Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

GIÁO DỤC VỚI TĂNG THIỆN GIẢM ÁC



BÀI PHÁT BIỂU TẠI ĐẠI HỘI KHOA HỌC TÂM LÝ - GIÁO DỤC TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT
TS. Nguyễn Chu Phác
“Người ta tuy có đạo lý, nhưng cứ ăn no, mặc ấm, ngồi rồi mà không có giáo dục, học hành thì gần giống như cầm thú”. (Mạnh Tử)
Cái ác của con người đang tăng lên đáng lo ngại, hàng ngày biết bao nhiêu chuyện "giết người" với nhiều cách khác nhau: có loại bằng dao, bằng súng đổ máu, có loại đang được gọi với cái tên tham nhũng, móc tiền của Nhà nước, của nhân dân một cách tàn bạo, có loại bằng mưu mô thâm độc tấn công vào não người, làm sao cho con người đau khổ héo hon, chết dần chết mòn…
Nguy hiểm hơn, cái ác đang khoác áo cái thiện, lợi dụng cái thiện để diệt người thiện chân chính, trong đó có cả vấn đề cố tình làm méo mó lý luận, "đánh tráo" lý luận về chân, thiện mỹ, lý luận về nhân đạo và nhân văn, về dân chủ và tự do hòng làm tan rã một hệ tư tưởng, một bản sắc dân tộc. Viết đến đây, tôi nhớ lại phim Tôn Ngộ Không, một tác phẩm văn học của Ngô Thừa Ân thời Minh Thanh cách đây gần 500 năm. Nay nữ đạo diễn Dương Khiết đã dựng lại một khung cảnh nước Trung Hoa thời bấy giờ, mà ngày nay cảnh ấy đang diễn ra ở nhiều nơi. Ôi, sao lắm yêu quái đến thế! Yêu quái hiện hình thành những cô gái xinh đẹp dễ thương, thành những ông phật, ông tiên bề ngoài rất phúc hậu, nhân từ và những nhân vật ấy lại trở thành yêu quái để ám hại con người. Một lần đối thoại với sinh viên trưởng viết văn Nguyễn Du, có sinh viên hỏi tôi: "Có cái thiện làm nảy sinh cái ác không?" .
Có chứ! Ví như có lúc, do chưa nhận rõ đâu là yêu quái, đâu là thiện nhân, Đường Tăng đã tin, đã thương và tha bọn yêu quái tàn bạo để rồi chính bọn yêu quái ấy đã làm hại bao nhiêu người, trong đó có cả Đường Tăng. Riêng tôi, tôi cũng không trách Đường Tăng lắm, vì Đường Tăng đang đi tìm kinh, tìm một đạo, chứ đã được học kinh đâu. Cái tâm của ông ta không ác, nhưng do hoàn cảnh lúc ấy Đường Tăng xử sự như thế. Chứ Phật có dạy thế đâu, mà Phật dạy như trong kinh Thử Lăng Nghiêm: Kim Cương Tạng Vương Bồ Tát bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn, những bọn gian tà độc ác và quyến thuộc của chúng mà đến xâm phạm, nhiễu hại người thiện tâm, con lấy cái bảo chử đánh bể đầu chúng ra để các thiện nhân làm việc được theo ý nguyện". Nhân đây tôi xin phép được nói thêm là Chúa và Thánh cũng không dạy làm điều ác, ví dụ theo kinh Cựu ước, phần châm ngôn có nói:


"Hỡi con, nếu kẻ tội nhân kiếm thế quyền dụ con, con đừng theo.
Hỡi con, đừng đi đường cùng chúng nó. Hãy cầm giữ chân con, chớ vào lối của họ vì chúng nó chạy đến sự ác.
Kẻ ác bị đánh đổ trong sự gian ác của mình, nhưng người công bình vẫn có nơi nương cậy, dẫu trong khi chết…"
Như vậy chỉ có những kẻ lợi dụng tiếng chuông ngân là làm điều ác mà thôi.
Trước thực trạng ngày nay “yêu quái” cũng nhiều, biết bao nhiêu người đau khổ vì bọn "yêu quái" đang mỏi mắt mong chờ các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo quản lý sớm đóng góp trí tuệ, tài năng và cả tấm lòng vô tư trong sáng của mình ngăn chặn cái ác thức tỉnh cái lương thiện trong mỗi con người, giúp con người tỉnh táo phân biệt được đâu là thiện nhân, đâu là "yêu quái" trá hình.
Nay các nhà khoa học về tâm lý và giáo dục của ta đã có thuận lợi hơn: một tổ chức khoa học trong lĩnh vực này đã được thành lập. Là những nhà tâm lý giáo dục học, nhưng nhiều người trước đây chỉ được học lý luận của phương Tây, chưa có điều kiện được học về phương Đông, về bản sắc dân tộc ta.
Điều này là chỗ thiếu hụt của chính bản thân tôi và một số đồng nghiệp. Chúng tôi được học triết lý, châm ngôn của Bê-cơn (1561-1616) nhà triết học Anh, Đê-các-tơ (1591-1650) nhà triết học Pháp, thuyết phân tâm của S.Phrớt (1886-1939) nhà tâm lý học Áo, lý luận giáo dục của Cô-men-xki (1592-1670) nhà giáo dục học Tiệp, U-sin-ski (1824 - 1870) nhà giáo dục học Nga... điều đó rất bổ ích. Nhưng chỗ thiếu hụt của chúng tôi là không học, không hiểu được những điều của tổ tiên mình, ngay trên mảnh đất mình đang sống. Thế nhưng, Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta đã lấy bao điều từ phương Đông, từ bản sắc dân tộc vận dựng vào hoàn cảnh mới để giáo dục nhà giáo dục. Ví dụ: Bác nói: “Vì lợi ích mười năm chúng ta phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm chúng ta phải trồng người". Đó cũng là lời dạy từ ngàn xưa: "Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc, thập niên chi kế, mạc như thụ mộc, chung thân chi kế, mạc như thụ nhân", nghĩa là "tính kế một năm, chẳng gì bằng trồng (ngũ) cốc, tính kế mười năm, chẳng gì bằng trồng (cây lấy) gỗ, tính kế chung thân, chẳng gì bằng trồng người". Sau này, có thành ngữ "thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân".
Cũng từ ngàn xưa, cổ nhân đã dạy cho học trò lục nghệ, mà nghệ đầu tiên là học lễ, sau này có lới dạy "tiên học lễ, hậu học văn" nhưng tiếp đó lại có lời khuyên: "'học văn mà không học võ thì dễ nhu nhược, học võ mà không học văn thì dễ sinh thô lỗ".
Từ xa xưa, tổ tiên đã có bao nhiêu điều hay về giáo dục như "Đói cho sạch, rách cho thơm", "Phúc đức tại mẫu”, "Công cha như núi Thái Sơn", "Thương người như thể thương thâm”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương"...
Để góp phần nhỏ bé của mình trong việc giữ gìn tinh hoa của dân tộc, chúng tôi mong mỏi các nhà khoa học xã hội "chung lưng, đấu cật” cùng nhau nghiên cứu một số vấn đề lý luận phương Đông về bản sắc dân tộc tâm lý - giáo dục. Chúng tôi mong mỏi được nghiên cứu, học tập tư tưởng giáo dục của tổ tiên, của các học giả, hiền triết, các danh nhân của dân tộc ta và phương Đông mà có thời gian dài ta đã lãng quên hoặc bài xích. Cùng với việc nghiên cứu nội dưng về tâm lý - giáo dục của dân tộc ta, của phương Đông, chúng ta không thể không nghiên cứu các khoa học liên quan, đó là những tinh hoa của triết học cổ phương Đông. Vấn đề này, có lúc có người cho là lạc hậu, thậm chí có sách phê phán quá nặng nề. Nhưng rõ ràng phần chế ngự bên trong của mỗi con người để ngăn chặn cái ác là cực kỳ quan trọng, trong đó có văn hoá tâm linh, có sự đầm ấm hạnh phúc vững chắc của tế bào gia đình, có truyền thống gia phong, gia tộc, có sự cố kết tình làng nghĩa xóm, cố kết dân tộc. Rõ ràng đời đời kiếp kiếp dân ta đã sống nhân, nghĩa với nhau, đã tồn tại và phát triển là nhờ có bản sắc dân tộc, tặng thiện giảm ác. Cái tinh hoa ấy, sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng ta cùng với triết học Mác - Lênin, dân ta đã đứng vững trong mọi lúc sóng gió và đã tiếp tục phát triển.
Hiện nay, ở một số vấn đề, giữa khoa học và quản lý còn nhiều khoảng cách, như vậy thành công của nghiên cứu khoa học khó có thể sớm trở thành sức mạnh vật chất.
Vì vậy, thiết tha mong mỏi các nhà quản lý giáo dục cùng với các nhà khoa học tâm lý - giáo dục sớm tổ chức nghiên cứu tinh hoa bản sắc giáo dục của dân tộc của phương Đông cùng với những điều chọn lọc được của thời đại vào giáo khoa, vào chương trình giáo dục để góp phần tăng thiện, giảm ác, phân biệt đâu là yêu quái đâu là thiện nhân. Một nhà giáo dục một học giả, Nguyễn Đức Đạt (sinh 19/11/1825 tại Nam Đàn, Nghệ Tĩnh)mở đầu Thiên trị đạo đã nói: "Đạo như ngôi nhà, dột thì phải lợp, tối thì phải thắp đèn, ghét nhà dột mà phá đi thì hại hơn dột, chê nhà thấp mà rỡ cửa, đục tường, thế là bắc thang cho kẻ trộm vậy”. Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét