Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Từ ngõ Huế xưa-T.K.Đoàn

TỪ NGÕ HUẾ XƯA

Không ngờ rồi sẽ có ngày một chú bé quê lại được vào trường Quốc Tử Giám. 
Tôi được vào học lớp đệ thất trường Hàm Nghi Huế năm 1958.  Thỉnh thoảng vào những buổi sáng sắp hàng chào cờ thầy hiệu trưởng Hồ Văn Lê và thầy tổng giám thị Lê Hiếu Kính vẫn nhắc nhở rằng, nơi chúng tôi đang đứng là trường Quốc Tử Giám ngày xưa.  Quốc Tử Giám là trường Đại học Quốc gia đầu tiên xây dựng ở thành Thăng Long Hà Nội vào năm 1076 và trường “Đại học Quốc gia” này được xây dựng ở Huế vào năm 1821 dưới triều vua Minh Mạng.  Quốc Tử Giám là trường dành riêng cho con vua cháu chúa đến học.  Gần một thế kỷ rưỡi sau, khi con cháu của hàng dân dã như chúng tôi bước đến vùng đất một thuở Hoàng triều nầy, thì Quốc Tử Giám uy nghiêm ngày xưa chỉ còn là tên gọi Di Luân Đường, tên ngôi nhà lớn ở giữa làm đại giảng đường thời cổ, nay trở thành nơi thờ phụng đức Khổng Tử và viện nghiên cứu Hán Học.  Ba dãy nhà làm cư xá cho các hoàng thân, cậu ấm xưa kia, nay được dùng làm phòng học của chúng tôi và văn phòng của nhà trường.  Rồi bốn năm Quốc Tử Giám êm đềm đi qua.  Những cậu bé quê cũng học được chút ít văn minh thành phố.  Ít ra thì đầu óc chân tay cũng nhạt bớt chất phèn của “quê hương em nước mặn đồng chua”, lên được hàng “trình độ văn hóa đít lôm” đủ làm kẻ sĩ miệt đồng.
Sau Hàm Nghi là Quốc Học.  Trường Quốc Học Huế cũng mang trên mình một lịch sử le lói không thua gì Quốc Tử Giám.  Quốc Học vừa “oai” vì có cái tên rất sang; lại vừa có một lịch sử vang bóng như những dấu ấn chói mầu son của chốn Hoàng triều cương thổ.  Được xây dựng từ năm 1896 dưới triều vua Thành Thái với cái tên Pháp Việt đề huề là Lycée Khải Định.  Lần đầu tiên, nơi chốn đế đô thâm nghiêm, truyền thống “kỵ húy” khắt khe đến mức tên thê thiếp của nhà vua cũng không dám gọi thẳng, thế mà lại lấy tên một ông vua ra đặt tên trường không khác gì ở Paris. Đây là nơi dành riêng cho con cái của các hoàng thân, quốc thích và quan lại đến học.  Trường Quốc Học đã là lò đào tạo nhân tài của hai thế hệ Tiền chiến và thế hệ Chiến tranh Việt Nam trong cả nước.
Tôi học lớp đệ tam, được đeo “một quèo” ở biển tên màu xanh may trên ngực áo sơ mi trắng.  Học trò đệ tam Quốc Học là hàng lính mới tò te, nên phải biết e dè và khiêm tốn đi về ngày hai buổi trên con đường trái tim chất ngất ân tình nhất của Huế.  Đó là con đường Lê Lợi dọc sông Hương, từ Đập Đá lên ga Huế.  Nhưng khi đến trường Đồng Khánh và Quốc Học con đường bỗng mất tên, biến dạng, quên cả tuổi đời, đổi áo nhân gian để trôi vào ảo ảnh.  Đường sẽ mang tên:  Con đường áo trắng, đường phượng bay, đường mang tên em, đường áo tím, đường tình sử, đường tôn nữ… Tên mỗi con đường mang ý nghĩa riêng đối với một người, một thuở, nhưng cái chung của nó vẫn là nét đẹp không tàn phai.
Cái tự nhiên, xuềnh xoàng từ trong bản chất của gã học trò miệt đồng như tôi thường xuyên bị đánh thức.  Cứ mỗi sáng thức dậy, chuẩn bị sách vở đến trường, nghĩ đến khi đạp xe qua cầu Trường Tiền, quẹo phải, ngang qua trường Đồng Khánh phải xông pha phơi mình giữa một rừng áo trắng, tóc thề, và những đôi mắt hải đăng ẩn mình sau nón lá là tôi phải “dọn mình” cho gọn gàng tươm tất.  Quệt thêm một chút nước lạnh chải đầu cho gọn.  Lấy bộ áo quần xếp nếp thẳng tưng dằn dưới phản ngủ suốt đêm ra mặc. Nếu không đi học trên đường phượng bay, ngang qua trường Đồng Khánh có lẽ đời tôi sẽ đơn giản hơn.  Rồi đến những mùa thi, tương lai xa vời vợi, tôi ít nghĩ tới hơn là siêng năng hé cửa nhìn trộm cô bé Đồng Khánh học cùng cấp lớp bên cạnh nhà. Tôi dại dột không dám thổi đèn ngủ sớm hơn, nếu ánh đèn nhà bên chưa tắt, mặc dù tôi đã ngáp dài, ngáp ngắn, cố vật lộn với cơn buồn ngủ cứ níu tôi về với thực tại. Tôi tưởng tượng quả đất sẽ quay ngược chiều nếu ngày treo bảng tú tài mà cô bé đậu còn tôi rớt.  Thế mà năm sau cô bé đậu còn tôi rớt kỳ đầu thiệt tình.  Tôi chẳng dám nhìn ai và dĩ nhiên là không dám nhìn cô bé đã lên “bà tú”, rồi lặng lẽ cuốn gói rời nhà trọ về làng bế môn gạo bài thi kỳ 2.
Hỏng thi là một biến cố của đời học trò bất kỳ ở đâu.  Nhưng đối với học trò Quốc Học chúng tôi thì hỏng thi tú tài là “đệ nhất buồn” vì có ngôi trường Đồng Khánh bên cạnh.  Cái nhìn ghẻ lạnh hay thương hại của người đẹp đối với người thua cuộc sẽ nhức buốt như một bản án tuyệt tình không công bố đối với kẻ sa cơ.
Trường Đồng Khánh ảnh hưởng lên con dân Quốc Học như thế nào thì quả là khó mà lường được.  Nhưng tôi đã nghe một thằng bạn thuộc loại đẹp trai, con nhà giàu, học… lếu long trọng phát biểu về nữ sinh trường Đồng Khánh như sau:
- Dân Đồng Khánh dễ sợ chi lạ, nói không “ngạ”!
Cách diễn tả thuần Huế như vậy là một lọai “công án” Huế; một sự đem nghìn trùng về giữa hư không.  “Dễ sợ” là một khái niệm cực tả mà mọi quy ước của ngôn ngữ đều bất chấp hình tướng, không bị giới hạn bởi kích thước của sự ví von, cân đo đong đếm. Đó là một cảm nhận gần với tuyệt đối, mạnh hơn cả một chùm tiếng “rất”.  Rất, rất, rất… đẹp sẽ không đẹp bằng “đẹp dễ sợ!”.  “Ngạ” cũng là khái niệm của vô biên.  Nói không ngạ là không thể nào nói hết ra bằng lời.  Cách nói Huế là cách nói bằng cảm nhận.  Nói hơi, nói bóng, nói một vầng mây bay qua thay cho lời trần tình về mơ ước tình yêu chan chứa cả bầu trời xanh; nói “sợ mạ la” thay cho một sự gật đầu hò hẹn.  Ngôn ngữ giàu cảm xúc nhất của Huế là nói mà không cần hiểu hay hiểu cách nào cũng được.  Chỉ cần cảm nhận “như rứa” và thấy hay.  Cái hay không qua ngõ ngách của phân tích và lý luận mà đi thẳng vào cảm quan người nhận như lời nhạc mang chất thơ dễ cảm nhưng khó hiểu của Trịnh Công Sơn.  Dễ cảm mà khó nhận như một lần qua bến đò Thừa Phủ chiều mưa, vắng vẻ và cảm thấy buồn.  Nỗi buồn vô lý, vô duyên và vô cớ cứ lất phất bay từ đầu sông tới cuối bến.  Qua đò, không cần biết có ai chờ ai, ai nhớ ai, ai con nhà ai và ai đã vắng, nhưng vẫn có nổi cảm xúc mênh mang chực chờ đâu đó.  Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai!
Riêng tôi, suốt ba năm học Quốc Học, ngày lại ngày đạp xe đi học qua trường Đồng Khánh, nhưng chưa bao giờ có dịp dừng lại trước cổng trường vôi hồng pha sắc tím đó.  Lý do tôi không dám lân la bén mảng đến trường Đồng Khánh vì thuở học trò, tôi cảm thấy Đồng Khánh cả người lẫn ngựa đều mang một vẻ gì vừa sang, vừa đẹp, không hợp với bản chất nông dân chất phác của mình. 
Dân Đồng Khánh đẹp nhất là dáng vẻ bên ngoài.  Mặt mũi nội dung ra sao chưa biết, nhưng với cái vóc dáng thanh thanh, khoác lên chiếc áo dài tha thướt, quần dài trắng tinh tươm, thanh khiết, nuột nà; với dãi tóc mây đen tuyền, mọc ra từ chiếc nón lá trắng ngà, óng mượt phủ lên lưng, chảy xuống bờ vai và uốn lượn với gió đã tạo nên những huyền thoại về “cô gái sông Hương”.
Hình như những dáng vẻ thanh nhã như vậy thường hứa hẹn một khuôn mặt không diễm kiều thì cũng rất thơ, e ấp núp dưới pháo đài là cái bóng vạn lý của chiếc nón lá và dãi quai nón có hình dáng và mầu sắc nói nhiều hơn cả vài trang tiểu sử.  “Người lịch sự không ngoái cổ nhìn lui”, tôi biết vậy nên họa hoằn lắm mới dám liều lĩnh quay nhìn lui một khuôn mặt tưởng đâu đã yên thân sau vành nón.  Đi xe đạp nhìn lui một nàng tuyết trắng Đồng Khánh, tôi thường ít sợ bị mắng “ba nhe” hơn là cảm giác vỡ mộng nếu lỡ bắt gặp một khuôn mặt được dựng lên trong phút đãng trí của “bà Mụ bắt lầm”!
Dân Đồng Khánh thường làm cho dân Quốc Học chúng tôi không ít chàng bỗng thành nghệ sĩ, thi nhân, lãng tử và đôi khi cũng thành anh hùng thật bụng và anh hùng... vớ vẩn, chỉ vì từ buổi có em.  Người Đồng Khánh còn có khúc “mê hồn ca” vì giọng nói, tự nhiên cũng nhiều mà làm điệu cũng không phải là ít.  Âm vang tuổi thanh xuân tròn và ngọt lịm của giọng nữ có sức lay động đã dành, nhưng cách dùng từ nhẹ nhàng, chọn lọc và quý phái của giới nữ sinh thành phố Huế cộng với nghệ thuật diễn cảm gợi hồn như thì thầm, cắn môi, nheo mắt, bỏ lửng, đam mê, đăm chiêu, hờn dỗi, lạnh lùng... còn làm cho dân Huế ngoại vi thành phố như tôi đủ ngẩn ngơ bạt vía; nói chi đến những chàng trai xứ Quảng mướt mồ hôi trèo đèo, lặn lội… ra thi!
Ai đã chọn ngôi nhà sát nách trường Quốc Học để dựng lên trường Đồng Khánh quả là một thiên tài đầy lãng mạn về khoa phong thủy và nghệ thuật. 
Nếu đứng quay lưng về phía núi Ngự Bình, nhìn ra sông Hương trước mặt, sẽ có “Nam tả” là trường Quốc Học và “Nữ hữu” là trường Đồng Khánh.  Hai ngôi trường mang thế cực dương và cực âm tạo thành một cặp đôi “âm dương bình hành” qua gần cả một thế kỷ lịch sử học trò.  Chắc chắn là hình ảnh cô nữ sinh Đồng Khánh sẽ không nên thơ đến mức huyền thọai như thế nếu trên đường Lê Lợi bên bờ sông Hương không có bóng dáng của những chàng trai Quốc Học: Vắng chàng, vàng rơi nỏ tiếc!
Ngày kỷ niệm Quốc Học 100 tuổi và Đồng Khánh 79 tuổi, tôi có cảm tưởng như đây là ngày tình sử “Bách niên giai lão” của hai ngôi trường “cặp đôi” – Vẫn mãi mãi là cố nhân – dẫu cho “Cây đa bến cũ con đò khác đưa”! 
Xa quê hương, cũng có nghĩa là xa Huế, xa Quốc Học Đồng Khánh, xa những mảnh đời ngọt ngào và cay đắng… mà tất cả đã thành kỷ niệm nằm sâu trong những ngăn ký ức.  Có những lúc thật bất chợt, ngăn ký ức bật nắp và cơn lũ của hoài niệm cuồn cuộn cuốn phăng những dòng suy tưởng cho suối nguồn tình cảm kéo những nỗi buồn vui đi về đâu xa tắp.  Như sau cơn lụt có những bờ đất trầm lỡ, dăm mảnh đất mang một hình hài mới nhưng đây đó vẫn còn lại dấu vết của ngày xưa.  Nơi đây, quê người, nếu giờ nầy là 5 giờ chiều ngày thứ năm sắp tan sở ở Cali thì bên tê, Quốc Học Đồng Khánh là 7 giờ sáng ngày thứ sáu.  Có tiếng trống báo giờ vào lớp.  Tôi nghe, từ một nỗi nhớ rất sâu, nhưng không rộn ràng vì dư âm đã tan vào đất, lắng vào lòng, hốt mê hốt giác hơn 40 năm…  
 
          Đêm Hồ Trường Quốc Học
          Trong lịch sử 100 năm của trường Quốc Học, không biết có thời kỳ nào mà bảng kết quả kỳ thi tú tài 2 lại có một tác dụng mang tính quyết định cho số phận con người mạnh mẽ đến như thế.  Mảnh bằng không chỉ là dấu hiệu của học vấn mà còn là một quyết định gần như tối hậu cho một thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi, được tạm yên thân hay phải bị nhổ bật cả gốc rể như thời kỳ của tôi vào những năm giữa thập niên 1960.  Khi tấm bảng niêm yết danh sách thi Tú Tài vừa treo lên, cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị đổi đời: Vào đại học chuyên nghiệp, đại học tự do; vào quân truờng rồi ra chiến trường hay chẳng vào đâu cả… đều có nghĩa là bước vào một cuộc đời, một cách sống hoàn toàn mới mẻ.
          Tôi tình cờ được dự buổi họp mặt học sinh Quốc Học mùa Hè tại nhà Nguyễn Thành Nhân gần sân vân động Tự Do.  Thật ra, đây là một cuộc họp mặt của một nhóm thân hữu học sinh lớp 12 Quốc Học với sự tiếp tay của những người đẹp Đồng Khánh, Kiểu Mẫu, Bán Công, Mai Khôi…  Chủ lực là các gã tú đậu thết đãi an ủi mấy chàng tú hỏng.
          Đây là cuộc họp mặt học trò làm tôi nhớ đời vì không ngờ sau đêm chia tay ấy, có đứa đi lính bên nầy, đứa trốn vào bưng biền đi bộ đội bên kia.  Nhiều đứa trong “Đêm Hồ Trường” hôm đó, ngất ngưởng men rượu Thiên Tường, rượu Làng Chuồn nằm gác chân lên nhau mà ngủ, sớm mai chia tay đầy lưu luyến.  Nhưng rồi qua nhiều biến cố dồn dập trên quê hương, có những đứa bạn gần gũi cùng ngồi chung bàn, chung lớp ở Quốc Học nhưng lại không chung hoàn cảnh và chí hướng    Chiến tranh bão liệt lan ra khắp nơi, chỉ còn chừa lại cái lõi thành phố. Thơ xanh êm ả pha mùi lãng mạn sướt mướt thời tiền chiến, cũng như thơ lữa của Quang Dũng hừng hực khí thế kháng chiến chống xâm lăng… đã trở thành quá khứ.  Vẻ mệt mỏi, trăn trở, than van pha mùi triết lý về quê hương đau khổ và thân phận làm người như Jaspers, Sartre, Remarque, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… trở thành khuynh hướng thời thượng. Bài thơ được ưa chuộng nhất trong các tiệc rượu thời nầy là bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trạc có lẽ vì bên cạnh hơi hướm lãng tử và trăn trở, Hồ Trường còn có thêm niềm bi phẫn của kẻ sĩ sinh chẳng gặp thời.
          Gã nghệ nhân được ưa chuộng và nhớ đời trong đêm họp mặt hôm đó là Lê Văn Thôi, người vừa diễn, vừa ngâm bài Hồ trường sống thực và sống động đến nỗi 40 năm sau còn có người nhắc lại “Đêm Hồ Trường”.
          Thôi là con nhà Huế toàn ròn nên mới có tiếng ngâm thơ Bình Trị Thiên mềm và ướt vì có tẩm sương núi, ướp gió Lào như mây trên núi Bạch Mã, nhưng cũng buồn xé ruột như điệu ca Hời Nam Ai.
          Một buổi tiệc học trò mang tiếng là họp mặt nhưng thực sự là để chuẩn bị chia tay.  Mỗi cuộc chia tay trên xứ Huế thường mang một vẻ gì u ẩn nao lòng vì tâm Huế bao la nhưng tay Huế nhỏ quá, không đủ bao bọc cho bầy con tứ xứ trở về.  Đã ra khỏi Huế thì đừng mong ngày về mà hãy chuẩn bị tâm trạng nhớ Huế, trông vời quê mẹ.  Những người trẻ có mặt trong đêm Hồ trường bịn rịn tìm nhau vì cảm nhận được điều đó.
          Đêm xuống đã sâu, nhưng không ai muốn chia tay.  Sợ chia tay không có ngày gặp lại.  Bởi vậy tiếng ngâm thơ của Thôi trở thành chất keo gắn những nỗi bâng khuâng dính chùm trong cảm xúc.
Sau lời giới thiệu của Nhân, trong sự im lặng chờ đợi, tiếng cười vỡ vụn của Thôi bỗng vang lên.  Nửa như đau xót, nửa như hào hùng trêu chọc.  Con nhà hội họa hóa trang thật tài tình.  Khuôn mặt thư sinh của Thôi, thêm mấy chòm râu, điểm những nét nhăn hằn lên trên trán, với cái khăn mỏ quạ và chiếc áo dài đen bạc màu mượn của bác cai trường đã biến Thôi thành hình ảnh một kẻ sĩ thời xa xưa sinh chẳng gặp thời. Một tay ôm bầu rượu, tay kia đặt trên đốc kiếm.  “Hồ rượu” và “bảo kiếm” đều là các dụng cụ hóa trang vở kịch Tiếng Gọi Lam Sơn của Trần Quang Long diễn trong trại Hè học sinh Quốc Học còn sót lại.  Sau tràng cười kinh động là tiếng kiếm rút ra khỏi vỏ “rít” lên qua cửa miệng của Thôi.  Đường kiếm múa lấp loáng mê cuồng như đang nhịp theo một bản cuồng ca. Những bè bạn thân quen không ai ngạc nhiên với đường kiếm bay bướm của Thôi vì biết gã là một sư huynh của phái Nga Mi Bãi Dâu; nhưng đối với khách lạ thì căng mắt ngồi nhìn một cách khoái chí.
          Bỗng tráng sĩ nhà họ Lê im bặt, tra kiếm vào vỏ, rồi cúi gầm nhìn đăm đăm vào hồ rượu. Tiếng ngâm như từ vực sâu cuồng nộ, khí khái cất lên:
          Trượng phu sao không xé gan bẻ cật,
          Phù cương thường hà tất tiêu dao!
          Tiếng ngâm thơ Bình Trị Thiên đanh như vết chém.  Những âm sắc vút lên cao nhọn hoắc, rơi dần lảo đảo với một chút ỡm ờ và giọt xuống:
          Bốn bể lưu lạc tha hương,
          Trời Nam nghìn dặm thẳm,
          Non nước một màu sương.
          Kẻ sĩ lại ngước lên nhìn trời như đang cầu xin một ân điển, nhưng rồi hai tay buông xuống, vuốt nhẹ mái tóc đã bạc màu. Trời thì quá xa mà kẻ sĩ đã về chiều nên cũng đành đành thú nhận:
          Chí chưa thành,
          Danh chưa đạt,
          Trai trẻ bao lăm mà đầu đã bạc,
          Trăm năm thân thế bóng tà dương!
          Im lặng!... Một thoáng yên ắng lắng sâu trong ánh đèn dầu lay lắt.  Tráng sĩ trỗi dậy, gươm tuốt trần, rượu đầy hồ, tiếng ngâm ngân lên rộn ràng, xôn xao giữa tâm hồn bão nổi:
          Vỗ gươm mà hát,
          Nghiêng bầu mà hỏị
          Thiên địa man man,
          Ai người tri kỷ
          Lại đây cùng ta cạn một hồ trường!
          Không rõ Thôi đang diễn tuồng hay đang ngất ngưởng trong những khoảnh khắc phù du mượn tạm một vai trò để sống.  Nhưng lạ lùng là đôi mắt đam mê đầy hào khí của Thôi lấp lánh tình bầu bạn, chiếu thẳng tới nhãn quan từng người có mặt. Tiếng ngâm thơ dạt dào và hưng phấn, nhưng cũng dằng dặc nỗi buồn của kẻ đi đường xa chưa gặp bạn đồng hành:
          Hồ trường!
          Hồ trường ta biết rót về đâu?
          Vẫn im lặng. Thôi giương cao bầu rượu và nối đuôi theo tiếng ngâm thơ mời gọi:
          ...rót về đâu? Ta biết rót về đâu?
          Có tiếng đáp thật bất ngờ:
- Rót về đây đi tráng sĩ ơi!
Đó là tiếng của Chiêu Hà “Vélo Solex”, cô bé Đồng Khánh “mode” nhất ở đường Phan Bội Châu, nổi tiếng như cồn vì mái tóc ngắn “đờ mi gạc xông” rất có duyên với dáng Tây Phương, học võ Karate với giáo sư Ngô Đồng và cỡi xe Vélo chạy phon phon trên đường phố Huế.
Mọi người quay lại vừa khi Thôi nghiêng hồ rượu rót vào ly nước chanh đã cạn của Chiêu Hà. Rồi Thôi nghiêng hồ rượu và khoát tay mời anh em cùng uống.  Người đẹp Đồng Khánh đã đưa ly lên môi, thì những người hùng Quốc Học không còn lý do e dè hay từ chối.  Tất cả cùng uống. Tiếng ngâm thơ lại nổi lên nửa như thách đố, nửa như mời gọi trong nỗi trần tình đầy cảm khái:
Rót về Đông Phương, (ư) ?
Nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lãng!
Thôi lại đưa cao hồ rượu quá đầu, hỏi tiếp:
- Hồ trường... Hồ trường ta biết rót về đâu… Rót về đâu?
Có nhiều tiếng đáp một lần, cả tiếng trong veo của người đẹp đâu đó đầy phấn chấn:
 - Rót về đây!
          Thôi lắc đầu theo tiếng thơ chảy xiết:
- Rót về Tây phương, (ư)?
Mưa Tây sơn từng trận chứa chan!
Và tiếp:
-...biết rót về đâu?
Lại thêm năm ba cái ly đưa lên. Thôi rót đầy rượu cho từng người rồi chỉ tay về Bắc:
- Rót về Bắc phương, (ư)?
Ngọn Bắc phong vi vút cát chạy, đá giương!
Âm hưởng giọng ngâm thơ của Thôi rung cảm tới mức mọi người đều đứng dậy, nâng ly uống cạn trong tiếng thơ hướng về Nam:
- Rót về Nam phương, (ư)?
Trời Nam mù mịt!
          Hồ rượu trong tay Thôi lại được châm đầy và rót cạn tới bao nhiêu lần nhưng niềm vui pha men đắng của sự sum họp tạm bợ trong cuộc chiến vẫn tràn trề,  mỗi lúc một cuồn cuộn dâng lên trong cơn mê hồ trường. Dáng đi của tráng sĩ Thôi đã ra chiều chếch choáng.  Thôi lấy hết tuyệt kỹ để ngâm tràn những giọt thơ còn lại:
Có người quá chén như điên như cuồng!
Nào ai tỉnh, nào ai say,
Chí ta ta biết, lòng ta ta haỵ
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thủy,
Hà tất cùng sầu đối cỏ câỵ
Tiếng ngâm thơ đã dứt một thoáng qua rồi mà không khí vẫn lặng im ngây ngây. Không hiểu thơ đang say lòng người hay người đang say men rượu bốc thành thợ.  Cho đến khi hồ rượu cạn tuột khỏi tay người cuồng sĩ, rơi xuống vỡ tan mới chợt nghe tiếng vỗ tay kéo dài như luyến tiếc...
 
1
 
Thiên địa man man, ai người tri kỷ... nên chúng tôi không còn dịp gặp lại nhau ở quê nhà.  Những thằng bạn “Hồ trường” một thuở gặp nhau ở Cali. Nguyễn Trát, Hoàng Kính, Nguyễn Lập, Phạm Tuế, những thằng bạn chân quê của tôi qua Mỹ theo diện H.O. Tôi và Mảng Bảo Thạnh chèo ghe đi chui qua biển. Đặng Văn Tuấn và Lê thị Hoa du lịch Mỹ bằng máy bay. Bạn cũ gặp lại ở quê người, điểm lại những khuôn mặt trong ngày hội ngộ Hồ Trường 40 năm trước thì hơn một nửa đã qua đời vì tử trận, chiến tranh, mất tích, bệnh tật, tai nạn bất ngờ… 
Rót về đâu?  Sự bâng quơ lạc lối một thời vẫn còn đó như một vấn nạn chung thân của kiếp người.  Hơn một nửa bạn bè đã về đất, nhưng có mấy người biết “rót về đâu” để hồ rượu đời khỏi tràn be giọt xuống sông Hương, chảy về Nam Hải.  Hình như vẫn còn một nơi an toàn nhất để rót cho đầy, uống cho cạn hết Hồ trường mà vẫn không say; hay say mà không cần uống: Đó chính là lòng mình.  Có ai đã bưng hồ rượu để rót về lại lòng mình để tìm lại chính mình và kết mình làm tri kỷ.  Con rồng, con phụng cao sang tận đỉnh trời, nhưng phải triều nguyệt hay tranh châu để mượn ánh sáng mặt trời, mặt trăng soi rọi cho mình.  Đời sống Việt Nam chỉ có một con chịu đốt chính mình để làm ra ánh sáng.  Đó là con cúi bằng rơm với thân tâm nhẹ nhàng, rỗng lặng và vô ngã.
 
Ngày Về...
Đồng Khánh là ngôi trường định mệnh của tôi về cả nghề lẫn “nghiệp” dạy học vì đây là nơi đầu tiên tôi bước chân vào và cũng là nơi cuối cùng tôi bước chân ra khỏi nghề dạy học trên quê hương Việt Nam.
Nơi đầu tiên tôi bước lên bục giảng là lớp Đệ nhị C của cô Thanh Tâm với tư thế là một giáo sinh thực tập.
Để cho “ăn khách”, tôi cũng đã cẩn trọng ăn mặc theo lời khuyên của quân sư tiểu muội Đông Hải với áo sơ mi trắng, cà vạt tím Huế điểm hoa chìm, quần tây màu sậm, gót giày kê lên một chút cho có vẻ cao... thượng!
Nghe đâu học trò ban văn chương (ban C) Đồng Khánh đều là những “con yêu bánh nậm” có nội công thâm hậu và miệng không cần bôi mỡ mà ăn nói vẫn cực kỳ lưu loát trơn tru.
Buổi sáng vừa bước chân vào lớp, phái học trò đã xì xào xuất chiêu trước không cần tốn thì giờ để phân ngôi chủ khách gì cả:
- Chà, thầy ni có cặp mắt đẹp ác liệt tụi bây ơi!
Một giọng khác từ phía “hậu trường” lắc xắc phóng lên:
- Hi, hi! Cà-la-hoách tím cả chiều hoang biền biệt.  Úi chao ơi! Ngoài hai mươi tuổi yêu mười bảy.  Tim tím ban chiều tim tím mai! Tim tím sim rừng tim tím núi.  Đời răng nhiều tím rứa anh ơi!
Tôi phải lạnh lùng làm chủ tình thế.  Mặc cho yêu quái lộng hành, mình cứ mủ ni che tai. Nhắc cái thiết bảng Tôn Ngộ Không lên tai giả điếc vân du vào động yêu là chắc ăn. Đến lượt tôi “ra chiêu” gọi đám tiểu nữ bằng “các em”, xưng “tôi” thì phản ứng xì xào nghe càng dễ bị nao núng tinh thần hơn.  Từ bàn thứ hai, có tiếng vọng nhỏ như tiếng thì thào:
- Em ơi nếu mộng không thành thì sao… Em, em… ôi, thiệt xưng hô chi mà nghe ngọt xớt, muốn rớt nửa trái tim luôn!
Học trò nghịch tới cỡ nào đi nữa thì vùng bảng đen và bục giảng vẫn là giang sơn bất khả xâm phạm của ông thầy.  Tôi phải mở đợt phản công từ chiến tuyến của mình bằng cách dõng dạc điểm danh và kêu học trò trả bài cũ. Tôi nhắm ngay mấy tiểu nữ có tên gọi rất yêu kiều nhưng mang cột điểm toàn “bị gậy” (zero và một) lên trước để trấn áp đối phương và vãn hồi an ninh trật tự.
Nữ sĩ đầu tiên lên trả bài, có tên gọi đẹp như giòng sông, không thuộc bài.  Cô bé lúng túng đứng sát góc bàn thầy giáo, mắt chớp chớp nhìn lên như muốn kéo cái trần nhà xuống che mặt, rồi nhìn xuống, trán lấm tấm mồ hôi làm cho những sợi tóc mai dán lên má hồng chín ửng, tay vân vê chéo áo dài trắng thêu hoa tím.  Cô bé nhìn quanh vối đôi mắt mọng nước như sắp khóc.  Thì ra nội lực của các cô nương Đồng Khánh có tiếng mà không có miếng.  Yêu Bánh Nậm khi lâm trận  cũng mềm nhũn như cuốn bánh ướt mà thôi.  Nghĩa là các nàng chỉ dám phục kích núp sau bàn chọc thầy, chứ bị kêu lên vùng giang sơn lãnh địa của thầy cô cũng bối rối và có khi “run như run thần tử thấy long nhan” nếu học bài chưa chín.
Đến phần giảng văn, tôi dạy bài Tống Biệt của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.  Tôi cố chứng minh thủ pháp dụng hình đầy biểu tượng trong thơ Tản Đà đã làm nổi bật tính chất huyền ảo, vĩnh hằng, an lạc của chốn Thiên Thai.  Nhưng bài bình giảng tung ra chưa hết sách vở thì đã có vài ba cánh tay giơ lên nêu thắc mắc.  Tôi chỉ một học sinh có dáng thiệt thà nhất.  Nữ hảo thủ nầy có giọng nói uyển chuyển, nhưng đầy tự tin và quyết đoán.  Cô ta phản bác lại ý kiến của tôi khi cho rằng, thủ pháp thi ca của Tản đà trong bài Tống Biệt là quá câu nệ về từ ngữ và hình thức trau chuốt nên chưa đạt.  Cô bé lý luận là tại sao tả cảnh Đào Nguyên mà vắng bóng những nàng tiên xinh như mộng, vắng điệu múa nghê thường.  Từ đầu chí cuối chỉ có thấy đá mòn, rêu nhạt, nước chảy hoa trôi giống như... mùa mưa trong sở thú Sài Gòn.
Tôi đã soạn bài dạy kỹ lưỡng trong mấy tuần qua và dợt đi dợt lại nhiều lần nên thoát hiểm không mấy khó khăn trước sóng gió võ lâm giữa rừng con yêu bánh nậm Đồng Khánh.
Hết giờ, chàng giáo sinh trẻ tuổi trong tôi nghe vui vui qua lời nhắn với: “Thầy giảng nghe ‘điệu’ quá.  Mai mốt trở lui dạy lớp tụi em nữa thầy hỉ?”  
“Mai mốt” đó là gần mười năm sau.  Tôi trở lại Đồng Khánh.  Bục giảng một thời còn đó , nhưng những người “muôn năm cũ” đã biền biệt nơi mô?  Đồng Khánh ngày tôi về không còn “lá đào rơi rắc chốn Thiên Thai” như thuở tôi say sưa giảng bài Tống Biệt.  Cà vạt tím Huế ngày xưa chỉ còn là dư ảnh của một chặng đời quá khứ.
 
và Giã Từ Đồng Khánh
 “ Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương; như người thương nhắn gởi người thương... !”.
 Tiếng hát của Diệu Hoàng, một nữ sinh lớp 12, vang vang và lưu lại trên từng lớp vôi hồng trường Đồng Khánh vào những ngày còn ngỡ ngàng, nhưng đằm thắm của cái “thuở ban đầu” anh em Bắc Nam mới sum họp.
          Ngày đó, tôi là một thầy giáo dạy Văn còn trẻ. Lý tưởng làm đẹp cho tuổi trẻ và quê hương từng ấp ủ thoáng một chút gì hơi chao động và xôn xao khi tiếp xúc với những đồng nghiệp từ Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội... vào Nam làm công tác giáo dục.  Cái khác giữa tôi và họ không phải là chiếc xe Honda hay chiếc xe đạp phượng hoàng Trung Quốc; cũng chẳng phải là bộ áo quần may đúng thời trang hay quần áo quốc doanh. Cái khác đầu tiên là nề nếp suy tư đã hình thành và tôi luyện trong hoàn cảnh xã hội khác nhau giữa hai miền Nam Bắc.   
          Sân trường Đồng Khánh những buổi sáng mùa Xuân sau 1975 vẫn có sương mù và nắng lụa êm như nhung, nhưng những chao đảo câm nín của lòng người làm tôi bao lần có cảm giác như sách vở học trò cũng vương mang một men sống lạ. Chữ nghĩa không còn nằm im lìm ép mình trong trang sách nữa mà nhảy múa như theo một nhịp sống mới. Có lẽ trong cuộc đổi đời nầy, tôi không có duyên nợ với thơ văn nên được làm trưởng ban lao động sản xuất của trường Đồng Khánh, cùng với Hồ Hữu Hạnh, giáo sư Anh Văn và Vĩnh Ba, giáo sư Toán làm phó ban. Lâu lâu có “Mệ Quế” tức là Vĩnh Quế, giáo sư Lý Hóa, tăng cường cho đủ “tứ nhân bang”.
          Lao động sản xuất là một môn học mới.  Một môn học mới trong một hoàn cảnh mới, lại phụ trách bởi những giáo sư mới chưa có một chút kinh nghiệm thực tế lao động là một hiện tượng hơi lạ. Tìm đủ việc hàng tuần cho mấy nghìn học sinh các lớp đâu có dễ gì hơn bàn kế hoạch vượt vượt biển Đông bằng bè chuối.
          Tôi cứ theo quan niệm cổ xưa và đơn giản nhất là có cá thì có nuớc, có đất thì có cây.
Mấy tháng đầu,  Đồng Khánh cũng thi đua với các trường Quốc Học, Nguyễn Huệ, Gia Hội… vác  cuốc ra sân lao động sản xuất, sân trường đã trở thành thực tế chiến trường cho cả thầy trò làm lao động.  Nhưng đến khi cống rãnh thoát nước cũng đã có khoai sắn mọc lên la liệt thì phải rủ nhau lên núi, xuống ngàn mà lao động. Làm sao tôi quên được cây lệ liễu trước bồn hoa văn phòng hiệu trưởng và những cây phượng vỹ ở sân trường đã mọc lên ở đó, đã chứng kiến những thế hệ học trò tiếp  nối ra đi.  Giữa rừng dao rựa và cuốc xẻng trùng trùng của các em học sinh giỏi môn học lao động tới mức “thà cuốc lầm hơn bỏ sót”, ban lao động chúng tôi phải bảo vệ từng gốc cây phượng vỹ như bảo vệ nét chân tâm của những tấm lòng trong sáng giữa buổi giao thời.
          Cho đến khi ký hợp đồng với Lâm Trường Tiền Phong để trồng mấy chục vạn cây thông và bạch đàn trên núi Ngự Bình, tôi vẫn không hiểu vì sao bao năm qua những ngọn núi bình phong của Huế vẫn chịu cảnh “Núi Ngự không cây chim đậu đất...”. Rồi đến những ngày dài thầy trò Đồng Khánh trồng cây trên núi Ngự Bình mà dù ai có vụng nhất cũng trồng được năm mười cây trên những triền núi thấp. Núi thì xa mà gió rừng thì mạnh, tôi chỉ sợ học sinh mình bị lạc. Thầy cô chủ nhiệm dắt một lớp đi đã khó, huống chi đem cả nghìn học sinh đi lao động.
          Mấy nghìn học sinh Đồng Khánh lao động trên núi Ngự Bình chưa có em nào bị lạc, nhưng toàn ban lao động Đồng Khánh một thời đã “lạc” xa mù tận bên kia trời Tây: Tôi lạc qua Cali, Hồ Hữu Hạnh lạc về Texas, Vĩnh Ba lạc tới Colorado. Trong tứ nhân bang khoai sắn một thời, chỉ có Vĩnh Quế còn ở lại, nhưng biết đâu chàng ta cũng bị lạc trong hồn Phượng Vỹ!
Xong lên núi, ban lao động lại phải xuống ngàn. Học trò Đồng Khánh, thế hệ bắc cầu của ba năm cuối trung học 1974-1977, chắc chưa ai quên chiến dịch Lao Động Phong Sơn.
Phong Sơn là vùng đất hoang tràm chổi phía Trường Sơn gần Cổ Bi, Hiền Sĩ cách Huế khoảng 35 cây số. Nhà trường xin được chừng hai mươi mẫu để trồng sắn. Thầy trò đi lao động phải khăn gói dựng lều ở lại qua đêm. Ngày tiến công xuất phát, khí thế như xuất quân. Mấy cô học trò Đồng Khánh đi lao động trồng sắn mà giống như đi cắm trại ngoài trời. Cũng quần chẽn, áo thun, mũ lát hoa; cũng bới theo trái cốc, ô mai... thay vì cơm mo cau, gạo ruột tượng, nước chè gừng. Đến hiện trường, các cô bao khăn trên cán cuốc vì sợ lòng bong tay. Đến khi lên vồng trồng sắn, thân cây sắn giống cắt ngắn, không phân biệt nổi đầu đuôi nên gần một phần ba học sinh trồng sắn cắm ngọn xuống đất chổng gốc lên trời. Thế mà tội nghiệp, vì thương Đồng Khánh nên sắn vẫn mọc, nhưng củ lại đắng và ăn và sẽ bị say nghiêng ngửa. Hình ảnh Đồng Khánh lao động sản xuất đã được thầy Củng dạy toán, từ Hà Nội vào, nhận xét: “Trông giống như văn công ngoài biểu diễn vũ khúc ngoài trời!”
          Sau ba bốn tháng “với sức người sỏi đá cũng thành cơm”, thầy trò Đồng Khánh đã thu hoạch được gần mười tấn sắn. Thành tích lao động của trường Đồng Khánh được ty Giáo dục khen ngợi nhiệt thành.  Nhưng chỉ có một “sự thật phũ phàng” mà mọi người không để ý tới là giá thành sản phẩm.  Mỗi cân sắn bán ra cho cán bộ công nhân viên nhà nước là 3 hào rưỡi mà phí tổn sản xuất mỗi cân do ban lao động chúng tôi tổng kết lại là khoảng 5 đồng. Cũng suýt soát hơn hai chục lần lỗ vốn. Bởi vậy, một số học trò biết chuyện thường cười khúc khích gọi đùa sắn Đồng Khánh sản xuất là “sắn sâm Cao Ly”.
Mười năm sau tôi về lại lên núi Ngự Bình. Những cây thông nhỏ như chân chim sơn ca thuở nào bây giờ đã lớn. Tàng cây xanh như mái tóc thề che phủ cả phong sương. Tôi lặng lẽ ngồi dựa dưới bóng thông chiều. Mười năm trước gió núi xao xác về thổi bay tóc mây của học trò, bây giờ đã có những lá thông thay tóc mây rì rào với gió. Mười năm đếm được trên những nhánh thông, nhưng bóng dáng cũ thì vẫn còn mường tượng trước mắt. Dáng xuôi ngược của anh Châu Trọng Ngô, tiếng dậy rừng của Nguyễn Hữu Châu Phan, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của chị Lưu Ty, bàn tay trồng cây mà vẫn nhẹ nhàng quý phái như chơi đàn nguyệt của chị Bích Đào...
Chiều nay, có tiếng cười nói vang vang trẻ thơ vang vọng dưới chân đồi.  Các em có thể về đây cắm trại, du ngọan hay cào lá khô về nhóm lửa.  “Núi Ngự không cây chim đậu đất!” một thời nay đã thành đồi thông xanh mướt.  Tôi ngây ngất giữa tiếng đồi vọng của gió, của núi, của thung lũng, của ai đó ở lưng chừng đồi. Vẫn còn nghe đâu đây tiếng đọc thơ nhè nhẹ của thầy Nguyễn Đình Niên – thi sĩ Tường Phong của trường Đồng Khánh; tiếng còi thầy gọi trò cho khỏi bị lạc...
Mười năm trôi qua nhanh như mới buổi chiều hôm trước.  Thế hệ đàn em của tôi có ai còn nhớ những giờ lao động thời đó khi ngồi dưới rừng thông xanh hôm nay. 
 
r
 
Tôi vẫn nhớ “sắn sâm” Đồng Khánh như một ý niệm ngồ ngộ về Phượng và Sắn giữa sân trường nhưng chưa bao giờ được ăn thử. Ngày trước khi mới bới sắn về thì thầy trò chỉ mong có chén cơm trắng không độn khoai sắn nên chưa ăn, mà mãi khi đến xứ người thì chỉ có sắn Tàu hay sắn Thái. “Sắn sâm” ngỡ như đã trở thành huyền thoại giống chuyện củ sâm nghìn năm để luyện thuốc truờng sinh trong chuyện kiếm hiệp Tàu, ai ngờ cũng có một ngày đẹp trời “sắn sâm” trở lại với tôi trên đất Mỹ làm khuấy động mặt hồ ký ức tưởng như không còn vướng vất chuyện ngày qua.
Một người học trò Đồng Khánh cũ qua Mỹ với chồng theo diện H.O và tình cờ ghi danh vào học lớp ngôn ngữ do tôi phụ trách. Ngày mồng một Tết con cọp năm nay nhằm ngày thứ Tư, nên tôi vẫn lên lớp như thường lệ. Vài sinh viên Việt Nam vắng mặt đón Xuân. Những sinh viên Mỹ cũng chỉ biết ngày thứ Tư là ngày có lớp như mọi thứ Tư khác trong tuần. Thế thôi. Cuối giờ, cô sinh viên cựu học sinh Đồng Khánh tặng cho tôi một món quà Tết nho nhỏ với lời chúc “vạn sự như ý”. Lên xe, mở quà ra tôi bỗng cảm thấy vui như mùa Xuân khi đọc mảnh giấy nhỏ kèm với hai củ sắn, bở trắng, phảng phất mùi lá dứa và hương cau. Miếng giấy ghi: “Kính tặng thầy ‘sắn sâm Đồng Khánh,’ do ông xã em trồng trong chậu kiểng đó thầy”. Tôi ăn củ sắn. Tôi không còn nhớ hương vị sắn Đồng Khánh ngày đó có ngon như thế hay không.  Nhưng dù ngon hay dở mà củ sắn do chính những bàn tay bút nghiên của học trò mình làm ra thì đối với thầy, dù buôn một, lỗ ba mươi cũng thật đáng đồng tiền bát gạo.
Tay cầm miếng sắn, tay cầm vô lăng, tôi lái đi trong giòng xe như giòng đời lao nhanh vun vút trên xa lộ vô tình vào ngày Tết thiêng liêng. Sự dửng dưng của phố xá quê người làm tôi thấy xót xa và nhớ quê nhà, nhớ những kỷ niệm đã thành chuyện kể. Giờ đây, những củ sắn thôi mọc chung giữa sân trường phượng đỏ và ước chi những củ sắn mọc lên tự tiềm thức cũng không còn.  Tà áo trắng đã trở lại trường Đồng Khánh: “Một thời để yêu” đã thắng “một thời để chết”. Quốc Học – Đồng Khánh, hai ngôi trường cặp đôi đó vẫn tiếp tục vẽ thêm cho Huế những nét đẹp không tàn phai.
 
Chút tâm sự cá hồi

Nghĩ đến tuổi trăm năm Quốc Học Đồng Khánh, nhìn những mái tóc bạc và dáng vẻ chiều hôm của quý Thầy, Cô cùng những mái tóc muối tiêu và dấu vết quá nửa đời của bạn cũ trong những dịp họp mặt thân hữu Quốc Học Đồng Khánh, tôi lại nhớ mấy câu thơ trong một bài nào đó của Lưu Trần Nguyễn, tác giả bài “Đồng Khánh Năm Xưa”:
Rồi mai tê tuổi già bóng xế
Đem nghìn trùng về giữa hư không.
Tuổi già bóng xế là con đường trăm sông về một cõi không ai tránh được.  Nhưng có chăng một giao điểm giữa nghìn trùng và hư không để hai đối cực nầy về lại với nhau. Cho đến những năm đầu tiên định cư trên đất Mỹ, tôi thường nghĩ về Huế như một “Lầu Hoàng Hạc” trong thơ thôi Hiệu ngày xưa mà ở đó, những đứa con của Huế ra đi là những con hạc vàng một đi không trở lại (hoàng hạc nhất khứ bất phục phản).  Ít nhất cũng là không trở lại được tổ ấm cũ chẳng còn hiện hữu của mình.
Với cuộc sống mới, tôi đi tìm một tổ ấm khác và ngỡ như dễ dàng quên đi cái tổ cũ quá đơn sơ kết bằng cọng rơm và tranh tre, lau lách.  Hình như thực tế xuôi dòng theo thời gian đã dẫn tôi về một hướng ngược lại.  Càng ngày, sự hội nhập của tôi vào xã hội mới càng chững lại.  Khác với lý thuyết “Bốn biển một nhà” (Melting Pot) mà những người Mỹ tiền phong ước đoán rằng, tất cả các dân tộc hợp chủng di cư vào đất Mỹ sẽ hoà hợp, trộn lẫn với nhau trong cái “Nồi Xúp Nóng Chảy” Hoa Kỳ thành một hợp thể thống nhất, thực tế không đồng tình với sự ước đoán.  Thực tế, xã  hội Hoa Kỳ là một “tô rau tập tàng” (Salad Bowl) mà trong đó mỗi dân tộc và mỗi nhóm người vẫn giữ riêng bản sắc của mình.  Tất cả đều mang “tinh thần quân tử” của Khổng Tử “hoà nhi bất đồng”. Và dĩ nhiên người Việt, dù có tha thiết và nóng lòng muốn Mỹ hóa đến mức nào đi nữa thì cũng đành phải “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!” Nghĩa là biết bao giờ mới đổi được vóc dáng Việt Nam thành “người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ” như người đẹp Paris của Cung Trầm Tưởng.
Sau hơn 20 năm “nội chiến từng giờ” với chính mình trên đất Mỹ để sống còn và vươn lên, ngoảnh mặt lại tôi ngỡ ngàng tự hỏi: “Tôi là ai?” Thời gian đủ dài để biến một đứa bé sơ sinh thành một người trưởng thành trẻ tuổi.  Hoàn cảnh đủ mạnh và chín mùi để sản xuất một mẫu thanh niên Mỹ từ ngôn ngữ đến tư tưởng, từ cách sống đến cách nhìn.  Riêng mình, cũng giống như những người Việt cùng thời và cùng trang lứa, tôi xông xáo cố hội nhập vào đời sống Mỹ càng nhanh càng dễ sống.  Tôi cố luyện giọng nói tiếng Ăng Lê âm mũi cho dẽo, xông xáo vào xã hội Mỹ cho sâu, làm quen với mùi chiên (fried), mùi hun khói (smoked), mùi xốt cà chua (catchup)… càng ít bị dị ứng càng tốt.
Năm bảy năm đầu tiên, đã có lúc tôi bùi ngùi khi tự thấy rằng, mình thật sự đã xa Việt Nam hàng vạn dặm về cả địa lý, tâm lý và tri lý.  Tôi hân hoan đi vào xã hội Mỹ không còn những bước chân khập khiểng.  Tôi bằng lòng với chính bản thân mình, gia đình mình và xã hội xung quanh.  Tôi có những gì thuộc về đời sống tinh thần, vật chất và tri thức mà một người Mỹ trung bình muốn có.  Nhưng sau những tháng ngày dài phấn đấu không mõi mệt ở quê người, từng sợi tóc đổi ra mầu bạc và những phù hoa bám bụi trong tôi cũng dần dà rơi xuống và mất dấu để cái lõi của mình lù lù hiện ra như một sự thách đố khi nhẹ nhàng, khi ray rứt, khi bão liệt… mỗi ngày một đậm nét.
Hơn mười năm sau, càng ngày tôi càng khám phá ra rằng, bản thân mình là một thứ gà cồ ăn quẩn cối xay, một sản phẩm bằng da đã thuộc, một gã Xã Xệ ngồi bên bờ biển xanh Miami, Monterey với Tây Đầm mà cứ mặc áo dài, chống dù đòi “ta về ta tắm ao ta!”  Nói một cách thật thà thì dẫu sao tôi cũng là người tiến bộ trong đám chậm tiến vì tôi biết tỏng là mình chậm tiến. Nhưng cũng có người nằm ngủ khoèo trong lòng máy bay mà cứ ngỡ mình đang bay thiệt như có cánh thiên thần, ngồi trên lưng ngựa mà cứ tưởng mình tung vó. Nói rằng họ đứng một chỗ cũng không đúng, mà nói họ đang bay cũng không ổn.  Đứng một chỗ sao lại từ Mỹ về Việt Nam được; mà đang bay thì tại sao vẫn nhắm mắt nằm nguyên một nơi trên ghế nệm.  Hai đối cực nghìn trùng và hư không đang gặp nhau ở điểm nầy chăng?  Dòng sống như chiếc máy bay đang lao nhanh vun vút về phía trước mà tôi vẫn dừng lại giữa lòng cuộc đời.  Tôi bay vì quả địa cầu đang quay vun vút và cánh máy bay chẻ mây vượt gió trôi đi. Nhưng đứng lại vì nhìn bóng mình cũng chỉ là bóng đổ tường xiêu trên vách đời đã cũ.
Hai thập niên qua rồi mà mỗi chiều thứ sáu, tôi vẫn lao đao giã từ thế giới Mỹ, bươn bả đi tìm bạn ta.  “Bạn ta” trong khái niệm của riêng tôi không nhiêu khê như khái niệm “quân tử chi giao” của truyền thống Á Đông.  Tôi chỉ cần được ngồi với những người anh em nói chung một ngôn ngữ./. 
Trần Kiêm Đoàn
Tải Blog:26.4.2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét