Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

Hành trình kết ..K 10/72 HS NH .

HÀNH TRÌNH KẾT NỐI BẠN BÈ K10/72
Xuân Kỷ Sửu07/02/2009
* 04/8/2009-Trước lúc vào hội sau 32 năm xa cách của Thầy trò trường Nguyễn Hoàng Q.Trị ( Cũ)
1954-1975


- Thầy cô Bạn bè  K- 9/72 chụp ảnh lưu niệm
Kể từ khi mình viết vắn tắt vài trang về trường lớp, bạn bè và các nhóm trong “ NHCD&KN III”. Từ những thông tin các tập san Nguyễn Hoàng,qua các lần họp mặt thầy cô và học sinh NH tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế đến Bình Thuận, Đồng Nai … những thế hệ thầy cô và bạn bè kết nối lan rộng trên mọi miền đất nước cũng như các châu lục xa xôi.
Cuộc hội ngộ đầu tiên tại tại Quảng Trị ngày 04/8/2007. Nơi đây có một ngôi trường Nguyễn Hoàng giờ đã mất tên mặc dù ai cũng biết đây là một ngôi trường duy nhất của tỉnh được mang tên tiền nhân khai khẩn sự nghiệp phương nam đó là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613).
32 năm (04/8/2007) trên mảnh đất Trường PTTH Thị Xã Quảng Trị tiền thân là Trường Trung học Nguyễn Hoàng cũ (1954-1972). Cũng từ buổi hội ngộ nầy từng nhóm, từng lớp đã gặp nhau rồi thông tin dây chuyền, chuyển gởi đến nhau một tín hiệu hợp đàn mà ngày đó vội vàng tung cánh bay đi giữa ngút ngàn khói lửa đạn bom.
Sau hiệp định Pari 1973, Thị xã Quảng Trị bị san phẳng hoàn toàn nên chẳng còn chỗ để mọi người quay về nương thân. Phần lớn phải tha hương nơi đất khách quê người hoặc những vùng kinh tế mới từ cận nam miền trung xa xôi hay trở về quê hương nơi vùng cát trắng Hải Lăng gọi là “Thị tứ Quảng Trị năm 1974” .
Trên đường đi tôi nhận được tin nhắn của Trần Chí Trung Ngãi Giao “ Tùng ơi đến đâu rồi” địa điểm họp mặt tại 247 Hoàng Văn Thụ vào lúc 5 giờ chiều ngày 07/02/2009
Sau hành trình 20 giờ xe vào Thành phố, cái nắng buổi sáng tại đây đã đem đến cho tôi một cảm giác vô cùng dễ chịu khác hẳn cái rét tê tái trên dọc dài quê hương miền trung vừa trải qua. Một đất nước nhưng 2 miền khí hậu khác biệt.
Tùng đến Thành phố rồi nhé, tranh thủ thông tin bạn bè năm này sắp xếp về TP họp mặt đi. Đoàn Hoa hứa sẽ đến TP trước 1 ngày để cùng đi thăm thầy cô cũ.
Và Anh - Minh ở Xuân Lộc nữa (Địa chỉ nầy trước đây tình cờ tôi “lặt” được qua NHCD&KN III). Không gặp Anh nhưng Kiều Minh hứa sẽ sắp xếp công việc vào dự và tôi nhắc lại “nhớ đi cả đôi nhé, gia đình 8- 9/5/71 nầy chỉ có 2 bạn thành phu quân- phu nhân”. Qua tin nhắn Trần Xuân Bình báo rất tiếc hôm đó bận công việc đành vắng mặt, đợt khác vậy, 1 bạn ở Vũng Tàu từ chối. Thông tin lan tỏa đến với các bạn xa gần. Nhóm tôi đủ rồi Xuân Nho hiện ở tại TP.
Còn Dương Xanh là người bạn đầu tiên tôi chúc tết năm nay, nhưng rất tiếc bạn đang nằm cấp cứu tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chỉ có Nho trực bên nó suốt mấy ngày tết kể cả đêm giao thừa và tôi luôn tiện gặp Nho chúc tết thay Xanh.
Vậy là sáng mai mình phải đơn phương vào thăm xanh tại bệnh viện Nho chỉ đường và số phòng tôi đến và ngồi chơi với Xanh rất lâu nhưng qua bệnh tình Xanh quả là không có biểu hiện tốt đẹp rồi. Tôi trao cho Xanh những tấm hình bạn bè tại quê nhà gồm Tánh, Ứng, Quật, Xá, Quê , Quốc đều là học sinh Triệu Phong năm đệ thất 1967 chúng tôi gọi là Sanh, và các bạn lớp 8,9 Nguyễn Hoàng Sanh, Nớp , Khánh, nó cũng than với tôi rằng: “tớ ra Quảng Trị cách đây bốn năm rồi nhưng mấy đứa lười điện thăm hỏi nhau, thỉnh thoảng phải rủ nhau uống cà phê, cà pháo để nối tình thân hữu đi, đời bao lăm mà bon chen cho lắm”. Tôi chỉ tên từng bạn trong ảnh, Xanh đưa cuốn số ghi chi chít hơn 80 địa chỉ khắp mọi miền đất nước.
Tôi hỏi Xanh
Thế mầy hay đi vậy Lê Bá Tưởng hiện ở đâu, Quốc Đình Khánh bảo năm nó vào Đống Đế sau ra Hạ Sĩ quan hậu cần pháo binh ở đâu tận Vĩnh Long nhờ làm rễ con của ông nào ‘bự’ nên nó khỏi ra cầm súng. Xanh tìm một lúc nhưng không có số phôn của Lê Bá Tưởng.
Tôi loay hoay tìm lại.
Nói chuyện hồi lâu, thấy Xanh hơi mệt.
Tôi hỏi Xanh mầy cảm thấy thế nào? Mệt nghĩ đi. Khi khác tìm vậy.
Nghĩ hồi lâu, Xanh nói rằng: “chắc tớ ghi ở quyển sổ cũ ở nhà” .
Cách đây mấy năm tớ có vào nhà nó tại Thị Xã Vĩnh Long nhà bán đồ nhậu mà. .. à sổ cũ chắc vẫn còn . Nếu không trong máy vi tính.
Câu chuyện qua lại cũng gần hai tiếng đồng hồ, thấy Xanh mệt và tiếng nói chậm lại, tôi hỏi hôm tao chúc tết mầy nói khỏi lo, tớ còn chiến đấu với các bạn 15 năm nữa.
Tôi nắm chặt tay Xanh ! ừ ! gắng nghe …
Nhưng thật ra qua bệnh án đầu giường tôi biết đây là căn bệnh vào giai đoạn cuối thường không qua 3 tháng.
Tạm biệt Xanh tôi ra về trong niềm thương bạn bùi ngùi :
Thầm nghĩ “ với thế hệ cha ông trong thời chiến loạn không nói nhưng giờ thời bình, tuổi đời 55 còn quá trẻ, con cái chưa thành danh, nghĩa vụ cha chồng đang ở giai đoạn 50/50”.
Trưa nay Hoa hẹn gặp nhau tại nhà em ruột ở Tân Bình.
Nhà cũng khó tìm vì trong hẽm, gặp nhau nhận ra ngay. Thật là trái đất tròn, xin lướt qua lý lịch lớp 11C chúng tôi ở Đà Nẵng. “Lớp học tại nhà Vòm trại 5 Non Nước, lớp trước mặt chúng tôi thường là 10A3 và 9/1 thay nhau. Nhưng lớp nầy ỷ đông hay chọc phá, bắn giấy lung tung qua lớp chúng tôi lắm, nhất là nhóm nàng mang tên Diễm Trang 10A3. Lớp tôi có 7 cậu con trai ( Gồm Nguyễn Đăng Mẫn, Nguyễn Ngự, Văn Thiên Tùng, Nguyễn Tân, Nguyễn Tiến, Lê Toản ,Trần Tâm vào sau tròn 2 bàn ưu tiên một bên trên còn 14 cô tiểu thư như vậy sĩ số 21)) được các tiểu thư gánh hết công việc tạp nhật của lớp. (Ngồi bàn đầu từ ngoài vào trong Cẩm Vân, Đoàn Hoa, Bích Đào,Thị Đức và X. Mộng giữ sổ).
Thường sau giờ học lớp chúng tôi ngồi lại lớp với cây ghi ta Tân , Tiến đệm đàn cho Đức, Đào … hát Hạ Trắng, Mưa Hồng, Diễm xưa, nhìn những mùa thu đi … Đặc biệt  Đức người có nét duyên ngầm, mái tóc chấm ngang vai và đôi mắt buồn như ướt lệ... Đ. hát nhạc Trịnh rất hay. Chúng tôi hát rất say sưa. Các bàn sau thì tôi không được nhớ rỏ nhưng rất nghịch. Trong đó có cả Ngọc Chung, Bích Lan, Vui, Anh Ngọc, Thanh Vân, NT.Hoa, Mỹ Hoa … và ai ai nữa các bạn sẽ tiếp nối chứ hay nhầm lẫn giữa 9/5 và 10C1,10C2 lắm. Phần nầy chờ tin các bạn phản hồi…”
Ngày xưa Hoa gầy, ít nói khi nào cũng ngồi trong lớp tủ bài so với bây giờ một cô giáo Hoa dạy tiếng Anh Mập, to khỏe, lớn tiếng và nói nhiều. Chuyện trò hồi lâu có cả mẹ và em gái Hoa ôn lại tuổi học trò cô thầy gồm có : Cô Hồng GSHD lớp 10C1 , 11C Thầy Đỗ Tư Nhơn GSHD, Thầy Trương Thúc Cổn dạy Anh Văn lớp phải thuộc bài tiếng anh Clementime (in a cavern, in canyon….. Oh ! my darling, oh ! my darling….. thou art lost and gone forever…clementine” thầy Đào Văn Nhẫn dạy Pháp Văn lớp cũng phải đọc được bài tiếng Pháp “L’Adieu” tôi còn nhớ 2 câu đầu: “J’ai ceilli ce brin de bruyere … L’automme est morte souvients - t’en ….je t’attends.” Vậy “mùa thu chết” của Phạm Duy được xem bài hát tủ vào giờ Pháp Văn và còn CDGD thầy Lê Quang Dị, Sử Địa thầy Lê Ngọc Dinh, toán thầy Nguyễn Thanh Ân, lý hóa thầy Hoàng Thế Hiệp, Vạn vật cô Nguyễn Thị Ngộ.
Qua điện thoại cô thầy hướng dẫn đường. Nhưng thực ra nhờ cậu học trò của Hoa nay làm việc tại TP và con tôi làm xế chúng tôi chỉ biết bám xe mà thôi.
Trời nhá nhem tối chúng tôi rà vào hành lang hẽm vào, chợt thấy ngay là thầy đang đợi trước đường chắc từ lúc thầy nhận được điện, thầy chẳng khác gì xưa, thời gian có làm thay đổi nét da nên mới gặp đã nhận ra ngay.
Lê Thị bích Lan & Đoàn Thị Hoa   04/8/2009
Đến nhà thầy hương vị ngày xuân vẫn còn, thầy cô mời các em cùng vui hưởng lộc tết. Câu chuyện thầy trò rất sôi nổi chuyện đáng nhớ nhất là cô học trò 11C học giỏi PV , chúng tôi thường lên án, hỏi nguyên nhân vì sao bạn học giỏi môn nầy vậy : “ Nó bảo vì tớ rất yêu thầy …”. Thầy trò chúng tôi cười vang lên như ôn lại không khí lớp học ngày tản cư tại Non nước Đà Nẵng, khi đó thầy rất trẻ và trò thì như con chim non đang tập tểnh vào đời ưa gì hót đấy!!! Chia tay thầy cô và gia đình tại đây. Thầy tiễn các trò ra tận ngõ…
Chúng tôi tiếp đến thăm cô Hồng ở Q. Bình Thạnh. Tuy được cô hướng dẫn cụ thể nhưng đây là vùng chưa quy hoạch đường, nên vòng 3 mới tìm được ngõ, vì khu phố nầy hỏi tên cô ai cũng biết nên khó thành dễ ... chúng tôi bấm chuông, thầy ra mở cửa.
Thầy bảo cô đi tìm các em lâu rồi.
Chúng tôi tặc lưỡi nhìn nhau : “tội nghiệp cô quá” ngày xưa rất thương học trò, tính cô hiền từ. Mỗi lần cô giảng bài cả lớp chẳng cô cậu nào nghịch phá hoặc nói chuyện riêng.
Tôi kể cô nghe tổng kết kỳ thi học kỳ 1, tôi và một số bạn được cô gọi về nhà cô ở cạnh ngã tư đường Quang Trung để cộng điểm và ghi học bạ. Cả nhóm ngồi vào chiếc bàn cạnh cửa sổ nhìn ra cây phượng bên đường Quang Trung . Đứa chữ đẹp thì viết, đứa giọng tốt thì đọc, đứa cẩn thận thì dò lại… học trò cộng sổ sai nhiều quá nhưng cô chẳng “mắng mỏ” gì còn cho tiền đi mua sổ khác để thay.
Nhớ nhất về cô, thường khi đi dạy với bộ áo dài tím Huế. Chuyện trò lâu, cô cứ cầm chúng tôi ở lại cô mang ra đủ thứ đều là hương vị tết của miền trung cả,có khác chăng là quả dưa hấu đỏ, nhưng thật ra ở miền trung trời rét hương vị tết dùng gì cũng ngon, vào đây với khí hậu trên 20 độ, hương vị chỉ còn là hương vị để nhớ cái tết ... lúc nầy tình cảm cô trò quý trọng hơn...
Cô thầy đã nghỉ hưu nhưng nghe cô kể chẳng có buổi họp trường, lớp NH nào vắng mặt. Cô vẫn nhớ trường xưa và quý mến học trò cũ như lúc còn đương nhiệm …
Cô bảo ! mấy năm trước các em vào thăm cô rất tự nhiên có gì ăn đó , không ngại ngùng gì hết, đường xa thì ở lại...
Chia tay cô, ra tận cổng nhưng chúng tôi cố ngoái đầu nhìn lại với nổi buồn biết nói sao cho đủ. Nơi đây chúng tôi thực sự thấy được một phong cảnh rất nên thơ, từ chậu cảnh, những giỏ phong lan, địa lan …và tuyệt nhất là những câu thư pháp với những nội dung ẩn chứa tâm tư, tình cảm sâu lắng không những cô thầy dành cho quý khách , cho đồng nghiệp, bạn bè và cho cả cô cậu học trò xưa cùng chiêm ngưỡng cái không gian, sự bày trí và …. cũng từ nơi đây cô thầy gửi bức thông điệp của đời mình đến các thế hệ học trò không một suy nghĩ, đắn đo hoặc đổi chác nào …
Tạm biệt cô nơi đây, cô vẫy tay chào và hẹn ngày mai gặp lại…..
Trong giấc ngủ chập chờn tôi mơ thấy ngôi trường, nhớ từng bạn và những trò chơi nghịch phá của lớp mình mà nghĩ lại thương cho đời thầy cô, một đời chèo thuyền đưa khách qua sông, khách qua sông có được mấy ai ngoái đầu nhìn lại. Cố hình dung lại hình ảnh tuổi thơ. ..
Đúng là thành phố công nghiệp đang đón chào ngày mới, cũng ồn ào, cũng náo nhiệt, khắp các nẻo đường khi nào cũng hàng tư, hàng năm xe người nối đuôi nhau. Đèn điện và nhà máy sinh hoạt đêm cũng như ngày.Trần Chí Trung vào đến TP vào lúc 4 giờ chiều tại nơi họp mặt, Xuân Nho nhắc tôi và chỉ địa điểm, hẹn gặp trước cổng toàn K 10.
Người mà tôi gặp đầu tiên là Xuân Mộng con thầy Quýt, đến Đoàn Hoa, Chí Trung, Lộc, Thanh Bình X. Nho…
Xuân Nho bảo có Lê Quý Phúc nó trong hội trường rồi, đây vợ chồng Kiều Minh -Văn Anh rồi Bích …..chúng tôi cười nói, tay nắm tay nhau một nửa vòng tròn đầy tình thân ái không biết nói sao cho vừa…
Chúng tôi kéo nhau đến trước khu bảo tàng vào sắp hàng mời được thầy Quýt, cô Hồng, thầy Vĩnh, cô Tương cô Thanh cùng ra chụp hình kỷ niệm với K chúng em.
Lúc nầy Thành phố rực sáng ánh đèn bằng những gam màu như vùng trời lấp lánh ánh sao đêm với ngàn tinh tú đủ làm cho người viễn khách một cảm giác mới lạ “tự” quê hương.
Tôi và Bích thay nhau bấm máy lia lịa, lúc này mọi người kéo nhau vào hội trường K 10/72 năm nay hoành tráng nhất, đến 6 bàn nối dài như gom hết không gian hội trường, ngồi bên nhau tưởng như buổi liên hoan lớp cuối cấp năm xưa ...
Xong Phần nghi thức, đến phần cuối văn nghệ chúng tôi rất vinh dự được thầy Quýt đến từng bàn và chụp ảnh kỷ niệm trong hội trường và có quý thầy Nguyễn Bảo, cô Tương, cô Táo, cô Thanh thầy Cao Xuân Yên ... Trong phần tiệc nhẹ mọi người nhìn nhau và đều lấy một phần nhỏ đưa cho X. Nho gọi là chút tình cảm gói gắm đến Xanh đang nằm điều trị tại Bệnh viên Phạm Ngọc Thạch từ 25 tết đến nay chưa có kết quả .
Cuộc vui nào cũng chóng tàn, hội ngộ và chia ly, tội nhất là Nguyễn Thị Hoa tôi tưởng không bao giờ gặp lại nữa. Tôi có gặp Hoa 2 lần trên xe đò từ Quảng Trị ra Đông Hà từ thập niên 80 sau này biệt tăm hơi. Hoa bắt tôi ghi số phôn và kể vắn tắt kể hành trình của mấy chục năm qua… giờ Hoa ở Thành phố. Vẫn gầy gầy như xưa vậy. Tôi nhận ra Hoa cả họ tên. Trong NHCD& KN III lớp có 3 Hoa ( Nguyễn Thị Hoa, Đoàn Thị Hoa và Phạm Thị Mỹ hoa)…
Được sự sắp xếp các bạn ở TP. Chúng tôi ai bận thì về còn lại xin vui lòng đến cà phê Cõi Riêng tiếp tục thắp sáng ngọn lửa học trò giây lát nữa. Tại đây không ngờ sĩ số tròn 37 , đúng con số top ten thời gian mọi người chia xa trường, đồng môn và lưu lạc khắp nơi…
Dưới tán cây của quán cà phê. Chúng tôi bắt nhịp bài nối vòng tay lớn, sau tiết mục nầy mọi người tự giới thiệu và hát 1 bài hát hoặc kể cho các bạn một câu chuyện, như hồi lớp đệ ngũ đi trại bay và chơi trò chơi lớn tại trường tiểu học Long Hưng hoặc đi dã ngoại hè tại nhà thờ La Vang cả lớp cùng ngồi dưới tán cây đa cùng thầy Hồ Thế Vĩnh bên tượng Đức mẹ ca hát át cả tiếng ve rên, quyên bẳng cái nóng nực của mùa hè, thi nhau uống nước giếng Đức mẹ ngọt ơi là ngọt… thầy lại kể sự tích Đức mẹ đồng trinh và những cực hình trên cây thánh giá 12 bước từ ngoài vào, chuyện lá vằng thành La Vang….
Tuy rằng đây là một Thành phố và những đêm không ngủ. Nhưng nơi đây khác hẳn và có khoảng không riêng biệt, rất yên tĩnh và rất thơ mộng hòa trong tiếng nhạc Trịnh Công Sơn lại gợi trong ai cái kỷ niệm ấu thơ giờ chỉ trong tiềm thức… Lúc này mọi người biết tên nhau, nhớ được mặt, lớp nhưng kết luận lại là C vẫn đứng đầu, sau đó là B và chỉ có 3 chàng và 1 cô ban A...
Cũng từ đây tôi mới biết được Đông có đưa con gái giống mẹ, Thái Thị Lương, Thanh Bình làm tôi liên tưởng lại hình ảnh lớp xưa các cậu con trai thường hay cột áo các cô vào sau thành ghế có lần bị dứt cốc áo làm tôi sợ xanh máu mặt. Sau đó không chơi trò này nữa và chuyển sang dùng chiêu viết tờ rơi trong giờ học rồi khi ra về lẽn móc vào cổ áo từng cô, cả bọn cứ chỉ tay nhau đọc và ôm bụng cười ra nước mắt đến lớp đệ tứ vẫn chưa chịu từ bỏ những chiêu độc này, còn hòm thư trá hình dưới hộc bàn cũng tuyệt …
Câu chuyện cứ thế chúng tôi lại chia tay. Mọi người ra về hẹn sẽ gặp lại năm sau, riêng các bạn nữ vùng ngoại cận thành đều được Bích mời về nhà nhóm lửa một thời áo trắng. Câu chuyện chắc cũng “thâu” đêm ….
Vừa thức dậy Phúc gọi ngay cho tôi. Hẹn gặp nhau để chia tay. Sáng nay Phúc ra Phan Thiết. Tôi điện Cường Sơn thống nhất tại cà phê “tượng đá” đây là điểm trung tâm của mọi người. Tôi, Phúc và Cường Sơn chúng tôi 3 người ngồi tâm sự rất lâu đời thường của mỗi đứa, về bạn bè, người liên lạc được người chưa và cuộc sống đời thường của từng người trong lớp. Phúc năm 1974 vào Huế học chưa được 1 năm thì giải phóng, năm sau Phải vào SG thi y khoa lại. Ra trường đi làm mấy năm trời vẫn con ngựa sắt lọc cọc đến nhiệm sở làm việc hơn 7 km nghĩ nhiều lúc không tính đến chuyện lập gia đình….nhớ ngày đó tại sân Ty thanh niên cả bọn nhìn Quốc Đình khánh và Lê Quý Phúc oánh nhau méo vành xe đạp, Khánh rút thắt lưng cả bọn can mãi mới thôi. cũng từ những phút giây ngắn ngũi nầy, chúng tôi nhớ đến Lê Quang Thi đi học sợ nhất nhất là môn học thuộc lòng, Thi người cao ốm khi nào đi học cũng dắt vở sau túi quần ...giờ vẫn chưa có tin túc gì .Qua Phúc có Hồ Đăng Phết hiện ở Trảng Bom , ngày trước hai đứa canh nhà nhau xóm Mai Lĩnh. Cường Sơn thì bảo rằng sau 75 vào học Bách khoa - khoa thủy lợi suốt mùa đi xây dựng công trình từ Nam Miền trung đến thủy điện Trị An. Đời cứ trôi theo số phận nên lập gia đình chậm con đầu mới lớp 12, gái út cuối cấp hai. Nay ở nhà ngày hai buổi phải đưa đón chúng nó đi về….Bích còn công việc tiễn các bạn ra xe ai về chỗ “nấy” nên vắng mặt. Nho còn bận việc đến sau. Nho làm việc tại TP, công việc ở đây nhưng gia đình ở Đà Nẵng.
*Tại nhà Cường Sơn  2/2009 
                           Văn Thiên Tùng -Trương xuân Nho - Hồ Đăng Phết - Nguyễn Cường Sơn
                                                       
Lúc này về nhà Sơn 3 chúng tôi ngồi kể cho nhau chuyện đi học, chuyện làm ăn, chuyện từng người rong ruổi theo số phận và giờ đến hành trình tuổi năm lăm nầy.
Phu nhân Cường Sơn ở Hải Thọ, xứ nầy nổi tiếng món cháo bột cá lóc. Từ đây không còn o lòng thả Hải Thọ như thầy Trần Kiêm Đoàn viết mà xin mạo muội đổi lại cháo bột Hải Lăng…
Vợ chồng Cường Sơn quyết định tôi và Nho phải dùng bữa cùng gia đình.
Chia tay nhau Nho trả tôi về chỗ cũ còn Nho đi làm, nó cũng rất bận trừ buổi tối và chủ nhật, nghe đâu 2 bố con ở tận Bình Tân …
2 giờ chiều tôi điện cho Phết: “Tùng đang ở TP. Phúc mới cho cellphon bạn sáng nay”.
Phết bảo: “Tối nay Phết sẽ lên, Phết hỏi tôi mầy có nhớ tau như thế nào không?” .
Tôi bảo: “Lạ gì mầy người miệng to, người lép kẹp miệng rộng hay cười … đúng chưa? Qua tiếng phôn cả 2 chúng tôi cùng cười...ngày xưa học lớp 8 đến Ty thanh niên xem tranh triển lãm cả bọn nhìn Khánh và Phúc “oánh nhau” méo cả vành xe đạp. đứa nào nhảy vào can cũng không được…
Nhà Phết cách đây khoảng 60 km, Nho cũng sắp đến, tại nhà tôi ở 3 đứa cùng “nhăm nhi” đến 8 giờ tối. Sơn gọi mãi chúng tôi đành tạm gác lại đến nhà Sơn sẽ tán tiếp. Tại đây có thêm Bích. Bích là người nhiệt tình với bạn bè nhất, tình cảm nhất. Từ lâu ở Quảng Trị tôi nghe ai vào TP ra đều cũng đồng nhất một câu như vậy.
Chúng tôi vào chuyện đến 22 giờ vẫn chưa hết, lúc nầy Dương Xanh sao còn tỉnh táo nhắn qua máy Sơn địa chỉ của Lê Bá Tưởng. Thế là có thêm một tên nữa vào hành trình kết nối bạn bè.. từ phút giây ngắn ngủi nầy chúng tôi sực nhớ đến Lê Quang Thi người gầy cao đi học khi nào cũng dắt vở sau túi quần, đến môn học thuộc lòng Thi lại chuồn giờ, còn Tam và Hồ Quang Trung lớp trưởng nữa chứ … Phết tạm chia tay nơi đây vì đường xa. Chúng tôi cũng vậy tạm chia tay tại đây, ai về “tổ” đó . Hẹn ngày tái ngộ …

                                                                                                       Văn Thiên Tùng 3/2009
                                                                                                              ( CHSNH 1969-1973 10C1/72)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét