Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

VỀ THĂM LĂNG CHÚA TIÊN - NT. Liên Hưng

Về thăm lăng Chúa Tiên
 
Làm học trò Nguyễn Hoàng – ngôi trường mang tên Chúa Tiên – trong suốt thời trung học, rồi đau đáu một nỗi niệm hoài vọng và thương tiếc ngôi trường yêu dấu mấy chục năm nay mà đây là lần đầu tiên tôi được đến dâng hương nơi Ngài yên nghỉ.
          Nơi Ngài yên nghỉ cách Quảng Trị không bao xa nhưng sao bao nhiêu năm qua hiếm thấy nhắc đến? Có lẽ vì chiến tranh? Mà cũng có lẽ vì bao chuyện cơ cầu khác? Mãi cho đến khi đọc bài “Lời thầm ước trước lăng Nguyễn Hoàng” của nhà nghiên cứu Lê Quang Thái - CHS/NH (1954 -1959) trong nội san Nguyễn Hoàng tôi mới biết lăng Ngài tọa lạc ở Huế. Rồi mùa hè năm ngoái (2016), khi đọc tin “Trùng tu lăng Trường Cơ - lăng mộ của Đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế tức Chúa Nguyễn Hoàng (hay còn được gọi là Chúa Tiên”, tôi vô cùng xúc động, lòng ước ao một lần đến đó thắp nén nhang viếng Ngài.
Và thế, trong thời gian chuẩn bị về hội ngộ trường xưa lần thứ 5 tại quê nhà năm 2017, khi đọc mail của anh Nguyễn Văn Trị (Trưởng ban liên lạc CHS/NH tại Sài Gòn) thông báo sẽ tổ chức buổi lễ dâng hương tại lăng Chúa Tiên, tôi đã không nén được cảm xúc nên viết trả lời: “Cho Út đi với anh Trị ơi!” (vì anh thường gọi tôi là cô út Nguyễn Hoàng dù tôi chỉ áp út thôi), thế là tên tôi đã được ghi vào danh sách CHS/NH viếng lăng Chúa Tiên.
          Rồi cũng đến ngày ấy, sau hội trường 15/07 hai ngày. Tôi không thể nói hết nỗi bồi hồi, xúc động của mình khi khoác lên người chiếc áo pull có in logo ngôi trường thân yêu và dòng chữ Nguyễn Hoàng để về thăm Chúa.
          Ngày hôm trước đi thăm làng Trung Đơn mưa gió não nề vì áp thấp nhiệt đới. Đêm đó cũng mưa suốt đêm nhưng lòng đã quyết nên không ai chùn bước. May sao sáng ra mưa tạnh, trời chưa quang nên không khí mát mẻ dễ chịu. Hai chiếc xe chở đầy trên 30 cư dân Nguyễn Hoàng phương xa rời thành phố Đông Hà trực chỉ thành phố Huế. Những người trong đoàn nói vui: Chúa Tiên thật anh linh, mấy ngày trước trời mưa nên không khí mùa hè nơi này dịu lại, vì thế ngày hội trường nắng ráo và mát mẻ giúp thuận lợi cho buổi hội ngộ thầy trò giữa sân trường xưa. Nhưng chỉ vào chiều hôm đó – khi buổi họp mặt đã kết thúc thì trời đổ mưa ầm ào, mưa như trút đến cả ngày hôm sau rồi hôm nay khi đoàn CHS/NHSG đi thăm lăng Ngài thì đẹp trời trở lại. Theo tôi, không chỉ là nói vui mà sự thật là thế! Sự thật ấy đã được chứng minh qua 5 lần hội trường ở Quảng Trị. Có lẽ cảm tấm lòng của những hậu duệ của mình nên Ngài thương xót thầy trò chúng ta nên đã xui khiến mưa thuận, gió hòa trong ngày những cánh chim lạc tìm về tổ cũ.
          Theo sử sách, sau khi qua đời Ngài được chôn cất tại núi Thạch Hãn huyện Vũ Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong - tỉnh Quảng Trị). Sau đó, không rõ thời điểm nào, các chúa Nguyễn đã cải táng và xây dựng lăng mộ Ngài tại vị trí hiện nay (thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đến năm 1808, lăng mộ chúa Nguyễn Hoàng được vua Gia Long cho tái xây dựng và đặt tên là lăng Trường Cơ. Vào năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), lăng Trường Cơ tiếp tục được sửa sang, xây dựng thêm nhưng rồi qua bao năm chiến tranh, loạn lạc, nơi an nghỉ của Ngài rơi vào lặng lẽ, hiếm người biết đến cho đến ngày nay...
Lối tìm về lăng quanh co, chật hẹp, chúng tôi vừa đi vừa dừng xe lại hỏi thăm đường. Người ta bảo lăng Ngài cách lăng Gia Long 3km. Thế là đoàn ghé thắp nhang viếng nơi an nghỉ của vua Gia Long và hoàng hậu – vị vua có công thống nhất sơn hà, sau đó đoàn tiếp tục di chuyển về lăng Trường Cơ, nơi yên nghỉ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng – Vị Chúa có công đặt nền móng cho việc mở mang bờ cõi về phía nam vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ thứ 16, để đất nước Việt Nam có hình cong chữ S như ngày hôm nay.
Cả một vùng trời đất thoáng đãng vỡ òa trước mắt tôi, trước lối vào lăng là tấm bia ghi: 
NGUYỄN PHÚC LỘC
HỆ NHÌ
LĂNG TRƯỜNG CƠ, ĐỨC THÁI TỔ GIA DŨ HOÀNG ĐẾ,
HÚY NGUYỄN HOÀNG (1525 – 1613)
THỜI GIAN TRỊ VÌ (1558- 1613)
Bên góc trái tấm bia có ghi dòng chữ nhỏ: Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc phụng lập năm 2004
Qua lối đi bên hồ sen bát ngát chúng tôi tiến vào lăng Trường Cơ, tọa lạc bên tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông khoảng 300 mét, cách trung tâm Huế 10 km về phía tây nam. Lối kiến trúc lăng Trường Cơ không rộng lớn, nguy nga, tráng lệ hay cổ kính như các vị vua triều Nguyễn đời sau mà trái lại đơn giản, bình dị nhưng vẫn toát lên sự thiêng thiêng, uy vũ của một vị Chúa Tiên tài ba mà nhân hậu. Tam quan với bốn cột trụ thẳng tắp hướng lên trời, phía trước là những bậc tam cấp bến xuống hồ sen. Đoàn dừng lại trước nhà bia vừa trùng tu vào giữa năm 2016 và nhẩm đọc những hàng chữ mà nhà sử học Phan Huy Lê đã chắp bút phụng soạn bài văn ghi gia thế và tôn vinh công trạng Ngài. Tôi dừng lại lâu hơn ở những dòng chữ cuối: “Nay với sự đóng góp tri ân của hậu thế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trùng tu, tôn tạo lăng Trường Cơ để mãi mãi ghi nhớ công lao sự nghiệp của một vị chân chúa khai cơ một vương triều, một anh hùng mở cõi của dân tộc Việt Nam”.
Vậy đó! Chân Chúa muôn đời vẫn là Chân Chúa. Anh hùng thì mãi mãi vẫn là anh hùng, huống chi Ngài còn là “một anh hùng mở cõi của dân tộc Việt Nam”. Hậu thế đã không và sẽ không bao giờ quên ơn của tiền nhân, vì đó là đạo lý và lương tâm của hai chữ con người. Còn sự phán xét của lịch sử sẽ phải công bằng cho dù qua một giai đoạn nào đó có bị đổi trắng thay đen đi nữa.
Hoa quả được bày lên bàn thờ, những CHS/NH nay tuổi đã trên 60 kính cẩn dâng lên Ngài nén hương tưởng niệm, tri ân và những lời khấn nguyện tự tâm can. Mong Chúa Tiên hiển linh phò hộ cho nguyện ước của thầy trò Nguyễn Hoàng sớm được hoàn thành; sớm có được một ngày vui - ngày hòa nước mắt trong nụ cười khi tên trường Trung Học Nguyễn Hoàng – Quảng Trị được phục hồi trên nền đất cũ.
Mà nguyện ước ấy chắc cũng không xa, vì các nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn đã đưa ra một số đề xuất để UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, quyết định: Dựng tượng đài chúa Tiên Nguyễn Hoàng; xây dựng Bảo tàng lịch sử thời chúa Nguyễn và thư viện mang tên Nguyễn Hoàng; đặt tên cho 1 ngôi trường mang tên Nguyễn Hoàng tại thị trấn Ái Tử (cùng với đó, đổi lại tên cho Trường Trung Học Nguyễn Hoàng ở thị xã Quảng Trị); xây dựng các công trình tưởng niệm: Đền thờ các chúa Nguyễn và công thần; tổ chức lễ hội “Ái Tử và hành trình mở cõi” theo định kỳ, trước mắt tổ chức lần đầu vào dịp kỷ niệm 460 năm chúa Tiên Nguyễn Hoàng định đô ở Ái Tử.
Sau khi chụp vài tấm ảnh lưu niệm, đoàn rời lăng Trường Cơ. Ánh nắng ấm áp, dịu dàng trải xuống vạn vật như tấm lòng vị Chúa Tiên nhân hậu gởi tình thương cho đám học trò một lòng, một dạ thủy chung như nhứt với ngôi trường mất tên nhưng chưa - và không bao giờ mất trong lòng những thầy cô, học trò từng một thời được mang hai chữ Nguyễn Hoàng đỏ thắm trên trên trái tim mình.
Xin cúi mình kính lạy từ giã nơi Ngài an nghỉ và cầu mong một ngày số lượng CHS/NH đông đảo và hớn hở, vui tươi về tế lễ lăng Ngài trong chuyến hội trường mang tên PHỤC HỒI TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG – QUẢNG TRỊ.
 
                                                                     Nguyễn Thị Liên Hưng(CHS/NH 69-75)
                                                                         

Trong hình ảnh có thể có: 7 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và ngoài trời
<Về lăng Chúa Tiên.docx>
<20620943_491523751200223_5882789958027730502_n.jpg>

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét