà con hay không). Đàn ông thì làm thợ may, thợ nề (hồ), thơ mộc, thợ rèn. (3)
Phường tôi có mấy lò: Lò heo ở Xóm Heo, lò đậu hủ ở gần giữa phường, gần nhà bác Nẫm, thân phụ đại tá Bé; lò bánh ướt của gia đình Thầy Lệ, y tá (Tống Viết Lệ, thân phụ trung tá Biệt Đông Quân Tống Viết Lạc, Tống Thị Hồ và Tống Thị Sen)[và út gái Tống thị Huê tức Nhạn ]; một lò bánh ướt nữa, ở Góc Bầu, tôi không rõ lắm. Rạp mộc Bác Khấu, rạp mộc ông Thú, ở Xóm Heo, rạp mộc thân phụ anh Võ Vọng, giáo viên. Lò rèn ở Góc Bầu, và một “xưởng đặc biệt”: “Xưởng Đẻ”, tức là “nhà hộ sinh” của mẹ tôi. Khi mẹ tôi dẹp “xưởng” thì một “xưởng mới” mọc lên, của Bà Hóa, mẹ của anh Trần Công Pháp, ở Góc Bầu.
  Dân phường tôi hầu hết là “em ông quận công”, theo ý nghĩa câu tục ngữ “Nhất quận công, nhì ỉa đồng”. “Nhà vệ sinh” - nói thế cho văn minh một chút, là cánh đồng của làng Cổ Thành, chỗ có con “đường Ngự”[DHL ở đường Ngự này , hiện nay đường này bị xóa sổ vì dân ngoài kia vào lấy hết ]
- Đường vua đi, từ cửa Hậu nối tới sông Vĩnh Định.
Dân xóm tôi thì xuống “núp sau những bụi rù rì” ở bãi cát trước chùa Tỉnh Hội. Bụi rù rì là những bụi cây có tên như thế, chớ không phải ai hẹn ai sau những bụi cây đó mà nói chuyện rù rì. Sau khi nước thủy triều lên, thì dấu tích phân Bắc đều xóa sạch, chớ không phải có “con thuyền Nghệ An” đến vét sạch chở đi.

   Tuy là dân ngụ cư, chữ nghĩa ít, nhưng con cái của họ đều học hành thành đạt: Đoàn Mâu, em ông cảnh sát Đoàn Quang, là thiếu tá, có thời làm quận trưởng Triệu Phong; thiếu tá Hồ Nậu, con ông Hồ Don; thiếu tá Hồ Xuân Anh, con thầy trợ hào; Trần Văn Tây, con ông Đội Chức, tốt nghiệp Đại học sư phạm, ban Anh Văn; Đại tá Nguyễn Bé, và em là thiếu tá Nguyễn Cẩm (“khách thường trực” của cát-xô Dziệt Cộng); thiếu tá Ngô Thu Thiện, con trung úy Ngô Lương; trung tá Tống Viết Lạc; thiếu tá Khanh, con ông Cai Ngữ; thiếu tá Khôn; thiếu tá Phương, con ông Xạ Lịch; thiếu tá Đỗ Văn Nghiêm, con bác Quản Xuyến; trung tá Dù Nguyễn Lô. Mẹ tôi sinh 4 người con trai: Ông anh cả, Hoàng Thế Thạnh, tức Hồng Quang, chủ báo Ý Dân ở Huế, báo chống Tây, chống Việt gian, bị thủ tiêu năm ông mới 21 tuổi. Anh kế tôi là Hoàng Thế Lợi, tôi và cố thiếu tá Hoàng Ngọc Hùng, em út. Con trai mẹ tôi, một người chết vì phe bên nầy, một người bị giết vì phe bên kia. Anh Lợi tôi đi tù vượt biên về không bao lâu thì qua đời.
Phường tôi sĩ quan cấp úy không thiếu chi, kể không hết. Loon lá như vầy, tù cải tạo về sớm thế nào được, ít ra cũng 5 – 7 năm nên đi HO cũng bộn lắm. Ở Mỹ, có nhiều Hội Quảng Trị, tình hình cũng na ná như thế cả.
Trước 1945, xứ tôi chỉ có vài nhà ngói. Đó là nhà Thầy Trợ Lẫn, nhà ông Võ Liêu, nhà ông Xạ Lịch, còn ngoài ra toàn là nhà tranh. Từ 1950 về sau, nhà ngói dần dần mọc lên. Đó là nhà ông Quản Bật, ở chỗ đất cũ của nhà Từ Thiện, sau bán lại cho thân phụ anh Võ Tư Đản, lại xây thêm lầu; nhà ông Đội Chức, nhà Thầy Lệ, nhà Bác Cai Lạp, nhà anh Lân, giáo viên; nhà cô Cơ, vợ thiếu tá Võ Lý; nhà anh Đỗ Văn Nghiêm, nhà ông trung úy Trương Lợ (thân phụ Trương Văn Thông, Trương Văn Hoàng).

Về dân “cố cựu”, nghĩa là sinh sống ở đây từ trước 1945, không rõ thời gian nào, thì có gia đình tôi. Bà chị cả của tôi sinh năm 1925, lúc đó cha mẹ tôi vừa khoảng 20 tuổi, như vậy, gia đình tôi cư ngụ ở đây trước khi “cậu mạ tui” có con đầu lòng. Khi tôi vào Sói Con, anh Trần Văn Vệ, con ông Đội chức là huynh trưởng của tôi, đã có nhà ở chỗ sau nầy. Gia đình Thầy Trợ Hào, Thầy Trợ Lẫn, ông Xạ Lịch; gia đình Thầy Lệ; gia đình ông Trương Lợ; gia đình mẹ Hoàng Văn Thị, Thị gọi tôi bằng anh, con dì, phần đông có thể gọi là “cố cựu”.
Những gia đình cố cựu, tản cư năm 1945, rồi đi luôn, không hồi cư thì có thể kể: Nhà ông Thị Quế, thân phụ ông Phấn, sau nầy làm giáo sư ở trường Nguyễn Du, Huế; gia đình ông Thị Bàng, sau dời lên phố chợ; gia đình ông Võ Liêu, bị Việt Minh giết năm 1947; nhà ông Đoàn Hòe, tản cư ra Thủy Ba, Vĩnh Linh, sau tập kết ra Bắc; vợ thứ hai ông Đoàn Hòe, “dì Lý”, sau nầy hồi cư, bà nầy bán nem chả ngon nổi tiếng.

Danh giá nhất là gia đình ông Ưng Siêu?
Tại sao có một ông Hoàng lưu lạc ra xứ quê mùa nầy?

Ông Ưng Siêu, còn có tên là Ưng Ly, con ông Hồng Chiêu, ông Hồng Chiêu là con trưởng vua Thiệu Trị. - Trong Việt Nam Sử Lược thì gọi là Hồng Bảo thay vì Hồng Chiêu -. Vì việc tranh ngôi giữa Hồng Bảo va Hồng Nhậm, - tức vua Tự Đức, mà Hồng Bảo bị bức tử. Đến đời Ưng Siêu, ông dính líu vào vụ Cao Bá Quát, thường gọi là “Giặc Châu Chấu”, nên bị tước bỏ “quốc tính” (họ vua), đổi tên là Nguyễn Siêu và bị đuổi khỏi kinh thành. Ông Nguyễn Siêu về sinh sống tại Quảng Trị. Con cháu đổi từ “Nguyễn Phước...” ra “Nguyễn Thành...” Các ông Nguyễn Thành Đăng, có thời làm quận trưởng Trung Lương, em là Nguyễn Thành Hương, nguyên chánh sở giáo dục Phú Yên, là con của ông Nguyễn Khánh (ông Ngự Khanh) tên trong gia phả là Bửu Khánh, là con của ông Ưng Siêu.
Vợ thứ sáu của ông Ưng Siêu là bà Nguyễn Thị Giao, thường gọi là Bà Nghè, nhà ở xóm đại tá Bé. Bà có hai người con gái lớn tên là Diệu, còn gọi là Bà Kỳ (chị), lấy chồng Tây, sau đi Pháp. Người kế là Nguyễn thị Nam Hy, còn gọi là bà Kỳ (em), tên trong gia phả là Công Tằng Tôn Nữ Kim Hy (hay Nam Hy?), và một người con trai tên là Nguyễn Thành Quế, (Vĩnh Quế) làm trưởng chi thông tin thị xã Quảng Trị (khoảng 1950) và các anh Nguyễn Thành Ngô, Nguyễn Thành Đồng. Gia đình nầy cũng rời khỏi phường Đệ Tứ vào thời gian ấy.
Bà Kỳ (em) là vợ thứ hai ông Xã Bào (Võ Bào) là thân sinh anh Võ Tử Đản (xin xem bài Làng Nại Cửu), cách nhà mẹ tôi chỉ có một cái hàng rào. Bà có người con trai riêng là Trương Đá, trung úy Dù (4) và ba con gái là An (hiện còn ở Quảng Trị), Mỹ (tên là Mỹ nên ở Hoa Kỳ?), và Tịnh hiện ở Hà Nội.
Một chuyện “động trời” thứ hai:
Năm 1949, “ông quan ba” Khanh từ trong Nam về. Hồi ấy, chưa gọi thiếu úy, trung úy, v.v... mà gọi như hồi còn Tây: “quan hai”, “quan ba”... Ông Khanh, người phường tôi, sau khi đậu tiểu học khoảng đầu thập niên 1940 thì lưu lạc vào Nam kiếm kế sinh nhai. Gần 10 năm sau, ông về, mang “loon quan ba”, quân đội Cao Đài. Ông đội ca-lô, quân phục kaki vàng, ba gạch trên cầu vai, tướng tá cao ráo, đẹp trai. Dù là quân đội Cao Đài, mang trên vai cái “loon quan ba” cũng le lói lắm, không thiếu cô bà chạy theo.
Ông về thăm bà mẹ già mà ông xa mẹ từ lâu. Thế rồi ông ta dựng một ngôi nhà tranh, rước mẹ về ở. Để mẹ có bạn chuyện trò, ông mời mẹ con “dì Lý” về ở chung, và cưới chị M., nhà ở làng Thạch Hãn làm vợ, để vợ chăm sóc cho mẹ. Ông ta nói chưa có vợ, chị M. là vợ cả. Trước khi về lại miền Nam, ông dặn vợ “vườn dâu em đốn, mẹ già em thương”, mặc dầu chẳng có vườn dâu. Lâu lâu ông sẽ về thăm. Khi nào mẹ qua đời, ông sẽ về “rước vợ”, để “thiếp theo chàng”.
Thế rồi việc đời đâu có như lời ông nói, mà theo ý ông làm. Không mấy lâu sau, mẹ ông qua đời, chị M. vào Nam tìm chồng chưa được mấy hôm thì lại hát bài “đường về quê”. Té ra ông ta có vợ con đùm đề ở Tây Ninh rồi. Chị M. gặp bà ấy, không biết bà vợ ông ta hiền dữ như thế nào, nhưng việc “Cô Quờn đốt chồng” là cái nét chung của mấy bà Nam Bộ, khiến chị M. lo dọt lẹ về quê để bảo toàn tính mạng. Dân chúng phường tôi lại náo động lên vì chuyện tráo trở, thủ đoạn của một con người. Ông ta có tính chuyện vợ con gì đâu, chẳng qua, ông “mướn khéo” một cô gái “đi ở đợ không công”, để chăm sóc mẹ già thay thế cho ông. Mẹ ông qua đời rồi, ông cắt đứt “sợi giây tình” một cái rẹt, chẳng một chút thương xót nào cả. Về câu chuyện nầy, mẹ tôi nói: “Thằng nớ làm rứa, mạ hắn chết xuống âm phủ mắt còn mở trừng trừng”.

Dân phường tôi là dân lao động, làm chi có tiền để chơi Tơ-nít, chơi bóng rỗ. Cứ một trái bưởi, cả chục thanh niên kéo nhau ra ruộng, chia phe đá banh cũng vui chán. Cũng nhờ vậy mà các anh Tẩu, anh Bái, anh Phục, anh Mông trở thành cầu thủ hay đội bóng tròn của tỉnh. Và mấy anh rủ nhau đi “Nam bộ kháng chiến”, rồi theo Việt Minh, sau thành Cộng Sản. Hai ông Bái và Phục, sau 1975, hồi kết về Saigon, hai ông đều là đại tá không quân Việt Cộng, dân vô sản trở thành đại tư bản. Thế cũng là “hy sinh cho dân tộc” đấy!

Tội nghiệp thằng Tâm!
Anh Mông em ông Hà, ông Hải ở Xóm Heo, đi “Nam bộ Kháng chiến” về, cưới chị Cháu, đẻ ra thằng Tâm. Xong rồi để thằng Tâm lại cho hai bác nuôi, hai anh chị kéo nhau lên chiến khu Ba Lòng rồi tập kết ra Bắc. Thằng Tâm lớn lên, không cha không mẹ, thiếu người chăm sóc dạy dỗ, học hành chẳng tới đâu, lêu lỗng, ăn cắp, ăn trộm, phá xóm phá làng. Đại tá Bé về đám ma ông thân sinh, bị Thằng Tâm nhơn cơ hội “tang gia bối rối”, chôm mất cái ví. Tiền bạc không quan trọng, nhưng còn giấy tờ. Tôi nói đùa, ông Bé sợ mất cái thẻ “Xịa” là kẹt lắm. Cả bọn ngồi uống cà phê với tôi đều cười, cho rằng tôi nói có lý đấy. Ông Bé phải cho người tìm thằng Tâm năn nỉ. Nó trả lại cái bóp, tiền nó giữ lại, như lời hứa của ông Bé. Tới tuổi “quân dịch quân gà”, thằng Tâm đi lính. Dân Quảng Trị, bị đưa tuốt vô miền Tây cho khỏi đào ngũ. Rồi nó tử trận đâu trong ấy. Gia đình nhận cái “giấy báo tử”. Thế là xong. Chỉ là thằng lính “đơ dèm cùi bắp”, chết đâu chôn đó, ai hơi đâu mà “con đò đưa xác” về quê. …….
……….
Lại chuyện điên mà chết của anh chàng Trần Văn Đại.
Đại là con ông Đội Chức, em Trần Văn Tây, bạn học của tôi.
Đầu thập niên 1950, ông Đội Chức lấn đất của cái miếu ở ngã ba Trần Hưng Đạo - Lê Văn Duyệt, dựng một cái nhà ngói. Việc nầy là không nên. Cái khu vực miếu nầy là linh lắm. Người người nói vậy. Tin hay không tin thì cũng lắm người sợ. Lê Văn Tịnh kể, một buổi trưa anh ta nằm nghỉ mệt trên bãi cỏ, gần miếu, sau một trận đá banh “chết bỏ” với mấy đứa bạn cùng lớp ở cái bãi tha ma bên kia đường. Đang tơ lơ mơ, Tịnh thấy “xẹt” một cái ngang trời. Tịnh nói: “Chắc là Bà về miếu”. Một hôm, tôi thấy bông sứ trong khu miếu thơm lắm, tính trèo cổng vào hái trộm đem về ướp vào sách chơi, nhưng cũng sợ Bà nên không dám vào. Ở nước ta, bông sứ thuộc loài hoa “linh thiêng”, chỉ được trồng ở các đền chùa miếu mạo. Vào miếu bẻ bông của Bà chắc là “đắc tội”, Bà không mấy rộng rãi, khoan dung:

Bàng hoàng cõi mộng Hương Khê
Vườn ai sứ trắng rụng về Tây Thiên.
(Hoàng Xuân Sơn – “Huế buồn chi”)
Đâu có phải vườn ai? Vườn Chùa, vườn miếu đấy!
Chùa, miếu là đất linh thiêng, vì ông đội Chức chiếm đất của Bà nên Trần Văn Đại mắc bịnh điên. “Bà bắt đấy”. Người ta đồn vậy. Cuối cùng, chạy đủ hết năm thầy bảy bà nhưng Trần Văn Đại cũng phải vào cõi âm, “đi mây về gió” để theo hầu Bà mà chuộc tội “lấn đất” của cha.

Sau khi Tây trở lại, phường tôi có sẵn mấy thầy cai, thầy đội, quan quản từng đi lính Khố Xanh, ra làm lính với Tây, rồi chuyển qua lính Bảo Vệ của Hội Đồng Chấp Chánh Lâm Thời, sau chuyển qua Quân Đội Quốc Gia mới thành lập. Cũng có vài ba gười đi lính Partisan Commando của Tây, đi lính Quốc gia.

Những người mới, đi khóa sĩ quan đầu tiên là anh Nguyễn Bé, sau nầy là đại tá, anh Đỗ Văn Nghiêm, sau nầy là thiếu tá Pháo binh, và ông anh kế tôi, Hoàng Thế Lợi. Anh Bé là con trai đầu bác Nẫm, trước 1945, bác Nẫm sắm xe hơi Vedette để đi chơi. Ông với một người bà con, - thân phụ nhà thơ kiêm vỏ sĩ Như Bi, - làm nghề xe hơi, chạy đường Đông Hà - Savanankhet (Lào), trúng độc đắc một triệu đồng Đông Dương. (lương ba tôi lúc ấy chưa tới một trăm đồng một tháng). Sau 1947, gia đình tới ngụ cư ở phường tôi. Năm đó, có khóa 4 Sĩ quan ở trường Võ Bị Địa Phương / Đập Đá Huế. Ông Bé mới cưới vợ, sau khi cho chúng tôi ăn một chầu, uống rượu Anis đã lắm, ông kiếm đường sinh nhai. Có con đường nào tốt hơn binh nghiệp. Thế là ông Bé rủ hai ông cùng phường, ông Nghiêm và ông Lợi cùng nhau nhập ngũ cho có bạn bè. Anh Lợi tôi lúc đó đang đi học, có lần nói với tôi: “Tao thấy ông Nguyễn Thanh Sằng mang loon quan một ngon lắm.” Thế rồi ông sửa giấy khai sinh cho đủ 18 tuổi để đi lính cùng khóa với ông Bé.
Thời đại tôi, sau hiệp định Genève có khác đi, “hòa bình” rồi, sự học phát triển, binh nghiệp ít ai ưa. Vã tôi cũng không có số làm quan. Tôi đi khóa 8 Quốc gia Hành chánh, rồi lại nộp đơn khóa 8 Sĩ quan Hải quân Nha Trang, lại cũng xin đi khóa 13 Võ Bị. Ông anh tôi “phán” một câu: “Chừ mi lo thân mi, nghĩ chi tới em út.” Nghĩa là Hùng móm, Lựu còn đi học. Tôi không lo cho em thì ai lo? Mẹ tôi già rồi. Vậy là tôi vừa học vừa dạy, nuôi thân và nuôi em. Chẳng có chi phải than van, khi mẹ và các anh chị em đều vui. Hai đứa em tôi vẫn tiếp tục cắp sách, trong khi tôi thì nửa đời nửa đoạn, lỡ dịp thời trai trẻ “thi gan với đời, với sương gió”... mãi đến 1968, cùng nhập ngũ với đám học trò của tôi.

Bạn nối khố của tôi ở thị xã Quảng Trị đông lắm, nói chi tới phường Đệ Tứ. “Thằng” mà tôi thương nhất là Nguyễn Cẩm, bạn học với tôi từ lớp Ba, em ông Bé. Tôi thường “làm quân sư quạt mo” cho nó, trong việc khuyên: “Thôi mày đi lính đi cho rồi!” vì Cẩm “văn chương phú lục” học trước quên sau. Tôi còn làm “quân sư” cho Cẩm ra tòa ly dị vợ, sau khi tôi và Cẩm, “được tha ra khỏi trại cải tạo” (chữ trong lệnh tha đấy). Người thứ hai, Trương Văn Thông, là anh bạn nối khố trước 1945, khi học chung lớp Đồng Ấu với Cô Hồ. Anh có đạo Thiên Chúa, nhưng là người độc nhất, đi biểu tình cùng tín đồ Phật giáo, hô to: “Lương giáo Đoàn Kết” do Việt Minh tổ chức năm 1946. Thông mồ côi mẹ khi mới 1 tuổi. Mẹ kế, cũng là dì ruột, “hiền” tới mức khiến anh ta phải làm “Thầy Mẫn Tử”. Bố là trung úy Quân đội Quốc gia, có tiền, có nhà ngói, nhưng Thông thì “đói triền miên”. Bà dì càng rầy, Thông bỏ nhà đi hoang càng nhiều. Bố về nhà, tìm Thông cho ít trận đòn về tôi ăn cắp tiền của dì. Hơn mười tuổi, Thông đã là “thiên tài” về tội làm “chìa khóa giả”. Chờ dì ngủ say, anh ta lấy chìa khóa, in vào cục xà bông, nhờ một người quen thợ rèn, làm cho một cái chìa khóa giả. Từ đó, anh ta có tiền tiêu đều đều, không còn “đói triền miên” nữa. Ba dì bỗng thấy tiền để trong rương, cứ 10 tờ bỗng mất vài tờ. Bà ta nghi Thông, nhưng không bắt được.
Có lần tôi hỏi Thông: “Mày ăn cắp tiền của dì. Chủ nhật đi lễ có xưng tội với cha không?”
“Có chứ sao không!” Anh ta trả lời.
“Cha nói răng?”.
“Cha biểu đừng!” Thông trả lời.
“Rồi còn ăn cắp tiền nữa không?” Tôi hỏi.
“Không ăn cắp, lấy chi sống?” Thông lại trả lời tôi.
Đời là vậy. Có khi ăn cắp, ăn trộm không phải là xấu.

Tới thời của Hùng, chẳng có “thằng” nào chịu trốn “quân dịch, quân gà”. Bọn nó nhập ngũ hết, “loon lá” đầy mình, như tôi kể ở trên, và nay làm kẻ ngụ cư nơi xứ người.

Thế rồi “Mùa hè đỏ lửa”, cùng với thành phố Quảng Trị, “phường của tui” tan tành hết cả. Sau khi tái chiếm cổ thành, anh Lợi tôi về thăm nhà, kể: “Nhìn không ra miếu đôi” (ngôi miếu kế bên nhà tôi, bên kia đường Xóm Heo). “Cột điện xi-măng (ngay trước nhà tôi), ngọn thì bay mất, gốc chổng lên trời. (Gốc là một khối xi-măng). “Từ nhà mình (đầu đường Lê Văn Duyệt) ngó thẳng tói Góc Bầu, thấy trống rốc”. Nghĩa là dọc suốt con đường Lê Văn Duyệt, không còn một ngôi nhà nào….
……………………………….

HLH 

 THÀNH PHỐ NĂM XƯA

Chúng ta có thể vào trực tiếp bài viết từ đường link   trang Blog  Đinh Hoa Lư   http://http://vn.360plus.yahoo.com/alot132003/article?mid=21&prev=25&next=13

Ngã tư đường Trần hưng Đạo và Quang Trung thành phố QT năm 1969 bên trái tiệm radio TV ông Khiết , bên phải là nhà sách Tùng Sơn- người cảnh sát đứng giữa đường đang điều khiển lưu thông [hình trích từ đặc san Quảng trị NAM CALI 2011 ]
Đường xưa lối cũ,
có em tôi tóc xanh bay mơ màng
Đường chiều dịu nắng,
bóng em đi áo nâu in đường trăng

Đường xưa lối cũ,
có mẹ tôi run run trong hôn hoàng
Lòng già thương nhớ,
nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con
...
[cố nhạc sĩ Hoàng thi Thơ]
Tôi tuy quê nội là Truồi, Huế nhưng lại sinh ra và lớn lên bên quê ngoại bên giòng Thạch hãn nước lững lờ trôi và bên một thành phố nhỏ bé bình dị hiền hòa theo năm tháng. Cho đến khi tôi đến lứa tuổi sắp bước vào đời thì phải dứt lìa nó mà đi theo khói lửa chiến tranh bom đạn.
Viết về quê ngoại tôi chỉ hằng mong vẽ lại nét phát thảo 1 thành phố xa xưa chừ đã nằm im trong vùng kỷ niệm.
Mẹ thương con ra cầu Ái tử
Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu ...
Núi Vọng phu ở mô? chứ cầu Ái tử thì bên tê sông Thạch hãn , tôi đi bộ một khoảng thì tới thôi.
Đinh trọng Phúc
Xin mời bạn , những ai từng là người dân QT hãy lên một chuyến tàu tưởng tưởng về miền quá khứ…và sáng nay ngày giáp Tết chúng ta cùng lên thăm chợ Tỉnh…
Ngày đầu năm San Jose khá lạnh mưa rả rích, tôi chợt nhớ về Quảng trị những ngày cuối đông, tháng Chạp, chợ Quảng trị chuẩn bị đón TếtNhững ngày đó lâu rồi, trong ký ức tôi hình như bao giờ cũng muốn níu kéo và lưu giữ một khoảng không gian mờ xám từ mấy cơn mưa phùn dai dẳng, cái lạnh buốt xương của phố phường chợ Tỉnh.
CHỢ TRƯỚC MẶT ẢNH QUÁN LIDO VÀ THƯƠNG GIA BÀ TRỢ TRỌNG  SỐ 34 TRƯNG TRẮC
Tháng Chạp phố chợ đang chuẩn bị đón Tết, mọi người mua bán trong cơn mưa nhè nhẹ. Quanh chợ, người mua kẻ bán thấy toàn nón lá nhấp nhô. Khách mua hàng vây quanh mấy chiếc ‘du du’ trông như những chiếc dù lớn, hình vuông mà những người bán hàng đã thuê từ phu chợ.

Khách đi chợ đa số đều choàng quanh người bằng những tấm ny-lon che mưa đơn giản. Từ mấy làng gần Tỉnh, dân quê đã gánh lên mấy thứ rau trái trồng ở nông thôn. Mọi người đi vào trung tâm chợ qua tám ngõ phố, ngõ cạnh ảnh quán Li Đô đây là khu vực rau tươi, có mấy gánh cải cay từ Nhan Biều đem qua hoặc từ Sãi gánh lên lúc rạng sáng. Người dân quê phải gánh chạy bộ năm, bảy cây số mới lên đến Tỉnh.
Ba ngày Tết, nhà nào cũng không thể thiếu thứ cải cay này, nó dùng để làm dưa. Thứ dưa này có một vị cay thật đặc biệt, khi ăn hương cay bốc tận hốc mũi; thế mà mấy ngày Tết ai cũng nhớ đến nó. Đi đâu tôi cũng không thể thấy được loại cải nào có hương vị cay hơn. Người ta còn gánh lên chợ Tỉnh một thứ đặc biệt nữa, đó là cây củ kiệu. Khí hậu Quảng trị rất hạp với giống cây kiệu. Kiệu được trồng nhiều đến nỗi người ta bán được từng gánh. Kiệu mua về, được làm dưa cả 3 phần: rễ, củ, và lá chẳng bỏ phí thứ nào. Dưa kiệu Quảng trị cũng có hương vị riêng. Nhắc đến dĩa dưa giá mấy bà nội trợ nơi quê nhà thì không bao giờ thiếu được kiệu; đương nhiên dĩa dưa giá luôn đi kèm theo dĩa thịt heo ba chỉ luộc săn giòn.
Con đường Trưng Trắc hình vuông bao quanh khu chợ, san sát phố hàng. Khu phố đã clung cấp bao nhiêu thứ hàng sỉ và lẻ đi khắp nơi. Tuy nhiên tám ngõ vào chợ thì dành cho người buôn thúng bán mẹt, nông phẩm linh tinh,mỗi ngõ đều có một thứ riêng của nó chẳng thay đổi bao giờ.
Rời mấy gánh rau cải, chúng ta sẽ thấy mấy bà nội trợ đang kiên nhẫn chờ đến phiên mình được cắt(bào) từng mờ gừng để về nhà làm mứt. Gừng có được thuê cắt thì lát mới to và đẹp. Gừng Quảng trị cay thật, mứt gừng nếu ít cay khi thưởng thức với trà ngon trong dịp Tết thì sẽ mất hương vị đi nhiều! Thời gian này những sạp mứt bánh đã được bày bán nhiều, nhưng mứt bánh chợ Tết Quảng trị nói chung đơn sơ, bình dị không màu mè kiểu cách lắm.

Có dân nào hút thuốc nặng bằng dân Quảng trị chúng ta
Ngước mắt nhìn lên, mấy tiệm thuốc lá Cẩm lệ đang cắt thuốc tối đa, tiếng máy chạy xình xịch suốt ngày. Mầy ngày cận Tết thuốc Cẩm lệ bán được nhiều, mấy ông chủ người Quảng nam có nhân công khá đông, họ đều là đồng hương với nhau cả. Thợ thầy luôn tay tẩm và cuốn từng đống thuốc thành những cuộn tròn trông như những con rắn màu vàng nhạt đang khoanh mình trên nền xi măng bóng loáng . Có dân nào hút thuốc nặng bằng dân Quảng trị chúng ta, nhất là vào những ngày mùa đông lạnh giá như bấy giờ.
Hướng bờ sông từ con đường Gia Long đi vào, đối diện 2 tiệm nông ngư cơ và tạp hóa Quảng Tường đó là một phố thông vào chợ. Ở đây có tiệm mễ cốc Nguyễn Xuyến, dân quê từ các làng thượng nguồn sông Thạch Hãn như An Đôn, Tích Tường , Như Lệ hay xa hơn nữa tận Trấm, Trái đã gánh về đây những gánh than và củi. Họ đứng chờ khách ở ngõ này.

dân quê và những chiếc áo tơi
Trời mưa, mấy người bán than củi mang mấy chiếc ‘tơi’ che mưa chằm từ lá rừng, mấy chiếc ‘tơi’ trông xa như những con nhím.  Những người dân vùng cận sơn về chợ tỉnh, hàng của họ chỉ là những mớ than gánh củi , họ đang kiên nhẩn - yên lặng -đứng chờ khách mong bán xong để có tiền đong gạo hay mua mắm muối.

Theo phố này men sâu vào trong là hàng tôm cá, những mớ cá tươi từ dòng sông Thạch Hãn ngoài kia mới được đánh mang lên, xen kẽ còn có những con cá biển từ Cửa Việt hay Gia Đẳng nhưng cá biển mùa tháng Chạp thật hiếm. Mùa đông tháng giá, dân Quảng trị chủ yếu dùng mắm, ruốc , cá khô nhiều hơn nên mấy sạp hàng đồ khô thật đông khách. Cạnh đó là dãy hàng cơm bình dân, dành cho khách buôn bán , lao động trong chợ. Trong luồng gió lạnh, nồi bún xáo, dưa kho từ dãy hàng cơm đang bốc hương nghi ngút ,làm cho ai cũng cảm thấy đói bụng.

Từ chợ cá ngó vô đó là hàng thịt. Mấy o bán thịt đều ở gần lò thịt bò tại thôn Thạch Hãn hay lò thịt heo tận thôn Đệ Tứ lên bán tại đây. Thời đó dân mình còn nuôi heo đen, giống không to nhưng chỉ được nuôi ròng cám và thân chuối nên thịt rất ngon.

Nem chả Quảng trị thật tuyệt, những lọn nem có truyền thống gói trong một lớp lá vông, rồi mới đến lá chuối mà phải là lá chuối mốc nên nem mau lên chua và sẽ có vị ngon đặc biệt. Kế đến chả lụa cũng theo một công thức gia đình. Khi làm chả người ta cũng kén chọn lắm; thịt heo phải gần ló sát sinh nên khi làm chả thịt còn tươi rói. Giã thịt làm chả cũng lắm công phu; phải giã bằng cối, giã và ‘quết’ cho thật đều tay không nghỉ thì chả mới ngon được.
đường Bờ Sông ngang tòa Sứ . Đường này sau gọi là đường Gia Long tỉnh QTrị (thập niên 1950)-xuống một đoạn là TÒA HÀNH CHÁNH tỉnh QT sau này ngó ra sông Thạch Hãn

Ngang ngõ thông vào Chợ từ đường Quang Trung, nơi đây có những loại trái cây được buôn về từ mấy quận miền núi như tắt, quít, thanh trà, bưởi, rau ‘cresson’ của Nam Đông, hay thơm, mít, chuối, sắn dây(sắn cơm) tận Gío Linh. Có khi ở đây tôi còn thấy bán cả mấy loại trái hoang dã như hồng leo, sim, muồng, mốc, .. luôn cả hạt sót hay mít rừng(mít nài) nữa. Thời con nít tôi hay lân la tới gần mấy sạp hàng trái cây hoang dại này. Gần đoạn này có mấy sạp hàng bánh kẹo làm theo kiểu thủ công gia đình, hay mấy hàng gương lược đơn sơ, mộc mạc. Họa hoằn lắm không khí ở con phố này cạnh tiệm Vạn An mớI ồn ào hẳn lên khi có một xe bán thuốc quảng cáo từ mấy tỉnh trong nam ra tận đây. Họ có thêm con khỉ làm trò giúp vui thu hút đám đông hiếu kỳ tụ lại, nhưng mấy xe bán thuốc Nam này chỉ ra vào mùa nắng ráo thôi.

Trước khi vào trung tâm đình Chợ, tôi không bao giờ quên cây sanh cổ thụ, lá xanh ngắt rợp bóng bốn mùa. Dưới gốc cây to có thờ phượng khói hương nghi ngút, người ta cầu xin mua may bán đắt. Qua hết mấy gian hàng gạo và hàng sành sứ cùng tô chén thì đến trung tâm đình chợ. Đình chợ rất rộng được chia theo thứ lớp riêng biệt cho từng loại hàng. Đặc biệt và sang trọng là hàng vải , mấy sạp hàng vải chiếm đa số trung tâm đình. Mấy cô bán vải có dáng dấp đài các ngồi bán trên mấy sạp gỗ lớn bóng loáng. Lúc vắng khách mấy cô khoan thai và chậm rãi ngồi ‘lể’(khều)ốc gạo, một đặc sản từ lòng sông Thạch Hãn, dân chài đem lên chợ đong bán bằng lon sữa bò.

Song song đình Chợ tôi cảm thấy ồn ào nhất vẫn là hàng thợ thiếc. Tiếng gõ, tiếng cắt vang inh ỏi suốt ngày. Cạnh khu này có mấy quán thợ may kế tục nhau, gần Tết mấy cô thợ may làm không hết việc. Đa số mấy cô thợ may đều học nghề từ Thanh Bình, một tiệm lớn rất đông học trò gần đình Chợ. Cũng có một ít tiệm may hạng sang (tailor) nhưng chúng đều nằm dọc theo con phố chính Trần hưng Đạo. Những tiệm này mang những bảng hiệu như Vĩnh Tân ở tận lò mỳ Đắc Lập, qua khỏi ngã tư Đồng Dụng mới thấy các tailor như Thiện Mỹ, Xuân Sang…

Trước khi ra khỏi Chợ cũng có mấy tiệm vàng như Kim Yến, Kim Ty. Mặc dầu khách khứa lui tới không đông lắm nhưng dầu sao cũng đỡ tủi phần nào cho cái chợ bé nhỏ, nghèo nàn vào dạo đó. Trước mấy tiệm vàng này là một số sạp buôn áo quần may sẵn, hay đồ chợ trời. Cũng có vài ba bó bông huệ hay bông phượng vàng cùng bánh in để cúng lễ bày quanh đây. Ai trong túi tiền bạc hơi dồi dào có thể băng qua bên kia rồi vào tiệm bánh Phú Vinh mua ít trăm gam bánh ngon hảo hạng.

Đến khi màn đêm buông xuống khi tất cả hàng quán đã cửa đóng then gài, nếu có dịp đi hướng sau mấy tiệm vàng ban sáng chúng ta sẽ thấy một quán duy nhất bắt đầu mở cửa: đó là quán bún bình dân Ông Két. Dưới ánh điện vàng vọt lù mù, khách ăn đêm để cả hai chân lên trên mấy băng gỗ dài, đang hì hụp thưởng thức mấy tô bún gân ( tai môi bò) nóng hổi và cay xè


Đường phố chính Trần hưng Đạo chụp năm 1967 ngang qua 2 quán sách Lương giang và Sáng tạo (quán Sáng tạo có chiếc bàn nhô ra ngoài phía bên trái dùng để bỏ báo ngày tức là nhật trình học trò không tiền như tôi thường đứng xem báo "ké" hay cóp ở đây - chúng ta thấy trong hình thời này đàn bà ra đường là phải bận ÁO DÀI- đàn ông ra đường tuy đạp xe đạp nhưng phải bận sơ mi thắt ca vát đàng hoàng - phía bên phải là 1 chiếc xe jeep nhà binh- khoảng sau năm 1968 loại xe nổ 2 bánh như Honda dame cub 50 , hay xe honda 67-68 bắt đầu xuất hiện ở thành phố này - chiếc xe đạp thời này khoảng 800- 1000 đồng VNCH  -- phía xa là ngả tư Trần hưng Đạo + Quang Trung ) [hình tư liệu gia đình thương gia mể cốc NGUYỄN XUYẾN tỉnh Q trị --photo do anh Nguyen Tha'i cho tac gia]
Dù trong mưa phùn gió bấc rét lạnh căm-căm, hay trong cơn nóng cháy da của nắng lửa Hạ Lào, chợ Tỉnh ngày xưa lúc nào cũng mang một dáng vẻ bình yên và trầm lặng; không xô bồ, náo nhiệt như những thành phố to lớn khác. Lạ thay, tôi luôn cảm thấy nó ấm cúng, gần gũi vô cùng. Giờ hình ảnh và âm thanh hay ngay cả những hương vị xa xưa đó chỉ còn trong hồi tưởng của tất cả con người thị xã. Hôm nay nơi ngàn trùng xa cách tôi luôn hoài niệm về Chợ Tỉnh với một nỗi nhớ da diết khôn nguôi nhất là những khi Tết đến xuân về.
youtube:
hinh anh quang tri xa xua
http://vn.360plus.yahoo.com/alot132003/article?mid=13
San Jose đầu năm 1/1/2004
**************************************************************************
Ghi chú thêm:
Sau 1972 người dân sống ngay thị xã QT lưu lạc khắp nơi. Và tiếp đến 1975 thêm một lần nữa lại hay tản mác khắp mọi miền đất nước cho đến Cà Mâu, Phú quốc hay lưu vong biệt xứ.

Hiện nay hình ảnh và con người từng sống tại thị xã đã nằm gọn trong ký ức và một số đông mà xưa kia họ đang độ tuổi biết nhớ biết yêu thì nay có người đã về với những "ngừơi muôn năm cũ" hay đang bước vào trang lứa "ông bà nội ngoại" cả rồi .

Trong trang lứa đó nay cũng khá "thành đạt" tại Sài Gòn và đã chọn miền Nam làm quê hương , còn laị rải rác khắp nơi từ Đông hà cho đến các tỉnh "vựa lúa miền Nam" hay những vùng cao su Long khánh. Cũng có một số ít con em thị xã QT trước đây có điều kiện du học ngoại quốc từ trước 1968 thì nay cũng trên lục tuần và đã thành công tại nước ngoài .
Trong những hội tụ của người dân QT, ngoài những thông lệ hàng năm từ trong nước cho đến ngoài nước đáng kể có những "tiểu hội tụ" của người gốc Đông hà coi bộ "sôm tụ " lắm. Trong đó đáng kể cùng năng động nhất là những "đoá hoa biết nói ' Đông hà , đã và đang về thăm quê hương bản quán hay gặp nhau thưòng xuyên ở nước ngoài .
Còn những người "thị xã " cũ thì chưa có khả năng nào hội tụ như trên được họ chỉ gặp được nhau khi có dịp dai hội chung thôi.
Thành phố Q TRỊ có 5 phường . GẮN BÓ với nhau cho đến cái mốc 1972 thì độ tan tác "KINH HỒN' của thời cuộc làm cho người dân thị xã QT xưa kia đó tản mác và "khuếch tán" xa đến tận cùng khắp nơi trên thế giới : Paris, Luân đôn, Roma, Hoa thinh đốn , Boston, Seatle, San Jose, Westminter, Toronto , New Southwale (ÚC) .. không nơi nào mà không có gót chân của người dân thị xã QT cả .
********************************************************************************** 
cám ơn về lọat ảnh sưu tầm của Đinh thị hiệp - đã minh chứng cụ thể cho độ chính xác về ký ức của tôi bài viết này cách đây đúng 7 năm


MỘT SỐ HÌNH ẢNH CŨ QT


QUA TRƯỜNG NAM CỬA HỮU SẼ VÔ THÀNH CỔ CỔNG NÀY

GẦN TY CÔNG AN VÀ NHÀ KHO LƯƠNG THỰC PHÍA BÊN PHẢI - HƯỚNG LÊN TRƯỜNG BỒ ĐỀ
CHỢ TRƯỚC MẶT ẢNH QUÁN LIDO VÀ THƯƠNG GIA BÀ TRỢ TRỌNG  SỐ 34 TRƯNG TRẮC
"Quanh chợ, người mua kẻ bán thấy toàn nón lá nhấp nhô. Khách mua hàng vây quanh mấy chiếc ‘du du’ trông như những chiếc dù lớn, hình vuông mà những người bán hàng đã thuê từ phu chợ... "

Cơ quan MACV dấu hình tròn , trường Nguyễn Hoàng hình vuông
mũi tên dài chỉ đường về quy thiện,chúng ta thấy cánh đồng lúa Quy thiện-- mũi tên ngắn chỉ CỬA LAO XÁ hay CỬA HẬU ngó ra đường Lê văn Duyệt.

Còn đây là sơ đồ thị xã Quảng trị trước năm 1972: 

 Dãy ngang trường là  đường Lê Huấn đến ngã tư nối đường Quang Trung ( giao nhau với HĐH và Duy Tân)Dành cho các lớp lục và thất ( kề với sân vận động và cổng vào cơ quan MACV của Mỹ); Nối tiếp đường Hồ Đắc Hanh là đường Duy Tân (từ đầu đường đến đối đường Lý Thái Tổ là mặt trước trường Nguyễn Hoàng, có ty thanh niên và văn hóa, rạp Kim Châu và bồn nước); đường Duy Tân chạy dài đến góc bầu và nối với đường L.v.Duyệt một đường về Hạnh Hoa Thôn ; ở giữa có đường về Quy thiện ( Tri Bưu).
 Dãy hai tầng năm phía tây sân chào cờ ( sau đó 1 dãy dành cho lớp lục và thất song song với đường Lê Huấn, vuông góc đường D.Tân.
( Hình 1.1)  Đây là tấm hình  của Thấy Lữ tặng Văn Thiên Tùng khi chuẩn bị trại bay hè 1970-1971 tại trường Tiểu học Long Hưng, dãy chính hai tầng vuông góc với dãy ngang thể thao,  và đối diện dãy Văn phòng trường và thư viện. đối diện dãy 2 tầng là dãy trệt hàng ngang song song với đường Tri Bưu dành cho các lớp thất và lục , hay có lúc học cac môn phụ có mấy phòng nối nhau  ; giữa sân là trụ cờ. có một cây phượng ngay cổng vào.
Cổng trường ( 1 chính và 2 phụ ( HS chỉ vào cổng phụ trước 15 phút, trồng trường điểm là cửa vừa đóng, nếu con trai trễ có thể leo tường , con gái ít người thực hiện được), đành bỏ giờ học lang thang đi chơi...
có mấy quán nhỏ bán cóc dầm, me, ô mai và cà rem, nước xi rô, lát ruột dừa ngâm trong thau ; đầu ngã tư đương HĐH có kem Lan Anh và nhiều quán bi da, rơ tông của 2đường  giao nhau ngã tư Lê huấn-HĐH nữa. Đứa nào thích phim  vào rạp Kim Châu để xem.
Trên đây là một nét về trường xưa phố cũ  Quảng Trị năm xưa còn được trong trí nhớ....
Và đây cổng trường PTTH TXQT trong ngày họp mặt 20.6.2010

 Bờ  hồ phía đường Duy Tân đang phục hồi (cạnh trường Nguyễn Hoàng ngày xưa) dưới)

 

1 nhận xét:

  1. alo
    Văn thiên Tùng ơi, bản đồ của anh Nhơn và anh Phái đã đạt hơn 90% độ chính xác

    Phúc nhờ tùng vẽ thêm 1 đường giữa bưu điện và sau lưng tiệm nông cơ QUẢNG TƯỜNG (song song với phan b Châu)

    còn giữa trường Nam và trại tuyển mộ nhập ngũ hay quân cụ có 1 đường nữa , đường này chỉa vào trường nữ mới sau này .
    tiếc quá mình quên tên mất .

    chào thân ái
    Đinh trọng Phúc

    Trả lờiXóa