Với các bài viết của quý Thầy cô và CHS THTP 6075:
- CHS.Lê Ngọc Quế : Quê hương và nổi nhó; thầy Bùi Ngọc Bửu: Đọi nước chè xanh; - Thầy Nguyễn Văn Quang: Giếng Côi; - CHS.Dương Thị Bích Liên: Củ khoai lang; - CHS.Nguyễn Văn Tương : Quê hương...; O Bụi; - CHS.Lê thị Thanh Tâm; Đồ Quỹ
Đào Xá và Lê Ngọc Quế
QUÊ HƯƠNG VÀ NỖI NHỚ
Lê Ngọc Quế khóa 67-71
Triệu thành Quảng Trị ĐT: 0973768635
Email: lengocquevn@Gmail.com
Đất trời đã chuyển dần vào xuân, nhưng không khí tươi vui của đất trời vẫn chìm vào trong những cơn mưa phùn giá lạnh như chưa muốn chia tay với mùa đông dài đăng đẵng.Những hạt mưa đan xen gõ đều lên mái tôn, tiếng sột soạt của những tàu lá chuối cuối hè nhà. Gà đã gáy sang canh, tiếng gõ lốc cốc đều đặn lên mạn thuyền của những chiếc ghe câu ngoài dòng sông Thạch Hãn hòa lẫn trong tiếng chuông chùa Sư nữ thong thả ngân xa. Không gian im vắng, khoảng tĩnh lăng ngắn ngũi luôn cần thiết để tâm tư thanh thản ngược dòng thời gian hoài niệm về vùng trời Quê hương, để tiếc nuối, để nhớ thương, để chắt chiu từng kỷ niệm về miền đất nơi cha sinh mạ đẻ với tuổi thơ ngàn đời yêu dấu.
Quê tôi “Xóm Hà” thôn Cổ thành một dãi đất thấm đượm phù sa luôn lóe sáng trong tôi hình ảnh người mẹ già hiền dịu, xõa mái tóc dài thon thả xuôi theo dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, khoác lên mình chiếc áo với bãi cát vàng óng ánh lan đến tận nhánh sông, phủ quanh mình bằng những lũy tre già xanh buốt kết thành chuổi cuộn tròn như chiếc khăn quàng ủ ấm những con thuyền lặng lẽ nép mình dọc bờ sông trong những ngày đông giá rét, là bóng mát dịu dàng chắn che cho những trưa hè oi ả. Xuôi về nam con đập Rù rì như cánh tay vươn dài đến thành phố Quảng Trị quanh năm chuyên chở những dòng người xuôi ngược.
Cầu Rì Rì nhìn về xóm Hà
Đẹp làm sao những ngày đầu năm ấm áp, những tà áo khoe màu hớn hở trong nắng xuân như dãi lụa mềm lung linh sắc màu trên những chiếc thuyền ngang dọc đi lễ chùa hái lộc đầu năm.
Thương làm sao những trưa hè nắng rát con đập Rù rì như chảo lửa bốc hơi, những cơn gió lào thét gào từng chập cuốn bay những đám bụi tung mù, những bóng người liêu xiêu cúi gập mình cố bước nhanh qua từng cơn gió thổi, khuôn mặt bơ phờ áo quần tả tơi, mồ hôi nhuễ nhoại như làm xám thêm bao nỗi nhọc nhằn.
Nước trong xanh, lòng sông bồi lấp -Bầy Thiên Nga tha hồ ngụp lặn giữa nắng Hè
Nhớ làm sao những ngày đầu thu nắng nhẹ, làn gió nồm mát rượi phảng phất tìm về vuốt ve những cánh dều no gió tung bay lên vút trời cao, chao qua, đảo lại ngắm nhìn quê hương thanh bình yêu dấu. Dưới ánh trăng thu, con đập rù rì mơ màng ngắm nhìn bãi cát vàng thơ mộng là nơi hẹn hò của những đôi trai gái lặng thầm bên nhau, ước mộng về tương lai xuôi chèo mát mái như dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, những ngày cuối thu khi những chiếc lá sầu đông cuối cùng còn sót lại trên cành, những đám mây bàng bạc lại kéo về xuôi nên mưa miền biển những cơn mưa như trút nước dội xuống đêm ngày mà mưa thì buồn da diết, sau bức màn trắng xóa, những dòng nước lũ đục ngầu từ thương nguồn đổ về, giữa biển nước mênh mông xóm Hà tôi như một ốc đảo nhỏ những con thuyền lao nhanh theo từng bè gỗ mục, tiếng gọi đò ơi ới của đám học sinh sợ đi học trễ giờ, vẽ hấp tấp của người buôn bán cho buổi chợ sáng mai và cả những tiếng cười sảng khoái cũa lũ trẻ thơ đùa nghịch ven bờ.
Con đường 4 đi qua xóm Hà như khúc xương sống gắn liền những đốt xương sườn ôm đều ra hai phía ủ ấm những dãy nhà rộn rã tiếng cười, những mảnh vườn hoa trái thơm tươi hòa trong lũy tre làng ngập tràn bóng mát. Quê hương hiện lên sáng ngời trong đôi mắt hiền hòa của Cha Mạ một nắng hai sương, của xóm giềng quí mến của bao lớp bạn bè quá đỗi thân thương. Người trong tay người, đất và người cùng hòa chung nhịp thở. Quê hương và người trong nhau thành một khối như bếp than hồng sưởi ấm quanh năm.
Nhà tôi ở xóm trong, một ngôi nhà xây cấp bốn lợp mái tôn giản dị và khiêm tốn, nơi cha mạ với bao nổi nhọc nhằn thấm đậm mồ hôi suốt đời lo toan cuộc sống, yêu thương và nuôi dạy con cái lớn khôn nên người. Cha mạ tôi sinh được ba chị em tôi là con trai một nên tình thương cả gia đình đều dành hết cho tôi. Hạnh phúc nào hơn vào những trưa hè oi ả, nằm gối đầu lên chân cha tận hưởng làn gió mát rượi từ cái quạt mo phe phẩy, lim dim, mơ màng dõi theo tiếng cha qua từng câu chuyện kể, ấm áp nào hơn những đêm đông giá buốt nằm cuộn mình thọt lỏn vào lòng mạ như chú mèo con no tròn giấc ngũ. Với mảnh vườn nho nhỏ cha mạ tôi trồng đủ các loại cây ăn quả,những hàng mít sai trái, cây bưởi phía hè nhà thoang thoảng hương thơm, cây ổi sẻ sau nhà ngọt ngào cho những buổi leo trèo thỏa thích cả cây khế ngọt khế chua cho nằm chung với chú cá lóc cá khô thành nồi canh thơm ngát, cây ngô đồng cao ngất che phủ một góc vườn là tổ ấm uyên ương của đôi chim “cà cưỡng” ngày ngày ca hát líu lo. Ở đây tôi có được những thế hệ bạn bè chung trường chung lớp, có dòng sông Vĩnh Định trong xanh tươi mát bốn mùa, suốt ngày ngụp lặn đuổi theo đàn cá bống đến đỏ ngầu cả đôi mắt, có những con sóng lấp lánh, nhấp nhô trên mặt sông va đập vào nhau bắn lên những hạt nước li ti thơm mùi thơm dìu dịu.
Từ xóm Hà nhìn về cầu Sãi giữa nắng hạ chói chang (Ảnh VTT)
Chiếc cầu Sãi nối liền hai dòng sông Vĩnh định với con đường đất đỏ trãi dài đến trường trung học Triệu Phong, là mái ấm của những tháng năm học trò chồng chất biết bao kỷ niệm êm đềm thương mến, ấm áp trong vòng tay của thầy cô kính mến, trong trẽo với tiếng cười hồn nhiên thân thương của bạn bè, những mộng ước về tương lai, những cảm nhận thầm kín đầu đời, những chiều rộn bước hành lang, những sáng ưu tư lén nhìn những tà áo trắng tinh khôi vén nhẹ màn sương thong thả và những vòng xe nhè nhẹ đến trường.
Những tưởng thanh bình cho chúng tôi suốt dọc cuộc đời ai ngờ chiến tranh lại nổ ra (mùa hè đỏ lữa 1972) biển lửa bom đạn nổ bùng trùm phủ kín quê hương, người dân quê tôi tay bế tay bồng, gánh gồng cùng nhau xuôi về Nam tìm nơi an toàn lánh nạn. Những ngày sống chật chội, lạc lỏng, bơ vơ trong trại tỵ nạn với nổi lòng quặn thắt, mắt luôn đau đáu nhìn về Quê hương vời vợi xa trong khói lửa mịt mù.
Đêm Rằm tháng 4 con đường xóm Sãi
Sau ba năm gian khổ trên đất khách quê người, chiến tranh chấm dứt hòa bình lập lại (4/1975,) chúng tôi trở về quê hương, đất và người lại một lần nữa ôm nhau ngậm ngùi cay đắng chứng kiến bao cuộc chia ly dâng trào nước mắt, người ra đi mang theo những nỗi nhớ thương da diết đến quặn lòng ray rứt, với nỗi đau cắt da, xé thịt mang theo hình bóng quê nhà vào miền nam sinh sống, người ở lại quê cha đất tổ nơi cha mạ đào đất cắt rốn chôn nhau con cái mình cũng đắng cay chua chát, làng xóm tã tơi, cửa nhà tan nát, hố hầm chằng chịt, lau lách phủ kín đầu người, đạn bom vương vãi. Như qui luật cuộc sống đấu tranh để sinh tồn, đất và người lại quấn quít bên nhau, cuôc sống cứ trôi dần với những tháng ngày gian nan vất vã, nước mắt và cả máu chan hòa trên đất mẹ để chắp vá lại những mảnh vỡ quê hương làm hồi sinh lại bóng hình của những ngày xưa cũ.
40 năm qua rồi, xóm Hà dần dần thay da đổi thịt đường sá rộng rãi hơn, nhà cửa khang trang hơn, cảnh cũ lại trở về, nhưng người xưa vẫn biền biệt ra đi. Các chú bác, cha mẹ tôi đã ra người thiên cổ, bông hồng chẳng còn được cài lên ngực áo, những cánh hoa dù một thời ngang dọc như Thọ, Đạt, Đông đã vĩnh viễn nằm lại với suối sâu, rừng thẳm không một nấm mồ. Những Lâm, Trân, Tín, Hương Lan, Hương Nhân, chị Diệu Hòa, Tường Vi, Kim Qui, Thu Hương tít xa đến nửa vòng trái đất. Kim hay hát nhạc kích động “cớ sao buồn này kim”, Toàn Tín với những trò chơi tinh nghịch, Tấn Hoàng hay gác đùi lên tôi nằm nghe ca nhạc và biết bao thế hệ người thân cùng bạn bè vẫn còn ở khắp bốn phương trời. Những lần về thăm ngắn ngũi, mừng mừng tủi tủi, rồi ngậm ngùi vội vã ra đi. Đất và người vẫn là vốn quý như sợi dây thương yêu vô hình thắt chặt giữa con người với con người, con người với quê hương, mãi mãi và mãi mãi suốt đời chung thủy.
Doi đất xóm Hà cạnh bờ sông nhìn lên thượng nguồn Thạch Hãn
Dòng sông nào rồi cũng xuôi về biển cả, mặt trời đã ngã đằng tây, những ráng nắng hồng nhạt dần pha màu tím sẫm, còn chút gì cho quê hương để thương để nhớ, hoàng hôn khuất dần phía cuối chân trời, rồi mai đây tôi sẽ thành cát bụi; thầm mong bụi cát sẽ thấm sâu vào lòng đất quê hương ngàn đời yêu dấu.
LNQ - 12-2011
ĐỌI NƯỚC CHÈ XANH
Thầy Bùi Ngọc Bửu
Chắc chắn chúng ta ai ai cũng từng nghe bài ca "Làng Tôi" của nhạc sĩ Chung Quân với những lời nhạc mở đầu: "Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lững vờn quanh, êm xuôi về Nam. Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau, bóng tre ru bên mâý hàng cau đồng quê mơ màng......"
Một nét đặc biệt hơn nữa là cứ mỗi lần nghe tiếng ca trầm ấm của cố ca nhạc sĩ Duy Khánh, diễn tả bài ca Làng tôi với chất giọng đậm đà, âm hưởng quê hương Quảng Trị, Tôi không khỏi chạnh lòng, bâng khuâng, liên tưởng đêń quê làng Tôi là Câu Nhi, là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi mà thuở thiếu thơì đã có biêt́ bao kỷ niệm khó nhòa phai…
Làng tôi, nhìn từ trên không trung, như một hòn đảo nhỏ được bao bọc bởi hai nhánh của sông Ô Lâu, dòng sông Ô Lâu quanh co, uốn khúc; ôm ấp Làng tôi như người Mẹ ôm Con vào lòng và giòng sông Ô Lâu đã từng ghi đậm một câu chuyện tình sử bất hũ. Làng tôi laị có đồng ruộng mênh mông nặng trĩu lúa vàng; dân quê làng tôi chuyên sống về nông nghiệp ruộng vườn, cả cuộc đời từ khi sinh ra trên "cục đất cày", sinh kế cuộc sống trên cục đất cày và thế rồi nhắm mắt lìa đời trên cục đất cày này, người dân làng tôi rất thật thà chất phác, cuộc sống quanh năm chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng mà laị hiếu khách, đầy lòng vị tha nhân aí và luôn luôn tự hào là con cháu giòng dõi hiếu học của chúa Nguyễn Hoàng...
Thời thơ ấu Tôi sống với Cha Mạ tôi tại quê làng, nhà của gia đinh Tôi gần bên cạnh bờ sông Ô Lâu thơ mộng, được xây dựng nằm trong diện tích khu vườn cao ráo, rộng rãi khoảng trên dưới bốn ngàn, hai trăm mét vuông; xung quanh vườn Cha Mạ Tôi trồng nhiều cây ăn trái; hàng ranh phía Đông là một dãy hàng cây Mít, vưà khô vừa ướt, cây này cách cây kia đều đặn; hàng ranh phía Bắc sau lưng nhà là các loại cây khế Ngọt, chua, ổi, vải nặng trĩu trái xanh; về hướng Tây và hướng Nam là hai lũy tre xanh dày đặc, cao chót vót thẳng tắp; phía vườn sau sát căn nhà ngói đỏ ba gian, là một haǹg cây cau thăn̉g tắp, nơi đây là tổ âḿ yêu thương của bầy chim sẻ chí- chéo gọi nhau, vui đùa từ lúc rạng đông. Đặc biệt nhất là mặt tiền khu vườn, Cha Mạ tôi trồng hăǹg trăm CÂY CHÈ XANH TƯƠI, hằng năm cứ hai lần thu hoạch mang lại nguồn lợi tức kinh tế gia đình khá lớn. Vườn Chè được Cha Mạ dày công chăm bón; ngoài ra, cũng nhờ thiên nhiên ưu đãi, cứ thỉnh thoảng hằng năm vào tháng chín, tháng mười, giòng sông Ô Lâu mực nước dâng cao, gây ra lụt lội tràn vào khu vườn mang theo từng lớp phù sa bồi bổ cho vườn chè được tươi tốt, đơm hoa kết trái sum sê, lại càng đâm chồi, nẩy nhánh um tùm hơn. Căn nhà khang trang, khu vườn đủ loại cây xanh, nằm cạnh bờ sông, bước ra ngoài cửa ngõ, có một bến nước sạch sẽ thoai thoải của xóm, thường được gọi là bến nước Đồng An; hình ảnh ấy, khung cảnh tuyệt vời ấy thỉnh thoảng lại gợi lên trong tâm trí của Tôi, bước theo Tôi
mãi mãi khó mà xoá nhoà đi được ...
mãi mãi khó mà xoá nhoà đi được ...
Ba Mạ Tôi cũng làm ruộng, hăǹg năm đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, cày sâu cuốc bẩm, chăm bón vun trồng trên những mẫu ruộng tư, là thừa kế gia sản của Ông, Bà nội Tôi để lại; và vào ngày mùa Ba Mạ tôi phải thuê mướn hàng chục người giúp việc, nào là công việc cày bừa thâm canh các mẫu ruộng, nào là gieo vải giống luá trên những thửa đất cao, nhưng phải có độ ẩm: Người dân làng gọi là TRƯA, nào là công việc cấy lúa thẳng hàng, kịp thơì vụ; nhất là vào mùa gặt lúa Ba mạ tôi phải thức khuya, dậy sớm chuẩn bị đủ loại thức ăn ngon, nước uống khỏe cho các tốp thợ gặt, đủ mọi lứa tuổi gồm đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ, có thể gọi họ là "những chuyên viên kỹ thuật cắt lúa"; thời xưa phương tiện phục vụ cho đồng án ruộng vườn còn quá thô sơ nghèo nàn; thợ gặt lúa chỉ dùng cái “VẰNG”* để gặt lúa; trong tốp thợ gặt khó nhất là bó lúa, người được phân công bó lúa là người không những có sức khỏe dẽo dai mà phải có kỹ thuật, mỹ thuật bó lúa đẹp, gọn gàng,chắc chắn đảm bảo khi gánh trên vai không bị rơi ra, vung vãi dọc đường... người thợ bó lúa dùng sợi lạt mỏng,dẽo, được chẻ ra, trau chuốt từ thân cây tre,chiều dài khoảng chừng một mét sáu mươi...
Sắc màu mới trên quê hương An toàn khu Tôi nhớ mãi vào ngày mùa gặt lúa của gia đình, Ba Mạ tôi phaỉ chuẩn ḅi đầy đủ moị thứ dụng cụ, phương tiện, thức ăn, nước uống; thường thường trong ngày gặt phải cần ít nhất là mười nhân công để gặt lúa; Ba Mạ tôi phải lo cho tốp thợ gặt ăn bữa sáng từ lúc tờ mờ khoảng bốn giờ sáng; Họ tự chia ra thành hai nhóm thi đua nhau gặt lúa, gánh lúa từ ngoài đồng ruộng về tận nhà; thợ gặt với những bó lúa vàng, chắc, nặng trịch trên đôi vai dẽo dai, đôi chân thoăn thoắt rắn chắc, khuôn mặt luôn tươi cười, đua nhau gánh về chất đầy sân nhà trông thấy mà cảm tưởng thật là bình thường nhẹ nhàng như là chẳng có gì trên đôi vai của họ; khi thợ gặt đã cắt xong hai sáp đầu khoảng lúc tám giờ sáng, Ba Mạ tôi laị thiết đãi một bữa ăn dặm, có khi là bún vịt, có khi là cháo lòng nóng hổi; Họ hùng hục ăn, chuyện trò cười vui om sòm; ăn vừa xong là tay quạt miệng thổi, “ừng ực” một Đọi nước chè xanh ngon lành, rồi tất cả vội vàng lên đường trở lại "chiến trường"...
Sau khi tốp gặt hoàn thành năm sáp, khoảng mười hai giờ trưa, Họ lại dùng cơm trưa với nhiều thức ăn ngon lành bổ dưỡng Ba Mạ tôi đã sẵn sàng chăm lo nấu nướng thết đãi; nước chè xanh, pha vào một it́ gừng cay thi thật là thấm thía với khẩu vị của họ; tốp thợ gặt nghỉ ngơi trong độ một tiếng rồi lại tiếp tục công việc vào buổi chiều; Vào buổi chiều họ chỉ có cắt và gánh về ba sáp vì thời gian này họ phải còn lo công việc đạp lúa, đạp lúa ở đây là: “Họ sắp các bó lúa laị thành vòng tròn trên sân nhà, rồi dắt 1 hay nhiều con TRÂU vào dẫm đạp vòng tròn nhiều giờ và nhiều lần xẩy đảo* cho đến khi nào hột lúa tách rời ra khỏi chẽn cây lúa; lúc này trong tốp thợ, tự phân công thay phiên nhau dắt trâu đạp giã lúa; mọi người khác nhanh nhẹn tắm rửa sạch sẽ, gọn gàng, chuẩn bị bữa cơm tối lúc sáu giờ cùng gia đình tôi; Sau đó, tòan thể mọi người tập trung xẩy rơm ra chất cao thàng đống, còn lúa thi cào gom laị đậy phủ che kín tại sân nhà đề phòng có cơn mưa bất chợt trong đêm; trước khi thợ gặt về nhà Ba Mạ tôi còn đãi một bữa ăn chè đậu đỏ thật ngọt ngào, bù đắp chất ngọt cho thợ sau một ngày cật lực, vất vã để họ có thêm sức khỏe cho ngày mai ; sau một tô chè đậu, họ lại thưởng thức một Đọi nước chè xanh pha gừng thật thấm thía vào da thịt như dòng nước suối chuyền vào cơ thể bệnh nhân ...
Vâng thật đúng như vậy, nước chè xanh là thức uống giải khát rất tốt cho cơ thể vì nước chè xanh cũng là thảo dược, chứa nhiều Vitamine B, C, là nước uống giải nhiệt, lợi tiểu, giúp cho đầu óc được thư gỉản, ngoài ra nước chè xanh còn có công dụng chống tháo đường, làm tiêu hao các năng lượng dư thừa, nước chè xanh theo Đông y học còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư bàng quang, khi pha mật ong vào nước chè xanh có độ lượng vừa phải sẽ chữa trị được chứng viêm họng; pha với gừng thì tṛị được bệnh tiêu chảy; pha nước chè xanh với soda thì sẽ giúp chống bệnh hôi miệng; nước chè xanh cũng chống oxýt hóa, bớt hao mòn; do đó làm cho da thịt được dịu mát, giúp cho hệ thống hô hấp và kích thích hệ thần kinh não bởi vậy vào sáng sớm chúng ta uống nước chè xanh thì tinh thần được sãng khoái, minh mẫn; tuy nhiên, chúng ta không nên uống nước chè xanh vào ban đêm, làm cho khó ngủ vì có hàm lượng caffein; tóm lại; nước chè xanh ngày nay được dùng là một dược thảo rất phổ biến và có tác dụng rất hửu ích cho cơ thể con người về cả hai phương diện giải khát và điều chữa trị các loại bệnh thông thường mà ch́úng ta hay mắc phải.
Như trên, tôi đã nói tại quê làng Tôi, ngoài gia đình Cha Mạ có hằng trăm cây chè xanh tươi cũng có nhiều gia đình khác trong xóm, trong làng trồng từng vườn chè xanh tươi tốt tương tự như khu vườn chè nhà tôi; Xung quanh những làng lân cận, có rất nhiều vườn chè xanh, diện tích lên tới hằng mẫu đất như Lương Điền, Lương Sơn, Phước Tích, Hà Lỗ, Câu Nhi phường và đặc biệt nhất là Tân Điền là cả một khu rừng chè xanh bất tận lên tới hằng chục ha; là một nguồn lợi tức thu nhập hằng năm đảm bảo đời sống cho dân cư sinh sống tại đây; Theo kinh nghiệm của những vị ghiền nước chè xanh cho biết. Nước chè xanh tại làng Tân Điền là ngon đậm đà hương vị nhất mà mọi địa phương xa chưa hiểu rỏ nguồn gốc thì thường cho rằng chè xanh Mỹ Chánh là số một.
Như trên, tôi đã nói tại quê làng Tôi, ngoài gia đình Cha Mạ có hằng trăm cây chè xanh tươi cũng có nhiều gia đình khác trong xóm, trong làng trồng từng vườn chè xanh tươi tốt tương tự như khu vườn chè nhà tôi; Xung quanh những làng lân cận, có rất nhiều vườn chè xanh, diện tích lên tới hằng mẫu đất như Lương Điền, Lương Sơn, Phước Tích, Hà Lỗ, Câu Nhi phường và đặc biệt nhất là Tân Điền là cả một khu rừng chè xanh bất tận lên tới hằng chục ha; là một nguồn lợi tức thu nhập hằng năm đảm bảo đời sống cho dân cư sinh sống tại đây; Theo kinh nghiệm của những vị ghiền nước chè xanh cho biết. Nước chè xanh tại làng Tân Điền là ngon đậm đà hương vị nhất mà mọi địa phương xa chưa hiểu rỏ nguồn gốc thì thường cho rằng chè xanh Mỹ Chánh là số một.
Ngày nay có nhiều vùng nổi tiếng trồng chè xanh như Vĩnh Phú, Bắc Thaí,Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bảo Lộc, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đà Nẵng là những cánh đồng chè xanh thẳng tắp mênh mông ,đứng nhìn từ xa chúng ta trông thấy như một bức tranh vẽ tuyệt vời nghệ thuật, mỹ thuật.
Cây chè xanh chiều cao trung bình một mét sáu mươi phân, lá mọc so le, hình trái xoan, dài bốn đến mười cm, rộng hai đến hai cm rưởi, nhọn gốc, nhọn tù có mũi tại đỉnh; phiến lá lúc còn non có lông mịn, khi già thi dày, bóng; mép có khía cạnh răng cưa rất đều; hoa to với năm, sáu cánh , hoa màu trắng, mọc riêng lẻ ở nách lá, hoa có mùi thơm, nhiều nhụy.
Ngày trước Ba Mạ tôi thường nấu nước chè xanh theo cách thức đơn giản: cắt cả lá và cành, nên chọn cành có lá vừa, đừng chọn lá già, rưả sạch, bỏ vào nồi hoặc ấm, đổ nước sông, đun nấu bằng lửa trấu, lửa vừa phải, sôi đều, cho đến khi nào có màu nước xanh la bắt đầu dùng, hoặc là cắt các búp lá non, rưả sạch, bỏ vào bình, đun nước sôi đổ vào, đợi trong vòng vài phút là có thể uống ngon lành; tuy nhiên, thông thường hằng ngày trong gia đình chỉ nấu nước chè xanh thì chỉ cắt cành có lá vưà; còn các lá búp non thì hiếm khi nấu uống, thường là theo cách uống thử để có kinh nghiệm của người trồng chè xanh mà thôi.
Nước chè xanh là loại nước uống hằng ngày của người dân quê làng Tôi nói riêng, cũng như cho mọi người dân Việt Nam nói chung, có thể nói rằng nước chè xanh là nước uống quốc hồn quốc túy; ngày nay hầu như trên mọi miền đất nước với những phương tiện máy móc hiện đại trình độ khoa học kỹ thuật cao, nhiều chuyên viên chuyên ngành nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm, nhiều nhà máy chế biến công nghiệp chè sản xuất không ngừng, không những phục vụ cho người dân tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu qua nhiều quốc gia trên thế giới là một nguồn lợi không nhỏ đóng góp phần nào vào sự phát triển kinh tế của đất nước chúng ta.
Chúng ta cũng cần nên biết vài bài thuốc được pha chế từ nước chè xanh để dùng chữa tṛị các chứng bệnh rất thường xảy ra trong đời sống:
- Chữa trị phù thủng: Dùng chè tươi ba trăm gam nấu nước uống, mỗi ngày 2-3 lít; uống liên tục bốn ngày sẽ có kết quả.
- Chữa trị tiêu chảy, kiết lỵ: Dùng búp chè xanh, mỗi thứ một nắm, sao vaǹg, sắc uống nhiều lần sẽ hết bệnh.
- Chữa trị bị phỏng: Nấu nước chè xanh đặc dội vào vết bỏng và rửa sạch, rồi lấy lòng trắng trứng gà phết vào sẽ mau lành.
- Nên uống nước chè xanh mỗi ngày để giảm nguy cơ bệnh bàng quang, ruột già, tụy tạng, hậu môn.
- Nên uống nước chè xanh hằng ngày để có được làn da tươi mát, mịn màng, tinh thần được minh mẫn, sãng khoái.
BNB- Yukon city ,Oklahoma
GIẾNG CÔI
Thầy Nguyễn Văn Quang
Theo lịch sử của làng thì Ngài khai khẩn vốn là một vị tướng của chúa Nguyễn Hoàng, quê gốc Ngài ở Thanh Hóa. Ngài phụng mệnh vào đánh dẹp quân Chiêm Thành ở vùng Cửa Việt, và khi dẹp xong kẻ địch thì Cửa biển này mang tên là Cửa Việt Yên. Ngài khai khẩn chọn vùng đất làng tôi để định cư và đặt tên làng là An Cư để cầu mong sự yên bình, con cháu muôn đời lạc nghiệp. Dinh Ngài Khai khẩn nằm cạnh bờ sông và quay ra hướng Bắc, ý muốn bày tỏ tình cảm với tiền nhân ở quê cũ - với tâm nguyện: ly hương bất ly tổ!.
Làng chỉ cách biển Cửa Việt chưa đầy 2 cây số đường chim bay nên dòng sông quê 4 mùa nước mặn, càng về mùa hè nước càng mặn, độ mặn không kém nước biển là bao. Mỗi năm chỉ có đôi lần có thể nếm thấy nước ngọt nhưng không uống được, đó là lúc dòng sông trướng bụng uống hết nước lụt từ đầu nguồn Thạch Hãn và Hiếu Giang đổ về, nước đục ngàu nên dân gọi là nước bạc!
Lẽ thường tình, dân định cư nơi nào thì nơi ấy phải có đất để làm ăn và có nước để uống và sinh hoạt, nhưng nước mặn sông quê tôi chẳng những không giúp được gì mà còn mang tai họa đến cho làng. Đó là những năm hạn hán, nước biển vào sâu trong lòng sông, tràn vào ruộng và mùa màng mất trắng, đói là không tránh khỏi!
Để có thể tồn tại, dân đã đào giếng, đầu tiên là giếng Làng, cái giếng to nhất, sâu nhất để cung cấp nước cho cả làng. Giếng nằm cạnh đình làng nên cũng gọi là Giếng Đình. Về sau các nhà có sức đã đào giếng trong vườn nhà mình. Có mấy nhà giàu xây giếng bằng gạch. Những gia đình nghèo khó trong làng đành đến xin lấy nước nhờ, thậm chí cả lúc đêm khuya, mà chủ nhà cũng thông cảm, không làm khó dễ. Điều này thể hiện rõ nét cái gọi là tình làng nghĩa xóm, là đạo lý, nghĩa tình của dân tộc Việt!
Khổ một nỗi, cả làng có đến gần mười cái giếng, nhưng không giếng nào có được nước ngọt có thể uống được! Nước giếng có độ phèn quá lớn nên thường nổi màng trên mặt, nước đục ngàu như nước canh cua đồng và đưa lên mũi ngửi đã thấy mùi hôi không chịu nổi!
May thay, có sự bù trừ cho những con người bất hạnh! Đầu mút kia của làng lại có sẵn một cái giếng cổ, đường kính chừng hai mét rưởi, sâu chừng năm mét, tên gọi là Giếng Côi. Đây là cái giếng tròn được xây dựng bằng cách xếp từng hòn đá lớn chồng lên nhau thẳng đứng thành hình trụ từ đáy đến miệng, chỉ thành giếng là có trát thêm một ít vôi vữa. Thành giếng không cao, chỉ vừa tầm cái ghế đẩu để người ta có thể ghé ngồi lên nó. Tôi thắc mắc không hiểu vì sao giếng có tên này thì chẳng ai giải thích cả – có lẽ nó ở côi cút đầu mút làng nên có tên gọi như thế chăng? Một điều được nhiều đời xác nhận là giếng này có từ thời Chiêm Thành, trước khi làng được lập nên. Tôi lại nghĩ: rất có thể vùng đất này trước kia là làng mạc của người Chiêm; khi thua chạy họ không mang giếng đi theo được, đành để lại cho dân làng chúng tôi!
Thừa hưởng chiến lợi phẩm này là phước đức mười đời để lại, bởi vì cả làng chỉ có nguồn nước này là trong lành nhất, ngọt nhất, múc lên uống một ngụm là thấy sảng khoái cả người, không hề bị đau bụng! Ngặt một nỗi giếng chỉ có nhiều nước về mùa mưa, xem như là cái bể chứa giữa trời, còn mùa hè thì khô cạn; trời càng nắng to, gió Lào càng thổi mạnh thì giếng chỉ còn trơ đáy! Mùa hè là lúc dân cần nước uống hơn bao giờ hết, vì vậy đã hơn bốn thế kỷ qua dân làng vẫn bám vào giọt nước trong lành chắt từ Giếng Côi, như đứa trẻ đói lòng cố sức mút cho được giọt sữa cuối cùng của bầu vú đã xép ve của Mẹ!
Cả làng đang đói nước! Để có nước uống, người ta đã phải tính toán đủ điều: Mỗi nhà dù có bận bịu công việc bao nhiêu cũng phải cử một người lo đi chắt nước Giếng Côi. Đáy giếng có cát trắng, xen lẫn một ít đá sỏi kích cỡ khác nhau. Người ta phải trụt xuống sắp đá sỏi qua một bên, chừa một khoảng nhỏ bằng cái sàng rồi khoét sâu thành hình lòng chảo để chắt nước. Một mạch nước nhỏ chậm rãi rỉ ra đều đều từng ngụm, từng ngụm, …để duy trì nguồn sống cho những con người khốn khổ đang kiên trì chờ đợi!
Dân chắt nước dùng mo cau chằm theo hình gàu dai thả xuống, thả thật khéo mới rơi được vào lòng chảo ấy. Người đi sớm thì thả được theo ý mình, nghĩa là được thả nhiều lần cho đến lúc nào trúng đích, vì chưa có người tranh giành. Người đi sau thì thả chồng lên trên hay sát bên cạnh, chờ người trước kéo gàu lên thì mình được phần, chẳng khác chi cảnh chen lấn mua tem phiếu thời bao cấp! Khi thấy trong gàu mo người ấy có được một ít nước thì các bạn sắp đến phiên liền giục người ấy kéo gàu lên để họ dịch gàu mình vào chỗ có nước. Gàu nước múc lên có khi được nửa gàu, có khi chỉ được góc gàu có lẫn nhiều cát trắng. Nếu ai khát quá, nghiêng gàu uống liền thì cát chạy theo vào miệng đành phải nhổ ngụm nước ra! Hôm nào may mắn, một buổi chắt được một thùng. Chia đôi ra mà gánh về; hôm nào đông quá thì chỉ được góc thùng. Có hôm rủi ro, gặp nhiều người múc quá không có chỗ bỏ gàu thì đành về không! Nước chắt gánh về thì phải để vài ba giờ cho cát lắng xuống đáy thùng rồi cẩn thận gạn nước qua thùng khác mới khỏi bị cát lẫn vào. Dân làng tôi đã bao đời uống nước Giếng Côi bằng cách ấy! Người ta kháo nhau nhờ uống mạch nguồn nước Giếng Côi mà làng có nhiều người làm quan to. Không có nước uống, người ta đã nghĩ ra nhiều cách, nhiều mẹo vặt: chắt nước buổi sáng, buổi chiều không được thì đi vào lúc giữa trưa là lúc nắng như đỏ lửa, vì họ nghĩ rằng người khác ngại nắng nóng mà ở nhà. Kế này thất bại, vì khi đến giếng thì thấy còn có nhiều người tranh hơn là lúc thường. Thôi đành đi chắt nước vào ban đêm. Khổ nỗi ban đêm trời mát, công việc đồng áng đã xong thì ai cũng tranh thủ đi chắt nước. Trong đêm tối trốn nhau, lặng lẽ ra đi, nhưng khi đến nơi thì đã thấy đầy người ở giếng. Người ta đành về ngủ một giấc, đợi đến nửa đêm, lúc hai, ba giờ sáng sẽ đi. Lúc này chắc người khác đang ngon giấc! Ngờ đâu mọi toan tính cũng đều thất bại, mình biết đi lúc gà gáy sang canh thì người ta cũng làm được như mình. Thôi đành gánh thùng không mà về!
Nghĩ đã hết cách mà không chắt được nước, người ta đành xuất chiêu cuối cùng: Tung tin đồn ở giếng có con ma Hời từ thời Chiêm Thành ở lại, ban đêm thường trêu chọc đàn bà, con gái, hù dọa cả đàn ông. Một số phụ nữ nghe vậy cũng nhát gan, không dám đi đêm. Nhưng khi đến giếng, kẻ chủ mưu vẫn gặp người; bây giờ không phải là đàn bà, con gái mà là đàn ông đi chắt nước! Mới hiểu ra vợ sợ ma thì trao việc nước nôi cho chồng! Và rồi, lúc túng thì phải dùng hạ sách: Anh chồng nhà chủ mưu đành đi sớm, leo xuống đáy giếng ngồi chờ. Đêm trời tối đen như mực. Ai thả gàu xuống anh ta đều níu lại. Một hồi lâu người ta kéo gàu lên thì thấy nặng trĩu, Kéo mãi chẳng lên! Không ai dám trụt xuống giếng tìm hiểu lý do nên họ kháo nhau là ma không cho múc nước giếng Hời nên giữ gàu lại. Họ đành bỏ gàu ở đáy giếng mà về. Hôm ấy người bày mưu đã thành công: Chắt cho đến gần sáng thì được hai thùng đầy tràn miệng, lặng lẽ gánh nước về mà lòng vừa reo vui, vừa hổ thẹn – hổ thẹn vì đã do lòng ích kỷ mà lừa đảo người khác, cũng chẳng ai xa lạ, toàn những người hàng ngày chôống cựa chộ chắc!
Ba làng ở bên kia sông còn bất hạnh hơn làng tôi. Họ cũng là dân nước mặn, đồng chua mà lại sống giữa ốc đảo, đào khắp làng không có giọt nước ngọt lành như nước giếng Côi, nên họ phân bì rằng làng An Cư có phúc!. Uống nước phèn không chịu nổi, một số họ đã vất vả chèo ghe qua chắt nước giếng Côi của làng tôi với những lời cầu xin sự thông cảm! Nói vậy để thấy được rằng nước Giếng Côi quý như là thuốc bổ cần dùng lúc ốm đau!
Đi chắt nước đã trở thành những buổi giao lưu gặp gỡ của các đôi trai gái trong làng. Ngồi chờ chắt nước chẳng khác chờ cá cắn câu, nghĩa là thời gian nhàn rỗi rất dài, biết làm gì cho đỡ trống trải. Họ lại ngồi trò chuyện, đùa giỡn hay hát giao duyên. Những cô thôn nữ nước da bồ quân, má lúm đồng tiền, xỏa mái tóc dài bên thành giếng, miệng cười tươi như hoa đã làm xiêu lòng những chàng trai làng có mặt ở giếng để làm nhiệm vụ “chắt nước uống” cho gia đình. Từ chỗ trốn nhau mà đi thì lại sinh ra chuyện hẹn nhau cùng đi, hẹn thời điểm nào đoán rằng có ít người đến chắt nước để họ dễ tỏ bày chuyện riêng tư cho nhau. Và đã có nhiều cặp trai gái se duyên nhờ những buổi chắt nước Giếng Côi trong đêm khuya vắng vẻ. Họ đã thề non hẹn biển, đại để như: Nếu anh bỏ em thì em nguyện rằng con ma Hời của Giếng Côi sẽ nhốt anh xuống đáy giếng suốt đời, không cho anh về với gia đình! - Còn nếu em mà bỏ anh thì anh nguyện với thần Giếng Côi rằng em sẽ phải suốt đời làm vợ người Chiêm Thành, không bao giờ được về lại quê hương!
Trong nhiều cặp tình nhân chắt nước giếng Côi, có cặp đã thành vợ, thành chồng và sống trọn đời hạnh phúc. Nhưng cũng có cặp do cha mẹ can ngăn, cấm đoán nên không lấy được nhau, khiến họ phải xót xa, sầu hận trong lòng. Chẳng hạn như đôi trai gái làng sau đây đã có mối tình “Giếng Côi” gặp cảnh oái oăm. Họ đã yêu nhau và thề thốt hết lời với thần Giếng, với ma Hời rằng trọn đời không thay lòng, đổi dạ. Tin nhau đến nỗi cô gái vượt quá lễ giáo gia đình! Kết quả của mối tình Giếng Côi là làng xóm tiếng ong tiếng ve, cha mẹ hai bên không chấp nhận nên cả hai anh chị đã rủ nhau trốn đi biệt xứ. Đêm đi trốn, họ đã chờ lúc giếng không có người để thả gàu xuống, đợi lúc có nước thì múc lên, hai người uống hai ngụm dòng sữa ngọt của quê hương rồi dắt tay nhau lên đường, hẹn có ngày ăn nên làm ra sẽ đàng hoàng trở lại với làng nước, với Giếng Côi muôn đời yêu quý!
Chiến tranh nào cũng tàn phá, hủy diệt, kể cả làm băng hoại đạo lý con người. Cái Giếng Côi đã từng bao đời cung cấp nguồn nước trong lành, nuôi sống dân làng, nay đã trở thành một kẻ khuyết tật, dị hình thật tội nghiệp! Bom đạn đã đánh bay thành giếng, lòng giếng bị mảnh đạn khoét sâu vào nhiều chỗ, đất đá, vôi vữa đổ xuống thành một đống ngổn ngang!
Dân tản cư trở về làng. Họ tìm đến với giếng thì vô cùng thất vọng vì nguồn nước đã bị vùi lấp. Không ai có tầm nhìn xa rộng nên họ không chịu hợp lực, quyết tâm đưa đất đá dưới đáy giếng lên để tìm lại mạch nguồn quý hiếm ngày xưa. Họ lại cam chịu uống nước phèn và nhờ lượng nước mưa hứng được giữa trời.
Từ đây Giếng Côi ngày càng tồi tệ, thê thảm, và trở thành một kẻ mồ côi!. Các gia đình ở gần giếng xem nó là cái hố rác của nhà họ. Lúc nào có rác là đem đến giếng đổ; trẻ con chơi đùa, chúng ném bất cứ thứ gì chúng thích xuống lòng giếng. Chẳng bao lâu đống rác đã ngập lên gần đến miệng giếng. Về mùa mưa, giếng dâng lên một màu nước đen ngòm, mùi thối tha đến lợm giọng. Ai đi ngang qua nhìn vào cũng bịt mũi, bỏ đi. Thế là hết một thời được yêu thương, quý trọng, thế là hết mơ ước có những cặp trai gái làng đến ngồi bên thành giếng thỏ thẻ những lời tình tự yêu đương trong đêm khua!
Cuộc đời của Giếng Côi tưởng chừng như đã kết thúc buồn thảm và oái oăm như thế! Hỡi hồn ma Hời, hỡi thần Giếng! Có thiêng thì hãy quở trách những kẻ bội bạc, thử bắt họ đau phình bụng, trướng gan vì đi ngang qua giếng mà vô tình, vô cảm, vô ơn! Sao xưa kia quý trọng, gần gụi đến thế mà bây giờ hờ hững, ngoảnh mặt, bịt mũi bỏ đi? Sao họ không hiểu rằng chính kẻ thù và họ đang tâm hủy hoại nguồn nước quý hiếm đã bao đời chắt chiu và cung cấp những giọt nước ngọt lành cho họ hưởng? Giếng Côi đã chua xót mùi đời vì sự bội bạc, tàn nhẫn của con người!
*
Một buổi sáng mùa xuân, người ta thấy có chiếc xe hơi màu xanh da trời chạy vào làng. Họ nghĩ có lẽ là mấy ông làm chức to về thắp hương cho tổ tiên của gia đình họ. Mọi đôi mắt đổ dồn về chiếc xe đang đến gần. Lúc xe dừng lại, một bà già trạc tuổi ngoài bảy mươi, ăn mặc giản dị, bước xuống xe, niềm nỡ chào hỏi mọi người. Bọn trẻ không biết bà là ai, số người trung niên cũng thấy bà xa lạ. Chỉ những người xấp xỉ tuổi bà ngờ ngợ nhận ra bà là con dân của làng! Bà đến gặp ông Hội chủ làng, xin vào thắp hương cho ngài Khai khẩn, qua chùa lễ Phật và rồi trò chuyện, làm quen với dân làng. Bây giờ người ta mới tò mò hỏi bà về chuyện riêng tư. Càng đi ngược lại thời gian, bà con mới biết được rằng bà là người con gái đã chịu tai tiếng do mối tình “chắt nước giếng Côi”, mà phải bỏ làng ra đi cùng người yêu trong buồn tủi!
Ngồi trò chuyện với bạn làng thuộc trang lứa cũ, bà kể nỗi gian nan vất vả từ lúc xa làng, quyết chí lập nghiệp ở xứ người để có cơ ngơi khấm khá; vì danh dự của làng, vì sự chung thủy của mối tình bên giếng mà vợ chồng bà đã nuôi dạy các con nên người,… Bà bỏ ra một ngày để đi thăm dân làng, thăm các di tích đình, chùa, đền, miếu, đặc biệt là cái Giếng Côi. Bà thấy những cảnh tang thương của thời khói lửa phần lớn đã được sửa sang cho đỡ vẻ hoang tàn. Nhưng khi tìm đến với Giếng Côi thì, than ôi, bà đã sửng sốt và xót xa đến se thắt lòng! Trước đây bà không hề tưởng tượng rằng cái giếng ơn nghĩa và mang nhiều kỷ niệm thời son trẻ lại có thể trở nên tồi tệ như những gì bà đang tận mắt nhìn thấy! Chốc lát hai giọt nước mắt lăn dài trên đôi má người phụ nữ đã qua tuổi bảy mươi!
Tối hôm đó bà già ở lại với làng. Bà tìm đến ông trưởng thôn và trình bày những tâm nguyện của bà. Bà nêu ý định, với số tiền dành dụm bấy lâu, bà muốn giúp hết cho làng để tôn tạo đình chùa, đền miếu mà có thời người ta cho là mê tín, dị đoan nên đã đập phá đi. Bây giờ dân làng đã có trình độ văn hóa, họ nhận thức đấy là nơi lưu giữ hồn thiêng của các bậc tổ tiên đã có công lớn với làng, nên mọi người hoan nghênh sự hảo tâm của bà. Còn một điều không ai ngờ tới là bà thiết tha đề nghị làng cho phục chế Giếng Côi. Lúc đầu người ta bảo bà là e không làm nổi vì có cả hàng tấn đất đá, vôi vữa, rác rưởi đủ loại đã đổ xuống giếng, không cách nào lấy lên được. Nhưng với ý nguyện và quyết tâm, bà đã thuyết phục được trưởng làng chấp thuận, và bà nhận lãnh toàn bộ việc trông coi việc phục chế giếng Côi. Ba ngày trục vớt hết đất đá lên khỏi lòng giếng, bà cho vét cạn nước, bỏ thuốc khử trùng và bắt đầu việc sửa chữa, tôn tạo giếng. Ngày nào bà cũng ra ngồi cạnh giếng, chỉ dẫn, yêu cầu thợ sắp lại từng viên đá sao cho giống hình dạng ngày xưa, số đá đã bị vỡ bà cho đi chở đá lành nơi khác về thay thế. Thành giếng được xây mới, nhưng vẫn giữ chiều cao như trước đây để có thể ghé ngồi lên như bà và bạn bè đã từng ngồi thuở trước. Mười hai ngày làm xong giếng, bà đãi thợ một bữa ăn khá thịnh soạn, với một lời cảm ơn chân thành vì họ đã chịu khó làm theo ý bà, để bây giờ bà nhìn thấy một công trình như ý. Bà rót rượu và rưới ít nước hoa xuống giếng để khử mùi hồ vữa còn mới, bà cũng không quên đốt 3 nén nhang thơm ra đứng bên thành giếng mà khấn. Người ta tưởng bà dị đoan bày chuyện khấn vái thần giếng hoặc ma Hời. Không, họ đã nhầm! Bà đang lâm râm khấn vái để tỏ lòng biết ơn những vị tiền nhân nào đó đã có công xây dựng giếng quý này để bao đời nay dân làng chắt được những giọt nước ngọt lành quý hiếm; về riêng tư, bà còn cảm ơn giếng đã tạo cơ duyên cho bà lấy được người mình yêu và hôm nay lại có cơ duyên quay về với Giếng.
Mọi chuyện đều có lý do, việc bà muốn trở lại cố hương một phần là do cơn ác mộng vào tháng trước của bà. Một hôm bà nằm mơ thấy mình bị một kẻ hình thù như đười ươi giết chết và kéo xác đem chôn vào một nghĩa địa rộng mênh mông. Bà nhìn quanh toàn là người lạ: “ Nào da trắng, da đen, da đỏ, nhưng tuyệt nhiên không có một bóng da vàng! Bà kêu cứu họ thì họ xổ ra những tràng âm thanh quái dị, bà chẳng hiểu tí nào. Bà gọi cha, gọi mẹ, gọi bà con, láng giếng thì chẳng thấy ai đến cứu! Hoảng sợ quá, bà choàng tỉnh dậy mới hay mình vừa trải qua một giấc mộng hãi hùng!” . Ngay lúc ấy bà đã nghĩ đến chuyện hồi hương.
Ba năm sau bà lại về thăm làng, và thăm giếng Côi thân yêu của bà. Lần về này, bà đã mang theo một quyết định lớn: Hơn hai phần đời bà lưu lạc nhiều nơi, khấm khá lên khi ở xứ người tận bên đất trời Âu, Mỹ. Khi trẻ trung, đó là miền đất hứa, nhưng bây giờ bà chợt nhận ra tất cả vinh hoa, phú quý đó là vô nghĩa, là của xứ người. “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”, bà tự nhủ: Ta hãy về đi thôi, không nơi nào đẹp bằng quê hương, không nơi nào thân thương bằng nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đầy ắp những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ. Ta phải trở về!
Hôm nay bà làm một mâm cau, hai chai rượu nếp, kính trọng đến trình làng xin 28 mét vuông đất. Bà nêu rõ: Xin làng cấp cho 24 mét cạnh Giếng Côi để làm túp lều nhỏ sống tạm tuổi già, 4 mét vuông còn lại xin làng cấp ở phần đất nghĩa trang của làng để làm nơi an nghỉ muôn đời của vợ chồng bà. Chồng bà đã qua đời và đang gởi tạm nắm xương ở xứ người. Bà chỉ xin 4 mét vuông đất đủ nằm cho hai vợ chồng, còn con cháu bà thì đang dần dần trở thành kẻ mất gốc, không mong chúng trở lại quê hương. Nhưng bà vẫn còn hy vọng: nếu thân xác vợ chồng bà yên nghỉ tại quê nhà thì bọn con cháu còn có cơ hội trở về với nơi cội nguồn tiên tổ. Chẳng lẽ chúng bất hiếu, bất nghĩa đến nỗi không nhớ đến những người sinh ra và hy sinh suốt đời vì hạnh phúc của chúng?! Làng hẹp, dân đông, nên việc cấp đất ngày càng khó. Tuy nhiên, làng vẫn hoan hỷ chấp thuận nguyện vọng của bà, vì bà là người phụ nữ có lòng với tổ tiên, có tình với làng xóm; còn hơn nhiều ông chức to, quyền trọng, lầu năm bảy cái, tiền gởi ngân hàng ngoại quốc mà không hề đoái hoài đến làng nước, tổ tiên!
Rồi một đêm trăng rằm vằng vặc, người ta thấy một bà lão tay cầm nắm hương và bó hoa tươi từ túp lều nhỏ tiến ra cái giếng ở đầu làng. Bà lầm rầm khấn vái rồi cắm hương vào phía tây của bờ giếng, và từ từ ngắt từng cánh hoa thả vào lòng giếng. Bà ghé người ngồi xuống thành giếng bên đông và nhìn lên mặt trăng. Trăng hôm nay đẹp quá, tròn trịa như mối tình thủy chung son sắt của bà! Bà lại nhìn xuống đáy giếng. Mặt nước tràn ngập ánh trăng, lấp lánh hình bóng bà. Bà tưởng tượng đó là hình ảnh mình hồi con gái, đang xỏa mái tóc thề, cùng trò chuyện, tỏ tình với chàng trai bên kia thành giếng. Bao kỷ niệm đầy mộng mơ ùa về trong ký ức, bà thấy lòng hân hoan, lâng lâng khó tả. Lâu nay bà ít khi nghĩ đến chuyện viết văn, làm thơ; nhưng hôm nay những cảm xúc đang dâng ngập lòng bà, bà buột miệng thốt lên khúc tâm tình mộc mạc của một người gần hết đời lưu lạc xứ người, nay mừng được về sum vầy bên tiên tổ, được sống những ngày cuối đời giữa quê hương yêu dấu và Giếng Côi trọn nghĩa, vẹn tình!
Bà sảng khoái cất giọng ngâm nga như một thi sĩ đang ngâm bài thơ tình tuyệt tác:
Giếng Côi ơi!
Từ nay ta sẽ ở bên người.
Còn sợ gì cảnh lẻ loi, đơn độc!
Thế sự có lúc muốn cười, nhiều khi muốn khóc,
Bởi nhân tình hay tráo trở, ranh ma!
Gần sáu mươi năm trời xuôi ngược bôn ba,
Ta mệt mỏi vì miếng cơm, manh áo!
Nhưng ta quyết không sai lòng, lỗi đạo;
Nguyền trọn niềm chung thủy với quê hương.
Nay ta về tìm lại yêu thương
Của tổ tiên bao đời tiếp nối,
Cho tuổi thơ ta tung tăng nơi đồng nội,
Cho tâm hồn ta bay bổng tuyệt vời!
Cho nghĩa tình trang trải tới muôn nơi,
Cho người với ta được làm đôi tri kỷ!
Giếng Côi ơi!
Tình hai ta chân thành mà giản dị,
Lai láng giữa quê hương
Vằng vặc ánh trăng rằm!
Quê nhà, một đêm trăng sáng- VĂN QUANG.
CỦ KHOAI LANG
Dương Thị Bích Liên
CHS TTH Triệu Phong K 69-72
Cảm xúc bất chợt !
Hôm đầu tháng 2/2011 chị Bích Đào đi Alanta về cho tôi vài củ khoai lang Nhật, thấy ngon lắm, tôi không ăn mà để dành làm giống vì nơi tôi ở không thấy bán lọai khoai này.
Trời hết mùa lạnh tôi đem trồng, khoai chậm nẩy mầm, tôi chăm chỉ tưới nước ngày hai buổi trước lúc đi làm và sau mỗi chiều khi nắng vàng ngã về tây.
Thỉnh thỏang tôi gọi phone cho chị BĐ hỏi “ khoai lang chị đã lên chưa?”…Rồi dần dần khoai ra dây ra lá, khoai lớn nhanh và rất khỏe bò lan ra xuống thảm cỏ xanh, lá xanh mơn mởn, non mượt mà. Vào những ngày cuối tuần tôi cắt đọt và lá nâu canh tôm tươi. Đây là món ăn bình dân của Quảng Trị mà thuở ấu thơ mạ tôi thường nấu cho chị em chúng tôi ăn, mạ thôi thường nói: lọai rau này rất tốt cho sự tiêu hóa các con nên ăn nhiều vào, tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ lời mạ.
Những năm qua tôi vẫn thường trồng khoai lang Mỹ nhưng không được như ý, vì lá lớn mà nấu canh nghe vị chát chát, không thơm ngon như những tô canh mà mạ nấu ngày xa xưa.
Tháng 10 vừa qua, trời vào lạnh, mọi cây cối trong vườn đổi màu sắc, lá vàng rụng đầy sân, nhìn luống khoai đang cằn khô và già xấu đi, tôi đành cắt bỏ để trồng hoa Tulip, tôi kéo từng dây khoai và đem vất xuống bờ rào, chợt thấy cuống dây củ màu đỏ tím lũng lẵng, lòng tôi tràn ngập niềm vui chi lạ. Dọn xong mớ dây khoai và những lá rụng, tôi xới từng miếng đất nhỏ, bàn tay tôi chạm vào củ khoai nhô lên trên mặt đất, tôi run lên, cảm giac như đang ở trong cơn mơ, tôi reo lên: ồ củ khoai! Không cần đến cái xẻng nữa, tôi cho tay xuống đất moi lên nhè nhẹ, khoai quá nhiều, củ rât lớn, rất nặng, tôi thật sự ngỡ ngàng với số lượng khoai nhiều như vậy, tôi ngồi xuống bên luống khoai nhìn thành quả đã thu họach và tự hỏi: Sao mà nhiều quá vậy, mình chỉ trồng có vài củ thôi mà! .
Cuối tuần đem lên nhà chị BĐ và Hiệp, vừa nhấn chuông chị BĐ ra mở cửa, tôi đưa bao khoai lang và nói “ cây nhà lá` vườn” chị ăn cho vui. Chị BĐ mở bao khoai ra và reo lên ngạc nhiên: Ồ khoai lang Gia Đẵng, sao mà nhiều vậy? . Không kịp vào nhà chị tồi liền qua nhà Hiệp. Hiệp cũng ồ lên: Khoai lang Gia Đẵng.
Khoai lang Gia Đẵng đã trở về trong tôi, đã mấy chục năm nay ngũ yên đâu đó trong mớ ký ức nhỏ bé, nay bổng dưng vùng dậy mãnh liệt.
Nhà tôi ở ngay chợ Sãi, mỗi buổi sáng đi học chợ đã đông người, cô bác các làng xa đem nông sản lên chợ bán. Những hôm nghĩ học tôi thức dậy ra ngồi ở bậc thềm nhà, nhìn không biết chán cảnh buôn bán tấp nập của người dân quê. Tôi yêu họ vô cùng vì ai cũng chất phát hiền hòa, thường ngày họ gánh ở hai đầu hai cái thúng đầy khoai, sắn, rau cải, bắp đậu, trái cây, gà vịt …và nhiều thứ khác nữa ở vườn đem lên chợ bán. Thời điểm đó không dùng cân để định lượng, người mua chỉ lấy ra số đủ dùng rồi trả tiền mà thôi.
Mạ tôi thường mua cả thúng khoai của các O từ biển Gia Đẳng đem lên bán, khoai lang Gia Đẳng trồng ở đất cát nên mềm, bở có nhiều tinh bột, thơm ngon ngọt. Sau mỗi lần ngũ trưa dậy chị em chúng tôi thường được ăn khoai lang nấu. Thỉnh thỏang sau bửa cớm tối o Hải ( người giúp việc nhà cho mạ tôi ) dọn dẹp nhà bếp, tôi nhờ o nướng cho vài củ khoai, khoai lang nướng nghe mùi thơm ăn ngon hơn khoai nấu nhiều. Mỗi lần nhờ o nướng khoai tôi hay lấy thuốc lá Cẩm lệ của Ba tôi cho O vài điếu, O thích hút thuốc lá mặc dầu lúc đó O vẫn còn trẻ chưa có gia đình. Không biết giờ này O ra sao? Quê O ở làng Bích Trung, hy vọng qua năm có dịp về thăm Quảng Trị và thăm O.
Hơn hai mươi năm ở xứ người, tôi vẫn nhớ từng xóm nhà, từng góc chợ (chợ Sãi) và từng củ khoai, củ sắn của quê hương. Quê hương
Quảng trị rất đỗi nhớ thương, thương nhớ lắm Quảng Trị ơi!.
Vâng! “chúng ta ra đi mang theo quê hương Quảng Trị.
Nguyễn thị Hoa- Đinh Thị Ngọc Chung- Dương Thị Bích Liên- Dương Thị Bích Đào- Võ Thị kiều Minh và Nguyễn Văn Anh (1973 Non Nước)
DTBL- Savannah 13/1 2012.
QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ
QUÊ HƯƠNG : Con sông Hiếu xuất phát từ những lèn đá dựng Trường sơn, len lỏi, ngoằn ngoèo giữa hai bờ đất cứ bên lở bên bồi qua Cam Lộ, Đông Hà ,…Gia Độ, An Cư, Dương Xuân, Duy Phiên, Hà La,…
TÌNH YÊU VÀ NỔI NHỚ
Tâm Giao: Nguyễn Văn Tương
QUÊ HƯƠNG : Con sông Hiếu xuất phát từ những lèn đá dựng Trường sơn, len lỏi, ngoằn ngoèo giữa hai bờ đất cứ bên lở bên bồi qua Cam Lộ, Đông Hà ,…Gia Độ, An Cư, Dương Xuân, Duy Phiên, Hà La,…
Một nhánh sông của dòng Thạch Hãn xẻ ngang phía đông thành phố Quảng Trị qua An Tiêm, Nại Cửu có tên là Vĩnh Định vây bọc làng Bích La Đông, Vân Hòa, Vân Tường, An Trạch, Bồ Bản bổng nhiên hẹp lại đến tội*, kể từ khi có đập Trấm, vòng dưới đông Quảng Điền, tâyVĩnh Lại, Hoa Lá ** mang dòng nước ngọt về tưới ruộng đồng hai bên bờ của các vùng nó đi qua, ngang giữa Phú Tài và Phước Lễ, Việt Yên, Cao Huy, Lưỡng Kim rồi trở thành nước mặn do nước từ biển dồn lên, lúc này con sông có tên là Hà Sơn, hai dòng nước này được ngăn đôi bởi con đập Thái Lai -nối giữa Vĩnh Lại và Lưỡng Kim, hợp lưu cùng nhánh sông Hiếu về cùng với nhánh Đầm Cùng từ Lệ Xuyên, La Hẹ xuống chúng gặp nhau ở Cửa Việt.
Như vậy nhìn từ trên cao, làng Vĩnh Lại bao bọc bởi hai con sông: Một nhánh nước ngọt, một nhánh nước mặn và cái rào Bến nho nhỏ.
Tuy đất đai bốn bề sông nước nhưng vì thuần nông và canh tác lạc hậu nên làng tôi dân cư thưa thớt, nghèo lắm. Quanh năm cày sâu cuốc bẩm, nắng mưa giãi dầu mà vẫn thiếu ăn, nhà tranh vách đất. Điều nầy khiến bọn trẻ làng tôi thất học khá nhiều, lớn lên như cỏ cây. vô tư nhưng có vô vàn niềm vui mà những đưa trẻ thành thị thèm thuồng!
Mùa hè, nông nhàn, thường là về tháng năm tháng sáu, buổi sáng thả trâu bò trên cánh đồng rộng mênh mông ở đằng sau làng để đi xuống Hà Sơn tắm nước mặn rồi dậm, mò bắt cua. Một lũ chừng chín mười đứa lội loạn xạ hai bên bờ sông, nước ngập tới ngực, cua dưới nước rất nhiều, lớn bằng hai ba ngón tay khép lại, cứ dậm lên nó mặc nó cắn quyết liệt nhưng chẳng thoát thân được đâu, bọn trẻ chịu đau rất giỏi, cho tới rách da chảy máu bởi hai càng sắc bén của chú cua con cứ vẫn bị trẻ ngụp lặn sâu xuống và tóm lên gọn gàng áng chừng chục chú cua nho nhỏ là cùng nhau đi gom phân trâu khô chất chung quanh, sau khi đã vặt què chân rồi thổi lửa nướng ăn. Ai vô tình đi ngang nghe mùi cháy thơm nức của cua mà không chảy nước dãi mới lạ! Cua tươi chín tới béo ngậy, mỗi đứa một con vừa thổi vừa ăn, miệng dính đầy tro than, có hề gì, đưa tay áo quệt ngang là xong. Món nầy tuyệt cú mèo! Tắm nước mặn, mình phủ đầy nước muối rồi ở trần và phơi nắng, da dẽ bọn trẻ cứ hừng lên màu cua đồng trở thành màu da truyền thống. Công việc chơi ấy không công bằng, đứa trẻ nào mới nhập bọn thường bị bắt làm đủ điều trong khi các đại ca thì cứ ngồi xem và thưởng thức. Cho hay cái luật bất thành văn (mạnh được, yếu thua) trong xã hội đã hình thành từ điểm sơ khai này và nơi nào cũng có !
Sau khi thưởng thức món cua là các môn chơi thú vị khác, bắt cút là một trò tiêu biểu. Những đứa trẻ mới nhập làng chăn trâu bò thì ít nhất cũng có một lần, thường do các đại ca tổ chức.
Trước hết xin nói qua về con cút .đây không phải là chim cút mà các chú cút nhỏ tí teo bằng con de chó, mềm mềm dáng dấp giồng hệt chú bọ hung, thường nó đào một cái hang nhỏ xíu dưới cát để ở, hang nó đẹp lắm, y như một chiếc phểu hay miệng của một núi lửa nhỏ xíu đã tắt. Cút có đặc tính gặp nhau là hai cái càng bé tí trên đầu chúng cứ quấn lấy nhau và quật ngã chú kia tựa như hai con trâu mộng đang húc nhau, thích thế nên bọn trẻ khoái đi kiếm chúng để chơi. Vất vả lắm, chúi đầu xuống lổ cát, chổng mông mà thổi miệng núi lửa ấy, sau một hồi thì một cái ngách nho nhỏ hiện ra, chú cút sợ hãi ẩn mình cố dấu mình thêm chút nữa nhưng nào có được, hai ngón tay như gọng kìm của chú bé nhẹ nhàng tóm lên, ngửa chiếc nón ra và bỏ chú vào rồi kiếm tiếp, được vài chú thì vỏ đài của cút bắt đầu. Hai chú cút đem hết sức bình sinh, các miếng vỏ gia truyền ra, bọn trẻ hò reo chung quanh chiếc nón vỏ đài, bụi tung mù mịt.Trò chơi hấp dẩn lắm, nhưng khốn nổi đi kiếm các chú vỏ sĩ rất khó, vì bắt mãi rồi trở thành hiếm dần, hơn nữa sau khi đấu vỏ là hai chú thường hy sinh.Thế là cơ hội đại ca bày trò bịp các thành viên ngơ ngác mới nhập bọn, Đại ca bảo các chú nhóc cởi áo ra để kéo cút, bắt mới được nhiều. Cút sống đông đúc dưới cát trong đám cỏ may, hai đứa cầm hai tay áo kéo qua kéo lại một hồi thì có vô số chú cút trốn ở dưới trồi lên trên cứ việc bắt về …
Cút đâu chẳng có mà chiếc áo bị găm vô số bông cỏ may, mặc vào là nó đâm lên da đau nhói, lúc đó một trận cười vang lên dòn dã, chú nhóc biết mình bị lừa, thế là đau khổ ngồi gở từng bông cỏ may cho hết buổi. Chiều tối thì bọn trẻ đi tắm sông nước ngọt, sông nước mênh mông, không khí trong lành, bởi vậy cho dù thiếu thốn cơm rau, khoai sắn mà bọn trẻ rất khỏe như cua gạch không bủng beo như các chú nhóc thành thị. Thú nhất là về đêm, nước mặn động đậy là tỏa lân tinh. Nên những đêm tối trời, bọn trẻ thường đi ngời, chỉ cần chiếc nơm, dụng cụ này miền quê nhà nào cũng có, cứ rủ nhau lội xuống nước bì bỏm là các chú cua cá hoảng hồn bỏ chạy, vẽ nên các đường sáng dưới nước, nhằm vệt sáng nào lớn là úp nơm lên ắt được cá hay cua to.
Còn vô số trò chơi thú vị, đánh căng, đánh đất, bắt chim hay những buổi lùa trâu bò đi ăn ở rú Lệ Xuyên ,…tôi chỉ kể vài thú vui cho vơi nổi nhớ quê hương.
TÌNH YÊU : Bọn chúng tôi có bốn người, cuối năm thường tổ chức liên hoan tại nhà tôi. Một hôm, không khí liên hoan đang lên cao trào thì một người đề nghị: Kể từ bây giờ, mỗi năm sẽ có một người kể về mối tình đầu của mình .
H. tình nguyện kể trước với điều kiện có quyền chỉ định người tiếp theo năm tới, sau khi húng hắng lên dây cót, H. đã rành rọt và đầy xúc động kể về mối tình đầu của mình, hai người đã yêu nhau lâm ly thắm thiết. H. nhấn mạnh là chỉ yêu từ xa “Năm đệ nhất tôi dạy kèm một cô bé lớp đệ tam xinh như mộng, dường như hai người đã tìm thấy một nửa của mình !” “ …Kéo dài chưa tới tròn năm học thì sóng gió nổi lên, người đẹp bỏ học, sang ngang cùng duyên mới, chàng trai vừa sang vừa giàu, mối tình đầu thắm thiết nay thành thống thiết ! kể xong , H, ờ ờ một hồi cho có vẽ hồi hộp rồi chỉ ngay tôi .
Bạn bè mà nó ác thật, tôi lo ngay ngáy cả năm .Với tôi cho tới lúc này tôi cũng không hiểu mình đã có mối tình đầu hay không. Nếu có thì nó xẩy ra lúc nào, cảm giác, diễn biến dấu hiệu như thế nào thì được gọi là mối tình đầu ? Song phương, đơn phương? Tôi lục tìm và cảm thấy bất lực! Cũng may mà năm sau đó mọi người quên hẳn trò chơi năm trước, hú vía tôi tránh được một bàn thua trông thấy. Bây giờ viết tản mạn vu vơ lại đi lạc vào vườn tình, mảng đời nhạy cảm của tôi. Tôi ớn nhất là sự ngộ nhận tình cảm. Một cảm giác ngu ngơ đến lạ kì. Trong mọi cuộc tình của tôi - xin tạm gọi như thế - có một điều chắc chắn là tôi có xúc động, tình cảm thật nhưng tôi không hiểu đó là tình cảm gì. Tình bạn hay tình yêu hay một thứ tình gì đại loại như thế. Đối tượng thì tôi mù mịt đêm đen. Gặp nhau vui vẻ nói cười, không có đầu mối nào để tôi có thể lần ra chân tướng của thứ tình cảm này. Vậy nên giờ đây tôi cứ mù mờ kể đại ra, máng vào ai thì xin thông cảm vậy.
Năm mười tuổi, khi còn mặc xà lỏn, tôi có để ý một cô bé chăn trâu, tôi thì vừa đi học, những buổi nghỉ thì chăn bò, cho đến giờ này mang máng nhớ rằng cô ấy đen đen nhưng không xấu lắm. Bò ăn đất cồn, trâu ăn ruộng sâu, nên chúng tôi ít khi được gặp nhau ban ngày. Chỉ nhờ những đêm rằm hay mồng một, đi lễ chùa rồi sinh hoạt mới thấy nhau, nhìn nhìn, liếc liếc lén cô ấy. Khi nào vắng con chim chích chòe của tôi là nổi buồn dâng cao, muốn về ngay. Rồi tôi phải đi học xa, cô ấy lớn lên giữa hoa đồng cỏ nội và đi lấy chồng, lần đầu tiên tôi biết buồn vì một nàng con gái, mối tình số một, mối tình câm !
Những năm cấp hai tôi đem lòng nhớ thương một cô nữ sinh cùng lớp, tôi lân la nói chuyện, nhưng có chuyện gì đâu để nói ? Cứ lúng ta lúng túng, kiếm cách khoe mấy quyển sách trước mặt cô ấy để cô ấy hỏi mượn, cô ta mượn sách, năm ba bữa lại đòi. Cứ cho mượn rồi lại đòi, nhưng lòng mong mỏi cô ấy đừng trả…cứ đòi và mượn như thế để có dịp gặp nhau.
Mùa hè năm lớp đệ ngủ, mẹ may cho tôi chiếc áo mới, tôi sung sướng khoác lên mình, phi chiếc xe đạp cà tàng đi khoe người đẹp. Vòng qua lại hàng dâm bụt trước nhà cô ấy vài ba lần, không thấy người đẹp lấp ló, chỉ thấy ông via cầm cái chổi tre đi ra, tôi hoảng hồn, lủi thủi về, lòng nặng trĩu như kẻ thất tình. Năm đệ tứ tôi vừa miệt mài học tập để thi diplome vừa tranh thủ làm thơ con cóc cho nhẹ bớt nổi niềm yêu, có lẽ là đơn phương! Tàn dư tình cảm ấy sau khi nàng lên xe hoa là một tập thơ lâm ly thống thiết mà chẳng có ai thèm coi, tôi cứ ngâm nga tuyệt tác phẩm một mình hằng đêm, rất chi là cải lương:
……………
Lạnh lùng lệ nhỏ tim côi
Duyên đầu quằn quại theo trời thu tang
Nàng đi…tôi chết võ vàng !
Ngoài kia rười rượi gió ngàn rung cây .
Lại một mối tình câm thứ hai qua đi, tôi buồn mất mấy ngày, rồi việc học làm tôi chóng quên .
Năm cấp ba tôi cặm cụi học tập, quên hẳn mọi ánh mắt xanh
Năm đầu đại học, tôi chợt sững sờ nhìn một cô gái dáng dấp kiêu sa, tha thướt đi ngang từ giảng đường văn khoa đến giảng đường khoa học. Chiếc áo dài màu hồng, mài tóc thề xõa ôm bờ vai, vóc dáng ấy thức dậy trong tôi rộn rã thơ ca ! Thế là tôi lần mò đi theo cô ấy cuối giờ học, lẻo đẽo trong màn sương mờ mờ của mùa thu về hướng Phú Cam, chiếc áo lụa hồng cứ bay bay xa dần, xa dần, đi dần… vào giấc mơ hằng đêm của tôi. Những lần sau giờ thực tập, hai chúng tôi ngồi bên nhau rất ư là thân thiết, kể cho nhau nghe cặn kẻ về nỗi lòng…Loan và Dũng ( Đôi Bạn) hay Tố Tâm ,Đạm thủy ( HNP) !!!, chuyện vu vơ không liên quan gì đến hai người. Cuối năm học, sau khi chúng tôi cùng hoàn tất chứng chỉ dự bị, tôi thi vào Đại học sư phạm, mối tình câm thứ ba ấy hiển nhiên cũng tự đội nón ra đi yên ả, không lời tạ từ !
Những năm tiếp theo của đời trai thưở chinh chiến long nhong…Có mối tình hết sẫy:
HẾT SẪY
“Hùi hụi” mà nghe, lâu lắm rồi,
Bây giờ gần cũng hóa xa xôi !
Gió đưa “ hết sẫy “ đương nhiên sẩy ,
Nước chảy “ sông xanh” xanh cả trời.
Cầu chúc trăm năm ngời hạnh phúc,
Mong rằng một kiếp đẹp duyên đôi.
Ngang cung Lạc bậc đàn sai nhịp,
Đành lỡ đôi đường em với tôi !
Nguyễn Văn Tương
Đã sẩy thì thôi cho sẩy luôn
Nhắc chi chuyện cũ để người buồn!
Sông xanh, sông đỏ hay sông trắng
Cũng chỉ là sông chảy tự nguồn.
Nguyễn Văn Quang
Đúng là một lời khuyên chí lý !
Lăng nhăng lít nhít thêm một số mối tình vu vơ …
Chuyện cuối cùng thì “chắc mẽm”, nhà tôi thì yêu tôi, chúng tôi yêu nhau song phương.
Nghĩ lại đã 65 năm cuộc đời, không hiểu được mấy dắm mớ tình yêu. Có lẽ tại tôi có ngoại hình khiêm tốn, khó lọt được vào mắt xanh. Nhưng có một điều Thượng Đế bù lại là tôi có duyên ngầm và tài vặt ! Chỉ tiếc bọn con gái không phát hiện ra. Nhưng mà cũng may, nếu tướng tốt của tôi nó hiển lộ ra ngoài thì phải yêu nhiều vất vả lắm, thêm khổ thân .
Con cà, con kê cũng được ít dòng để góp vui cùng Kí Ức Trường Xưa II. Dịp may hiếm có. Biết đâu, ừ! mà thời gian ai biết Kí Ức Trường Xưa III có ra đời ?
Chuyện tình này của riêng tôi, nên tôi dấu kín “ Hồi ấy tôi không biết ghi, ngày nay tôi không nhớ hết ” ( Anatole France ).
Bà Rịa Tháng 10/2011
NVT
* Đoạn sông này tự nhiện hẹp lại hẳn
** Làng Hoa Lá: Làng An Lợi Phường
Truyện ngắn:
O BỤI CON
Tâm Giao: Nguyễn văn Tương
Ông Hường Lô có bao nhiêu người con thì ít ai biết, bọn trẻ trong làng lại càng bó tay. Chỉ thấy hai người con gái của ông ấy còn ở căn nhà hương hỏa của ông để lại. Chắc hẳn, lớp con trai và gái lớn thành đạt đi làm xa. Cả hai O đều không chồng, đúng ra là chỉ O Bụi Con là ở “giá”( con giá ở vậy không kiếm được chồng), có lẽ tại số O như thế, nhan sắc O cũng không đến nổi ? O Em thì có chồng nhưng đi tập kết để O lại nhà một mình. Bởi thế hai người cùng ở giữ căn nhà hương hỏa. O Bụi Con quản lý căn nhà giữa lớn, dài và căn nhà đầu nam, O Em ở căn nhà đầu bắc cùng với hai người con. Trước kia, nơi O Em ở là vị trí để nông cụ như cày bừa, cuốc, xẻng thúng mủng và chiếc xe quạt lúa.
Thuở còn huy hoàng, người ăn, kẻ ở đầy nhà, nghe nói hằng ngày ông Hường đi làm bằng ngựa, mỗi lúc đi về tiếng nhạc ngựa của ông Hường rung lên leng keng thật hay và thật oai vệ. Hường Lô là một chức lục lộ, tương tự như chức quản lý cầu đường như bây giờ vậy. Ông tới ba vợ, một người ở làng, một người ở Đông Hà và một bà ở Huế. Tóm lại đi đâu ông có vợ đấy, con cái thì khó mà biết là bao nhiêu. Trong làng toàn dân đen thất học nên có ai làm quan quách thì oai ra phết !
Gặp lúc mùa vụ, nhà ông Hường đêm đêm đèn đuốc sáng trưng, tiếng cười nói rộn rã. Từng đống lúa cao như núi vàng ươm, chiếc xe quạt lúa hoạt động cả tuần liên tục mới xong. Lúa khi đã “dê sạch”( quạt sảy hết lúa lép, lá rơm khô, bụi đất , chỉ còn lại hạt lúa tốt) được đổ vào cái chồ bằng gỗ ở căn đầu nam hằng mấy trăm thúng. Gia đình ông ăn chẳng là bao, chủ yếu để dân trong vùng, người tới vay khi giáp hạt bị thiếu hụt, mùa vào sẽ trả sáu ăn mười, nghĩa là sáu thúng tới mùa trả mười thúng. Người nghèo è lưng làm lụng để trả vẫn thiếu , ông Hường giàu vẫn cứ giàu thêm . Không nghe ai hé răng mặn nhạt gì về lời, lổ cả, phải lo cái thân mỏng manh vào vụ tới.
Vì O con quản lý nên người ta quên hẳn là nhà ông Hường mà chỉ gọi nhà O Bụi Con. Căn nhà ở trên nương đất cao nhất làng, ở trung tâm. Kế đến là nương đất ông Nghè, Ông Xạ rồi Ông Cửu, ông Hương. Nói chung nơi nào hay đất ruộng nào ngon lành đều nằm trong tay mấy ông ấy. Ruộng thì nhất đẳng điền, cúng giỗ việc làng thì mấy ông ấy ngồi bàn trên, dân đen trãi chiếu giữa đất mà ngồi. Nếu hôm việc làng nào mà một trong các ông ấy vắng là phải đem cái nọng heo để lên mâm, rồi cử một người bưng đi đến “kỉnh( lễ vật để cảm ơn) rồi làng mới được ăn . Nói chung phong tục của xã hội phong kiến ăn sâu vào làng xã. Người dân thì một nắng hai sương giãi dầu, không hề ra khỏi lũy tre làng.
“Bức nương”( mảnh vườn) của ông Hường rộng lắm, chừng nửa mẫu. Ông bà Hường mất đi thì hùng khí cũng tàn dần theo. Căn nhà rêu phong hoang phế. Thực tình thì dân làng cũng nhờ vào sự giàu có của gia đình ông Hường. Mùa nước lụt tháng chín, tháng mười: “ Ông tha mà bà chẳng tha , bà cho cái lụt hăm ba tháng mười!
Trời mưa liền một tuần lễ, nước từ thượng nguồn của các con sông Hiếu hay sông Thạch Hãn đổ về cuồn cuộn tràn ngập ruộng đồng nhà cửa, không có chỗ trú thân, thế là bà con trong làng kể cả gia súc kéo nhau đến ở nhờ nhà O Bụi Con. O cũng vui vẻ cho ở tạm mấy ngày, đến khi nước rút thì ai về nhà nấy, O chưa hề kêu ca, phàn nàn.
Sau vườn chỉ còn trỉa đậu xanh xen ngô , đặc biệt là hai mảnh đất đằng trước thì O Bụi Con trồng thuốc lá. Hấp dẫn vô cùng, cây thuốc rất tốt, lá lại dày và to.Nghe nói chất đất rất đặc biệt, thuốc lá trồng trên đất ấy hút ngon hết biết! Chung quanh vườn trồng hóp, cây hóp không có gai, xanh tốt um tùm quanh năm, hóp chịu nắng mưa, bão tố rất tốt nhờ vào thân cứng mà dẻo, nên gió không bao giờ bẻ gãy được cây hóp. Thân hóp người ta dùng để chẻ làm lạt để bó lúa về mùa gặt, gói bánh tét, làm cóng “rớ”( cái vó cất cá); lạt hóp tốt hơn bất kì loại lạt nào khác, lạt tre giang dẽo thì nhỏ bản, lạt lá dong thì càng tệ hơn lạt tre giang (tre giang có nhiều ở miền trung rừng Tường Sơn); lạt hóp to bản, có thể dăm từng liếp rồi tước thành từng sợi mỏng , cột bánh tét chặt mà không có dấu hằn lên. Bởi hóp không có gai nên nương O Con trẻ nít nó chui tứ phía. Chúng vào nương đẻ hái mãng cầu ta, hay chặt hóp làm ống thụt, đan so để bịt miêng bò trâu khi cho về chuồng khỏi bị nó ăn lúa. Ông bà Hường qua đời rồi thì ruộng đồng O Bụi Con cho thuê, tá điền họ làm, tới mùa thì đong lúa, ban đầu có làm hợp đồng đàng hoàng, lâu dần thành quen, miễn cái khoản này luôn. Nhà có mình O, một ngày long rưỡi gạo, một thúng thước sáu năm mươi tám long lúa, xay được chừng hai mấy long gạo, như thế mỗi tháng O dùng hết non hai thúng lúa, tính ra một năm chừng vài cái lương lúa (một lương sáu thúng lúa thước sáu, 4 thúng lúa thước tám ).
Để cho vui vẽ nhà cửa, O nuôi một con chó tên Hấp, con mèo tên Xịt. Khi nào nghe tiếng con chuột rúc rích đâu đó, O la lên: Xịt, Xịt… hú… là con mèo nghe lệnh phóng cái vèo, rượt mấy con chuột chạy biến dạng, con Xịt rất siêng năng và tinh khôn. Bồ lúa của O không bao giờ bị tấn công bởi đàn chuột ranh mảnh! Con Hấp cũng siêng năng ra phết, hình như hai chú bạn này tranh công với O dể được bát cơm đầy. Nghe tiếng chuột chạy cái “rẹc” là O la lên: Hấp …Hấp, Xịt, …Xịt …hú…con mèo nhảy trên cao, con Hấp rượt dưới thấp, thế là tàn đời chú chuột xấu số.
Vườn rộng mênh mông như thế nhưng nhờ chú Hấp hung tợn, không có một chú bé hoang nghịch nào lọt được vào vườn phá quấy. Tiếng sủa gâu… âu gâu … ồm ồm của chú làm vỡ mật kẻ gian nào dám bén mảng vào vườn. ..Có chú Hấp canh chừng O rất yên tâm, không một lá thuốc, trái mảng cầu, trái ngô nào bị mất trộm.
Trong làng, bọn trẻ đi ngang nhà O thì cứ nhại theo: Hấp …hấp.., Xịt ..Xịt …hú …rồi bỏ chạy, con Hấp khôn lắm, chẳng bao giờ nó rượt theo, bởi nó đã từng có lần bị ăn mấy cục đất của bọn trẻ phục kích ném.
Xui xẻo cho O Con, có một hôm con Hấp khụt khịt, chảy nước mắt, nước mũi mấy ngày, sau đó nó nằm li bì, người lạ vào cũng không đứng dậy sủa được nữa. O Con đau lòng như người thân bị bệnh vậy. Kéo dài mấy ngày thì nó từ giã cõi đời, vĩnh biệt O và con mèo bạn Xịt. O đau đớn cột vào cổ con Hấp một đùm gạo, hai đồng xu để con Hấp xuống dưới âm phủ khi qua cầu sanh - tử có cái mà đút lót, khỏi bị quỷ sứ đẩy xuống sông. O mai táng nó sau vườn, cạnh cây mảng cầu, hằng ngày O và con Xịt cùng đi viếng con Hấp xấu số. Quên dần cụm từ Hấp…hấp ..xịt…hú.
Căn nhà vắng lạnh hẳn từ khi Hấp ra đi, bọn trẻ trong làng thì mừng rơn. Từ nay không còn sợ tiếng sủa ồm ồm và hàm răng nhe ra trắng hếu như hai hàng gươm sanh tử ! Có : hấp, hấ , xịt hú …nó cũng chẳng ngán, bọn nó chặt hóp tha hồ là ống “phốoc”, bẻ bắp …. hay rình rập quấy phá, con Xịt thì buồn nằm ngủ xó bếp, thử xem còn sợ ai nhỉ ?
Miền quê, mùa hè về đêm rằm trăng sáng vằng vặc. Bọn thanh niên trai trẻ trong làng thường rủ nhau đi tắm sông, đi dạo quanh làng rồi hát nghêu ngao:
Trèo lên côi động Cam Go
Ngó về Vĩnh Lại ba O kén chồng
Nhất thời O Cẩn xóm ta
Nhì thời O Mượn , thứ ba O Thìn
Ngó vô O Cẩn một mình
Ngó ra O Mượn thất kinh hại hồn !
Động Cam Go là động gì thì chẳng ai rỏ, có khi cái động có tên nào đó, nhưng truyền khẩu lâu ngày chệch ra, cứ người trước hát, lớp sau hát theo, không cần chính xác, có điều ba O thì có thiệt. O Bụi Con không bị trêu.
Đầu xóm cuối làng rộn rã tiếng hát vang đưa rất vui tai, thể hiện được nét thanh bình của một vùng quê êm ả! Về khuya .
Càng về khuya, những bước chân thưa dần, bọn trẻ con lít nhít buồn ngủ, tách bọn về nhà lo kiếm giấc ngủ để ngày mai lùa trâu bò ra đồng. Còn trai tráng thì bày trò chơi mới :
-Chừ mần chi hè, tiếng một người gợi ý.
- Khiêng cái cổng O Con,
Một cậu nói:
Nhà O Bụi Con thuở trước có cái cổng bự với hai trụ rất uy nghi, hằng ngày “gió lay mưa tạt làm trụ ngay điêu”. O nhờ người ta khiêng để qua một bên. Khi đám thanh niên thèm thuốc lá thì nó chơi trò ác: Khiêng trụ ngăn ngang đường. Ra vào không được, buộc O phải nhờ bọn thanh niên khác ( Cũng chính bọn ấy, vì đêm hôm O chẳng biết là ai ) khiêng qua một bên rồi trả công mười lá thuốc, sau khi miệng lầm bầm:
- Cầu “thiên địa” vặt nó què tay, bẻ cho bọn chúng què cẳng… bọn ác nhơn thất đức… Phải chi có con Hấp thì O chỉ cần la lên: Hấp…Hấp...xịt …hú ..là bọn chúng chạy mất đất. Càng nghĩ càng thương con Hấp và thương cái thân cô quạnh!
Trong cơn tức giận, nhưng O Bụi Con cũng thể hiện đức hiếu sinh, không bao giờ O nguyền cho bọn trẻ chết. Khi không có thuốc thơm thì lá thuốc, O Con cũng giảm được cơn nghiện. Mấy xâu thuốc lá nhà O trở thành nguồn dự trữ cho bọn thanh niên choai choai. Ông thiên, bà địa chê nó, thần thánh chê nó … nguyền rủa chi thêm tội.
Thỉnh thoảng khi thèm thuốc, các cậu lại đến khiêng phụ cột trụ ngăn đường kiếm thuốc hút.
O Bụi Con mỗi mùa cứ trồng thuốc, phải tính trong đó có một xâu cho bọn trẻ là xong, riết rồi quen, cứ làm tăng lên một xâu. Ban đầu thì bực bội nhưng lâu lâu không nghe nó hát, nó quậy cũng buồn. Dường như trong mơ hồ có sự mong ngóng!
O Bụi Con ngày càng già đi, nay O đã chống gậy mỗi khi ra ngoài. Bọn trẻ đã lớn như đàn chim bay đi bốn phương, cũng có khi nhớ về O Bụi Con thân thương, độ lượng và quý mến.
Bà Rịa 31/10/2011- NVT
Truyện ngắn :
ĐỒ QUỶ
Lê thị thanh Tâm
Con ngõ vắt qua xóm, có chừng mươi nhà. Hắn ở đầu ngõ, bán quán tạp hóa, sinh kế của gia đình. Có bố nhưng cũng như không, từ nhỏ hắn ở với mẹ, sướng như tiên. Ngoài những lúc đi học ê - a ở trường tiểu học gần đó, về nhà hắn chạy nhong nhong như con nọc đượn, không làm gì cả. Ừ, mà có việc gì để mà làm đâu? Bán bánh kẹo vặt vảnh thì chị hắn, có mấy đám ruộng nhà thì cho thuê, mẹ hắn lo thu tô. Tôi ở giữa ngõ, cách hắn khoảng ba nương, đều là con gái và cùng cỡ tuổi nên chúng tôi hay mò tới nhà rủ hắn trốn đi chơi. Nói đúng ra là hắn dụ khị tôi mới chính xác, bởi việc nhà tôi nhiều lắm, bồng em gánh nước, học bài…Muốn đi chơi thì chỉ có cách trốn, xin thì chẳng bao giờ được đâu, mẹ nói tụi mi con gái, đừng hoang nghịch, lớn lên sẽ ở giá đó. Ở giá là gì nhỉ? Tôi mơ hồ là ở một mình, thế thì sướng chớ sao, muốn chạy đi mô cũng được, không cần xin phép ai, không ai cản. Sáng sớm lên nhà mấy O chơi, được chiều chuộng, ngày khác sang nhà con Mít, con Xoài, ôi thỏa thích! nhưng khi lớn bọn hắn đi lấy chồng thì còn ai chơi với mình nhỉ? Thây kệ, tới đây tôi không giải thích được nữa, lớn lên thì còn lâu, dù thế nào trốn mẹ mà theo hắn thì thích lắm, hắn là trung tâm mọi trò chơi nghịch ngợm và rất quyến rủ ...
Năm lớp bốn, nhằm buổi chiều tối chủ nhật, cở năm giờ hơn, miền quê là trời mờ mờ tối, hắn rủ tôi kiếm một cục than bự bằng trái ổi sẻ và theo hắn tới trường. Hắn và tôi mỗi người vẽ một con trâu đang húc nhau,
Cái sừng trâu tao dài sẽ húc trâu mi ‘lòi rọt’, tôi nói:
Cái cổ trâu tao bự, trâu mi húc không lại thua là cái chắc, hắn cà khịa.
Cái bụng trâu tao bự, nó đè lên mình trâu mi xẹp lép;
Cái sừng trâu tau nhọn hoắt, húc lũng bụng trâu mi, lòi cỏ ra kìa kìa, nói xong hắn quẹt mấy nét than ý chỉ cỏ từ bụng trâu lòi ra…
Sau một hồi đấu vỏ mồm thì bức tường của lớp chúng tôi đầy cả hình vẽ và nét than đen ngòm.
. Hai đứa ra sân nhìn lại khoái chí cười vang.
Sáng thứ hai, nghe trống trường điểm, thì hai đứa mới gọi nhau ôm tập chạy tới lớp, hơi trễ một tí, nhưng không sao. Vấn đề là hắn không biết chuyện gì đã xẩy ra trước đó. Cả trường đang nhốn nháo vì cái hình vẽ chết tiệt của hai đứa hắn. Hai dứa mới ngồi yên, còn hổn hễn thở thì giáo viên bảo lớp học im lặng để thầy phổ biến thông tin mới :
Năm nay trường ta dự định tổ chức các lớp thi đua vẽ tranh, ai đoạt giải thì sẽ được thưởng một chiếc vé đi xem phim.
Thưa thầy xem ở đâu vậy? Một bạn nôn nóng hỏi;
Ở rạp Đại Chúng, Phim ‘Thám Hiểm Trung Tâm Trái Đất’, thầy nói:
Cả lớp xì xào bàn tán, nét mặt ai cũng mong mình được chọn.
Hấu như gần nửa lớp đưa tay tình nguyện, vì giải hấp dẩn quá.
Quan sát lớp học một hồi, thầy cười, khoát tay cho các học sinh bỏ tay xuống, rồi nói:
Hoan hô tinh thần tình nguyện của các em, nhưng cứ đưa tay thì làm sao biết cách mà chọn? Thầy nhận thấy trước lớp mình có một họa sĩ tí hon nào đó đã thể hiện một bức tranh, nét vẽ sinh động và khá đẹp, phải chi lớp mình có một em vẽ dẹp như thế, tiếc thật.
Em nào có hoa tay như thế không?
Thưa thầy em.
Con bạn tôi nhanh nhẫu trả lời trong sự ngơ ngác của cả lớp.
Từ trước tới giờ có khi nào điểm tập vẽ của nó đạt điểm cao đâu, các bạn nhìn nó đầy vẽ nghi ngờ. Thầy thì mĩm cười hỏi nó :
Làm sao mà thầy biết lá em vẽ giỏi?
Bằng chứng là cái hình trên tường em vẽ đó.
Hắn nói một cách tự hào. Em vẽ, chính xác một mình hay có ai vẽ tiếp em? Chỉ mình em, thưa thầy.
Hắn đưa mắt nguýt tôi một cái đe dọa khi thấy tôi nhấp nhỏm muốn chia phần.
Vậy thì tốt rồi, sau giờ học em lên văn phòng gặp thầy. Bây giờ chúng ta bắt đầu học .
Nghe nói rứa hắn sướng rơn, ai thì lên văn phòng còn ngập ngừng chứ hắn là chuyện nhỏ!
Tôi cảm thấy một nổi buồn nhẹ xâm lấn hồn mình, Tôi nguyền rủa:
Đồ cơm nguội, mày xấu hơn quỷ sa tăng! Nhưng không dám phản đối ra mặt, nó đánh cho chứ chẳng chơ . Thôi thì nhường hắn vậy, được giải rồi xem phim về nhờ hắn kể lại cũng ổn rồi, tôi tự an ủi. .
Cuối giờ học, tôi lủi thủi ra về, hắn huênh hoang lên văn phòng, nét mặt hiêu hiêu tự đắc. Mấy ngày sau tôi ít gặp nó, xem ra nó có vẽ buồn buồn không như hôm trước nữa sao lạ nhỉ, vui mới phải, tôi thắc mắc. Tìm hiểu ra mới hay rằng tối hôm đó nó và chị nó phải gánh nước dưới sông lên và lau cho sạch hình trên bức tường, nghĩ cũng tội, tại mi lanh quá!
Thời gian làm chúng tôi lớn dần, các trò nghịch dơ bẩn chúng tôi không làm nữa, hắn nghĩ ra lắm trò tinh ranh khác, hai chúng tôi không vì chuyện hôm trước mà sứt mẻ tình cảm.
Trong xóm tôi có O Quý không chồng mà tuổi cũng hâm hâm rồi, gần nhà có chú Hải làm thợ mộc, một vợ hai con. Buổi chiều chú thường đi ngang nhà O Quý ngâm nga :
…………
Gái mượn chồng cũng thấm khổ
Trai mượn vợ cũng thấm khổ
……….
Nước ngoài biển dồn vô
Mây côi trời cuốn lại
với tui cũng cuốn lại
…….
Điệp khúc ấy lâu ngày như một lời nhắn gởi cảm thông và xẻ chia làm rung động lòng O Quý. Hình như hai người thường gặp nhau hơn, họ tạo cơ hội gặp nhau bằng cách O Quý nhờ chú Hải làm lại cái chân bàn gảy, làm giúp giàn bầu, giàn mướp…và hiển nhiên là chú Hải không lấy tiền. Mọi chuyện xẩy ra trong vòng bí mật nhưng không qua nổi con mắt tinh ranh của hắn .
Một hôm thấy tôi vừa ló măt ra cổng, tay xách cái bị đi tới nhà máy của ba tôi lấy gạo về ăn, nó vẩy tôi tới gặp nó để bàn việc trọng đại.
Mày thích ăn cam sành chín không?
-Lãng! ai mà chẳng thích, có mà khùng!
-Đừng nóng, Mày khoái ăn ổi chín không?
Sáng nay mày uống lộn thuốc hả?
-Thì mày cứ trả lời thành thật khắc có ăn, nếu không thì đừng hối.
Thích, thích, nói chung mi thích chi tao thích nấy, được chưa O ? Sau này có con thì con tui sẽ gọi nó bằng O.
Rứa thì mi chấp hành theo mệnh lệnh của tao.
Ra vẽ “dân” anh chị, nó vạch ra một kế hoạch chính xác đi hái trái cây nhà O Quý. Tuyệt thật! Cả cái ấp này, vườn trái cây của O Quý là số “zách’ .
Ngày ngày một mình hắn lang thang trên con đê trước nhà O Quý, miệng hát nghêu ngao: “Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi …”. Ngày hôm sau thì: “Xuyên lá cành trăng lên lều vải, lòng đất ấm thương tình đôi mươi …” , tay cầm nhánh lá xoan phe phẩy vô tư nhưng mắt thì theo giỏi từng bước đi của chú Hải tới nhà O Quý. Sau thời gian điều nghiên kỹ thì chúng tôi hành động.
Buổi xế chiều, hai chúng tôi giả bộ đứng chơi ở quán hắn, chờ cho chú Hải vừa lọt vào nhà O Quý là hai đứa tôi đã lọt vào cái ao đằng sau nhà, hắn đứng dưới canh chừng, đương nhiên là nó ranh mương lắm, chẳng bao giờ hắn chịu leo lên cây. Cam, ổi chín trên cây, O Quý chờ cả năm, tới mùa thì tôi và hắn thu hoạch. Ham ôm trái cây, tôi chỉ vịn có một tay xui rủi rớt té cái huỵch trên đống lá khô .
Ai đó, cái chi rứa? O Quý ló đầu ra cửa sổ hỏi.
Một hồi nghe tiếng thì thầm: ‘Chắc trái bưởi chín, nó rụng’.
Hắn bỏ chạy về tới nhà thờ chi, tôi sợ quá núp sau bụi khóm. Khi coi bộ yên ắng mới lò dò tìm về sau. Hắn vừa thở nhưng cũng gặm hết trái ổi.Vừa vui mừng trận thắng dòn dả, vừa ăn và tìm cách dấu những chiến lợi phẩm để ngày mai thanh toán tiếp .
Vui thì hết chỗ nói, nhưng sau nầy nghĩ lại thấy thương O Quý, đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Đúng là chúng tôi Đổ Quỷ.
Trò chơi cũng sớm chấm dứt, tôi và hắn phải chia tay, bởi tôi còn tiếp tục sách vở, còn hắn lớn nhanh và lấy chồng .
Thiệt là Đồ Quỷ !
Bà rịa Vũng Tàu- 10/10/2011_L.T.T
ĐẠI TỈ
Lê thị thanh Tâm
Mới vào lớp tôi đã nghe danh hắn rồi. Đại tỉ của lớp ai mà chẳng nể ? Hằng ngày đi học con gái trong lớp có gì thì cống nạp thứ ấy, phải có chứ không phải tùy lòng hảo tâm. Không cống nạp là bị hỏi thăm sức khỏe. Hình phạt của đại tỉ như thế nào thì chưa ai thấy, có điều người này bảo người kia phải nể sợ và nên chấp hành những sai khiến của đại tỉ thì hơn. Ví dụ, đại tỉ quên mang viết theo là có kẻ cho mươn rồi quên trả thì thôi, hai ba người một lúc. Ai được đại tỉ quan tâm là lên mặt liền, mấy đứa khác phải nể. Ê bây, đứa nào có giấy trắng cho tao mấy đôi - đây …đây…đây . Đứa nào có cây bút bi cho tao mượn đi. - Đây …đây…
Tôi đi học, bước vào lớp như thế. Có nhiều đứa đã nói trước với tôi cảnh này. Đương nhiên thế giới ngầm nầy chỉ tồn tại mé con gái. Có điều tôi là đứa ngang dầu cứng cổ. Không biết sợ ai. Cái dáng lì lợm của tôi hình như cũng lọt vào mắt đại tỉ, nó biết rồi nhưng hình như có phần e dè, chắc là nó đang tìm hiểu xem tôi là dân xứ nào, nhà cửa ở đâu rồi mới tìm cách nắn lưng.
Chết danh là chanh chua, đại -tỉ - chanh-chua . Hằng ngày thay nhau mang khế chua, khế ngọt cho đại tỉ. Không hiểu sao đại tỉ mê cái thứ chết tiệt ấy. Có lần buồn buồn tôi hái mấy trái ăn thử chơi. Trời đất ơi, đau bụng vật vã rồi có bao nhiêu trả cho trời đất bấy nhiêu. Khế chua người ta thường nấu canh cá ngạnh, cá lóc hay kèm với chuối chát để ăn sống với ruốc Hà Tây. Thương tỉ thật, thế mà lại khoái! Tôi quyết không cho, dù sau góc vườn nhà tôi có cây khế chua, tới mùa trái chín vàng ươm, ai nhìn thấy cũng khen cây khế hiếm có. Nếu muốn hái bao nhiêu mà chẳng được? còn đặt tên là đại-tỉ -chanh chua ! Dường như bàn thua này hằn quyết gở, hắn học không hay lắm, chỉ tàm tạm thôi.Tôi tự hỏi bọn nầy sợ nhỏ cái gì chứ? Bây sợ thì thây kệ, tao đếch sợ, tôi thường nói với tụi bạn như thế. Cái tính ngang ngạnh nầy bà nội thường rầy la, bà bảo là con gái đừng gan góc như con trai, sau này bị chồng đánh đó. Tôi ngoan ngoãn vâng lời, nhưng trong lòng chẳng thay đổi. Vậy thì ở giá khỏe re, tò te làm gì cho mệt cái thân. Mấy O thì bảo tôi con gái mà tính tình giống con trai, không chừng mụ bà bắt lộn!
Có một hôm ba tôi rủ anh hai đi bắt ếch. Ở miền quê có cơn mưa đầu mùa rất lớn gọi là mưa phá hội, các cô cậu ếch nhân tình rủ nhau ra giữa ruộng nước lúp xúp, ngập cở nửa bàn chân bắt cặp du dương, miệng kêu ngoạp ngoạp tình tứ! Say đến nổi bàn tay đưa đến nắm cả cô cậu mà quên vùng vẫy, khi bị ném cái phạch vào oi tre mới thức tỉnh mộng vàng, phát lên kêu và nhảy loạn xạ tìm đường thoát. Một cuộc tình mà ân hận một đời! Tội nghiệp nhỉ? Trước khi ba tôi và anh hai đi, tôi đã ngỏ ý xin theo, nhưng ba tôi không cho, Ông bảo con nít đừng đi. Ban đầu hai người còn đi trên bờ thì im ắng, ra tới ruộng hai người mới lội xuống nước nghe bỏm, bỏm…rồi bỏm!. Ba tôi ngạc nhiên vì sao đi hai người mà vang lên tới ba tiếng. Dư ra một tiếng, do đâu? Ông ngoái nhìn lại thấy một bóng người nho nhỏ, nhá đèn pin lên thấy tôi, hết ý kiến! Đành chấp nhận nhân vật thứ ba bất đắc dỉ. ham vui mà đi, nhưng lòng cứ lo trận đòn đáng kể khi về nhà. Cũng may hôm đó bắt được nhiều ếch nên ông quên tội của tôi mất.
Tôi ngồi bàn thứ hai, hắn ngồi bàn cuối nên tầm ảnh hưởng hạn chế.
Về phương diện nhan sắc thì hắn cũng không có gì đặc biệt, sức khỏe thì chưa biết ai thắng, có gì phải run, lâm trận thì mới biết !
Có nhiều điều làm tôi thắc mắc: Tại sao giáo viên hướng dẫn lớp không biết? tại sao Giám thị trường không nắm được tình hình này? Tôi có anh hai học lớp trên, sẽ báo cho anh ấy biết nếu cuộc đối đầu này bất lợi. Hay bọn nhóc tự sợ vu vơ rồi xin làm đệ tử? Nhiều người bề ngoài có vẽ ghê gớm nhưng họ rất hiền hay tâm địa lại tốt, lỡ bị phong chức thì nhận luôn? Chứ hắn có phạm tội gì đâu?
Một hôm vào giờ nữ công gia chánh, tôi đang loay hoay soạn búp len mới mua ra để đan áo, giờ học đan áo. Chưa bao giờ tôi có được búp len mới như thế nầy, hôm nay nội thưởng về việc đã gánh đầy bể nước hôm qua .búp len mềm mại tròn tròn, thơm mùi khen khét nghe rất đặc trưng, tôi mân mê, áp lên má nghe dìu dịu, một cảm giác mơ hồ như một làn da khác vừa chạm lên má tôi, giựt mình tỉnh lại khi nghe cô giáo nói:
- Các em hãy tập trung xem cô hướng dẩn cách đan chiếc cổ áo len nam.
Trong lúc đang chăm chú theo dõi thì tôi nghe nhột nhột phía sau, ngoái nhìn lui thì thấy nhỏ bạn thân đưa cho tôi mảnh giáy nhỏ, đinh ninh chiều nay nó rủ tôi đi ăn bánh ướt Hà Mi nên không cầm lòng được tới cuối giờ học, vội mở xem :
Mày hãy rút ruột búp len cho tau. ĐT.
A! ghê nhỉ, giờ phút lịch sử đã điểm, tôi lầm bầm.
Búp len giá trị là cái ruột, rút ruột để cho rồi còn gì? Khôn nhỉ, sao không nói đại ra là đưa búp len đây cho tao là xong. Cơn giận làm lổ tai tôi lùng bùng. Tôi nhìn con bạn nguýt dài giận giữ:
Lấy của mầy mà cho, bộ của chùa hả?
Sao mầy gan rứa? Cho đại tỉ đâu phải cho tao mà mi càm ràm tao?
Con bạn của tôi ngày thường nó dễ thương và hiền lắm, tại sao bây giờ cũng hung hăng thế nhỉ ?
Ai bảo mi làm tay sai, hắn ưng thì cứ đưa trực tiếp cho tao ai bảo mầy bắc cầu ?
Tôi nghi ngờ, chưa chắc nó đã dám xin, nhưng bọn đệ tử tình nguyện vẽ đường, kiếm quà lập công, nghe đâu các búp len khác, kể cả nhỏ bạn cũng đã moi ruột biếu đại tỉ rồi, chỉ có búp len tôi còn rin. Tự nhiên có quyền lợi tới tay ai mà từ chối? Hơn nữa, lỡ lên chức anh hùng rồi thì phải rán mà duy trì kĩ luật thì mới uy. Tội nghiệp, nếu thế tôi thương tỉ lắm, tụi ngốc làm nó trở nên hư, tôi chấp nhận đối dầu để ra đen trắng. Thái độ cự tuyệt thẳng thừng này hình như cũng khiến hắn thêm e dè. Nhưng tụi đệ tử nhỏ to thêm mắm thêm muối làm cho hắn giận, chúng mong cuộc đối đầu xẩy ra để xem tôi ngon cỡ nào mà dám ra mặt anh chị. Súng đã lên nòng, nhưng tôi là“ thép đã tôi thế đấy”. Nhà tôi đông anh em, chưa hề biết sợ là gì, nhưng cũng chẳng bao giờ hiếp đáp bọn nhóc khác, sự công bằng mà tôi học ở anh hai .
Buổi chiều, sau khi tan học, tôi chạy đi tìm anh hai để có sự hỗ trợ, nhưng tìm mãi không thấy, anh đã theo một tụi bạn chạy qua bên sân xi ti đá banh rồi. Tiếng hò reo dô…dô của anh hai đang say bóng đá thì có gọi anh cũng chẳng thèm nghe, chấp nhận ra về một mình, con bạn thân nó biến đâu mất, con nhỏ chết nhát, đồ dịch vật, ma bắt mày đi – tôi bực mình cằn nhằn. Tôi dự định đi về theo con đường ngắn nhất.
Rẽ trái qua cổng trường chừng năm trăm mét, tôi nghe một tiếng gọi phát lên trong nhóm con gái phía sau :
Ê nhóc, ngừng lại biểu nghe mậy.
???... tôi ngừng lại.
Anh chị hả? Hắn nhào tới túm tóc tôi. Đã chuẩn bị từ trước nên tôi lách sang bên, lỡ trớn hắn té xuống. Khi đánh tôi hắn cứ nghĩ tôi sẽ đứng chịu đựng trận đòn của hắn mà không dám chống cự, nào dè tuy là con gái nhưng tôi cũng khoái mấy vụ nầy lắm. Thuở học ở tiểu học, ngày nào đi học về cũng sẵn một trận võ đài , rồi xuống sông rửa mặt sạch sẽ xóa dấu vết, có lần bà nội phát hiện ra vết rách áo ở sau lưng, thế là tôi ăn đòn . Tôi nhảy đến đè lên nó, ghì mái tóc và hỏi :
Mày ăn hiếp bạn bè hả? Bỏ chức đại tỉ nghe chưa ? Tôi nói ra ngay những điều mà tôi ấp ủ trong lòng từ lâu, hắn nằm chịu dưới hai bàn tay đè của tôi, mặt mũi đỏ gay và có phát khiếp trước sự phản kháng dũng mãnh của tôi. Hắn nhắm mắt chờ tôi đánh, tôi cào. Nhưng không, tôi và hắn không có hận thù, chúng tôi không ghét nhau thì làm sao mà đánh nhau được? Một lát không nói gì thêm, bọn nhóc chung quanh đứng nhìn xem ra có vẽ ngán tôi nên im phăng phắc. Tôi buông nó đứng dậy, cả bọn lẵng lặng ra về, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ.
Chúng tôi phủi sạch bui bặm trên áo dài, cũng may chỉ lấm sơ sơ.
Ngày hôm sau chúng tôi gặp nhau, không ai nói lên điều gì, tôi chủ động ra về mời nó đi uống nước mía, thời thế tạo anh hùng. Bản chất hắn hiền hòa và chúng tôi dần trở thành bạn bè của nhau. Có khi gặp nhau tôi thấy hắn ngập ngừng, muốn nói điều gì đó rồi lại thôi. Từ đó về sau chuyện xưa trở thành kỉ niệm, cứ gặp nhau là kể chuyện búp len, rồi chúng tôi cười xòa. Tuổi trẻ dễ tha thứ và dễ quên. Cũng xui xẻo cho hắn, nếu hắn không đụng tôi, hắn không xin ruột búp len thì tình huống có khi lại khác đi nhiều, nhưng có lẻ chúng tôi sẽ không là cặp bạn thân như bây giờ. Đánh nhau vỡ mặt mới nhìn ra bạn bè, đó là chuyện thường. Bạn bè tốt thì ích lợi cho việc học, nhưng khi gặp bạn xấu thì nó sẽ đưa đẩy mình đi dần vào sai lầm mà ta không hề biết.
Mới đây thôi bọn mình giờ cũng già rồi, lên chức ông, chức bà. Ngoãnh nhìn lại phía sau tràn đầy nổi thương niềm nhớ, thời gian đã mang đi tất cả, không còn gì!. Phủ lên đầu mái tóc bạc, hằn lên mình làn da nhăn và ôm một vùng kỉ niệm đáng yêu trong lòng còn tươi mới .
Mới đây thôi bọn mình giờ cũng già rồi, lên chức ông, chức bà. Ngoãnh nhìn lại phía sau tràn đầy nổi thương niềm nhớ, thời gian đã mang đi tất cả, không còn gì!. Phủ lên đầu mái tóc bạc, hằn lên mình làn da nhăn và ôm một vùng kỉ niệm đáng yêu trong lòng còn tươi mới .
Bà Rịa 24/10/2011
LTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét