Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Thơ Từ đâu đến -NĐT

Một cựu HS Nguyễn Hoàng BBC giới thiệu. Nguyễn Đức Tùng, em Nguyễn Văn Dũng lớp 10C. mời đọc:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/12/091201_thodentudau.shtml

Một cách tự hóa giải
Nguyễn Thụy Kha


Nhà thơ, nhạc sỹ
Bìa cuốn "Thơ từ đâu đến"
Tác giả Nguyễn Đức Tùng hiện sống tại Canada
Bước vào thiên niên kỷ mới, không ít nhà thơ vẫn còn quyến luyến với thời đại cũ, cũng không ít nhà thơ hoang mang trước ma thuật hậu hiện đại.
Chỉ có một số người can đảm dám khước từ những thói quen xưa, lặng lẽ trong việc tự làm mới mình, dù “chín muộn” thì cũng không chịu lưu ban cùng thế kỷ.
Chính giữa những ngổn ngang rối bời, những băn khoăn trăn trở ấy của thời đại chúng ta, có một nhà thơ, nhà phê bình, tự đặt câu hỏi cho mình và cũng cho tất cả chúng ta rằng “thơ đến từ đâu?”.
Sau đó, câu hỏi ấy đã được nhiều nhà thơ trong nước và hải ngoại tìm cách trả lời.
Người đặt câu hỏi là nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, hiện sống ở Canada.
Đấy là câu hỏi của muôn thuở, nhưng không phải ai cũng biết cách đánh thức nó dậy giữa một thời kỳ đầy biến động như hiện nay.
Theo tôi, Nguyễn Đức Tùng đã làm được điều đó một cách hữu hiệu.
Tập tiểu luận thực hiện bằng thủ pháp phỏng vấn tài hoa, dày dạn kinh nghiệm, mang tên “Thơ đến từ đâu” đã minh chứng cho sự hữu hiệu đó.
Thơ là một nghệ thuật có tính nhân loại, nhưng những người được phỏng vấn là những nhà thơ Việt, vậy tập tiểu luận này có bị khu biệt, bị “địa phương hóa” hay không?
Phỏng vấn các nhà thơ Việt
Câu trả lời của tôi là không.
Đã là nhà thơ thì ở đâu trên hành tinh này đều là nhà thơ cả, nhưng nhà thơ Việt lại là những kẻ phải gánh chịu thử thách cam go nhất của mấy thập kỷ chiến tranh mà dân tộc Việt phải đương đầu với những cường quốc. Và cả với đồng bào mình với nhau nữa.
Bởi vậy, có vẻ như những câu trả lời xuất phát từ đây sẽ nặng tính thuyết phục nhất. Nhưng sự thuyết phục cũng bắt đầu ở chính người đặt câu hỏi, vì những câu hỏi hay có khả năng gợi mở cao, tạo cảm hứng lớn cho những câu trả lời hay.
Những câu trả lời hay lại tạo cảm hứng ngược lại cho những câu hỏi tiếp theo. Trong các cuộc trò chuyện văn học vừa thân mật vừa căng thẳng như thế này, để gợi mở và tạo cảm hứng, người hỏi phải có một “phông” văn hóa thâm hậu, đặc biệt là văn hóa thơ , lại càng phải thâm hậu hơn nhiều lần.
Qua những phỏng vấn vừa nặng tính chất học thuật vừa đầy cảm xúc cá nhân, các nhà thơ trong nước có dịp hiểu kỹ hơn các nhà thơ hải ngoại và ngược lại. Khi các nhà thơ đã hiểu và cảm thông với nhau trên ý tưởng thơ, nghệ thuật thơ, thì có lẽ dân tộc chúng ta sẽ có một ngày, một cơ hội “hóa giải” cho chính mình.
Nguyễn Thụy Kha
Theo tôi, Nguyễn Đức Tùng thật sự là một người đang đặt ra cho thơ Việt những câu hỏi vừa hấp dẫn vừa khó khăn, một người phỏng vấn văn chương độc đáo đương thời.
Tôi gặp anh tại Sài Gòn tháng Tư 2007.
Rất ngạc nhiên vì vẻ thanh cao của anh sau cặp kính trắng, sau những bày tỏ nhã nhặn. Ngạc nhiên hơn khi tôi biết anh vẫn đang hành nghề bác sĩ, tốt nghiệp ngành cấp cứu ở Canada. Vậy là chàng thầy thuốc này phải yêu thơ lắm thì mới cả gan làm cái việc ngỡ như một “trò chơi vô tăm tích” (chữ của Phạm Thị Hoài) này.
Nhưng điều bất ngờ hơn nữa đối với tôi là anh vốn quê ở Quảng Trị. Và anh đã ra đi từ đó vào năm 1972 của “mùa hè đỏ lửa”.
Khi Nguyễn Đức Tùng rời quê hương cũng là khi tôi đến quê anh dấn thân vào “mùa hè đỏ lửa” này. Anh có một Quảng Trị từ ấu thơ cho đến 1972. Tôi lại có một Quảng Trị từ 1972 ác liệt, từ 1973, chống lấn chiếm. Và 1975 phục hồi trên những tro tàn đổ nát. Cho tới hôm nay.
Quảng Trị chính là giao điểm một vòng đời giữa tôi và Nguyễn Đức Tùng, tình thơ và tình bạn văn chương. Một đoạn đời mơ mộng của anh, nối một đoạn đời nhức nhối của tôi. Chuyện đi, chuyện lại kiểu gì rồi cũng quay về với sông Thạch Hãn, với trường Nguyễn Hoàng và những gì rất đỗi thân thương, bao kỷ niệm vui buồn không ngớt trở về gõ cửa tâm hồn.
Hình như, thơ đến từ đây chăng?
Mùa hè ấy, chúng tôi ôm nhau cười trên tòa nhà cao khách sạn Sài gòn, cười theo nắng tỏa xuống sông Sài Gòn, trôi theo những con tàu du lịch về mãi xa xăm, nơi tâm tưởng một mùa hè khác. Quả thật, Quảng Trị là ám ảnh của anh và tôi.
Song có lẽ, từ nỗi ám ảnh của “vết sẹo câm” này, chúng tôi bắt đầu nhìn rộng ra ám ảnh toàn cục của cuộc chiến tranh, ám ảnh trở về và ám ảnh ly tán sau chiến tranh. Cuối cùng, câu chuyện dẫn đến một mơ ước “ hóa giải dân tộc” trong một tương lai gần.
Ai cũng cảm thấy để “hóa giải” được cái thời dâu bể này, nghệ thuật, trong đó có thơ, thật quan trọng. Bởi vậy, câu hỏi “thơ đến từ đâu” theo tôi hình như cũng chứa đựng tinh thần “hóa giải” này.
Như thế, qua những phỏng vấn vừa nặng tính chất học thuật vừa đầy cảm xúc cá nhân, các nhà thơ trong nước có dịp hiểu kỹ hơn các nhà thơ hải ngoại và ngược lại.
Khi các nhà thơ đã hiểu và cảm thông với nhau trên ý tưởng thơ, nghệ thuật thơ, thì có lẽ dân tộc chúng ta sẽ có một ngày, một cơ hội “hóa giải” cho chính mình.
Chính vì ý tưởng ấy, tôi nghĩ rằng khi tác giả tìm đến với các nhà thơ khắp nơi, vốn là một công việc khó khăn do cách trở, thực hiện câu hỏi “thơ đến từ đâu”, cũng là một chuyện bắt nguồn sâu xa từ nhu cầu tự hóa giải trong tâm hồn mình. Là một bác sĩ, anh đã chữa lành cho nhiều người bệnh, nhưng để chữa lành vết thương của chính lòng mình, anh đã tìm đến với thơ, không những thế, đã tìm đến nguồn cội của thơ.
Tôi đã thầm chiêm ngưỡng Nguyễn Đức Tùng khi cùng anh ngồi nghe một canh “quan họ làng” ở Bắc Ninh, trong chuyến đi cùng Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Nguyễn Đặng Mừng, Phạm Xuân Nguyên.
Những ối á, í à, “vang, rền, nền, này” của những giai điệu quan họ lãng mạn và đầm đìa chất thơ đã làm chàng thi sĩ xa xứ vừa lạ lùng, bỡ ngỡ, lại vừa bổi hổi yêu thương. Những câu ca làm mềm lòng kẻ viễn du, mây nổi. những chiếc nón quai thao và những giải lụa đào vừa che chở, vừa thắt buộc con người vào những tâm thức khác thường.
Trong những khoảnh khắc ấy, sao những con người Việt chúng ta thấy gần nhau quá đỗi, thấy là nhau, như nhau, không còn gì cách biệt như thể không bao giờ có muôn dặm địa lý, ngàn trùng lịch sử.
Hình như, thơ đến từ đây chăng?
Cuốn 'Thơ đến từ đâu' của Nguyễn Đức Tùng do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành, ra mắt ngày 01/12/2009 tại Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét