Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Thầy Hoàng .Đằng các bài viết ...




Gồm các bài viết: 
  3. Suy nghĩ sau một buổi  ra ngoài  2. Sông Hiếu Giang  1. Trường Bán công Đông Hà ..

SUY NGHĨ 
SAU MỘT BUỔI RA NGOÀI
Hoàng Đằng - TP. Đông Hà
 
Sáng ngày 23/01/2013 (12/12/Nhâm Thìn), lão được một người quen từ xa về rủ đi Cam Lộ chơi. Cam Lộ cách Đông Hà, nơi lão ở, chỉ khoảng 12 km, vậy mà đã hơn 10 năm rồi, lão không đến đó. Nực cười là mỗi khi có bà con, bạn bè từ nước ngoài về, lão hỏi họ có đi thăm anh A, chị B ... không dù lão biết họ sống cách nhau hàng chục giờ bay. Lão lẩm cẩm cứ tưởng ở hải ngoại người ta không làm gì hết chỉ dành thời giờ đi thăm nhau. Lão quê thiệt!

Ở tuổi này, lão nghe ai “cù” đi chơi là mừng quýnh, thoát khỏi tù túng trong con đường hẻm, trong ngôi nhà nhỏ.

Người quen của lão 80 tuổi rồi. Ông ở xa, nghe nói ở Cam Lộ có Trung Tâm Phục Hồi Chức Năng Trẻ Nhiễm Dioxin. Ông muốn đến để làm một chút từ thiện. Ông tặng Trung Tâm một số tiền nhỏ, nhờ sư bà Nguyệt Liên – người điều hành Trung Tâm – mua giúp 50 chiếc chăn phát cho các trẻ, số tiền còn lại ông muốn sư bà chi tiêu vào việc điều hành, nhưng sư bà cũng chia ra, bỏ phong bì lì xì mừng Tết cho các cháu.

 Nhóm thiện nguyện cùng Thầy lên tặng quà cho các cháu khuyết tật tại TT phục hồi chức năng Tịnh Xá Ngọc lộ Cam Lộ.Ảnh Trái sang : ACETN. Nguyễn Thị Liễu,Thầy Lê Hữu Thăng, Đinh Quang Tạo, Lê Hóa, thầy Hoàng Đằng,Lê Mậu Trãi, Văn Thiên Tùng
Trẻ ở đây đa số bị bại não, một loại khuyết tật rất khó phục hồi để hội nhập cộng đồng. Gia đình có trẻ dạng khuyết tật này rất khổ, việc chăm sóc tốn nhiều thời gian, vô cùng vất vả. Các bộ phận cơ thể trẻ co cứng khiến việc cho ăn, việc cho uống, việc bồng bế rất khó khăn.

Lão thấy một phụ nữ khoảng trên 50 tuổi, mặt mày hốc hác, tay bồng ôm một trẻ mặt trông rất già dặn, chân tay co quắp, đầu oặt oẹo vì cổ yếu; lão hỏi:

- Cháu bao nhiêu tuổi ?

Chị phụ nữ ấy nhìn lão, cười héo hắt, trả lời:

- 21 tuổi.

Một chị phụ nữ đứng bên cạnh cung cấp thêm thông tin:

- Chị ấy không có chồng, kiếm con đó.

Ôi chao! Không lấy được chồng, kiếm đứa con để già yếu nương tựa; chị biết lo xa - lo thân sau; vậy mà hơn 20 năm rồi, chị phải trói buộc đời mình với đứa con khuyết tật và trong tương lai, nếu nhỡ chị mất đi trước, đứa con để lại cho ai, nó sẽ thế nào? Bài toán quá nan giải !

 Cháu bé này đã teo cơ tay chân tay không cử động được bình thường, Dẫu hàng ngày vẫn tiếp xúc với các cháu khuyết tật nhưng Ni sư  Nguyệt Liên vẫn xem như một việc làm xuất phát tư tâm nguyện nhằm  xoa dịu vơi đi phần nào nổi bất hạnh của các nạn nhân. Cô đã vận dụng mọi khả năng của mình để có đưọc sự giúp đỡ từ cộng đồng xã hội
Sáng nay, số trẻ có mặt ở Trung Tâm khoảng 50 em, một số được mẹ đi theo bồng ẵm, mớm ăn, đút uống; số còn lại do sư bà và một số chị thiện nguyện viên săn sóc. Nghe nói trong cộng đồng quanh đây còn nhiều trẻ có tình trạng tương tự, Trung Tâm chưa tiếp nhận được vì thiếu điều kiện: dụng cụ phục hồi, chi phí ăn uống, đồ chơi kích thích ... Nói là Trung Tâm Phục Hồi mà trang bị chưa có gì đáng kể! Trẻ bại não cần sự can thiệp của vật lý trị liệu (physiothérapie), vận động trị liệu (kinésithérapie), công việc trị liệu (ergothérapie) để thức tỉnh - kích hoạt não bộ. Ước gì Trung Tâm được trang bị dụng cụ chuyên dụng để làm tốt công việc hơn. 

Ni sư Nguyệt Liên cùng các thiện nguyện viên mời Thầy cùng nhóm thiện nguyện  chụp hình chung với các cháu và phụ huynh trước lúc chia tay ( 11 giò 23/01/2013)
Việc tập trung trẻ trong những không gian như Trung Tâm này là cần thiết, tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc; qua đó, chất lượng sống của trẻ được cải thiện. Nếu không, cuộc sống của trẻ vô cùng bi đát, nhiều cha mẹ phải nhốt trẻ nằm trong chiếc cũi để lo mưu sinh; cơ thể trẻ lấm lem nước tiểu, phân ... và may lắm, chỉ được lau vén qua loa khi cha mẹ về.

Các ni sư và các chị thiện nguyện viên ở đây làm việc quên mình do đức tin. Lão cũng đã có dịp thăm một số trại nuôi dưỡng bệnh nhân phong (cùi) và đã chứng kiến các nữ tu bên Thiên Chúa giáo hay Phật giáo ... phục vụ các bệnh nhân với thân hình lở loét, biến dạng, co quắp. Là người bình thường, ban đầu lão không thể tưởng tượng vì sao họ có thể làm được như thế. Tuy nhiên, suy nghĩ lâu dài, lão mới hiểu chính đức tin đã tạo cho họ cái tâm đến với người bất hạnh, người cùng khổ một cách tận tình. 

 Chỉ một phòng duy nhất để tập luyện, phương tiện trang bị cũng rất thô sơ 01 hành lang tay vịn tập đi và 2 chiếc xe tập, các nị dùng phương pháp day bấm huyệt ... để điểu trị là chính,    12 cháu được tập 1 lần hầu hết phụ huynh phải phụ giúp cùng với 4 cô tình nguyện viên như cô Thái Thị Mỹ, cô Quy...trên tổng số hiện nay có 50 cháu bán trú.
Từ đó, theo lão, những nơi như Trung Tâm này không chỉ có việc xoa dịu nỗi đau của những người kém may mắn mà còn mang tính giáo dục.

Có tới đây nhìn các trẻ khuyết tật này, chúng ta mới thấy rằng dù trên đường đời khó khăn đến mấy mà được lành lặn cũng hạnh phúc lắm rồi; chúng ta mới thấy ngày đêm có những con người dành cuộc đời mình cho người khác vì đức tin, vì niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn; chúng ta mới thấy còn có những người luôn nhường cơm nhịn áo, dành một phần thu nhập của mình để xẽ chia với đồng loại. Và chúng ta hy vọng những người ngồi trong những mâm tiệc thừa mứa, nâng cốc, chạm ly ép nhau uống cho đến nôn ọe có dịp nhìn những cảnh cơ cực tật nguyền này để biết sống có tâm, có trí ... nghĩa là có tấm lòng và biết suy nghĩ.

Là người, chúng ta sống cần có đức tin, có niềm tin, có lý tưởng. Đức tin, niềm tin, lý tưởng khiến chúng ta sống tử tế, bớt bon chen, bớt giành giựt nhau, bớt khó dễ nhau để tư lợi, Mà lợi mình hại người thì không còn nhân tính!
Học trò  K 60-63 trường Bán công trung học Cam Lộ chụp ảnh chung với thầy Hiệu trưởng Lê Hữu Thăng

 Cũng đi ra ngoài v Bích La  dự lễ an vị Từ Đường gia tộc Lê Hữu.
Hãy nhớ rằng tiền bạc của cải là phương tiện để giúp con người sống cho ra người chứ không phải cứu cánh đẩy con người thành ác thú./.
HĐ- 25/01/2013

Đôi dòng về ba buổi hội ngộ
Hoàng Đằng
Mùa hè năm nay (2012), các em học sinh vừa rời trường lớp để nghỉ hè, thì các ông, các bà, các bác, các chú, các thím, các o, các dì, dù tóc đã bạc, lưng đã còng, má đã hóp, da đã nhăn ... – nói vậy thôi chứ nhiều người vẫn còn“năng” lắm - từ khắp nơi nô nức kéo nhau về quê hương Quảng Trị tìm và sống lại tuổi ấu thơ dưới mái trường cũ – dù chỉ trong tâm tưởng - với thầy cô và bằng hữu.
Có đến 3 cuộc hội ngộ lớn đươc tổ chức: hội ngộ trường trung học Triệu Phong cũ sáng 22/6, hội ngộ liên trường Đông Hà cũ tối 22/6, hội ngộ trường trung học Nguyễn Hoàng cũ sáng 24/6.
Những người có may mắn được dự chính thức cả 3 cuộc hội ngộ trên như tôi có lẽ không nhiều.
Vì vậy, tôi muốn viết đôi dòng để san sẻ với bạn bè và giữ lại làm kỷ niệm.

Trời cũng chiều người, đang oi bức tự nhiên im mát, dễ chịu, nắng ít hơn, gió thổi đều và dịu hơn. Phố phường thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị nhộn nhịp bước chân, trông đông vui hơn ngày bình thường. Các khách sạn, các cửa hàng ăn uống ... “trúng mánh”, phòng ngủ, bàn ăn kín chỗ. Taxi, xe ôm ... có dịp tăng thu nhập, rộn ràng chuyển khách tới - lui.
Thật khó hiểu và khó ngờ đối với những ai không cùng cảnh ngộ. Có người vượt hàng chục ngàn cây số, đi bằng máy bay, tàu lửa, xe hơi ... , tiêu tốn một số tiền lớn, về đây chỉ để sống qua vài giờ hội ngộ với bạn cũ, thầy xưa. Họ đành lòng chịu xa những người thân yêu nhất cả tháng trời. Vậy mới ngộ ra rằng người cao tuổi có cái khát khao tìm lại quá khứ quá lớn - hoài niệm tuổi thơ.

Đối với trường Triệu Phong (1960 – 1975), đây là lần hội ngộ thứ 2, lần đầu vào ngày 05/12/2010. Dấu tích trường xưa không còn, ban Tổ Chức phải mướn khu du lịch sinh thái Tích Tường làm nơi hội ngộ.
Khu du lịch này thuộc địa phận thị xã Quảng Trị, nằm dựa lưng vào một hồ nước lớn. Hội trường và nhà ăn không có vách chắn; gió từng luồng thổi qua hồ, tạt hơi nước mát lạnh lên, đem đến sự khoan khoái cho người tham dự. Kênh chính của công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn chảy qua trước mặt, tăng thêm vẻ thơ mộng.
Hội ngộ Triệu Phong được sắp xếp bài bản từ chỗ ngồi, chương trình cho đến ẩm thực. Người dẫn chương trình (MC) soạn trước cẩn thận phần dẫn nhập các tiết mục. Nhờ hệ thống âm thanh tương đối tốt, nhờ người tham dự văn minh, những bài phát biểu, những lời hát điệu ca được chăm chú nghe.
Phần ăn uống chỉnh chu; lối đi giữa các bàn thoáng, tạo cho thực khách cảm giác thoải mái; chỗ ngồi không thiếu và không thừa. Xin khen Ban Tổ chức có tài dự đoán!
Điểm đặc biệt của trường Triệu Phong là mỗi lần hội ngộ, Ban tổ chức đều cho ra một số đặc san KÝ ỨC TRƯỜNG XƯA, không dày không mỏng, vừa túi tiền của mọi người - mọi giới và luôn được trân trọng như một gói mứt hay gói kẹo dùng để nhấm nhí “hậu hội ngộ”.
Đúng là một buổi hội ngộ thành công mọi mặt!

Đối với Đông Hà, đây là buổi hội ngộ đầu tiên của liên trường: Bán Công (1956 – 1969), Công Lập (1962 – 1975), Đắc Lộ (1962 – 1975) và Bồ Đề (1967 – 1972).
Buổi hội ngộ này được tổ chức hơi cập rập, không có thời gian lâu dài để lên kế hoạch. Cô Nguyễn Thị Học, một cựu học sinh Công Lập và Đắc Lộ, hiện định cư ở nước ngoài, có lòng tưởng nghĩ đến bằng hữu và thầy cô dạy dỗ mình thuở thiếu thời, nảy ra ý tưởng quyên góp ngân khoản trong đồng môn và đồng hương ở bên ấy, gửi về tạo đà và tạo cơ sở cho anh chị em bên này mạnh dạn tổ chức buổi hội ngộ.
Với nhiệt tình, Ban tổ chức, dù mới hình thành, đã bỏ nhiều công sức, nhiều thời giờ để buổi hội ngộ được thành công. Cảm động và đáng khen là bài hát đầy ý nghĩa dành riêng cho buổi họp mặt được soạn, tập dượt và hát đồng ca rất sinh động và duyên dáng.
Địa điểm tổ chức là nhà hàng Thiên Phúc, cảnh trí nên thơ, có đồi, có khe, có cây cối, có nhà cổ; nhưng những nét đẹp ấy, trong màn đêm, không đem lại tác dụng gì. Tiếc là sao Ban tổ chức không chọn nhà hàng Hữu Nghị. Ít ra nhà hàng Hữu Nghị cũng gợi lên được một hoài niệm nào đó, vì nơi đây trước năm 1972 là trường Đắc Lộ, rất gần địa điểm 3 trường kia, ngày nay đã mất dấu: Công Lập cách khoảng 50m, Bán Công cách khoảng 200 m và Bồ Đề cách khoảng 300m.
-Thời điểm tổ chức là buổi tối: Không khí mát mẻ, không cản trở gì giờ làm việc cơ quan, xí nghiệp, đông áng, nhưng lại không hợp với tình cảnh đa số người tham dự: Tuổi tác cao khiến sức khỏe kém, đi đứng khó khăn, phụ thuộc vào con cháu.
Hội trường bố trí trong nhà chật chội, hệ thống âm thanh không đủ mạnh, người nói thì mặc người nói, người hát thì mặc người hát; ít có người chịu lắng nghe. Số người tham dự Ban tổ chức dự đoán có độ chênh tương đối lớn. Phòng ốc, bàn ghế và thực phẩm - nghe nói - chỉ chuẩn bị cho 400 người, mà người tới dự đến khoảng 600. Dầu vậy, cũng không chuệch choạc lắm; giờ phút chót, đã dọn thêm nhiều chỗ ngồi ngoài sân.
Xin chia xẻ cái cực nhọc của Ban Tổ chức! Mà biết mần răng chừ! Dư ra cũng khổ, thiếu đi cũng khổ! Ai mà ngờ đông đến thế! Như vừa nói ở trên, cựu học sinh liên trường Đông Hà đa số già cả, lại ở miền quê, giờ đó, ai cũng muốn ngả lưng cho khỏe, xe cộ đi không được, con cháu rạng đi chơi, không ai chở giùm. Mấy ngày trước, tôi đùa với một số anh chị em trong Ban tổ chức: Phải chuẩn bị lực lượng dự bị sẵn ngoài nhà hàng, nếu số bàn trống vắng nhiều, ra lệnh  cho lực lượng ấy tấn công vào tiếp quản.
Thôi ... nếu có lần hai, Ban tổ chức nên tìm một thầy bói giỏi, bói một quẻ để biết số người tham dự  mà  chuẩn bị, có tốn mấy tiền cũng đừng tiếc!

Đối với Nguyễn Hoàng, đây là hội ngộ lần thứ III. Và cũng là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1952 – 2012). Thật ra, năm 1952 chỉ là năm trường được công lập hóa hoàn toàn, chứ luận theo tài liệu của thầy Nguyễn Văn Hóa (Quá trình hình thành và phát triển của trường trung học Nguyễn Hoàng ... trong đặc san NGUYỄN HOÀNG III tr.9) thì trường được thai nghén từ 1950, năm cụ Hồ Văn Hải thành lập trường trung học tư thục và năm 1951, trường được hợp thức hóa thành trường trung học tư thục Quảng Trị; nói là tư thục nhưng cũng là bán công rồi vì được chính quyền thời bấy giờ cấp đất, cấp phòng học (Dạ Lữ Điếm cũ); và những thầy nồng cốt của trường tư thục này sau trở thành thầy trụ cột của trường Nguyễn Hoàng. Theo cách tính tuổi của người Việt Nam  nghĩa là tính luôn cả thời gian thai nghén, thì vô tình chúng ta đã khai sụt mất 2 tuổi của trường.
Đặc biệt khác hơn 2 lần hội ngộ trước (2007 và 2010) là lân này, nội dung hội ngộ thêm 3 phần mới:
Một là cho phát hành đặc san NGUYỄN HOÀNG III do gia đình Nguyễn Hoàng ở Huế thực hiện, in ấn công phu, trình bày ý nghĩa, bài vở dồi dào. Tiếc là quá dày, giá bán tương đối cao, thành thử, nếu không được các anh chị em khá giả mua tặng cho bạn bè, số bán được chắc chắn sẽ không bao nhiêu. Dân Nguyễn Hoàng ở quê nhà đa số nghèo lắm. Đi xe ôm, xe kéo, trông cháu, giữ nhà, làm nông mà bỏ ra 120,000 đồng góp vào chi phí buổi hội ngộ, lại mua đặc san 150,000 đồng nữa, thì căng hung. Giá như Ban Biên tập chia số bài vở ấy ra 3 lần, lần này chỉ chọn những bài có nội dung từ trước tới nay chưa ai viết và những bài có trọng điểm là kỷ niệm 60 năm thành lập trường, giá bán còn lại khoảng 50,000 đồng, thì ai cũng gắng mua một quyển về khoe với vợ con, làng xóm: đây này, ngày xưa tôi có học trường Nguyễn Hoàng. Ở đời, cái gì nhiều quá cũng ớn! Các bạn nghiệm mà coi! Thành thử chớ ôm đồm, “ham hố”.
Hai là  đêm giao lưu ca nhạc “tiền hội ngộ” tổ chức tai khu du lịch sinh thái Tích Tường tối 23/6 đông vui, thân mật. Tiếc là văn nghệ chỉ trong nội bộ, nếu rộng rãi ra cho cộng đồng có dịp thưởng ngoạn thì hay biết mấy! Cư dân Quảng Trị cũ bây giờ không còn mấy người, họ đã lưu lạc bốn phương, đa số cư dân thị xã Quảng Trị ngày nay chưa thấy được “mặt mũi” trường Nguyễn Hoàng ngày xưa như thế nào, dịp này nên cho họ chộ mới phải.
Ba là lập phòng “Hoài Niệm”, chưng bày hình ảnh sinh hoạt của lưu dân Nguyễn Hoàng ngày nay ở các nơi và những gì gợi nhớ lại trường Nguyễn Hoàng xưa, đặc biệt là di ảnh một số thầy cô đã mất. Niềm vui ở hai lần họp mặt trước chỉ dành cho người còn sống; lần này niềm vui ấy cũng muốn chia xẻ với người đã khuất. Ban đầu, có ý định lập bàn thờ, tổ chức lễ tế để người tham dự có cơ hội dâng hương tưởng nghĩ đến những ân nhân, những thầy cô, những bằng hữu ở thế giới bên kia; nhưng việc ấy không làm được. Thôi ... thì mỗi người chỉ “nghi ngút tâm hương” rồi hướng lòng hoài niệm.
Về thời gian, lần này,số lượng đối tượng được trợ giúp đông vì số lượng người hảo tâm đông; thời gian phát trợ cấp kéo dài. Lại thêm, những bài phát biểu trùng lặp ý nghĩa nhiều với những lần họp mặt trước và trùng lặp giữa người phát biểu này với người phát biểu khác cũng  mất thêm nhiều thời gian. Buổi lễ kéo dài một cách dư thừa giữa sân trường nắng hạ chen qua các tán lá tạt vào mặt người đứng, kẻ ngồi; thành thử, 2/3 chương trình buổi lễ, người nói có người nghe, 1/3 phần còn lại không khí uể oải, chểnh mảng.
Về phần ẩm thực, rút kinh nghiệm hai lần trước, muốn tránh chật chội ở đường lui - tới – ra - vào và thiếu hụt chỗ ngồi, Ban Tổ chức cho ráp thêm 3 rạp ngoài nhà đa chức năng rộng thênh thang, đặt tăng phần ăn lên đến trên 900, vậy mà cũng còn một số đông người – nghe nói khoảng 200 - không có chỗ ngồi, một số phải ra về vì giờ đã “quá bữa”. Tội nghiệp Ban Tổ chức! Họ xoay xở mời số đông còn ở lại hay chạy tăng tốc đón xe các đoàn ở xa trên đường về, mời lên khu du lịch sinh thái Tích Tường. Chuệch choạc trong khâu ăn uống làm niềm vui của người tham dự có phần giảm bớt; nhưng cái chuệch choạc ấy khó mà tránh được. Đã 3 lần rồi, lần nào cũng thế; lời kêu gọi đăng ký trước của ban Tổ chức có một số người theo chủ nghĩa “đến đâu hay đó” (dendauhaydoism). Không bao giờ nghe.
Dù sao, thì ở lần hội ngộ này, cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng: số người dự hội ngộ lần sau luôn đông hơn lần trước, tinh thần “lá lành đùm lá rách” mỗi lúc mỗi lên cao, gia đình Nguyễn Hoàng các nơi đã dần dần đứng ra lo một vài phần việc - việc chung mà! ban Tổ Chức biết hy sinh việc riêng để lo việc chung. Không có Ban Tổ chức, ai mô ở nấy, làm sao mà có được hội ngộ đông vui như thế!

Tôi cũng vậy, niềm vui tăng dần theo số lần hội ngộ. Ở hội ngộ Triệu Phong, hội ngộ Đông Hà, hội ngộ Nguyễn Hoàng năm nay, người tôi phủ đầy tình cảm: Tình cảm của bạn bè cùng một lứa học; tình cảm của các bậc đồng nghiệp đàn anh, ngang trang và đàn em; tình cảm của học trò; tình cảm những độc giả mấy trang viết của tôi trên “Hương quê nhà” và “Trường Nguyễn Hòang: Chân dung & Kỷ niệm”.
Tôi quá hạnh phúc. Nghe nói những người già bị chứng huyết áp cao như tôi; buồn quá cũng nguy hiểm (!!!) mà vui quá cũng nguy hiểm (!!!). Đã mấy ngày qua rồi, thế là tôi không can chi.
Tôi mong rằng được khỏe mãi, được sống mãi để vui trong những lần hội ngộ tới./. 
28/6/2012- HĐ
Con sông quê tôi:  
SÔNG HIẾU GIANG
Hoàng Đằng - TP. Đông Hà

Quê tôi là Đông Hà, tỉnh Quảng Trị - nơi có dòng sông Hiếu Giang chảy qua.
Sông Hiếu Giang bắt nguồn từ trên núi rừng Trường Sơn, nơi câc đồng bào dân tộc ít người: Pa-Kô và Vân Kiều sinh sống, rồi chảy qua vùng đồng bằng, tưới mát cho ruộng vườn làng mạc của đồng bào Kinh, cuối cùng đổ ra biển Đông. Con sông là dòng kết nối Kinh -Thượng một nhà.
Sông không tự mình đổ ra biển Đông. Sông chảy khoảng 70 km thì hợp lưu với sông Thạch Hãn ở ngã ba Gia Độ; sông biến thành sông nhánh của sông Thạch Hãn. Nhìn trên bản đồ, dòng chảy của Hiếu Giang và dòng chảy từ nơi hợp lưu về cửa Việt tương đối nằm trên một đường thẳng, còn dòng chảy sông Thạch Hãn vào hợp lưu tạo một nhánh “giằng xay” (gấp khuỷu); đáng lẽ sông Hiếu là sông chính, còn sông Thạch Hãn là sông nhánh. Sông Thạch Hãn được tôn lên làm sông cái vì ngoài bề rộng lớn hơn, sông Thạch Hãn trước đây chảy qua tỉnh lỵ Quảng Trị, nơi ở của quan chức, Ở đời, cái gì nhỏ phải phụ thuộc vào cái to rộng hơn, cái có uy quyền hơn.
Ngoài tên Hiếu Giang, ở thượng nguồn, sông mang tên Cam Lộ, nơi có huyện lỵ và có chợ phiên nổi tiếng; ở hạ nguồn, sông mang tên Điếu Ngao, một làng nằm cạnh sông ở mạn đông thành phố Đông Hà. 
Ngày xưa, con đường thiên lý Bắc-Nam đi ngang giữa làng này, đến mép sông, hành khách phải qua đò ngang tại bến đò Điếu; vì vậy từ “sông Đò Điếu” cũng khá thông dụng. Một con sông nhỏ mang những 4 tên; ba tên ghi dấu các địa danh dòng sông đi qua; còn tên “Hiếu Giang” thì sao? Có nguồn cho rằng sông được đặt tên như thế để ghi nhận tấm lòng của công chúa Huyền Trân đã vâng mệnh cha (Trần Nhân Tông) anh (Trần Anh Tông) vượt sông vào Nam làm vợ vua Chế Mân, nước Champa đổi lấy hai châu Ô, Lý vào năm 1306. Vào thời điểm đó, sông là biên giới giữa nước ta và nước Champa.  Chính cái tên Hiếu Giang khiến, mỗi lần nhắc đến, người ta rạo rực trong lòng cái thông điệp đạo lý: dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng phải nghĩ về nguồn cội – nơi mình sinh ra, nơi làm điểm tựa cho mình bay cao, bay xa. Có lẽ ít tên con sông nào trên thế giới mang nội hàm có tính giáo dục đến thế.

Ngày xưa, việc di chuyển, vận tải chủ yếu bằng đường thủy. Đường bộ không bằng phẳng, lầy lội về mùa mưa, bụi bặm về mùa nắng, khi lên đèo khi xuống dốc, qua những khu vực hoang vắng có thể gặp trộm cướp, thú dữ – nguy hiểm; phương tiện quá thô sơ, mất nhiều thời gian và nhọc xác.
Sông Hiếu Giang là một thủy lộ địa phương quan trọng.
Cụ Trần Minh Tiết (1918 – 1990), người làng Cam Lộ Hạ, huyện Cam Lộ, một học giả uyên thâm về các vấn đề thế giới, viện sĩ viện Hàn Lâm Khoa Học Hải Ngoại nước Pháp, đã từng đưa ra đề án đào một con kênh từ sông Mê-kông cắt ngang lãnh thổ Lào đi qua Savanakhet vào sông Hiếu Giang qua Đông Hà ra cửa Việt (Un canal dans l’isthme de Kra et un canal Mékong-Océan Pacifique par Savanakhet-Đông Hà-Cửa Việt – Nouvelles Éditions Latines, 1966, Paris). Đề án ấy nếu như được thực hiện, sông Hiếu Giang đã trở thành một thủy lộ quốc tế. Thôi ... hãy chờ tương lai, biết đâu!
Xưa kia, thủy lộ Hiếu Giang đã từng nhộn nhịp. Chợ phiên Cam Lộ cứ 5 ngày họp một lần vào các ngày 03, 08, 13, 18, 23 và 28 Âm Lịch mỗi tháng; chợ phiên là nơi trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược; trong những ngày ấy, thuyền buôn lên xuống không ngớt trên sông, kể cả ban đêm. Thuyền buồm nương theo chiều gió; vào những lúc lặng gió, thuyền lướt theo nhịp đẩy của các mái chèo. Để tránh mệt mỏi và buồn ngủ, các chị các o buôn đò dọc, hò hát, trêu ghẹo nhau rồi cười đùa khúc khích xé tan cái im lặng của màn đêm.  Một cô gái nào đó trên thuyền cất tiếng hò thánh thót lơ lửng giữa dòng sông:
“Eng ngồi mần chi côi bờ, nhìn ai mà con mắt ngơ ngác.
Lắng tai nghe em đây hát để liệu mà trả lời:
Cực lòng em lắm eng ơi!
Hãy tìm một nơi mô vắng vẻ cho đôi ta ngồi hàn huyên ...”
Một chàng trai nào đó trên bờ thấm tình thấm ý đáp lại:
“Em cực lòng thì eng cũng khổ tâm,
Hỏi: em mà  thiệt chưa ai ngỏ ý thì cho eng bỏ mâm cau trầu ...”
Nhiều trường hợp, hai bên đã đi tìm nhau theo sự thúc giục của con tim – tình yêu - rồi nên vợ nên chồng.
Hòa trong tiếng hò của thuyền buôn xuôi ngược là tiếng gỏ “lòng còng” của thuyền chài đuổi cá vào lưới, tiếng ngoắt đuôi “sộp soạp” xua ruồi nhặng của đàn trâu đã no cỏ “mẹp” tắm buổi trưa hay buổi xế chiều, tiếng “rào rào” khoát nước thi đấu vào mặt nhau của lũ trẻ trần truồng giữa các bến tắm hai bên bờ sông.
Thời ấy, dân cư còn thưa thớt, nước sông trong xanh, người ta dùng nước sông để sinh hoat: uống nước sông, nấu ăn bằng nước sông, giặt rửa bằng nước sông ... Sông cung cấp tôm cá cải thiện chất lượng bữa ăn cho dân nghèo. Chỉ cần một cái rổ, bỏ ra khoảng nửa giờ sau buổi làm cỏ khoai, cỏ bắp ... là có thể xúc được một mớ hến hay “chắt chắt” làm ngọt nồi canh trưa; chỉ cần cái dũi, khi nước ròng, lội xuống đẩy dọc mép sông vài vòng là kiếm được nhúm tôm, nhúm cá kho mặn để ngon cơm.
Vào mùa hè, mặt sông xao sóng khi gió Nam Lào thổi mạnh; vào mùa đông, mặt sông gợn sóng lăn tăn khi gió đông bắc rít từng luồng. Sông hiền như người mẹ. Sông chỉ hung dũ vào mùa lũ lụt. Mưa tuôn xối xả, nước chảy mạnh bào mòn đất đá trên núi đồi và hai bên bờ, cuốn cuộn  phù sa màu hồng bạc về lắng đọng tăng độ phì nhiêu cho vườn tược ruộng đồng. Dòng nước lũ còn cuốn theo các cây gỗ trốc gốc, các loại rều rác. Dân đứng hai bờ chờ vớt, kéo về làm củi đốt quanh năm. Nhiều lúc, sông cũng gây ra tai họa: phá hủy mùa màng, cuốn trôi nhà cửa, dận đuối người và vật.

Chiến tranh bùng phát. Các chuyến đò lên về chợ phiên thưa dần, những mối tình do dòng sông đan dệt chấm dứt, thuyền chài giăng câu bủa lưới vắng đi; ngư dân lần lượt lên bờ định cư.
Sông đã trở thành chiến trường, nơi mà ai cũng có thể bị thương vong nếu rủi ro kẹt giữa hai lằn đạn.
Ban đêm sông im lìm trong không khí ngột ngạt, thỉnh thoảng, những chiếc thuyền nan của những chiến sĩ vượt sông, lướt vội, qua lại hoạt động bí mật; những tràng đạn tiểu liên bắn vu vơ trong màn đêm đen để hù dọa găm vào dòng sông - sông đau quằn quại, rên la. Sông hứng chịu những loạt lựu đạn nổ ì ầm đều đặn quanh các chân cầu để cản người nhái. Chiếc cầu bắc qua sông nối hai bờ trên quốc lộ I, không còn hình ảnh thơ mộng “chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta”. Bên giải phóng muốn phá cầu đi để cắt đứt giao thông cho tiềm lực đối phương suy giảm, bên quốc gia muốn giữ cầu lại, dựng cầu lên để kiểm soát đất giành dân. Trong chiến dịch năm 1972, bên giải phóng định dùng cầu vượt sông nhanh thì bên quốc gia giật cầu đi để cản bước. Hóa ra người ta mặn mà với chiếc cầu chỉ vì lợi ích của phe phía mình. Cầu đã sập đi và xây lại nhiều lần. Máu bên này, máu bên kia ít nhiều đã đổ hòa vào dòng sông chảy về lòng mẹ biển Đông bao dung.
Chiến trường mỗi lúc mỗi sôi động. Sông oằn mình hứng đạn bom ... xơ xác. Tàu vận tải quân sự của Mỹ lên xuống Đông Hà-Cửa Việt rầm rì, những con tàu gắn động cơ cỡ lớn xô những ngọn sóng cao vỗ vào hai bờ; đất chuồi lỡ, nước vẩn đục. Dân giảm dần dùng nước sông làm nước sinh hoạt. Những trận bom B52 rải thảm trên thượng nguồn, những trận pháo vào giữa đội hình vượt sông của quân đội bên này bên kia và những trận đánh bằng thủy lôi của bộ đội đặc công giải phóng vào tàu Mỹ. Giấy bút đâu mà ghi chép cho hết! Chỉ có một trận đánh trên sông được báo chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần; người ta gọi đó là “trận Bạch Đằng trên sông Hiếu” để gợi nhớ lại trận Ngô Quyền tập kích quân Nam Hán năm 938 và trận Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phá tan quân Nguyên Mông vào năm 1288 trên sông Bạch Đằng ở ngoài Bắc.
Giữa đoạn Đông Hà và ngã ba Gia Độ, để ngăn chận tàu Mỹ vận tải vũ khí đạn dược lương thực cho chiến trường, vào một đêm đầu tháng 3 năm 1968, quân giải phóng, lợi dụng màn đêm và tàu tuần tiễu của quân Mỹ vắng bóng, đã huy động lực lượng cắm cọc tre, cọc cây, giăng dây kẽm gai bùng nhùng, gài mìn và thủy lôi chận ngang sông; cùng lúc, các lực lượng vũ trang phục kích ở trên bờ sông; sáng ngày sau, như thường lệ, đoàn tàu Mỹ tiến từ cửa Việt lên Đông Hà; phát hiện có bãi cọc và bị quân giải phóng phục kích nổ súng tấn công; quân đội Mỹ huy động máy bay quần thảo, dội bom xuống dòng nước phá hủy vật cản để thông sông; cá to cá nhỏ chết nổi tấp trắng bờ; trớ trêu là người quê tôi gặp may, có dịp đi thu nhặt cá đến mấy ngày. Chiến tranh đã làm cho con người trơ lì vô cảm, nhiều khi nhìn chiến tranh như “một trò đùa”.

Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại. Con sông quê tôi tưởng có cuộc sống êm đềm. Vậy mà không! Rừng đầu nguồn bị thu hẹp; người ta chặt cây vì nhu cầu xây dựng, người ta khai hoang để lập các khu kinh tế mới; vào mùa mưa, nước lũ “hỗn” hơn, xói lở đất 2 bên bờ từng mảng diện tích lớn, một số xóm làng phải thiên cư. Ai mà quên được những trận lụt 1983, 1999, 2009, 2010, nước ngập đến mái nhà; tần số lũ lụt lớn dày hơn xưa nhiều; mấy chục năm trước đó, chỉ trận lụt lớn năm 1953 là còn được nhắc đến.
Rừng đầu nguồn giảm, lượng nước ngọt giảm theo; lại thêm, các đập thủy lợi, đập thủy điện chận nguồn lại; sông bị nhiễm mặn nhiều tháng trong năm. Dân các nơi tập trung đến Đông Hà đông lên; chất thải, nước thải đổ vào dòng sông quá nhiều. Sông không còn cung cấp nước sinh hoạt nữa. Tôm cá và các nguồn thủy sản tự nhiên khác khó sống ở môi trường ô nhiễm; ngư dân đổi nghề, tất bật ngược xuôi kiếm sống trên bộ. Nước sông ô nhiễm đến nỗi dân làm giá đỗ ở 2 làng ven sông: Thanh Lương và Nghĩa An (phường Đông Thanh) bây giờ không thể ủ giá bằng nước sông như trước đây. Nước sông ô nhiễm đến nỗi các hồ nuôi tôm ở làng Điếu Ngao, làng Đông Lai, làng Lạng Phước, thành phố Đông Hà cũng thất bại – tôm chậm phát triển và chết. Cả một vùng hồ đào lên rồi bỏ không; đất lúa, đất khoai nuôi dân trở thành đất vô dụng; người ta từng lập luận: trồng lúa đất sinh lợi ít, phải nuôi tôm xuất khẩu kiếm ngoại tệ để nước mau giàu !
Nước sông có màu xanh lá cây không rõ nét, trông mà rờn rợn. Thuyền gắn động cơ lên về chợ Đông Hà ồn ào, khuấy động dòng nước. Sông chỉ dành cho thuyền chở khách và phà chở cát – hình ảnh quá khô khốc, cứng đờ. Chính con người làm mất vẻ hoang sơ và nên thơ của con sông.
Tuy nhiên, cuộc sống thay đổi không ngừng; ai mà cản được. Giờ thì con người chỉ còn có việc: phải tạo cho con sông một vẻ đẹp hiện đại. Như một phụ nữ thời nay phải thường xuyên vào thẩm mỹ viện tắm gội, nắn mũi, sửa tóc, xóa sẹo, tàn nhang, trang điểm một chút phấn son, sông muốn đẹp thì con người phải giữ sạch dòng sông; không đổ rác xuống sông, không thải
nước khi chưa xử lý xuống sông; phải thiết kế xây dựng làm sao tạo cho  bờ sông vẻ mỹ quan: kè đá 2 bên bờ để chống xói lở, xây dựng các công trình dân sinh xa sông một khoảng cách hợp lý, trồng cây tạo bóng mát rồi lập vườn hoa hai bờ, biến cái cù lao giữa sông phía trên cầu thành một công viên hay một một khu ẩm thực cao cấp.
Mọi người tự giác bảo vệ môi trường để nước sông quê ta không trở qua màu đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc, mặt sông không lềnh bềnh những bao nylon, bao lác, bên trong chẳng ai biết chứa những gì.
Mừng là chính quyền đã và đang ra tay. Bờ bắc sông đang được kè và  những việc còn lại hy vọng sẽ tiếp tục, nhưng khốn nỗi: một số không nhỏ người dân còn xem con sông như bãi rác hay nơi phóng uế. Thay đổi nếp nghĩ của người dân mới là chuyện khó!
Để kết thúc bài viết, xin có lời mách, nhắn với những người xa quê để an tâm:
Ở tận xứ người em có biết?
Quê hương ta có một dòng sông.
Anh mãi gọi với lòng tha thiết:
Hiếu Giang ơi hãy mãi sạch  trong ...

Hoàng Đằng- 07/11/2012(24/9/Nhâm Thìn)
Tải Blog 13/11/12

Nhớ về
TRƯỜNG TRUNG HỌC BÁN CÔNG ĐÔNG HÀ XƯA

Hoàng Đằng
 Học sinh khóa đầu tiên

Ngày 22/6/2012 tới, được sự cho phép của chính quyền thành phố Đông Hà, cựu học sinh của 4 trường trung học ở Đông Hà trước năm 1972 (Bán Công, Công Lập, Đắc Lộ và Bồ Đề) sẽ họp mặt thân mật. Tôi may mắn có mối liên hệ với cả 4 trường: Học sinh Bán Công (1956 – 1960), giáo sư Công Lập (1970 – 1972), giáo sư Đắc Lộ (1970 – 1972 rồi 1974 – 1975), giáo sư Bồ Đề (1971 – 1972); vì vậy, tin ấy tự nhiên làm cho lòng tôi xao xuyến bồi hồi. Nhớ đến cảnh cũ người xưa, tôi xin ghi lại những gì “nhớ nhớ quên quên” để san sẻ với những bạn bè và người thân quen.

Thời Pháp thuộc, việc học ở Đông Hà chưa được chính quyền tổ chức gì hết, có lẽ vì dân còn ít và việc ăn ở chưa ổn định.
Nghe nói trong giữa thập niên 1940, anh em nhà họ Trần-Minh quê ở làng Cam Lộ Hạ (Trần-Minh frères) có mở một trường tiểu học tư thục ở Đông Hà. Đó là cơ sở giáo dục đầu tiên ở Đông Hà. Địa điểm trường nằm ở khu vực Saigon-Dongha hotel ngày nay gần cầu Đông Hà. Trường hoạt động không được bao lâu, phải đóng cửa vì loạn lạc: Nhật đảo chính Pháp (tháng 3 năm 1945), chiến tranh Việt Pháp bùng nổ (1946).
Lớp trẻ Đông Hà sau đó, nếu may mắn sinh ra trong những gia đình có điều kiện, được cha mẹ cho tiếp tục việc học dưới hình thức “gia sư”, lớp không ra lớp, trường không ra trường.
Mãi đến tận cuối thập kỷ 1940, một trường tiểu học công lập mới được thành lập, địa điểm trường nằm ở trụ sở thành đội Đông Hà bây giờ; mái trường lợp tranh. Hè năm 1952, một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi gần cả Đông Hà, trong đó có cả cơ sở trường tiểu học. Những năm tiếp đó, trường thuê một số nhà dân để làm phòng học, vì vậy hoạt động của trường rải rác, không tập trung. Đầu năm 1955, trường xây xong cơ sở mới ở khu vực phía đông bắc nơi giáp giới đường Đinh Tiên Hoàng và hẻm 10 đường Hai Bà Trưng bây giờ, dân Đông Hà thường dùng từ “Xóm Heo” để chỉ khu vực này (xin lỗi !!!).
Bậc học tiểu học là như thế, còn sau khi tốt nghiệp tiểu học, lớp trẻ muốn tiếp tục bậc trung học, một là được gia đình gửi vào vùng Việt Minh học trường Lê Thế Hiếu ở Cùa; hai là thi tuyển vô trường trung học Nguyễn Hoàng ở tỉnh lỵ Quảng Trị. Hoàn cảnh chiến tranh cộng thêm điều kiện khó khăn kinh tế của từng gia đình, đại đa số bỏ học, về phụ giúp gia đình trong việc đồng áng.
Trước tình hình ấy, mùa hè năm 1956, một số nhân sĩ ở Đông Hà như cụ Trợ Thảo (Nguyễn Khắc Thảo, 1898-1977), cụ Thất Luân (Hồ Luân) ... xin chính quyền đương thời mở trường trung học bán công Đông Hà. Thế là từ năm học 1956 – 1957, Đông Hà có trường dạy bậc trung học.
Đầu tiên, trường mở một lớp đệ thất (lớp 6), mượn trụ sở của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia làm phòng học. Địa điểm ấy bây giờ nằm khoảng nơi trụ sở của Thành Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị.
Trường có 3 thầy: Thầy Nguyễn Văn Châu (nay đã mất), người tỉnh lỵ Quảng Trị, giữ chức hiệu trưởng và dạy các môn: Toán, Lý Hóa, Vạn Vật, Sử Địa, Luân Lý; thầy Trần Tu (nay định cư ở thành phố Đà Lạt), người Huế, dạy: Việt văn, Pháp văn, Anh văn; thầy Nguyễn Khắc Thảo (đã mất), người Hải Sơn, Hải Lăng, đinh cư ở Đông Hà, làm công tác văn phòng, thỉnh thoảng dạy Hán Văn và Pháp Văn. Xin nói rõ từ năm 1958 trở về trước, cả Anh Văn và Pháp văn đều được dạy ở bậc trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở bây giờ), từ năm học 1958 – 1959 trở đi, chỉ còn một ngoại ngữ được dạy: Anh văn hay Pháp văn.
Học sinh lớp đệ thất (lớp 6) đầu tiên ấy khoảng trên dưới 50. Giá học phí tại trường qui định như sau: đệ thất (lớp 6): 180 đồng, đệ lục (lớp 7): 200 đồng; đệ ngũ (lớp 8): 220 đồng, đệ tứ (lớp 9): 250 đồng. Vì “vạn sự khởi đầu nan”, học sinh đệ thất đầu tiên ấy phải đóng học phí mỗi tháng 200 đồng - thời giá mỗi thúng lúa 12 kg lúc ấy giá 50 đồng. Chỉ có một ít con em công chức, sĩ quan quân đội hay thương gia chịu học phí dễ dàng, còn đa số con em nông dân phải khó khăn lắm mới nộp được học phí, vì vậy, không trễ nhiều thì trễ ít. Thu nhập của nông dân rất thấp; ruộng thiếu kỹ thuật canh tác, thiếu nước, thiếu giống tốt, thiếu phân bón, cho năng suất kém - mỗi sào 500 m2 khoảng 60 kg/vụ -, lại còn mùa bị mất do bão lũ, hạn hán thường xuyên. Qua năm học 1957 – 1958, học sinh từ lớp đệ thất đầu tiên ấy lên  lớp đệ lục được ân giảm, chỉ nộp 180 đồng/tháng.
Danh nghĩa là bán công, nhưng hình như mọi hoạt động của trường chỉ dựa vào nguồn thu học phí, còn chính phủ chẳng tài trợ gì. Việc đòi học phí là trách nhiệm của nhân viên văn phòng, diễn ra khá quyết liệt; trò nào chưa nộp kịp học phí bị tạm đuổi ra khỏi lớp. Bực bội và nhục nhã, có trò tinh nghịch đã tìm cách trả đũa; học sinh L.T.Q (nay ở nước ngoài) có đủ tiền rồi, vẫn chưa chịu nộp ngay, ra chợ đổi thành tiền lẻ nhỏ nhất, vày vò bỏ vào xách, buộc nhân viên thu tiền phải mất nhiều thời gian để đếm và sắp xếp, kêu trời không thấu! “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, làm sao bấy giờ.
Những năm học tiếp theo, trường phát triển rất nhanh, thêm học trò, thêm lớp vì từ bờ nam sông Bến Hải nghĩa là cả huyện Gio Linh qua huyện Hướng Hóa, huyện Cam Lộ, Đông Hà đến phần phía Tây Bắc huyện Triệu Phong, lớp trẻ lên bậc trung học đều đổ dồn về trường trung học bán công Đông Hà.
Đầu năm 1957, trường dời về cơ sở mới: Một dãy nhà “trại gái” (nhà dành cho vợ con lính tráng đi theo chồng), nằm khoảng sau lưng trụ sở Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Quảng Trị ngày nay. Dãy nhà tôn này ngăn được 2 phòng học, mái đã cũ, rỉ rét, tường xây không tô, nhiều chỗ nứt nẻ. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Châu có năng khiếu hội họa, đã bỏ công sơn vẽ một con rồng lớn ở mặt tường phía trước; có lẽ thầy muốn trường lớn mạnh hóa rồng.
Qua năm học 1957 – 1958, trường có 2 lớp: đệ thất (lớp 6) và đệ lục (lớp 7); thầy Nguyễn Văn Châu từ giã trường. Trong việc giảng dạy, ngoài thầy Trần Tu, trường mời thêm 2 thầy: Nguyễn Viết Trác (1936 – 2010), người Huế và Hồ Xuân Diện, người tỉnh lỵ Quảng Trị; thầy Nguyễn Viết Trác giữ chức hiệu trưởng.
Qua năm học 1958 – 1959, trường có từ đệ thất (lớp 6) đến đệ ngũ (lớp 8). Về cơ sở, trường được cấp (hay mua ?) thêm một dãy nhà “trại gái” y chang và nằm thẳng hàng,cách dãy thứ nhất khoảng 5 m về phía đông; thầy Nguyễn Viết Trác chuyển vào trường trung học Nguyễn Hoàng, thầy Trần Tu nghỉ dạy vào học sư phạm, thầy cũ chỉ còn Hồ Xuân Diện và Nguyễn Khắc Thảo, nhà trường mời thêm các thầy: Phan Văn Cẩn (1933 – 2000), người tỉnh lỵ Quảng Trị; Trần Xuân Mai (hiện ở nước ngoài), người Bắc; Nguyễn Khắc Linh (hiện ở nước ngoài), người Đông Hà. Thầy Phan Văn Cẩn giữ chức hiệu trưởng.
Qua năm học 1959 – 1960, trường có đủ 4 lớp bậc trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở). Trường nối liền 2 dãy nhà “trại gái” có sẵn bằng cách xây một phòng lợp ngói; phòng này tương đối nhỏ, dành làm phòng học cho lớp đệ tứ (lớp 9) vì học sinh còn lại ít – 24 người. Lớp đệ tứ này sẽ là lớp đi thi đầu tiên. Học sinh giảm nhiều, lý do là như thế này: ngoài một số, con em binh sĩ, trong quá trình học tập, phải chuyển trường để theo cha đổi đến đơn vị nơi khác, còn một số, con em các gia đình khá giả, được cha mẹ gửi nửa chừng vào học ở các thành phố lớn vì nghĩ rằng ở đó thầy có kinh nghiệm, dạy tốt, thi dễ đậu hơn. Thầy Trần Xuân Mai nghỉ dạy đi học sư phạm, thầy Nguyễn Khắc Linh nghỉ dạy đi học quốc gia hành chánh. Để bổ sung ban giảng huấn, nhà trường mời thêm các thầy cô: Thái Ngọc Hào, người Huế; Nguyễn Thanh Tịnh (1907 - 1987), người Đông Hà, Dương Đình Trọng (nay ở Nam bộ), người Huế; Hà thị Bảy, người Huế. Thầy Thái Ngọc Hào nghỉ dạy sau khoảng một tháng, nhà trường mời 2 thầy của trường Nguyễn Hoàng ra dạy giúp: đó là thầy Trần Đình Tương và Nguyễn Hứa Thảo.
Hè 1960, 24 học sinh đầu tiên của trường đi thi trung học đệ nhất cấp ở tỉnh lỵ Quảng Trị. Thời đó, thi tốt nghiệp các cấp học tổ chức 2 khóa mỗi hè. Ở khoá 1, chỉ có 1 người đỗ (cả tỉnh, đỗ chưa tới 60); đến khoá 2, có thêm 8 hay 9 người đỗ nữa. Tỉ lệ đỗ gần 40%, Kết quả rất đáng mừng, tạo đà các lứa sau có tỉ lệ đỗ không nhất thì nhì trong số các trường trung học ở Quảng Trị: Nguyễn Hoàng, Bồ Đề Quảng Trị và Thánh Tâm Quảng Trị.
Ngoài việc học, sinh hoạt hiệu đoàn của trường cũng rất mạnh. Hàng năm có 1 hay 2 dịp cắm trại, địa điểm chọn ở vùng quê cách xa Đông Hà từ 5 km đến 10 km. Một kỷ niệm kinh hải là dịp hè 1957, lớp đệ thất đầu tiên đi cắm trại ở bờ sông Hiếu phía trên làng Thiết Tràng (phường 4 thành phố Đông Hà bây giờ). Buổi chiều gần tối, sau khi nam sinh tắm xong, nữ sinh mới xuống tắm, “nam nữ thụ thụ bất thân’ mà! Các ả tập bơi sao mà ả Nguyễn Thị Cẩm Hoa cao tuổi nhất (khoảng 16, 17 tuổi) và cũng cao người nhất chìm nghỉm xuống lòng sông không thấy trồi đầu lên; nghe mấy ả còn lại hô hoán, mấy eng to con như Hoàng Huy Bá, Hoàng Vũ Khiêu ... nhảy xuống lặn mò, không gặp; một ngư ông đang đánh “lòng còng” thả lưới giữa dòng sông, phải chèo đò vào lặn giúp; ông nắm cái đầu tóc Cẩm Hoa kéo lên khỏi mặt nước, bồng ngược người Cẩm Hoa đưa vào bờ, đặt Cẩm Hoa nằm trên đất, mặt nhợt nhạt, mắt mở hi hí, không linh động; thầy Nguyễn Văn Châu quá lo cho trách nhiệm của mình, tái mặt ; thầy cúi xuống làm hô hấp nhân tạo - thầy hoạt động lâu năm trong gia đình Phật Tử nên có học môn cấp cứu này. Cẩm Hoa không chết, may ơi là may!
Trường còn tổ chức diễn văn nghệ cho học sinh hay dân chúng xem, thầy Phan Văn Cẩn có tài và rất năng nổ trong lãnh vực này. Các giọng ca vàng của trường bán công dạo ấy như Nguyễn Văn Hậu, Lâm Điển, Lâm Thị Lựu, Lâm Thị Qúy (mẹ ca sĩ Như Quỳnh hiện nay) ... đã làm cho khán giả ngây ngất.
Đặc biệt thể thao, dưới sự dìu dắt của thầy Hồ Xuân Diện, học sinh bán công đạt được nhiều thanh tích, nhất là ở môn bóng đá, thời đó đội bóng tròn của trường bán công thi đấu ngang ngửa với đội bóng trường Nguyễn Hoàng tuyển chọn từ số lượng học sinh đông hơn gấp bội và to con hơn vì trường Nguyễn Hoàng có nhiều lớp và đã có bậc đệ nhị cấp. Những danh thủ nổi tiếng của trường bán công hiện giờ còn để tên cho bạn bè nhớ như Đoàn Thoàn, Nguyễn Lớn (đã mất) ...
Năm học 1959 – 1960, trường trung học công lập Gio Linh mở, thi tuyển những học sinh ưu tú ở mạn bắc Đông Hà; năm học 1960 – 1961, trường trung học Cam Lộ mở, thi tuyển những học sinh ưu tú ở mạn tây Đông Hà, cũng vào năm học này, trường trung học bán công Cam Lộ cũng mở và tồn tại đến năm học 1965-1966. Năm học 1962 – 1963, trường trung học công lập Đông Hà mở, địa điểm ở khoảng phần phía đông khuôn viên Sở Văn Hóa Thông Tin bây giờ, thi tuyển một số học sinh và cũng trong năm học này trường trung học tư thục Đắc Lộ mở, địa điểm ở nhà khách Hữu Nghị bây giờ, thu nhận một số học sinh. Đến năm học 1967 – 1968 (?), trường trung học tư thục Bồ Đề Đông Hà mở, địa điểm trong khuôn viên trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc bây giờ, thu nhận một số học sinh nữa.
Về đội ngũ giảng huấn, không dám có sự so sánh giữa các trường, nhưng về cơ sở, trường bán công thua kém, trường bán công, ngoài 5 phòng học tạm bợ như mô tả ở phần trên, trong năm học 1960 – 1961, có xây thêm một phòng học lợp ngói ở phía tây, đấu thành hình chữ L; học phí ở trường bán công không thể cạnh tranh.
Thầy Phan Văn Cẩn giao chức hiệu trưởng cho thầy Nguyễn Ngọc Bôi (hiện ở Đà Nẵng), người quê Đại Hào, Triệu Phong vào năm 1962 để thi hành lệnh động viên. Thầy Nguyễn Ngọc Bôi giao chức hiệu trưởng cho thầy Lê Mậu Duy (hiện ở thành phố Hồ Chí Minh), người quê Bích La Thượng, Triệu Phong vào năm 1966 (?) để qua dạy trường trung học công lập Gio Linh rồi Nguyễn Hoàng. Trường bán công Đông Hà thưa dần học sinh rồi đóng cửa đầu năm 1969.

Trường trung học bán công Đông Hà ra đời, nếu không cho là chậm thì cũng tạm đúng lúc để vớt một số lớn thiếu niên Quảng Trị lên bậc trung học. Công ơn của các vị nảy ra ý định mở trường và các vị dạy dỗ còn mãi trong lòng những học sinh thời ấy nay tuổi đời đã trên dưới 70. Dù trường phải đóng cửa, công việc của trường vẫn được tiếp tục bởi các trường khác.
Chúng tôi, học sinh bán công bây giờ rải khắp năm châu bốn biển, vẫn luôn tự hào về ngôi trường mình đã học dù dấu tích đã bị thời gian xóa sạch./.

Quảng Trị - 28.4.2012- HĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét