RED CROSS
VANG BÓNG MỘT THỜI
PHÂN BỘ HỒNG THẬP TỰ QUẢNG TRỊ
(1967 - 1975)
“Như một nén hương,tưởng nhớ đến quý anh:Tôn Thất Hoán, Hoàng Phụng, Ngô đa Mỹ, Lê văn Ngạc, Lê văn Mãn, Lê Hữu Nam, Phan Phụng Thạch, Trần Văn Lữ, Phan Văn Cẩn, Lê Lợi…và một số các em thanh niên HTT/QT đã một thời cống hiến công sức và tinh thần nhân ái để chia sẻ ngọt bùi với bà con Quảng trị”
Tổ chức Hồng Thập Tự Quốc tế (International Red Cross) là một tổ chức nhân đạo, bất vụ lợi, phi chính trị và với tinh thần tự nguyện.Người sáng lập Hội là Ông HENRY DUNANT. Sau khi chứng kiến những nổi đau đớn, khốn khổ, tuyệt vọng..của các thương, bệnh binh trên các chiến trường Âu châu trong Đệ I Thế chiến. Ông đã vận động cùng một số người và can thiệp đôi bên để được phép di tản các thương,bệnh binh về hậu phưong điều trị. Từ tinh thần và quan điểm nhân đạo đó, một buổi Đại hội đươc tổ chức tại Genève để thống nhất của tổ chức và danh nghĩa HỒNG THẬP TỰ QUỐC TẾ (International Red Cross) được ra đời.
Qua thời gian,tinh thần nhân đạo đươc phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới và hiện nay tất cả các nước đều có tổ chức Hội Hồng thập tự quốc gia .Về hoạt động, không những nhu cầu của hậu quả chiến tranh mà Hội rất tích cực, kịp thời trong các nạn nhân của thiên tai, bão lụt, động đất, các bệnh dịch…
Hội Hồng thập tự của Việt Nam được thành lập năm 1946, do sắc lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại; trụ sở đặt tại 210 đường Hồng thập tự ,Sàigon và lần lượt, tất cả các tỉnh, thành phố Việt Nam đều có tổ chức HTT, với danh xưng Phân bộ Hồng thập tự của tỉnh.
I.-SỰ THÀNH LẬP PHÂN BỘ HTT/QUẢNG TRỊ:
Tháng 6 năm 1967,một Phái đoàn của Ban chấp hành Hội HTT/Nam Việt Nam gồm có Dược sĩ La thành Trung (Chủ tịch Hội), Dược sĩ Đặng Trần Lợi (Tổng thư ký Hội), Ông Phan quang Trữ (Đại diện Hội tại Vùng I) đến thăm Quảng Trị và có buổi tiếp xúc,mạn đàm với quý vị: Bác sĩ Lê bá Tung (Giám đốc Bệnh viện Quảngtri), Dược sĩ Tôn thất Hoán (Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ đề Quảng Trị),Anh Ngô đa Mỹ (thương gia Mỹ Phát), anh Lê Hữu Thăng (giáo viên trường Trung học Nguyễn Hoàng) và đề nghị địa phương thành lập Phân bộ HTT để đảm trách chương trình cứu trợ đươc hữu hiệu và kịp thời hơn, nhất là Quảng Trị thường xuyên bị bão lụt triền miên, cùng với cường độ chiến tranh càng ngày càng ác liệt, dân chúng bị chết, bị thương, nhà cháy, ruộng vườn tan nát, rồi nhiều nơi phải lìa bỏ thôn làng, di tản, lánh nạn…(Những năm về trước, mỗi lần có thiên tai, thì phái đoàn Trung Ương mang thực phẩm, ngân khoản…đến Quảng Trị phối hợp với nhóm thiện nguyện tại địa phương để cứu trợ).
Tháng 12 năm 1967,một buổi đại hội đươc tổ chúc để thành lập Hội và Ban chấp hành Phân bộ HTT/QT , nhiệm kỳ 2 năm với thành phần như sau:
- Chủ tịch Phân bộ: Bác sĩ Lê Bá Tung (1)
- Phó Chủ tich 1 : Dược sĩ Tôn thất Hoán
- Phó Chủ tịch 2 : Ông Hoàng Phụng
- Tổng thư ký : Ông Lê Hữu Thăng
- Thủ quỹ : Ông Ngô Đa Mỹ
Và các Ban:
**BAN KẾ HOẠCH & CỨU TRỢ: Các Ông Lê văn Quýt, Hồ ngọc Thanh, Lê Hữu Nam, Lê Văn Mãn, Phan Văn Cẩn (giáoviên/ Trường Nguyễn Hoàng), Trần Đạo Đông (gv/Trường Triệu phong), Soeur Nguyễn Thị Niềm (Hiệu trưởngTrường TH Phước môn), Lê Lợi (gv/PMôn).
**BAN BÁO CHÍ:- Các Ông Phan phụng Thạch, Trần Dạ Thảo, Hồ Thế Vĩnh, Trần văn Lữ (gv/NH)..Họa sĩ Phạm văn Hạng hằng năm phát hành Đặc san ĐAN TAY để phổ biến tin tức, sinh hoạt của Hội và quảng bá tinh thần nhân đạo đến với bà con Quảng trị.
Để hổ trợ sinh hoạt và công tác cứu trợ của Hội, bên cạnh Ban chấp hành, có PHÂN ĐOÀN THANH NIÊN HTT/QT, một tổ chức gồm nam,nữ thanh niên thiện nguyện.
- Phân đoàn trưởng : Anh Lý Văn Nghiên (gv/NH)(2)
- Phân đoàn phó : Anh Lê Văn Mãn (gv/NH)
Cùng các Thầy,Cô trong Ban hướng dẫngồm có:Hồ Thế Vĩnh(gv/NH), Phan Ngọc Lan (gv/NH), Bùi Ngọc Lan (gv/NH), Võ thị Hồng (gv/NH), Nguyễn thị Đặng (Cán sự Y tế, Bệnh viện QT)….và hơn 100 em, nam, nữ thanh niên, đa số là các em học sinh của các trường trung học:Nguyễn Hoàng,Thánh Tâm, Bồ Đề, Phước môn…với các Trưởng toán như: Lê Bân, Nguyễn Cảnh, Nguyễn Sắt, Phan Du, Nguyễn Thiện, Nguyễn Quát, Tống Thị Huê, Lê Thị Mỹ Liên, Thanh, Hoa….và còn nhiều lắm không có điều kiện để kê hết. Nhưng thỉnh thoảng có dịp gặp nhau ở Quảng Tri, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và cả Cali, Houston.
II.-HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI QUA CÁC GIAI ĐOẠN:
1.-GIÚP NẠN NHÂN BÃO LỤT.-
Những biến cố chiến tranh dồn dập cùng với những trận bão lụt của những năm 68,69,70…các thiện nguyện viên của HTT/QT đã hoạt động tích cực với sự hỗ trợ phương tiện,ngân khỏan của Trung Ương. Bác sĩ Lê Bá Tung có một phòng mạch, nhiều ngày cuối tuần cũng đóng cửa để đi cứu trợ với Hội. Dược sĩ Tôn Thất Hoán, anh Ngô Đa Mỹ rất bận rộn với thương trừơng, nhưng luôn luôn có mặt cùng anh em,tại những điểm nóng bỏng và kịp thời như tại thôn Hà Lỗ, Câu Nhi phường (Hải Lăng), Gia Đẳng, Hà tây (Triệu Phong), Mai Đàn, Cùa (Cam lộ)… sau những lần giao tranh, nhà cháy, người chết…nhiều lần anh Hoán, anh Mỹ xuất tiền riêng của mình để cứu trợ cho nhanh chóng ,đáp ứng nhu cầu cấp thời của bà con nạn nhân.
Năm 1970, Quảng Tri chịu một trận lũ lụt lớn, 2 quận Triệu Phong và Hải Lăng chìm trong biển nước, nhất là quận Hải Lăng,nhiều làng, xã..nước ngập đến mái nhà, nhiều gia đình phải di tản đến các gò cao, cồn mả…tránh lụt. .Anh Ngô đa Mỹ, vận động được 10 chiếc trực thăng của quân đội đương thời ở căn cứ Ái Tử để vận chuyển thực phẩm:Bánh mì, mì gói …cơm vắt đến các nơi bà con lánh nạn. Điểm tập trung và xuất phát là sân bay tại căn cứ quân sự La Vang; .Hơn một trăm thanh niên HTT và các chị em thương gia cùng phối hợp với sự hỗ trợ của các binh lính tại căn cứ này, mượn các phương tiện như song, chảo để nấu cơm người vào bếp, người vắt cơm vào túi nylon….và chia thành 10 toán theo máy bay đi cứu trợ trong hai ngày liên tiếp.Trong tinh thần”lá lành đùm lá rách”, anh chi em đều vui vẻ và hăng say trong công việc,thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của bà con Quảng Trị trong những năm kham khổ bởi thiên tai và chiến tranh.
2.-CỨU GIÚP NẠN NHÂN CHIẾN TRANH:
Cuộc chiến Nam Lào là một trận chiến đẫm máu mà đôi bên đều tung ra những đại đơn vị thiện chiến và những trận đánh với sự phối hợp với chiến xa, pháo binh…quần thảo nhau, tập kích, công đồn, cận chiến…và rồi, mỗi bên đều có những thiệt hại lớn lao, khốc liệt chưa từng có, thương binh của nhiều đơn vị cả hai phía cộng thêm một số dân thượng các vùng đai chiến sự không di tản được, khắc khoải chờ chết trên chiến địa, trong rừng sâu, bờ suối…,chết trong đau đớn qua từng ngày vì vết thương không ai băng bó,chết vì đói, vì khát…..
Bệnh viện dân sự Quảng Tri được tăng cường thêm về phía Quân y cùng phối hợp cấp cứu ở giai đoạn 1. Hằng ngày có hằng trăm người bị thương được chuyển về đây ngổn ngang đầy cả máu me .Hàng trăm thiện nguyện viên HTT Quảng Trị cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm trên đường phố Trần Hưng Đạo, đường Quang Trung, các chị em tiểu thương tại chợ Quảng Trị … tất cả rất sốt sắng, chia ra những bộ phận như: chuyển thương từ trên xe xuống, phân loại nặng (đầu,tim,phổi...), trung bình: gãy chân, gãy tay, nhẹ như xây xát, bị thương ngoài da...,đến các trạm, bộ phận y tế chuyên môn..Những nồi cơm, nồi cháo, nồi sữa, tô mì gói,…đươc các chị lo lắng và mang đến cấp dưỡng cho các nạn nhận cùng những vật dụng cần thiết: dép, khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, xà phòng. Nhóm thanh niên HTT, các em vừa đi học, xuống lớp là đến bệnh viện, tất bật, vất vã..áo quần vương vải máu me, thu gom, vệ sinh kể cả nhưng cánh tay, ống chân sau khi giải phẩu, phải rời thân thể.
Mọi người đều làm việc liên tục 24/24,chia ca để nghỉ ngơi vài giờ cho mỗi ngày, riêng các Bác sĩ và chuyên viên giải phẩu thì quần quật , tất bật…may ra được 5,10 phút để gặm ổ bánh mì. Trong các lều vải, băng ca dọc các hành lang bệnh viện trải dài là những bàn giải phẩu, thế mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu cần trợ giúp cấp cứu và cứu thương...
Bác sĩ Lê Bá Dũng, trứơc đây là một sinh viên y khoa xuất sắc, những ngày hôm nay, bàn tay “mát” và tay nghề của anh đã cứu không biết bao nhiêu sinh mạng và anh đã đem hết nhiệt tình, lương tâm, trách nhiệm với những nạn nhân đang cần được cứu thương trong thời gian này.
"Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ", bà con thành phố Quảng Trị, không ai gọi ai, không có vận động hay kêu gọi…nhưng trước tình huống tang thương đó, bà con đã tự nguyện tiếp sức với bệnh viện không mệt mỏi, và cũng không biết từ nguồn nhân ái nào, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận hàng trăm lon sữa, cam, đường, vật dụng…để bồi dưỡng cấp thời cho người đang được cứu thương
Không biết bao nhiêu người đã tự nguyện ,cũng không biết bao nhiêu lòng hảo tâm, của cải và vật chất, những sự việc đã nói lên tình cảm, nghĩa tương thân của bà con Quảng Trị thật nồng nàn, tuyệt vời. Bà con,anh chị em làm việc trong âm thầm, không khoe trương, kể cả những mạnh thường quân mang quà, hiện kim đến tặng, khiêm tốn với hai chữ ẩn danh. Làm sao chúng ta quên được những tấm lòng vàng, những con người nhân đức, vị tha…để bà con,người dân Quảng Trị được chan hòa trong niềm vui, nổi khổ với nhau.
3.-PHÂN BỘ HTT/QT VỚI CHƯƠNG TRÌNH DI TẢN CHIẾN SỰ VÀ HỒI CƯ:
a) DI TẢN:
Hội đươc thành lập cũng là giai đoạn quận Trung Lương và một phần quận Gio Linh đươc phải đi di tản, bà con được tạm cư tại quận Cam Lộ và một phần đươc di tản vào Nam (Suối nghệ, Bà Rịa) Nên Hội phải khẩn trương bắt tay vào tiếp nhận hàng để cứu trợ tức thì giúp bà con sớm được ổn định cuộc sống tại nơi đang sơ tán.
b) HỒI CƯ
Sau cuộc chiến 1972, nhân sự của BCH/Phân bộ HTT/QT phân tán định cư mỗi người mỗi nơi, người Đà Nẵng, Huế, Bình Tuy, anh Ngô đa Mỹ, anh Tôn Thất Hoán di chuyển vào Sài gòn. Riêng tôi,tháng 6-1972 đươc BCH/Trung Ương đề cử giữ chức vụ Đại diện HTT/tại Vùng I; do đó,Phân bộ HTT/QT tạm ngưng hoạt động, chỉ còn lại sinh hoạt của Phân đoàn Thanh niên do anh Trần kiêm Đoàn, anh Lê văn Mãn phụ trách.
Lúc bấy giờ, thế giới cùng đặt vấn đề cho một Việt Nam sau khi hiệp ước Paris được ký kết và khắc phục hậu quả của cuộc chiến. Về tổ chức HTT/Quốc tế, đã cử ngay một phái bộ đến Sài gòn và phân bổ đến các Vùng ,riêng tại Vùng I có một toán, 8 thành viên HTT/Quốc tế làm việc với tôi, trong đó có 3 người Thụy điển, 1 Pháp, 2 Thụy sĩ, 2 Na uy. Phái bộ HTT/QT yêu cầu trong khoảng 2 tháng, đi thăm và tìm hiểu tất cả các quận, một số xã tiêu biểu của 5 tỉnh thuộc Vùng I (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi) để soạn thảo một dự án với các giai đoạn: cứu trợ cấp thời, y tế và tiếp theo là phát triển kinh tế hậu chiến.
Chúng tôi đã hoàn tất một bản dự thảo khá chu đáo.Trong đó đặc biệt dành cho các quận cón có dân tạm cư chưa về quê cũ như : Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi);Tiên Phước(Quảng Tín),Hiếu Đức,Thượng Đức (Quảng nam); và Quảng Trị thì đất sãn xuất nông nghiệp không đủ cho dân hồi cư, vì đất ruộng bị hoang hóa trong thời gian chiến sự xảy ra và một số lập vùng phi quân sự tạm thời ở đôi bờ sông Thạch Hãn …
Tháng 01-1974, Anh Tôn Thất Nam nhận nhiệm vụ Chủ tịch Phân bộ và anh Lê văn Mãn chức vụ Tổng thư ký. Phân đoàn Thanh niên do anh Trần kiêm Đoàn phụ trách. Giữa bối cảnh khó khăn, nguy hiểm như thế, sự dấn thân của các anh và các em thanh niên HTT là một thiện chí lớn cho bà con Quảng Trị. Chúng tôi đã vận động 3 phân bộ HTT: Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị thay phiên công tác cứu trợ cho Quảng Trị và 3 Phân đoàn thanh niên hơn 300 em đã luân phiên cắm trại trong một tháng tại Trạm y tế xã Hải Chánh (Mỹ Chánh)- quận Hải Lăng để thực hiện chương trình.
Phân bộ cũng đã vận động và xây dựng tại làng Câu Nhi (Hải Lăng) một trạm xá, một trường học và Mỹ Chánh cũng một trạm xá, một trường học (hiện nay, những cơ sở này vẫn còn hoạt động).
Hơn 30 năm qua rồi,bối cảnh xã hội đã thay đổi khá nhiều, hôm nay có người đã ra đi vĩnh viễn. Những người còn lại, ôm ấp những kỷ niệm, những hình bóng trân trọng, thân thương và những giá trị tinh thần tuyệt vời. Giữa cuộc sống nghèo khó và chiến tranh cận kề từng ngày, người Quảng Trị vẫn có nếp sống hào phóng, nhân ái, địa linh cho chúng ta cái tinh thần cao quý ấy.
Colorado.11-05-2010
Lê Hữu Thăng
1.-Chủ tịch Phân bộ HTT/Quảng Trị:
Bác sĩ Lê Bá Tung (1967-1969)
Dược sĩ Tôn Thất Hoán (1969-1970)
Ông Ngô Đa Mỹ (1970-1972)
Ông Tôn Thất Nam (1973-1975)
2.-Phân đoàn trưởng Thanh niên HTT/QT;
Anh Lý Văn Nghiên (1967-1969)
Anh Hồ Thế Vĩnh (1970-1972)
Anh Lê Văn Mãn (1972-1973)
Anh Trần Kiêm Đoàn (1973-1975)
HỒI CƯ
Trần Kiêm Đoàn
( Trích một đoạn bài viết "Hồi cư" của thầy Trần kiêm Đoàn về hoạt HTT Quảng Trị 73-75 tại Thĩ Tứ Hải Lăng)
........................
Cơ hội tôi được gần gũi với tuổi trẻ Quảng Trị nhiều hơn là qua
thực tế những tháng ngày làm công tác xã hội trong sinh họat Hồng Thập Tự
Đoàn Thanh niên Hồng Thập Tự Quảng Trị do tôi tổ chức, thành lập
vào mùa Hè năm 1973 với sự khuyến khích và hỗ trợ nhiệt tình của anh Lê Hữu
Thăng, giáo sư Nguyễn Hoàng, đại diện Hồng Thập Tự vùng I và anh Tôn Thất Nam,
trưởng ty Thủy Lâm, đại diện Hồng Thập Tự Quảng Trị. Số đoàn sinh có lúc đông
tới 200 em, phần đông là học sinh Nguyễn Hoàng, Hải Lăng, Triệu Phong. Trước
“mùa hè đỏ lửa 72” tôi chỉ biết tuổi trẻ Quảng Trị như là những học trò chăm
chỉ, lễ phép và dè dặt với thầy cô giáo có khi đến mức khô khan. Sau biến cố
“đại lộ kinh hoàng” và tiếp theo những ngày tản cư, tỵ nạn, hồi cư, có dịp sinh
hoạt với các em trong nhiều hoàn cảnh và va chạm trong nhiều mảnh vụn của cuộc
đời, cái nhìn của tôi về tuổi trẻ Quảng Trị đổi khác.
Suốt ngày Chủ Nhật hàng tuần đoàn thanh niên Hồng ThậpTự
chúng tôi đi làm công tác khắp các vùng quê Quảng Trị nằm phía Nam sông Thạch
Hãn với sự yểm trợ phương tiện không riêng của cơ quan Hồng Thập Tự quốc tế mà
còn từ phía các tổ chức từ thiện khác nhờ tiếp tay. Càng đi nhiều, tôi càng thấy
mình gần gũi với làng xóm Quảng Trị, một Quảng Trị điêu tàn sau cuộc chiến bão
lửa năm 1972. Không có một vùng quê nào còn nguyên vẹn, tránh được dấu đạn bom
trong ngày hồi cư. Ước mơ của người dân thường Quảng Trị cũng như bao người dân
Việt hiền hòa khác, là được về lại quê xưa, sống nép đời trong thôn xóm với mái
nhà khiêm tốn, có khu vườn nhỏ, có ao rau và cánh đồng làng nhỏ bé, chia thành
những thửa ruộng nhỏ nhắn thấp cao nhiều đợt. Nơi đâu trên đồng lúa cũng có
những mảnh cồn làng làm nơi an nghỉ thiêng liêng của mồ mã tổ tiên.
Bom bi! Một nỗi kinh hoàng mới trong buổi đầu Quảng Trị
hồi cư. Bom bi rơi rớt trên nương, ngoài đồng, dưới ao, bên cống rảnh... Không
biết bao nhiêu vạn bom bi đã cắm vào da thịt Quảng Trị như những cái “dằm” vô
tình xóc vào bàn tay chơn chất của cô gái quê nghèo. Đã bao nhiêu lần tôi thắt
ruột nhìn những đứa em, những đoàn sinh, những đứa học trò với chữ thập đỏ viền
xanh nổi trên vai áo trắng, trên mủ lưỡi trai, tỏa vào đồng ruộng giúp nông dân
bơm thuốc rầy, hay đốn cây bới đất giúp bà con dựng căn nhà lá mới. Từ trong vô
thức, tôi nghe như râm ran có những mảnh bom bi đang rình rập và có thể nổ bùm
không ai biết trước. Tôi có thể dặn các em tránh sông tránh núi nhưng không thể
dặn các em tránh bom bi như các em thường nói, “sợ bom bi thì chỉ có về nhà đắp
mền nằm ngủ!”. Tuần thứ hai công tác ở làng Ngô Xá, xe chưa vào điểm hẹn đã
phải dừng lại vì bom bi đã nổ ở thửa ruộng kế bên. Một người thanh niên trẻ
đang dãy dụa trên bùn với con trâu bị thương còn chạy quanh như điên cuồng và
cái cày đè trên mình người bị nạn. Chúng tôi lập tức biến chiếc xe Hồng Thập Tự
công tác thành xe tải thương, khẩn cấp chở nạn nhân về bệnh xá quận. Trong đời,
tôi đã thấy những đôi mắt thật buồn, nhưng chưa bao giờ thấy một lúc những ánh
mắt tuổi trẻ vừa thương cảm xót xa, vừa đau buồn thăm thẳm đến thế. Các em tải
thương. Những vết máu tươi loang vào chữ thập đỏ trên áo của những người tuổi
trẻ Quảng Trị “lá rách đùm lá nát” đã làm tôi xúc động đến lạnh người. Những em
học trò ít nói trong lớp đang vươn vai thành những người yêu nhân ái với tâm
hồn lồng lộng. Trâm nhút nhát trong lớp giờ linh hoạt như một nữ trợ tá chiến
trường. Định ấp úng trong lớp giờ xuôi ngược như giao liên mặt trận. Kháng
“tếu”, cây cười của lớp, giờ mặt mày nghiêm trọng, khom mình nâng cán như viên
cai tổng cẩn trọng chuyển hương án đầu năm. Những đôi mắt đăm chiêu bâng khuâng
mờ nước mắt khi chiếc xe tải thương khuất dần trong bụi đỏ đường quê.
Chiều Giáng Sinh hồi cư đầu tiên, chúng tôi chọn làng
Phước Môn và Như Lệ gần thánh đường La Vang làm công tác. Tất cả đều làm rất
hăng để kịp đến tập trung tại khu vực nhà thờ trước khi trời chiều. Các đoàn
sinh dù có đạo hay không cũng có cùng mẫu số chung: Đó là tình người,
tình quê hương và tình đồng bào ruột thịt. Tiếng còi họp chung vang vọng dưới
chân nhà thờ La Vang đổ nát sau chiến tranh trong buổi chiều Giáng Sinh lành
lạnh, mây vần vũ xuống thấp, có một sức hút huyền nhiệm lạ lùng. Chưa đầy một
trăm đoàn sinh, tóc tai, quần áo bơ phờ sau một ngày công tác xã hội tay chân
hoạt động như con thoi đang quây quần dưới tượng đài của Chúa. Nhà thờ La Vang
ngày hồi cư cũng trơ xương tả tơi chung số phận với người dân Quảng Trị. Bom
đạn như gậy người mù, đâu có trái tim để tránh giáo đường hay chùa tháp. Trâm
vốn là đoàn trưởng Thanh Sinh công giáo, nên chiều nay được giao cầm còi điều
khiển. Cả một trăm tâm hồn khác nhau chiều nay như mềm lại, hòa với đất trời để
cùng hướng về một sức mạnh nhiệm mầu. Chúng tôi chỉ có thể hát chung hai bài
hát, đó là bài “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...” và bài “ Đêm Thánh Vô
Cùng” (Silent Night). Đặc biệt bài Đêm Thánh Vô Cùng với cung điệu thanh thoát
và u trầm mà cố hát đồng ca theo nhịp hành khúc là kể như đem thơ tao đàn vào
hò giã gạo. Cái tuyệt vời và ma thuật của âm thanh không phải là đúng hay sai
mà nên dùng lúc nào là hợp nhất. Nhịp “hành khúc” của Silent Night dưới chân
nhà thờ La Vang đổ nát có lẽ sẽ làm cho cả thế giới tức cười nhưng lại làm cho
Quảng Trị hồi cư thổn thức, vì hát lúc nầy không phải chỉ là xướng lên âm giai,
âm điệu, mà hát còn là sự mặc khải tâm hồn bằng lời nguyện và âm thanh. Từ một
trăm cửa miệng, lời hát “Nửa đêm mừng Chúa giáng sanh ra chốn dương trần. Người
mang ơn phúc cứu cho muôn dân lầm than”, đã được đổi ra, “...Người mang ơn phúc
cứu cho La Vang lầm than!”. Đông đảo giáo dân đi lễ đã cùng quây quần hát với
chúng tôi trên đồi La Vang sương mù, càng về chiều càng thấm lạnh. Trong khoảnh
khắc xúc dộng, tôi ngước lên nhìn nóc giáo đường trơ xương đầy dấu đạn bom và
tự nhiên có cảm tưởng Chúa và những thiên thần có đôi cánh trắng đang từ những
vương cung thánh đường cao sang về ngự giữa bầu trời La Vang mây phủ, về đậu
trên bệ thờ đổ nát mang dấu vết thù hận chưa tan.
Lúc chia tay, trời đã gần chạng vạng. Mấy em đoàn sinh có
Đạo trao cho tôi và anh Niên đoàn phó, mỗi người một gói quà nhỏ. Chúng
tôi cùng cám ơn và chúc các em một mùa giáng sinh an lành. Quà Noel cho tôi là
một cái cà vạt thời trang.
Cầm món quà giáng sinh dễ thương của mấy em trên tay, tôi cảm
thấy bình an pha một chút bâng khuâng và rộn ràng vì tình nghĩa giữa vùng đất
hồi cư còn nhiều khốn khó nầy vẫn còn là một chút gì mong manh nhưng có thật.
Sau giáng sinh là đến Tết hồi cư Đoàn Thanh Niên Hồng Thập
Tự Quảng Trị cùng với thầy trò trường Hiền Lương Nghĩa Thục cùng chuẩn bị tất
niên. Vui nhất của đời hoạt động thanh niên là được nghe tiếng đồng ca vọng
xuống lưng đồi. Vui nhất của đời dạy học cũng là tiếng hát vang vang của học
trò chuẩn bị đón Xuân. Quan khách văn nghệ tất niên hồi cư 1973 nghe đâu có cả
ông tỉnh trưởng Quảng Trị, nên chúng tôi chuẩn bị khá rầm rộ và công phu.
Đêm trình diễn văn nghệ tất niên, tôi phụ trách điều hợp chương
trình. Niềm vui và tiếng hát học trò đã mang chút hương hoa cho đồi cát Hải
Lăng chưa xoá hết nỗi ám ảnh kinh hoàng của bom đạn. Nhạc cảnh Đám Cưới Ngày
Hoà Bình do tôi và Lê Hữu Nam
đạo diễn đã làm cho khán giả khao khát hòa bình và cả diễn viên lẫn “đạo diễn”
còn bồi hồi nhắc nhở đến mấy năm sau vì sự trình diễn xuất thần của vai cô dâu
chú rể. Trâm thủ vai cô dâu và Định trong vai chú rể. Cả hai đều là học sinh
lớp 12 và cùng là đoàn viên Đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự. Trâm trong y phục hoá
trang rực rỡ của cô dâu bước đến gần tôi đang diều động ở hậu trường khi người
xướng ngôn đang giới thiệu chương trình. Tôi hỏi:
- Định biến đâu mất rồi?
Không có tiếng trả lời...
Cả ban văn nghệ đang dáo dác tìm thì Định bước vào, ướt
sũng như con chuột lột, tóc tai áo quần bê bết bùn đất. Định giải thích vắn tắt
nhưng mọi người chợt hiểu:
- Em bị rớt xuống hố bom B-52!
Ngày Quảng Trị hồi cư, những hố bom sâu như cái hồ nhỏ còn
loang lỗ cả xóm làng. Những đêm tháng chạp sương mù dày đặc, ít ai dám đi ra
ngoài vì sợ bị sỉa hố bom.
Bộ áo quần chú rể với quần là, khăn đóng, áo thụng thuê ở
Huế đem ra giờ chỉ còn là mớ vải ướt tang thương trên mình Định.
Trong lúc tôi đang lặng người bối rối, vì sự việc bất ngờ
xảy ra vào phút chót thì tiếng hát của ai đó thoảng nghe êm êm như một chút gió
giữa trưa Hè đứng bóng: “Đường hành quân băng lau lách sương đêm. Sương trắng rơi
vai tôi ướt lạnh mềm... “. Tiếng hát như một sự nhắc nhở rằng, vùng đất
nầy vẫn còn đang là vùng hỏa tuyến. Một nỗi buồn nào đó chợt hiện về trong tôi.
Tôi thấy khăn vành, áo hoa thêu kim tuyến lấp lánh trên mình Trâm nhòa đi. Hình
ảnh chữ thập đỏ loang máu người dân cày trúng mảnh bom bi giữa đồng hoang làng
Ngô Xá hiện về. Tôi kêu lên tiếng nói từ vô thức:
- Phù phiếm. Không được!
Những ánh mắt kinh ngạc kéo tôi về với thực tại. Tôi quyết
đoán một cách không ngờ:
- Phải thay đổi hết. Cô dâu phải là hình ảnh cô gái quê
hồi cư và chú rể phải là người trai làng thương binh vừa trở lại quê xưa. “Đám
cưới ngày hoà bình” trên mảnh đất còn khốn khổ nầy không thể là áo rộng khăn
vành được!
Có tiếng phản đối của thầy Mãn:
- Quá trễ để thay đổi. Còn không đầy 30 phút nữa là cô dâu
chú rể phải lên diễn rồi.
Tiếng xôn xao lại rơi vào im lặng khi tôi nói lên thực tế:
- Nhưng đào đâu cho ra áo quần của chú rể. Cô dâu hóa
trang lộng lẫy như vậy, không lẽ chú rể lại mặc áo dài đen khăn đóng bạc màu
lếch thếch mượn của bác cai trường?
Trâm lên tiếng, đầy vẻ nghiêm trọng:
- Thưa thầy, em nghĩ là được. Tất cả các nhạc cảnh giữ
nguyên, chỉ có em và Định thay đổi chiếc áo choàng và trang điểm lại chút xíu
là được thôi. Để em tìm mượn...
Trâm chạy biến vào rừng khán giả đang đứng ngồi chen chúc
trước sân khấu. Có khá đậm màu áo xanh của giới lính tráng xa nhà đến tìm vui
với đêm văn nghệ học trò.
Những thầy giáo nghiêm nhất cũng phải bật cười khi thấy
Trâm kéo tay một người lính trẻ, ngơ ngác, vén màn vào hậu trường sân khấu với
giọng cầu nài khẩn khoản một cách trẻ tội nghiêp:
- Thưa chú, nhờ chú giúp đỡ tụi cháu. Xin chú chịu phiền
cởi áo quần lính cho bạn em mượn tạm để đóng kịch.
Nhìn bộ áo lính ka-ki bạc màu sương gió trên mình người
lính trẻ nhỏ nhắn, tôi bỗng mơ hồ đâm ra có cảm tình với một chú rể tưởng tượng
trong trang phục “Ngày trở về” ngay. Tôi cẩn thận giải thích hoàn cảnh “lâm
nguy” của màn nhạc cảnh và ngỏ lời xin mượn tạm bộ quân phục cho Định sẽ thủ
diễn trong vai chú rể. Anh lính vui vẻ nhận lời ngay và còn góp thêm:
- Trước tôi là trưởng ban văn nghệ trường Luật nên cũng có
chút kinh nghiệm. . Nếu quý vị cho phép, tôi sẽ giúp một tay trong phần hóa
trang cho màn kịch. Từ sau cánh gà sân khấu, tôi đã bắt gặp đôi mắt người
lính trẻ nhòa đi khi anh hé nhìn cô dâu trong chiếc áo bà ba, chú rể trong màu
áo trận bạc màu của chính mình, cầm tay mẹ già với dư vang tiếng hát mừng tủi,
nghẹn ngào: “Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ.
Tiếc rằng ta, đôi mắt đã loà, vì quá đợi chờ...”
Năm học hồi cư 1973 - 1974 qua rất nhanh. Những ngày tháng
thân thương, êm đềm, gần gũi của những người Quảng Trị hồi cư có chung hoàn
cảnh laị bị giao động mạnh sau một khoảng thời gian ngắn thử thách. Cũng mồ
hôi, nước mắt đổ ra để làm lại cuộc đời mới sau chiến tranh, nhưng niềm tin và
thành quả dưòng như đang chao đảo, mỏi mòn, chua cay hơn trước. Sức người, sức
của đổ ra trên những vùng đất hoang chưa khai phá ở đâu đó thuộc vùng Cam Ranh,
Long Khánh, Cao Nguyên, Cửu Long... có vẻ đầy hứa hẹn hơn là ở trên quê hương
đã bị bom đạn cày nát và bị ám ảnh bởi giông tố chiến tranh có thể ập đến bất
cứ lúc nào. Gần đến Hè, rất nhiều học sinh và đoàn sinh của tôi thường nhắc đến
chuyện sẽ chia tay, đi vào Nam
hay di chuyển ra khỏi vùng “Khu Thị Tứ” để theo gia đình sinh sống làm ăn. Có
những lúc từ trên bàn thầy giáo, trầm ngâm nhìn học sinh lặng lẽ làm bài hay
những chiều cuối tuần họp chung sau giờ công tác tôi nhận ra cái cảm giác nao
nao của của sự sắp chia xa dâng lên trong lòng mình và bóng “hoàng hôn trong
mắt trong” của các em.
Trại Hè chia tay năm 1974 là cuộc họp mặt sau cùng của
đoàn sinh Thanh Niên Hồng Thập Tự Quảng Trị và học sinh hai trường Hải Lăng,
Hiền Lương Nghĩa Thục của tôi. Địa điểm trại là vùng biển Hải Nhuận. Chúng tôi
tập trung tại bến đò Vĩnh Tu, thuê bốn chiếc đò băng qua phá Tam Giang để sang
Hải Nhuận. Ba chiếc đò trước đi vào buổi trưa để tránh bớt sóng gió thường nổi
lên bất thường vào buổi chiều, gồm những học sinh không sinh hoạt thường xuyên
trong đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự. Đò “chỉ huy” chúng tôi xuất phát vào buổi
xế chiều vì phải chuẩn bị tải những vật dụng nặng cho cuộc cắm trại gồm các em
đã có “kinh nghiệm chiến trường” với những hoạt động thanh niên. Đò ra giữa phá
Tam Giang, gió chướng bắt đầu nổi lên. Trời như tối sầm lại vì gió cuốn bụi
nước như sương đặc che khuất mặt trời. Sóng cuồn cuộn nổi lên như từng đàn núi
nhỏ biết đi. Bác lái đò hét lên đằng lái bằng một giọng kinh hoàng chọc thủng
cả tiếng máy dầu cặn đang bị át đi bởi tiếng gió và ngọn sóng đánh liên tục vào
mạn thuyền:
- Cha ơi, mạ ơi! “Mệ” về rồi. Hết “chộ” mặt vợ con rồi, ôn
mệ ơi!
Mỗi lần ngọn sóng đánh vào mạn thuyền, nước phủ cả đầu
người, các em hét lên một cách khủng khiếp và ôm chầm lầy nhau cho khỏi bị bắn
tung ra khỏi thuyền. Không hiểu do một linh tính nào đó, khi vừa bước
xuống đò, tôi lại nghĩ ngay đến bầu trời vần vũ mây trên đồi La Vang chiều
Giáng Sinh vừa qua. Tuy chẳng phải là người dễ dãi phó thác số phận cho
niềm tin tôn giáo, nhưng trước sự đe dọa kinh hoàng của cái chết tập thể, tôi
chỉ còn một vũ khí chèo chống duy nhất là chiếc phao tinh thần và tôi lâm râm
cầu nguyện đức Quán Thế Âm, đức Mẹ Maria. Dường như là đức tin đã giúp
tôi thành người bình tĩnh nhất trên đò trong lúc nguy cấp. Tôi bắt các em quăng
tất cả đồ đạc ra khỏi đò, chỉ giữ lại thau và nồi nấu cơm để tát nước. Gió vụt
mạnh quá, không ai nói ai nghe, tôi phải hét trong tai các em đội trưởng, bắt
tất cả các em phải đứng khom người, chống chân vào lòng thuyền, lưng áp chặt
vào mạn thuyền và khoác vai nhau để làm thành một “bức tường người” cản bớt
nước tuôn vào đò. Một số em phải dùng bất cứ vật dụng gì có thể dùng được để
tát nước ra ngoài. Sóng gió mỗi lúc một hung hãn hơn. Tôi nghe tiếng kêu phía
trước và lảo đảo chạy đến, vừa lúc nước bắn vào khoảng trống giữa Trâm và Định.
Tôi gào lên:
- Trâm, ép sát vào Định. Trám ngay chỗ trống nầy tức khắc!
Trâm nhìn đăm đăm vào khoảng không một cách thản nhiên. Vẻ
bình tĩnh bất thường của cô học trò lạ lùng trong giờ phút nguy cấp nầy làm tôi
phát hoảng. Trâm vẫn ngồi yên, nói một cách khó khăn:
- Thưa thầy, ngồi rứa coi kỳ quá!
Tôi gắt lên:
- Không cãi, đây là trường hợp khẩn cấp. Ngồi vào ngay!
Trâm vẫn bướng bỉnh ngồi yên. Một đợt sóng gầm lên hất
chiếc đò chao đảo. Tự nhiên tôi phản ứng như một cái máy: Bốp! Tôi tát vào má
Trâm. Tôi chỉ muốn làm một cử chỉ “thị uy” trong lúc khẩn cấp, nhưng sức gió
giật, độ giao động của chiếc đò trong cơn sóng dữ và thế đứng mất thăng bằng
của tôi đã biến cái tát mạnh toé nước một cách không ngờ. Trâm nhìn tôi hoảng
hốt với đôi mắt nai vừa bị thương và ngồi ép sát Ngay vào người bên cạnh. Đó là
lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời dạy học tôi đánh học trò.
Tôi không có khoảng trống để suy nghĩ điều gì mình vừa làm. Tôi nhào tới đằng
mũi thuyền, cố nhắm mắt trước những đụn sóng hãi hùng và quỳ xuống cầu nguyện.
Tiếng máy đò yếu ớt, tiếng hét thưa dần để nhường cho tiếng ào ạt rít lên từng
hồi của sóng gió. Tôi có cảm tưởng con đò chạy nhanh hơn một chút và cơn gió có
vẻ dịu dần. Nắng chiều lại lên, con nước im dần. Chiếc thuyền và đám người tả
tơi mệt nhoài cặp bến. Trên đường di chuyển về địa điểm trại, tôi ái ngại
nhìn Trâm lặng lẽ cúi đầu đi tách lại phía sau với vết hằn của cái tát vẫn còn
in rõ trên gò má trắng xanh.
Ba chiếc đò đi đầu đã chuẩn bị sẵn sàng cho bữa cơm chiều
và đêm lửa trại.
Chuyện đò gặp bão và Trâm bị đánh trở thành đề tài nóng bỏng cho
đến giờ khai mạc lửa trại. Trước khi Trâm đứng ra diều khiển đội nhảy lửa
như đã được phân công. Tôi đã kể lại vắn tắt những diễn tiến đã xảy ra
trên chuyến đò chót cho các trại sinh nghe và nhường còi điều khiển lại cho đội
nhảy lửa và quản trò. Sự lanh lợi và bản lỉnh của cô học trò nầy làm cho tôi thầm
cảm phục. Sau khi bắt nhịp bài đồng ca “Anh Em Ta Về”, Trâm thổi còi ra dấu im
lặng và nói một cách vắn tắt:
- Tôi không bị thầy đánh. Tôi chỉ bị thầy phạt vì “không
theo đúng nội quy trại” trong khi khẩn cấp. Em xin lỗi thầy vì không theo đúng
lời thầy dặn. Quản trò chuẩn bị, đội nhảy lửa sẵn sàng!
Tuổi trẻ đã quên rất nhanh chặng đường hiểm nghèo đã qua
để hòa mình rộn rã trong đêm vui.
Cuộc
vui nào rồi cũng có lúc tàn. Tôi ngồi lại bên đống lửa cho đến khi những em
chịu thức khuya cuối cùng về lều ngủ. Chưa bao giờ tôi ngủ được trong những đêm
lửa trại. Gió biển và rừng thông Hải Nhuận về khuya không ngừng rì rào với
tiếng sóng. Những mảnh than ấm cuối cùng của bếp lửa trại cũng bắt đầu thiu
thỉu thành tro. Tôi thèm một điếu thuốc và một cốc cà phê như Quang Dũng nhớ
“Khói thuốc khơi giòng xanh lối xưa. Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ...”. Lửa sắp
lụi tàn và Trâm, Hiền, Hồng, Nga hiện đến với những mớ củi nhỏ trên tay làm sự
trống vắng khuya khoắt trở thành nỗi vui ấm áp, dịu dàng. Trâm hỏi, giọng
hồn nhiên như hỏi bài trong lớp:
- Tụi em biết thầy chưa ngủ nên đem củi thêm để “hâm nóng
chiến trường!”
Tôi hơi ngạc nhiên thấy các em vẫn còn thức đến giờ đó.
Tôi nói đùa nhưng đã làm cho một chút sương khói đêm vui như trầm hẳn lại:
- Chiến trường Bình Trị Thiên đỏ lửa đã đốt cháy Quảng Trị
mình rồi. Mấy em còn đem củi hâm nóng trở lại e lần này phải bỏ xứ mà đi!
Sự im lặng bất ngờ kéo dài khá lâu khi mỗi người đều có
sẵn trong tâm tư những ý nghĩ thật buồn, trong lúc các em cố nhen bếp lửa hồng
trở trại. Từ phía núi Trường Sơn tiếng súng vẫn nao nao vọng về. Tự nhiên tôi
nhớ đến những vẻ mặt buồn lặng lẽ của những nghệ sĩ trong đoàn hát Phụng Vũ
ngày xưa, trước giờ khăn gói ra đi.
Bếp lửa đỏ trở lại, mang theo tiếng cười hồn nhiên của đám
thầy trò hồi cư nhưng quê hương bình an đích thực vẫn còn xa ngoài tầm tay với.
Tiếng củi nổ lách tách bên ánh lửa khuya khoắt bập bùng như gợi nhớ những ước
mơ thần tiên hoang dại: Các em lại tưởng tượng có bà tiên bay từ Biển Nam Hải
bay vào và ban cho mỗi người ba điều ước. Là người sau cùng được nói lên ba
diều ước, tôi trả lời thành thật:
- Thứ nhất: một tách cà phê; thứ hai: một điếu thuốc; thứ
ba: một giấc ngủ ngon lành.
Đám học trò phá lên cười:
- Uớc mơ của thầy dễ quá nên ai cũng làm bà tiên được hết.
Để tụi em làm bà tiên hết trơn cho thầy coi.
Đám học trò dành nhau làm “bà tiên” đã chạy ào vào đêm tối. Nhìn
bếp lửa lập lòe với gió biển, tôi ngồi đối diện với chính mình để tự hỏi Quảng
Trị đâu có phải là quê hương của mình mà chọn hồi cư về đó, sao mình không chịu
yên thân làm một thầy giáo với nếp sống bình lặng, quanh năm, ngày hai buổi đi
về với tập bài soạn vàng úa chữ nghĩa thánh hiền như những ông thầy mình ở Huế.
Tại sao tôi lại dễ dãi để sự xôn xao của hoàn cảnh xã hội thêm những dấu chấm hỏi,
chấm than vào những bài giảng văn, bình luận đã được viết thẳng hàng, an phận
trên những trang sách mang dấu ấn của thành trì tư tưởng xuôi chiều giống mái
sông con đang trôi về biển mẹ?
Một viên đá nhỏ nào đó đã ném vào bếp lửa làm tôi giật
mình cùng với tiếng cười trong trẻo của Trâm. Trâm đưa que lửa cho tôi và nói
như chiến thắng:
- Thầy thắp thuốc đi. Em ăn cắp thuốc của thầy Vạn đó! Tụi
nó còn đang lục túi thầy Mãn, thầy Nam. Mấy thầy nớ hút thuốc như tàu
hỏa, khuya mới còn thuốc. Em thắng rồi!
Khi hơi thuốc Bastos xanh bay lên nhè nhẹ thì có tiếng
thầy Vạn như ông già râu trắng vừa tới đã khuấy động không khí chìm lắng của
rừng thông về khuya.
- Ê! ta bắt được thầy trò bây ăn cắp thuốc rồi!
Trâm vẫn reo vui hồn nhiên:
- Mô có thầy, em đã được phân công làm đội trưởng nhảy lửa
nên phải đi quanh “chia lửa” cho đều.
Bếp lửa lại vui thêm với những khuôn mặt thân thương không
ngủ được. Dưới xa, có tiếng máy ghe đánh cá bắt đầu ra khơi. Trời sáng.
Huế - Quảng Trị cách nhau chỉ một giờ đồng hồ mà hơn sáu
năm sau tôi mới gặp lại cô học trò đội trưởng nhảy lửa. Sau 1975, tôi lái xe
Lam Huế - Bao Vinh nhưng vẫn bị anh em kêu bằng “thầy” và kéo đi làm những công
chuyện có liên quan đến giấy tờ, chữ nghĩa. Lần nầy đội xe Lam ký hợp đồng chở
phế liệu chiến tranh nhập vào Huế từ Quảng Bình, lên ga Huế để xuất khẩu. Tôi
đã được nghe người làng đi nhặt phế liệu và anh em tài xế xe Lam nói về sự khôn
khéo và tài kinh doanh của “bà chủ”. Khi nhận lời đi ký hợp đồng với anh
bạn đội trưởng tài xế, tôi hình dung sẽ gặp một bà chủ kinh doanh phế liệu sồ
sề lớn tuổi. Khi đến nơi, hóa ra bà chủ là Trâm. Điều khá lạ là khi gặp lại tôi
Trâm đã tỏ ra không một chút ngạc nhiên. Tôi hơi thất vọng trước sự lễ độ mang
tính xã giao của người học trò cũ. Hợp đồng đã được soạn sẵn, thay đổi chút ít,
thỏa thuận và ký rất nhanh. Tôi cũng nói và làm những công việc cần phải làm
một cách khô khan rồi ra về cùng với anh đội trưởng.
Buổi chiều, sau buổi họp phân công tại văn phòng hợp tác
xã xe Lam Huế, khi tôi băng qua đường Trần Hưng Đạo để ra về thì Trâm đã ở đợi
ở bên kia đường. Trâm lại gần, tôi cố giữ giọng rất thản nhiên, hỏi trước:
- Trâm đó hả. Em cần thay đổi điều gì trong hợp đồng
không?
Trâm che miệng cười:
- Thưa thầy, vở kịch đã hạ màn rồi. Em xin mời thầy đi ăn
cơm chiều có được không ạ?
Nhìn cô học trò cũ đã già dặn, nhưng nét tinh anh và hóm
hỉnh xưa vẫn còn đó, tôi thấy chút chua xót trong lòng mình dịu lại. Tôi trả
lời như phản ứng tự nhiên:
- Được. Đi thì đi nhưng với điều kiện là em phải để tôi
trả tiền.
Trâm cười thành tiếng:
- Điều kiện chi em cũng chịu nhưng ít nhất thầy cũng cho
em cơ hội làm “bà tiên” vì theo sổ nợ đời, em còn thiếu thầy một ly cà phê chưa
kiếm được trong đêm trại Hè Hải Nhuận.
Trong tiệm ăn, tôi có cảm tưởng như Trâm vẫn còn y nguyên
là cô học trò sáu năm về trước. Tôi hỏi:
- Hình như em thích sống về dĩ vãng hơi nhiều. Người thích
quá khứ thường hợp cho việc làm thơ, vậy mà em lại thành công trong buôn bán kể
cũng lạ?
Vẻ buồn hiện lên trong dáng ăn hờ hững và cách nói của
Trâm:
- Hiện tại có chi vui đâu thầy. Em đi buôn phế liệu, thầy
đi lái xe lam. Em nghe mấy bạn cùng lớp kể lại là thầy bị đuổi ra khỏi trường
rồi hết lái xe lam đến ra bán chợ trời. Em lăn vào đời tranh sống như hôm nay là
do thầy dạy đó.
Tôi đính chính ngay:
- Tôi có dạy em đi buôn bán hồi nào đâu?
- Dạ có, nhiều lắm. Thầy đã dạy em về tình người trong
công tác Hồng Thập Tự. Thầy đã dạy cần phải hy sinh chiếc áo choàng, phải thay
đổi nó khi cần trong đêm văn nghệ tất niên để màn nhạc cảnh được thành công tốt
đẹp. Thầy dạy em cần phải sử dụng sự quyết đoán và cái tát tai đầy áp đảo trong
lúc nguy khốn để cứu nhau. Thầy dạy em những lặng lẽ suy tư khi trời yên biển
lặng...
Tôi hoài nghi về cách giải thích vòng vo của cô học trò
cũ:
- Nhưng đó chỉ là những phản ứng tự nhiên khi cần phải đối
mặt với cuộc sống chứ có gì liên quan đến thương mãi đâu?
Với giọng lễ độ đầy tự tin, Trâm nói tiếp:
- Thưa thầy, dạ có. Những bài dạy của thầy trong
lớp mới chỉ là sách vở và hình như thầy cô nào dạy cũng giống nhau. Theo em,
hành động của thầy trong thực tế cuộc sống mới là những bài học cuộc đời quan
trọng nhất. Chính vì không quên phong cách xử thế của thầy trong buổi đầu hồi
cư mà em đã không tiếc nuối thay chiếc áo sinh viên lăn vào đời buôn bán. Em đã
thắng những chủ vựa phế liệu khác vì biết trân trọng tình người; hay như sáng
nay, em đã cố ngăn những xúc động tự nhiên khi gặp thầy để khỏi lẫn lộn hợp
đồng làm ăn thành bản văn nhân nhượng thầy trò. Thưa thầy, thầy nói đúng, em
sống hơi nhiều cho dĩ vãng. Em vẫn cố tình giữ mãi những hình ảnh dễ thương của
quá khứ học trò để có niềm vui mà đi lên trong những khi buồn nhất, nhưng em
không dừng lại ở đó.
Sau năm 1975, sau cơn giông bão “đổi đời”, tôi như một ngư
ông buông cần loanh quanh bến cũ đã quen với giòng nước nông sâu; Trâm và thế
hệ trẻ như những thủy thủ dương buồm ra khơi để khai phá những bờ bến lạ. Gặp
lại Trâm, tôi bỗng lạc quan tin vào sức bật mai kia của tuổi trẻ Quảng Trị,
tuổi trẻ Huế và tuổi trẻ Việt Nam. .....
TKĐ
Năm 1975, Gia đình tôi chạy lánh chiến tranh vào Nha Trang và bị thất lạc người thân tại đây và đã được các Anh/Chị trong "Hội Hồng THập Tự" Tại nha Trang cứu giúp, sau đó chúng tôi thất lạc nhau. Vì thời gian quá lâu rồi nên tôi không có thông tin gì về Hội Hồng THập Tự đó để hỏi.
Trả lờiXóaDo vậy qua đây, nhờ các Anh/Chị nếu có thông tin của người nào trong Hội Hồng Thập Tự của Nha Trang thì cho tôi xin thông tin để tôi có cơ hội tìm lại người thân.
Mọi chi tiết xin liên hệ: 0976.474.475. hoặc mail: congtamvtdn@gmail.com
xin chân thành cám ơn.