Lớp : 6/2 K 67-71
Địa chỉ : Cổ Thành- Triệu Thành- TP
Điện thoại: 053 3663 325
Email: lengocquevn@gmail.com
KHI XA KỶ NIỆM
Thời gian trôi đi thật nhanh, mang theo những tháng ngày ấu thơ thời tiểu học trôi đi thật êm đềm, vội vàng mà không để lại trong tôi một ấn tượng gì sâu lắng, ngoài những trò chơi bắn bi, bắt dế hay những chiều tắm mát trên sông…
Rồi đến khi phượng hồng bắt đầu khoe sắc , tôi lại vùi đầu vào ôn tập để chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng nhất đầu đời “Thi đệ thất” , trời không phụ lòng người, Tôi đã trúng tuyển vào trường Trung Học Triệu Phong năm học 1967 với điểm số khá cao.
Ngoài nỗi vui sướng vì được vào trường Công lập, trong Tôi còn giã từ được cái cảnh mỗi ngày phải chuẩn bị 4 cái kẹo BI dúi vào túi quần cậu lớp trưởng to cao để khỏi bị cho điểm xấu.
Cầu Rì Rì
Quê tôi ở xóm Hà ( thôn Cổ Thành) , một xóm nhỏ vùng ngoại ô nằm giữa Thị xã Quảng trị và Huyện lỵ Triệu Phong, có hai dòng sông Thạch Hãn và Vĩnh Định bao quanh với những luỹ tre xanh ôm kín đôi bờ, với dòng nước mát lạnh, với những con đò ngái ngủ nằm sát bên nhau, buông lơi mái chèo mỗi khi chiều xuống; hay những bước chân vội vàng , hối hả như chạy trốn ánh nắng chói chang mang theo cái nóng của ngọn gió Lào rít mạnh trong những buổi trưa hè khi đi qua bãi cát Rì RÌ. Những bước chân run rẩy như muốn tựa vào nhau trong cái giá lạnh của những ngày cuối đông.
Đi qua khỏi cầu Sãi chưa đầy 1 cây số là đến trường Trung học Triệu Phong. Tôi xúng xính trong bộ áo quần mẹ mới may cho và ngày khai trường cũng đã đến. Cái nắng buổi sáng mùa thu chưa đủ để xua tan làn sương mỏng còn đọng lại. Ngày đầu tiên bước chân vào trường Trung Học, vẫn không gian đầy ắp tiếng cười, những ánh mắt rạng rỡ, tay bắt mặt mừng sau 3 tháng hè xa cách ,tôi vẫn chưa trút bỏ được cái bỡ ngỡ ban đầu, đứng ngẩn ngơ, đảo mắt cố tìm kiếm một vài khuôn mặt bạn bè thân quen, nhìn hình ảnh của ngôi trường mình sắp học…
Xóm Hà bên dòng sông Thạch Hãn
Trường tôi thật khiêm nhường với hai dãy nhà tường vôi, mái ngói, không quá 10 phòng học, 1 phòng Giáo sư, 1 phòng Giám Thị , với cái trống treo lơ lửng bên ngoài. nằm giữa một khoảng không gian không rộng lắm. Sân trường không có những hàng me xanh cho những mảnh tình thơ mộng, cũng không có những hàng phượng vĩ cho lũ ve râm ran mùa hè. Chỉ là một thảm cỏ xanh tươi ngậm chút sương buổi sáng vui đùa theo những bàn chân áo trắng, hay ủ rủ xác xơ vàng úa trong những ngày hè vắng bóng lũ chim non. Chính giữa là cái cột cờ nằm đơn độc như cây bút cắm vào bình nghiên tiếp thêm sức sống cho từng thế hệ đi qua, ghi thêm kiến thức cho những lớp vừa mới đến; phía trước là tỉnh lộ 64 gồ ghề, sỏi đá, phía sau là nhà bác Thơm, người suốt đời tận tụy, chăm chút với tiếng trống trường… Bao quanh là làng Nại Cửu với những mái nhà tranh, những luỹ tre xanh, những luống khoai , bờ ruộng. hình ảnh của một làng quê thanh bình, êm ả; bên hông trường là chi khu Triệu Phong với những hàng rào kẽm gai, những pháo đài, lô cốt… Đây hình ảnh của chiến tranh và chính cái hình ảnh đó đã làm tan nát quê hương , xoá đi vết tích cuả một ngôi trường…
Tôi được phân vào học lớp 6/2. Thầy Phan Thanh Thiên là Giáo sư hướng dẫn của lớp; Thầy cũng vừa là Hiệu trưởng của trường. Thầy có dáng người thanh cao, bước chân thoăn thoắt, nhanh nhẹn, chúng tôi thường gọi đùa Thầy là chiếc phản lực siêu thanh; Thầy Bính là Giám thị với đầu tóc lúc nào cũng bóng mượt chải rẽ về phía sau; Cô Nguyễn Thị Qui dạy Việt văn thật hay, Cô có đôi bàn tay thật đẹp; Thầy Văn Phong dạy sinh ngữ, Thầy hiền, chuẩn mực và rất thương học trò; Cô Bùi Thị Gái dạy Lý Hoá và Toán. Trong lớp có trò quê ở rất xa như Lanh, Hoa ở tận Bồ Bản; bên kia sông Xuân An có Phước, Cuộc; tận Long Hưng xa đến 8 cây số có Văn Thiên Tùng với cái giọng bè bẹ nghe rất vui tai…
Bạn bè thường chơi chung với nhau thành từng nhóm, nhóm Ô MAI mặc váy có chung đường về chợ SÃI như Thanh Hằng, Mỹ Thuần, Hường, Phụng Kiệt; Nhóm XÓM HÀ có Thu Hương, Bích Thuỷ, Như Hoa; Nhóm XOÀI TƯỢNG có các O Thạnh, Tâm, Nhớ; Bọn con trai chúng tôi cũng thế các anh lớn và chững chạc ở nhóm ĐẠI CA Như Hoàng Tiễn ( lớp trưởng), Diện ( lớp phó), Ty, Khang; Nhóm CHIM SẺ nhỏ con như Ứng, Lự, Quốc, Kim A, Thuỷ; Bọn tôi có Quế, Hoàng, Bảo cùng ở chung một chiến hào …
Những khuôn mặt lạ lẫm ngày nào nay trở thành thân quen đến lạ thường. Những giờ học cuối được nghỉ, cả nhóm thường đạp xe về nhà Bảo, Bạt ở Bích Khê leo lên cây ổi ‘sẻ” trồng phía sân nhà rồi chụm đầu vào nhau với đĩa muối ớt vừa mặn lại vừa cay; cũng có lúc về đến Đâu Kênh ,Tân Định đến nhà Phạm Văn Huề, Võ Đích xin những trái bắp tươi sau đó cùng nhau kiếm cỏ khô ngồi nướng, vừa ăn, vừa nhìn nhau nực cười vì miệng đứa nào cũng bám đầy tro bụi…
Trong lớp học cũng không ít trò đùa, ở bàn sau ngồi cột vạt áo trắng dài quý O ngồi bàn trước vào nhau hay vấn giấy gấp lại thành chữ V rồi thỉnh thoảng hỏi thăm cái lưng một bạn gái nào đó là chuyện bình thường… Ở lớp có lẽ sợ nhất là cô Như Hoàn, bạn nào không thuộc bài thì phải dè chừng mười đầu ngón tay, chỉ một cái gõ nhẹ cũng đủ đau đến cả tuần, Cô còn ưu ái tặng thêm hột vịt lộn về bồi dưỡng chẳng khác gì cô Gái đâu: nếu như cô cậu nào trễ học hoặc vắng mặt không có lý do tại sổ điểm danh xem như sổ điểm ăn một hột vịt lộn …Có lần bọn tôi không thuộc bài phải tìm cách thoát thân thôi. Với kinh nghiệm của dân gian, chúng tôi đi kiếm lá Vông xát mạnh vào ghế cô ngồi. Đến giờ học cả nhóm im lặng, hồi hộp , ngồi đợi tín hiệu âm thanh phát ra từ chiếc ghế. Quả đúng như vậy! Hôm ấy cả lớp được học bài mới mà khỏi trả bài cũ … Lại là KỶ NIỆM…
Đến năm lên lớp 7 nhà trường tổ chức cho đi thăm các anh lính biển, chúng tôi tập trung thật sớm ở Bến Miệu - Chợ Sãi, được các Thầy Cô hướng dẫn lên 2 chiếc Hải thuyền từ từ xuôi về Cửa Việt để lại đằng sau một vùng sông nước trắng xoá, thật đẹp và thơ mộng. Thế mới biết quê Mình quá đẹp. Ra đến biển, tàu cứ lắc lư theo từng cơn sóng, biển cả mênh mông mới thấy mình quá nhỏ bé. Biển thật dịu hiền như vòng tay của Mẹ. Quay một vòng, tàu đổ chúng tôi lên chiếc tàu lớn “ Hạm Tử 2”, vừa lên đến tàu đầu óc Thầy trò chúng tôi choáng váng, có bạn chưa kịp nhìn hết những gì trên tàu thì mồ hôi đã vã ra thấm mệt, mặt mày xanh mét, cứ thế nằm tựa vào nhau, có gì trong bụng mẹ cho ăn hồi sáng giờ đem tặng hết cho Boong tàu. Lần đầu tiên chúng tôi tận hưởng cái đẹp của biển như thế đó…
Đến năm lên lớp tám thầy Lê Mậu Duy hướng dẫn lớp, Thầy dạy môn toán tuyệt vời, rất dễ hiểu. Với điếu thuốc luôn cháy đỏ trên môi, Thầy nhả ra những cụm khói, đường cong, đường thẳng, những vòng tròn lớn nhỏ quyện vào nhau… Thầy ít khi cho ăn trứng vịt, em nào bét lắm cũng được nhận 1 cây gậy ( điểm 1), nhưng bù vào đó cái lỗ tai cũng được kéo giãn ra bằng cái “vá”; Thầy Nguyễn Thiện Lữ dạy môn Vạn vật. Ngoài những bài Động - Thực vật, Hệ tuần hoàn, Hô hấp, Bài tiết, cứ sau mỗi bài giảng Thầy thường kèm theo những câu chuyện để chúng tôi lấy làm bài học suốt đời. Có lần Thầy kể về bệnh QUAI BỊ ( má chàm bàm), “các em đừng lấy củ gừng mài xuống đất rồi bôi lên má mà phải đi Bác sĩ, nếu để lâu hai ‘hòn..’ sưng to như quả cam thì nguy cơ dẫn đến vô sinh”; Thầy vừa kể vừa xoè hai bàn tay lên minh hoạ. Cuối lớp có tiếng ai đó nói nhỏ nhưng cũng vừa đủ nghe: “Thưa Thầy bạn T… chưa đau mà nó đã to như quả bưởi rồi”. Cả lớp có một trận cười hả hê hướng về 3 bàn nữ sinh phía trước đang ngồi cúi đầu, mặt đỏ thẹn thùng…Cứ thế giờ học sau cả lớp đề nghị Thầy kể chuyện tiếp để lấy làm bài học cuộc đời cho các bạn gái nữa.
Thầy đồng ý và kể: “Thầy có người cháu gái ở tận Đà Nẵng lấy chồng ngoài Huế, trong ngày cưới vì mải mê trang điểm và tiếp bạn bè nên quên đi ‘xả’ đến khi đoàn xe đưa dâu lên đến đỉnh dào Hải Vân hai Cô phụ dâu ngồi hai bên nghe một tiếng ‘bịch’ nước ào ào chảy ra vì vỡ bọng … thế là cô dâu tắt thở”. Lại có tiếng ai đó từ cuối lớp hướng về bốn bàn con gái dặn dò: Nếu ứ thì cứ ‘xả’ đại trong quần không thì mất mạng; Cả lớp lại được ăn một trận cười. Nữ sinh vẫn là tính nữ “E thẹn và đỏ mặt…”.
Thầy Thái Tăng Hạnh dạy sử địa. Tôi cứ nhớ mãi trong kỳ thi đệ nhất bán niên, Thầy ra đề xong giao lại cho lớp trưởng giữ trật tự, rồi Thầy lên văn phòng ngồi uống nước, cả lớp vui như trẩy hội, cô cậu nào cũng lấy vở ra chép tự do với hy vọng có số điểm cao để bù vào những môn còn thiếu. Ai dè đến khi trả bài gần nửa lớp thi chỉ có điểm 2, điểm 3; những đường mực đỏ gạch ngang , gạch chéo vào những dấu hỏi, dấu ngã, vào chữ hoa, chữ thường làm chúng tôi bật ngửa, dường như Thầy không chấm bài mà chấm lỗi chính tả. Lại là KỶ NIỆM QUÝ GIÁ…
Có lẽ đây là năm đầy ắp kỷ niệm của Học trò chúng tôi đang bước vào tuổi trăng rằm, những tình cảm riêng tư bắt đầu nẩy nở đan xen vào sách vở… Những bộ váy của quý O tung tăng ngày nào được thay vào màu trắng của chiếc áo dài thướt tha, chân guốc nhẹ che nghiêng che vành nón, cái e ấp của bạn gái thức tỉnh cái tuổi dậy thì của bạn trai, gặp các cô mặt lại đỏ rần lên…Để rồi những ánh mắt thương yêu, pha chút ngại ngùng của người ngồi sau lén nhìn bờ vai xoã mái tóc dài của người phía trước, trong làn gió thổi hương tóc ngát thơm, những cái nhìn chăm chú lên bảng đen nghe lời Thầy trên bục giảng, vẫn còn những ánh mắt mơ màng nhìn ra ngoài song cửa, thoáng chút ưu tư theo hình bóng của ai đó ngoài sân trường…
Trong lớp, tôi và Hoàng là hai người bạn thân thiết và hiểu nhau nhất. Cùng đi, cùng về và cùng làm cái đuôi chung nếu ai kia lọt vào tầm ngắm. Tôi còn nhớ mãi, ngày ấy Hoàng được bầu làm trưởng Ban báo chí của lớp, được gọi đi họp để chuẩn bị làm tờ báo xuân. Sau buổi họp khi ra đến cửa, vô tình chạm nhẹ vào cánh tay của một cô lớp 7. Cái cảm giác mát lạnh trên làn da người con gái làm Hoàng ngất ngây đến sững sờ trong một thời gian dài. Thế cũng từ hôm ấy, cảm giác đầu tiên về cô nữ sinh lớp 7 đã có trong Hoàng, lại thêm một thời gian biểu phụ ngoài thời gian vào lớp. Những buổi tan trường, Hoàng rủ tôi cùng làm cái đuôi bám theo bóng hồng… Cứ thế thường ngày trên tuyến đường từ trường đến Thị xã Quảng Trị có 3 chiếc xe đạp thong dong từ trường đến nhà ấy vì một bóng hình. Nhà người ta ở tận đường Trần Cao Vân Quảng Trị ( Bên hông rạp Kim Châu), suốt dặm đường mỗi người mang một tâm trạng riêng. Với người ấy, trong cái e ấp pha chút sờ sợ, thỉnh thoảng ngoảnh lại nhìn hai chúng tôi mà không biết ai là thủ phạm. Tôi mỉm cười “lẩm nhẩm” mấy câu:
Chữ tình còn giấu trong tim
Xin em chớ ngoảnh lại nhìn hai anh
Phía trước đường dốc loanh quanh
Lỡ mà té ngã e thành vạ to!
Còn Hoàng, bao nhiêu ý tứ ngọt ngào sắp sắn trong tim, sao cái miệng cứ cứng đờ ra mà chẳng nói được câu nào! Và tôi, kẻ vô tội thì luôn sợ bị hiểu lầm, và cứ thế sau này lên học Nguyễn Hoàng khi ngang qua đường Trần Cao Vân tôi vẫn không quên nhìn vào “cái cổng nho nhỏ có con chó mực nằm trước nhà em”…
Cũng tình cảm ngây thơ đó, Có lần tôi vội vã ôm cặp đến trường vừa đi vừa nhai ổ bánh mì, bỗng nghe tiếng cười khúc khích sau lưng, lên dốc cầu Sãi tôi ngoái đầu nhìn lại, bắt gặp một trong hai tà áo trắng đi phía sau nhìn tôi với ánh mắt thật trìu mến, với nụ cười thật tươi để lộ cái răng khểnh duyên dáng, để rồi :
Đứng trên con dốc nhỏ
Nhìn ‘lui’ đoạn đường dài
Áo trắng về qua đó
Phơi tình ta sớm mai.
Và chỉ có thế. Tôi cũng chẳng hơn gì Hoàng.Thôi thì :
Dấu trong tim cho tình luôn nồng ấm
Nói ra chi sợ hơi lạnh luồn vào…
Năm lên lớp 9, Thầy Nguyễn Văn Hảo mới đổi về hướng dẫn lớp 9/2. Thầy cao trắng và rất đẹp trai trông như một thư sinh còn cắp sách tới trường. Buổi đầu tiên đến lớp có lẽ vì vội vàng nên Thầy quên cài cửa sổ, cả lớp cứ che miệng cười. Thầy ngạc nhiên hỏi : “Các em cười gì? Và phóng mắt nhìn ngay vào chỗ tôi ngồi. Tôi nhanh nhẹn đánh trống lảng để gỡ rối cho Thầy.
“ Thưa Thầy Bạch diện thư sinh ạ !”
Cả lớp cười vang, xua đi cái cảm giác ngờ ngợ với Thầy.
Thầy Nguyễn Văn Hoá dạy Văn. Có lần Thầy phân tích chữ “tình’ giữa Thuý kiều và Kim Trọng trong Đoạn trường Tân Thanh. Thầy giảng: ‘Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh tất cả đều yêu cuồng sống vội, chứ không như tình yêu ngày xưa:” “mắt em như nước mùa thu”, cái long lanh ngày xưa ấy bây giờ được nhìn vào nào ngực, nào mông , nào đùi… Lại có tiếng nói nho nhỏ ở cuối lớp “Cái gì cũng ngon hơn Nem lụi chợ Sãi hết Thầy ơi !”. Cả lớp lại che miệng cười; Thầy Nguyễn Quang Kế dạy Anh văn. Thầy rất thương tôi, thỉnh thoảng Thầy luôn nhắc nhở các em phải cố gắng học sau này “không thành danh cũng thành nhân”; và 3 năm sau Thầy đã vội ra đi trong một chuyến bay định mệnh. Phút giây nầy xin thắp nén tâm nhang cầu mong Hương linh của Thầy nơi suối vàng sớm được thanh thoát về miền cực lạc.
Đồng hành với chúng tôi, ba chiếc kim đồng hồ vẫn miệt mài đuổi quanh mặt số. Mùa xuân nồng ấm lùi dần, ngoài sân trường cái nắng chói chang và ngọn gió Lào đầu mùa bắt đầu thổi. Chương trình học cuối cùng chúng em cũng đã hoàn tất, điều không ai mong đợi rồi cũng đến, hàng phượng bắt đầu nhú búp màu đỏ nhạt và nắng hạ như đang tô điểm cho màu đỏ hồng thêm hồng thắm, giữa nền trời cao xanh thẳm với những áng mây trắng đầu hạ mỏng manh như vẫy chào mùa chia tay trong tiếng ve rền…
Những dòng lưu bút không còn nắn nót như xưa, màu hồng trên trang giấy chẳng còn nồng thắm trong mỗi chúng tôi, phảng phất đâu đó nỗi buồn chia xa. Những ngày cuối cấp nhà trường tổ chức cắm trại hè, chúng tôi cứ quấn quít bên nhau. Đêm văn nghệ và đốt lửa trại thật vui nhưng cũng không đủ để xua tan nỗi buồn, cố nuốt vào tận tâm khảm nhưng nước mắt cứ lại trào ra… Soong chè đậu xanh nấu sẵn, vị đường không còn ngọt ngào như cũ, xen vào đây vị đắng của chia ly. Suốt đêm ấy, chúng tôi không ngủ được, cứ nhìn nhau rồi lại khóc, khóc như đứa trẻ con đòi vú mẹ… cho đến khi mặt trời lên cao, tấm tăng được cuốn gấp lại, thế là đã gói hết bao kỷ niệm vào trong ấy…
Tôi bước chân vào Trường Nguyễn Hoàng chưa đầy một năm học, chiến tranh lại ấp đến , tiếng đạn bom cày xới quê hương. Thầy Trò chúng tôi như đàn ong vỡ tổ, người ra Bắc, kẻ vô Nam, những trang sách đành bỏ ngỏ, áo trắng chưa loang vết bụi trần đã phải đã phải ngậm ngùi chia xa tuổi học trò. Sau 3 năm lưu lạc xứ người chúng tôi trở về Quảng Trị xây dựng lại những gì đổ nát, thăm lại dấu tích trường xưa: Chẳng còn gì nữa, tất cả bị vùi chôn trong lòng đất lạnh. Hình ảnh ngôi trường thân yêu tan loãng vào không gian, chia đều cho mỗi chúng tôi đem vào tâm hồn, in đậm trong ký ức… Để rồi chân vẫn bước, hai tay vươn tới, cõi lòng cứ réo gọi, làm cuộc hành trình tìm kiếm nhau… tìm mãi và tìm mãi …hai chục năm còn gì, bạn bè gặp lại không quá 10 người, gần 40 năm liên lạc với nhau, chưa hơn nửa lớp, và cứ thế vào những ngày đầu năm chúng tôi lại tổ chức họp lớp, gặp nhau thì mừng và thương nhau nhiều lắm, hỏi thăm tin tức ai còn, ai mất và cứ mãi chạnh lòng. Ngày xưa đông vui bao nhiêu bây giờ lại vắng vẻ bấy nhiêu…
Ngồi điểm lại, trong đường đời chúng em có người thành đạt, có những vị trí cao trong xã hội cũng có người thiếu may mắn về vui với cảnh ruộng đồng, nương khoai, có người ngắn số sớm ra đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng chúng em được các Thầy Cô dạy dỗ, được học tập dưới mái trường này đa phần là con nhà nghèo nhưng học giỏi và hôm nay chúng em tất cả đã thành nhân. Cúi xin quý Thầy Cô tha thứ cho lũ học trò nghịch ngợm ngày xưa, vốn được liệt vào hạng ba, chỉ sau quỷ và ma: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò!
Rồi một buổi chiều trong những ngày giáp Tết, thật bất ngờ khi Thầy Nguyễn Văn Quang đến thăm nhà. Tôi niềm nở tiếp đón Thầy , hai Thầy Trò nắm chặt tay nhau thật xúc động. Vẫn tính cách cởi mở, với nụ cười tươi vui khi Thầy còn là học sinh của lớp đầu đàn, vẫn ánh mắt trong sáng dịu hiền ẩn chứa một nét suy tư đầy trách nhiệm, trong thời gian Thầy làm hiệu trưởng ( sau thầy Phan Thanh Thiên và thầy Văn Phong) Thầy nói lên những suy nghĩ, bao trăn trở và hoài bão của Thầy Trò gần 40 năm nay.
Tôi thật vui đón nhận tập Thư ngỏ từ bàn tay và ý tưởng của Thầy và từ đây tôi có quyền hy vọng những nụ cười sẽ thắp sáng lại trên môi, chân vẫn bước và lòng réo gọi, hai tay vươn thật xa, xa nữa đến tận bạn bè muôn nơi, réo gọi về đây cùng tụ hội; để cho bạn, cho tôi và cho một thời hoa mộng, được một lần nhận diện nhau trong ngày đoàn tụ, những bàn tay xiết thật chặt, gom góp cho hết bao kỷ niệm, bao ký ức của thời áo trắng… Cùng nhau xây dựng lại mái trường xưa xanh, mãi xanh trong tâm khảm của mỗi một cô cậu học trò là: “ Còn mãi ngôi trường khang trang trong bóng dáng Thầy Cô, có hàng phượng vĩ, có những gốc me xanh tô điểm sắc màu cho sân trường dấu ái rộn rã tiếng cười...
Hình ảnh ấy còn mãi trong tôi và mong đồng hành mãi cùng chúng ta trong cuộc sống,cho dù hôm ay tóc đã bac, vầng trán thêm nhiều nếp nhăn, làn da sạm nắng và khi bòng ngã về chiều vẫn có những ánh nắng vàng lơi lả còn thơm mùi KỶ NIỆM YÊU THƯƠNG./.
Triệu Thành 3/2010
Lê Ngọc Quế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét