Nguyễn Thị Vĩnh Phước - CHSNH (1971 -1975)
Tháng 5 năm 1976 - mùa gặt chính. Đây cũng là thời điểm đầu tiên tôi bỏ lại sau lưng tất cả những mộng ước một thuở áo trắng học trò để bước chân vào đời trong vai trò mới. Tôi trở thành lao động chính. Nghề nghiệp: Trồng cây lương thực. Nơi làm việc: Hợp I - tên gọi tắt từ mấy chữ Hợp tác xã Nông Nghiệp số I của đội sản xuất quê nhà Lam Thuỷ - nơi mà mẹ con tôi dắt díu nhau trở về sau ngày 30/4/1975.
Tháng 5 năm 1976 - mùa gặt chính. Đây cũng là thời điểm đầu tiên tôi bỏ lại sau lưng tất cả những mộng ước một thuở áo trắng học trò để bước chân vào đời trong vai trò mới. Tôi trở thành lao động chính. Nghề nghiệp: Trồng cây lương thực. Nơi làm việc: Hợp I - tên gọi tắt từ mấy chữ Hợp tác xã Nông Nghiệp số I của đội sản xuất quê nhà Lam Thuỷ - nơi mà mẹ con tôi dắt díu nhau trở về sau ngày 30/4/1975.
Ngày đầu tiên tôi tham gia lao động đúng vào mùa gặt. Đó là một ngày mùa hạ đầy nắng gió. Những cơn gió Lào quăng quật rát bỏng vào mặt, vào những bước chân non nớt của tôi đang cùng đoàn người tay cầm đòn xóc, tay cầm vằng (lưỡi hái) hướng về phía ruộng trũng có tên là Bàu, Đội. Ruộng ở đây sâu nhất làng, quanh năm ngập nước. Bao năm rồi chiến tranh, ruộng đồng bỏ hoang. Nghe đâu thời giao tranh ác liệt đã có không ít xác người nằm lại nơi đây mà chẳng được mai táng. Có lẽ đó là lý do để Bàu là nơi tích tụ nhiều thứ ô nhiễm nên bất cứ ai một lần lội xuống đó đều bị ngứa, gãi trầy da tróc vảy đến tận xương mà chưa “đã” ngứa. Tôi theo mọi người lội bì bõm trong ruộng để gặt lúa, lúc đầu còn lớ ngớ lắm nhưng sau một lúc để ý các thao tác của người bên cạnh, tôi cũng huơ vằng, cũng xoay xoay cho nắm lúa thật chặt tay rồi mới vung chiếc vằng cắt đánh soạt như bao người khác. Đáng sợ nhất là bầy đỉa, con nào con nấy dài thượt, mình trơn tuột đầy vệt ngang dọc rằn ri cứ lượn lờ chực bám vào chân người. Tôi vừa gặt vừa “cảnh giác cao độ” lũ đỉa đói. Vậy mà lâu lâu cũng có một con đeo tòn ten ở bắp chân. May có chị Thương gặt kế bên bảo tôi nhắm mắt lại - đừng nhìn - để chị bốc nó vứt ra xa. Buổi sáng đầu tham gia lao động sản xuất của tôi trôi qua trót lọt nhờ có mấy người bà con hàng xóm tốt bụng, thương đứa học trò vừa tập lội ruộng nên đã tận tình giúp đỡ, coi như tập sự xong. Đến trưa gánh lúa về mới là điều nan giải; coi mọi người xóc lúa, gánh lúa nhịp nhàng thế chứ không dễ gì đâu. Xóc lúa không đúng cách khi đưa lên vai chạy một quãng là lúa sẽ rơi khỏi đòn xóc ngay; không biết đi theo nhịp, lúa cũng sẽ bị “trơi”; mà việc xóc lại gánh lúa đã bị trơi thì càng khó hơn… Ôi thôi! Từ một đứa học trò chỉ biết sách vở, giờ bắt tay vào những công việc đồng áng mới thấy khổ làm sao!
Tôi còn nhớ như in lúc đi qua con mương Thiên Trung, gánh lúa trên vai quá nặng so với vóc dáng bé nhỏ của tôi. Nhìn xuống dưới mương nước đang chảy tôi thấy một con đỉa trâu - loại đỉa rất lớn hay bám hút máu trâu bò - to đùng nổi lềnh bềnh trên mặt nước làm tôi bủn rủn cả tay chân. Thế là“uỵch”, tôi té nhào xuống bờ mương. Chưa hết, cho dù bị té đau điếng, cái đòn xóc mang nặng hai bó lúa đè ngang cổ đến nghẹt thở, tôi cứ vẫn co cao hai chân, quyết không để chân đụng mặt nước dưới mương vì sợ con đỉa đánh hơi bám vào. Tôi cất giọng khàn khàn kêu cứu:
- “Quốc … Quốc …ơi…!”
Quốc là cháu họ của tôi, một thanh niên hơn tôi chừng vài tuổi. Quốc có làn da ngăm đen, mạnh khỏe và rất vui tính. Hắn luôn đi sát bên tôi trong những ngày đầu tập sự công việc đồng áng, hầu kịp thời giúp đỡ cho O học trò vừa chân ướt chân ráo vào nghề.
-Nghe tiếng kêu, Quốc quay lại.
Thấy cảnh ấy,
Hắn trách liền “ Đã nói rồi, để cháu đi sau o mà không chịu. Lỡ o có bị té thì cháu đỡ cho mà không nghe. Cứ kêu cháu về trước uống nước kẻo khát, may mà cháu đi chầm chậm “chơ” không thì o làm răng đây?”
Dứt bài ca cẩm, Quốc nhẹ nhàng đặt gánh lúa trên vai xuống bờ ruộng rồi bước lại chỗ tôi.
Bỗng dưng hắn ngó tôi đăm đăm rồi ôm bụng cười lăn lộn.
Trời ơi!
Tôi vừa sợ chân mỏi sẽ rớt xuống nước vừa mệt vì ngạt thở, hắn chưa chịu cứu tôi mà cứ đứng đó ôm bụng cười còn chỉ chỉ vào chân tôi nữa là sao? Tôi tức đến chảy nước mắt.
Thấy thế, hắn hoảng hốt “O… o răng rứa?
Thôi đừng khóc... đừng khóc, để cháu đỡ cho”.
Nói xong hắn đỡ gánh lúa đang đè trên cổ tôi rồi vội vàng nắm chặt tay cho tôi bước qua bờ mương đất mềm nhão nhoẹt đầy cỏ lác. Quốc đặt gánh lúa của hắn lên vai tôi nói “O gánh gánh ni, để cháu bó lại gánh lúa tê rồi cùng về kẻo trưa rồi”.
Nghĩ lại thấy tội hắn ghê nhưng cũng tức nữa, hắn đã cứu tôi nhưng từ đó hắn có một đề tài ưa thích để chọc ghẹo tôi. Cứ mỗi lần cùng đoàn người ra ruộng, ngang bất cứ con mương nào, hắn lại diễn cái màn tôi té bên bờ mương rồi cất tiếng vịt mái kêu Quốc … Quốc ơi! làm tôi mắc cỡ muốn chết còn mọi người thì được dịp cười đau cả ruột.
Xong mùa gặt, chúng tôi lại tiếp tục làm đất ruộng, nào cày, nào cuốc… rồi gieo hạt, nhổ mạ và cấy lúa cho vụ trái. Cuốc đất ruộng được gọi là cuốc đất ải. Mấy ngày đầu, da tay tôi bong lên, sưng mọng nước, rồi dập ra, đau thấu xương. Thế nhưng cũng phải ráng cho kịp người ta. Cứ một hàng ngang đưa cuốc lên phặp… phặp, mình dừng lại xoa tay là bị tụt hậu liền, chuyện công điểm bình bầu cuối ngày có thể không cần thiết nhưng sợ cuối ngày lại nghe “phê bình” rằng ...thì là... là... là... là… là…thanh niên 17 bẻ gãy sừng trâu mà mà… mà… mà…cuốc đất giống... giống ông thầy phùy thủy hươ cây làm phép thì nhục lắm…
Cũng may Quốc luôn cố ý đứng gần để “vớt “ cho tôi.
Qua một vụ mùa đã quen với công việc đồng áng, hai bàn tay đã đầy vết chai, tôi tự tin hơn, không còn sợ sệt và lớ ngớ như trước nữa. Vừa làm việc, tôi cũng vừa hò vè đối đáp với mấy o, mấy chị lớn tuổi; những câu hò mái nhì dặt dìu hoặc hò khoan hò hụi … để quên đi phần nào sự vất vả trên cánh đồng một nắng hai sương. Một lần, đội sản xuất của tôi xuống cấy ở ruộng Bàu. Nhìn qua đám ruộng bên cạnh, tôi thấy Hùng đang dắt trâu. Cũng như mấy anh chàng học trò vừa làm quen với ruộng đồng; Hùng chưa biết cày nên cầm sợi dây xỏ mũi con trâu to bự chảng đi trước để người đi sau cày hoặc bừa làm đất cho ruộng cấy, việc làm đó có tên là “dắt trâu”. Dắt trâu coi vậy chứ không dễ đâu, gặp con trâu dỡ chứng hay lồng lên, không chịu đi, là người dắt trâu bị thợ cày nạt nộ tối tăm mặt mũi.
Hùng là thằng bạn học lớp vỡ lòng với tôi ngày trước. Hồi đó chúng tôi học vừa xong lớp Một thì trường làng bị pháo kích đổ nát, nhà tôi cũng tan tành trong một trận đánh. Thế là tôi theo gia đình ra tỉnh học; còn Hùng là con nhà lính nên theo cha vào tận Sài Gòn, mãi đến cuối hè năm 1975 hai đứa tôi mới gặp lại.
Một ngày, anh Lam - con ông bác họ đồng thời bạn học cùng lớp với tôi đã đưa Hùng đến gặp tôi. Lam nheo nheo mắt hỏi tôi “Nhớ ai đây không?”.
Tôi thấy Hùng rất quen nhưng nhìn cái bảng tên trường thì lạ hoắc nên chỉ cười không nói.
Hùng nhắc “Hồi đó hai đứa mình cùng ngồi chung bàn đầu ở lớp Một trường làng Lam Thuỷ đó”.
À thì ra là hắn, đứa con trai ở xóm Sông ngồi bên cạnh tôi suốt năm học lớp Một của ngày xưa ấy.
Trong lũ học trò nhà quê hắn nổi bật nhất lớp nhờ làn da trắng trẻo và áo quần sạch sẽ tươm tất.
Gặp lại bạn tôi vui lắm, hỏi thăm nhau về gia đình và việc học hành mới biết ba Hùng đã tử trận nên mẹ hắn đưa con cái về quê. Để rồi bây giờ chúng tôi cùng dứt áo thư sinh để bước vào đời nông dân. Một thoáng nghèn nghẹn bất chợt kéo đến khiến tôi cay cay mắt.
Hùng cũng thấy tôi, hắn hơi ngẫn người ra một chút rồi cười cười vội vã bước đi trong đám bùn ộp oạp.
Tôi cũng chăm chú cùng mọi người cật lực cấy cho xong đám ruộng, vì sợ chiều nước dâng khó cấy, dù đôi chân ngâm trong ruộng nước dơ, ngứa ơi là ngứa.
Buổi trưa vừa về đến nhà là tôi vội rửa sạch hai ống chân, lau thật khô rồi xát cả cối gừng tươi trộn muối hột mạ tôi vừa giã nát chờ sẵn. Sáng nay, biết tôi đi làm ở Bàu, nên mạ tôi đã làm sẵn món thuốc tự chế ấy trước khi con trở về. Nhờ thoa “bửu bối” của mạ vừa rát, vừa nóng nên chỉ làm chân tôi sưng tấy lên và đau nhức nhưng cũng bớt ngứa, không phải cào lòi cả da non như mọi người. Chiều đó, khi tập trung trên đường xóm để chuẩn bị xuống cấy ruộng Thiên Tả; nhìn chân của những người khác mới kinh khiếp làm sao!... Trời ạ! Đôi chân của họ không những bị trầy vi tróc vảy mà còn đủ màu sắc: Chỗ thì xanh lè, chỗ thì tím ngắt, chỗ thì vàng vàng... Hỏi ra mới biết vì ngứa quá không chịu nổi nên ai cũng cào rách da rồi lấy khế chua hoặc ớt trái xát vô cho bớt ngứa. Khi da ngấm khế và ớt rồi lội xuống bùn thì chân họ biến thành màu sắc thập cẩm vậy đó. Mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy chân tôi không như họ, tôi liền truyền “bí kíp” của mạ tôi và ai cũng làm theo, nhờ thế lần sau dù vẫn ngứa nhưng chân cẳng mọi người cũng dễ coi hơn.
Hôm sau vào giờ nghỉ trưa Hùng đến thăm tôi, hai đứa vừa ngồi nói chuyện trên trời dưới đất vừa thi nhau đàn tơ-rưng vì ngày qua lội Bàu. Ai xuống Bàu về mà không thành "nhạc sĩ" thì chắc chắn không phải là người trần thế! Lúc về hắn ra trước hàng rào nhà tôi xách vô một nón ổi, từng chùm hai trái, chín trắng bóc, thơm lừng dúi vô tay tôi nói “Có người ở xóm Sông tặng bạn…” rồi đi thật nhanh ra cổng.
Tôi ngơ ngác chưa kịp hỏi gì thì hắn đã biến mất tăm sau luỹ tre làm tôi cứ thắc mắc Ai rứa hè? Ai dấu ổi chín vào hàng dâm bụt nhà tôi rứa hè? Lạ thiệt!
Tháng ngày qua mau, mùa gặt vụ trái đến rất nhanh.
Ở quê tôi để gặt hái kịp thời người ta thường có câu “Mười bốn hơi xanh, rằm quá chín”. Đó là câu nói lo sợ việc thu hoạch không sớm thì bị trễ vì thời tiết khắc nghiệt. Về mùa gặt tháng mười, nông dân ra thăm ruộng vào ngày mười bốn thấy lúa chín chưa đều lắm, tính toán chừng vài hôm nữa thu hoạch, để khi xay giã hạt gạo không nát.
Nào ngờ, vào đêm đó trời mưa lớn, những trận mưa kéo dài ngày nầy qua ngày nọ không dứt, nước dâng mênh mông rồi thành lụt, cả đồng lúa chìm ngập trong biển nước. Thế là, lúa chín trên cây lớp bị thối, lớp lên mộng, thôi thì vớt được chừng nào hay chừng đó chứ biết làm sao được? Rằm quá chín là vậy.
Từ đó nhà nông quê tôi lưu truyền câu nhắc nhở “xanh nhà còn hơn tra đồng”, vì thế nên mùa trái, mọi người thường lo gặt sớm đề phòng mưa lụt, dù lúa mới chín vang vang. Con đường xuống ruộng Bàu, mùa nầy nước lênh láng không đi được, chúng tôi phải ngồi trên ghe lấy đòn xóc chống xuống nước để lần vào ruộng. Mọi người lội nước ngang ngực, đưa lưỡi vằng vớt lên để cắt từng nắm bông lúa nổi thành dề trên mặt nước.
Người gặt; kẻ bó. Chúng tôi lội ì - oạp trong nước. Khi chiếc ghe đã chất đầy những bó lúa ướt đẫm, mấy người phụ trách vận chuyển có nhiệm vụ đẩy ghe lúa về sân đội. Trời vẫn mưa như trút, nước từ con mương Thiên Nhì tuôn ào ạt, cả cánh đồng lai láng như mặt bể không còn phân biệt được đâu là bờ, đâu là ruộng. Mọi người lu thu trong những chiếc nilong, tất bật vớt và chuyển lúa, mặc kệ bầy đỉa mén con nhỏ như cọng tranh tha hồ bâu vào người. Gặt hái cực khổ thế nhưng ngày công mỗi người chỉ được vài ba lạng lúa ướt, đem về nhà rang rang, giã giã; xong nấu lên thì cơm thành cháo, nên bà con không hẹn mà đều thành... kẻ cắp.
Chuyện nông dân ăn cắp lúa là chuyện dài nhiều tập.
Nói như mạ tôi nói “Bần cùng sinh đạo tặc”.
Thật là tội nghiệp cho người nông dân thuở đó, vì mỗi công lao động xuất sắc đến mùa chỉ được chia 3 lạng lúa ướt (lúa tươi, chưa phơi khén), còn công lao động học trò như tôi thì may ra còn một nửa. Được mùa. Lúa vàng cả đồng, vàng cả sân đội nhưng phơi khô xong là đóng bao chờ "trên" về chở đi. Ngày mùa mà người nông dân vẫn phải ăn độn.
- Đói. Thế là sinh ra ăn cắp.
Họ ăn cắp chính cái họ làm ra.
Một lần tôi có đọc đâu đó người ta viết mỗi buổi tối họp ở sân đội xong là đống lúa vơi đi, vì bà con ngồi họp bốc lúa cho vào túi. Sao mà nơi đó dễ dãi thế nhỉ?
Ở Hợp I của tôi làm gì có chuyện đó.
Ngồi họp: lúa một nơi, người một nơi; vô phận sự miễn đến gần.
Làm sao mà bốc lúa bỏ túi được?
Và thế là có ngàn lẻ một cách ăn cắp khác; “cái khó ló cái khôn” mà.
Tôi nhớ lần gặt lúa ở ruộng Thiên Tả. Ngày hè ruộng khô ráo, những chẽn lúa no tròn nặng trĩu dập dềnh theo gió tạo thành một tấm thảm vàng thơm ngát mênh mông đến tận chân trời, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy no. Nhưng lúa tốt mặc lúa, công lao động của xã viên hợp tác xã đã được ấn định rồi, không phải vì được mùa là chia nhiều lúa hơn đâu dù ai cũng thấm nhuần câu “Làm tùy sức, hưởng theo lao động (!)”. Sau một ngày làm việc vất vả, tối về người nông dân còn ngồi nghe cán bộ thuyết giáo, để mơ về một xã hội “Làm tùy sức hưởng theo nhu cầu”. Trong khi chờ ngày được hưởng theo nhu cầu một cách quang minh chính đại, họ cần đáp ứng một nhu cầu cấp thiết trước mắt là ăn. Có lẽ vì thế nên không ai hẹn ai mà họ vừa gặt, vừa suốt lúa cho vào túi. Và sau từng chuyến đưa lúa về sân đội những chị, những thím … vội vội, vàng vàng đặt gánh lúa xuống là nhanh chân về nhà “uống miếng nước, phơi lại nắm rơm hoặc cho heo ăn,…” để trút nắm lúa chắc mẫm từ túi áo ra. Thu hoạch một ngày như thế gấp mấy lần lúa được chia từ ngày công lao động chứ chẳng chơi. Tôi thì không thể học tập điều ấy vì... chẳng có gan..., bởi thế tôi chẳng tranh thủ được gì. Anh Thanh thấy vậy nhìn tôi cười cười “Eng tam miềng có cách khác, mần rứa chi cho mệt!". (Bây giờ nhớ lại, tôi vừa thương vừa buồn cười chuyện lấy trộm lúa của mình thời ấy).
Chiều đó anh Thanh bảo “Vĩnh Phước từ từ rồi về với eng, đừng chạy tót về trước như mọi ngày đó. Mà phải theo bén gót eng nghe chưa?”.
Vào thời điểm đó tôi đã biết xóc lúa cho mình và còn xóc lúa dùm cho chị Dàn, chị Vân, … nữa. Tôi hay chạy về trước thật nhanh để nghỉ ngơi, mặc ai làm gì thì làm, không thèm bận tâm.
Chiều xuống. Chờ mọi người rời ruộng hết, anh Thanh mới nháy mắt ra hiệu cho tôi và chị Dàn thủng thẳng xóc lúa gánh về. Anh Thanh đi trước, tôi và chị Dàn theo sau. Lạ chưa! Anh không đi đường ngoài xóm như mọi lần mà băng qua hàng tre để rẽ vào vườn nhà tôi. Dù thắc mắc nhưng tôi vẫn lặng lẽ gánh lúa chạy theo. Đến nơi, anh bảo tôi và chị Dàn đặt lúa xuống để xóc lại. Không nhìn hai chị em, anh vừa xóc lúa, vừa cười cười nói “Chừ anh xóc 4 bó lúa thành 3 gánh, còn phần em 1 bó, Dàn 1 bó nghe chưa?”.
Tôi hoảng hồn “Rứa làm răng mà gánh?”,
Thanh cười “Yên tâm!”
Nói xong, anh chỉ cách để ba anh em nối nhau gánh 3 gánh lúa chỉ có 4 bó về sân đội - nghĩa là gánh lúa đi trước và gánh lúa đi sau của anh Thanh và chị Dàn; tôi đi giữa: cái đòn xóc chỉ ké vào bó sau và bó trước của hai người kia thôi.
Trong bóng hoàng hôn, người ngoài nhìn vào cứ tưởng ba người gánh lúa chạy lóc xóc nối đuôi nhau - chúng tôi phải chạy thật nhanh mới đánh lừa mắt thiên hạ được - về đến sân đội, cả ba anh em cùng quăng cái ào một lượt xuống đống lúa nên chẳng ai nhận ra.
Thế là xong. Thật siêu đẳng!
Chuyến làm ăn trót lọt nhưng tôi sợ muốn đứng tim. Sợ nhất là lỡ bị phát hiện thì các buổi tối họp thanh niên, tôi sẽ bị bêu danh dài dài, từ làng nầy đến xã nọ. Mà tôi đang là thanh niên rộng rãi, tiêu cực như thế thì làm sao “phấn đấu” vào thanh niên tiền phong được nhỉ? *
Tối đó, khi đem chuyện khoe với mạ tôi, tưởng bà bất ngờ lắm, ai dè mạ tôi cười: "Hồi trước, đến mùa gặt nhà ông nội con đã bị đám thợ gặt ăn cắp lúa bằng cách ấy đấy". Trời! Thì ra chuyện ăn cắp nầy đã có từ xưa, vậy mà tôi cứ tưởng đó là sáng kiến của anh Thanh nên phục lăn.
Chuyện ăn cắp lúa ở ruộng Bàu mới là bi hài. Ngày mưa, những bông lúa vàng óng nặng trĩu ngã rạp mình trên mặt nước. Mọi người gặt lúa tuy hăng hái nhưng vẫn nghe đâu đây tiếng thở dài não nuột, vì những “giã” lúa tốt như thế nầy thường đem đi nộp hết. Lần đó, mấy người có nhiệm vụ chuyển lúa từ ruộng về sân đội bằng ghe, thấy bà con gặt hái quá vất vả mà công cán chẳng được bao lăm, họ đã lén ông đội trưởng vùi mấy ghe lúa xuống cống Đạc Nhứt để chia nhau. Tối đó đi gặt về muộn, theo mật lệnh truyền tai, tôi cùng mấy người trong xóm dò dẫm ra cống lấy lúa. Khi ngang qua ngõ nhà bác Cối, trong bóng tối dày đặc tôi loáng thoáng thấy dáng người cao lỏng khỏng của đội trưởng, hình như đang rình rập gì đó. Thôi kệ! Tôi nín thở rão bước ra cánh đồng trước mặt, vì quen đường, nên tôi tránh được những chỗ lầy lội trên đường xóm. Nghe bước chân, chú Sinh lên tiếng bảo tôi lại gần rồi chất một bó lúa ướt, nước còn chảy ròng ròng vừa vớt từ dưới cống lên cho tôi mang về. Đêm đó tôi mang về nhà đâu chừng ba bốn bó lúa ướt như thế. Mạ tôi mừng vì được “chia lúa” nhưng thương con đứt ruột; mạ xót tôi là đứa rất sợ đỉa mà phải đội những bó lúa như thế về nhà, sau cả buổi chiều lội bùn chưa kịp ăn uống gì. Tôi nghĩ chịu cực một chút mà có thêm thúng lúa là tốt rồi, sức thanh niên mà, cái gì người ta làm được thì tôi cũng làm được, thế thôi.
Mà trời thương hay sao, nên bọn đỉa lúc nhúc dưới cống Đạc Nhứt bữa đó lại chê tôi, tôi đội lúa ướt mấy chuyến thế mà không dính con nào, chứ thiên hạ không ai tránh khỏi. Đặc biệt có một người… thật là cười ra nước mắt! Hôm sau đi làm, một chị hạ giọng kể cho lũ đàn bà ,con gái nghe rằng:
Tối qua đội lúa về xong, chồng của chị ra sân múc nước tắm, vừa tắm vừa kêu “Mạ mi ơi! Lạ thiệt! Răng mà tau có đến hai “con chim ri?”.
Chị vợ mắng “Làm mệt gần chết mà còn đùa dai?”.
Anh chồng nhăn nhó “Tau nói thiệt! Không tin thì mạ mi bưng đèn ra đây soi thử coi”.
Và khi chị vợ bưng đèn ra soi thì… Trời ạ! Một con đỉa to bự chảng, đang đeo lủng lẳng ,song song với …
Nó hút máu no lắc lư nên phồng to như thế mà cũng chưa chịu buông.
Ha ha ha… Đám phụ nữ cười lăn lộn, nhưng vừa cười vừa xót xa.
Thường sau tết là mùa nông nhàn. Thế là “trên” lên kế hoạch đi khai hoang trồng khoai, trồng sắn. Câu ca dao "Tháng giêng là tháng ăn chơi" của nhà nông lưu truyền bao đời đến đây xem như... bế mạc. Tôi nhớ lần đi khai hoang ở núi Trâu Trằn (eo ơi nghe cái tên đã thấy khủng khiếp!) để mừng hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong hợp thành huyện Triệu Hải. Nghe nói vùng đất ấy ngày xưa là nơi lũ trâu rừng chọn làm chiến trường. Ngày ngày, có hàng đàn trâu rừng kéo đến để chọi nhau tranh ngôi bá chủ (?) làm cho cây cối ngã rạp cả vùng đồi núi. Vì thế, khi ngang qua vùng nầy, những người đi rừng đã gọi là núi Trâu Trằn - gọi riết, thành địa danh luôn.
Trời vừa mờ sáng, tiếng kẻng đã vang lên khắp xóm đánh thức người đi khai hoang. Những người có trong danh sách đi Trâu Trằn vội tập trung đầy đủ trước cổng chào của xóm. Ai nấy cơm đùm gạo bới, chăn mền, áo quần được xếp gọn vào chiếc balô và một cái cuốc “lưỡi gà” sắc bén vác trên vai. Từ xóm Bắc Tả, chúng tôi đi bộ vào xóm Sông, sang sông Vĩnh Định trên chiếc đò ngang của làng Lam Thuỷ khi sương còn giăng kín mặt nước. Con đường làng lên xóm Rú lầy lội qua đám ruộng Thượng Điền nhung nhúc đỉa, những bước chân vẫn lầm lũi đi tiếp. Trời sáng dần trên lối mòn đất cát quanh co, những bia mộ thấp thoáng trong lùm cây đã hiện rõ. Đâu đây mùi hoa dẻ thơm ngát, ẩn khuất sau những ngôi mộ cổ. Đoàn người vẫn lặng lẽ hướng về phía phía chợ Diên Sanh. Qua chợ, chúng tôi lại tiếp tục đi lên ngã ba Hải Lăng rồi theo con đường đất đỏ, như một đoàn quân ra trận, mọi người nối nhau cùng thẳng tiến Trâu Trằn.
Rời nhà từ sáng sớm, lại phải vượt qua quãng đường dài, nên bụng đứa nào đứa nấy thi nhau réo ùng ục... biểu tình. May sao khi nhóm chúng tôi đang cố vượt qua một con dốc cheo leo bên vách núi, bỗng nhiên cả mấy đứa đều hướng mắt nhìn về một cái gì trăng trắng nổi bật bên lề đường đất bazan đỏ quạch. A! thì ra là một khúc sắn chín khá lớn, ai đó đi trước hay hôm qua cũng không chừng đã làm rơi. Thế là không thể bỏ qua, mấy đứa đều dừng lại.
Anh Mỹ nhặt khúc sắn, lột hết lớp vỏ chang bên ngoài - cũng may nhờ lớp vỏ chang bao bọc mà lõi sắn bên trong vẫn trắng tinh, thơm phức. Lột chang xong, Mỹ bẻ chia cho mỗi đứa một khúc ngắn, chúng tôi ăn thật ngon lành.
Tôi vô tư phát biểu “Sắn chang mà ngon dữ hè?’ làm anh Mỹ thở dài tiếp lời “Bụng đói thì ăn gì mà không ngon?’
Lần đầu tiên lên núi, tôi thấy gì cũng lạ, con đường chênh vênh men theo triền núi đầy lau sậy, bên dưới là những thung lũng mù sương. Thỉnh thoảng một con chim rừng lẻ loi chao cánh cất tiếng hót lảnh hót rồi bay vút lên tận tầng không, để lại âm vang rung động cả núi rừng. Hai bên đường, từng cụm hoa dại cánh nhỏ li ti, đủ màu sắc chen lẫn với những cọng dương xỉ vươn ra từ vách núi , trông như những bức tranh thêu sống động.
Đến lưng chừng núi thì đã quá trưa, tôi cùng chị Dàn, Thuỷ, Hoa, Thạnh, … tìm một bóng mát bên đường để nghỉ chân và mở gói cơm mang theo ra dùng bữa. Xong, chúng tôi hối hả đi tiếp cho kịp mọi người dù đôi chân đã rã rời khi vượt qua mấy chục cây số đường bộ. Cũng may, lần nào đi Trâu Trằn tôi cũng không phải mang vác gì cả. Cây cuốc thì có anh Mỹ hoặc Văn vác dùm; còn Lành - cô bé cùng xóm kém tôi chừng hai tuổi - cứ đòi gánh ba lô của tôi cho bằng được.
Lành nói “Chị cho em gánh luôn, chơ em gánh một cái ba lô của em không cân, khó đi lắm”.
Thấy Lành dùng cán cuốc gánh hai chiếc ba lô chạy băng băng, miệng cười toe toét vì đã giúp được chị, tôi thương làm sao!
Trong chuyến đi đó, có một chuyện tuy nhỏ nhưng tôi không thể nào quên được, mỗi lần nhớ lại tôi lại nghĩ thầm "Phải chi mình nán lại dăm phút...". Sự đời mấy ai ngờ được, nay còn mai mất cứ như là giấc mộng vậy.
Lần ấy trên đường đi, khi đội xóm Tả của tôi đang leo lên con dốc thật cao thì thấy Phúc - đội xóm Rú - ngồi dưới gốc cây bên vách núi cùng mấy đứa bạn. Thấy chúng tôi, Phúc vừa ngoắc vừa gọi:
“Phước ơi! Mỹ ơi! Phúc có chuyện bí mật muốn nói với hai bạn nì.
Dừng lại đây chút đi”.
Tôi thấy trời chiều rồi, sợ không theo kịp đội nên vừa đi vừa ngoái đầu nói “Chiều rồi... Thôi, để lên trại Phúc qua gặp bọn mình hi!”.
Nghe thế anh Mỹ cũng bước theo. Phúc đứng lên nói vói theo câu gì đó tôi không nghe rõ vì đang vội. Ai ngờ chưa kịp gặp lại nhau thì đêm đó vì đói, Phúc cùng mấy người bạn bên đội, hắn rủ nhau đi nhổ mấy bụi sắn của xã Hải Trường thì bị bắn chết tại chỗ.
Buổi sáng nghe tin Phúc chết, chúng tôi bàng hoàng thương tiếc một đứa con trai tuổi xuân còn phơi phới, một mạng người chết oan uổng chỉ vì mấy củ sắn non. Nhưng rồi mọi chuyện trôi êm, không ai truy cứu và chuyện bí mật mà hắn định nói với hai đứa tôi cũng theo hắn mãi mãi nằm yên trong lòng đất lạnh.…
Vượt qua bao đèo dốc, cuối cùng chúng tôi cũng dừng lại giữa một vùng núi đồi bao la, khi bóng cây trong nắng chiều đã ngã dài bên vách núi. Mệt thế mà chẳng ai dám nghỉ ngơi. Mọi người phải nhanh chóng túa vô rừng tìm cây, lá, tranh, dây để dựng trại liền, nếu không khi đêm xuống đành ngồi giữa núi rừng hoang vu giá buốt nầy thôi. Đám đàn ông, con trai thì đi chặt cây: cây nào to dùng để làm cột làm kèo; cây nào nhỏ thì róc vỏ và gai góc sơ sơ rồi làm vạc giường để ngủ. Bọn đàn bà, con gái mỗi đứa một cái liềm, từng nhóm đi tìm và cắt cỏ tranh tươi về đan thành tấm, lợp mái nhà cho kịp trước khi trời tối. Xen lẫn trong đám cỏ tranh là những bụi cỏ lác bén như dao, khi đưa tay nắm lọn tranh để cắt, bọn tôi đứa nào cũng bị lá cây lác cắt đứt tay, máu chảy ròng ròng mà không dám than.
Nghe nói ở rừng mọi thứ đều thiêng nên phải kiêng, bị đứt tay mà la đứt tay là cứ bị đứt liên tục nên đành cắn răng chịu đau. Những người lớn có kinh nghiệm mách nước rằng muốn cầm máu thì quơ đại vài cọng lá cây mắc cỡ non hoặc vài lá rừng, nhai nhai rồi đắp lên vết thương là cầm liền. Tôi làm theo và đúng như thế. Hay thiệt!
Khi hoàng hôn lan tím cả núi đồi thì lán trại cũng vừa dựng xong. Chúng tôi vội vàng kiếm củi nấu cơm, khói bếp hoà với sương núi ôm trọn mái nhà tạm thơm mùi lá rừng ngai ngái. Giấc ngủ ở rừng chập chờn bởi những tiếng chân, tiếng hú của thú hoang cùng những đợt gió rừng thét gào trên ngàn cây vi vút. Trong màn sương đêm dày đặc, những ánh lân tinh lập loè khắp đồi núi. Người ta nói mấy năm trước nơi đây người chết vô số, có lẽ vì thế mà oan khí của họ đêm về lại chấp chới qua ánh lân tinh.
Buổi sáng, sau khi ăn vội vàng vài miếng, tôi cùng mọi người rời trại để đi khai hoang. Trên đường đi, chúng tôi gặp những đồi sim bát ngát, hoa tím đẹp đến não nùng. Có ai đó không cầm lòng đã cất tiếng hát Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt. Vào chuyện ngày xưa…Câu hát bỗng đứt nửa chừng, có lẽ vì ai đó thúc cùi chỏ nhắc nhở hoặc tay ca sĩ ngẫu hứng chợt nhớ ra. Trời! Dám hát nhạc vàng sao? Dù là nơi núi rừng hoang vắng.
Nghe nói thời chiến tranh, vùng đất có tên Trâu Trằn này từng là nơi diễn ra giao tranh ác liệt của đôi bên. Những đồi núi trập trùng hiểm trở mang tên Động Ông Đô, có hàng rào điện tử Mc.Namara đã trở thành vùng đất chết trong hàng chục năm. Chính vì thế nên khi đến đây khai hoang và tháo gỡ bom mìn, chúng tôi không còn thấy bóng dáng một con trâu nào mà lại nghe mọi người kháo nhau về ông cọp ba móng. Đó là một con hổ hung tợn đã bị lính đóng ở Động Ông Đô bắn què một cẳng vào đầu thập niên 70. Núi rừng, bom đạn trải thảm thế , nhưng chẳng diệt được cọp ba móng, lại khiến nó ngày càng hung dữ và khôn lanh hơn. Nghe đâu khi đêm về, con cọp thành tinh ấy thường lởn vỡn quanh trại những người đi rừng.
Một lần có ông “thợ cội” ** ghé trại tôi ngủ nhờ qua đêm, ông ta kêu mọi người đốt một đống lửa thật to giữa trại để ngăn cọp rình mồi, vì nó rất sợ lửa?
Mọi người lại kháo nhau rằng hình như con cọp ấy theo rình để bắt người thợ cội, vì lúc ông ta rời khỏi trại thì không còn nghe những tiếng kêu bép! bép!... vang vọng trong đêm khuya nữa. Tuy vậy chúng tôi vẫn nơm nớp sợ, vì không biết ông ba mươi ghé lại lúc nào và sẽ lượm ai đi.
Suốt 45 ngày trên núi đồi đầy bom đạn, Mỗi lần tập trung khai hoang là các cán bộ xã vác loa rao thật to Cách xa ra, cách xa ra mỗi người 2 mét. Không được đứng sát nhau! Cách xa ra, cách xa ra mỗi người 2 mét. Không được đứng sát nhau!... Đó là vì họ sợ vường hoặc cuốc phát phải bom, mìn sẽ nổ, làm chết hoặc bị thương nhiều người.
Tôi, Như Ý, Châu và chị Dàn cứ đứng sát sạt nhau mà cuốc.
Chúng tôi thường nói hễ cuốc trúng thì mấy đứa cùng chết luôn chứ sống mà tàn tật khổ lắm.
Thấy bọn tôi cứ xáp vô nhau, xã đội trưởng Khuynh chạy tới nạt “ Mấy o ni có nghe chi không? Xức ra, xức ra mà cuốc chơ, lỡ bị trúng đạn chết hết răng?”.
Bọn tôi cười cười, đứng dang ra nhưng khi xã đội trưởng quay lưng đi là lại xáp vô như cũ.
Hồi đó đâu có nhiều lễ hội như bây giờ nên mỗi lần đi khai hoang, đi phá gỡ bom mìn hoặc đi thuỷ lợi, … bọn tôi xem như đi hội vậy. Hội khai hoang ở Trâu Trằn “hoành tráng” lắm. Bên đồi ni cuốc và hát hò, đồi bên tê cũng hát hò và cuốc. Đang hăng say cuốc, bỗng bên đồi xã Câu Nhi đang khai hoang nghe một tiếng nổ long trời, tiếng khóc la vang dậy, cáng võng chạy rầm rập…
Ngay lúc đó, loa phóng thanh xã tôi cũng vang to không kém
-Tiến lên! Tiến lên! Tiếng hát át tiếng bom. Biến đau thương thành hành động. Tiến lên! Tiến lên!
Chúng tôi cứ cuốc và cuốc, cứ vài nhát cuốc , lại gặp mấy quả đạn mắc trong vỏ lon đồ hộp treo lủng lẳng trên vòng thép gai hoặc đạn 105 li, bom bi thì vô số.
Tôi cuốc trúng một quả gì màu vàng sáng, to bằng nắm tay rất đẹp, hồi đó tôi vừa rời ghế nhà trường nên khờ lắm, đến nỗi hình thù các loại đạn và sức công phá của chúng ra sao cũng chẳng hề biết.
Mấy đứa con gái tranh nhau cầm lên xem, trầm trồ khen đẹp rồi tôi kêu
- Quốc “Quốc ới ời ơi …! O tặng cháu nè…!” Quả vàng đẹp đó xoay xoay trên cao bay về phía Quốc.
Hắn dòm lên rồi vất cuốc phóng như điên, vừa chạy vừa la “Ui o ơi! Quả đạn 79 đó, hắn nổ là chết a”.
Tôi sợ hết cả hồn, may sao nó chưa nổ. Mấy người du kích đến cắm cạnh nó một nhánh cây báo hiệu để mọi người đừng đến gần. Tới trưa thì nó nổ, cát bụi bay mù mịt.
Tôi tiếp tục cùng bà con vỡ đất khai hoang trong sự thiếu thốn mọi mặt về những sinh hoạt hàng ngày. Cái chết luôn rình rập, dù người ta bảo đất nầy đã được tháo gỡ bom mìn; song thực tế thì bom mìn vẫn thỉnh thoảng cười để dậy trời tiếng kêu khóc.
Mỗi ngày chúng tôi cuốc đất rừng, chặt sát gốc những cây gỗ cứng ơi là cứng. Có khi cuốc trúng vào gốc cây làm quăn cả lưỡi cuốc bằng thép. Để khai phá xong một vạt đất rừng chúng tôi phải đổ không biết bao nhiêu là mồ hôi và nước mắt, có khi đánh đổi cả sinh mệnh con người.
Những làn da xạm nắng, những bàn tay cầm cuốc rướm máu đau buốt và những cơn sốt rét rừng nghiệt ngã cũng không tha cả những thanh niên trai tráng, lực lưỡng.
Những người đi khai hoang Trâu Trằn thường đi theo đội - nghĩa là dân ở cùng xóm nên thường là bà con thân thích cả. Đội nào cũng có người lớn tuổi đi theo, họ không chỉ là tay nhiều kinh nghiệm, dày dạn trong lao động mà còn là bậc phụ huynh vừa bảo vệ, vừa quản lý bọn trẻ chặt chẽ trong thời gian sống xa nhà. Chúng tôi rất đoàn kết và lo lắng cho nhau, đám phụ nữ luân phiên lo việc bếp núc, ăn uống cho mọi người. Mỗi lần đến phiên mình làm chị nuôi, tôi về chợ Diên Sanh mua thức ăn cho cả đội, một mình tôi phải vượt qua hết núi nầy tới đồi kia với gánh thực phẩm kĩu kịt trên vai, có khi cả đi lẫn về cũng gần hết một ngày trời. Có lẽ những gian khổ đó đã ghi sâu vào ký ức tôi không thể phai mờ nên cho đến nay, thỉnh thoảng trong giấc mơ, tôi lại thấy mình đi trên con đường đồi núi chênh vênh đó.
Thức ăn mua về chỉ dùng được trong vòng hai ngày nên muối và rau rừng là thức ăn chính của đội. Có hôm mãi lần theo những cọng rau rừng xanh mướt, tôi đi lạc lúc nào không hay. Chỉ biết khi ngẫng đầu lên thì thấy chung quanh lạ hoắc. Tay chân run lẩy bẩy nhưng tôi vẫn khu khư ôm chặt chiếc nón đựng đầy rau rừng. Tìm bóng râm, tôi ngồi phệt xuống, định thần lại cho tâm bình tĩnh để tìm lối ra. Tôi nhớ những người lớn tuổi có dặn rằng, nếu lạc ở rừng thì cứ tìm suối hoặc sông, rồi men theo bờ mà đi thì sẽ tìm được đường về. Thế là tôi cố lắng tai nghe, đúng là có tiếng nước chảy đâu đây. Tôi lần dò bước tới, tiếng nước chảy càng lúc càng rõ rồi qua rặng cây, một khung cảnh đập vào mắt làm tôi kinh ngạc một cách thú vị. Trước mặt tôi là một dòng sông rộng lớn, nước trong văn vắt làm lộ rõ những viên đá cuội trắng tinh dưới đáy. Trong làn nước mát lạnh, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Hai bên bờ sông, vài phiến đá phẳng phiu như được bàn tay vô hình bào gọt cho láng bóng. Cảnh đẹp của thiên nhiên vừa thơ mộng vừa hùng vĩ nhưng tôi không dám nán lại để thưởng thức mà nhanh chóng men theo bờ sông. Sau một hồi quanh co, tôi tìm lối về trại không mấy khó khăn. Hôm đó ai cũng vui vì được ăn một nồi canh rau tươi thơm ngon nhưng họ đâu biết rằng vì ham hái rau mà tôi suýt lạc mất lối về.
Khi đã quen nơi quen chốn, vào giờ nghỉ trưa chị Thương thường hẹn tôi lội dọc theo con suối nhỏ lên tận đầu nguồn, đến chỗ có một vòm cây che kín và mấy tảng đá nhỏ nằm ven suối tròn trịa rất đẹp. Hai chị em nghĩ nơi đây có lẽ chưa ai biết đến nên đã cùng nhau tắm giặt thật vô tư, chúng tôi còn cất tiếng ca những bài hát mình yêu thích giữa núi rừng hoang vắng mà không sợ bị ai nghe nữa chứ. Những khoảnh khắc ấy mới tuyệt vời làm sao!
Sau khi khai hoang xong, mọi người lại tiếp tục làm đất. Trong công việc chúng tôi cũng có những trò ma giáo, ăn gian vui đáo để. Đó là khi ban đo đạc của xã đến kiểm tra số đất khai hoang của từng đội để tính điểm. Đội của tôi do cậu Lộc - đội phó sản xuất - chỉ huy. Lần nào cũng thế, khi có “ông đo đạc” tới là cậu Lộc kêu tôi cùng làm việc. Tôi cầm cây sào dài 5 mét trên tay, cứ thế vừa gợi chuyện vừa đo đất. Biết đôi mắt “ông đo đạc” không nhìn xuống cây sào trên đất mà cứ mãi nhìn mặt tôi để kịp góp chuyện nên cậu Lộc cứ nháy nháy mắt ra dấu. Tôi hiểu ý nên cứ đo được một cây sào tôi lại lùi chừng nửa mét. Nhờ thế đội tôi lời quá trời luôn, đúng là làm chơi ăn thiệt! Người của đội tôi đa số là con gái yếu đuối, làm việc cành khơi vậy mà một ngày có khi tới ba, bốn chục điểm, gấp mấy lần công điểm lao động ở làng. (10 điểm/ngày là công điểm cao nhất ở làng). Thấy đội chúng tôi khi nào điểm cũng cao, các đội kia ức lắm mà không hiểu được lý do, họ cũng không dám nói ông đo đạc của xã thiên vị. Thấy họ tức, thím Thẩm xỏ tay vô túi áo, đứng ưỡn ngực khoe đội ta phần lớn là dân chiêu chang mà lao động giỏi hơn đội họ toàn cá trê (cứng cựa, mạnh). Nói xong thím còn cười cười ra vẻ đắc thắng làm thiên hạ tức lộn ruột.
Khi đất đã lên vồng, chúng tôi bắt đầu trồng khoai và sắn trên đất mới. “Trồng khoai bén tay, trồng sắn bay bụi”, đó là những kinh nghiệm của nhà nông: những ngày mưa chúng tôi trồng khoai và ngày nắng thì trồng sắn. Buồn cười nhất là Trà, hắn cao lớn lênh khênh mà lại lười biếng. Cuốc chừng vài nhát là hắn mang cuốc đi “tra” lại, vì cán đi đường cán, lưỡi văng đường lưỡi. Cậu Lộc bực lắm nên cứ la hắn bằng những câu nói thật nhanh “ Tau... tau là cái thằng hay la mà mi răng cứ nhác nhớn dữ rứa? Rứa chơ khi bình bầu thì cứ đòi xếp loại A vì to con đó”. Còn tội nhất là chú Học, thấy Hoa và Thạnh nhỏ con lại ốm yếu cuốc không kịp, chú thường chạy lui cuốc dùm cho mấy đứa mà không tính toán gì cả.
Khi vạt đất của đội đã phủ đầy những ngọn khoai lang và hom sắn, chúng tôi lại quay về với ruộng đồng, chỉ để lại vài người trông coi và giữ trại. Sau một thời gian, lại lên rừng để thu hoạch sản phẩm. Lần nầy do trại cũ bị sập nên chúng tôi lại phải chặt cây, cắt tranh dựng trại mới. Thấy đám đất bên cạnh trại Hải Thiện sạch sẽ, đội tôi làm nhà tạm trên đó để ở. Hằng ngày chúng tôi nhổ khoai sắn chất thành đống cho người từ hợp tác xã lên chở về. Trưa nào cũng thế, mọi người hẹn nhau ra những chỗ đã thu hoạch để mót sắn. Trưa đó tôi định vác cuốc đi mót sắn thì anh Mỹ kêu lại bảo đừng đi nữa. Tôi sợ không đi mọi người lại cho mình là “tư sản”. Đang dùng dằng thì Văn tới nói “O đừng đi mót nữa, ở nhà cũng có sắn cho o xắt phơi không xuể đó”. Anh Mỹ ghé tai tôi nói nhỏ “Để họ đi ra rừng hết rồi bọn mình lấy sắn ra xắt phơi. Hôm qua khi dựng cột làm nhà anh thấy có một kho sắn ngay dưới chỗ mình đang ở đó”. Nghe vậy, tôi liền kêu Lành, thím Thẩm và mấy người trong đội ở lại lấy sắn dưới hầm lên chia nhau. Tôi sợ khi về lại không gánh nổi nên chỉ lấy một ít cho có rồi cùng mọi người xắt phơi. Lành nói “Chị cứ lấy cho nhiều kẻo uổng, sắn tốt quá nì, để em xắt và gánh về cho”. Tôi cười nhìn hắn “Em không nghe người ta nói Ham của rừng rưng rưng nước mắt à?” Bọn tôi phơi sắn lát trắng cả đồi. Mấy người đi mót sắn về thấy vậy ngạc nhiên hết sức. Chúng tôi cũng không biết vì sao lại “trúng” được hầm sắn tốt như vậy. Vài ngày sau khi sắn lát đã được phơi khô và cất vào bao cẩn thận thì mới thấy mấy người lạ xuất hiện. Họ tìm gì đó dáo dác, hỏi thì họ không nói mà đứng xa xa chỉ chỏ vào trại của chúng tôi. Đến lúc đó tôi mới hiểu ra hầm sắn nầy là do nhóm người đó chôn dấu khi đi thu hoạch cho hợp tác xã của họ, định sau sẽ trở lại lấy chia nhau. Thế mà bọn tôi không biết đó là của ăn cắp, cứ tưởng "trời cho" nên chia nhau hết rồi. Thật là...! Người mất đành ngậm đắng nuốt cay mà người được cũng phải ngậm tăm. Thôi thì đành đổ cho câu ông trời cho ai nấy hưởng chứ biết làm sao???
May mà số sắn trời cho ấy xắt nhằm mấy ngày nắng lớn nên khi phơi khô lát sắn trắng bóc, thơm tho. Còn những lần sau gặp ngày mưa, chúng tôi đành ngâm cả bao sắn xuống suối cho khỏi bị hư, đợi có nắng mới đem phơi để gánh về cho nhẹ. Mà sắn xắt nhằm ngày mưa dù phơi có khô nó cũng không ngon, lát sắn bị thâm xỉn. Nhờ mấy bao sắn mót từ rừng đem về nhà, bà con trong đội đã chống đói được một thời gian đáng kể.
Tuy việc làm vất vả, nhưng ngày tháng sống ở rừng đôi khi cũng thú vị. Vào những trưa nắng gắt mặt trời như rọi sát trên đầu, thừa lúc người lớn nghỉ trưa, bọn trẻ lại hẹn nhau phơi nắng rảo khắp đồi núi rồi lội dọc con suối nhỏ tìm kiếm những điều mới lạ. Có khi bắt gặp cả một khu rừng đầy hoa sim, hoa mua tím ngát hay lạc vào những vùng đất hoang sơ đầy cây cao bóng cả như chưa từng có dấu chân người. Tôi nghe người ta kể xưa những người đi rừng có khi ngang qua một khu rừng đầy chuối, đầy mít hay đầy cam trái chín vàng ửng. Họ đánh dấu định ngày về sẽ ghé hái một ít nhưng khi trở về thì không bao giờ gặp nữa, hầu như họ đã đi lạc qua một vùng đất khác. Người ta bảo đấy chính là của rừng, hái ăn tại chỗ thì được chứ đừng hòng mang về. Chúng tôi muốn đi sâu vào rừng già để tìm những khu rừng trong chuyện kể đó nhưng làm gì có thì giờ, đành phải trở về thôi vì tiếng kẻng báo ca chiều đã vang lên.
Chiều ở rừng thường đến sớm, mới thấy mặt trời hoe hoét đó mà chỉ một lúc là sương mờ đã giăng bủa khắp nơi. Những ngày mưa chiều xuống càng nhanh hơn. Trời sầm sập tối, nhìn ra ngoài bìa rừng chỉ thấy một không gian mịt mờ ảm đạm. Những lúc như thế, tôi lại nhớ đến những ngày còn ở nhà, mỗi chiều đi làm đồng về muộn, khi ánh hoàng hôn đang nhuộm màu bóng tối trên con đường đất quanh co phủ bóng tre xanh dẫn lối vào nhà, tôi thích nhìn bóng mình in trên con đường thân thuộc dưới ánh trăng non đầu tháng. Vào mùa trăng, khi bước đi trên con đường đầy trăng lấp loáng sau những bóng tre, tôi vu vơ nhẩm lại bài tập đọc từ hồi còn nhỏ Ngày chưa tắt hẳn trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ…
Khi đêm xuống, rừng bao phủ trong một màn đêm huyền bí đầy đe dọa, đâu đây tiếng thú hoang gầm gừ từ xa vọng về; tiếng vạc kêu sương nghe khắc khoải và cả tiếng vượn hú càng tăng vẻ thê lương. Nhưng đến mùa trăng thì lại khác, trăng ở rừng như gần gũi với chúng tôi hơn. Rừng núi trong đêm trăng không còn dễ sợ, những cây lá, cảnh vật lấp loáng dưới ánh trăng trông thật thơ mộng, huyền ảo. Trăng tỏa bóng mát êm dịu xuống cả một vùng đồi núi bao la. Mấy đứa tuổi thanh niên như tôi thường cùng nhau thả bộ ngắm trăng. Chúng tôi đi từ con dốc nầy qua con dốc khác, vừa đi vừa ca hát, chuyện trò. Khi dừng lại ở một đỉnh dốc cao nhất, cả bọn bày trò chơi. Đề tài: Bạn thích nhất đêm trăng nào trong tháng. Tại sao? Trò chơi nầy lúc nào cũng mới mẻ và đầy hấp dẫn, nhất là với mấy đứa mới nhập hội “chơi trăng”. Những lúc như thế, chúng tôi gần như quên hết mọi gian lao, vất vả; chỉ còn người và trăng bàng bạc cả núi rừng và bàng bạc cả những tâm hồn non trẻ. Có lúc mãi chơi quên cả thời gian, khi chúng tôi chia tay nhau về trại nghỉ thì tóc tai, áo quần đứa nào cũng ướt đẫm sương đêm.
Ngày ngày công việc cứ đuổi theo chúng tôi không ngơi nghỉ, vừa thu hoạch khoai, sắn ở rừng xong là lúa ở làng đã vàng rực cả đồng. Vụ mùa năm sau vui hơn vì có bà con ở Trung Du về giúp sức. Tôi còn nhớ có chú Tùng, trước khi đi xây dựng vùng kinh tế mới Trung Du có nhà ở bên kia sông. Chú thường lấy đòn xóc của tôi làm điểm tựa để bó lúa. Khi thấy lúa đã đủ chuyến, chú xóc cho tôi một gánh lúa thật gọn và chắc đặt trên bờ ruộng rồi hô to V…ề …ề …. Thế là mọi người ùa nhau chạy đi tìm những bó lúa vừa ý để xóc và gánh về, trong khi đó tôi đã được chú đặt lên vai gánh lúa sau khi gọi “Bé con, lại đây…” Với gánh lúa vừa ý trên vai, con đường về sân đội đối với tôi dường như ngắn lại, vừa thả hai bó lúa thơm tho xuống là tôi quày quả về nhà ngay. Ở nhà, mạ tôi lúc nào cũng nấu một nồi chè hoặc cháo đậu múc sẵn từng chén đặt trên bàn cho con gái. Cháo mạ nấu thật ngon, hạt gạo chín mềm quyện với đậu đỏ bùi bùi thơm phức. Khi ăn, tôi thường đồ cháo ra lòng bàn tay, chén cháo đông lại gọn gàng trông thật thích mắt, cắn một miếng cháo rồi lại cắn một miếng đường đen. Tuyệt! Có ai đã từng ăn cháo kiểu như tôi không nhỉ? Hãy thử một lần để cảm nhận nhé! Với tôi trong miếng ăn giản dị ấy sao mà ăm ắp tình mẹ bao la quyện lẫn với hương vị quê nhà thật là đậm đà, tha thiết. Cũng có khi là mấy khúc mía cơm rượu ngọt lừ - loại mía da tím, mềm và dòn - đã róc vỏ sạch sẽ hoặc chùm ổi chín thơm phức; đó là những thứ mạ tôi trồng lại trong vườn nhà sau ngày hồi hương. Tôi là chúa lười ăn nên mạ phải nấu đủ thứ để trên bàn như thế, mỗi chuyến lúa về nghỉ giải lao, tôi thường rủ chị Dàn và mấy đứa trong xóm ghé nhà ăn bữa lỡ của mạ để dành cho tôi. Những trưa hè nắng gắt đi làm đồng về, tôi thường dừng lại một lát trước cổng nhà mình để nghỉ ngơi; để tận hưởng cái mát mẻ từ bóng tre tỏa xuống. Cổng nhà tôi là một mái vòm mát rượi được uốn chụm đầu nhau từ hai bụi bông kiểng thật to, hàng rào trên lối vào cổng luôn được cắt xén thẳng tắp. Ngày nào cũng thế, từ những cành xanh vòng cung thành cái cổng xinh xinh ấy đong đưa những đoá hoa cánh mỏng đỏ tươi mới nở như những chiếc lồng đèn rực rỡ. Ngày hè hoa càng nở nhiều hơn, có khi những chiếc lồng đèn bằng hoa ấy thi nhau nở, xúm xít từ cổng đến mặt đất. Hai bên đường vào sân là hai hàng huệ tây nở đầy hoa hồng tím, những đoá hoa có màu sắc thật ngọt pha lẫn mùi hương nồng nàn của các loại hoa khác trước sân nhà tạo cho tôi một cảm giác thật dễ chịu. Có khi tôi chưa vội vào nhà mà dừng lại ở bậc thềm chái nhà đầu hè để ngắm những chùm hoa lựu lập lòe, lòng lại mơ hồ về một câu thơ của cụ Tiên Điền ngày trước. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường chăm chút cho từng gốc cây, bụi hoa và việc làm đó đối với tôi thật là thú vị!
Thời đi học tiếp sau ngày 30/4/75, tôi nhớ có học một bài thơ ca ngợi lao động ở miền Bắc gì đó mà có câu "Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta". Câu đó thật đúng với cuộc sống của người dân ở quê tôi ngày ấy. Việc làm luôn tay, kể cả ngày mồng một tết cũng tiếng kẻng vang xóm kêu gọi bà con tập trung để "ra quân" trồng cây đầu năm. Làm cực thế mà có đủ ăn đâu, những lúc đi làm đồng xa phải đem bữa trưa theo, tôi nhìn bà con nhai khoai sắn thay cơm mà lòng xót xa quá đổi. Tôi thì khá hơn vì mạ tôi không còn tuổi lao động nên bà có quyền làm ăn cá thể. Những tưởng con gái đang tuổi lao động chính đi làm nuôi mẹ già, đằng này nhờ mẹ già chắt chiu nuôi con gà, trồng cây rau, cây cải mà con mới có bữa ăn đầy đủ; còn những gia đình như “chị Dậu” thì không thiếu đâu, dù họ làm quần quật quanh năm suốt tháng không nghỉ ngày nào như nhà văn hiện thực phê phán Ngô Tất Tố đã viết.
Vừa xong việc trên đồng cạn, tôi lại cùng mọi người tham gia khai hoang đồng sâu ở Đồng Dương. Hình như bất cứ lúc nào có chuyến đi dài thì đêm trước ngày xuất phát, chúng tôi cũng phải họp nghe triển khai kế hoạch để mọi người quán triệt vấn đề rất khuya, dù cán bộ phổ biến gì bà con cũng nhất trí cao hết. Gà gáy eo oóc mới họp xong, mỗi người về nhà lục đục lo sửa soạn gạo muối, vật dụng xếp vào ba lô chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai. Xong xuôi, lên giường nằm chưa nóng chiếu thì kẻng báo thức đã vang lên. Tôi mắt nhắm mắt mở vừa thức dậy thì mạ đã nấu cơm chín từ lúc nào. Trong khói bếp thơm mùi rơm mới, mạ vừa giục tôi gắng ăn để có sức mà đi, vừa hơ mấy ngọn lá chuối non trên lửa cho mểm để gói cơm cho tôi mang theo.
Đường vào ruộng sâu rất xa, có khi chúng tôi đi bằng thuyền, có khi đi bộ phải lội qua không biết bao nhiêu là con mương rộng và sâu, nước ngang ngực. Tôi thích đi bằng thuyền hơn vì vừa đỡ mỏi chân, vừa khỏi sợ bị đỉa đeo khi băng qua đồng; lại được nhìn cảnh vật lạ mắt hai bên bờ sông. Thuyền trôi qua những bến nước vang vang tiếng cười đùa của đám con nít tập bơi. Cánh đàn ông, con trai cứ nhắm vào mấy o đang chao thùng múc nước hay mấy chị giặt giũ đưa bàn tay đập vải thành tiếng bồm bộp lan xa trên mặt nước, để cất tiếng hò trêu ghẹo. Lắm khi mấy o, mấy chị cũng hò trả treo đáo để không kém. Thích nhất là khi thuyền qua vùng Lương Chánh - Thượng An, nhìn những bãi bắp xanh mướt trên đất bồi ven sông bạt ngàn thật là trù phú. Từ con sông Vĩnh Định, thuyền rẽ vào một nhánh khác về phía Vân Trình để vào ruộng sâu.
Đoạn sông này vừa nông vừa hẹp nên có những khúc sông không cần dùng mái chèo mà chỉ dùng sào để chống. Khi đến ruộng thì mặt trời đã đứng bóng, tôi cùng bà con rời thuyền, bờ sông ở đây nhỏ như bờ đê ở làng tôi vậy. Trên bờ sông, chúng tôi ăn vội bữa trưa mang theo, vừa ăn xong là phải xuống ruộng ngay kẻo chiều nước dâng không làm được lại mất một ngày. Vì suốt ngày lội ruộng nên chúng tôi chả cần dựng lán trại, đêm về chỉ cần vác cái mui thuyền lên úp trên đê để làm chỗ ngủ. Vì đông người nên mấy đứa con gái như tôi, Hoa, và các chị Dàn, Ba, Vân, Thương, … nhường cái mui ghe cho cánh đàn ông. Phía nữ chúng tôi lấy cuốc của mình cuốc mạnh xuống đất cho lưỡi cuốc dính cứng vào đất rồi cứ hai đầu cán cuốc bắt chéo lại với nhau thành điểm tựa. Từ các điểm tựa ấy, chúng tôi lấy nilong treo lên làm mái che, thế là có ngay cái trại tạm thời để ngủ. Khi trời sáng thì "dỡ trại": nilong mang vào người; cuốc vác trên vai. Thế là xong! Có khi ngủ nửa đêm nước sông dâng cao tràn lên bờ, chúng tôi ai nấy ướt lói ngói, rơm và củi đem theo để nấu ăn cũng vắt ra nước, những cái bếp Hoàng Cầm ướt nhẹp nên cơm sống và khê là chuyện bình thường.
Buổi sáng mùa đông rét buốt, gió lạnh thấu xương. Tôi cùng mọi người chuẩn bị đi làm. Từ trên bờ sông nhìn đoạn đường phải lội qua thấy mà ngao ngán. Xa xa, trên những mô đất nhô lên giữa mặt nước mênh mông có những con chim to xù cất tiếng kêu nghe sao mà thảm thiết. Tôi hỏi chú Học "Loài chim chi kêu mà nghe thảm rứa chú hè?”. Chú Học mím mím môi, nhìn trời nhìn nước một lúc rồi tỉnh bơ trả lời “Chim nớ có tên là Ui chao ôi! Ui chao ôi!…”. Tôi và mọi người cười chảy nước mắt, nhưng lắng nghe thì tiếng chim kêu như thế thật! Có lẽ nơi đây đồng không mông quạnh, quanh năm nước ngập, ruộng đồng bao la vắng vẻ quá nên những con chim đó mới cất tiếng kêu buồn da diết vậy. Trời mưa, mưa không ngớt. Chúng tôi rét cóng tay; môi tím tái; răng va vào nhau lập cập. Lạnh thế nhưng ai nấy đều phải vác cuốc trên vai rồi cùng ào xuống ruộng, lội vào tận chỗ khai hoang của đội mình để làm việc. Đến nơi, mấy đứa con gái có nhiệm vụ lội trước, dùng liềm cắt dọn cỏ để cho nhóm đàn ông theo sau cuốc ruộng. Từng nhát cuốc vung lên, phập xuống. Đất đâu chẳng thấy mà chỉ thấy vấy lên từng mảng bùn phèn tan vào nước hoặc quánh lại trôi lềnh bềnh cùng đám cỏ lác. Chúng tôi nhìn nhau, đứa nào đứa nấy mặt mũi lấm bùn. Thỉnh thoảng, Hoa hét lên một tiếng kinh hoàng và vọt chạy té sấp té ngữa khi quơ phải một con rắn trong đám cỏ lác. Còn đỉa ở đây thì nhiều vô kể, những con đỉa to chi mà to lạ! Có con bằng con lươn chứ chẳng chơi, con thì cuộn tròn như con ốc, con thì lượn tới lượn lui dài lằng ngoằng thấy mà nổi gai ốc cùng mình. Nghe đau và khó chịu ở chân, tôi kéo chân lên và quay lại nhìn thì ôi thôi: một con đỉa dài thượt đã "đo" hết ống chân tôi. Vừa sợ vừa ghê, tôi bặm môi nghĩ Một là mi chết, hai là tau chết rồi cố hết sức dùng cái cuốc lưỡi gà sắc bén gạt một phát từ trên xuống, không biết nó chết hay không chứ tôi thì bị nhát cuốc kéo rách một mảng da máu chảy ròng ròng. Dù đau lắm nhưng vì quá kinh hãi nên tôi không dám nhìn lui nữa. May mà nó rớt đằng nào không biết.
Trời lạnh quá, lạnh đến nỗi cá từng đàn không bơi mà lờ đờ trong nước, gặp người chúng cũng không lẫn trốn được. Chúng tôi vừa làm vừa bắt cá, Văn và Sinh bắt được nhiều nhất, chú Học thì chịu, không bắt được con nào ra hồn. Mỗi lần nghe chú la lên A! đây rồi, ai cũng quay sang nhìn thì... Trời ạ! Chú lại đưa lên một con cá to bằng điếu thuốc, những tràng cười hi, ha… lại vang vang trên mặt nước. Mới qua buổi trưa mà mọi người đã bắt được gần đầy thùng cá. Chiều đó lúc trở về, tôi cùng chị Dàn, Hách, Sinh, Học, Quốc chèo thuyền qua chợ Vân Trình mua gia vị về kho cá. Chú Hách hồi đó để ý chị Dàn nên cứ nằn nì o bán hàng thêm cho một khoanh đường táng để tặng chị Dàn (Ôi! Một mối tình đơn phương chỉ dám nhìn và trao… táng đường…). Đến bữa cơm tối, mọi người ăn cá nhiều hơn cơm. Còn tôi có một nồi cá đặc biệt do ông bác cùng xóm - mà sau nầy là ba chồng tôi - kho riêng trong cái nắp cà-mèn. Bác biết tôi không ăn cá trê, cá lóc nên đã lựa mấy con cá rô, cá trắng nhỏ xíu để kho riêng cho tôi. Thật là cảm động!
Hết chuyện ăn đến chuyện ngủ. Buồn cười nhất là lúc bắt đầu đi ngủ, thấy chú Trụ bước ra đổ hết nước uống trong nồi rồi úp luôn cái nồi xuống đất, ai nấy nhao nhao “Chú đổ hết nước, đến khuya khát lấy chi mà uống?” Chú Trụ cười đáp tỉnh queo “Chơ lúc tối ai cũng ăn mặn cá mần răng không khát? Mà khát thì phải uống nước,mà uống vô thì mắc tè, mà mắc thì phải đi chơ nín răng được? Rứa có phải tau tra, bây cho nằm ngoài làm ranh giới mà cứ hết đứa ni lại đến đứa tê đi vô đi ra, bước qua bước lại trên người tau cả đêm. Rứa thì mần răng tau ngủ? Đổ nước đi là thượng sách!”. Nghe chú nói, dù bị khát khô cổ nhưng ai nấy cũng không nín được cười.
Sau mấy ngày, ruộng làm xong đã đến lúc cấy lúa. Mạ non ở làng được chất đầy từng thuyền đưa vào ruộng, tất cả mọi người đều cắm cúi cấy thật nhanh vì cứ khoảng ba giờ chiều là nước dâng mênh mông, không thể cấy được. Mang thân đàn bà con gái luôn khổ hơn đám đàn ông. Khi xuống ruộng, mấy ông chỉ đánh một cái quần cộc, tối về tắm chỉ cần nhúng nước rồi vắt cái vèo phơi lên là xong. Còn phụ nữ thì khác, những chiếc quần chéo đen từ miền Bắc đưa vào phân phối cho giới nữ lao động rất chi là đặc biệt. Cái thứ vải chi mà chỉ cần giặt một nước là phai màu, khi lội ruộng, nước phèn ngấm vào nó trở nên mốc thếch. Thứ vải chéo* đó, chỉ cần ngấm nước là nặng chịch, trời nắng phơi cả ngày chưa chắc khô chứ nói chi là trời mưa? Bởi thế, khi đi làm chúng tôi thường mặc những chiếc quần còn ỉn ỉn - chưa khô; lại thiếu xà bông giặt nên chuyện bốc mùi là chuyện bình thường. Thiệt khổ hết biết!
Rồi cũng đến lúc thu hoạch, việc gặt lúa ruộng sâu vất vả hơn ruộng cạn nhiều. Cũng may ruộng ở đây mỗi năm chỉ làm được một vụ. Mỗi lúc gặt hái xong là chúng tôi thở phào, mừng trút bớt một gánh nặng của năm nay.
Mùa gặt vừa xong cũng là lúc thanh niên đi làm thuỷ lợi Đồng Dương. Trên sông Vĩnh Định, từng đoàn thuyền chở thanh niên các xã của huyện Hải Lăng cờ xí rợp trời, phèng la đánh inh ỏi đổ về Đồng Dương. Vì tôi thuộc loại sợ đỉa ác chiến nên được đội phân công lo hậu cần. Với cái bếp là một hố đất nhỏ vừa đặt được cái soong nấu khoảng 20 long gạo và một đống rơm luôn bị ướt vì trời mưa. Mỗi ngày đêm tôi phải nhóm lửa, nước mắt chảy tèm lem để nấu khoảng năm bữa ăn cho mấy chục người trong đội. Này nhé: Suất cơm đầu tiên trong ngày lúc nấu lúc ba giờ .cho số thanh niên đi tát nước về ăn khuya. Nấu cơm xong, hôm nào tôi cũng cầm đèn ra sau bếp soi cho mấy đứa mới về nhìn cho rõ mà bắt đỉa bu vô người vì phải dầm chân dưới ruộng để tát nước. Sau đó tôi nấu tiếp suất cơm thứ hai vào lúc sáu giờ sáng. Mười một giờ nấu bữa trưa xong là lên thuyền để đưa cơm ra tận công trường. Khoảng bốn giờ chiều lo cơm tối rồi tám giờ tối nấu bữa cuối ngày cho số người đi trực đê ban đêm ăn. Có hôm nước lên mạnh quá khiến kè đê bị vỡ, mọi người phải nhảy xuống dòng nước đang chảy xiết như thác đổ để giữ đê. Hàng chục người cả nam lẫn nữ đứng sát vào nhau, tay siết chặt tay làm thành một bức tường người mặc cho con nước hung hăng cuồn cuộn chảy. Trên bờ, những người còn lại ra sức cuốc, gánh và đổ từng thúng đất xuống để ngăn dòng nước. Trên khúc đê vừa được đắp cao, tiếng đờn, tiếng hát của đám văn nghệ tuyên truyền thuộc phòng Văn hoá thông tin huyện cũng thi nhau hét Đôi bồ câu đang bay về hướng. Anh cùng em đi ra nơi công trường. Gió lộng trời mây chim hót hoa đưa hương... vang trời. Lâu lâu chiếc loa phóng thanh lại hô hào Hải Vĩnh đang là con chim đầu đàn của huyện Hải Lăng ta, đã đắp được .... mét đê thuỷ lợi…, các xã khác cố lên! cố lên!... Một lát, tiếng loa lại vang lên nhưng lần này là xã khác… Kiểu "bắc loa" đó được gọi là động viên tinh thần để mọi người hồ hởi, phấn khởi ra sức lập công trong lao động. Mà quả thật! Tự dưng nghe tiếng loa thúc giục, tôi cũng thấy tim mình đập rầm rầm. Tiếng loa cũng làm cho không khí công trường thuỷ lợi thêm phần rộn ràng, nhộn nhịp. Nhóm cuốc cho đất vào trạc sắt; nhóm gánh đất lên đổ trên đê; nhóm đứng trên đê ngước đất để nện xuống cho chặt, nhóm nầy toàn là nam giới. Đây là dịp để các anh chàng ga-lăng
ra tay, các chàng thấy cô nào ưng ý là luôn ngước sớm - nghĩa là cô gái gánh đất chưa tới nơi chàng đã chạy vội đến ngước dùm một quãng. Các cô dù đôi khi bụng chẳng có tình ý gì nhưng cũng chớp mắt cưòi duyên để hắn mở lòng bao tạ làm dùm cho đỡ mệt.
Ngoài việc lo bếp núc, có lúc tôi cũng đi theo nhóm lấy đất cỏ về trồng cho những khúc đê mới để giữ đất. Việc trồng cỏ nầy đỡ tốn công chăm sóc và cỏ cũng dễ sống hơn. Hai ba người cùng chèo thuyền đi thật xa để tìm những thảm cỏ đan kín trên mặt đất, người muốn lấy đất cỏ phải cuốc thật khéo để làm sao mảng đất khi được dỡ lên vẫn còn nguyên cỏ. Chúng tôi nhẹ nhàng xếp chúng lên thuyền, khi đã đầy thì chèo thuyền về trồng lên đê rồi lại đi tiếp. Công đoạn này không đơn giản đâu nhé! Trồng cỏ phải có kỹ thuật và mang tính thẩm mỹ cao mới được ghi điểm ngày công lao động cho từng mét đê thuỷ lợi đấy.
Ngoài thủy lợi Đồng Dương, tôi đã từng cùng mọi người đi làm thuỷ lợi nhiều nơi như ở Hội Yên, Hải Ba, Lam Thuỷ, Thi Ông, Triệu Sơn, … mà chẳng nơi nào dễ, dù rằng những cái khó ấy không hề giống nhau, nhưng nhờ sức trẻ nên chúng tôi đã vượt qua tất cả. Và vào một ngày tôi tham gia công trình thuỷ lợi Nam sông Thạch Hãn (đắp Trấm).
Thực hiện chủ trương Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước trên con đường tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa, khi hơi xuân năm 1978 chưa tàn thì công trình thủy lợi có tên là Trấm ở phía Nam sông Thạch Hãn khởi công. Thế là thanh niên nam nữ của 3 tỉnh Thừa Thiên - Quảng Trị - Quảng Bình được điều động về Trấm để xây dựng công trình. Trước tình hình đó, người già thì lo lắng đủ thứ - nhất là con gái chưa chồng xa nhà trong điều kiện như thế; nhưng đám trẻ thì vô tư khi nghe tên mình trong danh sách đi làm thủy lợi đắp Trấm, mãi đến khi rời làng mới nghe lòng nao nao.
Mấy ngày trước khi lên Trấm, tôi và Liễu - nhỏ em cùng xóm kém tôi hai tuổi - đã hì hục chặt một vác tre, ngồi chẻ và vót đến chảy máu tay. Hai đứa định làm một cái giường đem theo lên Trấm để ngủ. Nhưng đến ngày đi thì giường vẫn chưa làm xong mà nếu có xong thì làm sao hai đứa tôi vác đi bộ từ nhà lên Trấm - một chặng đường trên hai chục cây số? Vậy là hai đứa đành cõng hai chiếc ba lô trên lưng. Chúng tôi ra đi, bỏ lại sau lưng ruộng vườn xanh ngát với những bông lúa vừa trổ đòng đòng; bỏ lại cả nỗi nhớ thương và lo lắng của mẹ già cùng những thanh tre làm giường ngỗn ngang sau hè nhà. Lên Trấm làm xong mọi thủ tục trời đã tối thui, tôi đem cất những dụng cụ làm việc vào phía sau lán trại. Lạ quá! Sao cứ một bước thấp lại một bước cao hụt chân suýt té thế nầy? Tôi nhủ thầm Ở đây họ trồng khoai mà răng lại lên vôồng tròn tròn ri hè? Đêm đầu tiên ở Trấm nhớ nhà quá tôi không sao ngủ được dù chỗ nằm cũng khá êm: đó là một chiếc giường đơn nhỏ của anh Mỹ - ông xã của tôi bây giờ. Thấy tôi lên, Mỹ nhường lại cái giường tre tự tay anh trau chuốt rất đẹp cho tôi dùng riêng. Liễu vì không có giường nên phải ngủ chung với mấy đứa khác, hắn buồn thiu.
Sáng sớm hôm sau, khi sương mù còn giăng kín tiếng kẻng đã vang rền khắp các trại. Tôi thức dậy cùng mọi người ra sân của Đại đội Hải Vĩnh để tập thể dục. Nhìn quanh, thấy có mấy người trùm kín mền từ đầu đến chân. Nếu không biết mà bất ngờ gặp những cái mền phết đất ấy ngọ nguậy theo động tác thể dục trong sương mờ, có lẽ tôi sẽ chết khiếp vì chúng cứ y như là hình ma vẽ trong truyện tranh vậy. Có người vừa tập vừa ngoác mồm ngáp dài không dứt, hai mắt thì nhắm trít lại trông thật buồn cười. Trời ơi! Tập thể dục cho có sức khoẻ mà như thế nầy thì hại sức khoẻ thêm thôi. Trời sáng dần, tôi đi vòng quanh lán trại để xem mình đang ở chỗ nào vì từ nhỏ đến giờ tôi chưa hề đến nơi này. Thì ra đây là bãi tha ma của vùng Như Lệ. Ngoài các con vật thân mềm tôi cũng sợ ma không kém, vậy mà tối qua tôi đã bước lên bước xuống trên các ngôi mộ quanh trại, còn nghĩ đó là vồng khoai nữa chứ! Tôi sợ đến bủn rủn cả tay chân. Nơi đây là một nghĩa địa lớn của vùng đất Quảng Trị gần La Vang. Phần đất lán trại chúng tôi ở được dựng trên các ngôi mộ vừa được xe ủi đất san bằng, còn chung quanh vẫn đầy những nấm mộ tròn tròn sát nhau chen lẫn với lau lách hoang vu. Thật là khiếp!
Ngày nào cũng thế, chúng tôi ăn sáng bằng một loại hạt có tên là bobo. Bobo có sức đàn hồi như cao su vậy, ngâm từ đầu hôm để sáng đun nấu hết củi mà khi ăn vẫn nhai trệu trạo vì nó không chịu mềm. Sau này nhiều đứa đau bao tử chắc cũng bởi di chứng bobo. Bữa trưa có món đặc biệt hơn: A trưởng Lành xuống nhận phần ăn cho 10 đứa là hai thau sắn với một nhúm muối sống nguyên hột nằm bên góc thau. Nhìn phần ăn sau một buổi sáng gánh đá “thuỷ quân lục chiến” bọn tôi chỉ biết thở dài đánh sượt. (À! Chúng tôi đặt tên loại đá xanh, rất rắn, cục nào cục nấy to tổ chảng là đá thủy quân lục chiến đấy. Những người lính từng theo binh chủng nầy chắc cũng hãnh diện (!)). Thuỷ lấy chân đá thau sắn lăn tròn xuống gầm giường rồi cả bọn lên giường đắp chăn nằm khóc, trong nước mắt chỉ nghe bập bệu mỗi hai tiếng Mạ ơi! Khóc và ngủ cho quên cơn đói, khi nghe tiếng kẻng báo đã đến giờ làm mấy đứa lại hè nhau lôi thau sắn dính cứng dưới giường ra, phủi phủi đất cát, mỗi đứa cạy một miếng nhăn nhăn với hột muối cho có rồi đi làm ca chiều. Bữa cơm tối thịnh soạn gồm một thau nhỏ lưng lửng cơm cho mỗi phần năm người ăn với thau canh gì không biết, chỉ thấy trong nước đùng đục dài ngoằng một miếng dưa chua. Nghe nói là canh nấu với cá lóc nên tôi nhịn luôn dù không thấy miếng cá nào cả. Đặc biệt trên mỗi thau cơm có thêm năm lát mì nhỏ được làm từ bột mì trắng, nhưng chúng tôi chưa hề được nếm vị ngon của lát mì đó bao giờ. Lý do: bọn con trai cứ đi làm về là chạy qua bên lán nữ bốc hết những lát mì nằm hớ hênh trên mỗi thau cơm xơi hết, chúng nó không cần điệu đàng kỳ cọ rửa ráy tay chân như lũ con gái đâu.
Trong lán nam có mấy đứa con trai "trời đánh". Không hiểu sao mà chúng ác ơi là ác! Có lẽ vì cuộc sống lúc đó quá cực khổ nên chúng cần xả stress? Hay tại nghịch ngợm và phá phách là bản chất? Bọn chúng cứ như là dân đại ca vậy. Có sáng thức dậy bọn con gái bị mất hết quai nón nhung, có đứa mất tấm nilong, … Thủ phạm là mấy cái bụng đói meo của bọn con trai, đêm qua chúng lén lấy rồi đem đi đổi bánh bột lọc và bánh bèo hết rồi. Nhiều đêm đói mà chẳng kiếm chác được gì, bụng rỗng khó ngủ bọn chúng lại bày trò. Mấy đứa Hoàng, Bưởi, Thúc, Minh, Lãng, … diễn lại Mùa hè đỏ lửa trên Đại lộ kinh hoàng. Tụi nó phân vai: đứa nào nhỏ làm con đeo cứng trên lưng mẹ, giả giọng con nít kêu mạ ơi mạ ơi… nheo nhéo. Đứa nào mập mạp thì làm mẹ vừa cõng con chạy vừa luôn miệng trả lời mạ đay, mạ đay…Mạ đang tìm coi cha con rớt chỗ mô rồi… Mấy đứa khác lại giả bộ tật nguyền chống nạng; còng lưng làm người già và cả làm con nít níu nhau chạy, khóc la inh ỏi. Chúng còn chia làm hai phe đánh nhau rất hăng: đứa làm lính bắn đạn chíu chíu; đứa lái xe tăng ầm ì bắn pháo ùng oàng; đứa dang tay làm máy bay liệng tới liệng lui thả bom miệng ầm ầm; đứa đội nón tai bèo hô tấn công khản hơi; đứa vờ trúng đạn bị thương bò la bò lết kêu van hay bị chết nằm vắt vẻo... Thôi thì chẳng thiếu cảnh nào. Những âm thanh khốc liệt một thời được tái hiện thật sống động nhưng cách diễn lại cố ý chọc cười. Diễn bên lán con trai riết ít khán giả cũng chán, thế là chúng kéo qua luôn lán bên nữ để diễn tuồng khiến bọn con gái cũng mất ngủ theo.
Có một buổi chiều vừa đi làm về, Hoàng liền chạy qua nói với tôi “Đêm ni có chi xảy ra thì VP cũng đừng sợ nghe chưa? Cứ ngủ đi, đừng mở mắt ra dòm làm chi” Hắn còn nói thêm “Tụi tau bàn với nhau phải nói cho mi biết, vì nếu mi sợ mà chết thiệt thì không ai đẻ kịp mà đền cho mụ Khoá mô”. (Khóa không phải là tên mà là cách bà con trong làng gọi tránh tên tục, vì ngày trước ba tôi có theo học chữ Nho). Nghe hắn nói, tôi không yên tâm chút nào nên vặn vẹo hỏi mãi, cuối cùng Hoàng phải nói ra điều bí mật. Thì ra, bọn hắn kiếm đâu được mấy khúc xương và chiếc đầu lâu nên định bày trò. Kế hoạch của tụi hắn là tối nay sẽ bắt đom đóm lén thả vào mùng của mấy đứa con gái sợ ma, chắc chắn mấy o ni sẽ tốc mùng mà chạy ra ngoài và khi chạy sẽ đụng phải xương và đầu lâu chúng treo sẵn ở cửa ra vào. Ôi thôi! Con gái sợ ma mà gặp thế thì chắc chắn là la hét, kêu khóc rền trời. Khi đó các yêng hùng mới xuất hiện cứu mỹ nhơn trong tiếng cười thỏa thích. Nghe kế hoạch thất đức của tụi hắn tôi tá hỏa tam tinh nhưng cũng chẳng dám ho he, vì tụi hắn mà thù là khó sống. Tuy đã biết trước tối nay lũ ác nhơn sẽ hù ma, nhưng khi liên tưởng tới xương và đầu lâu cùng đom đóm lập lòe tôi vẫn nghe rờn rợn. Tôi không dám bật mí mà tối đó chỉ khuyên mấy đứa con gái nên túm lại ngủ chung với nhau một đêm dù chật chội, còn mấy cái giường trống vẫn cứ giăng mùng rồi đặt mền gối như có người đang ngủ. Mấy đứa trong lán không biết chuyện gì nhưng vẫn làm theo răm rắp, vì chúng rất tin tôi. Khoảng 9 giờ đêm, Lãng với chức vụ trưởng ban bảo vệ (người có quyền đi kiểm tra đột xuất các lán) chạy vô lán nữ kêu “Có một cái bóng áo quần trắng xóa, tóc dài phết đất vừa vô trại nữ, ai mô ở đó để ban bảo vệ kiểm tra!” Rùng rùng sau Lãng là bọn con trai quái ác vừa chạy vừa la Bắt con ma. Bắt con ma. Đứa hô đứa "tranh thủ" thả đom đóm vào mùng, đứa treo vội các vật hiếm lên cửa ra vào rồi dông tuốt ra ngoài, hí hửng ngồi chờ kết quả. Bọn tôi ngó qua thấy bên giường của Huệ, Liễu và Niềm, Thuỷ đom đóm lập loè bay đầy trong mùng, có con to đỏ lòm đến khiếp. Trên các cửa ra vào, ở khoảng lưng chừng một cái đầu lâu trắng hếu đu đưa với mấy khúc xương dài ngắn đang tòn ten trước gió thật dễ sợ. Bọn tôi rụt cổ và kéo chăn trùm kín mít. Một lúc thấy không có động tĩnh gì, tụi nó quay lại để xem thử thì thấy cả lán nữ im re nên đành thu dọn hiện vật rồi ra về tiu nghỉu như mèo bị cắt tai. Tuy thất vọng vì kế hoạch phá hoại đã chuẩn bị chu đáo bất thành nhưng bọn chúng cũng chẳng có lý do gì để trách tôi được.
Công việc nặng nhọc lại thiếu đói nên bất cứ lúc nào trêu chọc được bọn con gái là bọn con trai ra tay liền. Hình như đó là liệu pháp kích thích lòng vui sống của chúng vậy. Có lần thằng Minh bắt một con rết to bự chảng, thằng Một thì quấn một con rắn đen thùi lùi còn ngo ngoe quanh cổ, lâu lâu hắn thè lưỡi liếm vô mình con rắn một phát rối nuốt ực trông phát khiếp. Hai thằng phát-xít cứ làm như vô tình lang thang qua lán nữ, đi tới đi lui, xáp vô đứa ni xáp vô đứa tê làm bọn con gái chạy tơi tả còn hơn chạy giặc. Tôi cũng rất sợ nhưng cố bình tĩnh nhẹ nhàng kéo Cúc lảng dần ra ngoài cổng trại của đại đội rồi núp sau một chiếc xe Jeep bị hỏng. Tưởng được yên thân, không ngờ mới được một lát thì Võ Công Diên và Hồng Lam cũng vác đờn ra đó ngồi đờn hát. Hai đứa tôi ngó trốn không yên nên lò dò đứng dậy định đi chỗ khác, ai dè Lam cười nói “Hai o tưởng trốn ở đây là khỏi sợ à? Có ba người bị chết cháy trên xe đó!” Trời ơi! Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Một hôm vào giờ giải lao trên công trường, chúng tôi đang ngồi nghỉ thì Bưởi tới hỏi “Trong mấy đứa, đứa mô sợ rắn thì giơ tay lên!” Tôi thiệt thà giơ tay lên liền. Huệ, Chủng, Lành ngó tôi nói “ Mi nói sợ là hắn chọc đó, phải nói không sợ”. Lam bước tới hỏi dồn “Còn đứa mô sợ nữa không?”. Ba đứa còn lại đều nói không sợ, không sợ... Nghe thế Lam chỉ tay ra lệnh “VP qua bên tê ngồi, để mấy đứa không sợ ngồi đây coi có sợ không cho biết”. Tôi ngoan ngoãn làm theo, bò lên mặt đê thay vì ngồi ở triền đê với mấy đứa bạn. Tôi sợ lắm, đụng vô con rắn chắc tôi chết ngất. Chờ tôi đi rồi, Bưởi huýt sáo miệng một tiếng nghe thật du côn, Thúc ở đâu liền xuất hiện với một con rắn rất to toàn thân vằn vện thấy ớn. Hắn đung đưa con rắn rồi thình lình tung vào ba đứa con gái. Cả Chủng, Huệ, Lành cùng thét lên rồi lăn tròn xuống lòng đê thuỷ lợi lởm chởm những đá nhọn hoắt. Tôi hoãng hồn nhìn theo, dưới lòng đê cả ba đứa nằm sóng soài, ba cái nón bài thơ mới tinh gãy gọng, con rắn cuộn chặt vào Chủng làm nó hét váng trời. Thật là hãi hùng! Sau lần đó, đêm nào cũng nghe tiếng hét của Chủng trong giấc ngủ. Có lẽ ám ảnh hôm đó đã trở thành những cơn ác mộng hành hạ nó. Thật là tội nghiệp!
Mấy đứa con trai ác nhơn cứ tiếp tục hành lũ con gái chúng tôi để giải khuây - dù chúng chẳng thù hằn hay ghét bỏ gì. Đến giờ tôi cũng không hiểu sao chúng ác như thế? Sáng nào cũng vậy, bọn con trai quỷ quái làm vệ sinh xong là đổ hết nước trong thùng. Số nước mà bọn con gái chúng tôi phải vượt quãng đường xa lởm chởm đá mới gánh về được. Có khi nước gánh về gần đến lán chợt bị vướng chân té nhào, thế là công cốc. Trò chơi ác khiến ai cũng phải dậy sớm, nếu dậy trễ một chút là không có nước để rửa mặt. Trong nhóm nữ, có 2 cô dành nhiều cảm tình cho chàng Mỹ nên sáng nào cũng thi nhau dậy thật sớm lấy nước để dành trong lon sữa guigô cho chàng rửa mặt. Mỹ biết ý mấy đứa mà cứ giả lơ và đem chia cho tôi một lon nước. Thiếu ăn đã khổ, thiếu nước càng khổ hơn nên nước ở đây quý lắm. Ai tình nghĩa lắm mới để dành một ít nước tặng nhau đấy.
Công việc đắp Trấm hàng ngày vẫn thế, từng tảng đá xanh nổ tung lên cao ầm ầm bởi công suất của bộc phá; rồi cuốc, xúc, gánh và đổ. Chúng tôi chạy đi chạy lại từ dưới lòng đê qua triền đê đầy đá sắc nhọn để lên tới mặt đê thuỷ lợi. Tiếng hát “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua. Chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng. Mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng...” xuyên suốt một vùng đồi núi mênh mông như mang nỗi buồn tuổi mới lớn của chúng tôi.
Một buổi sáng trong lúc chuẩn bị đi làm, Mỹ qua lán nữ nói với tôi “Sáng ni tui đi tháo gỡ bom mìn theo phân công của ban chỉ huy…”. Câu nói ngưng lại nửa chừng nhưng tôi đọc được nỗi buồn và sự lo âu trong mắt anh. Tôi không nói gì được, chỉ lặng lẽ gói cho anh một cái bánh mì và vài táng đường. Khi anh quay đi, tôi nhìn theo mà lòng phấp phỏng vì việc làm ấy lành ít dữ nhiều. Cũng may lần đó Mỹ trở về an toàn làm tôi mừng muốn khóc dù lúc ấy chúng tôi chưa là gì của nhau cả. Có lẽ những chăm sóc nho nhỏ trong cuộc sống gian khổ đó đã kéo chúng tôi lại với nhau.
Hồi đó, tuy khó khăn vậy nhưng riêng tôi vẫn dồi dào thức ăn. Cứ mỗi lần có người lên Trấm là mạ tôi gởi cho tôi rất nhiều thức ăn như khoai luộc, đường, bánh kẹo, … Mạ còn gởi cả gạo để tôi đổi gạo lấy bánh mì, cứ một long gạo là đổi được hai ổ mì để chống đói. Hồi đó bánh mì thuộc loại thực phẩm cao cấp đó nghe. Nhưng số thực phẩm dự trữ của tôi thỉnh thoảng cũng bị ... chia phần. Chia cho các bạn đồng cảnh ngộ thì do tôi tự nguyện rồi nhưng… tôi bị chia phần mới tức chứ. Không phải người đâu nghe, mà là các loại động vật nho nhỏ quanh đây, có lẽ chúng cũng đói nên lặn lội tìm kiếm. Chuột, gián thì chạy hà rầm khỏi nói rồi, tối nào nằm ngủ tôi cũng chùm kín mền dù trời nóng hay lạnh vì cứ sợ chúng xơi nhằm chân mình. Một lần đi làm về tối, tôi mò mẫm tìm cục đường đưa lên miệng cắn cho đỡ mệt. Chưa kịp nhai thì sao tóc đâu mà vướng vào miệng mình quá chừng vậy nè? Tôi đưa tay phủi phủi mới phát hiện ra. Trời ạ! Không phải tóc mà là lũ kiến đen - còn gọi là kiến hôi - chúng đang tranh nhau ăn vụng cục đường tôi để dành, bây giờ tôi ăn chúng. Thế là tôi nôn thốc nôn tháo. Sau lần đó rút kinh nghiệm xương máu, muốn ăn gì tôi phải vỗ vỗ kiểm tra trước khi đưa vào miệng.
Song, tuổi thanh xuân thường biết tìm vui trong gian khó, có như thế chúng tôi mới sống được chứ? Có những đêm khó ngủ chúng tôi lại cùng nhau hò đối đáp, những câu hò đâm bắt tuỳ hứng đôi khi cũng vui đáo để và khiến cho các đội khác có phần kiêng nể cái lán toàn con gái của Hợp I vốn nỗi danh với câu hò “Ai về Hợp I mà coi. Con gái Hợp I cầm roi dọi chồng”. Hi hi… chúng tôi còn chua thêm là … nếu chồng cùng Hợp I thì không thèm sắm roi (!). Điều đó làm mấy anh chàng Hợp I nở mũi nhưng cũng thắc mắc Tụi hắn nói không thèm sắm roi thì sắm cái chi hè???
Chuyện dài của ngày ấy càng nhớ lại càng ngậm ngùi. Thương cho mình một thời mới lớn đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi, gian khổ.
Hai năm sau, gia đình tổ chức đám cưới cho anh Mỹ và tôi. Rồi tôi cùng gia đình chồng dắt díu nhau đi tìm miền đất mới, bỏ lại sau lưng một miền quê đầy nhớ thương và gian khổ. Đất phương Nam mênh mông đãi người khách lạ. Cũng như bao người dân Quảng Trị bỏ xứ mà đi thuở ấy, gia đình tôi đã chọn được đất lành để an cư lạc nghiệp. Dù cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có cái ăn, cái để nhưng đời sống của chúng tôi dễ thở hơn. Gia đình tôi sống bằng nghề nương rẫy nên tôi thoát khỏi nạn sợ đỉa. Ngày làm việc vất vả thì ban đêm chúng tôi ngủ thẳng giấc, không phải dự những buổi họp hành dài lê thê đến khi gà gáy nữa. Còn khi trời mưa hay nghe người thấm mệt là chúng tôi có quyền ở nhà nghỉ ngơi hay đi thăm bà con đâu đó. Chúng tôi cũng không phải ăn cắp vật phẩm do mình làm ra và khi ăn ngon cũng không phải lo sợ, dấu diếm... Một thời gian sau, khi cuộc sống nơi vùng đất mới đi vào nề nếp, vợ chồng tôi đã tiếp tục học để lấy các bằng cấp cần thiết và đổi nghề. Bây giờ chúng tôi đã trở thành những giáo viên được học trò cũng như phụ huynh các em quý mến.
Ba mươi năm nhìn lại, nghĩ đến buổi thiên cư ngày ấy mà không khỏi giật mình nhưng cũng đầy nỗi tự hào. Chỉ là đi tìm miền đất sống mà những người dân lương thiện đã bỏ hết mà đi như trốn chạy. Nhà cửa, đất vườn và cả những sản phẩm làm ra đều để lại y nguyên để tránh sự phát hiện của chính quyền địa phương. Rồi một sáng mù sương, chúng tôi lặng lẽ rời làng như những chiếc bóng. Sau mấy ngày lây lất từ bến tàu nầy đến bến xe kia, cuộc hành trình trên những chuyến tàu, xe chật như nêm đã đưa những con người mệt mỏi đến một vùng đất hoang hoá lâu ngày đầy cây lùm và lau lách. Rồi đúng là Bàn tay ta làm nên tất cả. Với sức người sỏi đá cũng thành cơm. Vùng đất hoang ngày ấy bây giờ đã thành một miền quê trù phú quanh năm nước ngọt trái lành. Tự hào lắm thay! Tự hào rằng mình đã can đảm dứt áo ra đi để tìm tương lai cho con cháu. Tự hào rằng mình đã vượt qua bao gian nan thử thách của cuộc đời để sống cho đến ngày nay mà lương tâm không hề hổ thẹn.
Ba mươi năm đã trôi qua, những đứa con vợ chồng tôi sinh ra từ mảnh đất phương Nam nầy giờ đã khôn lớn, đã được học hành đến nơi đến chốn. Chúng đã vào đại học bằng con đường thẳng tắp chứ không phải khựng lại vì hai chữ lý lịch như cha mẹ của chúng ngày nào. Xin cảm ơn miền đất phương Nam đã như người mẹ hiền dang tay đón nhận chúng tôi. Mai đây, nơi này sẽ trở thành quê hương của lớp con cháu đời sau. Cả chúng tôi, một ngày nào đó khi trở về cùng cát bụi cũng xin gởi nắm xương tàn vào lòng đất bao dung nầy. Còn Quảng Trị chỉ còn là cội nguồn ghi trong gia phả. Nhưng quê hương ơi! Cho dù miền đất đó đã một thời ghi dấu trong tôi nhiều kỷ niệm ngậm ngùi nhưng sao trong lòng cứ mãi nhớ thương, thương nhớ. Tình hoài hương cứ vấn vương theo ngày tháng tha phương… Thỉnh thoảng tôi kể cho các con tôi nghe chuyện quê hương, chuyện của cha mẹ một thời mới lớn. Chúng cứ ngẫn người như nghe chuyện ngày xưa vậy.
Ừ! Mà đúng là chuyện ngày xưa. Xưa lắm rồi…
Cuối hạ 2010 - N.T..V.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét