Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Một hoat động đáng nhớ - HỒNG THẬP TỰ QT72-74(VTT)



MỘT HOẠT ĐỘNG ĐÁNG NHỚ
 
Viết tặng quý Thầy Cô và học sinh  trường Nguyễn Hoàng đã tham gia hoạt động xã hội thuộc phân bộ HTT QTrị từ 1972-1974. 

 Qua một chặng đường dài chạy loạn, quê hương Quảng Trị đã vùi trong khói lửa chiến tranh, tin từng giờ,  từng ngày hàng vạn tấn bom đạn đang ngày đêm đổ xuống một mảnh đất nhỏ bé nhất đất nước Việt Nam đó là Quảng Trị quê hương tôi Một Quảng Trị nhưng chỉ kéo dài từ dòng sông Ô Lâu đến Vĩnh Linh bên kia bờ sông Bến Hải. Cảnh rùng rợn nhất là đoàn người chạy loạn từ bắc sông Hiếu, xe, người chen chúc giữa vùng chiến sự đang giao tranh trên tuyến đường quốc lộ từ cầu dài đến cầu Bến Đá từ 8 giờ sáng đến tối ngày , dân  chạy nạn chen lẫn xe quân sự, pháo đạn các loại đã vô tình trúng vào đoàn người trong đó cả dân sự nằm chết ngổn ngang, cùng những ánh chớp của những quả bom Na- pan, tiếng rền 3 loạt bom B52 vào lúc chập choạng tối dội xuống làng quê Trường Phước, cái làng nhở bé nằm phía Tây cầu dài, cách chúng tôi đang kẹt lại tại bãi cát Khe Nước Chè chưa đầy 1km...xen lẫn tiếng pháo kích và súng bộ binh thi nhau xả lên thành cầu và những đoạn đường kế cận...
Chỉ phút giây đó chúng tôi nghĩ đến hàng chục mạng người, bom đạn, pháo đã vô tình biến sự sống thành sự chết … Huống gì mấy trăm ngàn dân Quảng Trị chưa kể là người lính trận đôi bên. Sau đó là những trận chiến ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị ...Máu đã nhuộm đỏ dòng sông Thạch Hãn và dòng ắt đã đi vào lịch sử cùng với Thị xã Quảng Trị. Trọng điểm là luỹ thành Đinh Công Tráng, Giờ đây phải gọi là “ Dòng sông lửa và vủng tử địa ” từ gọi đó chắc là không quá đáng.  Như nhà thơ Võ quê đã viết :
…Đổ nát rồi thành phố của chiến tranh
Anh tiếc nuối thương hoài con đường nhỏ
Như có máu trong màu hoa phượng đỏ
Rơi xuống đời từng mảnh thương đau …
( Nơi Con sông VQ)
Hình ảnh TXQT sau chiến cuộc 1972 ( nhìn từ phía Bắc sông  ) 


 Lúc hoảng loạn mọi người dân nhanh chân thoát khỏi vùng chiến sự
Xin kính cẩn nghiêm mình thắp nén tâm nhang về những người đã tử nạn trong ngày hôm đó  - tại đoạn đường kinh hoàng.-  thành cổ Quảng Trị .Cầu mong các vong hồn sớm được siêu thoát...
Từ suy nghĩ đó chúng tôi những học trò Nguyễn Hoàng, là Đoàn sinh Hội hồng Thập Tự tiếp thu lời thề của Henry Dunant  nhanh chóng  tụ tập lại để cùng  với thầy đăng ký tham gia vào phân đoàn thanh niên thuộc Phân bộ Hội Hồng Thập Tự Quảng Trị tại Đất khách quê người,  mong làm được việc gì đó mà lý tưởng và tôn chỉ hoạt động cùng  7 lời thề danh dự buộc đoàn sinh chúng tôi phải tự mình nghiêm túc thực hiện.
Sau khi trường Nguyễn Hoàng tại đất khách quê người được thành lập, tay xách nách mang,  học trò chúng tôi tiếp tục khai giảng một năm học mới tại các căn cứ quân sự sau khi quân đội viễn chinh Mỹ đã rút khỏi ViệtNam.
Chưa đầy nửa tháng sau được thầy Lê Hữu Thăng và các thầy cô trong đoàn công tác xã hội đã nhanh chóng thông báo anh chị Hồng Thập Tự Quảng Trị thuộc phân đoàn Quảng Trị tiếp tục củng cố tinh thần và trang y phục để tập hợp đội ngũ bắt đầu trở lại công tác Hội.
Kể từ bây giờ, vào chiều chủ nhật hàng tuần chúng tôi tập trung tại khu nhà vòm trại 5 Non nước Đà Nẵng sinh hoạt Hội, mọi người phải có sổ ghi chép và phải có ít nhất là 1 bộ áo quần và mũ theo quy định của tổ chức Hồng Thập Tự TW quy định, Huy hiệu đeo cầu vai, áo tay ngắn có 2 túi nắp, cầu vai táo bên phải mang huy hiệu chữ thập, bảng tên màu trắng trên nền xanh, mũ trắng có huy hiệu Hồng Thập Tự chân đi dép  rọ hoặc dày ba ta…
Thủ tục ban đầu đã xong, tuần thứ hai chúng tôi nam cũng như nữ ai nấy đồng phục đầy đủ. Tại khu vực nhà vòm thầy trò bên nhau học tập lời thề cũng như tôn chỉ của hội. mỗi buổi sinh hoạt 50% thời gian lý thuyết cơ bản; 50%  thời gian còn lại về tổ chức đội ngũ, sinh hoạt văn nghệ cũng như học tập  chuyên môn về  cấp cứu, cứu thương, tín hiệu gút, morse, cờ hiệu, băng bó, cùng các kỹ năng xử lý khi gặp các sự cố  xảy ra từ thiên tai, tai nạn chữa cháy cũng như tình huống cấp cứu giữa vùng chiến sự xảy ra …
 Phân đoàn từ nay có đội ngũ trên dưới 50 người kể cả thầy cô, sinh hoạt rất đều đặn và  giao việc gì tròn việc đó từ chỉ tiêu gom góp áo quần, tiền mặt để cứu trợ đến trại bay  từng đợt …
 
  Huynh trưởng Lê Thị Mỹ Liên
 Thầy  ...... và Đoàn Trưởng Lê Văn Chánh
Thầy ..............và Thầy Trần Văn Lữ trại BĐH phân đoàn 
   gồm : X,X,X,Phạm Lợi,X,X,X,Thầy Lê Hữu Thăng,X
  Hàng đầu :Lê,Lựu,Tùng,Lân,Nhiên,Hòa



ĐỢT CÔNG TÁC ĐẦU TIÊN
Sau khi hiệp định Pari ký kết Quảng trị trở thành vùng phi quân sự, sông Thạch Hãn trở thànhh chiến tuyến tạm thời đôi bên.  Phân đoàn được thông báo TW hội tổ chức cắm trại toàn miền tại đồi Thiên An Huế. Sau khi được phổ biến chúng tôi tập đi, tập lại từng động tác nhằm  mong thi thố tài năng cùng các đơn vị bạn trong toàn miền. Lúc nầy phân đoàn Quảng trị đa số là đoàn sinh mới  và còn non trẻ, có đoàn sinh đang học lớp 6 như Lựu, Lân … ngày lên đường đã đến.
Một năm học lặng lẽ trôi qua, kỳ nghĩ hè  đã dến tại đây không một cành hoa phượng, không một tiếng ve kêu, chỉ thấy sóng biển, cát và phi lao rì rào thổi đêm ngày, dưới thảm cây là cả một màu xanh lá muống biển, một màu hoa duy nhất biêng biếc pha lẫn nền trời phản chiếu với màu xanh của biển… chúng tôi vội vàng ba lô, lương thực và  đồ dùng cá nhân cùng  lều trại  thực hiện hành trình  ra đồi Thiên An - Huế vào ngày 15/5/1973.
Đây là đợt hội trại có ý nghĩa lịch sử lớn do TW Hội HTT VN tổ chức tại đồi Thiên An huế có đến 35 phân bộ các tỉnh tham dự. trong 4 vùng Miền Nam. trong đó có Quảng Trị.
Thầy Lê Hữu Thăng và Văn Thiên Tùng gặp tại đại hội Nguyễn Hoàng Quảng Trị  04/8/2007
Đoàn Quảng Trị đến Huế vào lúc xế chiều, mọi người ai lo liệu việc đó, sau khi nhận được địa điểm bên nầy đường ( phía đông) giữa đồi Thiên An, bên trái Quảng Trị đoàn PleiKu, bên phải  phân đoàn Quảng Nam… gọi là vùng I. Lúc nầy Thầy Lê Hữu Thăng giữ chức vụ Chủ tịch hội vùng I.
Đến chập choạng  tối lán trại chúng tôi đâu vào đấy, từng phân chi đoàn  bắt đầu họp mặt điểm danh sau đó về ăn cơm tối và sinh hoạt tại trại của phân đoàn mình.
Kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất là lần đầu tiên chúng tôi thấy được những đoàn sinh nữ phân đoàn Pleiku với bộ  váy dân tộc, màu sắc rất sặc sỡ, bọn con trai lò dò qua  kết nghĩa anh chị em và bắt đầu làm  quen thân thiện phân đoàn bạn với biệt danh là “Plê chiêm…”
 Một ngày qua nhanh, đêm nay lửa trại từng liên phân đoàn kết nghĩa( Quảng Trị , Pleiku và  Quảng Nam) vang lên lời ca tiếng hát, tiếng vỗ tay như vang dậy núi đồi Thiên An và kia tượng Đức Mẹ trên cao như đứng nhìn chúng sinh trong niềm vui hòa bình. Rừng thông hòa nhạc vi vu trong cơn gió Lào thoảng nhẹ tưởng chừng đây là dạ khúc hoan ca  sau những ngày dài  chiến cuộc.
Lê Thị Bích Lan trong đợt trại 15/5/1973  với bộ đồng phục Hội Hồng Thập Tự thuộc phân đoàn HTT QT tại đồi Thiên An Huế  và dưới đây là giấy chứng nhận của đoàn sinh HTT
 
Qua ngày thứ hai chúng tôi phải tuân thủ sự điều động qua hiệu lệnh của trại Trung Ương. Lúc nầy  ai nấy nổ lực hết sức mình, mục đích thi thố tài năng để giành lấy nhiều giải thưởng về cho đơn vị. Thể hiện hết tài năng đó là mục tiêu phấn đấu của mỗi đoàn sinh phân đoàn Quảng Trị không kẻ nữ hay nam, lớp lớn hay bé…. Do vậy  từ trại nầy, thầy cô và Ban Hướng dẫn của phân đoàn rèn luyện, từ kỷ luật ,đội ngũ, kỷ năng và kỷ xảo  mà đặc biệt nhất là tài chỉ huy của anh Lê Văn Chánh và chị Lê Thị Mỹ Liên đến Anh Thư ….
   Chiều nay bắt đầu trò chơi lớn thông qua hiệu lệnh morse, cờ và dấu đi đường phải vượt đến hơn 3 quả đồi rồi trờ về lại mới kết thúc được trò chơi.  Khoảng 5 giờ chiều các đơn vị  lần lượt trở về đội ngũ. Trong vòng tròn đối mặt, kiểm điểm và báo cáo quân số. Bất chợt lúc đó tại phân đoàn Quảng Nam mọi người chuyền tay nhau ăn trái rừng không sót một ai .
Đêm nay sau khi giao lưu văn nghệ liên trại  chúng tôi chìm trang giấc ngủ say vì 1 ngày mệt mỏi. Bổng nhiên còi lệnh báo động đi tải thương và cấp cứu “SOS’. Tưởng đâu đây là trại TW tổ chức tập dợt thi đua. Ai ngờ đó là chuyện thật .
Câu chuyện từ những chùm trái cây rừng ngọt màu nâu đỏ kia trở thành nạn nhân ngộ độc toàn bộ phân đoàn Quảng Nam. Cũng may phân đoàn Quảng Trị không ai được rời hàng ngũ qua đó để ăn cùng.  Xe Hồng Thập Tự và các đoàn sinh lúc nầy mới thực sự được thực tập cấp cứu, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng ngừơi rên la  từ trại TrungƯơng đến các phân đoàn như đang làm một công việc khẩn cấp. Từ đây về đến bệnh viện Trung ương Huế phải trên chục cây số, Quảng Trị phân đoàn kết nghĩa nên phải hết sức mình phục vụ cho đơn vị bạn, hết ca nầy đến ca khác, 32 đoàn sinh Quảng Nam lần lượt nhập viện. Một đêm thức trắng, thay nhau trực  bệnh và cấp cứu suốt đêm…. Đáng nhớ đời từ những trái cây rừng.  Mọi người kháo nhau ấy là “Tào tháo hay trái mắt quỹ gì đó …”.
Một tuần nhanh quá !  mọi người đều mệt lã vì phần muỗi đốt, phần vì cái nắng của mùa hè oi bức, lại còn bị mấy trận mưa rào, phần mất ngủ. Nhưng với tuổi thanh niên lời ca tiếng hát, tiếng đàn không lúc nào ngắt từ các trại vang rộn sau giờ sinh hoạt tập thể xong …
Ngày mai toàn bộ các phân đoàn từ Quảng Trị đến Cà Mâu được phép ra thăm thị xã Quảng trị đồng thời giám sát trao trả tù binh theo hiệp định hoà bình Pa - ri đã ký kết.
Cơm sáng xong phân đoàn nào  vào đội ngũ phân đoàn đó, đoàn xe với cờ Hồng Thập Tự gắn đầu mui xe, cả đoàn xe màu trắng đang đứng yên lặng, trong đội ngũ trước giờ khởi động, các phân đoàn tay trong tay vừa hát vừa vỗ tay rộn vang trong ánh nắng ban mai dưới tán cây thông. Từng hàng một lên xe, Đoàn BTC trại TW đến đoàn Quảng Trị và tiếp theo cứ thế nối đuôi nhau thành hàng trên đường ra viếng Thị Xã Quảng Trị điêu tàn.
Nơi đây đã trải qua một cuộc chiến hải hùng với 82 ngày đêm và hàng ngàn vạn tấn bom đã giết chết tính ra một ngày đêm hơn 200 sinh linh chưa kế đến thường dân Quảng Trị ở bờ Bắc và Nam sông Thạch Hãn. Qua thông tin báo chí  trong phạm vi Thành cổ Quảng Trị đã nhận số lượng thuốc nổ tương đương 6-8 quả bom nguyên tử mà trong đệ nhị thế chiến Nhật đã hứng chịu 2 qủa tại Nagasaky và Hirosima.
Rời Thành phố Huế, chúng tôi vượt qua không biết bao nhiêu trạm gác, sau 5 tháng ký hiệp định hòa bình Ba -  Lê. Không khí chiến tranh đã vãn hồi, nhưng đồn bốt và  rào chắn  vẫn còn nguyên vẹn. Những người lính Thủy Quân Lục chiến canh giữ trên tuyến đường Q. lộ 1A từ Thừa Thiên đến bờ Nam sông Thạch Hãn. Xe qua cầu Mỹ Chánh chạy ngang qua Đại Lộ kinh hoàng, thật khủng khiếp nơi nầy còn  lố nhô, lố nhố những xác xe , áo quần, tư trang cá nhân và phương tiện chiến tranh mặc dù đã  1 năm qua đi đã bị mưa gió bão san rửa phần nào.
Nhớ lại ngày đó mọi người chen nhau thoát khỏi vòng lửa đạn, tôi chứng kiến ngày đó là ngày  16/3/AL tôi đi trong dòng người chật kín hành lang và lòng đường giữa hai đầu chiến sự cầu Dài và cầu Bến Đá bom đạn, phi pháo kể cả B 52 đã trút xuống thôn Trường Phước  trong đó có cả bom xăng, đốt cháy cả một vùng quê. Đánh cháy cả hàng ngàn chiếc xe và trong đó không biết bao nhiêu con người phải nằm lại vất vưởng trong vùng tử địa nầy. Đại lộ kinh hoàng có tên từ đó.
Đoàn đã vượt qua cầu dài ra đến Quận lỵ Mai Lĩnh và ngã ba đường  mới cũ tiếp đến ngã ba Long hưng ( tên gọi của địa phương hiện giờ )là chòi canh quân sự và cứ 10m đường có 1 rào chắn do lính TQLC canh gác, họ mở đường , rà phá bom mìn cho đoàn tiến vào thị xã Quảng trị không một cản trở nào từ phía quân sự, vì đây là đoàn dân sự và tổ chức nhân đạo đầu tiên thăm vùng chiến sự. Trên đường đi các hàng rào kẽm gai, các ụ bao cát còn ngỗn ngang, xe phải lách đi lách lại mới chạy được. Một xe là một rừng người, trong tiếng loa, trong tiếng hát, tay vỗ nhịp nhàng, một màu trắng từ xe, cờ, người vang dội trong đổ nát và điêu tàn. Chúng tôi ghi được rất nhiều hình ảnh, trên xe với tốc độ 30 km giờ nhưng chắc các hình ảnh nầy  khi trở lại sẽ giúp mọi người thấy được sự tan hoang của Thị Xã với cỏ dại ven đường cao gần 1 m…
Xe tiến thắng vào đường Quang Trung, tại đây đoàn dừng lại vào Ban kiểm soát quân sự 4 bên tại rạp đại chúng cũ. Sau đó tiến thẳng ra bờ sông Nam Thạch Hãn. Tại bãi trống được san ủi bằng phẳng gọi là Ban phối hợp thi hành hiệp định Pa ri . Xe  từ từ dừng lại, nơi nầy trước đây là   trụ sở Ty thanh niên và Bưu điện Thị Xã Q.Trị cũ. Đoàn thăm quan vùng chiến sự, ai vào phân đoàn đó. Đứng vị trí nầy chúng tôi thấy có cầu phao bắc qua bên kia bờ Nhan biều.Phía bờ Bắc, từng chiếc xe tốc hành lộng lẫy đang chở các tù binh chiến tranh và lần lượt được trả về bên ni qua cầu phao nối  đôi bờ có ngắt đoạn giữa giòng. Phía bên nầy cũng vậy, mọi người lần lượt bước xuống cầu phao tiến về bờ bắc vượt sông lên cầu phao để về chiến tuyến ngừng bắn….


 HTT Quảng Trđang giám sát trao trả tù binh đôi bên theo Hiệp định Pa-ri tại bờ sông Thạch Hãn
Ảnh :Văn Thiên Tùng chụp tại bờ sông Thạch Hãn ( Đường Gia Long cũ) 5/1973
 
Thầy Lê HữuThăng  tìm lại ngôi nhà của mình ở 75 Phan Đình Phùng Q.trị. 
và đang ngồi   trên dống gỗ- gạch đỗ nát nhừng gì còn lại của ngôi nhà :
Từ đây trong tầm nhìn cả một vùng ngổn ngang, lố nhố những thanh dầm sắt, bê tông, cổng thành nghiêng ngữa, nhà in Nguyễn Văn phước với tháp cao ngất nghểu  đang vắt chéo qua nhau như cơn đau của một người mang bạo bệnh. Xe chỉ được đi hàng một, vì lòng đường rất hẹp,dù cho trước đây xe san ủi lòng đường và rà phá bom mìn... Những sắt thép, bom, đạn vẫn còn nằm dày đặc ven đường. Nổi kinh hoàng vẫn còn ám ảnh với mọi người.
Hành trình về vùng đất lửa kết thúc. 2 giờ chiều đoàn trở về Huế  và  đêm nay trở về trại mọi người bên nhau tâm sự. Một tuần không là bao nhưng trong chúng tôi, lòng nhân ái gắn kết một tình cảm cao quý, chúng tôi viết lưu ký, thậm chí có em còn lấy kim chích máu viết trên khăn tặng nhau ( rất tiếc những tấm vải băng nầy T không giữ được nữa …) mong hội ngộ những lần sau. Ngày mai tổng kết một tuần thi thố tài năng, chúng tôi những đoàn sinh Hồng Thập Tự Việt Nam không quên lời thề  Henri Dunant- Sống vì lý tưởng NHÂN ÁI Hồng Thập Tự trong mọi lúc và mọi nơi. Hãy gắng hết sức mình vì lý tưởng mà mình đã lựa chọn! 
Những chuyến công tác …
Đầu kỳ nghĩ hè của năm học tại khung trời xứ Quảng. Nơi đây những người dân Quảng Trị rãi dài khắp các căn cứ quân sự khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam theo hiệp định đã ký kết. Cuộc hội trại toàn miền tại Huế. Tuy rất mệt nhưng mang đến không biết bao nhiêu điều bổ ích.  Một mùa hè  thật ý nghĩa. Chúng tôi về lại Đà Nẵng sinh hoạt thêm một tuần, phân đoàn thông báo chuẩn bị đi công tác giúp dân  hồi cư  và tái định cư tại vùng đất còn lại sau chiến tuyến ngưng bắn. Chuyến đi nầy hơi lâu, lo chuẩn bị tư trang cá nhân đầy đủ, phân đoàn chỉ lo cơm ăn. Tuần sau phải lên đường, hàng cứu trợ đã cập bến Đà Nẵng. Mọi người chuẩn bị tư thế lên đường hành trình về vùng quê mẹ điêu tàn. Nghe nói đến chiến sự, chúng tôi liên tưởng đến những ngày bom, đạn, phi pháo gầm thét ngày đêm trên từng nẻo đường làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn phải chịu chia xa. Giờ đây đến lúc mọi người quay trở lại hàn gắn vết thương chiến tranh trong mọi gian lao, nhọc nhằn và bom đạn còn sót lại sẽ còn nhiều tang tóc và đầy  hiểm nguy.
Đoàn đến tại trạm y tế xã Hải Chánh, vùng  nầy là vùng ven rìa cuộc chiến tại Quảng Trị nên dân cư một phần ở lại một phần chạy đi. Tại đây chúng tôi sắp xếp hành lý,  ở tại  trạm không cần làm lán trại ngoài trời, trải bạt và ngủ dưới sàn nhà. Nhiệm vụ được giao cụ thể  từ quản lý đến hậu cần và ban công tác, cứu thương, cứu nạn cũng như hoạt động khác thường xuyên của phân đoàn.
Mỗi sáng  thức dậy công việc đầu tiên là thể dục bảo đảm sức khỏe, mọi người vào đội ngũ đúng 6 giờ. Sau phần khởi động tại chỗ hàng hai từ sân trạm xá ra Quốc lộ 1A hướng đến chân cầu Mỹ Chánh chạy đều hít thở, 2 vào 2 ra, tay nhịp nhàng theo chân cứ thế một vòng đi về. Sau đó vệ sinh cá nhân, ăn điểm tâm gồm mì và sữa hộp hoặc đường. 7 giờ lên xe theo đoàn đi cứu trợ.
 Chạy 30 phút thể dục buổi sáng từTrạm y tế Mỹ Chánh ( chỗ đóng trại của đoàn công tác) đến cầu  và ngược lại ( hít vào 2 ra 2)
  Chị Lê Trạm y tế Hải Trường  nhận hàng y tế bàn giao và bàn việc cấp phát hàng cứu trợ cho dân...Nguyễn Văn Quảng ; Nguyễn Văn Sơn đoàn HTT
Ngày đầu tiên tại đình làng Lương Điền đội chúng tôi lúc đầu còn ngỡ ngàng, về việc ghi phiếu, lấy số liệu từ chính quyền xã, thôn, đóng dấu cấp sổ và số lượng trợ cấp cho từng hộ.
Ngày thứ 4 đến xã Hải Trường, công tác cứu trợ vô cùng khẩn trương thời gian sắp hết 15 ngày hàng về đủ cấp số đến xã Hải Thiện và Hải Lâm. Rút kinh nghiệm 6 ngày công tác trước đây các thôn chưa đạt chỉ tiêu số hộ cấp phát theo lịch phân đoàn định. Chúng tôi rút ngắn thời gian bằng cách tất cả mọi người xem vào giấy căn cước, có chiều cao bao nhiêu thì tính đầu ngón trỏ tay trái qua tay phải xem như thước đo để cấp phát vải. Mặc dù 1 hộ 4m vải đen và 4 m vải trắng nhưng đây là công việc tốn nhiều thời gian nhất đối với cấp số phát cho 1 hộ. Từ sáng kiến nầy hàng phát nhanh hơn, chỉ cần 2 sãi rưởi là đã xé xong vải, còn chăn mùng, màn cuốc xẻng, đồ hộp, thuốc và gạo số lượng cụ thể đã định rồi.
Thế là còn ngày cuối cùng từ phe tư đến phe ba và về đình Hải Thiện. chúng tôi cắm chốt tại đây 2 ngày nữa là xong chuyến hàng công tác cứu trợ đợt 1 tại các xã tây nam Hải Lăng trở về định cư tại quê hương.

NHỮNG KỶ NIỆM ĐÁNG NHỚ  !!!

Đáng nhớ nhất những buổi trưa chúng tôi nấu ăn tại Đình Lương Điền, Ngôi đình rất rộng rãi, mát lạnh ghê người,  trong vẻ cổ kính , Đình không bị vết đạn nào đánh phá , hướng ra dòng sông Ô Lâu hiền hòa tạo một ấn tượng rất hữu tình,  giữa trưa hè tháng nầy  gió lào thổi về  như lửa cháy, nhưng đây đã có dòng chảy Ô Lâu tắm mát.  Mọi người lăn  ra ngủ như con một nhà chẳng phân biệt là nam hay nữ mặc dù tuổi đời lúc nầy chúng tôi ai thấp nhất cũng là 15 tuổi và cao nhất chỉ 18 tuổi như chị Lê Thị Mỹ Liên  và Lê Văn Chánh, Phạm Lợi, Nguyễn Ngự, Nguyễn Quảng, Trần Bá Tùng, Lê Thị Bích Lan, Văn Thiên Tùng, Thư đến Lựu , Lân Lê lớp nhỏ nhất. Có lẽ trong chúng ít ai có tình yêu ngoài lý tưởng nhân đạo.  Lúc nầy Chánh phụ trách phân đoàn rất năng nổ, lại rất nghiêm túc, ai vi phạm  tự kiểm điểm và tự  chịu phạt liền.  Vậy nên ai cũng tuân theo mệnh lệnh, Chánh thì rất khỏe, chị Mỹ Liên lo văn nghệ và đời sông, chúng tôi xem nhau như chi em một mẹ sinh ra.
Tại Trạm Y tế xã Hải Trường đoàn có nhất nhiều thiện cảm với chị trạm trưởng đó là chị Lê khoảng chừng hơn chúng tôi 4 tuổi. Chị rất vui tính, hòa nhã mọi người, cùng ăn cơm đứng, cơm ngồi. Sinh  hoạt với đoàn trong 3 ngày  có gì chị cũng chỉ dạy, lời chị ngọt ngào  như lời mẹ dạy con…
Chia tay những ngày công tác tại Hải Trường chị đứng chặn xe lại bắt tay từng đứa lần lượt hết 3 chiếc xe, chị còn khóc và can đảm lấy kim tiêm chích vào ngón tay viết vào mảnh vải tặng cho tôi  và một số anh chị khác nữa. Sau 1975 tôi thường lấy ra đọc nhưng đến năm lụt 1984 đã bị cuốn trôi. Nay nhiều lần đến Trạm Hải Trường hỏi thăm nhưng không gặp chị ở đâu …
Tại Đình Hải Thiện nơi đây đường về còn ngổn ngang cây đỗ ven đường, hầm hố  bom, pháo lổ nhố khắp nơi, nhiều đoạn xe qua chúng tôi phải gập người  xuống  sàn xe vì cây đỗ ngã nghiêng nhưng tay vẫn vỗ, miệng vẫn hát say sưa ... Ở đây  không có dòng Ô lâu trước mặt nhưng có con  đường  liên xã về Mỹ Thủy cũng lớn  và đình cũng có vẻ cổ kính nhưng bom đạn cày xéo cũng hơi nhiều. Đợt I công tác cứu trợ đến đây chấm dứt

NHỮNG ĐỢT CÔNG TÁC TIẾP THEO

 Đợt II những ngày còn lại khi dân Quảng Trị hầu hết đã về quê cũ nhưng tiếc thay từ ngã ba Long Hưng ngay tiếp điểm giữa đường Mỹ - Pháp lại không có đất để trở về . Đây là vùng phi quân sự để cho Ban liên hợp 4 bên. Vùng đệm, toàn thị xã Quảng Trị được định cư tại bãi cát trắng Hải Lăng gọi là Thị Tứ, cũng chia phường, khu phố và có trường Trung Học Nguyễn Hoàng  tồn tại đến 3/1975, nay là trường  PTTH Hải Lăng. Đoàn cứu trợ được lệnh tập hợp đi công tác đợt II.  Bây giờ vào năm học mới, hầu hết khi người dân trở về, chúng tôi người ở lại học Huế, kẻ học Đà Nẵng còn một số theo gia đình vào định cư và học tại các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào…Đàn chim giờ lại tan đàn rẻ cánh một lần nữa…
Lúc nầy tôi đang học lớp 12C  tại trường J’Arc Huế có tham gia sinh hoạt  tại phân đoàn HHT Thừa Thiên - Huế do thầy Lý Văn Nghiên phân đoàn trưởng.
Bỗng một hôm tôi nhận được giấy báo công tác Hội HTT quảng Trị do  Bà giám thị  đưa đến và cho phép em được tham gia công tác từ thư bảy đến thứ hai. Cầm giấy báo công tác tôi vô cùng hồi hộp vì còn được một thời gian hoạt động cho hội quê nhà… Phân đoàn Quảng Trị cũng tập hợp tại phân đoàn HTT Huế. Trụ sở trước trường tôi học 04 Trần Cao Vân Huế. Hai phân đoàn phối hợp cùng nhau để có đủ nhân lực.
Đợt cứu trợ nầy thuộc các xã phía Bắc Hải lăng và Thị Tứ Quảng Trị được cấp phát hàng cứu trợ của  Hội 2 phân đoàn chia nhau ra cấp phát kịp thời trong 3 ngày mọi người còn phải trở lại trường học. Đoàn Quảng Trị  lúc nầy cứu trợ các xã Hải Lâm Hải Phú, Hải Thượng và khu định cư Gio Linh trên đất Hải Thượng… Chánh ra được một ngày phải trở về nhà tôi được ủy quyền đóng dấu, ký cấp phát cùng các bạn  3 ngày cứu trợ kết thúc ai đó trở về trường và mỗi người đi mỗi ngã từ tháng 11/1974 cho đến bây giờ.
Ảnh 36: Đặt bàn cấp phát hàng tại xã Hải Thượng( chuyến công tác sau cùng của phân đoàn. từ trái sang X,X, LV Chánh, VT Tùng,X
 Điểm lại bây giờ tôi và Bích Lan gặp nhau đầu tiên  năm 1993.  Tình cờ có người bạn đem Lan đến nhờ tôi sửa cái quạt Thái của Lan đã hỏng, Lan nhận ra tôi trước. Mặc dầu trong tay tôi các năm trước đây có 1 cái ảnh B. Lan đứng trước trại  nay không còn nữa vì lụt. Còn Nguyễn Ngự ở Hải Lăng  gặp vào năm 1999 khi đưa con vào thi Học sinh giỏi Huyện, Ngự trong Hội đồng coi thi. Chúng tôi nhận ra nhau ngay vì ngoài ra Ngự còn học chung 1 lớp 10C1 và 11C NNĐN nên không thể quên được. Lúc nầy Ngự là giáo viên  cấp I, phụ trách đội. Cũng mê  công tác xã hội. hiện do bị tai nạn nhiều lần nên sức khỏe yếu Ngự đã về hưu trước tuổi  chỉ có 2 đứa con gái và 1 cậu trai sau cùng học Đại học sư Phạm  Huế giờ phải vào tận Bà Rịa Vũng tàu xin đi dạy học. Con lại 1 người Lê Văn Chánh trước lúc tổ chức họp mặt Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị tại nhà thầy Đỗ Tư Nhơn tôi thấy thư của gia đình NH Đà Nẵng sẽ cho ra tập Tình Quê trong đó anh Lê Văn Chánh viết thư gủi.  Thầy đưa Tùng đọc thư mời tham gia đóng góp bài vở nhưng với tên Lê Văn Chánh không biết  phải là Chánh HTT xưa không. Về nhà tôi  điện thoại hỏi  mới biết là  là Chánh rồi. Chánh Hứa với tôi sẽ ra Quảng Trị trong dịp họp mặt  2007 đến.
Trong những phút đầu tiên họp mặt tôi tìm khắp mọi nơi nhưng không thấy hỏi thầy Nhơn thầy cũng chịu luôn. Điện thoại không ai cầm máy
Sau khi ra về hỏi đoàn Đà Nẵng mới biết Chánh mới mổ tim về. mất một cơ hội tốt cho  Chánh khi không được dự buổi họp mặt lịch sử này.
Trong buổi họp mặt ai ngờ khi khối K10 chúng tôi họp mặt 3 bàn đây trong đó có thầy Hồ Thế Vĩnh lại gặp được chị Mỹ Liên tôi nhận ra chi ngay và để nghị chi nhảy lên sân khấu góp văn nghệ 1 bài, chị thực hiện ngay. Khi vào lại SG chúng tôi gặp nhau, chị em chụp hình kỷ niệm. như vậy gia đình HTT đã chính thức gom góp được 5 người ….
Văn Thiên Tùng và chị Lê Thị Mỹ Liên   họp mặt gia đình Nguyễn Hoàng tại TP.HCM 07/02/2009
Tôi đã gửi ảnh và thông tin cho Chánh, nhưng Chánh biết nhiều bạn hơn tôi nữa, chúng tôi hẹn nhau hàn huyên tại Đại hội gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng và tại Quảng Trị năm 2010 sẽ kết nối tình bằng hữu của phân đoàn sau  thời gian dài biệt tin... 
  Lê Văn Chánh ( Đội mũ nồi phải sang hàng sau đứng)

* Cần thông tin và ảnh các bạn thuộc phân đoàn HTTQT. Nếu có xin gửi về
 vanthientungqtlh@yahoo.com.vn.
Xin cám ơn !
 Tải blog : 09.5.2009


3 nhận xét:

  1. Bai nay khong the ghi phan ung la vui nhon, thu vi , hap dan duoc vi co ki niem buon va co nguoi vua khuat nui .Nen tang them 1 khung nhan xet nua

    Trả lờiXóa
  2. VTT rất có tình cảm ,chuyện xưa sao mà nhớ dữ rứa

    Trả lờiXóa
  3. chào bạn Văn Thiên Tường, rất vui gặp được người trong màu áo cũ. Xin phép được post qua blog để các bạn cựu TN HTT Khánh Hòa và các bạn khác được xem
    Mong có lần gặp mặt
    Đặng Châu Long
    chaulong50@yahoo.com
    http://vn.360plus.yahoo.com/chaulong50

    Trả lờiXóa