Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Đích Tôn - Văn Quang



ĐÍCH  TÔN
Văn Quang

Ngày xuân đang đến gần. Không khí Tết lan toả khắp đất trời. Trong làng ngoài xã đang nao nức chờ đón xuân về. Ông Danh nằm trơ trọi trên chiếc giường đơn ở góc nhà, rên hư hử. Ông thèm đọi nước chè xanh đậm đặc mà thời trai trẻ ông đã từng thưởng thức mỗi khi gánh lúa từ ruộng về. Bà Nghĩa, vợ ông là người nội trợ đảm đang, thương yêu và chiều chồng rất mực. Đọi nước chè không những để chồng giải khát khi lao động mệt nhọc mà còn chứa đựng cả tình yêu nồng thắm của bà dành cho ông. Thế mà mùa đông vừa qua bà đã bỏ ông mà đi. Âu cũng là số trời đã định. Nhưng ông thương tiếc khóc than khản cả tiếng, và từ ngày vắng bóng bà ông đã buồn rầu đến quên ăn bỏ ngủ! Đàn con cháu lo xong đám tang bà Nghĩa lại ra đi mỗi đứa mỗi đường, không những vì bận công việc làm ăn mà còn do sự bất hoà giữa anh em chúng. Ông buồn vì thương nhớ vợ một phần, một phần vì cảnh nhà hoang vắng, quạnh quẽ; lại một phần nữa vì ông bất lực không giải quyết được việc gia đình. Trong nhà chỉ còn ông và đứa con trai trưởng, năm nay nó đã xấp xỉ tuổi bốn mươi, có vợ cũng coi như không. Chiều nay nó đi ra trạm y tế xã mua cho ông mấy viên thuốc trị hen suyễn, mấy viên thuốc giảm đau để ông đỡ rên rỉ, trằn trọc sau nhiều đêm dài không ngủ được. Ông khát nước đến khô cổ khô họng mà không thấy con về, ông kêu vói qua nhà hàng xóm nhưng không thấy ai chạy lại. Mọi người đang tất bật chuẩn bị ăn tết, đón xuân.
Ông bà Danh sinh hạ đến sáu người con, hai trai bốn gái. Đông con thì phải chịu nghèo nhưng họ vẫn thấy hạnh phúc vì nghĩ rằng rậm người hơn rậm của. Thế nhưng ở đời thường khó có cái hạnh phúc tuyệt đối. Sơn là con trưởng, đáng ra phải có con trai nối dõi tông đường. Thế mà anh cưới vợ đã gần mười năm vẫn chưa sinh cho ông bà đứa cháu đích tôn. Có người đến xúi vợ chồng ông Danh hãy bảo Sơn ly dị vợ, hoặc đi “cải thiện” đâu đó để kiếm đứa con riêng. Bà có vẻ đồng tình, nhưng ông thì quả quyết rằng không, vì ông biết chắc Sơn không có khả năng sinh con do di chứng của căn bệnh anh mắc phải thời còn nhỏ. Biết vậy nhưng sợ bà Nghĩa buồn nên cha con ông giữ kín chuyện này. Vợ chồng Sơn tuy không có con nhưng sống với nhau rất hạnh phúc, Sơn hết mực thương yêu, nể trọng vợ vì chị biết cách ăn ở với cha mẹ chồng, với bà con làng xóm. Thế mà miệng lưỡi người đời độc địa lắm, họ châm chọc đủ điều. Đi đâu Liên cũng nghe người ta nói bóng nói gió: “Có chồng mà nỏ có con, khác gì hoa nở trên non một mình!” khiến chị  nhiều lúc phải nghĩ ngợi và buồn tủi! Những kẻ vô công rồi nghề cứ tò mò soi mói: Chắc tại thằng Sơn bất lực? Lắm lúc Sơn nghĩ thương vợ vô cùng, do mình mà Liên không có được chức năng làm mẹ. Thiên hạ nói vào nói ra đã đành, anh chị em trong gia đình cũng họp nhau xúi bậy. Sơn cố tìm cách nào đó để làm cho vợ được hạnh phúc. Một hôm trời đã về khuya, nằm âu yếm bên nhau, Sơn mạnh dạn trao đổi với Liên điều mà anh biết khó lòng chị chấp nhận. Anh quàng tay ôm vợ và âu yếm nói:
-  Em, chúng ta đã đi khám đủ nơi để hòng sinh được đứa con cho vui lòng mọi người, nhưng không có kết quả. Như em đã nghe bác sĩ nói, điều bất hạnh này là do anh. Em hãy thông cảm cho anh nhé! Nhưng còn đời em, hay là ... chúng ta chia tay nhau để em đi tìm kiếm tương lai?
Liên khóc thút thít trong đêm tối. Chị kịch liệt phản đối điều đó và thề chung sống với anh trọn đời. Liên bảo duyên số và tình nghĩa vợ chồng đã cột hai người vào với nhau thì dù trong hoàn cảnh nào chị cũng quyết không bỏ anh. Sơn im lặng một lúc, đợi khi Liên thôi khóc, anh đánh bạo trao đổi với Liên qua một hướng khác:
-  Hay là chúng ta vẫn ở với nhau nhưng cho em kiếm con với ai đó, rồi vợ chồng mình cùng nuôi dạy nó trưởng thành để lúc về già mà nhờ. Ai hỏi thì mình bảo là chữa trúng thầy trúng thuốc, hoặc nhờ bệnh viện cho thụ tinh trong ống nghiệm mà sinh được con… Thiếu chi cách để giải thích với thiên hạ!
Ý kiến này cũng không thuyết phục được Liên. Chị nghĩ rằng  điều gian dối không đánh lừa người ta mãi được, rồi sẽ mang tiếng có chồng mà đi lấy trai, gia nương bên chồng biết được thì làm sao sống nổi! Sơn thấy vợ kịch liệt phản đối nên đành dịu ngọt dỗ dành:
- Thôi thì tuỳ em. Anh không nhắc lại chuyện này nữa, miễn sao vợ chồng ta sống hạnh phúc bên nhau.
Liên ôm chặt chồng và đáp nhỏ:
-  Dạ, thế nghe anh. Ở đời, hạnh phúc cũng có ba bảy đường. Miễn chúng ta yêu nhau, hiểu nhau và biết chia xẻ niềm vui nỗi buồn cho nhau thì bốn mùa trong năm đều là mùa xuân, anh ạ.
 - Tuy đồng ý với vợ như thế nhưng lòng Sơn không bao giờ thanh thản, anh thấy thiệt thòi cho vợ thì không đành lòng nên cố nghĩ ra một cách nào đó để Liên có được đứa con.
- Có lúc chị bàn với chồng xin đứa con nuôi thì Sơn không chịu. Anh nghĩ, nếu vợ sinh được đứa con thì mình ẳm bồng nó có vẻ thân thiết hơn, xem con vợ như con chồng. Xin con người ta về nuôi đến khi khôn lớn rồi nó “lò dò cò bay” có phải uổng công không?
- Về phần Liên, tuy bề ngoài chị nói thế nhưng trong lòng vẫn thấy buồn. Những lúc chồng có việc đi xa, chị ở nhà lủi thủi một mình trong căn nhà vắng lạnh thì nỗi buồn lại tăng gấp bội. Trong thâm tâm, chị vẫn thèm khát có được một đứa con. Có lúc Liên nằm mơ thấy mình đang chăm con, cho con bú và thỏ thẻ trò chuyện với nó…
Mỗi lần Sơn thấy nỗi buồn hiện rõ lên nét mặt vợ, anh thương xót lắm. Lại một lần nữa, Sơn  trao đổi với Liên:
- Anh đã có bàn với chị em gái của em về chuyện anh nói trước đây, mọi người đều đồng tình ủng hộ. Em hãy mạnh dạn lên!
Liên bảo:
- Em ngại lắm. Gia đình bên anh biết thì sao? Hơn nữa, bây giờ anh thương em mà nói thế nhưng lỡ khi sinh đứa con ra anh lại trở mặt trở trái đuổi em ra khỏi nhà thì còn hạnh phúc nữa không?
Sơn thấy vợ đã có phần thuận theo nên đáp quả quyết:
- Anh lấy hết danh dự của người đàn ông và người chồng thề với em rằng nếu sau này anh nuốt lời, phản bội em thì xin trời đánh nát thây anh ra!
Nghe Sơn nói vậy, Liên liền can:
- Anh không được thề độc địa như thế. Anh mà chết thì em ở với ai?
- Thế thì hãy vâng lời anh đi, thương anh thì hãy thực hiện điều anh đề nghị.
  Chị im lặng, đưa mắt nhìn xa xăm. Sơn giục:
- Hứa với anh đi, cưng!
 Liên ngước mắt nhìn chồng, khẽ khàng đáp:
- Dạ.
- Sơn ôm vợ vào lòng, bày tỏ sự cảm thông.
Dỗ được vợ rồi, bây giờ việc còn lại là Sơn phải tạo cho Liên hoàn cảnh thuận lợi. Một buổi tối, anh bàn với vợ:
Chuyến này anh vào Nam một thời gian xem có việc gì làm cho vui và kiếm thêm thu nhập. Những ngày nông nhàn ở nhà rảnh rang bọn bạn bè đến rủ đi uống vừa hết tiền vừa say sưa mệt lắm.
Liên cũng có phần hiểu ẩn ý của chồng nên càng thấy thương anh nhiều hơn. Thời gian anh vắng nhà, có người dàn cảnh để Liên gặp  người đàn ông đã từng yêu chị trước đây, và sau đó anh này đã vụng trộm đi lại với chị. Liên miễn cưỡng chấp nhận và đành có quan hệ bất chính với người ấy. Nhưng chuyện vụng trộm ấy làm chị cảm thấy ân hận và luôn mang mặc cảm tội lỗi. Liên tưởng chừng như ai cũng nhìn thấy quan hệ bất chính của mình! Mối bận tâm cứ đeo đẳng Liên nên chị thường ở nhà và ít tiếp xúc với người khác.
Một tháng sau Sơn trở về, anh xem như ở nhà không có chuyện gì xảy ra. Lúc vợ chồng vào giường, chị thấy lương tâm cắn rứt nên tự dưng nước mắt tuôn trào. Sơn dò hỏi thì chị khai hết mọi chuyện. Anh không tỏ ra ghen tức mà bày tỏ sự thông cảm thiệt tình với vợ. Thế rồi, đến kỳ kinh nguyệt, chị không thấy hiện tượng bình thường hàng tháng xảy ra; trể kinh một tuần, hai tuần, chị bắt đầu bối rối lo âu. Khi trể kinh gần một tháng, Liên thực sự hoảng hốt, chị lẳng lặng đi bệnh viện khám. Bác sĩ báo cho Liên biết là chị đã có thai. Liên lo lắng, vội về nhà báo kết quả với Sơn để dò xem phản ứng của chồng thế nào. May thay, Sơn cứ thản nhiên và tỏ vẻ vui mừng. Anh lựa lời trấn an những nỗi lo âu của vợ. Sơn âu yếm nhìn Liên và nói:
Việc em mang thai là hoàn toàn do ý muốn của  anh, trăm sự cứ để anh liệu, không lo gì hết. Nay em có kết quả như thế là đáng mừng rồi. Anh hứa sẽ cùng em nuôi nấng nó chu đáo đến trưởng thành. Con em rứt ruột đẻ ra cũng là con anh, chúng ta nuôi nấng nó có phải mặn mà hơn xin đứa con nuôi do người khác đẻ không?
Liên vẫn áy náy không yên, nghĩ đến bao rắc rối sau này, lại còn thằng cha đó, nó có giữ kín chuyện cho mình không? Chị oà khóc to tiếng. Sơn lại dỗ dành:
-  Em yên tâm đi, cá oi ai vào oi mình là cá mình, thiên hạ đã nói thế mà, em hiểu chưa? Anh hứa giữ kín chuyện này đến suốt đời. Có anh đây, thằng ấy không dám nói gì đâu. Hắn cũng phải kín miệng kín mồm kẻo tan nát việc nhà của nó chứ! Vậy, chẳng có gì để em phải lo lắng nữa.
Liên thầm nghĩ: Sự thể đã đến thế này thôi đành chấp nhận vậy, dù sao mình vẫn có con để nuôi dưỡng, bầu bạn với nó khi Sơn vắng nhà! Nghĩ vậy, chị thấy lòng thư thái hơn.
Từ ngày Liên mang thai, gia đình chồng nhìn chị với con mắt đầy ác cảm. Xóm làng dị nghị, họ đoán già đoán non và trông ngày chị sinh con để xem đứa bé giống ai. May thay, thằng bé sinh ra có nét hao hao giống mẹ nên việc đồn đoán của mọi người trở thành vu vơ, không căn cứ. Riêng vợ chồng Sơn thì bỏ ngoài tai tất cả. Thằng cu Phúc nhờ trời ăn chơi khoẻ và lớn nhanh. Sơn chăm con chu đáo đến nỗi dần dần người ta nghĩ có lẽ nó là con đẻ của anh, ít ai còn dư công ngồi lê đôi mách chuyện ấy nữa. Thế mà một hôm anh bồng con qua nhà hàng xóm chơi, cô chủ nhỏ của ngôi nhà buột miệng hỏi:
-  Chú Sơn, thằng Phúc con chú hay con ai rứa?
Sơn tức lộn ruột và trả lời bốp chát:
-  Con của cha mi đó!
Cô bé cũng gan lì:
-  Có thiệt con cha tui không để tui nói cha tui qua bồng về?
Sơn lại càng điên tiết:
-  Ừ, nói cha mi qua đi, tau đập bể đầu cha mi ra cho mà coi!
Nói xong anh phủi đít bồng con về, không thèm nghe cô chủ nhà nói thêm gì gì nữa.
Con bé đem chuyện này kể lại cho nhiều người nghe, họ rút kinh nghiệm nên không còn dám hỏi đùa, nói mỉa về cu Phúc trước mặt anh.                                            *
Bà Nghĩa ốm đã gần hai năm, mỗi lúc sức khoẻ bà mỗi yếu dần và đã nằm liệt giường gần ba tháng nay. Một mình ông Danh không chăm sóc nổi nên vợ chồng Sơn phải bỏ bớt công việc nhà qua nuôi mẹ. Tiếng rằng ông bà có cả bầy con trai con gái đùm đề, nhưng chúng đều đi làm ăn xa: đứa ở Huế, đứa Đà nẵng, đứa ở tận Sài gòn... Rút cuộc chỉ nhờ được con dâu trưởng. May mà thằng cu Phúc đã đi học mẫu giáo, và lúc ở nhà thì Sơn lo chăm sóc con để vợ qua nuôi mẹ: từ ăn uống, thuốc thang đến vấn đề vệ sinh, hầu như  chị phải phục vụ trăm phần trăm.
Đến một hôm bà Nghĩa bỏ ăn, y sĩ trạm xá bắt mạch thấy yếu lắm. Vợ chồng Sơn không yên tâm đành báo cho anh chị em các nơi về. Hôm nay có được một ngày gia đình đoàn tụ đông vui vì bệnh tình bà Nghĩa có vẻ bớt nguy kịch. Họ ngồi xúm quanh bà và trò chuyện rất tự nhiên, vì họ nghĩ rằng quy luật sinh - lão -bệnh - tử ở đời không ai tránh khỏi; mà nay bà Nghĩa đã ngoại bát tuần, rủi bà có ra đi thì cũng là chuyện bình thường. Chị em sẽ xúm vào mà lo đám mẹ cho tròn đạo nghĩa.
Nhờ có người trực thay, Liên được về nhà với chồng và cu Phúc. Mấy anh chị em ở bên nhà ông Danh đem chuyện lo hậu sự cho bà Nghĩa ra bàn, vì biết chắc rằng chẳng bao lâu nữa bà cũng sẽ ra đi. Bà chị cả là người chủ xướng và chủ toạ của cuộc thảo luận. Trong nhiều chuyện được bàn tính, có chuyện phân ngôi thứ, mua sắm áo tang.  Lâu nay, tuy không nói ra nhưng bà này đã có trao đổi riêng với Hải, em trai của Sơn, về chuyện đích tôn, thừa trọng. Bà ta bảo:
-  Chị không tin thằng Phúc là con của Sơn.
Hải đáp nhanh:
-  Thì có ai tin đâu. Chẳng qua là giữ kín chuyện cho êm việc gia đình, xóm làng khỏi chào xáo.
-  Chị nghĩ thế này:
-  Em có con trai đàng hoàng. Con em mới chính là đích tôn của cha mẹ, không thể để cho thằng con ai không biết lại vào đứng làm đích tôn lạy giữa bàn thờ tổ tiên nhà mình, rồi thiên hạ người ta cười cho.
Như gãi đúng chỗ ngứa, Hải đồng tình ngay. Anh ta nghĩ Sơn không có con mà con trai mình không được làm đích tôn là điều vô lý, rồi sau này cha mình qua đời thì nhà cửa, đất đai của cha mẹ lại rơi vào tay con thiên hạ!... Biết thế, nhưng cái khó là bây giờ ăn nói làm sao với vợ chồng Sơn đây?
Hôm sau hai chị em đem ý đồ đã bàn sẵn thông qua với các thành viên trong gia đình, chỉ trừ vợ chồng Sơn và ông Danh. Họ nhất trí phải làm cho rõ trắng đen chuyện này, không thể để ú ớ mãi được. Một hôm, họ bố trí Sơn qua nhà ông Danh trực chăm sóc bà Nghĩa, còn Liên thì được ở nhà để tiếp mấy chị em. Họ bàn nhau mời một ông thầy bói đến để xem quẻ về gia sự. Trước hết là coi tuổi thọ của ông bà Danh. Thầy phán:
- Bác trai thì còn thọ lắm, ít nhất cũng được trên cửu tuần, con cháu cứ yên tâm; nhưng bác gái sợ e không qua khỏi tuổi 84. Số trời định vậy, các người đừng lấy làm buồn. Xong quẻ của ông bà Danh đến lượt xem quẻ cho bà chị cả. Chuyện gia đình của chị ông thầy nói vanh vách không sai một chi tiết nhỏ. Lần lượt hết người này qua người khác, xem xong ai cũng khen thầy giỏi, xin thưởng tiền. Chị Liên thấy thầy nói hay quá nên cũng ngại, không dám đặt quẻ; nhưng cả mấy chị em giục mãi nên chị cũng đành để cho thầy cầm tay xem số mạng.
Ông thầy nói loanh quanh những chuyện tình nghĩa vợ chồng, chuyện làm ăn, chuyện chị về phục vụ nhà chồng giỏi giang thế nào... Thầy nói đến đâu chị vâng đến đó, bụng thầm nghĩ ông thầy nói như có con ma mách bảo vậy. Sau cùng ông nói về đường con cái:
- Nói chung, vợ chồng chị sống rất hạnh phúc, gia nương nể trọng, làng xóm yêu thương, duy chỉ có điều này nói ra thì nghe không hay lắm, nhưng đây là sự thật. Về đường con cái thì anh chị gặp nhiều trắc trở oái oăm. Nói chị đừng buồn, gia đình đừng giận tôi, chứ quả thực số anh chồng chị là vô tự!
Chị Liên bỗng tái mặt, tim đập mạnh; mấy anh chị em họ thì tỏ vẻ nôn nóng và cố cãi lời thầy:
Vợ chồng người ta có con trai đàng hoàng sao thầy nói bậy thế? Thầy không tin thì chúng tôi đưa cháu về đây cho thầy xem!
Ông thầy lại nhất mực quả quyết:
- Tôi nói không đúng, tôi bỏ nghề luôn. Các người đừng lừa tôi. Cái số cái mạng đã ứng vào quẻ thì thánh cũng không cãi được huống là người! Ông quay nhìn thẳng vào mặt Liên và nghiêm nghị hỏi:
- Có đúng thế không chị Liên, nói đúng thì tôi xem tiếp cho, tương lai của anh chị còn dài,  tôi sẽ bày cho cách cúng bái để gia đình được êm ấm, hạnh phúc.
Chị Liên vốn là dân quê chất phác, thiệt thà như cục đất, nghe lời nói quả quyết của ông thầy bói cộng thêm những lời phụ hoạ của mấy chị em nhà chồng, chị cảm thấy hoang mang lo sợ, tưởng như họ đã biết hết chuyện bất chính của mình. Chị Liên còn lưỡng lự, ấp úng thì họ hối thúc Liên hãy nhận đi để thầy coi tiếp cho. Chị nghĩ nếu họ biết cả rồi, mình chối cãi cũng vô ích, thôi thì ừ đại đi để xem thử ông thầy có nói thêm những gì tốt lành cho vợ chồng mình không.
Lúc này một người đàn ông trạc tuổi trên 60, ăn mặc chỉnh tề, từ ngoài sân đằng hắng giọng và bước vào. Ông hỏi nhà có chuyện gì mà đông người, chuyện trò rôm rả thế? Họ trả lời đang xem bói, và ngỏ ý mời ông cùng xem một quẻ cho vui, họ tình nguyện trả tiền đặt quẻ cho. Ông này đồng ý, ngồi chờ đến phiên mình. Ông thầy nói tiếp về quẻ của chị Liên:
Theo như trong quẻ thì quả thực chị có sinh con, nhưng đứa con này là ngoài giá thú. Hãy nuôi dưỡng nó chu đáo để sau mà nhờ.
Chị Liên nghe nói phải nên ngoan ngoản dạ đáp lại lời khuyên của thầy.
Người đàn ông mới đến nghe chuyện, tò mò hỏi:
-  Sao thầy nói vậy? Hai vợ chồng lấy nhau có giá thú đàng hoàng mà!
Người chị cả đáp:
- Thưa bác trưởng họ, sự thật là vậy đó. Cậu Sơn nhà cháu rủi ro không có khả năng sinh con, mợ Liên đi cải thiện và may sinh được cháu Phúc, chúng cháu xem nó như là ruột thịt của mình. Nhờ có thêm cháu Phúc, vợ chồng cậu mợ Sơn thêm vui cửa vui nhà.
Đến lượt coi cho ông trưởng họ, ông thầy nói mấy lời qua quýt, mọi người hùa nhau nói đúng đúng rồi trả tiền quẻ cho thầy và tiễn thầy bói cùng ông trưởng họ ra về. Chuyện coi bói đêm hôm ấy đã làm thoả mãn ý đồ của các anh chị em trong gia đình. Họ sắp đặt vỡ diễn quá khéo nên một người đàn bà chân quê như Liên mắc mưu cũng là chuyện dễ hiểu. Sau khi đã lỡ lời thú nhận với thầy bói cũng như với mọi người trong gia đình chồng, chị Liên đâm ra lo sợ, biếng ăn biếng ngủ, không dám thuật chuyện với chồng. Hàng ngày chị vẫn phải chăm lo cho sức khoẻ của bà Nghĩa, vì sau mấy ngày về thăm mẹ, thấy bà chưa “đi” nên họ khăn gói lên đường, ai về nhà nấy. Gánh nặng chăm nuôi người bệnh lại trút lên đầu vợ chồng Sơn, mà chủ yếu là Liên.
*
  Sức khoẻ bà Nghĩa ngày càng kiệt quệ và bệnh lại càng tăng. Bà chỉ cầm cự thêm được một tháng rồi qua đời. Rõ ràng bà không qua được tuổi 84, đúng như lời thầy bói đoán!. Bà đã trút hơi thở cuối cùng bên cạnh chồng và đứa con dâu trưởng, vì lúc này Sơn đang đi bưu điện báo tin hấp hối cho các anh chị em về.
Đám tang được tổ chức trọng thể, con cháu họp nhau phân công mỗi người một việc, ai cũng hứa sẽ lo chu đáo phần việc của mình, làm sao để xóm làng đừng chê trách. Đến giờ làm lễ thành phục, trên loa phát thông báo cho toàn thể con cháu nội ngoại chuẩn bị sẵn sàng vào nhận quần áo tang. Để tránh mặc sai cỡ, người ta đã cẩn thận ghi tên cụ thể vào áo mỗi người.      
Lúc Sơn đưa con trai vào nhận mũ áo thì chỉ có một bộ đã ghi tên sẵn “của cháu Đức”, Đức là con trai của Hải. Sơn thấy nóng trong người, hỏi lớn:
-  Mũ áo thằng Phúc đâu? Mũ áo con tau đâu?
Có tiếng thản nhiên đáp lại, tuy nhỏ nhưng đủ để Sơn nghe:
- Nó có phải con cái chi của gia đình này mà cho mặc áo với đội mũ!
Sơn tức điên người, thét lớn:
-  Đứa nào nói vậy, đứa nào? Tao đập chết bây giờ! Đem áo mũ của con tau ra mau! Nếu không có thì chưa làm lễ thành phục được. Tao chịu tiếng bất hiếu cũng đành!
Anh bồng con chạy quanh nhà la toáng lên làm cả đám đông nháo nhác, hoảng loạn.
Mấy chị em thấy Sơn phản ứng mạnh quá, sợ xảy ra chuyện lớn nên họ âm thầm bàn nhau xuống nước. Họ bảo người đi đặt quần áo tang đến nhận lỗi, viện lẽ do sơ suất nên đặt mua sót phần của cháu Phúc, xin bổ sung ngay. May mà nhà tang cũng gần tiệm bán quần áo nên chỉ mười phút sau cu Phúc cũng có được mũ áo mặc và ra đứng bên cạnh cu Đức để làm lễ thành phục cho bà nội. Sơn căm tức lắm, nhưng đang việc tang mẹ nên anh đành miễn cưỡng nuốt giận, tạm cho qua chuyện.
Đám tang bà Nghĩa xong, gia đình họp lại để rút ưu khuyết điểm.
Trong nhiều điều trao đổi ấy, Sơn hậm hực nêu trở lại chuyện không mua quần áo tang cho cu Phúc. Lúc này Hải im hơi lặng tiếng, đùn đẩy hết cho bà chị cả. Chị ta dõng dạc nói:
-  Cậu Sơn này, xin cậu hãy bình tâm, sự thật thì không thể che giấu mãi được, con mắt người đời họ sáng suốt lắm. Chị và gia đình cũng thương cậu mợ lắm chứ. Vì vậy thời gian qua cứ để yên việc này, nhưng vừa qua mợ Liên đã công khai nhìn nhận cháu Phúc là con ngoài giá thú rồi...
Sơn trố mắt ngạc nhiên ngắt lời chị:
-  Chị đừng nói bậy, chị muốn phá hoại hạnh phúc gia đình tui hả? Bằng chứng đâu?
Chị cả đáp:
- Lần trước cả mấy chị em về thăm mẹ, có rủ nhau xem bói, ông thầy nói cậu không có con, thằng Phúc là con riêng của mợ Liên.
-  Chị tin đồ thầy bói nói đui à? Vợ tôi trả lời thế nào?
-  Mợ ấy nhận là đúng!
-  Chị đừng đặt điều vu khống, vợ tôi không bao giờ nói thế.
-  Cậu không tin thật sao? Ngoài mấy anh chị em trong gia đình còn có cả bác trưởng họ nghe nữa, ba mặt một lời chối đâu cho lọt! Cậu về hỏi mợ Liên thì rõ.
Sơn buồn giận, hậm hực bỏ về nhà tra khảo vợ.
Chị Liên chối mãi không được đành khai hết sự thực ra. Chị kể lại cách dàn dựng vở diễn để đưa chị vào tròng khiến chị lỡ lời thú nhận sự thật, ngay cả chuyện mời ông trưởng họ đến xem bói cũng do họ sắp đặt để chứng kiến lời khai của chị kẻo họ sợ sau này chị chối cãi. Liên uất ức vô cùng; chỉ vì thuận theo ý muốn của Sơn mà bây giờ chị phải chịu tiếng mang lời với gia nương và thiên hạ!
 Sơn thấy anh chị em đã tàn tệ, lại một phần do vợ quá thật thà, dại dột mà làm hỏng cả hạnh phúc gia đình, thiên hạ lại có dịp mỉa mai, châm chọc anh. Lòng tự ái của con người khi vượt quá giới hạn thì không sao kiềm chế được nữa. Uất ức quá, anh điên tiết mắng chửi vợ một hồi rồi bỏ ra quán rượu, uống say lại về nhiếc mắng và đánh đuổi vợ ra khỏi nhà. Biết mình sai, chị đành chịu nhịn, chịu đánh đòn, nhiều lần Liên lủi thủi bồng con đi rồi lại bồng về, cố chịu đựng để được sống với anh, vì chị biết chắc rằng Sơn luôn yêu thương mình. Tin vợ Sơn lấy trai có con riêng bây giờ thì đã rõ rành rành. Người ta truyền tai nhau nói cốt để cho sự che giấu của vợ chồng Sơn bấy lâu trở thành trò lố bịch. Sơn càng nghe bao lời đàm tiếu càng buồn giận vợ, suốt ngày không tưởng chuyện làm ăn, cứ la cà quán rượu, rượu say là về đánh đuổi vợ.
Cuối cùng, không chịu đựng được nữa, Liên đành phải bồng con ra đi, trong tay không một đồng dính túi! Từ ngày tức giận vợ, Sơn đã cất giữ hết tiền bạc, của cải,.. không cho chị lấy mang đi một thứ gì. Chị Liên ra đi mà không biết sẽ đi đâu! Nhưng chị quyết một điều là cứ liều mạng, nhắm mắt đến bất cứ chân trời góc biển nào chứ không thể sống trong cái làng cỏn con đầy định kiến và xoi mói này.
*
Từ ngày vợ chết, ông Danh thấy hụt hẫng. Khi bà còn sống tuy ông phải chăm sóc vất vả nhưng vợ chồng vẫn nhìn thấy nhau, hôm sớm ông bà có nhau vẫn thêm ấm áp tình đời. Mấy hôm gần Tết, ông thấy càng buồn hơn. Chưa có khi nào lòng ông cô đơn trống vắng như hôm nay. Mấy đứa con, đứa cháu ở xa không về ăn Tết với ông, chúng bảo mới về đám tang xong nên xin ông miễn cho một năm đã. Vợ chồng thằng con ở Huế thì chạy về thắp hương cho bà Nghĩa, và nhét vào túi ông mấy trăm ngàn nói là để cha thuốc thang bồi dưỡng, rồi lại quay xe ra đi, viện cớ còn lo giải quyết nhiều việc cuối năm.
Từ ngày đuổi vợ đi, Sơn đóng luôn cửa nhà riêng để về đây chăm sóc ông Danh. Một mình Sơn lo tất bật mọi việc, từ chợ đò, bếp núc đến chạy chữa thuốc thang cho ông. Chiều nay nghe cha bảo cơn suyển lên chận ở họng không thở được, Sơn lo lắng đi đến trạm y tế xã. Thấy trạm đóng cửa, anh đạp xe chạy thẳng lên các hiệu thuốc trên phố. Mãi đến lúc trời sẩm tối vẫn không thấy Sơn về, ông Danh nằm co ro, trăn qua trở lại thấy thân xác mỗi lúc mỗi đau thêm. Càng đợi Sơn, ông càng lo lắng, không biết nó có ghé vào quán rượu nào không, có say sưa rồi gây ra tai nạn dọc đường không! Mà lỡ nó có chuyện gì thì cái thân già yếu, bệnh hoạn này biết cậy vào ai lúc tử thần chưa đến mang đi!. Nghĩ thương phận mình, thương thằng con trai, lại  thương cả mẹ con Liên. Vào những ngày thiên hạ vui tết đón xuân này không biết mẹ con nó đang trôi dạt phương nào... Mà ông thương cũng phải, vì rõ ràng trong mười mấy năm về làm dâu ở cái nhà này, Liên lo chu tất mọi việc nhà chồng từ ngày đơm tháng kỵ đến chăm lo cha mẹ chồng không khác gì cha mẹ đẻ. Thế mà bây giờ... Nghĩ đến đây tự dưng hai dòng nước mắt lăn dài xuống má ông. Ông buột miệng kêu lên trong khoảng không vắng lặng:
- Con ơi là con, cháu ơi là cháu, đích tôn ơi là đích tôn! Tan nát hết rồi. Ngu cả lũ. Tau đã can bây mà chẳng đứa nào chịu nghe. Có biết bao cách làm hay hơn bây lại không làm! Nếu khôn khéo hơn một chút có phải trong ấm ngoài êm, gia đình đoàn kết không? Thằng Phúc nó đứng lạy mẹ chúng bây một lạy cũng phải đạo nghĩa ở đời, mất chi bây ngăn cấm? Cái nhà cấp bốn này với mấy trăm thước đất màu cằn cỗi  có đáng để bây bày trò làm cho vỡ đàn tan nghé như thế không? Cha bây ốm đau nằm than thở một mình, thằng Sơn mất vợ mất con, phải bỏ nhà bỏ cửa, qua lo phục vụ cho tau, bây có sướng không? Tau mà chết đi thì thằng Sơn côi cút một mình trong hai căn nhà trống lạnh, hắn đau ốm ai cho hắn bát cháo cầm hơi ...? Ông hét lên một tiếng thật to rồi ho sặc sụa một hồi và nằm ngất lịm.
Sơn mang thuốc về nhà thì ông Danh đã tắt thở. Anh van làng van xóm. Làng xóm lúc này đang nô nức ăn Tết, đón xuân. Những người ở cạnh nhà chạy qua chứng kiến thảm cảnh này, nói đôi lời chia buồn, an ủi Sơn rồi họ lại vội vàng chạy về lo cỗ cúng tất niên. Xuân của đất trời đang mang hạnh phúc đến cho mọi nhà, chỉ trừ nhà cha con ông Danh; Sơn chưa biết tính sao về đám tang cha vào lúc năm cùng tháng tận này! Anh gục đầu vào ngực cha khóc thổn thức:
- Cha ơi! Từ nay đời con không bao giờ còn nhìn thấy mùa xuân!
TX. Quảng Trị, cuối thu Nhâm Thìn-2012
VQ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét