Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Đạo Ngãi Thầy Trò và các bài ... -Th.H.Đằng

Gồm các bài viết :
1. Đạo Ngãi Thầy trò  2. Đà Nắng du ký
ĐÀ NẴNG DU KÝ

  Hoàng Đằng


(P1)- Đôi mắt Trời cho của tôi cứ mờ dần. Do tuổi già và do phung phí. Tôi nhập bệnh viện trung ương Huế từ 02/4/2013 để mổ đục thủy tinh thể. Khổ! Cứ sợ “bói ra ma, quét nhà ra rác”, lâu ngày không đi khám sức khỏe. Bây giờ Khoa Mắt phát hiện bệnh tiểu đường.
Trong lúc chờ điều trị giảm đường trong máu, chiều ngày 06/4/2013, ba anh em kết nghĩa: bác Nguyễn Văn Thị, chú Đỗ Tư Nhơn, chú Nguyễn Văn Nuôi vào thăm. Sự xuất hiện của bác Thị gây nhiều ngạc nhiên và cảm động. Lâu lắm rồi, bác không đi đâu vì bác đang mang trong người nhiều bệnh của tuổi già (năm nay 81 tuổi) và phải luôn có mặt để chăm sóc bác gái liệt giường  mà mọi thứ sinh hoạt phải có người phục vụ. “Xưa trốn quân trường về thăm vợ đẻ. Nay chực cạnh giường để lau khu ẻ”. Đó là câu đối bác làm để đọc cho khuây khỏa.
Trong trò chuyện ở bệnh viện, bác không quên dặn:
- Gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng mời eng tam mình vào chơi, chú mi cố điều trị làm răng về cho kịp chuyến đi.

Đã học và dạy ở trường Nguyễn Hoàng, ai mà không thương kính thầy Nguyễn Văn Thị! Người trông dáng như Bụt, tận tụy với công việc, cư xử tốt với đồng nghiệp và môn sinh.
Đặc biệt là gia đình Nguyễn Hoàng ở Đà Nẵng, trong tim họ, hình ảnh “thầy Thị” luôn có mặt: điểm mà họ chú ý nhất là một vị thầy trung thành, chung thủy với trường Nguyễn Hoàng. Chính vì vậy mà họ khẩn thiết mời thầy vào Đà Nẵng tham quan, xem như một dịp để tôn vinh thầy.
Chuyến đi ấn định khởi hành vào sáng 27/4/2013 và trở về chiều 28/4/2013. Trong thời gian chờ đợi, cứ vài ba ngày, thầy điện thoại hỏi thăm sức khỏe mấy đứa em và nhắc nhở ngày giờ lên đường.
Thầy còn đi khám sức khỏe xem thử có thể chịu đựng nổi chuyến đi hay không. Tiến sĩ bác sĩ Lê Thu Trang, trưởng khoa cấp cứu & hồi sức bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho bác biết: về tim, đi được nhưng về u xơ tuyến tiền liệt, có thể tắc nghẽn gây bí tiểu; còn theo bác sĩ chuyên khoa cấp II ngoại khoa Trương Xuân Nhuận, trưởng khoa ngoại chấn thương chỉnh hình bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đồng thời là con rể thầy, thầy đi được, không có vấn đề gì đáng lo.
Trong gia đình, các con không muốn cho thầy đi; còn cô thì không có ý kiến – có lẽ cô biết tính thầy rồi, chỉ tham quan phong cảnh và giao lưu với học trò và đồng nghiệp cũ thôi chứ “việc chơi” ... khỏi lo; tiêu chuẩn gia nhập nhóm G8 mà thầy thành lập năm 2008 là không còn mần mạn chi được nữa mà!
Thầy quyết định đi và chuẩn bị: sang tấm ảnh chụp họp mặt nhóm G8 2013 ra khổ lớn lồng khung làm quà tặng cho gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng, mua bánh kẹo trái cây nước uống dùng cho cả mấy anh em đi đường, mua trái cây làm lễ vật thắp hương cho thầy Thái Mộng Hùng, vị hiệu trưởng lâu năm trường Nguyễn Hoàng xưa.
 

Gia đình Nguyễn Hoàng - Đà Nẵng tiếp huynh đệ kết nghĩa Nguyễn Hoàng - Quảng Trị
khi vừa tới Đà Nẵng tại nhà anh Hoàng Trạch Thạnh
(Ảnh của Lê Văn Thái)
Thầy Nguyễn Văn Thị đến dạy trường Nguyễn Hoàng vào năm học 1955 – 1956 lúc trường còn tạm bợ nằm gần bờ sông đối diện với đình Thạch Hãn. Thầy Thái Mộng Hùng dạy trường Nguyễn Hoàng lúc trường mới mở (1951). Thầy Thái Mộng Hùng hơn thầy Nguyễn Văn Thị 5 tuổi (thầy Hùng sinh năm 1928 – tuổi Mậu Thìn; thầy Thị sinh năm 1933 – tuổi Quý Dậu). Thuở đó, trường còn ít lớp, ít thầy; hai thầy xem nhau như anh em. Sau đó, thầy Hùng lên hiệu trưởng, thầy Thị đứng lớp. Nhờ kiến thức tương đối rộng về nhiều mặt với thêm sự cẩn trọng, óc khoa học trong công việc, thầy Thị  thường được thầy Hùng khen ngợi, biểu dương. Thầy Thị chuyên dạy toán, nhưng tiếng Pháp, tiếng Anh vững vàng  (thầy học chương trình primaire thời còn Pháp đô hộ), văn chương lưu loát (người viết có hân hạnh đọc những bức thư tình của thầy). Có lẽ tình cảm giữa 2  thầy đã góp một phần vào việc giữ chân thầy Thị với trường Nguyễn Hoàng, với dân Quảng Trị cho đến trọn nghiệp.
Thầy Đồ, thầy Đằng, thầy Bồi, thầy Đoàn 

Tình cảm ấy còn tiếp nối bền chặt khi hai thầy rời trường, rời lớp. Sau năm 1975, thầy Hùng chuyển qua kinh doanh mua bán lắp ráp xe đạp. Cô Hoàng Thanh Tâm, phu nhân của thầy, quen thân với nhà buôn Võ Thanh Khiết lúc còn ở Quảng Trị. Khi định cư ở Đà Nẵng, nhà buôn này đã gợi ý mời gia đình thầy cộng tác trong việc mưu sinh. Còn thầy Thị kiếm được chân thư ký ở hợp tác xã ô tô Quảng Trị. Nhờ “ô dù”, chứ không phải tự nhiên mà có. Anh Hoàng Ngọc Ngôn, học trò cũ của thầy, có anh em đang quản lý hợp tác xã vận tải, thấy thầy thất nghiệp, đem lòng thương, tiến cử. Tình cờ, trời xui đất khiến trong đời hai thầy làm chung một nghề - nghề chuyên chở. Ngày trước, dạy học là chuyên chở đạo lý, kiến thức; giờ đây, hoạt động trong lãnh vực xe đạp, ô-tô là chuyên chở - chuyên chở người, hàng hóa, vật liệu ...
Sau 1975, hai thầy có dịp là tìm thăm nhau. Đi Đà Nẵng, thầy Thị ghé thăm gia đình thầy Hùng; ra Quảng Trị, thầy Hùng ghé thăm gia đình thầy Thị; đặc biệt ở lễ cưới Nguyễn Lê Thu Huyên, con gái út của thầy Thị, thầy Hùng ra dự và được mời đóng vai đốt nến cầu nguyện hạnh phúc cho hai cháu – một vai trò rất quan trọng và cần hội đủ nhiều tiêu chuẩn: ông bà song toàn, đối nhân xử thế đạo đức, con cháu hiếu thảo ...
Tuy nhiên, vào tuổi xế chiều, khó khăn chồng chất lên vai hai thầy. Phu nhân thầy Hùng bị chứng nan y, thầy phải chăm sóc cô trên bước đường tìm phương cứu chữa; phu nhân thầy Thị mù mắt, thầy phải ngày đêm quanh quẩn trong nhà bên cạnh người thương yêu. Bệnh tim của thầy phát nặng. Năm 2001, bệnh viện trung ương Huế đã lên lịch mổ. Thời ấy, kỹ thuật mổ tim ở Việt Nam mới ở bước đầu.  Xác suất rủi ro còn cao. Hôm ấy, ba người sẽ được mổ, theo thứ tự trong danh sách, thầy Thị xếp thứ ba ; hai người mổ trước chết, nên đến phiên thầy, hội đồng phẫu thuật ngưng. May ơi là may, không thì có thể năm nay đã đến lần kỵ thứ 12 của thầy.
Còn thầy Hùng, “họa vô đơn chí”, phu nhân thầy mất 2004, con trai đầu mất 2005 và thầy mất đầu năm 2007. Những lần ấy, vì sức khỏe, thầy Thị không đi Đà Nẵng được mà chỉ vọng bái người quá cố và gởi lời phân ưu đến thân nhân. Thầy cứ cảm thấy như mình có một điều gì trong đời chưa hoàn thành.
Năm nay, sức khỏe có tốt hơn, lại nhận được lời mời của gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng qua anh Hoàng Trạch Thạnh, thầy phấn khởi lên đường, đinh ninh trong đầu phải đến thắp hương tại nhà và viếng mộ thầy Hùng.

Gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng đã sắp xếp chu đáo cho anh em kết nghĩa Quảng Trị viếng thầy Thái Mộng Hùng trong chuyến tham quan Đà Nẵng hai ngày 27 và 28/4/2013.
Sau khi đặt chân đến Đà Nẵng được ít phút vào trưa ngày 27/4/2013, chúng tôi đã được anh Hoàng Trạch Thạnh và một số anh hướng dẫn đến nhà Thái Hoàng Nam, con trai thầy Hùng, thắp hương thầy cô. Ngôi nhà trệt thuở thầy cô còn tại thế đã được thay bằng ngôi nhà cao tầng. Mừng thay! 




Nhóm huynh đệ kết nghĩa Nguyễn Hoàng – Quảng Trị
dâng hương lên bàn thờ thầy Thái Mộng Hùng tại nhà Thái Hoàng Nam

 Chụp chung sau khi dâng hương. Ảnh  Lê Văn Thái
Vài thầy và học sinh cũ trong gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng đã có mặt. Vợ chồng anh Thái Hoàng Nam và chị Thái Thanh Thủy, con trai, con dâu và con gái thầy, chào đón chúng tôi, môi nở nụ cười thân thiện và hiếu khách. Bàn thờ gồm 2 phần: trước là bàn dựng tượng Phật Bà; sau là bàn thờ gia tiên;  trên bàn thờ gia tiên, di ảnh sắp thành 2 cấp: ở cấp trên, di ảnh cụ ông cụ bà Thái Tăng Liên, song thân của thầy và di ảnh cụ ông cụ bà Hoàng Gia, thân sinh của cô; ở cấp thấp, di ảnh thầy và cô. Thầy Thị đốt hương vừa vái vừa khấn – lời khấn thì thầm không nghe rõ; có lẽ đó là những tâm tình của thầy Thị đối với thầy Hùng sau một thời gian dài xa cách. Tiếp theo đến phiên 3 anh em kết nghĩa: Đằng, Nhơn, Nuôi vào vái.
Buổi chiều, đúng vào lúc 14 giờ, anh Trương Công, một cựu học sinh Nguyễn Hoàng - xin mở ngoặc thân thương, anh Công là con cụ Trương Kế từ Quảng Nam ra Quảng Trị mở lò ngói kinh doanh từ những năm đầu của thập kỷ 1950 - đem xe ô tô nhà lái 4 anh em kết nghĩa đi viếng mộ. Đoàn đi viếng mộ gồm 2 xe: xe thứ nhất của Thái Hoàng Phong, con trai thầy, chở anh Hoàng Trạch Thạnh và thầy Thị chạy trước dẫn đường; xe thứ hai của anh Trương Công chở Đỗ Tư Nhơn, Nguyễn Văn Nuôi và Hoàng Đằng. Xe chạy về hướng nam theo con đường nhựa xuyên qua căn cứ quân sự Hòa Long mà ngày xưa Mỹ sau khi rút về nước để lại cho dân tỵ nạn Quảng Trị tạm trú vào năm 1972 và là nơi trường Nguyễn Hoàng đặt cơ sở từ năm 1972 – 1974. Không còn dấu tích gì để định vị. Chỉ có lâu đài, biệt thự ... và những khu đất trống rộng có tường xây bao hay hàng rào che chắn – chắc đã được đưa vào quy hoạch. Hai bên đường là vỉa hè lát gạch, đây đó chen những thảm cỏ, vườn hoa được chăm sóc cẩn thận sạch sẽ. Thành phố Đà Nẵng nhìn “đâu ra đó”, hèn chi lãnh đạo Đà Nẵng - trước đây đứng đầu là ông Nguyễn Bá Thanh - luôn nhận được khen ngợi từ trong nước cũng như từ nước ngoài. Ở thành phố này, dân cũng đông -  khoảng một triệu - cộng thêm lượng không nhỏ khách vãng lai, thế mà không thấy có nạn kẹt xe. Nhờ tầm nhìn của lãnh đạo trong quy hoạch: đường rộng, thoáng và nhiều, cầu  qua sông Hàn cũng tương đối dày và cầu nào cũng có từ 4 làn xe trở lên.

Nghĩa địa - nơi mộ thầy Hùng tọa lạc - khá xa, nằm mãi trong địa phận xã Điện Nam, huyện Điện Bàn. Một vùng đất cát bằng phẳng, cằn cỗi, cỏ mọc lưa thưa héo úa. Mộ sát mộ, không một bóng cây dù lớn dù nhỏ; giữa cái nắng nóng mùa hè, trông quá khô khốc. Trong óc tôi, một giả thiết nảy ra: Giá như nơi yên nghỉ của người chết cũng được quy hoạch như nơi ăn ở của người sống thì lãnh đạo Đà Nẵng còn nhận được nhiều lời khen hơn. Ước gì nghĩa địa chia thành những ô bàn cờ, có lối đi đủ rộng ô tô tải nhỏ chở vật liệu vào được, tạo thuận tiện cho việc xây dựng mộ, hai bên lối đi có trồng cây tạo bóng mát, đây đó đan xen vườn hoa! Nghĩa địa, ngoài chức năng chôn người chết, biến thành khu du lịch, thế thì đẹp biết mấy! Đẹp cho người chết và đẹp cho người sống.

Trước mộ thầy Thái Mộng Hùng
Mộ thầy Hùng xây dựng không cầu kỳ. Cách kiến trúc thể hiện tính của thầy lúc sinh tiền: hòa đồng, đơn sơ. Theo lời anh Hoàng Trạch Thạnh, thầy an nghỉ trong khu mộ của nhiều vị cao đời có chức tước, nên muốn xây hoành tráng hơn cũng không được và không phải đạo. Phần mộ chia ra hai phần: bên trái thầy nằm, bên phải có xây ô dành cho cô – thi hài cô đang được chôn ở nơi khác. Mộ thầy sụt, do quan tài hủy mục, đổ thêm vài trạc đất là đẹp. Nghe nói chưa đổ và chưa đưa cô về cạnh thầy được vì thầy bói phán: chưa đến lúc! Mong sao cái lúc ấy sớm đến để thầy cô bên nhau, đúng với ý nghĩa lời người xưa: “Sống gởi nạc, thác gởi xương”.

Trước mộ, dựng lên  một nhà bia thay cho bình phong. Bia ghi đơn sơ. Thầy giáo Thái Mộng Hùng, nghĩa là chỉ nghề nghiệp, cùng ngày sinh, ngày mất kèm di ảnh chứ không ghi chức tước gì. Phía sau phần mộ là một bức tường có ghi 2 cặp câu đối nôm, trên viết quốc ngữ, dưới viết kèm chữ nôm:
Cặp 1: Cam Lộ lập thân đào tạo môn sinh lớp lớp.
            Điện Nam yên nghỉ lưu danh con cháu đời đời.
Cặp 2: Môn đệ tri ân công đức trọng.
            Tử tôn tạc dạ nghĩa tình thâm.
Thầy thông và rành đối, trướng, thơ, văn; chắc thầy mỉm cười với 2 cặp đối mà người đời viết tôn vinh mình ở trên.
Vậy là phần quan trọng của chuyến đi anh em kết nghĩa chúng tôi đã hoàn thành. Thời gian còn lại vi vu thỏa thích, xe dưa chúng tôi trở lại trèo núi Sơn Trà thăm chùa Linh Ứng. Công trình vừa có tính mỹ thuật vừa có tính đồ sộ. Tiếc là trời quá nắng và nóng, biển tỏa hơi mát không đủ khỏa lấp; đôi mắt mới mổ của tôi lọt mồ hôi vào ... nhức nhức, tôi cứ sợ rủi ro tai biến, bị mù thì nguy, tôi bước lững thững. Lạy Phật, tôi không muốn vào điện, không muốn xem gì nữa. Còn thầy Thị bước đi mà hai cánh tay xếp sát vào người như gà xếp cánh; thầy mệt lắm rồi, nhưng cũng “mần trạng”. Nếu ai hỏi mệt không, thầy uể oải trả lời còn khỏe.
Mặt trời đã lặn ở đỉnh núi. Trên đường về, anh Trương Công lái đưa chúng tôi tham quan cầu treo Thuận Phước – cây cầu treo dài nhất Việt Nam. Xe anh Thái Hoàng Phong chạy trước mất dạng. Không sao! Anh Công sống lâu năm ở Đà Nẵng, lo chi lạc đường!
 
Sân chùa Linh Ứng trên núi Sơn Trà
Từ trái qua phải:
Thái Hoàng Phong, Đỗ Tư Nhơn, Hoàng Trạch Thạnh, Nguyễn Văn Thị, Nguyễn Văn Nuôi, Hoàng Đằng
 
Mà đúng vậy, bữa cơm tối nay nghe nói do nhóm Hà Bích Hường mời. Xe về đến nhà hàng, thấy mọi người đã sẵn sàng, bàn ăn đầy thức ăn và thức uống ngon bổ. Nâng cốc, cụng ly chúc nhau: Good appetite! Bon appétit! 
 ...
(P2) - 


Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng có nhiều thế hệ, nhưng đúng như lời thầy Hồ Ngọc Thanh nói, thế hệ trước và thế hệ sau thương kính nhau, kết thành một khối bền chặt. Hồi trưa, 4 anh em kết nghĩa Quảng Trị được các anh lớn tuổi chiêu đãi. Các anh ngoài 70 rồi mà vẫn linh hoạt, vui vẻ, khỏe khoắn, đặc biệt anh Hoàng Trạch Thạnh - cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1954 – 1958 - với bước đi dài và mạnh, tiếng nói sang sảng, rõ ràng, môi luôn nở nụ cười vừa duyên dáng vừa hiền từ. Các bạn biết anh mấy tuổi rồi không? U 80 rồi đó – anh tuổi Bính Tý, sinh năm 1936.

Còn tối nay, nghe nói các anh chị em Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng trẻ hơn mời chúng tôi. Trong bữa ăn, thực khách trẻ có, già có, điểm thêm mấy bông hoa khoe màu: Hà Bích Hường, Lê Thu Ba, Phan Quỳnh Thủy và đặc biệt cô bé U60 nhí nhảnh Võ thị Quỳnh - tổng biên tập báo Trường Nguyễn Hoàng: Chân dung & Kỷ niệm - từ Huế vào. Võ thị Quỳnh vào họp bạn lớp 12 Phan Chu Trinh cũ, tình cờ trúng dịp. Nói dzậy thì cứ tin dzậy. Võ thị Quỳnh là tổng biên tập kiêm phóng viên xông xáo trong việc săn tin; ở đâu có “sự kiện” Nguyễn Hoàng, ở đó ít khi thiếu bóng Võ thị Quỳnh với cái máy ảnh đưa lên hạ xuống, rà qua rà lại. Võ thị Quỳnh khoe Trường Nguyễn Hoàng: Chân dung & Kỷ niệm số 10 sẽ ra 2 tập: 10a và 10b. Hiện 2000 trang đã biên tập xong; rứa mà gặp ai cũng trách: sao không viết bài và nài nỉ: viết thêm bài đi. Như thử giấy Việt Nam sản xuất ra và nhập khẩu về chỉ để in báo của Võ thị Quỳnh.

Một phần hình ảnh bữa ăn tối 27/4/2013
giữa gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng
và anh em kết nghĩa Quảng Trị

Tôi hiện nay làm nghề viết báo; báo nào? Xin thưa: Các báo liên quan đến trường Nguyễn Hoàng. Lê Thu Ba trong ban biên tập Tình Quê ghé tai hỏi nhỏ: Thầy đã viết gì cho Tình Quê chưa? Gấp chi Thu Ba ơi! Đến Tết Giáp Ngọ (2014) Tình Quê mới phát hành mà!

À này, nếu không nghĩ ra đề tài gì mới, Đà Nẵng Du Ký này lên trang cũng được nhé!

Bữa cơm trưa và bữa cơm tối đều ngon, chỉ khác trưa thì cơm nấu trong nồi, đơm ra dĩa, còn tối thì cơm nấu trong niêu, bưng ra cả niêu, mỗi niêu dành cho một người ăn. Tôi thắc mắc trong bụng: nấu từng niêu, mất nhiều thời gian, làm sao phục vụ kịp cho khách. Té ra không phải! Gạo đổ vào nhiều niêu, đưa vào lò điện; nấu một mẻ có thể cả mấy trăm niêu. Cơm trong niêu, chín, khô, ai có bộ răng vững và tốt thì nhai chầm chậm ... ngon. Nhưng váng lớp cháy hơi cứng, người già không răng, hay răng còn ít, cứ nuốt “đại”, e không tốt cho bộ phận tiêu hóa. Hạnh phúc nhân lên khi chúng tôi nhận thêm những gói quà từ những bàn tay ấm tình nồng nghĩa. Cảm ơn các anh chị em đã cho chúng tôi những bữa ăn trong ngày ngon miệng với bầu khí ấm cúng, chan chứa nghĩa tình.

 
Một phần hình buổi gặp gỡ ăn sáng 28/4/2013
     giữa anh em kết nghĩa Quảng Trị
và gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng 

Xe anh Trương Công đưa chúng tôi dạo Đà Nẵng ban tối. Anh Hoàng Trạch Thạnh cùng đi, thuyết minh như một hướng dẫn viên du lịch. Xe qua cầu Trần thị Lý, cầu quay Sông Hàn và cầu Rồng. Xe chạy dọc bờ sông theo đường Bạch Đằng. Xe chạy qua phố xá. Đà Nẵng đêm về lung linh ánh điện nhiều màu. Người dạo phố, người  hóng mát, người đi thể dục đông. Tuy vậy, người đi đường vẫn thấy thoáng. Anh Hoàng Trạch Thạnh có ý đưa chúng tôi ra bãi biển Mỹ Khê, nhìn biển ban đêm. Những con tàu ngoài khơi nhấp nháy đèn, những đợt sóng vỗ rì rầm, những sinh hoạt của con người trong bóng tối lờ mờ. Nhưng thầy Thị - giờ này mới nói thiệt – muốn về ngủ đi thôi vì quá mệt mỏi.

Hoàng Đằng đang phát biểu cảm ơn
NH-ĐN tại bữa ăn sáng 28/4/2007

Xe đưa chúng tôi về khách sạn Mai Lê Quỳnh. Cũng nằm trong vùng bãi biển Mỹ Khê. Khách sạn này của con anh Lê Văn Thái, cựu học sinh Nguyễn Hoàng khóa 1955 – 1961. Hai người lễ tân: một nam, một nữ đón tiếp chu đáo: chỉ phòng, giao khóa. Con gái anh Thái niềm nở: “Chào các bác! Các bác là thầy dạy ba cháu đây hà!”. Bốn chúng tôi cười đáp lễ, ngật đầu “đại”; thực tế chỉ có thầy Thị là thầy anh Thái còn 3 chúng tôi là đàn em – đàn em về khóa học và đàn em về tuổi tác (anh Thái tuổi Canh Thìn, sinh năm 1940). Anh Thái quê gốc làng Cu Hoan, huyện Hải Lăng. Anh chị may mắn gặp cơ duyên đã chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai. Nhờ đất lành đãi khách, nhờ tài xoay xở, trí khôn ngoan và óc sáng kiến trong mưu sinh, gia đình anh nay rất thành đạt. Anh là một trong những người có mặt đầu tiên đón tiếp chúng tôi hồi trưa.


Phòng ngủ 401 kê 2 giường đôi, có trang bị một tủ áo, một tủ lạnh, một bàn tiếp khách và máy điều hòa nhiệt độ; phòng toilet khép kín. Tiện nghi đầy đủ. Tối nay, bên ngoài, tiết trời quá nóng, máy điều hòa không kịp thời làm tròn chức năng, một máy quạt đứng tăng cường thêm. Tắm rửa xong, chúng tôi lên giường. Chẳng bao lâu, tiếng ngáy đều nhẹ nhàng trỗi lên như một bản hòa âm nhiều cung bậc. Chúng tôi đã ngon giấc qua đêm.

Năm giờ sáng ngày 28/4/2013, thức dậy, thầy Nguyễn Văn Thị ở lại phòng; Đỗ Tư Nhơn, Nguyễn Văn Nuôi và Hoàng Đằng đi bộ ra biển. Đường cũng khá xa, đi và về mất một giờ. Hai bên đường, nhà cửa chưa dày; quỹ đất Đà Nẵng còn nhiều, hèn chi nhiều đại gia ở Quảng Trị đã vào đây mua đất, mua nhà xây dựng cơ ngơi cho hậu duệ . Mặt trời chưa ló, người ở bãi biển đã đông; trên cát, người đi kẻ lại, dưới nước, người tắm lúc nhúc. Dân thành phố đã đi vào giai đoạn hưởng thụ, chất lượng cuộc sống đã cao.

- 6,30 giờ, anh Trương Công lái xe đến, đón đưa chúng tôi đến một nhà hàng hạng sang. Hôm nay, bận việc riêng, anh Công lái xe về. Tình cảm quá, nhiệt tình quá, anh Công ơi! Biết nói gì hơn, xin cảm ơn và chúc anh cùng gia đình vui khỏe, may mắn trên đường đời. Một dãy bàn kê dài bên hông nhà hàng dưới bóng cây che nắng. Gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng đã có mặt ở đây khá đông. Thầy cô giáo, cựu học sinh đủ thế hệ. Đây là buổi gặp gỡ định kỳ hàng tháng tạo dịp để anh chị em thăm hỏi chúng tôi và chúng tôi thăm hỏi anh chị em. Bữa ăn sáng tự chọn, ai muốn uống gì, ăn gì cứ gọi, chi phí đã có người đăng ký lo. Thức ăn có bún, phở, miến, mì, bò lúc-lắc, bò ra-gu. Thức uống có cà-phê các loại, sữa các loại, trà các loại. Người đến tham dự đông dần, xen kẽ ngồi vào giữa những người đến trước khiến đội ngũ tiếp viên bối rối, làm việc không xuể. Tiếng chào hỏi, tiếng chuyện trò râm ran.

Dịp này anh Thái Tăng Phương, cựu học sinh Nguyễn Hoàng khóa 1956 – 1964, gợi ý Nguyễn Hoàng – Quảng Trị nên tổ chức mừng thọ cho thầy Nguyễn Văn Thị theo mô hình Nguyễn Hoàng – Hàm Tân đã làm để tôn vinh thầy Lê Văn Quýt năm nào. Một ý tưởng đậm đạo lý, tình nghĩa. Nhưng bản thân tôi không mặn mà lắm. Người già còn đâu đủ sức chịu những căng thẳng, những áp lực khi phải ngồi hay đứng nhiều giờ để nhận những lời chúc tụng và phát biểu những đáp từ.

Thầy Lê Văn Quýt đã ra đi chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận lễ mừng thọ; trong cộng đồng, đã có biết bao trường hợp tương tự. Với bệnh tim, chốc chốc đưa ống thuốc lên miệng hít một hơi dài, với bệnh u-xơ tiền liệt tuyến, chốc chốc vào nhà vệ sinh tiểu tiện; trong nhà, phu nhân đang nằm liệt, khi tỉnh khi mê, thầy Thị chắc không welcome ý tưởng ấy. Như thế, xét về mặt chủ quan, mừng thọ cho thầy không được do hoàn cảnh, còn xét về mặt khách quan, gây phiền hà cho gia đình Nguyễn Hoàng các nơi, chắc chắn thầy không muốn. Cảm ơn lòng tốt của anh Thái Tăng Phương!

Chỉ mong anh chị em Nguyễn Hoàng nào có dịp ghé qua Đông Hà, nếu cảm tình, tìm đến thăm tạo cơ hội cho thầy chuyện trò mà khuây khỏa và để hàng xóm láng giềng thêm kính trọng thầy - thấy thầy được nhiều người quan tâm. Và Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng mời thầy vào lần này cũng đã là một cách tôn vinh rồi nè!

Tình cờ tôi nhận thêm một tin buồn. Cách đây mấy năm, tôi có viết một bài tưởng niệm thầy Nguyễn Như Lộc - giáo sư Pháp văn trường Nguyễn Hoàng vào giữa thập kỷ 1960 - đã tử nạn năm 1979 lúc vượt trại cải tạo. Trong bài, tôi có nhắc tên cô Phan thị Điền, phu nhân thầy. Cô giáo Nguyễn Hoàng ngày xưa, Hoàng thị Lang, đang ngồi ở hàng ghế đối diện, nhận ra tôi. Cô đến bên tôi, bắt chuyện. Cô cho biết cô Phan thị Điền là bạn của cô và đã mất ở nước ngoài. Cảm ơn cô Hoàng thị Lang về thông tin này. Nỗi buồn dậy lên trong lòng tôi; các cháu đang mồ côi cả cha lẫn mẹ. Các cháu thân thương! nếu tình cờ đọc được bài viết này, các cháu hãy nhận từ chú lời chia buồn chân thành nhất. Trong buổi gặp gỡ hôm nay, có 2 vị trên 80 tuổi. Đó là thầy Nguyễn Tịnh 84 tuổi (tuổi Canh Ngọ, sinh năm 1930) và thầy Nguyễn Hữu Nhơn 82 tuổi (tuổi Nhâm Thân, sinh năm 1932). Quý hóa quá! Dầu tuổi cao sức yếu, hai thầy đã đến để thăm hỏi thầy Nguyễn Văn Thị.

- 10,30 giờ, thầy Nguyễn Hữu Nhơn mời chúng tôi cùng một một số anh chị em trong gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng đi dùng bữa trưa. Nhà thầy ở gần đây, chúng tôi chỉ cần đi bộ. Thầy Nguyễn Hữu Nhơn dạy trường Nguyễn Hoàng vào những năm đầu lúc trường mới mở. Thầy quê gốc làng Phương Lang, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thầy trưởng thành ở Huế. Thuở thiếu thời, nhà thầy và nhà thầy Nguyễn Văn Thị ở gần nhau trên con đường dốc Bến Ngự. Hai cậu bé cùng đá bóng, thả diều, ù mọi, đánh căng ... cùng học trường tiểu học Nam Giao nơi thân phụ thầy Thị là cụ Nguyễn Cát Tường làm hiệu trưởng, sau đó, cùng tiếp tục học trường Quốc Học. Khoảng giữa thập niên 1950, do công việc, hai thầy xa nhau. Gặp lại nhau, hai thầy hạnh phúc lắm!

Nhà thầy Nguyễn Hữu Nhơn hiện ở là một nhà cao tầng trên một đường phố chính của thành phố Đà Nẵng. Mặt tiền nhà là shop thời trang, ở tầng trên, treo biển quảng cáo: hình một cô gái qúy phái với trang phục rất sang trọng, với khuôn mặt rạng rỡ níu kéo khách gần xa. Phu nhân thầy từng có thời làm hiệu trưởng trường nữ tiểu học Quảng Trị, nay cô đã mất, hình như thầy ở phần phía sau nhà một mình, ngày ngày vui thú với sách vở. Thầy tiếp chúng tôi rất ân cần. Thầy ít nói nhưng hoạt động nhiều. Thầy đóng gói trái cây: chùm nhãn bự trái cùng một trái dưa hấu to tròn. Đó là món quà thầy gởi thầy Thị đem về Quảng Trị. Ngồi ở phòng khách nhà thầy ít phút. Chúng tôi được thầy mời đến nhà hàng cách đó vài trăm mét, Tất cả mọi người đi bộ. Thầy thoăn thoắt dẫn đường, nhanh nhẹn lắm nhưng không che nổi dấu ấn tuổi tác trong dáng đi. Nhà hàng này phục vụ ăn uống khác mấy nhà hàng trước; mỗi khẩu phần gồm một đùi gà bọc bột chiên chín, chêm thêm mấy dĩa mì, dưa chuột; thức uống là coca cola. Bữa ăn trưa này cũng là bữa ăn chia tay giữa gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng và 4 anh em kết nghĩa chúng tôi.

-11,30 giờ, một chiếc taxi đưa chúng tôi ra ga. Bồi hồi cảm động. Nhiều anh chị em Nguyễn Hoàng - Đà Nẵng ra tận ga tiễn.

Hôm trước, đi vào, chúng tôi được gia đình anh Trịnh Đình Song - học sinh cũ Nguyễn Hoàng, định cư ở Đông Hà nhưng thường vô ra Đà Nẵng vì cũng có nhà ở đây – đãi một chuyến xe. Cháu Trịnh Đình Quân – con anh Song, vừa chủ xe vừa tài xế - đón chúng tôi tại nhà từng người: bác Thị lúc 6 giờ kém 15’, Hoàng Đằng lúc 6 giờ ở Đông Hà, Đỗ Tư Nhơn và Nguyễn Hữu Nuôi lúc 7 giờ tại thị xã Quảng Trị. Tình cảm thay! Cháu Trịnh Đình Quân đang ở chế độ trường chay, vậy mà bữa ăn sáng mặn chúng tôi dùng ở thị xã Quảng Trị cháu cũng đãi luôn. Cháu Quân cầm tay lái cẩn thận, cứ vài giờ dừng xe cho các bô lão “xả bầu tâm sự”. Xe đang chạy; các con bác Thị từ Đông Hà thỉnh thoảng gọi cho Nguyễn Văn Nuôi để nắm bắt tình hình sức khỏe của bác, anh Thái Tăng Phương từ Đà Nẵng gọi cho Đỗ Tư Nhơn để nắm bắt những điểm đã đến của xe trên đường.

- Hơn 11 giờ xe mới đến Đà Nẵng. Điểm ghé đầu tiên là nhà anh Hoàng Trạch Thạnh, tiếp đến là nhà anh Thái Hoàng Nam, nơi thờ thầy Thái Mộng Hùng và nhà hàng ăn trưa. Cháu Trịnh Đình Quân từ giã chúng tôi về với gia đình nhỏ của cháu đang ở Đà Nẵng, Cháu dặn: nếu chiều nay và ngày mai, mấy bác cần, cứ gọi, cháu sẵn sàng và hân hạnh được phục vụ. Cảm ơn gia đình Trịnh Đình Song và đặc biệt cháu Quân. Không tình cảm mặn nồng, không phục vụ ân cần đến thế.

Anh Hoàng Trạch Thạnh giao 4 vé tàu – loại cao cấp nhất – cho chúng tôi. Nhóm gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng và chúng tôi đưa tay vẫy chào nhau ... tạm biệt.

Chúng tôi lên tàu, vào khoang. Tàu rời ga ... xụt xịt ... xụt xịt ... Người nằm kẻ ngồi. Bác Thị thỉnh thoảng đứng dậy, nhìn cảnh vật qua khung kính. Phần quà thầy Nguyễn Hữu Nhơn tặng đem ra,  ăn bữa chiều cho vừa vui miệng vừa vui bụng.

- 16,30 giờ, tàu tới Đông Hà. Tội nghiệp! Tàu không dừng ở thị xã Quảng Trị; chú Đỗ Tư Nhơn và chú Nguyễn Văn Nuôi phải tìm phương tiện quay ngược lại 14 km. Tôi gợi ý: Hai ngày rồi, chúng mình không tiêu khoản nào hết, chừ thì “làm oách”, thuê một chiếc taxi đưa bác Thị, Đằng về nhà ở Đông Hà rồi đưa thẳng Nhơn và Nuôi vào Quảng Trị.

Nhờ khoản tiền bạn bè, học trò cũ, con cháu, bà con cấp giúp khi đi mổ mắt chi phí dư ra, tôi “làm le” bắt taxi, trả giá rồi trả tiền, nhưng Nhơn và Nuôi không chịu, đưa ra quy định: người nào xuống cuối cùng sẽ là người chịu tiền. Thôi, mấy chú có lòng thì eng cũng có bụng; xin cảm ơn.

Tôi về đến nhà, đứa chắt nằm trong nôi, thấy bóng, khua tay, đạp chân, miệng bi bô mừng rỡ; hai đứa chắt khác mới biết đi, chớt chát:

- Chố về, chố về!

Còn bác Thị bước vào, bác gái đang co mình, nằm xoay mặt vào trong, nghe tiếng động và ngửi thấy mùi quen, ngoái cổ - do bệnh Alheimer, bác gái đã quên lời tạm biệt của bác trai vào sáng hôm trước lúc đi - thều thào trách yêu:

 - Cả đêm anh đi mô mà em đưa tay sang sờ không thấy chi hết!

Còn chú Đỗ Tư Nhơn và chú Nguyễn Văn Nuôi được người thân chào đón như thế nào? Hãy kể đi. Tôi không đi theo vào Quảng Trị nên không dám bịa ./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH
Anh Nam Anh, anh Hào (đứng),
thầy Thanh, thầy Thị, thầy Nhơn (ngồi)

Thầy Đồ, thầy Đằng, thầy Bồi, thầy Đoàn 

 
Anh Nam Anh (đang phát biểu), thầy  Bôi, anh Thạnh, thầy Đồ, thầy Đằng
Thầy Thị, anh Nuôi, thầy Đằng, chị Quỳnh
 
Những tấm hình lưu niệm của Thầy trò hôm nay


Hoàng Đằng 
03/5/2013 (24/3/Quý Tỵ)

ĐẠO NGÃI THẦY TRÒ
Ghi lại kỷ niệm “vui vui” với một học trò cũ trường trung học Triệu Phong thời ở  Hòa Khánh Đà Nẵng  

- Ngày ni không có thu nhập chi rồi cậu ơi! Anh Hoá buồn bã nói với tôi trên đường trở lại nhà.
Anh Hoá là chồng chị họ tôi. Trước năm 1975, anh phải đi lính, Tính anh nhút nhát, xông pha chiến trường sợ bỏ mạng. Anh đào ngũ và bị bắt tù nhiều lần. Cứ mỗi lần tù mãn hạn, anh bị đưa sang binh chủng khác. Từ địa phương quân, qua bộ binh đến thiết giáp. Nhờ thế, thời gian trận mạc giảm đáng kể. Chiến tranh chấm dứt, anh may mắn sống sót.
Sau năm 1975, anh lao động trong các tổ chức nông nghiệp hợp tác tại địa phương: từ tổ vàn công, qua tập đoàn sản xuất đến hợp tác xã. Anh còn tranh thủ đi làm “thợ đụng”, nghĩa là ai thuê gì làm nấy. Gia đình anh vốn không có của dư của để. Chị bệnh tật thường xuyên, các cháu nhỏ dại và lại đông đứa. Anh không xoay xở thì làm sao sống nổi. Anh vui tính, có biệt tài nói hề chọc cười thiên hạ. Thời niên thiếu, nhờ giúp gia đình nhiều trong lao động, anh tương đối rành những công việc vặt. Nhiều người biết anh, khi có việc, đều mướn anh làm.
Nhà tôi ở gần nhà anh. Tôi và anh cùng lao động trong một đội sản xuất. Mỗi khi anh được phân công cày, tôi xin được phân công dắt trâu. Đó là cái mẹo mà tôi nghĩ ra để có cơ hội tập cày. Những đêm trăng sáng, gặp lúc không hội họp đội đoàn, không tập trung học tập đường lối chủ trương của Cách Mạng, tôi thường qua nhà anh. Anh và tôi ngồi trên chiếc “đòn bào” đặt dưới bóng trăng trò chuyện, đùa giỡn bên ca nước chè. Giữa anh và tôi, ngoài tình bà con, tình “đồng đội”, còn có tình bằng hữu.
Gia đình tôi có 5 miệng ăn: tôi và 4 đứa con nhỏ. Chỉ có tôi lao động trong hợp tác xã, mà lại lao động lếu. Công điểm mỗi vụ ít, phần ăn chia nhận được từ hợp tác xã không đáng kể. Tôi gặp rất nhiều khó khăn để trang trải mọi chi tiêu trong gia đình từ cái ăn, cái mặc, cái bút, cái vở đến chi phí che chắn nơi ở, đi kỵ, đi đám tang ... Tệ đến nỗi nhiều người thân, bạn bè qua đời mà không có được nén nhang đến thắp, tôi đành nằm trùm chăn trên giường giả bộ bệnh ! Ăn uống thì bữa đói bữa no, bữa có bữa không.  
Dù đã học thuộc lòng và đã dạy cho nhiều lứa học sinh câu thơ của Nguyễn Công Trứ:“Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc” (bất cứ cái gì mà mình cho đủ là đủ, còn đợi đủ thì biết đến khi nào). Nói triết lý thì tài mà đem triết lý vào cuộc sống thì dở. Trên thực tế, tôi luôn luôn đối diện với cảnh thiếu thốn: còn gạo thì không còn ruốc muối, có ruốc muối thì không có củi ...
Thấy tình cảnh tôi, anh Hoá thương tình đề nghị:
- Nếu cậu không ngại thì từ nay cậu đi làm thêm với tôi.
Tôi mừng lắm. Tôi đã định xin đi theo anh  lâu rồi, nhưng tôi ngại. Việc anh làm cần sức mạnh, cần dẻo dai, cần khéo tay. Những thứ cần ấy tôi không có. Oái oăm thiệt ! Những gì tôi đang có thì không đem ra dùng được, những cái tôi không có thì người ta đang cần. Để nói lên thực trạng của mình cho hả hơi, có lần Tết đến xuân về, tôi đã làm 2 câu đối :
Cơm áo gạo tiền đè nặng hai vai khôn  gánh vác
Văn chương chữ nghĩa phôi pha một kiếp khéo dư thừa”
Câu đối Tết của cụ Trần Tế Xương ngày xưa “viết vào giấy dán ngay lên cột, hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay”, còn câu đối Tết của tôi viết xong chỉ để tự mình suy ngẫm, chứ “mẹ mày”, tiếng gọi thân thương mà người chồng thường gọi người vợ, ở trường hợp tôi, đi xa rồi. “Nhà tôi” đã tử nạn chiến tranh tại trại B3 Hoà Khánh vào đầu tháng 9 năm 1972, một thời gian ngắn trước khi tôi đến với trường Triệu Phong.
Trong chữ Hán, bộ “miên”            (mái nhà) ở trên cộng thêm chữ “nữ”         (đàn bà) ở dưới là chữ “an”           (yên bình), gia đình tôi thiếu phụ nữ nên không “an”, luôn trong tình trạng bối rối.
Đón một Tết khác, tôi không làm câu đối nữa mà định làm mấy vần thơ. Mới có ý định thì cảm xúc đã dâng trào:
Xuân về xin viết mấy câu ca,
Rộn việc riêng – chung, suốt tháng qua
Tết đến, xem ra tất cả thiếu
Không gì hơn thiếu “một nhành hoa”.
Bà con, bạn bè đến thăm, đọc thơ Tết cười, trêu tôi đã ”nổi ...”, đã “tính chuyện”. Họ không hiểu tâm trạng rối như tơ vò của tôi. Mà chẳng có ai hiểu thấu nỗi lòng của ai – người ta có cùng hoàn cảnh như nhau đâu!
Hoàn cảnh như vậy đòi hỏi tôi phải kiếm thêm một việc gì đó để có thu nhập phụ. Nhưng không ai tìm đến tôi để thuê mướn vì họ chưa từng thấy tôi làm được việc gì mà họ đang cần, còn tôi thì chưa dám xin đi làm theo ai vì ngại: ngại thứ nhất là trong thời buổi khó khăn có việc kiếm cơm thì ít ai muốn chia sớt, nhường bớt phần với người khác; ngại thứ hai là người đem mình theo sẽ phải chịu nặng nhọc thêm để bù phần việc mà mình làm không tròn do vừa yếu vừa kém; ngại thứ ba là mình do vụng về có thể làm hỏng công việc của chủ thuê khiến người đem mình theo mất uy tín; ngại thứ tư là một số người có thể dè bĩu mình từng làm giáo sư mà không biết dự phòng nên bây giờ ra nông nỗi này và còn ... nhiều cái ngại nữa !!!
Lời gợi ý hôm ấy của anh Hoá làm tôi suy nghĩ: nên đi hay không nên. Cuối cùng, do bản năng sinh tồn, tôi đã nhập cuộc và sắm cuốc, rựa, xên, cúp, búa, kềm ... làm đồ nghề.
Ở Đông Hà, lúc ấy, việc buôn bán, mánh mung, vận chuyển ... dựa vào con đường 9 rất sôi động. Nhiều người gặp may “nước lả mà vả nên hồ, tay không mà dựng cơ đồ êm re”. Họ trở thành giai cấp được trọng vọng số 1 trong xã hội. Cuộc sống sung túc: ăn cơm không độn lại đầy đủ thịt cá chiên xào, trang phục ra đường sang trọng, con cái dễ lấy vợ gả chồng. Trai gái mới lớn đứa nào cũng mơ ước lấy được chồng hay cưới được vợ con nhà có mẹ buôn đường Lào, có sạp vải hay sạp quần áo tại chợ, có bố tài xế cục 6, cục 5. Y như bây giờ người ta muốn lấy vợ lấy chồng Việt kiều hay người nước ngoài vậy.
Chính giai cấp này tạo ra công ăn việc làm cho giới “thợ đụng”. Việc thuê làm đơn giản thôi ! Đất ở hoặc tự chiếm hoặc được Nhà Nước cấp trên vùng đồi núi hoang nhàn của các làng Điếu Ngao, Tây Trì ... rộng đến vài ba sào mỗi hộ cần cuốc xới, rào giậu. Nhà cửa, vì điều kiện chưa tính chuyện làm kiên cố, chỉ làm tạm bợ, cần tráp phên, lợp mái bằng tôn hoặc bằng tranh. Đất trống quanh nhà cần trồng cây lương thực hay cây rau màu, làm chuồng lợn chuồng gà để vừa có thêm thức ăn cho gia đình vừa có thành tích  sản xuất với xã hội.
Cứ vài ba ngày, tôi được anh Hoá gọi đi làm một ngày. Anh sai gì tôi làm nấy. Cái gì tôi chưa biết mà anh nghĩ là tôi làm được thì anh bày vẽ, tôi học đánh tranh, học lợp nhà tranh. Cái gì quá nặng nhọc biết tôi không làm nổi thì tự anh làm lấy. Vì bôống lếu, tôi phải rán sức, làm luôn tay để tỏ ra rành rõi, vì yếu ớt, tôi phải gồng mình để tỏ ra mạnh bạo. Tôi sợ chủ thuê quan sát, đánh giá tôi tay nghề thấp rồi thải hồi.
Nghĩ mà tức cười! Gần hết cả đời lúc nào tôi cũng phải rán sức, hèn chi bây giờ tuổi chưa cao mà thân thể đã bệ rạc! Thời đi học, tôi phải rán sức, phải tranh thủ thì giờ đi dạy kèm kiếm cơm. Lại thêm, cùng một thời gian, tôi phải rán sức học 2 trường để thi cử cho có bằng cấp. Thời đi dạy, ngoài trường công, tôi phải rán sức dạy thêm hai ba trường tư để kiếm tiền trang trải chi phí bản thân và gia đình. Khi được cử nhiệm làm Hiệu Trưởng trường Triệu Phong, tôi cũng tự thấy phải rán sức để tổ chức việc học của học sinh; mong được tốt hơn.
Tốt nghiệp viện Hán Học Huế hè năm 1965, tôi được bổ nhiệm dạy tại trường Nguyễn Hoàng. Hè năm 1968, động viên vào quân đội rồi cuối năm 1969 được trở lại nhiệm sở cũ. Đầu năm 1970, tôi xin thuyên chuyển ra trường Đông Hà cho gần vợ con. Mùa xuân năm 1972, theo trường di tản vào Đà Nẵng. Gia đình tạm cư ở trại Hoà Khánh trong khi trường Đông Hà mở tại trại Hoà Long. Tôi xin được bố trí dạy ở trường Triệu Phong cho thuận tiện. Qua năm học 1973 – 1974, tôi được đề bạt lên làm Hiệu Trưởng.  Năm học 1972 – 1973, trường Triệu Phong đặt cơ sở tại một cái nhà tôn khá lớn ở trại E Hoà Khánh có khoảng 20 lớp bậc học đệ nhất cấp. Trường ở gần chợ, người mua kẻ bán ồn ào, môi trường không được sạch, những nhà dân tạm cư quá gần kề. Đối với tôi, địa điểm này không thích hợp. Tôi có suy nghĩ phải di chuyển trường tới một địa điểm khác. Sau nhiều ngày tìm kiếm, tôi phát hiện ở khu F, còn mấy cái nhà kho rất lớn, nằm liền nhau trên một khu đất rộng biệt lập. Dò hỏi, tôi được biết mấy cái nhà này nằm dưới quyền quản lý của khu Kỹ Nghệ Đà Nẵng. Tôi kiến nghị với Sở Học Chánh tỉnh Quảng Trị (thầy Thái Mộng Hùng làm Chánh Sự Vụ), khu Học Chánh I (thầy Nguyễn Đăng Ngọc làm Trưởng Khu) và ban chỉ huy liên trại tạm cư Hoà Khánh can thiệp xin với Khu Kỹ Nghệ Đà Nẵng để trường Triệu Phong sử dụng mấy cái nhà nói trên. Nhờ sự quan tâm và tận tình giúp đỡ của các giới chức liên quan, trường Triệu Phong được phép chuyển đến địa điểm mới.
Công việc chỉnh trang được tiến hành gấp rút. Việc đầu tiên là dọn vệ sinh. Vì là một khu biệt lập, nơi này biến thành nơi phóng uế tập thể của số dân quanh vùng. Việc thứ hai là trổ cửa sổ cho các phòng học. Theo bút phê thuận cho mượn của ông Giám Đốc Khu Kỹ Nghệ Đà Nẵng, cấu trúc nhà phải giữ nguyên trạng, không được phép tháo gỡ hay đục phá. Cái nhà quá to mà chỉ có 2 cửa ra vào 2 đầu, ánh sáng không đủ cho việc dạy việc học và không khí không đủ cho đông người hít thở. Tôi tự động cho đục tôn tráp tường, chống lên tạo cửa sổ, cứ mỗi khoảng ngăn thành một lớp đục 2 cái.
Rồi đến việc tiếp nhận thêm học sinh, thật phiền hà rắc rối ! Trong năm học 1972 – 1973, nếu tôi nhớ không lầm, ở liên trại Hoà Khánh, có một chi nhánh của trường Nguyễn Hoàng trong khi trường chính đặt ở trại Non Nước. Qua năm học 1973 – 1974, trường Triệu Phong được giao trách nhiệm nhận tất cả học sinh trung học công lập ở mạn Tây Bắc Đà Nẵng. Văn phòng mở cửa nhận hồ sơ nhập học thêm nhiều học sinh. Trong đợt đó, một số không nhỏ con em Quảng Trị xin vào lớp 10 với chứng chỉ học trình và học bạ lớp trước do trường trung học Trần Quý Cáp ở Hội An cấp. Theo nguyên tắc, học sinh xin chuyển trường có đầy đủ giấy tờ cần thiết thì được thu nhận, nhưng để học sinh được chính thức theo học, trường tiếp nhận phải gửi hồ sơ của học sinh ấy về trường cũ yêu cầu xác minh. Tất cả số học sinh nói trên đều bị trường Trần Quý Cáp từ chối xác minh. Thế là các em học sinh này đã mua chứng chỉ học trình và học bạ giả của trường Trần Quý Cáp do một tổ chức bất lương nào đó làm bán. Các em lần lượt ra khỏi trường Triệu Phong mặc dù có em đã học được một, hai tháng. Nhiều phụ huynh tới nài nỉ nhưng tôi không thể, và không ai cho phép tôi, vi phạm nguyên tắc. Chuyện này làm cho tôi bị một số phụ huynh oán giận và thù ghét. Cũng xin nói với người đời sau: nhờ áp dụng nguyên tắc ấy mà bằng cấp giả, giấy tờ giả thời ấy – tôi không dám bảo không có - giảm đến mức tối thiểu. Kinh nghiệm làm lãnh đạo đầu tiên mà tôi trải qua không mấy êm ả.
Qua cơ sở mới, trường Triệu Phong phình ra to: tăng số lớp và mở thêm lớp 10 và lớp 11. Tiếc là không phình luôn để dễ tính toán, đằng này phình lên rồi xọp xuống theo nhịp độ dân tạm cư chuyển đi - chuyển đến. Các chương trình giải quyết tạm cư bắt đầu triển khai: nào tự túc mưu sinh, nào hồi cư về nguyên quán, nào hồi cư về Diên Sanh, Mỹ Chánh, nào đi khai hoang lập ấp ở Bà Rịa Vũng Tàu, Cam Ranh, Ninh Thuận, Bình Tuy, Long Khánh ... Số lớp di động thường xuyên từ khoảng 35 đến trên 40. Nguồn giáo sư đã thiếu, số lượng lại trôi nổi do thuyên chuyển đến và thuyên chuyển đi. Tôi phải mất rất nhiều thì giờ để bố trí giáo sư đứng lớp và sắp xếp thời khoá biểu toàn trường. Thời gian làm Hiệu Trưởng rất ngắn nhưng tôi phải chia thời khoá biểu đến cả chục lần. Dù vậy, tôi chẳng thấy mệt mỏi mà còn thấy vui vì bên cạnh tôi, đội ngũ giáo sư cởi mở có tinh thần trách nhiệm cao đang cộng tác tốt và cả trên 1000 học sinh nhí nhảnh vui đùa, học hành chăm ngoan dễ thương.
Rời trường Triệu Phong, tôi mang một cảm giác tiếc nuối, không phải tiếc cái chức Hiệu Trưởng mà sự thân thương của đồng nghiệp và môn sinh. Để tránh bùi ngùi xúc động, tôi ra đi lặng lẽ, không nói lời tam biệt với ai.
Làm Hiệu Trưởng trường Triệu Phong, phải xoay xở và lao động nhiều để giải quyết những tình huống khó khăn, tôi trưởng thành nhiều về mọi mặt, không khác chi một dụng cụ bằng kim loại luôn dùng thì sắc bén.
Chức Hiệu Trưởng trường Triệu Phong tạo đà cho tôi bước lên “hoạn lộ”. Khoảng đầu tháng 4 năm 1974, tôi cùng gia đình đi theo chương trình khẩn hoang lập ấp vào Bình Tuy ở khu dành cho dân Đông Hà. Tôi được cử giữ chức thanh tra trung học tại Sở Học Chánh Bình Tuy, vận động mở trường trung học Nguyễn Phúc Chu tại khu khẩn hoang lập ấp và làm Hiệu Trưởng trường này một thời gian. Khoảng tháng 2 năm 1975, ty Giáo Dục Bình Tuy rút tôi về làm Phó Ty và khi giải phóng toàn miền, tôi phải từ giã nghiệp giáo dục.
Về sinh sống với bà con xóm làng, tôi lao động trong hợp tác xã nông nghiệp với nhiều chức vụ cũng oai: Kế Toán Phân Phối, Đội Trưởng Sản Xuất, Phó Chủ Nhiệm Hợp Tác Xã. Vào những năm cuối thập kỷ 1970 và đầu thập kỷ 1980, kinh tế chung quá khó khăn. Như đã kể ở trên, tôi theo anh Hoá làm đủ việc: làm nhà tre, lợp nhà tôn, vét mương thoát nước, khai hoang đất ở, đào hồ cá ...
Một ngày nọ, anh Hoá và tôi đánh vồng và trồng khoai cho một chủ thuê ở khu vực đường Lê Thế Hiếu thành phố Đông Hà bây giờ. Công việc xong. Mặt trời sát gần ngọn núi cao trên dãy Trường Sơn, loé quầng đỏ chói nơi chân trời. Chủ thuê đang thanh toán tiền công thì một người đàn ông trạc tuổi dưới 30 mặc áo mai-giô, quần cụt, mang dép “tông Thái Lan”, đứng ở sân nhà bên cạnh, nói vói qua:
- Nhờ 2 bác ngày mai lên làm vườn cho tui với. Nhớ nghe!
Hai anh em nở hoa trong bụng, có công ăn việc làm liên tục như thế này thì có thể mua thêm con trích, con nục bồi dưỡng các con đang tuổi phát triển thể xác.
Trời nhá nhem tối, hai anh em - cuốc trên vai - thong thả vừa bước đi vừa nói chuyện. Đã qua một ngày vui vì có tiền trong túi và một ngày có hậu vì ngày mai cũng lại có tiền và biết đâu ... ngày mốt ... ngày tê!
Đêm đó, đầu hôm, do mệt mỏi, tôi nằm xuống ngủ liền. Tôi trở giấc thức dậy. Bóng trăng hạ tuần chiếu xiên qua cửa sổ phủ lên người. Mắt nhắm mắt mở, tôi tưởng trời đã sáng. Bật ra khỏi giường, tôi vội chạy qua gọi anh Hoá chuẩn bị đi làm. Ăn xong mấy củ khoai lang nấu để dành từ đầu hôm, tôi đi ra rồi đi vô, đứng dậy rồi ngồi xuống cả hồi lâu trời mới sáng mặt.
Lại cuốc trên vai, anh Hoá và tôi lên đường. Ngọn gió ban mai phe phẩy thổi vào mặt, tôi thấy sảng khoái trong người lạ thường. Đường từ nhà chúng tôi đến chỗ làm trên 2 cây số; vừa bước thoăn thoắt vừa nói chuyện tầm phào, anh Hoá và tôi, chẳng mấy chốc, đã tới ngõ, con chó đứng trong nhà chìa mõm sủa báo động. Một người đàn bà trạc tuổi trên 20 từ trong nhà vội ra đón đường, bộ quần áo ngủ nhàu nát, có lẽ cả đêm chị trằn trọc qua về không ngủ được vì trời hè nóng nực và có lẽ cũng vì phải suy nghĩ sẽ đối phó thế nào với hai người làm công mà chồng chị đã lỡ kêu. Chị đến trước mặt tôi, chấp hai tay trước ngực, nói như van xin:
- Em lạy thầy, em không dám thuê thầy, xin lỗi thầy vì “nhà em” không biết thầy, nên thất lễ với thầy. Em xin lỗi thầy, mong thầy thông cảm.
Tôi gượng cười, nhìn chị rồi nhìn qua anh Hoá. Anh Hoá ngoảnh mặt sang phía khác, có vẻ không vui, anh lắc đầu mấy cái, rồi buột miệng:
- Thôi về cậu ơi !
Hai anh em vác cuốc lên vai. Cáo từ. Chân chúng tôi bước lửng thửng, trĩu nặng như có cái gì níu xuống.

Ngay lúc đó, tôi không nhớ người học trò ấy tên gì, học với tôi lớp mấy, tại trường nào. Vì tuy thời gian làm thầy giáo không nhiều, tôi cũng kinh qua rất nhiều trường: Bán Công Sịa ở Quảng Điền – Thừa Thiên, Nguyễn Hoàng, Công lập Đông Hà, Đắc Lộ, Bồ Đề Đông Hà, Công Lập Triệu Phong, Thanh Linh, Công lập Nguyễn Phúc Chu, dạy đủ các lớp bậc trung học từ lớp 6 đến lớp 12 và dạy cũng khá nhiều môn: Việt văn, Pháp văn, Sử Địa, Công Dân Giáo Dục.
Sau này, tính tò mò xui tôi tìm hiểu. Người phụ nữ ấy nguyên là học trò lớp 9 năm học 1972 – 1973 và lớp 10 năm học 1973 – 1974 của tôi ở trường Triệu Phong tại Hoà Khánh.
Tôi thầm khen em biết đạo ngãi thầy trò giữa cuộc đời dâu bể./.
Đầu  tháng 6  năm 2010
Hoàng Đằng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét