Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

TRƯỜNG TRUNG HỌC GIO LINH Linh Đàn- Nguyễn Hữu Kiểm.

TRƯỜNG TRUNG HỌC GIO LINH (đã bổ sung)
Ngôi trường trung học đầu tiên ở vùng Địa đầu Giới tuyến.
Linh Đàn- Nguyễn Hữu Kiểm. 
 
 
Năm 1958, một cuộc họp thân hào nhân sĩ Gio Linh được diễn ra tại nhà Đai chúng quận Gio Linh theo sự triệu tập của nhân sĩ Trương Khắc Mễ, người đầu tiên ôm ấp ước mơ Gio Linh có ngôi trường trung học, để con em nghèo được đến trường. Cuộc họp diễn ra rất sôi nổi và hào hứng, được sự chấp thuận nhiệt tình của Quận Trưởng Nguyễn Duy Nghệ, thế là sau 3 tháng Gio Linh bắt đầu có ngôi trường trung học bán công đệ nhất cấp với hai lớp Đệ Thất, một lớp Pháp Văn và một lớp Anh Văn, lúc ban đầu chưa có trường ốc nên mấy tháng đầu niên khóa 1958 – 1959 tạm thời học tại nhà Đại Chúng Gio Linh, ngăn đôi bởi một bức màn xanh, Hiệu Trưởng Trung Học Bán Công Gio Linh là thầy Trần Văn Thuận (quê Lan Đình) dạy các môn Anh Văn, Toán, Lý, Hóa, Vạn Vật. Thầy Lê Mậu Tâm dạy các môn Pháp Văn, Cổ Văn, Kim Văn, Sử Địa. Thầy Trương Khắc Mễ dạy Hán Văn, và đảm trách việc tiền lương cùng đốc công xây dựng ngôi trường mới .
Nói về hai lớp Đệ Thất bán công hồi ấy (lớp 6 ngày nay) , học sinh không chỉ Gio Linh, mà có cả Trung Lương nữa. Kể từ ngày bắt đầu chiến tranh chống Pháp, đến thời kỳ chia đôi Đất Nước (1945 – 1954), miền đất tang thương nầy chịu đựng biết bao khốn khổ trong suốt 9 năm trường, xiết bao bom đạn tàn khốc giáng xuống bất cứ lúc nào, cộng với thiên tai khắc nghiệt, nên số học sinh nầy bị ối lại, phần thì không có trường lớp, phần thì điều kiện hạn chế, chỉ lác đác vài gia đình khá giả cho con vào học ở Quảng Trị hay Đông Hà, còn số đông ai may mắn lắm là học xong bậc tiểu học, rồi ở nhà lo việc đồng áng, giúp đỡ cha mẹ, hay lập gia đình tính chuyện tương lai bằng cày sâu cuốc bẫm, mấy ai nghĩ đến việc học hành xa thêm nữa. May thay ngôi trường Gio Linh ra đời tuy có trễ còn hơn không, nhờ thế chúng ta mới có dịp được đến trường, nên số học sinh chúng ta tuổi tác cách nhau 5 đến 8 tuổi là điều không tránh khỏi, may mắn là có bạn vừa học xong tiểu học, được tiếp tục học trung học ngay, nhưng rất nhiều bạn nghỉ ở nhà tám chín năm dài nay có dịp cũng bắt đầu vào học, nên có bạn đã có vợ con, có bạn mới đi dạm vợ, có vài bạn gái người ta đã bỏ khay trầu nhưng vẫn theo học,
Còn “con đường đến lớp” hồi ấy không phải phẳng phiu như ngày nay, mà thật là gian nan không kể xiết, mấy bạn ở Trung Hải, Trung Giang, hay Gio Hà, Gio Hải cách trường khoảng 9 – 10 cây số, đi một khoảng lại bị lội nước, mà không biết bao nhiêu “trộ nước” có chỗ sâu quá lưng quần, nếu bạn nào có xe đạp cũng không phải dễ dàng chạy một hơi đến trường được, mà phải vác xe lội qua trộ nước; Còn những bạn ở Gio Lễ, Gio An, Gio Sơn, hay Trung sơn những ngày nắng, bạn nào có xe đạp thương nhau đèo thêm một đứa cũng dễ, nhưng những ngày mưa đường đất đỏ dính bánh xe không tài nào chạy được, mà đi bộ thì trơn trợt, bị té lấm bùn đất đỏ là chuyện thường tình.Còn những ngày gió heo may lạnh buốt thì phải mang “tơi kẹng” đội nón lá thế mà vẫn run cầm cập, đến trường không có chỗ treo tơi để nón cũng là điều quá khổ, còn sách vở bút mực cho vào túi vải mang vai, giống như mấy vị thấy chùa. Mấy bạn ở xa phải dậy thật sớm, 6 giờsáng (5giờ hiện nay) là phải lên đường cho kịp giờ vào học, mang theo cơm đùm trong mo cau, bới nước trong ống tre, giờ nghỉ trưa mở cơm ra ăn trưa tại lớp, có nhiều mo cơm hấp khoai khô thơm lựng, kèm theo gói muối đậu phụng, hay gói mắm lẹp mặn kè gói trong là chuối, ăn xong đem lá chuối bỏ vào một nơi cho bác phu trường quét dọn, còn mo cau và ống tre đem về để ngày mai bới tiếp, ăn xong còn thì giờ thì giở bài ra học. Việc đến trường đã khó nhưng khi tan trường về nhà cũng khá gian nan, 5rưỡi chiều bải học về đến nhà có khi 8 giờ tối, có khi hơn, ăn cơm tối xong là học bài, ngọn đèn dầu hỏa heo hắt, gió thổi tắt hoài, có khi ứ dầu phậc lên phậc xuống, khói dầu đôi lúc tạt vào mũi khó chịu vô cùng, còn việc mang mặc, năm đầu đệ thất bán công chưa mặc đồng phục, nên đứa nào ưa chi diện nấy, nhưng mấy bạn nghèo vẫn còn áo vá.
Ăn tết Kỷ Hợi (1959) xong là dời về học trường mới bên bãi cát Hao Hao, nói về việc xây dựng trường mới 5 lớp học rộng rãi khang trang nền cao tráng xi măng, cửa kính đàng hoàng mái lợp ngói tây, từ khởi công cho đến lúc hoàn thành chỉ vỏn vẹn có 4 tháng rưỡi, Thầy Trợ Mễ thiết kế và đốc công, tận tâm tận lực cho đến lúc hoàn công thâm vào tiền nhà của Thầy mấy trăm đồng Thầy cũng cúng cho trường luôn, mới biết tấm lòng của thầy đối với sự học cao cả biết dường nào ! Còn tên trường lúc ban đầu thầy Mễ đề nghị đặt tên Trường Trung Học Bán Công Nguyễn Tự Như Gio Linh, (môt danh sĩ quận nhà, quê Hà Thượng đậu tiến sĩ thời Tự Đức), nhưng sau đó theo quyết định của bộ Quốc Gia Giáo Dục thời bấy giờ lấy tên là Trường Trung Học Gio Linh.
Cuối niên khóa năm ấy là chuyển hẳn qua trường Công Lập nên trường bán công không còn nữa, Thầy Thuận theo học Ngân Hàng Nông Tín Cuộc nên thôi dạy, sau nầy là giam đốc Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp Đà Nẵng, Thầy Tâm cũng theo học Sư Phạm, sau nầy là Ty Trưởng Ty Giáo Dục Quảng Trị.
Hai lớp bán công chỉ có một số bạn đúng tuổi được vào trường công lập, còn những bạn cao tuổi có bạn ở nhà cưới vợ làm nông nghiệp, một số vào học ở các trường tư ở Quảng Trị như trường Bồ Đề hay Thánh Tâm, và một số học với anh Mai Văn Cẩn về dạy tư một thời gian ở nhà Chú Em gần Chợ Cầu. đến năm Đệ Ngũ niên khóa 1961 – 1962 thầy Bảo đề nghị với thầy Thuật cho số học sinh nầy học dự thính, và cũng được hưởng quy chế thi Trung Học Đệ Nhất Cấp theo trường công lập. nghĩa là học hết chương trình lớp Đệ Tứ vào niên khóa 1962 - 1963
Nói về trường Trung Học Gio Linh được chuyển qua trường công lập theo quyết định của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, niên khóa 1959 – 1960 thì không chỉ học sinh Trung Lương, Gio Linh không thôi, mà học sinh Triệu Phong cũng xin vào học như Phan Hữu Luyện, (làng Đao Đầu) Nguyễn Văn Trí và mấy bạn nữa mình không nhớ tên. Còn về Giáo Sư, Nha Học Chánh Trung Nguyên Trung Phần VN bổ nhiệm thầy Lê Quốc Sản làm Hiệu Trưởng, giáo sư gồm có các thầy: thầy Mai Văn Hòa dạy Anh Văn, Thầy Hoàng Khuyến dạy vạn vật và sử địa, thầy Nguyễn Bảo dạy Toán, Thầy Đoàn Chí Thiện dạy Toán, thầy Đinh Khang Hoạt dạy văn, Thầy Vũ Ngọc Quang dạy sử . Ít lâu sau thì đổi thầy Lưu Văn Thuật về làm hiệu trưởng thay thế Thầy Sản xin về Sài Gòn, Khoảng giữa năm 1962 thầy Thuật đổi vô Đông Hà, thầy Nguyễn Đình Phiên ở Huế có xe du lịch Méscedes bị đày đổi ra làm hiệu trưởng chừng nửa năm.
Còn về trường ốc có xây dựng thêm nhiều lớp học, mấy dãy ngang để tuyển mỗi niên khóa chừng 3 – 4 lớp Đệ Thất,
Học năm đầu bán công, Thầy Thuận năng nổ, giờ Anh Văn hay giờ toán của Thầy, cảm giác như có cái gì thôi thúc tiến nhanh ; Thầy Tâm trầm mặc, thầy dạy Văn, Sử là tuyệt diệu, mà đứa nào đứa nấy trông đến giờ Cổ Văn hay Kim Văn để được nghe Thầy giảng bài, và môn Sử Thầy dạy quá linh động, thật đôi khi thấy ở Thầy một nét riêng của lòng yêu nước ; thầy Mễ là người hoạt bát, giờ Hán Văn khi nào Thầy cũng giảng giải “chiết tự” để học sinh dễ thuộc mặt chữ. Thầy Tâm có dẫn một số học sinh và bạn của Thầy đi dã ngoại về đình Hà Trung và thăm chùa Lan Đình một lần, Thầy Thuận dẫn một số học sinh dã ngoại về Lâm Xuân đến nhà Nguyễn Tài Lương ăn bắp tươi rồi về Mai Xá, sau nầy học trường công lập, thầy Bảo dạy toán phải nói là rất linh động và dễ tiếp thu, thấy ở thầy Bảo rất đa hệ, mỗi khi giờ thầy khác vắng mặt, thầy bảo dạy thế, nhưng Thầy dạy còn hơn môn chuyên của thầy đứng lớp, thầy Đinh Khang Hoạt dạy Văn, thao thao bất tuyệt, đang giờ dạy Truyện Kiều, mà Thầy kết luận Nguyễn Công Trứ hồi nào cũng chẳng hay, rồi nghe tiếng trống hết giờ là đến phiên thầy khác. Thầy Thuật môn sở thích là đá bóng, sau giờ học, là tập trung nhau đến bãi cát sau trường chơi bóng tròn, còn thầy Thiện thích du ngoạn, dẫn cả trường dã ngoại về tắm biển Phường Mới một lần và lần sau về cửa Việt. Còn phần học sinh, trước tiên phải kể Dương Bá Cẩm học bài, không bài nào không thuộc làu, mà thuộc bài của Cẩm không phải gạo bài, mà thuộc cái chiều rộng của nó. Ngô Đĩnh cũng là một nét riêng, sự thấu hiểu Đĩnh sâu hơn, dường như tự trải đời trước cái học ; Sắt ,Thí, anh em Hịch Rê, Mân Cừ, Phạm Thái Học cũng thuộc loại tối ưu của trường Gio Linh thời đó, còn Kiểm thì được rất nhiều người khen nhờ ba chữ Hán, nhưng dở toán vô cùng, đến nửa năm Đệ Tứ còn dốt toán, nhưng thầy Bảo nói Kiểm nhất định đậu môn toán vì hết năm đã giỏi toán rồi , - Không những dừng lại ở lớp đầu tiên, mà những lớp kế tiếp sau nầy, như Mai Đạc, Trần Đại Đức, Dương Văn Tường cũng là những học sinh xuất sắc một thời, bốn nữ sinh cũng có tiếng vang năm Đệ Ngũ, qua bài thơ không nhớ tác giả dưới đây:
Đệ Ngũ trường ta đươc bốn nường,
Yến – Viên – Bích – Thược nghĩ mà thương
Sự tình cô Thược lòng xao xuyến
Nặng nghĩa chàng Tranh dạ vấn vương
O Yến các anh xem lưng lẽo
O Viên chú Giá ngó coi chừng
Chỉ còn O Bích thơ ngây thế
Cả bốn họ Trần dễ mến thương
Mỗi thầy một nét riêng, mỗi trò mỗi nét riêng đã tạo nên những kỷ niệm sâu lắng trong tiềm thức mỗi người không thể nào quên. Mà vấn đề học tập là vấn đề căn bản nhất của đời học sinh qua mọi thời đại, riêmg về chúng ta thời bấy giờ bị kẹt giữa bàn cờ thế cuộc, vì vùng đất chúng ta ở nằm ngay giữa hai lằn đạn xuyên suốt chín năm dài, đã đẩy lùi sự học quá xa, may mà ngôi trường Trung Học Gio Linh ra đời tuy hơi muộn, dẫu sao nó đã níu kéo chúng ta về với sự học, tuy học hành chẳng được bao nhiêu, nhưng từ đó chúng ta làm căn bản cho những thế hệ sau nầy bước tiếp,
Nghĩ lại không khỏi ngậm ngùi, chiến tranh ác liệt đã dày vò quê hương ta thêm một chặng khá dài điêu đứng nữa, làm kẻ mất người còn, hôm nay viết lên đây những gì còn sót lại trong tâm tưởng, giữa cơn xoáy vô thường, chúng ta không thể nói gì hơn, chúng ta cảm ơn người đã khai sáng ra ngôi trường Gio Linh, cảm ơn quý thầy đã can đảm nhận nhiệm vụ nơi đia đầu giới tuyến, đã đem về chữ nghĩa cho chúng ta, một lần nữa xin thắp lên nén hương lòng tưởng niệm quý thầy quá vãng với tấm lòng thành kính vô biên, và quý bạn quá vãng với niềm thương đau vô tận.
Những kỷ niệm buồn vui ngày ấy, mấy dòng ghi lại thiếu sót thì nhiều, hư cấu thì không, một mình Kiểm không tài nào nhớ hết, nhưng được sự nhiệt tình của mấy bạn Hoàng Ân, Nguyễn Đình Thiều, Trần Văn Nghĩa, và Trương Khắc Rê….. thôi thúc làm mình cũng ấm lòng nên cố gắng viết lên đây mấy dòng ký ức mà chúng ta có được. Vậy rất mong sự góp ý của quý thầy quý bạn để sau nầy có dịp tái bản sẽ bổ sung thêm trước để làm kỷ niệm, sau cho lớp hậu thế biết về thuở học trò đời ông bà của họ.
Sài gòn mùa Đông năm 2010
Linh Đàn Nguyễn Hữu Kiểm
----------------------------------------------------
Bài viết chưa hoàn chỉnh, còn chờ ý kiến của Thầy Bảo và Quý Bạn để bổ sung cho đúng, là làm kỷ yếu cho cả trường Gio Linh, không riêng gì 2 lớp bán công
Lớp học đầu tiên
Trường Trung Học BÁN CÔNG GIO LINH
Niên khóa 1958 - 1959
Hiệu trưởng thầy Trần văn Thuận
Giáo sư
Thầy Trần Văn Thuận dạy Anh Văn, Toán, Lý Hóa .......
Thầy Lê Mậu Tâm dạy Pháp Văn, Kim Văn, Cổ Văn, Sử Địa ...
Thầy Trương Khắc Mễ dạy Hán Văn kiêm văn phòng
(Ba Vị Giáo Sư cũ nay đã quá vãng)
Học Sinh 2 Lớp Đệ Thất gồm có :
1 Hoàng Ân - Hà Thượng - Di Linh
2 Lê Bá - Cẩm Phổ - C
3 Nguyễn Bán - Lại An - Lai An
4 Nguyên Bắc - Nhĩ Thượng - Mỹ
5 Trần Ngọc Bội - Hà Trung - C
6 Trần Đình Bòn - Hà Trung - Mỹ
7 Hoàng Văn Ca - Hà Thanh - Mỹ
8 Nguyễn Cao - Gia Môn - C
9 Lê Văn Cát - Hà Thượng - C
10 Lê Thị Cam - Hà Thượng -
11 Dương Bá Cẩm - An Mỹ - Mỹ
12 Nguyễn Hữu Cầu - Nhĩ Trung - Chu Lai
13 Huỳnh Công - Xóm Phố - Hàm Tân Lagi, Mỹ
14 Lê Cung - Lan Đình - Định Quán
15 Phan Cừ- Lại An - Ông Quế (chết 2018)
16 Nguyễn Đức Diện - Hà Thượng - Định Quán
17 Nguyễn Đức Đới - Hà Thượng - Mỹ
18 Nguyễn Độ (Lượng) - Lễ Môn - Hòa Hội Xuyên Mộc
19 Ngô Đĩnh - Nhĩ Thượng - Nông Trường caosu Bình Sơn
20 Lê Văn Giá - An Xá - Bình Ba
21 Nguyễn Hảo - Hà Thượng - C
22 Trần Đình Hàn - Hà Trung - C
23 Lê Đình Hân - không rỏ -
24 Trương Khắc Hịch - Mai Xá - Chơn Thành Bình Dương
25 Trương Công Hiệp - Xóm Chợ - gần chùa Diệu Đế Huế
26 Dương thị Hòa - Xóm Chợ -
27 Ngô Hóa - Cao Xá - C
28 Phan Văn Hoàng - Lễ Môn - Hàm Tân Bình Thuận
29 Trần Hoành - Lan Đình - C
30 Trần Đình Hồng - Lễ Môn - Biên Hòa Đồng Nai
31 Nguyễn Đức Hồng - Lễ Môn -
32 Phan Văn Huy - Lại An -
33 Trần Nguyên Hùng- Xuân Mỵ - Mỹ
34 Trần Văn Hữu - Lễ Môn - Bưng Riềng Xuyên Mộc
35 Nguyễn Hữu Khiển - An Xá - C
36 Nguyễn Hữu Kiểm - Lan Đình - Tân Thới Hiệp Q12
37 Nguyễn Tri Kiểm - Phước Sa - mất tích
38 Nguyễn Tài Lương - Lâm Xuân - Đông Hà, Quảng Trị
39 Phan Mân - Lại An - Ông Quế
40 Trần Mỹ (Ớt) - Xóm Chợ - C
41 Nguyễn Nam - Cẩm Phổ - C
42 Nguyễn Đúc Nga - Hà Thượng - C
43 Thái Ngạn - Thủy Khê - Nông trường Tánh Linh
44 Trần Văn Nghĩa - Lan Đình - Quảng Biên
45 Phan Văn Phổ - Lại An - Tây Nguyên
46 Nguyễn Văn Phúc - Nhĩ Thượng - Hóc Môn Q12
47 Trương Hữu Quý - Mai Xá - Mai Xá
48 Trương Thị Quế - Lai An - TPHCM
49 Trần Đặng Quỳnh - Nhĩ Trung - C
50 Trương Khắc Rê - Mai Xá - Tây Nguyên (chết 2017)
51 Trương Quang Sành - Mai Xá -
52 Dương Quốc Sắc - An Mỹ - Suối Nghệ , BRVT
53 Trần Sắt - Thủy Khê - Mỹ
54 Nguyễn Tại - Hà Thượng - Mỹ
55 Nguyễn Tâm - Nhĩ Thượng - Mỹ
56 Phan Tân - Lại An - C
57 Lê Tàu - Hà Thượng - Đạ Tẻ, Lâm Đồng
58 Bùi Văn Thạch - Mai Xá - Mai Xá
59 Mai Thạnh - Thủy Khê - Căn Cứ Ba (chết 2017)
60 Trần (Đình) Tháo - Gia Môn - Đức Tân Bắc Ruộng
61 Trần Thị Thạnh - Hà Trung - C
62 Mai Quang Thép - Mai Xá Thị
63 Lê Văn Thế - Mai Xá Th
64 Nguyễn Thí - Lan Đình - Mỹ
65 Trần Thị Thỉ - Lan Đình - Hàm Tân
66 Hoàng Văn Thỉ - Hà Thanh
67 Nguyễn Đình Thiều - Lan Đình - Hòa Bình Xuyên Mộc
68 Hoàng Thị Tình - Hà Thượng - Mỹ
69 Đặng Ngọc Tông - Lễ Môn - Câu Nhi, Mỹ Chánh (chết năm 2018)
70 Nguyễn Đức Trụ - Hà Thượng - C
71 Thái Tùng - Thủy Khê - Căn Cứ Ba
72 Trần Ngọc Tuyển - Hà Trung - mất tích
73 Nguyễn Tường - Nhĩ Thượng - C
74 Phan Văn Tường - Lại An - C
75 Lê Văn Vang - Lan Đình - C
Có Nguyễn Khắc Bổn, nhưng không biết học vào năm nào ?
26 bạn quá vãng, 2 bạn mất tích, 11 bạn ở Mỹ
Còn một số bạn nữa chưa thu thập hết
Kính gởi Quý Vị & Quý Bạn
Ai có thông tin nào về những bạn chưa có tên trong danh sách nầy hãy gởi theo địa chỉ Email sau đây
Hoàng Ân : Hoang An hoanggialinhtu@yahoo.com
Hoàng Kim Liên : kimlien hoang hoangkimlien44@gmail.com
Nguyễn Hữu Kiểm : linh dan nguyen linhdanhk@gmail.com
--------------------------------
Di ảnh thầy Trần Văn Thuận
 

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét