NHỚ VỀ NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ
Nguyễn Thị Thu SươngCựu học sinh Nguyễn Hoàng
Niên khóa 1970-1974.
( Nguồn từ Blog Mỹ Ngọc)
http://vn.360plus.yahoo.com/suongntptc4/article?mid=54&prev=55&next=-1
Tôi sinh ra ở quê nội. Tuổi thơ của tôi trải qua dưới lũy tre làng Vĩnh Lại, Triệu phong. Làng tôi nằm bên cửa sông chảy ra biển Cửa Việt, dòng sông có hai dòng nước ngọt mặn chảy giao nhau.
http://vn.360plus.yahoo.com/suongntptc4/article?mid=54&prev=55&next=-1
Tôi sinh ra ở quê nội. Tuổi thơ của tôi trải qua dưới lũy tre làng Vĩnh Lại, Triệu phong. Làng tôi nằm bên cửa sông chảy ra biển Cửa Việt, dòng sông có hai dòng nước ngọt mặn chảy giao nhau.
Hàng này tôi chơi trong khu vườn râm mát nhà nội, cắt lá, bẻ hoa, làm đồ hàng chơi với mấy em. Khi đến tuổi đi học, tôi được ba mạ cho đi học trường làng. Trường làng chỉ là ngôi nhà nhỏ có những bộ bàn ghế thô sơ bằng những mảnh ván ghép lại, thầy giáo tôi là thầy giáo già, tôi còn nhớ tên là thầy Khế.
Hàng ngày, tôi dậy rất sớm để đi học, hồi nhỏ tôi rất thích đi học, mới nghe gà gáy , tôi đã giật mình tỉnh dậy, dụi mắt và nói :”mạ ơi! con đi học!”, Mạ tôi cười nói : ” mới 4g sáng thôi con, ngủ tiếp đi, chút mạ gọi dậy đi học”. Tôi đi học lúc nào cũng dẫn cả bầy em đi theo, mấy đứa em chỉ 4, 5 tuổi thôi, nhưng đứa nào cũng muốn đi học cả, khóc lóc đòi đi theo, ba mạ tôi ngăn cản không được nên đồng ý cho tất cả theo tôi đi học. Ba chị em rồng rắn dẫn nhau đến trường. Mưa gió, nước lụt vẫn đòi đi học, không hiểu sao hồi nhỏ tôi mê đi học đến thế. Cuối năm, tôi đã đọc rành chữ và biết làm toán.
Năm 1965, ông nội mất, chiến tranh xãy ra, gia đình tôi đã chuyển lên tỉnh ở. Nhà tôi dọn đến ở một căn nhà nhỏ thuê trong làng Thạch Hãn, nhà có một vườn chè rất đẹp. Chị em tôi nhớ làng quay quắt, nhớ từng góc vườn của nội, nhớ hàng cây mít bên hông nhà, nhớ hàng cam nội trồng trước sân . Ngày ông nội mất, chúng tôi đã cắt vải trắng đi mang tang cho từng cây đào, cây ổi, cây cam, cây mít … trong vườn, tôi nghĩ cây nội trồng, nội thương yêu nâng niu, khi nội mất, các cây đó cũng phải để tang như tôi. Tôi nhớ làng, nhớ những buổi chiều vắng lặng, ngồi chờ ba mạ đi dạy học về. Tiếng cửa gỗ kẻo kẹt ở nhà mới, sao giống tiếng kêu cánh cửa ở nhà nội thế, làm tôi nhớ nhà quay quắt, chúng tôi khóc, xin ba mạ cho về làng ở. Ba mạ tôi cười, nói đây là nhà của mình, các con sống với ba mạ, mà còn đòi về quê là sao?, chị em tôi nói nhớ quê quá, và mong muốn trở lại sống ở nhà nội. Ba mạ tôi không chịu nổi, thường chở chị em tôi về làng nội thăm, ngày trở về làng, tôi vui mừng, muốn khóc, được trở về mái nhà xưa, bỏ dép chạy chân đất quanh vườn, cảm nhận đất mịn dưới chân mình, hít thở cái không khí mà mình yêu thương, niềm vui như vỡ òa trong tôi. Đó là nỗi nhớ đầu đời của tôi về làng quê của mình.
Tôi được vào học lớp 2 ở trường Nữ Tiểu học Quảng Trị. Tôi học trường Nữ ở vườn bông. Tôi có bạn bè mới, dần dần nỗi nhớ quê nguôi ngoai. Năm đó tôi học lớp Cô Cam, kỷ niệm nhớ nhất của tôi hồi lớp 2 là bị Tố Lan bắt nạt, không chỉ mình tôi, mà hầu như cả lớp đều bị bắt nạt, vì Tố Lan là em của cô Cam, nên Lan ỷ lại chị, mọi yêu cầu của Tố Lan chúng tôi đều đáp ứng, trái lệnh, xem như là ăn đòn, có khi chúng tôi phải chụm tay lại để Tố Lan khẽ …có nhiều chuyện mà mỗi khi ngồi nhắc lại tôi và Xuân Nguyên kể không hết.
Lên lớp 3, Cô Đào dạy chúng tôi, cô thật hiền và dễ thương, sau này cô trở thành phu nhân của thầy Huy Vỹ. Lớp 4, chúng tôi học thầy Công ( thầy cận rất nặng), và lớp 5 chúng tôi học thầy Thành. Những năm tiểu học của tôi trôi qua trong êm đềm, bạn bè ngày càng gắn bó. Cả bọn chúng tôi : tôi, Hiệp, Xuân Nguyên, Phượng Tiên, Anh Đào, Hoài Nam, Bê , Cận và Lai đều đậu vào trường trung học Nguyễn Hoàng. Tôi và Hiệp, Xuân Nguyên, Anh Đào, Hoài Nam và Lai vào học lớp 6/8, có Quảng từ Đà Nằng ra học nhập bọn. Phượng Tiên, Khánh Hiền , Khánh Hiệp học lớp 6/9. Tôi và Phượng Tiên học chung nhau hồi tiểu học. Nhà tôi ở cạnh nhà Phượng Tiên nên hai đứa rất thân nhau. Tôi hay chạy qua tiệm sách Tùng Sơn chơi, hai đứa lên gác đọc sách, học bài, nằm nói chuyện phiếm, tôi thường làm bánh đem qua cho Phượng Tiên ăn.
Hằng ngày, Quãng từ Ty Bưu điện ở đường Gia Long đến Chợ Quảng trị rủ Hiệp đi học, trên đường qua rủ Lý thị Nhơn, rồi đến nhà Lai, cuối cùng qua đường Quang Trung rủ tôi đi cùng. Cả bọn thường đi trên đường Quang Trung mua xí muội, me, cốc và ổi dầm chua, sau đó đi vào đường làng trong Thạch Hãn, nơi có những lũy tre xanh, cao che mát, đi dọc đường còn ngừng lại hái hoa và bắt bướm. Chúng tôi nói cười hồn nhiên, từ nhà đến trường mất gần một tiếng đồng hồ ( chỉ có đoạn đường chưa tới hai cây số), khi nào tới trường chuông cũng bắt đầu reo, thật là cà kê dê ngỗng hết chỗ nói!
Ra chơi, chúng tôi cột áo dài lại và chơi a nô, có khi nhảy dây. Ở trường Nữ ngoài này, chỉ có hai phòng, chia nhau bốn lớp, hai lớp sáng và hai lớp buổi chiều, không có học chung với con trai, nên chúng tôi không biết làm dáng, không biết mắc cỡ, chơi hồn nhiên với nhau như hồi tiểu học, chỉ khi nào vào trường Nguyễn Hoàng chính học, chúng tôi mới e dè ra vẽ thục nữ người lớn một chút. Hồi đó các bạn hay có trò chơi cột áo với nhau, chỉ cần hai cô bạn đứng hay ngồi tâm sự với nhau, đứa khác rình, ngồi xuống lặng lẽ cột hai tà áo lại, khi tâm sự xong, đứng dậy đi, coi như “tẹch” tiêu đời cái áo dài, rách cho tới nửa lưng!, Tôi có hai cái áo dài mà cái nào cũng rách đến nửa lưng, mỗi khi đi học, cái cặp lúc nào cũng ôm quay lại sau lưng, bước ra khỏi nhà mới ôm cặp trước ngực, sợ mạ thấy đánh đòn.
Năm học lớp 6, học môn Văn do thầy Lê Phán dạy, tôi nhớ thầy giảng bài “Tôi đi học “ của nhà văn Thanh Tịnh thật hay, và có lẽ hay và cảm động nhất là bài ”Hai đứa trẻ nhặt lá bàng” trong tác phẩm “Đôi bạn” của nhà văn Nhất Linh, nghe thầy phân tích và như thấy rõ hình ảnh từng chiếc lá bàng rơi, cái lạnh co ro của hai đứa trẻ nghèo, tôi bắt đầu yêu thích môn văn từ đó.
Lên lớp 7, chúng tôi bắt đầu được học các tác phẩm của Tự lực văn đoàn, thảo luận và thuyết trình các tác phẩm của các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng … như Lạnh lùng, Đôi bạn, Đoạn tuyệt , Gánh hoàng hoa, Hồn bướm mơ tiên… chúng tôi được học các tác phẩm kinh điển với những lối hành văn nhẹ nhàng, hay và sâu lắng.
Thầy Văn Chương dạy môn Sửa Địa, thầy dạy thật hay, và truyền đạt cho chúng tôi nhiều kiến thức mà không có trong giáo trình, cho chúng tôi làm nhiều bài kiểm tra dạng trắc nghiệm, bài tập có nhiều kiến thức không tồn tại trong bài học, nếu đọc sách thêm mới làm bài đạt điểm tối đa.
Môn yêu thích nhất của tôi là môn Anh Văn do cô Tôn Nữ Nam Sâm dạy, cô thật đẹp và thật hiền, cô dạy vui và thật hay, tôi học say mê và rất chăm chỉ môn này. Môn Toán do thầy Tống Phước Ái dạy, thầy giảng bài kỹ và cặn kẽ, hướng dẫn chúng tôi học tốt môn khô khăn này.
Cô Qủa dạy môn Vạn Vật, cô yêu cầu chúng tôi phải suy tầm các lá dương xĩ, rong rêu, các loại nấm, các con ốc , sao biển… Tôi dẫn Quãng, Lai về quê tôi ở Vĩnh Lại, đến bờ đập ngăn nước chảy từ sông ra biển sau làng, nhặt rong, bắt ốc mượn hồn, chúng tôi đùa giỡn nhau tà áo dài trắng tung bay trong gió, hình ảnh đẹp đẽ đó lọt vào tầm ngắm của các ông lính hải quân ở Cửa Việt, các ông phóng loa lên làm tụi tôi một phen hết vía, cứ tưởng như đang ở gần chúng tôi, ai dè các ông dùng kính viễn vọng để nhìn, chúng tôi phải vội vã chạy về làng, lúc đó mới thoát nạn. Có hôm cả bọn đạp xe về làng Quy Thiện để tìm lá Dương xỉ, nấm các loại ….mặc áo dài, đường lầy lội trơn trượt về đến nhà, mặt mày áo quần lấm lem bùn, nhưng thật vui vì đã tìm ra đủ các loại lá Dương xỉ ưng ý. Bọn tôi gồm Sương, Xuân Nguyên, Quảng, Hiệp , Lai, Khánh hiền, Khánh Hiệp, Hoài Nam, Nhơn, Dương thị Hóa ( lùn) đi về biển Gia Đẳng để tìm các loại ốc, sò, sao biển…, chúng tôi đi bằng xe lam, còn bọn con trai như Lý thế Văn, Lăng, Kỳ Lân… đi xe đạp chạy theo sau. Đến biển, ai dè nhằm ngày biển động, mưa phùn bay lất phất, gió lạnh, sóng biển vổ mạnh, bọn con gái chui vào các cái chòi của ngư dân làm sẵn để núp mưa gió, gió lạnh thổi từng cơn, rét run cầm cập, ngồi co ro bên nhau nhìn mưa bay, chờ mãi mà mưa không dứt, gió vẫn thổi mạnh, các ngư dân nói biển động rồi, cả bọn buồn bả kéo nhau về. Coi như công toi một ngày, không nhặt được gì cả, chỉ vài con ốc xấu xí mà thôi!
Những ngày nghỉ học, tôi, Quãng, Xuân Nguyên, Hiệp, Lai và Văn hay kéo nhau qua chùa Sư Nữ chơi, chỉ cần qua đò sông Thạch Hãn trong xanh là chúng tôi đã có mặt bên chùa rồi, ngồi trước chùa, leo lên các cây ngồi đong đưa nói chuyện phiếm, đi loay quanh chùa viếng cảnh rồi về. Chiều chiều, Tôi, Quãng, Hiệp và Lai đạp xe đạp cùng nhau dọc đường Gia Long với những cây dương cao im mát, chạy về chùa Tĩnh Hội rồi quay lại, đi một vài vòng mới về nhà. Tối tôi, Quảng và Hiệp qua nhà Lai nhờ chị Khương và anh Sinh dạy Anh Văn, mưa gió chúng tôi vẫn chăm chỉ đi học đều đặn. Tối khuya về, tôi phải qua nhà ông ngoại ngủ, có khi trời mưa lất phất, nhà trong xóm đóng cửa sớm, mọi người sinh hoạt trong nhà ít ra ngoài, đi vào sân thấy mộ “cô cậu” trước nhà, bên cạnh có cây đa to đen sì, tôi sợ muốn ngất đi, nhưng nghĩ ông ngoại ngủ một mình trong cái nhà hoang lạnh đó, cũng thấy lo lắng sợ đêm hôm có chuyện gì bất trắc, tôi cắn răng, miệng đọc thầm kinh Phật và dấu hai ngón cái vào bàn tay, cúi đầu chạy ù vào nhà ngoại như ma đuổi.
Sáng sáng đi học bao giờ tôi, Hiệp, Quãng, Lai và Phượng Tiên cũng ghé vào xe bánh mì chú Hưng ở bên góc tiệm Phú Long ( tiệm của anh Nguyên con trai của Phú Vinh) ở đường Trần Hưng Đạo mua bánh mì. Chú Hưng có tài làm thịt xíu rất ngon, bánh mì thịt quê mình chỉ có thịt và chả thôi không có dưa leo và pate như ở trong Nam, ăn rất ngon. Dù đã gần 40 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ rõ hương vị của bánh mì thịt của chú Hưng.
Nhà tôi ở đường Quang Trung, đi thẳng một mạch là tới cổng trường Nguyễn Hoàng, vì không được học nhiều ở trường chính, nên mỗi khi được về học ở Nguyễn Hoàng, chúng tôi rất mừng, thấy hãnh diện như thế nào ấy. Thương ngôi trường có những cây phượng già, trổ bông đỏ thắm khi hè về.
Năm 1972, khi chiến tranh nổ ra, thành phố chạy tán loạn, chúng tôi chạy vào Đà Nẵng và học Nguyễn Hoàng Non Nước. Tôi vào học lớp 8/1 cùng với Quảng, Xuân Nguyên, Phượng Tiên học ở Đà Nẵng, Hiệp bay vào học ở Mỹ Tho, Lai về lại quê Bình Định, Lý thị Nhơn vào Sài Gòn, nhóm tôi tan rã. Vào học Nguyễn Hoàng Non Nước tôi quen thêm nhiều bạn mới như Phục, Lê Thị Hoa, Mai Anh, Ngọc Ánh, Tùng, Phan Ái Hồng, Vượng, Quyên, Tôn nữ Thanh Hương, Thanh Hà, Ty…
Tôi ở trại Hòa Long A, hàng ngày đi học chung với Hoa và Ái Hồng, lên khúc cua trại 1, Phục và Quảng nhập bọn, chúng tôi đi trên phi đạo cao lộng gió đến trại 5 Non Nước, tới trường Nguyễn Hoàng. Trường chỉ là một nhà lớn của Mỹ để lại, lớp học phải chia bằng cót ép, nên ngồi bên này vẫn nghe thầy bên lớp cạnh giảng bài . Khi học chúng tôi phải thật tập trung mới nghe lời thầy giảng .
Năm lớp 8/1, thầy Lữ dạy Văn, thầy giãng bài rất kỹ và rất có tâm huyết với học trò, thầy bắt chúng tôi đọc thêm nhiều bài, tạo cho chúng tôi thói quen viết nhật ký, làm thơ.Tôi ở gần nhà thầy, nên được thầy dạy thêm môn Anh Văn, những bài dạy học về từ ngữ, tôi không bao giờ quên và làm tôi càng say mê môn Ngoại ngữ này. Thầy viết trong bài tập Anh văn của tôi như sau:
“Ông ngoại Sương là thầy giáo
“Ba em là thầy giáo,
“ Mẹ em là cô giáo,
“Em sẽ là .....
Thầy đưa ra cho tôi một con đường phải chọn, phải học thật giỏi để xứng đáng với những người đi trước, tôi tâm nguyện sẽ cố gắng thật nhiều để không phụ mơ ước của thầy, tôi mang ơn thầy và luôn coi thầy như người cha thứ hai cả mình. Sau này, mỗi khi tôi đỗ đạt, bao giờ tôi cũng khấn nguyện và nói thầm rằng “ Thầy ơi, con đã đạt được rồi!”. Khi nghe thầy mất cả lớp tôi bàng hoàng, thương xót, chúng tôi khóc và buồn vô cùng, từ nay không còn được nghe thầy giảng và dạy bảo. Khi nào có giờ nghỉ chúng tôi thường ra chùa Khuê Bắc ( gần trại 6) để viếng mộ thầy Lữ và thầy Thạch. Hai thầy khi sống rất thân nhau, khi chết cũng muốn nằm cạnh nhau.
Lên lớp 9/1 thầy Nguyễn Đức Liệu dạy Văn, một lối dạy phóng khoáng, không câu thúc bởi chương trình, thầy bày cho chúng tôi ngâm thơ ( thầy ngâm bài thơ “Màu tím hoa sim”, “Đôi mắt người Sơn Tây” thật hay),( trong nhóm chỉ có Lê thị Hoa là ngâm thơ hay mà thôi), sau những giờ học bài, biết thầy hát hay, chúng tôi hay vòi vĩnh thầy hát, thầy hát bài “ Cô láng giềng” thật nhẹ nhàng và sâu lắng, với đôi mắt lúc nào cũng xa vắng và u sầu. Khi chấm các bài tập văn, thấy cách hành văn một số bạn còn sai về ngữ pháp, thầy giận và nói rằng ” các chị viết tiếng Anh còn đúng hơn tiếng Việt, thật đáng buồn!”, thầy bắt chúng tôi học lại cú pháp văn phạm tiếng Việt. Thầy khuyến khích chúng tôi đọc sách nghiên cứu về Khổng Tử, Đạo Phật, và Lão tử,... Hồi đó tôi làm văn nghị luận rất khá, lý luận rất chặt chẽ, vì thế trong học bạ thầy phê rằng ” Sẽ trở thành một nhà hùng biện xuất sắc nếu còn đam mê học hỏi”. Tôi có khái niệm mơ hồ về nghề nghiệp tương lai sau này qua lời phê của thầy, tôi nghĩ mình cố học thật giỏi để sau này trở thành luật sư.
Thầy Vỹ dạy Anh Văn, môn học tôi ưa thích và học khá, tôi cố gắng học và không phụ lòng thầy, có quá nhiều kỷ niệm, câu chuyện giai thoại về học Anh văn ở lớp 9 mà suốt đời tôi không bao giờ quên, thầy đã động viên chúng tôi ganh đua học tập không những trong lớp , mà còn ganh đua học với các lớp khác, với cả bọn con trai cùng khối lớp nữa. Tình cảm thầy trò thật đáng quý, chúng tôi rất yêu mến thầy.
Thầy Cẩm Đăng, dạy môn Sử địa, thầy mới ra trường, dạy chúng tôi là năm đầu tiên, thầy hồi đó thầy có dáng rất là thư sinh và lãng tử, cũng làm cho một số chị phải xao xuyến, chúng tôi còn nhỏ, chưa dám nghĩ xa xôi và thất lễ, cố gắng học hành thôi. Thầy giảng bài hay, chúng tôi hăng hái phát biểu đóng góp bài trong lớp, giờ học sinh động hẳn lên, điều đó cũng động viên tinh thần của thầy.
Thầy Trí dạy Toán, thầy giảng bài kỹ và dễ hiểu, thầy có đặc biệt hay đỏ mặt. Thầy tốt nghiệp ra trường là Á khoa, chúng tôi rất trọng nễ thầy.
Năm học lớp 9 cũng kết thúc, ngày liên hoan, lớp 9/1 và lớp 11B tổ chức liên hoan chung, vì Thấy Lê Thanh Trí ( chủ nhiệm lớp 11B) và thầy Nguyễn Đức Liệu ( chủ nhiệm lớp 9/1) muốn hai lớp kết thân, bàn ghế được sắp xếp lại hình vuông, lớp 9/1 và 11B ngồi xen kẽ nhau ( lớp tôi toàn là con gái, lớp 11B đa số là con trai), hồi đó tôi cũng không nhớ mình ngồi cạnh ai, ( chắc lúc đó ngồi cạnh anh nào đó, sợ mất hồn, không dám nhìn và hỏi, nên giờ không nhớ gì cả !). Trong lớp mình hồi đó có bạn nào liếc qua liếc lại và có kỷ niệm gì thì cho biết nhé!
Năm học kết thúc, trường Nguyễn Hoàng dời về lại Quảng Trị, một số người trở về quê hương, một số đi vào Bình Tuy, Cam Ranh, Quảng Thuận-Ninh Thuận lập nghiệp. Chúng tôi chia tay nhau, tôi vào Bình Tuy, Quảng, Hoa, Mai Anh về lại Quảng Trị, Ái Hồng về Huế, Vượng vào Cam Ranh, còn Phục, Ngọc Ánh, Lý đã vào Quảng Thuận cuối năm lớp 8, …
Trong lưu bút của tôi, các bạn đã viết những lời chia tay thật cảm động, các thầy cũng viết những lời nhắn nhủ, tôi đã cất kỹ quyển lưu bút này trong hơn 36 năm qua, tôi xin phép các thầy và trích ra đây:
Thầy Nguyễn Huy Vỹ viết thật cảm động:
“ Nghe tin Thu Sương xin thôi để di dân vào Bình Tuy, thầy rất tiếc không được tiếp tục dạy Sương về môn Anh Văn hầu có cơ hội đào tạo một học sinh có năng khiếu về môn này, như em biết, đa số học sinh ngày nay rất kém về sinh ngữ, song Thu Sương đã có sẵn năng khiếu và chăm học về môn này, thầy hy vọng nếu học hành có phương pháp sau này Sương sẽ giỏi về sinh ngữ.
“Quảng Trị mình người dân khốn cùng chịu nhiều gian truân, kẻ ở người đi, không biết tương lai sao cả, thầy cầu xin ơn trên phù hộ Sương và gia đình an vui làm ăn khá giả nơi quê hương thứ hai”Bình Tuy”, chúc em mạnh và học giỏi”
Em cám ơn thầy và nguyện sẽ học giỏi để không phụ ơn thầy.
Thầy Nguyễn Đức Liệu viết trong lưu bút của tôi:
“ Sương ơi!
“ Đã viết cho em một lần, chừ viết lại đây! Chắc em hiểu tính của thầy là không chuộng sự phù hoa giả dối. Nhiệt thành với tất cả mọi người, tuy nhiên thầy ít biểu lộ tình cảm của mình. Lo lắng cho các em ư? Buồn vì các em không tìm về quê hương mà đi xa ngàn dặm ư? Những điều đó có cần thiết gì trước cảnh ngộ này.Thầy chỉ lo lắng, buồn bã khi còn gần gủi các em mà không khích lệ các em tiến được thôi. Xa xôi, có khi nào nhớ về Quảng Trị, em hãy nhớ rằng có một ông thầy giáo hằng chờ đợi sự thành công tốt đẹp của em.
“ Hãy thương yêu tất cả mọi nhiều, đừng ỷ lại tài sức mình, vui vẽ đón nhận những lời phê phán chỉ trích, sống một đời cao thượng một cách tự nhiên bằng những đam mê tuyệt vời chứ không phải bị câu thúc bởi những giáo điều mức thước. Chọn lấy một đường hướng thích hợp mà tiến nghe em!
“Hãnh tiến!
Tôi thật cảm động và hứa với lòng sẽ không làm phụ lòng thầy giáo thân yêu, cố gắng sống thật tốt như thầy mong muốn. Hơn 32 năm lưu lạc, tôi chưa gặp lại thầy, cho đến ngày biết rằng thầy đã ra người thiên cổ, tôi có nhiều điều muốn hỏi thầy và vẫn thấy nợ thầy một lời cảm ơn. Năm 2008, Tôi, Xuân Nguyên, Quảng, Liên, Ty, Lý thế Văn, Sáng, Trường Chinh, Phú và Ngọc Ánh có đến Lộc Ninh thăm mộ thầy, thắp cho thầy một nén nhang, lòng thấy bùi ngùi xúc động, chỉ biết nói thầm:” em đến thăm thầy đây!”
Thầy Cẩm Đăng viết như sau:
“ Thu Sương,
“ Trả nợ cho em đây, biết nợ gì không? Nợ những giờ phút hắng hái mà em đã cho tôi trong những giờ học, những câu hỏi thông minh của em đã giúp tôi trong công việc giảng dạy, giúp tôi khơi động không khí học hành trong một hoàn cảnh quá thiếu thốn, những mành nón không đủ ngăn ánh sáng gay gắt buổi chiều, những tấm vách ván, mong manh hụt đầu hụt chân không đủ chặn luồng gió lạnh căm căm, thế mà các em vẫn chăm chỉ học hành, vẫn cố gắng trong mỗi kỳ thi, điều đó khiến tôi đã xấu hổ phần nào vì cảm thấy mình làm chưa đủ bổn phận. Tuy nhiên cũng khích lệ tôi rất nhiều trong những giờ đầu tiên đặt chân vào lớp học làm quen với phấn trắng bảng đen. Hình như là quá dài, tôi cảm thấy vậy.
“ Chúc em sang niên học mới đạt được tất cả những gì mà em mong muốn.
Tôi chia tay bạn bè và thầy cô , trong lòng thấy bao tiếc nuối, tiếc không học cùng với bạn bè cũ, không còn học ở trường Nguyễn Hoàng thân thương, nhưng cuộc sống ly loạn, chúng tôi đành phải xa nhau thôi…
Hồi đó tôi học môn Toán, chỉ mong hoàn thành nghĩa vụ của học trò, cố gắng làm bài tốt nhất, chứ không đam mê môn này. Tôi lúc nào cũng nghĩ khi lớn lên, tôi sẽ chọn ban C, đó là ban tôi thích học nhất, những môn Anh văn và Văn là những môn yêu thích và học khá. Lúc đầu tôi học ban C ở trường trung học Huyền Trân ở Nha Trang, học được ba tháng, ba mạ tôi không muốn tôi ở xa, nên bảo tôi về Bình Tuy học. Trường trung học Cam Lộ ở Động Đền- Bình Tuy nhỏ, ít học sinh, không có học sinh theo học ban C, thiếu thầy dạy Sinh ngữ, nên tôi phải vào học ban A. Học được một tháng, tôi thấy chán cảnh ngồi tụng bài, và một hôm thầy Trương Sĩ Lộc- thầy dạy Toán trường Nguyễn Hoàng nay là giáo sư của trường này, thầy ra bài tập Toán, thấy tôi làm bài được, thầy bảo qua lớp B học, và tôi học ban B từ đó. Cuộc đời học sinh của tôi bắt đầu gắn bó với những quyển sách Toán, Lý Hóa, văn chương và ngoại ngữ trở thành môn phụ, nhưng tôi vẫn yêu thích chúng, mặc dù bấy giờ tôi không còn dành nhiều thời gian cho chúng nữa.
Đối với môn Toán, tôi đã cố gắng rất nhiều để theo kịp bạn bè, với tâm niệm mình là học sinh Nguyễn Hoàng, mình phải học giỏi, để bạn bè nể phục, xứng đáng với ngôi trường của mình, tôi đã học quên thời gian, cố gắng miệt mài, rồi tôi cũng được trở thành những người giỏi Toán trong lớp (lớp 10B có ba mươi học sinh nam, chỉ có hai cô con gái).
Tôi học ở Bình Tuy, nhưng lúc nào những nhớ về quê hương Quảng Trị, nhớ bạn bè, nhớ Trường Nguyễn Hoàng dấu yêu.Thành phố Quảng Trị nhỏ bé và buồn hiu, nhưng với tôi đẹp và đáng yêu vô cùng. Tôi yêu cái thầm lặng của nó. Trường Nguyễn Hoàng, thầy cô và bạn bè luôn luôn là những gì thân thương đối với tôi, đó là những kỷ niệm ngọc ngà của tuổi thơ, của một thời vàng son mà tôi không bao giờ quên.
Sài Gòn ngày 20/11/2010
Văn-Lăng,Ngọc Ánh,Bích Huệ,Thu Sương,Mai Anh,Tố Tâm,Hiền,V.T.Quỳnh,Bạch Hoa, Văn Thiện Tịnh ( Văn Thiên Tụng),Cấp, Việt Anh.... ( nhìn từ trước -sau)
X.Nguyên,Việt Anh, NGọc Ánh,Cái Cận,Thu Sương...
Ảnh ngày hội NH tại Quảng Trị 20.6.2010 (K-70-74)
K 70-74 Văn-Lăng,Ngọc Ánh,Bích Huệ,Thu Sương,Mai Anh,Tố Tâm,Hiền,V.T.Quỳnh,Bạch Hoa, Văn Thiện Tịnh ( Văn Thiên Tụng),Cấp, Việt Anh.... ( nhìn từ trước -sau)
X.Nguyên,Việt Anh, NGọc Ánh,Cái Cận,Thu Sương...
Liên,Thu Sương,Kim Anh,Ty, Bích Huệ, Nguyện
HÀNH TRÌNH TÌM BẠN CŨ NGUYỄN HOÀNG
Năm 1974, sau khi chia tay bạn bè cũ ở trường Trung học Nguyễn Hoàng Non Nước Đà Nẵng, chúng tôi tan tác như bầy ong vỡ tổ.
Tôi vào Bình Tuy, Quảng, Hoa, Mai Anh về Quảng Trị, Ái Hồng về Huế (hay ở lại Đà Nẵng?), Phục vào Ninh Thuận Phan Rang… mỗi người mỗi nơi. Hồi đó xa nhau xem như mất nhau, khả năng gặp lại rất khó, địa chỉ không rõ ràng, cuộc sống tạm bợ không có gì chắc chắn, chia tay nhau mà không ai có địa chỉ của nhau, chỉ biết tên Tỉnh mình đến, còn địa phương hay địa chỉ cụ thể xem như không có. Tôi mất liên lạc với bạn bè cũ thân thương từ đó.
Năm 1974, tôi học ở Bình Tuy, học chẳng được bao lâu, biến cố lịch sử xãy ra, đất nước hoàn toàn giải phóng. Một lần nữa lại xáo trộn cuộc sống, kẻ đi người ở, càng không biết rõ về nhau, loạn lạc, mất nhau…
Năm 1975 tôi vẫn ở Bình Tuy và lên học trường Cấp III Hàm Tân, Bình Tuy cùng với Trương thị Hồng, cựu học sinh Nguyễn Hoàng. Hiệp đã bỏ Mỹ Tho về Động Đền, Bình Tuy, chúng tôi gặp lại nhau. Cuộc sống ngày càng khó khăn, đi học bữa đói bữa no, ăn toàn khoai sắn, bắt đầu biết làm nông: cấy lúa, trồng khoai, gánh bắp… những công việc mà trước đây, tôi không bao giờ nghĩ mình có thể làm được!. Với ý nghĩ phải thoát ra khỏi cảnh cực khổ này, tôi đã cố gắng học, học thi mà trong bụng đói cồn cào, học quên thời gian và nỗi khó nhọc trong cuộc đời thực tại. Có lẽ vì cố gắng như thế và đặc biệt có đàn anh lớp 11B Nguyễn Hoàng cho mượn bộ sách Toán, Lý Hóa quý hóa nên tôi đã đậu vào Đại học Kinh Tế TPHCM, (thời đó sách học rất hiếm). (Em cám ơn vị tiền bối 11B nhé, suốt đời em không bao giờ quên ơn này!)
Rồi những ngày tháng khó nhọc đó cũng qua, tôi ra trường đi làm, cuộc sống khá dần lên. Thời gian cứ dần trôi như bóng câu qua cửa sổ, chúng tôi đi làm và lập gia đình, phải lo cuộc sống gia đình, con cái và công việc. Cuộc sống mưu sinh vất vả, ai cũng như con vụ chạy theo cuộc sống riêng của mình. Thỉnh thoảng vẫn nhớ đến bạn bè, vẫn tự hỏi bây giờ các bạn đang ở đâu? Làm gì?, ai còn ai mất? , nhưng có lẽ chưa có ý nghĩ đi tìm nhau.
Mười năm, hai mươi năm,.. rồi ba mươi năm trôi qua, con cái khôn lớn, các cháu lần lượt vào đại học, cuộc sống gia đình tạm ổn định. Các con đi học xa, trống vắng cô đơn, cảm thấy phải cần bạn bè tâm sự và chia xẽ, nhớ bạn cũ và những kỷ niệm của thời học sinh. Có lẽ khi già, người ta sống bằng quá khứ, tôi mong muốn gặp lại những người bạn cũ Nguyễn Hoàng Quảng Trị.
Thật tình cờ, liên lạc được với Phục ở Ninh Thuận Phan Rang, rồi tìm ra Mai Anh ở Quảng Trị. Mai Anh cho biết thêm thông tin của bạn bè sống ở Quảng Trị như Bê, Lê, Cận… Mai Anh cho hay Quảng, Liên sống ở Lộc Ninh. Tôi liên lạc với Quảng, cô bạn thân ngày xưa và Quảng về Sài Gòn gặp tôi. Chúng tôi gặp nhau thật mừng và cảm động, hơn ba mươi năm chúng tôi mới tìm ra nhau, đồng thời biết thầy Nguyễn Đức Liệu đã qua đời. Quãng vẫn có giữ tính gàn bướng của mình, cuộc sống còn nhiều vất vả, con cái còn nhỏ, lại bịnh đau nhiều, cái giá phải trả cho những năm tháng khó nhọc thời trẻ. Tôi thương Quãng vô cùng!
Năm 2007, lần đầu tôi đi họp mặt ở Trường Nguyễn Hoàng tại Sài Gòn, lần đó gặp được Nguyễn Trường Chinh, Lý Thế Văn, qua Văn biết địa chỉ của Xuân Nguyên. Sau khi gặp Xuân Nguyên và Văn, tôi rất mừng, các bạn đã sống cùng tôi ở Sài Gòn hơn hai mươi năm, vậy mà tôi chẳng hay biết gì.
Nghe Văn kể mới biết Ái Hồng đã mất gần ba mươi năm, cái chết thảm ở Biển Đông. Lòng tôi buồn xé đau, ngày xưa tôi rất thân với Ái Hồng, chúng tôi đi học và đi đâu cũng có nhau, tôi nhớ từng cử chỉ, giọng nói, tiếng cười, khuôn mặt đẹp duyên dáng như tài tử Đài Loan của Ái Hồng. Tôi còn nhớ rõ cả bàn tay và đôi chân đẹp của Ái Hồng. Hồi mới vào trại tạm cư ở Đà Nẵng, lúc đó trường Nguyễn Hoàng chưa học lại, giai đoạn đầu tôi và Ái Hồng lên học trường tạm ở Trại 6 Non Nước, nhà chúng tôi ở Hoà Long A, hằng ngày hai đứa đi xe lam đến trường. Tôi vẫn mặc chiếc áo dài trắng quen thuộc, còn Ái Hồng hay mặc áo đầm trắng, dáng Ái Hồng cao và chân dài, mặc đầm rất đẹp và quý phái. Học chừng khoảng hơn một tháng, trường tan rã, học sinh Nguyễn Hoàng trở về học Trường Nguyễn Hoàng Non Nước ở trại 5. Ngày chia tay, trường có tổ chức văn nghệ . Hôm đó, Ái Hồng mặc cái đầm bông rất đẹp, mấy đứa trẻ con ở trại trêu chọc, đi theo ném bông cỏ gai vào Hồng, tôi một phen bênh vực bạn, “chiến đấu” la hét đuổi bọn trẻ con hư đốn đó mới thoát khỏi. Sau này về học Nguyễn Hoàng hai đứa lúc nào cũng bên nhau, tính tình Ái Hồng vui vẻ và hồn nhiên, mặc dù Ái Hồng đẹp nhưng không kiêu căng, dễ mến và chan hòa. Bạn bè ai cũng quý mến, Ái Hồng rất chăm chỉ học hành, luôn là học trò giỏi trong lớp. Cuộc đời dâu biển, không ai có thể ngờ Ái Hồng hồng nhan bạc mệnh như vậy. Tất cả bạn bè thắp một nén nhang cầu mong linh hồn Ái Hồng siêu thoát về trời.
Nhờ có Văn, tôi liên lạc với anh của Lê thị Hoa, và tìm gặp Hoa. Gặp lại bạn thân cũ tôi cảm thấy thương bạn vô cùng, người con gái đẹp cũng khổ vì hồng nhan!. Trong một lần đi công tác, tôi ghé Cần Thơ thăm Hoa, Hoa vẫn hồn nhiên, vui vẻ như xưa, cuộc đời đã quá khắt nghiệt với cô bạn thân của tôi, vẫn phải vất vả để mưu sinh và cô đơn một mình.
Tôi, Văn và Xuân Nguyên thường ngồi nhắc chuyện ngày xưa, những kỷ niệm hồi nhỏ ở Quảng Trị, chúng tôi như sống lại với thời thơ dại của mình, đi chơi cùng nhau nào chùa Sư Nữ, Gia Đẵng, Quy Thiện….
Tết năm đó, tôi chở ba tôi đi họp mặt Học sinh Nguyễn Hoàng (ba tôi là cưu học sinh Nguyễn Hoàng, niên khóa 1952-1954), tôi hẹn Xuân Nguyên và Trần Văn Lăng (người anh bà con của tôi, cũng là cựu học sinh Nguyễn Hoàng, học chung lớp với Lý Thế Văn) ở nơi họp mặt. Xuân Nguyên và Phương Trinh gặp Trần Văn Lăng, mừng nhận ra nhau, ai dè mấy người này học chung ở Đà Nẵng. Mai Anh vào Sài Gòn và cho chúng tôi địa chỉ Tùng, Kim Hồng và Ngọc Ánh. Chúng tôi tìm thêm nhiều bạn bè.
Hằng tháng, chúng tôi gồm: Lý Thế Văn, Trần Văn Lăng, Nguyễn Trường Chinh, Nguyễn Đình Sáng, Thu Sương, Xuân Nguyên, Phương Trinh, Quảng, Ty, Liên, Ngọc Ánh, Xuân Thảo, Tùng, Kim Hồng, Hải, Hường cùng họp mặt lại đám bạn học Nguyễn Hoàng của mình, uống café, ngồi nhắc chuyện xưa, những kỷ niệm học trò những ngày học Nguyễn hoàng Quảng Trị và Non Nước Đà Nẵng, kể về những giai thọai của chàng “hotboy” Lý Thế Văn đã làm bao trái tim nữ sinh Nguyễn Hoàng thổn thức. Chúng tôi thấy mình trẻ lại, sống với ký ức của tuổi hoa niên và xả stress, tạm quên đi những khó khăn, suy tư cuả đời thường.
Tết đến, chúng tôi hẹn đi thăm nhau, kết nối tình thân, ở đất khách quê người, những người bạn bình thường cũng trở thành thân thiết. Chúng tôi đã tổ chức lên Lộc Ninh thăm mộ thầy Nguyễn Đình Liệu, thăm gia quyến của thầy, thăm các bạn Quảng và Liên. Nhân đám cưới con Nguyễn An, cựu học sinh Nguyễn Hoàng học cùng lớp, chúng tôi về dự đám cưới con An ở Ngã Giao, ghé Ba Tô thăm nhà Ty, Lương, Trưng và về Bình Tuy thăm Hiệp và Châu thị Thương, cô bạn hiền như bụt thửa nào. Chuyến đi thật vui, được thăm lại bạn bè, thăm lại Động Đền, nơi tôi từng sống những năm tháng khó khăn với bao kỷ niệm vui buồn, nơi này bây giờ đã khác xưa, vườn xưa của gia đình tôi không còn nữa, ngày trước gia đình ra đi bỏ hoang, nay trở thành nhà của người khác, luyến tiếc nơi chôn dấu bao nhiêu kỷ niệm của tôi và gia đình.
Nhưng còn người bạn thân nhất của tôi hồi nhỏ là Trần Thị Lai, tôi vẫn chưa tìm gặp, biết rằng Lai sống ở Bình Định, nhưng địa chỉ cụ thể không biết, không biết cách nào để liên lạc. Các bạn thường nói, tìm gặp được Lai nữa, nhóm chúng tôi đầy đủ mặt. Cách đây hơn ba mươi năm, hồi đó tôi còn là cô sinh viên năm thứ nhất, tôi có gặp anh trai của Lai, anh Châu Hưng Long ở đường Trần Hưng Đạo, anh là tu sĩ, lúc đó anh là một thượng tọa, tôi chỉ hỏi thăm Lai, biết được Lai đã lập gia đình và có hai con trai, vì vội vã nên tôi không kịp hỏi địa chỉ của Lai, không hỏi pháp danh của Sư, sau này cần tìm Lai, tôi không biết Sư đâu mà tìm hỏi, tôi hối tiếc đã để mất cơ hội gặp lại Lai, Quảng và Hiệp cứ trách tôi hoài. Khi đọc Nguyễn Hoàng Chân dung Kỷ niệm quyển 5, tôi thấy chị Châu thị Khương, có tên, thời gian và tuổi giống chị Khương của Lai, theo địa chỉ đăng trên sách, tôi gọi tổng đài điện thoại ở Huế, nhà chị không đăng ký điện thoại bàn, tôi xin số điện thoại nhà bên cạnh, gặp cậu bé cũng nhiệt tình, em chạy sang nhà chị, gặp lúc chị đi vắng, em nói sẽ liên lạc và cho tôi số điện thoại của chị. Khi chị về, em đã gọi điện báo cho tôi số điện thoại di động của chị. Tôi mừng lắm, gọi gặp chị và hỏi thăm sức khỏe của cô và anh Sinh sau thời gian dài xa cách. Chị em gặp nhau mừng rỡ vô cùng!. Chị cho tôi số điện thoại của Lai, tôi gọi cho Lai, chúng tôi vui mừng nhận ra nhau, không thể diễn tả hết nỗi hân hoan của chúng tôi hôm đó. Tôi nhanh chóng thông báo cho Quảng và Hiệp. Hai đứa đã gọi cho Lai, tối đó Lai, tôi, Hiệp và Quảng vui không ngủ được, không ngờ chúng tôi còn gặp lại nhau và cảm động như thế này. Tôi đã điện thoại hằng đêm, nói chuyện và tâm sự kể cho Lai nghe các cảnh đời, nỗi nhớ thương của hơn ba mươi năm chúng tôi xa nhau.
Trong chuyến công tác Lăng về Huế, Việt Anh đã dẫn Lăng gặp Phượng Tiên, cô bạn bé hạt tiêu thông minh, con gái của nhà sách Tùng Sơn năm nào. Xuân Nguyên và tôi, gọi điện ríu rít kể chuyện cho Phương Tiên nghe. Phượng Tiên rất vui mừng khi gặp hai chúng tôi.
Trong lần họp mặt Nguyễn Hoàng tại Lagi Bình Tuy, Hiệp đã gặp chị Thanh Thanh, chị của Thanh Hà, gặp lúc Thanh Hà gọi điện về cho chị Thanh, Hà đã nói chuyện với Hiệp, Hiệp cho Thanh Hà số điện thoại của tôi. Chiều đó, Thanh Hà đã gọi điện từ Mỹ về, kể cho tôi nghe bao nỗi thăng trầm của Hà nơi quê người, gặp lại bạn bè, Hà mừng lắm, tôi kể cho Thanh Hà nghe tình hình bạn bè ở Việt Nam, cho số điện thoại các bạn Bích Huệ, Đặng Kim Anh, Trương thị Hồng, Mai Anh, Bê, Lê, Cận, Phục, Xuân Nguyên, Ty, Liên… Thật là cảm động, Thanh Hà gọi thăm từng người, vui mừng không kể xiết, tôi lại cho Hà địa chỉ email của Quốc Nữ Hoàng Hoa ở Mỹ (hai bạn ở Mỹ bao nhiêu năm mà chẳng biết nhau!), Hà vui mừng liên lạc với Hoàng Hoa, hẹn sẽ rũ Hoàng Hoa về Việt Nam thăm. Đặc biệt Thanh Hà làm tặng cho bạn bè một bài thơ kể rõ đặc điểm từng người trong khối lớp của mình, tôi đếm được hơn tám mươi bạn, nể phục trí nhớ tuyệt vời của Thanh Hà, và cảm động tinh thần thương mến của Thanh Hà với bạn bè quê hương. Cái tình thâm thật quý giá, dù Thanh Hà bôn ba gần ba mươi năm ở xứ người. Chúng tôi thành lập email chung của nhóm, liên lạc nhau thường xuyên, chia xẽ niềm vui và nỗi buồn. Khi biết chúng tôi đóng tiền để giúp các bạn bịnh tật, Thanh Hà đã gởi tiền về nhờ tôi đưa đến tận tay các bạn khó khăn, tình bạn của chúng tôi thật tuyệt vời và ngọt ngào!.
Tôi và Xuân Nguyên nghĩ rằng nếu tìm được Công Huyền Tôn Nữ Anh Đào nữa, chắc là vui lắm, không biết bây giờ Anh Đào ở đâu?. Tôi nhớ năm 1974, tôi học chung với Anh Đào ở trường Trung học Huyền Trân ở Nha Trang, tôi có đến nhà Anh Đào chơi, khi trở về Bình Tuy, tôi mất liên lạc với Anh Đào. Trong những lần email nhóm anh Trị gởi đến, Xuân Nguyên thấy anh Trị nói :” có cô Tôn nữ về thăm”, Xuân Nguyên nói sẽ hỏi anh Trị xem có phải là chị Anh Đào hay không?, hỏi ra mới biết là chị Tuấn Nam. Sau khi liên lạc với chị Tuấn Nam, Xuân Nguyên có được điện thoại của Anh Đào, cuối cùng chúng tôi tìm gặp nhau, thật mừng! Anh Đào đã đến dự họp Nguyễn Hoàng tại Thanh Đa ngày 7/3/2010, sau hơn ba mươi năm xa cách, gặp lại nhau ai cũng vui mừng, sau đó tôi thông báo cho các bạn khác biết địa chỉ của Đào, các bạn ở Quảng Trị, Đà Nẵng và các nơi gọi điện và đến thăm Anh Đào ( ngày trước Anh Đào học giỏi, ai cũng nhớ đến Anh Đào cả!).
Chúng tôi mong nước một ngày nào đó cùng nhau tìm về lại quê hương Quảng Trị . Chúng tôi đã làm được điều đó!, sau một thời gian bàn bạc và sắp xếp, tôi, Lý Thế Văn ( cùng phu nhân), Lăng, Xuân Nguyên, Xuân Thảo, Ngọc Ánh, Liên, Ty, Trường Chinh ( cùng phu nhân) đi dự họp ngày 20/6/2010 tại Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Lăng đăng ký và mua vé máy bay cho các bạn. Sáng 18/6/2010 chúng tôi lên sân bay Tân Sơn Nhất bay ra Đà Nẵng, đến giờ bay Văn bận công tác không thể đi chúng với chúng tôi, chỉ có vợ Văn đi, sau khi họp xong, Văn sẽ bay ra. Sắp đến giờ bay rồi, vẫn không thấy Xuân Thảo đâu, gọi điện chó Xuân Thảo, nghe tiếng nói mệt nhọc của Thảo, nói rằng tối hôm qua sốt quá, sáng nay không dám đi, nếu chiều khỏe sẽ bay ra sau, tôi động viên Thảo cố gắng lên nhé, cơ hội đi với nhau rất hiếm có , không dễ gì lập lại đâu!. Chúng tôi đến Đà Nẵng lúc 8g00 sáng, một chút sau Bích Huệ đến, dẫn chúng tôi về khách sạn, sau đó cả nhóm đi ăn mì Quãng. Trước khi ra Bích Huệ đã đặt Khách sạn cho chúng tôi, Bích Huệ thật chu đáo. Chiều qua nhà
Còn một số bạn ở hải ngoại như Hoài Nam, Khánh Hiền, Khánh Hiệp, Lý thị Nhơn chúng tôi chưa liên lạc được, hy vọng một ngày nào đó, các bạn về quê hương thăm, chúng tôi sẽ gặp lại.
Cuối cùng tôi đã tìm ra hết các bạn thân thiết hồi nhỏ của mình. Nhân đây tôi cám ơn quyễn sách Nguyễn Hoàng Chân dung Kỷ niệm do chị Quỳnh biên soạn, nhờ đó tôi tìm được người bạn thân của mình, Chị Quỳnh ơi, chị đã đạt được mục đích kết nối bạn bè và kỹ niệm của trường Nguyễn Hoàng rồi đó. Chị nói chỉ ra mười quyển sách, nhưng em nghĩ chắc chưa thể dừng lại được đâu, vì vẫn còn những người bạn tìm nhau, vẫn còn những người cần kết nối tình thân.
N.T.T.SƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét