Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

TRƯỜNG HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC Q.TRỊ LÊ HỮU THĂNG


BẠN CÓ BIẾT,
NGÔI TRƯỜNG "HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC" ?
Nhân thắc mắc của nhiều bạn đã từng học trường HLNT :


  • " Chúng mình cùng học trường Hiền Lương Nghĩa Thục , thầy Thái Mộng Hùng làm hiệu trưởng , nhưng học bạ thì tên trường Khai Trí và hiệu trưởng lại là thầy Nguyễn Ngọc Bôi ?
    +Xin cùng nghe Thầy Lê Hữu Thăng trả lời :
Thưa Tất cả !
Tôi, Lê Hữu Thăng, một trong 5 thành viên vận động, sáng lập Trường HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC ( cùng quý Thầy Thái Mộng Hùng , Lê Văn Mãn, Lê Hữu Nam và Trần Kiêm Đoàn ) .
Lúc bấy giờ, tôi đang giữ chức Đại diện Hồng Thập Tự Vùng I, bên cạnh tôi có một Nhóm HTT Quốc tế..nên văn phòng chúng tôi luôn rộn ràng giao dịch với các tổ chức xã hội trong nước cũng như hải ngoại.
Chiến sự tạm ngưng, số người tỵ nạn trong khu vực Vùng I ước tính đã hơn 1 triệu người. Các tổ chức xã hội lúc bấy giờ đều nhiệt tình tham gia cứu trợ, đặc biệt cho người dân Quảng Trị với thực phẩm, áo quần, chăn mền...( nhưng không có chương trình hỗ trợ giáo dục ). Từ đó , tôi có dịp quen biết với ông Peter Down - Giám đốc Tổ chức Xã hội Tin Lành tại Việt Nam.
Trong một buổi giao hữu thân mật giữa thầy Thái Mộng Hùng, tôi và ông Peter Down ( ông này nói tiếng Việt rất giỏi), chúng tôi đã trình bày và xin ông hỗ trợ mở một trường trung học trong trại tạm cư...Đại khái tổng quát là như thế ! Sau đó, chúng tôi có hẹn gặp ông ta một buổi để trình bày chi tiết hơn.
Buổi họp được tổ chức vài ngay sau đó, có mời một số thầy cô giáo và ông Peter Down . Tôi là thuyết trình viên (tiếng Việt) và thầy Trần Kiêm Đoàn thông dịch những điểm cần thiết. Kết quả, ông ta rất hoan nghênh và đồng ý hỗ trợ 100% dự án, từ kinh phí điều hành đến lương bổng sinh hoạt cho một trường trung học từ lớp 6 đến lớp 11.
Lúc bấy giờ, Trường chia ra 2 khu vực Hoà Khánh và Non Nước. Trường được khai giảng vào tháng 8-1972 ( lúc này, các trường trung-tiểu học của Quảng Trị chưa hoạt động).. với tên trường HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC do thầy Thái Mộng Hùng làm hiệu trưởng. Đồng hành khai giảng với HLNT, có tổ chức 10 trường tiểu học được mang danh xưng Ái Tử 1 đến Ái Tử 10.
Cũng trong buổi họp và điều trần trên, khi bàn chuyện tiền phụ cấp giờ dạy cho gs , lấy tiểu chuẩn giờ dạy lúc bấy giờ là 130 đồng/giờ....ông Giám đốc tăng lên thành 200 đồng/giờ để góp phần chia sẻ thêm với thầy cô-người tỵ nạn.
Về Hải Lăng sau hồi cư , Trường tiếp tục hoạt động và phát triển tốt đẹp. Trường cũng là nơi hẹn hò của quý thầy Lê Mậu Tâm, Hoàng Văn Liệu, Lê Văn Mãn, Lê Ngọc Dinh, Trần Kiêm Đoàn, Lê Hữu Nam,... còn có Cha Nguyễn Ngọc Hàm dạy Pháp văn ( hiện ở Mỹ ), cha Trần Văn Thanh dạy Anh văn ( hiện ở Pháp) cũng tham gia giảng dạy.
Riêng tôi, vì quá lu bu công việc của Hồng Thập Tự Vùng 1, hỗ trợ cho HTT Huế, HTT Đà Nẵng, HTT Quảng Trị...liên tục lo vận chuyển tặng phẩm của các Tổ chức cứu trợ cho bà con kịp dùng trong những ngày đầu khó khăn..( Nhóm Hs. HTT như Mỹ Liên, Nguyễn Đức Bình, Lê Văn Chánh... đã tham gia cắm trại mấy tuần ở Mỹ Chánh và làm việc không mệt mỏi cho hoạt động này ! ) nên không có thời gian tham gia các hoạt động giảng dạy của nhà trường nữa !
** Tháng 7-1973, sau khi tái chiếm Quảng Trị, chương trình hồi cư được tiến hành, trường HLNT di chuyển ra Quảng Trị và hoạt động trên cơ sở mới vừa xây cất với quy mô 11 phòng, tường gạch, mái tôn, tọa lạc ở cầu Bến đá, xã Hải Trường, quận Hải Lăng.
** Lúc này, thầy Thái Mộng Hùng trở về chức vụ Chánh sự vụ Sở Học chánh Quảng Trị và thầy Nguyễn Ngọc Bôi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng nhà trường.
** Tháng 10-1974, trường chuẩn bị làm thủ tục để học sinh dự thi Tú tài nhưng vì danh xưng của trường HLNT chưa được Bộ Giáo dục phê duyệt nên trong hồ sơ phải dùng tên Trường Trung học Khai Trí - một ngôi trường có từ trước 72 và thầy Nguyễn Ngọc Bôi đã từng làm Hiệu trưởng.
Xin cám ơn đã theo dõi !
( @baolam đăng lại từ comment của thầy Lê Hữu Thăng )
***************
Ghi chú thêm của @baolam :
+Thêm vài chi tiết liên quan tới lai lịch hình thành và hoạt động của Trường Hiền Lương Nghĩa Thục của thầy Nguyễn Bảo :
- Tên trường HLNT do thầy Nguyễn Bảo đề xuất và được công nhận, tên trường thường gọi tắt là Trường Hiền Lương .
- Trường HLNT đã tổ chức Trại họp bạn toàn trường ở Lăng Cô và lấy tên là Trại Hoa Niên Độ. Tên trại do thầy Nguyễn Bảo đặt tên và cuộc họp phân công cũng đã được tổ chức tại nhà thầy Nguyễn Bảo trong Trại tỵ nạn Hòa Khánh.
-Thầy Nguyễn Bảo cũng đã tham gia giảng dạy các lớp 10B... của Trường HLNT từ đầu ở Trại TC Hoà khánh cho đến khi trường hồi cư về tại Tân Trường, Hải lăng.
************
+Trường Trung học Tư thục Khai Trí được một số nhân sĩ địa phương thành lập năm 1965 tại thôn Đại Hào , xã Triệu Đại, Triệu Phong . Đến năm 1971, Trường ngưng hoạt động vì lý do mất an ninh .
" Thật ra, để mở trường trung học tư thục Khai Trí, nhiều nhân sĩ Triệu Phong đã góp tâm huyết, công sức và của cải; có vị bỏ công vận động, lo thủ tục xin phép như cụ Hoàng Trọng Thuần, làng Phúc Lộc – một lương y thuốc Bắc, cụ Trần Văn Bân, làng Quảng Lượng – một trợ giáo, cụ Nguyễn Ngọc Duệ, làng Đại Hào – một giáo viên và ông Hoàng Xuân Tửu, tỉnh trưởng Quảng Trị thời đó dùng uy tín trong chính quyền đệ đạt đề nghị lên bộ Giáo Dục. Còn để xây trường, các vị sau đây đã góp cổ phần – mỗi cổ phần quy định là 50,000 đồng (theo thời giá lúc ấy, mỗi lượng vàng # 10,000 đồng, nếu trí nhớ của tôi còn tốt):
1- Bà Nguyễn thị Lan sinh 20/02/1892 tại thôn Đại Hào, góp một cổ phần (50,000 đồng);
2- Ông Trần Văn Thạnh sinh 01/02/1911 (1) tại thôn Quảng Lượng, góp nửa cổ phần (25,000 đồng);
3- Ông Nguyễn Văn Cổn sinh 01/6/1912 (2) tại thôn Đại Hào, góp một cổ phần (50,000 đồng);
4- Ông Nguyễn Ngọc Bôi sinh 08/4/1936 tại thôn Đại Hào, góp một cổ phần (50,000 đồng);
5- Ông Nguyễn Đình Viêm sinh (?) tại thôn Quý Lộc, xã Lộc Điền, quận Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, góp một cổ phần (50,000 đồng);
6- Ông Lê Văn Ngọc sinh 07/9/1940 tại Phú Cát, Thừa Thiên, góp một cổ phần (50,000 đồng).
Trường được xây dựng trên đất thôn Đại Hào; ông Nguyễn Ngọc Bôi được cử làm hiệu trưởng ..."
( Đoạn trong dấu "..." được trích từ một bài viết về trường Khai Trí của thầy Hoàng Đằng đã đăng trên trang Đồng môn Nguyễn Hoàng ngày 15.11.2018 để người đọc tiện tham khảo thêm ! @baolam )
+Ảnh minh họa trích từ Album ảnh " Thầy xưa - Bạn cũ " của trang FB Đồng môn Nguyễn Hoàng .
+Comment của Anh Tri : Xin nói thêm về các cổ đông của trường TH Khai Trí:
1-ông Trần Văn Thạnh là thân sinh của các chị Trần Thị Thuỷ An và Trần Thị Nghĩa, chs Nguyễn Hoàng.
2- ông Nguyễn Văn Cổn là thân sinh của các CHS NH : Nguyễn Văn Vinh, Trị, Hà, Tế.
3- Ông Nguyễn Đình Viêm và Lê Văn Ngọc vừa là cổ đông vừa là giáo sư dạy trường Khai Trí. Không rõ các thầy này có dạy trường NH không.
Ngày xưa cha ông và thầy cô chúng ta làm những điều vô cùng ý nghĩa và góp công sức cho việc học tập của thế hệ trẻ. Mừng thay cây tốt có được quả ngọt phải không quý anh chị?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét