Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

HÀNH PHƯƠNG NAM -NTLH

HÀNH PHƯƠNG NAM
Nguyễn Thị Liên Hưng

 ( Nhắp đúp chuột trái vào ảnh sẽ thấy được ảnh và  thông tin rõ hơn )



Hàng trăm năm trước, người Việt đã có những cuộc thiên cư. Họ vượt sông Gianh trùng trùng khói sóng, qua đèo Ngang chắn lối chân người để tiến về Nam tìm vùng đất mới. Giấc mơ xưa đã lưu chân người đi trước để hai châu Ô, Rí - lễ vật của vua Chiêm Chế Mân (1) đổi lấy nàng công chúa Huyền Trân con gái vua Trần Nhân Tông đời nhà Trần (2) – trở thành những vùng đất nặng nghĩa ân tình. Nước non ngàn dặm ra đi. Cái tình chi…
Rồi đến thế kỷ thứ 16,Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa Nguyễn Hoàng cùng gia tộc và những người thân tín vượt biển, càng xa đất Bắc càng tốt và chỗ dừng chân đầu tiên của Người là Ái Tử, thuộc huyện Đăng Xương, phía bờ bắc sông Thạch Hãn. Thế là đất Quảng Trị đã trở thành nơi Chúa Nguyễn đặt nền tảng trong công cuộc mở rộng bờ cõi về phương nam.

Qua bao đời, con cháu của những đoàn lưu dân thuở ấy đã sinh sôi nẩy nở và an cư lạc nghiệp ven những con sông có ruộng đồng xanh mướt; ven bờ đại dương sóng vỗ ngày đêm cho thuyền ra khơi nặng đầy tôm cá và cả những vùng núi đồi làng bản xa xôi. Những đợt gió mùa đông bắc rét thấu xương; những trận gió Nam Lào khô rát; cả những đợt lũ nguồn, bão cuốn cũng như nạn thù trong, giặc ngoài cũng không làm họ sờn lòng. Họ sống, làm việc và ca hát, những câu hò, vè, phương ngôn truyền khẩu từ bao đời nay đã nói lên điều ấy.
Nối bước tiền nhân, bờ cõi nước Việt cứ mở rộng về phương Nam để bài ca nam tiến cứ tiến, tiến mãi…đến tận mũi Cà Mâu. Người Quảng Trị vốn nặng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có mồ mả ông cha, thế mà rồi họ vẫn cứ phải đi, phải chăng do dòng máu thiên cư luân lưu bao đời trong huyết quản? Nhớ những ngày sau vào mùa hè 1972, dù sống vất vưởng trong các trại tạm cư ở Đà Nẵng người Quảng Trị vẫn phóng tầm mắt qua đèo Hải Vân để mong ngày hồi hương. Em mơ cùng ta nhé. Ngày trở lại quê hương. Đường hoa khô ráo lệ. (Thơ Quang Dũng). Nhưng rồi thời gian cứ trôi và những cuộc chia tay đầy nước mắt, dù người ra đi hát câu nước non ngàn dặm hay kẻ trở về thì thành xưa cũng không còn nữa. Tất cả đều đã là ruộng lúa bể dâu để người Quảng Trị trở thành dân Do Thái lưu đày ngay ở chính trên quê hương mình.
Điểm qua những đợt thiên cư về Nam cuối thế kỷ trước, tính từ thời Quảng Trị điêu tàn thì vùng đất Cam Ranh – Ninh Thuận; Bình Tuy – Hàm Tân là nơi định cư đầu tiên của đợt di dân người Quảng Trị từ các trại tạm cư Đà Nẵng. Ai ở trong cảnh ấy thì mới cảm được cái nỗi niềm của người đi: Bỏ lại sau lưng một nơi ở trọ để đến một nơi khác mà chưa biết vùng đất ấy ra sao? Nước mắt họ đã rơi dài theo những chuyến xe cam-nhông chở người và vật dụng rời trại tạm cư để tiến về Nam. Nhưng rồi cái gì cũng qua đi, với một sức sống mãnh liệt, người Quảng Trị đã dựng nhà, lập trường… và sống vui nơi miền đất mới cho dù giọt lệ hoài hương vẫn lặng lẽ rơi mỗi lúc chiều tàn.

Nhưng người trở lại quê hương sau ngày đất nước thống nhất lại vẫn cứ lần lượt bỏ đi. Lý do ư? Nhiều lắm, không nói hết đâu. Có người cho rằng đó là những người ham chân trời lạ. Ồ! Nếu nói rằng họ là những người ham chân trời lạ thì sao bao nhiêu năm qua mà lòng vẫn trĩu nặng mặc cảm kiếp lưu dân để hát mãi nỗi buồn đất khách? Người Quảng Trị vào Nam nhiều nhất là những năm liền sau 1975 – những năm  mà sách vở gọi là thời kỳ quá độ. Thời đó họ đi ồ ạt, bỏ cả nhà cửa ruộng vườn để hát bản du ca... Mà khi thời kỳ quá độ đã qua, thời mở cửa đến họ vẫn tiếp tục đi…đi về phương nam … cho tận đến mãi bây giờ vẫn còn đi. Phải chăng miền nam đất lành nên chim đậu? Có thể như thế và cũng có thể không hề như thế? Nhưng một điều chắc chắn là miền nam đất rộng người thưa, luôn rộng tay đón chào người tứ phương về lập nghiệp. Thế thì hãy cứ cho rằng họ ra đi vì dòng máu lưu dân tiềm tàng trong huyết quản, kể từ thời công chúa Huyền Trân cất bước thở than Nước non ngàn dặm… hay Chúa Nguyễn dong buồm ra khơi chạy trốn họ Trịnh vậy. Cứ nghĩ thế cho lòng nhẹ bớt đi bạn nhé!
Và bây giờ thì người Quảng Trị có mặt khắp miền Nam nầy. Những người có học thức, có điều kiện kinh tế thì tập trung về thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh. Họ khá đông và đa số thành đạt, hàng năm họ đều tổ chức họp mặt đồng hương, họp mặt cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng rất rôm rả. Những người thành đạt và có tâm huyết thường gởi tiền về góp phần xây dựng quê hương và giúp đỡ người khốn khó. Nhưng không phải ai vào thành phố cũng thành đạt, vận mệnh và thời cơ đôi khi lấn át chữ tài. Lắm người đã và đang dở khóc dở cười vì tính sai một nước cờ khi vào thành phố - lỡ rồi - tiến thối lưỡng nan, mặc cảm thất bại trong cuộc sống khiến họ trốn hết những người quen thân, sống lây lất qua ngày để mong chờ một thế hệ tương lai tươi sáng hơn.

Miền Đông Nam bộ là nơi tập trung dân Quảng Trị đông nhất thì phải? Đồng Nai có những vùng đa số người Quảng Trị như Quảng Biên ở huyện Trảng Bom. Quảng Biên là từ ghép hai chữ đầu của Quảng Trị - Biên Hoà, cũng như chữ Quảng Thuận ở Ninh Thuận vậy. Long Khánh thì có vùng Bàu Cối; Xuân Lộc có Lang Minh … đâu đâu cũng có, rải rác các huyện Định Quán, Long Khánh, Long Thành v.v… Nhưng đa số là ở các vùng xa, còn số định cư tại phố thị thì không mấy người.
Điểm dễ đến nhất là các nông trường cao su. Trước thế chiến, một số trai tráng Quảng Trị đã vào Nam theo các đoàn mộ phu. Bán thân đổi mấy đồng xu. Thịt xương vùi đất cao su mấy lần hay Cao su đi dễ khó về. Khi đi trai tráng khi về bủng beo. Biết là thế mà cứ phải thế, dù rằng bây giờ người công nhân là chủ, nông trường là của mình nhưng nỗi vất vả cơ cực thì ai có làm biết. Người ta nói rằng lá cao su có chứa nhiều độc tố, ngày nó hút hết dưỡng khí, đêm lại thải nhiều thán khí hơn các loại cây khác nên người dân ở vùng cao su ít có ai hồng hào, béo tốt. Người Quảng Trị tràn vào các nông trường cao su: từ Cù Bị, Hoà Bình của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến các nông trường thuộc công ty cao su Đồng Nai, họ còn bươn mãi về tận Dầu Tiếng, Bù Đăng, Bù Đốp …thuộc vùng Tây Ninh, Sông Bé. Họ đến đây phần lớn là vào thời kỳ đời sống kinh tế khó khăn nhất nhưng số người đi theo diện thuyên chuyển công tác rất ít, đa số là tự ý rời quê đi tìm đất sống cho mình và gia đình, từ trí thức cho đến những người có dính líu với chế độ miền Nam trước 30/4/75, nơi quê hương, thời ấy vừa đói vật chất lẫn khổ tinh thần nên họ phủi hết để ra đi.
Dân miền nam làm chơi ăn thiệt nên sợ khổ, họ chỉ ham chạy chợ hay về vùng sông nước câu mấy con cá, lai rai xị đế để gân cổ ca mấy câu vọng cổ, mấy ai chịu cùm chân vào gốc cao su, do đó nông trường thiếu công nhân nên tuyển người không kén chọn. Vào nông trường được cái lợi là có ngay công ăn việc làm, thế là người nầy mách nước người kia. Rừng cao su bạt ngàn, đêm nghe lá rụng xạc xào trong sương trăng lạnh giá, ngày nắng thì đất đỏ bụi mù phủ mái tóc xanh, còn mưa thì sình lầy đặc quánh chân người trơn trợt. Đời công nhân cạo mủ cao su chỉ biết thì thầm nói chuyện với từng gốc cây và quơ tay hốt đám muỗi rừng. Sau mấy mươi năm gian khổ, bây giờ họ cũng đã an cư lạc nghiệp nhưng những người thuở đó vẫn còn mang nỗi buồn ly hương khi đến mùa cao su thay lá. Ôi! Đi đâu cũng toàn người Quảng Trị. Chuyện rằng ở Bù Đốp có một loại rắn độc mình ngắn, loại nầy ngày xưa chủ đồn điền người Pháp nuôi để kẻ trộm không dám vào ăn cắp mủ cao su, nó mà đớp một cái là vô phương cứu chữa. Biết thế mà dân Quảng Trị vẫn vào đấy để làm công nhân cạo mủ với nỗi sợ không biết khi nào thì diện kiến dung nhan loại rắn cực độc nầy. Người Quảng Trị vốn căn cơ, khi đến phương Nam lập nghiệp phần lớn họ nghĩ đến đất đai, mà đất đai thì nơi đây không thiếu. Thế là họ cùng con cháu cắm cọc chiếm đất rồi ngày ngày ra sức khai hoang, lập vườn trồng tỉa. 
Những vùng đất lâu nay không khai thác nên rất tốt, làm chơi ăn thiệt. Vùng Bắc Ruộng – Mepu - Tà Pau của tỉnh Bình Thuận là một ví dụ. Hơn ba mươi năm trước, nơi ấy đất rộng mênh mông bên bờ sông La Ngà nước trong đến rợn người, bước chân xuống nước là từng đàn cá lớn nhỏ lao vào đớp lia lịa vào chân đau điếng. Có lần mưa lớn, nước đầu nguồn đổ về trắng cả ruộng đồng, thế là lũ trùn khoang con nào con nấy to bằng con lươn nhỏ leo lên đường bộ hàng đống thấy mà ghê, điều đó nói lên độ mầu mỡ của vùng đất nầy. Bên kia là núi cao chớm chở với những tàng bằng lăng  màu tím buồn đến lịm người, thoảng trong tiếng gió rừng là tiếng hú dài của loài vượn lẫn loài người. Đó là những người đi rừng hú gọi nhau, họ đi tìm măng, tìm gỗ và cả…tìm trầm. Họ đi … và để lại những câu chuyện đường rừng được truyền miệng về người thật việc thật, để mỗi lúc đêm về nghe hoài không hết. Hoặc là tiếng hú của thổ dân mà danh xưng thuở ấy gọi là người dân tộc. Họ từ sườn núi xuống chợ ven rừng, đàn bà thì chỉ quấn xà rông ngang bụng còn đôi vú trần cứ thổn thện theo bước đi. Đàn ông chỉ quấn khố phía trước còn hai bàn toạ cứ thản nhiên trình làng. Những thân hình đen trùi trũi ấy chẳng hề đội mũ, nón gì. Trên môi mỗi người ngậm một ống điếu dài, chiếc gùi sau lưng họ đầy những thứ măng rừng, ngũ cốc, thịt nai, gà rừng v.v…có khi là đứa trẻ trần truồng vắt vẻo ngủ trong gùi các  phụ nữ. Họ vào chợ đổi lấy những hoa tai dỏm, những vòng tay nhựa xanh, đỏ với vẻ mặt rạng rỡ. Có khi họ mang cả chiếc nhẫn vàng 24K để đổi lấy những thứ đồ chơi ấy nữa. Ôi núi đồi hoang sơ, vùng đất hoang sơ và con người cũng quá đổi hoang sơ! Nhưng khi người Quảng Trị ào vào đây thì chắc bây giờ tất cả đã có bộ mặt mới. Nghe đâu dân Nguyễn Hoàng cũng đã có người mở công ty tại vùng ấy kia mà.
Người rời quê muộn hơn, khi vào nam không còn vùng đất tốt đành ngậm ngùi về những nơi cằn cỗi, điển hình là vùng Trảng Lớn thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày ấy từ quốc lộ 51 vào Trảng Lớn chỉ non năm cây số mà đi hoài không tới vì cát trắng cứ kéo chân người. Gió thì cứ xô qua đẩy lại và cuốn cát tới tấp làm khách bộ hành tối tăm mặt mũi. Bởi thế ngay chổ con suối cắt ngang đường, có người đã làm phước bằng cách ngày nào cũng nấu nước chín đổ đầy thùng bên gốc đa. Lội qua khe nước, đến bên gốc đa nghỉ mệt tránh nắng và uống ly nước không tốn tiền, cũng chẳng phải cảm ơn ai rồi tiếp tục con đường cát trắng được gọi là Trảng Cát. Thế mà bây giờ Trảng Cát được chấm điểm là một trong những con đường đẹp của Việt Nam.
Đất nơi ấy thiếu màu mỡ, toàn là cát và đất pha cát, nên người Quảng Trị chỉ trồng được tiêu, điều và sắn mà dân Nam gọi là cây củ mì. Kinh tế chẳng khắm khá, làm quần quật quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ ăn là may, so với các vùng đất khác thì nơi đây quá tệ. Thế là một số người lại lần nữa bỏ đi tìm miền đất khác, số còn lại vẫn cần cù với cây điều, cây sắn. Rồi thời mở cửa, khu công nghiệp mọc lên nhan nhãn với nhà máy, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thế là đất lên giá. Những khoảnh vườn cát mênh mông tưởng chừng bỏ hoang ấy bỗng như có phép mầu để không hổ thẹn với câu tấc đất tấc vàng. Thế là đời sống người dân nơi đây khá giả hẳn lên, nhà xây tô màu xanh mát đã thay mái tranh vách đất; điện về; đường tráng nhựa, thế là xe cộ, máy móc ti vi ca hát suốt ngày. Con cái được vào trường và lên thành phố học, không như đời cha mẹ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa.

Xuôi miền Tây trái ngọt cây lành cũng chẳng thiếu mặt dân Quảng Trị. nhưng phần lớn cũng ở những vùng sâu, vùng xa. Họ còn đến cả vùng Kiên Giang, Rạch Giá và vươn ra tận đảo Phú Quốc nữa kia, nhưng ở rải rác thôi. Ngược lên Tây Nguyên với những đồi chè xanh ngát cũng có tiếng Quảng Trị O đi mô rứa? Nào Bảo Lộc, Lâm Đồng, Daclac, Pleiku v.v … Tuy không tập trung như ở miền Đông Nam Bộ nhưng hỏi có nơi nào thiếu người Quảng Trị đâu? Người đến đó vì phân công công tác cũng có mà người đi tìm vùng đất hứa theo bà con cũng có. Họ dắt díu nhau đi, đi …và đến chừ vẫn còn đi. Bởi thế ai đó đã ví von người Quảng Trị là dân Do Thái cũng không ngoa.

Mấy mươi năm đã trôi qua, một thế hệ tảo tần bươi chải, rứt ruột rời quê để tìm mưu sinh cho con cháu giờ đã răng long tóc bạc và đã có người nằm xuống vùng đất này; một thế hệ trai tráng năm nào hăm hở ra đi với sức sống căng phồng lồng ngực thanh xuân giờ cũng đã bước vào tuổi xế bóng, nhìn đời qua ánh chiều buông. Nhưng tre già măng mọc, con cháu người Quảng Trị vốn không thẹn với câu nói dân miền hiếu học. Cha mẹ vất vả một đời cũng vui lòng khi thấy đàn con đã ăn học đến nơi đến chốn. Các cháu ấy, số ít được bồng bế rời quê, còn lại là chào đời ở các miền đất phương nam nầy giờ đã thành danh. Thế hệ trẻ đã có những bác sĩ, kỷ sư, thầy giáo, giảng viên, là nghệ sĩ tài hoa …và là những doanh nhân thành đạt trên thương trường. Có người chưa một lần về quê nhưng họ vẫn tự hào xưng mình là người gốc Quảng Trị cho dù tiếng nói đôi khi không còn mang âm ngữ của mẹ cha.


Chiều nay nắng dịu dàng. Trời cuối thu phương nam vẫn xanh thăm thẳm. Ngoài mình mùa nầy chắc đã mưa phùn gió bấc rồi nhỉ? Nhớ! Nhớ quá Quảng Trị ơi! Thế đó. Ta biết ơn phương nam với nắng ấm tình người đã rộng mở vòng tay đón kẻ lưu dân, nhưng cũng không thể vì cái sung sướng nơi nầy mà quên quê hương chôn nhau cắt rốn. Ngày mai, có lẽ con cháu chúng ta sẽ thành người dân phương  nam, sẽ quên dần ngữ âm Quảng Trị và biết đâu, vào một lúc nào đó sẽ không còn câu hỏi O đi mô rứa? trên vùng đất phương Nam này nữa. Ồ! Không đâu! Chắc chắn thế! Vì dòng máu thiên cư vẫn luân lưu trong huyết quản người dân Quảng Trị từ độ Chúa Nguyễn cho thuyền xuôi Nam.

Chiều nay nắng dịu dàng. Trời Biên Hoà như vương khói? Có phải khói trời không hay mắt ta vương khói? Câu hát nhà ai vẳng lại nghe sao như nói hộ lòng người:

            “ Vượt ngàn dặm xa người đến đây với mảnh đất nầy, đâu biết con đường ngày mai ra sao nhưng tin số phận chẳng lẽ nào. Một ngày mưa đến một dòng suối nhỏ, làn sương trắng bay bên kia đồi cây xanh lá biếc.
                 Ôi nhớ…Nhớ bóng dáng người sinh thành, nhớ đến bức tranh đời riêng mình như một phần quê hương mang theo. Nhớ những phút đầu ngỡ ngàng, nhớ đến lũ chim như nhắc rằng em là đôi cánh bay vô tình, nhớ những ngày buồn tênh, khóc hay cười cũng buồn tênh.
            Đời người qua mau, mảnh đất kia nay thành nấm mồ chôn dấu những người mà ta yêu thương, yêu thương mái nhà mẹ ta đang ngồi. Rồi mùa xuân đến ngoài vườn hoa nở, đàn bướm trắng kia trên lưng đồi mây bay thấp thoáng.
                Ôi nhớ…Nhớ bóng dáng một con đò, nhớ bến nước xưa vầng trăng hững hờ, cúi mặt nhìn quê hương trong mơ. Hãy giữ lấy tình yêu con người, dẫu có cách ngăn đừng nghi ngại, mơ một hôm nắng lên sum họp với những người đang chờ nhau, với những người biết chờ nhau.” (3)
                                                          Nguyễn Thị Liên Hưng
                                                            Biên Hoà

 



(1) & (2) Vua Chế Mân (Jaya Shinhavarman III) trị vì nước Chiêm Thành vào khoảng năm 1300. Ông được vua nhà Trần - Trần Nhân Tông - gả con gái là Huyền Trân công chuá. Chế Mân dâng vua nhà Trần hai châu Ô, Lý (có sách gọi là châu Ô, châu Rí hoặc châu Thuận, châu Hoá) làm vật sính lể. Về Chiêm Thành, Huyền Trân được phong làm Hoàng Hậu Paramecvari mặc dù Chế Mân đã có Hoàng Hậu Tapasi, người Java. Công chuá Huyền Trân sinh cho vua Chiêm một hoàng tử tên Chế Đa Đa. Đến khoảng gần giữa năm 1307, vua Chiêm băng hà. Theo phong tục nước Chiêm, khi vua qua đời, hoàng hậu phải lên dàn hoả để chết theo vua. Vua Trần Anh Tông (Vua Trần Nhân Tông đã thoái vị và truyền ngôi cho con trai Trần Anh Tông. Vua Trần Nhân Tông trở thành Thái Thượng Hoàng và lên tu ở núi Yên Tử) biết tin, liền sai Trần Khắc Chung giả vờ qua Chiêm điếu tang, nhưng thực sự là kiếm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung bày kế cứu được Huyền trân đưa về kinh đô Đại Việt.
Trần Khắc Chung tên thật là Đổ Khắc Chung. Trong thời kỳ  kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, Đổ Khắc Chung có công lớn nên được vua nhà Trần ban quốc tính và đổi tên thành Trần Khắc Chung. Ông phục vụ dưới bốn đời vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, và Trần Hiến Tông.
            Nhiều người còn nhớ bài ca “Nước non ngàn dặm” theo điệu Nam Bình – một điệu cổ nhạc thời xưa – nói về công chúa Huyền Trân. Truyền thuyết cho rằng Huyền Trân soạn ra bài nầy để gở gắm tâm sự của mình trên đường sang Chiêm quốc.
Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý
Xót thay vì
Đương độ xuân thì
Số lao đao hay nợ duyên gì?
Má hồng đa tuyết
Cũng như liễu hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chi
Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì
Thấy chim hồng nhạn bay đi
Tình lai láng
Hướng dương hoa quỳ
Dặn một lời Mãn quân:
Như chuyện mà như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần.

Về chuyện gã công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm, dân chúng thời đó đã xót xa nên truyền khẩu cho đến ngày nay câu: Tiếc thay cây quế giữa rừng. Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.

(3) Bài hát Trên mảnh đất tình người của Trần Long Ẩn viết cho phim Đất Khách.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét