Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Chuyện dân ca...QTrị- N.T.L.Hưng


CHUYỆN DÂN CA  
 
  Mùa thu năm 2007, tôi có viết một bài về dân ca Quảng Trị để đáp lễ lại một vị sư huynh đồng môn. Khi viết tôi không hề có ý định sẽ gởi đăng ở đâu cả mà chỉ là viết chơi, vì thế nghe gì viết nấy, viết một cách thoải mái. Không ngờ tết năm đó bài viết ấy được đăng tải ở một vài tờ nội san của Nguyễn Hoàng - Quảng Trị và tôi nhận được nhiều ý kiến tỏ ra thú vị của người đọc. Phải chăng vì tôi đã làm cái chuyện hầu như bị quên lãng? Giống như cái áo cũ để quên lâu ngày trong tủ, khi lấy ra mặc được bạn hỏi là áo mới đâu đẹp thế?
Thời gian qua có vài người tỏ ý muốn đọc thêm đề tài nầy nhưng tôi vẫn chưa viết tiếp được. Có người bảo rằng tôi có cả kho “tài liệu sống” ngay bên cạnh sao không chịu khai thác? Đúng thế! Mẹ là kho tài liệu sống của tôi về những câu hò Quảng Trị, những câu trích dẫn về dân ca Quảng Trị đều ghi lại từ mẹ tôi, dù rằng có người không tin và khen tôi đã ra công sưu tầm (?). Xin thưa! Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn học dân gian và  cũng chả có thời gian rỗi để sưu tầm tài liệu gì đâu. Hai bài dân ca Quảng Trị mà tôi được đọc trước khi viết bài “Mời bạn về thăm miền dân ca” là của TL sư huynh – Đó cũng là nguyên cớ để tôi khai thác nguồn tư liệu sẵn có như đã trình bày.
  Và một khi đã khai thác kho tàng thì ta nên đem chia sẻ chứ đừng có ‘trùm sò’ giữ khư khư cho riêng mình phải không bà con? Vậy thì tôi xin viết tiếp đây: một, hai, ba…
                                                  Nguyễn Thị Liên Hưng

     Trong kho tàng văn chương bình dân quê mình, hò đối đáp là thể loại thú vị nhất. Đó là những câu hò có vần, có điệu ngẫu hứng để ứng đối nhanh,  câu hò nào thú vị thì được truyền khẩu nhiều trong dân gian. Chủ đạo vẫn hai thể loại hò: Hò ân tình và hò đâm bắt. Nếu hò ân tình thường làm xao xuyến lòng người thì hò đâm bắt khiến người nghe cười nôn ruột hoặc là tức ứ hơi. Mẹ tôi kể ngày xưa ấy bà có người anh con ông bác ruột tài hoa, học giỏi. Mới 15 tuổi mà cậu đã nức tiếng trong xứ về hò đối đáp. Nếp phong kiến gia đình khiến đấng thân sinh của cậu ra sức cấm đoán, song sự nghiêm khắc ấy không ngăn được niềm đam mê, cậu thường lén theo trai làng hò đối đáp để rồi sau đó về nhà chịu những trận phạt nặng nề. Tiếc rằng cậu qua đời sớm, song một số câu hò thông minh, dí dỏm của cậu đã lưu truyền qua nhiều địa phương trong tỉnh và cho đến nay mẹ tôi vẫn còn nhớ được một ít. Vậy xin mời bà con mình hãy tạm quên đi cuộc sống hiện tại trong giây lát để cùng trở về với Quảng Trị ngày xưa nhé


Một buổi chiều đẹp trời, chàng trai rời trường học, thả bộ trên hương lộ để về nhà. Những hạt nắng cuối ngày xuyên qua con kênh tạo thành những tia sáng tựa ánh hào quang lấp loáng đủ màu sắc trên dòng nước mát, qua chiếc cầu nhỏ có rặng tre già gió đưa kẽo kẹt bỗng một cô gái xuất hiện. Cô ấy cố ý đi trước mặt chàng trai một quãng ngắn, ỏng a ỏng ẹo làm dáng, chàng đi nhanh thì cô bước nhanh, chàng đi chậm thì cô chậm lại như muốn chàng ngắm nhìn dáng dấp ẻo lả của mình hay là cái kiểu trêu ngươi. Chàng thư sinh làm thinh cố bước nhanh về nhà nhưng trong lòng bực lắm, mãi khi đến đoạn rẽ vào xóm nhà mình chàng mới thoát nạn. Hôm sau lại cảnh cũ màn hai, hôm sau nữa lại màn ba cảnh cũ. Sự bất quá tam khiến chàng trai hết nhịn nổi bèn cất tiếng hò… đổng:
     - Hò ơi! Con gái có duyên nép mình bên song cửa. Con gái vô duyên bước sấp bước ngửa giữa đàng. Chân son em bước hai hàng. Sàng qua sàng lại “cực chẳng đả” cho con mắt chàng lắm thay.
     Hình như chỉ chờ có thế, cô gái liền trả treo:
     - Nghe đồn nức tiếng văn chương. Mà chừ tận mặt mới tường trắng đen.
Biết mình gặp phải tay chẳng vừa nên chàng trai nín thở lắng nghe. Cô gái cũng làm thinh một chút như lấy hơi rồi cất cao giọng hò tiếp:
     - Hơ hơ… Văn chi anh chưa đầy lá mít. Võ nghệ chi anh chưa khít lang rơm. Mang tiếng đấng nam nhi chi anh lưng dài vai rộng mà tài năng chẳng qua được thằng cu Bờm. Thiệt là uổng công thầy mẹ chọn cá nuôi cơm tháng ngày.
     A hà! Hạ đo ván nhé. Đừng hòng! Chàng trai đưa tay khoát vạt áo đánh soạt một cái rồi hắng giọng trả lời liền:
     - Nàng ơi! Bước qua đây nhè nhẹ, ngồi xuống sè sẹ cho anh phân. Thiệt là tội nghiệp cho em cái phận gái đành hanh. Nên chi chưa tỏ ngọn ngành đó thôi.
     Đến phiên cô gái dừng chân, nín thở chờ đợi. Chàng trai cũng dừng chân rồi cất giọng kiêu hãnh:
     -  Hò hơ… Văn anh đây không thua gì Đức Khổng Phu Tử. Võ nghệ nầy há kém Đại Thánh Tề Thiên? Vì chưng lệnh nhà nước chưa truyền. Nên anh đành ôm lòng chờ đợi ưu phiền tam khoa.
     Trời! Cái ba hoa của chàng trai khiến cô gái kênh kiệu muốn té nhào. Phải một hồi lâu cô mới ú ớ đáp lời được:
     - Hơ hơ… Nếu ai kia đúng là tài nghệ vô song, thì xin mời vẽ lại cái dung mạo của gái má hồng có được chăng?
     Chữ "chăng" vừa dứt, cô gái đã xoay người lại đối diện chàng trai và nhoẻn miệng cười duyên dáng. Trời! Cô ta đẹp quá! Chàng trai chỉ có thể la thầm được như thế. Một nét đẹp sắc sảo và có phần ngỗ ngáo - như những câu hò và cái thói trêu ngươi của cô ta. Có lẽ cô ấy không phải người xứ nầy. Đàn bà con gái gì mà quá quắt, muốn vẽ dung nhan thì ta vẽ dung nhan. Đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Phải cho cô ả kênh kiệu này một bài học mới được. Nghĩ thế nên sau phút choáng váng, chàng trai nhanh chóng lấy lại thăng bằng và dõng dạc bảo “Được rồi! Nếu nàng không chê thì hãy nghe đây”. Và chàng cất giọng sang sảng ngâm:
Con gái nhà ai đẹp quá ma
Hình dung yểu điệu giống ông già
Chân đi nhè nhẹ như voi bước
Cất tiếng thanh thanh giống phèng la
Tóc thả dài dài như đuôi cuốc
Miệng nói phiêu phiêu giống mỏ gà
Da trắng như ngà tựa da con cóc
Cổ cao ba ngấn là cổ ba ba
…………………………………
Cô gái không còn đủ can đảm để nghe tiếp nên dùng hai tay bịt chặt tai và chạy vội về nhà. Thế mà cái giọng ngâm quái ác kia vẫn đuổi theo:
Con gái nhà ai đẹp quá yêu
Hình dung tha thướt giống ông tiều
Gót son dời bước như trâu phóng
Miệng hoa chúm chím quá mỏ diều
   ……………………………………….
Chàng trai về nhà trong chiến thắng, lòng mở hội. 
Nhưng ngày sau và những ngày sau nữa trên quãng đường đó chẳng còn ai bước trước mặt để trêu ghẹo, bỗng dưng chàng thấy buồn, rồi đâm ra nhớ cô gái đanh đá ấy. Qua tìm hiểu, chàng biết nàng ấy không phải người ở vùng này. Nhân dịp về đây thăm bà cô lấy chồng khác xứ, mỗi chiều thấy chàng ngang qua nhà trông phong thái tuấn tú, nàng bèn hỏi người nhà và biết đó là người nổi tiếng văn chương vùng nầy. Vốn là cô gái vừa xinh đẹp lại vừa thông minh, đáo để và có phần kiêu hãnh. Tự tin về tài trí và nhan sắc của mình, nàng nẩy ý ghẹo thử chơi, không dè gặp phải đối thủ vừa thông minh vừa bản lãnh lại chẳng bị sắc đẹp hớp hồn tí nào. Đã thua đau lại còn lãnh một bài thơ tặng chí mạng nên nàng đã trở về đất Huế ngay sáng hôm sau với lời thề sẽ không trở lại vùng nầy lần thứ hai nữa. Nghe chuyện, chàng trai lấy làm hối tiếc nhưng lỡ dĩ rồi: Xuất ngôn như phá thạch, chẳng thể cứu vãn được. Nếu không có bài thơ quái ác kia hẳn hai người đã phục tài nhau rồi bén duyên cũng không chừng. 
Thưa bà con! Chàng trai ngày xưa ấy chính là Lê Thanh Thảo - cậu họ của tôi.. Khi kháng chiến bùng nổ, cậu gia nhập Vệ Quốc Đoàn, mạ tôi kể hồi đó cậu làm chức gì to lắm. Mỗi lần cậu ghé thăm nhà, mạ tôi thấy cậu đeo vũ khí hai bên hông, một bên là khẩu súng ngắn, một bên là cây kiếm dài ngoằng, oai lắm. Mấy năm sau, cậu bị Tây phục kích bắn chết trên đường đi công tác tại rú Qua Lồ thuộc làng Văn Vận khi vừa bước vào tuổi 30.

Đó là chuyện kể về một trong những người dân Quảng Trị đã để lại những câu hò đối đáp thú vị. Câu hò buột khỏi miệng của họ bay đi theo gió là trở thành của chung. Người ta chỉ nhớ câu hò mà chẳng cần quan tâm đến tác giả là ai vì nó đã thuộc về đại chúng. Trở lại chuyện dân ca, tôi xin chuyển đến bà con một số câu hò thuở ấy.  
Những câu hò quen thuộc mà ai cũng biết thường nói lên tình cảm của con cái đối với cha mẹ. Ơn nghĩa sinh thành luôn là bài học đầu tiên từ khi ta còn nằm trong nôi. Những lời ru của mẹ đã thấm vào con và theo con đi suốt cả cuộc đời. Bởi vậy dù đi đâu, về đâu, người Việt Nam nói chung - người Quảng Trị nói riêng - luôn nhớ đến cha mẹ của mình dù còn hay mất.
Khi đấng sinh thành còn sống thì:
-    Mẹ già là mẹ già chung. Anh lo cơm cháo em cùng thuốc thang.
-  Biết răng chừ con cá gáy hoá rồng. Đền công ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Và khi cha mẹ qua đời:
-   Công cha ba năm lai láng. Nghĩa mẹ chín tháng cưu mang. Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn. Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn. Đôi đứa mình lên non gánh đá về xây lăng phụng thờ.
-  Mẹ anh khác thể mẹ nàng. Lẽ thời tạc đá bia vàng thờ chung. 
Tình cha mẹ, tình chị em huyết thống, tình làng nghĩa xóm, tình quê hương đất nước... Tình nào cũng nặng, cũng đầy ăm ắp qua điệu hò câu hát. Tuy nhiên đề tài tình yêu nam nữ vẫn là chuyện muôn thuở, muôn đời của nhân loại. Tình yêu còn là động lực giúp người lao động bình dân vượt qua những gian nan, vất vả trong cuộc mưu sinh. Bởi thế bạn đừng ngạc nhiên khi một chàng trai mở lời ởm ờ với người con gái vừa ý mình:
-  Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Nếu “tình trong như đã” thì cô gái sẽ thẹn thùng mở lối:
-  Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
Đó là chàng trai duy nhất may mắn trong số ngàn lẻ một chàng đấy nhé. Vì nếu chàng không lọt vào tầm ngắm của cô gái thì sẽ có ngàn lẻ một câu trả lời chua ngoa khiến chàng tức anh ách mà chả làm gì được.
Và cũng có ngàn lẻ một cách ướm lời. Chàng trai "mận, đào" vừa nói chắc có chút học hành, còn anh chàng nông dân nầy thì thiệt thà đến mức:
- Vói tay vít ngọn tre còng
Hỏi o gánh nước muốn chồng hay chưa?
Và cái o ni cũng chả thèm thưa gởi gì mà trả lời tức khắc:
- Nghe hỏi mà dạ muốn bưa
Muốn tài muốn đức chứ chưa muốn chồng.
Thôi rồi. Cái kiểu nầy thì chàng ta phải mau mau thả cái cọng tre còng mà dọt lẹ.
Thế đó. Cũng là cách ướm lời nhưng có câu hỏi kết nên duyên giai ngẫu mà cũng có câu chẳng làm nên cái tích sự gì - chưa nói là để lại ác cảm cho người nghe. Tuy nhiên thuở đó người ta vẫn dùng những câu hò vè để gởi gắm lòng mình. Văn chương bình dân của người Quảng Trị cũng không thoát ra ngoài khuôn mẫu ấy. Hò ân tình hay hò đâm bắt đôi khi không rạch ròi lắm. Vì có thể đang hò ân tình mà gặp phải những câu có ý châm chích là đối tượng  chuyển qua hò đâm bắt ngay. Nhưng cũng có khi đang hò đâm bắt mà chợt được "rót" vài tiếng êm tai là người nghe thích thú và câu trả lời chuyển qua hò ân tình lúc nào không hay. Như đoạn hò sau đây.
Chàng trai cất tiếng gạ gẫm:
- Đường đi cà trúc cà trắc. Ngó ra biển bắc viễn vọng mù khơi. Cho dù đây đó hai nơi. Rứa mà cá nước chim trời gặp nhau.
Bên nam mở đầu bằng phương pháp lung khởi: mượn đường, mượn biển để dẫn chuyện. Bên nữ cũng không vừa, nói vòng vo: mượn núi, mượn trâu, mượn ngựa để gởi ý mình:
- Núi cheo leo trâu trèo trâu trợt, ngựa trèo ngựa bỗ (ngã, té). Chuyện duyên tình tự cổ chí kim. Biết răng chừ cho đá nổi lông chìm, muối chua chanh mặn để mình nên đôi?
Khó đấy. Chẳng lẽ cô gái tự ví mình là núi cheo leo còn ta là trâu là ngựa sao? Lại còn nói những điều không thể xảy ra? Được! Kiêu thế thì ta bỡn cho nàng biết tay nhé. Ý nghĩ đó làm chàng trai đỏ phừng mặt hò lớn:
- Hơ hơ…Sông càng ngày càng rộng, núi càng ngày càng cao. Bởi gái thuyền quyên dĩ lỡ … với trai anh hào. Chừ sự tình đã ra như rứa thì tính sao cũng đặng mà.
Thiệt tức chết đi được. Nhưng bị gán cho thế thì buộc phải lên tiếng đính chính thôi. Thế là cô gái hò rằng:
- Ơi bạn mới ơi! Bạn mới mau đứng xa ra cho ngái. Ơi bạn cũ ơi! Bạn cũ cũng dừng lại cho xa xa. Bởi em đây đang còn mang thân nghèo khó nên mô dám mặn mà với ai.
Cái cách biện hộ của nàng coi bộ cũng hiền thục, không chua ngoa. Được nước, chàng liền cất tiếng … rao:
- Ngó lên trời tàu bay đang liệng. Ngó xuống quan lộ xe điện chạy liên miên. Ơi tình! Ơi nợ! Ơi duyên! Răng con mắt nớ không liếc qua đây mà kết vấn thề nguyền? Chứ mơ cao chi mà ni chờ mai đợi để lỡ duyên bạn cười.
Có thế chứ! Cô gái thầm đắc ý rồi thả một câu hò trí tuệ mà cũng không kém phần tự kiêu:
- Trèo lên cây chanh, hái chanh, ăn chanh, ngả áo bọc chanh.
Khuyên chàng chớ thấy chanh chua mà chép miệng, chớ thấy con gái lành mà chết mê.
Chà! Ghê nhỉ! Nàng ra câu đối chăng? Nào là cây chanh, hái chanh, ăn chanh còn bọc chanh trong áo. Đúng là chua thật. Chàng trai đang còn vò đầu bứt tóc tìm lời đáp thì cô gái lại lên tiếng:
- Chanh chua, chua trái chua cành. Xin anh đừng nếm mà thành khỉ con.
Lại thêm 1-0. Không biết nàng ta nói ăn chua sẽ nhăn mặt như khỉ hay chửi ta là đồ khỉ đây nhỉ. Chẳng lẽ xếp giáo quy hàng? Đến nước nầy thì đành phải gỡ gạc thôi:
- Chanh chua anh bẻ nguyên cành. Trái đem vắt nước, cây để dành… nấu cám heo.
 Đàn ông mà cũng trả treo ác hè? Không gian lắng đi một chốc rồi giọng hò thánh thót lại trỗi lên:
- Hơ hơ…Gặp anh đây hỏi chuyện anh đây. Sông sâu hay cạn? Đò đầy hay lưng?
Gió đã xoay chiều. Chàng gật gù. Thôi được! Nàng chuyển qua câu đố thì ta giải đố vậy:
- Hơ ơ… Một chuyến đò đầy năm bảy chuyến đò lưng. Sông có khúc sâu khúc cạn ai từng dò mới hay. Đò anh ghé bến còn lưng. Ai nhanh chân thì xuống trước ai lừng khừng thì xuống sau.
Câu hò đã chuyển hướng coi bộ không còn gay gắt, cô gái sẻ sàng:
- May ai thì ai qua chuyến đò trước. Rủi em thì em ngược chuyến đò sau. Nếu hữu duyên thì cũng như nhau. Xuôi buồm thuận gió kịp mau tới chàng.
Giọng hò mới dễ thương làm sao! Nghe thế chàng trai liền bày tỏ lòng mình:
- Ra đi mẹ có dặn lòng. Cam chua mua lấy ngọt bòng chớ tham. Cho dù cách trở quan san. Nàng đà hữu ý thì gian nan anh cũng chẳng sờn.
Cô gái cũng ý tứ nhắn nhủ:
- Nói lời xin giữ lấy lời. Đừng vì sóng cả mà rời thuyền em.
Được lời như cởi tấm lòng. Họ đã phục tài nhau. Thế là bắt đầu cho những lời thề nguyền, tình tự:
- Thiếp với chàng keo sơn gắn bó như ló (lúa) với chồ, như  chày vồ với cối, như lợi với răng. Trên có thiên tri thập đạo dưới có đất bằng chứng minh.
Thế nhưng chàng vẫn dặn dò:
- Thiếp gặp chàng như cá vàng gặp chậu, chàng gặp thiếp như hạc đậu lưng quy. Một lời giao nhận như ri: Có nơi mô giàu sang cũng chớ chuộng mà anh có khốn khó lâm nguy cũng chớ phụ tình.
Và lo ngại:
-         E mai nước chảy phăng phăng
Bạn tham chốn khác ai ngăn được chừ
Và:
Ước chi ngăn đón được ai
Sông sâu lấp lại, đường dài bớt đi.
Để chàng yên tâm, cô gái buộc phải nói rõ lòng mình:
-         Sóng xao bờ bãi khôn cùng
Dạ đây thương đó ngàn trùng người ơi!
 Dù thế, nỗi lo âu của chàng trai vẫn canh cánh:
-     E mai nói rứa không chờ
Cao tay tiền bạc lấp bờ ngăn đôi
E mai nói rứa rồi thôi
Giấy đi đàng giấy hồ trôi đàng hồ
Để trấn áp nỗi nghi ngờ của cái anh chàng Tào Tháo nầy, nàng phải tự xem mình như là cá chậu chim lồng:
-   Khuyên chàng chớ ngại đừng nghi. Sóng xao bởi gió em thì không xao. Mặc ai đua hội thuyền rồng. Em đây cá chậu chim lồng nỏ lo.
Vậy mà chưa yên tâm, chàng trai còn dặn dò:
- Thương thì đó đợi đây chờ. Có nơi mô đến ngõ trao thơ cũng đừng cầm.
Và cô gái phải khẳng định:
- Việc gì đón ngõ nhận thơ. Biết đâu trao lộn cái tờ giấy không. Trao thơ chắc chắn chi thơ. Hai ta tốt đợi bền chờ thì hơn.
Một khi đã tin vào nhau thì chàng trai liền trở về nhà để tính chuyện trăm năm:
-  Hò hơ… Khen ai tốt đợi bền chờ. Anh về làm cầu bắc sông rộng nối liền bờ đến nhà em.
Và họ cùng một lòng một dạ:
- Tay bưng dĩa muối chắm gừng. Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.
Còn đây là nỗi tương tư khi xa ngái:
-  Tay cầm trái cau vừa rọc vừa bửa. Tay cầm ngọn trầu vừa rọc vừa têm. Tưởng là lời thuận lẽ êm. Chàng xa thiếp cách dạ đêm âu sầu.
Hay:
- Thiếp trông chàng như than trông lửa. Chàng trông thiếp như đại hạn trông mưa. Dù nơi tê chẳng thiếu gì duyên ái nợ ưa. Răng bằng tình cũ nghĩa xưa mặn mà. Ơi người tình cũ nghĩa xưa. Nhớ răng mà nhớ những lời ăn tiếng nói thốt thưa dịu dàng.
Tình họ thiết tha là thế. Hy vọng phơi phới là thế nhưng chuyện đời không đơn giản như thế. Duyên không thành khiến chàng trai trách móc:
-  Dạ đây thương đó chưa nguôi. Đó răng như nước chảy xuôi ngoài bờ.
Khen ai tốt đợi bền chờ. Trở ra hội nớ ai ngờ rã duyên.
Cô gái biện bạch:
-   Mình thương nhau mà mà mụ o nói mần ri, mụ dì nói mần khác, ông chú nói trâu bạc, ông bác lại bảo trâu đen. Chồn đèn bao lăm thịt, con nít bao lăm hơi. Em đây chưa bao lăm tuổi mà phải chịu lắm cái sự đời đắng cay.
Rồi nàng khóc:
-   Em thương mà thầy mẹ khiến đừng. Hai hàng nước mắt rưng rưng ngắn dài
Chàng trai an ủi và khuyên lơn người thương::
- Khóc lóc làm chi nín đi ơi bạn. Tai nghe thầy mẹ bên nhà đành đoạn không thương. Hai ta đang vấn đang vương. Dù có nơi mô trong hơn nước sáng hơn gương cũng đừng.
Nhưng người phụ nữ thời ấy đâu dám vượt qua lễ giáo phong kiến:
- Thương không thương cũng quyền đương thầy mẹ. Tấm thân nầy chỉ là cải bẹ, nhánh dâu. Xa nhau đêm thảm ngày sầu. Khác chi Thuý Kiều xa Kim Trọng vì mấy câu hiếu tình.
Hay:
- Thầy mẹ thương thì con mới dám thương theo. Chiếc tàu đang chạy mà thả neo cũng phải dừng.
Và khi cất bước sang ngang, nàng cất giọng hò ai oán:
-  Em ở trắng tinh in tờ giấy bạch. Cơ chi ăn ở lau lách thì duyên đã bén duyên. Chỉ vì chữ hiếu trinh nên thiếp muộn chàng phiền. Ngậm chanh thì chua xót mà ngậm riềng thì đắng cay.
Lễ giáo phong kiến ngày xưa khiến người phụ nữ không chỉ đau khổ vì tình duyên dang dỡ mà còn khổ sở vì cảnh lấy chồng xa xứ, cảnh làm dâu và cả cảnh phải làm nàng Tô Thị.
Hãy nghe người con gái lấy chồng xa xứ than thở để thương cho thân phận của người phụ nữ thời ấy.
Khi theo chồng, lòng cô gái khắc khoải trong tâm dạ bất an:
-   Ra đi bỏ mẹ ở nhà. Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng.
-  Vai mang khăn gói qua đèo. Ngó lui thấy mẹ cheo leo một mình.
Và cái quay lại sau đây mới quá ư tội nghiệp:
-  Vai mang khăn gói lên non. Mẹ kêu một tiếng ới con. Con quay lại cúi đầu lạy mẹ 136 lạy. Sự bất đắc là dĩ sự bất đắc đành giã. Thầy mẹ đã bán gã thì người ta dẫn con đi hang rắn hang rồng cũng phải theo.
Đúng thế! Chữ “tam tòng” khiến cô gái khi về nhà chồng thì suốt đời cột mình ở đó, đến nổi chồng đi hang rắn hang rồng cũng phải theo. Nghĩa là dù biết nguy hiểm, dù biết chết cũng phải nhắm mắt tuân phục nhà chồng. Nàng chỉ còn cách ngậm đắng nuốt cay mà gởi nỗi lòng vào giọng hò ai oán:
- Người ta lấy chồng ở làng như vàng treo cửa ngõ. Em đi lấy chồng xa xứ như mõ không quai. Việc nhà làm quá canh hai. Cơm thừa canh cặn ai hoài anh ơi.
- Anh đến nhà em làm rể ăn cơm với cá. Em về làm dâu thầy mạ ăn rau má với rạm đồng. Thậm ư chí khổ mà đạo ngãi vợ chồng phải theo.
Công việc nặng nhọc. Ăn uống kham khổ. Lại thêm nỗi nhớ cha mẹ:
- Em đi lấy chồng xa xứ khác gì con thuyền đậu giữa vời. Đêm năm canh không thấy thầy nỏ thấy mẹ chỉ thấy biển trời mênh mông.
Nhớ. Nhưng việc về thăm cha mẹ không phải là chuyện dễ:
- Đường đi không tới một ngày. Xin chồng về thăm mẹ mà cứ hẹn rày hẹn mai. Không theo anh thì lỗi đạo tam tòng. Theo anh thì bất hiếu thất trung với mẹ già.
Rồi thân cò vò võ lo gia nương khi chồng đi xa:
-  Anh ra đi đường xa dặm thẳm. Em ở nhà lo tròn đạo hiếu với thầy mẹ như bát nước đầy không chọng nỏ chao. Đêm nằm mộng kiến chiêm bao. Xót xa trong dạ như ai bào lá gan.
Một mình người phụ nữ phải lo toan mọi việc:
- Ru hời ru hỡi là ru. Bên cạn thì chống bên su (sâu) thì chèo. Mình em cả chống cả chèo. Không ai tát nước đỡ nghèo một phen.
Sự cô đơn và vất vả làm nàng ước ao:
-  Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc, con chàng còn trứng nước thơ ngây. Phải chi chàng ở đâu đây. Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng.
Nỗi mong đợi ngậm ngùi ấy đôi khi làm người phụ nữ chạnh lòng:
-  Chàng ơi phụ thiếp làm chi. Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng. Đói lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương. Vì thương anh nên bờ bụi cũng lòn. Chớ không thương thì đường thẳng trăng tròn cũng mặc trăng.
Sự hy sinh, chịu thương chịu khó ấy đôi khi lại bị đáp trả bằng sự phụ bạc khiến người phụ nữ đau khổ chỉ biết gởi tâm sự mình vào câu hò ru con trong đêm vắng:
- Ru con cho théc cho muồi. Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua vôi chợ Quán chợ Cầu. Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh. Chợ Dinh bán áo con trai. Chợ Sơn bán nón, chợ Tài bán kim. Kim găm bâu áo mất rồi. Tiếc công thầy mẹ đứng ngồi chọn kim.
Hoặc có khi không thèm ví von mà nói thẳng tuột, gay gắt:
- Anh nói với em như rìu sa xuống đá, như rạ (rựa) chém xuống đất, như mật rót vào tai. Mà chừ anh đã nghe ai. Tranh mòn rui mọt, mèn phai hỡi mèn. (tranh, rui, mèn: Những thứ dùng để làm nhà).
Có một ngàn lẻ một câu hò tình tự thì cũng có một ngàn lẻ một câu hò than thân trách phận. Bởi vậy có dùng ngàn lẻ một trang giấy cũng chưa chắc đã ghi lại hết những câu hò của một thời Quảng Trị xưa. Bài viết xin tạm ngừng ở đây và trước khi chào tạm biệt, người viết xin chuyển đến quý vị vài câu hò đâm bắt đầy ẩn ý vừa nghịch ngợm, dung tục mà cũng không kém thông minh của những người thời xưa mà chưa thật là xưa ấy.
Đó là chuyện kể về anh thợ mộc láu cá. Một bữa kia có một họ tộc nọ thuê thợ mộc sửa nhà thờ họ. Biết tay thợ mộc vừa giỏi nghề lại vừa biết hò đối đáp nên một cô nàng trong đám phụ nữ giúp việc lo cơm nước muốn thử tài đã  cất tiếng hò:
-   Hò hơ … Thiếp xa chàng bơ ngơ báo ngáo. Chàng xa thiếp may áo quên bâu. Đêm năm canh ngày sáu khắc trong dạ sầu chứa chan.
Câu hò ân tình nhớ nhung khắc khoải là thế mà anh chàng thơ mộc lại nghịch ngợm trả treo:
-   Chàng xa thiếp tội đếch chi mà sầu. Cơm ăn ba đọi canh bầu một tréc to.
Cái giọng ngạo mạn kia làm cô gái nổi điên, cô dựa vào công việc thợ mộc của đối phương để… chửi một cách tinh quái:
-         Làm thợ chi anh chưa đắn đã đo. Xuyên xà chưa lắp đã lo đậy cù.
Câu hò đanh đá và dung tục ấy làm bọn thợ giật mình ngừng cả công việc nhưng đối tượng thì cứ tỉnh bơ, vừa tiếp tục làm việc, anh ta vừa cất tiếng hò trả lời:
-         Thấy ta có dạy cho ta. Nắng thì đậy nắng mà mù sa thì đậy mù.
Đúng là mướp đắng mạt cưa, đám thợ phá lên cười còn cô gái thì đỏ mặt chết trân. Nhưng là tay đáo để nên cô nàng vớt vát … chửi tiếp:
-         Con gà mái nằm ngay trong tổ. Nó kêu mấy tiếng tổ tổ anh tề.
Tay thợ mộc cũng không vừa, anh ta chỉ ra hàng tre trước ngõ:
-    Chim chàng làng đậu hàng tre họ. Hắn kêu ba tiếng họ họ nàng tê.
Đến nước nầy thì cô gái đành rút lui về méc các bậc trưởng thượng trong họ rằng hắn ta chưởi cả họ nhà mình. Các cụ tức lắm bèn tìm cách trả đũa. Nhân thể một bữa người thợ mộc ấy giặt áo quần phơi trước hàng tre, họ liền bắt lỗi rằng phơi quần trước nhà thờ họ là thất lễ, phạt vạ. Anh ta chịu phạt liền. Ngày chịu phạt, các bậc trưởng thượng trong họ ngồi chờ đánh chén. Khi hai vợ chồng lễ mễ xách rượu thịt đến, anh thợ mộc dặn bà vợ xách bình rượu nán lại ngoài gốc tre. Xôi thịt đã bày lên mà chưa có rượu, chờ mãi làm các cụ nóng ruột hỏi rượu đâu. Thế là anh ta giả vờ khúm núm: Dạ thưa! Xin họ chờ một chút ạ. Chắc tại nhà con mắc đi đấy (đi tiểu) đó thôi. Vừa thưa xong anh ta liền cất tiếng gọi lớn: Mạ cu ơi! Đấy mau lên để đem vào cho các cụ uống.
Chưa hết, ngày sửa nhà thờ xong, họ làm lễ tế. Hương đèn vừa lên, cụ tộc trưởng vừa thắp nhang quỳ xuống thì tay thợ mộc liền la lên: Thôi chết! Cây đòn đôông (dông) có chỗ chưa xuyên kỹ. Xin phép họ cho tôi lên đóng chốt lại chứ không thôi nó rớt xuống thì bể óc cả họ. Nghe thế ai mà không sợ, mọi người vội tránh ra để anh ta lên sửa. Chỉ đợi có thế, anh thợ mộc liền tuột quần, cột túm chéo hai vạt áo dài lại để che của quý rồi trèo lên chỗ đòn dông, tuy nhiên che làm sao kín? Cả họ ngơ ngác mất một hồi rồi các cụ đồng loạt hét lớn: Anh tê làm cái quái chi lạ rứa hử? Vẫn khúm múm che trước dấu sau trên trần nhà, anh ta lễ phép trả lời: Dạ thưa họ! Hôm trước tôi lỡ dại phơi nó trước hàng tre đối diện nhà thờ còn bị họ phạt vạ nên nay đâu dám đưa nó lên trên bàn thờ họ của các cụ.
Thật là ác. Đuối lý, cả họ đành chịu thua, tức ói máu mà chẳng làm gì anh thợ mộc được. Đòn trả đũa đó quả là ghê gớm.
Lại có chuyện kể có lần nhà kia tổ chức hò đối đáp giữa sân, ông chồng vô tư cứ hết hò tình hò tứ với cô nầy lại hò đối hò đáp với cô kia. Bà vợ ở trong nhà bận dỗ con đã lên máu hoạn thư, thế mà cao hứng ông chồng còn kêu vợ ra hò cho vui. Thế là bà vợ ở trong nhà hò vọng ra:
-         Vui chi mà hát mà hò. Con thơ hai nách đứa bò đứa đeo.
Ha ha ha… thế là trăng chưa tàn, bóng chưa xế bà con đã lục tục kéo nhau về nhà … ngủ. 
Thôi nhé. Tôi chỉ nên ghi lại chừng đó thôi. Sân chơi chữ nghĩa còn mênh mông, xin mời mọi người tham gia tiếp cho vườn dân ca Quảng Trị của quê mình thêm phần phong phú. 
Chiều thứ bảy, đầu mùa hạ năm 2010
Nguyễn Thị Liên Hưng 
 Tải Blog: 21.4.2010


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét