Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

SÃI -HÔI ỨC VỀ ... D.T.B.LIÊN

SÃI, HỒI ỨC VỀ TUỔI THƠ
DƯƠNG THỊ BÍCH LIÊN


Tôi lớn lên ở Sãi, Triệu Thành ,Triệu Phong ,Quảng Trị. Được học những năm tiểu học tại trường tiểu học Triệu Phong.
Nhà tôi gồm tám chị em, tôi đứng hàng thứ ba, tính theo miền Trung mình. Mặt tiền nhà, đối diện là chợ Sãi, vào mỗi buổi sáng, cô bác đã gánh những hàng từ các vùng quê mang lên bán, đủ các loại trái cây, rau quả. Tôi mê ăn quà vặt nên rất hứng thú.
“ Thị tại môn tiền náo
Nguyệt lai môn hạ nhàn ”
Song sự náo nhiệt này tạo nên một sức sống lành mạnh và mang nét thanh bình cho mọi người dân sống ở Sãi. Chợ Sãi có năm dãy nhà lồng chợ, được xây cất rất kiên cố, đối diện chùa Cổ Thành có hai dãy, trước mặt nhà tôi có một dãy nhà dài, và hai dãy còn lại nằm đối diện với nhau trong khuôn viên chợ. Ở cuối dãy này có ngăn một góc, là tiệm hớt tóc của ông Bụi. Tiệm hớt tóc này thường cắt cho phái nam, vì không có tiệm hớt tóc nào cho phái nữ, nên chị em chúng tôi buộc lòng phải hớt tóc ở đây. Ông Bụi cắt tóc cho tôi theo kiểu “búp bê”, tôi cố năn nỉ ông cắt cho vừa thôi, nhưng ông lắc đầu lia lịa. Tôi sợ nhất là khi ông cầm cái dao, mài vào sợi dây da treo ở trên tường, để cho da được sắc bén, rồi ông cạo những lông măng ở gáy, làm cho tôi sợ vô cùng.
Đầu Hạ ,tiếng gió Lào đầu mùa thổi rì rào trên những hàng tre và cái nắng 40 độ giữa trưa hè, đang ru những con đò ngủ yên trên bến Sãi- Kia là  cầu Sãi vắng   lặng bước chân ai... 
Sãi, chợ đông từ sáng sớm, với các ghe thuyền chuyên chở thực phẩm từ Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh chở tới, những nơi này có nhiều nông sản, và nhiều loại trái cây,. Hải sản cũng rất phong phú, vì Quảng Trị có nhiều bãi biển, biển Cửa Việt, Cửa Tùng, Gia Đẳng, Mỹ Thuỷ… Tôm cá rất tươi, không bao giờ có ướp nước đá, vì khi ghe vào bến, những ngư dân đem thẳng lên chợ bán.
 Miếu Ngũ hành nằm bên bến Miệu
Mỗi buổi chiều chị em chúng tôi thường lén nhà đi dạo mát trên con đường, có Đình Làng Cổ Thành, có bến Miệu, có bến nước mới xây gần cầu Sãi, bến này rất cạn, từ bến này nhìn qua bên tê sông là Xóm Hà, nước sông trong vắt, chảy lững lờ dưới ánh chiều tà rất là êm ả, khúc sông này rất cạn, có thể nhìn thấy cát vàng ở dưới đáy sông, có thể trông thấy những đàn cá long tong bơi lội. Nhiều cô thôn nữ ngâm mình trong dòng nước trong xanh để cào hến, xa xa ghe câu cá thong thả lặng lờ trôi.
Ba tôi lúc nào cũng cấm không cho chúng tôi đi đến chơi những nơi đó, nhưng ở tuổi nhỏ sông nước là sự quyến rũ mạnh mẽ nhất không thể khước từ được. Bến Miệu có lẽ đã xây lâu rồi, những bậc tam cấp được làm bằng bê tông sỏi trắng đẹp, ngồi ở bậc cấp này giặt đồ rất thích thú.
- Nghề ăn tới mần lui( dưới)
Sãi vào mùa nước lũ, trời mưa liên tục mấy ngày đêm không dứt, nước sông dâng lên từ từ, chiều đi học về, tôi chạy xuồng bến Miệu, đếm xem còn mấy bậc nữa thì nước tràn lên bờ, có nhiều người đến bờ sông để cất rớ. Tôi thường chen lấn, chạy lon ton, hết chỗ này, qua chỗ nọ để xem ai được nhiều cá, thấy ai được nhiều cá là nhảy lên vui mừng.
Chiều đến những áng mây xám từ đâu kéo đến, làm cho bầu trời trở nên tối hẳn, rồi cơn mưa trút xuống như thác đổ, mưa rơi suốt đêm. Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm để chuẩn bị đến trường, tôi nhìn ra ngoài đường, và reo lên mừng rỡ, nước lụt đã lên đến chợ rồi, nước dâng lên rất nhanh, có nhiều ngôi nhà thấp nước vô đến nhà, còn nhà tôi thì chưa bao giờ có nước lụt vào nhà, vì nhà xây theo kiểu xưa nền nhà rất cao, ( tôi vẫn cầu mong cho nước lụt vào nhà). Làng Lệ Xuyên ở gần biển, vì chiến tranh loạn lạc, phải rời làng quê lên chợ Sãi sinh sống, họ được ở trong nhà mái lợp tôn, nền nhà thấp nên khi có lụt lội họ ra chợ nương náu. Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh nước lụt năm đó, trên con đường chính của chợ, nước dâng cao hơn vào sáng hôm sau tôi thấy chiếc ca - nô của quận Triệu Phong đem thực phẩm đến cứu trợ cho những gia đình làng Lệ Xuyên,  mọi người  đón nhận  hàng  cứu trợ mà cảm thấy vô cùng xúc động...
Nước lụt trường học đóng cửa, tôi được nghỉ học, ở nhà cùng bạn bè đi lội nước, đi xem người lớn vớt củi, những cây khô ở rừng theo nước nguồn chảy tuông về Sãi nhiều vô số. Thời gian được nghỉ học vì nước lụt, mỗi ngày tôi dầm mưa ướt cả chục bộ đồ. O Hải người giúp việc ở nhà thường ái ngại cho tôi, sợ tôi bị cảm lạnh, O thường hong khô quần áo bằng lò than lớn cho chúng tôi.
Tôi đi học. Mỗi buổi sáng chị Bích Đào và tôi đi bộ từ nhà đến trường tiểu học, ra đến đầu ngõ là gặp đầy đủ các bạn, rồi cùng nhau đi đến trường. Ngôi trường thật khiêm tốn nằm sâu bên trong làng, gần bên trong xã Triệu Thành, đường đến trường là con đường đất đỏ, dọc hai bên đường có nhiều loại cây dại đủ để cho chúng tôi nghịch phá. Trước sân trường có những cây Phượng vĩ che bóng cho chúng tôi khi giờ ra chơi, phía sau trường có một bãi cỏ xanh xanh mềm mại như thảm nhung. Vào giờ ra chơi chúng tôi thường ngồi trên thảm cỏ này, bày ra nhiều trò chơi, và chọc phá lẫn nhau. Cuối khuôn viên nhà trường có những lô cốt xây từ lâu lắm rồi, tôi tuy nghịch phá nhưng chưa bao giờ dám bước chân vô đó, vì sợ ma…Những lúc tan trường về tôi và các bạn quanh quẩn bên các bụi cây mầm xôi để hái những chùm trái chín đỏ ngọt mê hồn, ăn no mới thong thả về nhà.
Vào lúc đó tôi lớp ba, chị Bích Đào lớp năm, chị BĐ mảnh khảnh, trên đường đi học về, thường bị bạn cùng lớp kiếm chuyện, cứ nhịn hoài nên bạn cứ làm tới, tôi đi phía sau lưng, cảm thấy rất là bực, vội vàng quăng cặp xuống đất và túm đầu đánh liền. Chi BĐ tái xanh mặt năn nỉ tôi bỏ qua, còn hăm về nhà mách Ba, tôi hét lớn Ba cuối tuần mới về, chứ không chịu nhục được. Tôi có lợi thế túm được mái tóc dài của chị Huệ ( người hay gây sự) trong tầm tay rồi ghì xuống, có lẽ đau lắm làm chị buông hai tay đầu hàng. Cũng may, chứ chị mà đè tôi xuống đất chắc chết mất vì chị ấy rất mập. Cuối tuần đó ba rôi đi làm từ Huế về, tôi bị phạt rất nặng nhưng lòng tôi không hối hận về việc đã làm.
Sãi và tuổi thơ: Tôi đi chùa Cổ Thành và ở trong đoàn oanh vũ, trưởng đoàn là chị Liên Hoa vào những ngày rằm chùa thường bán thức ăn chay để gây quỹ, tôi rất thích thú tham gia, chạy bưng từng tô mì khắp nơi mời gọi. Sãi có hai ngôi chùa là Cổ Thành và Hậu Kiên. Chùa Cổ Thành không lớn lắm, được ông bà Lôi chăm sóc hương khói và quyét dọn hàng ngày. Bên trong chùa tượng Phật thật lớn đặt ở chính diện. Phía bên phải có hai tượng cũng khá lớn, với hai khuôn mặt khác biệt nhau, một ông vui vẻ mặt hiền lành, đó là ông Thiện, còn ông vẻ mặt hung dữ, đó là ông Ác. Hình ảnh hai ông này đã đi vào tâm trí tôi, cho tôi cân nhắc những việc gì mình làm để hướng tới con đường đi của mình đúng.

Chùa Cổ Thành hiện nay vẫn sinh hoạt hàng tuần đều đặn
 Chùa Hậu Kiên kế bên cũng đang được tiếp tục trùng tu cho ngang tầmvới các chùa khác- Đạo hữu và đoàn sinh GĐPT tham gia sinh hoạt đều đặn - Chùa cũng có các sư Cô kinh Phật
Vào những ngày lễ Phật Đản, Chùa cho cắm trại, được sinh hoạt chung với chùa Hậu Kiên, đêm đốt lửa trại và văn nghệ, ca múa hát vang dậy cả bầu trời. Chị BĐ được đóng vai em bé bán bánh mì, tôi rất thích giữ vai này lắm, nhưng vì tôi mập, nên các chị không có vai nào cho tôi. Vào mùa hè, Chùa tổ chức đi du ngoạn, đi bộ một đoàn người, vừa thiếu nữ, vừa oanh vũ. Từ Sãi về làng Tích Tường, trên đường đi lúc nào cũng xếp hàng theo thứ tự và ca hát quên cả mỏi chân và đói bụng, phong cảnh ở Tích Tường đẹp ghê lắm, trước mặt là hồ sen ngào ngạt hương thơm, những búp sen trắng hồng khoe sắc trong ánh nắng lung linh. Khi đã cắm được trại, chúng tôi quây quần ngồi nghe kể chuyện, các chị lớn thì kiếm củi nấu cơm trước. Không bao lâu cơm canh đã chín, trước khi ăn chúng tôi hát vang những câu: “ Cơm canh kia rồi. Chúng ta ơi, chúng ta cùng ngồi ăn, cùng ngồi ăn, nhưng anh em nhớ rằng : Hạt cơm kia đã mấy tháng rồi, do anh em nông phu tay cày tay cấy, ta ngồi ăn chớ khi nào quên……..”
Sãi những đêm trăng sáng : - Thuở đó chưa có điện nhà nhà đều đốt đèn dầu, chúng tôi, sau khi ăn cơm xong, vào bàn để học bài và làm bài tập. Ba tôi có nhờ anh Hữu con bác Lạc đến dạy kèm và kiểm tra bài vở cho chị em tôi, bài vở xong rồi tôi cảm thấy nhẹ nhõm và chạy ra đường, các bạn cùng xóm vừa tới, và tôi chúng tôi cùng chơi đùa cho đến lúc ướt đẫm mồ hôi, vào nhà tắm rồi đi ngủ, chuẩn bị cho một ngày mai vui nhộn chờ đón.
Sãi và Tết Mậu Thân (năm 1968). Mùa hè 67, những thiếu nữ ở vùng biển bỗng dưng xin giúp việc cho một số gia đình mà không nhận thù lao. Nhà tôi cũng có một O, tên là Non, O vào nhà tôi và năn nỉ mẹ tôi cho phụ việc nhà, nhưng nhà tôi đã có người làm, sau nhiều lần năn nỉ, mẹ tôi cho O ở nhờ, chỉ ăn uống thôi, không nhận tiền công, gần đến tết, vào những buổi tối, sau khi cơm nước xong O thường xin mẹ tôi ra ngoài chơi, O đi cho đến khuya mới về, mẹ tôi cũng không hỏi han về việc O đi muộn.
Vào sáng sớm ngày mồng một tết âm lịch năm Mậu Thân, nhà tôi cũng như các nhà hàng xóm đều nghe tiếng kêu cửa, vang lên,  “mở cửa, mở cửa” O Hải chạy ra mở cửa thì những chú bộ lính đồng phục màu kaki, đầu đội nón cối vào nhà , chúng tôi còn nhỏ nên đứng nhìn ngơ ngác, nhà tôi chỉ có cố ngoại và mẹ tôi là người lớn tuổi, rồi họ nhìn lên trần nhà và hỏi có ai trên này không? Mẹ tôi trả lời “không có ai hết” , thế rồi họ ra đi, tôi xuống bếp tìm O Non mới biết O đã ra đi tự lúc nào mà không từ giã. Đó là lần đầu tiên tôi thấy O  du kích. Qua ngày mồng bảy tết, súng nổ mỗi lúc mỗi gần, bên xóm Hà cũng bị  bom đạn, có nhiều người chết và bị thương, cả nhà ở dưới hầm, đến trưa tình hình lắng xuống gia đình tôi di tản lên Tỉnh để lánh tránh bị bom ,đạn, không bao lâu Sãi trở lại bình yên.
Hè năm sau tôi thi đậu vào trường TH Triệu Phong. Lúc xem kết quả thấy có tên mình tôi vui mừng khôn xiết, liền rủ Hiệp em gái kế tôi và Nga nhà kế cạnh đi tắm sông. Trưa hè trời nắng chang chang, bến Đình nước trong xanh, nhìn thấy cát vàng dưới đáy sông, tưởng rằng nước đã rút nên mới bồi cát lên, ba đứa tôi nhảy xuống tắm, càng lúc càng bị lún sâu không ngoi lên được nữa, tôi đưa hai tay lên làm dấu hiệu cầu cứu, cũng may bên kia sông có các anh đang tắm, liền đem phao ra cứu chúng tôi, thoát chết đợt đó tôi bắt đầu sợ nước, cả nhà tôi đều không cho ba tôi biết về chuyện này.
Ba tôi mua nhà ở Tỉnh, một ngôi nhà thật đẹp, có vườn cây ăn trái, có những bức tường cao sơn màu trắng sáng, ở đường Trần Cao Vân, số nhà 9b. Ngày từ giã Sãi, ai cũng buồn. Tôi vẫn còn học ở trường THTP, vào mỗi buổi sáng, tôi đạp xe đi học, nhưng ít khi ghé qua chợ Sãi.
Bây giờ đã bốn mươi năm xa Sãi, tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng, chơi đùa, nghịch ngợm, phá phách. Tôi mong muốn một ngày nào đó tôi sẽ trở về thăm Quê Hương Quảng trị dấu yêu, và chợ Sãi một thời để nhớ. VÂNG TÔI SẼ TRỞ VỀ !!!.
 Thầy Liệu, Chiến và B. Liên, Cô Tĩnh,Thầy Tuấn
Savannah, May 14/2009
Dương Bích Liên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét