Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Cảm thụ thơ thầy Hồ Trị -H.Đằng



Cảm thụ thơ thầy Hồ Trị



 
Vào một ngày cuối tháng 12 năm 2011, người phát thư đưa tôi một gói hàng. Đó là tập DUYÊN THƠ mà tác giả là thầy Hồ Trị bút danh Hồ Trọng Trí gửi tặng.
 Thầy Hồ Trị là bạn cố tri của tôi. Năm học 1972-1973, do điều kiện nơi ở trong các trại tạm cư, tôi thuyên chuyển từ trường trung học Đông Hà về trường trung học Triệu Phong đặt tại liên trại Hòa Khánh – Đà Nẵng, tôi gặp thầy Hồ Trị đang ở trong Ban Giám Hiệu nhà trường với chức vụ Tổng Giám Thị, thầy đã giữ chức vụ này từ năm 1969 khi trường còn ở quê nhà. Cuối xuân 1974, thầy và tôi cùng đi theo chương trình khẩn hoang lập ấp vào khu Láng Gòn (nay là xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Nơi quê mới, trường trung học Nguyễn Phúc Chu được mở, tôi và thầy cùng công tác tại trường này. Chúng tôi còn cùng nhau đến dạy thêm tại trường trung học tư thục Đắc Lộ đặt tại khu Láng Gòn và trường trung học tư thục Thanh Linh đặt tại khu Động Đền. Ngoài việc dạy học chung trường, thầy, tôi và thêm một số anh em nữa lên kế hoạch kinh doanh chung để cải thiện đời sống: lập một quán sách ở khu Láng Gòn. Tiếc là vì hoàn cảnh đơn chiếc, không có thì giờ, tôi rút lui. Quán sách đặt ở chợ tạm, đáp ứng được nhu cầu sách, vở, bút mực ... của học sinh và nhu cầu mượn truyện đọc giải trí của các bà, các cô bán hàng ở chợ.
Nước nhà thống nhất, thầy được tiếp tục dạy và ở lại Láng Gòn, còn tôi, sau nhiều lận đận, cuối cùng rụng về cội, nghĩa là trở về Đông Hà. Chúng tôi xa nhau, nhưng chỉ cách mặt còn gần lòng. Hãy nghe Thầy tâm sự mỗi khi Tết đến xuân về:

... Bánh trái quả hoa lo sắm đủ,
    Chén trà ly rượu đợi chờ ai!
    Bạn bè quyến thuộc dần xa vắng.
    Thao thức đêm xuân dạ cảm hoài ...
(Hoài cảm xuân – Duyên thơ trang 07)

... Đón thơ đồng điệu vui tình bạn.
   Xuân ướm vần gieo nhớ cố nhân ...
(Thơ xuân - Duyên thơ trang 69)

... “Kỷ niệm”, “Hương quê” mừng gặp gỡ,
    “Nguyễn Hoàng” đẹp mãi một trường thiên.
(Nhớ về thầy cũ bạn xưa Nguyễn Hoàng - Duyên thơ trang 74)

     Nhớ sao kỷ niệm tuổi hoa niên,
     Biệt Triệu Phong, xa trò - bạn hiền ...
(Nhớ về trường cũ trò xưa - Duyên thơ trang 76)

... Cảnh ngộ tha hương sầu độc ẩm.
    Cố tri đâu nhỉ ? Lệ cay nhòa.
(Nhớ cố tri - Duyên thơ trang 95)

Thầy Hồ Trị cao, to, khỏe, mạnh; thời còn đi dạy, thầy để tâm vào các môn khoa học - thầy là một giáo sư toán uy tín; thầy không còn thì giờ sáng tác thơ văn. Vào tuổi tráng niên, định cư ở vùng đất đỏ Đông Nam Bộ màu mỡ, “tạng” ham canh tác bắt thầy dành hết tâm sức cho vườn rẫy:
                   
Xưa thầy dạy học đầy phong độ.
Nay tớ chăm vườn vẫn bậc trung ...
(Thơ bạch - Duyên thơ trang 97)

Thế nên thầy đến với thơ muộn, sau bao năm lăn lộn với đời, thầy tính sổ chẳng còn chi:

... Bao năm bụi phấn đầu vương bạc,
    Mấy thuở phong sương ngộ tính dần.
    Thế sự đẩy đưa còn mấy nỗi,
                         Nhân tình níu lại được bao ngần ...
(Dấu thời gian - Duyên thơ trang 90)

Thật ra, cũng còn đấy chứ! Còn lại cái thân của mình, còn lại cái tâm của mình, còn lại cái trí của mình để bây giờ ngồi nhẩm “còn mấy nỗi”, “được bao ngần”. Được nhẩm như thế thôi cũng là hạnh phúc rồi. Mà thôi, “tắm buổi mô buột mặt buổi nấy”, nhẩm chi cho mệt óc!

Trên online, khoảng 2 năm trở lại đây, do”đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, một thi đàn xướng họa rất sôi nổi thơ Đường luật thất ngôn bát cú xuất hiện, ban đầu chỉ giữa một số đồng môn trường trung học Nguyễn Hoàng rồi lan ra đồng hương Quảng Trị, bây giờ mở rộng ra đến những người yêu thơ không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Thầy Hồ Trị đã góp mặt trên thi đàn này. Tôi đoán nghiệp thơ của thầy mới chừng 2 tuổi - chưa lâu:

Duyên bén nàng thơ chửa được lâu,
Hội thơ truyền thống buổi ban đầu ...
(Duyên thơ – Duyên thơ trang 07)

”Tân Mão mình vừa bảy chục xuân” (Vui với làng thơ – Duyên thơ trang 08), tuổi già, thầy may mắn gặp được sân chơi thơ, thầy gọi cơ may ấy là duyên:

                     Giao lưu thi hữu chân tình quá,
Trao đổi văn chương ý nghĩa sâu.
Ngày tháng luyện rèn tâm tỏa rộng.
Sáng chiều suy nghiệm lý thâm cao ...
(Duyên thơ – Duyên thơ trang 07)

Đã nói là duyên, thế thì nghiệp thơ đã bén rễ trong người lâu rồi; bây giờ gặp “nhân” mới nẩy nở, phát triển ra thôi. Thầy đặt tên tập thơ đầu tay là “DUYÊN THƠ”, chính vì lẽ đó.

Đối với tôi, tập thơ là một món quà qúy đón năm mới. Tôi đã đọc với lòng trân trọng. Trong xã hội, cũng lắm người được bằng hữu tặng văn, tặng thơ ... không bao giờ đọc, lại còn trêu – xì xào đàm tiếu, “chọc quê”; họ không qúy tấm lòng của người tặng vì không hiểu rằng thơ văn là đứa con tinh thần của tác giả, cũng mang nặng đẻ đau, lao tâm khổ tứ vậy.
Tuy nhiên, đọc mà không san sẻ cảm thụ của mình với người khác thì ích kỷ. Vậy nên tôi xin viết đôi dòng.

Tập DUYÊN THƠ, ngoài 1 bài lục bát “Thay lời ngỏ”, gồm 180 bài Đường luật thất ngôn bát cú, Trong 180 bài này, có 43 bài của tác giả, số còn lại là thơ họa và xướng của các thi hữu.
Trong “Thay lời ngỏ”, thầy Hồ Trị đã nói rõ quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” của mình: viết cái gì, viết cho ai, viết thế nào, viết để làm gì:

Thơ là tiếng nói của lòng,
Những mong gạn đục khơi trong với đời.
Vần thơ xướng họa gọi mời,
Đổi trao quan điểm rộng khơi ý tình.
Luyện rèn trí tuệ thêm tinh,
Cùng nêu quan điểm phân minh vấn đề.
Chơi thơ có lắm bạn bè,
Thắm tình tri kỷ tìm về kết giao ...
                         (Thay lời ngỏ - Duyên thơ trang 03)

Ở đây, tôi chỉ điểm nội dung những bài do chính thầy Hồ Trị sáng tác trong tập thơ, còn phần họa và xướng của các thi hữu khác in kèm xin miễn nói đến.

Thầy Hồ Trị dành một phần thơ tả cảnh đẹp quê hương - đất nước.
Về nơi chôn rau cắt rốn – làng Trà Liên, thầy viết:

         ... Sông nước hài hòa phong cảnh đẹp,
   Nhân dân phúc hậu sống yên bình.
                                     (Trà Liên quê tôi – Duyên thơ trang 04)

Về Vũng Tàu – quê mới, thầy viết:

  Vũng Tàu thành phố trẻ lên nhanh,
                       Tráng lệ thanh tân dáng thị thành ...
                               (Vũng Tàu thành phố biển – Duyên thơ trang 08)

Về đèo Hải Vân, nơi từng qua lại nhiều lần, thầy viết:

                   ... Hùng vĩ Hải Vân không thẹn tiếng,
                       Rừng thông gọi nắng biển ngàn reo.
                                    (Qua đèo Hải Vân – Duyên thơ trang 82)

Về thủ đô Hà Nội, thầy viết:

  Ngàn năm văn hiến đất Thăng Long,
  Hà Nội hùng anh thắm sử hồng ...
                       Hội nhập toàn cầu kinh tế phát,
                       Nước nhà cất cánh vận hanh thông.
                              (Thăng Long Hà Nội ... – Duyên thơ trang 10)

Thầy nhìn quê hương đất nước với nhãn quan tích cực – đâu cũng đẹp, cũng hùng vĩ – xen lẫn niềm hy vọng vào tương lai.

Thầy dành một phần lớn thơ nói về thế thái nhân tình. Tả cây chuối, thầy nêu lên những cống hiến của cây chuối cho đời, rồi bực bội kết luận:

... Việc chuối lớn lao ... không cậy giỏi.
     Công BÂY nhỏ xíu lại khoe tài.
                                   (Vịnh cây chuối – Duyên thơ trang 06)

Thầy gọi ai là BÂY thì mỗi tự ngẫm rồi quan sát chung quanh mà hiểu.
Mang trong mình máu của một nhà giáo chân chính, thầy trăn trở với tình trạng học giả - không học mà có bằng cấp cao - hay bệnh thành tích trong giáo dục thời nay:

     Học thật tưởng như xuống giá rồi.
     Một thời học giả soán luôn ngôi ...
(Học giả - Duyên thơ trang 44)

... Cải cách chương trình thay đổi mãi.
    Mở mang trường sở thiếu than hoài ...
                    ... Chất lượng đầu ra rồi vẫn vậy.
    Bệnh đua thành tích đã bao ngày.
(Đạo học – Duyên thơ trang 80)

Nhìn sự đời, thấy tiêu cực lấn át tích cực, thầy ngao ngán thở dài thất vọng:

... Thực thà lắm lúc đành thua thiệt,
    Gian xảo nhiều khi lại được hoài.
    Biển dịch vần xoay hư hóa thực.
    Công bằng lý tưởng có đâu đây!
                                   (Sự đời – Duyên thơ trang 05)

... Thế sự đảo lừa hư hóa thực.
    Nhân tình tráo trở, có thành không ...
                                    (Nhân tâm – Duyên thơ trang 79)

Trước thế thái nhân tình không mấy vừa ý, phản ứng thứ nhất của thầy là TU, đem cái TÂM mà xử thế, xủ sự:

... Tâm đạo gieo nhân về nẻo chánh.
    Tâm chơn ngũ uẩn thảy giai không.
                                    (Tâm – Duyên thơ trang 04)

... Ngoái lại đời mình đâu bến đợi!
    Vô tâm dạo bước nhẹ nhàng thân.
(Nhìn lại đời mình – Duyên thơ trang 60)

Tuy nhiên, theo quan niệm của thầy, TU là việc phải làm, còn kết quả của tu thì tuỳ duyên:

                    ... Tân vận tùy duyên xoay thuận hướng.
                         Mẹo hay tịnh dưỡng khí – tâm - thần.
(Thơ xuân – Duyên quê trang 69)

Phản ứng thứ hai của Thầy là cầu nguyện mọi sự tốt đẹp mỗi dịp xuân vì vào xuân, bầu không khí nhuốm vẻ linh thiêng:

... Xuân cầu mọi xứ thôi thù hận.
    Xuân ước muôn nơi thương mến tràn.
                                    (Xuân ý – Duyên thơ trang 05)

Phản ứng thứ ba của thầy là dùng thơ ca để thăng hoa:

... Xuất thần sáng tạo câu thơ lạ.
    Khoảnh khắc thăng hoa vận tứ mầu.
                                   (Duyên thơ – Duyên thơ trang 07)

... Nguồn thơ sáng tác đang thăng tiến.
    Xướng họa đổi trao thú bội phần.
(Vui với làng thơ – Duyên thơ trang 08)

... Đã thế đùa chơi cùng sự thế.
    Nghêu ngao khúc hát điệu à ơ.
(Tự cảm – Duyên thơ trang 09)

Một điều đặc biệt là, không giống với đa số những người làm thơ khác, tác giả DUYÊN THƠ không nói gì đến tình yêu trai gái. Xưa nay, những vần thơ hay là những vần thơ nói về mảng này vì  rạo rực, bồi hồi, sống động, não nề, nhiều hình tượng; chẳng hạn như:

                    ... Đập cổ kính ra tìm lại bóng,
                        Xếp tàn y lại để dành hơi ...
                                  (Khóc Bằng Phi – vua Tự Đức ?)

... Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
     Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường ...
                                    (Đoạn trường tân thanh - Nguyễn Du)

    Hỡi cô tát nước bên đường,
     Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
                                   (Ca dao)

                    ... Những ngày không gặp nhau,
                       Biển bạc đầu thương nhớ.
                        Những ngày không gặp nhau,
                         Lòng thuyền đau rạng vỡ.
                        Nếu từ giã thuyền rồi,
                         Biển chỉ còn sóng vỗ.
                        Nếu phải cách xa em,
                         Anh chỉ còn bão tố.
                        Nếu phải cách xa em,
                         Anh chỉ còn bão tố ...
                                  (Thuyền và biển – Xuân Quỳnh do Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc)

Vì thiếu vắng tình yêu nam nữ, thơ thầy Hồ Trị thiếu cái bay bướm, thiết tha, nồng nàn về tứ cũng như về từ ... chỉ thấy đạo đức, luân lý với lời lẽ chững chạc rõ ràng, đúng theo phong cách mô phạm. “Văn dĩ tải đạo”, đúng “mốt” của các cụ xưa. Cả tập thơ chỉ thấy một chỗ hơi “vượt rào” nhưng cũng không qua hẳn. Đó là khi thầy họa thơ của Thủy Hưng.
 Thủy Hưng xướng:

Cửa cổng nhà em chắc tháo rào.
Bao năm gìn giữ bấy công lao ...
      ... Câu thơ kỳ ngộ trao duyên ngọc.
Mời bạn tri âm mạnh bước vào.

Thầy họa:
Nghe nói nhà em tháo cửa rào.
Trần ma quậy phá phải gian lao ...
      ... Vần thơ tương ngộ khuyên người ngọc.
Chớ có dễ duôi ong bướm vào.
(Giữ cổng rào – Duyên thơ trang 83)

Người xướng tháo cổng mời mạnh bước vào; vậy mà thầy rụt rè không dám,  chỉ đưa ra lời khuyên: “chớ có dễ duôi”, từ duôi là từ lạ, nghe thâm trầm lắm!

Thơ Đường luật thất ngôn bát cú là thơ dùng trong trường thi ngày xưa; thành thử, quy luật rất chặt chẽ. Với loại thơ này, rất ít khi làm được bài hay để “vượt thời gian”, “đi cùng năm tháng”. Trong lịch sử, hàng ngàn người đỗ đạt, nhưng thành thi sĩ có thơ để đời thì được mấy ai! Niêm, luật, vận, đối ... cản trở cái bay bổng, thanh thoát của thơ. Vì vậy, thầy Hồ Trị cũng nhiều lần lách luật. Ở đây, tôi chỉ nêu ra một ví dụ cho thấy thầy đã bỏ qua luật đối. Một câu đối chỉnh đòi hỏi: đối về “bằng trắc”, đối về “từ loại” “từ căn” (từ nôm với từ nôm, từ Hán Việt với từ “Hán Việt”).
Đây là một cặp đối chỉnh:

Thân thẳng cây to xòe tán rộng,
Bẹ dài lá lớn trổ hoa dài ...
(Vịnh cây chuối – Duyên thơ trang 06)
. Nhưng:

Dẽo miệng lọc lừa nên vớ lợi.
Mềm lưng xu nịnh gặp cơ may ...
(Sự đời – Duyên thơ trang 05)

Cặp đối này có vấn đề; “nên vớ lợi” không đối được với “gặp cơ may”; “vớ lợi” là cụm từ gồm 1 động từ (vớ) và 1 danh từ (lợi) còn “cơ may” chỉ là một danh kỳ kép.

Làm thơ hay rất khó, đòi hỏi phải có thiên tài. Với người có thiên tài, cái mới, cái lạ dễ dàng xuất hiện trong tâm hồn, trong trí tuệ, vì vậy, thơ của họ có nhiều đột phá hợp với “gu” của quần chúng về hình thức và nội dung. Nói thế không có nghĩa là ai không có thiên tài thì đừng làm thơ. Thơ có thể thành công  nhờ khổ luyện.
Chúc thầy Hồ Trị mạnh bước, tự tin trên đường thi ca, thực hiện trọn vẹn những điều đã viết trong “Thay lời ngỏ”.
Đông Hà, 04.01/2012
Hoàng Đằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét