VĂN HỌC DÂN GIAN
TRIỆU PHONG, QUẢNG TRỊ
Lê Bá Tâm
Văn hoá là biểu tượng của mọi lề lối, phương thức sinh hoạt từ tiếng nói, tập tục, cách ứng xử, lễ hội, tín ngưỡng đến cách ăn mặc, lời ru, tiếng hát. Đấy là phong cách của cả một cộng đồng. Hiện nay chưa có một kết luận cụ thể nào xác định được thời điểm có mặt của con người trên đất Quảng Trị, chỉ biết qua bao diễn biến bởi nhiều đợt di dân trong nhiều thế kỷ. Quảng Trị là một giải đất hẹp nhưng có nhiều hệ sinh thái, nhiều khu vực nông nghiệp khác nhau. Do bản năng sinh tồn, họ chiến đấu chống lại mọi gian khó để tồn tại và phát triển. Văn học dân gian Triệu Phong mang một nét đặc thù riêng - những nhân vật có óc khôi hài, những chuyện cười, điệu hát, điệu hò trong mọi sinh hoạt nông thôn, trên đồng ruộng cũng như trên sông nước. Trong phạm vi bài viết hạn chế, tôi chỉ xin giới thiệu sơ qua những thể loại có tính đại chúng, phản ảnh bao trùm mọi sinh hoạt với loại ngôn ngữ bình dân mộc mạc nhưng thắm đượm nhân tình của con người Triêu Phong quê ta.
I– TỤC NGỮ:
1) Về thời tiết, sản xuất:
- Cò ăn ruộng sâu thì nắng
Cò ăn ruộng cạn thì mưa.
- Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn.
- Chớp bể, mưa nguồn.
- Đập đất nhỏ, luống đánh to
Xung quanh rắc đậu, rắc ngô xen vào.
- Đói thì ăn môn ăn khoai
Chớ thấy ló lổ tháng hai mà mừng.
-Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
2) Về đời sống xã hội:
- Liệu cơm mà gắp mắm ra
Liệu cửa liệu nhà mà gả con vô.
- Khôn ba năm không ai biết, dại một giờ bạn hay.
- Khoai lang củ bở, củ trân
Siêng ăn, nhác mần mà lựa củ to.
- Ai ơi chớ lấy học trò
Dài lưng tốn vải nhọc lo đêm ngày.
- Bỏ công múc nước đường xa,
Có trong thì múc, ngà ngà thì thôi.
- Sui gia là bà con tiên,
Ăn ở không hiền là bà con ma
II- THÀNH NGỮ:
1) Ba chữ:
- Bét chèn chẹt - Sắc lem lẻm
- Lép kẹp kẹp - Búi xờm xờm
- Đẻo dèo dẹo. - Khít rìn rịt
2) Bốn chữ:
- Ba trợn, ba dáng - Chạy đôn chạy đáo
- Ba chàng, ba nàng - Trớ trớ, trân trân.
- Ba hoa, khoác lác - Lem lem, luốc luốc
- Ba xí, ba tú - Dai như giẻ rách
- Ba que xỏ lá - Tức như bò đá,…
3) Sáu chữ:
- Khu lộn trôốc, trôốc lộn khu
- Vắt cổ mèo, treo cổ chó
- Côi không chằng, đưới không rẹn, …
4 ) Tám chữ:
- Cù lơ cũng mất, cù trất cũng không
- Mần chị thì lành, mần anh thì khó.
III- CÂU ĐỐ:
- Tròn vành vạnh như cạnh tía tô
Đi Nam, đi Bắc đi mô cũng về. (Cái nón lá)
- Cây xanh mà lá cũng xanh
Dầm mưa dải nắng theo anh võ vàng.
Một mai lửa đỏ thành than
Mây bay, khói lượn trước mặt chàng, chàng ơi! (cây thuốc lá).
- Hai người ở hai buồng
Ngó đi nhìn lại như tuồng cấm cung.
Đêm về sập cửa, thả chông
Ngày thì vòi vọi đứng trông nhau hoài. (Hai con mắt)
- Gặp nhau đây bất luận đêm ngày
Lật ra xem thử lỗ này ở đâu.
Đâm vô thì rút ra mau
Đừng để trong nớ mà đau lòng nàng.
Rút ra máu chảy tràn lan
Khi nớ duyên thiếp, nợ chàng ngái xa. (Đạp gai)
IV- CÂU ĐỐI:
- Văn Vận tuột quần Văn vận vận
Bích La đau bụng Bích La la.
Tri Lễ đau đầu Tri Lễ lễ
Cam Lộ buôn cam, Cam lộ lộ
Bích Giang không nón, Bích Giang giang,…
V- ĐỒNG DAO:
- Bập bồng bông, tay mô không, tay mô có
Bập bò bọ, tay mô có tay mô không.
-Bập bồng bông,
Chị lấy chồng , em ở quá
Chị ăn cá, em mút xương
Chị ăn đường, em ăn mật
Chị vật, em coi
Chị voi, em ngựa
Chị bựa, em bèn
Chị kèn, em trống
Chị bống, em khéo
Chị méo, em tròn
Hai hòn phần chị.
- Rầm rầm, rì rì
Xay lúa Đồng Nai
Cơm gạo phần ngài
Tấm cám phần tui.
- Dung dăng dụng dệng
Lửa đệng cháy nhà
Bà già tới chựa
Cháy nửa bồ thóc
Lóc cóc chạy về
Ông Đề hỏi răng
Cu nhăng cắn nhện.
- Heo chi, heo lang
Lang chi, lang cẳng
Cẳng chi, cẳng giò
Giò chi, giò móng
Móng chi, móng heo.
- Cu ở Cam Giang
Cu sang Cam Lộ
Đến mùa vại độ
Cu ẻ hạt mè
Làng đánh cu què
Cu nhảy một chin
O tê đứng lại cho nghin (gần)
Cho tui bú méng kẻo chin tui què!
VI- CA DAO:
Ca dao chiếm phần lớn trong văn học dân gian, biểu hiện một thứ tình cảm bình dị, chân chất, hiền hoà nhưng giàu tình giàu nghĩa được thể hiện trong mọi tình huống, hoàn cảnh; đặc biệt là trong tình yêu thương đôi lứa, một đề tài muôn thuở.
a) Quan hệ gia đình:
- Biết răng chừ cá gáy hoá rồng
Để đền công ơn thầy mẹ ẳm bồng ngày xưa!
-Chị em như chuối nhiều tàu
Tấm lành che tấm rách đừng nói nhau nặng lời.
-Cây kia ăn quả ai trồng
Sông kia uống nước hỏi dòng từ đâu?
Cơ đồ gầy dựng bấy lâu
Công lao tiên tổ lẽ đâu quên hoài!
Mộ phần gìn giữ hôm mai
Những ngày lễ Tết chẳng sai lệ thường.
- Có chồng rồi khác chi con ngựa có dây cương
Lôi mô chạy nấy, khổ trăm đường ai ơi!
- Còn cha gót đỏ như son,
Mốt mai cha chết, gót con đen sì.
- Mẹ già ham việc tiếc công
Cầm duyên con lại thu đông mãn rồi!
- Ra đi bỏ mẹ ở nhà
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng?!
b) Quan hệ xã hội:
- Ai về Đông Hà, ai qua Cam lộ,
Ai về Gia Độ, ai ghé Gio linh
Ai về Triệu Phong, Quảng Trị quê mình
Cho em nhắn gởi chút tình nhớ thương.
-Bạn về không có chi đưa
Môn khoai đang dại, mít dừa đang non.
- Cây cao, bóng mát không ngồi,
Ra ngồi trửa nắng, trách trời không dim.
- Cây khô, xuống nước cũng khô
Bạn nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo.
- Con quan lấy đứa bán than
Nắng mưa phải chịu, cơ hàn phải theo.
c) Quan hệ lứa đôi:
-Trăng lên tới đó rồi tề
Nói chi thì nói, em về kẻo khuya.
- Bướm vàng đậu đọt cau tơ,
Kiếm nơi mô nương tựa, răng cứ vất vơ rứa hoài?
-Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng!
- Đi mô cho thiếp đi cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lung thiếp theo.
- Cam chua, quýt ngọt, bòng the
Thấy em nho nhỏ anh ve anh để dành.
- Xa anh có bấy nhiêu ngày
Tình em như mảnh trăng gầy nửa đêm.
-Hai ta bứt cỏ một cồn
Bứt tranh một chỗ, tiếng đồn thật xa.
- Em đang vút nếp hông xôi,
Nghe anh lấy vợ, thúng trôi, nếp chìm.
- Anh đà có vợ thì thôi
Không phải mắm nêm chuối chát mà môi cho nhiều.
-Anh về đừng có ngó lui
Để em ngó dọi, bùi gùi thêm thương.
VII - HÒ
Hò là loại dân ca phong phú, đa dạng, có tính quần chúng và mang nét đặc thù địa phương. Hò Triệu Phong, Quảng Trị thể hiện rõ nét qua sinh hoạt đồng áng. Cách hò tuỳ theo nơi chốn, không gian và thời gian, công việc lao động khác nhau.
Quét vôi thì hò hụi; giả gạo thì hò khoan, hò hô; chèo đò thì hò mái nhì, mái đẩy; hò rủ rơm; hò đánh bài thai, bài chòi; hò kéo gỗ; hò ru con; hò đối đáp ân tình hoặc đâm bắt.
Tôi xin giới thiệu mấy điệu hò tiêu biểu sau:
1) Hò ru con:
Chúng ta đều lớn lên từ bốn tao nôi và lời ru của Mẹ. Làn điệu ngọt ngào sâu lắng đã thấm vào máu thịt, xương tuỷ, và lớn lên theo dòng đời năm tháng. Cứ mỗi lần nghe điệu hò ru con, ai nấy đều bồi hồi nhớ quê hương, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ anh chị em, nhớ mái đình, cây đa, bến nước, bến đò xưa.
- Khi con thức mẹ cho con bú,
Khi con lú mẹ lại ru hời.
Nuôi con cực lắm ai ơi
Chỉ mong cho con lưng dài vai rộng để lấp biển vá trời như ai.
- Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng phu.
Một mai tê bóng xế trăng lu
Con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu mà đợi chờ!
- Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi!
Chẳng thà không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn!
- Cầu mô cao bằng cầu danh vọng
Nghĩa mô trọng bằng nghĩa thầy mẹ sinh con.
Ví dù nước chảy, đá mòn
Xa nhau ngàn dặm, lòng còn nhớ thương!
2) Hò đối đáp:
Là một thể loại văn nghệ độc đáo được phổ biến ở làng quê. Vào những đêm trăng sáng, đâu đâu cũng trỔi lên những giọng hò tưng bừng, vui vẻ theo tiếng chày giả gạo nhịp nhàng. Hò đối đáp được tổ chức ở một không gian rộng, đông khán - thính giả tham dự. Hò giữa làng A và làng B, giữa xóm A và xóm B, giữa trai thanh và gái lịch.
Đặc biệt ở đây, người tham gia hò đối đáp là những người thông minh, lanh lợi. những o, những eng có tài ứng biến mau lẹ, có khi câu đối câu, chữ đối chữ. Hò đối đáp được chia làm hai loại: Hò ân tình và hò đâm bắt.
a) Hò ân tình.
Có thể lấy từ câu đố, một cốt chuyện đã có sẵn, hoặc đối đáp chuyện trên trăng dưới nước vô thưởng, vô phạt.
Bên nam lên tiếng:
- Đêm nay trời túi thui thui
Ơi o do dỏ ra nghe tui hò.
- Thò tay ngứt một ngọn ngò,
Ơi o do dỏ ra hò với tui!
Các cô gái đợi sẵn:
-Ai đứng ngoài đường cho muỗi cắn, chó kêu,
Vô đây phân giải đôi điều cho vui.
Các chàng trai chỉ đợi có thế:
- Chào Lê, chào Lựu, chào Đào
Ai xa chào trước, ai gần chào sau.
- Chào bên nam mất lòng bên nữ,
Chào người quân tử sợ bỏ bụng thuyền quyên.
Cho anh chào chung một tiếng kẻo chào riêng khó chào.
- Ai có chồng thì khuyên chồng đừng sợ,
Ai có vợ thì xin vợ đừng ghen,
Ra đây ta hò hát cho quen
Rạng ngày ai về nhà nấy, há dễ ngọn đèn hai tim!
Đó mới là màn dạo đầu, cuộc hò được tiếp tục:
Nữ: Đố anh chi sắc hơn dao,
Chi sâu hơn biển, chi cao hơn trời?
Nam: Con mắt em sắc hơn dao
Lòng sâu hơn biển, trán cao hơn trời.
Nữ: Bánh cả mâm răng gọi là bánh ít,
Trầu cả chợ răng lại gọi trầu không?
Ai mà đối đặng, làm chồng nữ nhi.
Nam: Chuối không đi Tây răng gọi là chuối sứ,
Cây không đi học răng lại gọi cây thông?
Anh đà đối đặng, em theo chồng về mau!
Nữ: Nghe anh học hết kinh Thi
Con cá nằm dưới cỏ là cá chi anh hè?
Nam: Anh đây học hết kinh Thi
Con cá nằm dưới cỏ anh nghi là con cá tràu.
Nữ: Em như bông sen trong hồ
Anh như bèo, như bọt, nhìn chi đặng cơ đồ nơi em!
Nam: Nước lên cho sóng cuốn theo,
Cho sen chìm xuống, bèo trèo lên trên.
Nữ: Em đây như con rồng vàng,
Chín tầng mây phủ nằm ngang giữa trời.
Nam: Anh đây có phép thần thông,
Vén mây, cởi gió bắt rồng coi chơi.
Nữ: Em đây như chiếc chuông vàng,
Treo trong thành nội có hàng ngàn quân canh.
Nam: Quân canh dù mấy chục ngàn,
Dùi chiêng anh mang sẵn, anh nện chuông vàng đứt đôi.
Một số câu hò đối đáp có khi trên đồng lúa, có khi ở sân đạp lúa hay bên cối chày giả gạo vào những đêm trăng thanh gió mát, có khi chuyền cả một khúc sông dài trên mặt nước lung linh.
Nam: Hỡi o khăn trắng đàng tê
Mau cởi khăn áo theo về cùng anh!
Nữ: Anh mau về làm một con heo quay, một mâm xôi cho ráo,
Rồi theo em ra phần mộ cáo với chồng xưa.
Chồng xưa em thác, để lại cái phần thừa cho anh.
Nam: Đó duyên thừa, đây cũng duyên ôi,
Có ưng chắc thì lấy chớ có xôi mô mà đòi.
Họ cứ tiếp tục xoi móc, chọc tức nhau như thế.
Nữ: Ai về nhắn ông xạ mau mau
Trai anh hùng đang tử vận giữa bàu thuyền quyên!
Nam:Em nhắn ông xạ làng ni hay ông xạ làng mô?
Rõ ràng thầy mẹ thiếp thác đó răng cứ đổ hô là chàng?
Càng khuya càng đấu đá quyết liệt:
Nữ: Thương thay mấy cụ chự bò
Cái lưng môốc thếc, cái giò đen thui!
Nam: Em về giở sách ra dò,
Cha em lúc trước cũng chự bò như anh.
b)Hò đâm bắt:
Đây là những điệu hò giữa trai và gái, thuộc loại văn chương truyền khẩu; thông minh, ứng xử mau lẹ là hai yếu tố chính. Đối thủ luôn tạo bất ngờ, người ra chiêu luôn dồn đối thủ vào thế bí. Ngôn ngữ có khi thuộc loại dân gian dung tục nghe móc họng, phạm thượng, họ không né tránh dùng từ ngữ, miễn đạt được mục đích. Đôi khi họ sử dụng cách nói lái rất tài tình.
Vào những năm 1930, 1940 tại một đêm hò ở làng Linh Yên (xã triệu Trạch):
-Nữ: Anh ra chi mỗi tháng mỗi ra,
Cực lòng em lắm, mạ cha hỏi hoài!
Mới nghe, cứ ngỡ là lời trách móc trữ tình, thực ra chị này muốn đem việc riêng của mình ra trêu. Bên Nam tức giận:
- Anh ra, cha em cũng ra,
Anh đây còn sống, cha em thác xuống ngả ba mất rồi!
Ở làng Bích La có hai đám hò nổi tiếng. Họ dùng lời lẽ để chơi nhau rất tài tình:
Nữ: Chê anh thợ đan đồ tre:
- Liệu bề đát được thì đan,
Đan rồi bỏ đó thế gian chê cười.
Nam: Không chịu thua, lại còn dùng lời đáp để nói qua một ý xiên xẹo khác.
Anh đây đan cũng giỏi, đát cũng tài,
Lận thì đè côi đè xuống, còn nức thì xỏ ngoài xỏ vô.
Nữ: Ghẹo anh thợ mộc:
Anh làm thợ mộc đã ra chi khéo,
Đóng bức đố xéo đã ra chi tài.
Răng không đưa cái lại (lưỡi) chàng ra chắn mộng, để thòi lòi mộng ra?
Nam: Anh đã đưa cái lại chàng ra chắn mộng,
nhưng thầy mẹ bên nhà khoát khoát xin đừng,
Để khi đi về móc áo, dở chừng treo khăn.
Càng lúc càng quyết liệt:
Nữ: Em mua cho anh cái dù tám cóng, dưới có móc đồng,
Răng anh không đội lại để đầu không rứa hè?
Nam: Cái dù tám cóng dưới có móc đồng
Em đem về cho cha em đội, cho nội em che,
Phận anh con rể đội nón tre quen rồi.
Một đêm hò ở làng Bích Khê, Triệu Long: Ở đây bên Nam gây chiến trước:
Tiếng đồn em lấy phải chồng tra,
Đêm nằm em thấy ớt cà ra răng?
Nữ: Tre già thì dẽo hơn măng,
Ớt cà tra có hột hơn thằng ớt non.
Nam: Cảnh bên em chơi mần răng thì anh không biết,
Chứ cảnh bên anh thì thượng cầm, hạ thú, xướng hát đờn ca
Đêm nằm nệm gấm thêu hoa,
Thấy hồ vàng bên nớ, muốn qua thả con cá chình.
Nữ: Cảnh bên mấy anh chơi rứa không mấy thú,
Chứ cảnh bên mấy chị Mai, Lan, Cúc, Trúc, Tùng mộc chậu sành,
Trên thì lưỡng long triều nguyệt, dưới gốc dành dành có cá thia lia.
Nam: Cá thia lia núp bụi cỏ thia lia,
Con cá tràu của anh ăn đã quá khuya,
Thiếp ơi hỡi thiếp, mở cửa đìa cho cá anh vô.
Nữ: Cửa đìa đầy dẫy phân trâu,
Cá kia có muốn thì chui đầu vô ăn.
Nhưng cuối cùng thì bên nữ thường xuống giọng vuốt ve:
Mai chừ hò qua đối lại, tiếng dại lời khôn,
Đêm dài khắc khoải nghe trong dạ bồn chồn chàng ơi!
Những câu hò ân tình, đối đáp hay hò đâm bắt là món ăn tinh thần, văn hoá rất quý của quê hương còn lưu truyền trong dân gian tại vùng đất Triệu Phong, Quảng Trị. Tôi chỉ ghi ra đây một số câu tiêu biểu mà lớp trẻ bây giờ chắc là không còn biết nữa. Trong hai cuốn Văn học dân gian Triệu Hải và Văn học dân gian Quảng Trị, các tác giả đã sưu tầm, nghiên cứu khá công phu loại văn chương truyền khẩu này, nhưng không biết bao nhiêu là đủ. Tôi mong công việc ấy vẫn tiếp tục để có thể lưu truyền cho hậu thế hiểu biết và thưởng thức những tác phẩm văn học dân dã mà tuyệt vời, được sáng tác từ cửa miệng của những người bình dân qua sinh hoạt lao động và vui chơi giải trí của quê miềng./.
Lê Bá Tâm
Tải Blog 02.05.2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét