Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Chào mùa xuân đi Ông- V.T.H.Hà

CHÀO MÙA XUÂN ĐI ÔNG

Hải Lăng- Văn Thị Hồng Hà
4.jpg
Lão Thôi nghiêng mình chăm chú bên khóm mai chỉ lác đác điểm vài bông hoa đầu tiên, vàng e ấp một màu dịu mát. Còn lại đa phần những nụ búp xanh non mum mũm đang chơm chớm.
- “ Hay quá, thế nào sáng mồng một Tết năm nay khóm mai nhà lão cũng rực đầy những hoa là hoa, đẹp phải biết”.
- Lão khẽ vuốt chòm râu bạc, nheo nheo mắt, bất chợt cất giọng ngâm nga:
- Già rồi mà hẳng chữa già
Trước ngõ mùa xuân vừa đến…
Đôi mắt hãy còn tinh anh của lão chớp chớp, như đang muốn tìm thi hứng cho cái thú thảnh thơi tao nhã ấy. Cái vật gì mềm mềm, ấm ấm chạm khẽ vào chân lão. Lão khẽ liếc nhìn xuống:
Milu đấy à, chặc, chặc, ngoan nào đi chơi để ông còn làm việc…
Lão chép miệng, mắng vu vơ. Con Milu được thể nhảy chồm lên, hai chân trước hươ hươ trong không khí. Trước mặt lão, hệt như một đứa trẻ nhỏ nũng nịu, đang vòi vĩnh được bế. Lão bật cười khà khà, ngồi xổm xuống và giang tay vòng ôm quanh cổ con Milu, siết nhẹ vào lòng. Con vật thích thú đón nhận cái cử chỉ thân thiết và đầy trìu mến đó, nó khẽ cựa quậy trong lòng lão như muốn nói:
- Ông chủ ơi! Tôi yêu quý ông lắm.
Lão đưa bàn tay ram ráp vuốt ve con vật, mắng yêu nó:
- Tết nhứt đến nơi rồi, chú mày cứ nghịch cho lắm vào  thì ông đánh…
Con Milu dường như cũng hiểu đó chỉ là lời mắng yêu, nó khẽ đưa hai chân trước khều khều, cấu rồi cào cào nhẹ vào ngực lão. Lão cười hà hà, nắm lấy hai bàn chân nhỏ ấy mà lắc lắc. con Milu chồm lên, há miệng ngoạn lấy cườm tay lão và rên lên sung sướng.
- Nó đang biểu lộ niềm hân hoan cùng lão đấy, con chó tinh khôn và thật đáo để. Ánh nắng vàng sớm mai xiên xiên, chiếu từng tia mỏng mảnh qua vòm lá ướt sương lao xao, lão đẩy con Milu ra hể hả:
- Thôi để ông làm việc nào.
Như chợt nhớ đến điều gì đó. Lão khẽ cúi  xuống vuốt đầu con Milu âu yếm:
- Chiều, cô Thanh về ăn Tết với ông cháu mình đấy. Chà, con bé bữa nay chắc là lớn tướng rồi nhỉ?
Hôm nay 22 Tết rồi, vui nhỉ? Mai mình tiễn  Táo Quân lên trời, ông ấy sẽ cưỡi lên lưng một con cá chép vàng to thiệt là to đấy để bày về trời trình tấu bao chuyện xảy ra ở trần thế với Ngọc Hoàng Thượng đế, chú mày có biết không hử?...
Lão xăm xăm vào nhà, con Milu lẽo đẽo chạy theo sau dáng điệu quấn quýt, lon ton, có vẻ như cùng muốn giúp phụ lão một  tay để dọn dẹp nhà cửa.
“ Ông ơi, con về rồi đây nè! Ông ơi!”
Cùng lúc, tiếng gâu gâu mừng rỡ của con Milu vang lên ngoài ngõ. Lão Thôi luýnh quýnh đặt bộ lư đồng đèn thờ đang lau chùi dỡ, tất bật chạy ra. Vừa thấy bóng lão, cô gái đã thốt lên vui mừng và ùa nhanh đến:
- Ông, ông ơi!
Lão đỡ vội từ tay cháu túi hành lý và cái giỏ xách nặng trĩu. Hai ông cháu ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Con Milu cũng nhảy quấn lên, hết cắn vào gấu quần cô chủ giật giật, lại khều khều, cào cào chân lão. A! chú chàng đang muốn hỏi thăm cơ đấy:
- Cô chủ ơi! Cô có khỏe không ạ! Cô có còn nhớ đến tôi không nhỉ?
Nghe gấu quần áo giật giật, cô gái quay nhìn xuống và nhoẽn miệng cười giòn giã, cô khẽ đưa tay xoa, vuốt đầu con Milu  trìu mến:
- Ông ơi! Cu cậu dỗi con chưa kịp chào cu cậu đó. Thôi , đền nào…
Cô gái xòe lòng bàn tay ra, vẫy vẫy. Con Milu mừng rỡ, sà đến và rất thành thạo, nó đứng thẳng người trên hai chân sau và cứ giữ thăng bằng như thế, nó đặt khẽ một chân trước vào trong bàn tay cô gái, y như người ta vẫn thường hay bắt tay nhau ấy. Cô gái nắm lấy bàn chân con vật mà lắc lắc, và đột nhiên cô nắm lấy cả  chân  kia của con Milu hươ hươ để giữ  thăng bằng và xoay tròn một vòng, khiến con Milu cứ rướn rướn người kiểng chân xoay theo một cách vụng về. Tiếng cô reo lên trong như pha lê:
- Giỏi, giỏi lắm. Ưm, ưm… đền nào…
Cô chìa má ra cho con Milu “ mi’ một cái, như cách cô vẫn thường giỡn với nó từ trước đến giờ. Lão thôi cười hà hà, mắng yêu hai cô cháu:
- Tổ cha mày, giận với cả giỗi, mau mau vào nhà nghỉ ngơi hẳng khỏe đã nào. Đi đường xa chắc mệt lắm hả con?
- Dạ, con khỏe mà. Nhớ ông quá trời luôn.
Cô giá nhỏ lí lắc, chúm môi thơm khẽ vào đôi gò má gầy xương của ông thầm thì:
- Con nhớ ông nhất í!
Lão vuốt mái tóc dài mượt của cháu gái, âu  yếm:
Cái con bé này… thôi vào nhà đi.
Chiều 22 cuối năm không khí đón năm mới đang loang dần, đâu đó vang lên tiếng trẻ thơ mừng- khoe áo mới, tiếng  reo đùa từ những nhà hàng xóm rôm rã vì mẻ bánh xoài dỡ nắp khuôn ra nở rộ vàng tươi màu nghệ, kháo nhau về  mẻ bánh tết mới ra khuôn. Trong hơi khói thơm sực mùi hỗn hợp lòng trứng gà và bột “ mình tinh”* với phụ gia đường chanh vừa phải, nhưng phải kể đến tài pha phụ gia và đông đánh khuấy hàng giờ bằng bó đũa tre một cách khéo léo của chủ nhân nữa. Bánh nở dẹp đều như bông mai là  dấu hiệu đón một cái tết suôn sẻ...  Trong không khí dịu êm    và ngọt ngào quá đỗi. Căn nhà vắng mọi hôm vắng lạng bỗng dưng vui vẻ ấm cúng hẳn lên:
- Ông ơi,  cháu mua tặng ông cái áo mới nè.
Có đẹp không ông? Còn đây là chiếc khăn len này, cháu tự tay đan lấy đấy, trời lạnh ông nhớ quàng vào cho ấm cổ…
Cô cháu nhỏ tíu tít bên lão, rối rắm, rối rít. Con Milu cũng vui không kém, nó vui được cô chủ thắt cho một cái nơ hồng xinh xắn vào cổ. Cô nói:
- Tết rồi, chú mày cũng phải chưng diện lên một tí chứ.
Nó chớp chớp mắt như hiểu  lời cô chủ. Và trong khi Thanh tíu tít khoe khoang với ông, nó cũng ngồi chồm hổm bên cạnh, chằm hẳm theo dõi. Lão Thôi mân mê chiếc khăn len mềm mại, khoác  chiếc áo mới, bồi hồi nhìn cháu, hạnh phúc nhen lên từ đáy mắt long lanh kia, thật trong sáng  và ngây thơ quá. Lão nghe trái tim già nua của mình lâng lâng niềm vui chấp chới, nhịp đập rộn rã khôn cùng.
Thanh ngã đầu, dựa vào người ông thủ thỉ, kể chuyện:
- Ông ơi, cuối học kỳ này  cháu đạt kết quả loại ưu đấy. Bạn mới của cháu  cũng đạt loại tốt cả. Ở Ký túc xá cũng vui ông à. Sắp được nghỉ tết, ai cũng nôn nao muốn về. Cháu nhớ ông ghê cơ. Cứ nghĩ không biết giờ này nhà mình đã chuẩn bị gì chưa? Lúc ấy  cháu chỉ ước có cánh để bay ngay về với ông thôi…
Nồi bánh chưng trên bếp sôi sùng sục. Thanh cúi người chêm thêm củi vào bếp, đôi má ửng hồng dưới ánh lửa:
- Ông ơi, mai là cuối năm rồi, năm Rồng sắp đến rồi,ông nhỉ? Sáng sớm mai ông dẫn cháu đi thắp nhang cho bà và bố mẹ cháu nhé!
Lão Thôi ngồi trầm ngâm, yên lặng. kỷ niệm lại ùa về ,tràn đầy  nhức nhối trong lòng lão. Lão nhớ đến cái ngày định mệnh ấy, thật khủng khiếp. Tai nạn bất ngờ một lúc  cướp  đi  của gia đình lão  ba mạng sống, người vợ hiền, đứa con trai duy nhất và cả con dâu  của lão. Tước mất của bé Thanh người bà, người cha và người mẹ yêu dấu. Lúc ấy mới có mười tuổi đầu, ngơ ngác như một con chim non, cứ bám lấy ông mà hỏi ba, hỏi mẹ sao lâu không thấy về. Lão thương nó lắm chứ. Nước mắt lão ngày ấy chảy dài, tê dại đi vì đau đớn. Lão ôm lấy hình hài cháu, giọt máu  nhỏ nhoi và côi cút còn sót lại ấy vào lòng khóc nức nở. Trời xanh không thương  lão thì cũng thương lấy đứa cháu của lão chứ, nó có tội gì đâu. Mất  mát cùng đau thương đó, lão đã cố gắng gượng sống khỏe. Trách nhiệm đè nặng lên đôi vai của lão. Lão thương đứa cháu bé bỏng, tội nghiệp của mình và cố hết sức để bù đắp cho nó. Mười mấy mùa xuân trôi qua, buồn vui lắng lại, trời thương cho cái tuổi đã xế chiều của lão, vẫn còn minh mẫn, tỉnh táo, còn cảm thấy khỏe khoắn để điền viên vui thú với vườn cây cảnh, nhờ đó mà lão cảm thấy được thảnh thơi, và cũng nhờ đó mà lão một tay đùm bọc nuôi dạy Thanh nên người. Cháu lão bây giờ  đã là cô sinh viên đại học rồi đấy. Lão tự hào lắm lắm. Và cũng  chẳng mong ước gì hơn. Con bé thế mà thông minh, lanh lợi và hiền lành, tốt nết. Nhà  thì vắng, một già, một trẻ, nhưng ông cháu lão quấn  quít bên nhau, cũng ấm áp và lão cũng cảm thấy an bài với sự sắp đặt của số phận. Biết đâu, dưới suối vàng, bà nó và hai đứa con cũng ấm lòng vì hai ông cháu lão.
Thanh ngước mắt nhìn lên, thấy ông ngồi suy tư, lặng lẽ , cô thủ thỉ:
- Ông lại nhớ bà và ba mẹ cháu đấy à!
Lão Thôi trầm ngâm, chòm râu bạc rung rung. Vài tiếng nổ lép bép trong cái “nắp kiềng”, hất tia văng ra những vụn than li ti lóe sáng. Nồi bánh sôi  ục ục, nắp nồi hơi nóng khua lên, đậy xuống tạo tiếng kêu  re re trên bếp. Làn khói xanh tỏa ra từ kẻ nắp, phì phèo, uốn éo bay lên thoảng thoảng mùi nếp mới quyện hương lá chuối sứ xanh len vào đôi cánh mũi tạo một hương vị khác lạ ngày thường. Dưới ánh sáng  lửa bập bùng, hắt lên một màu vàng  ấm áp. Thanh cảm thấy lòng như trẻ thơ, với một cảm giác yêu thương thật sâu đậm. Không phải là giây phút thần tiên trong cổ tích, như cô gái nhỏ trong một thế giới kỳ bí nào đó của lòng người. Trước mắt cô, ông Nội hiền từ, lại nhân đức, y như một ông tiên vậy. Một ông tiên bằng da, bằng thịt hẳn hoi, quan trọng vô cùng và rất gần gũi trong cuộc đời của cô.
- Ông ơi, mình đón giao thừa năm  Rồng, ông kể chuyện thần Rồng để cháu nghe đi ông.
- Ờ, ờ…để ông kể…
Chuyện này hồi xưa, xưa lắm rồi. Hồi ấy, vùng đất này  còn tối tăm và hoang sơ lắm, rừng rậm, thú dữ…Người đến đây lập nghiệp chủ yếu là những người nghèo khổ, phát đất, dựng nhà, lập làng, lập xóm. Cuộc sống còn bấp bênh và lắm gian truân, họ phải chống chọi từng ngày với lam sơn chướng khí, đói rét, bệnh tật và cả thú dữ nữa. Mọi người buồn nản lắm. Bổng một đêm trăng tròn sáng như dát bạc, chợt thấy một vầng quang hiện lên rực rỡ cả bầu trời, mọi người đổ xô ra, nhìn lên thì thấy hai vị thần to cao, dáng dấp thân rồng, khắp người phủ một lớp mây bạc lấp loáng, hai mắt sáng như hai viên ngọc xanh, đôi sừng khảm ngọc trai, uy nghi và hùng dũng vô cùng. Hai thần dang tay làm phép, giúp dân dựng nhà, đắp lũy chống thú dữ, còn cho nhiều giống cây trồng, hoa màu  và lúa quý; chỉ cho mọi người cách trồng trọt, thu hoạch. Bẳng đi được một thời gian, thấy cuộc sống  mọi nhà, mọi người ổn định, thì một hôm, thần Rồng bay đi mất. Mọi người nhớ công, mới lập đền thờ và đặt tên làng là Long đôi  để tưởng nhớ đến hai vị thần Rồng đó…
- A, cháu biết rồi. Long Đôi- có phải tên làng mình ngày trước không ông?
 Lão Thôi cười khà khà:
- Ừ, ngày trước tên làng là Long Đôi, nhưng trãi qua mấy trăm năm lịch sử, loạn ly biến đổi của thời cuộc, tên làng bây giờ mới được đổi lại là Long Hưng đấy. Đình làng bây giờ chính là nơi ngày xưa thần Rồng đã hiện ra. Tết năm nào, vào ngày tiết Đông chí các cụ bô lão cùng chức sắc trong làng đến để làm lễ tạ ơn hai vị thần Rồng và gióng lên những hồi chiêng lệnh,  nổi trống mừng năm mới, cầu một năm      khang an -thịnh  đạt dân làng gặp điều may mắn đấy cháu ạ!
- Ông ơi, hay quá nhỉ.
Thanh nghiêng đầu, ngẫm nghĩ:
- Mai ông cho cháu sang đình làng với nhé, cháu cũng muốn đốt nhang khấn tạ Thần Rồng  và chúc Thần năm mới, và ….
Trong đầu cô, hiện lên một sân chầu uy nghiêm, chiếc chiêng đồng to lớn và những hàng cột trụ hoa văn sặc sỡ, hình rồng uốn lượn bay bổng, những bảng chữ khắc chạm nổi bên trong bàn thờ hương án, linh của quý ngài khai canh, khẩn và 6 tộc họ của làng một cách nghiêm trang cổ kính và uy nghi.Điều này có vẻ mới mẻ vô cùng trong trí óc non nớt của cô, khi được nghe ông nội kể cho nghe về lịch sử làng mình, về thần Rồng và các vị khai khẩn,vị khai canh của làng đã vâng mệnh vua Trần rồi theo chúa Nguyễn Hoàng từ các tình đàng ngoài vào đây lập trong thế kỷ thứ 15 của làng mình.
Cô chợt cảm thấy buồn cười khi nhớ lại ngày xưa, lũ trẻ con tụi cô vẫn hay lấm lét ù té chạy mỗi khi đi ngang qua đình làng. Nhưng giờ thì cô hiểu rồi vì cô chẳng còn bé bỏng nữa, và thần Rồng lại rất đáng kính và rất tốt bụng…
- Thanh ơi! Dậy đón giao thừa nè cháu. Dậy, dậy…
Thanh khẻ mở mắt, bừng tỉnh. Tiếng chuông đồng hồ đang kính cong gõ nhịp thong thả. Trên màn ảnh nhỏ, bác Chủ tịch nước đang đọc thư chúc tết đến mọi nhà. Cô thảng thốt reo lên:
- Ông ơi! Giao thừa rồi. năm mới đến rồi. Năm mới đã về rồi…
Ư, ư…Năm mới thật rồi. Cô vòng tay ôm cổ ông, thầm thì:
- Ông ơi! Năm mới hạnh phúc, chúc ông năm mới Phúc- Lộc Thọ, chúc ông nhiều vui vẻ…
Lão Thôi chan chứa yêu thương nhìn cô cháu gái lí lắc, con Milu cũng nhảy cẩng lên . Nào, Milu. Thanh nắm lấy đôi bàn tay chân trước của con Milu và hét tướng lên:
- Nhảy nhé, điệu vũ khúc mừng xuân.
‘Happy new Year, Happy new year,   Chào năm mới, chào năm mới, là lá la…. Chào mừa xuân…”.
Từ phía trung tâm thành phố, những bông hoa pháo đỏ rực cả bầu trời đủ sắc màu sáng rực, tô điểm nền trời hòa bình và cái tết năm Rồng chắc sẽ nhiều điều suôn sẻ… Thanh bống hét lên!
Ông ơi! Chào mùa xuân đi ông!!!
Hải Lăng- Văn Thị Hồng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét