Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Thương quá miền Trung- Hải Lăng ...

Thương quá quê nhà miền trung

 
Quê xứ nào bốn mùa thu, đông, xuân, hạ…chứ miền Trung luân hồi hai nhịp nắng mưa.Mùa nắng bắt đầu sau tháng giêng, nứt nẻ sông hồ, gió Lào rát mặt đến tận “tháng Bảy nước nhảy qua bờ”, nước qua bờ là mùa mưa dằng dai dai dẳng cho đến hết tháng Chạp.
Người ta trầm trồ “ăn Bắc mặc Nam” chứ nào ai xuýt xoa nhiều với xứ Trung “quê em nghèo lắm ai ơi”..Là nói thế thôi chứ vẫn có những ân tình lặng lẽ mà nồng nàn, giản đơn mà không kém phần sâu đậm.Món don của người Quảng Ngãi có gì đâu mà khiến người núi Ấn sông Trà xa quê cứ đau đáu nhớ về, cũng như Quảng Nam có tô mì Quảng mặn mà hương riêng,dân Huế thanh tao nhẹ nhàng: bánh bèo cơm hến.
Còn Quảng Trị thì sao? Mùa này mưa sa nước sỉa, nhiều khi thoảng lạnh heo may, nhiều khi căm căm hơi giá, người Quảng Trị viễn phương có ai "đê đầu tư cố hương" thương về đất cũ, thương đụn rơm góc vườn mỗi chiều ngún muỗi, thương cả nồi cháo bột cá tràu, thơm vị quê nhà và chén rượu làng Kim Long thoảng hương đồng nội.
Cả hai món "cháo bột cá tràu" lẫn "Kim Long đế tửu" ấy được coi là "đặc sản Quảng Trị" đều có gốc kẻ Diên - cái chợ Kẻ Diên đã từng đi vào bài ca dao "rất Quảng Trị" mà giáo sư Trần Quốc Vượng cho là một trong số những bài ca dao hay nhất của miền Trung: ...
" Tháng Giêng,
Tháng Hai,
Tháng Ba,
Tháng Bốn ...
Tháng khốn tháng nạn
Đi vay đi mạn được một quan tiền
Ra chợ kẻ Diên mua con gà mái
Đem về đẻ ra mười trứng
Một trứng ung,
hai trứng ung,
ba trứng ung..
bảy trứng ung
Còn ba trứng nở ra ba con:
Con (bị) diều tha,
con (bị) quạ bắt,
con (bị) (chim) cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc còn chồi nảy cây!...”
Cái ý chí sắt đá không khuất phục khó nghèo, niềm tin vô biên vào ngày mai trong ý tứ bài ca dao xin gác lại.Kể ra đây chỉ để hình dung về Kẻ Diên của Quảng Trị. Kẻ Diên - kẻ chợ xưa nào - bây giờ là Hải Lăng, huyện cực nam của cái tỉnh nghèo giáp Thừa Thiên - Huế này.
Trơ vơ trên cát trắng xương rồng, quê nghèo, ruộng ngập đồng khô nên cái món ăn để gọi là đặc sản cũng dân dã vậy thôi: cháo bột cá tràu hay gọi theo dân nơi đây là "cháo vạt giường ".
Nhưng dẫu thế cũng đủ cho người Quảng Trị gói gém yêu thương như Vũ Bằng từng thổ lộ: "Tôi yêu đất nước tôi vì mỗi vùng có những con cá lá rau, những hoa thơm trái ngọt nổi tiếng, và tôi yêu người nước tôi đã biết khéo đem các thức ngon lành nổi tếng đó làm thành tục ngữ cao dao, muôn đời nghìn kiếp không sao quên được..." (Thương nhớ mười hai) .
Người Quảng Trị đã đem "cháo vạt giường" làm nên câu ca dao nằm lòng trong nhung nhớ của bao người. Hải Lăng bán cháo vạt giường Trí Bưu bán ngói, Xuân Trường bán dưa ...
Và: "Nhớ chi như cháo vạc giường
Đứng mơ mùi ném, ngồi thương mùi hành"
Nói trước để bạn khỏi bất ngờ rằng ở nhiều nơi trên đất nước này có thể gặp những nồi cháo tương tự , na ná cháo bột ở đây, nhưng nếu đã từng nếm những nồi cháo bánh canh nầu sườn heo ở chợ Đông Ba (Huế) hay nấu với thịt vịt ở chợ Cồn (Đà Nẵng), hẳn rằng ngồi húp tô cháo bột ở Hải Lăng mới ngẩn người thú vị: à, ra thế! "Vạt giường" (hay phổ thông hơn phải "dịch" "giát giường") là gọi nôm na dân dã bởi nguyên liệu chính là bột gạo rây mịn, sờ tay vào bột cứ có cảm giác mát lạnh tê mê.
Cái thứ bột gạo mà phải là gạo chiêm kia, được nhồi sú cho "trắm" lại. Cách nhồi sú cũng cầu kỳ, không phải như người ta sú bột mì cứ dội ào nước lã vào mâm bột là xong. Bắc nồi nước lên bếp, nước vừa sôi phải dùng tay ém bột thành từng trái như quả ổi rồi thả vào nồi, canh chừng vừa "chín lớp" thì múc bỏ ra mâm bột, hai bàn tay cứ xoay vần cùng "trái bột", sao cho "trắm", nếu "sú" chín thì con bột sẽ dính răng, nếu sú hơi sống thì "con bột" sẽ rời ra, gãy gập ăn không ngon. Bột nhồi xong dàn thành từng miếng mỏng, xắt từng thanh dài như vạt giường tre (vì thế mà gọi là cháo vạt giường) . Cái việc xắt bột cũng "đa công đa sự", không thể xếp từng tấm mỏng lên rồi đưa dao mà cắt từng con bột có bề ngang 4-5 li (mm), có một loạt ống tre lồ ô cỡ to ém tấm bột vào đó rồi lúc nồi nước sôi mới lanh tay "sát" (xắt) cho con bột rơi xuống nồi nước. Nước sôi luộc chín ngay bột mà không làm cho bột dính lại.
Kể lể dông dài vậy thôi chứ nếu ai đã một lần chứng kiến cảnh nấu cháo bột hẳn sẽ thấy không có gì là khó. Nhưng đấy mới chỉ là bột gạo, còn để làm nên cái ngon bình dân, đậm đà mùi đồng ruộng phải nhờ đến cá tràu. Nếu bạn đã từng nếm cháo bột nấu với thịt vịt, sườn heo ... thì lúc ăn cháo bột nấu với cá tràu bạn mới hay rằng cá tràu sinh ra cho cháo bột như thể thịt heo sinh ra để chấm tôm chua xứ Huế, thịt bò sinh ra để ... nhúng dấm mắm nêm vậy! Cá tràu (miền Bắc gọi là cá quả, miền Nam gọi là cá lóc) miệt đồng Hải Lăng thôi thì khỏi nói.
Một đêm cắm câu hay soi đèn mà nơm, sáng ra chợ bày đầy hàng rổ, giãy đành đạch tươi nguyên. Cá tràu luộc gỡ lấy thịt, nước dùng nấu cháo, còn cá um lẫn với gia vị. Nước sôi sủi bọt thì thả vào rồi cắt bánh vào theo, nước sôi, thanh bột săn chắc mà thịt cá cũng vừa đủ mềm giữ cho nước cháo trong và có vị đặc biệt của nó. Tô cháo cá tràu múc ra, rắc tiêu hành thơm "điếc mũi", tô nào may mắn có thêm bộ lòng nhai lựt sựt chân răng thì ngang ... trúng số độc đắc.
Ai đã một lần qua Hải Lăng, cử tháng chín, tháng mười trời hiu hắt xám, sụt sùi mưa hay gặp buổi trời sắt se rét giá, ghé vào quán tranh nghèo nơi chợ Kẻ Diên ngồi co chân trên chõng tre húp cháo vạt giường, lúc rời xa tưởng lòng khó bề quên được. Để ăn theo "gu" Quảng Trị thì phải có ớt thật cay, cay đến xé lưỡi cháy họng, cứ vừa húp vừa hít hà, nước mắt nước mũi trào ra, trán rịn mồ hôi, dù trời ngoài kia đang bấc rét mới thấy thưởng thức cháo bột quả sướng "hết đát"! Người dân miệt này coi việc ăn cháo bột xứ mình như một cái thú ăn chơi bình dân. Người ta có thể kéo nhau đi ăn cháo bột sau khi ăn cơm tối xong, cứ như thể ở thành phố người ta ăn cơm xong thì đi coi xi nê, ăn chè, ăn sinh tố, hát karaoke ...
Vậy mà lắm khi giữa chốn phồn hoa đô hội, đuối lòng quặn nhớ quê xưa, ngỡ như trên đời chẳng có gì thú vị hơn một chiều mưa dầm lê thê hiu hiu rét, trên bếp lửa liu riu nồi cháo vạt giường nóng hổi, thơm phức, ngồi "chò hõ" trên chõng tre húp tô này, bụng đã nghe chừng thèm tô nữa ...
Từ blog: Nông dân gió lào

Giới thiệu về Hải Lăng Quê tôi


   
Trằm Trà Lộc
Hải Lăng là một huyện của tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Huyện Hải Lăng có danh xưng từ lâu, trong quá trình chuyển đổi từ phủ (trước năm 1945), huyện (1945-1954), quận (1954-1975 dưới chính quyền Sài Gòn), huyện Hải Lăng (1975-1977) sát nhập với Triệu Phong thành huyện Triệu Hải (1977-1990), từ 1990 đến nay là huyện Hải Lăng theo quyết định số 91-HĐBT ngày 23-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ Việt Nam).
Địa giới Phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp huyện Đa Krông; phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế; phía Bắc giáp thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong. Là huyện cực nam tỉnh, cách thị xã tỉnh lỵ Đông Hà 20 km về phía bắc, cách thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế 40 km về phía nam.
Ngày 19/03/2008 Chính phủ Việt Nam ban hành nghị định số 31/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong để mở rộng địa giới hành chính thị xã Quảng Trị; Theo đó toàn bộ diện tích dân số xã Hải Lệ nhập vào Thị xã Quảng Trị. Như vậy Huyện Hải Lăng có 42.368,12 ha diện tích tự nhiên và 99.429 nhân khẩu, có 20 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Hải Lâm, Hải An, Hải Ba, Hải Xuân, Hải Quy, Hải Quế, Hải Vĩnh, Hải Phú, Hải Thượng, Hải Dương, Hải Thiện, Hải Thành, Hải Hòa, Hải Tân, Hải Trường, Hải Thọ, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Khê và thị trấn Hải Lăng.
Hải Lăng có 3 làng mà mỗi làng là 1 xã đó là làng Cu Hoan (Hải Thiện - 5 thôn), làng Diên Sanh (Hải Thọ - 4 thôn), làng Trường Sanh (Hải Trường - 4 thôn).
Tại Hải Lăng có 7 khu dân cư có tên gọi khác với hệ thống hành chính hiện có đó là càng. Càng là một xóm biệt lập so với thôn (làng) ở giữa cánh đồng quanh năm, 4 mùa nước nổi. Ngày trước muốn vào làng phải đi bằng ghe, nay đã có các trục giao thông để tận các càng. Đời sống đã thay đổi, nước sạch, điện đã đến với người dân. Địa hìnhCó 3 vùng rõ rệt. Phía tây là vùng gò đồi bát úp và núi thấp, ở giữa là vùng đồng bằng với gò cát nội đồng gần 2.000 ha, thấp hơn là vùng ruộng trũng có cao độ âm so mặt nước biển từ 0,8 - 1m, cuối cùng là vùng cát ven biển bãi ngang. Sông ngòiĐịa bàn huyện có hệ thống sông dày đặc gồm sông Thạch Hãn, sông Nhùng, Bến Đá, Thác Ma, Ô Lâu chảy theo hướng tây nam-đông bắc, ngoài ra còn có sông Vĩnh Định chảy theo hướng tây bắc-đông nam đưa nước ra 2 cửa biển là cửa Thuận An (Thừa Thiên Huế) và cửa Việt Yên (Triệu Phong).
Từ bắc tỉnh lộ 8, chỉ có một dòng khi đến Hội Yên sông được chia làm 2 nhánh đó là Tân Vĩnh Định và Cựu Vĩnh Định. Sông Ô Giang nối sông Ô Lâu tại làng Câu Nhi chảy ra hướng bắc, đến làng Trung Đơn theo Kênh mới Mai Lĩnh nối với Cựu Vĩnh Định tại ngã ba Hói Dét.
Sông Nhùng nối với sông Vĩnh Định tại Quy Thiện nhánh này chảy ra Triệu Phong, nối tại Văn Vận chảy về Thuận An. Sông Vĩnh Định được đào dưới thời nhà Nguyễn đoạn mới đào từ La Duy đến Cu Hoan nối nhau tại Cửa Khâu và được đặt tên mới là Vĩnh Định, đoạn sông cũ gọi là Cựu Hà nay chỉ cònlà con hói nhỏ, có đoạn đã bị cát lấp. Sông Ô Khê (Bến Đá) nối Ô Giang tại Trung Trường.
Ngoài ra còn có nhiều con sông đào đưa nước từ trong cát ra sông cái làm cho đồng ruộng ở Hải Lăng bị chia cắt thành các ô nhỏ. Giao thôngTừ bắc vào nam có tuyến đường sắt chạy song song với đường bộ (Quốc lộ 1A) ở phía tây, còn phía đông có tỉnh lộ 68 nối Thị xã Quảng Trị cửa Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đường Hải Thượng-Hải Sơn (Quốc lộ 1A cũ).
Tỉnh lộ 8 nối huyện lỵ Hải Lăng với bãi biển Mỹ Thuỷ. Du lịch-ẩm thựcTrên địa bàn Huyện có khu du lịch sinh thái Bàu Giàng (Trằm) Trà Lộc nằm trong tour Thành Cổ-La Vang-Bàu Giàng-Mỹ Thuỷ.
Đặc sản của huyện nổi tiếng là vùng gạo ngon đậm đà, rượu Kim Long với thương hiệu XiKa,nước nắm Mỹ Thuỷ, bánh bột lọc Mỹ Chánh,cháo bánh canh Diên Sanh, Hải Thọ, Canh ám cá đô làng Lam Thuỷ, bánh ướt làng Phương Lang,...

1 nhận xét:

  1. ai viết bài ni mà hay rứa hè có về quê nội cho tui gửi mấy lời nghe eng rằng tui thương lắm quê ơi khi đi cũng nhớ khi ngồi cũng thương dù xa cách mấy dặm dường quê hương tui gọi người thuong tiu chờ hu hu à à hu hu
    chiều ở miền xa

    Trả lờiXóa