Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

CHÚA TIÊN-NGUYỄN HOÀNG và Quảng Trị....

CHÚA TIÊN-NGUYỄN HOÀNG 
VÀ QUẢNG TRỊ-VÙNG ĐẤT MỞ ĐẦU CHO SỰ NGHIỆP NAM TIẾN VĨ ĐẠI NHẤT TRONG LỊCH SỬ .
 
Mời cùng đọc lại phần viết về Chúa Nguyễn Hoàng trong Đại Nam Thực lục Tiền biên ( Quyển I ) do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn. Đây là nguồn sử liệu chính thống duy nhất và đầy đủ nhất viết về chúa Tiên-Nguyễn Hoàng.
Ở phần viết về Chúa Nguyễn Hoàng giúp người đọc hiểu rõ hơn lịch sử của vùng đất Thuận Quảng và đặc biệt là vùng đất Quảng Trị của chúng ta .
Vì toàn văn được viết theo lối biên niên nên baolam xin được lược bỏ với dấu (...) và có chỉnh sửa một số cách ghi chú của bản dịch để người đọc dễ hiểu hơn !
*******************
*Giới thiệu tổng quan về bộ sách Đại Nam Thực Lục .
Đại Nam thực lục ghi chép các sự kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến đời vua Khải Định (1925) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.
Phần đầu của Đại Nam thực lục gọi là Đại Nam thực lục Tiền biên gồm 12 quyển, ghi chép các sự kiện lịch sử của 9 chúa Nguyễn Đàng Trong từ Nguyễn Hoàng (1558) đến hết đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1777).
Phần thứ hai là Đại Nam thực lục chính biên (gồm 587 quyển), viết về triều đại các vua nhà Nguyễn, nhưng là phần chủ yếu, của bộ biên niên sử viết bằng chữ Hán.
******************
ĐẠI NAM THỰC LỤC TIỀN BIÊN- QUYỂN I
THỰC LỤC VỀ THÁI TỔ GIA DỤ HOÀNG ĐẾ ( Chúa Nguyễn Hoàng )
******************
Thái tổ (...)Gia dụ hoàng đế, họ Nguyễn, húy Hoàng, người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa.
Sinh ngày Bính dần, tháng 8, mùa thu, năm ất dậu [1525] (...), là con trai thứ hai của Triệu tổ Tĩnh hoàng đế ; mẹ là Tĩnh hoàng hậu Nguyễn thị (con gái Nguyễn Minh Biện, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân thự vệ sự ở triều Lê).
Tổ tiên trước là một họ có danh vọng ở Thanh Hoa.
Ông nội là Trừng quốc công, húy là Dụ ( Có thuyết cho rằng An Hòa bá Nguyễn Hoằng Dụ sinh ra Nguyễn Kim (Đại Việt sử ký toàn thư), lên 8 tuổi đã biết làm văn, 15 tuổi thông thuộc võ nghệ. Triều Hiến tông nhà Lê, làm kinh lược sứ Đà Giang, đến khi Uy Mục đế vô đạo, về Tây Kinh giúp Lê Oanh khởi binh ở Thanh Hoa, mưu việc giữ yên xã tắc. Khi Oanh lên làm vua (tức Tương Dực đế), được phong làm thái phó Trừng quốc công.
Cha là Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế, húy Kim, con trưởng Trừng quốc công, đầu làm quan triều Lê, chức Hữu vệ điện tiền tướng quân, tước An Thanh hầu. Năm Đinh hợi [1527], Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, nhà Lê mất. Triệu Tổ giận họ Mạc tiếm nghịch, chí muốn khôi phục nhà Lê, nên dẫn con em tránh sang Ai Lao. Vua nước ấy là Sạ Đẩu cho ở Sầm Châu. Bấy giờ thu nạp hào kiệt, quân chúng có hàng mấy nghìn người, voi có ba chục thớt, bàn mưu tìm con cháu nhà Lê để lập làm vua.
Năm Canh dần [1530], ông đem quân ra Thanh Hoa. Mạc Đăng Doanh (con trưởng Mạc Đăng Dung) sai tướng là Ngọc Trục (không rõ họ) chống cự, đánh nhau ở huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân Thanh Hóa), Ngọc Trục thua chạy. Năm Tân mão [1531], ông đánh phá được tướng Mạc là Nguyễn Kính ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), chém hơn một nghìn đầu. Khi tiến đến đò Điềm Thủy huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), lại đánh luôn mấy trận với tướng Mạc là Lê Bá Ly được to. Gặp trời mưa dầm, nước lụt lai láng, quân Mạc cho nhiều chiến thuyền tiếp nhau tiến đến, ông bèn rút quân về sách Sầm Hạ ở Ai Lao.
Năm Quý tỵ [1533] ông đón con trai nhỏ của Lê Chiêu Tông là Ninh lập làm vua, lấy niên hiệu là Nguyên Hòa, tức là Trang Tông. (Khi nhà Lê mới mất, Trang Tông còn thơ ấu, bầy tôi là bọn Trịnh Duy Tuấn và Lê Lan rước tránh sang Ai Lao, ở trà trộn với nhân dân, không ai biết. Đến bấy giờ, Triệu Tổ tìm khắp nơi mới được, bèn lập làm vua). Do công ấy, được phong Thượng phụ thái sư Hưng quốc công chưởng nội ngoại sự. Bấy giờ có người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phước (huyện Vĩnh Lộc bây giờ) tên là Trịnh Kiểm đến yết kiến (Kiểm sau làm tổ họ Trịnh). Triệu Tổ thấy Kiểm có vẻ lạ, mới gả con gái lớn là Ngọc Bảo cho, sai coi mã quân và xin phong cho làm tướng quân.
Năm Canh tý [1540], ông đem quân đóng giữ Nghệ An, hào kiệt theo rất nhiều. Năm Nhâm dần [1542] đi tuần hành trong đất Thanh Hoa, tiếng quân lừng lẫy, xa gần đều phục. Năm Quý mão [1543] rước vua Lê tiến binh ra Tây Đô (tức là Thanh Hoa) để đánh Mạc Chính Trung (con thứ hai Mạc Đăng Dung, có tên nữa là Đăng Xương), được tấn phong Thái tể đô tướng tiết chế các dinh thủy bộ, chia đường đều tiến, đánh đâu được đấy.
Ngày Tân tỵ, tháng 5, mùa hạ, năm ất tỵ [1545] ông bị hàng tướng Mạc [tên Trung] đầu độc. Triệu Tổ băng, thọ 78 tuổi. (Trước là nhà Mạc thấy quân nhà vua hoạt động mạnh, rất lo, ngầm sai hoạn quan là Trung (không rõ họ) trá hàng, để đầu độc vua Lê; việc không thành, nó liền ngầm cho thuốc độc vào quả dưa hấu rồi đón dâng Triệu Tổ). Vua Lê thương tiếc mãi, tặng tước Chiêu huân tĩnh công, dùng lễ hậu đem táng ở núi Thiên Tôn (thuộc huyện Tống Sơn). Tương truyền huyệt đào trúng hàm rồng, khi đặt quan tài xuống thì cửa huyệt ngậm lại, bỗng trời đổ mưa, gió sấm sét, mọi người sợ chạy. Đến lúc tạnh trở lại tìm thì đá núi liên tiếp, cỏ cây xanh tốt, không nhận được là táng nơi nào nữa. Đến nay có việc cúng tế thì chỉ trông núi tế vọng thôi. Năm Minh Mệnh thứ 2, phong núi ấy là núi Triệu Tường.
Thời quốc sơ chúa( Chữ Hán là thượng, chỉ Nguyễn Hoàng , tôn thụy hiệu ( Thụy : tên đặt để thờ cúng ) là Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương. Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng Đế ( Tức là Phước Khoát (1739 – 1756) , lại truy tôn [Nguyễn Kim] làm Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương, và truy tôn phi là Từ Tín Chiêu ý Đức phi.
Gia Long năm thứ 5 lại truy tôn là Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Khải Vận Nhân Thánh Tĩnh hoàng đế, miếu hiệu ( Hiệu đặt cho các vua đã chết để thờ ở tôn miếu ) là Triệu Tổ, lăng gọi là Trường Nguyên, và truy tôn phi là Từ Tín Chiêu ý Hoằng Nhân Thục Đức Tĩnh hoàng hậu. (Tương truyền phi hợp táng với Triệu Tổ).
Chúa ( Chúa, chỉ Nguyễn Hoàng ) tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rồng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả đều biết là bực phi thường.
Khi Triệu Tổ tránh họ Mạc, chạy sang Ai Lao thì Chúa mới lên 2 tuổi, gửi nuôi ở nhà thái phó Nguyễn Ư Dĩ (tên tự là Vô Sự, bấy giờ gọi là Uy quốc công, anh ruột của Tĩnh hoàng hậu), Ư Dĩ hết lòng bảo hộ, khi đã lớn, thường đem chuyện xây dựng công nghiệp để khuyến khích. Đầu làm quan ở triều Lê, được phong là Hạ Khê hầu. Đem quân đánh Mạc Phước Hải (con trưởng Mạc Đăng Doanh), chém được tướng là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, khi khải hoàn vua yên ủy khen rằng : “thực là cha hổ sinh con hổ”.
Đến khoảng năm Thuận Bình đời Lê Trung Tông, do quân công được tiến phong Đoan quận công. Bấy giờ Hữu tướng triều Lê là Trịnh Kiểm (bấy giờ xưng là Lượng quốc công) cầm giữ binh quyền, chuyên chế mọi việc. Tả tướng là Lãng quận công Uông (con trưởng Triệu Tổ) bị Kiểm hãm hại. Kiểm lại thấy chúa công danh ngày càng cao nên rất ghét. Chúa thấy thế, trong lòng áy náy không yên, cùng bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ rồi cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo để họ Trịnh hết ngờ.
Chúa nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái bảo về trí sĩ giỏi nghề thuật số, nên ngầm sai người tới hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng : “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” [nghĩa là : Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được]. Sứ giả đem câu ấy về thuật lại. Chúa hiểu ý. Bấy giờ xứ Thuận Hóa mới dẹp yên, tuy nhà Lê đã đặt tam ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) và phủ huyện để cai trị, nhưng nhân dân vẫn chưa một lòng. Kiểm đương lấy làm lo. Chúa mới nhờ chị là Ngọc Bảo nói với Kiểm để xin vào trấn đất Thuận Hóa. Kiểm thấy đất ấy hiểm nghèo xa xôi cho ngay. Anh Tông lên ngôi, Kiểm dâng biểu nói : “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới đỡ lo đến miền Nam”. Vua Lê nghe theo và trao cho chúa trấn tiết(Trấn tiết : Cờ tiết vua giao cho làm huy hiệu của quyền trấn thủ ), phàm mọi việc đều ủy thác cả, chỉ mỗi năm nộp thuế mà thôi.
Mậu ngọ, năm thứ 1 [1558] (...), mùa đông, tháng 10, Chúa bắt đầu vào trấn Thuận Hóa, 34 tuổi. Những người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hoa đều vui lòng theo đi. Dựng dinh ở xã ái Tử (thuộc huyện Vũ Xương, tức nay là Đăng Xương, nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ). Phàm quan lại tam ty do nhà Lê đặt đều theo lệnh của Chúa.
Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy.
Kỷ mùi, năm thứ 2 [1559], mùa thu tháng 8, Thanh Hoa và Nghệ An bị lụt, dân lưu tán nhiều vào miền Nam.
Bấy giờ mọi việc bắt đầu. Chúa khuya sớm chăm lo, nghĩ việc củng cố căn bản. Nguyễn Ư Dĩ cùng bọn Tống Phước Trị (bấy giờ gọi là Luân quận công), Mạc Cảnh Huống cùng lòng hợp sức, quy hoạch nhiều phương, Chúa đều thành thực tin dùng.
Canh thân, năm thứ 3 [1560], mùa đông, đặt đồn cửa biển giữ miền duyên hải (bấy giờ quân Mạc thường theo đường biển vào cướp Thanh Nghệ nên phải đề phòng).
(...)
Mậu thìn, năm thứ 11 [1568], mùa xuân, tháng 3, Tổng trấn Quảng Nam là Bùi Tá Hán (bấy giờ xưng là Trấn quận công) chết. Vua Lê lấy Nguyễn Bá Quýnh (bấy giờ xưng là Nguyên quận công) làm Tổng binh, thay giữ đất ấy.
Kỷ tỵ, năm thứ 12 [1569], mùa thu, tháng 9, Chúa đi Thanh Hoa, yết kiến vua Lê ở hành cung Khoa Trường.
Canh ngọ, năm thứ 13 [1570] mùa xuân, tháng giêng, Chúa từ Tây Đô về, dời dinh sang xã Trà Bát (thuộc huyện Đăng Xương).
Vua Lê triệu tổng binh Quảng Nam là Nguyễn Bá Quỳnh về trấn thủ Nghệ An. Chúa bèn kiêm lãnh hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam.
Xứ Thuận Hóa có 2 phủ, 9 huyện, 3 châu:
Phủ Tiên Bình (xưa là Tân Bình), lĩnh 3 huyện : Khang Lộc, Lệ Thủy, Minh Linh, 1 châu : Bố Chánh;
Phủ Triệu Phong, lĩnh 6 huyện : Vũ Xương, Hải Lăng, Quảng Điền (xưa là Đan Điền), Hương Trà (xưa là Kim Trà), Phú Vang (xưa là Tư Vang), Điện Bàn, 2 châu : Thuận Bình, Sa Bồn.
Xứ Quảng Nam có 3 phủ, 9 huyện:
Phủ Thăng Hoa, lĩnh 3 huyện : Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang;
Phủ Tư Nghĩa lĩnh 3 huyện : Bình Sơn, Mộ Hoa, Nghĩa Giang;
Phủ Hoài Nhân, lĩnh 3 huyện : Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn.
Đeo ấn tổng trấn tướng quân, đặt quân hiệu là dinh Hùng Nghĩa.
Bấy giờ Mạc Mậu Hợp sai tướng là bọn Kính Điển đem quân xâm lấn Thanh Nghệ. Tướng trấn thủ Nghệ An Nguyễn Bá Quýnh nghe tin trốn chạy, thế giặc hung tợn, lòng dân xao xuyến. Chúa vốn có uy danh, nhiều mưu lược, kỷ luật rõ ràng, phòng giữ nghiêm ngặt, do đó quân giặc không dám phạm vào bờ cõi, nên riêng hai xứ Thuận Quảng được yên ổn.
Tháng 2, Trịnh Kiểm nhà Lê chết. Con thứ là Tùng (con của Ngọc Bảo) được nối. Chúa sai sứ đến viếng.
Tân mùi, năm thứ 14 [1571], mùa thu, tháng 7, có 3 người huyện Khang Lộc tức Phong Lộc bây giờ, hiện nay là huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, tên là Mỹ Lương, Văn Lan và Nghĩa Sơn (đều không rõ họ) nổi loạn, đánh dẹp yên. Trước là Mỹ Lương cùng em là Văn Lang và Nghĩa Sơn đều tiến thóc được làm quan, chuyên việc thu tô thuế có công. Nhà Lê phong Mỹ Lương làm tham đốc, Văn Lan, Nghĩa Sơn làm thự vệ. Trịnh Kiểm nhân mật sai họ đánh úp dinh Vũ Xương, hẹn nếu thành công sẽ trọng thưởng. Tới đấy, Mỹ Lương sai Văn Lang và Nghĩa Sơn đem quân phục ở huyện Minh Linh( Nay là huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị) rồi tự mình dẫn quân lẻn theo đường núi đến chỗ Cầu Ngói ở Hải Lăng mai phục, định ngày giáp đánh. (có thuyết nói khi binh thuyền Mạc cướp Nghệ An thì Thuận Hóa xao xuyến, bọn Mỹ Lương mưu đánh úp Vũ Xương để hàng Mạc). Chúa biết được mưu ấy, liền sai phó tướng Trương Trà (bấy giờ xưng là Trà quận công) đánh Nghĩa Sơn, và tự đem quân ngầm đến Cầu Ngói đánh úp Mỹ Lương và đốt trại. Mỹ Lương trốn chạy, đuổi chém được. Trà tiến quân đến xã Phước Thị, đánh nhau với giặc, bị Nghĩa Sơn bắn chết. Vợ Trà là Trần thị (người xã Diêm Trường) nghe tin nổi giận, mặc quần áo đàn ông thúc quân đánh, bắn chết Nghĩa Sơn tại trận. Quân Văn Lan thua, trốn về với Trịnh. Thế là dẹp hết đảng giặc. Chúa đem quân về. Phong Trần thị làm quận phu nhân.
Bấy giờ Quảng Nam cũng có bọn thổ mục nổi loạn, cướp giết lẫn nhau. Chúa sai thuộc tướng là Mai Đình Dũng dẹp yên, nhân đấy, sai ở lại giữ đất để thu phục vỗ yên tàn quân.
Nhâm thân, năm thứ 15 [1572] (...), mùa xuân, tháng giêng, vua Lê đổi niên hiệu là Hồng Phước.
Mùa thu, tháng 7, tướng Mạc là Lập Bạo (không rõ họ, tự xưng quận công) lấy người ở châu Bắc Bố Chính (nay là huyện Bình Chính- Nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) dẫn đường đem 60 binh thuyền vượt biển vào đánh cướp, đóng trại từ con đường xã Hồ Xá đến đền Thanh Tương xã Lãng Uyển. Thế giặc đang mạnh. Chúa đem quân chống giữ, đóng ở sông Ái Tử, đêm nghe từ lòng sông có tiếng kêu “trao trao”, lấy làm lạ. Khấn rằng : “Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc”. Đêm ấy, chúa ngủ mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến trước trình rằng : “Minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức !” Tỉnh dậy, chúa ngẫm nghĩ rằng : “Người đàn bà trong mộng báo ta nên dùng “mỹ kế”, phải chăng là dùng kế mỹ nhân ?” Trong đám thị nữ có Ngô thị (tên gọi là Ngọc Lâm, người làng Thế Lại, có tên nữa là Thị Trà) có sắc đẹp, và mưu cơ biện bác. Chúa sai nàng đem vàng lụa đi dụ Lập Bạo tới chỗ sông có tiếng kêu “trao trao” để giết. Ngô thị đến trại Lập Bạo nói rằng : “Chúa công thiếp nghe tin tướng công ở xa đến, cho thiếp mang quà mọn đến để cùng giảng hòa, đừng đánh nhau nữa”. Lập Bạo thích sắc đẹp của Ngô thị, nhưng giả cách giận, nói rằng : “Người lại đây làm mồi dử ta phải chăng ?” Ngô thị uyển chuyển thưa gửi, Lập Bạo liền tin, và giữ lại trong trướng. Ngô thị nhân đấy, mời Lập Bạo đến bờ sông để cùng chúa họp thề. Lập Bạo nghe lời. Ngô thị đem việc ấy mật báo trước. Chúa lập tức dựng một ngôi đền tranh ở bên bờ sông, chỗ có tiếng kêu “trao trao”, để làm nơi họp thề, và đào hầm đặt phục binh. Đến hẹn, Lập Bạo cùng Ngô thị ngồi thuyền nhỏ, chỉ vài chục người theo hầu. Khi đến bến, thấy dưới cờ chúa cũng chỉ có vài chục người thôi, Lập Bạo thản nhiên không ngờ, bèn lên bờ thong thả bước đến cửa đền. Thình lình phục binh nổi dậy. Lập Bạo sợ chạy xuống thuyền, thuyền đã xa bãi rồi. Lập Bạo nhảy theo, rơi xuống nước, quân ta bắn chết ngay, rồi thừa thắng tiến đến trại Thanh Tương. Gió to nổi lên, thuyền giặc đắm hết. Quân giặc đem nhau đầu hàng, chúa cho ở đất Cồn Tiên( ở gần cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị ,tức tổng Bái Ân bây giờ) đặt làm 36 phường. Chúa đem quân về, thưởng công cho Ngô thị, gọi phó đoán sự vệ Thiên võ là Vũ Doãn Trung gả cho. Lại phong thần sông làm “Trảo trảo linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân”, và lập đền thờ.
Mùa đông, tháng 11, sai sứ về Tây Đô báo tin thắng trận. Vua Lê sai Phan Công Tích (bấy giờ xưng là Lai quận công) đến ủy lạo tướng sĩ. Chúa cùng sứ giả yến tiệc rất vui, khi sứ về lại tặng rất hậu.
Bấy giờ Chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn.
Quý dậu, năm thứ 16 [1573] (...), mùa xuân, tháng giêng, vua Lê bị Trịnh Tùng bắt phải thắt cổ chết ở Lôi Dương, lập người con thứ là Duy Đàm làm vua, đổi niên hiệu là Gia Thái, tức là Thế tông. Từ đấy Tùng ngày càng lấn quyền, vua Lê gia phong cho tước vương, sau thành thế tập.
Tháng 2, vua Lê sai sứ đem sắc tấn phong Chúa làm thái phó, khiến trữ thóc để sẵn lương ở biên giới, còn số tiền sai dư ( Tiền thuế thân, ngoài sự gánh vác sai dịch còn phải nộp) thì hàng năm nộp thay bằng 400 cân bạc và 500 tấm lụa.
(...)
Ất dậu, năm thứ 28 [1585], bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy.
Chúa cả mừng nói rằng : “Con ta thực là anh kiệt”, và thưởng cho rất hậu. Từ đó giặc biển im hơi.
Bính tuất, năm thứ 29 [1586], mùa xuân, tháng 3, vua Lê sai Hiến sát sứ là Nguyễn Tạo đến khám những ruộng đất hiện cày cấy để thu thuế. (Bấy giờ thuế ruộng hai xứ Thuận Quảng chưa có định ngạch, mỗi năm gặt xong, sai người chiếu theo số ruộng đất hiện cấy mà thu thuế thôi). Khi Tạo đến, Chúa lấy lòng thành tiếp đãi. Tạo rất cảm phục, rồi không đi khám đạc nữa, cho các phủ huyện tự làm sổ, sổ làm xong rồi đem về.
(...)
Kỷ sửu, năm thứ 32 [1589]. Bấy giờ mấy năm được mùa luôn, trăm họ giầu thịnh. Vua Lê thì liền năm đánh dẹp, quân dụng không đủ. Chúa xuống lệnh thu thuế cho đi giúp quân phí, chưa từng để thiếu thốn. Tây Đô được nhờ vào đấy.
(...)
Nhâm thìn, năm thứ 35 [1592], mùa thu, tháng giêng, vua Lê sai Trịnh Tùng cử đại quân đi đánh Mạc Mậu Hợp (con Mạc Nguyên), lấy lại được Đông Đô (tức Hà Nội bây giờ).
Tháng 5, Chúa đem binh quyền ra Đông Đô yết kiến. Vua Lê yên ủi rằng : “Ông trấn thủ hai xứ, dân nhờ được yên, công ấy rất lớn”. Liền phong làm Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái úy Đoan quốc công.
Chúa trở về Thanh Hoa, yết cáo tôn lăng.
Bấy giờ tướng Mạc là Kiến và Nghĩa (hai người đều không rõ họ, tự xưng quận công) đều tụ họp có tới mấy vạn quân, Kiến chiếm giữ phủ Kiến Xương, đắp lũy đất ở bên sông, Nghĩa chiếm giữ huyện Thanh Lan (nay là huyện Thanh Quan), cắm cọc gỗ ở sông Hoàng Giang để chống cự nhà Lê. Tướng nhà Lê là Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên đánh không được. Chúa đốc suất tướng sĩ bản dinh, thống lãnh chiến thuyền của thủy quân các xứ nối tiến, dùng hỏa khí và đại bác đánh phá tan, chém được Kiến và Nghĩa tại trận, bắt sống, chém chết hàng vạn. Trấn Sơn Nam (nay là Nam Định) được dẹp xong. Mạc Kính Chương (tự xưng Tráng vương) lại cùng đồ đảng chiếm giữ Hải Dương. Chúa dời quân sang đánh dẹp được, bắt sống không xiết kể.
Trước kia, trong chiến dịch Sơn Nam, hoàng tử thứ hai là Hán (làm quan triều Lê, có quân công được làm Tả đô đốc Lỵ quân công) theo Chúa đi đánh giặc, ra sức đánh, mất tại trận. Vua Lê truy tặng tước Lỵ Nhân công (có thuyết là Lỵ Trung công, năm Gia Long thứ 2 cho được tòng tự ở Nguyên miếu), cho con là Hắc được tập ấm, sau làm quan đến thái phó. (Con cháu ở Thanh Hoa, dòng dõi rất phồn thịnh. Năm Gia Long thứ 1, cho hệ tính là Nguyễn Hựu).
Giáp ngọ, năm thứ 37 [1594], mùa hạ, tháng 5, Mạc Ngọc Liễn chiếm giữ núi Yên Tử, đánh cướp huyện Vĩnh Lại. Chúa đem thủy quân tiến đến Hải Dương đánh phá được. Ngọc Liễn thua chạy, chết ở châu Vạn Ninh.
Mùa thu, tháng 9, Mạc Kính Dụng (tự xưng Uy vương) sai người đảng là Văn và Xuân (hai người đều không rõ tên họ, tự xưng quốc công) đánh úp Thái Nguyên. Chúa đem đại binh đánh quân Mạc ở huyện Võ Nhai, dẹp yên.
Mùa đông, tháng 10, tướng làm phản nhà Lê là Vũ Đức Cung cướp phá các huyện thuộc Sơn Tây, và lùa những cư dân hai huyện Đông Lan và Tây Lan (nay là Hùng Quan và Tây Quan) vào đất Đại Đồng. Chúa lĩnh thủy quân cùng Thái úy nhà Lê là Nguyễn Hữu Liêu dẫn bộ binh cùng tiến, thẳng tới Đại Đồng, giáp đánh phá được. Đức Cung chạy đến đất Nghĩa Đô. Chúa dẫn quân về.
Ất mùi, năm thứ 38 [1595], mùa xuân, tháng 3 nhà Lê thi tiến sĩ, Chúa làm đề điệu, lấy được 6 người hợp cách là bọn Nguyễn Viết Tráng.
Bính thân, năm thứ 39 [1596], mùa hạ, tháng 4, Chúa theo hầu vua Lê đi Lạng Sơn. Trước là Mạc Kính Dụng chạy sang Long Châu nước Minh, vu cáo với nhà Minh rằng hiện nay người xưng là vua Lê tức là người họ Trịnh chứ không phải con cháu nhà Lê. Người Minh tin lời, sai án sát ty phó sứ Tả giang binh tuần đạo là Trần Đôn Lâm sang Trấn Nam quan, đưa thư hẹn hội khám. Vua Lê trước sai bọn thị lang Phùng Khắc Khoan đem hai quả ấn mực cũ, 100 cân vàng, 1.000 lạng bạc, cùng vài chục kỳ lão trong nước cùng đến cửa quan. Trần Đôn Lâm lại đưa điệp đòi vua Lê hẹn ngày đến cửa quan. Nhưng khi vua Lê đến thì sứ nhà Minh thác cớ không đến đúng hẹn. Chúa bèn hầu vua Lê trở về.
Đinh dậu, năm thứ 40 [1597] mùa xuân, tháng 2, nhà Minh lại sai ủy quan là Vương Kiến Lập đến cửa quan báo tin để hội khám. Chúa lại theo hầu vua Lê đến cửa quan, cùng với Vương Kiến Lập và Trấn Đôn Lâm làm lễ giao tiếp hội khám, gặp nhau rất vui vẻ. Từ đấy Bắc Nam lại thông hiếu.
Mùa đông, tháng 11, thổ phỉ Hải Dương là bọn Thủy, Lễ, Quỳnh, Thụy (đều không rõ họ, tự xưng quận công) kết bè đảng mấy nghìn, đánh úp giết tướng trấn thủ, cướp phá các huyện Thủy Đường, Nghi Dương và Tiên Minh. Hoàng tử thứ tư là Diễn (có tên nữa là Miện, làm quan triều Lê, chức Tả đô đốc Hào quận công) cùng tướng nhà Lê là Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn lĩnh 50 binh thuyền đến đánh ở sông Hổ Mang. Diễn đem 4 chiếc binh thuyền bản bộ vào trước xông lên đánh, mất tại trận. Vua Lê truy tặng Thái phó.
Mậu tuất, năm thứ 41 [1598], mùa xuân, tháng 3, chúa đem thủy quân đánh dẹp Hải Dương, phá tan quân thổ phỉ ở dãy núi Thủy Đường, bắt được đồ đảng giặc đem về.
Kỷ hợi, năm thứ 42 [1599], mùa thu, tháng 8, vua Lê băng. Con thứ là Duy Tân lên ngôi, đổi niên hiệu là Thận Đức, tức là Kính tông. Tấn phong chúa làm Hữu tướng.
Canh tý, năm thứ 43 [1600] (Lê ??Thận Đức năm 1, mùa đông, tháng 11, đổi kỷ nguyên là Hoằng Định; Minh ? Vạn Lịch năm 28), mùa hạ, tháng 5, chúa từ Đông Đô trở về. Bấy giờ chúa đã ở Đông Đô 8 năm, đánh dẹp bốn phương đều thắng, vì có công to, nên họ Trịnh ghét. Gặp lúc bọn tướng Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản ở cửa Đại An (nay thuộc Nam Định), chúa nhân dịp đem quân tiến đánh, liền đem cả tướng sĩ thuyền ghe bản bộ, đi đường biển thẳng về Thuận Hóa, để hoàng tử thứ năm là Hải và hoàng tôn là Hắc ở lại làm con tin. Nghe tin ấy, lòng dân xao xuyến. Trịnh Tùng ngờ chúa vào chiếm Tây Đô, bèn đưa vua Lê chạy về Tây Đô, để giữ vững căn bản. Đi đến huyện An Sơn, bọn hoàng tử Hải đón đường nói rằng chúa về Thuận Hóa, chỉ nghĩ việc bảo vệ đất đai, thực không có ý gì khác. Vua Lê vỗ về, vẫn cho bọn Hải quản binh như cũ. Chẳng bao lâu vua Lê lại về Đông Đô.
Chúa đến Thuận Hóa, cho dời dinh sang phía đông dinh ái Tử (bấy giờ gọi là Dinh Cát). Vua Lê sai Thiêm đô ngự sử là Lê Nghĩa Trạch đem sắc đến phủ dụ, vẫn sai ở lại trấn thủ, hằng năm nộp thuế má. Trịnh Tùng cũng gửi kèm thư, khuyên giữ việc thuế cống. Chúa hậu đãi sứ giả và sai sứ đi tạ ơn vua Lê; lại gửi thư cho Trịnh Tùng hẹn kết nghĩa thông gia.
Mùa đông, tháng 10, chúa gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con cả Trịnh Tùng). Từ đấy chúa không ra Đông Đô nữa. Triều thần nhà Lê thường thường nói nên xử trí, nhưng Trịnh Tùng sợ việc dùng binh, không dám đả động.
Tân sửu, năm thứ 44 [1601], mùa hạ, tháng 6 đặt kho thóc Thuận Hóa.
Bắt đầu dựng chùa Thiên Mụ. Bấy giờ chúa dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng bằng ở xã Hà Khê (thuộc huyện Hương Trà) giữa đồng bằng nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Nhân thế hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng, tục truyền rằng : Xưa có người đêm thấy bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói rằng : “Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch”. Nói xong bà già biến mất. Bấy giờ nhân đấy mới gọi là núi Thiên Mụ. Chúa cho là núi ấy có linh khí, mới dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ.
Mùa thu, tháng 7, ngày Tân hợi, sinh hoàng tôn (tức Thần tông Hiếu chiêu hoàng đế).
Nhâm dần, năm thứ 45 [1602], mùa thu, tháng 7, sửa chùa Sùng Hóa. Chúa nhân tiết Trung nguyên đến chơi chùa Thiên Mụ, lập đàn chay làm lễ bố thí. Khi thuyền qua sông xã Triêm Ân (thuộc huyện Phú Vang), nhìn bờ sông phía đông ? bắc, cây cối um tùm, chim chóc tấp nập, xem rất thích, chúa cho dừng thuyền ngắm xem. Nhận thấy chỗ ấy có nền chùa cổ, liền sai sửa lại, gọi là chùa Sùng Hóa.
Sai hoàng tử thứ sáu làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng : “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn.
Bây giờ khám lý phủ Hoài Nhân (nay thuộc Bình Định) là Trần Đức Hòa (bấy giờ gọi là Cống quận công, là con Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân, phó tướng dinh Quảng Nam) đến yết kiến, Chúa đãi rất hậu. Rồi trở về Thuận Hóa.
Năm ấy nước Chiêm Thành sang thông hiếu.
(...)
Giáp thìn, năm thứ 47 [1604], lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm Phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phước, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu), lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa (nay đổi làm Thăng Bình) làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên.
(...)
Đinh mùi, năm thứ 50 [1607], dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu (thuộc Quảng Nam).
Mậu thân, năm thứ 51 [1608], được mùa to, mỗi đấu gạo giá 3 đồng tiền. Bấy giờ từ Nghệ An ra Bắc bị đại hạn, giá gạo đắt, nhiều dân xiêu dạt chạy về [với chúa].
Kỷ dậu, năm thứ 52 [1609], dựng chùa Kính Thiên ở phường Thuận Trạch (thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình; năm Minh Mệnh thứ 7 đổi làm chùa Hoằng Phước).
(...)
Tân hợi, năm thứ 54 [1611], bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được đất ấy, bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy.
(...)
Quý sửu, năm thứ 56 [1613], mùa hạ, tháng 5, ngày Mậu ngọ, Chúa không được khỏe, triệu hoàng tử thứ sáu tự Quảng Nam vào hầu.
Tháng 6 ngày Canh dần, Chúa yếu mệt, triệu hoàng tử thứ sáu và thân thần đến trước đền trước giường, bảo thân thần rằng : “Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp”. Rồi chúa cầm tay hoàng tử thứ sáu dặn bảo rằng : “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; anh em trước hết phải thân yêu nhau. Mày mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì”. Lại nói : “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”. Hoàng tử thứ sáu và các thân thần khóc lạy vâng mệnh. Ngày ấy chúa băng. ở ngôi 56 năm, thọ 89 tuổi. Đầu thì yên táng ở núi Thạch Hãn (xã thuộc huyện Hải Lăng), sau cải táng ở núi La Khê (xã thuộc huyện Hương Trà) , năm Minh Mệnh thứ 2, phong núi ấy làm núi Khải Vận).
Thời quốc sơ thì dâng thụy hiệu là Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia dụ vương. Thế tông Hiếu vũ hoàng đế truy tôn là Liệt tổ Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia dụ thái vương và truy tôn phi là Từ Lương Quang Thục ý phi. Năm Gia Long thứ 5, truy tôn là Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia dụ hoàng đế, miếu hiệu là Thái tổ, lăng gọi là Trường Cơ; truy tôn phi là Từ Lương Quang Thục Minh Đức ý Cung Gia dụ hoàng hậu, lăng gọi là Vĩnh Cơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét