Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Số phận các trường trung học ở Quảng Trị trong thời chiến Hoàng Đằng

Số phận các trường trung học ở Quảng Trị trong thời chiến

Lời tác giả : Cái gì xẩy ra mà không ai ghi chép sẽ bị quên đi. Uổng! Vì vậy, tôi có ý định ghi chép những gì diễn ra có liên quan đến nhiều người mà tôi có trải nghiệm nhiều ít. Biết đâu đời sau có người cần tham khảo! Tuy nhiên, sự hiểu biết của tôi có hạn;bạn đọc thấy gì sai, sót, chỉ giùm, đừng ngần ngại! Tôi xin cảm ơn.

 

Hôm nay, tôi viết về số phận các trường trung học ở Quảng Trị, trong vùng thuộc quyền của Việt Nam Cộng Hoà, từ khi hình thành cho đến 1975. Còn trong vùng thuộc quyền Việt Minh trước đây và Mặt Trận Giải Phóng sau này, bạn nào có trải nghiệm, viết chia xẻ cùng bạn đọc với!

Bậc trung học ở Quảng Trị từ thời Pháp thuộc qua Đế Quốc Việt Nam (tháng 3- 8/1945) đến Quốc Gia Việt Nam (1948 – 1955)

Theo thầy giáo Lê Chí Phóng – đã trên 90 tuổi – hiện ở làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, vào cuối thời Pháp thuộc, trước năm 1945, ở tỉnh Quảng Trị, chỉ có một trường trung học tư thục duy nhất là trường Sainte Marie còn gọi là trường Sainte Marie Quảng Đức của Thiên Chúa Giáo mở vào những năm đầu thập kỷ 1940 (năm học 1942 – 1943 ?) ở tỉnh lỵ Quảng Trị. Trường chưa có khoá học sinh nào thi Cao Đẳng Tiểu Học (bằng Thành Chung) thì giải tán vì những biến cố chính trị dồn dập xẩy ra trong năm 1945: Nhật đảo chánh Pháp, nạn đói ở miền Bắc và Bắc miền Trung rồi Việt Minh giành chính quyền, rồi chiến tranh chống Pháp tái chiếm. Sau khi trường Sainte Marie Quảng Đức giải tán, dưới thời Đế Quốc Việt Nam do cụ Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng, bác sĩ Phan Văn Hy – người làng Nhan Biều, Triệu Phong – làm tỉnh trưởng Quảng Trị, mở trường trung học tư thục Kỉnh Chỉ(tên hiệu của bác sĩ Phan Văn Hy) thay thế trường Sainte Marie Quảng Đức, nhưng không được bao lâu cũng giải thể vì Đế Quốc Việt Nam bị mất chính quyền về tay Việt Minh.

Khi chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (Việt Minh) thành lập, một trường trung học công lập ra đời, đặt tại ty Tiểu Học (lúc ấy gọi là ty Kiểm Học). Chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ; năm 1947, trường tản cư về vùng Triệu Phong(1).

Mãi đến năm 1950 (tính năm cụ Hồ Văn Hải mở trường), ở tỉnh Quảng Trị,  dưới chính thể Quốc Gia Việt Nam (Bảo Đại làm quốc trưởng) mới có mở một trường tư thục lấy tên là trường trung học tư thục Quảng Trị; qua năm 1952, trường này được công lập hoá và, sau đó, đổi tên là trường trung học Nguyễn Hoàng tồn tại cho đến năm 1975. Xin mở ngoặc, trừ các tỉnh lỵ lớn và các đô thị lớn đã có những cơ sở giáo dục trung học lập ra từ thời Pháp thuộc để lại, chính phủ Quốc Gia Việt Nam, đầu thập kỷ 1950, mới lên kế hoạch mỗi tỉnh mở một trường trung học. Trường Nguyễn Hoàng ra đời theo kế hoạch đó và ở giai đoạn đầu (1950 – 1954), chỉ mở bậc đệ I cấp (trung học cơ sở), ở giai đoạn sau (1954 – 1975), mở dần thêm các lớp bậc II cấp (trung học phổ thông).

 

Bậc trung học ở Quảng Trị dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà (1955 – 1975)

Sau hiệp định Genève, từ 1954 đến 1975, tỉnh Quảng Trị thuộc quyền Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hoà, kể hết, có 09 quận (từ ngữ bây giờ là huyện): quận Trung Lương (1954 – 1967), quận Gio Linh, quận Cam Lộ, quận Hướng Hoá (giải tán năm 1968), quận Ba Lòng (1955 – 1964), quận Triệu Phong, quận Hải Lăng, quận Mai Lĩnh (lập năm 1965) và quận Đông Hà (lập năm 1968). Trong thực tế, những quận: Ba Lòng, Hướng Hoá, Trung Lương ở giai đoạn sau không còn vì chính quyền đã giải tán do mất an ninh; còn các quận: Đông Hà, Mai Lĩnh mới thành lập ở giai đoạn sau. Điều này xin được nhắc lại để bạn đọc khỏi thắc mắc khi chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, vào cuối thập kỷ 1950 đầu thập kỷ 1960, chủ trương mỗi quận có một trường trung học mà ở tỉnh Quảng Trị số quận thì nhiều trong khi số trường trung học cấp quận lại ít – trước sau có 05 trường.

Chính thể Việt Nam Cộng Hoà được tuyên cáo 1955, vài năm sau mới tương đối ổn định để tính chuyện phát triển. Về giáo dục, tỉnh Quảng Trị mở những trường trung học cấp quận sau đây: trường trung học Gio Linh mở bậc đệ I cấp năm 1959; các trường trung học Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng mở bậc đệ I cấp năm 1960; trường trung học Đông Hà mở bậc đệ I cấp năm 1962. Qua đầu thập niên 1970, trường Hải Lăng, khi còn ở Diên Sanh, có mở được hai lớp 10 và 11 (2) ; trường Đông Hà mở lớp 10 vào năm học 1971 – 1972.

Ở các trường công lập kể trên, học sinh nam nữ học chung; đầu thập niên 1970, một trường nữ trung học ở tỉnh Quảng Trị đang vào thời kỳ chuẩn bị; một số lớp đệ I cấp chỉ học sinh nữ đã được hình thành ở trường Nguyễn Hoàng, đợi trường nữ ra đời thì chuyển qua; nhưng chiến tranh ùa tới, thôi, dẹp luôn chuyện mở trường nữ trung học Quảng Trị!

Ngoài các trường công lập ra, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, hội phụ huynh học sinh ở vài địa phương còn vận động mở các trường trung học tư thục.

Ở tỉnh lỵ Quảng Trị, có 3 trường trung học tư thục:trung học Bồ Đề, trung học Thánh Tâm và trung học Phước Môn(dành cho nữ học sinh). Trường Bồ Đề của Phật Giáo, trường Thánh Tâm của Thiên Chúa Giáo, ở giai đoạn đầu, chỉ mở bậc đệ I cấp, ở giai đoạn sau, mở thêm bậc đệ II cấp; trường Phước Môn của Thiên Chúa Giáo chỉ mở bậc đệ I cấp (3).  Trường Bồ Đề và trường Thánh Tâm hình như mở vào giữa thập kỷ 1950 (?); còn trường Phước Môn trong thập kỷ 1960 (?).

Ở thị tứ Đông Hà, có trường trung học bán côngmở bậc I cấp năm 1956 do Hội Phụ Huynh đứng ra vận động, và đóng cửa năm 1969 vì thiếu học sinh;trường trung học Đắc Lộ bên Thiên Chúa Giáo mở năm 1962 bậc đệ I cấp, đến năm 1968 mở dần thêm các lớp bậc II cấp. Trường Bồ Đề Đông Hàbên Phật Giáo mở năm 1967 bậc I cấp và năm học 1971 – 1972 mở thêm lớp 10.

Ở quận Cam Lộ, trường trung học bán công mở năm 1959, đến năm 1966, trường đóng cửa vì thiếu học sinh.

Ở quận Triệu Phong, trường trung học tư thục Chân Lý bên Thiên Chúa Giáo mở vào những năm cuối thập kỷ 1950, đặt tại giáo xứ Bố Liêu; trường trung học Bồ Đề Triệu Phong bên Phật Giáo (4) mở trong thập kỷ 1960 trước ở làng Vĩnh Lại xã Triệu Phước, sau chuyển lên làng Võ Thuận xã Triệu Thuận; trường trung học tư thục Khai Trí(5) đặt ở làng Đại Hào, xã Triệu Đại, đặc biệt trường này do một cá nhân lập năm 1965, đó là cụ Trần Văn Thạnh, người làng Quảng Lượng, xã Triệu Đại – một nhân sĩ ở Quảng Trị. Cả 3 trường trung học tư thục ở quận Triệu Phong chỉ mở bậc I cấp (?).

Ở quận Hải Lăng, ở xã Hải Ba (trong địa phận làng Đa Nghi và làng Cổ Luỹ), có trường trung học tư thục Quảng Đức (6) do bên Thiên Chúa Giáo mở năm 1964; đến sau năm 1968 trường này đóng cửa. Ở quận Hải Lăng, trước năm 1972, còn có 03 trường trung học tư thục nữa: trường Minh Đức của Thiên Chúa Giáo ở Diên Sanh có đủ các lớp bậc I cấp, trường Tân Dân cũng của Thiên Chúa Giáo ở Mỹ Chánh mở 2 lớp 6 và 7; trường Bồ Đề Hải Lăng mở 2 lớp 6 và 7 (7);thông tin về các trường này còn quá ít ỏi.

Ở quận Gio Linh, khi dân dồn vào khu Quán Ngang, trường trung học tư thục Thanh Linhbên Thiên Chúa Giáo mở năm 1969.

Học sinh dù công lập hay tư thục đến trường mang đồng phục; nam thì quần xanh, áo chemise trắng, áo bỏ trong quần; nữ thì đa số áo dài, quần dài trắng; nam hay nữ mang dép có quai sau; khi trời tạnh, nắng, nam thì đội mũ hoặc đi đầu trần (từ ngữ lúc ấy gọi là “đầu dầu”), nữ thì đội nón lá. Phòng học, bàn ghế ở các trường tương đối đầy đủ, riêng về trường ốc, bên công lập ngó bộ thua bên tư thục: 06 trường (01 ở tỉnh lỵ và 05 ở các quận) chỉ có một dãy lầu ở trường tỉnh lỵ, còn lại là những dãy nhà trệt; trái lại, bên tư thục, trường Thánh Tâm, trường Bồ Đề ở tỉnh lỵ và trường Đắc Lộ ở Đông Hà là những trường có lầu.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét