Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Nguyễn Hoàng Q.Trị - 60 năm hội ngộ và KN...-nhiều tác giả

Gồm các bài viết:
1.Đi về miền kỷ niệm - Đinh Thị Hiệp 
2.Bất chợt thoáng xưa - Lê Lan 
3.Tản mạn trước ngày về - Đinh Thị Ngọc Chung
4. Nắng còn trên đồi sim- Dương Thị Bích Đào  
  
ĐI VỀ MIỀN KỶ NIỆM
Đinh Thị Hiệp
Một chuyến đi về quê hương thật quá nhiều kỉ niệm! Phải nói rằng, có bốn điều tuyệt vời trong một chuyến đi dài ngày: về thăm quê ngoại, quê nội, dự hội trường và gặp mặt, cùng đi chơi với bạn bè. Trong thâm tâm tôi tự hứa vào đầu mùa hè năm 2014 hoặc năm sau, tôi sẽ trở về lần nữa.

Tôi đã đặt mua vé tàu lửa cho chuyến hành trình về quê trước cả tháng, ngay từ khi năm học chưa kết thúc. Biết tôi gởi tiền ra Huế để nhờ mua cả vé tàu về, ai cũng bảo rằng tôi quá lo xa. Tôi đếm từng ngày cho đến ngày lên đường. Có những đêm tôi thao thức không ngủ được vì cứ nôn nao nghĩ đến ngày về quê sau bao năm xa cách, cả đến 40 năm dài đằng đẵng. Tôi chuẩn bị đầy đủ hành trang cho nhiều ngày đi, tất cả cho một cái va li to kềnh, kể cả vài cái áo khoác dày để dành cho bà con mặc mùa đông. Chắc khi trời đông giá rét hoặc mưa phùn lất phất, những ai mặc chiếc áo ấm áp  tôi tặng ắt sẽ nhớ đến tấm lòng của tôi. Ngôi nhà tôi đi vắng nhiều ngày không hẳn vắng vẻ, lạnh lẽo vì tôi đã nhờ người hàng xóm trông nom giùm; đêm đêm có hai chị em song sinh qua nhà, các kênh hình MyTV sẽ lôi cuốn chúng.  Mai đây, một mình tôi sẽ thong dong trên đường thiên lí, bỏ lại sau lưng những lo toan, bộn bề công việc, khiến tôi không có một mùa hè nào được thảnh thơi. Tôi thích đi tàu lửa vì đối với tôi rất thú vị, vả lại  từ nhà tôi ra Phan Thiết đi tàu sẽ tiện hơn là phải ngược vào thành phố đi máy bay.

Buổi trưa ngày 20-6
Mọi hành lí chuẩn bị đâu đó sẵn sàng, tôi và dì ra đường đón xe bus. Như đã hẹn, chị chồng tôi đã có mặt và ngồi chờ trên chiếc xe sắp sửa khởi hành. Xe bus tuyến đường La Gi- Phan Thiết chạy theo con đường ven biển, từng làn gió mát mẻ dễ chịu thổi vào ô cửa. Cảnh biển nơi đây tuyệt đẹp: một bên là bờ biển, sóng vỗ vào ghềnh đá thơ mộng, một bên là những xóm chài vẫn còn giữ nét hoang sơ. Mũi Điện Kê Gà ở xã Tân Thành nhìn từ xa thật hũng vĩ. Kia rồi là ngọn Hải Đăng giữa biển xanh mênh mông, nơi đêm về có ánh đèn chói lòa định hướng cho tàu bè qua lại và cho cả những ngư dân đang còn trên những chiếc thúng câu ngoài khơi xa. Tôi là người dân địa phương nhưng chưa một lần đặt chân lên đến ngọn hải đăng này, trong khi đó có những người khách du lịch từ phương xa tìm về đây, thích thú ngồi trên thúng câu hoặc ghe máy để ra tận chân tháp, có khi họ mạo hiểm leo lên đỉnh ngọn hải đăng chong chênh giữa sóng nước. Những khu resort  nằm liền kề  nhau chạy dài từ xã Tân Thành cho đến xã Tiến Thành theo con đường ven bờ biển, nơi đó những khu nhà khang trang mới được xây dựng, nắm lấp ló trong rừng dương im mát. 
          Chiều thứ tư ngày 20 tháng 6 năm 2012
          Từ nhà chị tôi ở chợ Phan Thiết ra đến ga Mương Mán khoảng chừng hơn mười cây số. Cả 3 người: tôi, dì và chị chồng tôi, mỗi người đều  mang theo 2 xách tay, vali; khi ở chợ Phan Thiết ra, còn đèo thêm 5 thùng đồ và túi xách gồm nhiều trái cây thanh long, chôm chôm, bánh cốm sữa, bánh rế. Đây là món quà  của miền đất Nam Trung bộ đem ra biếu bà con mình ở quê và để cúng chùa. Chúng tôi gọi xe taxi ra ga Bình Thuận lúc 16 giờ. Gần 19 giờ 30 phút, tàu đến, tiếng còi kéo một hồi dài  báo hiệu từ xa; mọi người vội vã lên tàu. Tôi là người lên sau cùng. Tàu lại tiếp tục chuyển bánh trên chặng đường dài ra Bắc; dì và chị đã vào chỗ ngồi, còn tôi phải sắp xếp từng thùng hàng xong, rồi mới yên tâm ngồi vào ghế của mình. Trời tối hẳn nên tôi không nhìn rõ mọi vật  xung quanh, thỉnh thoảng tôi chỉ thấy những hàng điện đường chạy ngược lại với đoàn tàu. Càng về khuya, tiết trời càng lạnh, giấc ngủ chập chờn đến với tôi theo bánh tàu chạy sầm sập trên đường ray…
          Chiều thứ năm ngày 21 tháng 6 
Qua 20 tiếng đồng hồ mong đợi trên con tàu SE6, thế rồi tàu cũng dừng bánh trên ga Đông Hà. Niềm vui như vỡ òa, chút nữa thôi tôi sẽ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi cố nén đi giây phút xúc động, vì tôi đã về đây rồi. Có những ai đã đi đi về về biết bao nhiêu chuyến, nhưng chưa hẳn đã có những cảm xúc giống như tôi. Vì vội vàng hay vì quá nôn nao mà cả ba chúng tôi đã kéo đồ đạc chuẩn bị sẵn ở cửa xuống tàu ngay từ ga Diên Sanh. May thay, cái va li kéo của tôi cũng như chiếc xe đẩy tiện lợi, nó còn kéo thêm được hai thùng quà nặng trịch. Một vai tôi vác chiếc ba lô, trên tay còn đèo thêm chiếc túi, một tay tôi kéo chiếc va li ra khỏi mấy đường ray để vào hẳn trong sân ga. Tôi chia tay chị chồng ngay tại đây, chị có người nhà ra đón. Tôi gọi xe taxi cùng dì về làng Nại Cữu, quê ngoại của tôi. Xe bon bon chạy trên quốc lộ ngược về Quảng Trị, khắp nơi chỗ nào tôi cũng thấy những công trình xây dựng đang còn dang dở. Tôi không thấy con đường vào chùa Sắc Tứ đâu cả. Bác tài xế giải thích các cơ quan đã xây lên trước mặt nên từ xa không thể  nhìn thấy quang cảnh ngôi chùa. Thay vì chạy theo con đường mới An Môn về Sãi cho nhanh thì tài xế cho xe chạy vào chợ tỉnh. Xe chạy qua cầu Ga, rồi quẹo vào đường Trần Hưng Đạo. Trường Bồ Đề vẫn còn vết tích nham nhở, đổ nát do chiến tranh. Từ trường Bồ Đề về chợ sao nhanh thế! Ngày hôm nào tôi đi bộ thấy xa lắm mà! Cửa chợ đây rồi, nhưng vị trí thay đổi hẳn, trước kia khu chợ ở bên phải đường Quang Trung, nay đổi ngược lại bên trái con đường này. Bác tài, đó là ngã tư Quang Trung, Trần Hưng Đạo à? Bác gật đầu. Nhà sách Tùng sơn ở góc đường đối diện nhà ông Khiết nay là quầy thuốc tây. Làm sao tìm lại khu chợ được bao quanh bởi con đường Trưng Trắc, có những ngôi nhà của bạn bè tôi, nơi đã lưu giữ biết bao kỉ niệm thuở còn đi học? Đường Trần Hưng Đạo xưa kia  dài và rộng, sao giờ này hình như ngắn và thu hẹp lại. Bạn bè tôi đã từng về Quảng Trị nói với tôi rằng thị xã mình  giờ nhỏ bé lắm, chỉ bằng lòng bàn tay, chạy xe một tẻo là hết. Thật đúng như thế, thuở bé với đôi mắt trẻ thơ thì mình thấy cái gì cũng to lớn, còn giờ mình lớn lên rồi thì thấy cái gì cũng như thu nhỏ lại. Đoạn đường từ chợ về xóm cửa Hậu thấy xa mòn mỏi, muốn đi về thăm mệ ngoại, tôi phải gọi xích lô để đi... Xe chạy quá chợ, tôi nhác thấy thành cổ, cái tháp chuông cao cao. Cái vòng xoay nhỏ này dẫn về đâu thế?  Đó là con đường mở rộng của xóm Heo ngày trước, nó chạy thẳng về các làng Bích La, Nại Cữu…Tôi nhớ lại kỉ niệm ngày Tết năm nào tôi và anh chị họ, cả bầy lội bộ về làng ngoại. Tôi góp nhặt lại trong trí nhớ tưởng tượng ra vị trí cầu Sãi, rẽ phải về An Tiêm, con đường làng chạy dài phủ bóng hai hàng tre xanh mát rượi. Chúng tôi về nhà dì Tưởng, bà con của mẹ tôi. Nhà dì ở gần bến sông.  Khi vừa đến nhà, chỉ kịp chào hỏi xong là chúng tôi chạy nhanh ra bến vung vẫy nước. Có khi bị nước bắn tung tóe ướt cả mặt mũi, áo quần nhưng chúng tôi không giận lại còn cười đùa thích thú. Trưa, chỉ ăn bữa cơm đạm bạc với dì mà tôi thấy lòng ấm cúng hơn trong ngày đầu năm mới. Khi nắng chiều đổ dài trên các bụi cây, trên dòng sông trong veo, chúng tôi giật mình vì đã đến lúc phải ra về. Trên con đường làng hồi sáng biết bao háo hức, giờ cảm thấy sờ sợ; cả bọn bị hù dọa nên chạy đuổi theo nhau về nhà trước khi mặt trời tắt bóng. Dì tôi nói dì Tưởng giờ  mắt nhìn không rõ, đang sống nương cậy vào đứa con ở  đâu đó trên Tây Nguyên. Vậy là một người nữa tha hương vì mưu sinh cuộc sống. Biết đến bao giờ dì trở lại sống ngay tại ngôi nhà của dì? Người già bao giờ cũng muốn quay về nguồn cội. Trên mảnh đất ngày xưa dì ở,  là ngôi nhà của cậu Hòa, em trai dì đang sinh sống. Tôi nhận ra cổng vào làng, ghi rõ tên ngôi làng Nại Cữu. Tôi nôn nao mong cho mau về đến nhà. Xe chạy qua ngôi nhà thờ họ Võ ở đầu làng. Hai bên là những ô ruộng xanh rì, sóng lúa nhấp nhô. Một vài con bò đứng ngáng đường trên con đường đất đỏ mấp mô. Dì tôi chỉ về phía trái, đó là mộ ông bà tổ tiên bên ngoại của tôi, mà chiều nay  dì cháu tôi sẽ đi viếng. Cậu tôi chạy xe máy ra đón, dẫn đường cho xe vào đến tận ngõ. Tôi nhận ra hàng rào chè tàu chạy quanh ngôi nhà, bên trên đầy những sợi tơ vàng mà thuở bé thơ, tôi rất thích bày trò chơi đồ hàng. Ngôi nhà ngày nào nhìn ra hướng sông, nay đổi hướng khác; vẫn còn một khu vườn nhỏ, có những cây mít, ổi sai trái, những bụi chuối đang trổ buồng, có cả cây chè già, lá dày xanh thẫm…Điều trước tiên tôi hỏi cậu về bến sông xưa; cậu tôi nói rằng ngày mai cậu sẽ dẫn tôi ra xem. Trong không gian vắng lặng của miền thôn quê, tôi cảm nhận mọi thứ đều khác, thậm chí khác cả vùng biển nơi tôi ở, như anh tôi nói: anh ngửi được mùi vị quê hương, đó là mùi khói bếp, mùi khói của rơm rạ, mùi ngai ngái của của những đống rơm ủ bên nhà…    
Sáng ngày thứ năm 22 tháng 6
Trên quốc lộ 1A, đoạn đường chạy từ cầu Ga ra đến trước chùa Sắc Tứ, xe cộ đông đúc, tiếng còi xe réo liên hồi không nghỉ. Tôi không nhận ra  con đường đất đỏ dẫn vào chùa, có hai bên hai hàng dứa dại như thuở trước. Tôi quên cả lối đi nên cứ chạy xe theo cậu tôi. Không phải đi theo con đường vào cổng chùa mà chúng tôi phải chạy men theo con đường mòn bên cạnh để vào nghĩa trang. Những ngôi mộ buồn bã, hoang vắng nằm gần nhau, núp dưới hàng cây keo tràm và dương liễu, tiếng gió vi vu nghe như điệu nhạc buồn muôn thuở. Tôi thấy lại hình ảnh của những cây bông ngũ sắc, mà tôi thường gọi là bông tiêu; khi chín hạt nó giống như những hạt tiêu nho nhỏ. Tiếng chuông chùa lại ngân nga trong không gian mênh mang đầy tiếng gió hú…Tôi chợt nghĩ mệ ngoại mình ngày trước làm công quả cho nhà  chùa, nay phần mộ của mệ được nằm gần chốn Thiền môn, đó cũng là hồng duyên của mệ. Các ngôi mộ của các cậu tôi, mợ tôi, các em tôi cũng được nằm tề tựu chung quanh mệ. Nếu không có sự trông nom của cậu Hòa, người bà con còn lại ở quê nhà, không dễ gì tôi tìm ra được những ngôi mộ của người thân. Một nỗi buồn xâm chiếm lòng tôi. Tôi nhớ đến hình ảnh của mệ ngoại trong những năm tháng ở Hàm Tân, sau năm 1975, ngày qua ngày mệ già lom khom trong ngôi nhà tranh bé nhỏ. Cái khốn khó sau chiến tranh như thử thách sự kiên nhẫn của những con người sống giữa buổi giao thời. Với sức trẻ như chúng tôi có thể  chịu đựng được sự kham khổ, còn đối với người già như thế thì thật là tội đến nao lòng: vì mệ tôi, mẹ tôi còn có nỗi nhớ khôn nguôi về những đứa con đang còn học tập, cải tạo ở phương trời đất Bắc. Khói hương và lời cầu nguyện của con cháu về đây viếng thăm như một lời an ủi, cầu mong cho người khuất mặt được an nghỉ.
Chúng tôi chạy xe ngược ra để đi vào cổng chùa. Con đường tráng nhựa thay cho đường đất sỏi đỏ vòng vèo ngày trước. Tôi cùng dì, cậu  vào chùa thăm thầy và xin cúng qua đường, một chút lễ vật dâng lên Đức Phật từ bi sau bao nhiêu năm mới trở về. Đây là chốn thanh tịnh, không đông đúc, ồn ào nên khi bước chân vào vãng cảnh chùa, tôi cảm thấy tâm hồn mình thật thanh thản. Một góc của chánh điện, đập vào mắt tôi là một cái trống màu đỏ sẫm thật lớn và đẹp do một gia đình nào đó cúng dường. Ngôi chùa nay đã được trùng tu, không còn thấy vết tích của chiến tranh, kiến trúc mới như còn lưu lại vẻ đẹp khá hài hòa giữa nhân tạo và thiên nhiên. Chùa mới có vẻ khác ngôi chùa ngày trước, nhưng dù sao tên chùa vẫn còn đó, không thay đổi. Tôi rất tiếc khi không còn nhìn thấy hồ sen tự nhiên trước tượng đài Phật Quán Thế Âm mà thuở đi học, mỗi khi qua chùa, tôi thường đứng ngắm những đóa sen hồng đẹp, thanh cao luôn muốn vươn cao khỏi mặt hồ.
Chiều thứ sáu ngày 22 tháng 6
Tôi đã mượn được chiếc xe máy để chở dì tôi, rủ thêm cậu Hoa chạy lên xem tận mắt xóm Cửa Hậu bây giờ như thế nào? Tôi chạy theo con đường cũ ra Sãi. Chợ Sãi buổi sáng  nhỏ và vắng khách, không đông đúc như trước. Chạy qua cầu Rì Rì, qua con đập cao ngăn lũ lụt…Dì tôi kể hồi xưa nước lụt thường cuốn trôi nhiều chiếc đò và người ở đây ra biển. Chúng tôi đi ăn bánh ướt gần trên chợ. Toàn là người lạ, chủ quán cũng là người dân xứ Quảng Nam . Bánh ở đây không ngon bằng bánh ướt thịt heo luộc hồi sáng tôi ăn ở nhà cậu Hòa. Từ sáng sớm, khi tôi chưa thức dậy, cậu đã đi bộ ra đầu làng, gọi là tập thể dục kết hợp đi chợ luôn thể. Bánh ướt từng miếng trắng phau, ăn kèm thịt heo ba chỉ mới luộc còn nóng hổi, gắp thêm ít rau giá, chấm với nước mắm ớt đặc trưng. Ăn đến đâu là thấy ngon, ngọt ngào đến đó. Tôi tấm tắc khen ngon, khen thịt heo thơm, không như mùi vị thịt heo trong Nam …  Tôi chạy qua bùng binh, quẹo trái về đường Phan Đình Phùng (tên cũ là đường Lê văn Duyệt, dẫn về xóm của tôi). Tôi ngỡ ngàng và xúc động trước cảnh cũ quá nhiều thay đổi: cổng thành nham nhỡ những vết tích đạn pháo, để lộ từng hàng gạch đỏ thâm đen; vẫn còn cái cửa sắt dày, cũ kĩ, han gỉ nhưng không còn rào lưới thép chằng chịt như sau ngày Tết năm 1967. Dì cháu tôi ngắm cảnh vật ở đây như muốn tìm lại được những gì còn sót lại của ngày xưa. Ngay đến vẻ đẹp của những đám hoa lục bình tim tím kia và những đóa hoa sen phơn phớt hồng cũng hoàn toàn mới, chúng dường như thay thế hẳn, không còn của thế hệ loài cây ngày trước; chúng làm sao hiểu nỗi niềm tâm sự của chúng tôi. Tôi nhìn ra trước cửa thành, chiếc cầu cũng xây mới, hình dáng cong cong khá uyển chuyển. Cái gì cũng mới, cũng đẹp. Con đường vào xóm nhỏ, xóm cửa Hậu, dẫn vào khu chiêu hồi đâu rồi nhỉ? Nhà cửa họ xây chắn ngang, không còn con đường vào xóm. Tôi cố tình nán lại để quay nốt hình ảnh này, chụp vài tấm hình về đường Trí Bưu, về xóm Heo, trong lúc dì tôi giục về để có thể vào thành. Hôm nay cửa thành cổ đã đóng, không cho người ta vào tham quan. Tôi không có dịp vào tham quan CỎ NON THÀNH CỔ  để tận mắt  thấy bao lớp cỏ non xanh kia như lời một nhạc sĩ khóc thương bao chàng trai trẻ đã ngã xuống trên chiến trường khốc liệt. Dì cháu tôi đành chia tay cậu để trở về làng, còn cậu tôi chạy ngược lên cầu Ga. Lần này, dì bảo tôi chạy xuống đường An Tiêm thay vì đi đường cũ về Sãi. Đây đúng là con đường xưa chúng tôi đã đi về làng, chỉ khác là con đập chắn ngang dòng sông, một con mương rộng, dài dẫn nước về các làng. Tôi hỏi dì tên con sông uốn quanh làng Nại Cữu là gì ? -Vĩnh Định. Trong chiến tranh, khi dân chúng già trẻ dắt nhau men theo con sông này chạy ra miền ngoài, bị bom thả chết nhiều lắm, nằm la liệt dọc cả đường. Tôi rùng mình, như có một hơi lạnh toát lên dọc xương sống của mình. Trời chiều, rang vàng đổ dài trên dòng sông, hoàng hôn dần buông. Những bụi tre vươn ra bờ sông như cố níu kéo, con đường đất đỏ về  làng có đôi chỗ gồ ghề khó chạy…
Một buổi tối thứ hai ở làng ngoại, sáng ngày mai tôi sẽ lên cầu ga.
Sáng thứ bảy ngày 23 tháng 6
Tôi lên nhà cháu bên chồng ở cầu Ga gặp chị Thanh Thu. Gần chín giờ, chị Quảng Trung và Đoàn Hoa cũng vừa xuống xe. Chúng tôi đi lên viếng mộ ba chồng ở  trên La Vang. Trời thương sao mấy hôm nay không đổ nắng gay gắt, không làm cho chúng tôi, những người ở Nam ra đây rất sợ cái nắng và gió Lào. Những ngôi mộ nằm trên đồi cao, nhìn xuống hồ nước được bao quanh một rừng cây xanh, phong cảnh đẹp như một ưu đãi của thiên nhiên dành cho vùng đất khô cằn này. Con kênh dẫn nước từ hồ Tích Tường về trong vắt, nghe nói đây là nguồn nước sạch sinh hoạt cho cả thị xã. Hôm nay là mồng năm, Tết Đoan Ngọ, nhân tiện tôi ăn trưa tại nhà cháu, mặc dù tôi cũng rất nóng lòng gặp bạn; lúc này các bạn tôi sau chuyến đi chơi Bà Nà, Đà Nẵng, đã ra đến Quảng Trị. Tôi đến khách sạn hơi trễ. Chúng tôi rủ anh Lê Sĩ Hùng, một anh cựu học sinh Nguyễn Hoàng từ Boston về, cùng đi qua chùa Sư Nữ(nay là Long An. Trước kia là sư cô nay toàn là  thầy và chú tiểu). Xe chở chúng tôi lên cầu Ga, đi về con đường mới thay vì phải đi đò như trước đây. Còn tìm đâu hình ảnh các sư cô, hàng tháng, vào ngày rằm, mồng một qua chợ Tỉnh bán đồ chay? Các bạn kể  trong chiến tranh, ngôi chùa Sư nữ đã bị đổ nát, tan hoang, một ngôi chùa mới được xây lại trên mảnh đất cũ và tên chùa cũng thay đổi từ đó. Bến đò bên bờ này, nơi ngày nào tụi học trò thường đi qua, giờ tìm đâu thấy? Tôi nhớ đến bến sông cạn trước chùa Tỉnh Hội ngày trước, mỗi lần qua chùa Sư Nữ, chúng tôi thường xắn quần lội xuống nước một quãng rồi mới leo lên.  Ông lái đò nhẹ nhàng chống sào đẩy chiếc đò ra xa... Vô số rong xanh trôi dạt cả về một góc bến sông, đó là hình ảnh thật lâu lắm tôi mới nhìn thấy lại trên dòng sông Thạch Hãn, quê tôi.
Vẫn còn thời gian để đi tham quan thánh đường La Vang. Đúng là con đường dẫn đến La Vang hồi sáng chị em tôi lên mộ. Bên phải là khu sinh thái Tích Tường mà tối này chúng tôi sẽ dự tiền hội ngộ Nguyễn Hoàng. Thánh đường cao, uy nghi và thánh thiện trong nắng chiều sắp tắt.
Tối thứ năm ngày 23 tháng 6
Thật đông đúc người về dự trong buổi tối “tiền hội ngộ Nguyễn Hoàng ” tại Tích Tường! Thu Sương đã liên hệ với nhóm Sài Gòn nên đã có vé vào cổng. Tìm được hai, ba bàn ngồi gần nhau cho cả nhóm chúng tôi. Phải nói là một điều tôi rất mừng và cảm động là gặp được anh bạn hàng xóm Cửa Hậu: Huỳnh Văn Rô. Khi Liên nói tên, tôi nhìn qua bàn gần đó, với gương mặt ấy, thân quen lắm! Tôi nhận ra ngay. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, han hỏi vài điều. Tôi nói rằng anh Phúc có về và giới thiệu để hai anh gặp gỡ nhau. Hồi nhỏ, ở xóm Hậu, mấy nhà trong xóm sống gần gũi, thân thiết với nhau.
Buổi tối tiền hội ngộ thật có ý nghĩa, vì để đến sáng ngày mai hội trường, ắt không đủ lấy thời gian hàn huyên tâm sự.
Chúng tôi về sớm hơn so với mọi người. Ra đến cổng, thật bật ngờ, khi thấy hai người đi xe máy đến trễ: hóa ra là anh Nguyễn Văn Trị, trông anh bao giờ cũng bận rộn.
Về đến gần cầu Ga, nhóm chúng tôi đi tìm thú vui ăn tối vỉa hè. Hồi trưa  ăn gà, giờ cũng ăn cháo gà, kệ ăn cho no bụng rồi về ngủ. Mùi cháo gà thơm phưng phức, vị ớt cay cay ngon lành; ngồi ăn bên vệ đường, ngắm  người, xe cộ qua lại, có gió mát điện đường thay cho trăng thanh,  tôi thấy thích thú hơn là giờ này về khách sạn nằm ngủ.

Sáng chủ nhật, ngày 24 tháng 6

Chúng tôi dậy từ sớm, chuẩn bị để đến trường trung học Quảng Trị. Nhóm Đà Nẵng ở cùng khách sạn, cũng ra quán gần đây ăn sáng. Tôi nhận ra chị Bích Hường, con bác Kinh ở xóm Hậu, gần nhà cậu tôi; có anh Bảo Lâm, cái tên nghe quen trên mạng; qua chuyện trò, tôi biết anh ấy là bạn của anh tôi. Xe chạy trên con đường Trần Hưng Đạo, chúng tôi nhao lên vì sắp về lại ngôi trường yêu dấu. Phượng Tiên muốn xem lại vị trí nhà mình, tiệm sách Tùng Sơn, nay đã thành của người khác. Anh Đào càng nóng lòng hơn, xin tài xế cho xe chạy chậm theo bờ hồ,  vẫn tên đường Lê Thái Tổ,  bạn ấy muốn tìm cho ra khu vực nhà mình ở từ thuở ấu thơ. Biết bao niềm vui như muốn vỡ òa khi bạn bè các thế hệ tìm gặp lại nhau. Người về ngày càng đông hơn, ai cũng muốn đứng trò chuyện, tìm gặp bạn ở ngay cổng trường. Mỗi bạn nhận, đeo cái phù hiệu màu xanh mang tên trường như mang một niềm tự hào mình là cựu học sinh Nguyễn Hoàng. Những học sinh đã được học dưới mái trường này nay tóc đã bạc, đã thành ông, thành bà nhưng giờ gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả thấy mình dường như trẻ lại. Bất ngờ tôi gặp Thu Hồng, người bạn gần xóm cũ, cũng với dáng người ốm ốm cao cao, khuôn mặt ấy không lẫn vào đâu được, tôi dễ nhận ra ngay. Chúng tôi học với nhau từ hồi ở trường nữ tiểu học. Hai đứa mừng rỡ ôm choàng lấy nhau, chuyện trò và nhắc đến dì tôi; Hồng nhắn  dì tôi đến nhà cùng ra Đông Hà thăm người dì của Hồng. Trong sân trường, dưới những tán cây xanh, chúng tôi như tìm lại ngày xưa của chính mình; thật đông người tề tựu ngồi với nhau chuyện trò chờ đến buổi lễ. Với chúng tôi, như là bầy chim về tổ xem chừng trẻ nhất, cũng chừng năm mươi người ở các nơi hẹn ngày gặp mặt. Các bạn từ Sài Gòn về đây như Lăng, Sương, Nguyên, Thảo ,Anh Đào, hai cặp vợ chồng Sáng, Trường Chinh, có Liên, từ Bình Phước, Ty, Lài về từ Bà Rịa, ở Bình Thuận chỉ có tôi; Phan Rang, Ninh Thuận có Phục, từ Đà Nẵng còn có Huệ, Kim Anh, ở Huế có Việt Anh, Phượng Tiên nhập đoàn. Quảng Trị, Đông Hà các bạn rất đông, tôi thấy cái tên và những khuôn mặt các bạn hình như quen lắm. Tôi thích nhất là bạn Cận, Bạch Hoa, gương mặt bao giờ cũng tươi cười, luôn đem đến cho bạn bè nhiều niềm vui rạng rỡ. Mai Thị Đầm, Lê, Mai Anh, bạn lớp trưởng hồi tiểu học là Dương Thị Hóa…thật nhiều bạn bè có mặt trong ngày hội ngộ. Tôi nhớ mường tượng bạn Lê Thị Hiền với nước da trắng trẻo, dáng người nhỏ bé, ngồi cùng bàn đầu trong lớp với tôi, Anh Đào. Các bạn nam thì tôi không biết rõ do hồi tôi ở Quảng Trị, nam nữ học riêng; đó là bạn của các bạn tôi như Mai Thanh Cấp, Phước, Tuất, Bình, Ái,…ai cũng có công việc làm ổn định. Tiếc rằng chuyến đi này về quê không có mặt Lý Thế Văn, giá như có bạn  ấy thì vui biết bao! Những bài ký sự của buổi lễ đã được anh chị ghi nhận, bày tỏ cảm xúc dạt dào bằng các bài viết, quay phim, chụp hình lưu niệm. Riêng tôi, tôi đã chạy quanh. Đúng vậy, tôi không thể ngồi yên một chỗ vì thời gian cứ vô tình trôi đi, tôi chụp hình chung với các bạn rồi lại tiếp tục chạy như con thoi. Dại gì mà ngồi một chỗ, tôi đi tìm người quen, đi để mà chứng kiến cuộc gặp gỡ của biết bao bè bạn các khối lớp. Tôi vô tình chụp được lúc hai chị quá xúc động gục vào vai nhau khóc tấm tức. Tôi nhận ra anh Văn Thiên Tùng, anh Nguyễn Khắc Phước, anh Bùi Văn Thu, Hoàng Văn Chẩm, các  nhân vật thường xuất hiện trong các trang blog nay bước ra ngoài đời bằng xương bằng thịt hẳn hoi, giờ thì chúng tôi đã biết nhau rồi đó. Tôi còn gặp và chụp tấm hình chị Võ Thị Quỳnh trong tà áo dài trắng học sinh, chị đội chiếc nón bài thơ trông thật duyên dáng. Tôi lại đi tìm và gặp chị Mai, bà con của chồng tôi, chị bị tàn tật và được ban liên lạc mời đến nhận quà. Tôi nhắc lại cho chị nhớ câu chuyện chồng tôi kể chuyến về thăm quê cách đây đã 16 năm, lúc đó chồng tôi nhận ra chị nhưng giả vờ là người khách hỏi mua hàng. Hàng quán của chị chỉ là một gian nhỏ bên đường làng quê, tạm đủ nuôi chị và đứa cháu.  Các chị chồng tôi cũng đi tìm gặp và giúp đỡ chị. Thật thương tâm cho hoàn cảnh của chị, chị không dám ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt người đối diện, vì một mắt của chị bị khiếm khuyết từ lâu. Các phần lễ diễn ra khá dài để cho những học sinh nghèo và người khuyết tật như thế phải chờ lâu. Tôi và anh Phúc, chị Túy Huệ  gặp lại cô gái hàng xóm dễ thương là chị Hà Thị Bích Hường. Tôi đi một vòng quanh sân trường, vào phòng lưu niệm để xem hình ảnh, các di vật kỉ niệm, bản đồ đường phố Quảng Trị, tôi vẽ và viết bổ sung thêm một số địa điểm, nhà các bạn mà tôi biết. Tôi còn vội vàng viết những dòng lưu niệm. Không hiểu sao lúc đó lòng tôi dạt dào xúc cảm, tôi viết ra không cần suy nghĩ lâu, chữ viết đúng là tốc ký nên chẳng đẹp, chẳng  ý tứ gì cả. Tôi muốn góp thêm một bông hoa thắm vào trang kỉ niệm Nguyễn Hoàng. Tập kỷ yếu anh võ Đình Đoan, nhờ anh Hảo thay mặt nhóm 6471 ký tặng tôi, suýt nữa tôi bỏ quên ở phòng lưu niệm. Tôi ra ngoài cửa phòng ngồi với Anh Đào. Chuyến này Đào đi tuy có mệt nhưng vui lắm, Đào muốn ngồi nghỉ một tí cho khỏe. Ai đi vào cửa phòng lưu niệm cũng nhìn hai đứa tôi, tôi thích quá, nói với Anh Đào chắc họ tưởng mình là ban tổ chức, đào cười hiền lành.
Buổi cơm trưa được mời, nhưng vẫn có những phần thiếu sót do thiếu chỗ ngồi. Tôi chịu khó đem hai cái ghế vào nhưng các bạn tôi đi vào đâu hết rồi. Tôi đành đứng ngoài. Nhác thấy thầy cô, tôi nhường ghế cho thầy Thăng và thầy Bảo ngồi đỡ mỏi chân, trong lúc chờ ban tổ chức sắp xếp. Bạn Lăng, Chinh ra gọi tôi vào hội trường. Ôi chao, người đông nghẹt, tôi ăn đứng cũng thấy vui. Buổi trưa xong, tôi ra chào anh Phúc để về cùng bạn bè. Hai anh chị sáng mai sẽ lên xe vào Bình Thuận trước, chuẩn bị cho chị Huệ qua Mỹ. Chị Quảng Trung cũng đi tìm chị Thanh Thu để hôm sau vào Huế, hai chị em gọi điện cho nhau nhưng do người đông, ồn quá không nghe được. Hội ngộ Nguyễn Hoàng Quảng Trị lần thứ 3 thật vui và có ý nghĩa! Tôi cũng như mọi người sẽ giữ mãi những kỷ niệm đẹp đẽ này. Không biết hội trường lần sau tại quê nhà còn có được những ai về đây gặp gỡ?
Chiều chủ nhật 24 tháng 6
Cuộc vui vẫn chưa tàn. Mặc dù biết sáng hôm sau sẽ có nhiều người vội vàng về với gia đình, về với công việc nhưng chúng tôi lại rủ nhau đi đến quán café Tiếng Dương Cầm tại một góc phố Đông Hà để hát cho nhau nghe. Buổi chiều được ăn no, tối đến lại vui ca hát. Các bạn ở Đông Hà, Quảng Trị thật chịu chơi, thật sành điệu.
Một buổi tối tại khách sạn Violet. Phòng ba đứa tôi ngửi toàn mùi ẩm mốc và trời về khuya nghe rõ tiếng gió rít qua khe cửa từng đợt…
Sáng thứ hai ngày 25 tháng 6
Thu Sương rủ tôi, anh Đào cùng về làng quê Vĩnh Lại thăm mộ ông bà; trong lúc các bạn khác đi về làng Bích La của Xuân Nguyên, về làng bạn Ty. Tôi ra bờ sông Hiếu ở trước mặt khách sạn ngắm bình minh, mặt trời đang lên, ánh sáng lan tỏa trên mặt sông thật đẹp. Chúng tôi đi bộ một quãng qua khỏi cầu để cảm nhận được không khí trong lành buổi ban mai. Xe đón ba chúng tôi về làng. Làng nội Thu Sương yên bình như bao làng quê khác, có cổng làng, có những ruộng lúa xanh rì gợn sóng, lũy tre xanh trên bờ đê, ngôi chùa khang trang, những ngôi mộ cổ xưa... Cửa Việt gần làngVĩnh Lại, nơi ngày xưa bạn bè tôi rủ nhau đi xe đạp về đây vớt rong biển để chấm điểm môn vạn vật.  Chúng tôi không đi biển vào sáng nay mà để dành vào buổi chiều đi có đông đủ bạn bè. Ba đứa đến bờ sông Thạch Hãn, chụp hình  bên bến thả hoa đăng. Tôi nghe bài đọc của phát thanh viên về chiến công lẫy lừng trên đất Quảng Trị của những người con đất Bắc khiến tôi một lần nữa thấy rưng rức trong lòng. Tôi dẹp bỏ ý nghĩ vào trong tham quan thành cổ cỏ non xanh, xem tháp chuông chiêu hồn...
Như đã hẹn, chúng tôi gặp lại các bạn ở chùa Tỉnh Hội. Ngôi chùa nhỏ bé ngày nào tôi và Sương cứ mỗi chiều chủ nhật về đây sinh hoạt học sinh phật tử. Biết bao kỉ niệm ùa về trong tôi…
Trưa thứ hai, 25 tháng 6
Chúng tôi được vợ chồng bạn Ái, chủ nhà hàng Tích Tường mời đến ăn bữa cơm trưa. Các bạn lên sân khấu còn lại của buổi hôm tối qua để chụp hình lưu niệm. Đây là khu sinh thái, nơi người ta tìm về gần gũi với thiên nhiên, nơi có hồ nước rộng, có nhiều cây xanh bao quanh, không khí trong lành, không nghe tiếng ồn ào xe cộ. Gió thổi lồng lộng, mát rượi, xua tan cái nóng hầm hập của từng cơn gió nam bắt đầu thổi về. Bữa cơm trưa đầy đủ các món ăn Quảng Trị như cá rô chiên, mít luộc, dưa môn kho, canh cá măng chua…mấy món nước chấm cũng được trưng bày đẹp mắt. Thật cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của vợ chồng bạn Ái. Tôi là bạn của bạn Ái nên ngồi nghe bạn bè họ chuyện trò, chỉ thỉnh thoảng góp vài câu cho có lệ.  
Chiều thứ hai ngày 25 tháng 6
Chúng tôi ra biển Cửa Việt, đi theo con đường từ Đông Hà thấy nhanh hơn là đi về từ Quảng Trị. Bãi biển nào cũng có nét chung giống nhau, tuy nhiên bãi ở đây có phần trải dài hơn so với bờ biển Cam Bình, La Gi, nơi tôi ở. Bạn bè nữ chúng tôi tha hồ nô đùa như thuở bé dù tuổi đời đã là U50. Chúng tôi rủ nhau xuống bãi biển chụp hình, các bạn đùa với sóng nước, luôn tạo dáng trước ống kính. Đào đã làm cho mọi người thật bất ngờ. Anh Đào cười đùa vui vẻ làm cho chúng tôi vui lây, vì ai cũng lo lắng cho sức khỏe của Đào trong chuyến đi xa dài ngày. Mấy món ăn hải sản của được bày ra, chúng tôi ăn uống, chuyện trò, ca hát vô tư..
Một buổi tối lại trôi qua trong căn phòng đầy tiếng gió rít ở đầu hồi…
Sáng thứ ba, ngày 26 tháng 6
Chúng tôi giã từ Đông Hà để vào Huế. Món bún bò Huế được ăn ở đây thật ngon miệng, ai cũng cảm thấy đói bụng vì từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng cả, đợi vào Huế rồi ăn sáng luôn thể. O bán đậu hũ trên vỉa hè cũng được đạo diễn tạo tư thế ngồi để chụp hình, bạn Liên nhanh chân xin một tấm hình được chụp bên cạnh gánh đậu. Ai cũng nôn nao khi đến tiệm bánh kẹo Thiên Hương mua thật nhiều mè xửng, kẹo cau, trà, hạt sen về làm quà cho người thân.
Rời Huế, xe chạy về Nam, các bạn sẽ thả tôi ngay cầu Truồi, để tôi về thăm quê nội, xe tiếp tục đưa bạn bè vào Đà Nẵng, thêm một đêm vui chơi, sáng hôm sau lên máy bay trở về Sài Gòn, giã từ miền kỷ niệm. Còn tôi, là đứa cháu lạc loài về thăm quê nội…



BẤT CHỢT MỘT THOÁNG XƯA  
Cảm xúc ngày trở về Quảng Trị
hội ngộ Nguyễn Hoàng lần thứ hai 20-06-2010- Lê thị Lan CHS.K- 67-74  
                                                                                                                                                                                                     
Những ngày hè êm ả trôi.Tôi vừa thức dậy  sau giấc trưa thật ngắn, ngồi trước hiên nhà nhìn lên vòm mây xám xịt muốn bao phủ hết cả trời Bảo Lộc. Có lẽ cơn mưa lớn sắp đổ về nơi xứ cao nguyên xa xôi này. Những cơn mưa chiều vẫn thường về làm dịu mát cây cỏ quanh đây, vườn cúc dại nhà tôi cũng lốm đốm hoa vàng trên bãi cỏ xanh biếc.Tôi chợt nhớ bao ngày nắng đổ trên quê hương Quảng Trị trong dịp hè trở lại trường xưa cùng bạn bè một thời áo trắng ...
           Tâm Thụy, Liên Hưng, Ngọc  Anh vui trong tiếng cười khi tôi đặt chân đến Đông Hà, không gian thu hẹp lại, nổi mong chờ những giây phút bên nhau thôi thúc chúng tôi gọi cho các bạn. LH luôn nhắn tin và gọi điện bảo rằng  ‘có người đang chờ chị”…   
Tối 19/06 chúng tôi được bạn bè mời họp mặt ở Cát Vàng bên bờ Sông Hiếu- Đông Hà, những món ăn đặc sản hương vị quê nhà đậm đà làm sao! chúng tôi tràn ngập niềm vui bên sự đồng cảm với nhau - không ăn cũng thấy no- Việt Hương xuất hiện trước sự ngỡ ngàng của tôi  “em đang chờ chị”. Qúa khứ quay về trong tôi khi cô bạn nhỏ nhắc nhở từng kỷ niệm, một kỷ niệm tuổi học trò trong bài viết  NGUYỄN HOÀNG TRONG TÔI đã được VH vô tình nhắc đến trong vùng ký ức sâu thẳm ..., chúng tôi ngồi trò chuyện bên nhau mà tiếc nuối chuổi ngày thơ. Cô Giáng Hương bên cạnh hiền hòa nhìn đám học trò quấn quýt,. Chúng tôi trân trọng tình cảm cô đã tâm huyết với NH trong bao lần họp mặt.
          Tiếng điện thoại reo liên tục của lớp em tôi mời anh chị và các bạn đến cà phê nhạc TIẾNG DƯƠNG CẦM . Rời khỏi quán Sông Hiếu và tiếp tục gặp gỡ các NH trong không khí văn nghệ ngoài trời … chương trình khá sôi động, bánh kẹo rượu trà chúc mừng nhau ngày họp mặt. Các NH ríu rít bên nhau, những câu chuyện hồn nhiên trong sáng, nhớ nhau, mong đợi nhau cùng ngày trở về trường xưa … những người bạn nhỏ lớp em tôi đã ôm chặt lấy tôi mừng rỡ. Tôi thật xúc động khi hình dung lại những khuôn mặt non nớt ngày xưa làm sao có thể nhận ra mình sau hơn 35 năm xa cách …là Bích Huệ, Việt Anh,  Phương …hơn thế nữa tôi chẳng nhớ nỗi tên …, những tiếng hát học trò cất lên gợi nhớ một thời xa xưa, các bạn say sưa ca hát, các NH như những phóng viên chạy qua chạy lại ghi nhận những hình ảnh thật là dễ thương.
             Đêm xuống sâu, cuộc vui tan dần, các NH chia tay nhau về nơi nghĩ để còn dưỡng sức cho ngày mai hội ngộ toàn trường. Chúng tôi trở về nhà lòng vẫn rộn ràng giữa phố khuya, lời chia tay còn vương vấn buổi gặp gỡ đầu tiên tràn đầy cảm xúc …
Giấc ngủ đến với tôi thật khó mặc dù qua một dặm dài xa ngái trên ngàn cây số, những gót chân son trong ký ức tuổi thơ cứ ùa về, có lẽ các NH trở về hôm nay trên mảnh đất Quảng Trị  cũng cùng mang tâm trạng như tôi !
            Sau bao năm xa cách, tuổi đời chồng chất theo với cuộc mưu sinh tìm mạch sống.Thầy tôi, bạn tôi là những người đã xa lìa mái ấm NH nay cùng trở về trên sân trường xưa, nỗi vui mừng và niềm mong đợi quyện lẫn vào nhau khi những tiếng a lô …a lô  vang lên trong nắng sớm. Hải liên tiếp gọi điện thoại và chuyền máy cho các bạn vừa reo vui, vừa hối hả … “tôi ơi ! hãy bước mau”.
           
Sáng sớm trời trong xanh, từng đàn chim muôn phương bay về tổ giữa muôn người muôn vẻ trong nét hân hoan. Những NH như chúng tôi đã vượt đường  xa, đã bao đêm trở mình thức giấc đợi ngày về. Tôi ngỡ mình như trẻ thơ vào ngày đi học năm xưa …nhũng hàng cây đan nhau tình tự đem bóng mát cho thầy trò chúng tôi trong một ngày hè nắng cháy. Ngọn lửa Nguyễn Hoàng đang bốc vút cao trong khoảng sân rộng bên những tấm lòng nhớ đến nhau, biết đến nhau lại càng yêu thương nhau hơn khi nhìn nét tàn phai trên bao khuôn mặt hiện hữu. Một thoáng ngậm ngùi khi biết các Thầy Cô, bằng hữu đã ra đi thật xa không bao giờ trở lại nơi này …Tôi muốn ôm hết cả bầu trời nơi đây để nhân rộng từng giây phút bên nhau, để thấy rõ bước chân mình đang tìm về kỷ niệm …
                 Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
                 Mùa thu nào đưa người về thăm chốn xưa
                 Hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời xa
                Về đồi sim ta nhớ người vô bờ …

               Tiếng hát ai  văng vẳng bên tai nghe thật xa vắng, Quảng Trị  nơi chúng tôi về không có đồi sim mà có dòng  sông, con sông trên đường phố của một thời thơ dại, hôm nay bên dòng sông này vợ chồng tôi đã ngồi uống mấy ngụm cà phê lúc sáng sớm khi mà quán vắng đang đợi các bước chân NH  trỏ về trên quê hương mình. Một nỗi buồn nhớ tuổi thơ, một nỗi buồn về sự mất mát, và một nỗi xót xa không vơi với dân tình QT đang sống trên mảnh đất quê nhà… chúng tôi ngồi thật lâu như các anh chị ngày xưa ngồi uống nước bên sông nói lời tự tình .
               Nắng quê nhà vẫn không làm cạn nước sông Thạch Hãn, trời tháng sáu không đốt cháy chúng tôi như ngọn lửa NH.Tôi về lại với dạt dào yêu thương của lòng người viễn xứ, thầm lặng đếm theo từng cây số mà ngậm ngùi thương sự chia ly. Con người Quảng Trị vốn sinh ra nơi nghèo khó, lại chịu đựng nắng mưa như chỉ trút xuống thân phận mình, và còn thêm nỗi đau nhìn thấy quê nhà bị vùi chôn, bị xáo xới đã hơn ba mươi năm vẫn chưa tìm lại được những gì đã mất . Thoáng chốc nước mắt tôi rơi …Tôi khóc cho Thầy tôi, bạn tôi, người thân tôi, và em tôi đã nằm xuống nơi đây mà không một lần tôi được về qua … Mẹ Cha tôi đã đặt chân lên mảnh đất Quảng Trị này để kiếm tìm cuộc mưu sinh, tôi được sinh ra và lớn lên, rồi uống nước sông Thạch Hãn. Tháng năm dần trôi con sông ấy trở thành dòng chảy trong tôi tự bao giờ…
               Năm tôi mới lên 2, gia đình rời xa QT theo Ba tôi chuyển vào Quảng Ngãi để làm việc… không ra đi từ đó… lúc tôi lên 8 tuổi một lần nửa Ba tôi trở lại công tác ở Quảng Trị, tôi được  cắp sách đến trường rồi  lớn dần theo năm tháng … và đến một ngày được trúng tuyển vào kỳ thi lớp đệ thất của trường Trung Học Nguyễn Hoàng. Tôi hớn hở vào những ngày tựu trường, khôn ngoan dần dưới sự dìu dắt của Thầy Cô, được sống trong tình bè bạn NH.trường Nguyễn Hoàng nuôi tôi trong ước mơ mới lớn …
                 Tiếng rung của chiếc điễn thoại liên tục thôi thúc tôi  “Lan đang đứng ở đâu ? có chị Hạnh muốn tìm em”. Tôi vội vàng bước ra khỏi đám bạn bè đang xôn xao, dáo dác mắt tìm chị H mà lòng xốn xang, bừng bừng một niềm vui khó tả như là ngày xưa ơi! ngày xưa ơi! …Tôi ôm chầm lấy chị, và nhớ thương bất tận làm tôi muốn khóc òa trên vai chị - ôi! thật là xúc động - qua bao thăng trầm dâu bể cuộc đời chị em tôi đã có nhau,  rồi sống xa cách - thầm lặng nhớ nhau trong ký ức. Vẫn nét buồn xa vắng, hiền hòa trong đôi mắt chị như ngày nào. Tôi nghẹn ngào trước cảm xúc của mình, nắm chặt tay chị không muốn rời xa như sợ những tháng ngày mang nhiều dấu nối sẽ tiếp tục…tiếp tục, chị em tôi không đủ thời gian để trò chuyện vì xung quanh chị còn nhiều bạn bè xúm xít, cũng là ngày hội ngộ cho những người tìm nhau, đến với nhau…Tôi chia tay chị trong sự vội vã mà lòng mãi bâng khuâng …
 Sanh-Hướng-X-Hường-Lài-x-Lan  Thầy H.N.Thanh-Bằng--X-Hồng-Ngà-Hải-Hải-Thành
Quay lại phía sau có tiếng gọi  “Lan ơi! …Lan! “thêm một người bạn đã xa gần 35 năm , từ ngày chúng tôi ra trường nhận nhiệm sở rồi mỗi đứa một phương …ngày ấy các bạn NH cùng học với nhau ở Huế, vui buồn bên nhau lứa tuổi đôi mươi đầy ước mơ, những lúc hết tiền ngồi chờ học bổng, những khi đói bụng làm bánh bột mì để ăn, những chiều tà buồn buồn rủ nhau về đập đá ngồi hóng gió…, và những đêm ngồi hát cho nhau nghe trước hiên nhà. Quãng đời đi học thật là nên thơ mà chúng tôi là những kẻ vô tình đã ngủ quên …Võ thị Gái, người bạn năm xưa của tôi vốn có nhiều bất hạnh, cha mẹ mất sớm, còn một người anh (Võ văn Đạt CHSNH) cũng không may mắn đã qua đời lúc còn son trẻ, quá nhiều đau thương dồn dập đến với bạn tôi nên Gái đã thu mình sống trong an phận, khép kín. Những mẫu chuyện êm đềm cứ đến với chúng tôi dần dần hai đứa quay về kỷ niệm, lúc cười, lúc xót xa thương thân phận …Tạm biệt Gái, tôi trở lại ngồi với lớp .Chúng tôi làm học trò trong sân trường NH, tưởng như ngày xưa những khuôn mặt  mười ba, mười lăm tuổi  “tau ..tau …mi …mi…”   đầy thơ dại ….Cám ơn đời cho tôi một lần gặp gỡ đầy yêu thương .
                Buổi ăn trưa trong hội trường không có không gian rộng mở - ước gì là một buổi sinh hoạt ngoài trời thì có lẽ các NH còn biết bao nhiêu là chuyện kể …,...
K10/72 luôn luôn  cạnh kề bên nhau tâm sự


                                 TRƯA PHỐ LANG THANG .

              Chúng tôi chào mái trường xưa, ra về lòng ngậm ngùi nuối tiếc - cơn nắng ban trưa giữa lòng thành phố Quảng Trị vẫn chói chan gay gắt. Trời trong xanh, không có ngọn gió nào thổi qua … Cổng trường đã khép - phố vắng tênh - đôi chân tuy chưa mỏi nhưng lòng chùng xuống vì nỗi buồn trước mặt. Chúng tôi cùng chị Nguyên và một số anh bạn của Lâm ghé trốn nắng ở một quán bên đường dọc Thành Cổ. Ly nước dừa quê hương thấm vào người nghe mát rười rượi - chị em tôi ngồi tựa đầu vào nhau - tôi nghe từng khoảnh khắc níu buộc bước chân mình. Tôi muốn được sống trên mãnh đất đau thương này - muốn được sẽ chia với dân tình Quảng Trị .Quê hương tôi mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn, con người vẫn thầm lặng chịu đựng bước qua những khúc quanh nghiệt ngã mà vốn thiên nhiên không ưu đãi. Ôi những góc phố, những con đường thân quen xưa cũ không còn nữa những nét mộc mạc - những vẻ đơn sơ như tà áo trắng trong chiều mà sao lòng tôi vẫn bâng khuâng -vẫn thương nhớ khôn nguôi - Quảng Trị ơi! tôi đã ra đi -đi từ thuở nào! Tôi muốn dang tay ôm gọn con phố vào lòng để thấm thía nỗi đau chia cách ….

                                  Mấy con mắt ngó nhau thương ngày tuổi dại
                                 Bâng khuâng thu về trên lối cũ tìm nhau
                                 Màu trắng ban sơ níu thời gian ở lại
                                Giấu nỗi buồn  ta  thầm lặng với  ngày sau .
                                                                     (Bên bờ thành xưa )
                 Gió chiều nhè nhẹ thổi, chúng tôi rời khỏi quán nước,trở về Đông Hà …
 
  Họp lớp tại nhà Phan Thanh long Nhan Biều

QUÊ TÔI
Sáng sớm thức dậy, không khí mát mẻ dịu êm như trời mùa thu, chúng tôi tiếp tục chuyến đi về Ưu Điềm thăm quê ngoại - dòng Ô Lâu vẫn trong xanh muôn thuở, hồ sen hai bên đường vẫn hồng tươi tựa như hình ảnh trong trắng của những cô thôn nữ làng quê - ruộng đồng xanh biếc xa thăm thẳm trong mắt tôi một khoảng trời rộng mênh mông, hình ảnh Ba Mẹ tôi hiện ra trước mắt. Tôi nhấc máy gọi điện …”Ba ơi! con đang trên đường về quê mình - con đang bước qua những đồng ruộng bát ngát, lúa năm nay được mùa có lẽ dân làng mình đỡ khổ …” những người dân quê đang khom mình trên từng vạt lúa chín – những con bù nhìn đang vô tư vẫy tay chào nhau giữa trời lộng gió.Tôi dừng chân lại … như có dòng máu đang chảy trong thân thể mình. Tôi nhớ quãng đời gian khổ của Cha Mẹ sống trong cảnh đồng khô cỏ cháy, nhớ ngọn lửa rơm chiều bốc cháy ròn rã khi xoay quanh bên Ông Bà tôi nghe kể chuyện cổ tích, chuyện làng quê …Tất cả về lại trong tôi như một mạch nguồn .Mẹ thường  kể cho tôi nghe những lúc quê nhà vào mùa gặt hái, tiếng gà gáy Ó…O …O… vào những sáng tinh mơ đánh thức mọi người, những ngày mưa lũ nước tràn về ngập cánh đồng lúa chín.Tôi đứng nhìn những con đê dẫn từ mảnh ruộng này sang mảnh ruộng khác. Ôi lũy tre làng bao quanh những  đồng lúa bạt ngàn trông thơ mộng làm sao! tôi nắm tay chị N  nửa vui, nửa buồn, nửa ngẫn ngơ như lòng mình đang xao xuyến …
                   Chúng tôi dẫn nhau ra ngồi bên bờ sông Ô Lâu uống mấy ly nước chè xanh Mỹ Chánh. Dòng sông này là nơi cất dấu rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ của Ba Mẹ tôi… những chuyến đò lần lượt xuôi theo dòng nước đi qua trước mặt, bên kia sông đám trẻ đang ngâm mình nô đùa dưới nước gợi cho tôi biết bao nhiêu điều trong ký ức. Tôi cảm nhận làng quê mình thật là đẹp, thật là xưa. Hình ảnh ấy cho tôi nhớ những ngày còn thơ, mỗi lần về thăm Ông Bà Nội Ngoại đi theo Mẹ xuống bến để tập bơi, có lần bị ngộp nước – chao ơi là sợ! sợ “ma rà …” Ngồi uống nước một lúc chúng tôi quay về nhà chú  Ngọc. Nồi cháo vạc giường nóng hỗi trông thật hấp dẫn với thẩu ớt muối do bàn tay đảm đang của thím làm. Lòng tôi tràn ngập niềm vui khi mấy chú cháu quây quần bên nhau vừa ăn, vừa kể chuyện ngày xưa …
Ăn xong, chúng tôi đi viếng mộ trên đồi cát trắng đầy hoa sim tím, màu hoa gợi nhớ trong tôi một kỷ niệm êm đềm khó quên .
                              Màu hoa gợi nhớ tình ai
                              Sắc màu tim tím như loài hoa lan
                              Như em tôi bóng ngút ngàn
                            Sớm mai Huyền Thạch vô vàn dấu yêu .
Cậu tôi đang trở bệnh nặng, có thể đây là lần cuối cùng trong đời tôi được nhìn thấy cậu. Cơn đau làm cho cậu tôi quằn quại trên giường bệnh, nước mắt ứa ra khi con cháu về thăm.Tôi không cầm được nước mắt, ôm lấy vai cậu “ cậu ơi ! cậu sẽ khỏe – cậu hãy vui lên, con cháu đang nhớ cậu về thăm cậu đây! “.Cậu là người gần gũi với Mẹ tôi nhất trong mấy anh em của Mẹ - là người nhẫn nhục chịu đựng, cậu đã từng đi bộ theo nương rẫy 7, 8 cây số  trên vai với gánh khoai, cũ sắn để thăm mẹ con tôi khi tôi mới ra trường dạy học ở một miền xa xôi …..
                Cuộc đời là thế đó!...tan hợp …hợp tan ….Cậu tôi đã qua đời!
Ra  khỏi nhà cậu lòng không vui, mấy chú cháu trở về QT, đi qua làng Điền Hải, ghé thăm mộ con chị Chiến. Con nằm đây mà Mẹ ở bên kia nửa vòng trái đất. Chúng tôi thắp vài nén nhang làm ấm lòng người quá cố. Chiều xuống chầm chậm, một buổi chiều hè ở miền quê thật là thú vị. Hai  chi em mãi  say sưa chuyện trò không để ý …..
-         Chết rồi! chị N ơi! lửa đâu mà cháy tràn lan thế này!
-          Coi chừng người ta bắt hai chị em mình vì tội đốt làng họ
-         Trời ơi ! Lan ơi ….là Lan …!
Thế là tôi và chị N vô cùng hoảng sợ, bốc cát, ngắt vội mấy chùm lá cây tìm mọi cách để dập tắt ngọn lửa mà mình đã vô ý làm lan tỏa, gió chiều cứ lồng lộng thổi giữa nghĩa trang buồn tẻ. Ngọn lửa như có thần cứ dọa nạt chị em tôi …  may thay! có hai người hàng xóm xúm lại cùng nhau dập tắt ngọn lửa …,…Một lát sau hai chị em ngồi phệch xuống giữa bãi tha ma, lòng vẫn bàng  hoàng khi nhìn quanh có nhiều ngôi nhà sống ven đó .
-         Mình vô ý quá chị ơi ! nghĩa địa này trong khu dân cư, mùa này toàn là cỏ khô với lá chết
-         Ư  ! mệt ơi là mệt ! …em có sao không ?
-         Dạ không sao ! chỉ mệt gần chết thôi . (tôi cười xòa )
-         Chị ơi ! có lẽ con chị Chiến thấy mình về, nó vui quá nên dọa hai chị em mình đó!
-         Em tin không?
-         Dạ tin. Người chết cũng biết buồn mà chị !
Hai chị em cám ơn cô hàng xóm rồi rời khỏi nghĩa trang .
      Chúng tôi kể lại câu chuyện vừa xảy ra trên đường về QT. Trời dần dần tối, những ngỏ quanh trong làng xa thật là xa …đi ngược đường về nên mấy chị em chạy vượt xa gần cả trăm cây số.
Chúng tôi về đến nhà lúc 9 giờ tối. Một ngày thật là ý nghĩa, thật là đáng nhớ !
              
Anh chị Phái Mai rủ chúng tôi đi chơi cùng với một người bạn của anh chị, Biển là nơi tôi rất thích, gió chiều thổi nhẹ, xe lăn bánh trên con đường nhựa trãi dài theo hai bên bờ cát trắng, những chiếc cầu nối nhịp qua từng khúc sông quê, rừng dương liễu xào xạc bên tiếng sóng biển rì rào … xa xa có vài chỗ dừng chân cho du khách. Tôi chợt nhận ra quê hương mình thật phong phú, thật giàu đẹp – là một nơi lý tưởng cho những ai biết tìm đến .
 Mấy anh  em tôi dừng lại ở bãi biễn Cửa Tùng (Cát Sơn ). Hoàng hôn buông xuống trên mặt biển, sóng dào dạt xô vào bờ có lúc nghe như mừng rỡ, có khi như hờn giận. Tôi đứng giữa khoảng trời mênh mông lộng gió và thấy mình thật nhỏ  bé …
                     Biển em con sóng  dâng tràn
                    Ta như bờ cát miên man nỗi buồn .
Con người  vậy đó, tâm trạng có lúc như quên hết xung quanh mình, hòa vào cỏ cây hoa lá mà thấy lòng nhẹ nhàng phơi phới ….Ôi ! thật là lãng mạng khi đêm xuống trên mặt biển, những chiếc đèn cầy đem ánh sáng buồn mà ấm cúng của những chủ quán … chúng tôi dùng bửa tối với món cháo cá, mực hấp – thật là ngon!. Các anh chị kể chuyện đời nghe thật ý vị .
                Chúng tôi ra về, lòng mọi người đều mang một niềm vui nho nhỏ.

                Còn những năm ngày nửa là tôi phải xa rời Quảng Trị, lần ra đi này không biết khi nào trở lại. Những ngày còn lại đều cho chúng tôi nhiều sự thân thương, những bữa ăn đơn sơ đạm bạc, những ly cà phê sáng tối có nhau. Buổi họp mặt  đầy tình nghĩa của lớp ở nhà Phan thanh Long để lại trong lòng chúng tôi những tình cảm đậm đà sâu sắc. Những bài hát trước lúc chia tay của bạn bè, nồi cháo gà thơm tho ăn giữa trời khuya. Mỗi đứa như những cô cậu học trò ham chơi không chịu về, không sợ Ba Mạ ở nhà trông ngóng. Anh Phúc mãi say sưa nói, các bạn cứ vang lên những ca từ bất hủ … “Biển sóng biển sóng đừng  trôi xa ,…bao năm chờ đợi sóng gần ta …, ta tìm  em  nơi đâu ?...”  lòng như xoáy sâu vào ký ức .
Buổi tối cuối cùng ở Đông Hà, trời dịu mát sau cơn mưa chiều, chúng tôi rủ nhau sang quán cà phê trước nhà mình khi có ba người bạn đến chia tay . Vẫn ly trà gừng tôi thích uống như một buổi chiều tắt nắng bên sông Thạch Hãn. Chúng tôi lặng im bên tiếng hát Lệ Thu ..  “phố vẫn hoang vu từ lúc em đi …để rồi ngày sau khi ta cần nhau …còn đôi chút êm vui ngày đầu …xin còn nhớ gọi thầm tên nhau …”
Những câu chuyện ngày qua đã trở thành kỷ niệm, niềm vui trở thành sự nuối tiếc .Chúng tôi chia nhau nỗi buồn trước mặt, ngậm ngùi thêm vì khoảng cách xa vời vợi …
                             Xin còn gọi tên nhau giữa mùa thu cất bước
                              Ngại ngùng chi khi tha thiết với thương mong
                              Ngày tháng đi tình xa còn ở lại
                              Muôn trùng về níu giữ bóng phù vân 
Chào Quảng Trị tôi đi nhé !!

 BMT- 20-10-2010 LL
Lại đến giờ chia  tay
K 10 nhóm này, nhóm nọ gặp nhau bên bờ sông Thạch Hãn
                                 

TẢN MẠN TRƯỚC NGÀY VỀ…
CHSNH. Đinh Thị Ngọc Chung
 . K 67-74- Ban C
Hiện ở: 424/10 Nguyễn Văn Luông,P12,Q 6 TP. HCM
DD. 0912 000 846

  Bồn chồn… Nôn nao… Háo hức… Tôi đang đếm ngược những ngày còn lại. Vé đã đặt xong, chương trình cũng đã được sắp xếp, chỉ còn đợi đến giờ G để khởi hành. Trở về và hội tụ. Kỷ niệm nơi ký ức hình như chưa đủ. Phải sống lại, đắm mình vào khoảng không gian xưa mới mong cảm nhận được hết những mênh mang của một thời áo - trắng - học - trò.
 Có phải tôi đang lần mò tìm lại những hình ảnh của thầy cô tôi, bạn bè tôi - và cả tôi  của thủa nào? Một thủa nào mãi vang vọng.
 Sáu mươi năm của một đời người có thể chỉ là những bồng bềnh sướng vui khổ lụy, nhưng sáu mươi năm của một ngôi trường lại chất chứa  những gì tinh túy nhất, trìu mến nhất. Tưởng tượng  ngày sắp đến, hàng trăm ngọn nến được thắp lên trên những cánh tay run rẩy của những thế hệ thầy cô, của những thế hệ học sinh cũ mới từ khắp nơi tìm về để kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Chỉ mới tưởng tượng thôi mà sao lòng mình không kìm nén được cảm xúc.
  Những  kỷ niệm cũ lại ùa về…
Một tôi của những ngày đầu chập chững bước vào trường trung học. Một tôi-cô-bé hoàn toàn khác lạ! Những năm học tiểu học như là của một cô bé nào đó, chứ không phải là của cô bé tôi bây giờ. Nhiều sách vở hơn, nhiều thầy cô hơn. Cái cảm giác lâng lâng khi lần đầu được khoác chiếc áo dài trắng có đính bảng tên “ Trường Trung Học Nguyễn Hoàng” như vẫn còn lãng vảng đâu đó dù đã trôi qua  gần 5 thập kỷ.
 Thời gian thì vẫn cứ đều đặn gõ những bước nhịp êm đềm, cứ tưởng như tuổi học trò cũng sẽ êm đềm mãi  dưới mái trường yêu dấu. Lũ học sinh chúng tôi còn quá đỗi ngây thơ để đón nhận những khốc liệt của  chiến tranh, dù xen lẫn vào tiếng giảng bài của thầy cô là những tiếng đì đùng của súng đạn. Rồi bỗng chốc chiến sự bùng lên dữ dội hơn  vào mùa hè. Hỗn độn, loạn lạc, tứ tán. Ngỡ như chẳng bao giờ còn gặp lại thầy cô, gặp lại bạn bè. Ngỡ như cuộc sống chỉ còn lại những đau thương, mất mát. Nhưng rồi từ những tấm lòng của thầy cô, gom góp kiếm tìm chúng tôi qua từng trại  tạm cư. Thầy trò chúng tôi lại tập hợp nhau  dưới mái trường tạm bợ. Mỗi  học sinh khi đi học đều phải đem theo chiếc ghế để ngồi đã nói lên được sự tạm bợ đó. Dù chỉ là những lớp học tạm bợ nhưng có vẻ như lời giảng dạy của  các thầy các cô đều mang một nét gì đó tâm huyết hơn, thấm đẫm hơn. Chính từ những buổi học tạm bợ đó chúng tôi càng  gắn bó với nhau. Càng nhìn thấy được tình thương mến, bao dung vô bờ của thầy cô dành cho lũ học trò tội nghiệp chúng tôi. Cũng chính từ đó chúng tôi  kính yêu thầy cô mình hơn, gần gũi với các đồng môn hơn.
  Có lẽ trên đất nước nầy  chẳng có ngôi trường nào có một số phận kỳ lạ như ngôi trường của chúng tôi, nên xin đừng ngạc nhiên với những cảm giác nôn nao háo hức khi sắp được trở lại trường . Chúng tôi như những tín đồ của giáo phái “Trung Học Nguyễn Hoàng” trở về hành hương nơi miền đất- thánh-  kỷ- niệm.
  Tôi vẫn còn nhớ như in buổi khai giảng năm học mới nơi ngôi trường Nguyễn Hoàng trại 5 Non Nước. Lộ rỏ nét đăm chiêu trên gương mặt các thầy, các cô, vẻ dớn dác nơi  học trò chúng tôi. Bạn bè  ai còn ai mất sau buổi loạn ly? Còn đâu nữa mái ngói rêu phong? Còn đâu nữa tiếng chuông reo giờ ra chơi vỡ òa đàn bướm trắng? Còn đâu nữa những dãy lầu với từng dãy hành lang chạy dài hun hút, vuông vức từng ô cửa sổ để chúng tôi thả hồn chập chờn theo từng vạt nắng đổ xuống sân trường? Không còn những cành hoa phượng lẻ loi sót lại mùa hè chào đón chúng tôi niên học mới, thay vào đó là tiếng sóng biển rì rào hòa quyện cùng nắng cát. Chúng tôi trở lại học hành sau mấy tháng hè đầy những biến động. Chúng tôi lại tiêp tục cuộc hành trình tiếp nhận tri thức cũng như tiếp tục đi nốt những năm cuối của đời học sinh trung học trong vòng tay độ lượng của thầy cô và tình thân thiết của bạn bè.
Lớp 11C NNĐN dự đám cưới Kiều Minh và Văn Anh( 1973)
Trái sang: Nguyễn Thị Hoa, Ngọc Chung, Bích Liên, Bích Đào, Minh và Anh
Niên học  đó, lớp 11C chúng tôi điểm danh được 21 mạng - 14 nữ và 7 nam. Bọn nữ chúng tôi chiếm ưu thế về số đông trong lớp nên tha hồ chọc phá bắt nạt những anh chàng nam hiền lành.  Giáo sư nam trẻ vào lớp dạy, bọn chúng tôi cũng tìm cách nầy cách khác để trêu đùa, dù hồi đó học sinh chúng tôi vẫn rất tôn sùng thầy như tôn sùng một thần tượng. Vì là thần tượng nên vào lứa tuổi bắt đầu biết “mộng ngoài cửa lớp” đó, thì thầy lớn hơn trò dăm tuổi không tránh khỏi có những trò  đem lòng thương thầm nhớ trộm thầy. Có lẽ cũng từ những rung động đơn phương đó mà trò giỏi lên một cách bất ngờ môn thầy đứng lớp. Lớp học chúng tôi như dậy sóng, dù chỉ là sóng ngầm, kể từ hôm thầy Đỗ Tư Nhơn, dạy Quốc văn - giáo sư hướng dẫn lớp 11C, vào lớp cùng với thầy mới dạy môn Pháp văn; dáng dấp hào hoa, rất đẹp trai (em xin lỗi  thầy vì lúc đó thầy  mới ra trường, còn trẻ quá !). Thầy giới thiệu: đây là thầy Nh.,  thầy dạy Pháp văn lớp 11C các em. May mà nhờ có vẻ nghiêm nghị của thầy chủ nhiệm nên bọn nữ quỷ chúng tôi kềm nén lại được, những tiếng hoan hô long trời lỡ đất chào đón thầy giáo trẻ. Kể cũng lạ, từ lúc thầy Nh.   dạy lớp tôi, đến giờ Pháp văn của thầy, cả lớp như đổi khác hoàn toàn, bọn nữ thì điệu đàng hơn, từ lối đi đến dáng ngồi, bọn nam thì có vẻ dè dặt hơn trong cách ăn nói, có một anh chàng không dấu được nỗi buồn khi biết người mình đang để ý lại si mê thầy giáo. Hình như tất cả nội lực, tất cả sinh mạng của cô bạn Đ. lớp tôi đều dành cho môn Pháp văn, cả lớp đều biết nên cứ trêu chọc Đ. Mà Đ. cũng chẳng cần chối cãi.( Mới đây khi Đ. định cư ở nước ngoài về nước, bọn chúng tôi rủ nhau đến thăm thầy, khi Đ. gặp một ông lão tóc  thì bạc, mắt thì mờ có lẽ thần- tượng- người-trong-mộng đã sụp đổ trong Đ, chỉ còn lại thần- tượng - người - thầy đáng kính). Trong lớp, hễ có đứa nào được điểm cao về môn Pháp văn là sẽ có ngay những tiếng xầm xì. Một bữa, hai cô bạn tôi, Lệ Bê và Bích Lan làm bài tập Pháp văn được điểm cao,

   Ảnh bên( 2011); lớp 11C-K72-73NNĐN) thăm  thầy Đ.V.Nhẫn: Anh Thi và B.Đào, Kiều Minh, Đoàn Hoa, Ngọc Chung, PN thầy Nhẫn, N.T.Hoa, anh Lộc, thầy Đào Văn Nhẫn.
Tôi hỏi chọc: Hai đứa bây cũng mê thầy Nh. hả?
-Lệ Bê nói: Tau có bồ rồi, mắc chi mê thầy!
-Bích Lan cũng nói tau cũng có bồ rồi mà…
Tôi ngạc nhiên hết sức, hỏi lại: Ê, hai đứa bây có bồ khi mô, răng tau không biết?  Ai nói mà biết, bữa mô hai đứa tau hẹn bồ, mi có đi theo không?
Dĩ nhiên là tôi đi theo chúng nó để biết chứ. Tôi hỏi khi mô?
- Hai đứa bảo: Chủ nhật ni.
Vậy là tôi hồi hộp chờ đợi cho đến ngày chủ nhật để đi theo nhìn bồ chúng nó ra sao.
Chủ nhật, chúng nó diện bộ cánh thật mode đến “sam” tôi ở trại 6 rủ tôi đi. Ra đến cổng “sam”, tôi hỏi, bây hẹn ở mô? Chúng nó nói hẹn đi coi “xi-nê”. Vậy là tôi theo chúng nó đi qua rạp Trưng Vương bên Đà nẵng. Bữa đó rạp đang chiếu phim võ thuật.
Tôi hỏi: bồ bây chưa tới à?
Chúng nó bảo, cứ mua vé vào trước, chúng nó tới sau.
 Khi đã ngồi trong rạp, tôi lại hỏi, bồ bây mô nờ, hay cho bây leo cây rồi? Yên chí đi, chúng nó tới chừ.
Khi rạp bắt đầu tắt đèn để chiếu dạo.
-Lệ Bê nói, đó, bồ tau đó, Bích Lan nói, đó, bồ tau đó.
Tôi nhìn quanh chẳng thấy ai, chúng nó bảo “côi” màn bạc tề. Đến lúc đó tôi mới biết là mình bị ‘mắc lỡm”.
Thì ra bồ chúng nó là Khương Đại Vệ và Địch Long! Tôi thì tức cành hông, còn chúng nó thì cười nắc nẻ. Lệ Bê là đứa nghịch ngợm nhất lớp. Có lần cả lớp tổ chức đi chơi biển Nam Ô, có mời mấy thầy đi cùng. Hôm đó thầy dạy Pháp văn  không đi. Ngày hôm sau đi học, đến giờ Pháp văn, Lệ Bê lên bàn thầy mượn thầy cây viết, đến khi trả viết lại, một lúc sau cả lớp nhìn thấy thầy đỏ bừng cả mặt. Sau đó chúng tôi mới biết là trong cây viết có mảnh giấy nhỏ lồng vào với giòng chữ : “ Nam Ô vắng bóng ai”. (Lệ Bê ơi! Rứa là về QT lần nầy, là thêm một lần nữa vắng bóng mi. Và  mãi mãi “vắng bóng” mi trên cõi trần nầy. Nơi miền miên viễn đó mi hãy cứ vui đùa hồn nhiên nhé).
Viết đến đây, khi nhắc đến Lệ Bê, nước mắt tôi chỉ chực trào ra, mới ngày nào, mỗi lần về họp trường là nó cứ ý ới, mi tới mô rồi, mi tới mô rồi. Nó đã ra đi để lại trong lòng bạn bè một khoảng trống khó bù đắp.
   Cũng trong năm tôi học lớp 11 nầy, thầy trò trường chúng tôi cùng chịu một cái tang đau đớn. Thầy Phan Phụng Thạch – Một nhà thơ trẻ, tài hoa của trường chúng tôi đã vĩnh biệt chúng tôi. Thầy ra đi khi tài thơ đang độ chín. Cả trường chúng tôi đều đến tiễn biệt thầy lần cuối trong tiếng khóc nức nỡ nghẹn ngào. Tôi nhớ hôm tiễn đưa thầy, sương mù giăng kín hết cả đất trời, có lẽ nào lòng thương tiếc của chúng tôi đã làm lay động cả một không gian rộng lớn. Thầy ơi, ở trên kia thầy có nghe “ lạnh tuổi vàng”? Có một cô bạn em bây giờ mới thú nhận rằng đã từng yêu thầy say đắm. Có lẽ cô ta yêu nhà thơ chứ không phải yêu thầy giáo đâu, thầy nhỉ?
   Lên lớp 12, trường tạm không đủ phương tiện  để tổ chức dạy và học, số học sinh lớp 12  nữa, chúng tôi một lần nữa lại phân tán mỗi đứa đi một ngã để rồi từ đó trôi theo từng phận người và cuốn theo cùng vận nước.
  Cho đến tận những năm sau nầy, khi hoàn cảnh cho phép, và cũng nhờ ở những tấm lòng cao cả của các thầy cô, nhờ tâm huyết của  các anh chị lớp trước, nhờ sự nhiệt thành của đông đảo tầng lớp cựu học sinh Nguyễn Hoàng khắp nơi, chúng tôi lại được tề tựu bên nhau ở những buổi họp mặt để tiếp tục cuộc hành trình ôn lại quá khứ thân thương và hướng đến những dự phóng của tương lai là thắp sáng mãi truyền thống hiếu học, kính yêu thầy cô, mến thương bạn học.
Tháng sáu cũng đã gần kề. Tháng sáu ngoài “miềng” chắc nắng nóng nung người, gió Nam Lào rát mặt. Có còn không tiếng ve sầu rên rỉ trên những hàng cây trồng quanh Thành Cổ?. Giòng sông Thạch Hãn có lẽ nước đã mặn lên đến ngã ba Vĩnh Định rồi nhỉ. Thương biết mấy những con đường ngày xưa rợp ngời những tà áo trắng. Ước gì ta được khoác lên tà áo trắng ngày xưa. Thôi đành hướng về một ngày tháng sáu, ngày kỷ niệm tròn đầy sáu mươi năm để cùng nhau giang rộng vòng tay nối kết những ước mơ. 

SG, 4/ 2012- ĐTNC
 
NẮNG CÒN TRÊN ĐỒI SIM
CHS:Dương Thị Bích Đào

Thùy Vân, một mình rảo bước xuống bờ biển gần ngôi trường nàng đang học, đó là trường trung học Nguyễn Hòang nằm trong trại tạm cư số năm Non Nước-Đà Nẵng. Nàng ngồi trên bãi biển trong một buổi chiều vắng lặng, nhìn về cuối chân trời, với ánh nắng ngã sang màu vàng cam, màu đỏ sẩm, đẹp lạ lùng, giữa tiếng sóng vỗ nhẹ vào ghềnh đá, vào bờ biển. Ngồi một mình nơi đây để ôn lại những kỷ niệm của những ngày đã qua, những kỷ niệm đẹp và êm đềm, mai đây nàng sẽ từ giã bãi biển Non Nước và không biết bao giờ nàng có dịp gặp lại, cuộc sống ở trại tỵ nạn làm cho tâm hồn nàng lớn dần lên, những suy nghĩ lớn hơn, nàng đứng lên và đi nhanh về trường. Tan trường, những tà áo trắng trinh nguyên lồng lộng trong gió biển, mái tóc dài ôm kín bờ vai, chiếc cặp ôm vào lòng, nàng đi qua phi đạo để trở về nhà.

Thời gian qua nhanh, ba tháng nghĩ hè sắp trôi qua, nàng đang chuẩn bị mọi thứ để ra Huế học tại trường trung học Đồng Khánh năm cuối cùng của bậc trung học vì trường Nguyễn Hòang không có giáo sư dạy môn tiếng Anh cho học sinh ban C kề từ khi Thầy Kế qua đời khi chiếc máy bay Boeing đưa Thầy từ Sài gòn ra Đà Nẵng bị lâm nạn. Nàng còn bao nhiêu việc phải làm, đi ra Huế nộp học bạ xin chuyển trường, thuê phòng trọ, may thêm áo dài, đan áo len vì ngòai Huế vào mùa Đông trời lạnh hơn, mua sách vở, rủ hai bạn cùng đi: Ngọc Anh và Kim Cúc.
.
Thùy Vân và hai bạn thuê được một phòng trong một ngôi biệt thự xinh xắn tọa lạc ở Phủ Cam Huế. Ngôi nhà này nằm trên con đường dài và hẹp, gần nhà Thờ Phủ Cam. Xung quanh bao phủ bởi hàng dậu bằng cây chè tàu, vườn trồng nhiều cây Samppuche, cây khế, cây bần quân, đặc biệt có nhiều cây bồ kết, thân cây cao, lá nhỏ trông giống như lá me, rũ xuống lung lay trứớc những ngọn gió thổi qua.Với nhiều tàng cây nặng trĩu lặng lẽ vươn ra phủ xuống trên mái nhà, trên hành lang, trên lối đi, hai bên hông nhà, những bậc tam cấp, trước hàng hiên. Có những cành cong xuống là đà trứơc mặt bao lơn có thể đưa tay với tới, những tàng cây bồ kết làm dịu đi cơn nắng gay gắt mùa hè. Những trái bồ kết còn xanh kết lại từng chùm, mỗi chùm khỏang mười đến mười lăm trái, có hình dáng như trái phượng nhưng nhỏ hơn nhiều, có nhiều hột, vào mùa này thì nó đang có màu xanh nhạt khi chín thì ngã sang màu đen tuyền. Người dân miến Trung dùng trái bồ kết từ bao đời nay, nó rất dễ dàng cho người phụ nữ khi gội đầu, chỉ cần bẻ nhỏ từng miếng bồ kết để trong một cái thau, đổ ít nước nóng vào ngâm hoặc để vào thau nước phơi nắng trong vòng ba mươi phút thì ta sẽ có nước gội đầu, hương nồng cay làm cho tóc óng mượt và đen bóng, nó cũng còn trị dứt chứng gàu trên tóc.

Ngôi nhà được xây theo lối kiến trúc của Pháp, bằng gạch nung đỏ, mái lợp ngói, với những cửa sổ lớn bằng kính có nhiều ô, rèm cửa sổ màu trắng bằng vải ren, bên ngòai thêm một lớp cửa gỗ lá sách tạo cho căn nhà ấm áp và sang trọng. Căn nhà chính có bốn  phòng ngũ rộng, đi lên bằng những bậc tam cấp, nối tiếp là bao lơn,  một cửa ra vào bằng gỗ quý. Ở giữa nhà là phòng khách với bộ ghế sopha bằng gỗ màu nâu sậm tiệp với các cánh cửa của các phòng ngũ. Tường sơn màu trắng, trên tường treo những bức tranh cổ điển. Kế nhà chính, là nhà bếp với những ngăn tủ* đựng đồ dùng cho việc nấu nướng và một bộ bàn có tám cái ghế dùng làm bàn ăn, trên mặt bàn phủ một cái khăn màu ngọc trai với những mũi thêu nổi lên những bông hoa hồng nhỏ. Đối diện với bàn ăn có một cửa sổ rộng làm bằng kính trông ra vừờn sau nhà. Một giàn hoa thiên lý được làm bằng tre, lọai hoa này dây leo, cây đâm nhánh tủa ra và leo lên giàn, lá nhỏ màu xanh lục, bông hoa thơm ngào ngạt kết từng chùm nở hé nụ nhỏ màu vàng chanh càng về khuya hương thơm tỏa đi khắp vườn, len qua khe cửa vào trong phòng mùi hương thoang thỏang êm dịu. Đứng ở cửa sổ này có thể nhìn ra vườn rộng với nhiều cây ăn trái, kế bên bếp là nhà vệ sinh và phòng tắm.
Nối tiếp nhà bếp bằng một hành lang dài  có mái che, là một dãy nhà ngang, mái lợp tôn, tường xây bằng gạch, có nhiều phòng mỗi phòng có cửa một cửa đi riêng và một cửa sổ nhỏ, có lẽ trước đây dành cho những ngừơi giúp việc nhà ở, hiện nay thì cho sinh viên thuê.
Khu vườn bên phải của ngôi biệt thự cũng có nhiều cây dừa thân cây cao tàu lá dừa thỏng xuống, trái kết lại từng buồng. Gần hàng dậu được trồng ít khóm thơm thi thỏang mới ra trái. Nhìn cách trưng bày của căn nhà chứng tỏ chủ nhân là một người phụ nữ đảm đang.

Chủ nhân của căn biệt thự là chị Hà góa phụ của một công chức sống với hai đứa con, một bé trai khỏang tám tuổi tên là: Huy, và một bé gái năm tuổi tên là Hạnh. Chị Hà khỏang ba mươi tuổi, nhưng trông chị già trước tuổi, đôi mắt to, với hàng my rậm có những vết quầng thâm do nhiều tháng năm dài mất ngũ, nước da ngâm đen, mái tóc dài kẹp lại gọn gàng. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm chị đưa hai con vào trường học sau đó vội vã đến sở làm. Chị làm kế tóan cho một ngân hàng tư nhân, dáng người mảnh khảnh với chiếc áo dài màu tím hoa cà hay màu tím than, đôi khi màu đen, hiếm khi thấy chị mặc áo dài màu sáng, có lẽ cuộc đời của chị quá u buồn khi mà cái chết của người chồng quá cố đến một cách bất ngờ vào những năm trước.

Qua sự giới thiệu của chị Hà, nàng và hai bạn đều yên tâm khi sống ở trong căn nhà này. Thùy Vân  cùng hai bạn chuyển vào căn phòng trong ngôi biệt thự xinh xắn, cả ba cô gái đều hài lòng với chỗ ở mới đầy đủ tiện nghi, phòng ấm áp khi mùa đông và cũng mát mẽ khi mùa hè, khi trời mưa phùn đứng trên bao lơn nhìn ra ngòai đường cảnh đẹp vô cùng với màn mưa giăng giăng rơi xuống cây bồ kết, mưa giăng kín qua lối đi nhỏ vào sân vườn lát bằng bê tông sỏi, những viên sỏi nhỏ màu trắng nhô lên, những nụ hoa hồng, hoa tường vy nở rộn ràng trong nắng ban mai. Mỗi buổi sáng ba người bạn cùng nhau thả bộ đến trường chỉ mất khỏang mười lăm phút, từ dốc Phú Cam qua cầu đi thẳng trên một con đường làm bằng nhựa là đến trường.

Trường trung học Đồng Khánh Huế tọa lạc trên  đường Lê Lợi, mặt tiền nhìn ra dòng sông Hương trên một mãnh đất rộng bao bọc xung quanh với những bức tường xây bằng gạch cao khỏang chừng hai mét quét vôi màu hồng đậm. Trường học được xây theo lối kiến trúc Pháp với những dãy nhà lầu một tầng, một dãy lầu khỏang 12 phòng học rộng, trần rất cao, cửa sổ kính, mái lợp ngói, sàn lát bằng gỗ dày. Có nhiều cây xanh già cỗi theo năm tháng, những cây phượng, cây me, cây nhãn, làm bóng mát cho sân trường… Trong sân trường có nhiều lối đi nhỏ tráng bằng xi măng, song song những lối đi được trồng nhiều lọai hoa tùy theo mùa nở rộ, nhiều nhất là hoa hồng, hoa tường vy, cẩm chứớng, hoa thược dược, được người phu trường chăm sóc cẩn thận, bởi vậy ai đến thăm trường cũng tấm tắc khen ngợi, trông ngôi trường thật đẹp và nên thơ.

Đường Lê Lợi rất rộng với những hàng me tây cao lớn, có hai trường trung học nổi tiếng là Đồng Khánh và Quốc Học nằm song song với nhau cùng nhìn ra bờ sông Hương với những cây phượng vỹ nở hoa rộn ràng khi mùa hè đến, màu sắc đỏ au, rực rỡ biết bao!. Hai ngôi trường chỉ cách nhau một con đường nhỏ, một ngôi trường dành cho nữ sinh, một trường dành cho nam sinh. Cũng trên con đường này có Viện đại học Huế, thư viện, bệnh viện Trung Ương, trường Đại học Luật Khoa,Trường đại học Văn Khoa và Khoa học. Cũng đi dọc theo đường Lê Lợi này qua khỏi cầu Tràng Tiền phía bên phải là Trường Đại Học Sư Phạm, trường Kiểu Mẫu, kế tiếp phía bên trái sát bờ sông có Khách sạn Hương Giang rất nổi tiếng bởi vẽ đẹp kiêu kỳ của nó nằm bên dòng sông Hương lãng mạn nên thơ.Tất cả các cơ sở này đều theo lối kiến trúc của Pháp. Con đường này là tiêu biểu cho khu văn hóa, bên kia sông có con đường Trần Hưng Đạo, Đường Phan Bội Châu, chợ Đông Ba tiêu biểu cho khu thương mại.

Thành phố Huế có ba cây cầu bắc qua sông Hương, Cầu Tràng Tiền có sáu vài mười hai nhịp, sơn màu trắng bạc, cầu thứ hai, là cầu sắt chỉ dùng riêng cho xe lửa, hai cây cầu làm từ thời Pháp thuộc, kiểu dáng theo thiết kế của người Pháp. Để giảm bớt trọng tải cho cầu Tràng Tiên, vì nó đã bị gãy một nhịp trong cuộc chiến năm Mậu Thân nên vào đầu thập niên 70 Huế đã có thêm một cây cầu khác theo lối kiến trúc tân tiến hơn nhưng nó không đẹp bằng cầu Trường Tiền gọi là cầu mới.

Trường Đồng Khánh được đặt tên của một vị vua triều Nguyễn. Ngài lên ngôi năm 1885, lấy niên hiệu và Thụy hiệu  là Cảnh Tông-Thuần Hòang Đế, làm vua được ba năm, mất ngày 28 tháng 1 năm 1888 vào tuổi 24 tuổi.

Mùa đông ở Huế thường thì mưa dầm và trời lạnh, cũng rét buốt như ở Quảng Trị, nàng cùng hai bạn thường “cuốc bộ” đi học, nhiều lúc trong cơn mưa tầm tã, nhiều lúc lạnh rét căm căm. Thùy Vân thật sự cô đơn và trống vắng khi hai người bạn đã từ giã nàng để cùng gia đình đi định cư ở Hàm Tân, thuộc tỉnh Bình Tuy theo chương trình di dân khai hoang lập ấp của chính phủ dành cho đồng bào Quảng Trị đã không còn chỗ để hồi cư. Đó là vào giữa tháng 12 năm 1973.

Mùa hè đã đến, những con ve sầu ở trên những tàng cây trong sân trường kêu lên theo từng điệp khúc, một con ve xướng lên khúc nhạc; thế rồi hằng ngàn con ve khác cùng đáp lại một nhịp điệu kêu lên thật lâu không dứt tiếng, thật là ồn ào, nhiều lúc thầy phải ngưng giảng bài vì học sinh không nghe được. Lớp học 12C2 của nàng là phòng cuối trên dãy lầu phía bên trái của trường, cửa sổ mở rộng nhìn ra khỏang không gian bên ngòai có những cây nhãn, cây phượng cao lên đến lớp học, lũ ve trốn trong những vỏ cây, nằm ép mình trong những chiếc lá. Người ta nói con ve từ lúc ấu trùng nằm trong vỏ cây là 15 năm mới trưởng thành phát được tiếng kêu trong mùa hè đó….

Mùa thi Tú tài đã qua và Thùy Vân đã thi đậu, còn nổi vui mừng nào hơn, mười hai năm, quả là một khỏang thời gian quá dài của một người học trò cặm cụi với đèn sách, cơm áo cha mẹ cho đi học, biết bao thứ mà cha mẹ phải lo lắng, để khỏi buồn lòng cha mẹ với quyết tâm thi đậu tú tài nay đã đạt.

Thùy Vân trở về Thị tứ Hải Lăng, Quảng Trị, nơi gia đình nàng về hồi cư vào đầu tháng sáu vừa qua. Đây là một bãi đất cát trắng, không có cây xanh, người ta đổ thêm đất đỏ Ba-zan để làm những con đường chạy song song với nhau, trên những con đường dài này, những ngôi nhà được cất lên theo kiểu tiền chế, mái lợp tôn dợn sóng, vách bằng gỗ thông, nền nhà chưa được tráng xi măng, nó là nền đất nên nhiều bụi bặm, nhà nàng nhìn ra đường quốc lộ 1. Đêm đêm những con đôm đốm bay lập lòe trong màn đêm tối thẩm.
Một tỉnh lỵ Quảng Trị  được thu nhỏ được xây dựng lại trên vùng đất mới gồm có chợ và trường học, cư xá công chức, chùa và nhà thờ ...
Ba nàng đã về hưu. Giờ đây ba nàng không biết làm gì cho hết thời gian. Những ngày hè ở đây dài thê lê, nắng gay gắt, gió Lào thổi xuống bãi cát nóng bỏng.

Mùa hè, những cơn gió Lào từ dãy núi Trường Sơn thổi xuống, những ngọn gió nóng làm rát mặt, gió mang theo cát và hơi nóng làm cho ai cũng không muốn ra khỏi nhà nhưng Ba nàng không chịu ngồi ở không trong căn nhà tôn thấp và nóng, ba nàng đi lên rú để chặt gốc sim về làm củi nấu nướng, và rồi ba chị em nàng cũng theo ba lên rú. Từ bãi cát Thị Tứ đi bộ băng qua đường Quốc Lộ 1, có một đường mòn nhỏ, theo con đường mòn này đi miết khỏang một dặm thì đến một triền dốc rộng mênh mông tòan là những bụi sim mọc lấp xấp trên nền cát trắng xám, bên những cây cỏ dại, mùa hè hoa sim trổ bông màu tím ngan ngát, những cánh hoa tím bàng bạc lấp lánh sương đêm còn đọng lại đẹp vô cùng dưới bầu trời trong xanh của buổi sáng sớm làm cho tâm hồn nàng êm ái lạ thường, nàng hít thở không khí trong lành. Ba nàng bới những gốc sim, chị em nàng mổi người chặt cây sim ra từng nhánh nhỏ rồi bó lại từng bó. Ba nàng mồ hôi đẫm ướt tấm lưng, làn da vốn đã màu bánh mật nay lại càng nâu sậm hơn, các chị em nàng đều thương và kính trọng ba.

Dưới ánh nắng chói chang của bầu trời miền Trung, trên đôi vai nặng trĩu họ trở về nhà khi trời đã quá trưa, để lại sau lưng nắng vẫn còn trên đồi sim, nàng thích vẻ đẹp hoang dại của núi đồi, những ngày trôi qua trên đồi sim nàng cảm thấy vui hơn ở nhà. Cả tháng nay, cứ mỗi buổi sáng sớm khi ánh dương vừa ló dạng cả bốn cha con lên rú, Thùy Vân và hai em hóa trang bằng cách mặc chiếc áo lính trận màu xanh sậm, chiếc nón lá đội xụp cùng với mạng che mặt không ai biết đó là ba chị em nàng.
 Hôm nay là ngày cuối cùng của một tháng chặt củi sim vì còn mấy ngày nữa chị em nàng phải trở lại trường học cho niên khóa mới năm 1974-1975. Củi sim, gánh về phơi khô chất đầy trong căn nhà bếp, đó là thành quả lao động của họ trong một thời gian ngắn, chị em nàng rất vui khi đã làm được việc để Ba mình được vui lòng.

Mỗi buối sáng, ba nàng thường ngồi một mình trên bộ bàn có sáu ghế đặt ở giữa ngôi nhà nhìn ra ngòai trời với khỏang không gian truớc mà lo âu suy nghĩ: “Cuộc sống ở đây quá tạm bợ với căn nhà tôn vách ván trên bãi cát chơ vơ, làm gi để sinh sống, đất cát bạc thếch không có màu mỡ để trồng trọt cuối cùng người đi đến quyết định: Vào Nam tìm miền đất mới.”

 Mùa hè qua đi, mùa thu lại đến, các em của nàng đã trở lại trường học, trường Nguyễn Hòang được tọa lạc trên một khuôn viên rộng, trường vừa xây dựng xong, rộng rãi và thóang mát có tầng lầu và ban công rất đẹp, các em nàng rất thích thú khi được trở về trên quê hương, học trên mái trường thân yêu cùng thầy cô và bè bạn cũ.

Thùy Vân trở lại Huế để ghi danh học Luật tại trường ĐH Luật khoa Huế, nàng hy vọng sau này sẽ xin được một việc làm trong một ngân hàng tư nhân, nếu có được hai chứng chỉ về môn kinh tế của trường Luật. Nàng vẫn ở lại trong căn phòng trọ của ngôi biệt thự ở Phú cam, chỉ có một mình thôi, không có bạn cùng phòng. Nàng phải chi tiêu dè xẻn vì số tiền mẹ cho quá ít ỏi, không dám mua gì ngòai thức ăn và trả tiền phòng. Một buổi sáng đến giảng đường, nàng gặp lại người bạn học cùng lớp 12, cô ấy tên là Lan Anh nhà ở đường Phan Đình Phùng, nên giờ đây nàng có bạn để đi học vào buổi sáng, trưa về trên cùng một con đường.

Thuỳ Vân trở về Thị tứ Quảng Trị vào dịp lễ Noel năm 1974, Vân trả lại phòng trọ cho chị Hà, giã từ trường Luật, từ giã người bạn gái Lan Anh, giã từ đường Lê Lợi với những buổi tan trường với nắng vàng loang đỗ, hàng cây me tây rợp bóng, đường Lê Lợi thân thiêt quá!. Gia đình nàng không còn ở lại Quảng Trị mà sẽ vào miền Nam sinh sống trong một vài tháng tới.

Đó là một ngày cuối năm thời tiết se lạnh nhưng có nắng hanh vàng, trong một bữa tiệc đám cưới của chị Lê người cùng xóm ngày trước ở Quảng Trị. Đám cưới chị Lê và anh Khánh tổ chức trong căn nhà chỉ có bốn bàn cho hai họ, Thùy Vân gặp một người đàn ông, anh ta chững chạc với chiếc áo sơ mi màu xanh, quần tây màu nâu nhạt, mang đôi dày màu nâu, chiếc áo lạnh bằng da màu xám, trông anh rất lịch thiệp, anh ấy cao lớn, nước da trắng, chiếc mũi cao, vầng trán rộng, đôi mắt sáng. Anh ấy đến bên Vân và làm quen.
-Chào cô bé, cô bé học trường Nguyễn Hòang phải không?
- Dạ, không, tôi học ở Huế.
- Cô bé học trường nào?
- Dạ, Trường Luật.
- Tôi có thể biết được tên cô không?
- Dạ, tên Thùy Vân.,
-Tên rất đẹp
-Vân gọi tôi là Huy
-Dạ vâng.
- Nhà Thùy Vân ở đâu?
- Dạ, phường đệ tam.
-Khi nào có dịp tôi sẽ đến thăm.
Tết năm Ất Mão năm 1975
Ngòai trời mưa phùn và gió lạnh, hai cô em gái: Thùy Hương và Thảo Nguyên che dù đi chúc tết bà con và bạn bè, không khí Tết có vẽ ảm đạm như bầu trời mưa phùn ngòai kia khiến cho nàng không muốn đi đâu hết. Ngồi một mình trong căn phòng bé nhỏ của bốn chị em nàng, suy nghĩ vẫn vơ đến nhiều chuyện. Người thanh niên mà nàng đã gặp trong dịp đám cưới chị Lê.
Huy đến thăm nhà nàng trong dịp tết cổ truyền vào buổi tối ngày mùng hai tết, nàng cũng chưa biết được anh đang học trường nào hoặc làm gì, ba mẹ nàng nói chuyện với anh rất là hợp ý, thế rồi, vào cuối tuần anh thường đến nhà chơi, thỉnh thỏang xin phép mẹ cho nàng ra ngòai quán uống nước, ngồi nói chuyện ở những quán cà phê nhỏ ở ven đường, thị Tứ này bây giờ chưa có điện, bởi vậy không có đèn đường, đường sá tối căm, nhà nhà thắp đèn dầu, ánh sáng le lói hắt qua khe cửa sổ.
Chị Quỳnh Hoa trở lại trường học sau hơn một tuần về nhà ăn tết. Chị vẫn ở lại Huế học cho đến khi ra trừong, truờng có khu nội trú nên mẹ không lo lắng nhiều mỗi khi gia đình chuyển vào Nam sinh sống.

Vầng trăng tròn mười sáu nhẹ nhàng tỏa sáng, Huy và nàng sóng bước bên nhau dưới ánh trăng soi sáng vằng vặc xuống những mái tôn dợn sóng bàng bạc, rọi xuống những con đường đất đỏ Bazan, cảnh trí ấy thật mờ ảo như một màn sương mù của buổi sáng mùa thu này nào ở tỉnh lỵ Quảng Trị thuở xưa. Hai người đi xuyên qua khu chợ của thị xã để đưa Vân về nhà, dưới chân cát trắng xóa cùng với ánh trăng tạo nên một khung cảnh nên thơ. Vân trong bộ đồ tây, áo sơ mi màu trắng ngắn tay, quần tây màu hồng nhạt, khóac thêm một chiếc áo len màu hồng phấn trông nàng xinh hơn, dịu dàng hơn, nàng yên lặng đi bên anh, ánh trăng thượng tuần chiếu sáng khắp bầu không gian yên tỉnh đến lạ thường, cả khu Thị Tứ đang chìm đắm trong giấc ngũ, chỉ mới chín giờ đêm thôi mà mọi nhà đều cửa đóng im lìm, trông nơi đây như là một tiền đồn heo hút nào đó, hay một vùng sa mạc hoang vu, cảnh vật quá lạnh lẽo, quá cô đơn và buồn tẽ. Sao tự dưng tỉnh lại cho dân về định cư nơi đây, bởi chỉ cách quốc lộ một khỏang chừng 700 mét, bên kia đường quốc lộ là những dãy mồ hoang lớp lớp của những nạn nhân chết trong chiến sự  mùa hè năm 1972, nàng suy nghĩ mà không thể hiểu được. Tại sao?
-Về nhà thôi anh, ngày mai gia đình em vào miền Nam, anh đừng đến tiễn nhé! Thùy Vân nói nhỏ.
Huy nắm tay nàng xiết chặt và dặn dò:
-Thùy Vân nhớ giủ gìn sức khỏe, anh sẽ thường viết thư cho em.
-Dạ, em hiểu.
Di chuyển vào Nam.
Đó là ngày mùng 3 tháng 3 năm 1975 cả gia đình nàng lên xe đi vào Sài Gòn, đúng như ba nàng đã định, sau hai ngày xe chạy và ngừng để nghĩ qua đêm tại phòng trọ, cuối cùng gia đình nàng đã đến Long Thành bình yên. Ngòai vườn, nắng đã lên cao trên những cây chôm chôm đầu mùa trĩu quả, cuộc sống mới của gia đình nàng trên một mảnh vườn rộng với một căn nhà nhỏ.



Savannah, ngày 9/4/2012
DTBD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét