KÝ ỨC TUỔI HỌC TRÒ
Nguyễn Văn Thẩn
(CHSTP K. 1963-67)
Nếu không trúng tuyển vào trường Trung học Triệu Phong hồi ấy thì bây giờ tôi chẳng có gì để nói. Niềm vui như tràn ngập trong lòng cậu học trò 14 tuổi khi thấy tên và số báo danh của mình có tên trúng tuyển vào trường. Trên đường về, tôi ghé vào quán mua một chiếc kèn nhựa vừa đi vừa thổi toe toe cho đến lúc về đến làng. Tôi thấy sung sướng hơn nhiều so với các bạn cùng khoá phải vào học trường Thánh Tâm hay Bồ Đề.
Tôi nhớ vào trường niên khoá 1963-1964, tôi được xếp vào lớp Đệ Thất 2, ban Anh văn. Những phát âm đầu tiên do thầy Tôn Thất Phú dạy bây giờ tôi vẫn nhớ nằm lòng như tiếng mẹ đẻ. Thầy còn kiêm một tuần một giờ dạy nhạc, hệ số 1. Thầy Thiện Lữ dạy Toán kiêm một giờ vẽ. Thầy hướng dẫn chúng tôi cách đo khoảng cách, ước lượng hình thể đồ vật và quang cảnh. Chúng tôi cũng được hướng dẫn cách chọn bút chì. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ các ký hiệu trên ngòi bút chì mà ngày nay vẫn không có gì thay đổi, ví dụ: BB là black black có nghĩa là đen đậm, HB là high black có nghĩa là đen nhạt).
Một tuần chúng tôi cũng được học một giờ Hán văn do thầy Trần Sĩ Tiêu dạy Quốc văn dạy kèm. Tôi còn nhớ bài học hôm ấy là Cao sơn đại hà, hảo hoa mỹ thụ. Chúng tôi không có thì giờ để học những bài học căn bản “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện,...” như người xưa.
Qua năm Đê Lục, đệ Ngũ thầy Tiêu vẫn dạy chúng tôi môn Quốc văn. Thầy giảng rất thực tế với những ngôn ngữ dân dã, chúng tôi tiếp thu rất hào hứng. Có lần trong tiết Tục ngữ, ca dao, thầy ngồi ngửa người trên ghế giáo viên cao hứng đọc:
Qua năm Đê Lục, đệ Ngũ thầy Tiêu vẫn dạy chúng tôi môn Quốc văn. Thầy giảng rất thực tế với những ngôn ngữ dân dã, chúng tôi tiếp thu rất hào hứng. Có lần trong tiết Tục ngữ, ca dao, thầy ngồi ngửa người trên ghế giáo viên cao hứng đọc:
“ Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc
Con chàng còn trứng nác thơ ngây
Chẳng hay chàng ở đâu đây
Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng!”
Chúng tôi cười muốn vỡ bụng. Có lần học trò “ thấy trâu lành xỏ chân lỗ mũi” (lời của thầy), thầy quát cho một trận nên thân! Sau mỗi lần như thế, thầy nói lẫy: “ Tôi thà về đạp xích lô còn hơn dạy các cô, các cậu!”
Ở lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ, cô Tĩnh dạy Lý, Hóa rất dễ hiểu. Cô thường nói: “Cái gì ở trước mắt mà các em nghĩ đâu đâu nên không thuộc bài”. Cô ân cần chỉ bảo cho từng người. Chúng tôi coi cô như người mẹ. Cô giáo hiền nhất là cô Diệu Thanh, phu nhân của thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Thiên. Ở lớp Đệ Ngũ, thỉnh thoảng thầy Thiên cũng dạy một vài giờ Toán thay cho thầy chuyên trách bận đi công tác. Có lần thầy cầm nguyên cuốn sách Hình học bằng Pháp ngữ để giảng bài. Đôi khi chúng tôi không hiểu nhưng chẳng ai hỏi lại.
Qua Đệ Ngũ tôi có một sự cố! Vô tình tôi lấy bản nhạc Hoa biển để bao cuốn Sử địa và bị các bạn gái theo chọc. Đại khái họ cho tôi là sành điệu, là lãng phí,... gì gì đó. Xấu hổ quá, tôi về nhà lột vứt đi và lấy tờ báo khác thay vào.
Đến Đệ Tứ là lớp cuối cấp, ai cũng lo thi để lấy chứng chỉ Trung Học Đệ Nhất Cấp và còn lo cho việc phân ban vào Đệ Tam (lớp 10) tại trường Đệ nhị cấp Nguyễn Hoàng. Các bạn vừa học vừa ôn thi tối tăm mặt mày như thế nhưng cũng trao cho nhau những dòng lưu bút rất đỗi thân thương. Tôi đóng một tập rất dày bằng giấy pơ-luya đủ màu và đưa cho các bạn viết. Khi sắp chia tay, ai nấy hí hửng nhận lại lưu bút để đọc. Riêng cuốn lưu bút của tôi thì bặt vô âm tín! Tôi hỏi mọi người thì chỉ nhận được tiếng cười đáp lại! Tôi nghĩ rằng một anh chàng lãng mạn nào đó đã giữ lấy nó để chép thơ tình rồi.
Sau khi nhận được chứng chỉ Trung học, tôi vẫn không vui vì những trang lưu bút ghi bao kỷ niệm thân thương của tuổi học trò trong 4 năm học tại trường Trung học Triệu Phong vẫn không được cầm trong tay. Tôi buồn quá, không muốn nói chuyện với ai cả. Bất ngờ, ngày cuối cùng tôi được một bạn gái trao cuốn lưu bút cho và còn hỏi tôi có tiếp tục lên học trường Nguyễn Hoàng không. Tôi mừng quá, lật từng trang sổ ra xem thì cuốn lưu bút dày của tôi được các bạn viết gần hết với những lời chúc rất chân tình và tốt đẹp. Một điều lý thú nữa là các bạn gái viết rất nhiều, lại còn dán thêm vào trang viết của mình nhiều hình ảnh đẹp nữa. Các bạn bên Đệ Tứ 1 ban Pháp văn cũng có viết cho tôi những dòng lưu niệm rất tình cảm. Không ngờ những người bạn tôi ít gần gũi, quen thân lại viết cho tôi nhiều như thế! Tôi trân trọng cất giữ cuốn lưu bút cẩn thận, xem nó như một kỷ vật quý báu nhất của đời mình. Nhưng chiến tranh tàn ác quá, nó lấy đi tất cả, cuốn lưu bút của tôi cũng đã mất tiêu, không thể nào tìm lại được. Tuy nhiên những gì các bạn đã viết cho tôi, tôi vẫn nhớ suốt đời. Sau này vào Hải quân, trong các bản nhạc về người lính thuỷ tôi lại thích nhất là bài HOA BIỂN. Bài hát mà các bạn gái ngày xưa dùng để trêu chọc tôi đã trở thành một kỷ niệm đáng yêu của tuổi hoa niên./.
Trước: Lê Lào- Võ Tư-Nguyễn Tắc
Trước: Lê Lào- Võ Tư-Nguyễn Tắc
Sau : Nguyễn Văn Phường- Hãn -Nguyễn Văn Thẩn
ảnh : Nguyễn Văn Thẩn tặng tập san
Các bạn!
Giờ đây đang ở nơi đâu!?
Gặp nhau chắc đã mái đầu hoa râm
Cho nhau một chữ " nhắn tin"
Để mong gặp lại chúng mình "TỨ HAI"
(Thân tặng các bạn lớp Đệ Tứ 2 NK 66-67, trường Trung học Triệu Phong)
An cư, ngày 6 tháng Giêng, năm Canh Dần-2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét