ĐẤT HỌC MAI XÁ CHÁNH
Ngày cập nhật: 04/11/2009 10:37:05 SA
http://baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=84&modid=388&ItemID=14950
(SGTT) - Các cụ bảo rằng, học sinh Mai Xá Chánh của xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị học giỏi, thi đỗ đạt cao là nhờ hương đất của làng. Địa cuộc của làng như hình dáng ngòi bút đang cắm vào nghiên mực – biểu tượng cho đất học.
Làng Mai Xá Chánh vui mừng vì năm nay có hơn 50 học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Điều lạ, ở làng này người ta chẳng kính phục nhau chuyện giàu có, chức quyền, mà chỉ “đọ” nhau về những tấm bằng đại học giữa các gia đình, dòng họ. Chuyện học hành, thi cử trở thành “miếng giữa làng” tại vùng quê nghèo này.
Một làng sinh ra hơn 800 cán bộ
Đình làng Mai Xá Chánh (phía xa xa) là biểu tượng của văn hoá và tinh thần cho dân làng
Ông Nguyễn Đăng Khả, đang gặt lúa thuê bên đường, nhưng khi nghe bà con bàn đến học hành thi cử, ông cũng dừng tay lại, lên bờ góp chuyện.Ông Khả như đang đứng ngồi không yên, chẳng biết kiếm ở đâu đủ tiền cho con đi học, vay tiền của ngân hàng thì chưa kịp, mà nhà trường cứ đòi nợ học phí. Ông khoe hai người con trai của ông cùng một lúc thi đỗ vào đại học Luật Huế và đại học Sư phạm Đà Nẵng, chưa kể người con trai đầu vừa tốt nghiệp đại học Sư phạm Huế, mới nhận công tác tại một trường PTTH. “Dù bán hết nhà cửa, tôi vẫn cố gắng tìm mọi cách nuôi con ăn học”, ông Khả dõng dạc nói.
Chuyện học của làng Mai Xá Chánh tự xưa nay đã trở thành truyền thống nổi bật nhất của vùng đất này. Làng Mai Xá nằm ở lưng chừng về phía hạ lưu của hai con sông Hiếu và sông Thạch Hãn. Kinh tế chủ yếu của làng vẫn là nông nghiệp. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, người Mai Xá Chánh luôn hướng ngoại để mở mang kiến thức, đem về cho mình những giá trị văn hoá, tinh thần cao quý nhất. Ông Trương Hữu Trường, nhà sử học của làng Mai Xá Chánh, hiện chấp bút viết lịch sử Đảng bộ xã Gio Mai, rôm rả hẳn lên khi tôi “chạm” vào cái chuyện học của làng. Ông bảo tôi ngồi đợi một lát, rồi vào mở tủ ôm ra một chồng hồ sơ của 13 họ tộc trong làng. Lật từng trang, tôi thấy mỗi họ tộc ở làng đều có bảng thống kê trình độ dân trí của con em mình, số con em đỗ đạt đại học, cao đẳng... hàng năm, rất gọn gàng và khoa học. Ông Trường nói: “Xã có ba làng gồm Mai Xá Chánh, Mai Xá Thị và Lâm Xuân, trong đó làng Mai Xá Chánh nổi tiếng nhất, chỉ có 3.700 nhân khẩu, nhưng trong đó có hơn 800 con, em là cán bộ các cấp, ngành (chưa kể những người đã nghỉ hưu) có trình độ đại học và trên đại học. Mỗi dịp lễ, tết con cháu đang làm ăn, công tác ở khắp mọi miền lại trở về cúng gia tiên làm náo nức cả làng...”.
Đóng thuyền to cho con ra biển lớn
Gia đình ông Trương Quang Giáo trong ngày đoàn tụ tết 2009
Dòng họ Bùi ở làng Mai Xá Chánh có 297 người tốt nghiệp đại học, 15 người có trình độ thạc sĩ, năm giáo sư và tiến sĩ (GS.TS Bùi Thế Vĩnh, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, TS Bùi Trọng Ngoãn, TS Bùi Minh Tâm, TS Bùi Minh Thành) và có tám đại tá quân đội đang công tác khắp mọi miền đất nước. Luôn tự hào về truyền thống của tiền nhân, các gia đình họ Bùi ai cũng quyết tâm đưa con em mình tới “cửa cử nhân”. Nhớ lại nhiều năm trước, học sinh ở làng này chủ yếu đi bộ ra Gio Linh, lên Đông Hà trên quảng đường dài từ 5 – 10km để học THPT, khổ nhọc là vậy mà nhiều người lại học rất nổi tiếng. Ông Bùi Văn Bỉ – trưởng làng Mai Xá Chánh, nói “Gia đình ông Bùi Văn Thanh là điển hình chịu khó, chịu thương, luôn được nhiều người lấy đó để làm gương”.
Hơn mười năm trước vợ của ông Thanh không may mất sớm, ông phải sống trong cảnh “gà trống” nuôi ba người con nhỏ. Vài năm sau một người con của ông lại đột ngột qua đời. Gia đình ông lúc đó đã khó lại càng neo hơn.
Nhìn cảnh bố quăng quật làm đủ việc nặng nhọc, các con ông Thanh chỉ biết chúi đầu vào học. Cái khó rồi cũng qua, ngày con ông Thanh tốt nghiệp đại học và cao học đó là thời khắc ông cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Giờ thì chị Bùi Thị Thu, con gái của ông Thanh công tác tại trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, người con trai là anh Bùi Văn Minh công tác ở trường THPT Vĩnh Linh.
Nhà ông Trương Quang Giáo ở xóm chợ, hai vợ chồng làm ruộng và bán rau nuôi nổi sáu đứa con vào đại học. Rồi cả sáu người dâu rể của ông Giáo đều đỗ đạt. Để được đi học, ngày đó con của ông Giáo phải thay nhau nghỉ học, ở nhà giúp bố mẹ. Đợi người anh tốt nghiệp ra truờng rồi đứa em tiếp tục đi học lại cũng chẳng muộn. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ đó mà các con của ông Giáo đều trở thành những cán bộ giỏi. Gia đình ông Giáo nổi tiếng nhất ở vùng đất học Quảng Trị, chứ không riêng ở làng Mai Xá Chánh.
Ông Giáo ngồi cười, mặt phúc hậu: “Năm 2009 thêm hai người cháu thi đỗ vào đại học Bách khoa TP.HCM. Con cháu hiếu thảo, học giỏi đúng là không có gì sướng bằng. Tôi luôn động viên con cháu muốn ra biển lớn phải có thuyền to, con cháu tôi đều phải học cách đóng cho mình những con thuyền đó”. Gia đình ông Giáo hiện có đến 16 người có trình độ đại học, gồm là các con và cháu nội ngoại. Ông còn bốn người cháu đang học THPT, trong đó có hai người học chuyên toán ở trường Quốc học Huế và chuyên lý ở trường chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Quảng Trị.
Ông Giáo kể rằng con cháu của ông học giỏi nhưng chưa bằng người ta. Hôm qua ông Giáo vừa nhận được tin vui, GS.TS Lê Văn Huy, 36 tuổi, một người con của làng Mai Xá Chánh, hiện đang làm việc tại Texas, Mỹ, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và khám phá ra hệ thống “Bộ nhạy cảm thông minh” được sử dụng trong hai động cơ trực thăng của Mỹ. Huy là thành viên hội Quang học quốc tế với hơn 20 phát minh khoa học. “Đúng là thật tự hào cho người làng Mai Xá Chánh”, ông Giáo nói.
Bài và ảnh Ngọc Quang
--
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét