Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

Chiến thắng Ngọc Hồi ...

TƯ LIỆU QUÝ: PHAN KHÔI VIẾT VỀ CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI - ĐỐNG ĐA



MỘT BÀI BÁO CỦA PHAN KHÔI VỀ CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA, TẾT KỶ DẬU 1789
Dưới đây là một bài báo Phan Khôi đăng hồi đầu năm 1940 trên “Dân báo” ở Sài Gòn về chiến dịch đánh đuổi quân Thanh vào đông xuân 1788-89, tức chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Trong bài có một vài tên riêng nhân vật lịch sử có thể không thật khớp với các tài liệu đang phổ cập hiện nay.
Tài liệu này do bạn Kim Hiền tìm giúp tôi ở Thư viện quốc gia Paris (Pháp). Xin cảm ơn bạn Kim Hiền và trân trọng giới thiệu với độc giả các trang báo mạng bạn bè.
LẠI NGUYÊN ÂN
-------------------------------------------------------------------------------------------
TẾT VỚI CHIẾN TRANH:
ĂN TẾT VÀO NGÀY KHAI HẠ

…mở lịch sử ra xem, trước đây bờ một trăm sáu chục năm, chúng ta cũng có một lần đánh nhau với quân Tàu giữa ngày nguyên đán, làm cho cái tết phải hoãn lại đến ngày mồng bảy tháng giêng là ngày khai hạ mới ăn được.
Ấy là chuyện ở đời vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn.
Năm đinh vị (1787), Nguyễn Huệ sai Võ Văn Sĩ cầm quân ra Bắc Hà hỏi tội Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi Sĩ ra chưa tới Thăng Long thì Hữu Chỉnh đã bỏ Thăng Long chạy sang Kinh Bắc, và vua Chiêu Thống cũng sợ mà đi trốn đâu mất rồi. Lúc Sĩ đến Thăng Long, bắt được Hữu Chỉnh đem hành hình ở đó thì không có mặt vua Chiêu Thống cho nên Sĩ mới lập Lê Duy Cẩn làm giám quốc.
Kế đó Võ Văn Sĩ bị cáo là mưu phản, Nguyễn Huệ đương ở Thuận Hóa vội vàng dẫn binh ra Bắc bắt Sĩ giết đi; người cũng còn để Lê Duy Cẩn làm giám quốc, và sắp đặt xong mọi việc rồi thì kéo binh trở về Thuận Hóa.
Không ngờ, vua Chiêu Thống không phải chạy trốn mà chỉ là đi tránh chỗ kinh đô ra các tỉnh cùng bầy tôi vận động qua Tàu cầu cứu.
Bấy giờ bên Tàu, Tôn Sĩ Nghị đương làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, Tôn được thơ xin viện binh của vua Lê thì tâu cùng hoàng đế Càn Long nhà Thanh mà xin nhận lời. Hoàng đế nhà Thanh phê y lời xin của Tôn.
Mùa đông năm mậu thân (1788), hai mươi vạn binh của bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, chia làm hai đạo kéo sang nước An Nam. Đạo thứ nhứt đi do đường Lạng Sơn, Sĩ Nghị cầm đầu; đạo thứ nhì đi do đường Tuyên Quang, một viên Tổng binh cầm đầu nhưng vẫn ở dưới quyền Sĩ Nghị.
Quân Tàu vừa đến Lạng Sơn đã rải ra một tờ hịch, rao có ai bắt sống được hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thì sẽ được thưởng đầu công. Các tướng giữ thành Lạng Sơn của Tây Sơn bấy giờ là Nguyễn Văn Diệm và Phan Khải Đức nghe lời rao, đều sợ hoảng, kẻ thì xin hàng, người thì bỏ đi trốn. Quân Tàu trẩy tới Kinh Bắc (tức Bắc Ninh bây giờ), vua Chiêu Thống đích thân đến rước và chào mừng họ Tôn. Ngày 21 tháng 11 năm mậu thân (1788) Tôn Sĩ Nghị đứng làm lễ tuyên phong cho vua làm An Nam quốc vương, vì từ hồi Tuyên Thống lên ngôi đến giờ bên Tàu chưa kịp làm cái lễ long trọng ấy.
Sau khi Nguyễn Huệ giết Võ Văn Sĩ, cất Ngô Văn Sở lên làm đại tướng, giao binh quyền cho ở giữ Bắc Hà rồi mới đi về miền Nam. Nhưng khi quân Tàu tràn sang đây, Sở liệu bề chống không nổi, đã truyền lịnh cho các đạo binh rút về giữ mặt Ninh Bình, Thanh Hóa, và cho người vào Thuận Hóa cáo cấp cùng chúa mình.
Bấy giờ 20 vạn quân Tàu, trừ ra một số ít chia đi tuần tiễu các nơi, còn thì đóng cả ở trên bãi cát bờ phía nam sông Nhị Hà. Sĩ Nghị sai bắt nhiều chiếc thuyền kết lại làm cái cầu nổi để cho quân lính đi thông sang bờ phía bắc.
Vua Chiêu Thống đã trở về, các quan trước kia chạy tản lạc, bây giờ cũng dần dần họp lại. Họ rủ nhau đến yết kiến Tôn Sĩ Nghị và xin lập tức ra binh kéo về miền Nam đánh anh em nhà Nguyễn Tây Sơn. Sĩ Nghị trả lời: “Ngày hết tết tới rồi, việc gì mà vội vàng dữ vậy? Đây ta không đánh gấp. Giặc nó còn gầy, để ta nuôi nó cho béo rồi khiến nó đem thịt tới dâng ta!” Nói thế rồi Tôn hạ lịnh cho lui quân an nghỉ, đợi đến ngày mồng sáu ra giêng hãy xuất quân.
Ở Thuận Hóa, Nguyễn Huệ được tin cấp báo, nổi giận thét mắng ầm ầm, và hạ lịnh cho cử binh lập tức.
Các tướng xin Huệ trước khi cử binh hãy lên ngôi hoàng đế để buộc chặt lòng người. Huệ làm theo lời. Liền trong ngày 26 tháng 11 ấy lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân, xưng niên hiệu là Quang Trung. Và cũng liền trong ngày ấy, chính mình làm tướng kéo cả thủy quân lục quân ra Bắc.
Ngày 29, quân đi đến Nghệ An thì trú lại đó hơn mười ngày. Lựa thêm tráng đinh xứ Nghệ, cứ ba tên lấy một, thúc vào quân đội. Cộng cả các quân cũ và mới có được hơn mười vạn và mấy trăm con voi. Làm lễ đại duyệt xong, lại bắt đầu tấn phát.
Ngày 20 tháng chạp đến đèo Ba Dội. Ngô Văn Sở chực sẵn bên đường, sập xuống lạy và xin chịu tội. Vua Quang Trung phán: “Các ngươi, tội đã đáng tội rồi, nhưng nghĩ vì Bắc Hà mới yên, lòng dân chưa phụ, mà các ngươi biết giữ trọn binh lực mình để lánh mũi giặc đương hung hăng, cũng không hại gì lắm, thôi thì ta tha cho đái tội lập công”. Rồi nội ngày 20 ấy đãi tiệc quân sĩ, ngài phán cùng họ: “Hôm nay hãy ăn sơ sài một bữa, đợi đến ngày mồng bảy tháng giêng vào thành Thăng Long rồi sẽ bày diên yến mừng xuân cho luôn. Các ngươi hãy ghi lấy lời ta thử có sai không nhỉ?”.
Đêm ba mươi Tết, quân đi qua sông Gián, đánh bại đạo binh của Hoàng Phùng Nghĩa, quan trấn thủ Sơn Nam của nhà Lê. Bao nhiêu quân Tàu đi tuần tiễu ở đó đều bị bắt giết hết, cho nên tuyệt chẳng có tin báo về Thăng Long cho Sĩ Nghị biết.
Đêm mồng ba, quân đến làng Hà Hồi. Ở đó có đồn bảo của quân Tàu, gác súng lớn, chôn ngầm địa lôi, cách phòng thủ rất kiên cố. Quân của vua Quang Trung vây các đồn ấy, lấy ống vọi truyền hô, có tiếng dạ đến mấy vạn người. Trong đồn nghe thấy thế đều run sợ, rồi không giao chiến, quân Tàu tự vỡ tan cả. Hết thảy lương thực khí giới đều bị quân Tây Sơn bắt lấy.
Tảng sáng ngày mồng năm, quân tới sát bên đồn Ngọc Hồi. Trên đồn bắn đạn xuống như mưa. Vua Quang Trung khiến mỗi người lính mang một miếng ván xông vào, còn ngài thì cỡi voi ở đằng sau giục tới. Cửa đồn bị vỡ. Ai nấy đều ném miếng ván xuống đất, cầm dao chặt tứ tung. Quân Tàu không chống lại được, bỏ chạy. Quân Tây Sơn đuổi theo, phá luôn mấy đồn Văn Điển, An Quyết, các quan Tàu, đề đốc Hứa Thế Hanh, tổng binh Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng, tri phủ Sầm Nghi Giản đều tử trận.
Bấy giờ Tôn Sĩ Nghị ở nơi đại đồn trên bãi cát, nghe tin, lật đật lên ngựa chạy về phương Bắc. Rồi quan và lính chạy theo. Họ tranh nhau qua cầu, cầu gãy, rơi xuống sông mà chết không biết bao nhiêu, đến nỗi sông Nhị Hà không chảy được. Vua Chiêu Thống cũng chạy theo Sĩ Nghị về Tàu.
Sáng ngày mồng năm, chính mình vua Quang Trung kéo binh vào thành Thăng Long, cái áo chiến bào của ngài mặc nguyên sắc vàng mà biến ra sắc đen sạm, vì ăn mùi thuốc súng.
Đợi đến ngày mồng bảy mới mở tiệc khao thưởng quân sĩ, ăn Tết nguyên đán năm kỷ dậu, cho đúng với lời vua đã phán cùng họ hôm trước.
P. K.
Dân báo, Sài Gòn, 14 Fevrier 1940
 
*Xin cảm ơn Nhà nghiên cứu văn học, văn bản học Lại Nguyên Ân gửi đến Nguyễn Xuân Diện-Blog để chia sẻ với chư vị nhân ngày giỗ trận Đống Đa.
 
(TT&VH) - Ngày mùng 5 Tết hằng năm là ngày giỗ trận Đống Đa, tức là kỷ niệm trận đại thắng của vua Quang Trung, đánh tan mấy vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu (1789).
Theo học giả Doãn Kế Thiện (1891-1965) thì gò Đống Đa vốn được gọi là “Gò 13”. Vì sao lại là “Gò 13”? Cụ Sở Bảo (Doãn Kế Thiện) giải rõ lai lịch cái gò này như sau.
Theo một tục cổ truyền từ thời Xuân Thu ở Trung Hoa cổ, khi một nước nhỏ đánh bại quân xâm lược từ một nước lớn, thì người ta cho thu thập hài cốt quân địch lại, chất thành đống rồi đổ đất lấp kín thành từng cái gò, gọi là “kình nghê kinh quán” (nghĩa là gò to chôn xác kình nghê; kình và nghê là hai loại cá lớn chuyên sống bằng cách nuốt cá bé), những gò này mang ý nghĩa cảnh báo đối với nước lớn hãy trông đó mà coi chừng, đừng lặp lại hành động xâm lược mà có ngày bị chôn xác hàng đống như thế.
Một trong những bức ảnh hiếm hoi về gò Đống Đa xưa do nhiếp ảnh gia Võ An Ninh chụp năm 1942
Sau trận đại thắng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), quân Mãn Thanh chết có tới mấy vạn, việc chôn cất cần làm gấp. Vua Quang Trung hạ lệnh cho thu thập những thi thể quân địch xếp vào từng hố một rồi đắp đất cao lên thành gò, suốt từ trại Thịnh Quang đến trại Nam Đồng, tất cả là 12 cái, gọi là 12 kinh quán. Sau đó 63 năm, vào năm Tự Đức thứ 4 (1852), Nguyễn Hầu là Kinh lược Bắc Kỳ, lĩnh chức Tổng đốc Hà Nội, vì mở đường mở chợ trong cánh đồng Thịnh Quang – Nam Đồng, lại đào được hàng đống hài cốt chồng chất lên nhau, biết rõ đó là hài cốt quân Thanh, liền cho thu thập chôn vào một hố đắp thành gò cùng một dãy với 12 gò kia, trở thành cái gò thứ 13. Gò này ở cạnh Núi Ốc (Loa Sơn) là chỗ tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử. Gò này được đắp dính vào Núi Ốc, rồi sau mỗi lần đắp thêm, chẳng bao lâu Núi Ốc với Gò 13 nhập thành một gò to và cao hơn các gò kia. Như vậy cả 13 gò đó đều là những chiến tích oanh liệt chống ngoại xâm thời vua Quang Trung.
Nhưng nhà Tây Sơn chỉ giữ quyền lực được 14 năm (1788 - 1802). Nhà Nguyễn mở đầu bằng triều vua Gia Long là kẻ đã coi Tây Sơn là thù địch nên đối với các dấu tích nhà Tây Sơn để lại, nếu không cho phá đi thì cũng để mặc cho mai một theo thời gian, không muốn dân chúng nhắc đến nữa. 13 gò này do đó cũng chịu chung số phận. Tuy vậy do gắn với trận thắng lịch sử, nó vẫn được dân ta nhớ tới. Ngoài ra, các gò này còn được gắn thêm với đặc điểm “đống đa”. Nguyên là sau một năm đê vỡ bị ngập lụt, cánh đồng Thịnh Quang – Nam Đồng trở thành cánh đồng hoang, khắp nơi đều mọc đầy những cây đa; trên 13 gò này đều có những cây đa mọc um tùm.
Sau khi quân Pháp chiếm Hà Nội (1882), họ mở đường mở phố. Hoàng Cao Khải dựa thế quân Pháp, chiếm vùng Thái Hà làm ấp riêng, phá hoại san bằng hết 12 gò kia, chỉ có gò 13 vì vừa cao vừa rộng hơn mới còn được để lại. Năm 1883, Nguyễn Hữu Độ làm Kinh lược sứ Bắc Kỳ kiêm Hộ đốc Hà Nội, muốn lấy tiếng với sĩ phu, đã xin với triều đình Huế cho lập miếu Trung Liệt để thờ hai vị liệt sĩ là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu và hai trung thần là Đoàn Thọ và Trương Quốc Dụng. Nhưng sau đấy vì phải đối phó với nhiều cuộc nổi dậy, việc xây miếu bị xếp lại. Mãi đến năm 1890, Nguyễn Hữu Độ chết, Hoàng Cao Khải lên thay. Ông ta tiếp tục việc xây dựng đó, nhưng đổi “miếu” thành “từ”, “Trung Liệt” thành “Trung Lương” với ý đồ: sau khi y chết, con cháu y sẽ đem bài vị y đặt vào thờ trong đó, cùng với các vị trung thần liệt sĩ kể trên. Sau khi đổi tên xong, Hoàng Cao Khải còn tổ chức một cuộc thi thơ để gây dư luận tán thành việc làm của mình; nhưng số người hưởng ứng không nhiều, lại có những người tham dự để đưa ra những lời thơ rủa mát và chửi thầm kẻ chủ trì.
Tháng 3/1945, quân Nhật đảo chính Pháp, thế lực thân Pháp mất chỗ dựa, dân chúng và sĩ phu ta đã quăng bài vị họ Hoàng ra khỏi đền và lại gọi đền là đền Trung Liệt.
Theo phần đông sĩ phu thì việc xây đền Trung Liệt trên gò Đống Đa là một việc làm bất chính của một số quan chức triều Nguyễn cố ý làm lu mờ chân tướng di tích một chiến công lịch sử của quân dân ta thời vua Quang Trung. Tuy vậy, trên thực tế, gò Đống Đa vẫn là gò Đống Đa, đền Trung Liệt vẫn là đền Trung Liệt. Mùng 5 Tết hằng năm vẫn được dân chúng các nơi nhớ là ngày giỗ trận, lũ lượt kéo về đây, tưởng nhớ chiến công đại phá quân xâm lược của quân dân ta năm Kỷ Dậu (1789) dưới sự chỉ huy của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.
(theo: Sở Bảo Doãn Kế Thiện: Một di tích lịch sử, nhân ngày mùng 5 Tết: Gò 13 // Sinh hoạt văn hóa, Vụ văn hóa đại chúng (Bộ văn hóa), s. 37, số đặc biệt Xuân Mậu Tuất 1958)
Lại Nguyên Ân (thuật lại)

Người Hà Nội chen chân dự hội gò Đống Đa

Sáng 7/2 (mùng 5 Tết), trong tiết trời nắng ấm, hàng nghìn người dân Hà Nội đã tham dự lễ hội gò Đống Đa, tái hiện chiến thắng lịch sử hơn 200 năm trước của vua Quang Trung.

Hàng nghìn người dân đã về dự lễ kỷ niệm 222 năm vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long (1789), tại công viên Đống Đa (Hà Nội) sáng 7/2 (mùng 5 Tết).
7h sáng các đoàn rước khăn áo chỉnh tề, rực rỡ màu sắc, lần lượt tiến về dưới chân tượng đài vua Quang Trung.
Dâng ngũ quả làm lễ tế người anh hùng áo vải.
Quang cảnh rước kiệu vua Quang Trung trên đường phố trước khi tiến vào gò Đống Đa.
Sử sách để lại về chiến tích lịch sử của vua Quang Trung, nhà vua cho quân thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò nhằm biểu dương chiến công của quân và dân.12 gò này nằm giải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, trên các gò cây cối mọc um tùm nên có tên là Đống Đa.
Năm 1851, do mở đường mở chợ, đào xẻ nhiều nơi thấy nhiều hài cốt, lại cho thu vào một hố cao lên nối liền với núi Xưa, thành gò thứ 13, tức là gò còn lại hiện nay. Còn 12 gò khác đã bị phạt đi trong thời gian người Pháp mở rộng Hà Nội năm 1890.
Vào mỗi dịp mùng 5 Tết, nơi đây lại tưng bừng mở hội với các tiết mục tế lễ, trình diễn múa, hát và võ thuật dân tộc để ghi nhớ công lao của người anh hùng áo vải.
Hình ảnh nhân dân ta bị quân giặc đàn áp không thể nào quên được tái hiện trên sân khấu.
Màn sử thi người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và đội quân Tây Sơn với trận chiến vang dội Ngọc Hồi - Đống Đa. Vở kịch do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội trình diễn.
Ngoài các tiết mục tế lễ, biểu diễn, người dân tham dự lễ hội còn tham gia các hoạt động vui chơi khác như chơi trò chơi dân gian, nặn tò he, khắc họa chân dung...
Clip : Tái hiện cảnh nhân dân ta bị giặc Thanh đàn áp 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét