gồm các bài viết:
- Ngàn thu áo tím- Không chỉ riêng ai - Bảng màu cuộc sống
- Ngàn thu áo tím- Không chỉ riêng ai - Bảng màu cuộc sống
NGÀN THU ÁO TÍM
Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thiết tha bước trên
đường gấm hoa, ngắm mây chiều thiết tha….
Mỗi lần nghe bài hát nầy, tôi lại liên tưởng đến một người con gái xứ Huế, rất đổi dịu dàng với mái tóc dài ngang lưng, yêu màu tím nhưng chẵng kém nghiêm trang khi đứng trên bục giảng, như đóa hoa sim rừng mộc mạc giữa vườn hoa thơm cỏ lạ rực rỡ sắc hương. Đó là cô: Võ thị Hồng, giáo sư phụ trách môn văn, cũng là giáo sư Cố Vấn lớp 10C của chúng tôi ngày xưa .
Cô ơi! từ hình ảnh đầy nữ tính dung dị ấy mà chúng em đã bí mật thành hình nhóm thơ áo Tím gồm Lê Khương, T.Vân (Mây xanh) M.Diệu và Quang Tuyết ( Tử Y Vân), tiếc là chỉ mới xây dựng trên danh nghĩa còn thơ thì vừa mới thẩn, chưa dám công khai một bài nào ngoài nhóm, chỉ có bốn tà áo dài sim chín điệu đàng tung bay trên phố mỗi chiều chủ nhật, hay những tấm thiệp mừng xuân vẽ và viết bằng bút lông màu trắng trên nền tím, em tự làm mỗi lần Tết đến tặng bạn bè thôi. Thời gian đầu năm lớp 10, em cực ghét môn Văn, vì thích và quen văn tả cảnh đầy màu sắc bay bổng tưởng tượng, giờ chuyễn sang văn nghị luận luân lý khô khan đầy thực tế… Nhưng rồi em dần bị chinh phục từ cách dạy cuốn hút cùng giọng giãng êm dịu của cô, nên lại yêu thích môn văn như trước. Thích nhất là giờ thuyết trình, lớp được chia thành từng nhóm theo sơ đồ chổ ngồi, làm những bài thuyết trình và luân phiên trở thành những thuyết trình viên, Công tố viên hay Luật sư bào chữa về những số phận nghiệt ngã trong tác phẫm văn học của nhóm Tự Lực Văn Đoàn: Đoạn Tuyệt, Nữa chừng Xuân, Gánh hàng hoa…. .Những lúc ấy không khí lớp thật sôi nổi, và ai cũng lâng lâng với cãm giác tự hào như vừa đấu tranh thành công cho người yếu thế, hàm oan, như vừa hoàn thành một nghĩa vụ rất cao cả: góp phần thay đổi những lề lối cổ hủ của xã hội. Thuở ấy em không dám gần gũi cô như một số bạn trong lớp, vì cứ mang cảm giác là cầu thân, là nịnh bợ, mãi sau nầy gặp lại, khi tóc cả cô lẫn trò đã phai màu, khi hàng rào Tôn Sư có lẽ nhẹ nhàng đi, tình cảm cô trò mới tự nhiên thân mật. Cô trong lòng em không còn là cô giáo nghiêm trang xa cách với những kiến thức sách vở, mà hiện thân một người mẹ, người chị cả bao dung, dịu dàng, luôn quan tâm hỏi han dù chúng em đã thành những ông, bà chủ gia đình. Căn nhà dể thương ở hẽm Huỳnh đình Hai cho chúng em có những giây phút ấm nồng vô cùng quý giá.Không vui sướng nào bằng khi thỉnh thoảng cô lại vào bếp thết đãi các cô cậu học trò cũ những món ăn Huế rất ngon, làm Bích Hường ở Đà Nẵng phải ấm ức ghê gớm dù bạn ấy đã không ít lần được cô “săn sóc” lúc gia đình cô chưa chuyễn vào Sài Gòn (các bạn thấy B.Hường ích kỷ ghê chưa? Muốn dành cô cho riêng mình thôi). Nhớ nhất là món muối sả ăn với cơm nóng, chao ôi là tuyệt vời, Trị có vẻ khoái khẩu nhất ăn liên tù tì, cô còn vui vẻ khuyến khích ghé nhà cô ngày một để ăn kia đấy. Còn tôi thì ra chợ mua về tự làm, mấy đứa con trong nhà tấm tắc khen nhưng không hiểu sao em ăn vẫn thấy không ngon bằng mùi vị muối sả do chính cô làm đó cô ơi! Sau nầy thấy cô không được khỏe nên cả nhóm bảo nhỏ nhau đừng” Mè nheo” cô nữa, để cô nghỉ ngơi và giữ sức khỏe thật tốt. Không phải đứng trên bục giảng mới là cô giáo. Cô vẫn đang tiếp tục dạy chúng em bài học đạo đức từ cách sống thường ngày một cách dung dị, tự nhiên đó thôi.
Đó là chữ Hiếu Đạo: cô chăm sóc hai người mẹ già rất chu đáo dù sức khỏe của mình đang có vấn đề, mà lúc nào em cũng thấy cô nhẹ nhàng, vui vẻ trước những khó khăn tâm lý của người già. Đến ngày mẹ ruột cô ra đi, em thấy cô buồn và xanh xao hẵn, lòng lo lắng sợ cô suy sụp, nhưng dường như chữ Hiếu cho cô thêm sức mạnh để tiếp tục hoàn thành trách nhiệm người dâu hiền: Bà Nội đang cần bàn tay chăm sóc của cô...
Đó là chữ Nghĩa tình: Thầy và cô cho em cãm nhận được ý nghĩa của hai từ Tri âm, Tri Kỹ . Một gia đình Hạnh Phúc chắc chắn phải có bàn tay vén khéo của một người vợ hiền lành đãm đang. Quà thầy cô tặng chúng em là những món quà vô cùng giá trị về tinh thần: bức Thư Pháp do chính thầy viết, cô dán lên khung. Mỗi câu, mỗi chữ nhắc nhở chúng em luôn sống bằng Tâm Thiện, đó là cách dạy gián tiếp của một người thầy tâm huyết ở mọi góc cạnh hoàn cảnh cuộc đời.
Thời gian có dài bao lâu, tuổi đời có già bao nhiêu em vẫn mong cô thật khỏe bên cạnh chúng em, những old Nguyễn Hoàng bây giờ mãi mãi là những cô cậu học sinh 10C của cô giáo Võ thị Hồng.Tiếng cười trong sáng khi quay quần bên cô, chúng em thấy cả một trời kỹ niệm về tuổi thơ đã qua đi và trong ký ức chúng em cô vẫn như xưa, dịu dàng trong tà áo tím đang say sưa giảng bài trên bục giảng. Cô ơi! Mãi mãi cô là đóa hoa sim dung dị trong lòng em.
Mai tím nào đây lầm cát bụi
Em lại đường xa trãi kiếp người
Tim tím mây chiều tim tím núi
Kìa sao nhiều tím thế anh ơi!
Quang Tuyết 11C
KHÔNG CHỈ
RIÊNG AI
Quang Tuyết 11C
Bạn nói với tôi:”Lật sách Nguyễn
Hoàng toàn nghe tiếng ve, rồi màu hoa Phượng hay thời hoa mộng vv và vv. Một
bạn nữa lên tiếng:” Học hành gì toàn Vất vở bụi tre, hay đến thăm thầy đau lại
lén lấy trái cây nhà thầy, quậy phá tùm lum hèn gì lông bông cả lũ, không tiếng
như Quỳnh, chẵng cao như Hường vv lại vv
Chao ơi! Biết sao được khi đời
học sinh gắn liền tà áo trắng, tiếng ve và hoa phượng đỏ...Bây giờ ai cũng đầu
hai thứ tóc chạnh lòng nhớ thời xưa, đó không là một thời hoa mộng là gì? Và
biết làm sao khi nghiệp dĩ đã định” Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, không
hoang nghịch làm sao”được” mang tiếng đó? Quan trọng hơn nữa là ”Chuyện tốt dễ
quên, điều sai nhớ mãi” nên xưa mới có câu“Ngàn năm Bia đá thì mòn, Ngàn năm
Bia miệng vẫn còn trơ trơ đó sao”. Vì thế những mẫu chuyện cười ra nước mắt hay
đau khổ một thời là học sinh không thể phai nhòa trong trí nhớ, là vô giá đấy
bạn ơi! Hôm nay tôi tiếp tục kể một kỹ niệm khó quên của tôi với thầy cố vấn
năm học 11C nữa đây. Các bạn có cười hay ý kiến gì gì đi nữa đó cũng là một ký
ức rất đẹp của những năm tháng học trò.
Chúng tôi gọi lén thầy là
Jormachel (?)mà thầy trông giống người ca sĩ nổi tiếng nầy thật đấy. Tôi lại cả
gan thầm thì với lũ bạn:” Xe thồ kìa” mỗi lần thầy chạy xe ngang qua, vì sau
pót ba ga bao giờ cũng quấn dây ruột xe( cao su). Thầy thường kể về quá khứ khổ
nhọc đời mình rất tự hào: phải bán trứng lộn kiếm tiền đi học vì nhà nghèo… cốt
yếu để động viên, để nhắc nhủ chúng tôi chăm chỉ học hành khi may mắn sinh
trưởng trong hoàn cảnh no đủ. Xen lẫn vào bài học English for Today luôn luôn
là những câu nói hay, những áng văn học nỗi tiếng nước ngoài có nội dung đấu
tranh phãn đối phân biệt chũng tộc, đòi hỏi quyền bình đẵng con người hay nỗi
trăn trở của thân phận nhược tiểu. Chẵng bao giờ thấy thầy cười có chăng chỉ là
cái nhếch môi khinh bạc, nên học trò lại thầm thì: Thầy Đỏ. Chắc các bạn đã
đoán thầy là ai rồi chứ gì? Đó chính là Thầy Trần Ngọc Cư.
Nếu luận bàn về phương pháp dạy
ngoại ngữ, về tâm huyết của một người thầy thì chẵng có gì phải bàn, vì thầy
vừa giỏi, uyên bác vừa tâm huyết trong trách nhiệm truyền bá kiến thức. Lớp tôi
hồi đó Nữ nỗi trội hơn Nam về Anh Ngữ, đó là V.T.Quỳnh, Hà thị B.Hường, Thu
Trang, Quang Trung vv. Còn tôi học lực chỉ nằm ở mức trung bình, ít năng nổ
hoạt động trong lớp, lại mê Văn Nghệ, báo chí. Thầy thì cầu toàn trong môn học,
luôn muốn học sinh tiếp thu trọn vẹn những gì mình dạy nên những giờ tôi và Thu
vàng nhận giấy gọi tập Văn Nghệ, y như là nhận luôn ánh nhìn sắc lạnh thiếu thiện
cảm của thầy. Để rồi một buổi sáng, sự nghiêm khắc ấy vô tình làm tổn thương
lòng tự trọng của cô học trò thơ dại, suýt bỏ trường bỏ lớp về làm cô bán hàng
Tạp Hóa ở xóm Ga
Chuyện xãy từ năm nào mà giờ tôi
vẫn còn nhớ như in, buổi sáng ấy khi sắp đến giờ Anh Văn, lục tìm bài tập về
nhà đâu chẵng thấy. Chiều hôm trước tôi đã chăm chú làm cho xong để kịp giờ xem
Ti Vi phát vở kịch “ Dưới hai màu áo” của cô Kim Cương, xúc động trước tình
tiết éo le bi đát tôi khóc và thao thức cả đêm nên sáng dậy lật đật thế nào bỏ
quên vở ở nhà. Vội vàng tôi ra đón thầy trước cửa lớp xin phép về lấy, thầy
nghe xong ôn tồn khoát tay bảo:” Được rồi em vào lớp đi”. Nhưng sự tình oái ăm
thay, kiểm tra có vài ba bạn không làm bài, thầy giận quá đuổi tất cả ra khỏi lớp,
không hề nhớ trường hợp cá biệt của tôi. Tức tưởi đứng trước hành lang, thầy Hồ
Ngọc Thanh đi qua hỏi:”Sao Quang Tuyết đứng đây?” Ôi chao là xấu hỗ, tôi gầm
mặt xuống chẵng biết trả lời sao, vừa quê, vừa giận. Lúc nghe tiếng Thầy nói
rất to trong lớp:” Những HS không làm bài tập về nhà, các cậu thì Quân Trường
đang rộng cửa, còn các cô thì Sở Mỹ đang chờ đón các cô…”
Tai tôi ù lên, không bình tỉnh
được nữa, vội đến bên cửa ra dấu M.Diệu chuyền cặp sách ra bye bye các bạn bỏ
về, bỏ luôn cả những giờ Anh Văn sau đó.Thầy xem sổ đầu bài thấy tên tôi chỉ
vắng giờ thầy dạy nên nhắn nhủ:”Nói với trò Quang Tuyết không học giờ Anh Văn
thì hãy nghỉ luôn đừng đến trường nữa” Thế là nổi tự ái vô cùng Tiểu Thư khiến
tôi mất luôn phương hướng bỏ trường, xa lớp về khóc lóc mè nheo ba phải rút hồ sơ
học bạ đi học trường khác. Đã lỡ học kỳ nên chẵng trường nào nhận, thôi thì
nghỉ ở nhà nằm chèo queo, càng nhớ bạn bè, càng giận thầy. Suốt mấy tháng trời
như thế, phụ bán hàng với mạ mà lòng thì cứ thẫn thờ. Một buổi trưa thầy Hoàng
Thế Hiệp lên nhà gọi tôi ra phân tích và nhắn nhủ lại lời khuyên của thầy Cư
rồi hỏi :” Em có muốn đi học trở lại không?( Sao lại không nhỉ?)Thầy Cư và thầy
sẽ đứng ra trước Hội Đồng Giáo Sư xin bão lãnh cho em được vào học lạị…” Mọi
việc sau đó đã được giải quyết tốt đẹp, tôi trở về với sách vở với một niềm hân
hoan khó tả. Cũng từ đó thầy lưu tâm đến cô học trò ngang ngạnh hơn và cố giúp
tôi theo kịp chương trình cùng các bạn, nhưng tiếc thay khi thầy trò cảm thông
được nhau, khi tôi cố gắng đêm ngày ôn luyện để thể hiện quyết tâm mình thì
chiến sự 1972 bùng nổ, Quảng Trị cùng ngôi trường xưa tan nát, tôi cùng GĐ vào
Đà Nẵng, tâm trạng hụt hẫng nên bỏ bê sách vở sau kỳ thi Bán Phần. Thời gian
trôi đi, nghe tin năm đó thầy qua Mỹ và định cư luôn. Cho đến một ngày quả đất
xoay tròn sao thật hay, thầy trò hội ngộ ở quán Rất Huế của Nguyễn Đặng Mừng,
Thầy vẫn trẻ, khỏe nhưng không còn nghiêm khắc như trước, nụ cười luôn tươi tắn
cởi mỡ trên môi, còn đọc thơ cho chúng tôi nghe, cùng chúng tôi hát hò tâm sự
rất gần gũi. Chuyện ngày ấy bây giờ nhắc lại là một kỹ niệm khó phai, thầy bảo
đó là sự vấp ngã vì lòng hiếu thắng tuổi trẻ của cả thầy lẫn trò,, nhưng trong
suy nghĩ riêng tư tôi biết mình nông nổi nên cạn nghĩ…
Thời gian qua đi, chưa kịp về
thăm lại quê hương như lời hứa cùng học trò cũ thì thầy hở van tim phải vào
Bịnh Viện, chúng tôi bên nầy lo lắng theo dõi tình trạng sức khỏe thầy qua
email, cầu mong thầy qua khỏi và chóng bình phục. Trái tim mạnh mẽ ấy đã hồi
sinh và đập những nhịp yêu đời hơn. Hình ảnh thầy đứng dưới hàng cây Phượng Tím
xứ người, trông thật cô đơn nhưng vẫn toát lên vẽ cứng cõi lạ thường. Thi
thoảng hộp thư mail của old NH lại có bài dịch những câu chuyện có tính chất
Nhân Văn, hay những bài thơ ca nỗi tiếng như nhắn nhũ nỗi niềm người xa xứ. Qua
email, chúng tôi biết trái tim ấy chưa hề khuất phục hoàn cảnh, chưa mõi mệt vì
thời gian, trái tim ấy vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo và chuyễn lưu những
dòng máu đỏ cho sư tồn sinh, và luôn hướng về quê hương thân yêu. Chắc chắn
rằng trong trái tim ấy có đóa hoa hồng ngày về, có lũ học trò ngu ngơ chúng tôi
của một thời Nguyễn Hoàng Quãng Trị. Một khoãng ký ức không bao giờ quên… không
chỉ riêng ai
QT
BẢNG MÀU CUỘC
SỐNG
Quang Tuyết
Con đường như dài ra dưới cơn mưa
xối xả không ngớt. Chiếc áo tiện lợi mua vội đọc đường chẳng che kín toàn thân nên
đôi chân sũng ướt, nước len lỏi thấm từ tay, cổ và từ chiếc nón bảo hiểm vào
tận bên trong cơ thể…hơi lạnh bất chợt làm Thi rùng mình, chao ôi! bỗng dưng
nhớ quê da diết. Nhớ những ngày còn là nữ sinh Nguyễn Hoàng, ngôi trường Trung
Học Công Lập duy nhất của tỉnh Quảng Trị. Những ngày mưa thế này, bao giờ cô
cũng ủ trong vạt áo bao bắp rang còn nóng hổi, vừa đủ Thi và Hà nhâm nhi trong
giờ chơi, âm thanh “rào rạo” nghe mới dòn tan làm sao. Bắp hồi ấy sao mà ngon
lắm, đâu phải như bây giờ toàn giống lai tạo, tăng năng xuất mà kém chất lượng…
Mưa mịt mù đường về, giờ này dễ kẹt xe muộn giờ đón cháu nội. Nhưng Thi không
dám chạy nhanh vì đường trơn ướt, ai đang tham gia giao thông cũng tranh thủ
mạnh tay ga, tai nạn bất kỳ xãy ra chỉ trong một giây phút sơ sẩy, thôi thì cứ
từ từ để bảo đảm an toàn, có lẽ cô giáo cũng hiểu trời mưa lớn phụ huynh sẽ đến
muộn nên giữ bé lại trong lớp. Một ngày của Thi trôi qua…trôi qua như thế.
Màn mưa trắng
xóa, loang loáng những chiếc áo mưa đủ màu, đủ sắc, hai bên đường hàng cây vừa
được tắm gội xanh ngắt sạch trơn…Trông như một bảng màu vừa sống động, vừa đa
dạng đa sắc của cuộc sống,
Năm cô học Đệ Lục, Đệ Ngũ, thầy Liên
dạy nhạc họa, Thi luôn được điểm cao trong giờ vẽ. Bãng màu Newton được
pha chuẩn mực: Đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím trên tấm bìa hình tròn. Khi
xoay bảng với tốc độ nhanh, chỉ còn đơn thuần màu trắng trong. Cuộc đời cũng
thế, xanh hy vọng, đỏ nhiệt huyết, tím buồn bã… xoay quanh trục sống của tham,
sân, si, ái, lạc, thú cuối cùng cũng chỉ là màu trắng của vô vi….của bình yên
cuộc đời
Ôi bảng màu cuộc sống…Là những
nốt thăng trầm phận người hay sắc đời chuyển biến…Có tiếng khóc giọng cười, có
niềm vui nỗi buồn. Có cả hy vọng lẩn đắng cay. Thi bó gối miên man trong dòng
thời gian, bỏ quên phận đời cánh mỏng theo những màu đời thường trong tư tưởng
của mình.
Có bao giờ anh
chị và các bạn nghe nói đến từ: BOLERO chợ NỌ chưa? Có lần Thi thắc mắc hỏi
thầy:
- “ Thưa thầy! Sao lại gọi là Bolero
chợ Nọ?”
-Thầy nói: « Nọ là tên một cái chợ
ở vùng quê xứ Huế, ở đó ngày xưa đoàn văn nghệ nào về diển dân làng cũng yêu
cầu những bài hát có giai điệu Boléro, nên từ đó tên chợ Nọ được ghép vào như
một tên riêng đặc thù của loại nhạc này. Vừa mộc mạc lại cũng lắm trữ tình, như
ruộng lúa trỗ đòng mang hương ngọt dịu, như con thuyền nan xuôi theo dòng sông
quê hương…như tiếng chày, giọng hò giã gạo của trai gái làng vào mùa…Dưới ánh
trăng sáng xanh của mênh mông trời đêm.
Lần nào thầy vô Sài Gòn cũng gọi một
số học trò cũ tụ lại một nơi nào đó chuyện trò, và cái điều yêu thích bao giờ
cũng theo sau là không gian âm nhạc « Bolero chợ Nọ ». Thi là cô học
trò trong số anh chị em bị lôi cuốn theo nền nhạc dân dã thanh thanh, rộn
rã ấy, nên hầu như bao giờ Thi cũng có mặt, dù công việc gắn dính cô với vai
trò bà Nội. Chỉ vài ly bia cho tâm hồn bay bổng, trò ôm Guitar, trò tay đũa,
tay muỗng gõ nhịp…Thầy hát. Thế thôi mà say sưa hát, hết bài này qua bài khác,
“dàn nhạc” thì tung hứng loạn xạ theo cảm hứng…Có khi lời không nhớ kịp, lẫn
lộn đuôi đầu, có khi “nhạc công quá lành nghề” nên lạc điệu lạc “ton”… Nhưng
chẳng hề gì, Thi thả lỏng tâm hồn về với ngày xưa, nhìn sang thấy thầy nhắm kín
mắt, tay và cả vai nhịp theo tiếng hát, toát ra sự đam mê vô bờ bến, tất cả mọi
người cũng thế như cuốn theo dòng mộc mạc của Bolero “Chợ Nọ”. Một nguồn âm
nhạc trào dâng…
Niềm đam mê âm nhạc
của thầy thật lạ, thỉnh thoảng một mình cùng chiếc Honda từ Huế ra Quảng Trị
gặp gỡ nhóm học trò cũ. Ở lại vài hôm đàn hát vui vẻ rồi quay xe vào lại Huế. Ở
Huế thì có nhóm đồng nghiệp, chiều chiều gọi nhau đến quán vắng ven bờ sông Hương
chén thù chén tạc. Không lợi chẳng màng danh, chỉ tiếng guitar bập bùng và dòng
nhạc muôn thuở “Bolero”… Những lúc này thắm tươi một màu xanh, niềm hạnh phúc
giản dị của cuộc sống tràn lan lên ánh mắt tiếng cười, trong tâm hồn đồng
điệu…Hình ảnh chân thực của thầy Lý Văn Nghiên đậm một màu xanh tươi của tình
thương yêu cuộc đời. Nơi nào có thầy thì nơi đó nỗi buồn phiền hóa thành khói
bay cao rồi tan biến.
Đó là các anh, chị
với nhiệt tình cháy cả tay, đỏ cả mắt, Đó là bàn tay thân quen đồng môn đồng khóa,
đồng khói đồng hương như anh chị Lê Đình Ân, Anh chị Hòa An, anh chị Hà,
Hoa, chị Bích Oanh… Hay bàn tay nào đó chưa hề quen biết, xa lạ từ giọng nói
đến nét mặt đã không chần chừ dang rộng chở che, chia sẻ từng hoàn cảnh, mọi
nỗi đau như biết nhau từ muôn kiếp trước. Ở đâu có những mảnh đời nghiệt
ngã, ở đó có bàn tay rất dịu dàng, tấm lòng mềm mại ghé qua, thắp lên ánh sáng
xanh tình người giữa cuộc đời nhiễu nhương cay đắng
Ấy là màu của sức sống, của
nhiệt tình như dòng máu chuyển lưu trong mạch đời, Thi nắn nót bằng dòng tư
tưởng tô đậm tên thầy Lê Hữu Thăng với màu đỏ thắm. Một người đa đoan từ trẻ
đến khi tóc trắng màu mây, vẫn trở trăn theo từng cơn sóng cuộc đời. Thi
và một số anh chị em đã viết, đã kể nhiều lần vẫn không hết điều thầy đã nghĩ,
đã làm và đã cho… Người nghiêm trang nhưng hiền lành, càng về già tính tình
càng đơn giản, thoãi mái. Chỉ thích khởi động phong trào, hết chuyện này đến
chuyện khác. Có lẽ đó chính là mạch sống, là tiềm năng đặc biệt không phải ai
cũng có. Thầy kể cho tôi nhiều câu chuyện thật ngắn mà ngẩm nghĩ lại có chiều
sâu nhân bản. Thời gian ấy, vừa đi “cải tạo” về, người quen hầu như ngại ngần
lánh mặt vì thầy chưa được “trả quyền công dân”, vậy mà có một câu chuyện
luôn ray rức trong lòng thầy bao năm qua. Ngày ấy, lúc đang cắm cúi “lao động”
trên đồng ruộng, bất chợt một người Phụ Nữ đang oằn nặng trên vai gánh lúa trĩu
vàng kẽo kẹt ngang qua, nhận ra thầy vội đặt gánh lúa xuống vệ đường chạy đến
ôm chầm lấy thầy, Cô ấy tuôn trào nước mắt tức tửi, vừa rối rít hỏi han rồi tự
giới thiệu mình là chs Nguyễn Hoàng, là học trò cũ của thầy . Dù cố lục tìm
trong bộ nhớ thầy vẫn không thể nào tìm ra được cô ấy tên gì, học lớp nào…Chưa
kịp hỏi tên thì người phụ nữ lạ lùng nọ vội vã quãy gánh lúa lên vai chạy về
hợp tác xã cho kịp giờ, không biết có bị trừ điểm không vì thực hành sai quy
cách ? (Gánh lúa phải đi một mạch từ ruộng đến điểm cuối không được nghỉ chân).
Rồi con sóng hoàn cảnh đưa đẩy cuốn thầy từ trung vào nam, từ đồng bằng lên núi
đồi nương rẫy. Đến bây giờ vẫn canh cánh bên lòng:” Cô ấy tên gì, bây giờ ra
sao, ở đâu?”. Bài học làm người không phải chỉ giáo điều từ bục giảng mà
từ nhân cách sống, từ tâm tư cùng đạo đức giản đơn không màu, chẳng sắc. Thế
nhưng vẫn đậm đà màu đỏ con tim chân thiện, là màu đỏ của máu nhiệt tình gởi
gắm đến tha nhân.
Màu tím tượng trưng tình yêu, thương
cùng nét thủy chung: Thi đã từng yêu người biết bao, yêu chân tình và không suy
tính. Nhưng không biết do số phận đẩy đưa mà lòng anh ấy thay đổi: “từng người
tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Nhưng buồn rồi cũng có lúc vui, thượng
đế đã bù trừ cho Thi cơ hội gặp gỡ, quen biết rồi kết nghĩa thành ba chị em họ
nhà Ngò. Dây mơ rễ má từ hai chữ Nguyễn Hoàng, từ những chuyến đi chơi xa của
tập thể, cả ba tình cờ thích chuyện trò rồi thân lúc nào chẳng biết. Ngò Rí đặt
tên theo cảm nhận, và ai cũng vui vẻ nhận thêm tên mới chọn. Càng ngày sợi dây
vô hình nào đó càng cột chặt ba chị em lại với nhau, qua dần những ngày giữ kẻ
vì e ngại đánh mất lòng tự trọng, ba tấm lòng chợt nhận ra xa thấy nhớ
gần lại thấy thương. Ôi! Mảnh đời riêng của ba cọng Ngò ráp lại thành mối duyên
tỷ muội tưởng chừng như nặng nợ từ kiếp trước.
Rồi một ngày, Thi gặp lại người bạn
thuở xưa, và gởi gắm được một lời xin lỗi. Chao ôi! Nếu không nói, không gặp
lại suốt đời Thi sẽ trăn trở vì sự vô tình của mình, có lẽ Thi đã nhiều lần tâm
sự bằng văn, bằng lời…nên Thượng đế xúc động ưu ái cho Thi cơ hội để sửa sai
lỗi lầm, để có thêm một màu tím trân quý của tình bạn xưa ấy…Kể từ những màu
tím tình người, tình bạn khắp nơi mọi chốn, xen vào dòng nhạc Bolero “chợ Nọ”,
thỉnh thoảng Thi bắt giọng nghêu ngao:
“ Bạn thân ơi! Cố gắng yêu thương
người. Dù người không yêu ta, cứ vẫn yêu thương hoài, Mặc kệ ai quên ai vẫn luôn
tin yêu đời, dù đời chỉ yêu gian dối, dù đời cay đắng như vôi”…Thi chợt nở nụ
cười thật tươi và thả lỏng tâm tư quay cuồng trong thế giới đầy sắc màu của quá
khứ: “Sỏi đá tình quê”
Khi ta ở chỉ là đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
Quảng Trị đó, nắng cháy da bạc tóc,
mưa buốt giá tận xương. Đất không màu mỡ vì : « Quê hương tôi
nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá. ». Ấy vậy mà có
những lần như chiều nay ngồi một mình bâng khuâng… lòng chợt nhớ: Nhớ
nhà, nhớ trường, nhớ bạn…nhớ đến da diết, nên thả tâm hồn lang thang về Quảng
Trị…Về cái nôi với bốn tao dây thuỡ mới chào đời, về những hạnh phúc khi mất đi
mới thấy tiếc nhớ, đó là cái hạnh phúc trên miền sõi đá đã lặng lẽ vuột khỏi
tầm tay từ thuở binh biến thương đau.
Những ngày trời đổ mưa buồn như ri,
Thi nhớ mưa Quảng Trị…Mưa thâm trầm, dai dẳng…Mưa buốt thịt cắt da. Thuở ấy còn
xuân trẻ, phong phanh đến trường chẳng chút gì là lạnh cả. Áo ấm đủ màu
mỏng manh dường như cốt để làm dáng, điểm xuyết thêm cho nhan sắc xuân thì rực
rỡ, để tà áo trắng đồng phục bớt đơn điệu trong tiết trời âm u. Sân trường lúc
ấy thật đẹp. Mưa như tấm rèm trắng phủ kín không gian, những chiếc ô xanh, đỏ…
lượn quanh như vũ khúc “ Mưa Rừng”. Có bạn xắn quần cao đến gối, khoe những bắp
chân trắng nõn nà mà thanh khiết như nụ hoa Thủy Tiên, có người đưa tay vội
vàng che làn da đang lồ lộ bỡi cơn mưa vô tình bất chợt.
Nắng lại chạnh nghĩ đến gió
Lào tháng tư. Gió ầm ầm giựt mái tole, tung bụi mù đường…Ngày xưa làm gì có
chuyện bịt mặt kín mít như bây giờ, mà sao da dẻ các cô gái vẫn trắng trẻo, mịn
màng nhỉ? Và hình như hồi ấy Quảng Trị cũng ít gió hơn có lẽ vì nhiều cây
che chắn. Bây giờ ngủ trong chăn ấm, Thi lại chảy nước mắt thương ba mạ
những ngày hồi cư gian khó. Khổ quá, bao nhiêu tiền của vứt hết trong Ngân Khố,
lớp đem cúng thiên địa ở bãi biển Tiên Sa, nên làm chi có tiền mua chăn bông
Trung Quốc, hay mền dạ Liên Sô để đắp? Nhà nào còn giữ được mấy tấm “ ra dù”
thì khỏi lo mùa đông tháng giá. Phải cám ơn mấy hầm Rác Mỹ vẫn còn tồn
lại sau chiến tranh, những bao cát đào lên còn mới, về giặt giũ sạch sẽ, đem may
đôi chắp nối thành chăn cho qua mùa lạnh, lúc đó thấy ấm áp vô cùng, anh Cả của
Thi còn may áo để mặc lao động nữa. Ngày về khu vườn chi chít cây “ Thầu Đâu”
mấy cha con thi nhau phát quang, chất đống. Mùa đông năm 1975 lạnh
đến cá cũng chết đầy đồng,. người chịu sao nổi nên đốt cũi mà sưỡi ấm. Đúng
là lúc gặp khó khăn mọi thứ trở thành tiện dụng,.. Còn cái nổi dịch ngứa gãi
sồn sột đến chảy máu nữa chứ. Thương hai cô em gái tuổi vừa mới lớn, đẹp như
hoa hồng, nên đám thanh niên Kiến Trúc theo làm quen, bắt chuyện. Cứ mỗi lần họ
đến là hai đứa dấu tay trong túi vì mắc cở. Chao ôi! Phải chịu đựng nín gãi
đến điên người, đừng nói đụng vào dù nhẹ…hiệu ứng dây chuyền khỏi nói, đam mê
chi lạ…tróc da, rách thịt cũng không đã…Nhưng cũng may thay, hầm rác Mỹ đào lên
còn chứa những chai thuốc muỗi, mạ Thi mua về. Chẳng cần biết độc hại hay
không, chỉ biết sau khi gãi đã đời sương gió, tắm nước ấm nóng sạch sẽ chị em
Thi bôi lên…Rát và nóng bừng nhảy nhót một hồi, vậy mà chỉ mấy ngày “ cái Ghẻ”
biến mất…Không hề lưu lại dấu vết tựa hồ như chưa một lần ghé chân đến. Khó
mà quên lắm cuộc đời ơi. Mạ Thi lúc ấy thật vất vả, đã qua một thời gian mua
thúng bán bưng, làm bà chủ một gian hàng tạp hóa to lớn bao năm, thoắt một ngày,
một giờ cuối đời trở về điểm xuất phát, lại xuôi ngược Quảng Trị, Đông Hà buôn
qua bán lại để nuôi chồng con. Sự thay đổi vận mạng đất nước kéo theo biết bao
nhiêu số phận lên voi xuống chó, tóc mạ Thi một sớm chiều trắng toát như
bông, và tiếng thở dài u uẩn hằng đêm vang lên thầm lặng : gia đình Thi thuộc
thành phần tư sản, dù tay trắng đã hoàn trắng tay. Rồi 1976, chịu không nổi sự
soi mói dằn xé của của một vài cá nhân thời vụ, gia đình Thi theo dòng người
Thị Xã về Đông Hà định cư trên một ngọn đồi căn cứ Mỹ cũ gọi là phường 5. Đất
đồi nên toàn sỏi đá, mạ Thi cặm cụi lượm sạch cho thành đất thịt một khoản
vườn, người tìm hột mít ươm mầm, mua giống chè về trồng thiết tha lập lại khu
vườn xưa ở Gare Quảng Trị…Sự sống nhờ vào cái quán tranh nho nhỏ bán linh
tinh qua ngày, lúc này ba Thi bị tai nạn hỏng chân nên chẳng giúp vợ tích
cực như trước, người di chuyển trên hai cái đòn quanh quẩn trong nhà. Từ mờ
sáng đã vội dậy tranh thủ chẻ củi nấu nước sôi, hay hãm chè xanh cho vợ. Rãnh
rang lại cắm cúi xếp áo quần bỏ vào túi ni-lông kê dưới gối cho thẳng thớm hay
“đơm” lại nút áo cho em gái út của tôi, vì nó làm công nhân suốt tuần mới về.
Thỉnh thoảng mát trời, khỏe khoắn chống nạn đội mũ ra thăm quán. Khi vào bao
giờ túi cũng có kẹo, bánh cho hai cô cháu ngoại, nên dù có đang say mê
bày hàng chơi quanh hè, nhác trông thấy bóng ông vào là hai đứa chạy lon ton
theo vừa hỏi linh tinh trên trời dưới đất, vừa rờ rẩm thăm dò...Ba Thi rất
thích những giây phút này, vì tôi thấy ông luôn cười hạnh phúc, hàm râu bạc phơ
rung lên khi hai đứa ríu rít bên người. Bây giờ có dịp gặp nhau,
anh chị em thường kể lại chuyện xưa thấy thương ba vô hạn. Có mất đi rồi mới
thấy quý giá thay hình ảnh quen thuộc hằng ngày. Khách quen mua hàng chủ yếu là
những người chuyên đào hầm rác Mỹ, Mỗi sáng đi ngang ghé vào « Mệ ơi bán
“lửa” cho mấy gói thuốc Tam Đảo, mấy miếng kẹo đậu phụng hay lương khô 801,
hoặc 402 gì đó »…Đào trúng hầm có hàng thì bán đem trả, còn không lại mua
thiếu tiếp. Chiều về, lại thư thả ghé vào ngồi trên cái băng gỗ nhỏ ngoài sân,
khề khà bát nước chè xanh tán dốc. Mặt mày đen nhẻm hốc hác, áo quần thì bụi
đất lấm lem, ánh mắt vẫn tinh anh, nụ cười bao giờ cũng nở trên môi dù suốt
ngày cật lực vất vả, có khi chẳng trúng hầm nào có của . Vậy mà hay thật, có chuyện
gì buồn vui đều mang ra tâm sự với “mệ”, hay hỏi ý kiến “ mệ” ngay cả việc rất
tế nhị xãy ra trong gia đình. Bao giờ cũng vậy, mạ Thi lắng nghe và khuyên nhủ
rất tận tình, nên ai cũng tin tưởng, thương quý đặt biệt danh « Mẹ Việt Nam ».
Có người sáng đi, chiều nghe tin đào đụng phải mìn vĩnh viễn không về, bà
« mẹ Việt Nam »
im lặng thở dài, nước mắt đã cạn khô trên viền mi… Thi có thằng bạn cùng lớp bị
sụp hầm chết ngạt vì mưa bất ngờ đổ xuống, đau thương cho số phận thật. Bạn ấy
hiền lành như Bụt có tiếng là đẹp trai trong lớp, chưa có mảnh tình vắt vai
đừng nói đến vợ con. Nghe tin Thi rả rời vì thương bạn. Ở nhà cứ
nghe tiếng nổ “ầm” từ bãi rác, hay mưa gió đột nhiên ào xuống y như là có
chuyện thương tâm xãy ra, gia đình nào có người thân làm “ nghề” này, lúc ấy
đều hớt hãi chạy lên hiện trường. Thi cũng có thằng cháu gọi bằng dì
ruột, tội nghiệp nó chỉ mới hơn 10 tuổi, học giỏi hiền lành, ngoài giờ đến
trường phải phụ thêm việc trong Hợp Tác Xã chổi đót. Một buổi sáng định mệnh,
nó lom khom phơi đót ở sân, ngoài hàng rào không biết ai nhóm rác đốt lửa, đau
đớn thay gặp phải chất nổ trong đống rác, mảnh bay đến trực diện xé toạt đầu,
cháu Thi ra đi không một lời trăn trối, chị Thi gần như điên loạn…vì vừa
mấy tháng trước cô con gái tuổi vừa mười tám, giỏi mua bán đãm đang lo cho cả
gia đình uống thuốc rầy tự tử chết. Chỉ vì lớp bác sĩ , y tá do thời thế dốt
nát khẳng định nó hư thai vì rong kinh, Chịu không nổi tai tiếng thị phi, lại
bị người yêu ngoảnh mặt nên lấy cái chết để rũ bỏ tình đời, minh chứng mình
trong sạch. Sau này Thi vào Huế đưa con trai đi khám, tìm hiểu qua tình tiết
bịnh, bác sỉ Lê Bá Vận viện trưởng Đại Học Y Huế cho biết đó có thể
là hiện tượng u nang buồng trứng gây rong kinh. Ôi ! cháu chết thật oan ức
nên chị khóc chẵng ra tiếng, ngớ ngẫn và bàng hoàng suốt thời gian dài.
Trong cuộc chiến, những ngày binh
biến loạn lạc chẳng hao hụt một ai, ngày hòa bình những tưởng yên thân lại gặp cảnh
chia ly mất mát. Đầu bạc khóc tuổi thơ. Chua xót thật. Đó chính là một trong
những mảng màu đen xám trong đời Thi .
Hai cô em gái của Thi phải
bỏ học đi làm công nhân. Chao ôi! Cái từ Công Nhân Xây Dựng, Kiến Trúc nghe
thật oai, nhưng chỉ là những cô phụ thợ nề trộn vữa, quét vôi, hay bốc vác
Thạch Cao từ Lào chở về…Anh Thi là Giáo Viên được chính quyền lưu dung, cử lên
vùng núi để đem cái chữ cho bãn làng…Phấn đấu không bao lâu nẩu cả người, bỏ
nghề về làm kế toán tổ hợp cơ khí, rồi cưới vợ…Thi cũng ôm cầm lên thuyền vào
Quảng Ngãi, vô nghề bất tướng làm cô hàng rong phụ chồng nuôi con. Có thời gian
cũng theo buôn bán hàng Lào, nhưng khổ quá cứ gặp thuế vụ là run bắn người lên
nên đành giải nghệ sớm. Nếu ai có dịp đi qua Quảng Ngãi, thấy đám hàng rong nón
cời, tay xách nách mang những thỏi đường phổi, mạch nha chạy theo xe bán, đó
chính là hình ảnh của Thi mấy năm làm dâu xứ Quảng. Cô tiểu thư con gái ông Đội
một thời, cũng phải sống, phải ăn và phải có trách nhiệm với mấy đứa con rứt
ruột sinh ra, nên phải bương chãi nắng mưa khốn khổ. Nhiều lúc thoáng thấy bóng
người quen ngoài quê đi xe đò ngang Quảng Ngãi dừng lại, vội lũi trốn như chạch
vì còn mang tư tưởng danh giá hảo, và cũng rất sợ đến tai mạ và gia đình buồn
lo cho con. Nói đi cũng phải nghĩ lại, từng trãi gian khổ mới nhận ra
chân giá trị của đồng tiền, nếu sống mãi trong nhung lụa liệu có được tư duy
như ngày nay? Qua rồi nên suy ra cũng không gì khó: Với sức người sõi đá
cũng thành cơm…nên người Quảng Trị có khổ bao nhiêu cũng chịu được, Giờ êm ấm,
ổn định ngồi rung đùi kể lại, có ai hơn dân mình cái bề dày chịu thương chịu
khó.
. Kỷ niệm đã xa thật
xa, cơ hồ như một giấc mơ. Có nhiều lúc ôm quyển sách trên tay đọc những bài
của đồng môn cứ tưởng của mình, đang nói về mình bỡi bài nào cũng mang dáng dấp
chung chung của một thời tuổi trẻ. Từng bến sông, con đường..từng hàng cây,
phiến đá hằn sâu trong ký ức. Ngay cả những Hoa Phượng trong sân trường Nguyễn
Hoàng hay dọc bờ sông Thạch Hản cũng đặc biệt hơn, màu đỏ thắm hơn bất kỳ ở
đâu. Cái Thị Xã bé bỏng như bàn tay “ Đi dăm bước đã về chốn cũ” nên ai cũng là
hàng xóm mà sao đẹp chi lạ, cứ ước ao được quay trở về. Là người Quảng
Trị, là CHS Nguyễn Hoàng, ai chưa một lần đi đò qua chùa Sư Nữ, hay xuôi ngược
đập Rù Rì? Ai chưa một lần đặt chân lên nhà thờ La Vang? Ai chưa từng bắt dế,
Châu Chấu hay Bọ Rầy?...Vì thế, bài viết nào cũng như thể đang viết cho chính
người đang đọc, dù cây viết xuất thân ở phố hay vùng quê…từ Đông Hà, Ái Tử hay
Hải Lăng , Lam Thủy… Đó chính là sự thành công nhất định của các tay bút “Cây
nhà lá vườn”…trong lòng dân Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Nên thơ văn Quảng Trị chảy từ trong
mạch sống thực mà ra…Cần chi trình độ. Đó là Thi nghĩ thế thôi, xem như bào
chữa cho khả năng hạn hẹp của mình cũng được vậy.
Có cô bạn góp ý khi đọc thông tin
café hằng tháng của NHSG trên mạng internet: “ Làm gì mà tháng nào cũng chừng nớ
khuôn mặt đưa lên, sao không chụp hình người khác…Coi hoài chán lắm chị ơi”…Bạn
nghĩ sao? Thi nghĩ rất chủ quan, chỉ sợ ai đến một lần mà vắng luôn không hẹn
ngày tái ngộ, chứ tháng nào cũng hiện diện quay quần, thêm các anh chị từ xa
lâu lâu về điểm xuyết là sự thành công của mục tiêu đề ra rồi đó chứ. Có nghĩa
buổi café tọa đàm đã cuốn hút được sự sinh hoạt đều đặn của CHS NH sống
tại SG rồi chứ . Cho nên cần phải lấy tin và hình để chứng tỏ phong trào đang
sống, vẫn tồn tại trong tinh thần NHers. Theo các anh chị đây là màu gì trong
cuộc sống chúng ta, Thi loay hoay mãi với bảng màu mà chẵng biết sử dụng màu
nào để nói lên đầy đủ ý nghĩa của câu chuyện, của sự việc này…Màu Cam nhé!...Những
hơi thở phả đều vào mạch, đã cho Thi nhịp đập của trái tim vẫn còn hừng hực
tình người và tình yêu cuộc sống.
Trời hưng hửng nắng buổi sáng, chiều
về tiếc nuối chi mưa lại rỉ rả nhỏ hạt. Con đường hẽm trước nhà lụp xụp nước,
chiếc xe ai đó chạy qua văng tóe vào cửa.. Thi bó gối ngồi chầu…mơ về bảng màu Newton của ngày thơ mộng
cũ. Thi vẫn khát khao từng ngày nghe tiếng chuông điện thoại rung lên giai điệu
xanh:
“ T. ơi! Vài ngày nữa thầy
có mặt tại Sài Gòn, em báo các bạn chuẩn bị đêm Bolero “ chợ Nọ nhé”
Tiếng đàn thùng bập bùng, sức sống
bừng lên trong đôi mắt, bờ vai rung theo nhịp nhạc…Và đâu đó cánh hạc thời gian
bay vút…các mảng màu quay tít…Để hoàn thành một màu trắng tinh khôi không vướng
bận nỗi buồn đau hiu hắt của một phận đời.
Một chiều mưa cuối năm - QT
Nhà văn, nhà thơ Đinh Quang Tuyết ôn cố tri tân, tri ân cô giáo !
Trả lờiXóa