KHÔNG NHƯ THỜI TÓC CHỎM
Văn Thiên Tùng
Rời khỏi ghế trường tiểu học là nổi mừng thoát qua cấp học. Bước vào Trung học đệ nhất cấp thế nào chưa biết được. Đường đến trường chắc hẳn dài hơn, phương tiện đương thời không có gì hơn ngoài việc “cuốc bộ”, với một ngôi trường thầy cô, bạn bè xa lạ…
Những suy nghĩ miên man cứ lẩn quẩn trong đầu óc mình là ‘lạ hoắc”. Ước mơ trở thành một học sinh trường tỉnh“Trung học Nguyễn Hoàng” cũng là một ước mơ không chỉ riêng mình mà còn mong muốn của cha mẹ và các anh chị nữa. Với trường này mỗi năm chỉ có 200 học sinh được lọt vào.
QUÊ HƯƠNG TRONG TÔI
Còn 1 tháng nữa đến kỳ thi 24/6/1966. Thời gian rút ngắn dần, trong nổi lo và chờ đợi; ngày thi cận kề… Những công việc ở làng quê lúc này nông vụ rất bận rộn, vừa thu hoạch mùa vụ “rơm, tóc”…; vụ “trái” liền kề nào gieo mạ cho lúa cấy, cuốc đất cày ải cho ruộng “vại” . Ngoài ôn thi những học sinh vùng quê như mình còn phải ra đồng giúp việc nông như giúp ‘Cha’ dắt trâu cày bừa, phải đạp nước “dội’ đưa vào “ruộng phở”* . Do tháng này gió Lào thổi mạnh nên nước bốc hơi nhanh, người chia năm xẻ bảy; ngoài đạp nước, nông dân còn đi tỉa dặm, cào cỏ lúa cấy; người thì dùng liềm bứt gốc rạ phơi khô để từng đống sau đó bó, gánh về nhà xây thành đụn cao, gọi là “đụn rơm’dùng làm chất đốt , cho trâu nằm và ăn khi mùa rét đến; ruộng vại sau khi dọn hết gốc rạ, còn phải đốt sạch sẽ những gì còn lại trên thửa ruộng, cuối cùng mới dùng cuốc, cuốc đất khô lên phơi “rang”…
Hình ảnh trên cánh đồng ruộng trẻ già, trai gái đều tập trung ra đồng dưới cái nắng như chảo lửa vào đầu tháng sáu, những chiếc áo tơi kết bằng lá, tuy nặng nhưng rất mát, loại áo này nhưng gia đình khá giả mới mua được. Ông cha ta có câu “ Mưa tháng sáu là máu con rồng”; hiếm hoi lắm mới có được cơn mưa tháng 6. Năm nào tháng 6 có mưa xem như năm đó được mùa; ở nhà lũ trẻ còn nhỏ phân công nhau đi cào lá tre, hoặc tước những mo măng hoặc lá chuối hay cỏ khô để đun bếp, các chị lớn hơn nấu cơm cấy, cơm cày với thức ăn bằng những con cá đồng béo ngậy, những mụt măng tre giáo, tre già nấu với thịt vịt đồng hay gà sẵn có; những món ăn dân dã mang tính quê nhà, không thể thiếu trong lúc mùa vụ; lũ nhỏ phân công nhau hoặc đun lửa, quyét sân, quyét đường, khiêng nước từ cái giếng miệu ở đầu xóm. Cứ mỗi trong các làng đều có một ngôi miếu đầu làng và nơi đó có đào một cái giếng bằng đất, hầu hết giếng đất không có thành xây cao lên, giếngnày dùng cho cả xóm gọi là giếng xóm; nên múc nước thường hay bị hỏng chân té xuống giếng, chuyện đó thường khi vẫn xảy ra…
Lúc này, trên những cánh đồng “ruộng Vại” nhưng cục đất cày to tướng, “lô nhô lũng nhũng” được những người nông dân cuốc ải phơi khô, chờ cơn mưa đầu mùa tưới xuống là có thể dùng “vồ” đập mịn, cùng trâu bừa “Bộng” chà cho mịn từ 6 đến 6 “tép”, cục đất nào chưa mịn hẳn phải dùng vồ đập lại; nếu có nhiều cỏ và đất cục xen kẻ vào nhau hay nằm sâu dước đất, phải dùng “bừa răng” kéo chải đến khi nào sạch cỏ, rạ và đất cục về một góc giường mới gieo giống xuống. Tùy theo loại đất cát, thịt hay cát pha thịt để chọn giống“Chăm hoặc Dọn, Ngự, De hay,Hẻo…’. Sau khi gieo xong, những hạt lúa giống nhỏ nhoi này chờ đợi số phận rủi may từ trời, nếu có những cơn NGOI, hoặc một ít mưa NGÂU vào mỗi sáng, điều này báo hiệu cho mùa lúa vại bắt đầu . Những cơn mưa từ phía bên kia dãy Trường Sơn, gió mang mưa về, những hạt mưa mong manh tạo ẩm ướt đủ để kích thích hạt giống nẩy mần vươn dậy, ruộng vại từ khô cằn giờ thấy cả một màu xanh mềm mại…” Chớp Đông nhay nháy gà gáy thì mưa”. Đây là thời điểm bên Lào có mưa lụt thì bên này gió giảm dần cường độ mang theo hơi nước gọi là “ gió Nam động”...
Thời gian ôn tập đâu vào đó; chỉ còn 4 ngày nữa đến ngày thi; như định mệnh đã định sẵn, mình chỉ té một cái nhẹ xuống đất, cánh tay phải bị gãy xương mèn; cuộc chạy đua vào ngôi trường tỉnh tan theo số phận; sang năm hết tuổi tuyển sinh rồi.
Bạn bè cũ tung tăng vào năm học mới, trường mới; còn tôi cặm cụi học lại để sang năm thi vào trường huyện vì hết tuổi; với 2 trường quận Triệu Phong hay Hải Lăng. Hải Lăng tuy gần, Triệu Phong xa hơn nhưng được đi qua Tỉnh lỵ Quảng Trị; được tiếp cận nơi phố xá đông người, lại có nhiều sinh hoạt mới lạ và đặc biệt có anh trai đang học lớp tá viên điều dưỡng tại Bệnh viện tỉnh chở đi, đón về cũng rút ngắn được một quảng đường …
Cả nhà vô cùng mừng rỡ khi được tin mình đã trúng tuyển vào trường Trung học Triệu Phong. Tuy rằng trường huyện nhưng là trường công lập, không đóng tiền nhiều như trường tư thục; bằng cấp có giá trị hơn; giờ cần chuẩn bị những gì khi vào cuộc hành trình này…Trên đoạn trường hơn 8km vận động bằng đôi chân, trên đường đi có bị dọa nạt không? Thời tiết mỗi mùa mỗi khác biệt; mùa mưa ngày ngắn, đêm dài trời mau tối ; lụt ngập đường, nếu trễ chuyến đò từ chùa Tỉnh Hội về Sãi tất nhiên trễ học; mùa rét mưa rền đường đất bùn sục…Tính ra vận tốc đi bộ trung bình mới chỉ 4,8km /giờ; mình cao 1,5m phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới cuốc bộ đến trường...
Những năm học ở bậc Tiểu học gần nhà, nên ít đi xa! giờ đang tuổi 14 đi bộ như vậy là quá sức tưởng tượng; nhất là về mùa mưa bão, hoặc giá rét ngày ngắn đêm dài. Nổi mừng chẳng mấy, nổi lo thì nhiều; bạn bè trong lớp có ai chung đường để lỡ khi mà quá giang hoặc xin phép nghĩ học khi ốm đau... Những câu hỏi miên man trong nổi lo hàng ngày...
Mùa khai trường đến, Quảng Trị cũng bắt đầu mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa mát dịu, đường làng cũng như đoạn đường rải đá từ Chùa tỉnh hội về trường gồ ghề và lầy lội; loang lổ đó đây những ổ gà to tướng …Trường đây rồi! mọi người lạ “hoắc” Thầy cô cũng lạ!. Ngày khai trường, trước sân cờ nhỏ nhoi của ngôi trường huyện, chỉ thấy có một dãy nhà, Thầy hiệu trưởng dặn dò và phổ biến nội quy, quy định của nhà trường, nào: “Học sinh trung học phải bận đồng phục quần dài xanh, áo trắng vô thùng, thêu bảng tên theo quy định, chân di dép rọ, tóc cắt ngắn gọn, trống điểm 3 hồi vào học, sau tiếng trống Bác phu trường kéo cửa, nếu trể xem như vào học giờ sau, giờ đầu vắng mượn vở bạn để chép bài, nghĩ học phải có đơn xin phép…”.
Nội quy học trò chuyển cấp tiếp nhận chẳng khác gì mấy ở bậc Tiểu học. Nhưng nếu lỡ trễ học xem như vắng mặt không có lý do. Bởi vậy, những ngày đầu mùa khai trường, mẹ tôi lúc nào cũng dậy sớm, thức tôi dậy ắn sáng dể đi học cho kịp; tôi thầm ước thời khắc biểu lớp mình được xếp học vào buổi chiều sẽ có nhiều thuận lợi hơn là học buổi sáng cho mình khỏi trê học về mùa đông.
NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CẤP
Những ngày đầu niên học Thầy trò trong lớp giao lưu giới thiệu tên tuổi và ghi thời khắc biểu, từng bạn đứng lên tự giới thiệu tên, tuổi mình để mọi người cùng biết, bầu lớp trưởng là hai bạn cao to là Hoàng Tiễn, Trương Quang Diện chắc lớn tuổi hơn mình... Nhìn quanh, nhìn quẩn chẳng có một ai cùng quê hay cùng đường với mình cả. Giờ học nào cũng tiếp thu tốt, ngày hôm nay đến giờ Toán, khi đọc đề xong tôi hí ha, hí hửng làm bài rất chi là tự tin như khi học lớp 5 vậy, môn này lớp 4,5 tôi chẳng thua ai…
Tuần sau khi cô Gái trả bài! Nhiều đường gạch chéo đỏ, bài chỉ được 4 điểm rưởi phần lý thuyết, tôi nhìn qua vài bạn khác làm kết quả như mình. Cũng ghi hàng ngang và chia 2 cột tính riêng lẻ, ( tính-lời giải và làm phép tính theo cột dọc). Trả bài xong , Cô mới giải thích: “ở Bậc trung học không còn cách giải như tiểu học nữa, toán hình ghi là …Tôi mới ngữa người ra, vì không được học hè, lại có ngươi kèm cặp nên ra cơ cảnh này; Làm sao đây, bó tay à! Mỗi lần đến giờ toán, học lý thuyết không sợ nhưng bài làm cắn bút vào miệng đó là phương pháp tốt nhất để xem bài của bạn mới làm, đúng sai chả biết; Lớp lúc này cô giao nhiệm vụ lớp trưởng vẽ sơ đồ từng bàn, nên chẳng cô cậu nào dám cựa quậy; bên tôi là Bảo và Bạt, mỗi khi đến giờ toán tôi phải nhờ 2 bạn giảng và giải thích như: Chứng minh là gì?; làm sao hoán đổi dấu, vế của một bài toán hàng ngang; còn toán hình vẽ như thế nào? đường thẳng, vòng tròn, tiếp tuyến, trung tuyến, trung trực… chỉ có ăn điểm lý thuyết các định đề, định lý thôi, học và đọc trả bài rất suôn sẻ, nhưng cô kêu lên bảng để chứng minh bài tập thôi dành xin chịu ăn gậy cho rồi…môn đại số và số học dễ tiếp thu hơn. Hầu như các bạn trong lớp đều bị ngỡ ngàng về cách giải chuyển cấp. Không hiểu tại sao thời đó ở lớp 5 không có một bài toán dạng nầy chèn vào chương trình để khi chuyển cấp khỏi bị hẩng…
Học kỳ một qua đi êm ả, vị trí xếp hạng cũng được, nhờ các môn học thuộc lòng. Bài vở đều tốt, anh mình khi nào đưa đi, đón về tận cầu Rì Rì cùng với bạn Văn Thị Chốc lớp 6/3, nên đến trường đúng giờ . Buổi liên hoan cuối năm nhân tết Mậu Thân sắp tới, với bánh kẹo chia đều trên khay giấy. Ai ngờ tết này lại là mốc lịch sử của chiến tranh, khắp nơi đâu đâu cũng có tiếng súng, có người chết, xóm làng tan hoang, nhà cửa thiêu rụi , bom đạn rền vang từ các làng quê cũng như trên các núi rừng …
Chiến sự tạm lùi xa, chúng tôi lại đến trường, mang theo nổi đau không biết bao nhiêu bạn bè, trang lứa; ở quê có bạn Thanh học cùng lớp trường tiểu học, 1 quả bom rơi trúng hầm, không còn một ai sống sót và nhiều chị gái trong làng, khi lính ngoại quốc đổ bộ vào thôn xóm truy tìm đối phương; do bất đồng ngôn ngữ nên bị chết thảm thương; tôi nghe dân làng chứng kiến và kể lại những người lính Đại Hàn, gặp ai cũng hỏi “Vi xi, Vi xi” dưới hầm không, các bà cụ gập đầu chỉ xuống dưới hầm, thế là ăn 1 quả lựu đạn kèm 1 loạt súng…quê tôi có 3 chị gái ở xóm rào cũng bị chết; gia đình bạn Võ Thiên Nại Cửu cũng chung cảnh ngộ, cả gia đình trúng bom và chẳng ai còn lại, may sao đêm đó Thiên chơi bài tới khuya, ngủ nhà hàng xóm nên giờ còn đi học với chúng tôi…
Những ngày sau tết Mậu Thân, không khí trường học vô cùng buồn thảm, học sinh đến lớp không có Thầy Cô vì hầu hết quý Thầy cô có gia đình ở Huế; mà Huế chiến trận xảy ra rất ác liệt hơn 1 tháng trời; có Thầy bị tổng động viên; quanh đi, quẩn lại Thầy Cô vắng trường cũng nhiều, một phần các giờ học được dạy thay hoặc nghĩ; học trò có cớ rủ nhau đi chơi thỏa thích; nhớ có lần về nhà Võ Khang, Ứng chúng tôi ra vườn tìm “đái mít’, với khoai lang rồi lấy dao gọt vỏ, hái rau ngò tây và muối, cắt lá chuối đùm lại, cả nhóm ngồi lên hai đầu cái ghế gác chữ thập lên cái “phản ngựa gỗ*; nhún lên, nhún xuống, đến khi nào đùm lá chuối chảy nước ướt ghế, mới dừng lại và mở ra ngửi mùi thơm của ngò tây bốc tỏa thơn ngát, hương dịu của lá ném, của hoa mít ai cũng muốn được ăn ngay; chúng tôi xúm quanh gói hoa mít với đôi đũa tre gắp ăn thật ngon miệng; với vị chát của hoa mít, cay của ớt, thơm của ngò tây, hăng của lá ném, dòn của những lát khoai lang dựng đỏ, trong vị mặn của muối; có bữa luộc khoai lang, rồi cùng nhau đổ lúa vào cái cối xay đổi nhau nhau 2 đứa một kéo cối xay vù vù, đứa thì chả gạo bằng cối đạp, nhưng rất tiếc không có O nữ nào trong nhóm để xem có O nào sàng sẩy gạo có sạch lúa không!?; về nhà Lập để xem vườn, nhà Ty đọc truyện và nhà Phạm Văn Huề tận làng An Mô với cái nền nhà rất cao chống lụt, tha hồ ăn ổi hoặc khoai luộc hấp cơm rất ngọt; có những buổi trưa đầu xuân ấm trời tôi cùng Huề đi tát cá, hoặc đi ven ‘giường’ ruộng bắt những con “đam sữa”đang nằm phơi trên lớp bùn, chúng đang thay vỏ sau những ngày dài giá - rét; chúng tôi bắt được bao nhiêu về nhà bỏ vào song chiên dòn ăn hết…
Bên cửa sổ phòng học đối diện là làng Hà Mi; khói bom và lửa cháy ngùn ngụt; tôi và Bạt thay nhau đếm từng quả bom đen sì từ chiếc máy bay rơi xuống, rồi từng cột khói bay lên; từng loạt súng đì đùng, lóe sáng thành đường; người ta gọi đó là viên đạn chỉ đường của súng đại liên bắn máy bay. Những ngày sau tết Mậu Thân sự sống và cái chết của con người xảy ra là chuyện thường nhật. Những học sinh vùng quê như chúng tôi đêm nào cũng nằm dưới hầm thắp ngọn đèn dầu “Doan”, tim bằng vải đút vào cái chai treo vách hầm đủ sáng để học bài, sáng nào cũng chùi khói dầu bám đầy hai lổ mũi…
Năm học qua đi, lớp có 56 bạn nhưng hầu như biết tên nhau gần hết, tôi được phân họp nhóm với xóm Sãi và xóm Hà và một số bạn gần đường trục chính; tổ chúng tôi lúc họp tại nhà Trần Ty, Diệp Phụng Kiệt có khi nhà Hồ Công Lập… .
Anh tôi trúng tuổi quân dịch, chiếc xe đạp giờ thuôc sở hữu của tôi, không còn phiền đến bạn Hồ Trung Nguyên mang đi, đèo về nữa; trừ khi xe hỏng không sửa được. Hồ Trung Nguyên là con Bác Chương ở đối diện lò gạch Trương Kế gần ngã ba Long Hưng, sau một tháng học tôi và Nguyên lại là bạn cùng đường, cùng lớp, Nguyên cũng hơi nghịch, người ốm nhưng cao hơn tôi nhiều; đi học khi nào cũng lái xe 1 tay, còn tay kia là một cây roi, trên đường đi nếu gặp cô nào xinh gái xem như ăn gậy vào mông hoặc trên nón, tôi nhát gan hơn Nguyên, nếu như các cô kia có đồng minh xem như bị đón đường, bỏ học; riêng đoạn về cầu Sãi không sợ vì quý cô ấy đa phần cùng trường, còn dễ thương lượng. Vả lại Nguyên không bao giờ dám nặng tay, sợ rằng cái bảng tên trên áo lỡ người ta đọc được…
Sau tết Mậu Thân, cầu Sãi bị sập nên mỗi lần đến trường phải chờ đợi đò ngang, thời gian sau mới có phà nhôm qua lại, nhưng về mùa lũ vẫn bị cuốn trôi. Những đoàn xe Mỹ lên xuống Cửa Việt liên tục; đường lại đổ biên hòa dày cộm, nên vào mùa mưa biên hòa trở thành cháo đỏ; có đoạn lên đến 5 tấc, lỡ khi gặp đoàn xe chạy qua, bùn bắn tung tóe lên quần áo, phải rửa sạch và chấp nhận chịu ướt và lạnh khi vào lớp học…thường khi qua đò Sãi xong, tôi và Nguyên dừng lại bên cầu ăn tạm vài cái bánh ram hoặc nhai tạm ổ mì lót dạ buổi sáng, để có sức vác xe lên vai qua khỏi đoạn bùn lầy này…
Năm học qua nhanh, tuổi thơ chúng tôi lớn dậy với cấp học mới, với những nổ lực mới và nhiều biến cố lịch sử. Một số Thầy cô không còn dạy ở trường, một số bạn khác chuyển đi, số khác chuyển về, năm nay sĩ số còn 48 bạn, chúng tôi ai nấy đang vào tuổi từ 15-17 tuổi thậm chí có bạn tuổi thật đã 18,19 rồi.
Tuổi giao mùa tóc để chỏm qua nhanh, còn lại đây nhưng cô cậu hầu hết đang bước vào tuổi trăng tròn.
Mùa hè với không khí chiến tranh ngột ngạt, ngày càng đè nặng lên những làng quê xa gần và những vùng rừng núi, tiếng máy bay không ngừng gầm thét trên bầu trời, đâu đây bom nổ rền như tiếng ‘sấm ”, những tia chớp động nhay nháy’ ; tiếng đại bác vọng về từ các căn cứ quân sự ; Mùa hè chiến tranh và nổi nhớ, tiếng gió lào vi vu vô cùng mảnh liệt đang thổi khô những cánh đồng vào vụ, thổi trên những con đường làng đất bụi xoáy mờ bởi những cơn lốc nhỏ và gió lào thổi rát mặt ; lúc này lũ trẻ làng tập hợp bên những cây ‘chứa gai’ cắt những bẹ ra tước gai thi nhau làm những chiếc chong chóng có sức đón gió mạnh nhất và quay nhanh nhất, mặc cho những trận gió thổi bụi tung vào mặt hay cái nắng như thiêu đốt dưới những hàng tre xanh rì đang kêu ‘ót ét, ọt ẹt’ khi va vào nhau. Sau những hàng tre, những ổ chim ‘ROỘC’ treo lơ lửng, đu đưa đầu ngọn tre già, chúng bám quanh cái vòi với những cọng tranh tươi ríu ra, ríu rít ...
Bên kia đường làng, nhóm khác đang đào lỗ đất để tung các hòn ‘căng’ và tiếng khắc nhịp inh ỏi, các bạn nữ thi nhau chơi trò ‘ù mọi’, ô chuyền tạo thành một hỗn thanh của trưa hè thôn dã … âm thanh ấy mang lại giấc ngủ ngon lành của người thân sau nửa ngày lao động với trên chiếc võng đu đưa theo nhịp gió rì rào…
Cồn đất xóm bên có nhiều chú dế mọi, dế than đang trổ tài ca hát hoặc thách đấu với nhau khi trầm khi bổng, khi nhỏ khi to trong những đống cây bắp vừa mứoi thu hoạch xong. Thường khi nghĩ học Nguyên thường hay đến chơi với tôi, rồi cùng đi rình bắt ‘rế’
- Nhẹ chân, nhẹ thôi !
- Chúng tôi ra hiệu cho nhau chậm rãi và lắng nghe nhằm xác định tiếng dế kia đang kêu chính xác ở đâu ?
- Hang nào ? đống toóc nào ?…
- Bắt được bao nhiêu chúng tôi nhốt vào cái ống giấy được quấn tròn lại, bịt 2 đầu kỹ rồi đút vào túi quần; sau đó về nhà bắt đầu sơ tuyển; chọn địch thủ vô địch lên tỉnh giao đấu với tụi bạn... Đặc biệt, Nguyên là đứa bạn rất thích cảnh đồng quê, không những bắt dế mà còn đi bắt cá, đi cày ruộng với tiếng ‘tắc -rì’ là lạ …
Ai cũng có một quê hương để nhớ
Một tuổi thơ ấm áp nặng tình nhà
Một giọng nói từ cha sinh mẹ đẻ
Một ngôi trường tình nghĩa thầy trò ta
THÁNG NGÀY KHI CHÚNG TÔI KHÔN LỚN
Một phố nhỏ một làng quê ta ở
Một con sông nguồn nước lúc đưa nôi
Nguồn phù sa năm tháng lũ đắp bồi
Khơi mạch sống nên hình hài ta lớn
Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi lần lượt muôn nơi tìm về quê cũ, những cô cậu học trò năm xưa giờ đã trên dưới tuổi hai mươi, mỗi người mỗi cảnh, cuộc sống sau chiến tranh vô cùng khắc nghiệt. Đặc biệt tỉnh Quảng Trị chúng ta là vùng tuyến lửa, là nơi chiến trường giao tranh ác liệt nên bom đạn dày đặc, đâu đâu cũng có hố bom, mìn, đạn chưa nổ còn sót lại trên các chiến tuyến phân chia tạm thời sau khi hiệp định đình chiến Pa -ri được ký kết kết thúc…
Ai cũng về xây dựng lại quê hương trong điêu tàn và đổ nát,những thửa ruộng là tài sản vô giá của người nông dân đang đầy cỏ dại, xen lẫn cả bom mìn, trai tráng, nam nữ đều phải ra tay đốt cỏ phục hóa ruộng, vườn, việc vướng mìn hoặc cuốc phải đạn nổ bị chết hoặc bị thương vần thường xảy ra. Trên những màu xanh của ruộng đồng, mảnh vườn hôm nay đã thấm máu người nông dân khi về lại quê nhà, đó là khoảnh khắc thời gian mà thế hệ chúng tôi chứng kiến, hay trực tiếp làm nên sau chiến tranh…
Lần đầu tiên trong một buồi đi lao động về, trên đường đi tôi đã gặp Hồ Công Lập tại đường vào Thị xã, Lập bảo tau phải phấn đấu đi học để mong có cái nghề nghiệp gì đó, chứ ở quê mình lao động vất vả quá, nếu cuốc phải mìn thì toi mạng… một hôm vào gửi thư ở Bưu điện Triệu Hải lại gặp Trần Ứng, Ứng năm 1972 ở lại vùng giải phóng nên giờ vào làm việc tại bưu điện; cũng một hôm nào đó khi kéo đường dây điện 35 KV Đồng Hới - Huế để chuẩn bị đón nhận thủy điện sông Đà, đường dây đi ngang vườn nhà tôi, không ngờ có một người công nhân được theo kiểm tra đường dây điện là Trần Văn Hiền và chúng tôi đã nhận ra nhau ; Còn đây là Tánh trong đội chiếu phim lưu động 32 của tỉnh Quảng Trị, khi Tánh chiếu phim ở hợp tác xã, lúc này Tánh là đội trưởng, thể là tết nào Tôi cũng mời Đội Tánh về quê chiếu phim và nghỉ tết quê tôi ; Còn Võ Thiên à ! khi tôi phải về mua giống ở Triệu Đông, vì đây là hợp tác xã làm ăn nổi tiếng của Triệu Hải trên đường về Nại Cửu tôi gặp Võ Thiên sau đó chúng tôi biết nhà nhau, thường khi ghé qua nhà thăm; tội cho Thiên trong hoàn cảnh chiến tranh đã cướp mất những người thân, bản thân bệnh tật đau ốm, lần mổ đầu tiên bị nhiễm trùng, thời đó phương tiện y tế để mổ 1 ca ruột thừa bị vỡ là một thách thức lớn, vì không có đủ kháng sinh, nghe nó kể khi đau bụng quá, người nhà phải dùng đòn tre cột võng vào gánh từ quê lên Bệnh viện Triệu Hải, chậm quá ruột thừa đã bị vỡ, ca mỗ nhiểm trùng, mấy năm sau bị cắt dạ dày, sức khỏe rất sa sút, công việc nông nghiệp lại nặng nề, nghe đâu sau năm 1998 Thiên mất vì u xơ dạ dày… Lê Thị Nhớ tôi cũng có gặp đựợc 1 lần , Nhớ bán vải tại chợ Đông Hà những năm sau ngày đất nước thống nhất ...
Về lớp chúng tôi, Trần Ứng là người có lòng nhiệt tình tìm tòi, tập hợp bạn bè trong lớp; lức đầu các bạn tại Thị xã Đông Hà ; lần lượt đến Thị xã Quảng Trị, Triệu Phong và Hải Lăng. Hàng năm, theo quy định các bạn trong lớp sinh sống tại Quảng Trị gặp mặt 1 lần vào chủ nhật đầu tiên của năm mới vừa đến chúc mừng nhau vừa họp mặt đầu xuân, luân phiên mỗi năm một nhà, có thế mọi người mới biết đời sống và chổ ở của nhau; Ở Đông Hà gồm có Quật, Ứng, Quốc, Lanh và Hoa, Diện, Thủy - Hoát (lớp 6/3), ở Thị xã Quảng Trị và Hải Lăng có Hiền, Tánh, Tùng về Triệu Phong có các bạn Hộ, Đức, Xá, Quê và ở Hướng hóa có Tiễn, Ty, Thạnh, nhưng Ty Thạnh chưa họp mặt lần nào… thông tin lan dần không những đã hết ở trong tỉnh còn đến các bạn trong và ngoài nước; tính ra cũng gần 80% đã thông tin cho bạn bè cùng lớp; danh sách đến nay xem như đã hoàn chỉnh về sĩ số, lớp thất hai niên khóa 1967 -1971 là 56 bạn… và có 16 lần họp mặt ; có năm gặp mặt cả dâu và rễ.
Qua cầu thông tin từ Thầy Nguyễn Văn Quang đến với các bạn bè trong lớp, chúng tôi mong ước có một ngày gặp mặt lớn toàn trường Trung học Triệu Phong, để bạn bè muôn nơi được một lần về gặp mặt Thầy Cô, được gặp lại đồng môn các thế hệ trên mảnh đất thân thương trường cũ Triệu Phong. Trong chúng tôi, mỗi lần họp lớp cũng đều nhắc lại chuyện cũ, tuổi thơ và sự hồn nhiên khi đến với ngôi trường quận ở một miền quê và trường tọa lạc bên cạnh chi khu quân sự, trên cánh đồng Nại Cửu khoai lúa tốt tươi ; những cô cậu học trò đa phần gia đình sống bằng nghề nông với những kỷ niệm về làng quê, cánh đồng, con sông với con đường làng đầy bụi mù khi nắng hạn, bùn sục khi mưa lũ và những lũy tre làng với nhưng tổ chim ríu rít, những bờ ao quanh vườn và cảnh đồng quê không thiếu trong ký ức; khi bước chân đến ngôi trường đơn sơ, chỉ dãy nhà bao quanh và ngói đỏ, với trụ cờ chính giữa bãi đất thấp trũng, đối diện cổng trường khép kín khi tiếng trống vừa điểm, hoặc mở ra khi trổng điểm tan. ...còn gì vui hơn sau giờ nghĩ học đi đến những làng quê, nơi ấy có ba mẹ các bạn đều là những nông dân biết cày sâu cuốc bẩm, đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm và đang chung sức xây dựng lại làng quê sau những năm chiến tranh chống pháp…
Có bạn ngồi kể lại chuyện Thầy cô năm cũ, bấm ngón tay rồi đọc tên các bạn từng bàn, từng vị trí ngồi trong lớp; cái nghịch ngợm của tuổi 16, đến cái thẹn thùng qua tuổi mời bảy cháy bỏng và rung đụng đầu đời, với khuôn mặt đỏ ngây ngây mắc cớ đến dị thường …nhắc về nhau khi mỗi người, mỗi ngã, khi tuổi xế chiều con cháu vây quanh; tìm cho được nhau dù chỉ một lần nghe qua điện thoại, trừ những đứa không còn nữa cũng biết tin con bạn có thành đạt hay không ? Mỗi lần họp mặt có thêm tin mới ; hôm nay được tin trường đã thành lập Ban liên lạc của trường xưa và đã cử ra một Ban thường trực gồm Thầy Cựu hiệu trưởng Nguyễn Văn Quang làm trưởng ban; theo đề nghị một số CHS và cũng là Thầy của trường sẵn sàng ủng hộ, nếu như song song với tổ chức gặp mặt cho ra một tập san Ký ức trường xưa; lớp tôi hăm hở thông tin đều khắp để các bạn gửi hình ảnh, tư liệu, bút tích còn sót lại cũng như bài viết gởi về BLL để biên tập và cùng ra mắt CGC &CHS của trường. Mong rằng đây là nhịp cầu chia sẻ tình cảm vui buồn khi thế hệ cuối cùng nay đã bước tuổi quá 50.
Chắc rằng tên trường tuy không còn nữa, bởi chiến tranh đã chôn vùi trong hoang tàn và đổ nát ; nhưng trong mỗi chúng ta là học sinh các thế không bao giờ quên hình ảnh ngôi trường với những kỷ niệm buồn vui in đậm trong tâm khảm; hôm nay trưởng thành trong cuộc sống khó ai có thể quên được những kiến thức mà Thầy Cô và chiếc ghế nhà trường bên bạn đã cho ta nguồn sống sau những lần trồng điểm vào ra…
Một tên trường, một tên đường ta đến
Gởi tuổi thơ nhỏ bé để nên người
Gởi không gian đầy ắp tuổi đôi mươi
Gởi tình yêu vào đời thương và mến
Mong được có một ngày bên nhau trong tiếng mi tau ngọt lịm tuổi mười lăm ./.
Mong được có một ngày bên nhau trong tiếng mi tau ngọt lịm tuổi mười lăm ./.
VTT 7/2010
* ruộng phở : ruộng đất đã cuốc ải, phơi khô đưa nước vào đất ướt nhuyễn rồi bừa đi để cấy lúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét