Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Viết trong ngày hiến chương



Đôi  giòng- ẢNH NHSG GẶP MẶT THẦY CÔ OLD NH 20/11/09
Quang Tuyết



  Chiều Sài Gòn hôm nay thật trong xanh mát dịu. Con đường Phùng Văn Cung rộn ràng bởi chúng tôi:  Những cô, cậu CHS tuổi chớm thu vàng dung dăng dung dẻ vượt qua những trở ngại Lô Cốt, những dòng xe kẹt dài dài trên trên lộ trình đầy  khói bụi, để về đây họp mặt tại quán cà phê mang cái tên rất ấn tượng : CỎ NỘI . Ấn tượng hơn nữa, chiếc Băng-rôn treo trước cổng màu đỏ thắm với dòng chữ :" TRI ÂN THẦY CÔ GIÁO "
          Vâng , hôm nay là ngày 20-11, ngày Hội hiến Chương Nhà Giáo
Và chúng tôi những old Nguyễn Hoàng 3 khối từ 66-72 rải rát từ các quận nhưng cùng một tấm lòng Tôn Sư Trọng Đạo đã  tề tựu về để gặp gở và hàn huyên thầy cô giáo cũ.

 Có mặt cùng các CHS thân yêu của mình ngoài quý thầy cô sinh sống tại Sài Gòn như: Thầy cô Nguyễn Bảo, thầy Cao Xuân Yên, thầy Đào văn Nhẫn, còn có thầy Lý văn Nghiên ở Huế, thầy Trần Mạnh Liệu ở ngoại thành về chung vui. Quý thầy cô dường như khỏe thêm và trẻ ra trước đám học trò già lao xao, trìu mến. Khi có ý định họp mặt chúng tôi nghĩ trong một nhóm nhỏ các bạn, nhưng không ngờ lúc  nhận tin báo rất nhiều bạn nhiệt tình ũng hộ nâng tổng số tham dự hơn 40 thành viên, làm phải kê thêm bàn ra phía ngoài. Có bạn từ Vũng Tàu Bà Rịa như Quốc Đình Dũng, Phạm xuân Phùng từ Đồng Nai (khối 11) vào. Có anh từ Dầu Tiếng cũng tranh thủ có mặt: Anh Nguyễn Kim Long. Đặc biệt là anh Nguyễn Đắc Minh NH CaLi về thăm quê nghe thông tin liền đến để có dịp năm tay cô giáo cũ Cao thị Táo. Thật xúc cảm biết bao.
             Nguyễn văn Trị phát biểu cảm tưởng và thay mặt buổi họp mặt  nói lời Tri ân Thầy cô Giáo rất chân thành, làm chúng tôi thấy mình còn quá nhiều Hạnh Phúc khi cảm nhận được tình nghĩa thầy trò Nguyễn Hoàng chúng ta. Rồi cũng đến lúc chia tay, thầy trò chia tay nhau, hẹn 20-11 sang năm sẽ gặp lại. Suốt đêm tôi thao thức không ngủ được vì vẫn còn rộn ràng niềm vui của ngày 20-11 năm nay

Trái sang : Hàng X,X, Trước Cô Táo, Cô Tương, Cô Hồng
hàng sau:X,Bích,Nga,Lôc,X,X,Mỹ Liên
 

 

 

 
Cam On Anh Tri - Ban LL/NH/SG  va Quy Dong  Mon da co nhung to chuc  ' Ton  Su Trong Dao '  day ap tinh nghia nhu the . O ben nay thay nhung hinh anh ay ma trong long non nao . Mong rang thoi gian co lam cho voc dang chung ta moi mon gia coi , nhung nhung tham tinh ay luon duoc nuoi duong ...Trạch Lê


KHÓC THẦY  
  (Kính bái vọng hương hồn thầy Thái Mộng Hùng )  
Lệ nhỏ hoen mi đẫm ý thơ  
Nguyễn Hoàng (*) thổn thức nhớ thầy xưa  
Ung dung tiêu sái vần thi phú  
Tao nhã phong lưu cuộc kiệu cờ  
Sư biểu đức cao đời ngưỡng mộ  
Môn đồ danh rạng ý mong chờ  
Tâm nhang nghi ngút ngùi tấc dạ
Di ảnh lung linh mộng vẫn ngờ  

(Hoạ thơ cô Trùng Dương) LA THỤY
 
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG và
       CÁC CỰU NH CÙNG TRANG LỨA thân mến!


Bây giờ là 6 giờ sáng ngày 20.11.2009, Ông Thầy già còn gắn bó với Cựu NH gửi các bạn lời CÁM ƠN VÀ CHÚC MƯNG TẤT CẢ trong Gia đình NH chúng ta DỒI DÀO SỨC KHỎE  , VUI VẺ HẠNH PHÚC ĐOÀN KẾT , THÀNH CÔNG TRONG MỌI LÃNH VỰC.
         Có bài thơ viết  nhân một ngày Nhà giáo cũ ( 2004 )chép lại tặng các bạn như sau :

                NHỮNG NGƯỜI HẠNH PHÚC
                        Trên bục thuyết trình
                         Diễn giả nói xong
                                             tự vỗ tay,
                         Cả Hội Trường vỗ tay theo chan chát
                          Người không nghe thấy gì
                          có thể là người vỗ tay lớn nhất.
               
                          Trên bục giảng,
                          Thầy giáo nói xong, 
                           Học trò không vỗ tay,
                           Nhưng
                           THẦY GIÁO VÀ HỌC TRÒ
                            LÀ NHỮNG NGƯỜI HẠNH PHÚC ! 
Thân mến, Tâm An NGUYỄN  BẢO  2009.
       


NGỦ THIỀN
Có khi lơ mơ ngủ
Ngủ cũng là thức thôi
Có khi thức như ngủ
Để thành ra con người.

Em. Đẹp hoài như ngủ
Mãi mê tình khúc nôi
Một hôm em nằm ngủ
Sáng thành ra con người.
             Tặng nhà thơ Tâm An.( Tối 20.11.09)



NHAN NGAY NHA giáo VIET NAM QUYNH THUY KINH CHUC QUY THAY CO OLD NH VUI ,KHOE, HANH PHUC VA VAN SU NHU Y
Hi! All Nguyenhoang
Hiep xin goi đến cac Thầy cô nguyenhoàng xưa bai thơ  tiếng Mỹ Hiep copy trên Net để  tạ ơn những thầy cô đã dạy  Hiep trong thơi gian nguyehoang6471

Wonderful Teacher
With a special gift for learning
And with a heart that deeply cares,
You add a lot of love
To everything you share,
And even though
You mean a lot,
You'll never know how much,
For you helped
To change the world
Through every life you touched.
You sparked the creativity
In the students whom you taught,
And helped them strive for goals
That could not be bought,
You are such a special teacher
That no words can truly tell
However much you're valued
For the work you do so well.
- Author Unknown

Kính chúc tất cả Thầy cô một ngaỳ Thầy giáo vui   khỏe
Hiep NH6471
  
NỔI  NIỀM

Từ dạo đó , thầy trò mình cách trở
Trò đi theo tiếng gọi nước non nhà
Thầy ở lại mang nặng lòng trăn trở
Thương học trò từng đứa một cách xa.


Đời chinh chiến , mấy người đi trở lại
Chuyện tương phùng xa ngái quá thầy ơi
Trong tiếng súng , bóng hình thầy dấu ái
Kỉ niệm học trò , thương nhớ đầy vơi


Khi hòa bình mỗi đứa đi một hướng,
Thầy trôi Đông , trò dạt tận phương Đoài
Gặp nhau chăng , chỉ còn trong tưởng tượng
Nỗi niềm này, biết mấy thưở phôi pha.


Giờ hội ngộ , ôi ngỡ ngàng xa la
Hồn ngẹn ngào và mắt cũng rưng rưng
Thầy trò nhìn nhau , mà lòng thương quá
Tóc xanh ngày nào giờ đã pha sương


Quảng Trị ơi ! ngàn năm còn nhớ mãi
Nguyễn Hoàng ơi ! Biết nói mấy cho vừa
Nương theo gió , gởi hồn mình về lại
Chốn quê nhà , yêu dấu thưở xa xưa ...
Lê Văn Phúc

TEACHERS
Teachers
Paint their mind
And guide their thoughts
Share their achievements
And advise their fauls


Inspire a Love
Of Knowledge and Truth
As you Light the path
Which leads our youth
 
For our future brightens
With each lesson you Teach
Each Smile you lengthen 
Each goal you Help reach
 
For the dawn of each poet
Each philosopher and king
Begin with a Teacher
And the Wisdom they bring


KEVIN WILLAM HUFF

            
NHÀ GIÁO
Ơi !Những vị kiến trúc sư tâm hồn
Đã chỉ lối cho muôn dòng tư tưởng
Cùng xẻ chia hoan hỉ những thành công
Khuyên – xoa dịu bao lỗi lầm  hư hỏng
 
Truyền cảm hứng cho Tình Yêu cháy bỏng
Về Tri Thức và Chân Lí cuộc đời
Mỗi lối mòn Bật Sáng của ta ơi
Tuổi hoa niên dẫn vào bao ước vọng
 
Tương lai ta rạng rỡ ánh tươi hồng
Qua bài học được Thầy yêu Dạy Dỗ
Thầy Cười Vui, tình thương càng rộng mở
Giúp”ghi bàn” thắng lợi vượt gai chông
 
Từ bình minh dịu ấm mỗi chúng ta
Là triết nhân, thi sĩ hoặc vương gia
Khởi hành sồng bắt nguồn từ Thầy giáo
Bởi khôn ngoan lịch lãm tựa thiên hà
          (ĐOÀN THỊ HOA dịch )

 


BÀI VIẾT NHÂN NGÀY 20/11/2008

XIN GỞI ĐẾN QÚY THẦY CÔ ĐÃ TỪNG DẠY CHúNG EM TẠI TRƯỜNG TH  NGUYỄN HOÀNG,QUẢNG TRỊ VÀ QÚY THẦY CÔ Ở CÁC TRƯỜNG VÀ TỈNH THÀNH KHÁC MÀ CHÚNG EM TRONG CUỘC ĐỜI CỦA MÌNH ĐÃ  CÓ CƠ DUYÊN ĐƯỢC HỌC. NGƯỜI THẦY ĐƯỢC VÍ NHƯ NGƯỜI LÁI  ĐÒ ĐƯA KHÁCH SANG SÔNG. MỘT NGÀY NÀO ĐÓ NGƯỜI KHÁCH ĐI TRÊN  CON ĐÒ TRI THỨC QUAY TÌM VỀ BẾN ĐÒ XƯA.BẾN ĐÒ VÀ  CÂY ĐA  VẪN CÒN NHƯNG ÔNG LÁI ĐÒ NAY TRÔI DẠT NƠI ĐÂU? MAY MẮN  CHO HỌC TRÒ  NÀO TÌM LẠI ĐƯỢC THẦY CÔ CŨ ĐỂ NÓI LỜI CÁM ƠN DÙ MUỘN MÀNG, VÀ SẼ RẤT ĐÁNG TIẾC ÂN HẬN CHO NGƯỜI NÀO ĐÓ KHÔNG CÒN DỊP GẶP LẠI THẦY CÔ CŨ CỦA MÌNH.
 Và duới đây là bài mình được ủy thác viết gởi đến thầy  cô nhân buổi họp mặt chiều nay do một số bạn  bè cấp 3 niên khóa 1970-72 tổ chức mời một số  thầy cô ở tại SG đến dự. Xin chia sẻ cùng Thầy cô và đồng môn NH...
 Thưa các Thầy cô giáo truờng TH Nguyễn Hòang kính yêu,
 Thật là một niềm hạnh phúc lớn lao cho chúng  em khi được tiếp dón quý thầy cô tại quán  sân vuờn Mẹ Tôi  trong buổi chiều hôm nay  để  chúng em có dịp duợc gặp gỡ, thăm hỏi và  nói lời cám on chân thành dến với những  nguời dã hết lòng bảo ban dạy dỗ mình từ  thời còn là hs truờng TH Nguyễn Hoàng Quảng Trị cách đây  đã 36 năm.
 Hôm nay ngày Hiến chương Nhà Giáo VN 20/11/08 lại đến. Nếu em nhớ không lầm thì  ngày xưa thời chúng em cắp sách đến truờng ở  miền Nam không có ngày này. Nhưng những gì tốt  thì nên làm. Không phải chỉ duới chế đô XHCN  nghề dạy học mới duợc tôn vinh mà từ thời  xa xưa cha ông ta đã nghĩ đến sự đáp lễ đối với người có công dạy dỗ con cái mình nên hình thành nên thông lệ hàng năm vào dịp lễ Tết phải đến thăm viếng thầy "Mùng  một tết Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng ba tết  Thầy".
 "Thầy như Cha, Cô như Mẹ". Càng lớn chúng em mới thấu hiểu ý nghiã sâu sắc của  câu ví von này- Quả thật trong xã hội VN ta vai  trò của Nhà Giáo vô cùng quan trọng và cao  quý. Tục ngữ có câu "không thầy đố mày
 làm nên" đã nêu bật vai trò cần thiết và quan trọng của  giáo dục trong sự phát triển của cá  nhân và xã hội. Trong thế hưng, suy  của
 đất nuớc cũng có phần nặng trách nhiệm của nhà giáo  "lương sư hưng quốc". Cho dù hiện nay, cuộc sống với một số mặt tiêu cực trong góc  độ nào đó làm suy giảm  hình ảnh cao quý của  nguời thầy, nhưng trong lòng  chúng em, những  cựu HS Nguyễn Hoàng, các thầy cô giáo luôn mãi là tấm  gương sáng, cao quý và đẹp đẽ.

 Thưa Thầy cô quý mến của chúng em !
 Mổi năm cứ dến gần ngày Hiến chương Nhà  Giáo VN, nhìn con trẻ cặm cụi vẻ tranh, làm  thiệp, tập ca hát để tặng thầy cô giáo long  chúng em lại xao xuyến nhớ đến các Thầy Cô  giáo cũ của thời trẻ thơ cắp sách đi học.  Chúng em không chỉ nhớ các Thầy cô truờng  Nguyễn Hòang có mặt hôm nay mà còn tưởng nhớ đến  những thầy cô đã dạy chúng em từ thời mẫu  giáo, tiểu học, trung học rồi bậc đại  học...Mỗi thầy cô một người một tính cách, một sở  thích, một lối sống riêng, nhưng tất cả đều  cùng mẫu số chung là nguời mang sứ mệnh  truyền đạt kiến thức và dạy dỗ học trò  của mình nên nguời hữu dụng.
 Khi nghĩ về Thầy cô lòng  chúng em  ấm lại  với bao kỷ niệm thân thương của một thời làm  học sinh vô tư lự. Com cha -áo mẹ - chữ thầy.  Hàng ngày chúng em cứ việc  cắp sách đến  truờng, học với thầy, chơi với bạn...
Rồi  thời gian trôi qua như bóng câu qua cửa sổ . Mới  đây mà đã một đời nguời, bạn Thái Hoàng Nguyên, một trò ngoan, giỏi của quý thầy cô -người đã  mãi mãi chia xa chúng ta trên chuyến tàu định mệnh từ Hà nội vào Đà nẵng năm… ,đã ghi mấy lời tâm tình   trong nhật ký :" Thời tôi còn là hs trung học Nguyễn Hoàng cũng  là thời chiến tranh. Chiến sự xảy ra ác liệt. Bạn cùng lớp  còn lại mấy chục. Thầy cô cũng  còn đuợc  vài nguời. Ở tuổi tóc học sinh  cũng đã bạc, thầy trò gần gũi nhau hơn, không  còn những khỏang cách như ngày truớc. Gặp mặt  chắc là vui lắm. Tôi uớc mình có mặt trong  những ngày hội như thế!
 Ðúng vậy, thầy trò chúng ta đi qua một cuộc  chiến tranh đã mấy mươi năm mà ngỡ như giấc  mơ. Nhà cửa, phố xá, truờng ốc  tan hoang.  Thương hải biến vi tang điền (Biển xanh biến thành ruộng dâu), mái truờng xưa chỉ tồn tại  trong ký ức. Hôm nay Thầy trò chúng ta may mắn  gặp gỡ nhau tại chốn này, vui mừng vì hạnh  ngộ nhưng vẫn thấy chút nào trống vắng và  chạnh lòng khi quanh ta còn thiếu bao nhiêu là  thầy cô và bạn bè thân mến. Người bám trụ  quê nhà, kẻ bôn ba tứ xứ, một số nguời thì  mãi mãi đi xa không bao giờ gặp lại.
 Thưa thầy cô kính yêu, tục ngữ nuớc ta có  câu:"không thầy đố mày làm nên". Thật  đúng vậy: Những gì chúng em có đuợc ngày hôm nay từ đời sống vật chất lẫn tinh thần, cũng  nhờ một phần không nhỏ sự dạy dỗ ngày xưa của quý thầy cô để ra hoa kết trái trở thành  chân giá trị bền vững giúp cho chúng em đương  đầu và trụ vững trước bao nhiêu cơn sóng gió  của cuộc đời.
 Carl Jung (1895-1961),một bác sĩ tâm lý và nhà tư tuởng lớn
 người Thụy Sĩ có một câu nói mà em rất tâm đắc  xin được chia  sẻ với Thầy cô và các  anh chị em NH:"Một tấm lòng hòa ái cảm thông là
 điều cốt lõi ở một nguời thầy…Sau này khi  ra đời và nhìn lại, ta dánh giá cao những thầy  cô thông thái, nhưng ta lại biết ơn những thầy  cô dã làm cho ta lòng ta rung dộng.Giáo trình là  nguyên liệu cần thiết ở một mức độ nào đó, nhưng sự nồng nàn của thầy cô mới là  chất liệu ươm trồng cho mầm non đang lên và cho  tâm hồn đứa trẻ”.
 Và em cũng xin thay mặt bạn hữu NH có mặt trong ngày  hôm nay xin gởi đến quý thầy cô lời tri ân  chân thành nhất nhân ngày Nhà Giáo VN. Mong sức  khỏe, sụ an nhàn và niềm hoan lạc đến với  quý thầy cô, những nguời dã hoàn thành xuất  sắc phần việc của mình trên cuộc đời này và  có quyền đuợc thanh thản để tận huởng  niềm vui  sống.
 Kính thư!
Nguyễn Văn Trị 
đại diện một nhóm cựu HS Nguyễn Hòang Quảng Trị tại SG 20/11/2008



NHỚ VỀ THẦY LÊ VĂN QUÝT 
–GS Pháp Văn Trường Trung học Nguyễn Hoàng,Quảng Trị
Đời học sinh ai mà chẳng học qua nhiều lớp và với nhiều thầy cô. Không ít thì nhiều mỗi thầy cô đều để lại cho học trò những kỷ niệm trong năm tháng cùng nhau học và dạy dưới mái trường thân yêu. Tôi tin chắc chúng ta  một lúc nào đó trong đời đều có những giây phút thả hồn về với thời học sinh ngày ngày cắp sách đến trường, trong đó ký ức về thầy cô  là những kỷ niệm thật dễ thương và đáng nhớ vì họ là những người với sự thông tuệ về tri thức đã có công giáo dục và dạy dỗ chúng ta nên người hữu dụng cho xã hội.
Trong niên khóa 1971-1972 tôi học lớp 10 C trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Người thầy để lại trong tôi nhiều ấn tượng cả về phương pháp dạy học sinh động lẫn phong cách cư xử thanh nhã, lịch thiệp có một nét nào đó điệu đàng như một “quý ông Paris”  là thầy Lê Văn Quýt, giáo sư dạy Pháp văn- môn ngọai ngữ thứ 2 của lớp tôi.
Thầy có dáng dấp nho nhã, lưng thẳng, đi đứng khoan thai, mái tóc chải dầu brillatine  bóng mượt nổi bật đường rẽ ngôi phẳng tắp. Y phục thầy mặc luôn chỉnh tề với aó chemise trắng tinh bỏ trong quần tây màu đậm xếp li phẳng nếp, chiếc cà vạt thắt ngay ngắn với chiếc kẹp mạ vàng sáng bóng, thắt lưng da màu đen, đôi giày đánh xira bóng lộn, một chút nước hoa mùi thơm thoang thoảng. Tất cả  là thói quen ăn mặc thường ngày của thầy mỗi khi ra khỏi nhà dù là đi công việc hay đi dạy. Lũ học trò chúng tôi thường hay quan sát cách ăn diện của thầy và tôi còn nhớ  dám “cá” với bạn bè là thầy bỏ ra không ít 30 phút mỗi buổi sáng để trau chuốt “dung nhan” và y phục  trước khi đi dạy. Đó là sở thích của thầy,và điều đó cũng nói lên tính cách của thầy luôn đòi hỏi mọi sự phải tòan mỹ, tòan thiện, không chấp nhận sự lơ tơ mơ, nửa vời đối với việc học môn tiếng Pháp với thầy. Đúng vậy, trong việc dạy học thầy quả là một nhà giào kinh nghiệm và bản lĩnh. Giờ dạy của thầy được ví như là một bức tranh sinh động của sự tương tác qua lại giữa người dạy và nguời học. Lớp học sôi nổi hẵn ra từ khi thầy bắt đầu vào lớp. Thầy đâu để yên cho chúng tôi muốn làm gì thì làm. Đố đứa nào không ôn kỹ  bài ở nhà mà dám vào học giờ của thầy: nào là  trả bài cũ (chúng tôi học cuốn Cours de Langue de Francaise I ), dịch và phổ ra tiếng Việt bài thơ tiếng Pháp thầy cho từ buổi học trước, học ngữ vựng với các từ có họ hàng với từ chính. Tập đặt câu, chia thì … Ngoài ra các bài thơ thầy cho phải được  chép thật nắn nót, trình bày trên giấy pelure màu rồi dán vào vở như là trang trí. Một giờ học môn Pháp văn ở lớp chúng tôi phải mất mấy giờ ở nhà để học, soạn bài mới mong không bí khi bị thầy “truy ”.
Cũng nhờ vậy nên học trò của thầy học tiếng Pháp mau tiến bộ và vui. Thời đó mà thầy đã có những phương pháp dạy học thật là sáng tạo và sinh động. Tôi tự nghĩ nếu không vì tình yêu tiếng Pháp đầy hoa mỹ, súc tích, phong phú về ngữ nghĩa và giàu có về  âm điệu và ước muốn học trò học thật tốt ngoại ngữ này, chắc thầy không phải tốn nhiều công sức dạy học trò đến thế.
Lớp 10C của tôi có mấy bạn học tiếng Pháp nổi trội như Nguyễn Lang, Hà Thị Bích Hường, Thái Hòang Nguyên, Trần Đại Hành, Võ Thị Quỳnh, Lê Đình Thị Thành… Ấn tượng nhất là Nguyễn Lang vì mỗi bài thơ tiếng Pháp như Le Matin (Buổi sáng mai) hay Le Petit Campagnard (Em bé quê), Lang đều phỏng dịch ra thơ tiếng Việt có vần điệu và hay nên thầy thích lắm. Thời đó mỗi lần làm bài tập thầy cho chỗ nào bí nhờ Ba tôi giúp nên cũng không đến nổi bị thầy chê. Sau này mỗi lần bạn bè 10C gặp nhau đứa nào cũng đem mấy câu thơ Francaise học thuộc từ thời học với thầy ra để “xổ” thật là vui.
 Trong lớp, thầy như người nhạc trưởng điều khiển chuyên nghiệp và bao quát.Giờ của thầy đố có ông tướng nào quậy phá vì thầy luôn quan sát toàn diện, đi từ bàn trên xuống bàn dưới để khám vở, kiểm tra bài tập, tạo mẫu đối thoại giữa 2 bạn hoặc 2 nhóm, sửa lỗi ngay trên vở bạn  nào viết sai, đọc và giảng bài, tóm tắt sau mỗi bài giảng để chắc rằng tất cả học sinh đều hiểu bài. Phải nói thầy Quýt là một trong những nguời thầy tận tụy , yêu nghề nhất của trường TH Nguyễn Hòang thời bấy giờ. Giọng nói của Thầy rất rõ ràng và truyền cảm,nhất là mỗi khi thầy phát âm tiếng Pháp thì rất chuẩn. Chữ viết của thầy đều và đẹp như hạt bắp. Rất tiếc sau này lớp của  chúng tôi không ai trở thành giáo viên bộ môn tiếng Pháp để tiếp nối môn dạy của thầy.
Nhớ về Thầy với bao là kỷ niệm đẹp. Thời thế thay đổi khôn lường, chiến tranh loạn lạc đẩy đưa chúng tôi trôi dạt muôn phương. Mới ngày nào đây mà đã gần 35 năm mới được gặp lại Thầy. Đó là vào năm 2007. môt hôm nhận điện thoại của chị Nghĩa, chị họ cùng học NH, báo tin là Thầy từ Hàm Tân, Binh Thuận vào Sàigòn thăm Mộng, con gái của Thầy. Hôm đó một số bạn là Bích, Nga, Phước, Trung, Mừng… cùng tụ họp để mừng hội ngộ thầy tại nhà chị Nghĩa. Ngòai ra còn có sự hiện diện của thầy Hồ Thế Vĩnh. Thầy trò gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi ôn lại chuyện xưa. Mấy chục năm trôi qua thầy già đi nhiều, đi lại đã có phần khó khăn nhưng thần sắc, trí nhớ  vẫn còn minh mẫn, tinh anh.
Mấy năm sau này mỗi lần họp mắt đầu xuân cũa Ái hữu Nguyễn Hòang tại Saigon thầy đều nhận lời mời về dự. Năm ngóai chúng tôi gồm  một số học trò cũ và thầy Lê Hữu Thăng có về thăm thầy tại Tân Hà. Thầy rất vui và khoe với chúng tôi về các thư từ, hình ảnh của học trò, đồng nghiệp cũ gởi thăm. Tôi nắm bàn tay mềm mại và ấm áp của thầy mà cứ tưởng như thầy trò đang đứng dưới mái trường Nguyễn Hòang thân yêu. Giờ chia tay về lại thành phố, tiễn đồng nghiệp và học trò cũ lên xe mà Thầy mãi đứng lặng yên một chỗ. Tấm lòng và tình cảm  của thầy sao mà thiết tha đến thế, có gì đẹp nhất trên đời bằng tình nghĩa thầy trò phải không các bạn?
Có điều tôi muốn nhắn gởi với các bạn, khi có điều kiện thì đừng bỏ lỡ cơ hội thăm viếng lại thầy cô cũ của mình. Ngày Hiến chương Nhà Giáo, dịp lễ tết, hoặc nhân một chuyến đi công tác tranh thủ ít chút thời gian ghé thăm thầy cô. Những cuộc thăm viếng ấy có ý nghĩa vô cùng sâu xa mà có thể ta không ngờ đến. Vì đó là lúc ta tìm về với tuổi học trò của mình với nhiều kỷ niệm, đó cũng là dịp ta nói lời cảm ơn đến những nguời trong cuộc đời không ít thì nhiều đã làm nên đến tính cách của ta khi trưởng thành. Họ đã hòan thành sự mạng lịch sử của mình, họ là người gieo giống đi muôn phương (bài thơ Le Semeur của Victor Hugo mà thầy giới thiệu với chúng ta)  và có gì làm họ vui hơn khi hạt giống ngày xưa ấy đã mọc thành cây lớn, đã cho đời nhiều cây non và có giá trị. Hãy làm thử đi và sẽ thấy chính các bạn đã làm mình vui thú.
Viết từ Saigon 9/4/2009
Nguyễn Văn Trị- Hoc sinh 10C NH niên khóa 1971-72         
           
THỜI THƠ ẤU           
Xa quê hương nhớ những đồi cát trắng
Nhớ tuổi thơ ta nghịch đất bên đường
Nhớ tiếng gà lãnh lót vọng trong sương
Mẹ trở dậy hong nồi cơm lúa mới.

Tuổi thơ ơi ! một thời người có nhớ
Trái khế chua ta hái rát cả tay
Mảnh vườn riêng chơi trận giả thật say
Ôm bẹ chuối băng vườn rào hàng xóm

Tuổi thơ ơi ! một thời người có nhớ
Tay xuýt xoa khi ngã thiệt là đau
Cả những chiều ru "bé " ngũ thật say
Cái giọng "chớt " À ơi nghe ngọng líu

Tuổi thơ ơi một thời ôm chặt níu
Những trưa hè tung quẫy tắm sông quê
Gió Chiều lộng thổi rát cả triền đê
Vui uốn lượn cùng cánh diều mơ ước.

Hỡi tuổi thơ con chuồn chuồn đỏ chói
Mẹ vắng nhà lén trốn học đi chơi
Rồi  úp mặt trước  trận đòn nhận tội
Bỏ cơm ăn còn  nằm “vạ”... khóc  hờ...

Hỡi tuổi thơ những nông nổi  dại khờ
Khi đã lớn mới trách trò nghịch dại
Nhớ thương ơi! Vết bùn lem vai áo
Cha đón con sau mỗi buổi tan trường


Một tuổi thơ rạo rực đến chừng bao
Ôm mộng mị lạc vào vườn cổ tích
Hỡi tuổi thơ ! câu chuyện hôm nao
Khi gặp phải bà tiên và cô tấm

Nhớ rất nhiều ơi lứa tuổi thần tiên
Nhớ sách bút cô trò trường xưa cũ
Nơi một thời trắng trong hồn con trẻ 
Thầy cô người chắp cánh ước mơ xanh

Thời thơ ấu ! ôi một thời yêu dấu
Tuổi thơ ơi! Sao gợi nhớ bồi hồi
Ôi!  trường xưa đây  quê mẹ thân yêu
Sản sinh ra máu thịt một đời  người ...

                        Hồng Hà  06/06/99

 


GIỮA NGÀY HIẾN CHƯƠNG
                         Văn Thị Hồng Hà  2003

Mênh mang là nắng sân trường
Bâng khuâng tím cả giấc hường tuổi xuân
Gió buông lơi những sợi mành
Ngòai khung cửa lớp một vầng trời mơ
Trắc bằng in dấu duyên thơ
Nghiêng tim hứng trọn một bờ thi nhân.

Mùa về ru ngọn gió hanh
Ngày đông lặng lẽ những cành me non
Con về, nhịp gót chân son
Mà nghe rơi lá phủ tròn trịa vai
Mùa đông, con nắng không dài
Mà bâng khuâng cả chuỗi ngày bình yên
Con ngồi mơ một cô tiên
Bên khung cửa lớp dịu hiền xiết bao
Cô tiên không có phép màu
Cô tiên chỉ có ngọt ngào tình thương
Dạy con lễ hiếu làm người
Mở mang kiến thức trau dồi kỹ năng
Chồi e ấp giữa đông vàng
Bài thơ con viết giữa ngày Hiến chương
Ai xui cơn gió lạc đường
Đem nhân gian rải ngọt hường tháng đông !?



MÙA GIÓ CHƯỚNG
(Bài này học trò kính viết tặng thầy Trần Văn Sáu
Giáo viên Lý – Trường chuyên PTTH Lê Quý Đôn

Thầy ơi, con nhớ tận bây giờ
Một mùa gió chướng, thuở ngây thơ
Thương bạn, thương thầy, con đã khóc
Chiếc áo chiều đông ấm nghĩa tình)

Chiều đông. Gió hun hút luồn qua khe cửa, cái lạnh thốc vào từng thớ thịt, len lỏi vào tận tim gan. Rét buốt. Hạ rùng mình xuýt xoa, xốc lại cổ áo và sửa lại chiếc khăn quàng cổ cho ngay ngắn hơn. Cảm giác hai lòng bàn tay lạnh ngắt chạm vào đôi gò má. Vòm trời âm u, xám ngắt qua ô cửa sổ, lớp Hạ ở tầng bốn nên gió mùa đông bắc càng được thể, cứ thổi thông thốc qua cửa lớp, xộc đến tận các dãy bàn, đặc biệt chỗ Hạ ngồi ngay bàn đầu, giữa lớp, ngay luồng gió từ cửa chính xộc vào nên càng buốt càng lạnh. Hạ thu mình trong chiếc áo ấm dày sụ mà vần còn cảm thấy run lập cập. Trống vào tiết đã vang lên, và tụi học trò cũng đã về chỗ ngồi ngay ngắn, lạnh quá, lớp rù rì từng nhóm chuyện trò thì thào:
-         Hôm qua kiểm tra toán mày làm được mấy bài? Trời ạ, câu c bài 4 tau mắc ngay bất đẳng thức Bunhiacốpxki, loay hoay mãi, tức thật …
-         Ê, kỳ báo toán học tuổi trẻ  vừa rồi có bài giải của Lai đó, ngon thiệt…
-         Thì số trước cũng có bài Lê Huy lớp mình đó
-          …

“Nghiêm”. Lớp trưởng gõ thước lên mặt bàn cái cộp.
“Chúng em chào thầy ạ”
Lớp thôi những lời thì thào, thôi chuyện trò rúc rích, thầy khẽ vẫy tay ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống, mỉm cười hiền hậu. Nhưng… chợt thầy khẽ nhíu mày:
-         Trung Nhân, sao em không ngồi đúng vị trí mà tự ý chuyển chỗ, thích đâu thì ngồi thì hỏi lớp có còn tôn trọng thầy cô giáo và có còn trật tự quy củ hay không?
-         Dạ, dạ thưa thầy… em… em…
Cả lớp đổ dồn mắt nhìn xuống góc cuối lớp, nơi tiếng “dạ” khe khẽ vừa thốt lên sợ sệt.
-         Sao thế, em có thể tự do chuyển chỗ ngồi thì cũng có thể có một lý do xác đáng chứ…
-         Dạ, em… em…
Khuôn mặt “bị cáo” ngày càng đỏ bừng, giọng nói càng nhỏ lại và càng ấp úng. Thầy cau mặt có vẻ không vừa lòng, lớp yên lặng như đang “cầu nguyện”. Hạ hết nhìn sang chỗ ngồi trống trơn ngay đầu bàn mình lại ngoái đầu nhìn xuống góc lớp,  chỗ Trung Nhân đang cúi gằm đầu lúng túng. Lại một đợt gió lạnh nữa ào qua, Hạ bất giác so mình “Lạnh quá”. Hạ nhìn thầy một cách lo lắng, và khẽ liếc nhìn đồng hồ tay. “15 phút rồi”. Hạ thầm chắc lưỡi. “Trông thầy có vẻ hơi giận. Khổ cho bạn rồi, Trung Nhân ơi…” Hạ liếc nhìn cậu bạn cùng bàn, cùng lớp và chợt sững người “Kìa, sao mặt cậu ấy tái thế kia, ơ sao cậu ấy không thèm mang áo ấm, trời lạnh thế kia mà…”. Và thắc mắc của Hạ ngay lập tức được giải đáp trong vòng một phút sau đó. Trung Nhân phần sợ thầy giận, phần bị hỏi dồn, rưng rưng:
-         Dạ… thầy ơi, em… em… lạnh … quá…
Nói xong thì cúi gầm, thổn thức. Một đợt gió nữa lại ào qua, góc cuối lớp là nơi khuất gió và ấm áp nhất cũng chùng chình, Trung Nhân khẽ run lên dưới lớp áo mỏng - chiếc áo trắng học trò đã ngả úa sang màu “cháo lòng” bạc phếch. Hạ chợt hiểu, mắt cay cay không biết tự lúc nào. Hạ len lén liếc nhìn thầy, liếc nhìn các bạn cùng lớp. Trái tim con gái thổn thức “Thôi chết, đợt này trở gió chướng đột ngột, bạn ấy ở nội trú chắc không kịp về nhà lấy áo ấm…”. Hạ cúi đầu, cả lớp cúi đầu, hình như ai cũng đang mắc “nghẹn”. “Nhà bạn ấy ở miết tận Gio Linh, mà hoàn cảnh lại rất khó khăn, làm gì có sẵn 2, 3 áo ấm dự trữ như những bạn khác, Hạ là dân “quê”, nhà không dư dả gì mà mẹ còn sắm cho được 2 cái áo ấm và khăn quàng cổ. Thời tiết miền Trung mình thất thường lắm, nhất là mùa này trở gió, rét phơi gan phơi ruột không thể coi thường được. Lời mẹ như vẳng bên tai”. Hạ chợt thấy buồn và xấu hổ, sao mình có thể vô tâm quá, cậu ấy ngồi cùng bàn, cách có một cái với tay mà mình thật…

Trên bục giảng, thầy đứng lặng yên, rất lâu… từng tiếng tích tắc của kim đồng hồ, Hạ nghe rất rõ, nặng nơi lồng ngực. Hai mắt thầy rưng rưng. 39 đứa “nhất quỷ nhì ma” cũng rưng rưng. Rất lâu… Hạ nghe trái tim mình đang lạo xạo, âm ỉ một điều gì đó, bàng hoàng và đau nhói.
Rồi thầy cũng vào bài giảng, một bạn nam trong lớp se sẽ chuyền tay cho Trung Nhân một chiếc áo cánh mỏng. “Khoác đi mày… cho đỡ lạnh, xin lỗi tụi tao vô tâm quá”. Tiết học trôi qua trong nuối tiếc và trầm lắng hơn mọi ngày, giọng thầy như vỡ ra trên trang giáo án, sau từng dòng phấn trắng. Hạ ngồi ngay bàn đầu nên nhìn thấy tất cả, trong khi cả lớp cắm cúi chép bài, thầy đôi ba lần đã quay lưng và khẽ quệt nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, tuổi mười bảy Hạ thấy mình thật bé nhỏ… và Hạ như thấy mắt thầy long lanh.
Tháng 10, năm 2004. 
Văn Hồng Hà(Lớp Toán Tin, niên học 1994 – 1997)

THẦY GIÁO CHỦ NHIỆM CỦA TÔI

 Quảng Trị quê tôi luôn đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo, mỗi chúng ta khi vào đời phần lớn đều qua trường lớp. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư…Không lẽ bao năm làm học trò của bạn không có thầy cô nào để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn sao? Hãy giới thiệu cùng cộng đồng khắp nơi đi bạn nhé. Tôi tin rằng những lời chân thành của những người từng làm học trò một thuở sẽ là những món quà vô giá tặng thầy cô nhân ngày 20/11- Ngày Nhà Giáo Việt Nam – Xin mời bạn hãy cùng tôi bày tỏ niềm tôn kính, thương yêu và cả tiếc nuối đối với một trong những người đưa đò kiến thức của đời mình.
            Xin cảm ơn.


Nguyễn Thị Liên Hưng
            Trong đời học trò, ai cũng được các thầy cô truyền cho những kiến thức để làm hành trang vào đời. Mỗi một con người sinh ra trên đời, ngoài cha sinh mẹ dưỡng thì người thầy góp phần quan trọng không kém vào tương lai của ta. Bởi thế người xưa xem thầy như cha mẹ và đạo đức đó vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến bây giờ.
            Tôi đã trải qua mười hai năm làm học trò phổ thông và gần mười năm học nghiệp vụ. Những thầy cô đã truyền kiến thức văn hoá và cả kiến thức cuộc sống cho tôi, từ người thầy đầu tiên ở làng quê cầm tay tôi tập viết chữ i tờ, cho đến người dạy tôi cách tìm phương án tối ưu cho một dự án khả thi… tôi không bao giờ quên. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là người thầy chủ nhiệm năm cuối cùng của bậc trung học. Có lẽ vì đó là giai đoạn giao thời của đất nước cũng như của bản thân tôi, có lẽ vì thầy là người đã giúp đỡ tôi nhiều trong cơn khốn khó và có lẽ vì tôi chưa kịp tri ân gì thì thầy đã trở về cùng cát bụi.
            Tôi còn nhớ mãi năm học cuối cùng của tuổi học trò, đó là niên khoá 1975-1976 tại trường cấp 3 Hải Lăng - tên mới được đổi lại sau ngày giải phóng của trường Nguyễn Hoàng hồi cư vừa xây xong năm 1974. Ngoài những thầy cô quen thuộc tôi đã theo học mấy năm qua, năm học đó có thêm những thầy cô mới từ bên kia giới tuyến trở về. Chúng tôi không biết rằng trong chiến tranh, bên kia sông mọi người đều mặc chung một màu áo, không phân biệt là quân đội hay thường dân. Bởi thế khi nhìn những thầy cô xuất hiện trong sân trường với màu áo xanh thời chiến ấy, chúng tôi thường gọi là thầy bộ đội hay cô bộ đội một cách vô tội vạ. Lúc đầu chúng tôi còn e ngại nhưng rồi cũng quen dần vì tuổi mới lớn vốn vô tư nên dễ thích nghi. Chúng tôi rất thương thầy cô vì sự thiếu thốn vật chất thể hiện trên chiếc áo sờn vai, trên đôi dép nhựa mòn mỏng dính được ví von là dép cạo râu. Thế nhưng lòng ham muốn truyền tri thức cho thế hệ trẻ thì thời nào những người đứng trên bục giảng cũng giống nhau.
            Tôi còn nhớ thầy Châu dạy sinh vật, thầy bé người nhưng rất nhanh nhẹn với đôi mắt sáng tinh anh, bằng một giọng Bắc sắc sảo thầy giảng về phép tiến hoá loài người của Dac-Uyn một cách say sưa. Thầy Lịch người Nam Định (mà sau nầy tôi mới biết là lớp học trò đầu tiên của thầy Lợi) phụ trách môn Địa với chất giọng nhẹ như bấc, mặc gió cát Hải Lăng da mặt thầy cứ trắng hồng không đứa con gái nào sánh kịp. Thầy Lê Thanh Trí vẫn hướng dẫn chúng tôi giãi những bài toán theo phương pháp nhanh, gọn và dễ nhớ một cách thú vị. Thầy Trần Văn Sung phụ trách môn Lý vẫn là môn dốt đặc cán mai đối với bọn con gái khó tiếp nhận khoa học kỹ thuật như tôi, nhưng chúng tôi không lo vì thầy luôn cầm sẵn cái vợt để vớt điểm, tránh cho chúng tôi khỏi phải thi lại. Có lẽ thầy biết trong mỗi nhà, chuyện điện đóm đàn bà con gái mấy ai mó vào, nếu con gái đều giỏi Lý thì trời sinh con trai ra là thừa và các ông đâu vênh mặt lên được, phải không? Ngoài chuyện vớt điểm, thầy còn thường dẫn học trò đi ăn hàng, có lần cả bọn thi nhau ăn cháo bột Diên Sanh làm thầy vét sạch túi tiền giáo viên vẫn không đủ trả, buộc lòng phải để chiếc đồng hồ yêu quý lại quán … làm tin. Còn thầy chủ nhiệm của lớp 12A năm đó…
Một buổi sáng đầu tuần, một ông thầy mặc áo quần màu xanh bộ đội, chân mang đôi dép cạo râu, mái tóc dày hơi rối như tăng thêm cái dáng đi thong thả, lất phất xuất hiện trước cửa lớp. Học sinh đứng dậy chào, thầy khoát tay mời ngồi xuống và giới thiệu với chất giọng Quảng Trị hơi pha những âm bực miền Bắc Tôi họ Văn, tên là Ngọc Lợi, người Quảng Trị tập kết trở về. Tôi phụ trách môn Văn và là giáo viên chủ nhiệm của các anh chị trong năm học nầy. Thầy chủ nhiệm là quan trọng nhất, mà thầy lại dạy Văn - nhất là đối với lớp Ban Văn như lớp tôi, lại là năm cuối cấp. Có thể nói số phận thi cử của chúng tôi một nửa nằm trong tay thầy, tôi nhìn cái dáng vẻ phất phơ của thầy và hơi lo lo, với ông thầy nầy không biết mình sẽ cảm thụ nền văn học mới như thế nào đây nhỉ?
            Trước ngày 30/4/1975, ngày khai trường là ngày chúng tôi bắt đầu cho một năm học, còn bây giờ chúng tôi tập trung trước hơn nửa tháng để nhận thầy nhận trò, ổn định tổ chức lớp đâu đó xong xuôi rồi mới khai giảng năm học mới. Để chuẩn bị lễ khai trường năm đầu tiên trên quê hương giải phóng, thầy Văn Ngọc Lợi, tổ trưởng bộ môn Văn khối 12 và cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp lệnh cho tôi viết bài phát biểu của học sinh. Điều đó làm tôi lo lắng Thưa Thầy! Em là học sinh chưa tiếp thu nền văn học mới nên không biết viết thế nào cho đúng. Thầy nên giao cho các anh chị ấy viết thì hay hơn ạ. Vừa nói tôi vừa chỉ tay về phía những học sinh mặc áo xanh bộ đội từ bên kia giới tuyến trở về. Nhưng thầy thản nhiên bảo Tôi đã chấm bài văn kiểm tra chất lượng xếp lớp của em, tôi biết em viết được. Cứ viết những gì em nghĩ, tôi sẽ xem lại và chỉnh sửa nếu có gì không ổn. Ôi lệnh thầy bên ta đã ban ra thì học trò bên mình làm sao dám cãi. (Thuở ấy, chúng tôi thường dùng chữ bên ta, bên mình để gọi đùa thầy cô và học trò từ hai miền Nam-Bắc mới nhập lại). Thế là tôi đành phải viết và viết đúng theo cảm nghĩ của mình như thầy bảo. Tôi viết cảm nghĩ của một học sinh về một đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, đau thương tang tóc vẫn còn đó nhưng trên những nẻo đường đất nước đã sạch bóng ngoại bang, đêm đêm tiếng súng không còn làm giật mình giấc ngủ trẻ thơ. Cánh chim hoà bình đã trở lại trên bầu trời xanh thay cho tiếng máy bay gầm rú gieo tang tóc một thuở. Tôi viết về niềm sung sướng, tự hào được làm học sinh, được làm người dân của một đất nước độc lập, thống nhất. Lòng tri ân đối với tiền nhân và những người đã đổ máu cho mảnh đất nầy. Tôi viết về những lời hứa thiết thực của lứa tuổi học sinh, về những việc làm nhỏ trong năm học mới hầu góp tay xây dựng quê hương ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như di chúc của Bác Hồ kính yêu để lại. Viết xong tôi nộp liền cho thầy với cảm giác thoát nợ, ai dè ngày hôm sau thầy đưa bài viết lại cho tôi, chẳng chỉnh sửa gì và bảo tôi tập đọc trước cho lưu loát.  Nghe thế tôi hoảng hồn lắp bắp Thầy…Thầy bảo em viết chứ có bắt em đọc đâu. Thầy vẫn tỉnh bơ Ai viết thì người đó đọc mới có hồn. Tôi nhăn nhó Thưa Thầy! Em nhát lắm, khi em run lên thì hồn em sẽ bay mất nhưng thầy cười Hồn bay thì cố mà níu lại. Nhát thì tập cho hết nhát. Thế nhé! Nói xong, thầy thọc tay vô túi quần phớt tỉnh ăng lê bỏ đi không thèm dòm tôi đứng đó với đôi mắt rưng rưng. (Sau nầy tôi mới biết thái độ phớt tỉnh ấy là thói quen của thầy mỗi khi muốn chấm dứt một cuộc tranh cãi). Thế nhưng ngày hôm sau, chắc thấy tôi tội nghiệp hay sao mà thầy kêu về phòng tập thể giáo viên tập cho tôi cách đọc, thầy bảo xem như tôi đang phát biểu, thầy là cử toạ, hãy nhìn vào mắt cử toạ thì bài phát biểu mới thu hút. Tôi làm theo và thấy tạm ổn, có lẽ nhờ thầy có đôi mắt rất vui, rất bơ đời nên tôi cũng … bơ đời theo. Xong buổi tập dượt đọc diễn văn, thầy bảo Tốt! Ngày mai em cứ thế mà đọc là đạt nhưng tôi lại lo âu Thưa thầy! Ngày mai đâu chỉ có mình thầy, ngày mai cả hội trường đông thế coi chừng em khớp quá rồi quên cho coi. Thầy phẩy tay và bỏ ra ngoài sau khi phán một câu Không sao! Ngày mai em cứ nhìn vào tôi mà phát biểu, hãy xem cả hội trường như là … cỏ rác. Trời đất! Tôi thầm nhủ Không ngờ thầy Việt Cộng mà cũng có người ngông như thế. Mà quả thế thật, lúc đầu nghe mời đại diện học sinh của trường lên phát biểu tôi đã nghe trống ngực mình đánh to hơn hồi trống khai trường, bước chân ra khỏi chỗ ngồi mà đôi chân như muốn ríu lại vì nhìn đâu cũng thấy một màu áo xanh thời chiến. Ngày khai trường đầu tiên của một ngôi trường từng vang danh trên miền đất lửa nên đủ mặt các quan chức từ tỉnh đến huyện về dự, hỏi làm sao một đứa học trò như tôi lại không run? Nhưng khi đã đứng vào vị trí và làm theo lời thầy dặn tôi bỗng bình tỉnh lại, tôi phát biểu mà không cần nhìn vào tờ giấy trên tay, tự tin thoải mái đến không ngờ. Sau lễ khai giảng, tôi được thầy hiệu trưởng gọi lên văn phòng để… khen ngợi.
Thế rồi năm học tiếp tục trong niềm say mê giảng và tiếp thu giữa thầy và trò. Thầy Lợi khi nói chuyện thì bơ đời nhưng khi giảng bài thì tuyệt. Thầy giảng tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố hay đến nổi cứ mỗi lần thầy xuất hiện trước cửa lớp là đám con trai bắt chước thầy dài giọng lào khào run rẩy như cụ Cố “T…à…o…đ…â…y”, làm thầy bật cười và cả lớp cùng cười. Rồi từ các bài giảng của thầy, mỗi đứa trong lớp đều tự nhận cho mình một nhân vật, đứa thì làm mụ Nghị Quế để cứ thấy mặt là lên giọng chanh chua, đay nghiến Bà đã đếm rồi đấy nhé…Mất miếng nào là ch…ế…t với bà; Đứa thì đòi làm ông có cái đức là không thèm biết chữ và luôn miệng Đồng hồ Tây có sai bao giờ khi có bạn hỏi giờ vv…nhưng vai chị Dậu thì chẳng đứa nào chịu nhận, vì ai dại gì muốn đàn con mình đói vàng cả mắt để rồi phải chạy vào trời tối đen như mực? Thầy giảng bài có hồn đến nổi nó ăn sâu vào trí óc tôi mà mấy mươi năm thăng trầm cuộc sống vẫn không phai mờ, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể có cảm tình với những người có bàn tay múp míp trơn tuột dù chưa biết họ tốt, xấu thế nào. Hoặc mỗi lần gặp các vị quan chức có khuôn mặt bè bè là tôi lại nghĩ ngay đến từ phèn phẹt và liên tưởng đến ba chữ quan phụ mẫu. Tôi mê nhất là tủ sách của thầy, đó là những cuốn sách văn học nổi tiếng trong và ngoài nước. Những cuốn sách quý mà lúc đó dù có tiền cũng không biết mua ở đâu chứ đừng nói gì đám học trò túi rỗng như tôi. Hình như thầy đọc được niềm ham muốn trong mắt cô học trò nhỏ nên đã cho tôi mượn nhiều sách để đọc và nghiên cứu thêm trong suốt năm học, kể cả những cuốn kinh điển như Người Mẹ, Thép đã tôi thế đấy…Tôi đã say mê những cuốn sách ấy và chợt hiểu ra rằng văn chương của những bậc thầy muôn đời vẫn đi vào lòng người, giá trị đích thực của văn chương vượt lên trên chính kiến - điều mà tôi đã hằng tưởng và không ngờ trong nền văn học gọi là cách mạng ấy, nếu biết cảm nhận thì nó cũng không hề khô khan mà phong phú, đa dạng với muôn màu muôn vẻ. Thử hỏi ai mà không khỏi trầm ngâm suy tưởng khi đọc lên câu Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá linh hồn. Lẽ nào bạn không thích những vần thơ mượt mà Nhớ gì như nhớ người yêu. Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương? Hay sống động và chan chứa tình cố hương như Bồi hồi dạo trước Tây Phong Lĩnh. Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa vv…. Nhất là câu nói của Paven Coocsaghin Đời người sống chỉ một lần, sống sao cho khỏi xót xa ân hận…đã theo tôi suốt cả cuộc đời.



Thầy Văn Ngọc Lợi và trò Nguyễn Thị Liên Hưng sau 31 năm gặp lại. 
(Hình chụp ngày 5/8/2007 tại nhà thầy)            
Mùa hiến chương các nhà giáo năm ấy – mà bây giờ gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam – Lần đầu tiên tôi biết có ngày lễ tôn vinh thầy cô, toàn trường rộn ràng chuẩn bị đón mừng ngày hội trong không khí náo nức. Nguyễn Vỹ - trưởng ban văn nghệ - lo tìm những bài ca mới để tập cho lớp. Lê Thị Cúc vẫn là giọng ca chủ đạo nhưng có lần hắn dài giọng ra ca Mùa hoa Lê ki ma nở…rất chi là nức nở, bị thầy phê bình là hát nghe buồn ngủ, mất hết khí thế. Tôi và Khôi dĩ nhiên là chịu trách nhiệm về tờ báo tường của lớp để trình làng. Mang danh là lớp văn chương, lớp đàn anh, đàn chị của trường mà tờ báo không ra gì thì có nước độn thổ. Ngày lễ 20/11 năm ấy, lần đầu tiên chúng tôi biết nói lời chúc tụng thầy cô một cách long trọng. Chúng tôi tỏ lòng tri ân những người đã truyền tri thức cho mình trên những tờ báo tường rực rỡ. Tôi cũng có bài viết đầy cảm xúc đối với thầy cô, rằng :
dòng sông tri thức vẫn chảy, rằng thầy cô là người lái đò tri thức đưa chúng em qua bến bờ cuộc sống. Mỗi chuyến sang sông an toàn, thầy cô thấy vui mà không nhìn lại mình tóc ngày càng phai, mắt ngày càng kém. Chúng em sẽ ra đi, đi mãi như đàn chim vỗ cánh bay vào khoảng trời cao rộng. Có những đàn chim bay vào trời lộng gió để đến miền hoa thơm cỏ lạ nhưng cũng có những cánh chim bay lạc vào cả mưa gió, bão bùng…Còn thầy cô thì vẫn ngồi lại trên bến sông xưa để đón đoàn khách mới, nhưng vẫn dõi mắt theo những cánh chim trời. Bài viết nhỏ của tôi hình như ít nhiều có làm xúc động độc giả nên sau đó, mỗi khi ghẹo tôi đám tiểu yêu không đọc câu Lần đầu tiên nhà thơ đi lượm đá nữa mà đọc lên những câu Trời sang đông lành lạnh dưới hiên trường…trong bài thơ mừng ngày 20/11 năm đó. Rồi buổi tối trong làn mưa bụi lất phất, giữa cái giá rét của ngọn gió mùa đông bắc, thầy trò chúng tôi say sưa thưởng thức buổi văn nghệ cây nhà lá vườn với sân khấu lộ thiên ngoài trời. Tiếng đàn, lời ca cứ dập dềnh, lênh đênh theo gió, lúc xa lúc gần như bao trùm cả vùng cát trắng Hải Lăng.
            Sau tết, để chuẩn bị cho học kỳ II và mùa thi tốt nghiệp sắp đến , thầy chủ nhiệm đề nghị chúng tôi tự thành lập nhóm để giúp nhau học tập, mỗi nhóm khoảng sáu bạn. Dĩ nhiên là tôi, Cúc và Lân ngồi gần nhau liền đứng lên. Lập tức bên nam sinh Hải, Thăng và Vỹ cùng đứng lên. Thế có nghĩa là sáu đứa chúng tôi đã thành một nhóm. Bỗng thầy bật ra ba chữ Biết ngay mà, cả lớp cười ồ làm chúng tôi ngượng quá đứng chết trân. Tôi lại dại dột buột miệng đính chính Thưa Thầy! Chúng em chỉ là bạn học làm thầy vừa cười vừa nói lững lơ Thì tôi có nói sao đâu, nhưng tình yêu là đỉnh cao của tình bạn đấy. Chỉ tiếc là chúng tôi chưa bao giờ bước tới cái đỉnh cao như lời thầy ngày ấy. Cách tổ chức học nhóm rất hay, cứ đứa nào khá môn gì thì chỉ lại cho bạn môn đó và chúng tôi chia tri thức cho nhau mà không hề bị mất đi, lại giàu thêm nữa chứ. Thầy cũng có những buổi lên lớp ngoại khoá rất thú vị, với những chủ đề văn học ngoại khoá ấy, chúng tôi tha hồ mà tranh luận. Không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh, thầy còn gần gũi và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học trò để ủi an, giúp đỡ và tôi cũng là một trong số học sinh ấy. Có lần thấy tôi lơ là việc học, thầy hỏi tại sao? Tôi buồn rầu cho thầy biết tôi chỉ là con ghẻ của địa phương nên học xong cũng chả biết làm gì. Thầy khuyên tôi học là học cho chính mình, học để hiểu biết, để có tri thức mà sống ở đời, việc học không bao giờ thừa. Hơn nữa, điều cơ bản chính là bản thân con người của mình. Khi chào đời, không ai có quyền chọn cho mình một dòng họ, một lý lịch để dễ được thăng tiến theo hoàn cảnh xã hội cả. Em cứ học đi, học hết sức mình để trau dồi tri thức rồi cái gì đến nó sẽ đến, không nên bị chi phối vì những việc chưa đến, điều đó là thủ tiêu đấu tranh và làm lụi tàn niềm tin yêu cuộc sống mà thôi. Nhờ lời giải thích tuyệt vời đó cùng với sự động viên và giúp đỡ của thầy, tôi đã hăng say học tập và vô tư bên thầy bạn trong chuổi ngày học trò còn lại. Rồi ngày thi tốt nghiệp cũng đến:
Em mùa thi xanh mầu lá non
Ve vẩy chào trên cành lộc ngoan…
…Ta đợi hôm nào em chợt khóc
            Dù có u hoài hay hân hoan…
            Khi học trò bước vào phòng thi thì bên ngoài thầy cô hồi hộp. Cứ mỗi đứa học trò rời phòng thi là thầy cô ngoắc lại hỏi làm bài được không? Với môn Toán, khi nghe tôi đọc lại bài làm đến câu cuối, thầy Trí đã phán ngay một câu là rất tiếc, tôi hấp tấp nên đã tìm ra cách giải mà quên khai căn, bị trừ 2 điểm. Và kết quả điểm thi môn Toán của tôi có số điểm y như thầy Trí chấm khi thầy chưa nhìn vào bài làm. Còn môn văn học, nghe tôi đọc đến đâu là thầy Quang – cũng dạy văn học lớp 12 – gật đầu đến đó và bảo nếu thầy chấm bài thi nầy của em thì thầy sẽ cho điểm tối đa, vì theo lời bạn bè thì thầy Quang là người thường cho học trò điểm cao. Còn thầy Lợi thì vẫn thọc tay túi quần nhìn trời ngắm đất, khi tôi đọc xong lời kết thầy mới cười cười phán một câu Con bé nầy lạ thiệt. Cứ bị sức ép càng cao thì nó làm bài càng hay. Mà quả thế thật, bài cho về nhà tôi thường đạt điểm khá, có khi trung bình nhưng nếu là bài tập ở lớp thì điểm thường cao, bài thi học kỳ điểm lại cao hơn nữa và bài văn tốt nghiệp năm đó tôi đạt điểm tối đa như lời thầy Quang phán. Hôm công bố kết quả, trường tôi đạt tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao nhất tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó. Trường có trên ba trăm thí sinh dự thi mà chỉ rớt có ba em. Qua sự kiện đó đã có người ví von Bãi cát Hải Lăng nở hoa hồng cũng không ngoa.
Mấy mươi năm đã trôi qua, mà mỗi lần vào mùa tựu trường hay ngày tôn vinh nhà giáo lòng tôi lại miên man trong nỗi nhớ, nhớ đến những người đưa đò tri thức ngày ấy, nhất là thầy Văn Ngọc Lợi, người giáo viên chủ nhiệm lớp 12A của Trường Cấp 3 Hải Lăng, tỉnh Bình Trị Thiên năm học 1975-1976 – Hậu thân của Trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Thuở đó thầy sống rất đạm bạc, bình dị và rất thương học sinh. Khi biết chính quyền địa phương không ký vào hồ sơ cho tôi đi thi, chính thầy đã về tận xã nhà tôi để thuyết phục họ ký. Dù sau mùa thi năm đó, tôi không được bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học như thầy hằng mong muốn, nhưng sau nầy với tấm bằng tốt nghiệp, với học bạ có lời phê của thầy tôi đã đường đường chính chính bước vào giảng đường không chỉ một mà đến hai lần. Tuy nhiên bằng cấp cũng như nghề nghiệp của tôi lại không như sự kỳ vọng của thầy nên tôi cảm thấy mình có lỗi đã làm thầy thất vọng. Bởi lẽ đó tôi sống lặng lẽ, không liên hệ với thầy cô, bằng hữu. Mỗi lần mở lại ngăn kéo đời mình và chiêm ngắm, lòng tôi luôn thức dậy một niềm đau: Ôi học bạ của lớp 12A với dòng chữ thầy chủ nhiệm phê còn rõ nét …Khá về Văn, là một học sinh có triển vọng trong tương lai… Điều nay sao trùng hợp với lời phê của thầy Hồ Thế Vĩnh – chủ nhiệm năm tôi học lớp 7 đến thế. Có lần tôi nhận thư người bạn học cũ, bạn ấy bảo có gặp thầy và thầy hỏi nhiều về tôi, thầy còn bảo con bé ấy quên thầy rồi. Tôi nghe mà xót xa nhưng cũng không lời đính chính, tôi tự hiểu mình là không bao giờ quên thầy, những ký ức ngọt ngào như thế hiếm ai có được trong đời thì làm sao mà quên? Một đôi lần trở lại quê xưa nhưng tôi không về tìm thầy, tìm bạn vì tủi thân và nghĩ mình đã phụ lòng kỳ vọng của thầy. Tôi bước vào đời với lắm nỗi truân chuyên, tuy không làm điều gì để phải xấu hổ, để phải xót xa ân hận nhưng vẫn trĩu buồn vì ước mơ ngày nào đã vỗ cánh bay xa. Cuộc sống thì quá ư đơn điệu với bốn phép tính cộng-trừ-nhân-chia, nhưng phép cộng, phép nhân tìm hoài mà chả thấy còn phép trừ, phép chia thì cứ đổ về phần mình. Bởi thế tôi cứ sống trong nỗi thất vọng và luôn mượn câu thơ của Tôn Nữ Thu Hồng để tự bạch:    

Ôi! Hạnh phúc!

Ta ngậm ngùi nhìn em bên cỏ mướt 

Tay dẫu dài không với tới chân em 
Nhưng rồi một ngày, tôi xếp lời thơ của nữ sĩ Thu Hồng lại và trở về quê cũ trong niềm hân hoan, như ngày xưa đón buổi tựu trường. Đó là ngày họp mặt đầu tiên của cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng trên miền đất cũ. Trong những ngày hồi hộp ngóng chờ ấy, tôi nhận rất nhiều điện thoại, đặc biệt là điện thoại của thầy.  Tôi đã bật khóc khi nghe giọng nói thầy qua làn sóng viễn thông, thầy bảo rằng thầy dò hỏi người quen mấy lâu nay mới tìm được số điện thoại của tôi. Tôi nghẹn ngào xin thầy tha lỗi vì đời không như ý nên tôi đã không dám tìm thầy trước, để thầy phải khổ công tìm trò. Thầy bảo em sống không làm điều gì để phải xót xa, ân hận thì việc gì mà mặc cảm. Thế sự thăng trầm, mỗi người mỗi cảnh nhưng thầy rất vui khi biết em vẫn đứng vững giữa cuộc đời trôi nổi nơi xứ người. Thầy báo tin ngày họp trường sắp tới và mong tôi về để gặp thầy. Thầy bảo thầy đã về hưu, bây giờ thầy già nua lại bệnh tim không mổ được, em mau về thăm thầy kẻo thầy chết mà chưa gặp học trò cưng của ba mươi năm trước đó.
         Thế rồi tôi cũng được gặp thầy. Thầy già quá đổi, nhìn ông lão tóc bạc phơ, yếu đ run run đỡ chén trà học trò trao, tôi phải quay đi để lén lau giòng nước mắt cứ chực tràn xuống má. Thấy vậy thầy tỏ ra bơ đời, vui vẻ trò chuyện, thầy còn đùa không ngờ con bé Liên Hưng ốm nhom ngày nào giờ lại sợ mập như thế. Thầy còn ghi địa chỉ nhà tôi và hẹn có dịp vào Nam sẽ ghé thăm. Có ai ngờ lần gặp ấy là lần gặp sau cùng. Mấy tháng sau, một buổi chiều mùa đông bỗng chuông phone đổ, tôi thấy dòng chữ Thầy VNL đang gọi liền Thưa Thầy! Em đây. Ai ngờ một giọng con gái cất lên trong tiếng nức nở: Chị Liên Hưng ơi, bố em vừa mất rồi. Tôi bàng hoàng buông chiếc điện thoại và ngồi phịch xuống ghế, miệng cứ lẩm bẩm thầy mất rồi, thầy mất rồi trong dòng nước mắt. Tôi lại lấy mấy tấm ảnh của thầy ra xem, cả tấm ảnh tôi chụp với thầy mấy tháng trước, thầy thì ngồi an nhiên còn tôi đứng sau lưng thầy mà mắt còn mọng nước. Thế mà giờ thầy đã đi rồi ư? Tôi đã hẹn thầy từ nay mỗi năm tôi đều về thăm quê và sẽ ghé thăm thầy, tôi đã hết mặc cảm thiệt thòi trong cuộc sống, tôi đã tìm thầy, tìm bạn và chính những tình thân ấy là tài sản vô giá vun đắp, bồi bổ cho tâm hồn tôi. Thế mà thầy đã mất rồi. Thầy ơi! Và đây là những dòng thương tiếc người thầy chủ nhiệm năm xưa của mình tôi viết bằng nước mắt:                                                                                
Kính viếng hương hồn Thầy Văn Ngọc Lợi
Biết rằng cõi tạm trần gian
Người còn ở lại lo toan bao điều
Người đi hồn nhẹ phiêu diêu
Mà sao lòng cứ trăm chiều tiếc thương?
 
Thôi rồi tắt một vầng dương!
Thầy đi để lại mấy phương mưa sầu
Học trò: Kẻ trước, người sau
Tay Thầy nâng dắt – thấm màu tương lai
Giọng Thầy vọng mãi ngày mai
Mấy mươi năm ấy khó ai quên lời.
 
Thôi rồi đã khép Thầy ơi!
Một đôi mắt sáng: Một trời bao dung
Mấy mươi năm, phút trùng phùng
Ngờ đâu lần gặp cuối cùng mà thôi
Tóc Thầy trắng cả mây trời
Mà lòng khắc khoải vẫn vời lo âu
Thầy buồn nghe nỗi bể dâu
Thầy cười khi chuyện cơ cầu đã qua
 
Em giờ giữa nắng miền xa
Ngóng về quê cũ, nhạt nhòa mưa đông
Ngỡ lời Thầy vọng hư không
Ngỡ mắt Thầy dõi bụi hồng chân non
Ngỡ hồn Thầy vẫn như son
Thương trò như thể thương con của mình
 
Biết rằng cõi tạm phù sinh
Biết rằng đã tắt nhịp tim của Thầy
Mà sao lệ vẫn đong đầy
Hương lòng một nén viếng Thầy, Thầy ơi!
Học trò cũ Liên Hưng(09/12/2007) 
Sau tang lễ của thầy, tôi được người thân ở quê cho biết bài thơ nhỏ khóc thầy của tôi đã được đưa vào điếu văn và có người đã cảm thán: Ước chi khi mình qua đời, có được một học trò khóc mình như trò Liên Hưng đã khóc thầy Lợi nhỉ? Đối với tôi, lời cảm thán đó là một sự an ủi lớn lao, tôi thấy ít nhất mình cũng thể hiện được phần nào chân giá trị của một nhà giáo mấy mươi năm trên bục giảng.

1 nhận xét:

  1. Tình thầy trò quý giá vô cùng. Những bài viết của các anh chị đồng môn Nguyễn Hoàng rất hay và rất cảm động

    Trả lờiXóa